LỤC VÂN TIÊN
1
Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu
Với cuốn Lục Vân Tiên
Được người dân Nam Bộ
Coi như bậc thánh hiền.
Cụ là người khẳng khái,
Rất trọng nghĩa, thương dân,
Một tấm lòng yêu nước,
Bậc anh tài thơ văn.
Như tính người Nam Bộ,
Bộc trực và chân tình,
Thơ Cụ tuy mộc mạc,
Mà tỏa sáng lung linh.
Là ông đồ, Cụ dạy
Đặt “trung hiếu làm đầu,”
Phải “dữ răn việc trước”
Và “lành dè thân sau.”
“Lục Vân Tiên” được viết
Khi Cụ đã mù lòa.
Hai nghìn câu lục bát,
Dân dã mà thăng hoa.
Tuy công bằng mà nói,
Đôi khi, cũng không nhiều,
Chắc bí từ, nên Cụ
Ép vần, nghe thật yêu.
Đây là cuốn tiểu thuyết
Về luân lý, tình thương,
Kiểu “văn dĩ tải đạo”
Về “đạo nghĩa, luân thường.”
Giờ tôi xin viết lại
Cốt truyện Lục Vân Tiên,
Một việc làm, tôi nghĩ,
Hơi khùng và vô duyên.
Nhưng như Kiều, có lẽ
Nó cũng cần cho người
Muốn đọc văn thơ cổ
Mà lại bận, hay lười.
Thì đây, xin mời đọc
Tóm lược cuốn sách này.
Tôi nhận mọi phần dở,
Nhường Cụ Đồ phần hay.
2
Ở Đông Thành, huyện nọ,
Nhờ tu đức, tích hiền,
Nhà kia sinh cậu bé
Gọi là Lục Vân Tiên.
Cậu lớn lên, khỏe mạnh,
Lại chăm chỉ, miệt mài,
Nên khi mười sáu tuổi
Đã văn võ toàn tài.
Nghe tin vua năm ấy
Thông báo mở khoa thi,
Chàng xin thầy xuống núi
Để ra chốn kinh kỳ.
Dọc đường, chàng chợt thấy
Dân “than khóc tưng bừng”,
Người lớn và con nít
Dắt díu, chạy vào rừng.
Hỏi ra thì mới biết
Có phường cướp Phong Lai,
Trước tên là Đỗ Dự,
“Tụ tập chốn sơn đài”.
Chúng hàng ngày xuống núi,
Bọn hảo hớn rừng xanh,
Bắt hiếp con gái đẹp,
Cướp của người dân lành.
Vân Tiên nghe, tức giận,
Tay cầm gậy, nhào dzô,
“Liều mình như chẳng có”,
Nhắm vào bọn côn đồ.
Phong Lai, tên thủ lĩnh,
Thì không kịp trở tay,
Đã bị chàng đánh chết.
Đáng đời tên cướp này.
Xong, đang định đi tiếp
Thì bất chợt chàng nghe
Có tiếng phụ nữ khóc,
Vẫn còn ngồi trong xe.
Đó là một cô gái,
Tất nhiên đẹp tuyệt trần,
Vì gái xấu, ta biết,
Ít được vào thơ văn.
Nàng là ai, chàng hỏi,
“Phận gái có việc gì”
Phải đến đây, gặp nạn,
“Mà tên họ là chi?”
Nàng kia lạy rồi đáp:
“Em là Kiều Nguyệt Nga,
Người ở Tây Xuyên quận,
Vốn ‘gia giáo con nhà’.
Bố em là tri phủ
Miền Hà Khê, cũng gần.
Xin mời chàng tới đó
Để liệu bề tri ân.”
Lục Vân Tiên từ chối,
Thoái thác phải lên đường.
Rồi hai người trò chuyện,
Rồi lửa tình vấn vương.
Và cuối cùng, dễ hiểu,
Chuyện kết thúc thế này:
Hai người đã hẹn ước,
Dùng dằng tay trong tay.
Nguyệt Nga gỡ mái tóc,
Trao cho chàng chiếc trâm,
Cùng lời thề son sắt,
Tri ngộ và tri âm.
Đến đây, cụ Đồ Chiểu
Dành một đoạn khá dài
Để tả cảnh ly biệt,
Cũng đượm mùi bi ai.
Cả chuyện nàng xướng họa,
Chàng đối, thật dễ thương.
Ta bây giờ sống vội,
Xưa chuyện ấy bình thường.
Tự tay nàng còn vẽ
Bức chân dung của mình,
Để chàng xem, đỡ nhớ.
Đúng là thật có tình.
3
Lục Vân Tiên đi tiếp,
Trên đường ra kinh kỳ
Chàng gặp một nhân vật
Cao lớn, “mặt đen sì”.
Cũng là một sĩ tử,
Tên gọi là Hớn Minh,
Quê ở Ô Mi huyện,
Tài giỏi và thông minh.
Ở đời, như ta thấy,
Ai dị thường, khác người,
Thường là bậc tài giỏi,
Một dạng con nhà trời.
Rất tâm đầu, ý hợp,
Không phân tài thấp cao,
Hai người vào võ miếu,
Cùng kết bạn tâm giao.
Chàng Hớn Minh đi tiếp,
Vân Tiên ghé về nhà
Bấy lâu nay xa cách,
Tiện đường, thăm mẹ cha.
Thật vui và cảm động
Cảnh đoàn viên gia đình.
Trước khi chàng khăn gói
Lại lên đường về kinh,
Cha chàng cho chú nhóc
Đi theo hầu, giúp chàng
Cùng một bức thư nhỏ
Gửi bạn ở Hàn Giang.
Ông là Võ Hồ Việt,
Có con Võ Thể Loan,
Tuổi “mới hai lần bảy”,
“Mặn mà đường dung nhan.”
Tiếp đến là một đoạn
Tả cảnh vật vui tươi,
“Trên nhành chim đang hót”,
“Dưới ao cá mỉm cười.”
Hàn Giang “cảnh thật đẹp,”
“Gió đưa xuân sang hè”
“Thong dong đường dặm liễu”,
Đất trời “rộn tiếng ve.”
Vân Tiên được Hồ Việt
Tiếp đón rất ân cần.
Đọc xong thư bạn viết,
Tình thân càng thêm thân.
Nên ông đã có ý
Gả con gái cho chàng,
Sau khi ngầm xem xét
Tướng mạo rất kỹ càng.
Ta xem Cụ Đồ tả:
“Chàng mắt phụng, môi son”,
Tinh thần và cốt cách
Đúng “mười phân vuông tròn”.
Rồi chủ nhà cho gọi
Một người trẻ, họ Vương,
Có tên là Tử Trực,
Vốn giỏi bề văn chương.
Tử Trực là hàng xóm,
Lần này cùng đi thi.
Vui vẻ cuộc tao ngộ,
Đua khoe chuyện cầm kỳ.
Sau đó họ kết nghĩa,
Đồng môn và đồng hành.
Lục Vân Tiên sắc sảo
Nên được tôn làm anh.
Được cha dặn từ trước,
Nàng Thể Loan dễ thương
Dậy sớm rồi tô điểm
Tiễn Vân Tiên lên đường.
Hoàn toàn không úp mở
Mà thẹn thùng cũng không,
Nàng tỏ ý muốn lấy
Lục Vân Tiên làm chồng.
Lại còn dặn chàng nhớ
“Đừng tham đó bỏ đăng”
“Không ham lê nhạt lựu”
Và “có đèn quên trăng.”
Nhưng Vân Tiên im lặng.
Chàng chưa quên Nguyệt Nga.
Thế mới biết, đôi lúc
Rất vô duyên, đàn bà.
4
Lục Vân Tiên đi tiếp.
Lần này đi cùng chàng
Còn có Vương Tử Trực,
Nên vui và nhẹ nhàng.
Hai người bạn đàm đạo
Đủ mọi chuyện xưa nay,
Đến mức tới kinh phủ
Tự lúc nào không hay.
Ở đấy, họ kết bạn
Với hai người đi thi
Là Trịnh Hâm, Bùi Kiệm
Lúc vừa đến kinh kỳ.
Ở chung một quán trọ,
Bốn người bạn cùng nhau
Đàm đạo đủ mọi chuyện,
Rất ý hợp tâm đầu.
Nhưng Trịnh Hâm, xấu bụng,
Thấy chàng Lục Vân Tiên
Giỏi hơn mình mọi mặt
Nên đem lòng thầm ghen.
Cuối cùng kỳ thi đến,
Người đổ về rất nhiều.
Phố xá thành chật hẹp,
Toàn những chõng với lều.
Bỗng nhiên có tin dữ:
Mẹ chàng mất, và chàng
Lại khăn gói vội vã
Kíp về nhà chịu tang.
Bạn bè xúm đưa tiễn,
Trong đó có Trịnh Hâm.
Hắn nói lời ngon ngọt,
Mà đen tối trong tâm.
Ai cũng lấy làm tiếc
Rằng chàng nhỡ khoa thi,
Thôi thì đành, lần khác.
Chàng vội rời kinh kỳ.
5
Đường về xa dằng dặc.
Mới đi được mười ngày,
Chàng thấy người khó chịu,
Mắt sưng và cay cay.
Tiếp đến, chàng ốm thật,
Phải lo đường thuốc thang,
Rồi nhờ người ta mách
Gặp được thầy Triệu Ngang.
Ông thầy này, thật tiếc,
Nói một tấc đến trời,
Thuốc rởm, giá lại đắt,
Nên bệnh chàng không vơi.
Thế là chàng rốt cục
“Tiền mất, bệnh vẫn còn,”
Nơi quê người đất khách,
“Xép ruột tằm héo hon”.
Vân Tiên, mù hai mắt,
Được tiểu đồng dắt đi,
Trải qua trăm nỗi khổ -
Quả không thiếu nỗi gì.
Theo lời Cụ Đồ Chiểu,
Họ gặp nhiều “tai nàn”,
Tức là nhiều tai nạn.
Ôi, gian nan, gian nan
Là cái việc tìm chữ
Và tìm vần cho thơ.
Cụ Chiểu xưa còn thế,
Nói gì tôi bây giờ.
Nên đời tôi khốn khổ,
Nay tóc bạc ba phần,
Bụng to, chân teo tóp,
Cũng chỉ vì tìm vần.
Lúc mặt trời vừa lặn,
Họ tới được Đại Đề,
Cũng là khi sĩ tử
Thi xong, từ kinh về.
Trịnh Hâm trong số đó.
Hắn gặp chàng, cho hay
Tử Trực đỗ đầu bảng,
Danh giá nhất lần này.
Còn hắn và Bùi Kiểm
Chỉ đỗ hàng cử nhân.
Lần nữa hắn thơn thớt
Nói toàn chuyện nghĩa, ân.
Hắn còn hứa giúp đỡ
Vân Tiên và tiểu đồng
Về nhà không vất vả,
Bằng thuyền, theo đường sông.
Hắn rủ rê chú nhỏ
Vào rừng tìm lá cây
Để chữa mắt cho chủ,
Và rồi, giữa rừng dày
Hắn trói chú, tội nghiệp,
Vào một gốc dương to:
“Chú mày đứng đây nhé,
Đợi đến lúc hổ vồ!”
Đêm hôm ấy, ngủ thiếp,
Sơn Thần động lòng thương,
Cởi trói, cho ăn uống
Rồi đưa chú ra đường.
Chú quay về tìm chủ,
Tìm hỏi mãi, người ta
Bảo có người ốm nặng
Vừa mới chết hôm qua.
Xét theo lời mô tả,
Chú đoán Lục Vân Tiên
Đã chết thật, và chú
Đòi ra xem mộ liền.
Chú vật vã than khóc
Bên “nầm mồ le te”,
Rồi quyết định ở lại
Suốt đời không về quê,
Để sớm chiều rau cỏ,
Chăm sóc mộ chủ mình.
Một chú bé thật tốt,
Chí nghĩa và chí tình.
Trong khi đó, lại nói,
Trịnh Hâm lừa Vân Tiên,
Chú bị hổ ăn thịt.
Chàng tin, rất ưu phiền.
Rồi chàng, được hắn dắt,
Cùng đi ra bờ sông,
Nhân khi chàng sơ ý,
Xô ngã xuống giữa dòng.
6
Một số phận oan nghiệt,
Một kiếp đời đắng cay.
Lục Vân Tiên, thử hỏi,
Sao phải chịu điều này.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ,
Bà ngoại đọc tôi nghe,
Đến đoạn này, bà khóc,
Nước mắt ướt dầm dề.
Nghe nói thời con gái
Bà đã học thuộc làu
Tập thơ này đồ sộ,
Những hơn hai nghìn câu.
Thế mà tôi, học giả,
Nhiều lắm được mươi dòng.
Đến cháu tôi, có lẽ
Con số là số không.
Ừ, mà sao thế nhỉ?
Có cớ để băn khoăn.
Thực tế là, vốn cổ
Đang bị lãng quên dần.
Nhưng mà thôi, quay lại
Với chàng Lục Vân Tiên.
Hy vọng trời thương xót
Những ai ăn ở hiền.
Vậy là, lòng hiểm độc,
Trịnh Hâm đã xô chàng
Ngã xuống dòng nước xiết
Con sông dữ Hàn Giang.
May trời còn có mắt,
Vội cho thần Giao Long
Kíp bơi đến cứu vớt,
Đưa chàng lên bờ sông.
Lúc ấy trời vừa rạng,
Có ông ngư phủ già,
Thấy thế, liền thương hại,
Đưa chàng vào trong nhà.
Vợ chồng ông nhóm lửa
Sưởi cho chàng ấm thân,
Còn lựa lời an ủi,
Cho uống rồi cho ăn.
Họ mời chàng ở lại,
“Ngươi hãy sống cùng ta,”
Dù bữa no, bữa đói,
Nhưng “vui cửa, vui nhà.”
Không còn cách nào khác,
Chàng ở lại mấy ngày,
Tình cờ, chàng được biết
Rằng cũng ở gần đây
Là nhà Võ Hồ Việt
Và con gái Thể Loan,
Vốn nơi quen biết cũ,
Tình xưa cũng nồng nàn.
Chàng nhờ lão ngư phủ
Đưa đến gặp Võ Công.
Ông kia khuyên cẩn thận,
Vì ai thấu ai lòng.
“Chớ tin sông bến cũ,”
“Mấy ai người hảo tâm,”
Ít người “khi gặp nắng,
Còn nhớ lúc mưa dầm.”
Chàng không nghe, ông lão
Đành phải đưa chàng đi.
Tới nơi, thấy người cũ,
Võ Công không nói gì.
Hắn tìm gặp con gái,
Bảo Vân Tiên đã về,
Nhưng mù hai con mắt,
Lại rách rưới, ủ ê,
Và rằng nàng có muốn
Lấy anh ta làm chồng?
Thể Loan nhăn nét mặt,
Không một chút động lòng.
“Làm sao con có thể
Lấy một thằng mù lòa,
Để khổ đau, nhục nhã,
Để phí một đời hoa?
Nghe nói chàng Tử Trực
Lần này là khôi nguyên.
Vậy, con chờ đến lúc
Được cùng chàng nên duyên.”
Liền hứa với Vân Tiên
Cha nàng nghe nói vậy
Đưa chàng về quê cũ
Cũng đường sông, bằng thuyền.
Rồi ngay đêm hôm ấy,
Khi trống điểm canh ba,
Chàng lên thuyền cùng hắn
Và một lũ lâu la.
Thuyền cứ đi, đi mãi,
Chầm chậm theo dòng sông,
Bốn xung quanh trời tối,
Thuyền đến hang Thương Tòng.
Đó là một hang tối,
Rất sâu, cây mọc dày.
Lục Vân Tiên bị chúng
Bỏ một mình ở đây.
Đã mù lòa, lại ốm,
Hỏi chàng biết làm gì
Ngoài việc chờ chết đói,
Ôi lòng người thị phi.
Trong, “lưng dựa phiến đá”,
Ngoài, “lác đác mưa rơi”,
Gió lạnh như cắt thịt,
“Đói khát năm ngày trời.”
Chợt Du Thần nhìn thấy,
Bèn đem lòng xót thương,
Đưa chàng ra khỏi động,
Đặt nằm bên vệ đường.
Vô tình cũng lúc ấy
Có một lão tiều phu
Đi ngang qua, nhìn thấy,
Động lòng thương người mù,
Lấy thức ăn của lão
Cho chàng ăn no nê,
Rồi dẫu thân già yếu
Lão cõng Vân Tiên về.
Trên đường về nhà lão
Họ bỗng gặp vô tình
Một người rất to lớn,
Thi ra là Hớn Minh.
Hớn Minh kể trước đó,
Trên đường ra kinh kỳ,
Gặp con quan họ Đặng,
Cậy thế giàu, khinh khi,
“Hắn ngang nhiên ỷ thế,
Cưỡng con gái thường dân”
Chàng tức giận, quật ngã,
Còn “bẻ gãy một chân”.
Rồi bị quan phủ bắt,
“Án đày ra Sóc Phang,”
Chàng vượt ngục, tìm đến
Ngôi chùa bên Hàn Giang.
Chàng mai danh ở đó
Một mình bấy lâu nay.
Đúng là trời run rủi
Cho gặp nhau nơi này.
Chàng lấy hai lạng bạc,
Quỳ lạy, đưa ông già,
Mong đền ơn cứu bạn,
Một chút ít gọi là.
Ông lão không chịu nhận,
Cáo lỗi, vào rừng ngay
Để còn kiếm chút củi
Ra kịp bán chợ ngày.
Hớn Minh liền đưa bạn
Về am chùa của mình,
Cho ăn uống, nghỉ dưỡng,
Chăm sóc rất tận tình.
7
Lại nói, thi lần ấy,
Tử Trực đỗ thủ khoa,
Rồi ngựa xe, cờ trống,
Chàng vinh qui về nhà.
Võ Công cho chàng biết
Rằng bạn chàng, Vân Tiên,
Không may ốm, đã chết,
Rằng “đứt gánh nhân duyên.”
Hắn còn vờ than khóc,
Thương tiếc chàng khôn nguôi,
Rồi an ủi Tử Trực:
“Thôi, thì việc đã rồi,”
“Tủi duyên hai con trẻ,”
Ta cũng thương lắm thay.
Tử Trực nay đã đến,
Thì “xin ở lại đây,”
Để cùng con gái lão,
“Sớm sum vầy thất gia.”
Tử Trực nghe, tức giận
Bèn quát bảo lão già:
“Hồ đồ, lão thừa biết
Ta và Lục Vân Tiên
Đã kết tình huynh đệ,
Từng ‘giao ước lời nguyền.’
Lão hứa gả con gái
Cho Vân Tiên từ đầu,
Thể Loan, nay chàng chết,
Với ta là chị dâu!”
Khác với “loài cầm thú”,
Người “nặng tình nhân duyên”,
Ta không phải Lã Bố,
Đừng chơi thói Điêu Thuyền!”
Võ công nghe, xấu hổ,
Ốm nặng, nằm thu lu,
Được năm ngày thì chết,
Để tiếng xấu nghìn thu.
Tử Trực lau nước mắt,
Sắm lễ tới Đông Thành
Để thăm viếng nhà bạn
Nhỡ con đường công danh.
8
Trong khi đó, lại nói,
Bố con Kiều Nguyệt Nga
Sống ở Hà Khê huyện
Rất phẳng lặng, yên hòa.
Bố nàng được cất nhắc
Lên hàng chức thái khanh,
Rồi vua ban chiếu chỉ
Chuyển sang huyện Đông Thành.
Ở đấy, nàng được biết
Ốm nặng, Lục Vân Tiên
Đã chết, nằm đâu đó,
Thế là nhỡ tình duyên.
Nàng vô cùng đau khổ,
Khóc, thưa với Kiều ông,
Rằng một khi đã vậy
Nàng quyết không lấy chồng.
Rằng “lẻ bầy loan phụng”,
“Thân con đứng giữa trời”,
Xin “giữ trọn tiết hạnh”,
“Con thờ chàng suốt đời!”
Đúng là gương tiết nghĩa
Về tứ đức, tam tòng.
“Tòng phu” với người chết,
Thậm chí chưa là chồng!
Ở triều đình lúc ấy,
Thái sư rất quyền hành,
Nghe tiếng nàng xinh đẹp,
Đem lễ đến Đông Thành
Xin cưới nàng làm vợ
Cho con trai của mình.
Nhưng nàng quyết không chịu,
Thà một lòng quyên sinh.
Tức giận vì trả lễ,
Thái sư bắt Nguyệt Nga
Đem làm lễ dâng tặng
Cho vua nước Ô Qua.
Khi thuyền tới biên giới,
Nàng gieo mình xuống sông,
Quyết một lòng tuẫn tiết,
Vì đạo nghĩa vợ chồng!
“Quân hầu đều đã ngủ,
Vân Tiên, chàng có hay,
Tình trăm năm gửi lại,
Một chút ở sông này!”
Quên một điều chưa nói:
Để nhớ người phương xa,
Nàng tạc bức tượng nhỏ,
Luôn giữ nó, vậy là
Nhảy xuống sông lần ấy
Nàng mang theo Vân Tiên
Để suối vàng, dưới ấy,
Cùng hội ngộ nhân duyên.
Lần nữa trời có mắt:
Phật Quan Âm động lòng,
Cho sóng dâng, nàng nổi,
Dạt vào vườn Bùi Công.
Bùi Công, cha Bùi Kiệm
Vốn trước cùng đi thi,
Cùng Vân Tiên, Tử Trực,
Gặp nhau chốn kinh kỳ.
Bùi Công, vốn nhân ái,
Nhận nàng làm con nuôi.
Mấy ngày sau Bùi Kiệm
Trở về nhà, và rồi
Thấy Nguyệt Nga xinh đẹp,
Bèn đem lòng thương yêu.
Nàng từ chối, không được,
Nên quyết định phải liều.
Đêm khuya, nàng bỏ trốn,
“Qua truông, lại lên đèo”,
“Giày sành, đạp đá sỏi”,
“Dế ri rỉ, sương gieo...”
Gần sáng, nàng bỗng gặp
Chống gậy, một bà già.
Bà hỏi: “Đây có phải
Là nàng Kiều Nguyệt Nga?”
Số là đêm trước đấy,
Bồ Tát báo về nàng,
Dặn bà phải đi đón
Và hết lòng cưu mang.
Bà làm nghề dệt vải,
Sống trong làng gần đây.
Dẫu lòng còn nghi vấn,
Nàng đi theo bà này.
9
Lại nói, ở chùa nọ,
Nơi chàng Lục Vân Tiên
Cùng Hơn Minh sống ẩn
Như một đôi bạn hiền.
Một đêm, đang say ngủ,
Chàng mơ thấy tiên ông
Đưa cho mấy viên thuốc,
Sáng dậy, vừa uống xong,
Lập tức mắt sáng hẳn,
Sáng như người bình thường.
Chàng liền sụp xuống đất,
Ơn Phật rủ lòng thương.
Vậy là, chao, thấm thoắt
Đã sáu năm trôi qua,
Chạnh lòng nhớ quê cũ,
Chàng “muốn trở về nhà.”
Hớn Minh đưa tiễn bạn
Đi hơn ba dặm đường,
Rồi trở lại am cũ
Mịt mùng trong bóng sương.
Vân Tiên đi một tháng
Mới về tới Đông Thành.
Thật may, còn đang sống,
Dẫu chưa tròn công danh.
Rồi mừng mừng, tủi tủi
Cảnh sum họp gia đình.
Hàng xóm đến đông đúc,
Ăn ở thật có tình.
Chàng được cha cho biết
Rằng nhờ nàng Nguyệt Nga
Luôn giúp đỡ tiền bạc,
Nên “đỡ khó việc nhà.”
Vân Tiên mang lễ mọn
Đến tạ nhà Kiều Công,
Nghe ông già kể chuyện
Mà đau thắt trong lòng.
10
Quyết sôi kinh, nấu sử,
Miệt mài học, Vân Tiên
Trong kỳ thi tiếp đó
Đã đỗ đầu Trạng Nguyên.
Vua liền ban áo mũ,
Được vinh quy về nhà.
Sau đó có chiếu chỉ
Đi dẹp giặc Ô Qua.
Vân Tiên là chánh tướng,
Phó tướng là Hớn Minh,
Người được vua tha tội,
Cho gọi về triều đình.
Đến đây, Cụ đồ Chiểu
Tả một đoạn khá dài
Về các trận giao chiến
Của các vị tướng tài.
“Tướng Phiên có hai gã,
Hỏa Hổ và Thần Long”,
Phe ta có “hổ tướng
Hớn Minh đi tiên phong.”
Nơi khác thì “Cốt Đột
Bị Vân Tiên đuổi theo”
Bỏ gươm giáo mà chạy,
Những “sáu núi, bảy đèo”.
Rồi hắn bị chàng chém.
Ta thắng trận, hả hê,
Nhưng Vân Tiên mãi đuổi,
Bị lạc đường quay về.
Trong rừng sâu, đi mãi,
Cuối cùng gặp ngôi nhà,
Chàng xuống ngựa, vào hỏi,
Thì gặp Kiều Nguyệt Nga.
Vậy là kết có hậu.
Nguyệt Nga và Vân Tiên,
Sau rất nhiều oan trái,
Thành chồng tốt, vợ hiền.
Rồi triều đình biết chuyện,
Cho trả oán, đền ân.
Do làm điều sai trái,
Thái sư thành thường dân.
Trịnh Hâm đáng tội chết,
Nhờ khéo nói, được tha.
Nhưng thuyền chìm, chết đuối
Khi hắn trở về nhà.
Rồi ông lão chài lưới
Và tiều phu, tiểu đồng,
Cùng cụ bà dệt vải
Đều được thưởng, tùy công.
Theo lời Cụ đồ Chiểu,
“Thằng Bùi Kiệm máu dê”,
Xấu hổ vì tán gái,
“Mặt chảy như lợn xề”.
Kiều Công bị oan trái,
Được phục hồi chức danh,
Và lại làm tri phủ
Ở huyện cũ, Đông Thành.
Kiều Nguyệt Nga tiết hạnh
Được phong Quận Chúa Bà.
Cũng “kiệu vàng, lọng bạc”
Được vinh quy về nhà...
11
Vậy là tôi chép hết,
Không sai, sót ý nào,
Một áng thơ dân tộc,
Dân dã mà thanh tao.
Thơ cụ Nguyễn Đình Chiểu,
Như phượng múa, long vần.
Thơ của tôi, thật tiếc,
Là văn nói có vần.
Vì thế, chất nghệ thuật
Chẳng lấy gì làm cao.
Chỉ là bài tóm lược,
Đành thế, biết làm sao.
Lần nữa, mong bạn trẻ
Đọc vốn cổ cha ông.
Tạm thời đọc tóm lược,
Kẻo tôi buồn mất công.
Rồi nhất thiết phải đọc
Nguyên bản tập thơ này.
Xin nhắc lại: Thơ Cụ
Dân dã mà rất hay.
HẾT
No comments:
Post a Comment