Tuesday, February 24, 2015

QUẢ BOM CHƯA NỔ


 
                                                                    Truyện ngắn. Thái Bá Tân.

Sau lễ tân gia đúng ba ngày thì ông Cần được biết rằng dưới ngôi nhà ông mới xây có quả bom chưa nổ. Mà bom to, loại nghìn cân Anh.
          Người cho ông biết cái tin khủng khiếp này chính là bạn ông, đại tá pháo binh về hưu, thời chiến tranh chỉ huy một khẩu đội pháo phòng không ở ngay trên nền đất nhà ông.
“Tôi lấy làm lạ sao khi người ta làm móng, nó không phát nổ”, ông đại tá về hưu nói.
Ông Cần cười mếu máo:
“Bác đùa. Chắc gì có mà nổ...”
“Không ai đùa những chuyện thế này. Tôi còn lưu được cuốn sổ ghi chép trực ngày ấy. Bác muốn, tôi cho xem. Đó là ngày 17 tháng Tám năm 1967, lúc bốn giờ ba mươi phút chiều. Hai chiếc F-105 từ biển bay vào. Một chiếc chúi xuống ném hai quả bom nhưng chỉ nghe một tiếng nổ. Tôi còn ghi thêm vào sổ: “Nhớ báo trên cho công binh xuống phá”. May hôm trước khẩu đội chúng tôi kịp dọn đi nơi khác, chỉ chừa lại trận địa giả. Khi báo yên, tôi đến thì thấy có hố bom rất lớn và một vết lõm hun hút cách đấy không xa, bằng chứng của một quả bom khác chưa nổ”.
“Cứ cho là như vậy, nhưng chắc gì nó nằm ngay dưới nhà tôi?”
“Tôi cẩn thận đánh dấu chỗ bom rơi, với mục đích báo người ta tháo gỡ như đã nói. Hướng đông cách cây si trên đường hai trăm mét. Cách giếng làng một trăm năm mươi mét về hướng tây. Căn ra, không đúng nhà bác là gì? Có thể không ngay dưới nhà mà ngoài sân. Nhưng với quả bom nửa tấn thì điều ấy chẳng có gì khác nhau”.
“Có thể người ta đã tháo ngòi nổ nó rồi?”
“Tiếc là chưa, vì sau đó chúng tôi được lệnh chuyển ngay đi nơi khác. Tôi không có thời gian báo cấp trên việc này. Rồi dân quân lấp hố bom, lấp luôn cả quả chưa nổ kia”.
“Có thể nó sẽ không bao giờ nổ, một khi đã nằm im chừng ấy năm dưới đất.”
“Vâng. Với những quả bom loại này thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Có thể suốt đời nằm im. Cũng có thể năm phút nữa nó sẽ nổ. Cái nguy hiểm và khó chịu là ở chỗ ấy”.
Hai người im lặng hồi lâu. Cuối cùng chủ nhà lên tiếng:
“Thế thì tôi phải làm gì bây giờ?”
Ông đại tá về hưu không đáp, có vẻ bứt rứt vì phải báo bạn một tin chẳng mấy dễ chịu.
Ông Cần quả lúng túng không biết phải làm gì.
Đây là ngôi nhà mơ ước cả đời của ông và gia đình. Ba tầng, mái giả ngói, thiết kế kiểu biệt thự Pháp, trên diện tích đất hơn trăm mét vuông bên rìa thị xã và nhìn ra hồ. Hồ nước đục, nông choèn, nhưng vẫn là hồ nên những ngôi nhà xung quanh trở nên có giá. Biết làm sao bây giờ? Đập đi, thuê công binh đến phá bom rồi xây lại? Không ổn. Cứ tiếp tục sống như không có gì xẩy ra? Cũng không ổn. Ông vốn yếu bóng vía, chắc gì không phát điên lên với ý nghĩ đang ngủ trên một quả bom chưa nổ?
Mấy đêm liền ông thức trắng, ban ngày vật vờ như bóng ma. Người ông gầy xọp, mặt mũi hốc hác. Vợ con hốt hoảng, căn vặn mãi nhưng ông không chịu nói. Xưa nay khối người xây xong nhà là lăn đùng ra chết!
Một hôm ông bắn tin bán nhà, bất chấp sự phản đối kịch liệt của bà vợ. “Bà muốn tôi ở đây mà chết à?” Nghe thế, vợ ông bán tín bán nghi, nhưng thôi không ngăn cản nữa, mặc dù không hiểu vì sao chồng bà có thể chết khi được sống trong một ngôi nhà đẹp.
Ngôi nhà được bán một cách nhanh chóng vì giá rẻ. Ông chọn mua một nhà khác nhỏ và xấu hơn, rất xa chỗ cũ. Ông vội vã cho cả nhà dọn đi ngay trong ngày nhận đủ tiền. Đêm hôm ấy lần đầu tiên ông ngủ ngon giấc, tuy không phải không có những giấc mơ toát mồ hôi lạnh.
Mọi việc dần dần rồi đâu cũng vào đấy. Ông hết lo lắng và khỏe mạnh trở lại. Chuyện làm ăn, con cái đều tốt. Hơn thế, khu nhà mới của ông đất bỗng tăng giá vùn vụt vì theo qui hoạch sẽ có một đường phố lớn chạy qua. Thậm chí có ngày ông còn quên không nghĩ đến ngôi nhà cùng quả bom chưa nổ mà ông đã khôn khéo đẩy sang cho người khác.
Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau, người mua nhà ông tìm đến nhờ viết lại giấy để ông ta bán nó cho người khác. Chả là họ mới chỉ mua bán trao tay chứ chưa làm thủ tục pháp lý.
“Vì sao bác lại bán nó?” Ông Cần giả bộ thản nhiên hỏi.
“Tôi muốn dọn về đâu đấy gần Cầu Giẽ cho tiện việc đi làm”, ông kia đáp, cũng cố lấy vẻ tự nhiên, nhưng nét mặt lo lắng và thái độ lúng túng cho thấy ông ta đang nói dối.
“Vậy là họ đã biết và đang tìm cách ủn mối nguy hiểm ấy sang người khác. Như mình”. Ông Cần nghĩ bụng, thầm lo bị vạch trần sự thật. Nhưng không, nhận được cái muốn có, ông kia vội vàng xin phép ra về. Thậm chí còn nói rất tiếc phải bán ngôi nhà đẹp trên thế đất tốt như vậy.
“Vâng, tôi cũng rất tiếc khi bán nó cho ông”, ông Cần lơ đãng đáp.
Làm sao ông ta biết được nhỉ? Nhất định không thể do ông bạn đại tá cho biết. Vậy chỉ có thể ai đó trong số láng giềng. Điều này khó xẩy ra, vì bản thân láng giềng không dễ mà biết được. Nhưng rõ ràng đã có người biết, và cố ý báo cho người mua nhà ông. Để làm gì? Dụng ý tốt hay xấu?
Mấy hôm sau ông Cần phóng xe tới đó, chọn quán nước đối diện ở khoảng cách khá xa và bắt đầu lặng lẽ quan sát.
Chủ mới là một đôi vợ chồng còn trẻ với hai đứa con thật kháu khỉnh. Có vẻ giàu. Có vẻ trí thức. Cũng có cả vẻ hài lòng với ngôi nhà mới mua. Chắc giá rẻ.
Bỗng ông Cần nhắm mắt, thầm hình dung quả bom phát nổ, xé vụn cả ngôi nhà,  cả đôi vợ chồng trí thức, hai đứa trẻ thiên thần cùng cái vẻ hài lòng và hạnh phúc ông vừa chứng kiến.
Từ đêm hôm đó ông lại mất ngủ, với nỗi sợ mơ hồ luôn ám ảnh. Ông có cảm giác như chính ông đang nằm trên quả bom chưa nổ ấy.
Không hiểu cái ông vừa đẩy được nó cho anh chàng trí thức này có mất ngủ như mình không nhỉ?
Mấy tháng sau, ông Cần không chút ngạc nhiên khi thấy anh trí thức kia đến nhờ ông giúp làm giấy bán nhà. Cứ như ông đang chờ vậy. Cả anh này cũng có vẻ vội vã, khuất tất như ông lần trước. Ông Cần không hỏi lý do bán nhà vì đã biết trước câu trả lời. “Anh này coi bộ tử tế. Chắc sẽ không thảnh thơi lắm đâu. Tử tế mà hóa ra không tử tê. Như mình”.

                                                          *
Đến nay, đúng hai năm mười tháng sau khi ngôi nhà mơ ước ấy được xây xong, nó đã qua tay bốn người, và cả bốn người đã đến nhờ ông Cần chữa lại giấy tờ để sang tên cho người khác. Chắc chắn sẽ còn nhiều người nữa tìm đến ông. Ai cũng ra bộ luyến tiếc ngôi nhà, rằng bán nó vì cực chẳng đã, vì những lý do rất xác đáng. Lý do ấy ông biết. Ai cũng biết nhưng không muốn, không dám nói.
Quả bom vẫn chưa nổ. Có thể nó sẽ không bao giờ nổ. Thậm chí có thể không hề có một quả bom như thế. Nhưng vì an toàn, người ta cứ đùn đẩy nó cho người khác. Toàn những người tử tế đùn đẩy cho nhau. Cũng vì tử tế mà sau đó họ trằn trọc hết đêm này đến đêm khác, mặt mũi phờ phạc, lương tâm cắn dứt đến đổ bệnh. Họ khôn khéo thoát được quả bom nằm tít đâu đó sâu dưới lòng đất mà chưa chắc đã có thật, để tạo ra thêm, hiện giờ là bốn, nhưng sau này sẽ là bốn mươi, bốn trăm quả bom khác trong đầu mình, hoàn toàn có thật, chưa nổ nhưng chắc chắn sẽ nổ.
Những quả bom hẹn giờ mà họ, chỉ mình họ nghe được tiếng đồng hồ đếm ngược đang lạnh lùng kêu tích tắc.


                                                                   Hà Nội, 2003.

No comments:

Post a Comment