Monday, February 23, 2015

TRUYỆN THƠ THIÊN CHÚA GIÁO - PHẦN MỘT



 
MỤC LỤC

Đôi lời của tác giả
Tóm lược lịch sử Đạo Thiên Chúa
Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam
Tin Lành ở Việt Nam
Kinh Thánh
Lời cầu nguyện

Phần Một: TRUYỆN CỰU ƯỚC

                   Sáng thế
A-đam và Ê-va
Ca-in và A-ben
Chiếc thuyền của Nô-ê
Tháp Ba-ben
Ap-ra-ham
Thiên Chúa hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-ra

Giu-sê
1.     Ông Giu-sê bị bán sang Ai Cập
2.     Ông Giu-sê giải thích giấc mơ cho vua Pha-ra-ông
3.     Gia đình đoàn tụ

Mô-sê
1.     Ông Mô-sê chào đời
2.     Ông Mô-sê phải chạy trốn
3.     Lời Thiên Chúa nói với ông Mô-sê

Mười tai họa xẩy ra với vua Pha-ra-ông
1.     Nước biến thành máu
2.     Ếch nhái
3.     Muỗi
4.     Ruồi nhặng
5.     Bệnh dịch
6.     Mụn nhọt
7.     Mưa đá
8.     Châu chấu
9.     Cảnh tối tăm
10.             Các con đầu lòng phải chết

Dân It-ra-en rời khỏi đất Ai Cập
1.     Lễ Vượt Qua
2.     Phép lạ trên Biển Đỏ
3.     Bánh Man-na từ trên trời
4.     Mười điều răn của Thiên Chúa
5.     Con bê bằng vàng
6.     Hòm Bia của Thiên Chúa

Đến miền Đất Hứa
1.     Do thám miền Đất Hứa
2.     Chiếm thành Giê-ri-khô

Các vua Do Thái

Sa-un, vị vua Do Thái đầu tiên

Đa-vít, vị vua Do Thái thứ hai
1.     Đa-vít được Thiên Chúa chọn làm vua
2.     Đa-vít chiến thắng Gô-li-át
3.     Đa-vít bị truy đuổi
4.     Đa-vít làm vua

Sa-lô-môn, vị vua Do Thái thứ ba
1.     Sa-lô-môn lên ngôi
2.     Sa-lô-môn làm vua
3.     Sa-lô-môn xử kiện
4.     Vua Sa-lô-môn không đẹp lòng Chúa

Phần Hai: TRUYỆN TÂN ƯỚC

Chúa Giê-su ra đời
Chúa Giê-su ở lại trong đền thánh
Thánh Giô-an
Chúa Giê-su chịu phép rửa
Chúa Giê-su chọn mười hai tông đồ
Lời Chúa Giê-su dạy mọi người
Tiệc cưới ở Ca-na
Chúa Giê-su chữa bệnh cho người bại liệt
Người phụ nữ tội lỗi được Chúa tha thứ
Người Sa-ma-ri-tan tốt bụng
Đứa con lầm lạc
Chúa Giê-su chữa lành bệnh cho mười người bị bệnh phong
Chúa Giê-su chúc phước cho trẻ em
Người phụ nữ nghèo cúng tiền
Chúa Giê-su nuôi ăn năm nghìn người
Chúa Giê-su đi trên nước
Chúa Giê-su chữa bệnh cho người mù
Người giàu khó vào Nước Chúa
Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem
Buổi thuyết giảng trên núi
Bữa ăn tối cuối cùng
Chúa Giê-su bị bắt
Chúa Giê-su bị đóng đinh câu rút
Chúa Giê-su sống lại
Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ
Chúa Giê-su đi với hai tông đồ trên đường E-mau và về trời
Phép lạ của Chúa

Phần Ba: TRUYỆN và THƠ

Sam-sôn và Đê-li-a
Chuyện bà Ruth
Cái chết của bà quí tộc La Mã
Chuyện tên cướp và Đức Mẹ Ma-ri-a
Bức tượng của Đức Mẹ
Vạn vật đều tuyệt đẹp
Ngày lễ Va-len-tin
Người khổng lồ ích kỷ
Lời của Thánh Lu-ca
Vua Gia Long và Đạo Cơ Đốc
          _________________

  


     ĐÔI LỜI CỦA TÁC GIẢ

Tôn giáo là chỗ dựa tinh thần của mỗi người. Mọi tôn giáo đều tốt vì hướng thiện, hướng lành. Không tốt là ý định sử dụng tôn giáo vào những mục đích sai trái.
Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khiến con người nghi kỵ, thù hằn nhau là do không hiểu biết, dẫn đến không tôn trọng tôn giáo và tín ngưỡng của nhau.
Tôi là người theo Phật nhưng kính Chúa Giê-su và đức Tiên Tri Mu-ha-mad cùng các bậc sáng lập của nhiều Đạo khác. Tôi đọc các Kinh và phát hiện thấy nhiều điều bổ ích và tốt đẹp, cả trên phương diện văn hóa, văn học. Do vậy tôi quyết định tóm lược nội dung một số Kinh lớn, bằng loại thơ năm câu giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, với trọng tâm thiên về quảng bá các giá trị văn học.
Các cuốn đã viết gồm: Truyện Thơ Thích Ca mâu Ni Phật, Kinh Hiền Ngu, Truyện Thơ Thiên Chúa Giáo, và Truyện Thơ Hồi Giáo.
Hy vọng những cuốn sách này sẽ giúp độc giả, nhất là những người trẻ tuổi, có sự hiểu biết chính xác, đầy đủ hơn, và cũng học được nhiều điều tốt lành hơn từ ba Đạo lớn nói trên.
Sự hiểu biết và tôn trọng, chấp nhận nhau về tôn giáo, tín ngưỡng là nền tảng vững chắc cho một xã hội hài hòa và tốt đẹp.
PS
Gần một nửa số người ở làng tôi theo Đạo. Xưa nay dân làng sống với nhau rất hòa thuận, đoàn kết, thương yêu nhau. Nhớ ngày bé tôi thường theo lũ trẻ vào Nhà Thờ chơi rất vui, thỉnh thoảng được các Cha cho bánh kẹo. Nhớ cả những tiếng chuông Nhà Thờ thong thả điểm buổi chiều tà. Những ký ức thật thanh bình và đẹp. Trong tôi, hình ảnh Chúa bao giờ cũng đẹp.
Hà Nội, ngày 9 tháng Chín, 2013
THÁI BÁ TÂN


TÓM LƯỢC LỊCH SỬ

1
Đời có ba đạo lớn
Như ta biết, đó là
Đạo Hồi, đạo Thiên Chúa,
Và đạo Phật Thích Ca.

Sáng lập ba đạo ấy
Là Thích Ca Mâu Ni,
Giê-su Đấng Cứu Thế,
Mu-ha-mát Tiên Tri.

Cả ba là người thật,
Được thần thoại ít nhiều,
Lập đạo để truyền bá
Tình thương và tình yêu.

Đạo Phật lâu đời nhất,
Hai nghìn năm trăm năm.
Rồi đến đạo Thiên Chúa,
Khoảng hơn hai nghìn năm.

Sáu trăm năm sau đó
Đạo Hồi mới hình thành,
Tức thế kỷ thứ bảy,
Và phát triển rất nhanh.

Trong số ba đạo ấy,
Đông dân và lâu đời,
Đạo Thiên Chúa đông nhất,
Gồm hơn hai tỉ người.

Đạo Thiên Chúa có gốc
Từ đạo It-ra-en,
Tức là đạo Do Thái,
Rồi dần phát triển lên.

Toàn bộ Kinh Cựu Ước
Như ta thấy ngày nay
Được đạo mới Thiên Chúa
Thừa hưởng từ đạo này.

Ngoài ra còn thừa hưởng
Các nghi lễ phụng thờ,
Các giáo lý cơ bản
Duy trì tận bây giờ.

Thiên Chúa có ba nhánh,
Phân bố ở nhiều nơi.
Một - Công Giáo La Mã,
Với hơn một tỉ người.

Trung tâm của Công Giáo
Là Tòa Va-ti-căng.
Hai là Chính Thống Giáo,
Chủ yếu vùng Ban Căng.

Tín đồ Chính Thống Giáo
Hơn hai trăm triệu người,
Ở Nga, Bun, Hy Lạp
Và rải rác nhiều nơi.

Với tín đồ nửa tỉ,
Nhánh thứ ba, Tin Lành,
Các tín đồ chủ yếu
Sống ở Mỹ và Anh.

2
Đạo Thiên Chúa nguyên thủy
Trong thiên niên kỷ đầu,
Dẫu còn có dị biệt,
Nhưng nhìn chung giống nhau.

Khi Đế quốc La Mã
Tách thành Tây và Đông,
Vào thế kỷ mười một
Đã nảy sinh bất đồng

Giữa hai truyền thống đạo
Phương Đông và Phương Tây.
Cả trong các giáo lý
Và nghi lễ hàng ngày.

Cuối cùng thì tách hẳn,
Thành Chính Thống Phương Đông
Và Công Giáo La Mã,
Dẫu chung một cộng đồng.

Đó là lần thứ nhất
Đạo Thiên Chúa tách đôi.
Nghi lễ có thể khác,
Nhưng thờ chung Chúa Trời.

Vào thế kỷ mười sáu,
Lu-thơ và Can-vanh
Tiến hành các cải cách
Ở châu Âu và Anh.

Họ không muốn tuân thủ
Các qui định khắt khe
Của Giáo Hội La Mã
Đang trói buộc nặng nề.

Họ chủ trương tinh giản
Các nghi lễ phụng thờ,
Cho mục sư lấy vợ,
Một việc cấm bấy giờ.

Đó là sự phản kháng
Với Tòa Thánh Rô-ma,
Dẫn đến các mâu thuẫn
Không thể nào dung hòa.

Và cuối cùng xuất hiện
Một nhánh mới - Tin Lành,
Phản ánh những thay đổi
Ở Mỹ và nước Anh.

__________
Trong tiếng Việt, thuật ngữ Thiên Chúa giáo thường dùng để chỉ Giáo hội Công giáo Rôma, hay gọi tắt là Công giáo. Tuy nhiên, bản chất cụm từ "Thiên Chúa giáo" là chỉ về tất cả các tôn giáo thờ Thiên Chúa là thần linh tối cao và duy nhất ngự trên trời . Ở đây thuật ngữ này dùng để chỉ Kitô giáo, gồm ba nhánh chính là Công giáo Rôma, Chính Thống giáo, Tin Lành, và nhánh trung dung Anh giáo. Tất cả  đều thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.

ĐẠO THIÊN CHÚA Ở VIỆT NAM

Nước ta, đạo Thiên Chúa
Có mặt ở nhiều nơi.
Mười phần trăm dân số,
Sống “đẹp đạo, tốt đời”.

Tiếng chuông chiều thong thả,
Đỉnh tháp các nhà thờ,
Hình ảnh người đi lễ
Thân thuộc từ bao giờ.

Các tín đồ Thiên Chúa,
Các Phật tử xuất gia,
Người Cao Đài, Hòa Hảo,
Sống với nhau thuận hòa.

Mọi tôn giáo đều tốt,
Vì hướng thiện, hướng lành.
Tấm lòng người Việt rộng,
Nên đón nhận vào mình.

Tôn giáo là nền tảng
Đạo đức của nước nhà.
Dân tự do tín ngưỡng,
Nước phát triển, hài hòa.

*
Cuối thế kỷ mười sáu
Việt Nam đã bắt đầu
Có quan hệ buôn bán
Với các nước Châu Âu.

Thương gia các nước ấy
Tìm đường đến nước ta
Bán và mua hàng hóa,
Dùng thuyền chở về nhà.

Lúc ấy đạo Thiên Chúa
Muốn mở rộng cộng đồng,
Gửi nhiều nhà truyền đạo
Tới các nước Phương Đông.

Các nhà truyền đạo ấy
Nhiều lần đến nước ta.
Sớm nhất là các vị
Đến từ Bồ Đào Nha.

Họ chịu đựng gian khổ,
Sống lẫn với người dân,
Học phong tục, ngôn ngữ
Để truyền đạo dần dần.

Về sau, nhờ các vị,
Chữ Quốc Ngữ hình thành,
Giúp mở mang dân trí,
Tiếp thụ điều tốt lành.

Việc của nhà truyền đạo
Lúc thuận lợi, lúc không.
Nhưng tín đồ theo đạo,
Càng ngày càng thêm đông.

Theo các nhà sử học,
Đạo Thiên Chúa nước ta,
Năm khởi đầu được chọn
Là Một Năm Ba Ba.

Các giai đoạn phát triển
Chia thành ba như sau:
Giai đoạn một, gian khó,
Phải gây dựng từ đầu,

Kéo dài nửa thế kỷ,
Từ Một Sáu Một Năm,
Với muôn vàn bất trắc,
Đến Một Sáu Sáu Năm.

Việt Nam ta thời đó
Bị chia cắt làm hai
Bởi thế lực Trịnh Nguyễn,
Thành Đằng Trong, Đằng Ngoài.

Tiếp đến là giai đoạn
Hình thành, giai đoạn hai,
Từ Một Sáu Năm Chín
Đến Một Tám Không Hai.

Năm Một Sáu Năm Chín
Tòa Thánh Va-ti-căng
Ra Sắc Chỉ thành lập
Giáo phận ở hai Đằng.

Đằng Ngoài là Giáo phận
Từ sông Gianh trở ra,
Gồm Lào và năm tỉnh
Thuộc đất của Trung Hoa.

Đằng Trong là Giáo Phận
Bên kia bờ sông Gianh,
Bao gồm cả phần đất
Chân Lạp và Chiêm Thành.

Giám mục Bá Đa Lộc
Là người rất có công
Phát triển chữ Quốc Ngữ
Và mở rộng Cộng Đồng.

Ông đã giúp Nguyễn Ánh
Chống lại nhà Tây Sơn,
Nên công việc truyền đạo
Cũng được dễ dàng hơn.

Năm Một Bảy Chín Chín
Ông chết ở Quy Nhơn.
Hoàng tử Cảnh cũng mất.
Truyền đạo thành khó hơn.

Giai đoạn ba - Phát triển.
Từ Một Tám Tám Lăm,
Khi Pháp ký Hiệp Ước
Với triều đình An Nam.

Theo Hiệp Ước đã ký,
Công Giáo được tự do
Và công khai hoạt động,
Xây tu viện, nhà thờ.

Giai đoạn này kết thức
Năm Một Chín Sáu Mươi,
Khi Tòa Thánh La Mã
Cho phép được di dời,

Lập Tòa Khâm Sứ mới
Ở Sài Gòn, Miền Nam,
Đồng thời cũng thành lập
Hàng giáo Phẩm Việt Nam

Do người Việt quản lý.
Ba giáo tỉnh, đó là:
Hà Nội, Sài Gòn, Huế.
Và Nhà Thờ Đức Bà

Ở Sài Gòn, chính thức
Thành Vương Cung Thánh Đường.
Là nơi hành lễ chính,
Cả đại lễ, ngày thường.


TIN LÀNH Ở VIỆT NAM

Tin lành là tin tốt
Ta mong đợi ở đời.
Đó là tin Thiên Chúa
Mang đến cho mọi người.

Khi Giê-su giáng thế,
Hăm Tư tháng Mười Hai,
Thiên Chúa cho loan báo
Qua ngôn sứ của Ngài:

“Ta báo các ngươi biết
Một tin rất tốt lành,
Rằng tại thành Đa-vít,
Đấng Cứu Thế hằng sinh.”

Tin lành ấy của Chúa
Các tín đồ sau này
Đặt tên một giáo phái
Là Tin Lành ngày nay.

*
Tin Lành được du nhập
Đầu thế kỷ hai mươi.
Dần dần các Giáo Hội
Được thành lập nhiều nơi.

Năm Một Chín Hai Bảy
Tổng Hội Thánh Tin Lành
Được chính thức thành lập,
Và phát triển rất nhanh.

Đến Một Chín Năm Bốn
Có năm vạn tín đồ,
Trăm mục sư truyền đạo
Được hành nghề tự do.

Suốt nhiều năm sau đó,
Trong thời gian chiến tranh
Nhiều đồng bào miền núi
Gia nhập đạo Tin Lành.

Riêng ở vùng Tây Bắc
Hơn mười lăm vạn người.
Tây Nguyên đến hàng triệu,
Phân bố ở nhiều nơi.

Cùng các Ki-tô hữu,
Các tín đồ Tin Lành
Sống “tốt đời, đẹp đạo”,
Trong giáo phận của mình.


KINH THÁNH

Kinh Thánh có hai cuốn,       
Như ta biết xưa nay -
Cựu Ước và Tân Ước,
Con chiên đọc hàng ngày.

Là Kinh Do Thái Giáo,
Cựu Ước có từ lâu,
Bao gồm rất nhiều Sách
Bắt đầu từ Khởi Đầu,

Từ Thiên Chúa sáng thế,
Đến họ tộc loài người,
Sách Ngũ Kinh, Ngôn Sứ,
Sách Giáo Huấn dạy đời...

Còn cuốn Kinh Tân Ước
Nói về Chúa Ki Tô.
Nội dung gồm bốn quyển
Được viết bởi tông đồ.

Còn có Sách Công Vụ,
Sách Thư các thánh hiền.
Cuối cùng là cuốn sách
Gọi là Sách Khải Huyền.


LỜI CẦU NGUYỆN

Kinh Thánh là cuốn sách
Nói về Đức Chúa Trời,
Người tạo ra vạn vật,
Cả chúng ta, con người.

Đức Chúa Trời biết rõ
Tội lỗi của chúng ta.
Có tội, phải đền tội,
Trừ phi được Chúa tha.

Ta, loài người, phạm tội,
Nhưng được Đức Chúa Trời
Cho con Ngài giáng thế
Chịu phạt thay loài người.

Giê-su, con Thiên Chúa
Chịu bao nỗi xót xa,
Phải chết trên thập giá
Để gánh tội thay ta.

Sau đó Ngài sống lại,
Lên với Đức Chúa Trời,
Nhưng tình yêu ở lại
Với chúng ta, con người.

Ta thật lòng tin Chúa,
Chúa sẽ luôn bên ta.
Hàng ngày hãy cầu nguyện
Để mong được Chúa tha:

“Con kính lạy Thiên Chúa.
Con tin Đức Giê-su
Được Thiên Chúa phái xuống
Thế gian này âm u.

Con tin Ngài phải chết,
Gánh tội lỗi cho con,
Để con được giải thoát
Cả thể xác, tâm hồn.

Con cầu mong Thiên Chúa
Ở bên con suốt đời,
Tha cho con tội lỗi
Trót phạm khi làm người.

Con mong ngày nào đó
Được thanh thản, bình yên
Sống bên Chúa mãi mãi
Trên Thiên Đường. A-men!”


Phần Một - TRUYỆN CỰU ƯỚC  


SÁNG THẾ

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa
Tạo ra Đất và Trời.
Không hình hài, trống vắng,
Bóng tối trùm khắp nơi.

Thần khí của Thiên Chúa
Bay trên nước là là.
Ngài phán: Cần Ánh Sáng!
Và Ánh Sáng hiện ra.

Thấy Ánh Sáng là tốt,
Ngài phân chia, tách rời
Ánh Sáng và Bóng Tối
Cũng như Đất và Trời.

Thiên Chúa đặt tên gọi
Như ta biết ngày nay:
Đêm là khi trời tối,
Còn khi sáng là Ngày.           

Và đó là kết quả
Ngày Sáng Thế đầu tiên.
Ngày thứ hai Thiên Chúa
Tạo Bầu Trời vô biên.

Ngày thứ ba Thiên Chúa
Tạo nên lớp Đất dày,
Rồi Đại Dương và Biển,
Tất cả các Loại Cây.

Ngày thứ tư, Thiên Chúa
Tạo Mặt Trăng, Mặt Trời
Và các Ngôi Sao sáng
Để có sáng khắp nơi.

Ngày thứ năm, Thiên Chúa   
Tạo ra các loài Chim,
Cá và sinh vật biển,
Biết bay, biết lặn chìm.

Ngày thứ sáu, Thiên Chúa,
Làm việc không nghỉ ngơi,
Tạo nên các Loài Vật,
Tạo nên cả Con Người.

Ngày thứ bảy Ngài nghỉ.
Công việc đã làm xong.
Việc Sáng Thế kết thúc,
Và Ngài rất hài lòng.   

Đó là ngày Sa-bat,
Ngày nghỉ của Chúa Trời,
Ngày thiêng liêng, sau đó
Là ngày nghỉ của Người.

__________

Trong cuốn sách này tác giả phiên âm theo cách quen thuộc của đồng bào theo Đạo xưa nay.


A-ĐAM VÀ Ê-VA

A-đam, như ta biết,
Là con người đầu tiên
Được Chúa vắt từ đất
Rồi hà hơi mà nên.       

Con người này đặc biệt
Vì Thiên Chúa thông minh
Đã tạo nên theo đúng
Hình mẫu của chính mình.

Ngài tạo khu vườn đẹp,
Gọi là Vườn Địa Đàng,
Có nhiều cây xanh tốt,
Nhiều hoa, trái chín vàng.

Chính giữa khu vườn ấy
Có một cây Trường Sinh
Và một cây Tri Thức,
Ai ăn nó, tự mình

Sẽ nhận biết Điều Tốt
Và Điều Không Tốt Lành.
Ngài cho A-đam sống
Ở vườn này tươi xanh.

Ngài dặn, ông có thể
Muốn ăn gì thì ăn,
Nhưng ăn trái Tri Thức,
Sẽ chuốc vạ vào thân.

Thiên Chúa phán: không tốt
Khi Người Nam một mình.
Ta cho nó Người Nữ,
Dịu dàng và tươi xinh.

Rồi Ngài làm phép lạ,
Bắt A-đam ngủ say,
Rút chiếc xương sườn nhỏ,
Và từ khúc xương này

Ngài làm nên Người Nữ,
Đặt tên là Ê-va.
Người Nam là nam giới,
Người Nữ là đàn bà.

Và rằng thịt của thịt,    
Xương thịt của một người,
Người Nam và Người Nữ
Phải yêu nhau suốt đời.

Trong số các loài vật,
Rắn là loài xấu xa.
Nó xúc xiểm, xu nịnh,
Kẻ thù của đàn bà.       

Nó đến tìm Người Nữ,
Xúi bà ăn trái cây
Mọc trên cây Tri Thức,
Rằng ăn nó, sau này

Bà sẽ thành thông thái,
Biết phân biệt cho mình
Cái Thiện và Cái Ác,
Như các đấng thần linh.        

Ê-va, dẫu còn sợ
Và chưa hết phân vân,
Nhưng do Rắn dụ dỗ,
Cuối cùng bà đã ăn.

Bà ăn trái cây cấm,
Lại còn đem mời chồng.
Ăn xong, họ xấu hổ
Khi thấy mình tồng ngồng.    

Họ vội vã bẻ lá
Thay áo, quấn quanh người.
Sau đó, Thiên Chúa gọi,
Họ không dám trả lời.

Nhưng Ngài đã đoán hiểu
A-đam và Ê-va
Đã ăn trái cây cấm,
Nên giờ không dám ra.

Người Nữ đổ cho Rắn.
Người Nam đổ cho bà.
Thiên Chúa rất tức giận,
Bèn trừng phạt cả ba.

Loài Rắn bị nguyền rủa,
Phải trườn bò suốt đời,
Luôn luôn bị săn đuổi,
Kẻ thù của loài người.

Hai người bị Chúa phạt
Vì ăn trái cây này.
Họ và con cháu họ
Phải vất vả từ nay

Làm việc để kiếm sống,
Không được ở thiên đường,
Chịu mọi thứ bệnh tật
Và khó nhọc đời thường.                

Đàn ông phải tranh đấu
Vật lộn vì miếng ăn.
Đàn bà khi sinh đẻ
Phải đau đớn, nhọc nhằn.

Hơn thế, ăn trái cấm,
Lại còn đưa cho chồng,
Đàn bà phải phụ thuộc
Và hầu hạ đàn ông.

Hai người bị Thiên Chúa
Đuổi khỏi Vườn Địa Đàng,
Xuống sống nơi hạ giới
Giữa mưa nắng phũ phàng.


CA-IN VÀ A-BEN

Người con đầu của họ
Có tên là Ca-in.
A-ben là con thứ,
Đẹp trai và ưa nhìn.

A-ben chăn gia súc.
Ca-in làm nghề nông.
Cả hai dâng lễ vật
Để Thiên Chúa hài lòng.

A-ben giết cừu béo
Cung kính dâng lên Ngài.
Ca-in cúng hoa quả
Và sản vật đất đai.

Ca-in rất khó chịu,
Thấy Thiên Chúa hài lòng
Lễ vật em dâng tặng,
Còn của mình thì không.

Chàng nung nấu điều ác.
Một hôm rủ em mình
Cùng ra đồng, rồi giết.
Một tội ác tầy đình.

Lúc về, Thiên Chúa hỏi:
“Em trai của con đâu?”
“Bẩm Chúa, con không biết.”
Chàng đáp rồi cúi đầu.

Thiên Chúa giận dữ phán:
“Ngươi đã giết em ngươi.
Máu A-ben thấm đất,
Đang bốc lên ngút trời.

Ngươi sẽ bị nguyền rủa
Bởi chính mảnh đất này.
Mảnh đất đã thấm máu
Của em ngươi hôm nay.

Và dẫu ngươi vất vả,
Cố cày cuốc đến đâu,
Nó không cho ngươi hưởng
Trái cây và hoa màu…”

Bị chính đất nguyền rủa,
Thiên Chúa không hài lòng,
Ca-in đành nhục nhã
Đi khuất về phía Đông.

*
Sau khi A-ben chết,
Ca-in bị lưu đày,
Ông A-đam sống tiếp
Rất lâu cho đến ngày

Chín trăm ba mươi tuổi,
Ông mới chịu qua đời.
Ông sinh thêm con nữa,
Tuổi - một trăm ba mươi.

Người này tên la Set,
Cũng hưởng thọ rất lâu.
Một trăm linh năm tuổi
Mới sinh người con đầu.

Con Set là E-noc,
Gọi A-đam là ông.
E-noc chín mươi tuổi
Mới có con đầu lòng.

Cứ thế, cây gia phả
Của A-đam, Ê-va
Lớn lên mãi, lớn mãi,
Cành và lá xùm xòa.

Một hậu duệ của họ
Mới vô địch sống lâu -
Chín trăm sáu chín tuổi,
Tóc chưa bạc trên đầu.


CHIẾC THUYỀN CỦA NÔ-Ê

Con cháu và chút chít
Của A-đ4 am, Ê-va
Về sau thành hư hỏng,
Độc ác và xấu xa.

Thiên Chúa lấy làm tiếc
Đã tạo ra loài người.
Và rồi Ngài quyết định
Xóa sổ họ trên đời.

Nhưng Ngài không nỡ giết
Một người tốt mọi bề,
Luôn nghe lời Thiên Chúa,
Là ông già Nô-ê.

Ngài bảo ông chuẩn bị
Chiếc thuyền lớn, và rồi
Đưa loài vật lên đó,
Cứ mỗi loài một đôi.

Tức có đực, có cái
Để nhân giống sau này,
Vì Ngài sẽ làm lụt
Kéo dài bốn mươi ngày.        

Ông Nô-ê lúc ấy
Sáu trăm tuổi có thừa,
Làm đúng điều Chúa dặn.
Rồi sau đấy trời mưa.

Mưa tầm tã không dứt,
Như nước xối ào ào,
Làm ngập hết đồng ruộng,
Cả những ngọn núi cao.

Ông Nô-ê và vợ,
Cùng ba người con trai
Và một đôi đực cái
Của tất cả các loài

Vẫn bình yên vô sự
Khi ngồi trong chiếc thuyền.
Nước dâng cao, dâng mãi,
Nhưng cũng nâng thuyền lên.

Cuối cùng thì nước rút.
Con thuyền của Nô-ê
Trên núi A-ra-rat,
Nước còn trắng bốn bề.

Lênh đênh mười một tháng
Kể từ ngày trời mưa,
Ông thả chim câu trắng
Xem nước rút hết chưa.

Con chim bay một chốc
Lại quay về với ông.
Nước vẫn chưa rút hết,
Còn phải chờ trong lồng.

Một tuần sau, được thả,
Nó bay đi rất nhanh,
Lúc quay về, miệng ngậm
Một cành ô-liu xanh.

Đợi thêm bảy ngày nữa,
Ngồi trên thuyền, Nô-ê
Lại thả chim câu khác,
Nhưng nó không quay về.

Nghĩa là nước đã cạn.
Ông và cả gia đình
Bước xuống đất, xúc động,
Tạ ơn Chúa lòng lành. 

Các loài chim, loài thú
Lần lượt ra từng đôi,
Bắt đầu cuộc sống mới
Rồi phát triển, sinh sôi.


THÁP BA-BEN

Sau khi nước rút hết,
Nô-ê dựng bàn thờ,
Làm lễ tạ ân Chúa.
Chúa hứa từ bây giờ

Sẽ không làm lụt nữa,
Không giết chết loài người.
Nói xong, Ngài liền dựng
Chiếc cầu vồng trên trời.

Chẳng bao lâu sau đó
Các con cháu của ông
Sinh sôi trên mặt đất,
Mỗi ngày một thêm đông.

Nói chung một ngôn ngữ,
Từ một gốc mà ra,
Họ tìm được vùng đất
Có tên là Si-na.

Thấy đất này màu mỡ,
Họ dừng lại ở đây,
Định xây một tòa tháp
Cao tít tận trời mây.

Đó sẽ là biểu tượng
Sức mạnh của loài người,
Quyết tâm và đoàn kết,
Thách thức cả với trời.

Từ trên cao nhìn xuống,
Thiên Chúa không hài lòng:
Con người quá kiêu hãnh,
Cậy mình mạnh và đông.

Rồi Ngài dùng phép lạ,
Mọi người không hiểu nhau
Do không chung ngôn ngữ,
Không ý hợp tâm đầu.

Thiên Chúa còn bắt họ
Phân tán đi khắp nơi.
Việc xây tháp bỏ dở,
Vì người không hiểu người.


AP-RA-HAM

1
Khoảng bốn nghìn năm trước,
Một hôm, Đức Chúa Trời,    
Trong hào quang chói lọi,
Nói chuyện với một người:

“Con hãy bỏ tất cả
Để lên đường theo ta
Đi đến một vùng đất
Đầy mật ngọt và hoa.

Con sẽ được ban phước
Từ tay Đức Chúa Trời,
Thành ông tổ vĩ đại,
Nhiều thế hệ trên đời.

Người được Ngài nói chuyện
Tên là Ap-ram,
Cũng đã già lúc ấy,
Ở tuổi bảy mươi lăm.

Ap-ram nghe lời Chúa
Đưa vợ là Sa-nai
Cùng người cháu tên Lot
Và nô lệ theo Ngài.

Ông buồn khi được hứa
Về dòng giống trường tồn,
Vì vợ ông già lão,
Và chưa hề có con.

Thiên Chúa biết điều ấy,
Bèn bắt cô Ha-gam,
Một nô lệ Ai Cập,
Thành vợ hai Ap-ram.

Cô sinh được đứa bé,
Đặt tên It-ma-en,
Một đứa bé khỏe mạnh,
Thông minh và rất hiền.

Lúc chín mươi chín tuổi,
Ông được Đức Chúa Trời
Lập một bản Giao Ước,
Hứa giúp ông suốt đời.

Sau bản Giao Ước ấy,
Tên Sa-rai, A-bram
Được đổi thành tên mới:
Sa-ra, Ap-ra-ham.

Một buổi chiều ngày nọ,
Khi ngồi nghỉ trước nhà,
Ngước lên nhìn, ông thấy
Ba thiên sứ chói lòa.

Các thiên sứ cho biết
Nội trong vòng năm sau
Vợ cả ông sẽ có
Một đứa con, con đầu.

Sa-ra nghe, khinh ngạc,
Thậm chí còn phì cười.
Bà có con sao được
Khi đã ngoài chín mươi?

Thế mà nhờ phép Chúa,
Bà đã sinh con trai,
Đặt tên là I-sac,
Đúng như ý của Ngài.

2
Từ khi có I-sac,
Bà Sa-ra rất ghen
Với Ha-gam, vợ lẽ,
Và con, It-ma-en.

Bà sợ họ chiếm đoạt
Quyền thừa kế con bà,
Nên đòi chồng nhất định
Đuổi họ ra khỏi nhà.

Ap-ra-ham do dự,
Vì yêu It-ma-en.
Ông nghĩ xua đuổi họ
Là một việc không nên.

Nhưng Thiên Chúa báo mộng
Đứa con này của ông
Sẽ trở thành ông tổ
Một vùng đất mênh mông.

Sau nhiều ngày do dự,
Cuối cùng Ap-ra-ham
Đuổi mẹ con vợ lẽ,
Tức là nàng Ha-gam.

Đức Chúa Trời quyết định
Thử thách để xem ông
Có xứng đáng ông tổ
Hai quốc gia hay ông.

“Ngươi hãy đưa I-sac
Tới núi Mô-ri-a.
Hãy giết và nướng nó
Làm vật tế cho ta!”

Ap-ra-ham lập tức
Đưa đứa con thương yêu
Lên đỉnh ngọn núi ấy
Rồi chuẩn bị dàn thiêu.

Ông rút chiếc dao nhọn,
Và đúng lúc giơ tay
Thì có tiếng thiên sứ:
“Ap-ra-ham, dừng ngay!

Giờ thì Chúa đã biết
Lòng trung thành của ngươi.
Hãy quay về, lần nữa
Làm lễ tạ ân Người!”

3
Ap-ra-ham quả thật
Sau thành tổ nhiều đời
Của ba Đạo - Do Thái,
Thiên Chúa và Đạo Hồi.

It-ma-en, con trưởng,
Có mười hai con trai,   
Mười hai vua Ả Rập,
Toàn hào kiệt, anh tài.

Còn con thứ I-sac -
Hai con trai sinh đôi,
Là E-sau, Gia-côp,
Không làm nhục giống nòi.

Về phần mình Gia-côp
Cũng mười hai con trai,
Mười hai vua Do Thái,
Và cũng bậc anh tài.

Vậy là người Ả Rập,
Và người It-ra-en,
Cả người Thiên Chúa Giáo,
Cùng chung một tổ tiên.


THIÊN CHÚA HỦY DIỆT
THÀNH SÔ-ĐÔM VÀ GÔ-MÔ-RA

Người dân hai thành phố
Sô-đôm, Gô-mô-ra
Trở nên rất hư đốn,
Chuyên làm điều xấu xa.

Thiên Chúa rất tức giận,
Báo cho Ap-ram hay,
Rằng Ngài sẽ hủy diệt
Cả hai thành phố này.

Ap-ram xin Thiên Chúa
Tha không giết mọi người,
Nếu con số người tốt
Ở đây là năm mươi.

Chúa đồng ý, nhân thể
Ông xin Chúa nương tay,
Cả khi số người tốt
Chỉ là mười ở đây.

Lần nữa Chúa đồng ý,
Rồi sai hai thiên thần
Xuống các thành phố ấy
Để tìm hiểu người dân.

Hai thiên thần bay xuống.
Lúc ấy là ban đêm.
Ông Lot đón các vị
Rất cung kính ngoài thềm.

Ông Lot, như ta biết,
Là cháu ông Ap-ram,
Một người luôn kính Chúa
Và hay lam, hay làm.

Ông mời hai vị khách,
Không biết là thiên thần,
Vào nhà ông nghỉ tạm,
Sai vợ dọn thức ăn.

Trong khi, thật xấu hổ,
Đàn ông các nhà bên,
Nghe tin có khách lạ,
Vội kéo nhau đến liền.

Chúng đòi giao cho chúng
Hai người khách đàn ông
Để chúng hiếp tập thể.
Một cảnh tượng đau lòng.

Theo truyền thống hiếu khách,
Giấu hai khách của mình,
Ông Lot giao cho chúng
Hai con gái còn trinh.

Bọn đồng tính luyến ái,
Vẫn nhất định không tha.
Cuối cùng chúng giận dữ,
Đạp cửa, xông vào nhà.

Hai thiên thần hóa phép
Làm mắt chúng mù lòa,
Đưa gia đình ông Lot
Tới khu làng Dô-a.

Thiên Chúa liền sau đấy
Làm trận mưa lưu huỳnh
Thiêu trụi hai thành phố
Xấu xa và đáng khinh.

Vợ ông Lot, thật tiếc,
Không nghe lời thiên thần,
Ngoái lại nhìn, lập tức
Biến thành cột muối ăn.


GIU-SÊ

1
ÔNG GIU-SÊ BỊ BÁN SANG AI-CẬP

Như đã nói, Gia-côp
Có mười hai con trai.
Giu-sê được yêu nhất
Vì thông minh, có tài.

Lúc lên mười bảy tuổi,
Chàng bắt đầu chăn chiên.
Bố cho chàng chiếc áo
Dài tay và đắt tiền.

Các anh chàng thấy thế,
Tỏ ý rất bất bình.
Đơn giản vì thấy bố
Yêu chàng hơn yêu mình.

Lần nọ chàng kể lại
Cho các anh trai nghe
Một giấc mơ, làm họ
Càng thêm ghét Giu-sê.

Chàng mơ đang bó lúa
Cùng các anh ngoài đồng.
Bó của chàng đứng thẳng,
Của các anh thì không.

Hơn thế, lúa của họ
Còn cúi lạy lúa chàng.
Lễ phép và cung kính
Như lạy trước ngai vàng.

Các anh tức giận nói:
“Cái thằng này hỗn hào.
Mày muốn làm vua hả,
Để cai trị chúng tao?”

Lần khác, chàng lại kể
Một giấc mơ lạ đời:
Mười một vì sao sáng
Cùng mặt trăng, mặt trời

Tất cả cùng quì mọp,
Cúi lạy chàng rất lâu.
Bố chàng không tin lắm,
Nhưng ghi nhớ trong đầu.

Còn các anh nghe thế,
Đã ghét càng ghét thêm
Rồi bắt đầu bàn bạc,
Tìm cách làm hại em.

Một hôm, ông Gia-côp
Bảo Giu-sê ra đồng,
Xem các anh chăn thú
Có gì bất trắc không.

Khi Giu-sê xuất hiện,
Các anh chàng bảo nhau:
“Thằng làm vua đang đến.
Ta phải giết thật mau,

Rồi ném xác xuống giếng.
Sau đó, lúc về nhà,
Ai hỏi, nói thú dữ
Đã ăn thịt hắn ta.”

Con đầu lòng Gia-côp,
Có tên là Rưu-vên,
Nói: “Không nên giết nó.
Nó là em, không nên.

Tôi không muốn đổ máu
Của người anh em mình.
Ta vứt nó xuống giếng.
Hợp lý, cũng hợp tình.

Rưu-vên nói như thế
Là muốn cứu Giu-sê.
Định sau sẽ quay lại,
Kéo chàng lên, đưa về.

Các anh chàng đồng ý.
Họ trói, ném người em
Xuống chiếc giếng cạn ước,
Rồi ăn cơm thản nhiên.

Bất chợt Giu-đa nói:
“Giu-sê là em ta.
Giết cũng chẳng có lợi.
Hay ta bán đi xa?”

Mọi người nghe, hợp lý,
Bèn kéo Giu-sê lên,
Bán hai mươi đồng bạc
Cho người It-ma-ên.

Họ là người buôn chuyến,
Tới những miền rất xa.
Giu-sê được bán lại
Cho ông Pôn-ti-pha.

Ông này là tướng giỏi,
Lập được nhiều chiến công
Đang chỉ huy quân đội
Của vua Pha-ra-ông.

Khi Ruu-vên quay lại,
Chẳng thấy Giu-sê đâu.
Chàng xé áo, ngồi khóc
Và thương tiếc rất lâu.

Những người anh em khác
Lấy áo của Giu-sê
Nhúng vào máu súc vật,
Rồi chiều tối mang về.

Họ nói với Gia-côp
Rằng Giu-sê, tiếc thay,
Bị thú dữ ăn thịt,
Còn lại chiếc áo này.

Thương con, Gia-côp khóc
Mọi người đến bên ông
Cùng lựa lời an ủi,
Ông vẫn không nguôi lòng.

2
ÔNG GIU-SÊ GIẢI THÍCH GIẤC MƠ
CHO VUA PHA-RA-ÔNG

Vua vùng đất Ai Cập,
Thường gọi Pha-ra-ông,
Tống ngục hai thái giám
Đã làm trái ý ông.

Ngẫu nhiên hai vị ấy
Lại chính là những người
Giu-sê được quản ngục
Cho cùng giam một nơi.

Ngoài ra, chàng được lệnh
Chăm sóc hai vị này.
Giúp phục vụ cơm nước
Và dọn dẹp hàng ngày.

Một sáng nọ, hai vị,
Ngủ dậy, mặt thẫn thờ.
Hỏi thì hai vị đáp
Họ vừa có giấc mơ.

Hai giấc mơ lạ lắm,
Chẳng ai hiểu thế nào.
Giu-sê xin họ kể,
Chàng thử giải xem sao.

Một vị nói: “Thật lạ,
Tôi mơ thấy cây nho,
Bên trên có ba nhánh,
Quả chín mọng, rất to.

Chim đến ăn nho chín.
Vua đang ngồi trên ngai,
Tôi hái nho, lấy chén,
Ép thành nước, dâng ngài.”

Giu-sê nói: “Ba nhánh
Có nghĩa là ba ngày.
Ba ngày nữa chắc chắn
Ông thoát khỏi nơi này.

Lúc ấy ông hãy nhớ
Tâu với Pha-ra-ông,
Để tôi cũng nhanh chóng
Được tự do như ông.”

Giám quan kia thì kể
Về giấc mơ như sau:
“Tôi mơ ba giỏ bánh
Được đặt ngay trên đầu.

Cả ba giỏ bánh ấy
Vốn làm cho vua ăn.
Đựng trong giỏ cao nhất
Có đủ bánh vua cần.

Thế mà chim bay đến
Móc rỉa, ăn ngon lành.
Tôi đau mà không thể
Xua chúng khỏi đầu mình.”

Chàng nói: “Ba giỏ bánh
Là ba ngày của ông.
Tức là ba ngày nữa
Đức vua Pha-ra-ông

Sẽ sai bọn đao phủ
Chém đầu ông, treo lên.
Ông sẽ thành mồi sống
Cho lũ chim kền kền.”

Ba ngày sau, quả thật,
Mọi việc đã diễn ra
Đúng như Giô-sê đoán.
Một quan được vua tha.

Còn quan kia bị giết,
Đầu treo trên cành cây.
Từ khắp nơi, chim chóc
Kéo đến rỉa từng bầy.

Hai năm sau, nằm ngủ,
Đức vua Pha-ra-ông,
Mơ thấy mình đang đứng
Một mình bên bờ sông.

Bảy con bò béo tốt
Từ sông Nin đi lên.
Ăn cỏ trong lau sậy
Mọc rất nhiều hai bên.

Một lúc sau lại thấy
Cũng đúng bảy con bò,
Có hình dạng xấu xí
Và cơ thể gầy gò.

Bảy con bò xấu ấy
Ăn thịt bảy con kia.
Vua giật mình tỉnh dậy,
Mồ hôi vã đầm đìa.

Đêm hôm sau, lần nữa
Đức vua Pha-ra-ông
Mơ thấy một bụi lúa
Rất mẩy hạt, bảy bông.

Rồi từ bụi lúa ấy,
Bảy bông khác gầy gò,
Hạt lép, chúng ăn hết
Bảy bông lúa hạt to.

Vua lo sợ, cho gọi
Các pháp sư, chiêm tinh.
Yêu cầu họ giải nghĩa
Hai giấc mơ của mình.

Thế mà những vị ấy,
Dẫu uyên bác, tài ba,
Cố vắt óc giải nghĩa,
Nhưng giải mãi không ra.

Chợt ông quan thái giám
Nhớ giấc mơ của mình,
Cho gọi Giu-sê đến
Rồi kể hết sự tình.

Nghe xong, Giu-sê nói:
“Thiên Chúa báo cho vua
Về một tai họa lớn -
Sắp xẩy ra mất mùa.

Cả hai giấc mơ ấy
Ý nghĩa giống như nhau.
Bảy con bò béo tốt,
Bảy bông lúa vàng au

Là bảy năm no đủ
Vì được mùa ở đây.
Còn bảy bông lúa lép
Và bảy con bò gầy

Là bảy năm sau đó
Trời hạn hán, mất mùa,
Khắp nơi dân thiếu đói
Trong đất nước của vua.”

Pha-ra-ông rất thích
Lời giải ấy của ông,
Cho ông làm tể tướng
Thưởng bạc vàng, ruộng đồng.

“Nhờ thần khí Thiên Chúa,
Con người này tài ba
Từ nay là tể tướng,
Quyền lực chỉ sau ta.

Mọi thần dân Ai Cập
Phải nghe theo lệnh ông,
Như phải nghe theo lệnh
Của ta, Pha-ra-ông!”

3
GIA ĐÌNH ĐOÀN TỤ

Như Giu-sê báo trước,
Trong suốt bảy năm trời
Mùa màng rất tươi tốt,
Dân no đủ khắp nơi.

Giu-sê cho tích góp
Lương thực chất đầy kho.
Kho của ông nhiều lắm,
Kho bé rồi kho to.

Ông cũng khuyên tất cả,
Người giàu và người nghèo,
Nên tích trữ lương thực,
Tiếc, ít người làm theo.

Và rồi trời hạn hán,
Đất nứt nẻ, khô cằn.
Hoa màu không mọc được.
Người không có gì ăn.

Mà không chỉ một tháng,
Một vài năm, tiếc thay,
Những bảy năm đằng đẵng.
Lấy gì sống qua ngày?

Dân Ai Cập rồng rắn
Xếp hàng trước nhà ông
Để chờ mua lương thực,
Trả bằng tiền, tiền đồng.

Còn ở nước bên cạnh
Gia-côp và các con,
Cũng do trời hạn hán,
Thức ăn đã không còn.

Khi nạn đói kinh khủng
Bước sang năm thứ hai,
Bắt chước nhiều người khác,
Gia-côp cho con trai

Tìm đường tới Ai Cập,
Gặp tể tướng nước này
Để mua ít lương thực,
Hy vọng sống qua ngày.

Tất nhiên họ không biết
Tể tướng là em mình.
Còn Giu-sê thì biết,
Nhưng ông vẫn làm thinh.

Hơn thế, còn ra lệnh
Tống giam họ ba ngày.
Sau đó cho về nước
Với xe lương thực đầy.

Lần thứ hai họ đến,
Đích thân được em mình
Là tể tưởng Ai Cập
Đón tiếp rất thân tình.

Các thù xưa oán cũ
Được nhanh chóng bỏ qua.
Giu-sê ngay lập tức
Cho người về đón cha.

Chẳng bao lâu sau đó
Gia-côp cùng gia đình,
Bảy mươi người tất cả,
Dọn sang với con mình.

Hay tin có khách quí,
Đích thân Pha-ra-ông
Chào đón và mời họ
Sinh sống ở nước ông.

*
Thọ một trăm mười tuổi,
Quan tể tướng Giu-sê
Lúc chết, bắt con cháu
It-ra-en phải thề

Khi rời khỏi Ai Cập,
Ướp xác ông bằng hương,
Cho vào quan tài kín
Rồi đưa về quê hương.


MÔ-SÊ

1
ÔNG MÔ-SÊ CHÀO ĐỜI

Cùng gia đình Gia-côp
Nhiều người It-ra-en
Phải chạy sang Ai Cập
Kiếm thức ăn, kiếm tiền.

Họ sinh con đẻ cái,
Số lượng ngày càng đông,
Sống thương yêu, khép kín
Thành nhóm và cộng đồng.

Sau khi Giu-sê chết,
Người Ai Cập dần dần
O ép người Do Thái
Trong công việc làm ăn.

Người Do Thái do vậy,
Trong một thời gian dài
Phải sống như nô lệ,
Dù thông minh, lắm tài.

Hơn thế, vua Ai Cập,
Lo cho dân của mình,
Lệnh: “Bé trai Do Thái
Phải giết khi mới sinh!”

Một bà Lê-vi nọ
Sinh được đứa con trai,
Phải bí mật giấu nó
Khỏi tai mắt người ngoài.

Khi không giấu được nữa,
Bà buộc phải cầm lòng
Cho nó vào chiếc thúng
Để trôi theo nước sông.

Bà sai con, chị nó,
Nấp trong bụi, đứng nhìn
Chiếc thúng cùng đứa bé
Trôi trên dòng sông Nin.

Đúng lúc ấy, phía dưới,
Con gái Pha-ra-ông
Đang tắm mát, chợt thấy
Chiếc thúng trôi giữa dòng.

Nàng tò mò muốn biết
Trong chiếc thúng có gì.
“Thì ra một đứa trẻ
Chắc con người Hip-ri.”

Chị đứa bé đi đến
Nói với nàng: “Thưa bà,
Bà muốn, con có thể
Tìm một người vú già.

Người Hi-pri, hẳn thế,
Để nuôi đứa bé này.”
Khi công chúa đồng ý,
Nó liền bỏ đi ngay.

Lát sau nó quay lại
Với bà mẹ của mình,
Cũng là mẹ đứa bé.
Một bé trai thật xinh.

“Bà hãy nuôi nấng nó.
Rồi ta sẽ trả công.
Ta nhận đỡ đầu nó.
Ta, con Pha-ra-ông.”

Nàng nhận lại đứa bé
Khi nó đã lớn khôn.
Đem về nuôi, chăm sóc,
Và yêu thương như con.

Ngẫm người, ngẫm hoàn cảnh,
Nàng cho nó cái tên
Là Mô-sê, có nghĩa
“Được từ nước vớt lên.”

2
ÔNG MÔ-SÊ PHẢI CHẠY TRỐN

Khi trưởng thành, lần nọ,
Mô-sê đi ra ngoài,
Thấy người dân Do Thái,
Hệt như tù khổ sai,

Phải làm việc quần quật,
Chang giữa nắng ngoài đồng,
Không khác gì nô lệ.
Nhìn mà không cầm lòng.

Thấy một tên Ai Cập
Đánh đồng bào của mình,
Ông tức giận, giết hắn,
Vùi xuống bãi lau sình.

Hôm sau ông lại đến,
Thấy hai người Hip-ri,
Tức là người Do Thái,
Không biết lý do gì,

Đang đánh nhau dữ dội.
Ông nói: “Cùng đồng bào,
Cùng chung kiếp nô lệ,
Nỡ đánh nhau được sao?”

“Ông là ai, xin hỏi,
Mà phán xét người ta?
Hay định giết tôi hả,
Như giết thằng hôm qua?”

Mô-sê nghe, chợt hiểu,
Có người nhìn thấy mình
Giết thằng khốn Ai Cập.
Vậy phải trốn đi nhanh.

Ông đến một vùng đất
Tên là Ma-đi-an,
Thì gặp một cô gái
Lấy nước bên giếng tràn.

Cô đang định lấy nước
Cho đàn cừu của cô,
Nhưng bị những người khác
Tranh mất phần, không cho.

Ông giúp cô lấy nước.
Âu cũng việc bình thường,
Không biết là con gái
Thầy Tư Tế địa phương.

Cô về kể với bố.
Ông bố rất hài lòng,
Cho mời Mô-sê đến
Cũng dùng bữa với ông.

Sau bữa cơm vui vẻ,
Thầy Tư Tế, chủ nhà,
Đề nghị người khách quí
Ở với ông, cùng nhà.

Đang không có nơi ở,
Mô-sê liền bằng lòng,
Về sau cưới làm vợ
Cô con gái của ông.

3
LỜI THIÊN CHÚA NÓI VỚI MÔ-SÊ

Ông Mô-sê lần nọ
Đi chăn dê và bò
Cho gia đình bố vợ
Là Tư Tế Git-rô.

Bất chợt ông nhìn thấy
Một bụi gai xa xa
Bốc lửa cháy ngùn ngụt,
Và Thiên Chúa hiện ra.

“Mô-sê”, Thiên Chúa gọi.
“Dạ thưa, có con đây.”
“Vì đây là đất thánh,
Con hãy cởi dép giày.

Ta chính là Thiên Chúa
Tổ phụ Ap-ra-ham,
I-sac và Gia-côp.
Cẩn thận, chớ lại gần.

Ta đã thấy cảnh khổ
Của các con dân ta
Ở đất nước Ai Cập,
Muốn đưa chúng đi xa

Tới một miền đất mới,
Thoáng rộng và tốt tươi,
Có đầy sữa và mật
Để nuôi sống mọi người.

Con được giao sứ mạng
Đưa con dân của ta
Thoát khỏi đất Ai Cập
Đầy khổ cực, xót xa.

Ta sai con đến gặp
Đích thân Pha-ra-ông
Để bàn về việc ấy.
Con có nhận lời không?”

“Con là ai mà dám
Gặp Đức Vua ở đây
Và đưa dân Do Thái
Thoát khỏi vùng đất này?”

“Con đừng lo, Thiên Chúa
Luôn bên con, và ta
Giúp con trong mọi việc
Trong chuyến này đi xa.

Hãy gặp các kỳ mục
Của dân It-ra-en,
Nói: “Tôi được Thiên Chúa
Phái đến giúp anh em.

Thiên Chúa đã biết chuyện
Anh em khổ xưa nay,
Hứa giúp dân Do Thái
Thoát khỏi vùng đất này.”

Các kỳ mục chắc chắn
Sẽ nghe con, và rồi
Đến gặp vua Ai Cập,
Nói: “Người dân chúng tôi

Đã gặp đấng Thiên Chúa,
Nay xin Pha-ra-ông
Vào sa mạc làm lễ
Tạ ân Ngài, được không?”

Ta biết vua Ai Cập
Nhất định sẽ lắc đầu,
Trước khi ta, Thiên Chúa,
Cho thấy các phép màu.”

Dẫu trong lòng không muốn,
Nhưng không thể làm gì,
Cuối cùng vua Ai Cập
Sẽ để các con đi.”

No comments:

Post a Comment