Wednesday, February 25, 2015

NGẪU HỨNG KHI ĐỌC TAM TỰ KINH VÀ TỨ THƯ

Ngẫu nhiên ngồi đọc lại
Tứ Thư, Tam Tự Kinh,
Rồi ngẫu nhiên, muốn viết
Đôi ý nghĩ của mình.

Người xưa thật chí lý,
Nói câu nào cũng hay.
Xin rông dài cóp nhặt
Những ý ấy ra đây.

Chúng có thể giúp bạn
Chiêm nghiệm lại chính mình,
Thanh lọc tâm và trí
Để thành người thông minh.

Có điều như Phật nói:
Để đạt tới giác thiền,
Phải tập trung suy nghĩ,
Ngồi lâu và ngồi yên.

Vậy hãy đọc chầm chậm.
Nên đọc một, nghĩ mười
Để lời thánh hiền dạy
Chầm chậm lắng vào người.

TAM TỰ KINH

1
Nhân chi sơ bản thiện.
Ai cũng tốt ban đầu.
Tính tương cận, tương viễn.
Sau này mới khác nhau.

2
Khi sinh ai cũng tốt.
Do giáo dục sau này,
Từ những người tốt ấy
Thành kẻ xấu, người ngay.

3
Lắm thương, lắm đau khổ.
Tích nhiều sẽ mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.

4
Bản tính người vốn thiện,
Nhưng phải dạy từ đầu.
Trong việc dạy - quan trọng,
Phải dạy đều, dạy lâu.

5
Con hư tại bố mẹ
Không bảo ban hàng ngày.
Dạy mà không nghiêm khắc,
Trò hư là tại thầy.

6
Ngọc mà không gọt dũa -
Chỉ viên đá bình thường.
Người mà không chịu hoc
Dễ thành người bất lương.

7
Đạo làm con - từ nhỏ
Không được quá ham chơi.
Phải tìm thầy học chữ,
Học lễ nghi làm người.

8
Ông Hoàng Hương, chín tuổi
Đã biết lấy thân mình
Làm ấm chăn cha đắp.
Thật chí hiếu, chí tình.

9
Ông Khổng Dung, bốn tuổi,
Biết nhường lê cho anh.
Đó là tình huynh đệ,
Phải rèn luyện mới thành.

10
Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín -
Ấy là năm đại thường.
Bao trùm lên tất cả
Là tình yêu, tình thương.

11
Đời có ba rường cột:
Vua phải thương dân mình.
Cha con phải hòa thuận.
Vợ chồng phải có tình.

12
Khổng Tử dạy: Trước hết
Phải biết lo tu thân.
Thứ đến yêu cha mẹ.
Mọi cái sau học dần.

13
Tiếc bây giờ con trẻ
Không học Tam Tự Kinh.
Học để biết lễ nghĩa,
Biết chữ hiếu, chữ tình.

14
Thứ nhất phải học lễ,
Sau mới đến học văn.
Nhưng khi đói trước hết
Phải lo học kiếm ăn.

15
Trẻ học xong Tiểu Học
Mới chuyển sang Tứ Thư.
Vì học lời của thánh,
Nên học chậm, từ từ.

16
Tứ Thư có bốn cuốn.
Đại Học là cuốn đầu.
Tu thân phải học trước,
Tề gia mới học sau.

Quên đi chuyện trị nước.
Bình thiên hạ - tránh xa.
Con người tốt hay xấu
Ở tu thân, tề gia.

17
Luận Ngữ của Tứ Thư
Chỉ hai mươi chương nhỏ.
Mọi triết lý cuộc đời
Gần như nằm trong đó.

18
Sách Trung Dung Khổng Tử
Súc tích và kiệm lời.
Không thể không đọc nó
Để trung dung ở đời.

Tử Tư, cháu Khổng Tử
Biên soạn cuốn sách này.
Ba mươi ba chương nhỏ.
Giá trị đến ngày nay.

19
Sách Mạnh Tử
Chỉ bảy chương.
Giảng đạo đức,
Thuyết luân thường.

20
Tam Tự Kinh, sách cổ,
Thâm thúy và thật hay.
Ngoài vâng lời cha mẹ,
Trẻ nên đọc cuốn này.

21
Sau đời vua Nghiêu Thuấn
Là đến Hạ, Thương, Chu
Với ba vua kiệt xuất
Để tiếng tốt nghìn thu.

Nhà Hạ có vua Vũ.
Vua Thang đời nhà Thương.
Nhà Chu - vua Văn, Vũ,
Thành Tam Đại đế vương.

22
Đạo Đức Kinh Lão Tử
Dạy vô vi, phớt đời.
Kinh Nam Hoa Trang Tử
Lấy ngụ ngôn dạy người.

Trong các sách chư tử
Nên đọc cả thầy Tuân,
Tức Tuân Tử nước Sở,
Và thầy Vương, thầy Văn.

23
Chuyện Ngu Công dời núi
Có thể chỉ hoang đường.
Nhưng không có chuyện ấy
Đời sẽ thành tầm thường.

24
Đời loạn - về ở ẩn.
Đời thịnh ra làm quan.
Ai học theo Khổng Tử,
Sẽ được sống an nhàn.

25
“Tôi may được hơn ngưòi
Nhờ biết đứng sau người”.
Lão Tử nói câu ấy.
Đáng noi theo, nhớ đời.

26
Quá mê nàng Đát Kỷ,
Vua Trụ thành bất lương.
Vua Vũ dấy quân đánh -
Nhà Chu thay nhà Thương.

27
Hán Cao Tổ dựng nghiệp,
Truyền được mười hai đời.
Sau bị Vương Mãng tiếm,
Để bài học cho đời.

28
Thông minh như Khổng Tử
Mà cũng luôn học người.
Ngài học cả Hạng Thác,
Một cậu bé lên mười.

29
Triệu Phổ học Luận Ngữ
Giúp Thái Tổ, Thái Tôn.
Nửa cuốn giúp vua bố.
Nửa kia giúp vua con.

30
Ông Tôn Kinh nước Tấn
Hiếu học, mồ côi cha.
Sợ ngủ quên, khi học
Tự treo ngược lên xà.

31
Xả Doãn bắt đom đóm
Cho vào lọ làm đèn,
Đọc cho đến tận sáng,
Lĩnh hội ý thánh hiền.

32
Bố thi hào Tô Thức
Mãi đến gần ba mươi
Mới bắt đầu học chữ,
Sau dạy con thành người.

33
Ông Lương Hiệu nước Tống,
Dẫu sức yếu, tuổi già,
Vẫn đi thi, đỗ Trạng,
Ở tuổi gần tám ba.

34
Con ong cho mật ngọt,
Làm việc không nghỉ ngơi.
Còn nhỏ không chịu học,
Sau lấy gì cho đời?

35
Tri giả bất ngôn.
Ngôn giả bất tri.
Biết không nên nói.
Nói - không biết gì.



TỨ THƯ

1
Mạnh Tử:

Thiên tác nghiệt, du khả vi.
Tự tác nghiệt, bất khả hoạt.
Trời gây họa, còn tránh trời.
Mình gây họa, tránh sao thoát.

2
LÃO TỬ:

Tri giả bất ngôn.
Ngôn giả bất tri.
Biết, im không nói.
Nói - không biết gì!

3
KHỔNG TỬ

Vật hữu bổn, mạt.
Sự hữu chung, thủy.
Tri sở tiên, hậu.
Tắc cận đạo hỹ.

Việc có sau, trước.
Vật có đầu, đuôi.
Ai theo luật ấy
Rồi sẽ thành người.

4
KHỔNG TỬ:

Thanh, tư trạc anh.
Trược, tư trạc túc.

Nước trong giặt mũ.
Đục - rửa chân tay.
Dùng người cũng vậy,
Nên nhớ điều này.

5
MẠNH TỬ:

Đạo tại nhĩ, nhi cầu chi viễn.
Sự tại dị, như cầu chi nan.
Đức trong ta, đừng tìm đâu đó.
Thiện trong ta, sao cứ luận bàn?

6
MẠNH TỬ:

Cố thành giả, Thiên chi Đạo giả.
Tư thành giả, Nhân chi Đạo giả.
Tính thành thật là Đạo của Trời.
Luyện thành thật là Đạo của Người.

7
MẠNH TỬ:

Phù, nhân tất tự vũ.
Nhiên hậu nhân vũ chi.
Anh tự khinh mình trước.
Nay đời khinh, kêu gì?

8
KHỔNG TỬ nói với TỬ CỐNG khi được hỏi:
“Muốn trở thành quân tử, phải làm gì?”

Tiên hành kỳ ngôn.
Nhi hậu tùng chi.
Khuyên ai làm gì,
Tự mình làm trước.

9
KHỔNG TỬ:

Quân tử chu nhi bất tỷ.
Tiểu nhân tỷ nhi bất chu.

Tiểu nhân lo tư lợi.
Quân tử lo cho đời.
Quân tử luôn thành đạt.
Tiểu nhân bị chê cười.

10
KHỔNG TỬ:

Học nhi bất tư, tắc võng.
Tư nhi bất học, bất thành.
Học không nghĩ, là vô ích.
Nghĩ không học, không thành danh.

11
KHỔNG TỬ:

Tri chi vi tri chi.
Bất tri vi bất tri
Mình biết, nói mình biết.
Không biết, nói không biết.
Giấu diếm mà làm gì!

12
TỬ CỐNG:

Quân tử chi quá giã.
Như nhật nguyệt chi thực yên.
Quá giã nhân giai kiến.
Canh giã, nhân giai ngưỡng chi.

Quân tử ngồi trên cao,
Mắc lỗi, ai cũng thấy.
Biết sửa lỗi, mọi người
Sẽ bỏ qua lỗi ấy.

13
KHỔNG TỬ:

Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử giả.
Bất tri lễ, vô dĩ lập giả.
Bất tri ngôn, vô dĩ tri nhân giả.

Không thể là quân tử
Khi không biết mệnh trời.
Chưa hiểu hết đạo, lễ,
Không thể gọi là người.
Không hiểu được lời nói,
Làm sao hiểu được đời?

14
DƯƠNG HỖ:

Vi nhân bất phú.
Vi phú bất nhân.
Thằng xấu giàu mãi.
Người tốt nghèo dần.

15
MẠNH TỬ:

Nhân chi loạn
Tại háo vi nhân sư.

Đời vẫn thế: thằng dốt
Lại cứ thích làm thầy
Gây nên bao tai họa
Cho mọi người xưa nay.

16
MẠNH TỬ:

Bất hiếu dĩ tam.
Vô hậu vi đại.

Theo Mạnh Tử, bất hiếu:
Hư, làm bố mẹ buồn.
Không phụng dưỡng bố mẹ.
Không lấy vợ sinh con.

Ba điều bất hiếu ấy,
Lớn nhất điều thứ ba -
Không để lại con cháu
Mong nối dõi ông bà.

17
MẠNH TỬ nói với TỀ TUYÊN VƯƠNG:

Quân chi thị thần như thổ giái,
Tắc thần thị quân như khấu thù.
Vua coi bề tôi như cỏ rác -
Vua thành người xấu, một thằng ngu!

18
MẠNH TỬ:

Vô tội nhi sát sĩ, tắc đại phu khả dĩ khứ.
Vô tội nhi lục dân, tắc sĩ khả dĩ nhĩ.

Vua giết dân vô tội,
Người có học bỏ đi.
Vua giết người có học,
Coi như chẳng còn gì.

19
MẠNH TỬ:

Quân nghĩa, mạc bất nghĩa.
Quân nhân, mạc bất nhân.
Vua có tình, có đức,
Dân noi theo, tốt dần.

20
KHỔNG TỬ:

Bất thiên chi vị trung.
Bất dịch chi vị dung.
Cố định, không thiên lệch,
Đó là thuyết trung dung.

Trong thuyết giáo Khổng Tử
Quan trọng nhất thuyết này.
Nó giúp ta kiềm chế,
Tĩnh tâm, giữ lòng ngay.

21
KHỔNG TỬ:

Trung thứ vi
Đạo bất viễn.
Có chữ trung,
Đạo thăng tiến.

22
KHỔNG TỬ nói về bậc quân tử:

Thượng bất oán thiên.
Hạ bất vưu nhân.

Trên không trách trời.
Dưới không phiền người.

23
KHỔNG TỬ nói với TỬ CỐNG:

Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri.
Hoạn bất tri nhân giã.

Xưa nay quân tử, bậc anh minh
Thấu hiểu lẽ đời ở chỗ:
Không sợ người khác không hiểu mình.
Chỉ lo mình không hiểu họ.

24
KHỔNG TỬ nói về Kinh Thi:

Thi tam bá, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: “Tư vô tà!”

Kinh Thi ba trăm thiên,
Chỉ một câu gói trọn:
Phải luôn giữ lòng mình
Không ác tà, khiêm tốn.

25
KHỔNG TỬ:

Kiến nghĩa bất vi, vô dũng giã.

Thấy việc nghĩa không làm,
Ấy là người hèn nhát!

26
KHỔNG TỬ:

Bất nhân giã bất khả dĩ cửu xử ước,
Bất khả dĩ trường xử lạc.
Nhân giã an nhân.
Tri giả lợi nhân.

Kẻ bất nhân không chịu khổ được lâu.
Mà có sướng, cũng không lâu bền được.
Người có nhân sống thanh thản, dù nghèo.
Người có nghĩa dùng nhân, mong giúp nước.

27
KHỔNG TỬ:

Triêu văn Đạo,
Tịch tử khả hỹ.

Sáng được nghe Đạo Lý,
Tối chết cũng cam lòng.

28
KHỎNG TỬ:

Quân tử dục nột ư ngôn,
Nhi mẫn ư hạnh.

Quân tử kiệm lời,
Chăm việc nghĩa.

29
KHỔNG TỬ:

Quân tử dục ư nghĩa.
Tiểu nhân dục ư lợi.

Người tốt trọng nghĩa, nhân.
Kẻ xấu trọng miếng ăn.

30
KHỔNG TỬ:

Quân tử chi ư thiên hạ giã,
Vô thích, vô mịch giã
Nghĩa chi dữ tỷ.

Quân tử làm việc nghĩa
Bất kể thích hay không,
Miễn, có lợi cho nước.
Miễn, hợp ý, hợp lòng.

31
KHỔNG TỬ:

Bất hoạn vô vi.
Hoạn sở dĩ lập.
Bất hoạn mạc kỷ tri,
Cầu vi khả tri giã.

Đừng lo không được dụng.
Chỉ sợ mình bất tài.
Không sợ người không biết.
Sợ mình không bằng ai.

32
KHỔNG TỬ:

Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỹ nhân.

Ai nói lời hoa mỹ,
Xăng xái, dáng ân cần,
Luôn bảnh bao, kiểu cách,
Người ấy kém lòng nhân.

33
KHỔNG TỬ:

Kiến hiền, tự tế yên.
Kiến bất hiền, nội tự tỉnh giả.

Gặp người hiền, cố noi theo.
Người bất hiền - phải tự biết.

34
TỬ DU:

Sự quân sác, tư nhục hỹ.
Bằng hữu sác, tư sơ hỹ.

Can vua không nghe, nghĩ thấy nhục.
Can bạn không nghe, tôi đành im.

35
KHỔNG TỬ:

Trí giả nhạo thủy.
Nhân giả nhạo sơn.
Người trí thích nước.
Người nhân - núi non.

Trí giả động,
Nhân giả tĩnh.

Người trí ưa động.
Ưa tĩnh - người nhân.
Cả hai người ấy
Vì nước, vì dân.

36
KHỔNG TỬ trả lời vua ĐỊNH CÔNG nước Lỗ
khi được hỏi về quan hệ vua tôi:

Quân sử thần dĩ lễ
Thần sự quân dĩ trung.
Vua với tôi - đúng phép.
Tôi với vua - hết lòng.

37
KHỔNG TỬ nói về thuyết Trung Dung:

Trung Dung chi vi đức giã,
Kỳ chí hỹ hồ.
Dân tiển cửu hỹ.

Trung Dung là tuyệt đỉnh
Các đức hạnh xưa nay.
Tiếc chưa ai có thể
Lên tới đỉnh thuyêt này.

38
KHỔNG TỬ:

Nhân viễn hồ tai?
Ngã dục nhân, tư nhân chí hỹ!

Điều nhân không đâu xa.
Nó ở ngay trong ta.
Nếu ta muốn điều ấy,
Tự khắc sẽ nghĩ ra.

39
KHỔNG TỬ:

Quân tử thản đãng đãng.
Tiểu nhân trường thích thích.

Quân tử vui, vô lo.
Tiêu nhân luôn âu lo.

40
KHỔNG TỬ:

Dụng chi tắc hành.
Xả chi tắc tàng.

Được dùng, ra làm quan.
Không dùng, về ở ẩn.

41
KHỔNG TỬ nói về Kinh Dịch:

Gia ngã sổ niên, tốt dĩ học Dịch,
Khả dĩ vô đại quá hỹ.

Nếu trời cho sống thêm,
Ta học xong đạo Dịch,
Không phạm thêm sai lầm,
Có ngày về tới đích.

42
Lời TĂNG TỬ trước khi chết:

Điểu chi tương tử, kỳ minh giã ai.
Nhân chi tương tử, kỳ ngôn giã thiện.

Con chim sắp chết, kêu tiếng bi ai.
Con người sắp chết, nói điều đức, thiện.

43
MẠNH TỬ:

Thiên thời bất như địa lợi.
Địa lợi bất như nhân hòa.
Từ lâu người xưa nói thế.
Mà quan giờ chưa nhận ra.

44
MẠNH TỬ:

Hữu bất ngu chi dự.
Hữu cầu toàn chi hủy.

Thằng ngu lười, được khen.
Người tốt làm, bị trách.

45
MẠNH TỬ:

Nhân hữu bất vi giã,
Nhi hậu khả dĩ hữu vi.

Trước hết cần phải biết
Việc nào không được làm.
Rồi sau mới xem xét
Việc nào mình phải làm.

46
MẠNH TỬ:

Dưỡng sinh giả, bất túc dĩ đương đại sự.
Duy tống tử, khả dĩ đương đại sự.

Phụng dưỡng mẹ cha là việc lớn.
Chôn cất mẹ cha còn lớn hơn.

47
MẠNH TỬ:

Ngôn vô thật bất tường.
Bất tường chi thật,
Tế hiền giả đương chi.

Nói không thật có hại.
Nhưng hại nhất vẫn là
Dùng lời nói không thật
Để hãm hại người ta.

48
MẠNH TỬ:

Quân tử chi trạch, ngũ thế nhi trảm.
Tiểu nhân chi trạch, ngũ thế nhi trảm.
Dư vị đắc vi Khổng Tử đồ giả,
Dư tư thục chư nhân giả.

Ân đức người cầm quyền thẩm thấu năm đời.
Ân đức những người hiền thẩm thấu năm đời.
Chưa hân hạnh được làm trò Khổng Tử,
Ta vẫn hưởng ân ngài, thẩm thấu năm đời.

49
MẠNH TỬ:

Nhân giả ái nhân,
Lễ giả kính nhân.
Ái nhân giả, nhân hằng ái chi.
Kính nhân giả, nhân hằng kính chi.

Nhân là thương người.
Lễ là kính người.
Mình thương người sẽ được người người thương lại.
Mình kính người sẽ được người kính lại.

50
MẠNH TỬ:

Quân Tử thành nhân chi mỹ
Bất thành nhân chi ác.
Tiểu nhân phản thị.

Quân tử giúp người làm việc nhân,
Không giúp người làm ác.
Tiểu nhân thì khác.

51
KHỔNG TỬ:

Tử sinh hữu mệnh.
Phú quí tại thiên.

Sống chết có số.
Giàu sang do trời.

52
KHỔNG TỬ:

Quân tử thái nhi bất kiêu.
Tiểu nhân kiêu nhi bất thái.
Quân tử thoải mái, chẳng kiêu căng.
Tiểu nhân kiêu căng, không thoải mái.

53
KHỔNG TỬ:

Tam quân khả đoạt súy giã.
Thất phu bất khả đoạt chí giã.

Có thể giết một nguyên soái ba quân.
Không thể giết ý chí một thằng dân.

54
KHỔNG TỬ:

Sĩ nhi hoài cư
Bất túc dĩ vi sĩ hỹ.
Kẻ sĩ mà chỉ lo cái ăn,
Không đáng gọi là kẻ sĩ.

55
KHỔNG TỬ:

Hữu đức giả tất hữu ngôn.
Hữu ngôn giả, bất tất hữu đức.
Nhân giả tất hữu dũng,
Dũng giả bất tất hữu nhân.

Người có nhân thường luôn dũng cảm.
Người dũng cảm chắc gì có nhân!
Người có đức nói hay khi cần.
Người nói hay chắc gì có đức!

56
KHỔNG TỬ:

Quân tử nhi bất nhân giả, hữu hỹ phù.
Vị hữu tiểu nhân nhi nhân giả giả.

Cũng có chuyện quân tử làm điều sai.
Không có chuyện tiểu nhân làm việc nghĩa.

57
KHỔNG TỬ:

Kỳ ngôn bất tạc,
Tắc vi chi giã nan.

Kẻ nói dối không ngượng,
Khó giữ được lời mình.

58
KHỔNG TỬ:

Cổ chi học giả vị kỷ.
Kim chi học giả vị nhân.

Người xưa học cốt nên người.
Người nay học cốt giúp đời.

59
KHỔNG TỬ:

Quân tử tư bất xuất kỳ vị.
Quân tử sỉ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hạnh.

Quân tử làm việc gì
Cũng nằm trong bổn phận.
Trót hứa mà chưa làm,
Luôn băn khoăn, hối hận.

60
KHỔNG TỬ:

Quân tử cầu chư kỷ.
Tiểu nhân cầu chư nhân.

Người quân tử chỉ trong cậy vào mình.
Kẻ tiểu nhân luôn trông vào người khác.

61
KHỔNG TỬ:

Quân tử bệnh vô năng yên,
Bất bệnh nhân chi bất tri kỷ giã.

Quân tử buồn vì mình không tài đức,
Chứ không buồn vì không ai biết mình.

62
KHỔNG TỬ:

Quá nhi bất cải,
Thị vị quá hỹ.

Lỗi lầm, không chịu sửa,
Mới thật là lỗi lầm.

63
KHỔNG TỬ:

Đạo bất đồng,
Bất tương vị mưu.

Người không cùng chí hướng,
Khó mà mưu việc chung.

64
KHỔNG TỬ:

Từ đạt, nhi dĩ hỹ.
Lời đủ ý, không cần hoa mỹ.

65
KHỔNG TỬ:

Ẩn cư dĩ cầu kỳ chí.
Hành nghĩa dĩ đạt kỳ đạo.

Sống ẩn, nuôi chí lớn,
Làm quan, hành đạo mình.

66
KHỔNG TỬ:

Tính tương cận giã.
Tập tương viễn giã.

Ai cũng tốt lúc đầu,
Sau tính mới khác nhau.

67
KHỔNG TỬ:

Niên tứ thập nhi kiến ố yên,
Kỳ chung giã dĩ.

Ai đã bốn mươi tuổi
Mà còn chưa thành người,
Thì khó lòng thay đổi
Và vẫn thế suốt đời.

68
KHỔN TỬ:

Duy nữ tử dữ tiểu nhân
Vi nan dưỡng giã.
Cận chi tắc bất tốn,
Viễn chi, tắc oán.

Con hầu và thằng ở
Là hai loại khó chiều:
Thân mật, chúng thành láo.
Nghiêm minh, chúng lại kêu.

69
MẠNH TỬ:

Nhân nhân chi an trạch giã.
Nghĩa, nhân chi chính lộ.

Nhân - làm yên lòng người.
Đức - đường lớn của đời.

70.
MẠNH TỬ:

Nhân chi thắng bất nhân giã,
Du thủy thắng hỏa.

Điều nhân thắng điều bất nhân,
Như xưa nay nước thắng lửa.

71
MẠNH TỬ:

Mạc phi mệnh giã.
Thuận thọ kỳ chính.

Mệnh Trời định sẵn.
Liệu bề chấp nhận.

72
MẠNH TỬ:

Vô vi kỳ sở bất vi.
Vô dục kỳ sở bất dục.

Đừng làm việc không nên làm.
Đừng muốn việc không nên muốn.

73
MẠNH TỬ:

Trí giả vô bất tri giả,
Đương vụ chi vi cấp.
Nhân giả vô bất ái giả,
Cấp thân hiền chi vi vụ.

Người trí phải biết hết,
Nhất là việc đang cần,
Người nhân phải yêu hết,
Nhất là những người thân.

74
MẠNH TỬ:

Dân vi quí.
Xã tắc thứ chi.
Quân vi khinh.

Trong nước, dân quí nhất.
Xã tắc đứng sau dân.
Rồi sau đó mới đến
Vua và các đại thần.





No comments:

Post a Comment