Friday, February 27, 2015

BÀN VỀ TRUYỆN NGẮN THÁI BÁ TÂN



BÀN VỀ TRUYỆN NGẮN THÁI BÁ TÂN

Bài viết của một dịch giả Mỹ BÌNH LUẬN VỀ VĂN XUÔI THÁI BÁ TÂN

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus)
Tâm Sự Của Người Chuyển Ngữ

Thú thật khi có dịp đọc những truyện ngắn của Thái Bá Tân, niềm xúc động trỗi lên và tôi như bị thôi miên, lên cơn sốt, như lậm phải ngải, thế là ý định muốn được chuyển ngữ những truyện ngắn của Thái Bá Tân đã ập đến. Biết ông có những truyện ngắn được chuyển ngữ sang Tiếng Anh, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn bị cuốn vào sự thu hút khó cưỡng lại. Và tôi đã nghĩ Tủ Sách Học Tiếng Anh Qua Tác Phẩm Văn Học của chúng ta sẽ vinh dự biết bao về sự có mặt hiện diện của Thái Bá Tân. Và vì yêu mến những truyện ngắn của ông, tôi đã âm thầm chuyển ngữ những truyện ngắn mà tôi yêu thích.

Trên tay các bạn là tập Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus) gồm những truyện ngắn của Thái Bá Tân. Tất nhiên ông không đặt tên cho bất cứ truyện ngắn nào của mình là Tình Khúc Hoa Sen cả. Song khi đọc những truyện ngắn của ông, chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ về loài hoa sen. Loài hoa của dân tộc Việt, loài hoa của Phật, của sự thanh cao, của: gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Từ đó tôi đã nghĩ đến cái tên Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus) và tôi quyết định chọn tên này để tôn vinh những dòng viết của Thái Bá Tân – Những dòng viết của một tâm hồn, một con người, với tôi – Ông thực sự là một nhà văn lớn, mặc dù có thể Thái Bá Tân sẽ thầm trách tôi: Cậu nói thế là có phần quá lời rồi. Thế là cậu đang hại tôi rồi, Nguyễn Thơ Sinh ơi.

Bản thân Thái Bá Tân là vậy. Văn ông là cuộc đời của ông. Chẳng hiểu sao tôi luôn nghĩ thế. Những trang viết của ông luôn hiền lành. Những câu văn mềm và hiền như cháo cảm. Những câu chuyện chan chứa ân tình. Những bài học nhân nghĩa. Những cái nhìn đầy khoan dung, độ lượng. Đọc văn ông tôi có cảm giác đi vãn cảnh chùa, được tịnh thân, được hầu truyện cùng sư cụ tại một ngôi chùa cổ giữa núi rừng hoang vu.

Rồi tôi nhớ trong Kinh Thánh Tân Ước theo Thánh Lu-ca có viết một câu: Người tốt thể hiện tánh thiện vì tánh thiện chất đầy trong lòng mình, kẻ ác để lộ điều bất nghĩa từ trái tim họ. Vì từ trái tim đã tràn đầy, những điều ác thiện sẽ được cất lên thành tiếng. (The good man brings good things out of the good stored up in his heart, and the evil man brings evil things out of the evil stored up in his heart. For out of the overflow of his heart his mouth speaks. - Luke 6:45). Vận vào trường hợp Thái Bá Tân, tôi thấy có phần thật rất đúng.

Văn học Việt Nam có nhiều cây bút để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Dĩ nhiên mỗi cây bút có những nét riêng, những dấu ấn để đời khác nhau. Nên nếu ví mỗi cây bút như vẻ đẹp của hai cô con gái nhà họ Vương, theo lời cụ Nguyễn Du thì mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Và tôi biết rõ ấn tượng trong văn chương có thể nói rất chủ quan, rất cảm tính cá nhân. Văn của ai hay và văn của ai đó hay hơn, đó là sự đồng cảm và thẩm thấu rất riêng giữa bạn đọc và một tác giả. Có người yêu Tô Hoài. Có người nghiện Nguyễn Tuân. Có người say Khái Hưng. Có người mất ăn mất ngủ với Nguyễn Ngọc Tư. Với bản thân mình, tôi quý văn Thái Bá Tân ở chỗ ông là người duy nhất cho tôi cảm giác được đọc lại những dòng của Nam Cao thuở nào.

Tôi chưa một lần gặp Thái Bá Tân. Càng mới chỉ biết đến ông qua sự mở rộng của thời đại thông tin (internet). Và rồi khi có cơ hội được đọc những dòng ông viết, tôi sửng sốt. Sự ngưỡng mộ về những điều ông viết khiến tôi nhận ra (nơi văn chương của ông) những bóng dáng của trúc, của sen, của thông, của lúa, của sợi muống, dây cà, củ dong, khóm riềng… Gần gũi và đậm đà những nét chân phương hiền hòa dân tộc.
Và tôi đã không thể cưỡng lại mình được. Tôi nghĩ đến độc giả của Tủ Sách Học Tiếng Anh Qua Tác Phẩm Văn Học. Tôi nghĩ đến tình cảm của độc giả giành cho tủ sách này. Và tôi hy vọng đây sẽ là một món quà ý nghĩa. Từ suy nghĩ đó, tôi mạo muội chuyển ngữ một số truyện ngắn của ông gồm:

Món Quà Tặng Mẹ (The Gift for Mother) Tập Xe Đạp (Learn to Ride a Bike) Hai Chiếc Gương (The Two Mirrors) Người Không Nhớ Tên Mình (The Woman Who Could Not Recall Her Name) Nhân Quả (Bad Karma) Hà Nội Những Ngày Trước Tết (Hanoi A Few Days before Tet) Sa Pa Mây Phủ (Cloudy Sapa) Người Rách Bóng (The Person with Torn Shadow) Người Vợ Lý Tưởng (The Ideal Wife) Người Khổng Lồ Mắt Xanh (The Giant with Blue Eyes) Đổi Đời (Changing of Fate)

Thái Bá Tân là một nhà giáo. Tôi đã được đọc những dòng cảm xúc do người học trò của ông bày tỏ thái độ và lòng tri ân của họ. Tôi thật sự ngưỡng mộ ông và thầm ganh tị. Tất nhiên tôi, khi đọc những dòng Thái Bá Tân viết, càng cảm thấy mình muốn được là học trò của ông (cũng như tôi đã từng nghĩ mình là học trò của Trịnh Bích Ngân) vì tôi đã học hỏi được những thủ pháp trong sáng tác nơi hai cây bút Thái Bá Tân và Trịnh Bích Ngân. Và lần này tôi mong rằng Thày Thái Bá Tân sẽ rộng lòng cho phép Tủ Sách Học Tiếng Anh Qua Tác Phẩm Văn Học có được những tác phẩm độc đáo của ông.

III. Mạch Văn Của Một Nguyễn Bính

Nếu như văn Thái Bá Tân khiến tôi nghĩ đến Nam Cao (trong văn xuôi) bằng khả năng sử dụng ngòi bút diễn tả những mạch văn mềm mại và hiền hòa, rất rau luộc và cá kho, giản dị chân thành; thì trong vương quốc thi ca, văn Thái Bá Tân đã khiến tôi nghĩ đến thi sĩ Nguyễn Bính – Vua thơ lục bát – Người đã viết những vần thơ trong lành như hương thơm của khế chín, như vị ngọt của bòng đầu vụ, của mùi lạc luộc ngậy bùi, của nước mưa múc ra từ vại đất nung bằng cái gáo dừa… Hiển nhiên văn Thái Bá Tân đã khiến tôi xúc động vì tính chất trong trẻo, dân dã, hiền lành ấy.

Nếp dẻo, khoai từ bùi ngậy, sắn bở, dong ngọt… Những tố chất điềm đạm hiền lành chắt chiu của phù sa dân tộc rất đỗi quen thuộc ấy, theo mạch nhìn đời của Thái Bá Tân, ướp vào trái tim của một kẻ biết quý trọng chữ tâm hơn là mải lo đánh vật với những biển lận cong queo. Để rồi mạch văn của Thái Bá Tân trở thành trong sáng, gần gũi, thanh cao như vừng bánh đúc bên cạnh bát mắm tôm sủi bọt. Như trăng mười sáu. Như cau bánh dày. Như trà mạn. Như tâm sự của một kẻ suốt đời nặng lòng với mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Thái Bá Tân từng làm thơ, dịch thơ. Vậy mà văn Thái Bá Tân không sóng sánh mật thơ. Thoạt tưởng có người nghĩ vậy. Nhưng chất nhạc và thang âm bằng trắc trong văn Thái Bá Tân thực sự rất tuyệt vời. Văn ông đọc trơn tru, trong trẻo, không vỏ cua, gai tôm, càng không giương đông kích tây về mặt thủ pháp. Tuồng như trong văn Thái Bá Tân mọi cái đều rất tự nhiên. Cá tươi làm gỏi ắt sẽ ngon, lạc giồng đẫy ngày luộc lên khắc sẽ bùi, ngô non tất phải ngọt… Và như thế văn Thái Bá Tân như một món ăn không cần đến mì chính, chất phụ gia, hàn the hay đường hóa học. Văn ông mịn màng, hiền lành, điềm đạm và chân thật. Thứ văn chỉ những cây bút sau khi chồn tay (đắc đạo) mới nghĩ đến. Thứ văn chương không còn tơ màng đến cái thời khua múa, leo trèo. Cuối cùng rồi thì cái gì cũng thế. Cỏ phía bên đó non hơn ư? Núi bên kia lam hơn ư? Rồi thì con ngựa chạy mãi, cuối cùng thấy ở đâu cỏ cũng úa như nhau. Nó chán. Nó hí vang: Chân lý ư? Trò ảo cả. Phải chăng chân lý (tất cả) nều nằm ở lẽ tự nhiên. Mà đã là lẽ tự nhiên thì chẳng phải tra đường mật ong mới ngọt, hoặc chẳng cần chất rơm mồi lửa thì mặt trời mới đỏ hực mỗi ngày.

Văn Thái Bá Tân đọc sướng lắm. Cái sướng của mình được ở nhà mình. Cái sướng được ngồi gần mẹ, được ăn sắn luộc bở tơi chấm với muối vừng. Cái thời trẻ tuổi, bụng cao dạ dốc, ăn nứt rốn mới thôi. Cái sướng của điếu thuốc lào kéo một hơi dài, sòng sọc, sảng khoái. Cái sướng của tắm ao, của ngủ ngày, và cả cái sướng theo kiểu còn đi chơi trộm kiếm đồng mua rau. Cái sướng của lý lẽ mình chẳng phải hổ thẹn với ai. Nói chuyện với mình, với đời, oang oang như đang hét toáng vào hai đầu gối. Đó là những cái sướng độc giả chỉ tìm thấy ở nơi Thái Bá Tân rất hiếm thấy ở những cây bút cùng thời với ông.

Cứ thế, Nguyễn Bính tài hoa với những vần thơ lục bát có thể khiến hoa dong phải đỏ môi hơn, hoa bòng phải vội vã mỉm cười, để trai tài gái đẹp có thể mượn khung cửi, mượn sợi tơ, tỏ tình bằng cánh bướm, lung linh huyền ảo. Thái Bá Tân qua một ngả khác, bằng văn xuôi, đong đưa chiếc võng đay cáu mùi mồ hôi, thế mà giấc nồng ngày hè bỗng dưng trở thành huyền thoại, trở thành ký ức; lóc tủy chẻ óc tìm không thấy, mà hễ đưa tay sờ lên ngực lại thấy phình phịch đập. Kể ra viết văn mà được như thế thấy nó cũng sướng. Gì chứ, viết mà không thẹn với cây bút và trang giấy, với bàn phím và màn ảnh, âu đó cũng là một cái thú của người phu chữ xưa nay.

Thế mạnh của Thái Bá Tân là khả năng sử dụng ngôn ngữ hiền lành giản dị (vốn nhiều cây bút trẻ, kể cả những cây bút trước ông, cùng thời, và thế hệ sau này đều cảm thấy khó nuốt). Gần như người ta nghĩ: Đã viết văn thì văn phải khác đi những sự bình thường. Mà họ nghĩ thế cũng đúng. Giữa một con phố sầm uất, hàng phở, hàng cơm, hiệu cao lâu, cơm tầu, cơm tây, lủ khủ ê hề, ai lại dám bày ra mẹt bánh đúc hay gánh bún ốc. Cứ như thể người ta sợ hãi phải trở thành đơn giản, thành gần gũi. Ngại sự quê mùa. Sợ người chê bai, cho là mình hai lúa quá, chân đen mắt toét.
Còn Thái Bá Tân thì không thế. Ông là người khá lạ lẫm trong việc giữ chặt cho mình cái mai rùa quê kệch, mốc meo, rơm rạ. Ông không gia giảm chế biến kho tàng ngôn ngữ dân tộc bằng những kiểu thức lạ mắt, lạ tai. Ông chỉ biết rau muống nếu không ăn sống thì luộc. Hoặc buồn buồn nấu canh với tôm khô. Hoặc xào. Thế thôi. Ông không nghĩ đến chuyện phải có nồi lẫu rau muống mới ngon, hoặc món rau muống xào gan dê, hoặc rau muống ninh chao, bóp gỏi, trộn gừng, nướng vỉ…

Thái Bá Tân rất gần với Nguyễn Bính ở chỗ cả hai đều nặng lòng với hoa xoan, hoa chanh, với dậu mồng tơi, với khung cửi. Cả hai đều thành tài, học cao hiểu rộng, đi xa biết nhiều, vậy mà vẫn hiền hòa trong cách nhìn, cách nói. Có lẽ do học ăn, học nói, học kỹ đến cả cách học gói, học mở; đâu ra đấy, nên sự hiền lành chất phác chẳng thể nào mất đi được. Vì thế trong văn Thái Bá Tân luôn lấp lánh những nụ cười hạt huyền, những dải yếm đào, và cái váy hiền hòa của bờ ao trinh bạch.

Như Nguyễn Bính viết: Hoa chanh nở giữa vườn chanh. Có gì là xấu khi mình là hoa chanh nở trên cành chanh. Chừng nào hoa chanh nở trên cành sấu mình mới sợ. Thái Bá Tân gần như đã đạt đến một cảnh giới thần tiên của giọng văn hiền lành (đặt giả thiết nếu như ông phải vật vã đàng chân tu mới có được), còn nếu như bản chất văn của ông lúc nào cũng hiền hòa như thế; sẽ không ngoa nếu ta bảo ông có giọng văn của một vị bụt lọt lòng.

Có giai thoại kể lại Nguyên Hồng đã sửa tiểu thuyết Bỉ Vỏ của mình tám lần rồi mới đưa ra nhà in. Tất nhiên khi đọc Bỉ Vỏ, người không bận rộn chỉ làm nhoáng một buổi tối (và thức hơi khuya) là xong cả một tiểu thuyết. Bởi lẽ văn Nguyên Hồng rất hiền hòa, vắn tắt, mạch lạc. Văn Thái Bá Tân cũng thế. Cũng khúc triết, lôi cuốn, đọc không mệt óc, không mỏi trí. Văn Thái Bá Tân giống như một ca khúc hay, đệm nhạc tốt, giọng hát truyền cảm, người nghe sẽ sướng, không thấy tai mình, óc mình bị tra thúc, ấn ép. Vì thế sức mạnh của văn Thái Bá Tân đến từ sự mềm mại chân tình, không cần đến những thủ pháp màu mè, chèn độn, hoa lá cành nào cả.

IV. Tài Nghệ Hư Cấu Của Thái Bá Tân

Thái Bá Tân độc đáo không chỉ ở cách viết văn hiền hòa, một thế mạnh khác của Thái Bá Tân là khả năng hư cấu. Tất nhiên Thái Bá Tân không hư cấu giống Bác Ba Phi (một nhân vật truyền thuyết của văn chương dân dã miền Nam), nhưng đọc văn Thái Bá Tân, yếu tố hư cấu được phô bày một cách rất toạc mõm heo; mắm tôm có hương vị của mắm tôm, chẳng việc gì phải lây nhây, kèn cựa, che đậy, vá víu. Vì thế hư cấu của Thái Bá Tân chinh phục người đọc bằng một sự chấp nhận rất đỗi hữu xạ tự nhiên hương. Thái Bá Tân có cái hay của một cây bút biết tạo cảnh, phối trí, sắp xếp các tình tiết rất lôi cuốn, ly kỳ, như có bỏ bùa, gắn bả, hoặc có mồi nhử nữa (nên dẫu biết cụ đang bốc đấy, nhưng cứ để yên, gượm cái đã, xem coi cụ bốc đến cỡ nào, có đủ phét hay không). Đấy. Cái hay của Thái Bá Tân là thế. Chết là chết ở cái chỗ ấy. Vì lẽ đó văn Thái Bá Tân có một sự lôi cuốn rất lạ. Sự tự nhiên trong những tình tiết đã mở toang những cánh cửa bản đề khô mỡ. Ông chân thật lắm. Đời có gì xấu xa đâu mà đậy che. Mà cái đẹp của đời chắc gì đã khá hơn để mà khoe mẽ. Khát thì chum sẵn nước, cứ tự nhiên mà vục gáo. Đói. Nhà có rổ khoai luộc, rãi hiều hơn củ, xơ đấy, nhưng các bác không ngại thì xin cứ ngồi vào, đừng khách sáo. Cái hay trong hư cấu của Thái Bá Tân là cái hư cấu đầy hứng thú theo kiểu khi có bạn bạn thân trà hóa thành rượu, dong luộc hóa thành sâm

Vì thế trong tất cả những câu chuyện của ông, Thái Bá Tân không câu nệ cái nhẽ người ta sẽ tra hạch, vạch vọi, bới tìm. Thái Bá Tân (hơi ương gàn bướng bỉnh) ở chỗ coi văn chương chỉ là cái nồi đồng. Còn nấu nướng cái gì thì cứ hậu xét đã. Vào rừng mà không có cái nồi mới lo, chứ nào ai lo vào trong rừng có cái gì để nấu. Vì thế văn chương chỉ là phương tiện để sẻ chia, để gióng lên tiếng lòng mới là trách nhiệm. Món nấu có ngon hay không thì rau non sẽ ngọt, thịt tươi ắt sẽ ngon. Còn khi anh đói, xơi tất, cái gì cũng được, bảo thế có ngoa, có oan hay không, các vị?

Vì Thái Bá Tân nắm vững quan điểm sáng tác của mình, nên ông không còn ưu tư chuyện mình sẽ bị người ta vỗ cho: Lại bốc rồi! Song ông sử dụng hư cấu (và thủ pháp xây dựng bố cục) để chuyên chở những thông điệp rất con người. Đó là thứ can đảm cận với chân lý, rất bản chất. Ông giống như con thiêu thân, thấy lửa là lao vào, cũng may đấy chỉ là ngọn đèn điện, không bị thiêu chết, nhưng vẫn cứ khỏe lao đầu vào ánh sáng, không cưỡng lại được. Vì vậy những câu chuyện của ông đọc lên biết rõ là hư cấu đấy, nhưng lại đáng đọc, đáng tin, đáng để suy gẫm, đáng để truyền khẩu, chuyền tay.

Đọc các truyện ngắn trong tập Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus) của Thái Bá Tân, từ chuyện ông già người Pháp trở lại Hà Nội tìm ân nhân, nhân vật đứa ở tên Tý đổi đời, chuyện người con mua quả dừa cho mẹ, chuyện người đàn ông có cái bóng bị rách, hay chuyện một nhà nghiên cứu triết học thành công trong sự nghiệp nhưng thất bại trong tình yêu, một ông cụ thợ mài dao bất hạnh, cả một đời mặc cảm tội lỗi, lo âu, chuyện một thày giáo gốc Hà Nội được điều lên Bản Vẹo (ở Sapa) khỉ ho cò gáy nảy nở một mối tình đầy bi kịch… Tất cả đều hầm hập những hình ảnh hư cấu, (có thể chí ít nó được hư cấu hóa từ thực tế kinh qua của tác giả), vậy mà độc giả yêu mến những cái mớ hư cấu ấy. Nói khác đi người ta tìm thấy sự thật trong những điều ông hư cấu. Toạc hẳn ra. Còn hơn lắm đứa, vỗ phèng, gõ mõ, um oe ầm cả lên, toàn là sự thật cả, thế mà đãi đúng ba hôm, mòn cả đũng váy, mà rồi cũng chỉ thấy rặt toàn là cuội cả!
Vì thế đọc văn Thái Bá Tân, cái sướng là sướng ở chỗ được gãi đúng chỗ.
V. Đặc Tính Nhân Văn Trong Truyện Ngắn Thái Bá Tân

Văn Thái Bá Tân là văn của tấm lòng. Vì thế những câu chuyện của Thái Bá Tân không ác độc. Lẽ ra phải nói đúng hơn là cái ác trong văn Thái Bá Tân là cái văn của đĩ thõa hoàn lương, kẻ cướp buông đao thành phật, xấu cải tà, gian qui chánh. Văn Thái Bá Tân là văn kể những câu chuyện ma xin từ bỏ áo giấy, bụt nhường áo cà sa, nẻo chánh đạo mọc mầm từ lương tri, nở những đóa mặt trời, rọi vào ngục đời để chân dung Chân Thiện Mỹ được mở rộng thênh thang cõi lòng bồ tát.

La liệt trong những trang viết của Thái Bá Tân là những câu chuyện răn đời, thế mà chẳng hề giáo điều, sáo rỗng, mỵ dân. Văn Thái Bá Tân rất con người. Ông không hề nỡ ruồng bỏ (mặc dầu đã có lúc tưởng như ông cũng sẽ suy nghĩ, kết án rất tầm thường như nếp nghĩ của cõi ta bà, thế tục) để rồi nhân vật của mình bị chết đuối. Thái Bá Tân không muốn, càng không thể nhìn thấy những nhân vị bị đục khoét, bị ăn cắp.

Vì thế ông viết để nhủ đời. Khuyên bảo hay răn dạy, ai nghĩ sao tuỳ hảo ý. Có lẽ Thái Bá Tân đọc nhiều, tiếp cận với những tư tưởng lớn, lại có cơ duyên của một người thích gieo trồng hạt thiện. Để rồi từ những dòng ông viết, ta thấy ảnh hưởng của những cây bút lớn như Azit Nexin của Thổ Nhĩ Kỳ, Oscar Wilde của Ái Nhĩ Lan, Bồ Tùng Linh và Lỗ Tấn của Trung Quốc, Nam Cao của Việt Nam… Tất cả đều giống nhau ở chỗ giá trị con người (bất luận được nhìn từ góc độ nào) vẫn giữ được nguyên vẹn hình hài khởi thủy, dẫu lõa thể hay được quấn vòng nguyệt quế, vẻ đẹp của nhân vị con người luôn luôn là hạt ngọc sáng nhất trong kho báu những hạt ngọc do bàn tay Hóa công tạo dựng.

Thái Bá Tân yêu con người. Có lẽ rõ nét nhất trong tập Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus) của ông, Thái Bá Tân đã viết về cô gái tên Tý trong truyện ngắn Đổi Đời (Changing of Fate). Lẽ ra Thái Bá Tân có thể dừng lại (cách mà Oscar Wilde đã dừng lại với nhân vật Dorian Gray của mình trong tiểu thuyết duy nhất của ông Chân Dung Dorian Gray), lẽ ra nhân vật Tý sau khi nhờ tài buôn hương bán phấn mà trở thành bà Diễm Hạnh sẽ bị quả báo, như thế sẽ thỏa mãn được khát khao rất chung, mà cũng có vẻ rất tầm thường của cõi thị phi. Nhưng Thái Bá Tân đã vén sạch những dây nhợ rừng rú, đào bới bằng những ngón tay của chính mình, moi lên những ước mơ đã bị lãng quên từ đá cuội, để rồi mặt trời bao giờ cũng tỏa ánh hào lung linh sau mỗi lần bão tố.

Đời người qua lăng kính văn chương của Thái Bá Tân luôn giữ được những nét đẹp của ngọc thạch. Trong đó Thái Bá Tân là một người thợ ngọc tận tâm với nghề cắt gọt. Những viên đá qua tay ông bỗng có hồn, đẹp lung linh đến độ khó ngờ. Chuyện ông lão mài dao và cuộc đời ông trong quá khứ. Ông lấy cái chết của mình để gột rửa. Ta không ghét ông lão. Ta cũng không thấy ông đáng thương hại. Ta mừng. Ông đã được giải phóng bằng sự chuộc lỗi cao cả nhất. Đó là cách ông chịu trách nhiệm đón nhận bản án từ tòa án lương tâm của chính trái tim mình (trong truyện Nhân Quả - Bad Karma). Còn trong truyện ngắn Hà Nội, Những Ngày Trước Tết (Hanoi A Few Days before Tet), một người đàn ông Pháp đã trở lại Việt Nam tìm người ơn trong thời chiến. Những tuyến nhân vật và các tình tiết được xây dựng, không phải để thanh minh biện bạch cho đâu là đúng, đâu là sai; mà là sự khắc họa bổn phận lương tri, của những tâm hồn đã vượt qua cõi ý thức hệ để xích lại gần hơn với bản chất con người.

Vì vậy chất người trong văn Thái Bá Tân chính là chất sống đã cung cấp cho bản thân ông, và cho cả đời những chất xúc tác cần thiết để các phản ứng hóa học lương tri có cơ hội cất cánh. Làm chim, bầu trời rộng và xanh đến thế mà không dám cất cánh bay bay, như thế sẽ thật uổng phí một đời làm chim. Đó là điều Thái Bá Tân muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta vậy.

VI. Cảm Ơn Một Cây Bút Có Lòng

Cảm ơn Thái Bá Tân, cảm ơn một cây bút có tấm lòng. Cảm ơn một nhà văn đã viết từ những lưu cữu trăn trở, từ những bộc bạch của quả nhà, cây vườn, mộc mạc thôi mà vẫn đủ sức mạnh để chúng ta nhận ra một chân lý: Giữa bùn vẫn có hương sen nồng đượm ngát thơm.

Thái Bá Tân viết văn bằng âm nhạc của tấm lòng. Âm nhạc có sức chuyên chở rất lớn. Và âm nhạc có thể đánh động lòng thiện. Âm nhạc có thể nuôi dưỡng lương tri. Nó là thứ lương thực để biến cuộc sống con người trở nên bớt nhàm tẻ, bớt cằn cỗi, và mỗi lúc mỗi thêm thăng hoa, nếu như người ta mở cửa để cho âm nhạc chân chính đi vào tâm hồn của họ. Quả nhiên vậy, mỗi áng văn của Thái Bá Tân là một khúc nhạc. Ông viết văn bằng nhạc lý của nhân văn, bằng sự phối âm của trách nhiệm. Và rồi những giai điệu trong văn Thái Bá Tân là giai điệu của một vở nhạc kịch đầy biến tấu, nơi đó hình hài chân dung con người bao giờ cũng bật sống dậy, vươn thành những vũ khúc có thể nối kết giữa ngàn năm đã qua và những ngày mai đây sẽ đến.

Cảm ơn Thái Bá Tân. Cảm ơn một nhà văn của tấm lòng. Một nhà văn đã góp phần để Tủ Sách Học Tiếng Anh Qua Tác Phẩm Văn Học của chúng ta có thêm những tác phẩm hay, những bài học không phải chỉ giúp chúng ta có cơ hội trau dồi Anh Ngữ, luyện đọc, luyện tư duy, song đó còn là những bài học để chúng ta rèn luyện bản thân, xích lại gần hơn với đời, với tha nhân.

VII. Chia Tay Thái Bá Tân

Chia tay nhà văn Thái Bá Tân, có lẽ các bạn sẽ có cùng suy nghĩ với tác giả chuyển ngữ tập truyện ngắn Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus) mong rằng đây không phải là tập truyện ngắn duy nhất của ông giới thiệu trong Tủ Sách Học Tiếng Anh Qua Tác Phẩm Văn Học. Với những truyện ngắn đặc sắc và ấn tượng như thế, văn chương của Thái Bá Tân nhất định sẽ giúp tủ sách của chúng ta được thêm phong phú, chất lượng hơn.

Chia tay nhà văn Thái Bá Tân, tác giả chuyển ngữ tập Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus) muốn được chia sẻ với các bạn đó là cảm giác dễ chịu khi làm việc với tập truyện ngắn này. Một phần lớn bởi lẽ lối viết của Thái Bá Tân rất dễ dịch sang Anh Ngữ. Vì vậy các bạn khi đọc phiên bản tiếng Việt của tập Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus), xin hãy mạnh dạn có những câu dịch của riêng mình, vì điều này không khó thực hiện, song phần thưởng nhất định sẽ đem lại những lợi ích lâu dài cho các bạn.

Một điều nữa tác giả chuyển ngữ tập Tình Khúc Hoa Sen (Love Songs of Lotus) xin nhân đây thưa cùng tác giả Thái Bá Tân; một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật chuyên về Tiếng Anh - Hãy đón nhận bản dịch này bằng một tình thương của một người thày đối với đứa học trò chưa một lần đến lớp của thày học. Cổ nhân có câu: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày. Huống chi Thày Thái Bá Tân đã cho chúng ta nhiều chữ. Trong đó chữ tâm là chữ khiến tất cả chúng ta xúc động nhiều hơn cả.

Vâng. Thay mặt tất cả những ai đã yêu mến và ủng hộ Tủ Sách Học Tiếng Anh Qua Tác Phẩm Văn Học, em xin được gởi đến thày Thái Bá Tân lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn, cùng với những tình cảm chân thành nhất đối với một người thày đã dạy nhiều thế hệ những bài học quý giá, bài học của tấm lòng, bài học của chữ nhân, chữ nghĩa, và cao đẹp hơn cả là bài học của chữ tâm.

Nguyễn Thơ Sinh Fort Worth, Hè, 2012.

1 comment:

  1. Mời mọi người đọc blog mời. Tra google 0912375717 nhavanthaibatan.
    Trang này người ta khóa, không post được bài mới.

    ReplyDelete