Wednesday, February 25, 2015

THƠ HAIKU - BASHO 1



ĐÔI LỜI CÙNG NGƯỜI ĐỌC

          Haiku là thể thơ ngắn rất độc đáo của Nhật Bản. Mỗi bài chỉ 17 âm tiết, chia thành ba phần, người Nhật viết liền một dòng nhưng khi dịch ra tiếng nước ngoài được ngắt thành ba câu. Vì chưa quen, người đọc lần đầu có thể hơi ngỡ ngàng, tuy nhiên, đọc kỹ và suy ngẫm, ta sẽ thấy thơ Haiku thật tinh tế. Mỗi bài, thường là một bức tranh phong cảnh nhỏ, tưởng như không nói gì mà thực tế gợi cho ta nhiều điều. Nội dung và triết lý thơ Haiku không nằm ở câu chữ, mà ở sự tưởng tượng của chính người đọc.
          Thơ Haiku thật kỳ lạ. Ngắn và giản dị. Nhiều khi không nói gì hoặc nói điều chẳng đâu vào đâu, thậm chí tưởng như “ngớ ngẩn”. Thế mà càng đọc, (trong trường hợp của tôi là càng dịch), ta cứ bị cuốn hút bởi sự “không có gì” và “ngớ ngẩn” đó. Tôi có cảm giác người Nhật viết Haiku không để truyền tải ý, mà hình ảnh, những hình ảnh chấm phá giản dị. Hình như cũng không có ý định nói điều gì to tát về triết lý hoặc tình cảm như ta thường thấy ở các dòng thơ khác. Có lẽ vì thế mà người đọc phải làm quen dần để cảm nhận và yêu. Trên thế giới có rất nhiều người yêu và bắt chước viết thơ Haiku Nhật Bản. Hầu như nước nào cũng có Hội những người yêu thích loại thơ này. Thậm chí còn có cả trường dạy cách viết Haiku.
          Bản thân tôi cũng phải trải qua một thơ gian khá dài mới làm quen được. Cụ thể hơn, 30 năm kể từ ngày tôi tò mò tìm hiểu thơ cổ Nhật Bản, và đã dịch một ít, dịch có thêm vần, mà chỉ loại thơ năm câu (tanka) trong tập Manyoshu đồ sộ. Giờ thì tôi yêu, và kết quả của tình yêu đó là tập Thơ Haiku Nhật Bản này.
          Đầu tiên phải nhắc đến ba cây đại thụ thơ Haiku Nhật. Đó là Matsuo BASHO, Yosa BUSON và Kobayashi ISSA. Mỗi vị tôi dịch khoảng trên dưới nghìn bài. Riêng Basho có hai phần, từ hai nguồn khác nhau.
          Ngoài ba đại thụ nói trên, trong tập này tôi dịch một lượng khá lớn thơ khất thực và thơ thiền của Taneda SANTOKA, một trong những nhà thơ Nhật hiện đại được ưa thích nhất hiện nay, cũng như một số nhà thơ Haiku tiêu biểu khác. Cuối sách, tôi thêm phần PHỤ LỤC, giới thiệu những bài tanka đã nói và Thơ Cổ Triều Tiên tôi dịch ngày xưa, vì về cơ bản chúng cùng hơi hướng, phong cách và thời điểm sáng tác. Cuối cùng là hơn 100 bài thơ ba câu của tôi, viết năm 1980 khi tôi bắt đầu mê và chịu ảnh hưởng của loại thơ này. Có điều lúc ấy tôi chỉ mượn số lượng ba câu mỗi bài, chứ không theo phong cách thơ Haiku cổ điển. Thơ của tôi truyền tải ý chứ không phải hình ảnh.
          Tổng cộng số bài tôi đã dịch là trên dưới 3.500 bài, không kể khoảng dăm trăm bài trong phần phụ lục. Vì khuôn khổ có hạn, lần in này tôi đã lược bỏ một số lượng đáng kể.
          Âu cũng là một trải nghiêm nữa trong sự nghiệp dịch thơ chuyên nghiệp của mình. Và tôi muốn giới thiệu nó với bạn đọc. Mong được đón nhận và nâng đỡ.
          Hà Nội, ngày 3 tháng Sáu, 2010.
          THÁI BÁ TÂN


Phần Một

Matsuo BASHO


          Matsuo Basho (1644-1694), nhà thơ thiền lỗi lạc thời Edo, Nhật Bản, tên thật là Matsuo Munefusa, là con trai út thứ bảy của một samurai cấp thấp phục vụ cho lãnh chúa thành Ueno, một tòa thành nằm giữa con đường đi từ Kyoto đến Ise. Basho được thừa nhận là người phát triển những câu đầu (phát cú) của thể renga (liên ca) có tính hài hước gọi là Renga no Haikai thành một thể thơ độc lập mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền đạo. Masaoka Shiki (1867-1902) hoàn thiện sự tách biệt này thêm nữa và chuyển sang gọi nó là thể haiku (bài cú hay hài cú).
          Chín tuổi, Basho vào lâu đài Ueno làm tùy tùng cho một lãnh chúa và trở thành bạn thân với con trai vị lãnh chúa này, một người chỉ lớn hơn ông vài tuổi tên là Yoshitada. Hai người cùng nhau vui chơi, học tập và làm thơ. Cũng trong những năm đó, sự phát lộ năng khiếu thơ của ông đã được nhà thơ và nhà phê bình xuất sắc đương thời Kitamura Kigin phát hiện. Ông bắt đầu được Kitamura Kigin rèn tập, và có bài thơ đầu tay năm ông mới 18 tuổi được nhiều người biết đến.
          Khi người bạn Yoshitada lâm bạo bệnh mất vào năm 24 tuổi, Basho lên núi Koya đặt một nạm tóc của bạn vào chùa và quyết định rời bỏ lâu đài Ueno, mặc dù không được phép của lãnh chúa. Năm 1666, ông đến Kyoto và sống ở đây 5 năm, tiếp tục đọc văn học Nhật Bản cổ đại, nghiên cứu văn học Trung Quốc và cả thư pháp.
          Mùa xuân năm 1672, sau một thời gian về quê chừng vài tháng, ông dời lên sống ở Edo. Trong những năm này, ông đã thử làm nhiều nghề khác nhau nhưng cảm thấy mình chỉ hợp với văn chương, ông bắt đầu mở lớp dạy thơ Haikai (bài hài), một thể loại thơ còn được gọi là Haikai no renga (bài hài chi liên ca), là những bài thơ dài thiên về trào lộng, nhẹ nhàng và phóng túng, vốn rất thịnh hành trong thời Tokugawa. Năm 1675, Basho xướng họa cùng thi sĩ Nishiyama Soin (1605-1682), chủ soái của trường phái Danrin (Đàm Lâm), một trong hai trường phái Haikai nổi tiếng đương thời (trường phái Teimon (Trinh Môn) của Matsunaga Teitoku (1571-1653) và trường phái Danrin). Tư tưởng thơ Haikai của Nishiyama Soin, đứng trên mọi sự dung tục và tầm thường, vượt ra ngoài khuôn khổ một thể loại thơ giải trí thế tục đơn thuần vốn đang thịnh hành toàn quốc với trường phái Teimon, đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và sáng tác của Basho về sau.
Mùa xuân năm 1679, Matsuo Basho được phong tước hiệu Sosho (bậc thầy dạy thơ Haikai). Năm sau ông dời đến một túp lều bên sông Sumida, và ở đây, có đệ tử mang tặng cây ba tiêu (cây chuối), một giống cây đương thời chỉ có ở Trung Hoa. Ngay tức thì, nhà thơ say mê nó và đem trồng trong sân nhà. Khách đến thăm gọi nhà ông là "ba tiêu am" (Basho-an). Cũng trong những năm này, ông tu tập thiền đạo với một thiền sư tại một ngôi chùa địa phương.
Năm 1682 Basho am bị cháy, ông dời về Koshu và từ đó lấy bút hiệu là Basho (Ba Tiêu). Năm sau ông trở lại Edo và dựng lại "ba tiêu am". Bắt đầu từ đây, số phận thơ haikai rơi vào tay của Basho: ông đã sáng tạo ra một phong cách mới là Shofu (Tiêu Phong, ẩn ý về đời người nghệ sĩ như những tàu lá ba tiêu bị xé tan trong gió những đêm giông bão), một phong cách dung hợp giữa sự trào lộng đời thường của Haikai đương thời với yếu tố cao nhã tâm linh của thể thơ Renga (liên ca) cổ điển. Ông cũng dần hoàn thiện một loại thơ ngắn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 từ những câu đầu (hokku) của thể thơ Renga và thể thơ cực ngắn ấy về sau được mọi người biết đến với cái tên đã trở thành bất hủ Haiku.
Mặc dù danh tiếng ngày càng rực rỡ, những nghi vấn về bản thể, tâm linh, thiền tôngnghệ thuật không ngớt thúc bách Basho tìm con đường cho chính mình để đạt được đại ngộ (satori). Mùa thu năm 1684, ông từ bỏ cuộc sống yên ổn ở am ba tiêu và bắt đầu làm một lữ khách (tabibito) của cõi phù thế. Theo con đường ven biển về hướng Tây, ông lang thang thăm lại cố hương Ueno rồi đi Nagoya. Ở đó, ông cầm đầu một nhóm thi sĩ soạn nên 5 tập Renga xuất sắc mang tên Đông nhật (Fuyu no hi). Đến mùa hạ năm sau, Basho mới trở về Edo sau khi thăm viếng nhiều nơi. Chuyến đi lớn đầu tiên này được ông ghi lại trong kỷ hành (kiko, một dạng nhật ký hành trình) mang tên Nhật ký phơi thân đồng nội (Nozarashi kiko, Dã sái kỷ hành, 1685).
Hai năm sau, Basho tạo nên chấn động trong văn chương bằng bài thơ về bước nhảy bất ngờ của con ếch mà tiếng động của nó khi chạm mặt nước ao cũ vang trong thinh lặng của đêm đen như khoảnh khắc đạt đốn ngộ của thiền sư, đăng trong hợp tuyển của thơ ông và đồ đệ mang tên Xuân nhật (Haru no hi).
Chuyến đi kế tiếp của Basho hướng về Kashima được ông mô tả trong Kỷ hành Kashima (Kashima kikō, 1687). Đây là chuyến đi mà đích đến của Basho là đền Kashima thăm viếng sư phụ, thiền sư Bucho, và thăm lại cây anh đào nổi tiếng ở Yoshino để nhớ về người bạn yểu mệnh tại Ueno năm xưa.
Ngay sau chuyến đi Kashima, Matsuo Basho lại khăn gói hành hương trong một năm trời từ Edo về bờ biển Suma, từ Akashi đến thôn Sarashina để được tận hưởng mùa trăng trên đỉnh núi Obasute. Chuyến đi này là tiền đề cho hai tập nhật ký thơ ca khác, là “Ghi chép trên chiếc túi hành hương” (Oi no kubun, cập chi tiểu văn, 1688) và “Nhật ký về thôn Sarashina” (Sarashina kiko, 1688). Đây là những trang ca ngợi thiên nhiên vô cùng nồng nàn, là lời kêu gọi say đắm "trở về với thiên nhiên". Đó là lý tưởng mà Basho gọi là fuga (phong nhã), biểu hiện qua những con người lỗi lạc như Saigyo của thơ Tanka, Sesshu của tranh thủy mặc, Rikyu của trà đạoSogi của thơ Renga.
Chuyến đi dài nhất của Basho với một người đệ tử là cuộc du hành phương Bắc tới đảo Honshu vào năm ông 45 tuổi. Đây là chuyến đi kéo dài 151 ngày đầy gian khổ, bất trắc trên con đường thiên lý đến những vùng đất còn nguyên sơ, khởi đầu từ Edo ngày 27 tháng ba âm lịch năm 1689. Chuyến đi này đã đưa Basho đến hàng loạt những thị trấn mới lạ, như Nikko, Shirakawa, Sendai, Matsushina v.v. Từ đây ông rẽ ngang đảo Honshu đến Sakata ở phía Tây trên biển Nhật Bản. Ông cũng lặn lội xuống miền duyên hải để tới Niigata, Kanazawa, Tsuruga và tạm dừng ở Ogaki, với tổng chiều dài lên đến 2.500 cây số. Đó là cuộc hành trình nổi tiếng nhất trong văn học Nhật Bản, vì nó để lại cho đời sau một kiệt tác thi ca xen lẫn những đoạn tản văn” Lối lên miền Oku” (Oku no hoshomichi, áo chi tế đạo).
Tuy nhiên, nếu con đường thi ca của “Lối lên miền Oku” chấm dứt ở Ogaki vào mùa thu năm 1689, thì con đường du hành của Basho mãi đến 1691, khi nhà thơ về Edo mới kết thúc. Ông còn tiếp tục đi Kyoto, về quê thăm nhà và cùng các bạn thơ du ngoạn hồ Biwa. Trên đường thiên lý, Basho đã dừng trú tại “Huyền trú am” (Genju-an) trong khu rừng bên hồ Biwa, và tại đây ông viết nên bài tùy bút kỳ tuyệt mang tên “Tùy bút Huyền trú am” (Genjuan no ki, 1690). Cùng với các bài thơ Haiku viết trong thời gian này của tác giả, bài tùy bút được đưa vào thi tập “Áo rơm cho khỉ” (Sarumino, viên thoa, 1691), một tập thơ mang phong cách Shofu đậm đặc. Sau đó, ông cũng qua một vài tuần ở một thảo am khác là “Lạc thị xá” (Rakushisha) thuộc vùng Saga. và ở đây ông soạn lên tác phẩm lớn nhất cuối cùng của đời mình là “Nhật ký Saga” (Saga nikki, 1691).
Basho trở về Edo vào năm 1691 với danh tiếng lẫy lừng, được đông đảo bạn bè, môn đệ và người ái mộ vây quanh. Những năm sau đó ông có một vài trách nhiệm trong đời sống mà lúc này phải đảm nhận, như trông nom một phụ nữ tên là Jutei cùng các con của bà, chỉ vì hồi trẻ ông đã từng yêu Jutei.
Đến năm 1693, Basho quyết định đóng cửa sống trong cô tịch, không tiếp khách, và người ta nói rằng cánh cửa nhà ông chỉ mở ra khi có một biến cố, như khi hoa triêu nhan nở bên hàng dậu. Trong thời gian này, cuộc đời và thơ ca của ông hướng đến một lý tưởng gọi là karumi (khinh), tức sự nhẹ nhàng thanh thoát tìm thấy ngay giữa cuộc đời ô trọc. Lý tưởng đó sau này được học trò của ông ấn hành trong thi tập” Túi đựng than” (Sumida wara, 1694).
Mùa xuân năm 1694, Bash quyết định đi thăm phương Nam, mà đích đến là Osaka ở đảo Kyushu, theo lời mời thành khẩn của một đệ tử. Trên đường đi ông mắc bệnh nặng tại một lữ quán ở Osaka. Đệ tử của ông xin ông làm bài thơ từ thế, như truyền thống của các thiền sư Nhật Bản, để cáo biệt cõi đời trước lúc lâm chung, ông đáp: "Thơ lúc bình sinh đã là bài từ thế rồi", và viết:
Dọc đường ốm...
Trong mơ tôi lang thang
Giữa những cánh đồng khô héo.
Giữa hai chiều không gianthời gian, con người từ khi đến với cõi thế này đã phải chấp nhận sự hữu hạn của năm tháng, do vậy mà luôn ước ao tìm đến cõi vĩnh hằng. Những chuyến du hành của Matsuo Basho như muốn bộc lộ khát khao phá vỡ sự câu thúc của buổi chiều còn lại trong vũ trụ (thời gian) để tìm cho được sự rộng mở, khai phóng không gian tồn tại của bản thể và cái đẹp. Đời ông như một lữ khách trong thời gian, là những chuyến du hành không dứt, phản ánh qua các tập kỷ hành hay xoay quanh các thi tập phân theo bốn mùa. Ông yêu thích các thi nhân đời Đường và nhắc đến tứ thơ của họ trong các tác phẩm của ông. Ông yêu mến Trang Tử, và dựa trên nền triết học này mà đề ra thuyết "Bất dịch và lưu hành" trong thi ca của mình: thi nhân đi tìm những giá trị vĩnh hằng trong dòng biến động của vạn vật. Ông quan niệm phải tuân theo tạo hóa và quay trở về với tạo hóa, "tả thông thì học thông, tả trúc thì học trúc" và cho rằng trong đời chỉ có hai loại thơ: thơ tự nhiên dung hợp giữa thiên nhiên và nhân sinh, và thơ nhân tạo chỉ có kỹ thuật mà thiếu tấm lòng. Basho đã từng nói học thi pháp để rồi quên nó đi, đối với ông cái tình cần hơn sự chuốt vẽ chữ nghĩa.
Tin vào sự mẫn cảm của người nghệ sĩ, Basho khuyên nên nắm bắt ngay ánh chớp loé ra từ sự vật trước khi nó tan biến trong tâm trí. Thơ cần nhẹ nhàng, đơn giản, trong sáng, gần với đời sống, và thi nhân cần "nâng tâm hồn lên thành thơ để rồi quay trở về với đời thường”. Chính điều đó đã trở thành một trong những đặc trưng của thể thơ (Haiku) do ông sáng tạo, một thể thơ mà tất cả những điều bình thường, nhỏ nhoi trong cuộc sống như bụi cám, tôm , tiếng dế mèn, ngôi nhà dột, cây cột xiêu đổ, con sâu đang gặm hạt dẻ, chiếc mũ chiến lăn lóc trên cỏ, cây chuối trong giông bão v.v. đều có thể trở thành những đề tài hồn nhiên, dịu dàng và đầy sức sống của thơ. Có hai điều mang tính cách tân trong quan niệm thi ca của ông: không lặp lại chính mình và không theo khuôn mẫu người khác. Ông tự bảo mình "phải biết chán cái tôi của ngày hôm qua" và tự chế diễu thơ mình như "lò sưởi trong mùa hạ và quạt trong mùa đông". Ông kêu gọi đừng bắt chước theo những thành tựu của các văn hào xưa, mà chỉ nên truy tìm điều họ đã muốn đi tìm. Với tinh thần đó, dù đã có các trường phái Haikai rất nổi tiếng trong thế kỷ 17 như Teimon (Trinh Môn) và Danrin (Đàm Lâm), Basho vẫn tự lập nên một phong cách mới gọi là Shofu (Tiêu Phong) chứa đựng những quan niệm nghệ thuật của riêng ông. Linh hồn thơ Shofu chính là linh hồn của sabi (cái tịch liêu, tĩnh lặng) và karumi (nhẹ nhàng), mang âm điệu sâu thẳm của Thiền đạo và sắc màu tươi nhuận của thiên nhiên.
Thiên tài của Basho bao trùm nhiều hiện tượng khác nhau của đời sống, và đã tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng về sau. Tương truyền, ông có đến 2.000 đệ tử, và nổi danh nhất là 10 nhà thơ được gọi là Basho Jitetsu (Ba Tiêu thập triết), đó là Etsujin, Hokushi, Joso, Kikaku, Kyorai, Kyoroku, Ransetsu, Shiko, Sanpu và Yaha. Các nhà thơ theo khuynh hướng lãng mạn hay hiện thực hậu sinh như Kobayashi Issa (1763-1827), Masaoka Shiki (1867-1902) đều có thể xem Basho là bậc thầy của mình. Nhiều người đã hành hương theo bước đường phiêu lãng của Basho ngày xưa.
Sang thế kỷ 20, Basho lại càng trở thành một hình ảnh vĩ đại được tôn vinh của nền văn hóa Nhật Bản. Một số nhà nghiên cứu xem ông là nhà thơ huyền bí tương tự BlakeWordsworth, số khác thấy ông đi trước chủ nghĩa tượng trưng của Pháp. Thể thơ Haiku do ông hoàn thiện bằng thiên tài của mình đã trở thành thể thơ quốc tế, được nghiên cứu rộng rãi cả trong và ngoài Nhật Bản. Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của thế giới còn sáng tác thể thơ này bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó có Paul Eluard của Pháp, Octavio Paz của Tây Ban NhaGeorge Seferis của Hy Lạp.

(Theo Wilkipedia)



          Matsuo BASHO - 1
         

1
Con quạ
Ngồi trên cành cây khô.
Chiều thu.

2
Người thợ đập đá
Ngồi nghỉ bên dàn hoa bìm bìm.
Cuộc đời này thật buồn.

3       
Con ếch
Nhảy xuống ao tù.
Tiếng nước té.

4                
Làng này, vùng núi này,
Nơi không ai lui tới,
Sẽ rất buồn nếu không buồn.

5
Gió núi Phú Sĩ.
Tôi đem về trên chiếc quạt
Làm quà cho ban ở Êđô.

6
Nước thủy triều nông.
Chân sếu ẩm ướt
Vì hơi lạnh từ biển.

7
Núi Atsumi
Quay sang bãi Gió Thổi,
Tìm cái mát.

8
Một năm nữa trôi qua.
Mà tôi
Vẫn mũ rơm, giày rơm.
                                               
9
Đã mùa thu.
Có lý do để già.
Đám mây và con chim.

11
Gõ cửa cầu may.
Đền Mii.
Hôm nay có trăng.

12
Trăng.
Một nhà sư
Mang trăng đi qua bãi cát.

13
Suốt đêm
Nằm nghe gió thu
Bên kia núi.

14
Biển xanh.
Sóng vỡ có mùi rượu gạo.
Trăng sáng đêm nay.

15
Trong thảm hoa màu trắng
Đêm
Chuyển thành ngày.

16
Người ta buồn vì vượn khóc.
Trẻ khóc thì sao?
Gió thu.

19
Không hóa thành bướm,
Mùa thu
Đang chín dần, thành mồi cho sâu.

20
Sắp thu.
Càng muốn ngồi
Trong căn phòng trải bốn chiếu.

21
Lá vàng trôi dưới nước.
Từ phía nào bờ sông
Con dế đang kêu?

22
Thủy triều dâng.
Con sếu bước trên đôi chân ngắn.
Nước quá gối.

23
Đêm trăng lặng yên.
Có thể nghe trong tán lá
Tiếng sâu ăn hạt dẻ.

24
Đêm không trăng.
Con cáo bò trong vườn,
Về phía quả dưa chín.

25
Người hái chè không biết
Với những cây chè
Họ là ngọn gió thu.

26
Khóm liễu ngủ mơ màng.
Tôi cứ nghĩ họa mi
Là linh hồn của nó.

27
Mưa nặng hạt trên mái.
Chỉ mình tôi không đổi thay,
Như cây sồi già trước ngõ.

28
Những cánh hoa dưa
Rơi thành tiếng xuống đất.
Hoa lãng quên?

29
Cơn mưa lạnh đầu mùa.
Đến con khỉ
Cũng muốn có chiếc áo rơm.

30
Sương làm màn.
Gió làm chiếu.
Đứa trẻ bị bỏ rơi.

32
Tháng Bảy.
Thông thường đêm mồng Sáu
Không giống thế này.

33
Biển động
Tràn qua cả Sado.
Dải Ngân Hà.

34
Vườn cỏ.
Chọn hoa nào
Làm gối?

35
Ở đời này, chúng ta
Đứng trên đầu địa ngục,
Ngắm hoa.
                            
36
Liễu trụi lá.
Suối khô.
Đá chỗ này, chỗ nọ.
                            
37
Uống trà sáng,
Nhà sư
Lặng im như hoa cúc.

38
Con bạch tuộc lười
Mơ màng trong lưới.
Trăng hè.

39
Đêm thu, mưa.
Nước chảy thành dòng trên lá chuối.
Tôi ngồi nghe tiếng đêm.

41
Trong chuồng bò.
Muỗi kêu o o,
Làm đen thêm cái nóng.

42
Trên đường này.
Một mình không bạn.
Đêm thu.

43
Chuông chùa đôi khi
Rên
Như tiếng dế.

44
Nara.
Hoa cúc thơm.
Tượng Phật cổ.

45
Hoa cúc thơm.
Trong vườn, chiếc dép mòn
Trơ đế vẹt.

46
Lơ đãng
Nghe lời đưa tiễn.
Nhớ mùa thu ở Kisô

47
Tiếng chim én líu ríu trên nhà
Không át nổi tiếng chim cuốc
Kêu buồn trong tim.

49
Bên chén trà buổi sáng,
Sư thanh thản, lòng thiền.
Hoa cúc nở.

51              
Thậm chí ở Kyôtô,
Nghe tiếng chim cu,
Vẫn nhớ Kyôtô.

52
Người cấy lúa
Trên đồng.
Tôi đứng dưới gốc cây.

53
Im lặng mênh mông
Càng im lặng bởi tiếng dế
Tắt dần phía đền Núi Đá.

54
Trong mơ, gió xuân thổi.
Cánh hoa bay tả tơi.
Tỉnh dậy còn nghe tiếng rơi.

55
Nước chảy trên đường.
Đứng dưới bóng liễu xum xuê.
Lòng nhẹ hơn một chút.

56
Tình yêu vô vọng.
Những tiếng thở dài đau khổ
Trống rỗng như xác ve.         

57
Nghe tiếng cây xào xạc.
Không hiểu sao chợt buồn.
Bụi tre, đêm giá lạnh.

58
Chiếc lưỡi lửa yếu ớt.
Dầu lắng tận đáy đèn
Buồn.

59
Con bướm bay,
Làm cánh đồng thức dậy.
Trời đầy nắng.
                            
61
Hoa tàn.
Hạt rơi xuống đất,
Như những giọt nước mắt.

62
Đông hay Tây
Đều đau khổ đời này.
Dửng dưng gió thổi.

63
Trung Thu.
Dạo nhiều vòng quanh hồ.
Toàn đêm đen quanh hồ.

64
Buổi sáng, tuyết đầu mùa.
Những cánh tuyết nhỏ
Bám trên lá thủy tiên.

65
Nước lạnh.
Không ngủ được,
Hải âu lắc lư trên sóng.

66
Đêm, chiếc bình vỡ.
Nước trong bình đóng băng.
Chợt tỉnh.

67
Trăng, hay trời đã sáng?
Sống lười, theo ý mình.
Thế là đã hết năm.

69
Anh đào trắng như mây.
Xa xa tiếng chuông vọng
Từ Uenô hay Asakusa?

70
Con bướm
Ngủ trên chén hoa.
Anh bạn họa mi, đừng bắt nó!

71
Chiếc tổ cò ngả nghiêng trên cây.
Phía dưới, nơi không có gió,
Anh đào nở hoa thản nhiên.

72
Ngôi nhà không có đàn bà.
Cả bông hoa trắng trên bờ dậu
Cũng làm tôi ớn lạnh.

74
Có phải gió
Thổi mạnh làm gãy cành thông?
Tiếng nước té thật mát.

75
Dòng suối trong.
Con cua nhỏ
Theo chân tôi bò lên.

76
Đời quả xấu xa.
Nhưng chừng nào có anh ở đời,
Tôi còn bị đời lôi cuốn.          

77     
Hồn bay theo trăng,
Sáng ngời trên núi,
Để xác tôi trong bóng tối.

78                        
Đừng xem đời là quán trọ,
Khi anh, như tôi
Muốn được ngủ đêm nay trong quán trọ.

79     
Muốn được chết vào mùa xuân
Dưới gốc cây hoa nở,
Dưới trăng rằm tháng Kisaragi.     

80
Bỏ phí cuộc đời
Là người
Không bỏ phí cái gì.
                            
81
Cả người chai sạn cũng buồn
Khi đêm thu buông.
Từ đầm lầy con chim bay lên.
                            
82
Chỉ tiếng nước làm bạn.
Căn lều cô đơn
Như chỗ lặng giữa hai đợt sóng.                        

83
Cỏ ba lá và trăng
Ngủ chung nhà
Cùng gái điếm.
         
85
Trăng tròn.
Bảy bài hát dài của người đàn bà
Hướng về phía biển.

87
Con trai người nông dân
Ngừng xay lúa,
Ngắm trăng.

88
Trăng Trung Thu.
Sóng mào gà thủy triều
Dâng lên tận thềm.

89
Lễ Linh Hồn.
Hôm nay cũng có khói
Từ nhà thiêu.

90
Giỗ Phật.
Những tiếng kinh cầu siêu
Từ bàn tay vái lạy.

91
Ngủ trong đền.
Khuôn mặt nghiêm nghị
Ngắm trăng.

92
Gió thu
Buồn bã làm rơi
Mấy cành dâu mục.

93
Gió thu.
Miếu thờ nghĩa trang Ise
Buồn hơn.

94
Cuối xuân, chim buồn.
Cá khóc,
Mắt đầy lệ.

97
Chấy rận, bọ chét quán trọ.
Sát giường của tôi,
Một con ngựa đang đái.

98
Yên tĩnh.
Tiếng dế kêu
Thấm từng kẽ đá.
                            
99
Sắp thu.
Trong cô đơn
Cũng có niềm vui.
                                               
100
Mùa thu sâu.
Muốn biết
Hàng xóm bây giờ thế nào?
                            
101
Trong chiếc lưới pháp luật
Con cá nhỏ
Mở mắt nhìn.                         
         
102
Trên chuông đại nhà chùa
Con bướm đêm
Co mình, ngủ.
                            
103
Cỏ úa mùa thu
Là giấc mơ người lính
Sau chiến tranh.

104
Trăng
Chiếu xiên rặng tre.
Chim cu kêu.

104
Chốc chốc
Những đám mây
Giúp người ngắm trăng được nghỉ.

105
Cánh bướm thơm.
Vì nó
Vừa bay qua vườn lan.

106
Đầu xuân.
Ngọn núi không tên
Chìm trong sương mù.

107
Chuông chùa tắt.
Hương hoa đêm
Làm chuông ngân thêm.

108
Sau chuyến đi Kisô,
Người gầy, chưa lại sức.
Đã cuối mùa đập lúa dưới trăng.

109
Gió thu
Thổi qua cánh cửa không kín,
Kêu cọt kẹt.

110
Tiếng chuông chùa
Chìm xuống biển.
Trăng ở đâu?

112
Mỗi lần nói,
Gió thu
Làm môi lạnh.

113
Tôi đi.
Anh ở lại.
Hai mùa thu.

114
Tôi chưa chết.
Điểm đến đường đời
Là khi đêm thu ập xuống.

115
Đêm thu
Làm câu chuyện của ta
Rời rạc.

116
Núi đá
Trắng hơn đá của nó.
Gió thu.

117
Ngày đầu tiên trong năm.
Lại nghĩ, lại cô đơn.
Thế là đã hết thu.

118
Nghe dế kêu.
Không có cớ gì để nghĩ
Nó sắp chết.

119
Có ai muốn xem
Và sờ vào nỗi buồn cô đơn?
Cả cây Kiri chỉ còn một lá.

120
Buồn, cô đơn.
Cả rừng cánh hoa
Rơi xuống đất.

121
Gió thu đã thổi.
Bụi cây dẻ
Còn xanh.

122
Cúc trắng
Đập vào mắt.
Mắt đau như gặp bụi.

123
Dẫu còn yếu gầy,
Vô cớ
Bụi cúc đâm bông.

124
Một bụi cúc, một vành trăng.
Một ô đất trồng lúa
Là nơi anh nên ở ẩn.

125
Gốc thông sần sùi.
Nấm mọc trên cây lạ.
Một chiếc lá chen vào.

126
Làng cổ xưa đến mức
Không nhà nào
Không có bụi hồng vàng.

127
Ốm.
Ngồi nhai tảo khô
Cát giữa hai hàm răng.

128
Thân cây bị cắt ngang.
Tròn
Như mặt trăng đêm nay.

129
Tôi bám được cộng rơm.
Không đủ sức
Giữ nó.

131
Sau hoa,
Còn lại cho thơ Haiku
Là những hạt đậu tía.

133
Với bà lão,
Cây anh đào già nở hoa
Là cái để nhớ.

134
Từ ban công ở Kyôtô,
Chín mươi chín nghìn người
Đang ngắm hoa.

135
Mọi người ngày một già.
Đám thanh niên Êbisu
Còn làm họ thêm già.

136
Hoa Iris tai thỏ
Thật giống bóng của nó
Dưới sông.

137
Cây đỗ quyên khô
Đỏ vì nước mắt.
Chim cu.

140
Khi ngủ,
Bụi cỏ ba lá
Giống bụi hoa.

142
Mưa rào mùa đông.
Cây thông buồn vì ướt,
Chờ tuyết rơi.

143
Những giọt mưa đá
Dính tuyết
Là hoa văn mờ trên áo trắng.

145
Đang kỳ nở rộ.
Chỉ mong hoa
Không bị chạm bởi bàn tay gió.

146
Gió xuân,
Chiếc lược chải đều
Tóc liễu.

147
Hoa đâm nụ.
Tiếc gió xuân không thể
Tự mở túi thơ.

148
Gió xuân,
Chạy từ hoa này sang hoa khác,
Phá lên cười.

150
Ngồi mãi trong chùa,
Khách không biết
Anh đào đã ra hoa.

151
Mưa đầu hè
Đo chỗ nông
Con sông quen thuộc.

152
Đến thủ đô, còn xa
Những nửa bầu trời.
Mây như tuyết trắng.

153
Mặt trời ngày đông.
Bóng tôi đóng băng
Trên lưng ngựa.

156
Hoa anh đào vườn xưa
Khêu dậy trong tôi
Bao kỷ niệm.

157
Những muốn ở trần,
Nhưng đành mặc áo.
Gió lạnh thổi.

158
Cùng một gốc mận
Có cả cành già lẫn cành non.
Cả hai đều thơm mùi hoa.

159
Trồng luống khoai trong vườn
Thế mà thật buồn,
Cỏ mọc dày, át cả nó.

160
Cao hơn chim sáo đang bay,
Tôi ngồi nghỉ giữa trời.
Đúng đỉnh đèo.

161
Hoa hồng rụng trên núi
Thành tiếng như chim bay.
Thác đổ rì rào xa xa.

162
Tia nắng tắt trên cánh hoa.
Từ bóng đen chầm chậm
Mọc lên ngày của tôi.

163
Như những giọt mưa xuân
Rơi trên cành tí tách,
Tiếng suối chảy.

164
Cuối cùng thì tôi
Cũng đuổi kịp mùa xuân đã mất
Ở cảng Vaka xa xôi.

165
Đền Sumadera.
Tôi nghe sáo tự thổi
Trong rừng cây rậm.

169
Hôm nay. Đêm nay.
Không có thời gian để ngủ.
Ngắm trăng.

171
Trên đồng cỏ.
Tiếng con nai gọi đàn
Chỉ cao vài phân.

172
Đêm nay trăng non.
Mảnh mai.
Gầy.

173
Cột đỡ trời mây,
Núi Phú Sĩ
Như cây tuyết tùng khổng lồ.

176
Vượt hai trăm dặm dưới mây,
Đến đây
Thưởng thức cái lạnh.

177
Bếp lò mùa đông.
Người thợ làm bếp già nhanh thật.
Tóc đã bạc hết đầu.

179
Kyoto và Tokyo,
Hai đầu một chiếc cân.
Phần giữa là nghìn con suối.

180
Những nhánh mạ,
Sau một giấc mơ,
Mai sẽ héo như lá sậy.

181
Từ đỉnh ngọn cây,
Sự trống không rơi xuống,
Lọt vào xác ve.

182
Thu đến
Thầm thì bên tai
Qua gối gió.

183
Vết bẩn
Rơi lên bột đậu phụ,
Như một mẩu lá thu.

184
Làn mây xốp
Như con chó vừa chạy vừa đái.
Lác đác mưa hè.

185
Hái cỏ bùa mê.
Nấu canh gạo.
Đã cuối năm.

186
Hãy đánh bóng trăng đêm nay
Đang chiếu từ mây,
Để mọi người cùng ngắm.

187
Cùng cái lạnh,
Gió đến nằm kề
Đứa bé bị bỏ rơi.

190
Mọi việc bình thường.
Hôm qua trôi qua
Cùng bát canh cá.

194
Dâng nước tế.
Mong người chết chấp nhận
Bát cơm khô.

195
Ngày mưa gió.
Vạn vật ngập trong mùa thu.
Làng quê vùng quan ải.

196
Rõ ràng trăng
Cũng cao như giá đất
Ở nơi bán chác này.

197
Chưa kịp bỏ tay che,
Ngọn gió xuân
Đã chui vào nhánh mạ.

198
Mọi lo lắng, mọi nỗi buồn
Trái tim anh,
Hãy trao cành liễu xanh.

199
Con trai biển
Ngậm chặt miệng.
Trời nóng thật.

200
Những sợi mưa chồng lên nhau.
Giờ thì chẳng lo
Ruộng lúa mới cấy.

201
Chim cu đã xa.
Tiếng nó hồi lâu
Bay theo trên mặt nước.

202
Mặt trăng đến rồi đi,
Để lại
Chiếc bàn bốn góc.

203
Con vịt trên đất lạnh.
Chiếc áo lông
Che đôi chân trần.

204
Đống củ cải tróc vỏ.
Cuộc nói chuyện nghiêm túc
Với võ sĩ đạo.

205
Mưa xuân.
Từ mái nhà nước chảy
Men theo tổ ong.

206
Ô che đầu.
Gạt cành lá bước đi.
Liễu vừa ra hoa.

207
Trước mặt -
Bốn chiếc cốc đang chờ.
Mình tôi ngắm hoa.

208
Cây liễu xanh với tay
Chạm làn nước đục.
Thủy triều buổi chiều đang lên.

209
Sóng chạy lăn tăn trên hồ.
Thương cho cái nóng
Mây hoàng hôn.

210
Ngồi nghỉ trong bóng cây,
Những người hái chè
Nghe tiếng chim cu đang bay.

212
Đất như trôi dưới chân.
Tôi túm lấy bông lúa nhỏ.
Đã đến giờ chia ly.

213
Trong rừng trúc non.
Mùa hè, họa mi hót
Thay lời khóc thương tuổi già.

214
Núi.
Trăng phía trên, mây phía dưới.
Cánh đồng bốc khói.

215
Đám mây
Vướng vào mặt trời.
Đàn chim tránh rét bay xuyên qua.

216
Người ta sống bằng gì
Trong ngôi nhà thấp tè sát đất
Dưới tán liễu mùa thu?

217
Đường dài.
Chiều thu xạm dần.
Lại hoàn toàn vắng người.

218
Sao thu này
Tôi cảm thấy cái già rõ thế.
Mây và chim.

219
Mưa thu, mây mù.
Dẫu không thấy Phú Sĩ.
Ngọn núi vẫn làm tôi vui.

220
Ngủ gật trên lưng ngựa,
Tôi lờ mờ thấy trăng xa xa.
Đâu đó lững lờ khói sớm.

221
Trên ngôi mộ bỏ hoang.
"Cỏ buồn" mọc.
Buồn cho ai?

222
Gối cỏ.
Con chó ướt vì mưa.
Tiếng ai nói trong đêm.

223
Trời tối dần trên biển.
Mờ mờ sáng xa xa
Là những tiếng chim hải âu.

224
Đứng một mình oai vệ,
Cây sồi già cô đơn
Không nhận thấy hoa anh đào đã nở.

225
Từ bông mẫu đơn,
Miễn cưỡng,
Con ong chui ra.

226
Đi trên đường núi.
Tự nhiên thấy lâng lâng.
Bông hoa tím trong cỏ rậm.

227
Cả tướng quân,
Cả hoa đã tới,
Trên yên ngựa.

228
Biển cuộn sóng
Thoảng mùi rượu sake.
Đêm nay trăng tròn.

229
Mưa đầu hè.
Cây bách xanh trên núi đá.
Xanh bao lâu?

230
Con nhện
Đang kêu?
Gió thu.

231
Lều tranh đơn sơ.
Lá chè vò xong.
Giông cũng tan.

232
Tiếng sóng vỗ
Làm bát cơm lạnh băng.
Những giọt nước mắt trong đêm.

233
Ngớ ngẩn thế nào,
Cứ nghĩ địa ngục
Giống những ngày cuối thu này.

235
Lang thang cũng chẳng sao.
Chừng nào
Hoa anh đào đang nở.

236
Cây chuối
Bão đánh tả tơi.
Suốt đêm nghe mưa trên máng.
                      
237
Say vì ngắm hoa,
Người đàn bà
Cầm gươm, mặc áo giáp.

238
Mưa hè.
Chân hạc
Ngắn hơn.

239
Quá vui trong đêm, con dơi
Nuốt phải chiếc gai
Thay vì đom đóm.

240
Bí mật đêm đen.
Dưới trăng, con sâu
Đục lỗ chui vào hạt dẻ.

241
Buổi sáng tuyết rơi.
Tôi một mình
Ngồi nhai cá khô.

242
Mưa rào.
Tay cầm ô,
Nhà sư về chùa.

243
Không ngại bẩn ống áo,
Họ mò ốc.
Chẳng còn lúc nào để nghỉ.

244
Một cậu bé vui tính.
Một cây liễu.
Một người đàn bà.

245
Nhặt chè chưa?
Đừng quên ủ héo.
Những đợt gió thu.

246
Trăng lưỡi liềm.
Lát nữa
Bình minh hồng sẽ dậy.

247
Sống thanh đạm.
Người ngắm trăng cô đơn
Hát về trà Nara.

248
Bình minh thật đẹp
Tôi sụp soạt húp cháo -
Như người.

249
Gió thổi râu phất phơ.
Cuối thu trời xấu.
Thằng bé này con ai?

250
Ngôi đền nghèo.
Chiếc ấm nước đóng băng.
Tiếng kêu cũng lạnh.

251
Sôgi nói:
Sống ở đời không dài hơn
Một lần trú mưa.

252
Năm mới.
Nghĩ chuyện cũ.
Tôi cô đơn như đêm thu này.

254
Này bướm, này bướm,
Ta muốn hỏi ngươi
Về thơ Trung Quốc.

255
Nghe chim cu hót,
Tôi làm đầy hai tai
Bằng khói hương.

257
Có thể
Tiếng chim cu
Đã làm thay màu da con cá.

258
Hoa trên đời này.
Rượu tôi trắng.
Cơm tôi đen.

260
Khi bình minh héo tàn.
Phải cười,
Hay khóc?

261
Con ngựa nặng nề bước cạnh,
Nhìn bóng tôi
In trên ruộng lúa.

264
Bụi cúc trắng lờm xờm.
Thật xấu hổ.
Để tóc dài là xấu hổ.

265
Khu rừng đen.
Muốn hay không,
Sáng dậy tuyết vẫn trắng.

266
Nghe mưa đá rơi,
Thấy người mình
Như cây sồi già.

267
Cho tôi,
Con hạc chừa lại cho tôi
Ít cơm và rau mì tây.

268
Rong biển
Trông thật đẹp
Trong bát canh nhiều hình vẽ.

269
Thật tĩnh tại
Đức Phật chí tôn
Trên bệ thờ bằng cỏ.

271
Trăng gần như tròn vạnh
Đêm nay, năm thứ ba mươi chín,
Vẫn là đứa bé.

272
Khốn khổ vì thời tiết.
Gió cắn vào người.
Vào tận tim.

274
Ngày mưa.
Bị mây mù che lấp,
Núi Phú Sĩ càng đẹp hơn.

277
Gật gù trên lưng ngựa.
Trên cao, trăng ngái ngủ.
Mờ mờ như khói trà sớm.

278
Tháng sắp hết.
Không thấy trăng trên cây tùng già,
Khi trời có giông.

279
Những người phụ nữ rửa khoai.
Nếu ở đây
Saigô sẽ viết thơ về họ.

280
Mùi hoa lan
Từ cánh bướm
Thấm đầy áo quần.

282
Bốn, năm cọc tre
Đỡ cây thường xuân mới trồng.
Mùa thu, trời có giông.

283
Những giọt sương rơi
Như muốn rửa hết
Bụi bẩn trên đời.

285
Cây thường vi đãng trí
Bị chôn trong đám rêu.
Tiếng cầu Phật.

286
Chưa chết hẳn.
Chỉ tạm ngủ sau chuyến đi.
Đêm thu.

288
Nặng nề sao
Những giọt mưa đá
Rơi lên nón gỗ bách tùng.

289
Chỉ để chơi,
Để câu cá chỉ vàng,
Phải đi xa những bảy dặm.

290
Tôi vung tay,
Ném giày xuống biển.
Mưa rơi lên mũ.

291
Tôi rao bán ở chợ
Chiếc mũ của tôi
Như chiếc ô phủ đầy tuyết.

292
Trong ánh bình minh,
Màu trắng con cá măng
Chỉ dài một tấc.

293
Tuyết rơi lên tuyết.
Đêm nay, tháng Chạp
Trăng tròn.

294
Trăng và hoa.
Chỉ trăng và hoa
Là những bậc thầy.

295
Không có mũ,
Mưa rơi lên đầu.
Thì đã sao?

297
Biển xạm đen.
Tiếng vịt kêu
Có màu trăng trắng.

298
Con quạ nháo nhác bay.
Chiếc tổ cũ của nó
Lạc giữa tán lá cây mận.

299
Vạn vật thấm hương thơm.
Chim hồng tước
Trên cây mận đầy hoa.

300
Rõ ràng xuân đã đến
Trên những dãy núi không tên.
Khói mỏng bay.

301
Các nhà sư
Lấy nước từ hố băng.
Tiếng guốc lanh canh.

302
Say, ngã xuống đất,
Những bông hoa dại màu hồng
Mọc trên đá.

303
Chớp lóe.
Quờ tay trong bóng tối.
Cây nến bằng giấy.

304
Thậm chí một ngày dài
Cũng không đủ dài
Để hát bài ca chim én.

305
Giữa đồng.
Không có gì để bám
Chiền chiện hót.

307
Tóc mọc dài.
Mặt xanh nhợt
Suốt mùa mưa.

308
Bình minh,
Cả khi được kéo lên rất vụng,
Vẫn đẹp.

309
Đang mùa thu hoạch rộ.
Con cò trên ruộng lúa.
Trong làng đang mùa thu.

310
Nằm trong đền,
Với khuôn mặt thật của mình,
Tôi ngắm trăng.

311
Trăng lặn quá nhanh.
Ngọn cây còn níu giữ
Những giọt mưa.

312
Ngủ một đêm trên đường,
Anh sẽ hiểu bài thơ của tôi
Gió thu.

313
Cây thông này,
Mọc từ thời các thần linh.
Giờ đang mùa thu.

314
Mới nở,
Những cánh hoa cúc ngất ngây
Trong hơi nước.

315
Ngày một gầy,
Bụi cây me
Ra chồi non.

316
Bướm đêm trên áo tơi,
Bay vào lều tranh,
Nghe giọng chính mình.

317
Lữ khách.
Giờ hãy gọi tôi là lữ khách.
Trận mưa đông đầu tiên.

318
Như luống đất mới cày,
Mảng mây trĩu mưa
Trên đỉnh Phú Sĩ.

319
Một nửa Kyôtô
Lơ lửng giữa trời
Những đám mây tuyết.

320
Khởi nguồn của thơ
Là bài ca trồng lúa
Của vùng đất phía trong.

321
Dù có cầu,
Con ngựa của tôi
Vẫn thích lội qua suối.

322
Trời lạnh
Hai người ngủ cùng chung,
Cũng ấm.

324
Được lau chùi,
Chiếc gương lại bóng,
Như những cánh tuyết có hình hoa.

325
Ốm phải uống thuốc.
Khó chịu
Như khi thấy băng trên gối.

327
Xoa bớt vết nhăn trên mặt,
Đi dự hội ngắm tuyết.
Chiếc áo bằng giấy.

328
Lạ thật,
Có vẻ như tuyết
Thành mưa mùa đông.

329
Giọt sương đóng băng
Trên cành cây khô.
Nước trong vắt.

330
Bốn phía
Những vạt cỏ bị cắt ngang.
Không biết cỏ nào là cỏ nào.

331   
Mới ngày thứ chín,
Xuân non
Trên núi và đồng.

332
Miếu thờ trinh nữ
Chỉ đủ đẹp
Cho hoa mận nở.

333
Cây gì mà hoa
Lạ thế này?
Thơm quá.

334
Mặc áo giấy,
Nhặt hoa rơi trong mưa.
Ướt.

335
Trên một cây mận nhiều hoa.
Trên cây khác
Chỉ đám dây tầm gửi.

337
Bão tháng Giêng.
Cứ ở trần mà đi,
Không cần quần áo.

338
Có nhiều điều,
Nhiều cái
Gợi nhớ hoa anh đào.

340
Quạt cầm tay,
Uống rượu dưới bóng
Những bông hoa rời rạc.

342
Những giọt mưa xuân
Rơi lên tán cây.
Những giọt mưa xuân thật trong.

343
Tuyết tan.
Chiếc chổi quét nước
Xuống suối.

344
Mùa hoa nở rộ.
Núi vẫn thế
Lúc rạng ngày.

345
Tí tách.
Những cánh hoa tí hon rơi,
Thành dòng thác âm thanh.

346
Sắp hết một ngày đầy hoa.
Buồn vì mai
Tôi thành cây tùng giả.

348
Nhớ mẹ cha
Diết da.
Tiếng chim cuốc kêu.

349
Cởi áo,
Vắt lên vai.
Đã đến ngày thay áo.

350
Lễ Phật Tổ.
Đúng ngày này
Một con nai chào đời.

351
Bằng những lá cây non,
Tôi muốn lau
Nước mắt cho anh.

352
Cả hai cùng mệt mỏi,
Cùng trọ một lúc.
Đám hoa đậu tía.

353
Chuông chùa tắt.
Mùi hoa
Tiếp tục gõ vào bóng đêm.

354
Bầy cúc cu
Khuất dần
Phía đảo.

355
Con cá
Nhảy lên đón làn gió.
Nghi lễ làm sạch mình.

356
Múc bằng tay.
Lạnh tê răng.
Nước suối mùa xuân.

357
Vẫn có trăng,
Thế mà như thiếu cái gì.
Mùa hè ở Suma.

358
Làm mát mình trong ruộng lúa
Thật thích.
Nước róc rách.

359
Nhìn thấy trăng
Chưa đủ.
Mùa hè ở Suma.

360
Đền Suma.
Nghe tiếng sáo chưa thổi
Dưới tán lá xanh.

361
Rửa chân.
Ngủ thiếp qua đêm
Quần áo vẫn trên người.

362
Những muốn ví đom đóm
Với mặt trăng
Trong ruộng lúa.

364
Những lá cỏ
Vừa rơi xuống đã bay.
Như đom đóm.

365
Dưới hồ trời xanh trong.
Mưa trên núi Hiei
Sắp hết tháng Năm.

366
Hoa bầu.
Mùa thu.
Có nhiều loại hoa bầu.

367
Vì đêm ngắn,
Cây bìm bìm
Lơ mơ ngủ.

368
Bóng núi
Ngủ yên
Như cánh đồng dưa hấu.

370
Lâu đài hoang phế,
Nước xuân trong giếng cổ
Là nơi tôi muốn ngắm đầu tiên.

371
Mọc vào mùa hè,
Cây dương xỉ một lá
Chỉ một lá.

372
Hoa cỏ khác nhau.
Mỗi loài một đẹp.
Một kỳ quan.

373
Hạt kê xen lẫn hạt kê.
Trong lều tranh
Không thiếu thứ gì.

374
Hồ sen.
Sen rụng lá
Cho lễ xá tội vong nhân.

375
Đầu thu.
Biển và ruộng lúa
Một màu xanh.

377
Bóng lờ mờ,
Một bà già đang khóc.
Trăng, bạn tôi.

378
Phớt lờ những người dự tiệc,
Bình minh mọc.
Mà mọc đẹp.

379
Ngôi nhà thật bình yên.
Con chim sẻ vui
Tìm thấy hạt kê sau nhà.

380
Người đàn bà chết.
Chiếc áo hai ống tay nhỏ
Phơi trên dây.

382
Bay suốt mùa thu,
Con bướm
Đang liếm sương.

383
Cái gì tốt hơn:
Trăng còn nguyên
Hay những bông cúc thừa sót lại?

384
Trăng mười sáu
Lửng lơ treo
Trên quận Sarashina.

385
Chiếc cầu xiêu vẹo.
Những mảng đời quyện vào nhau.
Cây nho rậm lá.

387
Chiếc cầu xiêu vẹo.
Điều đầu tiên nghĩ đến
Là những con ngựa tìm nhau.

388
Thu sắp hết.
Vô tình quấn chặt chăn
Quanh người.

389
Cái vồ đập đất này
Vốn là cây hoa trà
Hay cây mận?

391
Năm, sáu người
Ngồi uống trà, ăn bánh.
Bếp lửa.

393
Có phải tuyết
Mà tôi và anh ngắm năm ngoái
Giờ đang rơi?

395
Như tiếng vỗ những cánh chim đất nung,
Quả sếu rơi.
Buổi sáng đầy mưa gió.

397
Than hồng sắp lụi.
Giọt nước mắt rơi,
Kêu như nước sôi.

398
Đi mua gạo.
Gặp tuyết rơi.
Chiếc túi rỗng làm mũ.

399
Tôi đã chạm đến đáy
Cái túi thận trọng của mình.
Năm cũ hết.

402
Đóng cửa ngồi nhà,
Làm bạn với rơm lót giường.
Có người quảy gánh bán rau xanh.

403
Cả rơm lót giường
Cũng có cọng còn xanh.
Ngôi nhà xiêu vẹo.

404
Uống rượu sake.
Không trăng, không hoa.
Không thể không buồn.

405
Những sợi chỉ gió nóng
Bện với nhau
Giữ khói lại.

406
Mặt trời lặn,
Để lại
Sợi chỉ khói nóng.

407
Sao không nghe
Tiếng chuông chiều hoàng hôn?
Đêm xuân.

408
Chuông không điểm.
Dân làng làm gì
Đêm xuân này?

409
Thật rực rỡ
Những chiếc lá non xanh,
Lấp lánh dưới mặt trời.

410
Nắng hè nóng nực
Tạm thời
Ẩn mình sau thác nước.

412
Tiếng kêu con hạc
Làm rách
Lá chuối.

413
Băng qua đồng,
Con ngựa
Chạy lại phía chim cu.

414
Mưa rào đầu hè
Lâu và mạnh
Che cả thác nước.

417
Nhiều người ở đời
Không nhìn thấy hoa dẻ
Ngay sát hiên.

418
Lá cây iris
Tôi cột quanh chân,
Như dây cột dép.

419
Nhiều hòn đảo
Tan thành từng mảnh
Biển mùa hè.

420
Mưa đầu hè.
Những chiếc lá mưa
Không chạm được lâu đài vàng ánh sáng.

421
Ánh đom đóm
Lẫn trong ánh ngày
Sau cột gỗ.

422
Bò ra
Từ nhà kho,
Con cóc kêu.

423
Đền trên núi
In rõ trên nền đá trắng.
Ve kêu.

426
Thật kỳ diệu.
Tuyết gửi mùi của mình
Cho thung lũng phía Nam.

427
Thật kỳ diệu.
Làm cho tuyết có mùi,
Gió hát.

428
Mát.
Trăng lưỡi liềm mờ mờ
Sau núi Lông Đen.

431
Ngày nắng chói chang.
Sông Môgami
Đưa mặt trời ra biển.

432
Đêm không mây.
Ngồi hóng mát dưới cây anh đào.
Từng đợt sóng hoa.

433
Cây lụa Kisagata
Như cô gái đẹp Trung Quốc dưới mưa
Bông hoa đang ngủ.

434
Cành cây
Thay đổi hình dáng hàng ngày.
Bụi dâm bụt.

435
Tiếng con chim bồ câu
Xuyên qua người.
Cửa hang lạnh.

436
Quả dưa hấu đầu mùa.
Bổ ngang
Hay bổ dọc?

437
Bầy cá con
Chơi đùa với sợi liễu .
Vợ người đánh cá.

438
Mùi thơm lúa mới
Thoang thoảng từ bên phải.
Biển Arisô.

439
Núi Đá
Trắng hơn đá của nó.
Gió thu.

440
Ở Yamanaka
Không cần hái hoa cúc.
Mùi thơm suối nước nóng.

441
Soi đèn bắt cá.
Cá chạy nháo nhào,
Chết sặc vì nước mắt.

442
Quét vườn.
Muốn được sống trong đền.
Lá liễu vương khắp nơi.

443
Chỗ nước nông.
Lên đường đi ngắm trăng.
Chia tay lúc trời rạng.

444
Nhìn mặt trời
Trên núi Hina,
Đoán trăng ngày mai.

445
Ngủ trọ dọc đường.
Lo tìm chỗ
Ngắm trăng tốt nhất.

446
Với nhiều người,
Một trong tám cảnh đẹp nhất
Là trăng ở Kêhi.

447
Lên đường đi ngắm trăng
Trước khi cói ở Tamae
Bị cắt.

448
Vị tướng nổi tiếng
Tỉnh dậy trên núi,
Thấy mảnh trăng buồn.

449
Không chỉ trăng,
Trận đấu vật cũng bị hoãn.
Vì mưa.

450
Trăng ở đâu?
Tiếng chuông chùa
Đã chạm đáy biển.

451
Khoác áo lên người,
Mò bắt ốc con.
Trăng nhiều màu.

452
Những cánh hoa nhỏ.
Những vỏ ốc nhỏ.
Những cốc rượu nhỏ.

453
Giữa các đợt sóng
Những con sò nhỏ
Vướng cây ba lá.

454
Một con trai
Bật ra khỏi vỏ.
Sắp hết thu.

455
Nở nhanh lên
Hội hoa đang đến gần,
Hoa cúc.

456
Đôi dép cỏ Saiygô
Treo trên cây thông.
Những giọt sương.

457
Hãy nhìn mặt trăng buồn
Khi nghe tôi kể
Chuyện vợ một chiến binh.

458
Còn chưa thành bướm,
Dẫu sắp hết thu…
Con sâu.

459
Vườn mùa đông.
Trăng và tiếng côn trùng.
Những sợi chỉ mỏng manh.

460
Hái nấm,
Chỉ sợ
Mưa buổi chiều.

461
Lũ trẻ chạy nhảy,
Dẫm lên cả đống trang sức trắng…
Mưa đá.

453
Cuộn mình trong chiếu cói.
Con người vĩ đại này là ai?
Hoa mùa xuân.

455
Gối cỏ
Êm nhất
Khi ngắm hoa anh đào.

456
Cánh bướm
Đã vỗ bao lần
Kh bay qua tường này?

458
Nóng âm ỉ.
Nụ cây thuốc
Mờ khói.

459
Hoa anh đào núi
Như lớp ngói dương
Ngôi nhà hai lớp ngói.

460
Ni-cô sống một mình.
Trái tim lạnh trong lều tranh.
Cây đỗ quyên trắng.

462
Cam.
Bao giờ trên đồng có cam?
Tiếng chim cu.

463
Ngắm đom đóm,
Anh chèo đò say,
Đứng không vững.

464
Mỗi con một kiểu sáng.
Đom đóm trên cây
Ngủ trong hoa.

465
Gió thổi từ sông.
Người mặc áo hồng vàng nhẹ
Hóng mát.

466
Đừng cố giống tôi.
Ích gì sự giống nhau
Như quả dưa bổ đôi.

467
Con chuồn chuồn
Cố đậu trên ngọn cỏ.
Mãi không được.

468
Cây sợi tơ
Mệt vì ánh trăng.

469
Trăng tròn.
Sư thầy đứng thành hàng
Dọc hiên chùa.

470
Ngắm trăng.
Không cuộc vui nào
Thiếu những khuôn mặt đẹp.

471
Trăng lên.
Để hai tay trên đầu gối.
Buổi tối ở nhà.

472
Để nghe tiếng vịt trời,
Tôi nghĩ
Phải lên thủ đô vào mùa thu.

473
Tuyết đầu mùa.
Nhà sư khất thực
Chiếc túi bạc màu sau lưng.

474
Cơn mưa đầu đông.
Ruộng lúa mới xanh
Chỉ xạm đen chút ít.

475
Cá hồi khô.
Vị sư gầy.
Cái lạnh từ bên trong.

476
Dọn nhà cuối năm.
Bão mạnh
Thổi qua rừng bách.

478
Cuối năm, trên hồ.
Con chim nhỏ
Bay mất hút.

479
Con choi choi bay đi.
Lát sau đêm đen hơn
Cùng gió núi lạnh.

480
Thật quí
Một ngày không tuyết, không mưa.
Áo rơm, mũ rơm.

481
Chờ trăng,
Cành hoa mận
Nghiêng về phía chú tiểu.

482
Hết năm này, năm khác,
Cây anh đào
Ăn xác hoa của nó.

483
Nằm lười.
Mưa xuân
Làm giật mình.

484
Từ bụi tre rậm
Ánh trăng chảy ra.
Chim cu.

485
Lúa mạch
Chín từng ngày.
Chiền chiện hót.

497
Đêm hè.
Linh hồn cây cỏ
Vào nhà cùng tiếng guốc gỗ.

498
Hoa vàng ở Uji thơm
Như mùi lá chè
Sao trên lửa nhỏ.

499
Sự cô đơn
Treo trên đầu đinh.
Con chim dẽ.

500
Trăng cuối tháng
Đủ sáng để nấu tôm.
Đêm đen dần.

501
Gió thổi mạnh.
Những bông hoa nở muộn
Còn giữ được mùi thơm không?
                  
502
Nhìn lá rơi,
Đủ biết
Khu vườn đã nghìn năm.

504
Mệt mỏi với Kyôtô,
Với gió đông,
Với cuộc sống mùa đông.

505
Rốt cục chẳng gì xẩy ra.
Chỉ tuyết rơi
Trên hoa héo.

506
Dưới ánh trăng lưỡi liềm
Mặt đất chìm
Trong khói trăng hoa kiều mạch.

507
Vừa đi vừa đếm
Nhà này đến nhà khác.
Đếm cả mận và liễu.

509
Đầu hồi
Tia nắng nhạt dần.
Đêm lạnh.

510
Vịt trời kêu.
Có phải ở đồng lúa Tôba
Mưa lạnh nhất?

511
Xuống, lên.
Họ đều là anh em
Cùng đi ngắm trăng sáng.

513
Mở ấm trà,
Lại nhớ
Vườn Sakai.

514
Quét vườn.
Cái chổi
Quên quét tuyết.

516
Năm này qua năm khác,
Con khỉ vẫn đeo
Chiếc mặt nạ khỉ.

517
Mấy lá cỏ nhọn.
Mấy lát cá mỏng.
Hoa mận.

518
Chim cu kêu.
Tiếng kêu
Lửng lơ trên nước.

519
Nào các cháu
Bìm bìm đã nở hoa.
Ta gọt dưa thôi.

520
Gió thu buồn
Bẻ gãy
Cành dâu.

521
Vườn chùa này
Trồng đầy
Chuối lá.

522
Mùi cá
Trên các sợi rong
Dính ruột cá.

523
Ngày giỗ.
Sakê trong mấy thùng rượu
Trông như dầu.

525
Sau bốn mươi tuổi,
Người ta không nhận thấy
Mình đang già.

526
Từ khi trăng lặn,
Chiếc bàn
Có bốn góc.

527
Hoa cúc nở
Trước sân người thợ đá.
Giữa các phiến đá.

528
Trên cầu,
Những bông tuyết đầu mùa
Tan gần hết.

529
Suốt đêm
Bụi tre giá cóng.
Một buổi sáng trời lạnh.

532
Sau hoa cúc,
Chẳng còn gì
Ngoài hoa cải củ.

533
Trên lưng ngựa,
Cậu bé
Như cây cải củ nhổ bật rễ.

535
Gần sáng, trăng mờ.
Năm sắp hết.
Tiếng chày giã gạo.

536
Giọt sương rơi từ cánh hoa mận.
Tôi cúi xuống nhặt.
Một mẩu khoai từ.

538
Trên bờ,
Một cành liễu cúi xuống,
Cố chạm đất.

539
Giữa vũng nước tuyết tan
Môt tia lửa đỏ nhô lên…
Lá cỏ.

540
Hương hoa mận
Là lời nói buồn
Từ bao đời nay.

541
Lễ Phật Đản.
Những ngón tay nhăn nheo gặp nhau.
Tiếng lần tràng hạt.

542
Cành liễu xanh
Cúi xuống bùn.
Nước thủy triều nông.

543
Con sông nhỏ cổ xưa
Mở to mắt
Nhìn cây liễu.

544
Mưa lác đác.
Vậy là ổn.
Mạ sẽ tốt.

545
Thật nghiêm túc,
Mèo động đực
Đánh nhau với chó.

547
Lờ mờ
Bụi dâu trong mưa.
Trời đầy khói.

548
Dọc đường tới Sugura,
Hoa cam
Có mùi trà mới.

549
Người bán mực khô
Giọng rao
Lẫn trong tiếng chim cu.

550
Thật cảm động.
Bụi cúc
Sống sót qua cơn giông.

552
Tự mình oằn cong,
Cây tre chờ tuyết rơi.
Nhìn mà buồn!

553
Đang say.
Muốn ngủ luôn ở đây,
Trên lớp sỏi ven sông cỏ mọc.

554
Anh thắp nến.
Tôi cứ tưởng
Như đang cầm tia chớp trong tay.

555
Những giọt mưa
Treo trên cây bất động.
Trăng trôi nhanh.

556
Một đêm, dù chỉ một đêm,
Cây hagi đang trổ hoa,
Hãy che chở con chó hoang tội nghiệp.

557
Con sếu bước oai vệ
Giữa đồng lúa mì.
Mùa thu trên cây.

558
Bị mưa đánh tả tơi,
Lần nữa bụi cúc
Rũ bùn đen đứng lên.

559
Đến thăm hoa anh đào.
Không ít, không nhiều
Đúng hai mươi ngày hạnh phúc.

560
Đám mây đen
Treo bất động giữa trời.
Chờ sét đánh.

561
Mùa hè cỏ mọc thật nhanh.
Nhưng cây một lá
Chỉ một lá.

562
Chăn một người đắp.
Đêm đông lạnh và dài.
Thật buồn.

563
Đường cày trên ruộng lúa,
Hết ngược lại xuôi.
Đường đời cũng thế.

565
Se lạnh.
Chân gác lên tường,
Tôi ngủ trưa.

567
Những sợi tóc bạc
Rơi lên gối.
Tiếng côn trùng đều đều.

568
Đi đường, trời lạnh.
Không lẽ
Mượn con bù nhìn chiếc áo?

569
Những sợi rong biển.
Cát giữa hai hàm răng.
Sực nhớ: mình đang già.

572
Gió nhẹ thổi từ sông.
Chè ngon, rượu ngon.
Đêm trăng cũng đẹp.

573
Thoảng mùi cổ xưa...
Khu vườn cạnh chùa
Đầy lá rụng.

574
Hãy mở cửa.
Mở to cửa để ánh trăng
Chảy vào chùa Ukimiđô.

575
Buồn, thật buồn.
Trong chiếc lồng nhỏ đang treo
Con dế bị cầm tù.

576
Cây mới trồng trong vườn.
Lặng lẽ khích lệ chúng,
Mưa thu tí tách rơi.

577
Có cái đẹp khó nói
Trong những bông cúc vàng
Dập nát vì mưa gió.

578
Những con mèo tìm bạn
Tạm ngừng kêu.
Trăng mờ nhìn vào phòng ngủ.

579
Những giọt nước lặng im
Chạy từ cành này sang cành nọ.
Mưa phùn mùa xuân.

580
Ô trăng hình vuông
Bên cửa sổ.
Cạnh giường tôi.

852
Vịt trời tới.
Hoa mào gà đỏ
Càng đỏ hơn.

853
Trong mấy giây
Mặt trời khuất trong mây.
Chim di trú bay.

584
Thoang thoảng hương hoa cúc.
Vượt con đèo sẫm đen,
Dự hội ngắm trăng.

585
Hương hoa cúc
Rất đặc ở cố đô,
Nơi có nhiều tượng Phật.

586
Sậy được cắt để lợp nhà.
Trên những cây bị bỏ sót,
Tuyết rơi nhẹ.

587
Bất ngờ chợt thấy
Trên vai áo giấy của tôi
Mạng nhện bắt đầu mọc.

588
Thật dễ chịu.
Đồng lúa mát, xanh rờn.
Nước róc rách.

589
Chung mái nhà với tôi
Hai cô gái - hai cành hoa mận.
Và vành trăng cô đơn.

590
Quả rụng từ cây.
Chim sáo vỗ cánh bay.
Gió nhẹ sáng nay.

591
Mưa lâu thế.
Những đống rạ trên đồng
Đã xạm đen.

592
Nghe các nữ tu sĩ
Kể chuyện xưa trong cung…
Tuyết rơi dày khắp nơi.

593
Mưa xuân không dứt.
Giữa lối đi cỏ mọc
Cây anh túc cố ngoi lên cao.

594
Quẩn quanh nghĩ chuyện ngày xưa:
Các bà già bị bỏ chết trên núi
Chỉ làm bạn với trăng.

595
Mạng nhện khẽ rung rinh.
Sợi chỉ mảnh cỏ saikô
Rung rinh giữa hoàng hôn.

596
Thật thích.
Sáng thu ngủ dậy muộn.
Cứ như mình là chủ nhà.

597
Đã mùa thu.
Thậm chí những giọt mưa
Té cả lên mặt trăng.

598
Thu này
Cảm thấy già hơn.
Con chim bay vào mây.

599
Hoa cúc trắng.
Cúi xuống nhìn kỹ.
Không một hạt bụi nào.

601
Dàn bầu.
Cây măng trong vườn.
Than trách tuổi già.

602
Mưa đầu hè.
Con tằm ốm
Trên ruộng dâu.

603
Bức tranh
Vẽ cây trúc ở Saga.
Nhìn đã mát.

604
Hoa rụng.
Chim ngạc nhiên
Nhìn bụi trên cây đàn.

605
Nước trắng sủi bọt.
Trăng hè trên đầu ngọn sóng
Không bám bẩn.

606
Tháng Sáu.
Mây ngủ
Trên đỉnh Núi Giông.

607
Buổi sáng đầy sương.
Bùn bám trên quả dưa
Cũng lạnh.

608
Gió thổi qua rừng thông
Những chiếc kim xanh rơi xuống nước.
Tiếng rơi nghe thật lạnh

609
Đêm hè
Vỡ vụn lúc bình minh.
Thức ăn lạnh.

611
Từng đợt sóng xô nhau,
Mang theo mùi của gió,
Lắc lư theo sóng.

612
Vị tướng lừng danh
Dưới bóng hoa anh đào
Nghe ca sĩ hát.    

1 comment:

  1. một bài viết dụng tâm và bổ ích, cảm ơn tác giả!

    ReplyDelete