Truyện ngắn. Thái Bá Tân
“Tôi
cảm thấy trong người thế nào ấy, bà ạ”, ông Bảy bỏ bát cơm xuống bàn, uể oải nói.
“Ông thì lúc nào mà chẳng vậy, - bà Lý vợ ông thản nhiên đáp do vốn
quen với những lời tương tự khi trái gió trở trời. - Ông ăn đi kẻo nguội”.
“Đành
thế, nhưng hôm nay thì khác, khác lắm cơ”.
“Vậy
thì ăn nhanh lên mà đi nằm”, bà nói rồi cúi xuống bát cơm.
Mới
chập tối nhưng bên ngoài trăng đã sáng. Trăng rằm mùa hè sáng đến mức át cả mấy
ngọn đèn điện tù mù trong hẻm phố của họ. Như nhiều người già khác, họ thường
ăn sớm, đi ngủ sớm. Mấy hôm nay trời đẹp, chưa thấy dấu hiệu thay đổi thời tiết
nào nên bà Lý lấy làm ngạc nhiên.
“Hay
ông ốm?” cuối cùng bà hỏi.
“Tôi
cũng chẳng biết nữa. Chỉ thấy mệt mỏi kinh khủng. Cứ như cả người tôi đang tan
ra từng mảnh...”
Bà Lý ngừng ăn, chăm chú nhìn chồng. Linh tính báo bà có
thể đây là trường hợp nghiêm trọng chứ không như những lần khác. Mặt ông tái
nhợt. Ông nhăn nhó, vặn vẹo, đôi mày nhíu lại, môi mím chặt như đang đau đớn
ghê gớm. Thân hình vốn bé nhỏ của ông càng trở nên bé nhỏ hơn, chốc chốc lại co
giật.
“Ông
làm sao vậy, ông Bảy?” bà Lý lo lắng hỏi.
Ông không đáp, có lẽ vì không nói được, dường cũng như
chẳng nghe bà hỏi. Ông tiếp tục nhăn nhó, vặn vẹo. Cả con người ông cứ bé nhỏ
và mờ nhạt dần cho đến lúc, khoảng mấy phút sau, trước sự sững sờ của bà Lý,
sững sờ đến mức đờ ra không biết nói gì, ông từ từ... biến mất. Vâng, biến mất!
Ngay bên bàn ăn trước mặt vợ. Bà tận mắt thấy ông... biết nói thế nào được nhỉ,
tận mắt thấy ông tan vào không khí. Đúng, không thể tin nổi, nhưng đúng là ông
đã tan vào không khí!
“Ông
Bảy, ông Bảy ơi! Ông đâu rồi? Đâu rồi? Trời ơi, ông Bảy nhà tôi biến đi đâu mất
rồi, - cuối cùng bà Lý thất thanh kêu to khi chợt hiểu chuyện gì vừa xảy ra với
chồng. Bà dụi mắt, huơ hai tay về chỗ ông mới ngồi. Bà không tin ông có thể
biến mất như vậy. Ông là chồng bà, là người chứ đâu phải ma. Vậy mà bây giờ
không thấy ông đâu nữa. Bà cấu mạnh vào má mình xem có phải đang mơ không. Thậm
chí bà còn chạy tìm quanh bếp, tìm cả trong tủ lạnh. Quả thật ông Bảy chồng bà
đã tan biến vào không khí. Nhưng không thể như thế được. Không thể!
Bà
Lý ngồi phịch xuống ghế, bàng hoàng không biết nghĩ gì, làm gì.
*
Sáng
hôm sau bà Lý được mời lên công an quận để giải thích về sự mất tích bí ẩn của
chồng bà. Cái câu “ông ấy bỗng nhiên biến mất trước mặt tôi” không chỉ không
thuyết phục được ai mà còn làm tăng thêm sự nghi ngờ rằng có thể đây là vụ hình
sự nghiêm trọng, tất nhiên bà là nghi can số một. Cũng vì lẽ ấy, bà bị giữ luôn
ở đồn. Đích thân ông trưởng công an quận tiếp bà, hay chính xác hơn, hỏi cung
bà. Do chỗ quen biết nên bà được đối xử khá lịch sự. Tuy vậy, công việc là công
việc, và ông kia vẫn phải làm trọn bổn sự của mình. Ông chăm chú nghe bà kể hết
mọi chuyện, chỉ thỉnh thoảng nhướn mày có vẻ ngạc nhiên nhưng không một lần
ngắt lời. Sau đó ông cho mời bác sĩ thần kinh tới, ra lệnh lập một tổ điều tra
đặc biệt về vụ này vì bản thân ông cũng ý thức được mức độ phức tạp và có thể
nghiêm trọng của nó. Ông còn ra lệnh tuyệt đối không để giới báo chí biết, sợ
họ đưa tin thất thiệt gây hoang mang, và do vậy cản trở công việc điều tra của
ông.
Đêm
đầu tiên bà Lý phải ngủ ở đồn công an không may lại mất điện. Trời oi nồng,
phòng bà ở tầng một nên chẳng có tí gió nào. Một căn phòng tử tế có đủ buồng
tắm, vệ sinh - bà biết đó là sự ưu ái của người bạn cũ - nhưng cửa phòng vẫn bị
khóa bên ngoài. Quy định bắt phải vậy. Bà nằm yên, trân trân nhìn lên trần nhà
tối om. Ngọn đèn dầu leo lét trên chiếc bàn con bên cạnh. Bà vẫn chưa hết sững
sờ với những gì mới xảy ra. Lòng thương chồng, sự ngạc nhiên bối rối, cộng với
nỗi sợ về cuộc sống cô đơn đang chờ phía trước cứ làm đầu óc bà rối lên, muốn
chợp mắt một chút cho đỡ căng thẳng mà không sao chợp mắt nổi. Đấy là chưa nói
đến những phiền toái mà bà có thể gặp phải khi người ta điều tra “vụ này”.
“Ông
Bảy ơi, sao ông có thể ra đi một cách oái oăm như thế? - bà thốt lên thành lời.
- Sao ông nỡ đẩy tôi vào cái cảnh tù tội này?”
Rồi bà tấm tức khóc, khóc rất lâu. Lúc này chắc đã khuya.
Xung quanh yên lặng như tờ, chỉ thỉnh thoảng từ xa vọng lại tiếng xe máy đều
đều ngái ngủ. Bỗng bà nghe hình như có gì khẽ sột soạt. Mà sát chỗ bà nằm. Gì
thế nhỉ? Bà nín thở, lo lắng theo dõi. Cuối cùng, trong ánh sáng nhờ nhờ của
ngọn đèn dầu, bà thấy tấm vải che cửa sổ ngay trên đầu bà đang đung đưa. Bà thở
phào nhẹ nhõm, nhưng chợt lấy làm lạ là sao trong căn phòng đóng kín nghẹt thở
này chiếc mành có thể đung đưa được. Hơn thế, bà có cảm giác như ai đó đang
nhìn mình ở khoảng cách gần.
“Ai
đấy? - bà khẽ hỏi khi vùng dậy ngồi xuống cạnh chiếc bàn, đối diện với ngọn
đèn. Bà run lên vì sợ. - Hay là ông, ông Bảy?” bà buột miệng hỏi, chẳng hiểu vì
sao.
Tất nhiên ông Bảy không đáp, nếu quả thật đó là ông. Liền
sau đó ngọn đèn dầu không ai thổi mà bỗng dưng tắt. Bà Lý càng ngạc nhiên hơn,
nhưng vốn nhanh trí, bà quẹt diêm châm đèn. Bà chợt nảy một ý định, thông minh
và táo bạo, khiến bà trở nên dũng cảm.
“Có
thật đúng là ông không, ông Bảy?” - bà thì thầm hỏi.
Chiếc
đèn lại tắt. Bà ngồi thừ người. Lần này thì bà cảm thấy có gió thật, một luồng
gió nhỏ ngoằn ngoèo lướt nhẹ qua mặt bà. Các cửa vẫn đóng kín, kể cả chiếc cửa
con sát trần. Bà thử thắp đèn hai lần nữa, và cả hai lần đều bị ai đó thổi tắt.
“Ông Bảy! Đúng là ông Bảy rồi. Ông ấy chẳng biến thành không khí đó sao?” Giờ
thì bà tin chắc như vậy. Điều này làm bà vừa sợ vừa mừng.
Sáng hôm sau bà xin được gặp ngay bạn bà, ông trưởng công
an quận. Bà háo hức kể chuyện đêm trước, nhưng ông kia chỉ cười. Thấy thế, bà
đứng dậy đóng hết cửa, thắp chiếc đèn dầu, đặt ngay giữa hai người.
“Nào,
ông Bảy, có đúng thật ông đã tan vào không khí như tôi nói thì ông hãy làm tắt
ngọn đèn này đi cho ông Vinh công an đây thấy,” - bà nói, thong thả và rõ ràng
từng tiếng như ra lệnh.
Ngọn
đèn tắt. Cố giấu vẻ ngạc nhiên, ông Vinh ngồi im một chốc rồi dịch chiếc đèn ra
xa và tự tay châm lửa.
“Nào
thử lần nữa đi, ông Bảy,” - bà Lý nói.
Chiếc đèn lại tắt. Hai người không nói hoặc làm gì thêm.
Chiều
hôm ấy ông Vinh cho bà Lý về nhà, nhưng vẫn chỉ thị đội điều tra tiếp tục công
việc theo hai hướng: tăng cường tìm kiếm ông Bảy và xem xét khả năng đây là một
vụ hình sự nghiêm trọng.
*
Ngẫu
nhiên tôi cũng là bạn cũ của gia đình bà Lý. Tôi được bà tin cậy cho biết những
gì đã kể trên. Ngay lập tức tôi nghĩ đến truyện ngắn Horla của nhà văn Pháp thế kỷ mười chín mà tôi yêu thích, Guy de Maupassant. Truyện kể về một
giống người, hay chính xác hơn, một loài sinh vật vô hình nào đó đã theo tàu
buôn từ Brasil tới Pháp rồi xuất hiện trong phòng ngủ nhân vật của ông. Người
(sinh vật) tàng hình ấy luôn hiện diện đâu đó rất gần bên cạnh, ăn những thứ
dạng lỏng, biết giở sách báo và cầm các đồ vật nhẹ. Theo Maupassant thì đó là
một dạng tiến hóa cao hơn loài người nên chúng ta không nhìn thấy và không lý
giải nổi, và rằng do bất lực, chúng ta dễ dàng chụp cho nó cái mũ mê tín dị
đoan hay đại loại như vậy. Tôi là người đầu óc duy lý và tỉnh táo. Tôi không
tin những chuyện như thế mặc dù thích đọc chúng, nhưng cũng chỉ là cái thích
đối với một loại hình văn học mà bây giờ người ta hay gọi là kỳ ảo, phi thực.
Mà rồi điều này chẳng liên quan gì đến câu chuyện của bà Lý, một người trung
thực mà tôi biết rõ hàng chục năm nay. Tôi không có cơ sở cũng như không có
quyền mảy may nghi ngờ bà.
Một
lần, hôm ấy là ngày thứ bảy sau sự kiện có một không hai ấy, tiện đường, tôi
ghé thăm bà. Tôi không biết lúc này bà có còn là đối tượng bị nghi ngờ, theo
dõi nữa không, nhưng nghe nói cuộc điều tra đang bế tắc. Mặc dù rất cố, người
ta vẫn không tìm ra được động cơ nào khiến bà có thể giết ông chồng mà bà gắn
bó suốt cả đời. Họ không có tài sản đáng giá để giết nhau nhằm chiếm đoạt. Yếu
tố yêu đương thì ngay từ đầu đã được loại bỏ vì chính bản thân sự phi lý của
nó. Việc ông Bảy đi đâu đấy rồi mất tích cũng chẳng mấy thuyết phục. Vậy chỉ
còn lại duy nhất một cách lý giải, rằng những gì bà Lý kể là có thật. Tức là
ông Bảy quả đúng đã “bỗng dưng tan vào không khí và mất tăm luôn!” Nghĩa là ông
đang tồn tại đâu đó quanh ta dưới dạng trong suốt, tàng hình hay một dạng nào
đó ta chưa hiểu. Nhưng thế thì thật phi lý và không thể tin nổi. Tôi cũng không
tin.
Tôi
đến thăm bà trong tâm trạng như vậy. Khi bước vào nhà, tôi thấy bà đang ngồi
với ông trưởng công an quận. Trước đấy tôi có gặp và nói chuyện với ông mấy lần
nhưng không thuộc loại quen thân. Sợ họ có chuyện riêng, tôi định ra về, hẹn
lần khác sẽ đến, nhưng hai người hình như lấy làm mừng vì sự có mặt của tôi.
Chúng
tôi ngồi uống trà, chẳng nói gì đặc biệt ngoài những chuyện người già thường nói, cố tế nhị không nhắc
đến chuyện không vui vừa rồi. Tôi sẽ chẳng dài dòng đem kể ra đây buổi gặp này,
nếu không vì một sự kiện bất ngờ, có thể nói là trọng đại, xảy ra vào đúng hôm
ấy. Các bạn có thể yên tâm tin tôi như tôi tin bà Lý, vì tôi cũng là người trung
thực và đáng kính.
Chuyện
thế này. Khi trời tối, nể lời năn nỉ của chủ nhà, tôi và ông Vinh ngồi xuống
bàn ăn cùng bà. Giữa chừng, như sau này bà Lý kể lại với mọi người, đúng vào
cái lúc cách đấy một tuần ông Bảy tự dưng biến mất, thì bất ngờ ông ấy lại xuất
hiện. Ông ấy xuất hiện thế nào thì quả thực không ai trong chúng tôi nhìn thấy.
Chỉ thấy bỗng nhiên có ông ngồi bên cạnh, ngay trên chiếc ghế hôm nào ông ngồi.
Có thể ngược lại với lần trước, lần này lúc đầu ông chỉ là cái bóng mờ nhạt,
rồi cái bóng ấy đặc dần, đặc dần, rõ nét hơn và cuối cùng thì ông hiện ra bằng
xương bằng thịt như vốn có. Cứ như ông chẳng hề biến đi đâu và vẫn luôn ngồi
đấy trên chiếc ghế của ông suốt cả tuần vừa rồi. Ông còn chìa chiếc bát cho bà
Lý xới cơm, vẻ bình thản như không có chuyện gì đặc biệt xảy ra. Còn việc ba
chúng tôi đã ngạc nhiên, vui mừng và sợ hãi thế nào thì tôi buộc phải trông nhờ
vào trí tưởng tượng phong phú của các bạn.
Ông
Bảy có vẻ ngơ ngác không hiểu vô số các câu chúng tôi dồn dập hỏi ông. Cuối
cùng, phải vất vả lắm chúng tôi mới biết được qua những lời ông nói lộn xộn
điều mà chúng tôi cho là rất quan trọng, có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn
đến sự biến mất và trở về bí ẩn của ông. Theo ông Bảy kể lại thì buổi chiều
trước hôm ông “bốc hơi”, khi ngồi nghỉ ở công viên Con Cóc, ông có bắt chuyện
với một người lạ mặt và đã ăn một, vâng, chỉ một chiếc kẹo do anh ta cứ nằng
nặc mời. Sau đấy ông bắt đầu cảm thấy khó chịu trong người, chiều tối thì xảy
ra cái chuyện ấy. Vì sợ bà Lý trách “bạ ai mời gì cũng ăn” nên ông không cho bà
biết.
Ông trưởng công an quận suy nghĩ một chốc rồi hỏi:
“Anh
ta bề ngoài trông thế nào?”
“Còn
trẻ, khoảng ba mươi gì đó, có ria mép, đeo kính trắng không gọng, giọng lơ lớ
như Việt Kiều”.
“Còn
gì nữa không?”
“À,
còn cái này đặc biệt, - ông Bảy nói thêm. - Bên phải cằm anh ta có nốt ruồi đen
rất to với hai sợi râu dài. Lúc ấy tôi nhìn và tự hỏi sao anh ta không cắt
chúng đi, vì thế mới nhớ rõ”.
Trả
lời câu hỏi của chúng tôi rằng ông đã ở đâu, làm gì trong suốt bảy ngày qua,
ông Bảy chỉ lắc đầu, bảo không nhớ gì.
“Thế
có phải chính ông thổi tắt ngọn đèn ở đồn công an không?” - bà Lý hỏi.
Ông
Bảy dướn mắt ngạc nhiên.
Đối
với ông Vinh, đây là những chi tiết rất quan trọng. Ông vội vã từ biệt ra về,
hẹn sẽ đến nói chuyện thêm với ông Bảy.
*
Mấy ngày sau, ngẫu nhiên tôi gặp ông Vinh tại quán bia Ngã
Năm Lò Đúc. Ông thường tới đó vào giờ nghỉ trưa. Ông cho tôi biết một tin rất
đáng chú ý và hiện còn phải giữ bí mật. Hôm qua công an Cần Thơ có báo về Bộ
một trường hợp tương tự như ông Bảy, có điều người kia, một phụ nữ trẻ, chỉ
xuất hiện trở lại sau hai tuần. Người nhà cho biết cô kể trước đấy có ăn hai
chiếc kẹo của một người có đặc điểm giống hệt người ông Bảy miêu tả. Rõ ràng
các sự việc bí ẩn kia có mối liên quan nào đó với những chiếc kẹo của người
này. Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết có một Việt Kiều như thế đã đến
Việt Nam cách đây ba tháng với danh nghĩa đại diện chào hàng cho một công ty
dược phẩm lớn ở Mỹ. Hiện anh ta chưa xuất cảnh. Cảnh sát dò tìm tung tích khắp
nơi nhưng chưa có kết quả. Căn cứ vào ý kiến của bộ phận khoa học hình sự, một
trong những giả thiết được nhiều người cho khả dĩ hơn cả, là công ty dược kia
đã sản xuất được một loại thuốc mới có khả năng phân hóa cơ thể người thành các
phân tử nhỏ mắt thường không thấy, và sau một thời gian tùy vào liều lượng đã
dùng, thuốc hết tác dụng, các phân tử ấy keo đặc trở lại và con bệnh sẽ quay về
hình hài cũ. Có thể đây là thứ thuốc giúp người ta có thời gian chờ phát minh
những loại biệt dược điều trị các căn bệnh hiện nay được xem là nan y. Thuyết
này có bằng chứng hết sức thuyết phục, đó là việc ông Bảy ăn một chiếc kẹo đã
phải biến mất một tuần, còn cô gái Cần Thơ trót ăn hai nên phải bắt người thân
lo lắng gấp đôi.
Hôm nay, khi tôi đang viết những dòng này thì bà vợ tôi
xăm xăm bước vào với tờ báo mới trong tay. Báo Công An, tất nhiên, vì bà ấy vốn
là độc giả nhiệt tình của nó, còn bây giờ bà đến chắc để bắt tôi đọc một bài
rùng rợn nào đấy về các thủ đoạn bất lương của thời bây giờ. Để biết mà phòng!
Tôi dừng gõ máy vi tính, liếc nhìn chỗ ngón tay bà ấy đang dí vào. Đó là lệnh
truy nã toàn quốc tên... quốc tịch Mỹ có kèm theo bức ảnh của hắn. Một khuôn
mặt dễ coi, còn trẻ, đeo kính trắng với nốt ruồi to phía bên phải cằm. Không
thấy mấy sợi lông. Chắc ảnh nhỏ nhìn không rõ hoặc hắn đã cắt ngắn. Phía dưới
là lời cảnh báo mọi người chớ ăn những chiếc kẹo mà hắn có thể mời.
“Ông
nhớ chưa, phải luôn cảnh giác đề phòng mới được, - vợ tôi nói như ra lệnh. - Từ
nay ai cho kẹo đừng ăn! Ông thì chẳng khác gì con nít. Bạ ai cho gì cũng ăn!”
Rồi
bà ấy bỏ đi, với cảm giác hài lòng như vừa làm một việc thiện.
No comments:
Post a Comment