21
CÁI CHẾT BI THẢM
CỦA THÀNH CA TỲ LA VỆ
Khi vua Tịnh Phạn mất,
Phật không nối ngôi cha.
Người nối ngôi sau đó
Là Ma Khà Na Ma.
Ông là quí tộc lớn,
Tộc Thích Ca, tiếc thay,
Làm Ca Tỳ La Vệ
Phải chết thảm sau này.
Số là Ba Tư Nặc,
Vua Kiều Tát Di La,
Đem lễ hỏi con gái
Của Ma Khà Na Ma.
Thế mà ông đánh tráo
Một nô tỳ rất xinh,
Có tên là Mạt Lợi,
Thay cho con gái mình.
Còn vua Ba Tư Nặc,
Không một chút hồ nghi,
Lập nô tỳ Mạt Lợi
Thành hoàng gia chính phi.
Nghe tin này, Đức Phật
Liền kêu lên xót thương:
“Ai gieo hạt lừa đảo,
Kết quả sẽ khôn lường.”
Mạt Lợi sinh thái tử
Đặt tên là Lưu Ly,
Khi vừa tròn tám tuổi,
Được gửi sang Ca Tỳ.
Ở đấy cậu sẽ học
Cách bắn cung hàng ngày.
Tộc Thích Ca nổi tiếng
Rất giỏi về môn này.
Một hôm cậu theo bạn
Đến Thánh Đường hoàng gia
Vốn là nơi giảng đạo
Của Đức Phật Thích Ca,
Chốn linh thiêng thần thánh,
Người ngoài không được vào,
Chỉ cho người trong tộc,
Theo thứ hạng thấp cao.
Lưu Ly đang cùng bạn
Đùa nghịch trong Thánh Đường
Thì có người đến đuổi,
Than khóc, chẳng ai thương.
Họ nói rằng mẹ cậu
Chỉ là một nô tỳ,
Thuộc giống người hạ đẳng,
Nên phải ra tức thì.
Hơn thế, họ lấy cuốc
Cuốc đất sâu bảy phân
Rồi lấp lại, rửa sạch
Nơi cậu vừa đặt chân.
Là con Ba Tư Nặc,
Thái tử, vua tương lại,
Lưu Ly rất căm giận,
Thề trả thù nay mai.
“Ta thề sẽ giết hết
Cả hoàng tộc Thích Ca,
Xóa Ca Tỳ La Vệ!
Nhất quyết sẽ không tha!”
Vua Ba Tư Nặc chết,
Vua mới là Lưu Ly,
Một người bị xúc phạm,
Thành độc ác, lầm lì.
Vừa lên ngôi, lập tức,
Vua Kiều Tát Di La
Liền dấy binh trừng phạt,
Thề giết tộc Thích Ca.
Nghe tin này, Đức Phật
Lặng lẽ không nói gì,
Ra ngồi giữa đường lớn,
Chờ quân của Lưu Ly.
Ân đức của Đức Phật
Đã nổi tiếng gần xa.
Dẫu từng là thái tử
Của dòng họ Thích Ca,
Nhưng Lưu Ly không giết
Mà tự mình xuống xe,
Cúi chào Ngài cung kính
Rồi cho rút quân về.
Theo thông lệ thời ấy,
Khi nhà sư cản đường,
Thì các bên giao chiến
Phải quay ngựa hồi hương.
Dẫu không ưa Đức Phật
Vì thuộc tộc Thích Ca,
Lưu Ly vẫn thoái rút,
Vì đây là Phật Đà.
Hai lần sau cũng vậy,
Xuất quân đánh Ca Tỳ,
Vua không thể tiến được
Vì Phật cản đường đi.
Nhưng than ôi, lần tiếp
Thì Ngài nói thế này:
“Ác giả thì ác báo,
Thần Phật đành bó tay.
Chỉ trong bảy ngày nữa
Tộc Thích Ca diệt vong,
Thành Ca Tỳ La Vệ
Sẽ san phẳng thành đồng.”
Quân Lưu Ly tiến đến,
Toàn dân trốn vào thành.
Thế yếu khó cầm cự,
Sức chống trả tan nhanh.
Vua Ca Tỳ La Vệ
Là Ma Khà Na Ma
Đành bó tay bất lực
Trước những người chủ hòa.
Vậy là cổng thành mở,
Quân Lưu Ly tràn vào.
Năm trăm người hoàng tộc
Bị giết thảm thê sao.
Ba vạn người chủ chiến
Bị bắt làm tù binh,
Nghĩa là sẽ bị giết,
Nhưng theo kiểu nhục hình.
Họ bị chôn tới gối,
Không thể chạy đi đâu,
Rồi một đàn voi dữ
Tràn qua, dẫm nát đầu.
Kế hoạch sắp thực hiện
Thì Ma Khà Na Ma
Sụp lạy nói: “Dẫu vậy,
Ngươi vẫn là cháu ta.
Ta có một đề nghị,
Là giết ba vạn dân
Vất vả và không dễ,
Vậy hãy tha một phần.
Ta sẽ lặn xuống nước,
Trong khi chờ ngoi lên,
Cứ để mọi người chạy,
Không ai bị bắn tên.”
Một hơi lặn rất ngắn.
Vua Lưu Ly mỉm cười
Rồi gật đầu đồng ý.
Thế là cả biển người
Ào lên, ù té chạy,
Vấp ngã, dẫm lên nhau,
Người kêu gào, kẻ khóc,
Người sứt trán, vêu đầu.
Lưu Ly và binh lính
Thì thích thú reo hò,
Đến khi trốn gần hết
Mới giật mình thấy lo.
Sao lặn lâu thế nhỉ?
Sao không thấy ngoi đầu?
Vua cho người tìm hiểu,
Thì được báo như sau:
“Vua Ca Tỳ La Vệ
Đã tự lấy tóc mình
Cột vào thân cây mục,
Để cứu sống dân tình!”
Vua Lưu Ly chợt hiểu,
Rất xúc động, rồi tha
Những người chưa kịp chạy,
Gồm trẻ con, người già.
22
TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
Lần nọ, với đồ đệ,
Đức Phật giảng ân cần
Về tám điều giác ngộ
Của các bậc đại nhân.
Thứ nhất, cần phải biết
Vạn pháp là vô thường,
Nó dẫn đến an lạc,
Từ bi và tình thương.
Thứ hai là phải biết
Ham nhiều, khổ đau nhiều.
Giảm bớt được ham muốn
Sẽ nhẹ bớt nhiều điều.
Thứ ba là phải biết
Tạm hài lòng với mình,
Và rằng sống giản dị
Mới thoát vòng vô minh.
Thứ tư là phải biết
Siêng năng và cần cù
Mới giúp ta giác ngộ,
Xua bóng tối, mây mù.
Còn lười biếng, hưởng lạc
Cuối cùng chỉ hại ta.
Sớm muộn cũng dẫn đến
Thế giới của ma tà.
Thứ năm là phải biết
Rằng sống trong vô minh
Với những cái phù phiếm
Tức là tự giam mình.
Ngược lại, sống chính niệm
Và thức tỉnh, con người
Mới có thể giác ngộ
Và giáo hóa cho đời.
Thứ sáu là phải biết
Rằng bố thí xưa nay
Là phương tiện quan trọng
Để cứu giúp đời này.
Và rằng chính nghèo khổ
Sinh oán hận, buồn rầu.
Kẻ hành đạo bố thí
Mọi người phải như nhau.
Không bao giờ thù hận,
Không ghét bỏ những người
Chỉ vì quá nghèo khổ
Mà gây tội với đời.
Thứ bảy là phải biết
Rằng những người xuất gia
Sống giản đơn, thanh bạch,
Không gợn ý gian tà.
Vào đời để hóa độ,
Họ không chìm trong đời.
Luôn từ bi, khoan nhượng
Khi giao tiếp với người.
Thứ tám là phải biết
Không chỉ tự cứu mình
Mà còn giúp người khác
Thoát khỏi vòng vô minh.
23
TÁM ĐẶC TÍNH CỦA BIỂN VÀ CHÍNH PHÁP
A Nan là đồ đệ
Rất thân cận của Ngài,
Một hôm đứng nói chuyện
Với mấy bác dân chài.
Một người trong số họ
Cho thầy A Nan hay
Tám đặc tính của biển,
Đại khái là thế này:
“Một, bờ biển thoai thoải,
Tiện kéo lưới, thả thuyền.
Hai, biển luôn chung thủy
Và suốt đời đứng yên.
Ba, biển ghét xác chết,
Luôn trả chúng lên bờ.
Bốn, nhận nước sông suối,
Hàng ngày và hàng giờ.
Năm, biển luôn nhận nước,
Nhưng không đầy, không vơi.
Sáu, nước biển luôn mặn,
Làm mặn mà cuộc đời.
Bảy, biển nhiều ngọc quí,
Nhiều xà cừ, san hô.
Tám, biển luôn đầy cá,
Đủ các loài nhỏ to.
Biển có nhiều điều tốt,
Cụ thể những tám điều,
Vậy, chúng tôi, ngư phủ,
Sao có thể không yêu!”
A Nan rất thích thú
Khi nghe ông già này.
Ông quay sang Đức Phật
Cung kính nói: “Bạch thầy,
Bác già này yêu biển,
Như con yêu Pháp Luân.
Xin thầy giảng thêm nữa
Cho chúng con ngộ dần.”
Phật mỉm cười đáp lại:
“Bác già nói rất hay.
Về Chính Pháp của đạo,
Có tám điều thế này:
Một, biển bờ thoai thoải,
Tiện kéo lưới, thả thuyền,
Trong đạo pháp cũng vậy,
Cũng từ từ, dưới lên.
Cả người già, người trẻ,
Người thông tuệ, vô minh,
Ai cũng có thể học
Cái gì đấy cho mình.
Hai, biển luôn chung thủy,
Suốt đời không đổi thay.
Các nguyên tắc Chính Pháp
Cũng có đặc tính này.
Nó trường tồn, bất biến.
Học, kết hợp với hành,
Nó là niềm an lạc,
Mang lại điều tốt lành.
Ba, biển ghét xác chết,
Luôn trả chúng lên bờ.
Chính Pháp ta cũng thế,
Không dung túng bao giờ
Sự vô minh, lười biếng,
Những việc làm xấu xa.
Người tu không có đức,
Cuối cùng bị đẩy ra.
Bốn, biển luôn đón nhận
Nước của mọi dòng sông.
Tay Chính Pháp dang rộng,
Ôm tất cả vào lòng.
Chính Pháp rất bình đẳng,
Không phân biệt người nào,
Đủ nghèo hèn, quyền quí,
Đủ địa vị thấp cao.
Năm, biển luôn nhận nước,
Nhưng không đầy, không vơi.
Chính Pháp là Chính Pháp,
Luôn bất biến ở đời.
Người theo nhiều hay ít
Chẳng làm nó đổi thay.
Tu thành hay thất bại,
Lỗi người tu việc này.
Sáu, nước biển luôn mặn,
Làm mặn mà cuộc đời.
Chính Pháp ta cũng vậy,
Làm mặn mà lòng người.
Vị mặn của Chính Pháp
Là cứu độ chúng sinh,
Giúp con người thoát khổ,
Thoát khỏi vòng vô minh.
Bảy, biển nhiều ngọc quí,
Nhiều san hô, xà cừ.
Chính Pháp ta cũng có
Nhiều cái quí nhân từ.
Đó là Tứ Diệu Đế,
Là Ngũ Lục, Ngũ Căn,
Và cả Bát Chính Đạo,
Toàn những cái rất cần.
Tám, biển luôn đầy cá,
Đủ các loài trên đời.
Chính Pháp ta dung nạp
Cũng đủ các loại người.
Từ các bậc Bồ Tát
Rồi La Hán, Tỳ Kheo,
Đến thằng bé vô học
Hay bác nông dân nghèo.
Giờ thì các con thấy
Cả tám đặc tính này
Của biển và Chính Pháp,
Giống nhau, và rất hay.”
24
ÔNG VUA VÀ THẦN CÂY
Từ lúc ba lăm tuổi
Phật giảng đạo cho đời.
Bốn lăm năm sau đó
Ngài đã đi nhiều nơi.
Khắp đất nước Ấn Độ,
Những nơi nào Ngài đi,
Ngài giảng về an lạc,
Tình thương và từ bi.
Ngài kể nhiều câu chuyện
Trong khi giảng hàng ngày.
Đây là một thí dụ
Được lưu truyền đến nay.
*
Xưa có ông vua nọ,
Rất kiêu hãnh, rất giàu,
Muốn xây cung điện lớn
Để lưu truyền về sau.
Ông tìm thấy cây gụ
Rất cao to giữa rừng,
Rất hợp làm trụ đỡ,
Vì thế ông vui mừng.
Đêm ấy vua nằm ngủ,
Thấy giấc mơ thế này:
Có một người to lớn
Tự xưng là thần cây
Đến gặp vua và nói:
“Tôi đã sống mấy đời
Trong thân cây gụ ấy.
Xin Ngài tha cho tôi.
Mỗi nhát dao ngài chặt
Sẽ làm tôi rất đau.
Nếu nay mai tôi chết.
Cháu con tôi sống đâu?”
Ông vua quyết không chịu,
Vì cần gỗ làm nhà.
Cuối cùng ông kia nói:
“Một khi ngài không tha,
Thì xin cho người chặt
Từng đoạn một, ngắn thôi.
Bắt đầu chặt từ ngọn,
Cho đến tận chân tôi.”
“Nếu ta chặt từ gốc,
Ông chỉ đau một lần. -
Vua nói. - Chặt từ ngọn,
Mà lại thành nhiều phần,
Ông sẽ đau gấp bội.
Sao ông muốn điều này?”
“Vì thân tôi cao lớn,
Lá nhiều và rất dày.
Nếu ngài chặt từ gốc,
Tôi ngã, thân và cành
Sẽ đè chết chim chóc
Và cây cối xung quanh.
Nếu ngài chặt từ ngọn,
Mà từng đoạn, ngắn thôi
Thì sẽ ít sinh vật
Phải đau đớn vì tôi.”
Vua nghe xong, chợt tỉnh.
“Con người này tốt sao.
Sẵn sàng chịu đau đớn
Để cứu giúp đồng bào.
Ta, một người ích kỷ,
Nhưng sau bài học này,
Thay cho việc đốn hạ,
Ta lập miếu thờ cây.
25
ĐỀ BÀ ĐẠT BA
Em họ của Đức Phật,
Người từng muốn giết Ngài,
Đổ bệnh, nằm bất động
Suốt một thời gian dài.
Được tin này, Đức Phật
Muốn đến thăm ông ta.
Có người hỏi: “Sao vậy?
Ông Đề Bà Đạt Ba
Đã mang lòng độc ác
Muốn giết Ngài nhiều lần.”
Ngài đáp: “Người theo Phật
Không báo oán, báo ân.
Ai ốm thì thăm hỏi,
Không phân biệt nghèo, giàu,
Không phân biệt xấu, tốt.
Đã bệnh, ắt phải đau.”
Ngài đến bên giường bệnh,
Rồi nói lớn: “Nếu ta
Yêu người này như thể
Thương yêu La Hầu La,
Thì hãy để người bệnh
Khỏe mạnh ngay tức thì!”
Lập tức người bệnh khỏi,
Như không hề đau gì.
Lần nữa Phật nhắc lại
Với đồ đệ của mình:
“Tình thương yêu của Phật
Bình đẳng trước chúng sinh.”
26
VIÊN TỊCH
Khi tròn tám mươi tuổi,
Đức Phật nói: “Suốt đời
Ta ra tay cứu độ,
Mong hạnh phúc cho người.
Nay đến lúc viên tịch,
Ta muốn trở về nhà,
Thành Ca Tỳ La Vệ
Nơi đã từng sinh ta.”
Mọi người nghe nói vậy
Liền òa khóc xót thương.
Ngài nói: “Sống và chết
Ấy là cái lẽ thường.”
Trên đường về quê cũ,
Đến làng Câu Thi Nà,
Cách Ca Tỳ La Vệ
Một quãng đường không xa,
Đức Phật nói: “Có lẽ
Ta viên tịch làng này.”
Ngài vào vườn, lặng lẽ
Nằm giữa hai hàng cây.
Cây đang kỳ hoa nở,
Hoa trắng xóa trên cành.
Cúi đầu, khóc thút thít,
Mọi người đứng xung quanh.
Và đây, những lời cuối
Ngài nói với mọi người:
“Tham, Sân là cội rễ
Mọi bất hạnh trên đời.
Vạn vật, sớm hay muộn,
Thay đổi và mất đi.
Vậy đừng cố níu giữ,
Đừng thương tiếc làm gì.
Để vượt qua bể khổ,
Thoát khỏi vòng vô minh,
Hãy thường xuyên rèn luyện
Thanh lọc tâm hồn mình.”
Ngài quay người bên phải,
Gối đầu lên một tay,
Nhắm mắt, rồi viên tịch.
Hoa rơi như tuyết bay.
Sau đó, các đệ tử
Quàn xác vào quan tài,
Rồi hỏa thiêu, thật lạ,
Lửa cứ bay ra ngoài.
Khi thầy cả Ca Diếp,
Vào vái lạy hồi lâu,
Quan tài mới bén lửa.
Cuộc hỏa táng bắt đầu.
Xương thịt Ngài kết lại,
Chỉ còn sót ít tro
Và những viên xá lợi
Nhiều màu và rất to.
Xá lợi nhiều, nhiều lắm,
Tám mươi tư nghìn viên,
Trong tám hộc, bốn đấu,
Những viên ngọc đức thiền.
Các vua Bắc Ấn Độ,
Nghe tin này bất ngờ,
Liền đến xin xá lợi
Mang về nước mình thờ.
Vua nào cũng xây tháp
Thờ những vật báu này.
Hiện chúng được lưu giữ
Cho đến tận ngày nay.
Xá lợi là minh chứng
Một người thầy anh minh,
Người suốt đời tận tụy
Cứu khổ cho chúng sinh.
Ngài dạy không làm ác
Mà hãy làm việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Đời sẽ mãi màu xanh.
Đó là những câu chuyện
Về đời Phật Thích Ca.
Hãy nhớ tâm niệm Phật.
Nam Mô A Di Đà.
No comments:
Post a Comment