Tuesday, February 24, 2015

VIỆT NAM LƯỢC SỬ DIỄN CA - 7



18
CÁC NHÂN VẬT NỔI TIẾNG ĐỜI LÊ SƠ

Hôm nay ông sẽ kể
Về một người tài ba,
Là thi hào Nguyễn Trãi,
Làm vẻ vang nước nhà.

Ông là nhà quân sự,
Nhà chính trị đại tài,
Một anh hùng dân tộc,
Có số phận bi ai.

Tiếp đến ông sẽ kể,
Dẫu qua loa vài lời,
Về một số nhân vật
Để tiếng tốt cho đời.


NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442)

Khi nói đến Nguyễn Trãi,
Là nói đến người hiền,
Một nhà văn hóa lớn
Và vụ Lệ Chi Viên.       

Ông xuất thân cao quí,
Con của Nguyễn Phi Khanh,
Cháu ngoại Trần Nguyên Đán,
Rất giỏi đường học hành.

Ông sinh ở Chí Ngại,
Huyện Chí Linh, Hải Dương,
Sau chuyển về Thường Tín,
Sống cuộc sống dân thường.

Khi nhà Hồ thành lập,
Bố ông ra làm quan,    
Đứng đầu Quốc Tử Giám,
Được xem là công thần.

Cùng lúc ấy Nguyễn Trãi
Thi đỗ Thái học sinh,
Được bổ làm Chính Chưởng
Nhờ uyên bác, thông minh.

Khi nhà Hồ sụp đổ,
Cùng nhiều quan hàng đầu
Bố ông bị giặc bắt
Rồi đưa về nước Tàu.

Từ Một Bốn Không Bảy
Ông phiêu bạt đó đây.
Không ai biết Nguyễn Trãi
Làm gì thời gian này.   

Năm Một Bốn Một Sáu,
Trong Hội thề Lũng Nhai,
Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi,
Anh tài gặp anh tài.

Ông đã trình Lê Lợi
Ba lời khuyên Bình Ngô,
Hết lòng giúp minh chúa       
Xây dựng lại cơ đồ.

Ông là quân sư giỏi,
Một nhà ngoại giao tài,
Người có công rất lớn
Đưa Lê Lợi lên ngai.

Khi công thành danh toại,
Triều nhà Lê, tiếc thay,
Bắt đầu chia phe cánh,
Mâu thuẫn tăng hàng ngày.

Năm Một Bốn Hai Chín,
Trần Nguyên Hãn quyên sinh
Khi Lê Lợi xuống chiếu
Bắt giam người bạn mình.

Nghe lời bọn xu nịnh,
Vua giết bạn thứ hai
Là tướng Phạm Văn Xảo,
Liêm khiết và có tài.

Rồi nhiều công thần khác,
Liên quan hai người này,
Cũng bị giết thê thảm,
Kêu trời, trời có hay.

Đại công thần Nguyễn Trãi
Cũng bị vua giam cầm,
Xem thường, không sử dụng
Và quên lãng nhiều năm.

Khi Lê Thái Tổ mất,
Lê Thái Tông lên thay,
Nguyễn Trãi được trọng dụng,
Dạy cho ông vua này.  

Nhưng rồi lại phe cánh,
Lại chước quỉ mưu ma,
Nguyễn Trãi lại thất sủng
Vì những lời gièm pha.

Năm Một Bốn Ba Tám,
Ông lui về Côn Sơn,
Điền trang của ông ngoại,
Giữa rừng thông xanh rờn.

Và rồi cuối cùng đến
Cái án được lưu truyền
Như tiếng kêu oan ức -
Vụ án Lệ Chi Viên.

Năm Bốn Hai, tháng Chín,
Hai mươi tuổi, Thái Tông
Cùng một đoàn bộ xậu,
Đi tuần ở miền Đông.

Đến Chí Linh, Nguyễn Trãi
Mời vua ghé chơi chùa.
Lúc về, nàng Thị Lộ
Ông cho theo hầu vua.

Nguyễn Thị Lộ lúc ấy
Đã bốn mươi tuổi đời,
Là thiếp của Nguyễn Trãi,
Đa tình và xinh tươi.

Phần vì đẹp, khéo nói,
Phần vì tài văn chương,
Bà được vua gần gũi
Và yêu quí khác thường.

Giữa đường vua dừng lại
Ở quán Lệ Chi Viên,
Tức là quán Vườn Vải,
Nghỉ ngơi và định thiền.

Đêm hôm ấy, bất chợt
Vua đổ bệnh, qua đời.
Chỉ một mình Thị Lộ
Luôn túc trực bên người.

Đến nay vẫn chưa biết
Vì sao vua băng hà.
Chỉ hai người, vua chết
Bên bà, hay trên bà?    

Rồi bà và Nguyễn Trãi
Bị buộc tội tày trời,
Lệnh tru di tam tộc,
Giết ba họ, ba đời.

Mười mấy ngày sau đó,
Lệnh đã được thi hành.
Nguyễn Trãi cùng ba họ
Bị nhà Lê hành hình.

Một anh hùng dân tộc,
Một khai quốc công thần
Đã bị giết thế đấy,
Vô lý và bất nhân.

Ngẫm mà thương số phận
Của các bậc đại thần
Cái thời mông muội ấy,
Cái thời vua hôn quân.

Phù vua và cứu chúa,
Để đưa vua lên ngai.
Vua nhỏ nhen, quay lại
Giết các bậc hiền tài.   

Sau khi Nguyễn Trãi chết,
Các tác phẩm của ông
Bị đốt sạch, phá sạch -
Một cảnh tượng đau lòng.

Những áng thơ tuyệt đẹp
Của một đại thi nhân
Bị biến thành tro bụi
Như xưa ở nước Tần.

Hăm hai năm sau đó,
Lê Thánh Tông lên ngôi,
Minh oan cho Nguyễn Trãi,
Nhưng cũng việc đã rồi.

*
Có truyền thuyết kể lại,
Bố ông, Nguyễn Phi Khanh,
Xưa làm nghề dạy học,
Định cuốc vườn cỏ gianh.

Đêm ông mơ, bất chợt
Có một người đàn bà
Dẫn theo một lũ trẻ
Đến nằn nì xin tha.

Bà xin ông hoãn lại
Thư thư một vài ngày
Để bà tìm chỗ mới
Đi khỏi khu vườn này.

Sáng dậy ông đã thấy,
Lúc dọn vườn, học trò
Giết chết một bầy rắn.
Ông giật mình, thấy lo.

Tối ấy, khi đọc sách
Có con rắn để rơi
Từ trên xà giọt máu,
Rơi xuống đúng chữ “đời”.

Giọt máu trên cuốn sách
Thấm xuống đúng ba trang.
Ông lờ mờ chợt hiểu,
Ngồi lặng yên, bàng hoàng.

Về sau con rắn ấy,
Với ý định trả thù,
Biến thành Nguyễn Thị Lộ,
Đưa ba họ vào tù.        

Khi bà Nguyễn Thị Lộ
Bị dìm chết dưới sông,
Bà lại thành con rắn,
Lẩn trốn dưới đám rong.

Theo các nhà sử học,
Truyền thuyết này lạ đời.
Do nhà Lê bịa đặt
Để lừa dối mọi người.

Sự thật thì vụ án
Do nhà Lê gây ra
Do tranh giành quyền lực
Trong nội bộ hoàng gia.

Chỉ oan cho Thị Lộ,
Phi lý và bất ngờ.
Một vụ án oan khuất.
Đau đến tận bây giờ.


TRẦN NGUYÊN HÃN (? – 1429)

Một trong mười chín vị
Dự Hội thề Lũng Nhai,
Ông là một danh tướng,
Có đức và có tài.

Ông chiến đấu dũng cảm,
Không quản ngại hy sinh
Giúp chủ tướng Lê Lợi
Đánh bại giặc nhà Minh.

Thế mà đời oan nghiệt,
Khi kháng chiến thành công,
Chính vị chủ tướng ấy
Đã nỡ lòng giết ông.

Lời thề Lũng Nhai ấy,
Hỡi ôi nay còn đâu?
Thương cho Trần Nguyên Hãn
Dưới chín suối ngậm sầu.

Xuất thân, Trần Nguyên Hãn
Là dòng dõi họ Trần,
Chắt của Trần Quang Khải,
Nguyễn Trãi - bà con gần.

Ông sinh ở Lập Thạch,
Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Có một số học giả
Không nhất trí điều này.

Sách cũ có kể lại
Ông gánh dầu bán rong,
Tìm người chung chí hướng
Bàn kế cứu non sông.

Cuối cùng Trần Nguyên Hãn
Và Nguyễn Trãi tiên sinh
Hội tụ với Lê Lợi
Cùng chống giặc nhà Minh.

“Tang Thương Ngẫu Lục” chép
Rằng Nguyễn Trãi và ông
Lần đầu gặp Lê Lợi     
Rất không vui trong lòng

Khi thấy vị chủ tướng
Xé thịt ăn bằng tay,
Nhồm nhoàm và thô lỗ,
Nên họ bỏ đi ngay.

Lần thứ hai, khi đến
Thấy Lê Lợi mải mê
Đọc binh thư không chán,
Họ ở lại, không về.

Hai ông được trọng dụng.
Nguyễn Trãi làm quân sư.
Nguyên Hãn làm soái tướng
Gian khổ chẳng hề từ.

Khi còn ở Thuận Hóa,
Ông đánh bại quân Minh,
Dù quân chúng áp đảo,
Trong trận đánh Tân Bình.

Sau đó là chiến thắng
Trong trận Đông Bộ Đầu
Khi ông và Lê Lợi
Đánh ra Bắc cùng nhau.

Ông cũng là chủ soái
Trận đánh thành Xương Giang,
Một trận đánh quyết định
Khiến giặc phải đầu hàng.

Về chức, sau Lê Lợi,
Trần Nguyên Hãn thứ hai,
Cao hơn cả Nguyễn Trãi,
Tạm gác chuyện đức, tài.

Trong danh sách Đại Việt
Ở Hội thề Đông Quan,
Ông chỉ sau Lê Lợi
Khi hai bên nghị bàn.

Năm Một Bốn Hai Chín,
Ông xin phép nhà vua
Được lui về trí sĩ,
Bên vườn thuốc, sân chùa.

Có sách bảo ông nói,
Rằng Lê Lợi bề ngoài
Giống Việt vương Câu Tiễn,
Nên khó ở với ngài.

Câu Tiễn mép như quạ,
Ranh ma, không thực lòng.
Có thể ông nói thế.
Cũng có thể là không.

Hơn thế, vua khó chịu
Khi thấy ông xây nhà
To đẹp như phủ đệ
Mà nghĩ chắc gian tà.

Vua nghi ông phản nghịch,
Nên ra lệnh bắt ông.
Giữa đường ông tự tử
Bằng cách nhảy xuống sông.

Trước khi chết ông nói:
“Hoàng thượng đã cùng ta
Xưa vào sinh ra tử,
Nay nghe lời gièm pha

Mà bắt ta phải chết.
Hỏi trời, trời biết không?”
Trời chưa kịp đáp lại
Thì nước đã dìm ông.

Về sau, Trần Nguyên Hãn
Được nhà Lê minh oan.
Nhưng con cháu nhất mực
Không chịu ra làm quan.

Lê Lợi là minh chủ,
Có lúc đã không minh,
Nhưng nhân dân yêu quí
Vị tướng giỏi của mình.

Nhiều nơi trong cả nước,
Nhất là vùng Sơn Đông,
Nơi ông đã tự tử,
Dựng đền thờ thờ ông.


NGÔ SĨ LIÊN (thế kỷ 15)

Nhà sử học nổi tiếng,
Ông là người hiền tài,
Thi và đậu tiến sĩ
Năm Một Bốn Bốn Hai.

Ông người làng Chúc Lý,
Huyện Chương Mỹ ngày nay,
Chết, thọ chín tám tuổi,
Tuổi hiếm vào thời này.

Ông là tác giả chính
Bộ Sử ký Toàn Thư
Của đất nước Đại Việt,
Gồm hàng chục vạn từ.

Bộ sử mười lăm quyển,
Gồm từ thời Hồng Bàng
Đến Một Bốn Hai Bảy,
Sử nước nhà vẻ vang.

Như nhiều chí sĩ khác
Sống cùng thời với ông,
Ông theo, giúp Lê Lợi
Cho đến khi thành công.

Nhờ ăn nói tài giỏi,
Ông được vua nhiều lần
Gặp giặc Minh, thương thuyết,
Thay mặt cho nghĩa quân.

Ông và Nguyễn Nhữ Soạn,
Em Nguyễn Trãi Tiên sinh
Được giao việc ghi chép
Việc đời và việc binh.


LƯƠNG THẾ VINH (1441 – 1496)

Lương Thế Vinh đỗ Trạng
Năm Một Bốn Sáu Ba,
Học giỏi, hiểu biết rộng,
Lịch thiệp và tài hoa.

Ông là nhà toán học
Nổi tiếng thời Lê sơ,
Viết Đại Thành Toán Pháp,
Giá trị đến bây giờ.

Ông nghiên cứu về Phật,
Viết Thiền Môn Giáo Khoa,
Về triết lý Phật Giáo
Trong lịch sử nước nhà.

Ông còn viết thơ vịnh
Lúc nghỉ ngơi, an nhàn.
Là một trong hăm tám
Tinh tú Hội Tao Đàn.

Là con người xuất chúng
Với trí tuệ phi thường,
Được nhân dân trìu mến
Gọi ông là Trạng Lường.

*
Ông sinh ở Thiên Bản,
Huyện Vụ Bản bây giờ,
Năm Một Bốn Bốn Một.
Nhỏ, đã biết làm thơ.

Ông nổi tiếng nghịch ngợm
Giỏi về môn thả diều.
Sáng dạ, học rất khá,
Dù thường không học nhiều.

Một lần đang chơi bóng.
Bóng rơi xuống hố sâu,
Không thể lấy lên được,
Mọi người đứng nhìn nhau.

Ông lặng lẽ lấy nước
Đổ xuống hố, tất nhiên,
Nước làm quả bóng nổi.
Chỉ cúi xuống nhặt lên.

*
Có truyền thuyết kể lại,
Sứ nhà Minh, Chu Hy,
Nghe tiếng ông tài giỏi,
Không tin, nhưng hiếu kỳ,

Bèn thách ông có thể
Cân con voi được không.
Ông cho voi bước xuống
Chiếc thuyền lớn trên sông,

Rồi đánh dấu ngấn nước.
Đưa voi lên, rồi thay
Con voi bằng đá hộc,
Đúng đến ngấn nước này.

Bây giờ thì đơn giản,
Cân đống đá là xong.
Sứ Minh nhìn, phục lắm,
Nhưng còn muốn thử ông.

Hắn chỉ một trang giấy
Trong cuốn sách khá dày,
Rồi nhờ ông đo thử
Độ dày tờ giấy này.

Ông đã làm việc đó
Rất nhanh và dễ dàng,
Bằng cách đo cả cuốn
Rồi chia cho số trang.

Vị sứ thần kiêu ngạo,
Chỉ còn biết thở dài:
“Nước Nam tuy nhỏ bé,
Mà thật lắm người tài.

Năm Một Bốn Chín Sáu
Lương Thế Vinh qua đời,
Hưởng thọ năm lăm tuổi.
Một con người tuyệt vời.

*
Hôm nay, thay cổ tích,
Ông có câu chuyện này,
Một chuyện loại dã sử,
Được lưu truyền lâu nay.


TIỀN KIẾP CỦA VUA MINH THẦN TÔNG

Một tiến sĩ Đại Việt
Tên là Nguyễn Tự Cường,
Đầu thế kỷ mười bảy,
Làm Chánh sứ Bắc Phương.

Vua nhà Minh lúc ấy,
Hoàng đế Minh Thần Tông,
Khi xong phần nghi lễ
Hỏi sứ có biết không

Rằng ở nước Đại Việt
Có ngôi chùa Quang Minh.
Nó ở đâu? Lớn nhỏ?
Sứ bèn hỏi sự tình

Thì vua Minh liền đáp
Rằng ông là kiếp sau
Sư trụ trì chùa ấy.
Giờ muốn biết ở đâu.

“Số là ta, vua nói,
Khi mới sinh, trên vai
Đã có dòng chữ, viết
Ta là hậu kiếp ngài.

Ta là một hoàng đế,
Rất muốn biết vì sao,
Bây giờ muốn xóa nó,
Nhưng chưa biết cách nào”.

Sứ Việt đáp: “Nghe nói
Nhà Phật có nước thần,
Một loại nước công đức,
Có thể tẩy vết trần.

Vậy theo thần trộm nghĩ,
Muốn xóa dòng chữ này,
Phải lấy nước chùa ấy,
Cho người mang về đây.”

Về nước, sứ bẩm lại
Chuyện lạ với triều đình.
Triều đình ngay lập tức
Cho tìm chùa Quang Minh.

Thì ra là chùa Bóng,
Ngôi chùa cổ bên đường,
Tên chữ “Quang Minh Tự”,
Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

Theo các thư tịch cổ,
Chùa xây vào đời Trần.
Ban đầu qui mô nhỏ,
Nhưng sau mở rộng dần.

Chùa có quang cảnh đẹp,
Có nhiều cây xùm xòa,
Hòn non bộ, hồ nước,
Thu hút khách gần xa.

Xưa, trụ trì chùa ấy
Là Thiền sư Huyền Chân,
Thế danh gọi là Đức,
Một người có đức, ân.

Tương truyền khi sắp tịch,
Phật báo mộng rằng ngài
Sẽ làm vua phương Bắc,
Nhờ đức độ, hiền tài.

Tỉnh dậy, gọi đệ tử,
Kể giấc mơ của ngài,
Dặn sau khi viên tịch
Hãy nhớ viết lên vai

Mấy chữ: “An Nam quốc,
Quang Minh Tự tỳ kheo”.
Các đệ tử ghi nhớ
Và chính xác làm theo.

Vậy là nhà Đại Việt
Không chỉ biết ngôi chùa,
Còn lấy nước của nó
Sang Bắc Triều dâng vua.

Minh Thần Tông hoàng đế
Thưởng ba trăm lạng vàng
Cho sứ thần Đại Việt,
Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường.

Ông đem số vàng ấy
Cúng vào chùa Quang Minh
Để lo việc tu bổ,
Bố thí cho dân tình.

Sau, ông được cất nhắc,
Do tài và nhân từ,
Hữu Thị lang bộ Lễ,
Cuối cùng là Thượng thư.


18
MẠC ĐĂNG DUNG (1483 – 1541)

Thời Lê Sơ thịnh trị
Kéo dài mấy mươi năm
Rất tiếc đã kết thúc
Cuối thế kỷ mười lăm.

Cũng bắt đầu từ đó
Nhà Lê suy thoái dần.
Vua quan lo hưởng lạc,
Không quan tâm đến dân.

Như vua Lê Uy Mục,
Đêm nào cũng tiệc tùng,
Khi uống say, cầm kiếm
Rồi chém giết lung tung.

Nội bộ thì chia rẽ,
Các phe phái tranh quyền.
Công thần xưa bị giết,
Lòng dân rất không yên.

Dười triều Lê Tương Dực,
Trịnh Duy Sản cầm đầu
Một phe phái hiếu chiến,
Suốt mười năm đánh nhau.

Năm Một Năm Một Bảy
Dân chết đói đầy đường,
Thậm chí ở vựa lúa
Kinh Bắc và Hải Dương.

Có nhiều cuộc khởi nghĩa.
Bắt đầu là Nguyễn Tuân
Năm Một Năm Một Một,
Thu hút hàng vạn dân.

Có lần quân khởi nghĩa
Đi thành đoàn rất đông,
Từ Sơn Tây kéo xuống
Uy hiếp thành Thăng Long.

Chỉ một năm sau đó,
Trịnh Hưng và Lê Hy
Nổi lên ở xứ Nghệ,
Sau lan ra Bắc Kỳ.

Ở vùng núi Tam Đảo,
Năm Một Năm Một Năm,
Phùng Chương dấy khởi nghĩa,
Cũng gây được tiếng tăm.

Nhưng quan trọng hơn cả
Là Trần Cảo, Quảng Ninh,
Năm Một Năm Một Sáu,
Với rất nhiều nghĩa binh.

Đầu họ được cạo trọc,
Chỉ chừa ba chỏm con,
Gọi là Quân Ba Chỏm,
Danh tiếng nổi như cồn.

Quân và tướng Ba Chỏm
Đã ba lần tấn công,
Trong đó một lần thắng,
Chiếm được thành Thăng Long.

Vua Lê phải bỏ chạy
Vào Thanh Hóa thoát thân,
Rồi tổ chức chiếm lại,
Cuộc khởi nghĩa tắt dần.

Các cuộc khởi nghĩa ấy
Sớm muộn, bị dập tan.
Nhưng chính chúng đã khiến
Nhà Lê chóng suy tàn.

*
Trong bối cảnh tranh chấp
Các phe phái cung đình,
Cùng loạn lạc, khởi nghĩa,
Bất mãn của dân tình,

Xuất hiện một nhân vật,
Có khí phách anh hùng,
Vốn là một võ tướng.
Đó là Mạc Đăng Dung.

Ông nhanh chóng tiêu diệt
Các thế lực bất bình,
Giữ chức ngang tể tướng,
Nắm hết mọi quyền hành.

Năm Một Hai Năm Bảy,
Ông tiếm ngôi, xưng vương.
Bây giờ ông kể chuyện
Về người này phi thường.

*
Theo truyền thuyết kể lại,
Thì xưa Mạc Đăng Dung
Vốn dòng dõi quyền quí
Nhưng sau thành bần cùng.

Ông làm nghề đánh cá,
Bố mẹ nghề chèo đò.
Bến sông ấy rất rộng,
Thường sóng lớn, gió to.

Có một thầy địa lý,
Nghe đâu là người Tàu,
Được hai người cứu sống,
Nên mang nặng ân sâu.

Để trả ơn, họ mách
Phải táng mộ ông bà
Vào chỗ có long mạch,
Sau sẽ thành vương gia.

Mạc Đăng Dung lập tức
Đem cốt tổ tiên mình
Táng vào nơi được chỉ,
Mong có ngày hiển vinh.

Năm sau, thầy địa lý
Quay lại và bảo ông
Đem một quan tiền mới,
Tức đúng một trăm đồng

Ra ngồi trên con dốc
Cách không xa bến đò,
Thấy ai vác chữ “khẩu”
Trên lưng mình, thì cho.

Ông chờ mãi, chỉ thấy
Một ông lão ra sông,
Đeo trên vai chiếc dặm.
Ông cho ba mươi đồng.

Chiều tối, ông lão ấy
Quay về, ông lại cho
Thêm ba lăm đồng nữa,
Rồi đi xuống chèo đò.

Tối về, nghe kể lại,
Thầy địa lý lầm bầm:
“Vậy nhà ông chỉ được
Làm vua sáu lăm năm.”

*
Đức vua Mạc Thái Tổ
Tên húy Mạc Đăng Dung,
Quê nơi nay là đất
Huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Theo các tài liệu sử,
Ông là cháu bảy đời
Một trạng nguyên nổi tiếng -
Mạc Đỉnh Chi hơn người.

Ông thời bé nghèo khổ,
Chuyên chài lưới kiếm ăn,
Sau lớn lên, khỏe mạnh,
Đỗ “Lực sĩ xuất thân.”

Rồi thành quân túc vệ
Vào thời nhà Hậu Lê,
Đời vua Lê Uy Mục,
Đang rối ren trăm bề.

Nhờ thông minh, tài giỏi,
Được hoàng gia tin yêu,
Ông nhanh chóng thăng chức
Thành quan lớn trong triều.

Nhà Hậu Lê thời ấy
Yếu hèn và rối tung,
Và dần dần quyền lực
Vào tay Mạc Đăng Dung.

Năm Một Năm Hai bảy,
Ông tiếm ngôi nhà Lê,
Lấy hiệu Mạc Thái Tổ,
Lúc thọ địch bốn bề.

Ông đúc tiền Thông Bảo,
Lo chấn chỉnh triều đình.
Thành Hải Dương được chọn
Làm kinh đô - Dương Kinh.

Năm Một Năm Hai Bảy
Ông nhường con ngai vàng.
Mạc Thái Tông kế vị,
Ông thành Thái thượng hoàng.

Năm Một Năm Bốn Mốt
Mạc Đăng Dung băng hà,
Hưởng thọ năm chín tuổi,
Và trước lúc đi xa

Ông dặn Mạc Phúc Hải
Không lập đàn ma chay,
Mà lo việc xã tắc,
Xây dựng nước sau này.

Như thầy địa lý nọ
Có lần đã lầm bầm,
Các vua Mạc cai trị
Tất cả sáu lăm năm.

*
“Toàn thư” nói nhà Mạc
Đem đất đai nước mình,
Gồm hai châu Quy, Thuận,
Nhục nhã dâng nhà Minh.

Thực ra hai châu ấy
Thủ lĩnh Nùng Trí Cao
Và anh, Nùng Trí Hội,
Dâng Tống từ đời nào.

Người đời sau xác nhận
Ông chỉ nhường ngoại bang
Năm hang động không lớn
Thuộc vùng đất Cao Bằng.

Mà rồi năm hang ấy
Vốn không phải đất mình,
Mà do Đại Việt lấn,
Giờ trả lại nhà Minh.

Ông còn bị chê trách
Vì tự trói, đầu hàng,
Dâng cho giặc đồ cống
Cùng hai bức tượng vàng.

Vì sao ông làm vậy?
Vì nhà Lê, hai lần,
Cầu nhà Minh đánh Mạc,
Mất nước và khổ dân.

Thấy lực mình đang yếu,
Muốn tránh cảnh can qua,
Vua Mạc đành nén nhục,
Quì gối xin giảng hòa.

Nhục, một mình vua chịu,
Mang tiếng xấu với đời,
Nhưng dân tình thoát khỏi
Cảnh máu chảy, đầu rơi.       

Sau cái nhục lần ấy,
Tự trói mình xin hòa,
Ông xấu hổ, lâm bệnh
Một năm rồi băng hà.

Giống như Trần Thủ Độ
Và cả Hồ Quý Ly,
Ông tiếm ngôi người khác,
Hoàn toàn không khác gì.

Vua các triều đại trước
Đã mục ruỗng, yếu hèn.
Theo qui luật lịch sử
Thì triều khác sẽ lên.

Tuy nhiên, có điều khác:
Truất ngôi Lê Cung Hoàng,
Mạc Đăng Dung không giết
Các đại thần quy hàng.

Ông cũng không hề giết
Một ai trong hoàng gia.
Một sự kiện hiếm có
Trong lịch sử nước nhà.

Những di sản kiến trúc
Và văn hóa Lê Sơ
Ông không hề phá hủy,
Nên còn mãi đến giờ.

*
Đức vua Mạc Thái Tổ
Có một thanh Long Đao
Bây giờ còn giữ được,
Thật quí giá nhường nào.

Cháu con ông giữ nó
Suốt năm trăm năm qua,
Nay thờ ở Kiến Thụy
Như vật báu quốc gia.

Đao dài hai mét rưỡi,
Nặng gần ba mươi cân,
Cán làm bằng sắt rỗng
Có chạm hình long vân.

Thanh đao của Quan Vũ
Được nói đến nhiều lần,
Tức Long Đao Yển Nguyệt,
Cũng chỉ ba bảy cân.

Châu Á giờ chỉ có
Hai long đao thế này.
Đao kia thuộc nước Tống,
Ở Trung Quốc ngày nay.

*
Hôm nay ông sẽ kể
Câu chuyện cổ tích này.
Chuyện cây hành, cây tỏi
Ta vẫn ăn hàng ngày.

Nói là chuyện hành tỏi,
Nhưng đây là chuyện người.
Chuyện cổ tích là thế,
Luôn có ý dạy đời.


AI MUA HÀNH TÔI

Ngày xưa, một nhà nọ
Có ba người con trai,
Nghèo đến mức bố chết,
Không mua nổi quan tài.

Ba người con buộc phải
Lấy chiếu bọc xác cha,
Chọn lúc mọi người ngủ,
Chôn ngoài bãi tha ma.

Đêm ấy trời rất tối,
Lại lất phất mưa ngâu.
Hai người khiêng xác chết,
Một người cầm đèn dầu.

Xác chết gầy nên nhẹ,
Dọc đường đã tuột rơi
Mà người khiêng không biết,
Nên khi ra đến nơi

Họ chỉ chôn chiếc chiếu
Rồi vội vã về nhà.         
Trời tối, đèn lại tắt
Họ vấp phải xác cha.

Họ tưởng đó là xác
Của ai đấy chết đường,
Bèn đem chôn làm phúc
Ngay sát một bờ mương.

*
Đêm ấy người anh cả
Thấy có con rồng già
Đến báo mộng rằng họ
Đã chôn nhầm xác cha

Vào đúng giữa răng nó,
Gây khó chịu và đau.
Nó bảo hãy dời mộ,
Rồi anh sẽ rất giàu.

Anh Cả sáng tỉnh dậy,
Thấy vàng bạc đầy nhà.
Không cho hai em biết,
Lặng lẽ dời mộ cha.

Đêm sau rồng lại đến,
Gặp anh Hai, yêu cầu
Nhanh chóng dời mộ bố,
Rồi cũng sẽ thành giàu.

Sáng dậy anh ta thấy
Kim cương rải đầy nhà.
Cũng không cho ai biết,
Lặng lẽ dời mộ cha.

Thực chất mộ cha họ
Vẫn chưa được dời đi,
Nên đêm tiếp rồng tới
Gặp anh Ba, nằn nì.

Nó xin dời ngay mộ,
Hứa cho lọ nước thần.
Anh Ba dời, việc ấy
Cũng giấu diếm người thân. 

Sáng dậy anh chỉ thấy
Một chiếc bình bình thường,
Hình như trong đựng nước.
Anh đặt nó đầu giường.

Trong khi chồng đi vắng,
Nhìn thấy chiếc bình này,
Vì tò mò, cô vợ
Đổ ít nước ra tay.

Lập tức tay cô trắng,
Trắng như lông thiên nga.
Cô lấy nước trong lọ
Đem ra tắm, thế là

Nhờ phép thần nước lạ,
Từ cô gái nông dân
Cô trở thành xinh đẹp
Như nàng tiên giáng trần.

Anh chồng về, kinh ngạc
Thấy vợ đẹp tuyệt vời.
Nên suốt ngày ngồi ngắm,
Một phút cũng không rời.

Việc thì nhiều, do vậy
Cô vợ giận, bảo anh
Lấy chiếc mo cau trắng
Vẽ hình vợ lên tranh.

Anh làm theo, từ đấy,
Cứ đi ra khỏi nhà
Là mang theo tranh vợ,
Ngắm gần rồi ngắm xa.        

Một hôm, anh sơ ý
Ném trúng con quạ đen.
Nó trả thù bằng cách
Cắp bức tranh bay lên,

Rồi đem tranh đến thả
Đúng chỗ vua đang ngồi.
Vua nhìn thấy người đẹp,
Mắt long lanh, và rồi

Cho quân đi khắp nước
Tìm người vẽ trong tranh.
Vợ anh Ba vì thế
Đã được đưa vào thành.

Vua thấy cô tuyệt đẹp
Nên đem lòng yêu ngay,
Phong “Tây cung Hoàng hậu”,
Mở yến tiệc đêm ngày.

Thế mà cô rầu rĩ,
Chẳng chịu cười nói gì,
Dù mua vui sẵn có
Đúng một nghìn nô tỳ.

Vua cho mở hội lớn,
Hứa trọng thưởng cho người
Làm “Tây cung Hoàng hậu”
Dù một lần, mỉm cười.

Còn cái chức thủ tể tướng
Sẽ được giành cho ai
Làm được nàng đồng ý
Ngồi chơi cờ với ngài.

*       
Từ khi mất vợ đẹp,
Anh Ba khóc suốt ngày,
Không còn vợ để ngắm,
Ngồi đực như thằng ngây.     

À mà quên chưa nói.
Cô vợ tắm nước thần,
Nước thải cô đem tưới
Cho luống hành thay phân.

Nên nó tốt kinh khủng:
Củ đúng bằng bình vôi,
Lá dài như đòn gánh,
Đem nấu canh không tồi.

Phần vì do buồn chán,
Phần cũng bởi hết tiền,
Anh Ba đem hành bán
Vào những ngày chợ phiên.   

Anh rao to giữa chợ:
“Nào, ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...” 

Thế mà ngồi cả buổi,
Không ai chịu mua hành.
Hôm sau anh quyết định
Vào bán dạo trong thành.

Anh rao to giữa phố:
“Nào ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...”

Tiếng rao dai dẳng ấy
Lọt được vào hoàng cung,
Làm “Tây phương Hoàng hậu”
Vui, thích thú vô cùng.

Vua còn thích gấp bội,
Bèn cho gọi anh vào.
Để kiểm tra, lần nữa
Ngài bắt anh lại rao.

Và lần nữa hoàng hậu
Lại cười khi thấy anh.
Ông vua thì lại nghĩ
Bí quyết ở gánh hành.

Thế là ngài liền bắt
Anh đổi áo cho vua.
Vua thành anh bán dạo,
Vừa rao vừa vui đùa.

Vua bắt chước rất giống:
“Nào ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...” 

Còn anh Ba lúc ấy
Là vua, ngồi trên ngai.
Anh liền quát quân lính
Tóm cổ, bỏ tù ngài.

Anh làm vua từ đấy.
Vợ vui, cười suốt ngày.
Thỉnh thoảng họ lại nhớ
Những tháng năm đi cày.

Anh Ba thì như cũ,
Ngắm vợ, ngắm cả tranh.
Nhiều hôm ra ngoài phố
Giả làm người bán hành.

Anh lại rao vui vẻ:
“Nào ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...” 


19
NAM BẮC TRIỀU VÀ ĐÀNG TRONG,
ĐÀNG NGOÀI

Khi vua Lê bị phế,
Hầu hết các cựu thần
Đều đi theo nhà Mạc
Hay bỏ chạy thoát thân.

Nguyễn Kim, một tướng cũ,
Rời bỏ xứ Bắc Hà
Vào Tây Bắc Thanh Hóa
Năm Một Năm Ba Ba.

Ông tìm được dòng dõi
Của vua Lê, và ông
Tôn lên thành vua mới,
Gọi là Lê Trang Tông.

Được vua Lào, Sạ Đẩu,
Cho mượn đất Sầm Châu
Để làm căn cứ tạm.
Và một thời gian sau,

Ông đánh chiếm Thanh Hóa,
Mở rộng đất, dần dần
Lập nên một triều mới,
Đóng đô ở Thọ Xuân.

Với danh nghĩa diệt Mạc
Để khôi phục nhà Lê,
Ông tiến hành cuộc chiến
Gây hậu quả nặng nề.

Cuộc chiến ấy được gọi
Chiến tranh Nam - Bắc triều.
Sáu mươi năm dai dẳng,
Làm đất nước tiêu điều.

Hàng tướng Dương Chấp Nhất
Đầu độc ông, Nguyễn Kim,
Năm Bốn Lăm, sau đó
Trịnh Kiểm lên cầm quyền.

Trịnh Kiểm là con rể,
Một vị tướng có tài,
Quyết tiếp tục đeo đuổi
Cuộc chiến tranh kéo dài.

Năm Một Năm Bốn Sáu
Mạc Hiến Tông qua đời.
Triều đình Mạc chia rẽ
Khi chọn người kế ngôi.

Nam Triều nhân cơ hội
Chiếm Nghệ An nhẹ nhàng.
Năm Bảy Hai, Thuận Hóa
Rơi vào tay Nguyễn Hoàng.

Nguyễn Hoàng là con thứ
Của Nguyễn Kim, về sau
Lập nên các chúa Nguyễn
Miền Nam thời kỳ đầu.

Nhưng rồi Trịnh Kiểm chết
Năm Một Năm Bảy Mươi.
Con, Trịnh Tùng, Trịnh Cối
Đánh nhau để giành ngôi.

Trịnh Cối sang hàng Mạc.
Trịnh Tùng lên thay cha.
Cuộc chiến cứ dai dẳng,
Hết đánh rồi lại hòa.

Cuối cùng nó chấm dứt
Năm Một Năm Chín Hai.
Thành Thăng Long bị chiếm.
Nhà Mạc thua, chạy dài,

Lên Cao Bằng cố thủ,
Sống chung với người Man.
Năm Một Sáu Bảy Bảy
Mới chấm dứt hoàn toàn.


TRỊNH - NGUYỄN PHÂN TRANH

Sau khi Nguyễn Kim chết,
Rể, Trịnh Kiểm lên thay.
Ông cũng là đầu mối
Cuộc phân tranh sau này

Giữa hai họ Trịnh, Nguyễn,
Giữa miền Bắc, miền Nam,
Làm đất nước chia cắt
Suốt hơn một trăm năm.

Ông mồ côi từ bé,
Quê Vĩnh Lộc, xứ Thanh.
Thời nhỏ nghèo, khổ cực,
Cũng chẳng được học hành.

Ông là người có hiếu,
Làm thuê nuôi mẹ già.
Sau lớn lên, kiếm sống,
Lưu lạc ra Bắc Hà.

Ông đầu quân làm lính
Cho tướng quân Nguyễn Kim,
Có tài và dũng cảm,
Được Nguyễn Kim rất tin.

Alexandre De Rodes kể:
“Một lần bị bao vây,
Tướng Nguyễn Kim tuyên bố
Với các tướng thế này:

Ai mở dám đường máu
Cứu được ta, về sau
Ta sẽ gả con gái
Và cho ghi công đầu.”

Trịnh Kiểm liền phi ngựa
Xông vào giặc, tung hoành,
Luôn tả xung, hữu đột,
Cứu được chúa của mình.

Nguyễn Kim, y lời hứa,
Gả con gái cho ông,
Tin yêu, giao trọng trách,
Lập được nhiều chiến công.”

Ông là người độc ác,
Nỡ giết cả Nguyễn Uông,
Tức là giết anh vợ,
Mà không chút xót thương.

Cũng lo anh vợ giết
Mà Nguyễn Hoàng, người em,
Xin vào đánh Thuận Hóa,
Theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đất Thuận Hóa lúc ấy
Hoang vu và xa xăm,
Do nhà Mạc quản lý.
Kiểm đồng ý, mong thầm

Hoàng sẽ bị giết chết.
Thế mà không, Nguyễn Hoàng
Không những không bị giết,
Còn bám trụ vững vàng.

Hoàng đánh bại quân Mạc,
Thu phục được lòng dân,
Mở rộng vùng chiếm đóng,
Thanh thế càng lớn dần.

Ông bắt đầu bất chấp
Các lệnh từ Thăng Long.
Tự mình cai quản xứ
Sau gọi là Đàng Trong.

*
Một cuộc chiến tranh mới
Thế là đã hình thành.
Chiến trường ác liệt nhất
Là Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Từ Một Sáu Hai Bảy
Đến Một Sáu Bảy Hai
Có bảy lần đánh lớn,
Ác liệt và kéo dài.

Nhân dân rất cơ cực
Vì binh đao, mất mùa.
Hai bên đánh nhau mãi,
Nhưng bất phân thắng thua.

Cuối cùng tạm hòa hoãn.
Đất nước chia làm hai.
Sông Gianh là ranh giới
Đàng Trong và Đàng Ngoài.

*
Ngay sau khi kết thúc
Nam, Bắc Triều chiến tranh,
Trịnh Tùng xây phủ Chúa
Ngay bên cạnh triều đình.

Tùng nắm hết quyền lực.
Vua làm vì, làm hề.
Một dạng cai trị mới -
Chúa Trịnh và vua Lê.

Ở Đàng Trong, đất mới,
Bắt đầu từ Nguyễn Hoàng,
Kiểu cha truyền con nối,
Liên tục và vững vàng,

Các chúa Nguyễn cai trị,
Khai khẩn thêm đất đai.
Tình trạng chia cắt ấy
Cứ mặc nhiên kéo dài

Cho đến khi Nguyễn Huệ
Diệt Đàng Ngoài, Đàng Trong,
Cuối thế kỷ mười tám,
Mới thống nhất non sông.

*
Vậy là ông kể hết,
Dẫu chỉ một đôi điều
Về cuộc chiến được gọi
Giữa Nam và Bắc Triều.

Sau đó là giai đoạn
Chúa Trịnh, Nguyễn phân tranh.
Một trăm năm đất nước
Chia cắt bởi sông Gianh.

Giờ thì ông sẽ kể
Một câu chuyện rất hay
Về ông vua thời đó.
Câu chuyện ấy thế này.


CHÚA CHỔM

Chuyện kể rằng, ngày ấy,
Khi thọ địch bốn bề,
Mạc Đăng Dung thâu tóm
Quyền lực của nhà Lê.

Vua bị ông khống chế,
Rồi bị giam xà lim.
Quan trong triều vì sợ,
Nên cũng đành lặng im.

Có một cô bán rượu,
Trẻ trung, con nhà lành,
Thường đem rượu đến bán
Cho mấy chàng lính canh.

Một hôm cô chợt thấy
Có thêm một tù nhân
Da dẻ rất trắng trẻo,
Dáng điệu rất vương thần.

Hỏi ra thì mới biết
Đó chính là vua Lê,
Nay lỡ vận, phải chịu
Cảnh tù giam ê chề.

Cô động lòng trắc ẩn,
Rồi tìm cách làm quen,
Cho vua uống thả sức
Mà không hề lấy tiền.

Lâu ngày lửa cũng bén
Giữa vua và cô này.
Một lần cô chuốc rượu
Cho lính canh uống say,

Rồi vào ngục tình tự
Với đức vua của mình.
Về sau cô sinh hạ
Một cậu bé rất xinh.

Trước khi vua bị giết,
Ngài trao ấn cho cô,
Dặn mai sau con lớn,
Lo lấy lại cơ đồ.

*
Bỏ nghề, cô bán rượu
Đi nơi khác làm ăn,
Đặt tên con là Chổm,
Cam chịu cảnh thanh bần.

Lớn lên, cậu bé Chổm
Được mẹ cho vào chùa.
Cậu thông minh, học giỏi,
Thích chơi trò làm vua.

Nhưng cậu này rất nghịch,
Bị sư cụ Thạch Toàn
Đánh nhiều mà dạy ít,
Nhưng cậu chẳng thành ngoan.

Một hôm cậu hỏi mẹ:
Bố của cậu là ai?
Cậu muốn biết điều ấy.
Nhưng mẹ cậu thở dài:

“Bố con hổ vồ chết,
Còn họ là họ Lê.
Mẹ cố nuôi con lớn,
Chịu khổ cực trăm bề.”

Chổm nghe, dù còn nhỏ,
Rất đau buồn, thế là
Cậu quyết tâm giết hổ
Để báo thù cho cha.

Trong rừng, một lần nọ,
Thấy hổ con ngủ say,
Cậu lấy đá đập chết,
Bổng mẹ con hổ này

Liền nhảy ra vồ cậu,    
May có một ông già
Múa gậy, đánh nó chết,
Rồi trước lúc đi xa

Ông tặng Chổm chiếc gậy,
Giảng dạy rất ân cần
Một vài đường quyền hiểm,
Gọi là để phòng thân.

Cũng bằng chiếc gậy ấy,
Chổm giết con xà tinh
Giúp cho dân trong xứ
Được sinh sống yên bình.

Hai mẹ con nhà Chổm
Lại quay về làng xưa.
Cậu kiếm củi nuôi mẹ
Và thường đến ăn trưa

Ở các quán gần đó.
Có điều không có tiền,
Nên cậu phải ghi nơ,
Mà nợ lâu, tất nhiên.

Nợ đến mức thành chúa,
Và cứ thế dần dần
Cậu trở thành Chúa Chổm,
Một con nợ quen thân.

Ai đòi, cậu cũng nói:
“Ấy, cứ chờ, không sao.
Sau thành vua, tôi trả
Không thiếu một xu nào!”

*
Nguyễn Kim là tướng giỏi
Của triều Lê trước đây,
Trốn sang Lào lánh nạn
Và được vua nước này

Cho mượn một vùng đất
Có tên là Sầm Châu
Để dấy binh khởi nghĩa,
Lo sự nghiệp dài lâu.

Nhằm thu phục dân chúng
Ông rất cần một người
Của nhà Lê ngày trước,
Rồi đi tìm khắp nơi.

Nhưng tìm mãi không thấy,
Nhờ báo mộng, may sao,
Ông tìm thấy Chúa Chổm
Rồi đưa ngay sang Lào.

Thế là từ đấy Chổm
Nghiễm nhiên thành vua Lê.
Rồi Nguyễn Kim chiến thắng,
Rồi xe ngựa quay về.    

Khi đi ngang quê cũ,
Một số người nhìn vua,
Thấy quen quen, và họ
Liền nhận ra người xưa.

Thế là nhiều chủ nợ
Đến đòi nợ của mình.
Họ còn theo xa giá
Lên tới tận kinh thành.

“Chúa Chổm, nào Chúa Chổm,
Hãy trả nợ cho tôi.”
Quân lính thấy sự láo
Liền vội vã ra roi.

Nhưng đức vua, con nợ,
Bèn kể rõ sự tình,
Rồi ngài cho trả hết,
Không thiếu một đồng chinh.

Khốn nỗi, đường thì chật,
Mà chủ nợ quá đông,
Ngài vung tay ném xuống
Một trận mưa tiền đồng.

Hãi hùng cảnh chen lấn,
Cảnh tranh nhau dành tiền.
Nhiều người giơ tay chỉ,
Gọi vua đúng theo tên.

Đến nỗi quan hộ giám
Phải ra lệnh như sau:
“Cấm chỉ! Không được chỉ!  
Ai chỉ sẽ mất đầu!”

Nơi ấy giờ là phố
Còn mang cái tên này.
Tức là phố Cấm Chỉ,
Một cái tên rất hay.

Nó ở quận Hòa Kiếm,
Gần phố Tống Duy Tân,
Như thời vua nghèo khổ,
Nó là phố hàng ăn.

Tiếc là giờ ở đấy
Người ta vẫn chỉ nhau,
Chủ quán không cho nợ,
Khách nghèo lẫn khách giàu.

Tiếc nữa là Chúa Chổm
Thành cái tên trêu đùa
Của nhiều người mắc nợ
Nhưng không hề thành vua.


20
ĐẠO THIÊN CHÚA,
CHỮ QUỐC NGỮ VÀ CHỮ NÔM

Giữa thế kỷ Mười Sáu,
Từ châu Âu, thương gia
Đến làm ăn, buôn bán
Ở nhiều cảng nước ta.

Bắt đầu các giáo sĩ
Một số nước phương Tây
Đến Đại Việt truyền đạo
Cũng vào thời gian này.

Theo sử sách ghi lại,
Giáo sĩ Bồ Đào Nha
Có mặt sớm hơn cả,
Năm Một Năm Ba Ba.

Đó là đạo Thiên Chúa
Ở Giê-ru-xa-lem.
Chúa Giê-su sáng lập
Cách đây hai nghìn năm.

Đạo có ba nhánh lớn
Là Cơ-đốc, Tin Lành
Và Thiên Chúa Chính thống,
Được truyền bá rất nhanh.

Không ít vua Đại Việt
Ngăn cản nó, không thành.
Các giáo sĩ kiên nhẫn
Làm công việc của mình.

Dần dần đạo Thiên Chúa
Được nhiều người tin theo.
Số con chiên thờ Chúa
Và hành lễ càng nhiều.

Theo số liệu chính thức,
Ở nước ta hiện nay
Tám phần trăm dân số
Là tín đồ đạo này.

Chủ yếu đạo Cơ Đốc,
Tòa thánh ở Rô-ma.
Tín ngưỡng được nhà nước
Tôn trọng ở nước ta.

*
Với các nhà truyền đạo,
Các chúa Nguyễn Đàng Trong
Có tỏ ra ưu ái
Hơn Đàng Ngoài Thăng Long.

Ông nhớ vua Nguyễn Ánh
Nói một câu rất hay
Về đạo Cơ Đốc Giáo.
Đại khái ý thế này:

“Đạo Cơ Đốc tốt đẹp,
Rất hợp với lòng ta.
Nhưng ta không theo được,
Vì một lẽ, đó là

Theo đạo này, thật tiếc,
Chỉ một vợ một chồng.
Ta thì muốn hơn thế,
Dẫu ta nói thực lòng,

Rằng cai trị một nước
Dễ, đơn giản hơn nhiều
So với việc quản lý
Mấy bà vợ ta yêu.”


CHỮ QUỐC NGỮ

Thời ấy, các giáo sĩ,
Để truyền đạo của mình,
Đã chép âm tiếng Việt
Bằng chữ cái La-tinh.

Đây là việc không dễ,
Một quá trình lâu dài,
Có nhiều người góp sức,
Không riêng một mình ai.

Trước hết là giáo sĩ
Fran-si-sco Pi-na,
A-ma-ran, tiếp đến
Là cha Bac-bô-za.

Năm Một Sáu Năm Một
Từ điển Việt - La-tinh
Alexandre de Rodes soạn
Được in và lưu hành.

Ông mượn tiếng Hy Lạp
Các dấu Sắc, Ngã, Huyền
Để diễn tả âm ngữ
Rồi cho đánh lên trên.

Thấy thế vẫn chưa đủ,
Ông tự mình nghĩ ra
Các dấu Nặng và Hỏi
Cho hợp với tiếng ta.

Nhờ thế, chữ Quốc Ngữ
Được hoàn thiện, bấy giờ
Nó được dùng ghi chép
Các văn bản nhà thờ.

Tuy vậy, nhờ có cuốn
Từ điển Việt - Bồ - La,
Hơn trăm năm sau đó
Chữ quốc ngữ nước ta

Mới trở nên hoàn thiện,
Gần giống như ngày nay.
Một chữ viết thuận lợi,
Dễ sử dụng hàng ngày.

Nhân tiện, ông muốn kể
Đôi điều về cuộc đời
Cha Alexandre de Rodes,
Theo ông, rất tuyệt vời.

Ông vốn là người Pháp,
Sinh Một Năm Chín Ba.
Sau lớn, ông nhập đạo,
Dòng Tên ở Rô-ma.

Năm Một Sáu Một Chín
Giáo Hoàng đã phái ông
Đến Đông Dương truyền đạo,
Chủ yếu ở Đàng Trong.

Năm Một Sáu Hai Bốn,
Cùng các cha thừa sai,
Ông đi ra miền Bắc,
Truyền đạo ở Đàng Ngoài.

Bị vua Lê trục xuất
Năm Một Sáu Ba Mươi,
Ông sang Ma Cao sống
Trong suốt mười năm trời.

Sau đó ông được cử
Quay lại xứ Đàng Trong,
Năm Bốn Lăm, lần nữa
Người ta trục xuất ông.

Cuối đời, ông được phái
Truyền đạo ở I-ran.
Chết, thọ sáu ba tuổi
Ở thành Ix-pha-han.

Năm kia ông có việc
Sang I-ran mấy ngày.
Dù bận, nhưng có đến
Viếng mộ ông nơi này.


CHỮ NÔM

Đó là chữ Quốc Ngữ,
Được dùng đã nhiều năm.
Trước chúng ta đã có
Ngôn ngữ riêng, Quốc Âm.

Quốc Âm là thứ chữ
Mà bình thường người ta
Gọi chữ Nôm cho tiện.
Suốt nhiều thế kỷ qua

Các triều vua Đại Việt
Đã dùng thứ chữ này
Làm ngôn ngữ chính thức
Trong ghi chép hàng ngày.

Đó là thứ chữ viết
Được chính quyền, nhân dân
Dựa vào chữ người Hán
Mà phát triển dần dần.

Lúc đầu chỉ đơn giản
Mượn chữ Hán tượng hình,
Gọi là chữ “giả tá”,
Để ghi lại tiếng mình.

Sau đó hai chữ Hán
Được ghép lại, để thành
Một chữ Nôm hai nửa,
Gọi là chữ “hài thanh”.

Nửa chữ gợi hiểu ý.
Nửa chữ gợi đọc âm.
Tuy cồng kềnh một chút,
Nhưng tránh được hiểu lầm.

Hiện các nhà khoa học
Chưa thống nhất với nhau
Việc chữ Nôm chính thức
Hình thành đã bao lâu.

Người thì nói lâu lắm,
Có từ thời Hùng Vương.
Có người nói khiêm tốn,
Mới từ thời nhà Đường.

Hiện ta còn giữ được
Văn bản Nôm rất nhiều,
Cả sử, văn, thơ phú
Của các đời, các triều.

Vua Quang Trung ra lệnh
Các văn bản quốc gia
Không được viết chữ Hán,
Mà viết bằng chữ ta.

Chữ Nôm trong văn học
Được sử dụng cũng nhiều.
Nguyễn Du đã dùng nó
Viết áng thơ Truyện Kiều.

Vậy là chữ Quốc Ngữ
Làm chữ Nôm lu mờ
Và rơi vào quên lãng.
Kể cũng tiếc, bây giờ

Chỉ các nhà nghiên cứu
Và sinh viên khoa văn
Mới học nó để đọc
Và tra cứu khi cần.

*
Giờ thì đến cổ tích.
Biết kể chuyện gì đây?
Gượm đã, để ông nhớ.
À nhớ rồi, chuyện này.


BÀ CHÚA LIỄU HẠNH

Xưa, vào năm Thiên Hựu,
Đời vua Lê Thánh Tông,
Có một người phụ nữ,
Vợ của Lê Thái Công.

Bà ở huyện làng Vân Cát,
Huyện Vụ Bản ngày nay,
Có thai, thai đã lớn,
Sinh nở cũng gần ngày.

Thế mà ốm ngặt ngẹo,
Chạy chữa chẳng ích gì.
Hai vợ chồng buồn lắm,        
Thành bán tín, bán nghi.      

Một hôm có đạo sĩ
Tự nhiên đến nhà chơi.
Rồi niệm chú, làm phép,
Đưa Thái Công lên trời.

Chủ nhà được mời dự
Một bữa tiệc thiên đình
Do Ngọc Hoàng khoản đãi,
Nhiều tiên nữ rất xinh.

Bỗng một nàng sơ ý     
Làm chén ngọc vỡ tan,
Ngọc Hoàng giận, ra lệnh
Đầy nàng xuống trần gian.

Thái Công chợt tỉnh dậy,
Thấy đang ở nhà mình,
Đúng lúc vợ sinh hạ
Một cô bé rất xinh.

Hai vợ chồng sung sướng
Đặt tên là Giáng Tiên,
Nàng lớn lên, xinh đẹp,
Thông minh và dịu hiền.

Nàng rất giỏi đàn sáo,
Còn am hiểu văn chương,
Lại nết na, hiếu thảo,
Mọi cái đều tinh tường.

Đúng năm mười tám tuổi
Nàng lấy chàng Đào Lang,
Con vị quan trí sĩ,
Cùng quê và cùng làng.

Sống với nhau hạnh phúc
Mới chỉ được ba năm
Thì bỗng nhiên nàng chết,
Đúng tháng Ba, ngày rằm.

*
Nàng bay lên thượng giới,
Nhưng Ngọc Hoàng, tiếc thay
Lại bắt xuống hạ giới
Vì chưa hết hạn đày.

Lần này cùng bay xuống
Nàng có thêm bạn đường
Là hai nàng tiên nữ -
Quế Nương và Thị Nương.

Và rồi nàng, y lệnh,
Đến một nơi, bây giờ
Thuộc Phố Cát, Thanh Hóa,  
Có cảnh đẹp nên thơ.

Nàng du ngoạn đây đó,
Chuyên làm điều tốt lành.
Giúp những người nghèo khổ,
Giúp đồng ruộng tươi xanh.

Biết ơn, dân sở tại
Bèn cho lập đền thờ
Thờ Công Chúa Liễu Hạnh,
Vẫn còn đến bây giờ.

Danh tiếng nàng từ đấy
Cứ lan dần, lan dần.
Rồi triều đình phong tặng
Làm “Thượng Đẳng Phúc Thần.”

Khi còn ở hạ giới,
Nàng ngao du nhiều nơi,
Nhất là ở xứ Lạng,
Trò chuyện với nhiều người.

Tương truyền nàng từng gặp
Danh sĩ Phùng Khắc Khoan,
Cùng ông này đàm đạo
Văn thơ và chơi đàn.

*
Nghe người ta kể lại,
Vào cuối đời Hậu Lê
Có ông quan già lão
Khi nghỉ trưa bên hè,

Đã tận mắt nhìn thấy
Công chúa bay lên trời
Cùng hai nghìn tiên nữ,
Mây ngũ sắc sáng ngời.

Nghĩa là nàng hết hạn,
Nay trở lại thiên đình.
Trong tiếng nhạc rộn rã
Đang tấu, đưa tiễn mình.

Nàng ra đi, tuy thế,
Lòng vẫn ở với đời,
Trong tín ngưỡng văn hóa,
Trong cả trái tim ngươi.

Nhiều nơi lập đền, miếu.
Nhớ ơn nàng, nhân dân
Gọi nàng là Bà Chúa,
Một “Thượng Đẳng Phúc Thần.”

No comments:

Post a Comment