Wednesday, July 30, 2014

THÍCH CA MÂU NI PHẬT



LỜI NÓI ĐẦU

Chào các cháu yêu quí,
Ông Tân, Ông Béo đây.
Hôm nay ông lại đến
Với tập Thơ Phật này.

Phật Giáo là Đạo chính
Bao đời ở nước ta.
Phật là người có thật,
Tên Ngài là Thích Ca.

Phật dạy phải sống thiện,
Có tâm và có tình.
Dạy không được làm ác,
Chỉ làm việc tốt lành.

Phật Giáo là nền tảng
Của đạo đức nước nhà.
Giúp lòng người hướng thiện,
Và xã hội yên hòa.

Vì thế ông quyết định
Viết tập Thơ Phật này,
Để các cháu hiểu Phật
Và làm theo hàng ngày.

Bằng thể thơ năm chữ
Dễ hiểu và nôm na,
Ông kể về sự nghiệp,
Cuộc đời của Thích Ca.

Trong tập này ông viết
Nhiều truyện hay, ly kỳ
Về tiền kiếp của Phật,
Về Hỷ Xả Từ Bi.

Mỗi truyện một bài học.
Các cháu đọc, soi mình.
Để, như ông đã nói,
Sống có tâm có tình.

Ngoài ra còn có truyện
Về nhân quả, tiền duyên,
Kiểu ở ác gặp ác,
Ở hiền thì gặp hiền.

Tóm lại, toàn điều tốt,
Giúp các cháu thành người.
Biết sống vì người khác
Và đứng vững trong đời.

Hãy đọc, làm theo Phật,
Thấm đẫm tình thương yêu.
Nhớ đọc hàng ngày nhé.
Ông yêu các cháu nhiều.

Hà Nội, 2 tháng Bảy 2014

Ông Béo THÁI BÁ TÂN


          Phần Một
THÍCH CA MÂU NI PHẬT
__________________

1
ĐỨC PHẬT RA ĐỜI

Xưa, ở vương quốc nọ,
Thuộc Nepal ngày nay,
Có một sự kiện lớn                                                         
Làm thay đổi đời này.

Vợ của vua Tịnh Phạn,
Tức hoàng hậu Ma Da,
Có giấc mơ kỳ diệu.
Khi đang ngủ trong nhà.   

Bà thấy một luồng sáng
Bỗng chiếu dọi qua người.
Cùng với luồng sáng ấy,
Sáng hơn ánh mặt trời,

Là một con voi trắng
Có những sáu chiếc ngà.
Nó và cả luồng sáng
Ở lại trong bụng bà.

Bà vui mừng khôn xiết,
Báo đức vua điều này.
Các pháp sư cho biết
Đó là một điềm may,

Rằng bà sẽ sinh hạ
Một bé trai tuyệt vời,
Một vĩ nhân đức độ,
Cứu giúp cả cõi đời.

Đang cần người thừa kế,
Vua hạnh phúc vô cùng,
Bèn cho mở tiệc lớn,
Náo nức cả hoàng cung.

Theo phong tục thời ấy,
Khi sắp đến ngày sinh,
Bà về nhà bố mẹ
Chờ đứa con của mình.

Dọc đường bà dừng lại
Ở vườn Lâm Tỳ Ni
Vì biết mình trở dạ.
Bà sinh con, tức thì,

Một cầu vồng tuyệt đẹp
Vắt ngang qua bầu trời.
Nhiều điều kỳ diệu khác
Cũng xuất hiện khắp nơi.

Đó là ngày đặc biệt,
Tháng Tư, ngày trăng rằm,
Sau thành ngày Phật Đản,
Được mong đợi hàng năm.   


2
NHÀ TIÊN TRI VIẾNG THĂM

Vua Tịnh Phạn chào đón
Hoàng hậu và con trai
Bằng lễ hội, ca múa
Khắp đất nước của ngài.

Đây là niềm hạnh phúc
Cho mọi nơi, mọi nhà,
Nên ngài gọi thái tử
“Điềm lành Tất Đạt Đa.”

Những ngày tiếp sau đấy
Rất nhiều người đến thăm
Trong đó có đạo sĩ
A Tư Đà tiếng tăm.

Ông là một ẩn sĩ
Được kính trọng lâu nay,
Đến mức vua kinh ngạc
Được gặp ông lần này.

Ông nói, rằng ông biết,
Qua dấu hiệu đất trời,
Một nhân vật vĩ đại
Vừa mới sinh ra đời.

Nhà tiên tri vào gặp
Thái tử Tất Đạt Đa.
Ông lặng lẽ đứng ngắm
Một lúc rồi quay ra.

Bỗng nhiên ông ngửa mặt
Nhìn lên trời hồi lâu,
Rồi khóc to, nức nở,
Hai bàn tay ôm đầu.

Mọi người nhìn thấy thế,
Tưởng có điều không hay,
Liền xin ông cho biết
Sao ông khóc thế này.

Ông nói: “Tâu bệ hạ,
Thái tử con trai ngài
Đủ tám mươi vẻ đẹp,
Tướng tốt đủ băm hai.

Và như tôi đã nói,
Đây là bậc vĩ nhân,
Nếu làm vua, chắc chắn
Là Thánh Vương Chuyển Luân.

Nếu Ngài không muốn thế,
Tương lai còn hơn nhiều,
Ngài thành bậc đại giác,
Cả loài người thương yêu.   

Ngài sẽ dạy dân chúng
Sống bằng tình yêu thương,
Đưa bàn tay cứu độ
Cho những ai lạc đường.

Còn hôm nay tôi khóc
Là vì tôi đã già,
Không được nghe lời giảng
Của Ngài Tất Đạt Đa.

Nghĩa là tôi phải chết
Chưa biết chân lý Ngài.
Hỏi không buồn sao được
Ôi, bi ai, bi ai...   

   
3
LỄ TỊCH ĐIỀN ĐẦU NĂM

Không may, hoàng hậu chết
Sau khi sinh bảy ngày,
Trao con cho em gái
Chăm sóc giùm từ đây.

Lớn lên, chàng thái tử
Thành cậu bé thông minh,
Rất khôi ngô, tuấn tú,
Có chí lại có tình.

Những vị thầy danh tiếng
Được mời đến dạy chàng.
Chỉ sau mấy buổi học,
Họ lắc đầu kinh hoàng.

“Tâu bệ hạ, thái tử
Thật thông minh khác người.
Ngài chỉ nghe một thoáng
Đã hiểu, nhớ mọi lời.

Có nhiều điều Ngài hỏi
Chúng tôi đành bó tay.
Thực ra thật khó nói
Ai là trò, ai thầy!”   

Vua Tịnh Phạn vui lắm,
Hy vọng con trai mình
Thành ông vua vĩ đại,
Quyền lực và anh minh.

Ngoài trí tuệ kiệt xuất,
Ngài còn có tấm lòng.
Khác với trẻ cùng lứa,
Ngài không thích đám đông.

Ngài thường ngồi im lặng
Đâu đó giữa thiên nhiên
Rồi trầm tư suy nghĩ
Như sau này Ngài thiền.

Các loài vật, thật lạ,
Thấy Ngài là đến gần.
Ngài vuốt ve, nói chuyện
Và thường cho chúng ăn.

Năm thái tử chín tuổi,
Ngài xem vua đi cày
Để mở đầu năm mới.
Một phong tục xưa nay.

Sau nghi lễ chính thức,
Vua thay áo, xuống đồng
Để cày sâu, cuốc bẫm.
Người reo hò rất đông.

Thái tử cũng thích thú
Vừa xem vừa vui cười,
Bất chợt Ngài nhìn kỹ,
Rồi đứng im, lặng người.   

Vua vung roi, quất mạnh
Lên lưng con bò vàng.
Nó è cổ lê bước
Giữa trời nắng chang chang.

Dưới đất, giun và dế
Bị lưỡi cày xới tung,
Chim sẻ bay đến bắt,
Thế rồi từ không trung

Chim ưng vụt lao xuống
Bắt chim sẻ vào rừng.
Cứ thế luôn lặp lại,
Mà người thì vui mừng.

Lần đầu Ngài được thấy
Một cảnh tượng thế này.
Ngài buồn, ngồi suy nghĩ
Một mình dưới tán cây.

Hóa ra đời là thế,
Là phải ăn thịt nhau,
Là mưu sinh vất vả,
Là đau đớn, buồn rầu.

Giá có thể thay đổi,
Giá có thể muôn loài
Được sống trong no đủ,
Không ai ăn thịt ai...

Cô em bà hoàng hậu
Tìm thấy cháu, đột nhiên
Bỗng khóc to sung sướng
Khi thấy Ngài, như thiền,

Đang ngồi im suy ngẫm,
Dáng điệu thật khác thường,
Đẹp như bức tượng đẹp
Đầy tình yêu, tình thương.

Còn vua thì lo ngại
Con không nối ngôi cha
Đúng như lời tiên đoán
Của đức A Tư Đà.   


4
THÁI TỬ THÀNH GIA THẤT

Lòng nhân của thái tử
Lớn dần theo tuổi đời.
Trái tim Ngài nhân hậu
Dành hết cho mọi người.

Vua Tịnh Phạn lo lắng
Thấy con quá dịu dàng,
Quá đa cảm, mềm yếu,
Khó thành vua vinh quang.

Hơn thế, vua còn sợ
Rằng có thể nay mai
Ngài bỏ đi, tìm kiếm
Các lý tưởng của Ngài.

Thế là vua quyết định
Thái tử Tất Đạt Da
Đã đến lúc lấy vợ,
Chăm lo việc hoàng gia.

Vua mở tiệc rất lớn,
Cho mời các giai nhân
Đến để Ngài xem mặt,
Cả xa cũng như gần.

Trong tiếng nhạc rộn rã,
Giữa một trời pháo hoa,
Đức vua đi chuốc rượu,
Thái tử đi phát quà.

Nhiều công chúa xinh đẹp
Mong lọt vào mắt Ngài,
Nhưng Ngài vẫn bình thản,
Bỏ lời khen ngoài tai.

Cuối cùng Ngài dừng lại
Trước Da Du Đà La,
Công chúa nước lân cận.
Nàng chìa tay chờ quà.

Vì quà đã phát hết,
Vì nàng xinh, rất xinh,
Nên Ngài đã rút tặng
Chiếc nhẫn trên tay mình.

Lập tức pháo lại nổ,
Trống kèn nổi inh tai.
Thái tử đã quyết định
Ai làm vợ của Ngài.

Vì có nhiều hoàng tử
Yêu Da Du Đà La,
Nên bố nàng buộc phải
Mở hội thi tài hoa.

Môn thi gồm cưỡi ngựa,
Bắn cung và ném lao.
Các đấu thủ đều giỏi,
Không ai thua người nào.

Thế mà Ngài chiến thắng,
Cho thấy Ngài, ở đời,
Ngoài từ bi, đức độ,   
Còn tài giỏi hơn người.

Sau đấy là lễ cưới,
Một lễ cưới tưng bừng.
Cả đất nước chìm ngập
Trong những lời chúc mừng.

Vua Tịnh Phạn chủ ý
Cho xây nhiều lâu đài,
Thật đẹp và tráng lệ
Mong chúng giữ chân Ngài.

Vua thuê các ban nhạc
Luôn phục vụ đêm ngày.
Tất cả đều phải đẹp,
Tất cả đều phải hay.

Hoa chưa héo đã bỏ,
Hầu trẻ thay hầu già,
Không ai được nhăn nhó,
Lười biếng và kêu ca.

Thức ăn toàn hảo hạng,
Cái gì cũng phải tươi.
Gia nhân không được nói,
Mà chỉ được phép cười.

Vua còn xây tường đá
Bao quanh các lâu đài,
Ngăn không cho tiếp xúc
Với cuộc sống bên ngoài.

Cứ thế, Ngài đã sống
Như ở chốn thiên đường
Trong lâu dài tách biệt,
Tràn ngập tình yêu thương.

Niềm vui tăng gấp bội
Khi Da Du Đà La
Sinh được chàng hoàng tử
Tên là La Hầu La.

Vua vui mừng - mọi việc
Như tính toán ban đầu.
Thái tử đã an phận
Không còn muốn đi đâu.   


5
THÁI TỬ XUẤT CUNG LẦN ĐẦU

Một chiều nọ, thái tử
Dùng cơm xong, nghỉ ngơi,
Đầu tựa lên người vợ,
Vui tiếng hát, tiếng cười.

Ngài bảo một ca sĩ
Hát một bài thật hay,
Về cuộc sống hạnh phúc
Và cái đẹp đời này.

Rất dịu dàng, nàng hát
Về làng quê, cánh đồng,
Về thành phố xinh đẹp,
Về rặng núi, dòng sông...

Thái tử nghe, muốn biết
Phải chăng ngoài bức tường
Cuộc sống vẫn tốt đẹp,
Con người vẫn yêu thương.   

Ngài xin cha cho phép
Được ra ngoài hoàng thành
Để nhìn ngắm đất nước
Và tìm hiểu dân tình.

Vua Tịnh Phạn đồng ý,
Nghĩ đến lúc con trai
Phải am tường mọi việc,
Chờ được đưa lên ngai.

Thành Ca Tỳ La Vệ
Được lệnh phải sẵn sàng
Đón thái tử thăm viếng,
Treo cờ xanh, cờ vàng.

Đường phố phải dọn sạch,
Người xấu ở trong nhà,
Người ăn mày bị cấm
Những nơi Ngài đi qua.

Sáng hôm sau, Xạ Nặc
Thắng yên ngựa cho Ngài.
Ngài cưỡi con Kiền Trắc
Rồi cùng đi ra ngoài.

Lần đầu tiên từ nhỏ
Ngài ra khỏi hoàng thành.
Lần đầu tiên dân chúng
Thấy thái tử của mình.

Ngài vui mừng chứng kiến
Đường phố ngập đầy hoa,
Mọi người sống no đủ,
Đúng như trong bài ca.

Nhưng bất chợt Ngài thấy
Đang đi giữa đám đông
Một người mặt rầu rĩ
Với cái lưng rất còng.

Ngài liền hỏi Xạ Nặc,
Người ấy là người nào,
Sao lưng gập như vậy,
Sao mặt chẳng hồng hào?

Xạ Nặc đáp: “Người ấy
Là một người đã già,
Nên lưng mới còng gập,
Mặt rầu rĩ, xót xa.

Và rằng ai cũng vậy,
Ai cũng già, than ôi.
Mà già thì ốm yếu,
Lưng phải gập làm đôi.

Thái tử nghe, tư lự,
Gặp người già lần đầu.
Ai cũng già, Ngài nghĩ,
Tự nhiên thấy buồn rầu.

Rồi Ngài liền ra lệnh
Quay trở về hoàng cung:
“Những gì vừa chứng kiến
Làm ta đau vô cùng.”

Về tới nơi, lập tức
Ra ngồi ngoài vườn hoa,
Ngài ôm đầu lẩm bẩm:
“Tuổi già, ôi, tuổi già.”       
   

6
THÁI TỬ XUẤT CUNG LẦN HAI

Vua Tịnh Phạn lo lắng
Khi thấy con buồn rầu,
Liền ra lệnh chuẩn bị
Cho chuyến đi lần sau.

Thành Ca Tỳ La Vệ
Nhận được lệnh lần này
Phải trang hoàng thật đẹp,
Phải đẹp nhất xưa nay.

Hàng quán cũ dẹp bỏ,
Tất cả những người già
Và những người tàn tật
Bị cấm ra khỏi nhà.

Lần nữa dân thành phố
Được lệnh cười thật tươi,
Ai cũng ăn mặc đẹp,
Chỉ được hát và cười.

Nhưng lần nữa thái tử
Thấy một người đàn ông,
Ôm cổ ho rũ rượi,
Nước mắt chảy ròng ròng.

Ngài hỏi: “Ai kia vậy?”
Xạ Nặc đáp: “Ôi chao,
Đó là một người bệnh.”
“Bệnh là gì? Vì sao?”

“Tâu thái tử, bệnh tật
Có rất nhiều nguyên nhân.
Có thể do thời tiết,
Hoặc nước uống, thức ăn.”

“Cả những người khỏe mạnh
Cũng có thể thế này?”
“Đúng thế, thưa thái tử,
Sống ở đời, xưa nay

Không ai không bị bệnh.
Bệnh còn khổ hơn già.”
Thái tử nghe, liền đáp:
“Thôi, ta đi về nhà.”

Chuyến ra ngoài lần ấy
Còn tệ hơn lần đầu.
Ngài lặng im không nói,
Nét mặt lộ buồn đau.

“Ta thực tình không hiểu
Sao người ta vui cười
Khi bệnh tật có thể   
Ập đến với mọi người?”

Còn vua thì bối rối:
“Ta chẳng hiểu thế nào.
Nó vẫn buồn, có lẽ
Hỏi các quan xem sao.”

Các quan khuyên lần tới
Phải đưa Ngài đi xa,
Tới một khu vườn đẹp,
Kèm theo đội hát ca.

Phải có người đi cạnh,
Phải thật nhiều trò chơi.
Phải không cho Ngài thấy
Cái buồn đau của đời!

Chàng thái tử lần nữa
Cùng Xạ Nặc ra ngoài,
Thêm các quan, vũ nữ,
Ca sĩ - một đoàn dài.   

Thế mà rồi, lần nữa
Ngài chứng kiến một điều,
Còn khủng khiếp hơn trước,
Và đau đớn hơn nhiều.

Một tốp người than khóc
Từ trong ngõ đi ra,
Khiêng chiếc quan tài gỗ,
Trang điểm mấy vòng hoa.   

“Này Xạ Nặc, hãy nói,
Chiếc hòm kia là gì?
Ai đang nằm trong đó,
Vì sao phải khiêng đi?”

“Tâu thái tử tôn kính,
Đó là chiếc quan tài.
Còn người nằm trong đó
Con không biết là ai.

Nhưng người ấy đã chết,
Xác được khiêng ra sông
Để hỏa táng, sau đấy
Tro được rắc khắp đồng.”

“Chết là gì? Hỏa táng
Có làm người ấy đau?”
Lại lần nữa Xạ Nặc
Phải giải thích từ đầu.

“Là người, ai cũng phải
Chịu cái khổ làm người
Gồm Sinh, Lão, Bệnh, Tử.
Tử coi như hết đời.

Từ thằng dân nghèo đói
Đến thái tử như Ngài
Sinh, Lão, Bệnh và Tử
Không hề chừa một ai.”

“Thế thì thật đau đớn.
Cả thế giới hát ca
Chỉ để chờ cái chết,
Một cái chết không xa?

Vâng, quả thật vô lý,
Con người được ra đời
Chịu Sinh, Lão, Bệnh, Tử,
Bể khổ của con người!”

Quay trở về lần ấy,
Ngài khóa chặt cửa phòng.
Quên hết mọi vui thú,
Thường né tránh đám đông.

Ý nghĩ Già, Bệnh, Chết
Luôn ám ảnh đầu Ngài,
Tiếng đàn và tiếng hát
Không cho lọt vào tai.

Ngài không thể bình thản
Nhìn các nàng vũ công
Khi hình dung xác họ
Đang hỏa táng bên sông.

Vậy đời là bể khổ,
Cho mọi người, mọi nhà.
Cái Sinh, Lão, Bệnh, Tử,
Làm thế nào vượt qua?   
   

7
RỜI BỎ THÀNH CA TỲ LA VỆ

Do suốt ngày suy nghĩ,
Không quan tâm chuyện ăn,
Sức khỏe ngài giảm sút,
Da dẻ xanh xao dần.

Ngài gặp vua Tịnh Phạn,
Xin phép được ra ngoài,
Vì điều ấy có lợi
Cho sức khỏe của Ngài.   

Lần nữa cùng Xạ Nặc,
Ngài đi ra khỏi thành,
Không nghe lời tán tụng,
Đưa mắt nhìn xung quanh.

Một lúc sau, bất chợt
Ngài nhìn thấy một người
Tay ôm chiếc bát mẻ,
Áo quần rách tả tơi,

Nhưng dáng điệu thanh thản,
Bình tĩnh, không vội vàng,
Râu tóc được cạo sạch,
Đi đứng rất đàng hoàng.

Ngài liền hỏi Xạ Nặc
Con người này là ai.
“Một đạo sĩ khất thực,
Gột hết bụi trần ai”

Thái Tử liền vội vã
Đến hỏi đạo sĩ này:
“Vì sao ngài quyết định
Bỏ nhà đi đến đây?”

“Vì tôi đã giác ngộ    
Sự bèo bọt kiếp người,
Sống hôm nay, mai chết,
Sống để khổ suốt đời.   

Tôi không muốn ràng buộc
Bởi cuộc sống đời thường
Với Hỉ, Nộ, Ái, Ố,   
Nên quyết định lên đường.

Như con chim bay lượn
Trên bầu trời bao la,
Thoát Sinh, Lão, Bệnh, Tử,
Tôi dứt áo xa nhà

Để tầm sư học đạo,
Tìm hạnh phúc muôn đời,
Xóa vô minh, đau khổ
Cho mình và cho người.”

Thái tử nghe, vui sướng
Quỳ lạy trước ông già,
Lớn tiếng giục Xạ Mặc
Cho ngựa quay về nhà.

Bây giờ Ngài đã quyết
Dứt khoát phải thoát trần
Để giảm bớt đau khổ
Cho mình và nhân quần.

Về nhà, ngay tối ấy
Ngài tới gặp đức vua,
Hai bàn tay nắm chặt,
Theo đúng phong tục xưa.

“Thưa cha, con xin phép
Rời khỏi cung điện này
Để đi tìm chân lý,
Sống lang thang đó đây.

Con phải đi tìm đạo,
Phương thuốc chữa muôn người,
Để giảm bớt đau khổ
Cho mình và cho đời.”

Từ rất lâu vua sợ
Phải nghe những lời này.
Nên dằn lòng, vua nói
Những lời khuyên sau đây:

“Con hãy còn quá trẻ
Không thể sống xa nhà.
Nếu muốn làm đạo sĩ,
Hãy gắng chờ đến già.

Trước mắt học cai trị
Đất nước này tươi xanh.
Con còn con, còn vợ,
Bỏ ra đi sao đành?”

“Thưa cha, con ở lại
Nếu cha nói con hay
Bằng cách nào có thể
Có được bốn điều này:

Suốt đời không bệnh tật,
Luôn trẻ mãi không già.
Sống không bao giờ chết,
Không đau buồn, xót xa!”

Vua không có lời đáp,
Bèn lớn tiếng trách Ngài.
“Vậy thì cha rộng lượng
Cho phép con ra ngoài.

Tự con, con sẽ kiếm
Một lối thoát cho mình.”
Vua bỏ đi, giận dữ
Sai nghiêm ngặt canh thành.

Đêm đã khuya, vắng lặng,
Mọi người say giấc nồng.
Ngài bước vào phòng vợ,
Muốn ôm con vào lòng,

Thế mà rồi đứng lặng
Một hồi lâu rồi ra,
Không muốn làm thức giấc
Nàng Da Du Đà La.

Ngài leo qua cửa sổ,
Lặng lẽ trườn ra ngoài.
“Ta phải đi, Xa Nặc,
Nào, chuẩn bị yên đai!”

Xạ Nặc không dám hỏi
Đi đâu và thế nào,
Chỉ ngoan ngoãn thắng ngựa.
Bầu trời đêm đầy sao.

“Hỡi Ca Tỳ La Vệ,
Ta chia tay hôm nay,
Không thắng được đau khổ,
Ta không trở về đây.”

Họ rời khỏi cung điện,
Phóng như bay trong đêm,
Đến khi mặt trời mọc,
Thấy dòng sông êm đềm

Và một khu rừng rộng   
Nơi có một vài người
Đang ở ẩn hành đạo,
Tìm triết lý cuộc đời.

Ngài bèn bảo Xạ Nặc
Hãy cưỡi ngựa quay về.
Xạ Nặc buồn, òa khóc,
Nước mắt chảy dầm dề.

“Nói với vua Tịnh Phạn,   
Ta buộc phải ra đi,
Dù rất yêu thương họ.
Thôi, đừng khóc làm gì.”

Nói đoạn, Ngài lấy kéo
Cắt búi tóc của mình,
Trao hết đồ trang sức
Để gửi trả về kinh.

Dùng dằng mãi, Xạ Nặc
Đành quay về, bấy giờ
Ngài mới hăm chín tuổi.
Cả tương lai đang chờ.


8
SÁU NĂM SỐNG KHỔ HẠNH

Ngài cởi đổi quần áo
Với một người nông dân,
Trở thành một ẩn sĩ,
Giản dị và thanh bần.   

Ăn những gì xin được,
Ngài kiên nhẫn tìm thầy
Để học hỏi đạo lý,
Hết người nọ người này.

Khi tới thành Vương Xá,
Kinh đô Ma Kiệt Đà,
Ngài được một quan lớn
Cung kính mời vào nhà

Khi thấy Ngài tướng mạo
Rất phương phi, đàng hoàng.
Dù quần áo rách rưới,
Trên đầu có hào quang.

Rồi Ngài được mời gặp
Đức vua của nước này.
Hai người ngồi đàm đạo
Rất vui và rất hay.

Vua khâm phục trí tuệ
Và đức độ của ngài,
Bèn mời Ngài ở lại
Cùng chia sẻ vương ngai.   

“Tôi tìm thầy học đạo,
Nên lại phải ra đi.
Những điều ngài vừa nói
Tôi quả không cần gì.”

Ngài cảm ơn vương chủ.
Cúi thấp đầu, ông này
Chào con người rách rưới
Rồi lưu luyến chia tay.

“Một khi Ngài đã quyết
Thì đành chịu, mà rồi
Nếu sau này đắc đạo,
Xin nhờ Ngài dạy tôi.   

Hoặc giả nếu thất bại,
Thì cánh cổng thành này
Với Ngài, luôn mở rộng.
Xin mời Ngài về đây.”

Sau khi rời Vương Xá,
Ngài đi tiếp một mình.
Với quyết tâm nhanh chóng
Thoát khỏi vòng vô minh.

Cuối cùng Ngài đã gặp
Hai đạo sĩ tài ba    ,
Rất uyên thâm, thông tuệ,
Trong một khu rừng già.

Hai vị dạy nhiều phép,
Khai sáng và khai ân.
Rất quí, nhưng thật tiếc,
Không phải cái Ngài cần.

Ngài lại đi, đi mãi
Tới sông Na Ràn Ga,
Sang sông, tới vùng đất
Gần đất thánh Gay À.

Ở đấy Ngài chợt thấy
Năm con người lạ kỳ,
Suốt ngày ngồi giữa nắng,
Hầu như chẳng ăn gì,

Đầu tóc họ rũ rượi,
Người bụi bám rất kinh.
“Sao các vị làm vậy,
Tự hành xác thân mình?”   

“Trước chúng tôi chỉ sống
Để dung dưỡng xác thân,
Thế mà vẫn đau khổ,
Nay ngược lại, bất cần,

Chúng tôi tự hành xác,
Tự nhịn đói, phơi đầu,
Hy vọng sự khổ hạnh
Chấm dứt được buồn đau.”

Ngài nghe, thấy có lý,
Vì tất cả đau buồn
Đều do từ ham muốn
Của thể xác, tâm hồn.   

Từ đấy Ngài tự nguyện
Hành xác mình hàng ngày.
Ngồi giữa trời nắng gắt,
Mùa đông mưa tuyết bay.

Ăn rễ cây, nụ lá
Hoặc chút bánh cầm hơi,
Trong đầu luôn tâm nguyện
Thoát nỗi khổ kiếp người.

Ngày càng thêm nghiệt ngã,
Ngủ, lúc đầu vài giờ,
Rồi sau Ngài thức trắng,
Người đất bụi bám dơ.

Thân hình Ngài tiều tụy,
Chỉ còn là bộ xương,
Nhưng Ngài vẫn tiếp tục,
Không lạc lối, sai đường.   

Sáu năm trôi ròng rã
Kể từ ngày xa nhà.
Giờ Ngài ba lăm tuổi,
Chỉ còn xương và da.

Và rồi Ngài chợt hiểu,
Rằng hành xác bản thân
Hay sung sướng quá độ
Thực ra đều không cần.

Vì cả hai cái đó
Không ích gì, nói chung
Chỉ là hai thái cực.
Giờ phải chọn trung dung.

Tức là không sướng quá,
Cũng không hành xác mình.
Có thể bằng cách ấy
Thoát khỏi vòng vô minh.

Ngài chợt nhớ ngày nhỏ
Thấy người chết, bàng hoàng,
Ngài đã ngồi thiền định,
Và nhìn việc rõ ràng.

Nên giờ Ngài hy vọng
Thiền định sẽ giúp Ngài
Sớm tìm được chân lý,
Thoát nỗi khổ trần ai.

Nghĩ đoạn, Ngài gượng dậy,
Định xuống tắm dưới sông,
Nhưng yếu quá, khuỵu gã,
Suýt chết đuối giữa dòng.


9
CÔ GÁI VẮT SỮA

Ở bìa rừng gần đấy
Có vợ chồng một nhà
Chuyên nuôi bò vắt sữa,
Vợ là Xu Dạt Ta.

Cô còn trẻ, tốt bụng.
Con trai đầu mới sinh,
Nên đem sữa vừa vắt
Đi cúng các thần linh.

Giữa đường cô nhìn thấy
Tất Đạt Đa ngồi thiền,
Có nét mặt sáng sủa
Đúng như bậc thần tiên.

Cô vội vàng quỳ xuống,
Dâng bát sữa cúng Ngài.
Ngài thong thả uống hết,
Mát từ trong ra ngoài.

Uống xong, người khỏe lại,
Ngài cảm ơn cô này,
Rồi tựa lưng, ngồi nghỉ
Dưới bóng một gốc cây.   

Năm đạo sĩ khổ hạnh
Thấy thế, rất khinh thường
Việc Ngài tắm, uống sữa.
Họ bỏ rừng, lên đường

Tới xứ Ba La Nại,
Tiếp tục ngồi giữa trời
Trong khu vườn Lộc Uyển,
Mong cứu giúp cuộc đời.

Còn Ngài thì thong thả
Lội qua sông một mình,
Quyết tâm tìm chân lý,
Đi tiếp cuộc hành trình.


10
CUỘC CHIẾN VĨ ĐẠI

Sắp đến cái giây phút
Mà nhân loại chờ mong.
Cái giây phút vĩ đại
Sưởi ấm mọi tấm lòng.

Tất Đạt Đa thong thả
Tiến lại một gốc cây.
Ngài muốn được thiền định
Dưới bóng gốc cây này.

Ngài xin một mớ cỏ
Của người đứng kề bên
Lót phía dưới cho chắc
Để chuẩn bị ngồi thiền.

Cây bồ đề nín thở
Khi Ngài đi lại gần.
Không gian như đứng lặng,
Cỏ rạp mình dưới chân.

Đường bệ, Ngài ngồi xuống,
Mặt nhìn về phía đông.
Tay đặt lên mắt cá,
Phát nguyện tự đáy lòng:

“Ta quyết đạt đạo quả,
Dù bỏ mình ở đây,
Chừng nào chưa giác ngộ,
Chưa rời khỏi nơi này!”

Lúc ấy ngày sắp tắt.
Mặt trời chiều đỏ lừ.
Một cái mốc vĩ đại
Đúng ngày rằm tháng Tư.

Ngay sau lời phát nguyện,
Ngài bắt đầu định thiền.
Vạn vật rất hoan hỉ,
Lòng người lại bình yên.

Thế mà có thế lực
Không vui với điều này.
Một thế lực độc ác,   
Vẫn tồn tại xưa nay.

Đó là con quỉ dữ
Có tên là Ma Ra.
Nó chuyên mang bất hạnh
Cho mỗi người, mỗi nhà.

Là biểu tượng Cái Ác,
Khi thấy Ngài ngồi thiền,
Mà ngài là Cái Thiện,
Nó quyết không cho yên.

Nó gọi gió, làm bão,
Tung sấm sét vào Ngài.
Nhờ năng lực thiền định,
Ngài vẫn ngồi khoan thai.   

Thấy gió bão bất lực,
Nó liền gọi lâu la,
La hét, bắn tên độc
Vào người Tất Đạt Đa.

Nhưng những tên độc ấy
Lại biến thành hoa sen,
Nhẹ nhàng rơi xuống đất
Cạnh chân người đang thiền.

Quyết không chịu thua cuộc,
Bầy quỉ ấy gian tà,
Biến thành những cô gái
Xinh đẹp và nết na.

Chúng hết múa lại hát,
Lại thỏ thẻ tâm tình
Để làm Ngài chú ý,
Sao nhãng việc của mình.

Nhưng Ngài vẫn bất động
Trong tư thế ngồi thiền.
Tư tưởng đang bay bổng
Trong cõi âm, cõi thiên.

Cảm thấy mình thất bại,
Cay cú, quỉ Ma Ra
Bèn một mình chạy đến
Lục vấn Tất Đạt Đa.

“Ông đi tìm chân lý, -
Nhưng trước đó, nhiều người
Như ông từng thất bại.
Ông biết chứ? - Nó cười.

Mà ông là ai nhỉ?
Chỉ là kẻ vô danh,
Hăm chín năm sung sướng
Cộng sáu năm khất hành.

Vậy thì xin cho hỏi:
Ông đã làm được gì?
Đừng nhọc công vô ích.
Vợ đang chờ, về đi!”   

Tất đạt Đa im lặng,
Vẫn tập trung ngồi thiền.
Cuối cùng con quỉ dữ
Đành phải để Ngài yên.


11
GIÁC NGỘ

Giờ tiếp giờ, cứ thế,
Rất thanh thản Ngài ngồi.
Bất động trong thiền định,
Lặng lẽ thời gian trôi.

Nhờ tập trung cao độ,
Tâm trí Ngài sáng dần,
Sáng dần, sáng dần mãi,
Như Ngài đang hóa thân...

Bỗng trí tuệ bừng sáng.
Sau bốn mươi chín ngày,
Cuối cùng Ngài giác ngộ.
Thật kỳ diệu điều này.

Ngài nhìn thấy kiếp trước,
Nhìn thấy cả kiếp sau.
Chết là sự kết thúc
Của cái mới bắt đầu.

Mọi cái, mọi hành động
Luôn theo vòng chuyển luân.
Có nhân là có quả,
Có oán là có ân.

Ác giả thì ác báo.
Ở hiền thì gặp lành.
Luật của đời là vậy,
Không ai trốn thoát mình.

Nhờ giác ngộ, Ngài biết
Trong vũ trụ mênh mông
Mọi vật không mà có,
Có mà lại như không.   

Và rằng quả núi lớn
Cũng như hạt cát đen
Có lý do tồn tại,
Không cái gì ngẫu nhiên.

Vạn vật luôn thay đổi,
Hết hoại lại đến thành.
Vạn vật luôn gắn kết
Dù lúc chậm, lúc nhanh.

Ngài biết con người khổ,
Từ vua đến người dân,
Vì ham muốn nhiều quá,
Toàn cái không thực cần.

Họ khổ vì thù hận,
Vì quá yêu chính mình,
Vì ác với người khác,
Vì rơi vào vô minh.

Cuối cùng, nhờ giác ngộ,
Ngài hiểu được điều này -
Chính Hỉ, Nộ, Ái, Ố
Làm cuộc đời đắng cay.

Rằng đau khổ sẽ hết
Khi ta biết yêu thương,
Không ham tìm lạc thú,
Sống giản dị, bình thường.

Tất Đạt Đa giác ngộ,
Tâm không còn vô minh.
Ngài trở thành Đức Phật,
Tự giải thoát chính mình.

Với nụ cười an lạc,
Ngài nhẹ nhàng xả thiền.
Lúc ấy trời vừa sáng.
Thế giới thật bình yên.


12
NHỮNG LỜI DẠY ĐẦU TIÊN

Cả vũ trụ chào đón
Buổi sáng ấy huy hoàng.
Dưới đất hoa nở rộ,
Bầu trời đầy mây vàng.

Đức Phật tâm sáng láng,
Ngồi dưới cây bồ đề,
Từ bi và an lạc,
Hạnh phúc đang tràn trề.

Rồi Ngài nghĩ tới việc
Phải truyền đạo của mình
Cho rất nhiều người khác
Để thoát vòng vô minh,

Để họ cũng sung sướng
Và hạnh phúc như Ngài.
Họ đang chờ Ngài giúp
Thoát bể khổ trần ai.

Song, bản thân Đức Phật
Cũng không giúp được gì,
Nếu họ không tự nguyện
Bỏ cái Tham, Sân, Si.

Rồi Ngài liền nghĩ đến
Năm đạo sĩ quen Ngài,
Giờ ở Ba La Nại,
Hành xác tại vườn Nai.

“Ta sẽ đi tới đấy,
Dẫu đường khó, không gần,
Tìm họ, rồi dạy họ,
Bắt đầu bằng pháp luân.”

Ngài đi bộ, thong thả,
Ai thấy cũng ngỡ ngàng
Vì tướng mạo cao quí
Và phong thái đàng hoàng.

Nhìn Ngài, thấy an lạc
Và thanh tịnh trong lòng.
Bản thân Ngài sáng tỏa
Một tình thương mênh mông.

Đến nơi, năm đạo sĩ
Trước thành kiến với Ngài,
Nay tự mình tìm đến,
Lôi cuốn bởi bề ngoài.

Khi họ, theo thói cũ,
Gọi ngài Tất Đạt Đa,
Ngài bảo nên gọi Phật,
Phật trong mỗi chúng ta.

Thế giới đang say ngủ
Trong lười biếng, vô minh.
Phật là người tỉnh ngộ,
Cứu mọi loài chúng sinh.

Ngày hôm ấy Đức Phật
Giảng bài “Chuyển Pháp Luân”.
Ngài giải thích cặn kẽ,
Mạch lạc và dần dần.

“Đời có Tứ Diệu Đế.
Khổ Đế là Đế đầu,
Gồm Sinh, Lão, Bệnh Tử,
Toàn những chuyện buồn đau.

Thứ đến là Tập Đế,
Giải thích các nguyên nhân
Của những đau khổ ấy.
Đế này là rất cần.

Thứ ba là Diệt Đế.
Tức chấm dứt khổ đau.
Biết nó, ta có thể
Hưởng hạnh phúc dài lâu.

Cuối cùng là Đạo đế.
Đường của mọi con đường.
Biết nó, ta đắc đạo,
Trở thành người phi thường.

Nghe xong bài giảng ấy,
Các đạo sĩ sáng lòng,
Tự nguyện làm đồ đệ,
Đi theo Ngài rất đông.


13
NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ CON MỚI MẤT

Việc Đức Phật thuyết pháp
Được đồn đại khắp nơi.
Ngài nhanh chóng nổi tiếng,
Thu hút rất nhiều người.

Ngài nói lời dễ hiểu,
Giảng dạy rất chí tình,
Lúc thì bằng thí dụ,
Lúc bằng gương của mình.

Có người đàn bà nọ,
Tên là Gô Tà Mi.
Con trai bà mới chết,
Không biết phải làm gì,

Bà tìm tới Đức Phật,
Ẵm đứa bé trên tay.
“Mong Ngài làm sống lại
Con tôi, đứa bé này.”

Ngài nhìn bà, khẽ nói:
“Ta có thể giúp bà.
Ta cần hạt mù tạc,
Bà hãy kiếm cho ta.

Nhưng hạt mù tạc ấy
Phải lấy ở những nhà
Chưa từng có người chết,
Chưa có cảnh tang gia.”

Bà kia liền vội vã
Tìm mù tạc cho ngài.
Hạt mù tạc không ít,
Nhưng khi hỏi, ai ai

Cũng bảo gia đình họ
Từng đã có người thân
Bị ốm bệnh rồi chết,
Dẫu hỏi xa, hỏi gần.

Hôm sau bà lại đến
Thưa với Phật rằng bà
Đã hiểu lời Ngài dạy,
Và rằng con bà ta

Theo lẽ thường, đã chết
Như tất cả mọi người.
Sinh ra, sống rồi chết
Là cái luật của đời.

Phật ôn tồn đáp lại:
“Nhờ thấu hiểu điều này,
Bà sẽ được an lạc   
Và hạnh phúc từ nay.

Sau lần ấy Đức Phật
Còn dạy bà nhiều điều.
Quả bà sống thảnh thản
Và hạnh phúc hơn nhiều.
   

14
NGƯỜI ĐÀN ÔNG THÔ LỖ

Một ngày nọ, Đức Phật
Đi qua một ngôi làng
Có một người thô lỗ
Sỉ nhục Ngài sỗ sàng.

Anh ta còn trẻ tuổi,
Ăn nói như người điên,
Bảo Ngài cũng ngu dốt
Như mọi người, tuy nhiên,

Do rất giỏi lừa phỉnh
Nên mọi người tin Ngài.
Tóm lại, toàn nhảm nhí,
Không đáng lọt vào tai.

Đức Phật nghe, bình thản
Trước lời nhục mạ này.
Bất chợt, Ngài khẽ hỏi:
“Xin anh nói tôi hay.

Nếu anh tặng ai đó,
Thí dụ, chiếc áo dài,
Nhưng người ấy không nhận,
Thì nó là của ai?”

Anh kia hơi bối rối,
Nhìn Đức Phật, và rồi
Liền đáp: “Món quà ấy
Tất nhiên là của tôi!”

Đức Phật cười, nhỏ nhẹ:
“Anh nói đúng, vậy thì
Những lời anh vừa nói
Là của anh, nhận đi.

Anh mắng tôi thậm tệ,
Tôi không nhận, làm thinh,
Nghĩa là anh thực sự
Đang mắng bản thân mình.

Ở đời, anh bạn ạ,
Đừng gây ra cho người
Những gì mình không muốn.
Được thế, sẽ tuyệt vời.

Anh thù hận người khác,
Tức là thù hận anh.
Chính anh sẽ đau khổ,
Vì anh làm hại mình.”

Anh kia nghe, chợt hiểu,
Quì xuống dưới chân ngài,
Xin được làm đồ đệ,
Sau thông tuệ, thành tài.

   
15
THÁI ĐỘ VỚI LỜI KHEN

Sau khi Ngài thành Phật,
Đệ tử theo khắp nơi.
Một hôm có người nói:
“Ngài vĩ đại nhất đời!”

Ngài nghe, bình thản đáp:
“Chưa biết hết các thầy
Đã có và sẽ có,
Nói thế là không hay.

Nếu thấy lời ta đúng
Thì cứ việc thực hành.
Con người lớn không phải
Ở cái tên và danh.”

Một lần khác Đức Phật
Hỏi một người: “Nếu ông
Mua vàng, không được thử,
Liệu ông có mua không?”

“Bạch Thế Tôn Đức Phật,
Con không mua, tất nhiên,
Vì sợ gặp vàng giả,
Bị cười chê, mất tiền.”

“Cũng vậy, lời ta dạy,
Đừng vội vàng tin ngay,
Mà trước hết phải thử,
Trong cuộc sống hàng ngày.

Không nên vì kính trọng
Mà làm theo lời ta.
Hãy làm theo, nếu đúng.
Không đúng thì bỏ qua.

Tương tự, với thầy khác
Đừng phê phán nặng lời.
Mỗi thầy một quan điểm,
Ai cũng muốn cứu đời.

Ngài còn dạy đệ tử
Phải kiềm chế bất bình
Để kính trọng người khác,
Tức là kính trọng mình.


16
THƯƠNG YÊU LOÀI VẬT

Theo tục lệ Ấn Độ,
Để cúng tế các thần
Người ta giết súc vật,
Mong thần linh ban ân.   

Nhưng Đức Phật lại nói,
Làm như thế là sai.
Một số người nghe vậy,
Lên tiếng chỉ trích Ngài.

“Thánh Kinh dạy phải thế.
Sao ông dám bảo không?”
Ngài ôn tồn đáp lại:
“Thật là cảnh đau lòng

Khi phải giết người khác
Để lợi lộc về mình.
Như thế là ích kỷ,
Là bất lương, vô tình.

Mà những ai ích kỷ   
Khó hạnh phúc đời này.
Ích kỷ còn là tội,
Một tội lớn xưa nay.

Thần đòi được hiến máu
Mới giúp đỡ người ta,
Thần không chỉ ích kỷ,
Mà còn là xấu xa.

Nếu các ông thực sự
Yêu súc vật hết lòng,
Thì các vị thần ấy
Đáng phải thờ các ông.”

Những lời nói chí lý
Được nghe theo, dần dần
Súc vật không bị giết
Để cúng tế các thần.
   

17
SỨC MẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG

Không quên lời hứa dạy
Vua Tần Bà Sa La
Khi thông tuệ, đắc đạo,
Ngài tới Ma Kiệt Đà.

Ngoài thành có ngọn núi
Và hang động tuyệt vời.
Ngài ở đấy thuyết pháp
Và tiếp chuyện mọi người.

Đức vua thường tới dự.
Người trong thành ai ai
Cũng tìm đến nghe giảng
Và rất quí trọng Ngài.   

Ngài có người em họ
Là Đề Bà Đạt Đa.
Thấy anh được yêu mến,
Hắn nảy ý gian tà.

Hắn đến gặp hoàng tử
Con ông vua nước này
Nhờ giúp giết Đức Phật.
Ôi, lòng dạ ác thay.

Đổi lại, hắn hứa giúp
Anh chàng kia giết cha
Để sớm lên ngôi báu
Đất nước Ma Kiệt Đà.

Một âm mưu đen tối
Và độc ác hình thành.
Chỉ vì lòng ghen tị,
Vì háo chức, háo danh.

Một hôm, Phật thiền định
Ngoài cửa hang, bọn này
Liền cho đá lăn xuống,
Định giết Ngài nơi đây.

Một tảng đá thật lớn
Sắp đè Ngài, bỗng nhiên
Nó vỡ thành hai mảnh,
Nên Ngài vẫn bình yên.

Lần khác, cùng đệ tử,
Ngài đi bộ ven hồ.   
Chúng biết trước, chuẩn bị
Một con voi rất to.

Chúng cho voi uống rượu,
Uống thật nhiều, thật say.
Rồi thả nó ra phố,
Hy vọng con voi này

Sẽ dẫm đạp Ngài chết.
Thế mà thật lạ kỳ:
Con voi lớn hung dữ
Lúc gặp Ngài, tức thì

Ngoan ngoãn quì hai gối.
Một tình yêu nhân từ
Nó cảm nhận từ Phật,
Chân thành và vô tư.

Quay sang các đệ tử,
Ngài nói: “Tình thương yêu
Mới chiến thắng thù hận.”
Lúc ấy đã xế chiều.


18
KHÔNG PHÔ TRƯƠNG PHÉP LẠ

Lần nọ, khi Đức Phật
Ngồi chờ đò sang sông,
Ngài gặp một đạo sĩ
Khoe với Ngài rằng ông

Có thể đi trên nước,
Rồi liền chạy băng băng
Trên mặt sông lấp lánh
Như chạy trên đất bằng.

Đức Phật khen rồi hỏi:
“Ông phải luyện bao lâu
Để có được tài ấy?”
Đạo sĩ ngẩng cao đầu:

“Đúng ba mươi năm chẵn,
Mà phải luyện hàng ngày,
Phải hành xác cực khổ
Nên mới được thế này!”

Đức Phật nghe, chép miệng:
“Thế thì thật quá nhiều.
Tôi đi đò rất tiện,
Giá cũng chẳng bao nhiêu.

Hơn thế, không phải khổ
Vì hành xác hàng ngày.
Đò đến rồi, thế đấy,
Chào ông, tôi đi đây.”

Như ta biết, Đức Phật   
Chỉ chú trọng tình người,
Không khuyến khích khắc khổ,
Sống bình thường, thảnh thơi.

Ngài là người thực dụng,
Sống tuân theo tự nhiên,
Không phô trương phép lạ,
Mà vẫn đạt tới Thiền.


19
HẠT GIỐNG CỦA NHÀ PHẬT

Lần nọ, khi khất thực,
Đi qua một vườn cây,   
Có mấy bác làm ruộng
Chặn Phật, nói thế này:

“Chúng tôi phải vất vả
Cày cấy và bón phân,
Nếu không bị trời hại,
Mới kiếm được miếng ăn.

Trong khi đó, các vị   
Thực ra chẳng làm gì
Mà vẫn ăn, ăn khỏe,
Còn làm bộ từ bi.”

Phật ôn tồn đáp lại:
“Chúng tôi cũng cấy cày,
Cũng bón phân đấy chứ,
Và vất vả hàng ngày.

Chúng tôi đang gieo hạt,
Hạt giống của Tình Thương
Và Niềm Tin nhân ái.
Cái ấy đâu tầm thường.

Khi đến mùa thu hoạch,
Hạt giống này nhỏ nhoi
Sẽ mang lại quả Thiện
Và An Lạc cho đời.”   

Mấy bác kia chợt hiểu,
Mời Đức Phật vào nhà
Ăn cơm nấu với sữa,
Và cúng tặng nhiều quà.

“Người nhà Phật giáo pháp, -
Phật nói rồi lắc đầu. -
Không phải mong được cúng.
Nếu muốn, để lần sau.”


20
TRỞ VỀ CA TỲ LA VỆ

Một hôm Đức Phật nói
Ngài muốn về thăm cha,
Thành Ca Tỳ La Vệ,
Thăm vợ con ở nhà.

Rồi Ngài cùng đệ tử
Quay trở lại quê hương.
Hay tin, dân háo hức
Ra chờ đón dọc đường.

Vua Tịnh Phạn mừng lắm
Và rất đỗi tự hào,
Liền sai người đi trước
Xem binh tình ra sao.

Người ấy đến, kinh ngạc
Thấy đệ tử và Ngài
Đang cầm bát khất thực,
Kéo nhau một hàng dài.

Vua nghe tin, tức giận
Liền phóng ngựa đi ngay.
Sao có thể thế được.
Phải ngăn chặn điều này.

Gặp Đức Phật, vua hỏi:
“Có phải con xin ăn?”
Ngài đáp: “Quả đúng thế.
Hàng ngày và nhiều lần.

Và đó là tục lệ
Của những người xuất gia.”
Vua nói: “Không thể được.
Con là con của ta,

Con phải ăn yến tiệc,
Dùng đĩa bạc, chén vàng,
Chứ không phải bát gỗ,
Đi xin ăn khắp làng!”

Ngài ôn tồn giải thích
Về bác ái, khiêm nhường,
Về từ bi, đức độ
An lạc và tình thương.

Về cả các qui định
Của nhà Phật hàng ngày.
Vua nghe xong chợt hiểu,
Thôi trách Ngài điều này.

“Ngày trước có đạo sĩ,
Tên là A Tư Đà,
Tiên đoán con thành Phật,
Giờ là người xuất gia,

Con trở thành đắc đạo,
Thông tuệ nhất xưa nay.
Ta xin làm đệ tử
Và gọi con là thầy.”

Rồi sau đó cả vợ,
Nàng Du Da Đà La,
Và con trai nhập đạo,
Rồi tất cả hoàng gia

Đều trở thành phật tử.
Ngài rất vui, dần dần
Giảng giải và giúp họ
Thoát khỏi kiếp trầm luân.


21
CÁI CHẾT BI THẢM
CỦA THÀNH CA TỲ LA VỆ

Khi vua Tịnh Phạn mất,
Phật không nối ngôi cha.
Người nối ngôi sau đó
Là Ma Khà Na Ma.

Ông là quí tộc lớn,
Tộc Thích Ca, tiếc thay,
Làm Ca Tỳ La Vệ
Phải chết thảm sau này.

Số là Ba Tư Nặc,
Vua Kiều Tát Di La,
Đem lễ hỏi con gái
Của Ma Khà Na Ma.

Thế mà ông đánh tráo
Một nô tỳ rất xinh,
Có tên là Mạt Lợi,
Thay cho con gái mình.

Còn vua Ba Tư Nặc,
Không một chút hồ nghi,
Lập nô tỳ Mạt Lợi
Thành hoàng gia chính phi.

Nghe tin này, Đức Phật
Liền kêu lên xót thương:
“Ai gieo hạt lừa đảo,
Kết quả sẽ khôn lường.”

Mạt Lợi sinh thái tử
Đặt tên là Lưu Ly,
Khi vừa tròn tám tuổi,
Được gửi sang Ca Tỳ.

Ở đấy cậu sẽ học
Cách bắn cung hàng ngày.
Tộc Thích Ca nổi tiếng
Rất giỏi về môn này.

Một hôm cậu theo bạn
Đến Thánh Đường hoàng gia
Vốn là nơi giảng đạo
Của Đức Phật Thích Ca,

Chốn linh thiêng thần thánh,
Người ngoài không được vào,
Chỉ cho người trong tộc,
Theo thứ hạng thấp cao.

Lưu Ly đang cùng bạn
Đùa nghịch trong Thánh Đường
Thì có người đến đuổi,
Than khóc, chẳng ai thương.

Họ nói rằng mẹ cậu
Chỉ là một nô tỳ,
Thuộc giống người hạ đẳng,
Nên phải ra tức thì.

Hơn thế, họ lấy cuốc
Cuốc đất sâu bảy phân
Rồi lấp lại, rửa sạch
Nơi cậu vừa đặt chân.

Là con Ba Tư Nặc,
Thái tử, vua tương lại,
Lưu Ly rất căm giận,
Thề trả thù nay mai.

“Ta thề sẽ giết hết
Cả hoàng tộc Thích Ca,
Xóa Ca Tỳ La Vệ!
Nhất quyết sẽ không tha!”

Vua Ba Tư Nặc chết,
Vua mới là Lưu Ly,
Một người bị xúc phạm,
Thành độc ác, lầm lì.

Vừa lên ngôi, lập tức,   
Vua Kiều Tát Di La
Liền dấy binh trừng phạt,
Thề giết tộc Thích Ca.

Nghe tin này, Đức Phật
Lặng lẽ không nói gì,
Ra ngồi giữa đường lớn,
Chờ quân của Lưu Ly.

Ân đức của Đức Phật
Đã nổi tiếng gần xa.
Dẫu từng là thái tử
Của dòng họ Thích Ca,

Nhưng Lưu Ly không giết
Mà tự mình xuống xe,
Cúi chào Ngài cung kính
Rồi cho rút quân về.

Theo thông lệ thời ấy,
Khi nhà sư cản đường,
Thì các bên giao chiến
Phải quay ngựa hồi hương.

Dẫu không ưa Đức Phật   
Vì thuộc tộc Thích Ca,
Lưu Ly vẫn thoái rút,
Vì đây là Phật Đà.

Hai lần sau cũng vậy,
Xuất quân đánh Ca Tỳ,
Vua không thể tiến được
Vì Phật cản đường đi.

Nhưng than ôi, lần tiếp
Thì Ngài nói thế này:
“Ác giả thì ác báo,   
Thần Phật đành bó tay.

Chỉ trong bảy ngày nữa
Tộc Thích Ca diệt vong,
Thành Ca Tỳ La Vệ
Sẽ san phẳng thành đồng.”

Quân Lưu Ly tiến đến,
Toàn dân trốn vào thành.
Thế yếu khó cầm cự,
Sức chống trả tan nhanh.

Vua Ca Tỳ La Vệ
Là Ma Khà Na Ma
Đành bó tay bất lực
Trước những người chủ hòa.

Vậy là cổng thành mở,
Quân Lưu Ly tràn vào.
Năm trăm người hoàng tộc
Bị giết thảm thê sao.

Ba vạn người chủ chiến
Bị bắt làm tù binh,
Nghĩa là sẽ bị giết,
Nhưng theo kiểu nhục hình.

Họ bị chôn tới gối,
Không thể chạy đi đâu,
Rồi một đàn voi dữ
Tràn qua, dẫm nát đầu.

Kế hoạch sắp thực hiện
Thì Ma Khà Na Ma
Sụp lạy nói: “Dẫu vậy,
Ngươi vẫn là cháu ta.

Ta có một đề nghị,
Là giết ba vạn dân
Vất vả và không dễ,
Vậy hãy tha một phần.

Ta sẽ lặn xuống nước,
Trong khi chờ ngoi lên,
Cứ để mọi người chạy,
Không ai bị bắn tên.”

Một hơi lặn rất ngắn.
Vua Lưu Ly mỉm cười
Rồi gật đầu đồng ý.
Thế là cả biển người

Ào lên, ù té chạy,
Vấp ngã, dẫm lên nhau,
Người kêu gào, kẻ khóc,
Người sứt trán, vêu đầu.

Lưu Ly và binh lính
Thì thích thú reo hò,
Đến khi trốn gần hết
Mới giật mình thấy lo.

Sao lặn lâu thế nhỉ?
Sao không thấy ngoi đầu?
Vua cho người tìm hiểu,
Thì được báo như sau:

“Vua Ca Tỳ La Vệ
Đã tự lấy tóc mình
Cột vào thân cây mục,
Để cứu sống dân tình!”

Vua Lưu Ly chợt hiểu,
Rất xúc động, rồi tha
Những người chưa kịp chạy,
Gồm trẻ con, người già. 


22
TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHÂN

Lần nọ, với đồ đệ,
Đức Phật giảng ân cần
Về tám điều giác ngộ
Của các bậc đại nhân.

Thứ nhất, cần phải biết
Vạn pháp là vô thường,
Nó dẫn đến an lạc,
Từ bi và tình thương.

Thứ hai là phải biết
Ham nhiều, khổ đau nhiều.
Giảm bớt được ham muốn
Sẽ nhẹ bớt nhiều điều.   

Thứ ba là phải biết
Tạm hài lòng với mình,
Và rằng sống giản dị
Mới thoát vòng vô minh.

Thứ tư là phải biết
Siêng năng và cần cù
Mới giúp ta giác ngộ,
Xua bóng tối, mây mù.

Còn lười biếng, hưởng lạc
Cuối cùng chỉ hại ta.
Sớm muộn cũng dẫn đến
Thế giới của ma tà.

Thứ năm là phải biết
Rằng sống trong vô minh
Với những cái phù phiếm
Tức là tự giam mình.

Ngược lại, sống chính niệm
Và thức tỉnh, con người
Mới có thể giác ngộ
Và giáo hóa cho đời.

Thứ sáu là phải biết
Rằng bố thí xưa nay
Là phương tiện quan trọng
Để cứu giúp đời này.

Và rằng chính nghèo khổ
Sinh oán hận, buồn rầu.
Kẻ hành đạo bố thí
Mọi người phải như nhau.

Không bao giờ thù hận,
Không ghét bỏ những người
Chỉ vì quá nghèo khổ
Mà gây tội với đời.

Thứ bảy là phải biết
Rằng những người xuất gia
Sống giản đơn, thanh bạch,
Không gợn ý gian tà.

Vào đời để hóa độ,
Họ không chìm trong đời.
Luôn từ bi, khoan nhượng
Khi giao tiếp với người.

Thứ tám là phải biết
Không chỉ tự cứu mình
Mà còn giúp người khác
Thoát khỏi vòng vô minh.


23
TÁM ĐẶC TÍNH CỦA BIỂN VÀ CHÍNH PHÁP

A Nan là đồ đệ
Rất thân cận của Ngài,
Một hôm đứng nói chuyện
Với mấy bác dân chài.

Một người trong số họ
Cho thầy A Nan hay
Tám đặc tính của biển,   
Đại khái là thế này:

“Một, bờ biển thoai thoải,
Tiện kéo lưới, thả thuyền.
Hai, biển luôn chung thủy
Và suốt đời đứng yên.

Ba, biển ghét xác chết,
Luôn trả chúng lên bờ.
Bốn, nhận nước sông suối,
Hàng ngày và hàng giờ.

Năm, biển luôn nhận nước,
Nhưng không đầy, không vơi.
Sáu, nước biển luôn mặn,
Làm mặn mà cuộc đời.

Bảy, biển nhiều ngọc quí,
Nhiều xà cừ, san hô.
Tám, biển luôn đầy cá,
Đủ các loài nhỏ to.

Biển có nhiều điều tốt,
Cụ thể những tám điều,
Vậy, chúng tôi, ngư phủ,
Sao có thể không yêu!”

A Nan rất thích thú
Khi nghe ông già này.
Ông quay sang Đức Phật
Cung kính nói: “Bạch thầy,

Bác già này yêu biển,   
Như con yêu Pháp Luân.
Xin thầy giảng thêm nữa
Cho chúng con ngộ dần.”   

Phật mỉm cười đáp lại:
“Bác già nói rất hay.
Về Chính Pháp của đạo,
Có tám điều thế này:

Một, biển bờ thoai thoải,
Tiện kéo lưới, thả thuyền,
Trong đạo pháp cũng vậy,
Cũng từ từ, dưới lên.

Cả người già, người trẻ,
Người thông tuệ, vô minh,
Ai cũng có thể học
Cái gì đấy cho mình.

Hai, biển luôn chung thủy,
Suốt đời không đổi thay.
Các nguyên tắc Chính Pháp
Cũng có đặc tính này.

Nó trường tồn, bất biến.
Học, kết hợp với hành,
Nó là niềm an lạc,
Mang lại điều tốt lành.

Ba, biển ghét xác chết,
Luôn trả chúng lên bờ.
Chính Pháp ta cũng thế,
Không dung túng bao giờ

Sự vô minh, lười biếng,
Những việc làm xấu xa.
Người tu không có đức,
Cuối cùng bị đẩy ra.

Bốn, biển luôn đón nhận
Nước của mọi dòng sông.
Tay Chính Pháp dang rộng,
Ôm tất cả vào lòng.

Chính Pháp rất bình đẳng,
Không phân biệt người nào,
Đủ nghèo hèn, quyền quí,
Đủ địa vị thấp cao.

Năm, biển luôn nhận nước,
Nhưng không đầy, không vơi.
Chính Pháp là Chính Pháp,
Luôn bất biến ở đời.

Người theo nhiều hay ít
Chẳng làm nó đổi thay.
Tu thành hay thất bại,
Lỗi người tu việc này.

Sáu, nước biển luôn mặn,
Làm mặn mà cuộc đời.
Chính Pháp ta cũng vậy,
Làm mặn mà lòng người.

Vị mặn của Chính Pháp
Là cứu độ chúng sinh,
Giúp con người thoát khổ,
Thoát khỏi vòng vô minh.

Bảy, biển nhiều ngọc quí,
Nhiều san hô, xà cừ.
Chính Pháp ta cũng có
Nhiều cái quí nhân từ.

Đó là Tứ Diệu Đế,
Là Ngũ Lục, Ngũ Căn,
Và cả Bát Chính Đạo,
Toàn những cái rất cần.

Tám, biển luôn đầy cá,
Đủ các loài trên đời.   
Chính Pháp ta dung nạp
Cũng đủ các loại người.

Từ các bậc Bồ Tát
Rồi La Hán, Tỳ Kheo,
Đến thằng bé vô học
Hay bác nông dân nghèo.

Giờ thì các con thấy
Cả tám đặc tính này
Của biển và Chính Pháp,
Giống nhau, và rất hay.”   


24
ÔNG VUA VÀ THẦN CÂY

Từ lúc ba lăm tuổi
Phật giảng đạo cho đời.
Bốn lăm năm sau đó
Ngài đã đi nhiều nơi.

Khắp đất nước Ấn Độ,
Những nơi nào Ngài đi,
Ngài giảng về an lạc,
Tình thương và từ bi.

Ngài kể nhiều câu chuyện
Trong khi giảng hàng ngày.
Đây là một thí dụ
Được lưu truyền đến nay.

*
Xưa có ông vua nọ,
Rất kiêu hãnh, rất giàu,
Muốn xây cung điện lớn
Để lưu truyền về sau.

Ông tìm thấy cây gụ
Rất cao to giữa rừng,
Rất hợp làm trụ đỡ,
Vì thế ông vui mừng.

Đêm ấy vua nằm ngủ,
Thấy giấc mơ thế này:
Có một người to lớn
Tự xưng là thần cây

Đến gặp vua và nói:
“Tôi đã sống mấy đời
Trong thân cây gụ ấy.
Xin Ngài tha cho tôi.

Mỗi nhát dao ngài chặt
Sẽ làm tôi rất đau.
Nếu nay mai tôi chết.
Cháu con tôi sống đâu?”

Ông vua quyết không chịu,
Vì cần gỗ làm nhà.
Cuối cùng ông kia nói:
“Một khi ngài không tha,

Thì xin cho người chặt
Từng đoạn một, ngắn thôi.
Bắt đầu chặt từ ngọn,
Cho đến tận chân tôi.”

“Nếu ta chặt từ gốc,
Ông chỉ đau một lần. -
Vua nói. - Chặt từ ngọn,
Mà lại thành nhiều phần,

Ông sẽ đau gấp bội.
Sao ông muốn điều này?”
“Vì thân tôi cao lớn,
Lá nhiều và rất dày.

Nếu ngài chặt từ gốc,
Tôi ngã, thân và cành
Sẽ đè chết chim chóc
Và cây cối xung quanh.

Nếu ngài chặt từ ngọn,
Mà từng đoạn, ngắn thôi
Thì sẽ ít sinh vật
Phải đau đớn vì tôi.”

Vua nghe xong, chợt tỉnh.
“Con người này tốt sao.
Sẵn sàng chịu đau đớn
Để cứu giúp đồng bào.

Ta, một người ích kỷ,
Nhưng sau bài học này,
Thay cho việc đốn hạ,
Ta lập miếu thờ cây.


25
ĐỀ BÀ ĐẠT BA

Em họ của Đức Phật,
Người từng muốn giết Ngài,
Đổ bệnh, nằm bất động
Suốt một thời gian dài.

Được tin này, Đức Phật
Muốn đến thăm ông ta.
Có người hỏi: “Sao vậy?
Ông Đề Bà Đạt Ba

Đã mang lòng độc ác
Muốn giết Ngài nhiều lần.”
Ngài đáp: “Người theo Phật
Không báo oán, báo ân.

Ai ốm thì thăm hỏi,
Không phân biệt nghèo, giàu,
Không phân biệt xấu, tốt.
Đã bệnh, ắt phải đau.”

Ngài đến bên giường bệnh,
Rồi nói lớn: “Nếu ta
Yêu người này như thể
Thương yêu La Hầu La,

Thì hãy để người bệnh
Khỏe mạnh ngay tức thì!”
Lập tức người bệnh khỏi,
Như không hề đau gì.

Lần nữa Phật nhắc lại
Với đồ đệ của mình:
“Tình thương yêu của Phật
Bình đẳng trước chúng sinh.”


26
VIÊN TỊCH

Khi tròn tám mươi tuổi,
Đức Phật nói: “Suốt đời
Ta ra tay cứu độ,
Mong hạnh phúc cho người.

Nay đến lúc viên tịch,
Ta muốn trở về nhà,
Thành Ca Tỳ La Vệ
Nơi đã từng sinh ta.”

Mọi người nghe nói vậy
Liền òa khóc xót thương.
Ngài nói: “Sống và chết
Ấy là cái lẽ thường.”

Trên đường về quê cũ,
Đến làng Câu Thi Nà,
Cách Ca Tỳ La Vệ
Một quãng đường không xa,

Đức Phật nói: “Có lẽ
Ta viên tịch làng này.”
Ngài vào vườn, lặng lẽ
Nằm giữa hai hàng cây.

Cây đang kỳ hoa nở,
Hoa trắng xóa trên cành.
Cúi đầu, khóc thút thít,
Mọi người đứng xung quanh.

Và đây, những lời cuối
Ngài nói với mọi người:
“Tham, Sân là cội rễ
Mọi bất hạnh trên đời.

Vạn vật, sớm hay muộn,
Thay đổi và mất đi.
Vậy đừng cố níu giữ,
Đừng thương tiếc làm gì.

Để vượt qua bể khổ,
Thoát khỏi vòng vô minh,
Hãy thường xuyên rèn luyện
Thanh lọc tâm hồn mình.”

Ngài quay người bên phải,
Gối đầu lên một tay,
Nhắm mắt, rồi viên tịch.
Hoa rơi như tuyết bay.

Sau đó, các đệ tử
Quàn xác vào quan tài,
Rồi hỏa thiêu, thật lạ,
Lửa cứ bay ra ngoài.

Khi thầy cả Ca Diếp,
Vào vái lạy hồi lâu,
Quan tài mới bén lửa.
Cuộc hỏa táng bắt đầu.

Xương thịt Ngài kết lại,
Chỉ còn sót ít tro
Và những viên xá lợi
Nhiều màu và rất to.

Xá lợi nhiều, nhiều lắm,
Tám mươi tư nghìn viên,
Trong tám hộc, bốn đấu,
Những viên ngọc đức thiền.

Các vua Bắc Ấn Độ,
Nghe tin này bất ngờ,
Liền đến xin xá lợi
Mang về nước mình thờ.

Vua nào cũng xây tháp
Thờ những vật báu này.
Hiện chúng được lưu giữ
Cho đến tận ngày nay.

Xá lợi là minh chứng
Một người thầy anh minh,
Người suốt đời tận tụy
Cứu khổ cho chúng sinh.

Ngài dạy không làm ác
Mà hãy làm việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Đời sẽ mãi màu xanh.

Đó là những câu chuyện
Về đời Phật Thích Ca.
Hãy nhớ tâm niệm Phật.
Nam Mô A Di Đà.

3 comments:

  1. Các bác nên đọc bài này, Tiếc bây giờ quên Password, không thể post bài được nữa.

    ReplyDelete
  2. Cuốn Dob juan hay cực. Cả cuốn Evgeni Onegin của Puskin cũng vậy. Hai cuốn nàu hết lâu rồi, giờ có muốn mua cũng chịu. Nhưng hiện còn 17 cuốn, trong số 26 cuốn đã in. Bác nào muốn mia thì gọi điện 0912375717. FB hiện bị khóa. Cũng không cho lập cái mới. Chẳng hiểu sao.

    ReplyDelete
  3. Mời mọi người đọc blog mời. Tra google 0912375717 nhavanthaibatan.

    Trang này người ta khóa, không post được bài mới.

    ReplyDelete