Tuesday, March 3, 2015

CHÂM NGÔN TẬP NĂM (THƠ ĐỜI THƯỜNG) -1



CHÚC VUI VẺ

Cuộc sống nhiều cái bực.
Ta than vãn suốt ngày.
Để giảm cái bực ấy,
Xin được khuyên thế này.

Bạn đang học đại học,
Ôn thi mệt, chán đời,
Hãy nhớ rằng quê bạn
Còn có rất nhiều người

Không hề dốt hơn bạn,
Nhưng thi trượt, tiếc thay,
Đang buồn và mơ ước
Được có cái mệt này.

Đi làm, giờ cao điểm,
Tắc đường và kẹt xe.
Tất nhiên là khó chịu,
Thậm chí muốn chửi thề.

Nhưng xin bạn hãy nhớ,
Có những người đáng thương
Không xe, không công việc,
Không được đi trên đường.

Bạn yêu, rồi thất vọng,
Rồi buồn vì chia tay?
Ừ, đau thì đau thật,
Nhưng vấn đề thế này:

Có nhiều người, ta biết,
Số Phận không nuông chiều,
Chết vẫn chưa được nếm
Cái buồn của tình yêu.

Đi xe buýt, sơ ý,
Bạn bị móc ví tiền.
Bạn tiếc, bạn tức giận,
Rồi bạn buồn, tất nhiên.

Nhưng cũng có người khác
Đau hơn bạn nhiều lần -
Không có tiền để mất,
Không có tiền để ăn.

Đại khái là như vậy.
Nên kêu thì cứ kêu,
Nhưng ở đời lắm kẻ
Còn khổ hơn bạn nhiều.

Nếu bạn nghĩ được thế,
Thì cái bực, cái buồn
Sẽ vợi đi một nửa,
Cái mệt cũng không còn.

Đây là triết lý sống
Na ná kiểu vô vi.
Không phải lạc quan tếu,
Càng không giống AQ.

Vậy nhé, chúc vui vẻ.
Cuộc đời là cuộc đời.
Lúc thế này, thế nọ.
Nhớ đừng quên mỉm cười.


VỀ NHÀ ĐI CON

Ở một thị trấn nọ,
Không nhớ tên là gì,
Có đứa con, bố mắng,
Uất hận quá, bỏ đi.

Chỉ sau khi tỉnh rượu,
Người bố mới giật mình,
Biết mắng oan thằng bé,
Nhạy cảm và thông minh.

Lòng buồn đau, hối hận,
Ông tìm nó khắp nơi.
Ở trung tâm thị trấn,
Nơi thường xuyên đông người,

Ông treo một tấm bảng:
“Paco, về đi con.
Mai bố đến đây đón,
Bố muốn ôm con hôn.”

Hôm sau, khi ông đến,
Không thấy Paco đâu.
Nhưng có bảy đứa khác,
Cùng tên, na ná nhau.

Chúng là những đứa trẻ
Bỏ nhà đi lang thang
Vì người lớn thô lỗ,
Thiếu tế nhị, dịu dàng.

Lặng lẽ, từng đứa một,
Ông ôm chúng hồi lâu.
Và khóc, lòng đau đớn,
Không thấy Paco đâu.


CỬA PHẬT

Mỗi lần đến cửa Phật
Là ta thêm một lần
Trở lại với cái gốc
Tình Thương và Tình Thân.

Giữa biển đời sóng gió,
Vì lo toan mưu sinh,
Vô tình ta để mất
Một phần của chính mình.

Ta lại tìm thấy nó
Giữa cuộc đời bể dâu,
Cái phần đánh mất ấy -
Là sống để yêu nhau.

Phật giúp ta tìm lại
Cái Hỷ Xả Từ Bi.
Phật giúp ta từ bỏ
Ba cái Tham Sân Si.

Hiểu và làm theo Phật,
Đời sẽ tốt hơn nhiều.
Sẽ không có Cái Ác.
Chỉ có Cái Thương Yêu.

*
Hơn ai hết, người trẻ
Càng phải đến đền chùa.
Để được gần bên Phật,
Chứ không phải bán mua.


NGƯỜI TA LỄ PHẬT

Người ta làm lễ trọng
Dâng lên Phật Thích Ca.
Đủ các loại vàng mã,
Hương khói và xôi gà.

Rồi người ta cầu khấn,
Cứ như thể có quyền
Đòi Ngài ban tài lộc
Vì mâm lễ đắt tiền.

Mâm lễ đắt tiền ấy,
Dâng lên Phật Thích Ca,
Người ta đem xuống chén.
Thừa, gói mang về nhà.

Ngồi trên cao, Đức Phật,
Với khuôn mặt từ bi,
Không một lần nhìn xuống.
Và cũng chẳng nói gì.


HÃY THẮP MỘT NGỌN ĐÈN

Một thằng bố khốn nạn
Đánh con bằng điếu cày,
Phải nhập viện, rồi chết.
Thật kinh khủng điều này.

Một phụ nữ lặng lẽ
Lấy que nhọn bằng đồng
Châm thủng đầu đứa bé
Ba tuổi, con của chồng.

Những thằng con bất hiếu,
Chỉ vì chiếc Vespa
Mà đang tâm sát hại
Người chúng gọi ông bà.

Khủng khiếp, thật khủng khiếp.
Cái Ác ấy từ đâu?
Chính từ sự ngu dốt
Trong trái tim, trong đầu.

Ngu dốt vì lười biếng,
Không chịu khó học hành,
Nghe điều hay lẽ phải,
Nghe những bài giảng Kinh.

Ngu dốt là cội rễ
Mọi tội ác xưa nay,
Làm tâm hồn đen tối,
Cả khi đang ban ngày.

Luôn có một góc tối
Trong tâm thức mỗi người.
Góc tối ấy lớn nhỏ
Tùy hoàn cảnh, tùy thời.

Để xua Cái Ác ấy,
Hãy thắp một ngọn đèn.
Cho mình, cho những kẻ
Tâm hồn toàn màu đen.


TRIẾT LÝ VỤN VẶT, VỚI CON GÁI

Nếu được thì cố gắng
Yêu tất cả mọi người.
Ghét, không ghét ai cả.
Ấy là đạo làm người.

Không ai thành được Phật.
Có lẽ cũng không cần.
Nhưng Phật là Cái Thiện,
Hãy cố mà đến gần.

*
Giàu cũng chẳng làm gì.
Danh cũng chẳng làm gì.
Vậy sống để làm gì?
Thực ra, chẳng làm gì.

Nhưng một khi đã sống,
Dẫu cuộc sống bình thường,
Thì cũng cố mà sống
Bằng nghị lực phi thường.

Vì có sự khác biệt
Giữa cỏ cây và người.
Cỏ cây chết thành đất.
Người - để tiếng cho đời.

*
Làm người, khi đã sống,
Ai cũng phạm sai lầm.
Vấn đề là ở chỗ
Phải biết mình sai lầm.

Không biết thì lặng lẽ
Nghe người nói về mình.
Ai biết nghe người khác
Mới thực sự thông minh.

Đáng thương và lố bịch
Là những kẻ ngu đần,
Mà dương dương tự đắc,
Không biết mình ngu đần.

*
Đồ vật càng đơn giản,
Càng ít hỏng. Con người
Sống thiện và giản dị,
Ít trục trăc với đời.

*
Hãy nói lời nhỏ nhẹ.
Tình yêu hơn roi đòn.
Đừng để lời nói nặng
Làm hỏng việc dạy con.

Hãy nhẹ nhàng với trẻ.
Trẻ sẽ yêu ta hơn.
Những lời nói âu yếm
Xóa hết nỗi giận hờn.

Với những người có tuổi,
Hãy nói lời nhẹ, êm.
Trái tim họ đã nặng,
Đừng làm nó nặng thêm.

Hãy nói lời nhỏ nhẹ
Với cả người lỗi lầm.
Bằng lòng tốt của bạn,
Hãy thu phục nhân tâm.

Những lời nói nhỏ nhẹ,
Dịu dàng, đầy thương yêu.
Việc bé mà lợi lớn,
Lớn hơn ta tưởng nhiều.

*
Ai cũng sống vì mình,
Mà nên sống vì mình,
Rồi mới vì người khác,
Tức là cũng vì mình.

*
Nói, ai chẳng nói được.
Làm mới khó hơn nhiều.
Làm được thì cho nói.
Nói không làm là điêu.

Người khiêm tốn, con ạ,
Là người tự biết mình,
Làm giỏi rồi tuyên bố
Tôi tài giỏi, thông minh.

Khoét lác là cái bọn
Vừa bất tài vừa lười,
Rồi nói, em khiêm tốn.
Dạ, khiêm tốn nhất đời.

*
Hạnh phúc không phụ thuộc
Ta sở hữu bao nhiêu.
Hạnh phúc là khi biết
Đòi hỏi không quá nhiều.

*
Lão Khayyam có nói
Một câu này rất hay:
“Đời luôn tốt, thuận lợi
Thì không đến lượt mày!”

Bố thì bố nghĩ khác,
Rằng vốn dĩ cuộc đời
Có khó khăn, thuận lợi,
Có làm việc, vui chơi.

Có sinh thì có tử,
Có lúc nghèo, lúc giàu,
Có lúc sướng lúc khổ,
Có khỏe, có ốm đau.

Biết được qui luật ấy,
Con sẽ khôn lớn dần,
Và có đủ bình tĩnh
Để vượt qua khó khăn.

Tứ Thư của Khổng Tử
Có sách gọi Trung Dung,
Dạy ta đừng thái quá,
Đừng đẩy đến tận cùng.

Cứ đều đều mà tiến.
Chẳng vội mà làm gì.
Cái gì đến sẽ đến.
Cái gì đi sẽ đi.

*
Lắm thương, lắm đau khổ.
Tích nhiều thì mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.

*
Bố mẹ đã cố gắng
Nuôi con lớn trưởng thành.
Cố để con cảm thấy
Không thua chị, kém anh.

Bây giờ con đã lớn,
Có gia đình, có con.
Vậy phải cố nuôi chúng
Khỏe mạnh và lớn khôn.

Nay tuy già, bố mẹ
Tự lo được cho mình.
Phần con, hãy cố gắng
Chăm chút cho gia đình.

Cũng vất vả lắm đấy.
Có lúc không dễ dàng.
Nhưng mọi chuyện sẽ ổn,
Miễn là sống đàng hoàng.

Sống công tâm, trung thực,
Bằng đôi tay của mình.
Nhẹ nhàng với con cái,
Giữ hòa khí gia đình.

Với con, không được mắng.
Cứ để chúng vui chơi.
Xưa, với con, bố mẹ
Chưa bao giờ nặng lời.

Với chồng, phải tế nhị.
Có bí quyết thế này:
Muốn giữ chặt hạnh phúc
Thì phải nới lỏng tay.

Có thể sẽ vấp ngã.
Vấp ngã thì đứng lên.
Bố mẹ luôn bên cạnh
Khi tối lửa, tắt đèn.

Đời thế đấy con ạ.
Ai cũng phải mưu sinh
Để chăm chút, thu vén
Cho thế hệ sau mình.


TÌNH YÊU

Người ấy đến, và bạn
Vờ không quan tâm nhiều.
Người ấy đi, lại nhớ,
Thì đúng là bạn yêu.

Mở hộp thư điện tử,
Cái bạn đọc đầu tiên
Là thư của người ấy,
Thì bạn yêu, tất nhiên.

Bạn có một cặp vé
Đi xem phim buổi chiều.
Bạn nghĩ đến người ấy,
Thì đúng là bạn yêu.

Bạn nói “Chỉ là Bạn”,
Mà nhớ “bạn” suốt ngày.
Tức là đang yêu đấy,
Mà yêu nhiều mới gay.

Đọc bài này, tư lự,
Bạn đang nhớ đến ai,
Tức bạn yêu người ấy.
Cứ tin đi, cấm sai.

Tình yêu thật kỳ diệu.
Món quà của bề trên.
Đừng sợ, đừng né tránh.
Vậy nhé, cứ tự nhiên.

PS
Xưa, lúc tôi còn trẻ,
Vào Thư Viện Quốc Gia
Rồi ngồi quên ở đấy,
Tỉnh thì đã trót già.

Giờ sẵn sàng đánh đổi
Một chục tập thơ dày
Để có được cảm giác
Lần đầu yêu ngất ngây.


THỜI GIAN

Một doanh nhân đã tính,
Khi bạn có trong tay
Chỉ năm cân sắt vụn,
Thì có thể thế này:

Dập làm đinh để bán,
Mười đô đã khó khăn.
Làm kim khâu, bán hết,
Thu hơn ba mươi lần.

Nhưng cũng số sắt ấy
Làm lò xo đồng hồ,
Số tiền bạn thu được
Là hăm lăm nghìn đô.

Chúng ta, ai cũng có
Hăm tư giờ một ngày.
Tức là năm cân sắt.
Biết dùng làm gì đây?

Người sản xuất máy kéo.
Người làm kim đồng hồ.
Người chẳng làm gì cả,
Để sắt nằm trong kho.

Nên người thì thành đạt,
Người nghèo khổ, bần hàn.
Lý do rất đơn giản -
Cách sử dụng thời gian.

Thời gian là tài sản
Quý giá của con người.
Ngu ngốc, lãng phí nó
Là lãng phí cuộc đời.


SỢI CHỈ TÌNH YÊU

Tình yêu như sợi chỉ,
Hai người giữ hai đầu.
Kéo căng quá sẽ đứt,
Làm cả hai cùng đau.

Ngược lại, để chùng quá,
Sẽ không còn tình yêu.
Bí quyết là vừa phải,
Cân bằng và đối chiều.


MỈM CƯỜI VỚI CUỘC SỐNG

Rất có thể cuộc sống
Không mỉm cười với ta.
Nhưng cũng đừng vì thế
Mà suốt ngày kêu ca.

Còn có một cách khác
Để đứng vững trong đời -
Nhìn thẳng vào cuộc sống,
Và hãy cố mỉm cười.


YÊU CHẬM

Đừng yêu kiểu sét đánh.
Sét đánh dễ chết người.
Tình yêu không thể vội.
Không dễ hiểu sự đời.

Yêu chậm để còn biết
Tình cảm của người ta.
Thực lòng, hay đơn giản,
Chỉ cảm xúc thoáng qua.

Cứ bình tĩnh chờ đợi
Lành lại vết thương lòng.
Đừng sốt ruột, lại ngã
Vào vòng tay đàn ông.

Tình yêu không nhất thiết
Như pháo hoa trong đêm.
Mà có thể thong thả
Như ai bước trên thềm.


SỐNG ĐƠN GIẢN

Sống, nên sống đơn giản,
Yên tĩnh và thanh bình.
Đừng để tiếng người khác
Lấn át tiếng của mình.

Hơn thế, nên sống chậm.
Sống nhanh không hay đâu.
Xưa các cụ đã dạy,
Nhai kỹ mới no lâu.

Và điều quan trọng nhất:
Ai nói gì mặc ai.
Đời mình thì mình sống.
Mà đời cũng còn dài.


MẸ CON

Không có gì vĩ đại
Bằng tình mẹ yêu con.
Nhưng con không yêu mẹ
Như mẹ đã yêu con.

Vì sao? Vì tình cảm
Đáng dành cho mẹ mình,
Con gái phải giữ lại
Sau dành cho con mình.


CON BƯỚM TRONG PHÒNG

Quái, phòng đầy khói thuốc,
Sách vở vứt ngổn ngang,
Thế mà có con bướm
Đôi cánh mỏng màu vàng

Từ đâu bay đến đậu
Trên mép tập Châm Ngôn.
Đơn giản chỉ có thế
Mà chợt thấy bồn chồn.

Tất nhiên không mê tín,
Càng không dám hồ đồ,
Nhưng mừng, nghĩ điều ấy
Chắc phải có nguyên do.


BASHIO

Bài thơ nhỏ: “Con quạ -
Ngồi trên cành cây khô -
Chiều thu”. Chỉ có thế
Của ông già Basho.

Chỉ chín chữ ngắn gọn,
Mà cả một bức tranh.
Bức tranh lớn, sâu lắng
Về cuộc sống yên lành.

Chín chữ mà đôi lúc
Bắt suy nghĩ chín giờ.
Suy nghĩ cả về chuyện
Mình lắm lời trong thơ.


TÌNH YÊU         

Thị trấn ấy bé nhỏ,
Thơ mộng và buồn buồn.
Có một đôi trai gái
Cùng nhau ngắm hoàng hôn.

Cùng đợi mặt trời mọc,
Cùng dạo giữa cánh đồng.
Vai tựa vai, lơ đãng
Nghe chim hót trên không.

Họ yêu nhau say đắm.
Không biết gì ngoài yêu.
Nghiêm túc và lãng mạn
Như những áng mây chiều.

Bỗng chàng trai ốm nặng,
Nằm bất tỉnh dài ngày.
Ngồi bên chàng, cô khóc,
Tay không rời bàn tay.

Đêm, một mình, giá rét,
Nàng quì trong nhà thờ
Cầu cho chàng khỏe mạnh,
Suốt nhiều giờ, nhiều giờ.

Chúa hiện hình, và nói:
“Con có tình, có tâm
Nếu con chịu chấp nhận
Làm kiếp bướm ba năm,

Ta sẽ cho tỉnh lại
Người mà con thương yêu.”
Cô gái nghe, đồng ý,
Không cần suy nghĩ nhiều.

Hôm sau, chàng trai tỉnh,
Rồi khỏe mạnh bình thường.
Có điều chàng không thấy
Khuôn mặt nàng thân thương.

Giờ đến lượt chàng khóc,
Không biết nàng ở đâu.
Chỉ thấy một con bướm
Cánh sặc sỡ nhiều màu.

Con bướm chạm vào má
Nhẹ nhàng như nụ hôn.
Đôi cánh màu sặc sỡ,
Mà đôi mắt buồn buồn.

Thời gian trôi chậm chạp,
Nhưng cũng hết một năm,
Rồi thêm một năm nữa,
Mà nàng vẫn biệt tăm.

Chàng cất công tìm kiếm,
Hết miền Đông, miền Tây.
Con bướm luôn bên cạnh,
Luôn thầm thì: “Em đây!”

Tiếc, giọng nó quá bé.
Tiếc, chàng không thể nghe.
Chàng cứ tìm, tìm mãi,
Đông hết rồi xuân về.

Tiếc, còn mấy tháng nữa
Là hết năm thứ ba,
Mệt mỏi và tuyệt vọng,
Chàng đã trở về nhà.

Lần nữa, chàng lại ốm,
Lại bất tỉnh. Lần này
Ngoài con bướm, còn có
Một cô gái đêm ngày

Túc trực bên giường bệnh
Để chữa trị cho chàng.
Đó là cô bác sĩ,
Xinh đẹp và dịu dàng.

Lần nữa, chàng tỉnh lại.
Và một sáng đẹp trời
Chàng cùng cô bác sĩ
Vào nhà thờ, tươi cười.

Hạnh phúc và thật đẹp
Cả chủ rể, cô dâu.
Con bướm nhỏ tội nghiệp
Buồn buồn bay theo sau.

Hôm ấy là ngày cuối
Của cái hạn ba năm.
Chúa Trời ái ngại nói:
“Con có tình, có tâm.

Nếu muốn, ta làm phép
Con trở lại thành người.
Cùng chàng làm lễ cưới,
Sống hạnh phúc suốt đời.”

Con bướm ngước đôi mắt,
Đang ngấn lệ long lanh:
“Dạ, con đang hạnh phúc,
Chỉ mong Chúa lòng lành

Cho con được mãi mãi
Làm con bướm thế này.”
Rồi không hề ngoái lại,
Nó bay vào rừng cây.

Đôi cánh bướm sặc sỡ,
Nhẹ nhàng như nụ hôn,
Chấp chới bay, để lại
Dìu dịu một nét buồn.


TẢN MẠN VỀ LỜI HAY Ý ĐẸP

Người thực sự cầu thị,
Có học và thông minh,
Là người tự giáo dục
Để thay đổi chính mình.

*
Trong cái may có rủi.
Trong cái rủi có may.
Anh sẽ luôn gặp rủi,
Nếu không hiểu điều này.

*
Thực ra, trong sự học,
Không tiến đã là lùi.
Con người gặp gian khó,
Không buồn đã là vui.

*
Gặp bão, cây đứng vững
Là nhờ có rễ sâu.
Con người không sa ngã,
Nhờ kiến thức trong đầu.

*
Khi làm việc gì đó,
Nên để lại chút tình,
Không phải cho người khác,
Mà cho con cháu mình.

*
Lao động không mệt mỏi
Chính là điều giúp ta
Tránh được sự buồn chán
Và ý nghĩ xấu xa.

*
Khi xã hội điên loạn,
Độc ác và vô tình,
Duy nhất một chỗ trú.
Chỗ ấy là gia đình.

*
Hãy chú ý nhận biết
Cái ngu của người đời
Để tự rút kinh nghiệm
Và khôn lớn thành người.

*
Cơ hội tốt dễ mất
Khi suy nghĩ quá nhiều.
Tương tự, kén chọn quá
Thường khó kiếm người yêu.

*
Một người biết thừa nhận
Các yếu kém của mình
Là người có tố chất
Dũng cảm và thông minh.

*
Không vì cao hay thấp,
Hoặc vì nghèo hay giàu,
Mà chính sự giáo dục
Làm con người khác nhau.

*
Người nào muốn lấy mật
Thì đừng phá tổ ong.
Con gái muốn lấy chồng
Thì phải giữ đức hạnh.

*
Giản dị là cái đẹp
Cao nhất của con người.
Sống giản dị tưởng dễ,
Mà lại khó nhất đời.

*
Nhịn không phải là nhục,
Lại càng không phải hèn.
Nhưng nhịn mãi cái ác
Thì đúng là người hèn.

*
Người thông minh, từng trải
Thường không oán trách đời,
Và thường dễ nhận thấy
Cái tốt của mọi người.

*
Một quan niệm hiện đại
Đúng, và cũng bình thường:
“Ở đâu ta sống tốt,
Ở đấy là quê hương.”


TẢN MẠN VỀ TIỀN BẠC

Đúng, tiền không mua được
Hạnh phúc và tình yêu.
Nhưng cái tiền mua được
Quả thật cũng rất nhiều.

Không tiền nào có thể
Mua thời gian, tất nhiên.
Nhưng mướn người làm hộ
Thì cần phải có tiền.

Không mua được giấc ngủ,
Nhưng tiền mua được giường.
Mà nằm giường dễ chịu
Hơn năm bên vệ đường.

Không mua được kiến thức,
Có tiền, kẻ ngu đần
Có thể thuê tiến sĩ
Viết luận án, luận văn.

Không mua được sức khỏe,
Nhưng ốm, không có tiền,
Sẽ không được chữa trị.
Lúc ấy sẽ rất phiền.

Người nhiều tiền, lắm của,
Dẫu bất chính, bất tài,
Được nhiều người nể trọng,
Chí ít ở bề ngoài…

Không mua được hạnh phúc
Và tình yêu, tất nhiên,
Nhưng tình yêu, hạnh phúc
Không thể sống thiếu tiền.

Vậy tiền tốt hay xấu?
Nghèo đói dù có tài
Và ngu nhưng giàu có,
Thực chất ai hơn ai?

Câu hỏi này thật khó.
Tiền vừa chẳng là gì,
Nhưng lại là tất cả.
Tốt hay xấu còn tùy.

Ta ngại ngùng thừa nhận
Một thực tế hiển nhiên -
Cái ta mong muốn nhất,
Rốt cục vẫn là tiền.


TẢN MẠN VỀ ĐẠO HỒI

Đức A-la từng cấm
Việc mình tự giết mình.
Đó là việc man rợ,
Đáng trách và đáng khinh.

Vậy, đánh bom tự sát
Là phản Đạo, và rồi
Chính những kẻ khủng bố
Làm hoen ố Đạo Hồi.

*
Ở các nước Hồi Giáo,
Nhìn phụ nữ, bề ngoài,
Ta tưởng họ yếm thế.
Thực ra điều đó sai.

Họ rất được tôn trọng,
Đến mức như thánh thần.
Được phép chạm người họ
Chỉ chồng và người thân.

Họ luôn được bảo vệ
Bởi truyền thống, chính quyền.
Trong hợp đồng hôn thú,
Chồng phải cho vợ tiền.

Số tiền ấy, không nhỏ,
Ràng buộc người đàn ông
Phải ăn ở tử tế,
Với đúng nghĩa là chồng.

Họ không có nghĩa vụ
Kiếm tiền cho gia đình.
Chồng không dám thô lỗ,
Lại càng không ngoại tình.

Việc trùm khăn, che mạng
Là thói quen lâu đời.
Vừa vệ sinh, vừa tránh
Những cái nhìn lả lơi.

Mỗi nước một tập tục,
Đáng kính trọng như nhau.
Chưa nói chuyện che mạng
Khó phân biệt nghèo giàu.

Tiên tri Mu-ha-mat
Có nhiều con, nhưng Ngài
Từng nhiều lần tuyên bố
Thích con gái hơn trai.

*
Thích nhất - người Hồi Giáo
Không uống rượu bao giờ.
Đàn ông không uống rượu
Thì phụ nữ được nhờ.

Rượu - kẻ thù số một
Của hạnh phúc gia đình.
Lại vừa đỡ tốn kém,
Cho người và cho mình.

Là tế bào cơ bản
Của xã hội chúng ta.
Gia đình mà bền vững,
Xã hội sẽ yên hòa.

*
Kể cũng hơi bất tiện
Ngày cầu kinh năm lần.
Cầu kinh để sống tốt
Lại là việc rất cần.

Cầu kinh là trực tiếp
Đối mặt với A-la.
Sau đó, ai còn dám
Làm những việc xấu xa?

*
Tôn giáo và cuồng tín -
Hai khái niệm khác nhau.
Mà khác nhau ghê gớm,
Như nước lã với dầu.

Cuồng tín là khủng bố
Tôn giáo là yêu thương.
Người Hồi Giáo nhã nhặn,
Mến khách trong đời thường.

*
Theo luật, người Hồi Giáo
Được lấy những bốn bà.
Nhưng tuyệt đại đa số
Chỉ một vợ trong nhà.

Thế mà họ hạnh phúc,
Cũng chẳng cần ngoại tình.
Vì sao? Vì tôn giáo
Giúp họ kiềm chế mình.

*
Tôn giáo là nền tảng
Của đạo đức ở đời,
Chứ không phải thuốc phiện
Nhằm ru ngủ con người.

Tôn giáo giúp hướng thiện,
Kìm cái ác trong ta.
Xã hội thiếu tôn giáo,
Xã hội không hài hòa.


NHÀ VĂN CHÉM GIÓ TI-VI

Tự nhiên ghét mấy bác
Đồng nghiệp, hội nhà văn,
Lên ti-vi chém gió,
Có tháng những mấy lần.

Thứ nhất, người đã xấu,
Chương mặt ra làm gì.
Thứ hai, thơ với phú
Liên quan gì ti-vi?

Hay thực sự các bác
Nghĩ cứ lên báo đài
Là thành tuyệt tác
Và mình là thiên tài?


BẺ CONG ĐƯỜNG PHỐ

Khi một người cầm bút,
Bẻ cong ngòi bút mình,
Thì người cầm bút ấy
Hạ tiện và đáng khinh.

Chính quyền làm phố lớn,
Những mấy làn ô tô.
Thế mà bẻ cong nó
Để tránh nhà quan to.

Chẳng còn gì để nói.
Ngẫm mà thấy phiền lòng.
Người ta thẳng không được,
Mình còn cố làm cong.


SỐNG VÀ CHẾT

Cuộc sống, các bác ạ,
Ừ, phù du, tạm thời.
Nhưng một khi đã sống
Thì hãy cố làm người.

Sống cho người ta trọng.
Chết cho người ta thương.
Ông cha đã dạy thế
Về luân lý đạo thường.

Cả những người dũng cảm
Cũng có một chút hèn.
Hèn không phải tội lỗi,
Vậy cố mà thắng hèn.

Sợ, có nhiều cái sợ.
Nhưng nếu ngẩng cao đầu,
Nhìn xuống, ta sẽ thấy
Cũng không sợ lắm đâu.

Chỉ một lần được sống.
Chết cũng chỉ một lần.
Quan trọng là phải cố
Để chỉ chết một lần.


BẬN

Anh làm nghề cày ruộng,
Thì sáng phải ra đồng.
Không thể nói: Tôi bận.
Vì anh là nhà nông.

Là công nhân, tương tự,
Đến giờ, ra công trường.
Không thể nói: Tôi bận.
Vì làm mới có lương.

Tôi, văn thơ là nghiệp.
Nhiều hôm mệt vật vờ.
Nhưng viết vẫn phải viết.
Vì tôi là nhà thơ.

Thế mà nhiều bác trẻ
“Bận, chẳng còn lúc nào
Để bình tĩnh đọc sách”.
Đúng là thật tầm phào.

Tuổi trẻ là tuổi học.
Đọc sách mới thành người.
Chỉ việc ăn và học,
Thế mà bận, ôi trời.

Đọc sách cần lắm đấy.
Cần ngang bằng học thi.
Đọc sách, học mới giỏi.
Tin hay không thì tùy.


LUẬT QUỐC SĨ

Xin hỏi ông nhà nước,
Ông có biết gần đây
Ra nước ngoài, người Việt,
Bị khinh và tẩy chay?

Nhà hàng treo biển báo,
Triển lãm không cho vào,
Siêu thị nhắc cảnh giác…
Như thế là thế nào?

Nhà nước là quản lý,
Thì phải giáo dục dân.
Giáo dục cái tử tế,
Cơ bản và thực cần.

Dân không tốt, không xấu.
Dân thì gian, thích tiền.
Nhưng để đến mức ấy,
Thì lỗi do chính quyền.

Hãy ban Luật Quốc Sĩ.
Có muộn cũng không sao.
Bắt đầu trị theo luật
Từ các quan cấp cao.


TIẾC

Tiếc, giờ nhiều người trẻ
Thích chạy theo đồng tiền.
Họ “biết sống”, khôn lắm.
Cái khôn của người hèn.

Trên Phây thì rất oách.
Phải nói hoành tá tràng.
Nhưng trong đời sống thực,
Hóa ra chỉ nhàng nhàng.

Nhàng nhàng cái dũng khí.
Nhàng nhàng cái tư duy.
Chỉ giỏi cái nói phét,
Mà nói phét cực kỳ.

Thờ ơ với thời cuộc.
Thờ ơ với bất công.
Không thèm biết văn hóa
Và lịch sử cha ông.

Chỉ có việc ăn học,
Mà học dốt, thật buồn.
Nhiều đứa giờ thế đấy,
Lớn mà bé cỏn con.


NĂM TRĂM TRIỆU

Cái nước ta thật lạ.
Công an là một nghề,
Vất vả và nguy hiểm,
Còn bị nhiều người chê.

Những tưởng không ai muốn
Vào làm cái nghề này.
Nghề vất vả, nguy hiểm,
Dễ bỏ mạng có ngày.

Vậy mà nhiều người muốn.
Các bác có tin không,
Đến mức nhờ thi hộ,
Giá năm trăm triệu đồng.

Để làm gì? Đơn giản
Chỉ được ra đứng đường,
Được điều tra gì đó…
Quả là chuyện khác thường.

Hay nghề này vất vả,
Nguy hiểm, còn bị chê,
Lương cao, bổng lộc lớn,
Thậm chí có màu mè?

Quả thật tôi không biết.
Tôi chỉ biết một khi
Bỏ ra năm trăm triệu,
Họ biết phải làm gì.


BẢY CÁCH BỐ THÍ CỦA NGƯỜI NGHÈO

Một người nọ hỏi Phật:
“Vì sao con luôn nghèo?”
Ngài đáp: “Vì đơn giản,
Con chưa bố thí nhiều.


“Bạch Ngài, con thực sự
Không có gì để cho,
Đúng thế, không gì cả,
Ngoài đói khổ, buồn lo.”

“Ta tin lời con nói.
Nhưng có bảy cái này
Con có thể bố thí,
Mà bố thí hàng ngày.

                   Thứ nhất là Nhan Thí,
Tức bố thí nụ cười.
Thứ hai là Ngôn Thí,
Là nói đẹp với người.

Thứ ba là Tâm Thí,
Tức bố thí tấm lòng.
Thứ tư là Nhãn Thí,
Tức cái nhìn cảm thông.

Thứ năm là Thân Thí,
Bố thí việc ân tình.
Thứ sáu là Tọa Thí,
Nhường chỗ ngồi của mình.

Thứ bảy là Phòng Thí,
Dạng bố thí cuối cùng,
Khi con cho người khác
Tình Yêu và Bao Dung.”


SƯỚNG

Sáng ngủ dậy, một bác
Nhắn tin: Cảm ơn thầy.
Thằng cu con nhà cháu
Giờ đọc sách suốt ngày.

Đọc truyện thơ cổ tích
Thầy viết cho trẻ con.
Đọc Việt Nam Quốc Sử,
Đọc lén cả châm ngôn.

Giờ cu cậu, mừng quá,
Không lêu lổng, không game.
Cứ chúi mũi đọc sách,
Hoạt hình cũng không xem.

Còn nằng nặc đòi mẹ
Đưa đến nhà ông ngay,
Để ông cho sờ rốn.
Lần nữa cảm ơn thầy.

*
Cái số tôi may mắn
Và sung sướng đủ bề.
Nhưng phải nói sướng nhất
Là tin này, xin thề!

Trẻ con ham đọc sách
Là dấu hiệu tuyệt vời
Rằng không sớm thì muộn
Sẽ thành công, thành người.

Vậy mua sách cho chúng,
Cũng không đáng là bao.
Tôi có mòn tí rốn,
Cũng chịu được, không sao.


HAI ĐÔ-LA MỘT GIỜ

Có một ông bố nọ,
Hàng ngày đi làm về,
Lo lắng và mệt mỏi,
Khuôn mặt buồn, nặng nề.

Con ông, một cô bé
Mới chỉ học lớp hai,
Muốn đến chơi với bố,
Nhưng chỉ lén thở dài.

Một hôm, cô bé ấy
Chợt hỏi bố bất ngờ:
“Bố đi làm kiếm được
Mấy đô-la một giờ?”

Ngạc nhiên nghe con hỏi,
Đang bực mình, ông ta
Trống không, bảo đứa bé:
“Không nhiều, hai đô-la!”

“Vậy con muốn vay bố
Một đô-la được không?”
“Vớ vẩn, thôi đi ngủ!”
Rồi ông bỏ vào phòng.

Khi bình tĩnh trở lại,
Ông nghĩ con vay tiền,
Chắc muốn mua gì đó,
Nên nó mới dám phiền.

Vào phòng con, ông hỏi:
“Con vẫn chưa ngủ à?”
“Dạ chưa.” Ông lẳng lặng
Chìa một đồng đô-la.

Cô bé mừng, sáng mắt,
Rút từ chiếc ví hồng
Thêm một đô-la nữa,
Rồi cười, đưa cho ông.

“Bây giờ con thuê bố,
Với hai đô-la này
Để bố ngồi bên cạnh
Chơi với con ở đây!”


VÌ SAO PHỤ NỮ KHÓC

Một cậu bé hỏi mẹ:
“Sao mẹ khóc, mẹ yêu?”
“Vì mẹ là phụ nữ.
Phụ nữ thường khóc nhiều.”

“Con không hiểu điều ấy…”
“Ừ, con không hiểu đâu.
Nhưng đúng là như thế,
Cả giờ, cả mai sau.”

“Sao mẹ khóc hả bố?” -
Cậu bé hỏi bố mình.
“Phụ nữ ai cũng khóc.
Đấy là chuyện thường tình.”

Nhiều năm sau cậu lớn,
Thành một người đàn ông.
Câu hỏi ngày xưa ấy
Vẫn vương vấn trong lòng.

“Vì sao phụ nữ khóc?”
Cậu tự hỏi hàng ngày.
Cuối cùng, một hiền triết
Đã giải thích thế này:

“Là vì xưa, Thượng Đế
Khi tạo ra con người,
Ngài dành cho phụ nữ
Những phẩm chất tuyệt vời.

Họ có trái tim lớn
Và tình yêu bao la
Để che chở thế giới,
Mọi người và mọi nhà.

Họ có đủ sức mạnh
Để mang nặng đẻ đau.
Đủ kiên nhẫn gánh chịu
Mọi lo lắng, buồn rầu.

Hơn thế, bao vất vả
Họ nén chịu trong lòng,
Chỉ mong làm điểm tựa
Cho con và cho chồng.

Duy nhất chỉ một cái
Phụ nữ dành cho mình.
Là những giọt nước mắt,
Nóng bỏng và nặng tình.

Nếu không có nước mắt,
Không được khóc thỏa lòng,
Phụ nữ không đủ sức
Nuôi con và nuôi chồng.

Vậy, khi thấy họ khóc,
Đừng an ủi, đừng khuyên.
Cứ để họ được khóc,
Chỉ lặng lẽ ngồi bên.


KHÔNG THÈM NHÌN CHÚNG MÀY!

Các thiên thần xinh đẹp,
Chiêu đãi viên hàng không.
Tấm áo dài tha thướt,
Rực rỡ một màu hồng.

Luôn đi mây về gió.
Nụ cười luôn xinh tươi.
Lịch sự và thanh thoát,
Đến tưởng không phải người.

Các thiên thần xinh đẹp,
Hãng hàng không quốc gia,
Mà mua hàng ăn cắp,
Làm ê mặt nước nhà.

Chẳng còn gì để nói.
Thế đấy cái sự đời.
Chỉ biết tự an ủi:
Thì chúng cũng là người.

Cũng tiếc, nhưng quyết định:
Đi hàng không từ nay,
Ông chỉ nhìn Mụ Vợ,
Không thèm nhìn chúng mày!


THÌ RA LÀ THẾ

Trong đống rác, con chuột
Không bao giờ nghĩ mình
Sống ở nơi bẩn thỉu,
Ngột ngạt và hôi rình.

Con cá bơi trong chậu
Không hề muốn bơi xa.
Lại càng không hề nghĩ
Về đại dương bao la.

Những con gà công nghiệp
Nghĩ chúng được tự do.
Thậm chí mỗi buổi sáng
Còn được gáy o o.

À, thì ra là thế.
Bị giam giữ lâu ngày,
Cả con người, con vật
Tự quen với điều này.

Và rồi, không ai bắt,
Cả con vật, con người,
Nhẫn nhục làm nô lệ,
Tình nguyện và suốt đời.


DÂN

Cũng phải nói: Đôi lúc
Chính quyền sai đã đành,
Nhưng dân cũng ghê gớm,
Khó mà gọi dân lành.

Thì các cụ đã nói,
Quan tham, dân thì gian.
Nhiều bác dân gian lắm.
Điều ấy khỏi phải bàn.

Chủ trương nhà nước đúng,
Hợp lý và hợp tình,
Thế mà chống, tìm cách
Vơ cái lợi cho mình.

Biết trước nhà giải tỏa,
Vờ trồng cây, xây tường,
Rồi chây ì, kiện cáo
Để tăng tiền bồi thường.

Dân nước nào cũng thế.
Ta chẳng xấu hơn ai.
Vấn đề là pháp luật
Phải nghiêm minh đúng sai.

Thông cảm với nhà nước.
Quả đúng nhiều dân oan.
Nhưng trong nhiều vụ việc
Cũng có cả dân gian.


Ý NGUYỆN TOÀN DÂN

Có một ông quan lớn
Phát một câu giật gân:
“Tổ chức ASIAD
Là ý nguyện toàn dân!”

Cái câu “toàn dân” ấy
Nghe cũng hơn quen quen.
Nó nằm im đâu đó.
Cần thì lại moi lên.

Vin vào “ý nguyện” ấy,
Quan làm cái quan cần.
Khi chán, không làm nữa,
Cũng “ý nguyện toàn dân”.

Mà dân, của đáng tội,
Bận tối mặt tối mày,
Cũng chẳng ai thèm hỏi
Thế nọ hoặc thế này.

Trót hứa ASIAD,
Ừ thì làm, chứ sao.
So với nhiều cái khác
Cũng chẳng tốn là bao.

Ăn chơi phải đau đớn.
Tổ chức cái thằng này,
Phí phạm đâu chưa biết,
Nhưng cũng có cái hay.

Một, nở mày nở mặt.
Hai, rằng ta cũng oai.
Ba, là dịp quảng bá
Nem rán và áo dài.

Âu cũng là bài học:
Phải suy nghĩ kỹ càng.
Đừng tớn lên quyết định,
Để rồi sau bẽ bàng.


TƯ CÁCH

Một người sống trên gác
Sơ ý để chậu hoa,
Từ tầng năm rơi xuống,
Đúng ô tô người ta.

Chỉ duy nhất người ấy
Có chậu hoa bằng sành.
Thế mà hỏi nhất định,
Bảo không phải của mình.

Sự việc chỉ có thế.
Không bắt được quả tang,
Nên cuối cùng vụ ấy
Thế là hòa cả làng.

*
Chuyện thường ngày ở huyện.
Nhưng tôi viết ra đây,
Để gửi một thông điệp
Rất đơn giản thế này:

Rằng thường những người ấy,
Người biết lỗi của mình,
Mà lại chối đây đẩy,
Thậm chí còn bất bình,

Là người tư cách nhỏ,
Rất thấp hèn, vậy mà
Họ lại luôn nghĩ họ
Tốt, trung thực hơn ta.


ĐÔI LỜI BỘC BẠCH

Thực ra cái tôi viết
Về “lề trái”, “lề dân”
Các bác đã biết tỏng,
Có khi gấp nhiều lần.

Chẳng qua tôi có chữ,
Lại trót biết làm thơ,
Nên Biết thì nói hộ
Cho bà con được nhờ.

Là vì tôi không viết
Thì còn trông chờ ai?
Các nhà thơ giải thưởng
Bận chém gió trên đài.

Được dân nuôi khôn lớn,
Cho đi học nên người,
Thì nay tôi trả nghĩa.
Âu cũng hợp luật đời.


LẠI BỘC BẠCH

Tôi là người thẳng thắn,
Trung thực và phân minh,
Cả trong lời nhận xét,
Khen ngợi hay phê bình.

Cái gì đúng khen đúng.
Cái gì sai chê sai.
Cũng có thể đôi lúc
Tôi nhầm nên chê sai.

Sai thì tôi xin lỗi.
Tôi cũng chỉ là người.
Miễn là nói xây dựng,
Không xỏ xiên hại người.

Xưa nay đảng, chính phủ
Làm được nhiều điều hay.
Thì tôi vẫn luôn viết
Khen về những điều này.

Tiếc là chưa nhiều lắm.
Ừ, chưa được bao nhiêu.
Tiếc những cái chưa tốt
Quả thật đang còn nhiều.

Thành ra có cảm giác
Tôi thích chê, tớn lên.
Không, tôi luôn mong đợi,
Tìm cái hay để khen.


ĐÓNG CỬA BẢO NHAU

Ngẫm, nước ta cũng lạ.
Nhiều vụ lớn, tầy đình
Được đưa ra ánh sáng,
Gây bức xúc dân tình.

Cả “lề dân”, “lề đảng”
Đều phản ứng gắt gay.
Thậm chí nhà chức trách
Hứa “làm” những vụ này.

Nhưng hứa thì cứ hứa,
Mà im thì cứ im.
Lâu ngày phân thành đất,
Rồi lãng quên, rồi chìm.

Coi như chưa hề có
Những vụ ấy tầy đình
Được đưa ra ánh sáng,
Gây bức xúc dân tình.

Chỉ quan có tiếng nói.
Nhà nước có báo đài.
Dân thấp cổ bé họng,
Chỉ còn biết thở dài:

Chắc là mấy ông lớn
Đang đóng cửa bảo nhau.
Sai thì đúng sai thật,
Thôi, rút kinh nghiệm sau.


LỦI THỦI

Sáng, lủi thủi tỉnh dậy.
Lủi thủi làm vệ sinh.
Lủi thủi nấu mì sợi.
Lủi thủi ăn một mình.

Xong, lủi thủi ngồi viết,
Rồi lủi thủi lên Phây.
Ngồi lù lù một đống.
Im lặng suốt cả ngày.

Không ai muốn lủi thủi,
Không ai muốn một mình.
Nhưng cần phải lủi thủi,
Thì lủi thủi một mình.

Ấy, đừng thương tôi nhé.
Tôi thích sống kiểu này.
Làm được rất nhiều việc.
Một cách sống rất hay.

Ai muốn làm việc lớn,
Nên học sống như thôi.
Lại tránh được nhiều chuyện
Phiền hà và lôi thôi.


CÂY ĐÀN CỦA PA-GA-NI-NI

1
Có truyền thuyết, cũng đẹp,
Nhưng rờn rợn, ly kỳ
Về nghệ sĩ vĩ đại -
Nic Pa-ga-ni-ni.

Về việc người nghệ sĩ
Đã ký bản hợp đồng
Bán linh hồn cho quỉ,
Lấy đàn vi-ô-lông.

Nhiều người, tính nghi hoặc,
Như Henrich Heine,
Mà cũng tin vào nó.
Tin đến tận bây giờ.

Chuyện kể rằng ngày ấy
Chàng trai Ni-cô-lô,
Một thần đồng âm nhạc
Luôn túng quẫn, buồn lo.

Sau một chuỗi thất bại,
Chàng quyết định lên đường,
Bỏ Venice nước Ý
Đến Thành Viên, “thiên đường”.

Tiếc là “thiên đường’’ ấy
Đón chàng không mặn nồng.
Chàng vào các quán rượu
Chơi đàn vi-ô-lông.

Vì quần áo sờn cũ,
Vì chiếc đàn quá tồi,
Các quán rượu chán nản,
Đuổi chàng đi, và rồi

Chàng lang thang dọc phố
Với cái bụng đói meo,
Chơi đàn xin bố thí,
Chủ yếu của người nghèo.

Thật ê chề, nhục nhã,
Nhục nhã và ê chề.
Chàng đã phải chịu đựng
Những ngày buồn lê thê.

Và rồi đêm ấy đến,
Đêm hai mươi tháng Mười.
Trời bỗng dưng mưa lớn,
Bùn bẩn bám đầy người,

Chàng bước vào quán rượu,
Người ta đuổi ra ngay,
Vì áo quần ướt sũng,
Vì nước từ đôi giày.

Các quán sau cũng thế.
Tịnh không một quán nào
Cho chàng vào biểu diễn,
Mà không nói vì sao.

Đêm hôm ấy, bụng đói,
Chàng lết thết về nhà,
Leo lên căn phòng nhỏ
Trên gác xép, tầng ba.

Cởi bộ áo sũng nước,
Vứt chiếc đàn ba xu,
Chàng nằm vật xuống đất,
Ôm mặt khóc hu hu.

“Minh chỉ cần bộ cánh,
Một chiếc đàn ra đàn,
Và một dịp may nhỏ,
Lập tức cả thế gian

Sẽ nghiêng mình kính phục
Trước Pa-ga-ni-ni.
Chỉ cần ba điều ấy,
Ngoài ra không cần gì.”

Rồi trong cơn tuyệt vọng,
Chàng kêu to: “Quỉ đâu?
Quỉ dữ đâu, hãy tới,
Đừng bắt ta chờ lâu.

Ta sẵn sàng đánh đổi,
Không mặc cả dài dòng,
Linh hồn ta bất tử,
Lấy đàn vi-ô-lông.

Chiếc đàn tốt, hẳn thế,
Cùng một chút vận may
Và bộ quần áo đẹp.
Quỉ đâu, hãy đến ngay!”

Quỉ lập tức xuất hiện,
Không dữ dội, xấu xa,
Mà dưới dạng khiêm tốn,
Một luật sư đã già.

Tay ông cầm chiếc bút
Và cuốn sổ hợp đồng.
“Xin mời ngài hãy ký.
Sẽ có vi-ô-lông.”

Không một phút do dự,
Trên tờ giấy màu ngà,
Chàng chấm mực rồi ký,
Trong khi quỉ, ông già,

Lấy ra từ túi áo
Chiếc hộp đàn màu đen
Bọc da trâu đã cũ,
Sờn bạc cả bốn bên.

Chàng run run, cúi xuống
Mở hộp đàn, lặng người
Trước vẻ đẹp thần thánh
Của chiếc đàn tuyệt vời.

Cân đối và hoàn mĩ
Như cơ thể đàn bà,
Chiếc đàn thật cũ thật đẹp,
Thanh mảnh và hài hòa.

Chàng cầm lên chơi thử,
Quên mọi chuyện trên đời
Ông luật sư vừa khóc
Vừa ngồi nghe chàng chơi.

Chàng chơi xong, ông nói:
“Đúng là một thiên tài.
Không phí chiếc đàn quí.
Chúc thành công, thưa ngài.

Tuy nhiên, xin báo trước:
Ngài sẽ có mọi điều.
Tất cả, trừ tình bạn,
Hạnh phúc và tình yêu.

Nghệ thuật luôn có giá.
Mà cái giá thường cao.
Thưa nghệ sĩ vĩ đại,
Xin phép được cúi chào.”

*
Sáng hôm sau, không hẹn
Mấy thợ may hoàng gia
Đến xin đo, may áo,
Không phải một, mà ba.

Rồi một tuần sau đó,
Thái tử Đờ Gui-ông
Mở cuộc thi âm nhạc
Dành cho vi-ô-lông.

Trong bộ cánh vừa vặn
Cùng chiếc đàn diệu kỳ,
Chàng Nic không tên tuổi
Đã đứng đầu cuộc thi.

Với tiếng đàn “ma quỉ”,
Kỹ thuật chơi tuyệt vời,
Chàng thành ngôi sao sáng
Đứng một mình giữa trời.

Vì chưa ai có thể,
Cả xưa và cả nay,
Dù cố gắng đến mấy,
Đạt đến tầm cao này.

Thế mà chàng, thật tiếc,
Lại bất hạnh cực kỳ.
Chưa ai bất hạnh thế,
Như Pa-ga-ni-ni.

Chàng tham lam tiền bạc,
Keo kiệt trong chi tiêu.
Trái tim đầy ghen ghét,
Không có cả tình yêu.

Nhiều quí bà xinh đẹp
Xin sửa túi nâng khăn,
Bị thẳng tay từ chối
Với những lời cằn nhằn.

*
Suốt cả đời ky cóp
Được một núi vàng ròng,
Thì đến lúc ông chết,
Đúng như trong hợp đồng.

Ông già luật sư nọ
Đến lặng lẽ ngồi bên:
“Tôi cảm ơn ngài lắm
Vì tiếng nhạc thần tiên.

Tiếc là tôi không thể
Giúp được gì cho ngài.
Tôi tài hèn, sức mọn,
Chỉ là quỉ thừa sai.”

“Không sao, - nghệ sĩ đáp.
Tôi không trách gì ông.
Ít ra, trong nghệ thuật,
Tôi đã rất hài lòng.

Nghệ thuật luôn có giá.
Ông nói thế, tất nhiên.
Và các ông đã bắt
Tôi thành một người điên”.

*
Hôm sau người ta thấy
Nghệ sĩ đã qua đời.
Khuôn mặt ông phảng phất
Mãn nguyện một nụ cười.

Còn chiếc đàn kỳ diệu,
Đàn của quỉ, về sau,
Dù cất công tìm kiếm,
Không ai tìm thấy đâu.

2
Truyền thuyết là truyền thuyết.
Sự thật là thế này.
Chiếc đàn “ma quỉ” ấy
Còn giữ đến ngày nay.

Một doanh nhân giàu có
Tặng Pa-ga-ni-ni
Một chiếc đàn mang hiệu
“Gesù Guarneri”.

Ông nghĩ: Đáng chơi nó
Đời này không có ai,
Ngoài người ông muốn tặng,
Một nghệ sĩ thiên tài.

Đó là chiếc đàn quí
Có âm thanh tuyệt vời
Mà nghệ sĩ vĩ đại
Đã chơi nó suốt đời.

Ông trìu mến gọi nó
Bằng cái tên “Canon”,
Hoặc “Guarnerius”,
Một cây đàn có hồn.

Khi nằm trên giường bệnh,
Trước giây phút băng hà,
Ông quyết định tặng nó
Cho thành phố Genoa.

Chiếc đàn được lưu giữ
Trong một viện bảo tàng.
Là tài sản vô giá,
Giữ hơn cả giữ vàng.

Hàng tháng nó đều đặn
Được mời người đến chơi,
Để tiếng và âm sắc
Vẫn ở mức tuyệt vời.

Những người đoạt giải nhất
Cuộc thi vi-ô- lông
Được quyền mượn, biểu diễn
Chiếc đàn này của ông.

Trong trường hợp đặc biệt,
Phải mang ra nước ngoài,
Thì bảo hiểm tiền tỉ,
Lính canh gác trong ngoài.

Tôi cũng mê âm nhạc,
Chỉ mong ước có ngày
Được tận mắt nhìn thấy
Và nghe tiếng đàn này.


PAGANINI

Một nghệ sĩ vĩ đại,
Chơi đàn vi-ô-lông,
Ở thế kỷ mười chín,
Chưa có ai hơn ông.

Nghệ sĩ vĩ đại ấy
Là Paganini
Một lần cùng dàn nhạc
Chơi nhạc Vivaldi.

Đang say sưa, bất chợt,
Đúng vào lúc cao trào,
Một dây đàn bị đứt.
Giờ biết tính làm sao?

Dù bất ngờ, choáng váng,
Ông vẫn tiếp tục chơi
Trên ba dây còn lại.
Tiếng đàn vẫn tuyệt vời.

Thật oái oăm, sau đó
Đứt thêm dây thứ hai.
Dây thứ ba cũng đứt.
Mà bản nhạc còn dài.

Người nghệ sĩ vĩ đại,
Trên dây cuối, dây SOL,
Đã chơi hết bản nhạc
Với vẻ đẹp mê hồn.

Cả nhà hát chết lặng.
Các nhạc công nhìn nhau.
Nhiều người ôm mặt khóc.
Nhạc trưởng cúi thấp đầu.

Bằng nghị lực vĩ đại,
Ông, Paganini,
Chỉ một dây duy nhất,
Chơi nhạc Vivaldi.

Mà chơi rất điệu nghệ,
Vâng, chỉ trên một dây.
Nhờ quyết tâm vĩ đại
Mới làm được điều này.

PS
Cuộc đời ta đang sống
Khó khăn nhiều, rất nhiều.
Thường thì ta than vãn
Mà quên mất một điều,

Rằng trong ta thực sự
Có hàng trăm dây đàn,
Nhiều khả năng tiềm ẩn,
Chưa khai thác một lần.

Một vài dây bị đứt
Thực ra chẳng hề gì.
Gặp khó khăn, hãy cố
Như Paganini.


THỪA VÀ THIẾU

Dẫu không giàu, đôi lúc
Đưa mắt nhìn quanh ta,
Giật mình, ta chợt thấy
Đồ đạc chất đầy nhà.

Dàn nghe đời mới nhất.
Băng đĩa một tủ đầy.
Thế mà dàn và đĩa
Để lâu bụi bám đầy.

Sách bìa đẹp, giấy tốt,
Cả một đống chất cao.
Toàn tác giả nổi tiếng,
Mà chưa đọc cuốn nào.

Quần áo đúng hai tủ.
Mua mất nửa núi tiền.
Nhiều cái mua, để đấy,
Rồi quên mấy năm liền.

Ipad rồi laptop
Chỉ để ta hàng ngày
Chơi game như con nít
Hay lớt phớt trên Phây.

Trong khi, quan trọng nhất
Là kiến thức, thì ta
Để bác Google đợi,
Đợi mãi chẳng thấy tra.

Tóm lại, ta thế đấy.
Đồ đạc thì có nhiều,
Mà quyết tâm, nghị lực
Lại không có bao nhiêu.

Ta, cái gì cũng có,
Thế mà rồi nhiều khi
Ta kêu ta “bế tắc”
Và “không biết làm gì”.

Vì ta thừa bệnh sĩ,
Nhất quyết không thua người.
Mà thiếu cái nghiêm túc
Để tu dưỡng thành người.


MƯỜI SÁU TỈ ĐÔ LA

Ủy viên Bộ chính trị
Của “nước bạn” Trung Hoa
Có tài sản trị giá
Mười sáu tỉ đô-la.

Ủy viên cái Bộ ấy
Tên là Chu Vĩnh Khang.
Mười sáu tỉ đô ấy
Đã gây sốc, bàng hoàng.

Tôi đang cà phê sáng,
Kiểu tự uống, tự pha.
Buồn và vui lẫn lộn.
Nghĩ về “bạn”, về ta.

*
Ở Trung Quốc là thế.
Còn ta thì thế nào?
Đều chủ nghĩa xã hội,
Đều quan Bộ, cấp cao.

Bác Tập Cận Bình được,
Dám ra đòn mạnh tay.
Bác Trọng thì sao nhỉ,
Bao giờ oánh thế này?

Chắc quan ta tài sản
Cũng tiền tỉ đô la.
Vấn đề là ở chỗ
Bao giờ được khui ra?


BÀI HÁT VỀ ĐẤT NƯỚC TÔI

1
Đất nước ta, tốt xấu,
Vẫn là đất nước ta.
Chúng ta được thừa hưởng
Từ tổ tiên, ông bà.

Mỗi tấc đất yêu quí
Thấm đẫm máu, mồ hôi.
Và mỗi tấc đất ấy
Là của bạn và tôi.

Điệp khúc:

Nên giận thì cứ giận,
Mà thương thì vẫn thương
Hãy chung tay góp sức
Để đất nước hùng cường.

2
Như cuộc chạy tiếp sức,
Chúng ta sống hôm nay,
Hãy bảo vệ đất nước
Cho thế hệ sau này.

Đất nước đang gian khó.
Lại thọ địch bốn bề,
Hãy tạm gác thù hận,
Tăng làm và bớt chê.

Điệp khúc:

Nên giận thì cứ giận,
Mà thương thì vẫn thương.
Hãy chung tay góp sức
Để đất nước hùng cường.

3
Chúng ta, dân Đại Việt,
Luôn biết ngẩng cao đầu.
Quan trọng là khí tiết,
Không chỉ nghèo hay giàu.

Hãy kiêu hãnh tuyên bố:
“Tôi là người Việt Nam!”
Qua những lời nói đẹp.
Tốt đẹp cả việc làm.

Điệp khúc:

Nên giận thì cứ giận,
Mà thương vẫn cứ thương.
Hãy chúng tay, góp sức
Để đất nước hùng cường.


ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU

Đất lành thì chim đậu.
Việc hay thì người làm.
Khi đất nước thống nhất,
Chim bay vào phương Nam.

Người miền Nam giàu có,
Cùng anh em, đồng bào,
Đã nhường nhà, nhường đất
Cho người miền Bắc vào.

Đổi lại, người miền Bắc,
Mang theo món chó mèo
Cùng thói ăn trộm chó
Của người anh em nghèo.

Cùng rất nhiều khẩu hiệu,
Và các kiểu thi đua.
Cũng may chưa mang nốt
Cái lạnh và gió mùa.

Đất lành thì chim đậu.
Việc hay thì người làm.
Tự nhiên nghĩ vơ vẩn
Về miền Bắc, miền Nam.

Tự nhiên buồn mới lạ
Mà chẳng biết vì sao.
Tôi, con chim miền Bắc,
Sắp sửa cũng bay vào.


NHỤC

Mấy cái đứa mất dạy.
Đi sang nước người ta
Còn dở trò ăn cắp,
Mất quốc thể nước nhà.

Còn chuyện ăn tự chọn -
Xúc một đống lù lù,
Ăn thừa mứa không hết,
Thì chỉ vì do ngu.

Đã ngu dốt không biết,
Thì lặng lẽ học người.
Học cách ăn, cách uống,
Đi đứng và nói cười.

Ở nước mình, ăn cắp
Đã nhục nhã lắm rồi.
Sang nước người ăn cắp
Là nhục nhã gấp đôi.

Để bây giờ, sướng nhé -
Nó treo biển đề phòng.
Khinh người Việt như chó.
Chúng mày thấy nhục không?

Đúng là nhục, nhục lắm.
Cái nhục không riêng ai.
Đến mức người tử tế
Không muốn ra nước ngoài.

Quốc thể là trên hết.
Hãy luôn nhớ điều này.
Người Việt trọng danh dự.
Thế mà bọn chúng mày…


EINSTEIN VÀ CHAPLIN

Nghe nói một lần nọ,
Thiên tài Einstein
Cúi đầu chào cung kính
Ông vua hài Chaplin:

“Tôi kính phục ông nhất,
Rằng ông chẳng nói gì.
Thế mà cả thế giới
Lại hiểu ông cực kỳ.”

Chaplin lễ phép đáp:
“Cả thế giới hết lòng
Ngưỡng mộ ông, ông biết,
Dù không ai hiểu ông.”



QUẢNG BÁ VĂN HÓA VÀ DU LỊCH

“Bốn nghìn năm văn hiến
Có thể chia làm hai:
Hai nghìn năm nem rán,
Hai nghìn năm áo dài.”

Một Friend viết thế
Về cái cách chúng ta
Quảng bá về văn hóa
Và du lịch nước nhà.

Mà bác ấy nói đúng.
Quẩn quanh vẫn chỉ hai.
Hết giới thiệu nem rán,
Lại giới thiệu áo dài.

Thỉnh thoảng thêm tiếng sao,
Tính tang tiếng đàn bầu.
Quảng bá mà kiểu ấy,
Thì thành công - còn lâu.


BIẾT ƠN

Có một cái rất hiếm.
Đó là lòng biết ơn.
Và đấy là sự thật,
Không thể nào thật hơn.

Ai đó được ai đó
Giúp, biết ơn chân thành.
Nhưng lại quên, thật tiếc,
Hồn nhiên và rất nhanh.

Là vì cái cảm giác
Biết ơn người giúp mình
Không phải quà trời tặng,
Ai cũng có lúc sinh.

Ngược lại, muốn có nó,
Tức là lòng biết ơn,
Cũng phải học, khó lắm.
Không có gì khó hơn.


NƯỚC NGA

Anh dựa vào sức mạnh
Để chiếm đất người ta,
Thì đó là xâm lược.
Kẻ xâm lược là Nga.

Bất chấp cả thế giới
Đang lên án, vững tin,
Vẫn trâng tráo làm tới,
Đó là ông Putin.

Bị quốc tế cô lập,
Độc tài, maphia,
Rồi nghèo đói… và đó
Là tương lai nước Nga.

Qua rồi thời nước lớn
Muốn làm gì thì làm.
Tôi lên tiếng phẫn nộ.
Tôi, một người Việt Nam.

Tôi yêu nước Nga cũ
Của thi hào Puskin.
Không yêu nước Nga mới
Của cái ông Putin.


NHÀ VĂN HÓA

Xây Cái Nhà Văn Hóa
Ở một xã diện nghèo.
Nhà chỉ hai mươi mét,
Tức là bé tẻo teo.

Tường chỉ là tường gạch.
Mái bằng tôn, màu hồng.
Thế mà xây dựng nó
Tốn ba trăm triệu đồng.

Mời các bác xây dựng
Góp ý về giá thành.
Kẻo rồi mang tiếng xấu
Cho quan xã nước mình.

Quan nhỏ tham nhũng nhỏ.
Quan to tham nhũng to.
Giờ nước ta thế đấy.
Không thể không thấy lo.

*
Câu chuyện này có thật,
Ở một huyện Sài Gòn.
Tôi đã thấy “nhà” ấy.
Đúng là bé cỏn con.

Nhưng vấn đề thì lớn,
Và nghiêm trọng vô cùng:
Ở ta, nạn tham nhũng
Đã đến mức điên khùng.


UNG NHỌT XÃ HỘI

Xưa nay không lạ lắm
Chuyện giết nhau vì tình.
Đáng lạ và đáng sợ
Là gần đây nước mình

Liên tục có nhiều vụ
Con trai giết người yêu,
Đơn giản vì cô gái
Từ chối không muốn “chiều”.

Giết bằng đâm nhiều nhát,
Tẩm đốt, dìm xuống sông…
Giết một cách đơn giản.
Ngẫm mà thật đau lòng.

Người giết còn trẻ lắm,
Có văn hóa, đoàn viên,
Cũng “học tập”, “tu dưỡng”.
Nhiều đứa mặt cũng hiền.

Đó là sự xuống cấp
Của đạo đức nước nhà.
Mà ung nhọt ác tính
Đã bắt đầu lộ ra.


CHẮC PHẢI OAN ỨC LẮM

Khi một người phụ nữ
Tự cởi truồng, ban ngày,
Để giữ đất, thì đó
Là lỗi của ai đây?

Sao đến nông nỗi ấy?
Chuyện gì đang xẩy ra?
Các bác có ai thấy
Nước nào như nước ta?

Chắc phải oan ức lắm.
Chắc phát điên, nên bà
Mới dí thẳng “cái ấy”
Vào mặt thằng đại gia.

PS
Xin lỗi các bác nữ.
Cái ấy quá tuyệt vời,
Mà dí vào mặt chúng,
Thì hơi phí của trời.


PHƯƠNG CHÂM SỐNG

Ở đời, không nhất thiết
Cứ phải hơn người ta.
Mà hãy cố sống tốt,
Hôm nay hơn hôm qua.

Đó là phương châm sống
Tôi muốn khuyên mọi người.
Đơn giản, cố sống tốt,
Cho mình và cho đời.


TRUYỆN CỔ BA TƯ

Có một anh chàng nọ,
Lấy vợ được mấy ngày,
Đã than trách với bạn
Cái số mình không may:

“Sướng không biết đường sướng.
Đang được sống tự do,
Lại ngu ngốc lấy vợ,
Lấy cái buồn, cái lo.

Phải quần quật làm việc,
Phải gồng mình suốt ngày,
Hệt như phần nửa dưới
Của một chiếc cối xay!”

Có ông già đứng cạnh,
Vô tình nghe anh ta,
Mới nhẹ nhàng lên tiếng:
“Thì đời vẫn thế mà.

Có khổ mới có sướng.
Nửa dưới khổ, tất nhiên.
Nhưng buổi tối, bù lại,
Anh được làm nửa trên.”

*
Câu chuyện này triết lý,
Dí dỏm, không nặng nề,
Tôi khuyên các bà vợ
Đêm đọc cho chồng nghe.

Sướng không biết đường sướng.
Chưa gì đã kêu rên.
Ban ngày khổ, nửa dưới,
Thì đêm sướng, nửa trên.


TUỔI SINH VIÊN

Cái tuổi sinh viên đẹp.
Thật đẹp tuổi sinh viên.
Lớn mà như con nít.
Vừa khôn vừa điên điên.

Học thì suốt cả tháng
Lửng lơ con cá vàng.
Đến kỳ thi, vắt cổ
Chạy cả anh cả nàng.

Suốt cả tuần nhịn đói,
Góp tiền mời nhau ăn.
Rồi sau đó túi rỗng,
Lại nhịn suốt cả tuần.

Đến yêu cũng chẳng biết
Mình có yêu hay không.
Chỉ thấy có gì đấy
Hơi là lạ trong lòng.

Buồn cười và nhí nhố,
Tuổi thơ mộng sinh viên.
Cái tuổi ấy đẹp lắm.
Đừng để nó vấy đen.

Vì cái tuổi nhí nhố,
Mơ mộng và buồn cười,
Rất tiếc, ta chỉ có
Một lần trong cả đời.


LUYỆN THÀNH NGƯỜI TỬ TẾ

Muốn nói tiếng Anh giỏi,
Thì phải học hàng ngày.
Muốn tiếng đàn điêu luyện,
Thì phải tập luôn tay.

Ai cũng biết như vậy,
Nhưng không biết một điều,
Rằng muốn thành người tốt,
Cũng phải luyện rất nhiều.

Muốn mình không nói dối,
Thì phải nhớ hàng ngày
Nhắc mình không nói dối.
Nói dối là không hay.

Muốn không thành con nghiện
Bia rượu hoặc lô đề,
Phải nhớ hai cái ấy
Là cái chết cận kề.

Trước khi nghĩ điều ác
Hay làm việc xấu xa,
Hãy nhớ Luật Nhân Quả
Và lời của Thích Ca.

Để thành người tử tế,
Phải thường xuyên răn mình,
Tránh xa điều tội lỗi,
Thấp hèn và đáng khinh.

Mỗi tối, trước khi ngủ
Phải điểm lại trong ngày
Có điều gì chưa tốt
Để mai tránh. Cách này

Sẽ giúp ta rèn luyện
Để thành tốt dần dần.
Sớm muộn, chẳng mấy chốc
Ta sẽ thành thánh nhân.

Nhưng cũng khó lắm đấy.
Khó hơn học tiếng Anh.
Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn,
Rồi khó mấy cũng thành.


LIÊM SỈ

Một đồng nghiệp, hôm nọ
Gặp tôi, cố mỉm cười:
“Bác viết thơ trúng lắm,
Nói hộ rất nhiều người!”

Đồng nghiệp ấy tôi biết
Là hạng người thế nào,
Nên đã không buồn đáp,
Chỉ nói một tiếng “Chào”.

Nhưng bụng thì lại nghĩ:
“Tiên sư cái lão này,
Mình có bút, có lưỡi
Mà nhờ người nói thay.

Chỗ cùng thuyền, cùng hội,
Chào nhau là được rồi.
Nếu ông có liêm sỉ,
Đừng nhìn vào mắt tôi.”


BÀI HỌC VỀ ĂN HỐI LỘ

Sau vụ ăn của đút
Ở đường sắt, quan ta
Sẽ tự rút bài học
Để ăn tiếp, đó là:

Ăn của Tây khó lắm,
Vì luật chúng nghiêm minh.
Sớm muộn rồi cũng lộ.
Ăn của ta cho lành.

Còn nhiều “quả đấm thép”
Mà xốp nhẹ như bông.
Bớt xén vài trăm tỉ,
Họp kiểm điểm là xong.

Hơn thế, ăn “quả đấm”
Là ăn tiền của dân.
Tiền dân không ai xót,
Không biết đâu mà lần.

Thế là ngon, mọi chuyện
Được giải quyết nhẹ nhàng.
Vụ việc sẽ chấm dứt,
Và rồi - hòa cả làng.


TỚ GHÉT BỌN GIẢ DỐI

“Tớ ghét bọn giả dối,
Bọn tráo trở, gian tham.
Bọn lười biếng, keo kiệt.
Bọn nói nhiều, ít làm…”

Những tính cách thật tốt,
Những câu nói thật hay,
Ta nghe nhiều người nói,
Mà gần như hàng ngày.

Bằng cách nói như thế,
Họ hàm ý rằng mình
Là những người tử tế,
Liêm khiết và công minh.

Tiếc là không phải vậy,
Trong họ, không ít người
Giả dối, keo, ti tiện,
Tham, tráo trở và lười.

Mà họ nói hăng lắm,
Hồn nhiên và thơ ngây,
Hoàn toàn không hề nghĩ
Mình là bọn người này.

*
Ta, con người, mắc bệnh
Chỉ trích người thì kinh,
Mà ít ai dũng cảm
Dám chỉ trích chính mình.

Thêm một nghịch lý nữa:
Thực sự tốt là người
Không lớn tiếng phê phán
Các thói xấu ở đời.


SÁNG DẬY, TỰ NHIÊN BUỒN

Trời mưa, cà phê nhạt.
Tự nhiên nhớ cháu con.
Nhớ thì nhớ, vẫn uống.
Vừa uống, vừa nghĩ buồn.

*
Chính nghĩa hay phi nghĩa
Thì vẫn là chiến tranh.
Và cái giá phải trả
Vẫn là người dân lành.

*
Mỗi lần nghe đài báo
Khen cái nọ, cái này
Là lại thấy lo lắng.
Mà lo lắng hàng ngày.

Đài báo cứ leo lẻo
Mấy câu chữ ngày xưa.
Một trăm câu chữ ấy,
Chín mươi câu chữ thừa.

Giờ có nhiều cái sợ,
Đến không dám ra ngoài.
Muốn ở nhà, khốn nỗi,
Lại sợ thằng báo đài.

*
Sao mấy thằng đế quốc
Chỉ nhằm đánh nước ta,
Mà không đánh nước khác
Cũng na ná như ta?

Mà sao bác lịch sử
Giao sứ mạng quang vinh
Cho ta đánh đế quốc
Để thế giới hòa bình?

*
Tự nhiên nghĩ vơ vẫn,
Buồn lo cho cháu con.
Cà phê vốn đã nhạt,
Giờ lại thêm vị buồn.

Mai sau thời thế đổi,
Mình có bị chửi không?
Chúng có lý để chửi:
Tiên sư thằng cha ông!


KHỦNG KHIẾP

Lớn, và thật khủng khiếp
Khi hàng triệu con người
Vì chiến tranh ly tán,
Và vĩnh viễn lìa đời.

Nhưng khủng khiếp hơn thế,
Khi người Việt chúng ta,
Những người may sống sót
Cuộc chiến tranh vừa qua,

Chợt thấy không còn nữa,
Cái tử tế, cái tình.
Đến bàng hoàng như thể
Mình mà không phải mình.


DŨNG CẢM

Những con người dũng cảm
Dám vượt lên chính mình,
Đấu tranh vì công lý
Cho đất nước, cho mình.

Họ bất chấp cái chết,
Sẵn sàng chịu tù đày.
Thật đáng khen, đáng quí
Những người dũng cảm này.

Nhưng cũng không thể trách
Những người đang lặng thinh,
Không dám nói sự thật
Vì lo sợ cho mình.

Dũng cảm như hạt giống
Nằm sâu dưới đất đen
Đang chờ mưa, chờ vụ
Để đâm chồi mọc lên.


SÀI GÒN

Trước bảy lăm, nghe nói,
Không biết có đúng không,
Rằng Sài Gòn lúc ấy
Là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Tức là nhất khu vực,
Hơn đứt Singapore.
Bangkok gọi bằng cụ,
Nói gì thằng In-đô.

Xem ảnh Sài Gòn cũ,
Vào những năm sáu mươi,
Thấy phố rộng, sạch đẹp,
Nhiều xe máy, xe hơi.

Trong khi đó Miền Bắc
Cũng vào thời gian này,
Chiếc xe đạp còn hiếm,
Nhiều những con trâu cày.

Giờ Sài Gòn nhếch nhác,
Thua đứt Singapore.
Gọi Bangkok bằng cụ.
Thua cả thằng In-đô.

Tự nhiên thương và nhớ
Hòn ngọc ấy Viễn Đông.
Sài Gòn của người khác,
Thế mà thấy chạnh lòng.

1 comment:

  1. Mời mọi người đọc blog mời. Tra google 0912375717 nhavanthaibatan.
    Trang này người ta khóa, không post được bài mới.

    ReplyDelete