Truyện ngắn.
Thái Bá Tân
Sáng thứ bảy hôm ấy trời thật đẹp. Sau
đợt rét kéo dài kèm theo những đợt mưa phùn dai dẳng ẩm ướt và khó chịu, bỗng
nhiên Hà Nội có được một ngày nắng ấm và khô ráo bất ngờ, dù trước đó người ta
dự báo không khí lạnh từ phía bắc đang tràn xuống. Có thể vì thế mà phố xá như
nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều người đã thay những chiếc áo ấm xẫm màu bằng những bộ
cánh nhẹ sặc sỡ hơn.
Nắng
ban mai yếu ớt, hoe vàng. Gió thổi nhẹ làm những cành cây cao khẽ xao động như
đang rùng mình muốn rũ sạch cái ẩm và những giọt nước nhỏ còn sót lại. Các điểm
rửa xe tấp nập người vào ra. Trên ghế đá công viên các cụ già ngồi sưởi nắng
hoặc chơi cờ. Trẻ con nô đùa bên các thảm hoa trên vỉa hè những đường phố rộng
mới mở. Có cảm giác như cả thành phố chợt bừng tỉnh sau giấc ngủ chập chờn suốt
mùa đông ảm đạm. Những tia nắng ấm đầu xuân làm mọi người bỗng thấy ngỡ ngàng,
ngây ngất. Họ bước ra phố trong cái tâm trạng ngỡ ngàng ngây ngất ấy, ngơ ngác
nhìn quanh như người từ tỉnh xa mới tới.
Giáo sư N. là một người trong số họ.
Tối qua ông ngủ muộn vì viết nốt bài báo cho tờ tạp chí khoa học. Sáng dậy, còn
nằm trong chăn, ông quyết định sẽ dành cả ngày đọc cuốn sách chuyên ngành con
gái vừa gửi từ nước ngoài về. Nhưng khi bước ra ban công để vươn vai, hít thở
một chốc như thường lệ, ông chợt hiểu dự định của ông hôm nay sẽ không thực
hiện được.
Ba
mươi phút sau, ông bước ra khỏi căn hộ tập thể mà ông thường đùa gọi là “hang
chuột”. Bây giờ ông đang đi dọc phố Nguyễn Du, chỗ giáp hồ Thiền Quang. Mặt hồ
phẳng lặng, xanh trong, dưới ánh mặt trời rực rỡ trở nên sáng loáng đến chói
mắt. Cố không suy nghĩ gì và bước thật chậm, ông dạo một vòng quanh hồ. Sau đó
ông rẽ vào một quán ca phê xinh xắn thuộc loại đắt tiền ở phố Hồ Xuân Hương,
nơi ông thong thả ăn bữa điểm tâm kèm theo một cốc vang đỏ và một điếu ba số.
Ông ít khi uống rượu nhưng thuốc thì nghiện nặng và chỉ hút Thăng Long, loại
thuốc ông hút từ lâu và thấy thích hợp nhất, cả về hương vị lẫn giá tiền. Ông
gọi hai thứ trên ở cái quán cao cấp này đơn giản vì muốn làm cái gì đó để nhấn
thêm ý nghĩa của một ngày như hôm nay, một ngày nắng đẹp, rỗi rãi mà ông tự cho
phép mình “buông thả chút ít”, và “hưởng thụ cuộc sống” như bạn bè đôi khi vẫn
nói. Rồi ông đi tiếp, ít nhiều phấn chấn hơn nhờ cốc rượu và những ý nghĩ lạc
quan về cuộc đời. Ông quay lại phố Quang Trung, qua Trần Bình Trọng rồi theo
phố Quán Sứ đi tiếp về phía Bờ Hồ.
Ông vừa qua cái tuổi sáu mươi cuối năm
ngoái, mặc dù bề ngoài trông trẻ hơn nhiều. Ba mươi năm dạy môn vật lý lý
thuyết ở một trường đại học lớn của thủ đô, ông là một nhà nghiên cứu và chuyên
gia đầu ngành có uy tín không chỉ trong mà cả ngoài nước, một nhà giáo ưu tú
được cả sinh viên lẫn đồng nghiệp kính trọng. Theo chế độ đáng lẽ ông phải nghỉ
hưu nhưng Bộ linh động điều ông về một cơ quan nghiên cứu, chủ yếu làm việc ở
nhà. Hầu như đều đặn mỗi năm một lần ông được mời đi nước ngoài tham dự các
cuộc họp hoặc hội thảo quốc tế thuộc ngành mình.
Trong
giao tiếp, ông ít nói, khiêm tốn. Dưới con mắt một số người, ông có vẻ hơi lạnh
lùng, đạo mạo mặc dù thực ra tính ông giản dị, nhiệt tình và tốt bụng. Như phần
lớn các nhà khoa học chân chính khác, ông không để ý mấy đến cuộc sống bên
ngoài mà chỉ chú tâm vào công việc. Có thể nói ông sống khá đơn điệu và buồn
tẻ, ít khi ra khỏi "hang chuột" của mình, trừ những trường hợp bắt
buộc. Đi dạo phố như hôm nay lại càng hiếm. Vợ ông mắc bệnh ung thư vú chết
cách đây hai mươi năm, để lại hai người con gái hiện đang làm việc ở nước
ngoài, một ở Singapore, một lấy chồng, sống hẳn ở Canađa. Có thể vì quá say mê
khoa học, cũng có thể vì những lý do khác không ai biết, từ ấy đến nay ông ở
vậy nuôi con, không giao du với một người đàn bà nào ngoài công việc. Mức lương
giáo sư cộng các khoản nhuận bút và thỉnh thoảng thêm tiền dự án thừa đủ cho
cuộc sống giản dị của ông hiện nay, do vậy ông từ chối mọi khoản giúp đỡ của
các con, trừ những cuốn sách hoặc tạp chí chúng gửi theo yêu cầu.
Thong thả bước đi dọc các phố Hà Nội
lúc này, giáo sư N. cảm thấy mình quả đúng như con chuột lâu ngày ở mãi trong
hang. Ông không ngờ cuộc sống quanh ông thay đổi nhiều và nhanh đến thế. Bây
giờ có dịp quan sát kỹ, ông nhận thấy con người, cảnh vật và lối sống khác hẳn
trước đây, và thầm vui vì điều đó.
Như
anh nhà quê lần đầu ra tỉnh, ông dừng lại khá lâu trước tòa nhà Hanoi Tower trên nền cũ nhà tù Hỏa Lò,
còn ngước mặt đếm số tầng. Đếm lần đầu bị nhầm, ông đếm lại lần nữa. Rồi ông đi
tiếp, vui vui với việc làm trẻ con ấy của mình. Trước đấy, ở chùa Quán Sứ, là
nơi lần cuối cùng ông tới có lẽ cách đây hơn ba mươi năm cùng vợ nhân một dịp
nào đó, ông ngạc nhiên thấy có rất nhiều thanh niên ăn mặc hiện đại đang vừa
vái lạy trước bàn thờ, vừa lẩm bẩm cầu xin thần phật. Trong những trường hợp
khác, chắc ông đã khó chịu thầm trách họ còn trẻ mà mê tín, nhưng lần này thì
ông thấy bình thường, thậm chí còn xem như biểu hiện của văn hóa tín ngưỡng.
Ông cảm thấy người mềm ra, yêu đời, yêu người và bao dung hơn. Một thứ tình cảm
mới mẻ, có thể gọi pha màu ủy mị. Vốn là người thiên về lý trí, ông hơi ngường
ngượng với chính bản thân mình về sự thay đổi bất ngờ đó.
Cứ
thế, như người choáng váng vì cơn say nắng nhẹ, ông bước đi không cần biết đi
đâu, từ phố này đến phố khác, với những khám phá mới, những ý nghĩ mới. Cuối
cùng, lúc ấy đã gần một giờ chiều và ông vừa ăn xong bữa trưa tại nhà hàng Phú
Gia, cũng với một cốc vang Pháp và một điếu ba số, ông thấm mệt. Cái cảm giác
say nắng trở nên rõ nét hơn. Đôi chân không quen đi bộ bắt đầu mỏi và nhưng
nhức ở hai gót.
Sau
một thoáng do dự, ông bước vào một tiệm gội đầu (tiệm thứ tư ông nhìn thấy trên
đoạn phố ngắn vừa đi qua) với tấm biển lớn có dòng chữ mà ông không hiểu lắm: "Hớt tóc máy lạnh". Máy lạnh
nghĩa là gì? À, chắc quảng cáo cửa hàng
có máy điều hòa nhiệt độ. Nhưng điều hòa nhiệt độ thì có gì phải khoe, nhất là
vào mùa đông? Xưa nay ông tự gội đầu ở nhà nhưng bây giờ bỗng nhiên ông muốn
người khác làm điều ấy hộ ông. Cũng để đánh dấu một ngày như hôm nay. Để được
nghỉ ngơi chút ít sau cuộc dạo bộ kéo dài. Để biết thêm về cuộc sống mới cùng
rất nhiều các loại dịch vụ đang mời chào nhan nhản trên phố.
-
Tôi muốn gội đầu. - Ông nói với một phụ nữ đang ngồi đọc báo trong góc phòng.
Người này to béo, đã có tuổi, mặt tròn, trán thấp, da bự một lớp phấn dày,
không ra trắng cũng chẳng hồng. Người khác hoặc dịp khác, chắc bà ta sẽ bị cho là
xấu xí, kệch cỡm, nhưng lúc này giáo sư N. thấy chẳng sao. "Đàn bà phải có
xương, có thịt, thêm chút son phấn càng hay, - ông thầm nghĩ với lòng độ lượng.
- Có điều sao môi không đỏ mà lại tím đen thế nhỉ?"
-
Vâng, mời bác. Xin chờ cho một lát ạ. - Bà kia bỏ tờ báo xuống, đi vào phòng
trong.
Ông
đưa mắt nhìn quanh, ngạc nhiên không thấy bàn ghế, dụng cụ cắt tóc, gội đầu như
quảng cáo ngoài cửa hiệu. Trong phòng chẳng có gì ngoài chiếc bàn trà mặt kính,
chiếc ghế sô-pha bà kia vừa ngồi, chiếc ghế da không tay vịn ông đang ngồi,
chiếc ti-vi loại lớn và mấy bức ảnh phụ nữ nửa kín nửa hở trên tường.
Lát
sau, một cô gái còn trẻ và xinh đẹp đi ra, mỉm cười rất tươi với ông rồi nói
như hát:
-
Mời anh đi theo em.
"Ủa,
sao chị kia già gọi mình bằng bác, mà cô gái trẻ này lại anh em? - giáo sư N.
ngạc nhiên tự hỏi. - Mà đi đâu? Sao không gội ở đây còn phải đi đâu?" Rõ
ràng ông đang lúng túng, không biết xử sự thế nào. Ông thấy mình lớ ngớ như anh
nhà quê lên tỉnh thật. Và để che giấu sự lớ ngớ nhà quê ấy, ông quyết định
không hỏi những câu ngốc ngếch. "Bây giờ mọi thứ hiện đại, đâu còn như
xưa. Cứ thử rồi khắc biết. Mình lạc hậu quá rồi".
Thế
là ông lặng lẽ đi theo cô kia. Cô ta có dáng người cao, thon thẳng như các thí
sinh hoa hậu. Chiều cao ấy càng được tôn thêm bởi đôi giày xốp mười xăng-ti-met
và chiếc váy bó quá ngắn. Ông thoáng ngượng khi bắt gặp mình đang nhìn bộ ngực
căng phồng và chiếc mông rất nở của cô.
Cô
đưa ông vào một căn phòng bé tí chỉ khoảng bốn mét vuông, không có máy lạnh,
được ngăn bằng kính mờ, bên cạnh một dãy các phòng khác tương tự nằm sâu phía
trong. Ông không hiểu vì sao gội đầu lại phải vào phòng kín và kéo hết ri-đô
che bốn phía, nhưng đã quyết định không hỏi gì nên ông im lặng, bị động làm
theo những điều cô gái yêu cầu.
Sau
khi bỏ cặp kính cận và áo ngoài, ông được đôi tay người đẹp nhẹ nhàng đỡ nằm
xuống chiếc ghế da mềm, gần như song song với mặt sàn nhà. Cô gái bắt đầu làm
việc. Còn ông thì nhắm mắt và cũng bắt đầu tận hưởng những giây phút thoải mái.
Đôi chân nhức mỏi của ông đang được nghỉ trên chiếc ghế kê cao, cũng bằng nệm
da. Cái đầu ngứa đang được những ngón tay búp măng có móng cứng và nhọn cào
cào, đau đau mà dễ chịu. Mùi nước gội đầu, mùi nước hoa và son phấn của cô gái
làm ông thích. Ông cũng thấy thấy thích mùi da thịt và những ngón tay mơn trớn
của cô, hình như còn thích hơn cả mùi son phấn và nước gội đầu. Khi bắt gặp
mình nghĩ tới điều này, ông lại thấy xấu hổ như vừa làm việc gì không tế nhị.
Ông thả lõng các cơ bắp, thư giản và cố không nghĩ. Một lúc sau ông rơi vào
trạng thái nửa thức, nửa ngủ...
Trong
trạng thái nửa ngủ nửa thức mơ hồ và đê mê ấy, ông có cảm giác như cô gái cố
kéo dài công việc gội đầu đơn giản của mình. "Cũng chẳng sao, - ông nghĩ.
- Thư giản thêm chút nữa càng hay. Đi đâu mà vội". Rồi ông, vẫn nhắm mắt
khoan khoái để cô gái dịu dàng xoa bóp mặt, thái dương và cổ. Tiếp đến, những
ngón tay thon dài của cô lần xuống sâu hơn, sâu hơn, và cũng âu yếm, mơn trớn
hơn.
Việc
này làm ông giật mình, gần như hoảng sợ. Ông đã định ngăn lại, vậy mà vẫn nằm
yên, phần vì ông thích thế, phần tò mò muốn biết chuyện gì sẽ xẩy ra tiếp.
"Thời bây giờ tự nhiên và hiện đại thật, - ông nghĩ. (Ông tránh không dùng
từ trâng tráo và hư đốn đang lởn vởn trong đầu) - Nhưng con gái thế thì cũng
hơi quá. Hay những chuyện thế này đã thành bình thường, chỉ tại mình nằm mãi
trong "hang chuột" nên không biết?"
Trong
khi đó cô gái vẫn tiếp tục "gội đầu". Không hiểu vô tình hay cố ý,
cặp vú căng tròn của cô thỉnh thoảng lại chạm vào người ông. Chạm cả lên hai
má. Ông cảm nhận được làn da mềm ấm của cặp vú đó, làn da trần chứ không phải
sau lớp vải mỏng. Nhưng ông không tin vào cảm giác của mình. "Cô ấy mặc áo
cơ mà? Chiếc áo ngắn, cổ rất sâu và
rộng, nhưng dẫu sao vẫn là áo. Hay cô ta cởi ra rồi?" Ông lại giật mình,
vẫn không mở mắt để biết sự thật, vì ông ngượng. Còn vì cả trong thâm tâm, ông
muốn cô tiếp tục làm thế, dù biết nó "không đẹp lắm" (cái từ ông nói
tránh cho hai chữ "đồi bại" đang len lói đâu đó rất sâu trong tiềm
thức).
Cứ
thế, ông tiếp tục buông mình để rơi vào một thế giới mới, xa lạ nhưng cũng đầy
cám dỗ, khác hẳn cái thế giới bé nhỏ, khắc khổ và buồn tẻ của ông suốt mấy mươi
năm qua. Vô tình, những câu đùa của bạn bè về "xả hơi', "hưởng thụ
cuộc sống" thoáng xuất hiện trong đầu.
Bỗng
cô gái nằm vắt lên người ông, như để với tay xoa bóp phía bên kia thái dương. Khe vú trắng nõn của
cô chạm vào mũi ông. Đúng là cô ta ở trần. Lần này thì ông biết chắc như thế.
Cả thân hình mềm ấm của cô đang đè nặng lên ông. Ông vội vàng nhỏm dậy, nhưng
không nói gì. Làm sao ông nỡ trách một người phụ nữ đã cho ông cái cảm giác dễ
chịu và mới lạ đến thế? Ông chỉ mỉm cười, một nụ cười ông biết chắc phải ngớ
ngẩn lắm.
Cô
gái kéo áo xuống, vòng tay ôm cổ ông và hôn lên môi. Ông định lùi ra nhưng
không đủ sức.
-
Anh không thích em à? - cô gái nũng nịu hỏi.
-
Thích, - ông khẽ đáp như cái máy. Trong trường hợp như thế và trước một câu hỏi
như thế, chắc ít người đàn ông nào có thể trả lời khác.
-
Vậy em chiều anh nhé?
Ông
không hiểu “chiều” nghĩa là gì. Quả tình không hiểu thật. Ít ra thì lúc đầu.
Ông đứng ngẩn người.
-
Ta lên tầng trên đi anh. Trên ấy kín đáo. Thoải mái lắm.
Lần
nữa ông lại thụ động để cô gái kéo tay dắt lên theo chiếc cầu thang mờ tối. Bây
giờ thì ông biết đi đâu và cái gì đang đợi, nhưng ông bất lực không cưỡng lại
được, mà rồi hình như ông cũng chẳng quyết tâm lắm trong cố gắng cưỡng lại ấy.
Ông thấy bị choáng, như cái choáng say nắng ban trưa. Tuy nhiên, lên đến tầng
ba, khi cô gái mở cửa phòng và ông nhìn thấy một chiếc giường đôi có đệm mút
phủ vải trắng với chiếc gương lớn hình chữ nhật treo thấp sát mép giường, ông
chững lại, định kiên quyết không vào. Nhưng cô gái đã nhanh tay kéo ông vào
phòng và chốt cửa lại...
*
-
Họ tên?
Ông
nói họ tên mình.
-
Nghề nghiệp?
Ông
nói nghề nghiệp mình.
-
Ông có giấy tờ tùy thân không?
-
Hình như có, - ông đáp rồi lúng túng moi túi áo vét, tìm mãi không thấy giấy
chứng minh, cuối cùng lôi ra cuốn hộ chiếu công vụ cùng một số giấy tờ kèm theo
mà ông đã dùng để đi nước ngoài tháng trước, không hiểu sao vẫn còn nằm trong
túi áo. Ông run run đặt tấm hộ chiếu lên bàn, bằng cả hai tay. Ông thấy xấu hổ
vì thái độ khúm núm đó. Để chữa lại, ông cố ngồi thẳng người với vẻ bình tĩnh
nhất có thể được.
Anh
công an ngồi đối diện ông còn rất trẻ nhưng khuôn mặt thật nghiêm túc. Cả giọng
nói và cử chỉ cũng nghiêm túc. Anh ta hồi lâu lật giở cuốn hộ chiếu, tò mò xem
ông đã đi mấy nước và những nước nào. Cuối cùng anh ta hỏi:
-
Vậy ông... Vậy bác là giáo sư?
-
Vâng.
-
Nhà giáo ưu tú?
-
Vâng.
-
Và thường đi công tác nước ngoài?
-
Vâng.
-
Bác bị bắt quả tang về hành vi mua dâm tại cửa hàng cắt tóc kiêm ổ chứa Minh Hồng
cùng cô này. - Anh ta hất hàm chỉ cô gái xinh đẹp đã gội đầu cho ông, hiện đang cúi mặt ngồi
trên chiếc ghế dài cạnh đó với người đàn bà to béo cùng hai đôi nam nữ khác.
Hai người đàn ông kia chắc cũng khách như ông. Một người trạc hai mươi lăm
tuổi, mặt sần sùi, tái xám và mệt mỏi như người nghiện ma túy. Người kia có
dáng cán bộ nhà nước, giọng miền Nam.
-
Tôi vào hiệu gội đầu. Sau cô kia rủ lên gác, rồi các ông ập đến. Nếu đó là tội
mua bán dâm thì đúng là tôi phạm tội ấy, - ông thành thật nói. - Các ông cứ xử
lý theo luật pháp. Tôi là công dân gương mẫu...
-
Gương mẫu gớm! Già rồi mà còn dê! - hai phụ nữ mặc đồng phục công an đi ngang,
lườm ông rồi nói, không hiểu với nhau hay với ông. - Lại còn giáo sư, nhà giáo
ưu tú nữa!
Ông
cảm thấy đau nhói trong ngực. Đau vì đó là sự thật. Đau cả vì đây là lần đầu
người ta công khai xỉ vả ông như thế mà đành bất lực. Mình làm mình chịu thôi,
còn kêu vào đâu. Thậm chí ông không oán giận cô gái kia đã đưa ông đến nỗi này.
Ngay từ khi bị bắt về đồn, ông chỉ sợ, sợ đến nghẹt thở việc các đồng nghiệp,
học trò và tất cả những người quen biết ông xưa nay sẽ nghĩ gì khi biết tin
này. Do vậy, câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất đối với ông bây giờ là liệu
người ta có đăng báo, nêu đích danh tên ông hay không? Nếu có thì liệu có cách
nào ngăn được không? Ông muốn nói điều này với anh công an nhưng không dám.
-
Bác đã vi phạm mục...điều...của bộ luật hình sự. - Anh công an lên tiếng, cắt
đứt dòng suy nghĩ của ông. Rồi anh ta nhìn thẳng vào mắt ông với vẻ không hiểu
thương hại hay khinh bỉ: - Một người như bác đáng lẽ phải nêu gương tốt cho lớp
trẻ. Đằng này...Bác có hay tới hiệu này không?
-
Không, đây là lần đầu. Cũng lần đầu tôi vào hiệu gội đầu hay các điểm dịch vụ
tương tự. - Ông định nói bởi hôm nay trời đẹp, nắng ấm quá, nhưng nghĩ thế nào
lại thôi.
-
Đây là một ổ mại dâm trắng trợn. Một cái ung nhọt ở địa bàn chúng tôi và cần
phải nhổ tận gốc. Chúng tôi đã theo dõi mấy ngày qua, hôm nay quyết định phá
án. Với một người như bác, thiết nghĩ không cần nói nhiều về tác hại của tệ nạn
mại dâm. Tự bác biết rõ điều ấy và rút
ra bài học cho mình. Theo luật, bác sẽ bị xử phạt hành chính, thông báo về cơ
quan xử lý nội bộ. Sau đó chúng tôi sẽ cho mời vợ bác đến đưa về.
-
Tôi sống độc thân. Vợ tôi chết cách đây hai mươi năm. Các con đều đi làm xa.
Tôi xin chịu mọi trách nhiệm về hành vi của mình. Có điều... - ông dừng lại, vẻ
thăm dò. - Tôi muốn hỏi đồng chí một câu, được không ạ?
-
Bác cứ nói, - anh công an đáp, giọng đỡ nghiêm khắc hơn.
-
Nếu được, tôi xin các đồng chí đừng báo về cơ quan, nhất là đừng đưa đích danh
tên tôi lên báo. Đồng chí thấy thế nào? Dẫu sao, tôi...
-
Việc này không thuộc thẩm quyền tôi. Tôi hiểu hoàn cảnh bác. Theo luật thì tất
cả các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm, tất nhiên ở mức độ khác nhau và
phải bị công luận lên án. Dạo này thành phố mở chiến dịch truy quét tệ nạn xã
hội và có chủ trương nghiêm trị những cán bộ thoái hóa. Thôi, bây giờ bác ngồi
sang dãy ghế kia để tôi làm việc với người khác. Sau đó bác sẽ phải làm một số
thủ tục nữa rồi có thể về nhà.
*
Phải
hơn hai tiếng sau, lúc này đã năm giờ chiều, giáo sư N. mới được rời đồn công
an. Ông chậm chạp lê bước như người mất hồn, khác hẳn trạng thái hưng phấn lâng
lâng buổi sáng. Khi leo đến cửa căn hộ "hang chuột" của mình, ông
loạng choạng suýt ngã.
-
Ấy chết, bác N., bác sao thế, ốm à? - Bà hàng xóm lúc ấy đang xách xô rác xuống
sân tình cờ nhìn thấy, lo lắng kêu lên. Bà vẫn thỉnh thoảng giúp ông mua cái
này cái nọ ngoài chợ những lúc ông thổi cơm ở nhà chứ không ăn tại hàng cơm bụi
phố cạnh.
-
Không, cảm ơn bà, - ông cố mỉm cười yếu ớt. - Tôi chỉ hơi bị choáng. Hôm nay
đẹp trời, tôi đi dạo hơi lâu nên có lẽ bị say nắng.
-
Bác phải cẩn thận. Những lúc thời tiết thay đổi bất ngờ là dễ ốm lắm đấy. Vả
lại, đâu còn trẻ nữa. - Bà kia im lặng rồi không hiểu sao lại thở dài. - Mà hôm
nay kể trời đẹp thật. Tôi cũng dạo loanh quanh một chốc. Chỉ một chốc thôi, chứ
không chắc lại say nắng như bác không chừng.
Rồi
bà xách xô rác đi xuống. Bà người đẫy đà, bước chân mạnh còn âm vang mãi trên
cầu thang.
*
Hai
ngày sau, cũng bà hàng xóm tốt bụng ấy thấy cánh cửa căn hộ giáo sư N. đóng im
ỉm mãi, bỗng sinh nghi. Bà gõ cửa nhưng không có tiếng trả lời. Bà gõ lần nữa,
to hơn. Vẫn im lặng. Bây giờ thì bà lo lắng thực sự. Bà đấm cửa thình thình.
Nghĩ có chuyện chẳng lành, bà ù té chạy gọi thêm mấy người nữa, trong đó có ông
trưởng khu tập thể.
Khi
họ phá cửa vào nhà thì thấy giáo sư N. đang treo lủng lẳng trên sợi dây ni-lông
cột vào chiếc quạt trần. Cổ ông ngoẹo sang một bên, mặt sưng phù, mái tóc điểm
bạc xõa xuống trán. Chiếc ghế cao bị đạp đổ nằm chỏng chơ dưới sàn nhà. Trên
mặt bàn trà có cốc cà phê đen uống dở, chiếc gạt tàn đầy ắp mẩu thuốc lá. Bên
cạnh là tờ báo X. số ra hôm qua, giở đúng trang có bài viết về thành tích công
an triệt phá ổ mại dâm tại hiệu "Hớt
tóc máy lạnh Minh Hồng”. Bài báo đăng ảnh mụ tú bà cùng ba nhân viên bán dâm đang cúi đầu nên không nhìn rõ
mặt. Phía dưới ghi rõ tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp của ba khách mua dâm, gồm
một tên trộm cướp từng có nhiều tiền án, tiền sự, lại nghiện ma túy nặng. Một
người nữa là phó giám đốc công ty M. ở Đồng Nai ra Hà Nội công tác. Người cuối
cùng là một vị giáo sư đáng kính, một nhà giáo ưu tú, một nhà khoa học có danh
tiếng. Liên quan đến hai người sau, bài báo dành một đoạn dài nói về sự thoái
hóa, sa đọa của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong cơ quan nhà nước, coi đó
như một bài học đau xót mọi người phải ghi nhớ.
Hà
Nội, 23. 2. 2001
No comments:
Post a Comment