Tuesday, March 17, 2015

MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT



Kẻ thù nguy hiểm nhất    
Của mình là chính mình.    
Sai lầm to lớn nhất
Là tự đánh mất mình.   

Cái ngu dốt lớn nhất
Là dối lừa, ba hoa.
Tội lỗi to lớn nhất -
Bất hiếu với mẹ cha.

Lễ dâng tặng lớn nhất
Là khoan dung với người.
Niềm an ủi lớn nhất
Là bố thí cho đời.

Sự khâm phục lớn nhất -
Ngã, đứng dậy rồi đi.
Điều đáng thương hại nhất
Là khi anh tự ti.

Tài sản đáng giá nhất -
Sức khỏe và thông minh.
Món nợ khó trả nhất -
Chưa ăn ở có tình.

Điều đáng lên án nhất
Là tự cao, khinh đời.
Cái buồn đáng buồn nhất
Là ghen tị với người.

Sai lầm to lớn nhất
Là thất vọng, ê chề.
Còn khiếm khuyết lớn nhất
Là ngu dốt, u mê.   


TAM  BẢO VÀ NGŨ GIỚI

Phật dạy, muốn theo Phật,
Phải làm lễ quy y
Tức quy y Tam Bảo,
Nương tựa cửa Từ Bi.

Thứ nhất là Phật Bảo:
Yêu tin Phật thực lòng.
Phật là đức cứu độ,
Với tình yêu mênh mông.

Nó là Tuệ Cụ Túc,
Tức có được Niềm Tin
Vào con đường đã chọn
Để Nghe, Ngẫm và Nhìn.

Thứ hai là Pháp Bảo,
Tức Giáo Lý của Ngài,
Theo đó, phải diệt dục
Để thoát khổ trần ai.

Nó là Tín Cụ Túc,
Niềm Tin để mọi người
Chăm chân tu, hành đạo
Cứu mình và cứu đời.

Thứ ba là Tăng Bảo.
Tăng là các nhà sư
Giúp ta đến với Phật
Khoan dung và nhân từ.

Nó là Thí Cụ Túc:
Các nhà sư giúp ta,
Ta phải nuôi nấng họ.
Mối quan hệ hài hòa.

Ba Cụ Túc đã nói
Cùng Cụ Túc thứ tư
Thành Tứ Bất Hoại Tín
Của Đạo Phật nhân từ.

Đó là Giới Cụ Túc,
Tức là Năm Điều Răn
Mà chúng ta phải tránh
Khi sống ở đời trần.

Không vi phạm Năm Giới:
Một, không được Sát Sinh.
Hai, không được Trộm Cắp,
Lấy cái không của mình.

Ba, liên quan sắc dục,
Quyết không được Dâm Tà.
Bốn, không được Nói Dối,
Nói dối là xấu xa.

Năm, không được Uống Rượu.
Rượu làm mất thông minh,
Làm tổn hại sức khỏe
Và tan nát gia đình.

Giữ được Năm Giới ấy,
Ta sẽ sống thảnh thơi,
Yên tâm với hậu kiếp,
Không phạm tội ở đời.

Cuộc sống là giấc ngủ,
Mọi cái đều đổi thay.
Chỉ Tam Bảo, Ngũ Giới
Bất biến ở đời này.


BỐ THÍ VÀ CÚNG DƯỜNG

Sống, phải làm việc thiện,
Mà không mong đợi gì.
Việc thiện giúp tâm sáng,
Hỷ Xả và Từ Bi.

Bi là giúp người khác
Thoát nỗi khổ cuộc đời.
Từ - đem niềm vui đến
Cho tất cả mọi người.

Làm việc thiện, chủ yếu
Là bố thí, cúng dường.
Không toan tính, vụ lợi,
Trọn vẹn tình yêu thương.

Bố thí là gieo thiện,
Gieo mầm đức, sau này
Người gieo hái quả phước
Từ việc làm hôm nay.

Bố thí không nhất thiết
Giá trị lớn, hoặc nhiều,
Để cúng dường Tam Bảo,
Và giúp đỡ người nghèo.

Phật dạy, giúp kẻ khó
Trong cuộc sống đời thường
Là việc làm kính Phật,
Cũng một dạng cúng dường.

Bố thí phổ biến nhất
Là cho tiền, thức ăn,
Tức tài thí, vật thí,
Đáng quí và rất cần.

Nhưng quan trọng hơn cả
Là Pháp Thí, tức là
Giúp người khác cùng hiểu
Và theo Phật Thích Ca.

Vì người biết theo Phật
Là người sống có tâm,
Xa lánh những điều ác,
Giúp hạt thiện nảy mầm.

Pháp Thí là phổ biến
Giáo lý Phật Thích Ca
Bằng viết hoặc in sách,
Phân phát cho mọi nhà.

Giúp một người hiểu biết,
Thì về sau người này
Sẽ giúp nhiều người khác
Hiểu cái đúng, cái hay.

Cứ thế, chân lý Phật,
Bác ái và từ bi,
Sẽ dần dần lan tỏa,
Chiến thắng Tham Sân Si.

Cuối cùng - Vô Úy Thí
Là đem lại tình thương,
Niềm vui, sự tĩnh tại
Trong cuộc sống đời thường.

Thí chủ sẽ tìm cách,
Bằng lời dạy, lời khuyên,
Giúp người khác nghị lực,
Niềm tin và bình yên.

Tóm lại, như Phật dạy,
Làm bố thí giúp đời
Là việc làm đẹp nhất
Suốt trong cả kiếp người.

Giá trị của bố thí
Không ở ít hay nhiều,
Mà ở lòng thí chủ,
Ở tình thương, tình yêu.

Đức Phật cũng từng dạy:
Cứu được một mạng người
Hơn xây bảy chùa lớn,
Dù cao đẹp nhất đời.


VÃNG SANH

Đôi khi rất đơn giản,
Ta nghĩ sống làm người,
Chết là coi như hết.
Ngắn ngủi một cuộc đời.

Vì thế ta sống vội,
Chỉ biết ngày hôm nay,
Không lo, không chuẩn bị
Cho thế giới sau này.

Không sợ luật Nhân Quả,
Không biết vòng Luân Hồi,
Ta buông xuôi, sống thả,
Kiểu bèo dạt mây trôi.

Không một lần tự hỏi,
Không vương vấn trong đầu:
Chúng ta từ đâu đến,
Và chết sẽ về đâu?

*
Sau sáu năm khổ hạnh,
Thái tử Tất Đạt Đa
Ngồi lặng lẽ thiền định
Dưới cây bồ đề già.

Sang ngày thứ bốn chín,
Mồng Tám tháng Mười Hai,
Ngài chứng đạo Vô Thượng,
Trở thành Phật, và Ngài

Nay hoàn toàn giác ngộ,
Tường tận hết Lục Thông,
Biết được Sinh và Tử,
Luật Luân Hồi quay vòng.

Ngài nói rằng người chết,
Trong bốn mươi chín ngày,
Sẽ vãng sanh trở lại
Trong sáu cõi dưới đây:

Một, người tu Thập Thiện,
Nhiều công đức với đời,
Khi chết, được siêu thoát,
Vãng sanh lên Cõi Trời.

Hai, người giữ Ngũ Giới,
Chuyên tâm làm việc lành,
Khi lâm chung sẽ được
Vào Cõi Người vãng sanh.

Những người tu Thập Thiện,
Siêu thoát lên Cõi Trời,
Khi hưởng hết phước báo,
Lại quay về Cõi Người.

Ba, người có công đức,
Nhưng còn Tham Si Sân,
Ngạo mạn và ích kỷ,
Sẽ vào cõi Quỉ Thần.

Cõi này còn được gọi
Là cõi A Tu La.
Nửa tốt và nửa xấu
Như hầu hết chúng ta.

Ba Cõi còn lại khác:
Tùy tội lỗi của mình,
Mà khi chết buộc phải
Đầu thai thành Súc Sinh,

Hoặc Ngạ Quỉ, quỉ đói,
Hay đày đọa suốt đời
Dưới chín tầng Địa Ngục
Tăm tối, không mặt trời.

Phật nói: Số người chết
May mắn được đầu thai
Thành người, ít như đất
Dắt ở móng tay Ngài.

Tức là số còn lại
Khổ nhiều kiếp, nhiều đời,
Cho đến khi hết nợ
Mới lại được làm người.

Các chúng sinh khi sống
Phải sống thiện hàng ngày
Để tránh ba Cõi Dữ
Của các kiếp sau này.

Luân Hồi và Nhân Quả
Là Luật của đất trời.
Không ai thoát được nó,
Cả vật và cả người.


NGHIỆP

Nhân Quả trong tiếng Phạn
Được gọi là Karma,
Thường hay dịch là Nghiệp,
Phiên âm thành Yêt Ma.

Nghiệp dẫn tới Quả Báo,
Liên tiếp mãi không thôi,
Tạo thành Luật Nhân Quả,
Trong vòng lớn Luân Hồi.

Hồi là quay trở lại.
Luân nghĩa là bánh xe.
Bánh xe quay, thực chất,
Quay đi lại quay về.

Con người sinh, rồi chết.
Chết rồi lại được sinh.
Con người mới là Quả
Của Nhân cũ của mình.

Ai đó, theo Phật dạy,
Được sinh ở đời này,
Tức là đã từng sống
Nghìn vạn kiếp trước đây.

Người sinh ra, hình tướng
Đẹp hay xấu khác nhau.
Cũng khác nhau sướng khổ,
Phải nghèo hay được giàu.

Đó là Nghiệp, Nhân Quả.
Mọi cái có nhân duyên.
Ở ác thì gặp ác,
Ở hiền sẽ gặp hiền.

Muốn biết Nhân ngày trước,
Hãy nhìn Quả hôm nay.
Nhìn việc làm hiện tại
Để biết Số sau này.

Muốn giàu, phải bố thí,
Làm những điều tốt lành.
Kiếp sau muốn sống thọ,
Kiếp này không sát sinh.

Muốn mặt mày tươi đẹp,
Phải vào chùa dâng hoa.
Muốn tinh thần thoải mái,
Không nóng giận, dâm tà.

Tất cả đều do Nghiệp.
Mà Nghiệp gồm ba phần,
Mỗi phần có hai loại.
Nghiệp gồm Ý, Khẩu, Thân.

Ý Nghiệp quan trọng nhất.
Nó chi phối mọi điều.
Thiện Ý là trí tuệ,
Từ bi và thương yêu.

Ác Ý là nghĩ xấu,
Nghĩ chuyện Tham Sân Si.
Nóng giận và ghen ghét,
Chẳng coi ai ra gì.

Khẩu Nghiệp là lời nói.
Ác Khẩu là điêu toa,
Nói dối, gây hiềm khích,
Hoặc khai man trước tòa.

Thiện Khẩu là nói thật,
Nói điều hay, điều lành,
Giảng kinh hay thuyết pháp,
Sâu xa và chân thành.

Thân Nghiệp và Khẩu Nghiệp
Dễ nhận thấy ở người.
Cái Ác và cái Thiện
Trong việc làm và lời.

Thân Ác là làm ác,
Như trộm cắp, sát sinh,
Đánh đập người, súc vật,
Phá chùa, phá đền đình.

Thân Thiện thì ngược lại,
Bố thí và cúng dường,
Giúp đỡ người nghèo khổ,
Sống bằng tình yêu thương.

*
Vậy là ta đã biết,
Mọi cái có nhân duyên.
Ở ác thì gặp ác,
Ở hiền sẽ gặp hiền.

Nhưng nhiều người sống thiện
Vẫn gặp ác, vì sao?
Còn lắm kẻ sống ác
Vẫn sướng, là thế nào?

Là vì hạt giống Thiện
Và giống Ác ở đời,
Như mọi hạt giống khác,
Phải chờ mưa, chờ thời.

Nghiệp và Luật Nhân Quả
Như Lưới Trời bủa vây.
Không người nào có thể
Thoát được Lưới Trời này.


A DI ĐÀ PHẬT

Tên Phật, theo tiếng Phạn,
Là A-mi-tab-ha,
Tức Vô Lượng Ánh Sáng,
Tức Phật A Di Đà.

Đức A Di Đà Phật
Là vị Phật đầu tiên
Trong vô số Đức Phật
Được tôn làm người hiền.

Ngài được thờ nhiều nhất
Trong Ma-hay-a-na,
Tức Đại Thừa, nhánh Phật
Thịnh hành ở nước ta.

Theo truyền thuyết kể lại,
Vô lượng kiếp trước đây
Có vị vua hùng mạnh
Bất chợt trong một ngày

Được Đức Phật thuyết giáo,
Ngài từ ngôi, qui y,
Sau thành Phật, biểu tượng
Của Trí Tuệ, Từ Bi.

Ngài bèn lấy Phật hiệu
Là Phật A Di Đà,
Pháp danh là Pháp Tạng,
Đức độ và tài ba.

Thích Ca Mâu Ni Phật
Nói Ngài ở Tây Phương,
Hay Tây Phương Cực Lạc,
Kiểu một dạng thiên đường.

Cực lạc là sướng nhất,
Phong cảnh đẹp tuyệt vời.
Ai muốn gì có ấy,
Nhưng chẳng ai ham chơi.

Thay vào đó, tất cả
Nghe Phật A Di Đà
Thuyết pháp để thành Phật,
Sống giữa cõi chói lòa.

Nhiều phật tử tâm niệm
Khi chết được vãng sanh
Vào cõi trời của Phật,
Cực lạc và yên lành.

Trong lịch sử Đạo Phật,
Phép niệm A-di-đà
Là một mốc quan trọng
Ở rất nhiều quốc gia.

Đây là cách tu mới -
Qua niệm Phật đời thường,
Phật tử mong được đến
Cõi Cực Lạc Tây Phương.

Để tới đấy, đơn giản,
Lúc lâm chung, người ta
Nhớ mười lần tụng niệm
“Nam mô A-di-đà.”

Tưởng dễ, nhưng rất khó,
Vì sắp chết, con người
Thường đau đớn, lú lẫn
Và quên hết sự đời.

Do vậy lúc còn sống
Các phật tử hàng ngày
Niệm càng nhiều càng tốt
Câu niệm quen thuộc này.

*
Ở các chùa hiện tại,
Ngoài tượng Phật Thích Ca,
Ta còn thấy cả tượng
Đức Phật A-di-đà.

Tượng Ngài thường sơn đỏ,
Tượng trưng mặt trời hồng
Ở Tây Phương Cực lạc
Soi sáng mọi tấm lòng.

Tay Ngài cầm bát pháp,
Có khi một bông sen,
Đưa xuống, như nâng đỡ
Các phật tử cùng lên.

Đặc điểm nổi bật nhất
Của tượng A-di-đà,
Là tóc hình xoắn ốc,
Khác tóc Phật Thích Ca.

Dưới chân tượng túc trực
Một đôi công rất hiền,
Và công là biểu tượng
Giữ cuộc sống bình yên.

Ai cũng muốn khi chết
Được hưởng lạc, yên hòa.
Vậy hãy nhớ niệm Phật.
Nam mô A-di-đà.

No comments:

Post a Comment