Jaladdin Rumi sinh năm 1207 ở thành phố
Balkh, trong một gia đình có học nổi tiếng. Bố ông, Bakhaddin Muhamad ibn
Hussein là nhân vật có quyền lực trong triều, sau vì bất đồng với vua mà phải
ra sống ở nước ngoài, mang Rumi đi theo, lúc ấy mới sáu tuổi, cuối cùng được
giữ một chức vụ trong nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Kônyô.. Sau khi bố chết,
Rumi đảm nhiệm chức này, lúc đã trưởng thành. Từ năm 1244 Rumi dành trọn cuộc
đời mình đeo đuổi sufism, một
triết lý tín ngưỡng mang tính huyền bí. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ sự
nghiệp sáng tác của ông, đặc biệt "Tập thơ lớn về Shams" (Divan -e Shams - e Tabrizi), một trong
những tác phẩm vĩ đại nhất của thơ Ba Tư trữ tình. Những năm cuối đời ông sáng
tác bộ "Mathnawi Maanavi"
(Mathnawi tinh thần) gồm sáu tập dày mang tính giáo huấn, thần bí và tôn giáo
theo tinh thần sufism. Ông mất ở
Kônyô tháng Bảy năm 1273. Hiện mộ ông vẫn còn ở đấy và là nơi hành hương của
những người yêu văn học. Hơn bảy trăm năm sau, Rumi trở thành nhà thơ nước
ngoài được yêu chuộng nhất ở Mỹ.
NGƯỜI NÔNG DÂN VÀ SƯ TỬ
Có một con sư tử đói, một lần
Lọt vào chuồng gia súc bác nông dân.
Sư tử bắt và ăn con bò cái
Rồi nằm nghỉ trong chuồng bò thoải mái.
Người nông dân đêm dậy, chẳng thắp đèn
Ra thăm bò, trăng lúc ấy chưa lên.
Trong bóng tối ông vuốt lông sư tử,
Không sợ hãi, không mảy may do dự.
Sư tử nghĩ: "Đúng giống lừa hai chân,
Hắn tưởng ta là bò cái ngu đần.
Nếu có đèn để một lần hắn thấy,
Hắn có dám vuốt ve ta như vậy?
Chỉ cần nhìn đôi nanh sắc của ta
Là hắn sợ đến mắt phải lòi ra".
Một bài học: Trước khi làm gì đó,
Ta phải biết việc mình làm thật rõ.
ÔNG ĐIẾC THĂM NGƯỜI ỐM
Ông hàng xóm của một người ốm nọ
Ốm nhiều ngày, phải nằm yên một chỗ.
Ông ta điếc, nghĩ: Mình điếc, làm sao
Thăm người ốm, phải ăn nói thế nào?
Khó thật đấy, nhưng nhà sau, nhà trước,
Lúc đau ốm không thăm nhau sao được?
Dẫu mình điếc, nhưng không ngốc, ơn
trời,
Sẽ nhìn môi mà đoán hiểu, lựa lời.
"Bác cảm thấy thế nào?" mình
sẽ hỏi.
"Tôi đỡ hơn", chắc ông ta sẽ
nói.
"Tôi rất vui!" mình nói.
"Bác ăn gì?"
Ông ta đáp: Ăn cháo hoặc bánh mì.
Mình sẽ nói: "Ăn nữa đi, rất tuyệt.
Thế thầy thuốc là ai, tôi muốn
biết?"
Chắc ông ta sẽ nhắc một tên người.
Mình đáp ngay: "Bác phải tạ ơn
trời.
Tôi thật sự rất mừng cho bác.
Thầy thuốc này quả tài ba, lỗi
lạc".
Chuẩn bị sẵn những câu này ở nhà,
Ông vội vàng sang hàng xóm. Từ xa
Ông lên tiếng và tỏ ra lịch sự:
"Bác thế nào, đã đỡ hơn rồi
chứ?"
"Tôi sắp chết," người ốm nói.
"Rất may!
Ơn thượng đế ban cho bác điều này".
Nghe nói thế, người ốm lạnh toát người:
"Hắn là thằng hàng xóm xấu nhất
đời".
Còn ông điếc thì nhìn môi người khác
Mà đoán hiểu theo ý mình sai lạc.
Một chốc sau ông hỏi: "Bác ăn
gì?"
"Ăn thuốc độc." "Thế à? Ăn
nữa đi.
Ai chữa bệnh bác chóng lành như
vậy?"
"Quỉ Sa-tăng. Cút đi, đừng đứng
đấy!"
Ông điếc đáp: "Thế là bác gặp may.
Ít ai giỏi và tốt hơn người này!"
Rồi ông về, rất vui và thỏa mãn
Rằng ông đã chân thành khích lệ bạn.
CHUYỆN CON VOI
Người ta đem voi về từ Ấn Độ,
Trong chuồng tối, cho nhốt riêng một
chỗ.
Ai muốn xem phải chi khá nhiều tiền.
Được vào chuồng, nhưng trong chuồng tối
đen.
Nghĩa là xem, nhưng không nhìn để thấy,
Mà chỉ sờ bằng tay, ai cũng vậy.
Chưa một ai từng thấy voi xứ này,
Nên mọi người giờ tranh cãi gắt gay.
Một người sờ đúng vòi voi, và nói:
"Voi tròn tròn, dài dài như ống
khói!"
Một người khác lại sờ đúng chân voi,
Nên tuyên bố: "Voi giống như cây
sồi!"
Người thứ ba sờ tai voi, liền quát:
"Toàn nói láo! Voi có hình chiếc
quạt!"
Người thứ tư sờ lưng voi, thở dài:
"Voi trông giống bức tường, thưa
các ngài".
Rồi cứ thế, thơ ngây và nhảm nhí,
Họ gọi voi mỗi người theo một ý.
Nếu đơn giản được thấy voi ban ngày
Thì chắc họ chẳng cãi nhau thế này.
CHUYỆN NGƯỜI XĂM MÌNH
Ở xứ nọ có tục lệ khác đời
Là người ta cứ thích xăm đầy người.
Mà đã xăm là rất đau, hẳn thế,
Nhưng lại có những hình xăm đẹp đẽ.
Một anh chàng luôn vỗ ngực ta đây,
Cũng muốn xăm, đến bảo thợ thế này:
"Tôi tuổi hổ, anh xăm cho con hổ,
Thật hung dữ, thật to và thật rõ!"
Người thợ xăm cầm bút bắt đầu xăm.
Anh kia kêu oai oái mỗi lần châm.
"Anh làm gì mà tôi đau nhường
ấy?"
"Xăm hình hổ. Ông bảo tôi như
vậy".
"Ừ thì xăm, nhưng đang xăm ở
đâu?"
"Xăm từ đuôi. Đó là chỗ bắt
đầu".
"Xăm đuôi à? Bỏ đi, không cần
thiết.
Hổ có đuôi chỉ càng thêm đáng
ghét".
Anh thợ xăm lại xăm tiếp, tất nhiên,
Lại thấy đau và anh kia kêu lên:
"Anh đang xăm cái gì? Ôi, đau
quá!"
“Xăm đầu hổ. Phải có đầu chứ ạ?"
"Không cần đầu. Đừng xăm nữa. Thôi
đi!
Đã có vuốt, hổ cần đầu làm gì?
Xăm cái khác. Đừng châm đau như vậy.
Ôi trời ơi, anh đang xăm gì đấy?"
"Tôi đang xăm lưng con hổ, thưa ông."
"Lưng? Làm gì? Không có lưng được
không?"
Anh thợ xăm bực mình, quăng bút nói:
“Hổ không đầu, không đuôi ư? Xin lỗi,
Quả xưa nay chưa ai thấy trên đời.
Chỉ thấy toàn những anh hèn, anh lười.
Ai sợ đau, không kiên trì, sợ khổ,
Thì tốt hơn đừng cầm tinh con hổ".
CHUYỆN NGƯỜI DU MỤC CÓ CON CHÓ SẮP CHẾT
Có một người du mục trẻ khóc thương
Con chó quí sắp chết đói bên đường.
Một người khách đi ngang qua, nhìn thấy,
Hỏi: "Chuyện gì làm ông buồn như
vậy?"
"Con chó này tôi yêu quí từ lâu,
Làm sao tôi không luyến tiếc, buồn rầu?
Nó là bạn, luôn giúp tôi săn thú,
Luôn canh giữ cả đàn cừu cho chủ".
Khách hỏi thêm: "Ông nói rõ xem
nào.
Nó bị què hay đau ốm ra sao?"
"Không, không ốm, nó đang nằm chờ
chết,
Chỉ vì do đói ăn, do bị mệt".
"Thật đáng buồn. Hãy gắng chịu,
Alla
Sẽ giúp ông đưa nó sống về nhà.
Ồ, chiếc túi ông đang đeo trên cổ
Trông khá nặng. Ông đựng gì trong
đó?"
"Trong túi ư? Toàn bánh thịt, thức
ăn,
Những cái tôi chắc chắn sẽ rất
cần".
Khách bỗng hỏi: "Ông nói sao? bánh
thịt?
Sao không cho con chó ăn một ít?"
"Cho chó ăn? Nhưng sau đó thì sao?
Hết thức ăn, tôi biết kiếm cách
nào?"
Nghe nói vậy, người khách kia liền quát:
"Ông quả đúng là một thằng đốn mạt.
Một thằng keo ngu ngốc, đáng chê cười.
Con chó kia là bạn, cũng như người.
Ông coi trọng miếng ăn hơn nước mắt.
Ông là người đáng khinh và xấu
nhất!"
CHUYỆN THẦY NGỮ PHÁP VÀ ÔNG CHÈO ĐÒ
Có một thầy ngữ pháp, lúc sang sông
Hỏi người chèo có biết ngữ pháp không?
Người chèo đáp: "Dạ không".
Thầy đắc chí:
"Thế thì nửa đời anh, anh để
phí!"
Anh kia nghe, tuy phật ý, bực mình,
Nhưng bề ngoài vẫn vui vẻ làm thinh.
Bỗng bất chợt gió đổi chiều thổi mạnh,
Thuyền lắc lư giữa ào ào sóng đánh.
Người chèo đò lễ phép hỏi: "Thưa
ông,
Thuyền sắp chìm, ông có biết bơi không?
Ông quả thật không biết bơi? Tiếc nhỉ.
Thế thì cả đời ông, ông bỏ phí!"
CHUYỆN BỐN CHÀNG ĂN NHO
Không ít khi vì do hiểu lầm nhau
Mà lắm anh phải sứt trán, vêu đầu.
Có bốn chàng bạn thân người Hy Lạp,
Người Ba Tư, Hin-đu và Arab,
Bỗng một hôm, đang đi dạo, bốn chàng
Được ai đó cho một đồng tiền vàng.
Chàng Ba Tư vội kêu lên: "Thật
tiện,
Đem ra chợ mua angur mà chén!"
Chàng Hin-đu liền lên tiếng: "Theo
tôi,
Mua izum
chắc chắn sẽ không tồi".
"Không, không được, - anh chàng
người Arab
Liền cắt ngang. - Tôi muốn ăn einab!"
Chàng Hy Lạp thì một mực lắc đầu:
"Tôi muốn ăn staphin từ lâu!"
Và cứ thế, do vì không nhất trí,
Họ cãi nhau rồi đánh nhau loạn xị.
Anh sứt răng, anh sái cổ, rách quần.
Anh gãy sườn, anh vêu trán, què chân...
Họ không biết, cũng chỉ vì ngu dốt,
Cái họ muốn thật ra là một.
CHUYỆN ÔNG GIÀ VÀ THẦY LANG
Một ông già gặp thầy lang, và nói:
"Tôi sổ mũi. Đầu đau không chịu
nổi!"
"Đó là do, - thầy lang đáp, - tuổi
già."
Ông kia kêu: "Mắt tôi kém, sắp
lòa".
"Không khó hiểu: người già ai cũng
vây,
Mắt thường đau, thường kèm nhèm, sưng
tấy."
"Còn lưng tôi, sao nhức nhối gần
đây?"
"Chính tuổi tác đã gây nên điều này."
"Ăn không ngon, lại khó tiêu, chán
quá..."
"Vâng, cũng vì do tuổi già đấy ạ."
Tôi ho khan, tức ngực, thật phiền
hà..."
"Thì bệnh ho là bệnh của người già.
Ai cũng biết khi tuổi già ập tới
Thì chẳng thiếu bệnh gì, xin cứ đợi."
Ông kia nghe, tức giận quát: “Câm ngay!
Ta không ưa cách chữa bệnh của mày.
Ai dạy mày những lời kia ngu ngốc?
Một thầy lang, nếu thông minh, có học
Sẽ kê đơn bốc thuốc quí chữa lành,
Không như mày, dốt nát, nói loanh
quanh..."
"Dạ thưa ông, cả việc ông nóng nảy
Cũng là do tuổi già ông đấy."
CHUYỆN ANH LÍNH CANH VÀ NGƯỜI SAY RƯỢU
Một tối nọ, đúng nửa đêm, anh lính
Thấy một ngườì đang nằm say bất tỉnh.
Anh ta quát: "Thằng nát rượu, dậy
nhanh!"
Anh kia ngáp: "Tôi ngủ, việc gì
anh!"
"Mày uống gì mà say sưa đến
vậy?"
"Ừ thì bình có gì, tôi uống
nấy".
Anh lính gắt: "Mày nói rõ xem
nào!"
"Uống cái đựng trong bình! Thì đã
sao?"
Anh lính canh và anh chàng say rượu
Cứ hỏi đáp cả giờ mà chẳng hiểu.
Anh ta quát: "Hãy mở miệng nói
Ô!"
"Thì Ô hô!, - hắn liền đáp. - Ô
hô!"
Mọi người nghe, bèn lắc đầu chán nản:
"Ô, ô hô! nhìn hai anh mà
chán!"
Anh lính canh cáu tiết: "Rõ thằng
say.
Vào nhà tù! Đừng giả bộ thơ ngây!"
Anh say đáp: "Anh cút đi thì
có!"
"Mày - vào tù, và suốt đời ở
đó!"
"Ừ thì đi, nhưng đưa tôi đi đâu?
Anh túm tóc thằng tôi, thằng trọc đầu?
Tôi mà tỉnh, mà có nhà tử tế,
Thì tôi ngủ ở nhà, không say thế.
Tôi sẽ là một ông chủ giàu sang
Ngồi bán hàng, nếu tôi có cửa
hàng!"
CHUYỆN CON CỪU BỊ MẤT CẮP
Có một người dắt cừu ra chợ bán
Người đi trước, cừu đi sau như bạn.
Chợ đông người, và đang giữa đám đông,
Bỗng anh kia thấy dây thừng nhẹ không,
Rồi khẽ giật: Ra dây thừng bị cắt.
Trước còn cừu, nay con cừu đã mất!
Anh ta kêu, anh ta kiếm khắp nơi,
Thật vô ích và cũng thật buồn cười.
Trong khi đó, tên trộm cừu lếu láo
Đứng bên giếng, vờ kêu to, mếu máo.
Anh mất cừu chạy đến hỏi: "Vì sao
Anh kêu khóc? Nói tôi nghe xem
nào!"
Tên bợm đáp: "Khổ thân tôi, sơ ý
Tôi để rơi xuống giếng này chiếc ví
Cùng một trăm, một trăm chẵn, đồng vàng
Ai xuống lấy hộ tôi, tôi sẵn sàng
Chia một nửa! Tôi xin thề đúng
vậy!"
Anh kia nghĩ: "Một số tiền lớn đấy.
Ta mất cừu, nhưng trời đã giúp ta
Có thừa tiền mua gia súc, xây nhà!"
Rồi hăm hở, anh ta chui xuống giếng.
Còn tên bợm phía trên, cười nửa miệng,
Cuỗm quần áo anh ta, rồi đi ngay,
Để cho đời một bài học thế này:
Đừng nghe ai nói cái gì tin ấy.
Luôn cẩn thận với mọi người, nhớ lấy.
Còn những ai nhẹ dạ, lại tham tiền,
Thì có ngày phải xuống giếng, tất nhiên!
CHUYỆN ANH HỀ LẤY CÔ ĐIẾM LÀM VỢ
Ông hàng xóm bảo anh hề: "Vô cớ,
Sao anh lấy cô đứng đường làm vợ?
Nếu nhờ tôi, chắc tôi đã giúp anh
Lấy được cô gái đẹp, con nhà lành!"
Anh hề đáp: "Thì các ông biết đấy,
Tôi cưới vợ đã chín lần cả thẩy.
Đều những cô rất tử tế, chao ôi,
Thế mà sau thành vợ lại rất tồi,
Toàn lười biếng, toàn lừa chồng, đáng
ghét,
Làm tôi khổ. Cứ nhìn tôi thì biết.
Nên bây giờ tôi lấy điếm, biết đâu
Cô ta tốt hơn chín cô vợ đầu.
Tôi trót khổ vì nghe theo lẽ phải.
Giờ tôi thử vận may - làm ngược
lại!"
CHUYỆN NGƯỜI SỢ BỊ NHẦM LÀ LỪA
Một anh nọ chạy vào nhà người ta,
Mặt tái nhợt, người run lên. Chủ nhà
Hỏi: "Chuyện gì mà làm anh sợ vậy?
Hãy nhìn kìa, chân tay anh run
rẩy."
Người kia đáp: "Vua đang cần nhiều
lừa, -
Vua là người rất tàn ác, biết chưa? -
Kia, theo lệnh của vua, trên các phố
Người ta đang săn lùng loài vật
đó!"
"Ừ thì vua bắt lừa, đâu phải anh?
Anh là người - cảm ơn thánh lòng lành.
Anh không phải là con lừa, do vậy
Không lo bắt, không việc gì phải
chạy!"
"Đành là thế, nhưng đang hăng, than
ôi,
Rất có thể người ta bắt cả tôi.
Với tên vua tham lam và độc ác,
Người hay lừa cũng thế thôi, không
khác!"
CHUYỆN VUA TERMEZ BỊ ANH HỀ CHIẾU TƯỚNG
Một anh hề phải chơi cờ hầu vua.
Chơi thế nào lại chiếu tướng, vua thua.
Vua tức giận, ném quân cờ vào mặt:
"Này chiếu tướng! Chơi mà không có
mắt!
Đáng lẽ mày không được đi vào đây!"
"Dạ, thưa vua, con xin thua ván
này!"
"Được, - vua đáp, - ta chơi thêm
ván nữa!"
Anh hề sợ, co người như gặp lửa.
Vốn là người chơi rất kém, đức vua
Tự mình rơi vào chiếu tướng, lại thua
Dù anh hề cố đi sai, đi hớ.
Biết gặp nguy, anh ta liền hoảng sợ
Đắp lên mình nào chăn lớn, chăn con
Và vừa run vừa chuẩn bị ăn đòn.
Vua quát to, ngạc nhiên khi thấy vậy:
"Ê thằng kia, mày làm trò gì
đấy?"
"Tâu đức vua rất vĩ đại, thông
minh,
Con là dân, con phải biết phận mình.
Con đã đi, chiếu tướng vua, ngu quá.
Giờ đắp chăn, con chờ vua đi ạ!"
CHUYỆN BỌN CƯỚP VÀ ÔNG GIÀ
Có bọn cướp ngoài thảo nguyên nước nọ,
Gây cho dân bao kinh hoàng, đau khổ.
Chúng một hôm vào xóm, xóm lại nghèo,
Chẳng có gì cho chúng cướp, mang theo
Ngoài hai ông nông dân già khốn khổ.
Với một ông, chúng buộc dây vào cổ:
"Giờ phải đưa tiền chuộc, nếu không
Mày phải chết, xác quạ rỉa ngoài
đồng!"
Ông già đáp: "Này các con, xin hỏi,
Giết lão chết thì được gì, ngoài tội?
Lão yếu già, lại tay trắng, ốm đau.
Ai túm tóc thằng ăn mày trọc đầu?"
"Không, chúng tao phải đem mày treo
cổ
Để làm gương cho mọi người sau đó, -
Bọn cướp đáp: “Để thằng bạn của mày
Thấy mà sợ, và cho chúng tao hay
Hắn giấu đâu bạc và vàng của hắn."
"Nhưng ông ấy, nói các con đừng
giận,
Về khoản nghèo, còn nghèo cả hơn ta.
Xin làm ơn đừng giết hại người
già..."
Đúng lúc đó, ông già không bị trói,
Tức là ông thứ hai, liền vội nói:
"Đừng tin hắn! Hắn rất giàu, rất
khôn,
Có nhiều vàng và bạc được đem
chôn!"
Ông thứ nhất: "Thôi, một khi đã
vậy,
Tôi tưởng tôi cũng nghèo như ông ấy.
Nhưng hóa ra không phải thế, bây giờ,
Để về sau khỏi rắc rối, nghi ngờ,
Xin các ông đem ông kia treo cổ,
Rồi vàng đâu, tôi dẫn đường, chỉ
chỗ!"
CHUYỆN TRANH CÃI GIỮA BÒ, CỪU VÀ LẠC ĐÀ
Bò và cừu với lạc đà lần nọ
Đang cùng đi, thấy bên đường bó cỏ.
Bó cỏ non chắc ai đấy để rơi,
Tiếc là ít, không đủ cho ba người.
Cừu lên tiếng: "Chia thế nào được
nhỉ?
Đem chia ba để mỗi người một tí?
Ăn không no thêm khó chịu. Hay là
Giờ ta bình: Ai trong số chúng ta
Đáng kính nhất và cũng nhiều tuổi nhất,
Ta sẽ nhường cho một mình ăn tất?
Phải tôn kính người già! - Đức Tiên Tri
Bao đời nay chẳng dạy thế là gì?"
Bò đực đáp mà không cần suy nghĩ:
"Ý kiến này rất hay, tôi đồng ý.
Vậy xin mời, cứ lần lượt chúng ta
Kể về mình, xem ai đúng người già!"
"Tôi, - Cừu nói, - không phải ai
cũng biết,
Là con cừu của Tiên Tri Môhamet.
Còn bạn tôi, hai ông bạn biết không,
Được chính ngài Ibrahim cạo lông!"
Bò đực đáp: "Chỉ thế à? Chuyện vặt.
Tôi thực sự mới là người già nhất:
Trên thiên đường từ xa xưa, hàng ngày
Ông Ađam đã đưa tôi đi cày!"
Lạc đà nghe, tuy ngạc nhiên chút đỉnh,
Nhưng bề ngoài vẫn thản nhiên, phớt
tỉnh.
Nó lặng lẽ vươn cái cổ rất dài
Lấy bỏ cỏ, rồi vừa nói vừa nhai:
"Rất cỏ thể chuyện hai anh là thật,
Nhưng hiện giờ cổ của tôi dài nhất,
Nên được ăn bó cỏ này, ngoài ra
Tôi chẳng kém hai anh về sự già!"
BA LỜI KHUYÊN CỦA CON CHIM BỊ BẮT
Chuyện kể rằng, không hiểu đúng hay
không,
Có con chim bị bắt, nhốt vào lồng.
Nó lên tiếng nói với người bắt nó:
"Thưa ông chủ, tôi gầy gò, bé nhỏ,
Không đáng ông đem giết thịt, trong nhà
Ông có nhiều, nhiều bò béo, lợn gà.
Vậy xin ông hãy thả tôi, bù lại
Tôi cho ông ba lời khuyên thông thái.
Lời thứ nhất tôi sẵn sàng nói ngay,
Cả khi ông còn giữ tôi trên tay.
Hai lời tiếp - sau khi tôi được thả.
Còn sau đó, ba lời khuyên quí giá
Sẽ giúp ông gặp may mắn suốt đời,
Sống hạnh phúc, lại giàu có hơn người.
Xin ông nghe, đây lời khuyên thứ nhất:
"Đừng bao giờ tin ai thề nói
thật!"
Ông kia nghe, nhẹ dạ, thả chim bay.
Từ trên cao, nó nói xuống thế này:
"Giờ lời khuyên thứ hai, xin nhớ
kỹ,
Rằng cái gì đã qua, dù rất quí,
Đừng khóc than, đừng luyến tiếc làm gì.
Chuyện đã rồi cứ để nó quên đi.
Mà nhân tiện, xin báo ông một việc -
Sau khi nghe, có thể ông sẽ tiếc:
Trong bụng tôi có một viên kim cương,
Nặng một cân, loại quí hiếm khác thường.
Giá mà ông không thả tôi, quả thật,
Thế giới này ông là người giàu
nhất!"
Ông kia nghe, tiếc của, một hồi lâu
Hết than khóc lại đấm ngực, ôm đầu.
"Thì tôi đã khuyên rồi, hay ông
điếc? -
Con chim nói. - Chuyện đã qua, đừng
tiếc.
Tôi cũng khuyên rằng không được tin ai.
Giờ vô ích ông nhăn nhó, thở dài."
"Thôi đành vậy, chỉ vì ta dại dột.
Còn lời khuyên cuối cùng, ngươi nói
nốt."
"Hai lời trước hãy giữ lấy cho
mình.
Lời khuyên này sẽ giúp ông thông minh:
Đừng phí công dạy khôn cho thằng ngốc,
Như đừng gieo xuống sông mà phí thóc.
Ngọc một cân trong bụng tôi? Thật hay,
Sao ông tin khi tôi bé thế này?
Thôi, cảm ơn ông đã tha. Tạm biệt.
Ông là người thế nào, ông tự biết!"
CHUYỆN HAI CHIẾC TÚI
Giữa sa mạc có một chú lạc đà,
Hai bên hông hai túi lớn bằng da.
Còn vắt vẻo ngồi trên lưng, đang ngủ
Là một người béo và to - ông chủ.
Đến trạm nghỉ, khi nói chuyện với nhau,
Một người hỏi: "Bác chở gì? Đi
đâu?"
Ông kia đáp: Túi này toàn hạt dẻ,
Còn túi kia là cát thôi, chỉ thế."
"Bác chở cát? Vì sao? Lạy Alla!"
"Vì sao ư? Cho cân đối thôi mà.
Không thì nặng một bên, đi sao
được?"
"Tôi mà bác, tôi chia ngay từ
trước,
Chia hạt dẻ thành hai phần bằng nhau.
Hàng sẽ nhẹ, lạc đà đi càng mau!"
Ông chủ hàng nghĩ một hồi, đáp lại:
"Bác quả đúng là một nhà thông thái.
Thế mà tôi chở cát, thật buồn cười.
Nếu bác đi cùng đường thì xin mời,
Con lạc đà của tôi giờ hàng nhẹ,
Chở cả hai chúng ta đi luôn thể".
Và rồi đi, câu chuyện nở như hoa.
Đường ngắn hơn, đỡ mệt. Chủ lạc đà
Quay sang khách: "Một khi thông
thái vậy,
Thì chắc bác là vị quan nào đấy?"
"Tôi mà quan? Tôi nghèo đói xưa
nay.
Hãy nhìn xem, áo tôi rách thế này!"
"Chắc tại bác vi hành. Xin hỏi
thật:
Bác có bao nhiêu nhà, bao nhiêu
đất?"
Ông kia đáp: "Tôi chẳng có cái
gì!"
"Bác lại đùa. Bác là một... nói đi,
Một thương gia nước ngoài giàu, giấu
mặt?
Bác buôn gì, hàng ở đâu, rẻ đắt?"
"Tôi đã nói, tôi là anh cùng đinh.
Tôi rất nghèo, cái bác bảo thông minh
Xin nói thật, chẳng qua do đói khổ,
Do vất vả kiếm miếng ăn mà có."
Ông kia nghe, tức giận quát: "Hiểu
rồi,
Vậy thực tình ông còn ngốc hơn tôi,
Vì thông minh mà nghèo là đại ngốc.
Trong khi đó, tôi giàu dù vô học.
Mời ông xuống, rồi ông đi đường ông,
Tôi đường tôi. Ngay bây giờ, biết không
Tôi cho cát vào túi kia, cứ thế,
Một bên cát và một bên hạt dẻ!"
ÔNG CHỦ CỬA HÀNG VÀ CON VẸT
Ở xứ nọ, một ông chủ cửa hàng
Có con vẹt biết nói, quí như vàng.
Nó nói sõi, nói rất hay, thâm thúy,
Với dáng điệu của một nhà triết lý.
Khách tò mò kéo đến xem, tất nhiên,
Cửa hàng ông cũng thu được thêm tiền.
Con vẹt ấy không đơn thuần biết nói,
Mà còn biết trông cửa hàng rất giỏi.
Nó giúp chủ tính tiền, giúp kiểm tra
Khách mua hàng, cả khi vào, khi ra.
Bỗng một hôm, đang nghỉ trưa, buồn chán,
Nó hứng chí bay một vòng trong quán,
Và làm đổ một bình lớn dầu ăn.
Ông chủ nghe, liền chạy ra, trượt chân
Ngã sóng soài trên sàn nhà ướt nhoét.
Ông tức giận, liền túm ngay con vẹt
Vặt hết lông trên người nó, đáng đời!
Nhưng rồi ông lại đấm ngực kêu trời
Vì từ đấy bỗng nhiên nhà triết lý
Chỉ lặng im, chắc là do phật ý.
Cũng đúng thôi, đang đẹp thế mà rồi
Bị lột truồng quần áo, thật khó coi.
Nó hờ hững, đăm chiêu nhìn ông chủ
Đang hối hận, đang van nài, cay cú.
Ông vung tiền mời thầy thuốc gần xa
Chữa cho vẹt nói trở lại, thế mà
Nó lì lợm, chỉ suốt ngày im lặng,
Còn cửa hàng, không như xưa, rất vắng.
Và cứ thế kéo dài, mấy hôm sau
Có một ông rất bệ vệ, hói đầu
Bước vào quán, con vẹt kia nhìn thấy
Liền nói to: "Sao đầu ông hói vậy?
Hay cũng vì làm đổ dầu, mà ông
Giống như tôi, bị người khác vặt
lông?"
*
Chuyện chỉ thế, xin nghe đây bài học:
Với những ai trót không may rụng tóc,
Thì tốt hơn nên đội mũ che đầu,
Đỡ mưa nắng, có va gì không đau,
Lại đỡ lo bị nghĩ oan, thêm tội.
Chẳng có gì đáng khoe khi đầu hói!
CHUYỆN ÔNG VUA VÀ NÀNG LÊILA
Thấy Lêila, vua mỉm cười khinh bỉ:
”Không lẽ cô làm Mêtnun mất trí?
”Không lẽ cô làm Mêtnun mất trí?
Cô - da đen, nhan sắc loại bình thường.
Người như cô ở đây đầy ngoài đường!”
Lêila đáp: “Vua không yêu sôi nổi
Như Mêtnun, nên tốt hơn đừng nói.
Không phải ai đang thức giữa ban ngày
Cũng biết mình ngủ mê muội xưa nay.
Ai thoát được giấc mơ kinh khủng ấy
Cái cao thượng của tâm hồn mới thấy.
Ai tham lam luôn lo sợ đủ điều,
Không bao giờ biết cái đẹp tình yêu!”
CHUYỆN CON RẮN
CỦA ÔNG THẦY CÚNG ẤN ĐỘ
Một tên trộm, vì ngu dốt, tiếc thay,
Đã ăn trộm con rắn của ông này.
Con rắn độc, rắn hổ mang, và nó
Liền cắn chết anh chàng kia xấu số.
Ông thấy cúng biết chuyện, chỉ gật gù:
Hắn không biết đang trộm gì, thật ngu!
Rồi ông ta ngẩng cao đầu, cầu khẩn,
Mong thượng đế trả cho ông con rắn.
Ông ta nghĩ: “Chuyện này hóa lại hay.
Mình thoát chết nhờ tên kia chết thay,
Vì con rắn nọc quá đầy, và nó
Đã đến lúc phải cắn vào ai đó”.
Thế mới biết ở đời không ít anh
Do hám lợi mà chuốc vạ vào mình!
CHUYỆN CẬU BÉ VÀ LỜI KHÓC
CỦA NGƯỜI ĐƯA TANG
Một người nọ, vừa đi sau quan tài,
Vừa than khóc với giọng thật bi ai:
“Ôi mẹ ơi, người ta đang đưa mẹ
Ra nghĩa trang, một nơi buồn, vắng vẻ;
Nơi quanh năm không có ánh mặt trời,
Luôn tối tăm và lạnh lẽo suốt đời;
Nơi ban ngày không bánh mì, buổi tối
Mẹ cũng chẳng có gì ăn, bụng đói;
Nơi xung quanh không hàng xóm, không
nhà,
Không áo quần, không cả một tiếng gà.
Ôi mẹ ơi, người ta đang đưa mẹ
Đến một nơi thật đáng buồn, thật tệ...”
Một thằng bé đứng cạnh, nghe, cậu ta
Liền vội vã chạy thật nhanh về nhà,
Kêu: “Bố ơi, người ta khiêng người chết
Vào nhà ta, sắp đến rồi, thật khiếp!”
Ông bố quát: “Mày nói nhảm cái gì?
Khiêng người chết vào nhà mình? Cút đi!”
“Không, thật thế, - cậu bé kia lúng
búng, -
Nơi người chết được khiêng vào quả đúng
Là nhà ta: nơi không có áo quần,
Không bếp đèn, không nước uống, thức ăn,
Không hàng xóm, không tiếng gà, tăm tối,
Luôn lạnh lẽo và luôn luôn nhịn đói...”
CHUYỆN CON LỪA BỊ BẮT TRỘM
Hãy lắng nghe lời nhắc nhở của tôi,
Cùng lời khuyên quả thật cũng không tồi:
Đừng mù quáng làm theo người, để tránh
Bị cười chê hay rơi vào bất hạnh!
Để chứng minh, tôi xin kể chuyện này,
Chuyện có thật: Một giáo sĩ gần đây
Vào nghỉ đêm ở một tu viện nọ,
Ông giao lừa cho người hầu ở đó,
Không quên dặn cho ăn uống thật no,
Rồi lên giường, ông ngủ, thật vô lo.
Trong khi đó, cũng trong tu viện ấy
Có mấy kẻ lang thang hay làm bậy.
Chúng đói ăn - mà cái đói xưa nay
Thường dẫn đến rất nhiều điều không hay
-
Nên bắt trộm con lừa kia đem bán
Mua rượu thịt cho mình và đãi bạn.
Chúng bảo nhau: “Đúng là đức Alla
Đã ban quà cho tất cả chúng ta!”
Thế là chúng mở tiệc to, thậm chí
Còn mời cả nạn nhân - ông giáo sĩ.
Có thể chúng trêu đùa, có thể không,
Nhưng tất cả rất tử tế với ông.
Đứa mời ngồi, đứa hỏi thăm tên họ,
Đứa còn hôn bàn tay ông khắc khổ.
Đến mức ông quyết định: Đã thế này
Thì phải vui, phải uống đến kỳ say.
Nên ông uống, ông ăn và vui vẻ
Như đám người xung quanh ông cũng thế.
Bỗng một đứa leo lên bàn, hắn ngồi
Và hát vang: “Thế là mất lừa rồi!”
“Mất lừa rồi!” Đám đông reo ấm ĩ,
Trong đó có tiếng reo ông giáo sĩ.
Bữa tiệc vui cũng kết thúc, hôm sau
Ông tỉnh dậy, còn mệt mỏi, đau đầu,
Nhưng phải đi, nên ông ra máng cỏ
Để tìm lừa, nhưng than ôi ở đó
Ông chẳng thấy con lừa quí của ông.
Hỏi anh hầu, anh ta cũng bảo không.
“Sao? Không thấy? Con lừa đâu? - ông
hỏi. -
Chính tay tôi giao cho anh, đừng chối”.
“Vâng, thưa ngài, - anh kia đáp - Đêm
qua
Chính ngài nói, nói rất to, vang nhà
Rằng con lừa của ngài, vâng, đã mất.
Con tưởng ngài đã cho người ta bắt
Bán lấy tiền ăn uống. Vậy giờ đây
Sao vô cớ ngài trách con chuyện này?”
Ông kia nghe, đành thở dài buồn bã:
Hóa ra mình tự gây nên tai họa”.
Để được ăn mà nhắm mắt theo người
Thật xấu hổ - một bài học nhớ đời!
No comments:
Post a Comment