Truyện ngắn. Thái Bá Tân
1
Ngôi
nhà nằm bên cái hồ lớn cách trung tâm thành phố chưa đầy chục cây số. Mùa này
gió nhiều nên mặt hồ đôi khi nổi sóng khá cao, nhất là buổi xế chiều. Tuy
nhiên, do bị chắn bởi doi đất nhô ra hình cánh cung, vùng nước trước nhà luôn
phẳng lặng, chỗ sát bờ thường có váng phủ, nhện và những loài côn trùng khác
vẫn nô dỡn đuổi nhau.
Đó
là ngôi nhà mới xây một tầng, lợp ngói, bề ngoài mang rõ nét kiến trúc dân tộc
nhưng bên trong trang bị hiện đại theo kiểu phương tây. Dân giàu thành phố mấy
năm gần đây có mốt xây kiểu nhà này, thường để nghỉ cuối tuần, hoặc dành cho bố
mẹ già. Hầu hết họ có nhà ở thành phố, nhà nhiều tầng làm nơi kinh doanh.
Nó
ở vị trí đặc biệt, thuộc loại tốt nhất. Buổi sáng từ hiên phía đông nhìn ra,
nếu không có sương mù, có thể ngắm mặt trời nhô lên khỏi vệt mờ xanh làng hoa
Nhật Tân, đến khi chói mắt mới thôi. Thường việc này kéo dài nửa giờ. Buổi
chiều chuyển sang hiên phía tây thì tha hồ ngồi suốt buổi nhìn mặt trời lặn cho
tới lúc nó biến thành chiếc mâm màu hồng khổng lồ treo lơ lửng bên mép tòa nhà
khách sạn Sheraton mấy chục tầng phía bên kia hồ. Nếu không muốn bị công trình
bê tông kính ấy che khuất, người ngắm chỉ việc nhích ghế sang bên.
Chủ
nhà ngày nào cũng làm cái việc ngắm mặt trời ấy. Cả buổi sáng lẫn buổi chiều.
Cả những hôm trời mù hoặc mưa không có mặt trời để ngắm.
Thường
khi mặt trời lặn, ông thấy buồn, cái buồn mơ hồ, nhẹ nhàng mà day dứt. Buồn như
hôm kia bất chợt thấy đàn sếu bay qua giữa bầu trời trong xanh, lòng ông nhẹ tênh
muốn bay lên theo mà không bay được.
Cũng
thường vào giờ ấy chuông chùa làng bên bắt đầu đổ. Những tiếng chuông thong thả
nghe đùng đục, ngân dài rồi tắt dần trong ánh chiều tĩnh mịch. Không hiểu sao
ông luôn hình dung chúng như những chiếc lá bưởi úa vàng sau nhà đang rơi lặng
lẽ, rơi nghiêng như trong một bài thơ người ta đã viết. Có lá bay cả vào mái
hiên mà dù rất muốn, người hầu gái không dám quét nhặt vì biết tính chủ thích
để thế.
Thỉnh
thoảng ông chống gậy đi sang chùa ấy. Ở đó ông quen biết một bà sư đã mấy chục
năm nay, từ lúc bà còn là cô gái trẻ không hiểu cớ gì cắt tóc vào đây. Bây giờ
lần nào nhìn bà thong thả đưa những nhát chổi dài quét lá rụng trên sân chùa,
ông cũng thầm thở dài thử hình dung nếu đầu bà nếu không cạo trọ thì tóc đã bạc
đến mức nào.
Phía
trước, nơi ông ngồi bất động, có tiếng cá quẫy mạnh. Người ta nuôi cá ở hồ này,
loại cá mè lúc thu hoạch có thể nặng tới hai ba cân. Không nhìn nhưng nghe
tiếng quẫy, ông thấy chúng phơi bụng trắng lóa dưới ánh mặt trời, dù mặt trời
đã lặn từ lâu.
Ông
chợt nhớ và lại buồn, vì cây đào rừng một ông bạn già cất công mang từ Sơn La
về năm ngoái trồng sau vườn mãi đến giờ vẫn chưa cho nụ nào. Loại đào này chóng
lớn, thân cao, lá xum xuê nhưng ít hoa, lúc nở có màu trắng phớt hồng, không đỏ
như giống đào Nhật Tân. Lần ấy ông bạn còn cho thêm một khóm trúc, cũng từ Sơn
La, nhưng ông đã chặt bỏ tháng trước vì thân chúng quá mập chứ không mảnh khảnh
theo kiểu “trúc sấu lão công khanh”
của Trần Nguyên Đán. Chắc vì đất ở đây quá màu mỡ.
Hôm
nay là chủ nhật. Cô con dâu út từ thành phố về đây từ sáng. Nó đang ngồi trên
chiếc ghế xếp trong vườn, tay cầm cuốn sách, và cũng ngắm mặt trời lặn như ông.
Nó có chửa sắp sinh. Có lẽ nó đang đọc ca dao hoặc những bài hát ru để sau này
sinh con còn biết ru. Lúc này nó ngả người trên ghế, hai tay nhẹ nhàng đặt lên
chiếc bụng chửa to tròn như đang nâng giữ cả trái đất. Ông có cảm giác như
không phải mặt trời vừa khuất sau tòa nhà khách sạn sáng loáng của người nước
ngoài, mà đã chui tọt vào bụng con dâu mình.
Nó
sắp sinh. Vậy là ông sắp có thêm đứa cháu nữa. Còn cây đào Sơn La thì mãi không
chịu ra nụ. Mai ông thử cắt bớt lá xem sao. Có cách nào làm cho đất cằn cỗi
chút ít thì càng tốt. Lạ thật, có nhiều loài, như cây hoa giấy hay bằng lăng
chẳng hạn, trồng ở nơi khô hạn, sỏi đá thì hoa nhiều và đẹp, còn không thì
chẳng tích sự gì. Người cũng vậy.
Từ
phòng khách vẳng ra những tiếng đàn pianô rời rạc. Có lẽ cháu ông đi ngang ngứa
tay gõ mấy nốt. Nó là con thằng cả, người xây cho vợ chồng ông ngôi nhà này.
Nhà nó ở thành phố có cây đàn lớn mới tinh chiếm cả một phòng, giá những mấy
chục nghìn đô-la. Chiếc đàn nhà ông cũng mới, mua cho đẹp phòng khách, và cũng
để phòng lúc con bé hứng lên chơi vài bài. Nhưng nó lên đây chỉ thích chơi trò
điện tử.
Cũng
có thể mấy tiếng nhạc ấy là trò chơi của con mèo con tinh nghịch. Một lần ngẫu
nhiên dẫm lên phím đàn thấy phát ra những âm thanh lạ tai, nó thích rồi dần
thành quen, bây giờ thì hầu như ngày nào nó cũng nhảy lên đàn, đi lại trên dãy
phím đen trắng vài lần. Nếu ghi lại được cũng thành bản nhạc theo trường phái
hiện đại, kiểu cho chó dẫm lên sơn rồi bước lên toan vẽ của họa sĩ. Ban ngày
chẳng sao, nhưng ban đêm lắm lúc cũng khó chịu.
Nhiều
hôm đang ngủ, ông chợt nghe có tiếng nốt đàn ngân rất khẽ, những nốt cao. Chắc
chắn không phải do con mèo. Vậy do gì? Ông không biết. Và trong giấc ngủ chập
chờn, ông lười biếng nghĩ có thể do ánh trăng hay một cánh hoa bay vào rơi lên
nốt nhạc.
Trời
tối hẳn. Cô con dâu đã bê mặt trời vào nhà. Đứa cháu chán trò điện tử đang bật
nhạc rất to. Còn ông thì vẫn ngồi yên bất động, mắt đăm đăm hướng về phía
trước. Trăng chưa mọc. Sao cũng không có. Chỉ có những ô cửa sổ rực sáng của
tòa nhà khách sạn. Ông nhìn chúng một cách hằn học.
2
Bữa
ăn diễn ra khá ồn ào. Ông không thích nhưng chẳng nói gì. Cả nhà ngồi bên chiếc
bàn lớn gỗ gụ hình bầu dục trải khăn ăn trắng toát, bên trên có lớp kính dày.
Ông ngồi ở chỗ thường ngày, đầu bàn. Vợ ông phía đối diện. Bình thường cô gái
giúp việc cùng ngồi ăn chung. Đó là một cô bé khá xinh xẻo, da trắng, mặt trái
xoan, bỏ việc văn phòng ở một cơ quan nhà nước xin đến đây làm ô-sin vì tiền
công cao bằng lương trước đây, ăn ngon và hầu như chẳng phải làm gì. Những hôm
có khách cô ăn sau một mình.
Vợ
chồng anh cả ngồi một bên. Con gái họ và cô dâu út ngồi bên kia. Chồng cô gọi
điện bảo bận không đến được. Còn hai chiếc ghế trống. Con bé đặt chiếc máy điện
tử lên mặt ghế, một tay xúc cơm, tay kia bấm bấm lên nó rồi ồ lên xuýt xoa, bất
chấp lời nhắc của mẹ. Chiếc ghế trống thứ hai ở gần cửa, nơi có cành hồng xiêm
từ vườn vươn vào. Anh con mấy lần đòi chặt vì vướng lối đi, nhưng ông nhất định
không cho.
Suốt
bữa ăn chốc chốc ông nhìn cành cây, cứ sợ một quả trên đó, quả to nhất và có vẻ
như đã chín, rụng xuống làm hỏng liễn xúp. Thực ra, nếu nó có rụng thì cũng
không rụng theo đường xiên, mà phải thẳng đứng, cách chiếc liễn ít nhất nửa
mét.
“Bố
dạo này hình như không được khỏe?” anh con hỏi.
“Ừ,
già rồi, còn gì”.
Ông
thong thả đáp rồi nâng chén uống nốt chỗ rượu còn lại. Ông chỉ uống rượu Làng
Vân chứ không bao giờ động đến những chai rượu ngoại đắt tiền có rất nhiều
trong tủ. Thỉnh thoảng cô dâu út gắp miếng thức ăn bỏ vào bát bố chồng.
Anh
kia quay sang bàn chuyện làm ăn với vợ, nói oang oang các con số lỗ lãi. Chị vợ
là giám đốc một công ty tư nhân mang tên mình, đăng ký kinh doanh dịch vụ
thương mại, nhưng thực chất làm nhiều việc khác lớn hơn. Việc gì thì ông không
biết mà cũng không muốn biết. Anh chồng là người nhà nước, phó chủ tịch hội
đồng quản trị cái khách sạn sáng loáng ông căm ghét vì che mất mặt trời của ông,
và cả vì nó làm xấu cảnh quan chung của chiếc hồ.
Hôm
nay anh ta mang về nguyên vẹn một con lợn sữa quay vàng, đặt trên chiếc đĩa
sứ lớn Trung Quốc hình bầu dục. Con lợn
bé lắm, chỉ độ gang rưỡi, da căng, vàng óng và khắp người dính đầy mỡ. Lần nào
lên đây anh ta cũng mang cái gì đó từ khách sạn về.
Bà
vợ ông lấy dao xẻo một miếng lớn ở phần mõm, ăn ngon lành. Anh kia lật ngược
con lợn, bổ nó ra làm hai rồi cắt thành nhiều miếng hình vuông, thứ tự đặt lên
đĩa mọi người. Tất nhiên miếng đầu tiên lên đĩa ông bố. Ông không đụng đũa,
suốt buổi chỉ nhâm nhi miếng bánh mì kẹp pho-mat hoặc trứng cá. Cả nhìn anh con
làm động tác mổ xẻ ấy ông cũng không.
Lúc
ấy đã xế chiều. Nắng vàng hoe, rực rỡ. Vào thứ bảy, nhà ông có thói quen ăn
trưa rất muộn, và bữa ăn thường kéo dài cho đến chập tối.
Ông
ngoảnh mặt ra phía vườn. Ở đó, cạnh lối lên xuống có chiếc chậu lớn đất nung
màu đỏ với cây si tam tòng tứ đức,
bên trái ba tán hình tròn, bên phải bốn. Ông thông gia tặng vợ chồng anh cả năm
ngoái, hàm ý nhắc con gái ăn ở cho đúng đạo nghĩa dâu hiền. Con ông kêu nhà có
quá nhiều cây cảnh nên tháng trước chở nó lên đây. Không nói tặng, cũng chẳng
nhờ chăm hộ.
Vậy
là chúng không hiểu ý cây si tam tòng tứ
đức ấy. Chắc vợ ông cũng không một lần nghĩ tới ý nghĩa của nó, dù ngày nào
cũng tưới nước.
Ông
cố nhìn nhưng không thấy cây si do bị khuất sau bụi hoa giấy. Thay vào đó, ông
thấy rất rõ hình con lợn sữa lành lặn nằm trên đĩa, như đứa bé mới sinh được
tắm sạch sẽ đặt lên giường sắp được mẹ âu yếm quấn tã. Ông rùng mình, như thể
bà Tý vợ ông vừa xẻo miệng nó, còn anh con thì thản nhiên mổ bụng, chìa một
miếng cho ông.
Cô
dâu út cũng không ăn, vì lý do khác chứ không nghĩ như ông. Cô luôn ngồi im,
một tay, tay trái, chốc chốc lại xoa lên chiếc bụng chửa to tròn.
Nhìn
cô, ông cứ nghĩ về hình tròn của mặt trời và trái đất.
Ngày
nhỏ đi học ông đã biết được rằng cả lịch sử tiến hóa của loài người đều gói gọn
trong chín tháng hình thành cái thai. Từ tế bào đơn giản nhất thành loài không
xương, loài cá, bò sát rồi đến linh trưởng và cuối cùng thành người. Trước khi
lọt lòng mẹ, con người cũng đầy lông lá và có đuôi. Như khỉ. Thật buồn cười. Và
ông đã thầm cười một mình.
“Mẹ
nghĩ đẻ xong con nên đưa cháu đến đây ở hẳn với ông bà. Mẹ chăm cho. Chứ bên ấy
một thân một mình…”
Bà
Tý bảo cô. Lúc ấy mọi người đã chuyển sang uống trà. Nhà này có cái lệ ăn xong
vẫn ngồi lại uống trà với nhau, đúng mốt các nhà giàu mới nổi.
“Vợ
chồng con cũng nghĩ thế nhưng chưa biết ý bố mẹ thế nào”.
Cô
nói, hình như lần đầu tiên từ khi đến đây. Cô hay cả thẹn, gầy và rất ưa nhìn.
Mặt tai tái nhưng hứa hẹn sẽ hồng hào xinh đẹp sau khi sinh. Đàn bà đẻ con như
lột xác, trẻ và đẹp hẳn lên. Cô làm kế toán ở một trường đại học, hàng ngày
chồng chở ô tô đi về. Những hôm chồng đi xa, mà anh thì phải đi xa luôn vì là
làm giám độc một công ty phần mềm đang làm ăn phát đạt, cô tự lái xe, thích thì
thích nhưng sợ rúm cả người. Lần này nhân nghỉ đẻ, chồng cô bắt thôi việc ở
trường. Cũng phải chịu, dù cô không muốn.
“Có
gì mà ý với chả kiến”, bà Tý đáp. “Cho vui cửa vui nhà. Chứ một mình thế này
với bố mày, tao đến chết buồn mất”.
“Vâng
ạ”.
Thế
là sẽ thêm một mặt trời nữa ở nhà mình, ông nghĩ. Ngộ nhỡ đứa bé ra đời mà quên
rụng lông, rụng đuôi thì sao nhỉ?
Bà
Tý thấp người nhưng mập. Mặt tròn, da căng dẫu đã qua tuổi sáu mươi. Chắc ngày
nhỏ bà gầy bé lắm nên mới có cái tên Tý ấy. Cuộc sống thành thị giúp bà thay
đổi nhiều, nhưng chẳng thể làm bà cao thêm và dễ coi hơn chút nào. Kể ra về già
trông bà không đến nỗi, một phần nhờ mái tóc bạc, phần nữa trầm tính hơn do hay
đi lễ nhà chùa.
Ông
lấy bà trong đợt cải cách ruộng đất, rồi từ vùng chiêm trũng Hà Bắc bà được đưa
thẳng về sống ở phố Hàng Bồ Hà Nội.
Ông,
lúc đó là một trí thức đẹp trai, lấy bà theo chủ trương trí thức hòa mình với
công nông. Cũng theo chủ trương ấy ông đã học cày bừa, hót phân, mặc quần áo
rách, đi chân đất, thậm chí học cả cách nói tục. Đỉnh cao của sự hóa thân ấy là
cuộc hôn nhân này, do ông tự nguyện chứ chẳng ai bắt. Nó là một thảm kịch nhưng
ông chẳng trách bà. Chỉ trách mình, và lặng lẽ chịu đựng. Rồi cũng quen.
Từ
lâu bà Tý đã là người thành phố, thậm chí còn hơn cả thành phố. Tuy nhiên, nếu
chú ý quan sát, người ta vẫn nhận ra ở bà một vài thói quen nhỏ cho thấy nguồn
gốc xuất xứ của bà.
Vợ
chồng anh cả ngừng bàn chuyện làm ăn. Con bé lỉnh đi từ lúc nào. Ngoài phòng
khách con mèo đang chơi trò dẫm lên các phím đàn pianô. Mặt hồ phản ánh trăng
bàng bạc.
“Vợ
chồng con tháng tới định du lịch châu Âu theo một tua trọn gói. Mười sáu ngày
ba nước Đức Pháp Ý”, anh chồng nói. “Hay bố cùng đi cho vui?”
“Anh
chị không mời tôi à?” bà Tý hỏi.
“Có
chứ ạ”, chị vợ chống đỡ. “Chỉ sợ mẹ bận việc chùa”.
“Đùa
thế thôi, chứ tôi biết anh chị không mời, mà có mời tôi cũng không đi. Cảm ơn”.
“Không,
chúng con mời thật mà. Mẹ đi đi”.
“Không.
Cảm ơn”.
Bà
Tý đáp rồi đứng dậy sang phòng bên thắp hương cúng Phật như thường lệ.
“Còn
bố?”
Ông
ngồi im hồi lâu không đáp, tự nhiên nhớ lại chuyện thằng bé hàng xóm hôm nọ
trèo hái trộm cây ổi nhà ông rơi xuống hồ. May nước nông nên không sao. Nó
hoảng hốt bỏ chạy, còn ông thì đuổi theo nhưng không kịp. Mấy quả ổi chín định
cho nó vẫn trong tay, cuối cùng ông vứt xuống nước. Mặt hồ lúc ấy đỏ rực ánh
hoàng hôn, khiến ông giật mình như nó đang bốc lửa cháy thật.
Hôm
nào ông cũng ngồi ngắm mặt trời lặn, một mình, mà cũng chỉ thích một mình.
Thường những lúc ấy ông thấy buồn, cái buồn bâng quơ mà như buồn thật. Có khi
ông ngồi lặng rất lâu, với cảm giác sờ được cái buồn đó. Sờ rất rõ trên từng
đầu ngón tay.
3
Trước
cách mạng không lâu, ông theo bố sang Pháp định thi vào một trường kỹ nghệ bên
ấy. Ý định đó không thành, nhưng trong ba tháng ở lại Paris ông làm quen và yêu
cô gái con bạn bố ông sang Pháp sống từ mấy năm trước. Họ nhiều lần rủ gia đình
ông cùng sang nhưng không hiểu sao bố ông không chịu. Chiều chiều hai người dắt
tay nhau dạo bên bờ sông Seine, thường dừng lâu trước nhà thờ Đức Bà, tranh
luận với nhau đâu là chỗ Thằng Gù trong tiểu thuyết của văn hào Victo Huygô đã
sống, đã rót chì nung chảy xuống bọn người phía dưới. Lúc mặt trời sắp lặn họ
lên xe điện tới Montmartre, nơi có ngôi đền thờ hùng vĩ ngự tọa trên ngọn đồi
cao. Ông không theo đạo nhưng cũng chiều cô vào ngồi hàng giờ trong nhà thờ xem
lễ. Có hôm hai người đến đây chỉ xem các họa sĩ tự do ngồi vẽ trên đồi hoặc vẽ
chân dung cho ai có yêu cầu ở các phố nhỏ bên phải nhà thờ. Rồi họ thả bộ dọc
theo con phố dẫn đến Moulin Rouge,
hộp đêm nổi tiếng ăn chơi của thành phố, nhưng chẳng bao giờ họ vào bên trong.
Đó là chốn hư hỏng, cô gái bảo thế. Trong khi Bảo Đại, đức vua của họ, nghe nói
lần nào đến mẫu quốc cũng ghé thăm đây bằng được.
Mãi
đến giờ ông còn nhớ như in cảnh một lần chán đi lại trong nhà thờ, ông xuống
ngồi trên chiếc ghế sắt cũ kỹ dưới chân đồi chờ cô. Một lúc sau cô bước ra và
đi như chạy theo những bậc đá xuống phía dưới với ông. Hôm ấy cô mặc bộ đồ vải
mỏng màu đỏ. Dưới ánh hoàng hôn sắp tắt, cả người cô rực hồng, trông như ngọn
lửa đang bay. Và ông đã ghì chặt ngọn lửa ấy vào lòng, toàn thân nóng rực vì
nó.
Họ
chỉ vào nhà hát Gardier một lần, xem vở ôpêra “Cây sáo thần” của Mozart, nhưng đến đó thì khá thường xuyên, thường
vào ban đêm, vì ban đêm nhà hát được chiếu sáng rất đẹp. Từ đấy họ lên xe về
nhà ở khu Port d’Italie. Cả hai bố con ông ở nhờ nhà cô suốt cả thời gian lưu
lại Pháp.
Hôm
trước ngày chia tay, theo yêu cầu của ông, cả hai leo lên tháp Eiffel, dù cô
rất sợ độ cao. Ông đưa mắt nhìn quanh một lượt để thâu tóm vào trí nhớ cái
thành phố Paris hoa lệ cùng cô gái yêu quí của mình. Ông đã van nài, thậm chí
dọa tự tử để được ở lại với cô, nhưng bố ông một mực không chịu.
“Anh
sẽ quay lại với em chứ?” cô gái hỏi.
“Tất
nhiên”, ông đáp, dù không tin lắm.
“Em
sẽ chờ anh”.
“Thật
không?”
“Thật”,
cô chúm môi nũng nịu vì bị hỏi một câu như vậy. “Chờ mãi mãi. Chủ nhật hàng
tuần em sẽ đến Montmartre, ngồi dưới chân cột giữa trước nhà thờ, và chờ anh”.
“Sao
phải đến đấy, khi anh có thể về thẳng nhà em?”
“Em
muốn thế. Trong một cuốn tiểu thuyết có đôi trai gái yêu nhau hẹn chờ nhau cách
ấy. Em sẽ chờ từ mười giờ sáng đến hai giờ chiều, dù đôi kia chờ từ rạng sáng
đến chập tối”.
“Ngộ
nhỡ số cột nhà thờ không lẻ mà chẵn thì sao?”
“Không,
em đếm rồi. Số lẻ. Em sẽ ngồi ở cột giữa”.
Không
biết nói gì hơn, ông ôm hôn cô âu yếm. Đó là lần đầu tiên họ hôn nhau nơi đông
người.
“Em
nghĩ có ngày sẽ về Hà Nội không?” lát sau ông hỏi, rất nghiêm túc.
‘Chắc
có”, cô cũng nghiêm túc đáp lại. “Em rất muốn về. Để gặp anh. Nhưng mọi việc do
bố mẹ em quyết định”.
“Bao
giờ em có thể về?”
“Ngay
ngày mai cùng anh, nếu được tự em quyết định. Thế anh có chờ em không?”
“Có”.
“Ở
đâu?”
Ông
suy nghĩ một lúc rồi nói:
“Ở
bậc lên xuống trước nhà hát Ôpêra Hà Nội”.
“Cũng
cột chính giữa?”
“Không,
ở bên góc. Góc trái. Đỡ vướng người khác. Vả lại số cột ở đấy chẵn chứ không
lẻ”.
“Anh
định chờ em bao lâu?”
Ông
lại hôn lên môi cô:
“Còn
em?”
“Suốt
đời”.
“Vậy
thì anh cũng sẽ chờ em suốt đời, nhưng hy vọng ta không phải chờ nhau lâu đến
thế”.
Đã
năm mươi năm năm trôi qua kể từ ngày ấy, và họ chưa lần nào gặp lại. Thời gian
đầu họ viết thư cho nhau hầu như hàng ngày với đủ lời thề thốt của những người
đang yêu say đắm. Sau khi rời Hà Nội lên chiến khu, ông ngừng trả lời thư cô,
thậm chí nhận thư cũng dấu diếm. Ông đã gặp không ít phiền toái vì những bức
thư từ nước Pháp. Cái thời ấy nó thế. Ông chẳng trách ai ngoài trách mình hèn
nhát. Ông cố ý không liên lạc để cô tưởng ông thôi yêu cô, hoặc đã chết.
Cũng
chỉ thời kỳ đầu, tức khi chưa tham gia cách mạng, ông đều đặn ra ngồi ở cửa nhà
hát Ôpêra chủ nhật hàng tuần, không phải từ sáng đến chiều mà chỉ một chốc theo
kiểu chiếu lệ vì ông không hứa cụ thể sẽ chờ từ mấy giờ đến mấy giờ. Sau thì
vài ba năm một lần. Cả chục năm nay ông chưa tới đó lần nào với mục đích này.
Thậm chí cũng rất ít khi nghĩ về cô. Ông thầm ngạc nhiên và giận mình có thể
bội bạc như vậy.
Cô
người yêu của ông, nếu bây giờ còn sống, đã là một người già, có lẽ cũng nhăn
nheo, ốm yếu như ông. Bà có ra đồi Montmartre chờ ông suốt mấy mươi năm qua
không? Chắc không. Thời gian và sự mệt mỏi sẽ nhanh chóng xóa đi mọi thứ, cả
những điều thiêng liêng nhất. Bản chất con người chóng quên. Mà thế cũng đúng
thôi…
Trước
khi ra ô tô về nhà, vợ chồng anh cả nói:
“Tùy
bố thôi. Nếu thấy khỏe thì đi với chúng con cho vui. Có gì bố cho biết sớm để
kịp mua vé”.
“Không,
bố cảm ơn. Bố già rồi, không muốn đi đâu nữa”.
Ông
uể oải đáp, mắt nhìn mặt nước hồ lung linh những vì sao. Tuy nhiên, cái ông
nhìn thấy là một vệt lửa đỏ rực đang lao nhanh từ đỉnh đồi Montmartre xuống.
Rồi vệt lửa ấy bỗng nhiên nhòe nước như bị nhấn chìm xuống hồ.
Không
ai để ý thấy ông khóc.
Đêm
nhiều mây. Cũng có thể là sương mù. Phía thành phố hừng lên một mảng màu vàng.
Còn trên cao, chếch về phía làng hoa Nhật Tân, vào giờ này phải có trăng, nhưng
chẳng thấy trăng đâu, chỉ thấy bàng bạc một màu lạnh lẽo.
Ông
chậm chạp bước đi theo những lối nhỏ rải sỏi trong vườn, cuối cùng dừng lại bên
một gốc đào già. Nó là cây đào duy nhất sót lại trên mảnh đất của người chủ
trước. Trông nó thật tội nghiệp, xấu xí. Lá ít, hoa ít, chỉ nhiều mạng nhện.
Nhưng ông không muốn chặt bỏ, tự mình cũng không hiểu vì sao.
Ông
đặt tay lên một cành cụt của nó, với cảm giác như chạm vào tay một người bạn
đồng niên, vẩn vơ nghĩ về bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của cô gái người yêu khi họ
lần cuối cùng nhau đứng trên tháp Eiffel.
4
Sáng
hôm sau, anh con ngạc nhiên khi thấy bố gọi điện bảo cho xe đến đưa ông tới Nhà
Hát Lớn.
Đến
nơi, ông bảo mười hai giờ trưa quay lại đón.
Buổi
sáng nắng đẹp mà lát sau trời nổi gió lạnh, lại bắt đầu mưa lâm thâm. Tối hôm
trước cơ quan khí tượng cho biết trời không mây, nắng nóng và nhiệt độ có thể
lên tới 27 độ C.
Người
xe qua lại tấp nập trước Nhà Hát Lớn, nhưng không ai để ý thấy có ông già ngồi
dưới mưa nặng hạt ở bậc tam cấp nhà hát.
Ở
đấy có sáu chiếc cột lớn, không kể hai cột sát tường hai bên. Nghĩa là số chẵn
chứ không lẻ như ông đã nói ngày nào. Ông ngồi ngay chính giữa, hai tay đặt lên
gối. Bên cạnh có tờ báo mới mua nhưng ông không đọc, như thể sợ mải đọc ngộ nhỡ
người ông chờ đến hoặc đi ngang mà không nhìn thấy.
Lúc
trời đổ mưa, ông lấy tờ báo che đầu, sau nó ướt thì ông ngồi đầu trần. Mái tóc
bạc dính bết trên khuôn mặt nhăn nhúm. Nước mưa chảy thành từng dòng theo các
nếp nhăn. Ông vẫn ngồi yên bất động.
Đúng
mười hai giờ, khi anh con đến và bế bố vào xe, ông đã cấm khẩu, bộ com-lê và
chiếc cà-vạt mới màu tro ướt sũng như vừa ngâm nước trước khi giặt.
Vậy
là năm mới được bắt đầu bằng một ngày thời tiết xấu. Lại thêm ông chủ nhà bị
cảm nặng.
Ông
nằm trong phòng mình, chăn trùm tận cằm, uể oải nghe tiếng những giọt nước treo
trên lá rơi xuống mặt hồ. Tai ông rất thính. Tiếng rơi bộp bộp như rơi lên lá
sen. Cũng có thể không phải tiếng nước, tiếng nước mưa rơi nghe không to đến
thế. Con nhái nhảy lên lá sen chăng? Dễ thế lắm. Mà thôi, không quan trọng. Ông
chuyển sang nghĩ cảnh buổi sáng sớm giữa trời mưa các cô gái Nhật Tân gánh hoa
vào thành phố, quần áo ướt dính chặt người mà cười nói như không. Ông rùng mình
vì thấy lạnh. Nhiều hôm ngồi nhìn ông thấy có cô để rơi một bông cúc vàng trên
mặt đường nhựa. Bông cúc mới hái, tươi rói, bất lực chờ những bánh xe lăn qua
nghiến nát. Trên cánh hoa còn vài giọt sương long lanh như nước mắt. Nó đang
kêu cứu. Hình như ông nghe tiếng kêu ấy. Vậy mà ông vẫn ngồi yên. Ông suýt khóc
khi lát sau bánh một chiếc xe chở công-te-nơ lăn qua người nó.
Mưa
gió dầm dề mãi đến tối. Sau đó ngớt dần và đỡ lạnh hơn. Cũng là lúc ông hồi
phục, gần như khỏe hẳn.
Ông
đã có thể đi lại trong nhà, nhưng người ta vẫn ấn ông xuống chiếc ghế bành bọc
da, khoác lên người chiếc măng-tô dạ nặng chình chịch có từ thời xa xưa mà ông
tưởng đã bị vứt từ lâu. Hóa ra bà Tý vẫn giữ nó, còn giặt sạch và ướp long não
cẩn thận. Mùi long não gây cảm giác khó chịu. Một trong những thói quen xưa sót
lại của bà là không bao giờ vứt đi thứ gì.
Ông
ngạc nhiên thấy trong nhà có đầy đủ con cháu, không thiếu một ai, kể cả anh con
út luôn bận rộn, dù lúc ấy đã mười giờ đêm.
Một
hình thức biểu lộ tình thương, một cách chăm sóc cảm động? Có thể. Hay chúng
đến chờ ông chết để chia nhau của thừa kế? Cũng có thể như thế, ông nghĩ, nhưng
liền sau đó lại tự trách mình nhẫn tâm nghĩ xấu về người khác. Ông có ngôi nhà
cổ, khá rộng ở ngay trung tâm thành phố mà nhờ là cán bộ cách mạng lão thành,
vẫn còn giữ được. Thêm vào đó, ông còn được thừa hưởng gần nghìn mét đất ở ven
đô, nơi theo qui hoạch của thành phố sẽ là khu đô thị mới và giá đất đang tăng
vùn vụt.
Ngoài
ra ông thấy cả ông bạn già bác sĩ. Trước họ cùng học trường Anbe Xarô với nhau,
khá thân. Ông bác sĩ thỉnh thoảng đến đây, để chơi thôi chứ chẳng phải chữa
bệnh vì ông ít đau ốm. Chắc hôm nay thì ông ta được gọi đến, và đã làm những gì
cần làm để ông nhanh chóng hồi phục.
Hiện
giờ ông bác sĩ đang ngồi hút thuốc ngoài phòng khách. Ông nghiện thuốc nặng, dù
là chuyên gia hàng đầu về các bệnh đường hô hấp và nhiều lần lên ti-vi khuyên
người khác bỏ thuốc lá.
Còn
những người khác thì bâu quanh ông, tranh nhau trách ông không biết giữ gìn.
“Sao bố có thể không đâu ngồi giữa trời mưa hàng giờ thế nhỉ?”
Ông
chỉ mỉm cười vẻ biết lỗi. Ông chưa bao giờ kể người khác nghe về vệt lửa đỏ của
mình trên đồi Montmartre. Nét mặt các con ông lộ vẻ lo lắng thực sự, thế mà ông
cứ có cảm giác như họ ít nhiều thất vọng vì bố không chết.
Cuối
cùng, theo yêu cầu của ông, người ta để ông yên một mình. Ai về phòng người ấy
đi ngủ. Nhà có đủ phòng cho các cặp vợ chồng. Còn thừa một phòng trống. Ông bác
sĩ được mời nghỉ lại nhưng từ chối, xin phép về, và anh con út đánh ô tô đưa
ông về.
Lúc
đó đã muộn, bên ngoài trăng rất sáng. Hôm ấy, theo âm lịch là ngày mười sáu.
Trăng chiếu chếch vào phòng, lại qua lớp sương mù nhè nhẹ nên tạo thành từng
luồng rất rõ, tưởng như nắm bắt được. Sàn nhà lát gỗ pơ-mu như được láng một
màng sữa mỏng.
Đầu
ông nhẹ tênh, có thể nói trống rỗng. Điều này làm ông có cảm giác thật lạ.
Chính xác là gì thì ông không biết, nhưng rõ ràng trận cảm sáng nay đã tạo nên
một sự thay đổi nào đó. Ông thấy nhạy cảm khác thường, đặc biệt ở khứu giác và
thính giác. Đầu óc dường như cũng minh mẫn hơn. Sao thế nhỉ?
Vốn
ít hiểu biết về y, ông không lý giải được điều đó. Thông thường sau những
chuyện như việc vừa rồi mà bây giờ thực tâm ông lấy làm tiếc, người ta chỉ mụ
mẫm đi chứ không ngược lại. Chắc vài ngày, có thể ngay sáng mai nó sẽ qua.
Cảm
giác trống rỗng, minh mẫn ấy làm ông không ngủ được. Ông gạt chiếc măng tô cũ
kỹ xuống sàn, đứng dậy đi vài vòng trong phòng. Ra ngoài được một chốc thì tốt,
ông nghĩ, nhưng nhớ lời dặn của ông bác sĩ, ông đành thôi.
Tựa
tay vào tấm cửa kính, ông nhìn ra phía hồ. Lạ thật, suốt ngày mưa gió thế mà
bây giờ trời rất quang. Vẫn cái khách sạn đồ sộ ấy đứng chắn trước mặt. Các
tầng giữa hầu như tắt hết đèn, nhưng tầng lễ tân phía dưới và tầng trên cùng,
nơi người ta ăn uống, nhảy múa, đèn vẫn sáng. Quá sáng. Thậm chí ông thấy bóng
người lờ mờ đi lại. Chắc mình tưởng thế thôi, xa thế, thấy sao được?
Ý
nghĩ ấy được khẳng định khi ông quay sang nhìn hướng khác, nơi có ngôi chùa cổ.
Chẳng thấy gì ngoài một vệt mờ đen.
Hơi
chóng mặt, ông quay lại nằm lên chiếc ghế võng đã được hạ thấp hết mức, phía
dưới lót tấm chăn mỏng.
Bà
Tý bước ra trong bộ đồ ngủ màu mỡ gà yêu thích của bà.
“Ông
khỏe hẳn rồi chứ?”
“Ừ”.
“Thế
thì vào mà ngủ”.
“Tôi
ở đây cũng được”, ông đáp. Thực ra, ông ngại cảm giác chạm vào da thịt già nua
của bà. “Vả lại, ở đây lúc thích tôi còn bật đèn xem sách báo được”.
“Lại
còn sách với báo nữa”.
“Ấy
là nói thế”.
Bà
Tý ngồi với ông thêm chốc nữa nhưng hai người không nói gì thêm. Như các cặp vợ
chồng khác ở tuổi ấy, họ thường nói chuyện với nhau theo cách đó. Khủng khỉnh,
tiếng một, nhưng yêu quí và quan tâm lẫn nhau.
Bà
Tý ngồi trên chiếc ghế bên cạnh. Ông nằm ngửa, mắt lim dim.
Bên
ngoài, không cần thính tai cũng nghe rõ tiếng côn trùng rên rỉ và tiếng cá quẫy
dưới hồ.
Bỗng
ông khẽ nhỏm dậy, hỏi:
“Bà
không ngửi thấy mùi gì à?”
“Không.
Mùi gì?”
“Tôi
không biết. Nhưng quả có cái mùi gì đặc biệt lắm”.
“Vớ
vẩn”.
“Thật
mà”.
“Thế
thì mùi gì?”
“Đã
bảo không biết. Cái bà này rõ buồn cười. Nhưng rõ ràng tôi ngửi thấy nó. Đúng
thế. Một mùi đặc biệt, rất mới lạ. Các mùi khác tôi nhận ra ngay”.
“Nó
thơm hay thối?”
Ông
lặng im, phật ý với câu hỏi thô tục đó. Bất chợt ông chỉ xuống sàn nhà:
“Bà
nhìn kìa!”
“Cái
gì?”
“Ánh
trăng”.
Trăng
đã ngả hẳn về phía tây, nên ánh sáng của nó tràn khắp nhà, trừ những chỗ bị đồ
vật che khuất. Do không còn sương mù nên lúc này ánh trăng có vẻ loãng hơn.
“Thì
sao?”
“Tôi
ngửi thấy mùi của nó đấy”.
“Mùi
trăng?”
“Ừ,
mùi trăng”.
“Vớ
vẩn”.
Im
lặng một chốc, bà nói:
“Ông
vẫn ốm đấy. Ốm nặng. Không khéo còn hóa điên. Thôi, ngủ đi. Không vào phòng thì
nằm đây mà ngủ”.
Bà
vợ bỏ đi từ lâu, ông vẫn nhỏm người trân trân nhìn thứ ánh sáng kỳ diệu trên
sàn nhà.
Mùi
trăng. Ngửi thấy mùi trăng. Đúng là vớ vẩn. Có lẽ mình ốm thật, ốm nặng như bà
Tý nói. Nhưng tại sao vẫn thấy khỏe, còn tỉnh táo hơn ngày thường? Tại sao mình
thực sự ngửi thấy cái mùi ấy? Mùi trăng, một mùi … Nói thế nào được nhỉ?
Ông
không thể diễn tả thành lời cái mùi ấy. Có lẽ cũng chẳng cần, ông nghĩ bụng rồi
nằm xuống, với tay đắp chiếc măng tô lên người. Và cố ngủ.
Trong
giấc ngủ chập chờn, bất chợt ông nhớ tới ông bạn bác sĩ lúc nãy. Ông này vốn là
một nhà thơ thời trước giải phóng, nhiều lần in báo Tri Tân. Sau này ông chẳng
bao giờ nhắc đến thơ phú, viết lại càng không. Thế mà một hôm, cách đây hai
năm, ông ta đưa cho ông một tập thơ chép tay, bảo của mình. Toàn thơ không đề,
loại sáu câu sáu chữ về cây lá vẩn vơ. Trong đó có một bài mà không hiểu sao
bây giờ ông nhớ rất rõ, nhớ đến từng dấu chấm phẩy.
Một mình tôi với thiên nhiên,
Không làm thơ, cũng chẳng thiền,
Chỉ ngắm trăng trên rừng rậm…
Hình như ánh trăng cũng ấm.
Và tin hay không tùy anh:
Tôi ngửi thấy mùi trăng xanh.
Vậy
là không chỉ một mình mình. Ông bác sĩ cũng ngửi thấy nó, lại còn mùi trăng
xanh. Đành rằng là nhà thơ, ông ta có thể phịa cái gì cũng được.
Ông
gần như tin chắc vào sự hiện hữu của cái mùi đặc biệt ấy. Có lẽ xưa nay trăng
luôn có mùi, tại người ta không ngửi thấy mà thôi. Vậy sao ông ngửi được? Mà
cũng chỉ hôm nay? Vì trận cảm lạnh ban sáng? Ừ, chắc thế. Nghe nói sau khi trải
qua những thay đổi bệnh lý lớn, nhiều người bỗng có một vài khả năng kỳ diệu.
Nhưng gì thì gì, đây cũng là dấu hiệu cho thấy ông thực sự đã già yếu, có thể
phát điên hay sắp chết như bà Tý nói.
Nghĩ
vậy, tự nhiên ông cảm thấy sức khỏe mình sút kém hẳn.
T.B.T
No comments:
Post a Comment