Wednesday, March 25, 2015

ĐÔI ĐIỀU VỀ BẢN THÂN VÀ NGHỀ NGIỆP



(Lời tựa cho tập truyện kỳ ảo Ông tượng đá)

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo, trong một gia đình nông dân tất nhiên cũng nghèo và bao đời nay chỉ biết mỗi nghề là làm ruộng. Tuổi thơ tôi chẳng có gì đặc biệt, hàng ngày chăn trâu và đi học như  những đứa trẻ khác trong làng, may học không đến nỗi nên được lên cấp ba, rồi đi học nước ngoài. Hình như tôi là người đầu tiên trong xã có được vinh dự ấy. Học xong phổ thông năm 1967, cả lớp viết đơn tình nguyện ra mặt trận, nhưng một số ít được giữ lại học các trường đại học trong và ngoài nước. Năm ấy không phải thi, cứ tốt nghiệp xong ai được phân đi đâu cứ đi, không không lựa chọn, không kêu ca, và có lẽ cũng không có tiêu cực. Vậy là mười bảy tuổi, chưa bao giờ đi xa hơn phố huyện, chưa thấy nhà hai tầng, đùng một cái tôi được đưa sang Matxcơva để học tiếng Anh, thứ tiếng thời ấy phe xã hội chủ nghĩa chẳng ai dùng và không hy vọng sau này có lúc sẽ dùng. Đúng thế, tôi về nước 1974 nhưng mãi đến năm 1992 mới sử  dụng lại tiếng Anh một cách thường xuyên, dạy học thêm tăng thu nhập nuôi nghề văn chương. Từ bấy đến nay tôi hàng ngày đều đều đi dạy, với cảm giác hài lòng rằng mình còn khả năng giúp được gì đó cho thế hệ trẻ.
Có thể nói tôi bước vào văn học không chủ ý, mặc dù thời phổ thông đã có một vài bài thơ đăng báo tỉnh, được chọn đi thi học sinh giỏi văn toàn Miền Bắc. Suốt bảy năm ở nước ngoài tôi rất mê âm nhạc, thường bỏ học trường chính để sang học ở trường nhạc và suýt bị đuổi về nước vì chuyện này. Học xong, biết không thể đi tiếp con đường âm nhạc, tôi mới quyết định đeo đuổi nghề văn chương.
Tôi có ba mảng hoạt động lớn, là dịch thơ, sáng tác thơ, và những năm gần đây là viết truyện văn xuôi. Thấm thoắt cũng đã gần ba mươi năm. Nếu tự nhận xét về mức độ thành công thì tôi xếp dịch lên hàng đầu, tiếp đến là thơ sáng tác, cuối cùng mới đến văn xuôi.
Bài thơ dịch đầu tiên là Mặt trời của những người không ngủ của Byron, năm 1973, ngẫu nhiên tôi đọc thấy thích thì dịch chứ chưa có chủ định nào cụ thể trong đầu. Hai năm sau tôi mới chuyên tâm vào dịch thuật, chẳng làm gì khác ngoài dịch thơ. Khi dịch, tôi đặt hàng đầu nhiệm vụ chuyển đạt hình thức, vần điệu và chất nhạc. Chính xác hơn, tôi đọc hiểu, cảm nhận và viết lại theo cách của mình. Vì vậy mà tôi luôn coi thơ dịch cũng là thơ tôi sáng tác.  Có thể nêu một số cuốn tôi tâm đắc: tiểu thuyết thơ Đôn Juan của Byron, Thơ cổ phương đông, nhất là thơ bốn câu của Ôma Khayam, Thơ trữ tình Robert Burns, tập thơ thiếu nhi Góc trời tuổi thơ, tập Nghịch lý của bàn tay của Megielaitis, Bài thơ bạch dương, và đặc biệt là tập Cổ thi tác dịch. 
Tôi là người luôn có chủ đích, đã quyết làm gì thì cố làm bằng được. Đến nay, với mấy chục tập thơ dịch đã in, tôi coi như làm xong một việc lớn, nên quyết định thôi không dịch nữa, trừ một món nợ mà sớm muộn tôi sẽ phải trả, là dịch tập Lã Đường Di Cảo Thi Tập của cụ tổ Thái Thuận.
Nhân tiện xin nói thêm là dòng họ Thái Bá chúng tôi trước kia vốn là lâu đời và rất danh giá. Theo gia phả thì người đầu tiên mang dòng họ này vào Việt Nam là cụ Thái Bá Đọi, từ Vân Nam Trung Quốc, đến ngụ ở Đông Triều vào năm 1350. Bản thân cụ chỉ là một nhà nho làm nghề dạy học, nhưng sau cháu chắt cụ đều làm quan to. Về văn thơ nổi bật nhất là nhà thơ lớn Thái Thuận, ngụ ở Thuận Thành, Bắc Ninh, đỗ tiến sĩ năm 1475, được đặc cách phong làm Tao Đàn phó nguyên súy, nghĩa là chỉ sau vua Lê Thánh Tông trong “câu lạc bộ” thơ nổi tiếng một thời. Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có hẳn một truyện viết về cụ, là Kim hoa thi thoại ký. Tuy nhiên, các nhân vật kiệt xuất của dòng họ Thái Bá chủ yếu về đường trận mạc, tiêu biểu là Thái phó Chân quận công Thái Bá Du cùng tám người con trai của cụ, tất cả đều danh tướng đời Lê. Đền thờ cụ và cũng là nhà thờ chung của cả dòng họ chúng tôi hiện ở Đô Lương, Nghệ An, năm 1995 được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa (xem thêm truyện Kiêm quận công Thái Bá Kỳ).
Quan niệm sáng tác thơ của tôi khác nhiều người. Tôi không tìm các hình thức mới trong thơ. Lời và ý luôn cố dung dị, dễ hiểu. Chủ yếu tôi viết thơ chỉ để nói những gì không thể hoặc không tiện nói bằng văn xuôi. Hiện đã xuất bản ba tập dày, tổng cộng hơn nghìn trang. Tôi nghĩ tôi đã đạt được điều gì đó trong tập Lục ngôn thi tậpBàn tay hình chiếc lá xuất bản gần đây. Tôi cũng quyết định thôi không viết thơ nữa.
Vậy chỉ còn văn xuôi, thời kỳ đầu tôi viết truyện ngắn. Tác phẩm văn xuôi đầu tiên của tôi là truyện Những con thiên nga bằng giấy in ở báo Văn Nghệ năm 1976. Những năm từ 1978 đến 1984 tôi viết rải rác một số truyện, phần nhiều mang tính ngẫu hứng, sau tập hợp lại in thành tập Thái Bá Tân. Truyện ngắn gần 600 trang, 1996. Từ khi bỏ dịch và thơ cuối năm 1999, tôi tập trung viết một mạch hơn ba mươi truyện, vừa xuất bản trong cuốn Ông già và chiếc đàn dương cầm. Rồi ngẫu nhiên tôi nẩy ý định viết một tập truyện có các chi tiết ly kỳ, phi hiện thực, tạm gọi là truyện ma, dù chất ma trong đó rất ít. Đơn giản tôi chỉ mượn hình thức này để chuyển tải những ý tưởng nhân văn vốn đặc trưng cho phong cách của tôi. Nhiều truyện đã in báo, giờ tôi tập hợp lại in thành cuốn sách các bạn đang cầm trên tay. Cuối tập tôi đưa vào bốn truyện ngắn bằng thơ với giọng dí dỏm, hài hước. Không ít nhà văn thế giới từng viết truyện bằng thơ. Ta cũng có dù ít hơn. Âu cũng là một thể nghiệm.
Chẳng biết hay hay dở, tôi viết rất nhanh, trung bình mỗi tuần một truyện nếu muốn, và thường thì sau mấy tháng viết liên tục, tôi phải nghỉ một thời gian cho óc và ý nghĩ đầy lại. Thời gian nghỉ viết, tôỉ đọc và suy ngẫm. Đọc rất nhiều, để biết cái hay, cái không hay của người khác mà tránh hoặc học hỏi. Cách đây khoảng chục năm, tôi định viết một bộ tiểu thuyết lớn, thậm chí đã lên xong dàn ý và bắt đầu được dăm chục trang. Nhưng sau lại thôi, và cốt truyện của cuốn tiểu thuyết không thành ấy được tôi xé nhỏ thành một số truyện ngắn, như Đêm ở một ga yên tĩnh, Chị Tâm, Một chuyện đau lòng, Chờ đợi, Hà Nội những ngày trước Tết, vân vân. Đến nay, tôi đã viết được hơn một trăm hai mươi truyện ngắn, nếu trời còn cho sống lâu và khỏe mạnh, tôi sẽ cố viết thêm ba, bốn trăm truyện nữa. Tôi chủ trương viết thật nhiều, theo kiểu chuyển từ lượng sang chất. Với tôi, cảm hứng giữ vai trò rất nhỏ. Mọi cái đều theo kế hoạch và mục đích cụ thể tự đặt ra cho mình trong từng giai đoạn.   
Hiện nay tôi có một lợi thế so với nhiều đồng nghiệp khác, là không phải bận bịu công việc cơ quan (tôi xin nghỉ hưu non năm 1999, lúc mới 50 tuổi) nên có nhiều thời gian muốn làm gì thì làm. Chuyện gia đình, vợ con, kinh tế suôn sẻ, tinh thần thoải mái, ít đam mê, không cay cú, ghen tị, và thực lòng, cũng chẳng tơ màng danh vọng. Tôi viết vì đơn giản đấy là ý nghĩa cuộc sống. Lúc không viết tôi chơi âm nhạc, chơi đàn Piano,  Violoncelle và thổi kèn Saxophone. Âm nhạc vẫn luôn là đam mê lớn của cả đời tôi. Một sở thích khác là du lịch. Tôi đã đi gần như không sót nơi nào trong nước. Khi điều kiện cho phép, tôi đi du lịch cả nước ngoài, đến nay có lẽ đã đi khoảng 30 nước. Mong muốn duy nhất của tôi là mang lại chút lợi ích nào đó cho đời, qua những trang viết và các giờ dạy học. Nhiều người bảo tôi may mắn, hạnh phúc. Có lẽ đúng thế thật. Hạnh phúc nhất là được thấy đất nước thanh bình, ổn định và càng ngày càng phát triển.

                                      Hà Nội, ngày 2 tháng Mười năm 2002
                                                       Thái Bá Tân

No comments:

Post a Comment