Wednesday, March 25, 2015

MỘT TRUYỆN GẦN GIỐNG NHƯ ĐỐT


Truyện ngắn. Thái Bá Tân

1
Ngoài cửa sổ mưa vẫn rơi rả rích.
Đã thành lệ, mấy hôm nay đêm nào họ cũng nằm đọc truyện cho nhau nghe thật khuya trước khi ngủ.
Họ là hai giáo viên phổ thông trung học ở hai tỉnh khác nhau về Hà Nội dự lớp bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi do Bộ tổ chức. Họ được xếp cùng phòng. Một người cao to, da ngăm đen, ít nói, trông giống nông dân hơn ông giáo, còn người kia trắng mập, có bộ ria cắt tỉa rất công phu, tính tình cởi mở nhưng dễ làm người ta khó chịu, vì nói chuyện với ai, chốc chốc ông ta lại vỗ vào vai, thậm chí vuốt cả tóc người ấy. Họ cùng ở độ tuổi bốn mươi lăm, cùng dạy văn, nên thường câu chuyện dù bắt đầu bằng đề tài nào, cuối cùng cũng quay về đề tài họ thích là văn học.
Đêm đầu tiên với nhau, họ thức đến tận sáng để tranh luận một vấn đề gì đó. Đêm thứ hai vẫn vấn đề ấy, có điều đến mười hai giờ thì phòng bên đấm tường yêu cầu im lặng. Đêm thứ ba, ông thấp trắng mượn đâu về cuốn Gã Khờ của Đôxtôiepxki. Thế là cả hai ngừng tranh luận, luân phiên đọc cho nhau nghe.
Đêm nay, sau khi đọc hết đoạn Natalia Philipôpna mời khách đến nhà để thông báo quyết định sẽ lấy ai, và ở đó mỗi người buộc phải kể một chuyện xấu xa nhất trong đời mình, ông thấp trắng úp cuốn sách lên bụng, hồi lâu tư lự nhìn lên trần nhà rồi nói:
- Đôxtôiepxki đúng là thánh thật. Bày ra cái trò chơi độc đáo ấy, ông ta đã dồn ép, bắt nhân vật phải tự bộc lộ hết tính cách của mình. Không trốn vào đâu được. Thánh thật!
- Theo tôi thì nhà văn nghĩ ra cảnh ấy cốt để người đọc suy ngẫm về bản thân mình, - ông bạn cùng phòng vừa đáp vừa ngọ ngậy trong chiếc chăn dày ở giường bên, - để tự người đọc nhớ lại... ông ta gọi là gì nhỉ?... một chuyện xấu xa nhất từng làm trước đây. Chỉ một mình với lương tâm, nên không cần phịa chuyện tự quảng cáo như ông tướng Yepanchin nọ.
- Một việc xấu xa nhất... Thế anh có nghĩ chúng ta ai cũng từng làm một việc xấu xa như thế để suốt đời phải hối hận không?
- Có. Tất nhiên mỗi người một mức độ khác nhau. Vả lại, vấn đề còn phụ thuộc vào thái độ từng người đối với việc mình làm.
- Nghĩa là anh cũng có một chuyện kiểu ấy?
- Vâng.
- Thế thì kể đi.
Ông kia không đáp, hồi lâu nằm im lắng nghe những giọt mưa rơi đều đều trên mái. Cuối cùng ông lên tiếng:
- Chuyện đã lâu. Cũng chẳng có gì đặc biệt. Mà thôi, hôm nay khuya rồi. Ngủ đi.
Rồi ông với tay tắt đèn. Cả hai cùng duỗi người, kéo chăn lên tận mũi, chẳng ai nói thêm với ai câu nào nữa.
          Tuy nhiên, khoảng ba mươi phút sau, không hiểu sao ông ta lại gọi bạn dậy và kể một mạch không nghỉ cái việc mà ông cho là xấu xa, tồi tệ nhất trong đời mình.

2
Chắc anh gặp không ít những gia đình bất hạnh phải nuôi một người già bại liệt toàn thân, những tưởng ngày một hay hai sẽ chết, thế mà nằm thối cả thịt, người bệnh luôn miệng cầu trời xin chết mà chẳng chết được, còn con cháu thì bỏ bê công việc làm ăn, thay nhau thuốc thang chăm sóc bên cái xác bốc mùi ấy hết năm này đến năm khác; hoặc phải giữ một người điên trong nhà; hoặc hàng chục năm trời phải nuôi một quái thai gớm ghiếc mà riêng sự tồn tại của nó đã là một sự sỉ nhục, với nó và cả những người xung quanh. Ngày xưa gia đình tôi từng gặp cảnh như thế.
Nhà chúng tôi đông người - hai bố mẹ và sáu con. Tôi thứ ba, trên còn hai ông anh, tiếp đến hai em gái, cuối cùng là đứa út, con trai. Chính nó, cái thằng út ấy, đã mang đến cho gia đình chúng tôi bao nỗi sầu muộn. Lọt lòng, nó đã là một đứa bé dị dạng. Chân tay nó bé tí, nhưng bù lại, đầu và bụng rất to, trông như hai quả dưa hấu màu vàng ghép lại. Đã thế, lên bốn tuổi, sau một cơn cảm lạnh đột ngột, nó bị liệt hoàn toàn, ăn ngủ, ỉa đái đều một chỗ. Không nói anh cũng hình dung được nó ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi chúng tôi như thế nào.
Suốt ngày mẹ tôi chầu chực bên nó, lúc quạt cho ngủ, lúc đưa cốc nước, viên thuốc hoặc đổ bô, thay áo. Bố tôi thì cau có đi ra đi vào. Còn tôi, hễ có dịp là trốn nhà để khỏi bị sai làm những việc chẳng mấy thích thú. Gia đình tôi tìm đủ mọi cách chạy chữa, thử đủ các loại thuốc nhưng đều vô ích. Cũng may trong làng có ông bác sĩ về hưu. Có chuyện gì cần là mời ông lại đến nhà, khỏi phải đưa đi bệnh viện huyện cách những mười mấy cây số.
Ông này là người tốt bụng, giỏi chuyên môn, tuy chưa đến tuổi nhưng được nghỉ việc vì mắt kém. Chính tôi nhiều lần nhìn thấy ông nhầm lẫn dao kéo, cho kim vào ống tiêm thuốc thì đâm phải tay. Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao ông có thể làm được nghề chữa bệnh trong chừng ấy năm mà không xảy ra tại họa nào.
Thường thì theo yêu cầu khẩn thiết của mẹ tôi, ông đến ngay, nhưng không có cái vẻ lo lắng, vội vã như trong những trường hợp khác. Ông đủng đỉnh hút thuốc, uống nước cho đến khi mẹ tôi mấy lần đưa mắt cầu khẩn mới bắt tay vào việc. Ông lắng nghe một cách miễn cưỡng các thứ bệnh do mẹ tôi kê ra. Cũng miễn cưỡng như thế, ông sờ trán, nghe tim hoặc tiêm thuốc, tùy từng lúc, rồi lại đủng đỉnh hút thuốc, uống nước và ra về, sau khi an ủi cả nhà rằng không có gì phải lo, rằng thằng bé sẽ sống. Mà còn sống lâu. Thế đấy... Sao, anh vẫn nghe tôi đấy chứ? - Người kể chuyện bỗng dừng lại hỏi, rồi không chờ trả lời, lại kể tiếp, giọng đều đều như cũ.
Là người mê tín, mẹ tôi bỏ nhiều công của đi lễ nhà chùa, một lần còn đi xem bói. Hôm ấy về nhà, mẹ tôi thầm thì với cha tôi rằng đó là cái họa mà số phận bắt gia đình tôi phải chịu, rằng thằng út đang gánh thay cho cả năm anh em mọi sự thua thiệt, mọi bệnh tật, và rằng vì thế phải chăm sóc, thương yêu nó. Nếu nó chết, lập tức tai hoạ sẽ thi nhau đổ xuống đầu chúng tôi. Anh thử tưởng tượng xem, thằng em khốn khổ của tôi đã nghe lỏm được điều đó. Không ngờ mới chín tuổi và ốm yếu như thế, nó không chỉ hiểu những lời nhảm nhí ấy mà còn biết lợi dụng chúng để làm khổ chúng tôi thêm nữa.
Nó ranh ma biết đánh vào điểm yếu của mẹ tôi. Nó bắt đầu làm mình làm mẩy, cáu gắt, bắt mọi người phải thực các yêu cầu của nó, cả những yêu cầu vô lý nhất. Trước kia khi cần gì, nó còn hỏi xin tử tế và kiên nhẫn chờ người mang tới. Bây giờ nó ra lệnh, mà bắt phải làm ngay không chậm trễ. Với chúng tôi, anh chị nó, nó cũng thay đổi hẳn thái độ. Nó tin vào lời bói toán kia, và nghĩ do chúng tôi nên nó phải khổ, vì vậy nó tự cho mình quyền được đền bù xứng đáng. Không ít lúc nó còn dám nói hỗn, nhưng vì thương mẹ, chúng tôi đành im lặng chiều nó, chứ nó đâu biết rằng suốt bao năm nay chính nó đã đầu độc bầu không khí ấm cúng vốn có trước đây trong gia đình. Cũng vì nó mà hai ông anh tôi ế vợ, vì các cô gái sợ sau này bố mẹ tôi chết, phải nuôi nó.
Anh em chúng tôi đã phải sống như thế trong ngôi nhà luôn sặc mùi bông băng và cứt đái, không tiếng cười, không khách khứa, nhìn mặt ai cũng như đang có điều gì hậm hực không nói ra được. Mà đâu chỉ một vài năm hay năm năm. Trong trường hợp ấy, liệu anh, anh sẽ cảm thấy thế nào?  Không nói ra ngoài, nhưng chúng tôi đều căm ghét nó. Nó là tên bạo chúa tí hon với cả nhà.
Tất nhiên chúng tôi biết không phải lỗi tại nó. Nó khổ sở, đau đớn hơn ngàn lần. Có lẽ sẽ không đúng nếu nói chúng tôi không thương nó. Dù sao nó cũng là em ruột. Nhiều khi nhìn nó nằm thoi thóp trên gường - một hình thù quái dị, nhợt nhạt, chốc chốc lại co rúm vì đau đớn - ngoài cái cảm giác kinh sợ bản năng, tôi còn thấy nao nao chua xót, tự hỏi phải chăng thế này là sống? Vì cớ gì nó sinh ra để chịu những đau khổ như thế, và để gây đau khổ thêm cho người khác, nhất là mẹ tôi, một người phụ nữ tuyệt vời bị mù quáng bởi tình mẫu tử thiêng liêng, và bất chấp tất cả, vẫn yêu nó một cách chân thành, vô hạn?
Không ít lúc bất chợt tôi bắt gặp mình đang có ý nghĩ rằng tốt hơn đừng nên chạy chữa, cứ để nó chết đi, hoặc thậm chí làm cái gì đó để nó chết đi còn hơn. Chết đi để vĩnh viễn chấm dứt sự tồn tại đau đớn, vô nghĩa của nó và cũng để trút bỏ gánh nặng cho người khác. Đó là những ý nghĩ tội lỗi, tôi biết. Tôi đã thầm xấu hổ và tự trách mình không ít. Nhưng biết làm sao, khi đó là những ý nghĩ có thật và cứ dai dẳng ám ảnh tôi?
Anh biết đấy, đây là vấn đề tế nhị. Xét bề ngoài, ai có thể chấp nhận  ý nghĩ mong người khác chết, nhất là người thân của mình? Mặt khác, liệu có nên chăng vất vả nuôi sống một người chỉ cốt để người ấy kéo dài thêm đau khổ cho mình và người khác không? Anh đọc Tội ác và Trừng phạt rồi chứ? Cũng của Đôxtôiepxki. Trước khi giết mụ già cầm đồ đáng ghét, anh chàng Raxcônhicốp bị lương tâm cắn rứt cũng chính bởi cái mâu thuẫn trên. Lúc ấy dù chưa biết Raxcônhicốp là ai và dẫu mới chỉ là cậu học sinh lớp mười, tôi cũng có những suy nghĩ tương tự. Có điều, xin thề với anh rằng tôi không bao giờ có ý định giết nó. Tự tay tôi thì không, không bao giờ. Nhưng nếu nó bị bệnh hay gặp tai nạn mà chết thì chắc chắn tôi sẽ không buồn. Còn anh, anh nghĩ thế nào? Ngủ rồi à?
Một hôm, có đoàn văn công tỉnh về biểu diễn ở làng. Thời ấy đó là một sự kiện lớn. Mặc dù trời lây rây mưa phùn, ngay từ trưa đã nghe trống nổi bập bùng. Trẻ con từ các làng bên kéo đến ngồi chật cả bãi. Chúng tôi cũng cơm nước sớm chuẩn bị đi xem.
Không ngờ ăn xong, thằng em tôi cũng đòi được đi. Từ trước tới nay chưa bao giờ nó ra khỏi nhà. Hồi lâu mẹ tôi lựa lời thuyết phục rằng nó không thể đi được, rằng trời mưa lạnh, rằng văn công không hay, vân vân. Nhưng nó nhất định không nghe. Khi ông anh cả tôi bực mình quát nó, nó ré lên khóc và tuôn ra một tràng dài những lời láo xược, còn dọa đổ tai họa xuống đầu chúng tôi như lời thầy bói nói. Ông anh tôi giận, càng quát, nó càng khóc to, càng tru tréo hơn trước.
          Cuối cùng, biết không thể làm gì hơn, mẹ chúng tôi van lạy mọi người nhượng bộ. Anh thử đoán chúng tôi đưa nó đi bằng cách nào? Bằng cáng, tôi và một người nữa lấy võng cáng nó ra bãi, mẹ tôi cầm nón lẽo đẽo đi cạnh. Không nói anh cũng biết tôi khó chịu và xấu hổ nhường nào khi hàng trăm con mắt vừa kinh hãi vừa tò mò hết nhìn thân hình quái dị trên võng, lại nhìn tôi, anh trai của cái thân hình quái dị ấy. Mấy lần tôi những muốn hất cáng xuống đất rồi bỏ chạy, muốn ra sao thì ra. Cũng may một chốc sau, như tôi đoán trước, chưa xem được gì - mà làm sao nó có thể xem được gì trong tình trạng ấy - nó đã đòi về.
Ngay đêm ấy nó lên cơn sốt nặng. Ông bác sĩ lại được mời sang. Như mọi lần, ông đủng đỉnh hút thuốc, uống nước, và vẫn không chịu thăm bệnh cho người ốm chừng nào mẹ tôi chưa năm lần bảy lượt đưa mắt cầu khẩn. Lần này ông khám rất lâu, suốt buổi không nói câu nào. Cuối cùng ông đứng dậy, bảo phải về nhà lấy thuốc, dặn trong khi chờ, chúng tôi đun nước sôi chuẩn bị kim tiêm.
Một chốc sau ông quay lại, ngồi xuống cạnh thằng bé với chiếc khay tráng men trên có mấy lọ thuốc và bộ ống tiêm đã luộc. Mẹ tôi gọi tôi ra ngoài, nhờ làm việc gì đấy. Khi tôi bước vào, ông bác sĩ đã hút xong thuốc vào ống tiêm, đang giơ giơ nó trước đèn. Trên khay, chiếc lọ không nằm chỏng chơ. Tôi cúi xuống cầm nó lên tay, định cất dùng làm lọ đựng mực, nhưng nhìn dòng chữ ghi trên lọ thuốc, tôi sững sờ ngạc nhiên và thốt lên:
- Bác Tư!
Năm ấy đang học lớp mười, tuy chưa nhiều nhưng tôi cũng biết đôi điều về ngành y và dược, ít ra đủ để hiểu rằng thứ thuốc ông sắp tiêm không những không chữa khỏi bệnh mà còn làm nó chết. Để kiểm tra, tôi cúi xem chiếc lọ chưa bóc bên cạnh. Đó là thứ thuốc cần tiêm trước đó ông nói với mẹ tôi. Thì ra ông bác sĩ già kém mắt nhầm thuốc.
- Có chuyện gì thế, cậu? - vẫn không quay lại, ông bình thản hỏi tôi.
Đúng lúc ấy, một ý nghĩ bỗng lóe trong đầu.
- Dạ không, cháu chỉ buột miệng gọi thế, - tôi đáp rồi lặng lẽ bỏ ra ngoài.
          Ba ngày sau, đứa em khốn khổ của chúng tôi chết. Theo lời ông bác sĩ thì do bị sưng phổi nặng.

3
Người kể im lặng hồi lâu, cho đến khi từ gường bên, ông bạn cùng phòng phải lên tiếng, chắc sốt ruột muốn nghe tiếp.
- Rồi sau thì sao?
- Chẳng sao cả. Gia đình chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới, bình thường như bao gia đình khác. Chẳng tai họa nào giáng xuống như mẹ chúng tôi thấp thỏm chờ đợi. Mọi việc tốt đẹp, chẳng ai còn nhớ tới thằng em út bất hạnh và những năm tháng nặng nề trước đó. Sau này tôi nghiệm ra rằng chúng ta, con người, mỗi lần gặp điều gì khó chịu trong cuộc sống, chúng ta thường mong nó nhanh chóng trôi qua để quên đi. Quên hẳn. Tuy nhiên, có những trường hợp không dễ quên chút nào. Như tôi đây chẳng hạn. Từ ấy đến nay đã bao nhiêu năm trôi qua, thế mà tôi vẫn luôn dằn vặt, suy nghĩ về việc mình làm. Có lúc tôi tự cho mình vô tội. Lúc tôi lại nghĩ tôi là kẻ giết người, vì dù sao tôi đã cố tình lờ đi để ông bác sĩ tiêm nhầm thuốc, nếu quả thật ông nhầm. Còn nếu ông không nhầm mà chủ ý làm thế để chấm dứt bi kịch cho gia đình tôi, thì tôi cũng không vì thế mà thanh thản hơn, vì tôi đã nhúng tay vào tội ác, dù gián tiếp.
Thế đấy, tôi là người tháo bỏ được gánh nặng cho người khác, nhưng vô tình lại chất lên vai mình một gánh nặng khác, gánh nặng tinh thần mà có lẽ suốt đời tôi phải gánh chịu. Lúc nào tôi cũng có cái cảm giác của Raxcônhicốp sau khi giết mụ cầm đồ ghê tởm. Tôi những tưởng sẽ không bao giờ nói lộ với ai, thế mà hôm nay... Này, theo anh, tôi làm thế có phải là một tội ác không?
Ông kia vừa trở người vừa đáp:
- Tớ không biết. Nhưng chuyện cậu nghe ghê ghê thế nào ấy. Có cái gì đó phảng phất Đôxtôiepxki. Đọc ông ta hấp dẫn thật, nhưng không hiểu sao tớ không thích. Ở ông ta mọi sự kiện, mọi nhân vật được đẩy lên thái quá, đến mức phi lý, bệnh hoạn. Chuyện của cậu cũng thế. Đôi lúc tớ tưởng như đang nghe một câu chuyện của Đốt hoặc gần giống như Đốt với những nhân vật đầy bí hiểm. Như cái ông bác sĩ mù kia chẳng hạn. Phải chăng chính ông ta đã giết đứa bé? Đó là một câu hỏi. Nhưng vì sao phải giết, khi ông ta không liên quan gì tới gia đình cậu? Đó cũng là một câu hỏi nữa. Tất cả những điều ấy rất hợp với tinh thần nhân vật của Đốt...
- Nhưng đây là chuyện thật gia đình tôi, - người kể chuyện cắt ngang, có vẻ hơi phật ý. - Đốt chẳng dính gì tới nó. Còn quan điểm của anh về văn học và về Đốt thì phải bàn thêm. Đốt vô cùng vĩ đại. Nếu anh không hiểu hay không thích cái gì đấy ở ông thì không phải lỗi của ông. Theo tôi văn học cần phải thế, phải như Đốt, nghĩa là làm người đọc xúc động đến tận đáy tâm hồn, dù có phải sử dụng cả những yếu tố ma quái, bệnh hoạn như anh nói. Còn hơn thứ văn chương trơn tru, nhạt nhẽo đang tràn ngập sách báo hiện nay. Tiếc là không biết viết văn, chứ nếu biết, tôi sẽ đi theo đường của Đốt, và truyện đầu tiên - dựa trên câu chuyện hôm nay chẳng hạn - tôi sẽ gọi bằng cái tên đầy ý nghĩa: Một truyện gần giống như Đốt! Nghe cũng được đấy nhỉ? Sao, đã ngủ rồi à?
Không có tiếng trả lời. Bên ngoài mưa vẫn rơi rả rích.

Nha Trang, 1984.

No comments:

Post a Comment