Tuesday, March 17, 2015

CỔ THI TÁC DỊCH - TRUNG QUỐC 3



TƯ KHÔNG THỰ

Tác giả: Sinh năm 720, mất 790, tự Văn Minh, người Quảng Bình, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, đỗ tiến sĩ và từng giữ nhiều chức quan khác nhau. Tác phẩm: "Tư Không Văn Minh thi tập" gồm hơn 70 bài còn giữ được.

Chuyện ở thôn ven sông

Vội về, quên níu cột thuyền câu.
Thôn chài trăng xế, ngủ từ lâu.
Đêm, gió thổi thuyền trôi đâu đấy.
Chắc cũng gần thôi, quanh bãi dâu.

Từ biệt Lư Tần Khanh

Biết anh đang có hẹn,
Không dễ dàng biệt ly.
Rượu ngon và gió ngược
Không giữ được anh đi.

Cùng ngắm hoa và uống rượu, say với Vệ Tượng

Mái tóc cả hai sương điểm bạc.
Quê người, cùng ngắm một cành hoa.
Sáng nay được dịp say cùng bác,
Quên mình đang ở tận Trường Sa.

Giặc yên, tiễn người về bắc

Loạn, xuống nam lánh nạn.
Yên, về bắc một mình.
Quê người tóc bạc trắng.
Về nhà thấy núi xanh.
Lũy cũ trăng non chiếu.
Ải xưa sao lung linh.
Chim lạnh và cỏ úa,
Như mặt người, buồn tênh.

Từ giã Hàn Thân ở Vân Dương

Chia tay nơi sông biển.
Cách nhau mấy trời mây.
Giờ gặp nhau bất chợt,
Buồn vui muốn giải bày.
Ngọn đèn soi mưa lạnh.
Bụi trúc khói mù bay.
Sáng hôm sau gạt lệ,
Lại nâng chén chia tay.

Mừng được người em
bên ngoại là Lư Luân đến thăm

Không láng giềng, đêm vắng.
Lá vàng trong mưa ngâu.
Nhà vốn nghèo, trống trải.
Đèn mờ, người bạc đầu.
Mừng hôm nay gặp chú.
Nhà vắng khách đã lâu.
Ở đời cần giao tiếp,
Huống bà con với nhau.


LÝ HẠ

Tác giả: Sinh năm 789, mất 816, người Phúc Xương, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Ông là tôn thất nhà Đường, không thi tiến sĩ và chỉ được làm một chức quan nhỏ. Ông mất sớm, để lại ba quyển thơ.

Măng non ở vườn bắc Xương Cốc

Viết thơ, tre nhỏ chẻ từng thanh.
Phấn xuân, hương nhị, mực long lanh.
Ai thấy cái buồn sau chữ viết?
Khói nhẹ, sương treo trên lá cành.


VƯƠNG KIẾN

Tác giả: Sinh năm 751, mất năm 835, tên chữ là Trọng Sơ, người Khoản Châu, nay là Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, đỗ tiến sĩ, làm quan đến Tư mã Thiểm Châu. Tác phẩm: "Vương Từ Mã tập".

Lời nàng dâu mới

Sau cưới được ba ngày,
Vào bếp nấu canh này.
Nhờ em chồng nếm trước.
Chiều mẹ chồng sao đây?

Cung cũ

Tiêu điều cung cũ bám rêu phong.
Hoa rụng đầy sân, trắng lẫn hồng.
Mấy bà cung nữ xưa đầu bạc,
Ngồi buồn kể chuyện đức Huyền Tông.

Vịnh cung Hoa Thanh

Đi hết Giang Nam mấy chục dặm,
Trăng tàn, gần sáng đến Hoa Thanh.
Gió tây trên gác Triều Nguyên thổi,
Hút ẩm Tương Dương, mưa xuống thành.

Đêm rằm ngắm trăng

Sân sau, con quạ đậu trên cây.
Sương lạnh long lanh bụi quế gầy.
Mọi người vui ngắm vầng trăng sáng.
Nhà nào thu đến, buồn đêm nay?

Đá vọng phu

Đứng chờ chồng mỏi mắt
Bên sông, trên núi cao.
Lặng lẽ biến thành đá.
Không ngoảnh lại lần nào.

Cuối năm, tự thương mình

Mọi người muốn trẻ, có ai không?
Thời gian làm tóc trắng như bông.
Trăm cách trốn già, già cứ đến.
Muốn vui mà cứ phải đau lòng.
Nhà chưa dựng được, đang chờ dựng.
Thông dẫu khó trồng, vẫn phải trồng.
Nâng chén rượu này, xin một việc:
Thêm hai chục lần được tiễn đông.


VI ỨNG VẬT

Tác giả: Sinh năm 736, mất năm 830, người Kinh Triệu, Tràng An, nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, từng làm Thứ sử Tô Châu nên cũng gọi là Vi Tô Châu, phong cách thơ gần với lối sơn thủy của Vương Duy.

Nghe sáo trên sông, tiễn quan thị ngự họ Lục

Nâng chén này tiễn bác.
Văng vẳng sáo trên sông.
Buồn, trong đêm nằm ngủ.
Tiếng sáo vọng tới phòng.

Khe phía tây ở Trừ Châu

Âm thầm cỏ mọc sát bờ sông.
Oanh vàng ríu rít giữa cành phong.
Sắp tối, triều xuân, đò vắng chủ,
Tự ý quay ngang, đứng giữa dòng.

Tiết hàn thực, gửi em ở Kinh Sư

Cấm lửa, trời mưa, phòng lạnh tanh.
Lắng nghe chim yến hót trên cành.
Nhớ em, uống rượu, nhìn hoa nở.
Đỗ Lăng hàn thực cỏ xanh xanh.

Trả lời Lý Cán

Vừa đọc Kinh Dịch xong,
Rỗi, ngắm chim trên sông.
Nghe Sở nhiều hào kiệt,
Người nào chơi với ông?

Đêm thu, gửi Viên ngoại họ Khâu

Đêm thu, dạo một mình.
Ngâm thơ, thường nhớ anh.
Trái thông rơi trên núi.
Ai nỡ ngủ cho đành?

Ở Phù Đắc, mưa chiều, đưa tiễn Lý Tào

Mưa phùn ở Đông Sở.
Chuông Kiến Nghiệp, chiều tà.
Man mác thuyền chở nặng.
Chầm chậm nhạn bay qua.
Cửa sông không thấy đáy.
Mờ mờ cây xa xa.
Chia tay, tình lai láng,
Cánh tay áo lệ nhòa.

Gửi đạo sĩ trong núi Toàn Tiêu

Sáng, phòng lạnh, chợt nhớ
Có người trên núi cao
Nhặt củi gai dưới suối
Về đun trà thanh tao.
Muốn giúp ông đỡ lạnh,
Tặng một vò rượu đào.
Nhưng núi đầy lá rụng,
Biết tìm ông nơi nào?

Đêm đỗ thuyền ở huyện Vu Di

Bến đò cạnh ngõ trạm.
Thuyền đậu ở Phố Hoài.
Gió thổi, nước cuộn sóng.
Tia nắng chiếu xiên khoai.
Người về nơi xóm núi.
Nhạn xuống ngủ bãi ngoài.
Nhớ ải Tần, đêm vắng
Nghe tiếng chuông ngân dài.

Bắt đầu ra đi ở Dương Tử,
gửi cho ông hiệu thư Nguyên Đại

Buồn, chia tay ly biệt,
Người đi vào khói sương.
Người bùi ngùi quay mũi
Cho thuyền về Lạc Dương.
Biết bao giờ gặp lại,
Phiêu dạt chốn dặm trường?
Đời, như thuyền trên sóng,
Trôi mãi theo lẽ thường.

Gặp Phùng Trứ ở Trường An

Mưa Ba Lăng ướt áo.
Khách từ xa tới đây.
"Chắc bác có công chuyện?"
"Vâng, mua rìu đốn cây".
Xuân đến rồi, hoa nở,
Én non chấp chới bay.
Mai tóc thêm sợi bạc,
Chia tay bác hôm nay.

Bắt chước Đào Bành Trạch

Sương lạnh, cây cỏ héo,
Chỉ hoa cúc tươi màu.
Sự đời vốn vẫn vậy,
Nóng hay lạnh mặc dầu.
Hoa thơm ngâm rượu đục,
Tối ngồi uống với nhau.
Mái nhà tranh, vò rượu -
Đời có cần nhiều đâu.

Tiễn Vương chủ ở Phần Thành

Làm quan lúc còn trẻ,
Từng đi tới đất Phần.
Nơi cỏ thơm xanh tốt,
Nhiều bạn cũ, người thân.
Cây trong cung khói phủ.
Thành chìm giữa mưa xuân.
Chia tay trên cầu nhỏ.
Gió thổi, sóng lăn tăn.

Trên sông Hoài, mừng gặp bạn cũ ở Lương Xuyên

Lưu lạc ở Giang Hán,
Gặp nhau trong tiệc say.
Mười năm nước đã chảy,
Cũng chừng ấy mây bay.
Mừng vui gặp bạn cũ,
Tóc đã bạc thế này.
Sao bác chưa về nhỉ?
Sông Hoài chảy đêm ngày.

Gửi Lý Đàm và Nguyên Tích

Năm ngoái trong vườn, tiễn các anh.
Hôm nay hoa lại nở trên cành.
Việc đời rối rắm, không lường được.
Xuân mới buồn thiu, ngủ một mình.
Đau ốm, nhớ quê, về chẳng được.
Dân nghèo, bổng lộc hưởng không đành.
Các anh bảo đến, chờ, không đến.
Mấy bận lầu tây trăng khuyết vành.

Cánh đồng phía đông
(Lược dịch)

Việc quan luôn bận bịu,
Nay ra ngoài thành đông.
Khóm liễu chao theo gió,
Núi xanh làm vợi lòng.
Trên núi, nghỉ tùy thích.
Ven khe, đi lòng vòng.
Mùa xuân, chim ríu rít.
Mưa nhỏ rơi trên đồng.

 Ở ẩn
(Lược dịch)

Ở đời phải vật lộn.
Sang hèn do chức quan.
Riêng ta không ràng buộc
Nên có được cái nhàn.
Xuân, núi rừng quang đãng.
Chim chóc bay từng đàn.
Dạo cùng người đốn củi.
Cùng đạo sĩ - luận bàn.

Từ Củng Lạc đi thuyền vào sông Hoàng Hà,
gửi các bạn cùng làm quan ở phủ và huyện

Trời nước đằng đông biếc một màu.
Đằng tây núi lạnh, nước sông sâu.
Vời vợi cây xanh, nhìn hút mắt.
Nắng quái xiên khoai những gợi sầu.
Bên kia bờ suối làng heo hắt.
Sau mưa, chấp chới cánh chim âu.
Nhắn bạn làm quan nơi huyện phủ:
Lòng tôi không buộc, giống thuyền câu.


LIỄU TÔNG NGUYÊN

Tác giả: Sinh năm 773, mất năm 819, tự Tử Hậu, người Kinh Triệu Vạn Niên, nay là Tây An, Thiểm Tây, đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), năm thứ 14 (798) lại đỗ khoa Bác học Hoằng tử, được giữ chức giám sát Ngự sử, sau bị thất sủng. Tác phẩm: "Liễu Hà Đông tập".

Tuyết trên sông

Không bóng chim trong núi.
Không dấu chân trên đường.
Cô đơn, thuyền ông lão
Rong câu, câu tuyết sương.

Cùng đi xem núi với nhà sư Hạo Sơ,
gửi bạn bè thân thiết ở Kinh Đô

Thu đến không đâu, buồn vấn vương.
Bốn bề núi đứng tựa gươm giương.
Thân này giá biến thành muôn vạn
Để từ đỉnh núi ngóng quê hương.

Ông chài

Uống nước sông Tương, đun củi Sở.
Giường là phiến đá, gối - cành cây.
Một tiếng hò chèo vang sông núi.
Không gặp một ai suốt cả ngày.
Lặng lẽ bầu trời in đáy nước.
Hững hờ mây núi đuổi nhau bay.

Ở miền khe núi

Bị chức quan trói buộc,
May được đầy đến đây,
Xứ Nam di hẻo lánh,
Thế mà vui cả ngày.
Tối chèo thuyền khe núi,
Sáng dẫy cỏ, đi cày.
Toàn người không quen biết.
Hứng, hát vang rừng cây.

Sáng sớm đọc sách thiền ở viện Siêu Sư
(Lược dịch)

Súc miệng bằng nước lạnh.
Phủi bụi khỏi áo quần.
Lời người xưa sâu sắc,
Giúp rèn luyện tinh thần.
Nhà đạo sĩ vắng lặng.
Rêu, tre mọc đầy sân.
Vui, tự đọc, tự biết.
Nghe và nói không cần.


MẠNH GIAO

Tác giả: Sinh năm 751, mất năm  814, tên chữ là Trọng Sở, người Hồ Châu, nay là tỉnh Chiết Giang, năm mươi tuổi mới đỗ tiến sĩ, làm quan đến Phiên Dương uý. Tác phẩm: "Mạnh Đông dã tập".

Khúc ngâm gửi theo thư

Mực hòa cùng nước mắt,
Viết thư gửi người thân.
Thư đi, hồn cũng mất,
Chỉ trơ lại xác trần.

Cổ ly biệt

Chàng lại đi đâu nữa?
Biệt ly, níu áo chàng.
Không giận vì về muộn,
Chỉ đừng tới Lâm Ngang.

Khúc ngâm người con đi chơi xa

Con đi xa, bà mẹ
Đưa bàn tay tảo tần
Từng đường kim, sợi chỉ,
Khâu áo rất ân cần.
Ai bảo lòng tấc cỏ
Đền đáp được mùa xuân?

Bài hát người liệt nữ

Chờ nhau đến già rũ,
Phượng đậu cây ngô đồng.
Uyên ương chết từng cặp,
Vợ hiền chết theo chồng.
Lòng em như giếng nước,
Thề bao giờ cũng trong.

Bài từ người đàn bà dệt vải

Chàng là trai đồng ruộng.
Phận thiếp gái nhà quê.
Kể từ ngày xuất giá.
Dệt vải chọn làm nghề.
Suốt ngày bên khung cửi,
Dệt từ sáng đến khuya,
Mà vải mình người mặc,
Mình áo rách, người chê.


HÀN DŨ

Tác giả: Sinh năm 768, mất năm 824, tên chữ là Thoái Chi, người Nam Dương, chống lại chủ trương của Phật giáo, khởi xướng phong trào tân văn, rất có ảnh hưởng đến đương thời và sau này.

Đầu xuân, mưa nhỏ

Như sữa, mưa rơi ướt lá cành.
Vạt cỏ xanh mà không phải xanh.
Đây suốt năm xuân, gì cũng đẹp,
Đẹp hơn khói liễu chốn đô thành.

Xuân muộn

Xuân chẳng dừng lâu chờ cỏ cây,
Khoe sắc trăm hoa, ngày tiếp ngày.
Hoa dương đang rụng, không tình ý,
Chỉ biết bay bay như tuyết bay.

Bị giáng chức đổi đi xa,
đến Ải Nam, dặn lại cháu là Tương

Buổi sáng can vua, chiều có lệnh
Đày xuống Châu Triều, chịu án oan.
Chỉ muốn vì dân, trừ gian tặc,
Đâu vì tuổi tác, muốn cầu an.
Mây che Tần Lĩnh, nhà không thấy.
Tuyết phủ chặn đường tới Lâm Quan.
Cháu từ xa đến, sau hãy nhớ
Xương ta tìm nhặt bãi sông Hàn.

Trong tiệc rượu, dâng
Lý tướng công ở Tương Dương

Phụng sự nhà vua, lo việc công,
Nhưng tôi là chuột, ông là rồng.
Ấm bụng, không từ ly rượu yến.
Đau lòng tin vắng, mỏi mắt trông.
Đuốc bạc chưa tàn, trời đã rạng.
Chén vàng say dở, xuân thêm nồng.
Được biết nay mai ông nhậm chức,
Xin cho chức nhỏ, kình nhờ ông.


TRƯƠNG TỊCH

Tác giả: Sinh năm 768, mất năm 839, tự Văn Xương, người Ngô Quận, nay là Tô Châu, Giang Tô; đỗ tiến sĩ năm 798, làm quan đến chức Quốc Tử Tư nghiệp. Tác phẩm: "Trương Tư Mã tập".

Gửi nhà sư ở Tây Phong

Suối chảy dưới rừng thông.
Đêm thanh mà khó ngủ.
Trăng chếch đỉnh Tây Phong.
Nhớ mái nhà tranh cũ.

Ý nghĩ mùa thu

Lạc Dương gió thổi, héo tàn hoa.
Viết thư, lo lắng hỏi tin nhà.
Vội vã, chỉ e chưa nói hết,
Người sắp lên đường, còn mở ra.

Khúc hát Thành Đô

Cẩm Giang khói nước phía đằng tây.
Mới mưa, vải chín đỏ trên cây.
Lác đác bên cầu nhiều quán rượu.
Khách chọn quán nào khi tới đây?

Tặng nhà sư Nhật Nam ở trong núi

Trước cổng hai ngọn núi.
Chỉ nhìn núi mà già.
Sách kinh trên lá chuối.
Áo treo bên bụi hoa.
Đào đất xây thành giếng.
Vào rừng trồng dâu gia.
Khách Nam Hải thường hỏi:
Nhà của bác đấy à?

Thương bạn cũ mất tích ở đất Phiên

Bác đi lính năm ngoái.
Giờ sống chết không hay.
Nghe nghìn, vạn người chết.
Tin tức vắng lâu ngày.
Ngựa bác không trở lại.
Cờ trướng không có đây.
Muốn tế bác, chỉ sợ
Bác còn sống lúc này.

Gửi sứ quân họ Lưu ở Hòa Châu

Xa nhau lần ấy đã bao ngày.
Tôi đang ở quận, vẫn thường say.
Sa Khẩu, qua đê đưa tiễn khách.
Thùy Tâm, ngồi ngắm cánh chim bay.
Mặt sông buổi sáng mù sương khói.
Sườn núi xế chiều mưa lây rây.
Tình thơ đến bác xa vời vợi,
Có hứng, ngâm thơ nào ai hay.


TRƯƠNG HỰU

Tác giả: Năm sinh không rõ, mất 853, tự Thừa Cát, người Nam Dương, không ra làm quan mà sống ẩn dật.

Đài Tập Linh 1)

Mặt trời buổi sáng đã nhô cao.
Long lanh sương lạnh cánh hồng đào.
Thượng Hoàng đêm trước ban phù lục 2).
Thái Chân 3) cười mỉm, vén rèm cao.

1. Còn nền cũ bên núi Ly Sơn, huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, do vua Đường Minh Hoàng lập để thờ Lão Tử.
2. Bùa vẽ trên giấy trắng.
3. Tức Dương Quí Phi.

Khúc hát “Hà Mãn Tử” 1)

Quê cũ xa nghìn dặm.
Hai mươi năm trong cung.
Nghe bài “Hà Mãn Tử”,
Nước mắt chảy hai dòng.

Thơ đề bến Kim Lăng

Bên bến Kim Lăng, một mái lầu.
Đến nghỉ, tự dưng thấy buồn rầu.
Sông đêm triều rút, trăng nhàn nhạt.
Đèn mờ run rẩy phía Qua Châu.


CHU KHÁNH DƯ

Tác giả: Sinh năm 797, không rõ mất năm nào, người Việt Châu, nay thuộc tỉnh Chiết Giang; đỗ tiến sĩ năm 826, nổi tiếng thơ hay, được Trương Tịch rất đề cao.

Bài thơ cung nữ

Cổng đóng, hoa đào nở lặng yên.
Buồn buồn người đẹp đứng bên hiên.
Chuyện kín trong cung không dám kể.
Ngại ngùng con vẹt sát kề bên.

Hỏi chồng

Đêm động phòng, sáng dậy
Để lạy cha mẹ chồng.
Hỏi chồng lúc trang điểm:
Mày em tô được không?


TIẾT ĐÀO

Tác giả: Nữ thi sĩ đời đường, sinh năm 768, mất năm 831, tự Hồng Độ, người Trường An, thân phụ bà làm quan ở đất Thục nên bà lưu ngụ ở đó. Bà biết làm thơ từ thuở lên tám, giao du nhiều với các nhà thơ nổi tiếng cùng thời như Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tich, Đỗ Mục, vân vân.

Bài từ ngóng xuân

Không cùng ngắm hoa nở,
Không cùng thương hoa tàn.
Nhớ nhau là chỗ ấy,
Khi hoa nở, hoa tàn.


LÝ THIỆP

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, tự Thanh Khê, người Lạc Dương, nay thuộc tỉnh Hà Nam; làm quan một thời gian rồi ở ẩn và ngao du sông hồ.

Từ Tần Thành về, lại đề thơ ở cửa Vũ Quan

Xa cách Tần Thành đã khá lâu.
Đuổi nhau, núi chạy đến Thương Châu.
Khe lạnh cửa quan không chắn được,
Suốt đêm nước chảy, người thêm sầu.

Lên núi

Suốt ngày mơ mộng suốt ngày say.
Nghe nói xuân tàn, mới đến đây.
Chùa cổ gặp sư, ngồi chuyện gẫu,
Nhàn rỗi phù du thêm nửa ngày.


LƯƠNG HOÀNG

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Bài từ về cô gái xinh đẹp

Hoa đào nở bên giếng.
Đôi én bay song song.
Có cô gái xinh đẹp
Màu xuân nhuộm áo hồng.
Ngồi soi gương, cánh cửa
Nửa muốn khép, nửa không.
Khách qua đường vô ý
Ngửi mùi son phấn nồng.


TRƯƠNG BÍCH

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Nhà nông

Trời chưa sáng hẳn đã ra đồng.
Được mùa vui sướng cảnh nhà nông.
Nhưng thóc lại vào tay kẻ khác.
Vợ con chết đói, nghĩ đau lòng.


LÝ HOÀN

Tác giả: Năm sinh chưa rõ, mất năm 840, là con của Hiến Tông, em Kinh Tông, lên ngôi năm 827, lấy hiệu Thái Hòa (827 - 835).

Thơ đề trong cung

Vườn Thượng Lâm hoa nở.
Đường đi cỏ mọc dày.
Thiên nhiên tình ý vậy,
Bọn quan hầu đâu hay.


TRƯƠNG DIỄN

Tác giả: Tự Dục Chi. Cuộc đời và sự nghiệp chưa rõ.

Hội xuân

Dưới núi Nga Sơn gạo lúa đầy.
Lợn gà im tiếng mấy hôm nay.
Sắp hết hội xuân, cây xế bóng,
Không có nhà nào không khách say.


THÍCH XỬ MẠC

Chưa rõ tiểu sử, có lẽ là một nhà sư (Thích), pháp danh là Xử Mặc.

Chùa Thánh Quả

Đường lên từ núi giữa,
Đầy cỏ rậm quanh co.
Bên kia núi - đất Việt.
Đến sông, hết đất Ngô.
Xanh xanh rừng cổ thụ.
Trăng trắng, sóng lô xô.
Phía dưới là thành quách,
Tiếng chuông lẫn tiếng hồ.


LÝ THÂN

Tác giả: Năm sinh không rõ, mất năm 846, tự Công Thủy, người Nhuận Châu, nay thuộc tỉnh Giang Tô, đỗ tiến sĩ năm 806, được bổ làm Hàn lâm học sĩ, lúc trẻ nổi tiếng ngang tàng. Tác phẩm: Truy tích du thi (ba quyển), Tạp thi (một quyển), vân vân. Bài một Thơ cổ phong dưới đây chắc được một nhà Nho nào đấy dịch ra thành ca dao: "Cày đồng đang buổi ban trưa"...

Thơ cổ phong
     Bài một

Cuốc giữa nắng chang chang,
Mồ hôi đổ từng hàng.
Ăn bát cơm mới biết
Mỗi hạt quí như vàng.

Thơ cổ phong
            Bài hai

Đấu thóc gieo đầu xuân,
Đến mùa thu gấp bội.
Ruộng đất không bỏ hoang,
Thế mà nông dân đói.

Vào cửa sông Tứ

Liền với Thanh Hoài là nhánh sông.
Hoa lau thu úa mọc đầy đồng.
Châu Dương xuất hiện sau mây biển.
Đầm Sở xa xa, giữa khói lồng.
Chân trời vời vợi, miền Giang Hán.
Chợt nghĩ về quê, thấy chạnh lòng.
Khách thấy bâng khuâng nơi lối rẽ.
Mặt trời về tây, sông về đông.


GIẢ ĐẢO

Tác giả: Sinh năm 779, mất 843, tự Lãng Tiên, người Phạm Dương, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, lúc trẻ nghèo túng, từng đi tu, sau hoàn tục; thi tiến sĩ nhiều lần không đỗ. Thơ ông có ảnh hưởng lớn đến những nhà thơ Vãn Đường và Nam Tống sau này. Tác phẩm: "Trường Giang tập", khoảng 400 bài.

Tuyệt cú

Ba năm được hai câu,
Thành hai dòng lệ sầu.
Bạn không khen thì mỗ
Lên núi nằm vuốt râu.

Tháng Ba, ngày ba mươi, tiễn xuân

Đêm nay đêm cuối của tháng Ba.
Buồn nhìn cảnh đẹp, ngồi ngâm nga.
Tiễn xuân, xin bạn cùng thức trắng.
Chưa nghe chuông sớm, vẫn xuân mà.

Tìm người ở ẩn không gặp

Tìm người, hỏi cậu bé.
Đáp: "Hái thuốc từ lâu,
Chỉ quẩn quanh trong núi"
Mây nhiều biết tìm đâu?


LƯU VŨ TÍCH

Tác giả: Sinh năm 772, mất 842, tự Mộng Đắc, người Lạc Dương (Hà Nam), đỗ tiến sĩ năm Trung Nguyên thứ 9 (793), sau lại đỗ khoa Bác học hoàng tử, được làm Giám sát ngự sử. Ông là nhà tư tưởng theo chủ nghĩa duy vật, nổi tiếng đời Đường với cuốn "Thiên luận" gồm ba thiên, nêu rõ phép biện chứng và chủ nghĩa duy vật. Tác phẩm: "Vương Tư Mã Tập", nay còn 500 bài.

Tiễn Linh Triệt

Chùa Trúc Lâm xanh xanh.
Tiếng chuông chiều văng vẳng.
Trở về núi một mình.
Nón đội nghiêng đầy nắng.

Uống rượu ngắm hoa mẫu đơn

Ngồi uống rượu ngắm hoa.
Vui mấy chén gọi là.
Chỉ e hoa bỗng nói:
Đâu nở cho người già!

Thành Thạch Đầu

Thành xưa núi bọc bốn xung quanh.
Sóng vỗ, triều lên, lại rút nhanh.
Từ phía sông Hoài trăng nhợt nhạt,
Đêm khuya vẫn chiếu chếch qua thành.

Lời mùa xuân

Xuân buồn bị nhốt chốn thâm sâu.
Trang điểm vừa xong, dạo cạnh lầu.
Chuồn chuồn đến đậu trên trâm ngọc.
Giữa vườn mà chẳng thấy hoa đâu.

Gió thu về

Gió thu thổi đến tự nơi nào,
Mang cả theo mình cánh nhạn chao.
Chỉ khách xa nhà nghe thấy trước.
Gió sớm trong sân lá xạc xào.

Điệu hát Trúc Chi
  Bài một

Nước sông phẳng lặng, liễu soi mình.
Tiếng chàng hát gợn sóng lung linh.
Bên nắng, bên mưa nhìn lẫn lộn
Như thể vô tình mà có tình.

Điệu hát Trúc Chi
Bài hai

Mùa xuân hoa núi đỏ xen vàng.
Vỗ vào vách đá, nước mênh mang.
Buồn buồn sông chảy như lòng thiếp.
Hoa phai nhanh chóng tựa tình chàng.

Nỗi oán trong phòng khuê

Chồng đi lính biên ải.
Vợ phòng khuê não lòng.
Ngoài ấy chắc gầy yếu,
Áo gửi có rộng không?

Xóm Áo Đen

Xanh xanh cỏ mọc cầu Chu Tước.
Xóm nhỏ Áo Đen nắng xế chiều.
Chim én xưa bay lầu họ Tạ,
Nay sang lượn giữa xóm dân nghèo.

Lại đến chơi quán Huyền Đô

Rụng hết hoa đào, hoa cỏ nở.
Nửa sân trăm mẫu phủ rêu dày.
Đạo sĩ trồng đào nay chẳng thấy.
Chàng Lưu thuở trước lại về đây.

Trà Mỏ Ưng

Mỏ Ưng quả đúng đệ nhất trà.
Thật quí ông già gửi tặng ta.
Trăng sớm sông Tương soi đáy chén,
Trong chén trà đầy lấp lánh hoa.

Đền thờ tiên chủ nước Thục 1)

Hùng khí đầy trời đất.
Nghìn thu còn vấn vương.
Thế chia thành chân vạc.
Cơ đồ giữ một phương.
Được tướng tài giúp sức. 2)
Tiếc sinh con tầm thường. 3)
Thương kỹ nữ nước Thục
Phải múa hầu Ngụy vương.

1. Tức Lưu Bị thời Tam Quốc.
2. Ý nói Khổng Minh.
3. Chỉ Lưu Thiện, con trai Lưu Bị, hèn nhát đầu hàng Ngụy.

Đêm cuối năm bày tỏ nỗi lòng

Năm tới rồi sao nhỉ?
Buồn suốt một năm qua.
Bạn bè vui thuở trước
Còn mấy người ngoài ta?
Sống, lấy nhàn làm chính.
Vui cả vì tuổi già.
Mới hay cũ đều vậy,
Xuân đến với mọi nhà.

Ngày xuân, viết thơ bày tỏ nỗi lòng gửi
hai quan thứ tử ở Đông Lạc là ông Bạch Hai
Mươi Hai và ông Dương Tám

Từng đã vào chùa ngồi học thiền.
Bây giờ mọi chuyện cũ đều quên.
Ở đời, danh lợi không coi trọng.
Thích đùa, uống rượu với thanh niên.
Khắp nơi cây cỏ như hoa gấm.
Trời xanh như lụa, cảnh thần tiên.
Ma thơ muốn được mà không được,
Vậy làm tiên rượu, uống triền miên.

Ngắm cảnh xuân ở thành Hán Thọ

Hán Thọ, đầu xuân, cỏ mọc dày.
Hoang vắng dãy mồ, mấy bụi cây.
Trên đường khách đứng xem nghê đá.
Dưới ruộng nông dân bận cấy cày.
Cột hoa cao ngất, khinh mưa gió.
Mới dựng, bia văn bụi bám đầy.
Bao giờ đến lúc đời thay đổi,
Phố xá đông vui ở đất này?

Thơ đề ở nhà cũ của hòa thượng Linh Hộ

Đã trót có thân, phải khổ đau.
Phòng thiền vắng vẻ, cảnh u sầu.
Lối đi cỏ úa, màu thu nhạt.
Người mất, người còn, buồn khóc nhau.
Tiếng trúc xạc xào xen tiếng khánh.
Hoa rụng, ngậm ngùi nước mắt lau.
Cuốn kinh lật sẵn bên song cửa.
Nhớ ngày gặp gỡ giữa rừng sau.


LƯU THƯƠNG

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất. nhà thơ thời Thịnh Đường, người Hà Nam. Ông học giỏi nhưng không đi thi, cũng không ra làm quan mà ở ẩn suốt đời.

Ở Hoài Dương, nhớ chuyện xưa

Vui buồn nhiều chuyện ở nơi đây.
Chạnh lòng khách ngắm buổi hôm nay.
Kinh cũ đời Tần bên Vị Thủy.
Lăng Hán Hàm Dương cỏ mọc dày.
Biên ải xa xôi, nghe tiếng nhạn.
Thấy lửa đèn chài trong khóm cây.
Xanh xanh trời đất, lòng man mác.
Núi lạnh rùng mình, mây trắng bay.


BẠCH CƯ DỊ

Tác giả: Sinh năm 772, mất 846, tự Lạc Thiên, cuối đời gọi là Hương Sơn cư sĩ, người Thái Nguyên (Sơn Tây); đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 16 (800), gặp thăng trầm nhiều trong nghiệp làm quan. Thơ ông gồm hai mảng lớn là phúng dụ và trữ tình thiên nhiên. Ông đã sáng lập trường phái đề cao tính hiện thực trong thơ, người sau gọi là "Nguyên Bạch thi phái" Tác phẩm hiện còn lưu lại được "Bạch Thị Trường Khánh tập" gần 3000 bài.

Trên ao

Có cô bé bơi thuyền
Trộm hái vài bông sen.
Vụng về không biết giấu,
Để bèo dạt hai bên.

Suối Bạch Vân

Nơi trời yên tĩnh, nước lăn tăn,
Từ núi Thiên Bình, suối Bạch Vân.
Suối đổ xuống đây, thành thác chảy,
Cho sóng thêm to ở cõi trần?

Ở huyện Hàm Đan, đêm nhớ người thân

Hàm Đan, đông chí, trước đèn hoa
Chỉ một mình ta với bóng ta.
Ở quê có lẽ còn chưa ngủ,
Mọi người đang nhắc kẻ đi xa.

Tử vi

Ty Luân gác đỏ, ánh dương tà.
Trên lầu chuông điểm giọt ngân nga.
Gấp sách một mình ngồi, không bạn -
Tử vi người với tử vi hoa.

Hoa hạnh ở thôn Triệu

Thôn Triệu hoa hồng nở tháng Ba.
Ta đã nhiều lần tới ngắm hoa.
Bảy mươi ba tuổi, nay lần cuối.
Có lẽ sang năm đã quá già.

Tự nói với mình

Đi thi năm ấy, dẫu nghèo hèn,
Áo dài đổi rượu đãi người quen.
Một đấu mười nghìn còn dám uống.
Nay có lương quan, chẳng tiếc tiền.

Chim vẹt đỏ

An Nam cống nạp vẹt lông hồng,
Biết nói như người - chuyện tây đông,
Văn chương, luân lý đều am hiểu.
Giỏi thế làm sao thoát khỏi lồng?

Đêm xuân

Hoa chẳng phải hoa, sương chẳng sương.
Hình như ngày đã rạng ngoài đường.
Đêm xuân giấc ngủ như mây mỏng,
Hết tụ rồi tan, chẳng vấn vương.

Lời cung nữ

Không ngủ năm canh, lệ thấm đầy.
Tiếng đàn đã tắt, gió mành bay.
Nhan sắc chưa phai, vua ghẻ lạnh.
Tựa gối ngồi nghiêng tới rạng ngày.

Hỏi Lưu Thập Cửu

Có vò rượu mới cất,
Lại sẵn bếp than hồng.
Tuyết đang rơi, trời lạnh.
Có làm một chén không?

Bên ao

Tây ao dựng nhà nhỏ.
Đông ao trồng khóm cây
Để đón trăng và gió.
Ai đoán hiểu điều này?

Nghỉ trọ dưới núi

Trọ một mình dưới núi.
Đi dưới ánh trăng tà.
Tiếng chày giã cối đá
Vang dọc suối xa xa.

Có bạn đến thăm ban đêm

Chiếu ngoài thềm, gió mát.
Chén rượu ngời ánh trăng.
Một mình đã thấy thích.
Có bạn, còn gì bằng?

Mưa đêm

Dế kêu rồi im lặng.
Đèn hết sáng lại mờ.
Rì rào trên lá chuối -
Biết là trời đang mưa.

Tiếng dế đêm thu

Trời tối, ngoài cửa sổ
Dế rền rĩ không nguôi,
Làm càng thêm nhớ vợ.
Mưa thu, buồn tê người.

Đêm cô đơn đầu thu

Cây khô soi giếng lạnh.
Tiếng chày vang trong sương.
Ngủ ngoài hiên, chợt tỉnh,
Thấy trăng sáng nửa giường.

Đêm đông nghe tiếng dế

Tiếng dế đêm đông nghe thật lạ.
Đang vui cũng thấy buồn không đâu.
Ta đã già rồi, nghe chả sợ.
Người trẻ đừng nghe, khéo bạc đầu.

Các kỹ nữ của ông Trương Bộ Dịch quá cố

Cần người múa hát, mở hầu bao,
Ông bỏ tiền mua gái má đào,
Rồi dạy đủ trò... ông kiệt sức,
Chết chẳng mang theo được ả nào.

Ngày mười lăm tháng giêng, ở Trường An

Kinh thành năm mới, cảnh vui tươi.
Ốm phải ở nhà, chẳng dạo chơi.
Trăng rằm tháng giêng, đêm trời mát,
Nhưng vạn người vui, buồn một người.

Ở sông Khúc, nhớ Nguyên Cửu

Buồn vì vắng bạn, chẳng chơi xuân.
Ba phần vui thú giảm hai phần.
Sáng nay đã thế trong vườn hạnh
Gặp toàn người lạ, vắng người thân.

Bày tỏ nỗi lòng thay cho ông lão hàng xóm

Con người mong muốn chẳng bền lâu.
Ngày trước bây giờ khác xa nhau.
Trước mong chóng già thành thông thái.
Giờ tiếc thời gian nhuộm trắng đầu.

Bên bàn tiệc ngày Trùng dương, vịnh cúc trắng

Trong vườn tất cả hoa đều đỏ,
Một bông lại trắng, chẳng hài hòa.
Sáng nay cũng vậy, bên bàn tiệc
Mọi người đều trẻ, chỉ ta già.

Bài hát hái sen

Lá sen lay động, nước chao chao.
Thuyền rẽ hoa sen cứ lướt vào.
Gặp chàng muốn nói mà cúi thẹn,
Để chiếc trâm vàng rơi xuống ao.

Bài hát thương xuân

Bên thềm, hoa đậm nhạt trên cây.
Ngoài cửa chim oanh hót suốt ngày.
Rèm rũ, má son nhòe thấm lệ.
Thương tiếc cho xuân, xuân chẳng hay.

Cô gái bán củi nghĩ về các kỹ nữ

Vào rừng đốn củi, chửa tan sương.
Đầu rối, khăn thô, khổ mọi đường.
Loại gái gì kia mà áo đỏ,
Thong dong cưỡi ngựa bến Tiền Đường?

Người phụ nữ nhớ chồng

Gió xuân thổi nhẹ phía trời đông,
Làm cả vườn hoa nở rực hồng.
Nhưng không xua được mây trên mặt
Người vợ cô đơn, khổ, nhớ chồng.

Đê Ngụy Vương

Trời lạnh, hoa chưa nở.
Chim không hót trên cành.
Ngựa đưa thư rảo bước.
Đê Ngụy Vương liễu xanh.

Nhớ cây liễu bên sông

Tự trồng khóm liễu sát bờ sông.
Đi xa thấm thoắt mấy năm ròng.
Giờ liễu ra hoa, ai được bẻ?
Tự nhiên vương vấn nhớ trong lòng.

Trồng vải

Như ngọc, hạt hồng, quí lắm đây.
Quan thái thú già thật đến hay.
Mười năm bói quả, ông còn sống,
Mà chút sân con vải mọc dày?

Khúc ngâm trên sông buổi chiều

Xế chiều, vệt nắng nhạt trên sông.
Một nửa đen đen, một nửa hồng.
Tháng Chín, mồng ba, trăng rất mảnh,
Sương như màn ngọc phủ tầng không.

Ba năm xa cách

Xa nhà mới đó đã ba năm.
Nhớ quê nhiều nhất những đêm rằm.
Đã ba mươi sáu lần trăng sáng,
Đứng buồn, ngong ngóng chốn xa xăm.

Tiễn Hạ Chiêm bên sông

Tiễn bác đi xa, nhỏ lệ sầu.
Bảy mươi, già yếu, cửa nhà đâu?
Buồn nữa, đúng hôm trời nổi gió.
Giữa sóng bạc đầu khách bạc đầu.

Nghe tiếng chày đêm

Ai đó nhớ chồng đang đập lụa.
Trăng mờ, gió lạnh suốt đêm thâu.
Mùa thu, tháng tám, đêm dằng dặc.
Muôn nghìn tiếng đập nối theo nhau.
Thêm một tiếng chày, thêm sợi bạc.
Có lẽ sáng mai trắng hết đầu.

Đêm mưa, trên thuyền

Gió lạnh thổi không dứt.
Mây trên sông, tối đen.
Sóng vỗ vào hai mạn,
Mưa rắc trên mui thuyền.
Trong khoang có người ốm
Bị giáng đi châu Yên.

Lời Chiêu Quân 1)

Khi sứ trở về, xin hỏi hộ:
Vua Hán bao giờ mới chuộc ta?
Nếu vua có hỏi nhan sắc thiếp,
Chớ bảo rằng không bằng ở nhà.

1). Tên người con gái đẹp được tuyển vào cung vua Hán, bị nịnh thần giấu không cho vua biết sắc đẹp của nàng, nên nàng bị vua đem gả cho vua Hung Nô để gây hòa hiếu. Sau vua biết thì đã muộn.

Người đàn bà nhớ thương

Gió xuân lồng lộng thổi hôm nay.
Nhớ thương, chinh phụ khẽ chau mày.
Gió ngắt hết hoa, làm rụng lá,
Nhưng không xóa được nét chau này.

Ngồi tĩnh lặng

Trăng sáng, ngồi tĩnh lặng.
Mới dậy, sắp bình minh.
Chiếu thấm sương, ẩm mát.
Ngọn đèn mờ lung linh.
Hương trầm còn phảng phất.
Với tay kéo tấm mành.
Nhà ai đang dạy vẹt.
Nghe vẹt nói, giật mình.

Ngồi ở đình bên sông, ngắm trời tạnh

Khói tan trên mặt nước.
Gió thổi nhẹ làn mây.
Cầu vồng chợt xuất hiện.
Chèo khua, chim nhạn bay.
Cổng đóng, quan vừa nghỉ.
Vắng tin nhà nhiều ngày.
Mai đã tết Trùng Cửu,
Biết cùng ai uống say?

Tan tiệc

Trăng treo trên cầu nhỏ.
Cuối cùng tiệc cũng tan.
Con hát tản đi hết.
Đèn mờ ngoài lan can.
Ve kêu, báo thu đến,
Chim nhạn bay thành đàn.
Trước khi lên giường ngủ,
Uống nốt chén rượu tàn.

Tiết hàn thực, nhìn ra cánh đồng

Trước nhà họ Quách, mộ đầy đồng.
Hàn thực, nhà ai khóc não lòng.
Mộ xưa cỏ mọc xanh nhiều lớp.
Mấy tờ tiền giấy lượn trên không.
Ly biệt âm dương, người sống chết.
Liễu buồn soi bóng xuống dòng sông.
Suối vàng có khóc, không nghe thấy.
Người về, người ở giữa chiều đông.

Tiễn người trên sông thu

Chim hồng nối nhau bay.
Vượn buồn kêu suốt ngày.
Hôm ấy trên thuyền nhỏ
Khách ra đi nơi này.
Mưa dầm dầm ướt áo.
Mảnh mai cánh buồm gầy.
Khói sóng buồn heo hắt.
Rượu Tầm Dương không say.

Nhà lá mới dựng xong dưới chân núi Tân Bốc,
ngẫu hứng đề thơ lên vách phía đông

Thềm đá, vách tre, cột gỗ quế,
Ba gian nhà lá nhìn ra hồ.
Cửa bắc suốt hè luôn gió mát.
Hiên nam đông ẩm nắng hong khô.
Suối đổ trên cao, vườn được tưới.
Bờ tre cao thấp đứng nhấp nhô.
Mùa xuân mái nhà thơm hương gỗ.
Vuốt giấy, kê bàn viết sách Nho.

Cỏ

Mỗi năm một lần úa,
Rồi lại xanh một lần.
Lửa đồng đốt không cháy,
Nẩy mầm cùng gió xuân.
Xanh xanh bên thành cũ.
Mùi thơm tỏa xa gần.
Tiễn người đi, bịn rịn,
Nặng tình, cỏ níu chân.

Buổi chiều, từ Hồ Tây trở về

Đảo Thông, hồ Liễu với chùa Sen.
Thuyền quay trở lại, triều đang lên.
Lư quất gặp mưa, thêm nặng hạt.
Lá tĩnh lư run trước mũi thuyền.
Nước sông man mác soi trời biếc.
Dưới nắng lô nhô mấy nóc đền.
Cặp bến, mời anh nhìn ngoái lại:
Giữa nước, Bồng Lai đang mọc lên.

Thơ đề ở chùa Tiên Du khi
đưa tiễn bác Vương Mười Tám về núi

Núi Thái Bạch kia từng vãn cảnh.
Tiên Du chùa cổ mấy lần qua.
Nhìn rõ đáy đầm khi nước lặng.
Mây trắng tan rồi, thấy động xa.
Trong rừng, đốt lá, ngồi hâm rượu.
Quét rêu trên đá, chép thi ca.
Buồn không trở lại nơi từng đến.
Mong bác về xem cúc nở hoa.

Mới dọn đến ở chân núi Hương Lô,
nhà cỏ vừa làm xong, chợt hứng
đề bài thơ này lên vách phía đông

Trời sáng đã lâu, còn biếng dậy.
Hai lớp chăn dày, rét khỏi lo.
Tựa gối nghe chuông chùa Ái điểm.
Vén rèm ngắm tuyết núi Hương Lô.
Tư Mã 1), chức quan khi lớn tuổi.
Khuông Lư 2) về ẩn, tránh buồn lo.
Nhàn nhạ, yên thân là sướng nhất.
Cần gì cứ phải sống thành đô.

1. Chức quan coi việc hình pháp.
2. Tức Lư Sơn, tên ngọn núi ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây.

Ý nghĩ mùa thu

Ráng chiều như lửa đỏ.
Trời xanh trong, bao la.
Mây có hình thú vật.
Mỏng tang trăng mồng ba.
Chim nhạn bay về bắc.
Tiếng chày đá xa xa.
Mùa thu buồn như thế,
Khiến chưa già mà già.

Mùa xuân, dạo bên hồ Tiền Đường

Chùa Cô Sơn bắc, Giả đình tây.
Nước hồ phẳng lặng, trời nhiều mây.
Nhà ai chim én tha bùn mới.
Con oanh líu ríu giữa lùm cây.
Hoa nở muôn màu, làm rối mắt.
Dấu ngựa mờ phai, lối cỏ gầy.
Thật thích, ven hồ đi, đi mãi.
Bờ đê cát trắng, liễu xen dày.

Đêm xuân, đề thơ trên hồ

Đẹp như tranh vẽ cảnh hồ xuân.
Xung quanh núi đứng, nước trong ngần.
Thông xanh lớp lớp trên sườn núi.
Trăng vàng soi bóng, sóng lăn tăn.
Lúa nếp một khoanh như tấm thảm.
Vệt cỏ bồ non giống dải quần.
Chưa bỏ Hàng Châu mà đi được,
Phần vì hồ đẹp, níu bàn chân.

Từ khi Hà Nam trải qua loạn lạc, vùng trong cửa ải nghẽn đường bị đói, anh em tan tác mỗi người một nơi, nhân trông trăng xúc cảm viết tả nỗi nhớ, gửi anh cả ở Phù Lương, anh Bảy ở Ư Tiềm, anh Mười Lăm ở Ô Giang, cùng nhắn các em trai, em gái ở Phù Ly và Hạ Khuê

Loạn lạc, mất mùa, cảnh đáng thương.
Phiêu dạt anh em, người một đường.
Ruộng vườn hoang hóa vì binh lửa.
Ruột thịt chia lìa khắp bốn phương.
Thương nhạn lạc bầy nơi cát bụi.
Tiếc cỏ bồng tàn giữa tuyết sương.
Một lúc năm nơi, giờ có lẽ
Năm người ngắm nguyệt, nhớ quê hương.

Chơi hồ Tiểu Động Đình

Bên cạnh hồ to lại có hồ.
Hoa sen thơm ngát cõi hư vô.
Sao đêm chi chít, chia thành khoảnh.
Mây sáng năm màu, núi nhấp nhô.
Chim đậu trên cây, trăng sáng lạnh.
Dịu dàng gió thổi, sóng lô xô.
Hồ thiêng, cảnh đẹp như tranh vẽ,
Bốn mùa trong vắt, nước không khô.

Vịnh Vũ Hầu 1)

Tiên sinh ở ẩn chốn rừng sâu.
Chúa giỏi ba phen đến thỉnh cầu.
Cá ở Nam Dương đang độ béo.
Rồng lên thượng giới gọi mưa ngâu.
Vua gửi con côi, bày lễ trọng. 2)
Ông đền nợ nước nặng tình sâu.
Bài biểu ra quân đầy khích lệ,
Khiến đọc ai ai cũng lệ sầu.

1. Tức Khổng Minh Gia Cát Lượng, Lưu Bị ba lần đến lều cỏ mời, mới xuống núi phò Hán diệt Ngụy.
2. Trước khi chết Lưu Bị gửi gắm con mình là Lưu Thiện cho Khổng Minh. Thiện sau này hóa ra là người nhu nhược, ham chơi, nghe lời quan hoạn mà để mất nước.

Trên đường từ Giang Nam đi Từ Châu, gửi cho em

Đi từ Nam lên Bắc,
Buồn anh em xa nhau.
Nghìn dặm xa vời vợi
Giữa tuyết trắng một màu.
Đêm mơ về quê cũ.
Sáng xếp gói ngậm sầu.
Vội - lo đường phía trước.
Nghèo - tính chuyện mai sau.
Nhạn chao trên sóng lạnh.
Quạ quần quanh gác lầu.
Ai thương người vượt núi
Từ Sở đến Kinh Châu?

Vầng trăng đất khách

Khi từ Giang Nam tới,
Trăng còn non, rất gầy.
Dặm đường xa, thăm thẳm
Đã ba lần trăng đầy.
Lên đường lúc trăng lặn.
Nghỉ, trăng trên ngọn cây.
Hữu tình, trăng lặng lẽ
Theo người đi đêm ngày.
Sáng rời dòng sông Vị,
Chiều đã tới Hà Tây.
Tối nay ngủ đâu nhỉ
Với trăng sáng thế này?

Trăng trung thu

Trăng sáng khắp non sông.
Khổ đau đang chất chồng.
Sân trước người ly biệt.
Ngoài ải lính canh phòng.
Thất sủng, vợ vua khóc.
Thua trận, tướng mất công.
Sáng chi thêm não ruột.
Trăng trên ấy biết không?

Nghỉ việc
(trích)

Bảy mươi tuổi nghỉ việc,
Hợp lẽ lại hợp thời.
Bất chấp cái lẽ ấy,
Tham lam, không ít người
Tuổi tám chục, chín chục,
Răng rụng, thở thiếu hơi,
Vẫn bám quyền, bám chức,
Mang tiếng xấu với đời.

Đàn Bắc Song năm dây
(trích)

Tiếng người hát vừa dứt.
Thôi múa tà áo hồng,
Cô gái Triệu lặng lẽ
Ôm chiếc đàn ngang hông.
Dây to trầm và đục.
Dây nhỏ tựa suối trong.
Mười ngón tay như múa,
Nghiêng ngả các âm cung.
Chậm buồn như vượn hót.
Nhanh dữ tựa cuồng phong.
Người ngồi nghe kinh ngạc,
Xúc động tận đáy lòng.
Tiếc cho kẻ phàm tục,
Tầm thường và chơi ngông,
Chạy theo thứ hiện đại
Mà quên đàn Bắc Song.

Trời rét

Đất Tần năm sắp hết.
Thành đô tuyết rơi dày.
Người giàu không sợ rét,
Còn thích đi đó đây.
Nơi lầu son gác tía
Luôn tiệc tùng no say.
Văng vẳng tiếng đàn hát,
Phấp phới tà áo bay.
Khách nóng, cởi bớt áo.
Vui vẻ đến rạng ngày.
Mà không biết gần đấy
Trong nhà tù hôm nay
Có tử tù chết rét
Vì không đủ áo, giày.

Cây ngô đồng ở chùa Văn Cư
(trích)

Một thân cây cao thẳng,
Tán lá rộng và dày.
Sừng sững năm mươi trượng,
Còn vươn nữa lên mây.
Sư cụ chín mươi tuổi
Kể về cây ngô này:
Lúc trồng chỉ hạt nhỏ,
Đúng mùa, mọc mầm ngay.
Mầm khỏe, cây thon thẳng,
Cứ lớn lên từng ngày.
Trong thân cây có lõi,
Dây leo không bám đầy.
Với ai muốn lập nghiệp,
Gương cho mình là đây.

Chiếc gương

Khi chia tay, người đẹp
Để lại chiếc gương đồng.
Người đi, buồn từ đấy,
Hồ trong không còn trong.
Suốt năm không động đến,
Mặt gương phủ bụi hồng.
Lau, soi mình - hốc hác,
Khuôn mặt buồn, trống không.
Càng buồn: sau gương, thấy
Quấn quít một đôi rồng.

Tìm đạo sĩ họ Quách không gặp

Khách xa đến tìm gặp,
Tìm mãi không thấy đâu.
Cây tùng xanh trước cửa.
Đôi hạc trắng sân sau.
Lửa lò thuốc còn đỏ.
Mây, nước chửa phai màu.
Có chuyện muốn tìm hỏi.
Liệu bao giờ gặp nhau?

Hỏi bạn

Trồng lan, không trồng ngãi.
Thế mà lan nảy mầm
Ngãi cũng mọc liền cạnh,
Xanh tốt không cần chăm.
Lan thơm cùng ngãi hắc
Dính vào nhau, thật phiền.
Nhổ ngãi sợ lan chết.
Tưới lan, ngãi kề bên.
Vậy là lan chưa tưới,
Ngãi cũng chưa nhổ đi.
Ngẫm nghĩ, phân vân mãi.
Bác bảo phải làm gì?

Con tuấn mã gầy

Ngựa Hoa Lưu mất chủ,
Không ai chăm, đói gầy.
Hý lên giữa gió rét
Bên sông Hoàng hàng ngày.
Chân dẫm lên băng tuyết,
Đêm ngủ trong rừng cây.
Cuối năm, không có cỏ,
Biết lấy gì ăn đây?
Ai cũng muốn ngựa tốt,
Nhưng chọn ngựa xưa nay
Toàn người trần mắt thịt
Chỉ thấy béo hay gầy.
Không nhìn thấy bộ vó
Phi nghìn dặm như bay.
Kia, trong xóm, nha lại
Đang thúc dân nộp ngay
Cỏ để nuôi ngựa lính,
Lũ ngựa thồ, cả bầy.

Trọ ở Huỳnh Dương

Huỳnh Dương là quê quán.
Từ bé rời quê hương.
Bốn chục năm đằng đẵng,
Nay về trọ Huỳnh Dương.
Lúc đi hơn mười tuổi,
Năm mươi sáu bây giờ.
Thế mà vẫn còn nhớ
Những trò nghịch tuổi thơ.
Nhà cũ không còn nữa.
Không còn nữa họ hàng.
Thay đổi không chỉ chợ,
Thay đổi cả gò, hang.
Duy sông Trân, sông Vị
Xanh như thuở hồng bàng.

Thơ làm khi ngắm cảnh sông trên lầu

Bên sông, lầu chót vót.
Con đường lớn chạy qua.
Tự nhiên thấy nhẹ nhõm,
Nhìn đất trời bao la.
Trong đồn, lính luyện tập.
Đường trạm, xe sứ qua.
Buổi binh đao loạn lạc
Nên sống nhàn ở nhà.
Ta hơn bốn mươi tuổi,
Ở ẩn cũng chưa già.

Mời rượu
(Trích)

Mời bác chén này, xin cứ uống.
Mời chén thứ hai, chớ ngại ngần.
Uống chén thứ ba, bác sẽ thấy
Rằng mình quả thật chẳng còn xuân.
Khi say, lòng sáng hơn khi tỉnh.
Đời dài và đẹp lúc ta say.
Khi chết bạc vàng có chất đống,
Không bằng chén rượu uống hôm nay.
Vậy hãy về nhà, đầu đã bạc,
Cầm cố áo quần, mua rượu ngay!

Gửi Vi Chi

Tôi vừa tới Châu Giang,
Chặng đường dài mỏi mệt.
Đã xa càng xa hơn.
Tin tức nhau không biết.
Gửi theo ngọn gió này
Lời hỏi thăm thân thiết.
Còn sống thì gặp nhau.
Chết thì xin vĩnh biệt.

Thuế nặng
(Lược dịch)

Dân trồng dâu, cấy lúa
Để có mặc, có ăn.
Thế mà trẻ phải đói,
Già không gì che thân.
Quan ráo riết thu thuế,
Chất đầy kho, đầy sân.
Trong khi dân đói rét,
Trong kho vải mục dần.

Anh học trò nghèo
    (Lược dịch)

Anh học trò nghèo đói
Sống trong hẻm một mình.
Ra ngõ, gặp bạn cũ,
Giờ đỗ đạt, hiển vinh.
Bạn lờ như không biết,
Quất ngựa phóng đi nhanh.
Đời này đều thế cả,
Đâu chỉ riêng mình anh.

Áo cừu nhẹ và ngựa béo
(Lược dịch)

Các quan đi dự tiệc,
Mũ, yên cương sáng ngời.
Áo cừu nhẹ, ngựa béo.
Hả hê, miệng tươi cười.
Tiệc rót đầy rượu quí.
Món lạ từ khắp nơi.
Năm ấy Cù Châu hạn,
Người phải ăn thịt người.

Mua hoa
(Lược dịch)

Kinh thành xe nườm nượp,
Kéo nhau đi mua hoa.
Hoa đẹp, quí, lại hiếm.
Hồng đỏ, huệ mượt mà.
Những giò lan quí phái,
Mọi người ngắm, xu‎yt xoa.
Một lão nông đứng cạnh,
Lẩm bẩm, vẻ thật thà:
“Tiền một bông như thế
Bằng thuế của mười nhà!”

Đêm yên tĩnh
(Lược dịch)

Ve kêu rồi im bặt.
Đom đóm bay vệ đường.
Ngọn đèn sáng, không khói.
Chiếc chiếu tre đẫm sương.
Đầu hè trăng chênh chếch.
Gió thổi trên cành dương.
Sao lạ lùng thế nhỉ?
Lòng không chút vấn vương.

Tặng vợ
(Lược dịch)

Chết, cùng chung cát bụi.
Sống, luôn ở bên nhau.
Cơm áo chỉ cần đủ.
Ở không cần gác lầu.
Gương liêm khiết, thanh bạch
Cố giữ cho đời sau.
Vợ chồng đã gắn bó,
Vui sống đến bạc đầu.

Mùa thu, lên núi
(Lược dịch)

Ốm mãi, quên đi dạo.
Hôm nay lên núi chơi.
Núi thu gầy, lạnh lẽo,
Xơ xác như mặt người.
Cây xanh làm chỗ tựa.
Đá trắng nằm nghỉ ngơi.
Trong lòng thấy thanh thản,
Muốn ở lại suốt đời.

Rét gắt ở nhà quê
(Lược dịch)

Tháng Chạp năm Thiên Bảo,
Tuyết rơi suốt năm ngày.
Tre thông đều chết cóng,
Huống chi đám dân cày.
Cơm đói, không áo mặc,
Còn bao nỗi đắng cay.
Ta thì nhà kín gió,
Lại chăn ấm, áo dày.
Không đói ăn, nhàn nhã.
Việc đồng không đến tay.
Ngẫm điều ấy mà thẹn.
Ta hạng người gì đây?

Nghe người khóc
(Lược dịch)

Xóm Tây hôm trước khóc.
Tiếng khóc thật não lòng.
Chồng chết, hăm lăm tuổi.
Đó là vợ khóc chồng.
Sáng nay lại nghe khóc.
Tiếng khóc từ xóm Đông.
Mẹ khóc con mười bảy,
Chết, không có cháu bồng.
Ra thiên hạ thế cả,
Thường chết non, khổ không!
Mình đã bốn mươi tuổi,
Đã được gọi bằng ông,
Sao soi gương, buồn bã,
Thấy tóc trắng như bông?

Áo cừu mới may
(Lược dịch)

Vải Quế trắng như tuyết,
Bông Ngô mềm hơn mây.
May áo cừu thừa ấm.
Vải nhẹ, bông lại dày.
Đêm làm chăn, ngày mặc.
Không sợ gió, tuyết bay.
Bỗng giật mình, chợt nghĩ:
Là trượng phu, xưa nay
Phải giúp dân, giúp nước,
Đâu an phận, cầu may.
Làm sao ta no ấm,
Khi đói rét dân cày?
Mong có chiếc áo rộng,
Bao phủ hết đời này,
Để không ai còn rét,
Bất hạnh chẳng hề hay.

Người tìm củ địa hoàng
(Lược dịch)

Mạch chết vì sương muối.
Lúa - vì nắng chang chang.
Đói ăn nên vác cuốc
Đi tìm củ địa hoàng.
Đi từ trời chưa sáng,
Tối mịt mới về làng.
Đem giỏ củ bé nhỏ
Tới cửa nhà cao sang:
“Loại củ này sẽ giúp
Ngựa ngài béo, mỡ màng.
Xin đổi ít thóc ngựa,
Qua cơn đói nhỡ nhàng!”

653. Xem gặt lúa
(Lược dịch)

Nhà nông ít lúc rỗi.
Tháng Năm, việc bù đầu.
Suốt ngày lo gặt lúa.
Già và trẻ như nhau.
Lưng cháy khô dưới nắng.
Chân ngập dưới bùn sâu.
Bên cạnh, một bà lão,
Mót lúa, miệng lầu bầu:
“Phải bán nhà nộp thuế.
Vừa đói, vừa ốm đau…”
Còn ta, ta nhàn nhã,
Không cấy lúa, trồng dâu,
Mà lộc quan trăm thạch,
Ăn thừa đến năm sau.
Nghĩ càng thấy xấu hổ.
Vương vấn mãi hồi lâu.

Gửi ông Vương trong núi
(Lược dịch)

Nghe bác bỏ ăn ngủ,
Vất vả bấy lâu nay
Tìm thuốc, mong trường thọ.
Tôi lại nghĩ thế này:
Dài là so với ngắn.
Ngọt là so với cay.
Nghìn tuổi thông mới chết.
Hoa dâm bụt - một ngày.
Rốt cuộc đều thế cả,
Đều gió thoảng, mây bay.
Sống lâu hay chết yểu,
Không quan trọng xưa nay.
Không sống thì không chết -
Biết đâu thế lại hay?


LÝ QUẦN NGỌC

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Nghe chim giá cô kêu ở dốc Cửu Tử

Nắng xế chiều thu, cỏ úa màu.
Đường đi khúc khuỷu giữa rừng sâu.
Chim giá cô kêu, nghe não ruột.
Làm khách thêm buồn, lòng quặn đau.
Gặp mưa, thuyền trú bên sông Quế,
Núi Mai đất lở, phải chờ lâu.
Lúc ấy xin chim đừng kêu nữa,
Kẻo khách ngày mai bạc trắng đầu.

Đưa sư Tầm Luyện về núi Sầm Công

Gió thổi suốt đêm, trăng khuyết vành.
Đưa tiễn sư về với núi xanh,
Nơi sách từ lâu đòi được đọc,
Lối đi cỏ tốt, trái sai cành.
Hạc lười không nghĩ đi hay ở.
Mây nhàn chẳng buộc, lượn bay quanh.
Tiễn sư, đàn gảy bài “Lưu Thủy”
Xuân tàn, bờ liễu uốn quanh quanh.


ĐỖ MỤC

Tác giả: Sinh năm 803, mất 852, tự Mục Chi, người Kinh Triệu, nay là Tây An, Thiểm Tây, cháu tể tướng Đỗ Hựu, đỗ tiến sĩ năm Đại Hòa thứ 2 (828) đời Đường Văn Tông, từng giữ nhiều chức quan khác nhau. Thơ ông tao nhã, trữ tình, gần sánh kịp Đỗ Phủ, nên người đời sau thường gọi ông là "Tiểu Đỗ".

Tiết thanh minh

Mưa bụi thanh minh suốt tháng Ba.
Cảnh buồn não ruột khách đường xa.
Nhờ trẻ chỉ giùm đâu quán rượu?
Đáp: Tận kia kìa, xóm Hạnh Hoa.

Đi đường núi

Con đường lên núi, đá chênh vênh,
Lưng chừng mây trắng, mái nhà tranh.
Yêu cảnh thiên nhiên, dừng xe ngắm.
Hơn hoa, lá đỏ rực trên cành.

Trên đường tới Thu Phổ

Cuối thu, mưa núi chảy từng dòng.
Heo hắt, gió khe cỏ phập phồng.
Này nhạn, mới từ Hà Sa đến,
Vừa rồi có ghé Đỗ Lăng không?

Tặng nhau lúc chia tay

Đa tình mà lại tựa vô tình.
Trước chàng muốn nói, vẫn làm thinh.
Cám cảnh thay người, cây nến nhỏ
Ngắn dài lệ chảy đến bình minh.

Vườn Kim Cốc

Danh vọng tan nhanh với bụi đời.
Nước cứ vô tình, cỏ cứ tươi.
Não ruột chim kêu, chiều gió lạnh,
Như người nhảy lầu, cánh hoa rơi. 1)

(1) ý nãi vÒ Lôc Ch©u, kü n÷ xinh ®Ñp ®­îc Th¹ch Sïng yªu quÝ. BÞ hoµn c¶nh Ðp buéc, Lôc Ch©u kh«ng chÞu lÊy ng­êi kh¸c, nh¶y lÇu tù tö.

Ba năm cách biệt

Đằng đẵng ba năm, người một nơi.
Nhớ nhau mỗi bận ngước nhìn trời.
Đã ba mươi sáu lần trăng khuyết.
Trăng khuyết lại đầy, lòng vẫn vơi.

Tức cảnh ở núi Nga Hồ

Bạt ngàn dưới núi lúa và kê.
Chuồng gà, chuồng lợn có cây che.
Chiều tối lễ xong, ai quá chén
Cũng có người thân dìu đỡ về.

Lời oán cung nữ

Giám quan mở cửa, lệnh cho mời,
Theo lệ chầu vua như mọi người.
Đâu phải ân riêng nơi gác tía.
Ngoài vườn trăng sáng, cánh hoa rơi.

Cảnh xuân ở Giang Nam

Hoa nở oanh kêu mấy dặm đường.
Xóm chài ven núi khói chiều vương.
Bốn trăm tám chục chùa Vũ Đế,
Mấy chùa còn lại chìm trong sương?

Đêm thất tịch 1)

Ánh trăng lành lạnh bám bình phong.
Quạt lụa xua xua muỗi khỏi phòng.
Ngửa mặt nhìn lên sao Chức nữ.
Trời mát và mềm như nước trong.

(1) Tøc ngày 7 th¸ng B¶y ©m lÞch, lµ ®ªm Ng­u Lang, Chøc N÷ gÆp nhau.

Tự an ủi

Chẳng nên phiền muộn lúc về già,
Tiếc thời trai trẻ đã trôi qua.
Hoa nở hết thì, hoa có rụng
Cũng vì muốn quả sẽ thay hoa.

Trung thu

Sương chiều, khói lạnh trốn vào mây.
Ngân Hà, mờ bụi, trăng trên cây.
Có trăng hãy ngắm, vì năm tới
Ai chắc rằng trăng đẹp thế này.

Đêm đỗ thuyền ở bến Tần Hoài

Nước lạnh, sương giăng, nguyệt xế tà.
Quán rượu bến Tần chợt ghé qua.
Trong quán không hay hờn mất nước,
Suốt ngày hát mãi "Hậu Đình hoa" 1).

(1) Mét khóc ca phãng ®ãng cña TrÇn HËu Chóa.

Về nhà

Thằng bé níu áo hỏi:
Sao giờ mới về nhà?
Tranh với ai năm tháng
Để được cái tuổi già?

Gửi phán quan Hàn Xước ở Dương Châu

Núi xanh, suối chảy, tiếng âm vang.
Thu hết, Giang Nam cỏ úa vàng.
Hăm bốn chiếc cầu soi bóng nguyệt.
Người nào thổi sáo, buồn mênh mang.

Sắp đi Ngô Hưng, lên chơi đồng Lạc Du

Đời lắm thú vui, người quá bận.
Ngắm mây, trò chuyện với cao tăng.
Thôi, sắp đi xa, còn chưa muộn,
Ta lên đồng Lạc, biệt Chiêu Lăng.

Tự nói nỗi lòng

Lưu lạc sông hồ với rượu ngon.
Biết mùi gái Sở đẹp, lưng thon.
Dương Châu chợt tỉnh mười năm mộng.
Phụ bạc lầu xanh, bị tiếng đồn.

Than tiếc cho hoa

Chợt hứng, đi tìm hoa với hương.
Tiếc thay, hoa đẹp héo bên đường.
Hoa rụng, tuy buồn nhưng chẳng trách.
Trái sẽ thay hoa, ấy lẽ thường.

Ở trọ quán khách

Nơi quán trọ không bạn.
Tự nhiên buồn bâng quơ.
Bên đèn, nhớ chuyện cũ.
Nhạn kêu, tỉnh giấc mơ.
Cũng là khi trời sáng,
Mong thư nhà, thẫn thờ.
Thuyền câu cột ngoài ngõ.
Trăng sáng, sông mịt mờ.


TRIỆU HỖ

Tác giả: Năm sinh, năm mất không rõ, tự Thừa Hỗ, người Sơn Dương nay thuộc tỉnh Giang Tô; đỗ tiến sĩ năm 843, làm quan úy ở Vị Nam. Tác phẩm: "Vị Nam tập".

Cảm xúc trên lầu bên sông

Thẩn thơ, thơ thẩn dạo trên lầu.
Trăng, nước và trời trông giống nhau.
Cảnh buồn như cũ, người năm ấy
Cùng ta ngắm nguyệt giờ nơi đâu?

Nghe sáo thổi

Có ai thổi sáo phía lầu đông.
Tiếng nhanh như nước chảy khe trong.
Tiếng chậm - mây trôi trên núi biếc,
Như sau rèm cửa, ánh trăng lồng.
Khách nghe chợt nhớ “Mai” Hoàn Tử, 1)
Nhớ “Địch” Mã Dung 2) mà nẫu lòng.
Sáo dứt, dư âm còn vọng mãi.
Người thổi có còn bên ấy không?

1. Còn có tên là Hoàn Y, đời Tấn, nổi tiếng giỏi thổi sao, nhất là khúc Mai Hoa.
2. Người đời Đông Hán, giỏi làm văn và thổi sáo. Khi ở đất khách, nhớ nhà, ông làm bài Địch Phú được nhiều người nhắc đến.

Cảnh thu ở Trường An

Thành đô lạnh lẽo sắc thu sâu.
Cung điện, nhà dân xám một màu.
Qua ải nhạn bay, sao nhấp nháy.
Tiếng sáo ngân nga, người tựa lầu.
Bến nước, sen buồn rơi hết lá.
Âm thầm cúc nở phía sân sau.
Đang mùa cá vược, chưa về được,
Bởi mũ phương nam phải đội đầu.

Nhớ Sơn Dương

Bên thành Chiết Liễu, giữa hoàng hôn,
Xuân úa, không đâu bỗng thấy buồn.
Ngẫm đời lắm nỗi mà than thở.
Thẹn với chim hồng lượn cuối thôn.
Hàn thực rượu suông, nghe cuốc gọi.
Nắng chiều, sen nở cạnh lầu son.
Lên cao, đưa mắt nhìn Thanh Vị
Chảy quanh núi Cố, nước cùng non.

Lên lầu Tây An Lạc

Ngày đêm yến tiệc mở trên lầu,
Khi đời nhiều chuyện quá buồn đau.
Trong đám bụi mù xe mất hút.
Dòng nước lượn lờ quanh bãi lau.
Mây mưa thay đổi phường ca hát.
Núi sông không vợi chén ly sầu.
Tình cờ nhắc đến hờn xuân lạnh.
Đã xuống Vân Thành, còn ngoái đầu.


TÀO NGHIỆP

Tác giả: Tự Nghiệp Chi, người Quế Lâm, nay thuộc tỉnh Quảng Tây. Không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết đậu tiến sĩ năm 851, giữ chức Thái thường bác sĩ, rồi làm thứ sử Dương Châu. Thơ ông mang phong vị ca dao, sử dụng nhiều từ ngữ dân gian.

Con chuột trong kho nhà nước

Trong kho nhà nước, chuột bằng mèo.
Thấy người không sợ, còn đi theo.
Mày kiếm ăn đâu mà béo thế,
Trong khi lính đói, dân còn nghèo?


TIẾT PHÙNG

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, tự Đào Thần, người Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Ông đỗ tiến sĩ trong khoảng niên hiệu Hội Xương (841 - 846), giữ các chức quan thị ngự sử, thương thư thị lang, nổi tiếng nghị luận chặt chẽ, mưu lược hơn người.

Bài hát trong cung

Lầu ngọc thẫn thờ, trang điểm xong,
Chờ vua, lên gác, mỏi mòn mong.
Cổng đóng, then cài, thu giá lạnh.
Lặng đếm thời gian theo giọt đồng.
Tóc mây chải lại, soi gương sáng.
Lại thay áo lụa, ướp hương hồng.
Nhìn sang chính điện, nơi rèm mở,
Thấy hai cung nữ dọn giường rồng.

Vua Hán Vũ Đế

Vũ Đế lên đàn, đêm, giữ chay,
Nước trong làm lễ tự rót đầy.
Cầu mưa, quan lớn bưng mâm hứng.
Cung nữ dâng thư, tay vén mây.
Giáng Tiết bao phen vào giấc mộng.
Bích Đào 1) ngày ấy giờ đâu đây?
Mậu Lăng mưa khói vùi cung kiếm.
Ngựa đá lặng im, cỏ mọc dày.

1. Giáng Tiết, Bích Đào - tên các nàng tiên.


LÝ THƯƠNG ẨN

Tác giả: Nhà thơ lớn đời Đường, sinh năm 813, mất 858, tự Nghĩa Sơn, hiệu là Ngọc Khê Sinh, người Hoài Chân, nay là Tầm Dương, tỉnh Hà Nam, một trong những nhà thơ lớn của đời đường, nổi danh từ 17 tuổi, đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2 (837). Thơ ông trang nhã, chân thành, mang tính chống lễ giáo phong kiến. Tác phẩm: "Lý Nghĩa Sơn thi tập".

Ve sầu

Thanh cao nên luôn đói,
Giận đời, giận cả mình.
Kêu suốt đêm không nghỉ,
Hàng cây vẫn vô tình.

Đi chơi ở đồng Lạc Du

Chiều, bâng quơ bỗng buồn,
Thắng xe ra đồng dạo.
Nắng vào lúc hoàng hôn
Thật đẹp và kỳ ảo.

Trăng trong sương

Nhạn về, ve bặt tiếng ngân nga.
Lầu cao, trời nước rộng bao la.
Thần Tuyết, Chị Hằng không quản lạnh,
Thi nhau sắc đẹp dưới trăng tà.

Dậy sớm

Sáng, vén rèm dậy sớm.
Trời mát, gió hây hây.
Hoa nở, chim oanh hót.
Ai được hưởng xuân này?

Chân trời

Ngày xuân, chân trời xa,
Lại giữa lúc chiều tà.
Oanh kêu như rớm lệ,
Làm ướt những cánh hoa.

Đêm mưa gửi về bắc

Bạn hỏi ngày về, chưa hẹn được.
Ba Sơn đêm mưa, ao ngập nước.
Bao giờ đốt đuốc ngồi bên cầu,
Ta kể chuyện ma Ba Sơn sau.

Say dưới hoa

Đi dạo, không ngờ say ráng sa.
Ngủ dưới gốc cây với nắng tà.
Tỉnh dậy, khách về, khuya, đốt đuốc.
Tơi tả trong vườn những xác hoa.

Khúc ngâm đất Sở

Lầu ở ly cung trên núi xanh.
Sông chiều uốn khúc chảy quanh quanh.
Hoàng hôn trời Sở, mưa sùi sụt,
Cảnh kia Tống Ngọc 1) vui sao đành?

(1) Danh sÜ thêi ChiÕn Quèc, häc trß cña KhuÊt Nguyªn, t¸c gi¶ bµi "Cao §­êng phó" nãi vÒ viÖc Tèng Ngäc cïng Së T­¬ng V­¬ng ®i ch¬i ®Çm V©n Méng. Tõ Tèng Ngäc ë ®©y chØ ng­êi ¨n ch¬i phong L­u.

Gửi quan lang trung Lệnh Hồ

Xa Sở, xa Tần đã mấy đông.
Gửi một bức thư, lệ mấy dòng.
Khách cũ vườn Lương chưa kịp hỏi.
Mưa nhiều bệnh cũ nặng hơn không?

Cung Dao Trì 1)

Dao Trì, A Mẫu 2) vén rèm the.
Bài hát Trúc Vàng nghe não nề.
Tám ngựa ngày đi ba vạn dặm.
Sao mãi Mục vương 3) không thấy về?

1. Nơi ở của Tây vương mẫu.
2. Tức Tây vương mẫu, bà chúa trong thần thoại Trung Quốc, nhất là các chuyện kể về thời Tam Hoàng, Ngũ Đế.
3. Tức Chu Mục vương (976 – 920 trước CN). Vua có tám con tuấn mã, lại được Tạo Phù giỏi đánh xe nên thường chu du khắp thiên hạ.

Thơ làm khi dự tiệc ở nhà Sùng Nhượng

Sương như mưa nhỏ ướt ao già.
Khóm trúc quặn mình, gió thổi qua.
Đời người gian khổ, tan rồi hợp,
Cớ gì dập nát một đời hoa?
Giấc mộng cố hương, đèn chứng kiến.
Rượu say, sa sút cảnh trong nhà.
Không lẽ suốt đời như thế mãi?
Núi Tùng, thông tuyết hiểu lòng ta.

Mưa gió

Bài "Bảo Kiếm" buồn thật.
Xa nhà một năm nay.
Lá vàng rơi trong gió.
Lầu xanh hát suốt ngày.
Bạn mới nhiều kẻ bạc.
Người xưa ở xa đây.
Đã định không uống rượu,
Nhưng giải buồn, lại say.

Hoa rụng

Trên lầu không còn khách.
Sân vườn đầy xác hoa.
Thấp thoáng con đường nhỏ.
Nghiêng nghiêng sợi nắng tà.
Đau lòng, chưa nỡ quét,
Nhìn hoa lại nhớ nhà.
Thấy mùa xuân đã hết,
Buồn buồn giọt lệ sa.

Ở bắc Thanh La

Mặt trời khuất sau núi,
Đến thăm sư buổi chiều.
Lá rụng, người không thấy.
Mây bay, đường cheo leo.
Một mình trước nhà vắng,
Lưng tựa cành dây leo.
Đời này lắm bụi bặm.
Quan trọng gì ghét yêu.

Vô đề
Bài ba

Gặp nhau đã khó, nói gì xa.
Gió đông làm rụng những cành hoa.
Ngọn nến thành tro, khô nước mắt.
Đến chết con tằm mới hết tơ.
Mai sớm soi gương, buồn tóc bạc.
Thức khuya đọc sách, thấy trăng tà.
Muốn đến Bồng Lai, không biết lối.
Nhờ chim chịu khó chỉ giùm ta.

Vô đề
Bài bốn

Đêm trước nhiều sao, gió thổi lồng.
Lầu đỏ phía tây, làng phía đông.
Tiếc mình không cánh bay tìm bạn,
Nhưng để nhớ nhau vẫn có lòng.
Tuy xa, ta hãy cùng nâng cốc.
Xuân mới, chia nhau ngọn nến hồng.
Trống dục, công đường đang đợi việc.
Ruổi ngựa phi qua đám cỏ bồng.

Ý nghĩ nhẹ nhàng

Khách đã đi, sóng lặng.
Sương rơi dày trên đồi.
Cứ bâng khuâng suy nghĩ.
Tựa cửa, thời gian trôi.
Nam Lăng, vắng tin bạn.
Sao Bắc Đẩu xa xôi.
Bói mộng, đoán giờ bạn
Chắc có bạn mới rồi.

Năm mới, nhớ nhà

Vườn Uyển từ lâu én, nhạn rời.
Mưa tạnh, ngâm thơ tìm thảnh thơi.
Đông Giang, sông xoáy, chèo nguy hiểm.
Ngọc Lũy, núi cao đến tận trời.
Mây phủ trên thành, che bóng mát.
Vầng dương đem nắng tỏa khắp nơi.
Ba năm xa nhà, kìm không khóc,
Năm mới lần này lệ chắc rơi.

Tặng anh họ Lãng Chi

Biết bao oan trái ở đời này.
Hãy vui đọc sách, ngắm trời mây.
Ra sông, yên lặng ngồi câu cá.
Theo dấu chân hươu dẫm cỏ dày.
Cùng sư đàm đạo trong nhà lá.
Ao lạnh, trăng vàng xuyên tán cây.
Về đi, đừng để đời hoang phí.
Trong thành, chó dữ cắn người ngay.

Ngày mồng Hai tháng Hai

Mồng Hai tháng Hai, đi trên sông.
Sáo thổi, mặt trời dọi phía đông.
Liễu buông lả lướt, không tin cậy.
Đáng yêu, cần mẫn bướm và ong.
Làm việc ba năm dinh Tế Liễu,
Giếng xưa Nguyên Lượng cứ chờ mong.
Vô duyên, thời tiết không chiều khách -
Đúng khi cao hứng lại mưa giông.

Trọ ở đình Tấn Xương, nghe
tiếng kêu của con chim cô đơn

Khách buồn, khó ngủ, thức đêm nay,
Chợt qua ô cửa thấy chim bay.
Một cánh chim côi, trông yếu ớt,
Khi quanh bãi vắng, lúc lùm cây.
Tiếng hí ngựa Hồ hòa sáo ải.
Tiếng vượn xen trong tiếng giã chày.
Lạc đàn, chim biết nương đâu nhỉ?
Ta cũng như chim ở đất này.

Đàm Châu

Công sở Đàm Châu nhuộm nắng tà.
Tình cờ chợt nhớ chuyện ngày qua.
Giọt lệ sông Tương nhuần vẻ trúc.
Điệu hò nước Sở thấm cành hoa.
Thuyền chiến Đào Công bên thác vắng.
Đền thờ Giả Phó dưới mưa sa.
Ngóng mãi vườn xưa, người chẳng đến.
Lấy ai nâng chén, uống cùng ta?

Mưa xuân

Xuân mới, buồn thiu, nằm cả ngày.
Lưu lạc Thành Môn, lắm đắng cay.
Gác đỏ dưới mưa, trông nhạt lạnh.
Một mình đơn độc, rèm lung lay.
Xa nhà, lữ khách thương xuân muộn.
Đêm tàn, mong được giấc mơ say.
Phong thư có ngọc không nơi gửi.
Man mác trên trời cánh nhạn bay.


ÔN ĐÌNH QUÂN

Tác giả: Sinh năm 818, mất 872, tên chữ là Phi Khanh, người Thái Nguyên, nay là tỉnh Sơn Tây, là nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường; thi tiến sĩ  không đỗ, bất mãn với chính sự đương thời, sống phóng túng.

Tặng người bạn trẻ

Giang hồ đất khách trú cùng nhau.
Động Đình hoa rụng, lá vàng au.
Từ biệt Hoài Ân, đêm cạn chén,
Hát khúc chia tay, nguyệt xế lầu.

Không ngủ được

Giường lạnh, không ngủ được.
Mây cao, trời trong xanh.
Tiếng nhạn kêu ai oán.
Trăng chiếu mười hai thành.

Ghé thăm mộ Trần Lâm 1)

Văn ông vinh dự đọc nhiều lần.
Mồ ông nay gặp lúc đang xuân.
Linh thiêng, ông biết tôi lưu lạc,
Có tài, không chủ để nương thân.
Con lân cao quí chìm trong cỏ.
Chim sẻ đồng hoang thành chim thần.
Thảo nào gió thổi thêm tê tái.
Gác bút phen này học việc quân.

1. Một người nổi tiếng viết chương biểu ở Kiến An, đời Tam Quốc. Từng giúp Viên Thiệu viết hịch kể tội Tào Tháo.

Qua miền nam Lợi Châu

Xế tà, mặt nước sóng lô xô.
Đảo liền bên núi, lượn quanh co.
Nghe tiếng mái chèo, bầy ngựa hý.
Gốc liễu mấy anh đứng đợi đò.
Bãi cỏ ven sông chim én lượn.
Muôn khoảnh đồng xanh một cánh cò.
Những muốn cưỡi thuyền tìm Phạm Lãi,
Cùng ông du ngoạn giữa năm hồ.

Ngẫu nhiên làm vào ngày xuân

Tươi thắm vườn tây khúc hát xuân.
Vệ cỏ xe đi phủ bụi trần.
Muốn sống thảnh thơi mà chửa được.
Chẳng biết làm đời đỡ khó khăn.
Đêm nghe mưa gió, lo hoa rụng.
Trở trời, thấy lạnh, đắp thêm chăn.
Câu cá quay về, lòng phấn chấn,
Trong đầu lại gợn sóng lăn tăn.

Tiễn người đi chơi miền đông

Bên đồn lính, lá rụng.
Bác rời quê lên đường.
Sinh Môn, mặt trời mọc.
Gió thổi bến Hán Dương.
Trên sông đang nhiều khách?
Cánh buồm giữa mù sương.
Bao giờ ta gặp lại?
Nâng chén vợi sầu thương.

Qua gò Ngũ Trượng 1)

Ngựa sắt, xe mây lánh cõi trần.
Dinh Hán liễu mờ giữa tiết xuân.
Trời quang, sát khí trùm Quan Hữu.
Đêm tối, sao ma chiếu Vị Tân.
Hạ Quốc, rồng nằm phò chúa Thục.
Trung Nguyên, có kẻ đuổi hươu Tần.
Trướng gấm, giường ngà thành vắng vẻ.
Từ ấy Tiêu Chu 2) thành lão thần.

1. Tên một vùng đất cao, nơi Khổng Minh ngả bệnh chết khi xuất quân đánh Ngụy lần thứ sáu.
2. Tên người ở nước Thục thời Hậu Hán, chỉ giỏi thiên văn, tướng số, ngoài ra không biết gì. Khi Đặng Ngãi đánh vào Thục, ông khuyên con Lưu Bị đầu hàng.

Hồ Nam

Trên hồ gió thổi, mát hiên hoa.
Quanh ao, cỏ ấu mọc xùm xòa.
Xanh biếc bến xuân thuyền ghé đậu.
Trên sóng nhạn bay, chở nắng tà.
Đây giống Tiêu Tương, mờ khói sóng.
Lá lau xào xạc tưởng mưa sa.
Thuyền chơi sông nước, lòng phơi phới.
Khách lặng nhìn nhau bởi nhớ nhà.

Xót thương Lý‎ xử sĩ

Liễu chưa rũ khói, cỏ sương nhòa.
Bè xuôi về biển, hạc bay xa.
Xuân đẹp mà sao buồn đứt ruột.
Trăng tròn, đang ốm, hé nhìn ra.
Hữu tình, như thể hoa trầm mặc.
Hững hờ dòng nước cứ trôi qua.
Ôm mãi mối sầu không tan được,
Chương hai đành phụ sách Nam Hoa. 1)

1. Tức Nam Hoa Kinh của Trang Tử, coi mọi vật như nhau, sống chết đều thế cả.

Tiễn bác chài trên sông Tây

Nhược Da hãy đến, giống Nghiêm Công. 1)
Dây câu, thuyền lá, thảnh thơi lòng.
Tháng Ba mưa nhỏ, phong vàng úa.
Chiều đến trú thuyền bên bãi nông.
Mây ít, chắc đêm nằm thấy mộng.
Tìm tổ, chim âu cứ lượn vòng.
Thuyền neo giữa đám rau tần trắng.
Én lượn từng đôi trên mặt sông.

1. Có lẽ là Nghiêm Vũ, bạn Đỗ Phủ.


LỤC QUY MÔNG

Tác giả: Không rõ năm sinh, mất 881, tự Lỗ Vọng, người Ngô Quận, nay thuộc tỉnh Giang Tô, không làm quan, nên người ta còn gọi là Giang hồ Tản nhân.

Bài hát xây thành

Đừng trách tướng nghiêm khắc.
Tướng đánh giặc cứu đời.
Thành cao, công càng lớn.
Tiếc gì mấy mạng người.

Mưa xuân tức sự

Tiểu Tạ, mưa xuân suốt cả ngày.
Trong thành, ngoài biển phủ đầy mây.
Buồn bởi luống hoa đang gặp lạnh,
Nhưng mừng vườn thuốc đã xanh cây.
Đi nhiều, đôi guốc nay mòn vẹt.
Mặc mãi, áo lông đã bớt dày.
Hàng xóm, bác chài sung sướng thật -
Khuya về cất lưới ngủ giấc say.


TRƯƠNG KIỀU

Tác giả: Năm sinh, năm mất không rõ, người Trì Châu, nay thuộc tỉnh An Huy. Ông đỗ tiến sĩ năm Hàm Thông đời Đường Úy Tông, được xếp vào danh sách mười người hiền đời Hàm Thông, từng làm quan rồi về ở ẩn. Toàn Đường Thi có hai quyển thơ của ông.

Những người lính trận Hà Hoàng

Theo tướng tham gia trận đánh này,
Phần nhiều trai trẻ, chết nơi đây.
Mười vạn Hán quân giờ đã hết,
Ta khóc, thổi tiêu đến tối ngày.


THÔI ĐẠO DUNG

Tác giả: Năm sinh, năm mất không rõ, người Kinh Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, từng giữ nhiều chức quan khác nhau. Toàn Đường Thi lưu được 70 bài của ông.

Tả cảnh ở khe núi

Thuyền nhỏ nhà ai quên buộc dây.
Gió thổi, thuyền trôi phía bãi lầy.
Tưởng có khách quê lên, chú bé
Chạy ra mở cổng, chổi cầm tay.


TỪ DẦN

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, tự Chiêu Mông, người Tuyền Châu, nay thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ông đỗ tiến sĩ đời Đường Chiêu Tông, làm quan đến chức bí thư giám chính trị.

Hái tần trắng ở Giang Châu

Để nguôi đau khổ phải xa chồng,
Hái hết rau tần ở bãi sông.
Chim lượn có đôi, người có bạn,
Bao mùa hoa rụng, thiếp phòng không.
Biên giới xa xôi, mong tin trạm.
Giường lạnh, đêm dài, mỏi mắt trông.
Năm tới còn rơi bao giọt lệ?
Lom lem vạt áo vết son hồng.


HẠNG TƯ

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Tiễn cung nhân đi tu

Một lòng qui Phật, hướng chân tu,
Đi theo Vương Mẫu chốn mây mù.
Trót sai nghi lễ nơi lầu ngọc,
Đổi tên, rời khỏi chốn giam tù.
Chùa mới, hàng ngày lo niệm Phật,
Thay chơi đàn nguyệt với chơi đu.
Cầu kinh mà tiếng nghe như hát.
Buồn buồn hương khói chốn thâm u.


LÝ TẦN

Tác giả: Năm sinh, năm mất không rõ, tự Đức Tân, người Thọ Xương, Mục Châu, nay thuộc tỉnh Chiết Giang, bạn thời trẻ của Lưu Phương Bình, đỗ tiến sĩ năm Đại Trung thứ 8 (845) đời Đường Tuyên Tông. Tác phẩm: "Kiến Châu Thứ Sử tập" gồm hơn 200 bài.

Trên đường về quê, qua sông Hán

Ngoài núi không tin tức.
Đông hết rồi xuân sang.
Càng gần, càng thấy sợ,
Không dám hỏi tin làng.

Thơ đề nhà riêng quan tư mã họ Trương

Trước sân cây cối tự ông trồng.
Hoa nở luân phiên, trắng lại hồng.
Trông con, chim mẹ nằm trên tổ.
Dân quê thèm rượu, đến nhà ông.
Từ buổi từ quan về với núi,
Mái đầu thêm bạc, dáng thêm còng.
Thiên hạ đua nhau tìm lạc thú -
Dấu giày chi chít giữa rêu phong.

Tiễn bạn ở sông Tương

Hoàng hôn, mù mịt khói sông Tương.
Sau vệt lau mờ - đất Sở vương.
Nhạn bay trong tuyết đầm Vân Mộng.
Động Đình thuyền nhỏ khách lên đường.
Sóng vỗ suốt ngày, mòn vách núi.
Sao in mặt nước phẳng như gương.
Đành đợi sang năm người trở lại.
Tháng chạp, hoa mai rụng khác thường.


HỨA HỒN

Tác giả: Năm sinh, năm mất không rõ, tự Dụng Hối, người Đơn Dương, Nhuận Châu, nay thuộc Giang Tô, đỗ tiến sĩ năm Đại Hòa thứ 6 (832), đời Đường Văn Tông, giữ nhiều chức quan, cuối đời thác bệnh về nhà ở ẩn. Tác phẩm: "Đinh Mão tập".

Khúc biên ải

Trận Tang Càn đêm qua
Nửa quân Tần bị giết.
Sáng, họ có thư nhà,
Lại còn thêm áo rét.

Viết khi đến kinh đô không tìm được
chỗ trọ, phải đi chơi đất Tần Lũng

Xế chiều, chim én lượn về tây.
Ngũ Hầu gác tía ngập trong cây.
Cửa đóng, trong vườn hoa mới nở,
Chắc gặp gió đông đã rụng đầy.

Đầu thu

Đêm khuya, buồn hiu hắt.
Cỏ tháng ba trở mình.
Nhạn bay, đom đóm đậu
Trên giọt sương lung linh.
Sáng mù tan, hiện rõ
Những dãy núi xanh xanh.
Hoài Nam chiếc lá rụng,
Gợn sóng hồ Động Đình.

Ngắm cảnh chiều ở phía tây thành Hàm Dương

Lặng lẽ lên thành, ngước mắt trông.
Rặng liễu chạy dài tận bãi sông.
Mây núi đùn lên, lầu xế bóng.
Cơn mưa sắp tới, gió trên đồng.
Bãi cỏ vườn Tần chim xuống đậu.
Cung Hán ve kêu thật não lòng.
Xin đừng hỏi chuyện triều vua trước.
Ngày đêm sông Vị vẫn xuôi dòng.

Thơ làm ở lầu trạm Đông Quan,
một ngày thu đến kinh thành

Uống rượu nơi lầu trạm.
Lá đỏ hắt hiu chiều.
Mây bay về Thái Họa.
Mưa ở núi Trung Điều.
Cửa ải cây xanh tốt.
Róc rách nước thủy triều.
Đã đến nơi đô thị,
Vẫn nhớ bạn ngư tiều.

Nhà ở nông thôn

Nhà ở thôn Nam, có cổng tre.
Tự mình cắt lá làm tơi che.
Vợ luôn dậy sớm lo cơm nước.
Trẻ con chờ bố cuốc nương về.
Chim bay phía núi, chiều thu vắng.
Cá lặn đầm xanh giữa nắng hè.
Nhưng mùa hoa nở, đông người đến,
Muốn bỏ đi câu ngoài bãi đê.


LÝ HÀM DUNG

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Thơ đề chỗ ở trên núi của xử sĩ họ Vương

Cây cối âm u, hè cũng lạnh.
Ở ẩn nơi này đã mấy xuân.
Nhàn nhã, thuế vua không phải đóng.
Sống lười, xuống suối kiếm thức ăn.
Chim cuốc gọi hồn nghe ảo nạo.
Cánh cò chập tối dáng phân vân.
Khắp nơi loạn lạc, mình thanh thản,
Chẳng khác gì tiên xuống cõi trần.


NHIẾP DI TRUNG

Tác giả: Sinh năm 837, không rõ năm mất, tự Thảm Chi, người Hà Đông, nay là huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây. Ông đỗ tiến sĩ năm 861, từng giữ chức huyện úy Hoa Âm. Thơ ông theo truyền thống cổ thi ngũ ngôn Hán - Ngụy, lời lẽ giản dị, phản ánh cuộc sống khổ cực của người lao động.

Vịnh nhà nông

Tháng Năm phải bán lúa.
Tháng Hai đành bán dâu.
Lo được ăn, thiếu mặc,
Lại thường xuyên ốm đau.
Mong lòng vua nhân ái
Sáng như sao trên đầu
Soi nhà tranh xiêu nát,
Không phải soi gác lầu.


CHU PHÁC

Chưa rõ tiểu sử.

Quán đạo ở Đồng Bách

Nghìn núi xanh tươi, cao chạm mây.
Cảnh đẹp lạ lùng, nhìn ngất ngây.
Người dưới đi lên theo sườn núi.
Cao vút trên trời, chim hạc bay.
Nước lạnh hang sâu con cá quẫy.
Ngoài cửa, trong sân hoa nở đầy.
Còn muốn tìm tiên nơi nào nữa?
Bồng Lai tiên cảnh chính nơi này.


ĐƯỜNG NGẠN KHIÊM

Tác giả: Năm sinh, năm mất không rõ, tự Mậu Nghiệp, người Kinh Châu, nay thuộc tỉnh Sơn Tây; đỗ tiến sĩ năm 861, làm quan tới chức Thứ sử Lãng Châu. Tác phẩm: "Lộc Môn tập", còn gần 200 bài.

Nhà nhỏ

Đêm không mây tĩnh lặng.
Trăng chênh chếch sau nhà.
Buồn cả vì thanh vắng,
Đâu chỉ vì cách xa.


MÃ ĐÁI

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, tự Ngu Thần, không rõ quê quán, đỗ tiến sĩ khoảng niên hiệu Hội Xương (841 - 846), cuối đời giữ chức Thái học bác sĩ.

Nhớ ngày xưa bên sông Sở

Chiều, hơi sương lành lạnh.
Núi Sở, nắng tắt dần.
Phía Động Đình vượn hót.
Người ngồi thuyền mộc lan.
Trăng sáng trên đầm rộng.
Sông kề núi bạt ngàn.
Đêm không mây, tĩnh lặng.
Một mình tiếc thu tàn.

Mùa thu ở Bá Thượng

Bá Thượng, mưa ngừng rơi.
Nhạn bay nhiều trên trời.
Cây bắt đầu rụng lá.
Đêm vắng, lạnh lòng người.
Vườn hoang, sương lấp lánh.
Chùa bên sư nằm chơi.
Ở nhà, chờ đợi mãi.
Bao giờ được giúp đời?

Ghé nhà ông lão nông thôn

Xưa rỗi, trồng cây nhỏ.
Nay cây to, xùm xòa.
Đánh cá và đốn củi.
Mây còn thấp hơn nhà.
Sai trẻ đi hái thuốc.
Thả trâu ăn đồng xa.
Tự dưỡng sinh, dưỡng bệnh.
Không bận tâm tuổi già.


NGÔ DỤNG

Tác giả: Sinh năm 903, năm mất không rõ, người Việt Châu, nay thuộc tỉnh Chiết Giang, đỗ tiến sĩ đời Chiêu Tông, làm quan tới chức Hộ bộ Thị lang rồi Hàn lâm viện thừa chỉ.

Nhớ con suối miền núi

Xuyên mây, gặp đá, chảy vòng quanh,
Vui đùa, róc rách đủ âm thanh.
Rơi xuống từ cao như ngọc vỡ,
Một vùng sâu thẳm, chiếu trời xanh.
Đôi khi mờ mịt, nhìn không thấy.
Trăng đẹp nhiều đêm, gió mát lành.
Mưa xuân dai dẳng, không về được,
Để buồn cho suối cuốn trôi nhanh.

Ngôi nhà hoang

Gió thổi ngói bay, mưa lở tường.
Cổng ai khép hộ, bám đầy sương.
Sau nhà quạnh quẽ cây hoa dại.
Đầy sân cỏ mọc, cảnh buồn thương.
Ao nước cạn khô, không ếch nhái.
Buồn thênh chim én đậu trên rường.
Đâu chỉ riêng đây hoang vắng thế -
Từ lâu cũng vậy cả Hàm Dương.


VIÊN BẤT ƯỚC

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Cuộc chơi đêm ở Trường An

Chín cửa Phụng thành mở chín phương.
Quí phi, cung nữ đổ ra đường.
Xe vàng, ngựa béo, rèm châu cuốn.
Đèn bạc, lọng ngù, cờ đuốc dương.
Trăng sáng, lầu xanh vang tiếng hát.
Bốn bề gió thổi, ngát mùi hương.
Xe ngựa quay về, chuông sáng điểm.
Trâm vãi, hoa rơi khắp phố phường.


CAO BIỀN

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, tự Thiên Lý, người Bột Hải. Từng làm chinh nam tướng quân cai trị Giao Châu (Việt Nam xưa) từ 864 đến 875, sau được gọi về nước làm tiết đô sứ Hồ Nam, rồi bị giết vì có ý bất mãn.

Ngày hè, nhà trên núi

Bên hồ lầu gác cúi soi gương.
Mùa hạ ngày dài, dài vấn vương.
Gió động rèm châu, bên giá sách
Hoa tường vi nở, ngát mùi hương.

Tìm người ở ẩn không gặp

Hoa rơi nước chảy, cảnh thiên thần.
Vừa hát, vừa say tìm bạn thân.
Tiên ông, thật tiếc, đi đâu vắng.
Hoa đào, hoa hạnh rụng đầy sân.

Cảm hứng

Buông câu không cần cá,
Uống chẳng vì buồn rầu.
Ta giống Kê Thúc Dạ,
Đều cùng lười như nhau

Ngắm tuyết rơi

Tuyết như hoa trắng rụng quanh nhà.
Trúc thành quỳnh trắng nở đầy hoa.
Thật thích, lên lầu cao để thấy
Đường ác khắp nơi tuyết phủ nhòa.

Ngày hè, lầu trên núi

Bao bọc cây xanh kín bốn bề.
Bóng lầu in ngược dưới lòng khe.
Hoa tường vi nở, thơm dìu dịu.
Xôn xao gió thổi uốn mành tre.

Giải khuây
Bài một

Rỗi việc đi câu, buồn - uống chơi,
Cho say, dứt bỏ hết tình đời.
Chỉ tiếc Hàn Bành xong nghiệp Hán,
Chẳng đến Ngũ Hồ sống thảnh thơi.

Giải khuây
Bài hai

Đầy vườn hoa nở, trăng đầy ao.
Thuyền đầy tiếng hát, nước lao xao.
Từ nay nhất định say, thanh thản,
Chỉ giương cờ rượu, chẳng cờ đào.

Tiễn Tào Biệt Sắc từ An Nam hồi triều

Mặt trời xế bóng, nước liền mây.
Cuốc kêu, đồng vắng phủ sương dày.
Về tới thiên triều, xin nhắc hộ:
Tôi đã năm năm ở chốn này.

Xuân biên ải

Xanh biếc cỏ xanh, liễu mỡ màng.
Bầu rượu nghiêng nghiêng, rót chén vàng.
Tiếng đàn tiếng hát bay theo gió,
Điệp trùng biên ải vẫn âm vang.

Gửi anh trai

Anh em ly biệt đã bao ngày.
Bao lần nhỏ lệ chẳng hề hay.
Chưa dứt tiếng kèn, hồn đã đứt.
Trời Hồ không một bóng chim bay.

Cảnh xuân ở Cẩm Thành

Sông Thục Giang xanh biếc.
Hoa muôn màu khắp nơi.
Vùng này chắc giàu lắm -
Bao nhiêu gấm đem phơi.

Nỗi oán phòng khuê

Chinh phụ vui buồn, khó lắm thay.
Dẹp xong giặc bắc, mới về đây,
Bây giờ hiến kế xin nam tiến.
Áo trận cho chồng cứ giục may.

Nói nỗi lòng

Giận mình ít mưu kế.
Thẹn làm tướng cầm quân.
Tay giữ thanh gươm quí.
Giáp trận khoác lên thân.
Phò vua coi chuyện dễ.
Đền ơn, biết khó khăn.
Ba cõi còn có giặc,
Chưa nghĩ chuyện từ quan.

Gửi xử sĩ Lý Toại Lương ở làng Ngạc

Quên đời, sống ẩn giữa rừng cây,
Đô thành mộng ảo cũng quên ngay.
Bên ao đọc sách, tôn người trước,
Làm văn răn dạy trẻ sau này.
Bến Tần chiều tối thơ lai láng.
Tạnh trời, sông Mỹ bác chài say.
Xuân về, trong núi không tin tức.
Bờ sông vắng vẻ, ngày lại ngày.


THÔI ĐỒ

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, tự Lê Sơn, người Giang Nam, đỗ tiến sĩ năm 888, thơ ông phần nhiều tả cảnh oán hận ly biệt.

Nỗi nhớ đêm cuối năm

Thân ở nơi nguy hiểm.
Đường Tam Ba xa xôi.
Đêm, núi chìm trong tuyết.
Ngọn đèn dầu lẻ loi.
Xa bạn bè, thân thích
Nên quí đám bề tôi.
Không lẽ thế này mãi?
Mai đã năm mới rồi.

Con nhạn lẻ loi

Nhạn đã bay về ải.
Chỉ còn lại mình mày.
Kêu giữa chiều lạc lõng,
Trăng lạnh, trời đầy mây.
Lúc chao trên bãi cạn,
Lúc muốn đậu cành cây.
Có thể người không bắn,
Nhưng đơn độc, buồn thay.

Chiều xuân ở đất người, nhớ nhà

Hững hờ nước chảy, hoa rời cành.
Gió xuân man mác thổi qua thành.
Trong mơ hóa bướm, nhà muôn dặm.
Trăng mờ, chim cuốc nhắc ba canh.
Suốt năm vắng bặt thư vườn cũ.
Mỗi bận xuân về, tóc bớt xanh.
Chưa muốn về quê, về chắc được.
Ngũ hồ cảnh đẹp có ai tranh?


TẦN THAO NGỌC

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, , tự Trọng Minh, người Kinh Triệu, đỗ khoa chuẩn sắc năm 882, làm quan tới chức Công bộ thị lang.

Cô gái nghèo

Lều tranh, chưa biết cảnh sang giàu.
Ngại nhờ mai mối để làm dâu.
Trang điểm sơ sài, trông ái ngại,
Đâu sánh thanh tao chốn gác lầu.
Không khoe mình giỏi đường kim chỉ.
Chẳng muốn tô mày, thêm khổ đau.
Để làm áo cưới cho người khác,
Năm năm mòn mỏi những đường khâu.


VU LƯƠNG SỬ

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Đêm trăng trên núi xuân

Núi xuân lắm cảnh đẹp.
Quên về, ngắm mê say.
Chơi hoa, hương thấm áo.
Vốc nước, trăng đầy tay.
Hứng lên, đi khắp chốn.
Muốn về, tiếc lắm thay.
Phía nam, tiếng chuông đổ.
Gác lầu mờ phía tây.


TRƯƠNG KÍNH TRUNG

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, sống thời Thịnh Đường, từng làm Giám sát ngự sử và Tiết độ sứ ở Bình Lô rồi Kiếm Nam. "Toàn Đường thi" còn hai bài.

Cảnh biên cương

Xuân ở Ngũ Nguyên vốn muộn mằn.
Mãi đến bây giờ băng mới tan.
Tháng Hai mà liễu chưa buông tóc.
Giờ này hoa rụng ở Trường An.


CHƯƠNG KIỆT

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Ly biệt giữa mùa xuân

Vất chén biệt ly, dẫu vẫn vương.
Chưa xong nhạc tiễn, đã lên đường.
Cương vàng, ngựa bước bên hoa đỏ.
Lệ chảy lầu son, người tựa tường.
Xuân xanh đã đến trên cành liễu,
Nước trắng sông Thông còn tuyết sương.
Chỉ nhắc đừng quên đem áo ấm -
Mùa hè vẫn lạnh ở biên cương.


LA NGHIỆP

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

Ngắm cảnh chiều trên bờ đầm Bộc Dịch

Người đến nơi này những xót xa.
Hoa lau, đầm nước giống quê nhà.
Bao giờ mới được lòng thanh thản?
Thu về vó ngựa giục lòng ta.
Ruộng vườn xơ xác, về đông muộn.
Đường xá khó khăn, lên bắc xa.
Ngoài bãi, nhìn kia, chim sướng thật,
Bay lượn từng đôi giữa nắng tà.


TRỊNH CỐC

Tác giả: Chưa rõ năm sinh, năm mất, tự Thư Ngu, hiệu Diệc Sơn, người Viên Châu, nay thuộc tỉnh Giang Tây; làm quan đến chức Đô quan lang trung. Tác phẩm có "Vân đài biên", "Nghi Dương tập" và "Quốc phong chính quyết".

Thơ đề vách nhà trọ

Đêm xuân giấc ngủ thấm hương hoa.
Én bay, cây phủ kín quanh nhà,
Nến hồng lạnh lẽo, cành hoa gãy.
Đường tới Thường Sơn còn bao xa?

Trên sông Hoài tiễn bạn cũ

Liễu xanh Dương Tử rợp bên đường,
Làm kẻ sang sông lòng vấn vương.
Xế bóng, chia tay, nghe sáo thổi,
Rồi người đến Tần, người Tiêu Tương.

Đọc tập thơ của Lý Bạch

Sao văn, sao rượu, cả sao băng
Đưa Lý tiên sinh nhập vĩnh hắng.
Vừa say vừa viết ba nghìn khúc,
Cho đời, để lại một vành trăng.

Bên sông

Mờ mịt khói sương, những chấm thuyền.
Dòng sông xơ xác sậy hai bên.
Trời thấp, cảnh buồn, cây trụi lá,
Làm ai nhìn thấy cũng ưu phiền.
Một rừng lá úa, ve kêu lạnh.
Muôn lớp sóng dồi, cò ngủ yên.
Binh lửa chưa qua, già đã đến.
Thong thả ngâm thơ, nhớ Sản Xuyên.


CHU PHÓNG

Tác giả: Tên chữ là Trường Thông, không rõ năm sinh, năm mất, người Thương Châu cuối đời Đường, từng làm chức Tham quân cho Tào vương, sau ở ẩn ở Khe Sàn, tỉnh Chiết Giang.

Thơ đề ở chùa Trúc Lâm

Khác cõi trần luôn vội,
Đây chỉ toàn núi mây.
Trúc Lâm, chùa mến khách.
Ta đã đến nơi này.


ĐINH TIÊN CHI

Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, người Khúc Hà, từng làm huyện úy Dư Hàng, là nhà thơ cuối đời Đường.

Qua sông Dương Tử

Thuyền đã đến giữa dòng.
Hai bờ sóng mênh mông.
Ven rừng - trạm Dương Tử.
Thành Nhuận Châu phía đông.
Biển xa, biên giới vắng.
Gió bấc thổi trên sông.
Nghe tiếng thu xào xạc,
Tiếng lá rụng ngoài đồng.


TRIỆU CỔ

Tác giả: Sinh năm 815, năm mất không rõ, tự Thừa Hựu, người Sơn Dương, nay là huyện Hoài An, Giang Tô. Ông đỗ tiến sĩ năm Hội Sương, sau làm quan úy ở Vị Nam.

Trên lầu bên sông, nhớ chuyện cũ

Bên sông, tư lự đứng trên lầu.
Dưới trăng, trời nước sáng như nhau.
Y nguyên phong cảnh như năm ngoái.
Người dạo cùng ta giờ ở đâu?

Đêm thu ở Tràng An

Trời thu ảm đạm đã nhiều ngày.
Cung Hán vươn cao, chạm tới mây.
Một tiếng sáo ngân, người tựa cửa.
Đôi chấm sao buồn, chim nhạn bay.
Dậu cúc đầu thềm đang hé nụ.
Sen úa ngoài ao những cuống gầy.
Ở quê cá béo, không về được.
Đi sang nước Sở, giống đi đày.

Nghe thổi sáo

Có ai thổi sáo phía tây lầu,
Khi khoan khi nhặt đổi thay nhau.
Mây nghe, bất giác mây ngừng lại.
Trăng đứng bên song, vẻ nhuốm sầu.
Hằng Tử thổi liền ba điệu sáo. 1)
Mã Xung có phú để đời sau. 2)
Sáo im, không biết ai vừa thổi,
Tiếng sáo còn vang lâu, rất lâu.

1. Hằng Tử tức Hằng Y thời Đông Tấn, tự Thúc Hạ, hiệu Tử Dã. Một lần ông dừng xe ở khe Thanh Khê, và theo lời mời của Vương Vi, ông bước lên chõng thưa, thổi ba khúc sáo tuyệt hay, sau đó không hề xuất hiện thêm nữa.
2. Nhà văn thời Đông Hán, giỏi về phú với bài Tràng Địch rất nổi tiếng.

No comments:

Post a Comment