Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Đến Quảng Ninh lần này,
thật là may tôi liền được bố trí đi X với một đoàn cán bộ chỉ đạo sản xuất của
một xí nghiệp hải sản.
X. là một đảo lớn nằm xa
ngoài biển, cách thị xã Hồng Gai hơn một trăm kilômét. Ở biển thế là xa, vả lại
khu vực này thường có sóng dữ nên nói chung ra được đấy không phải dễ, nhất là
với những người không có một mục đích thật sự cần thiết như tôi.
Chúng tôi xuất phát từ
rất sớm. Thời tiết thật tuyệt. Con tàu chín mươi mã lực tuy nhỏ nhưng khá chắc
nhẹ nhàng lướt trên mặt nước trong xanh, gần như tĩnh lặng. Buổi sáng, vịnh Hạ
Long có vẻ đẹp kì lạ, vừa thơ mộng, huyền bí, vừa như có cái gì đấy nhí nhảnh,
trong sáng. Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt nhìn thấy mặt trời mọc trên
biển. Lúc đầu là một vệt sáng nhưng chỉ mấy phút sau đã nhú lên hình một chiếc
bánh mì dài màu đỏ rực. Tàu vòng qua một ngọn núi đá, khi qua tới đầu bên kia
thì chiếc bánh mì đó đã là chiếc mâm khổng lồ được nung đỏ, và vì bị che bởi một
màng mỏng sương mù chưa tan nên có thể nhìn rất lâu mà không bị thấy chói mắt.
Cùng đi với tôi từ Hà
Nội xuống còn có một anh nhà báo trẻ. Lần đầu đi biển, lại được chứng kiến một
cảnh đẹp như thế, anh ta không ngớt thốt lên những câu thán phục, chốc chốc lại
quay sang hỏi người lái tàu điều gì đó. Người lái tàu, một ông già vui tính,
sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của anh ta. Thực ra về biển tôi cũng chẳng biết
gì hơn, nhưng vì không muốn tỏ ra quá ngờ nghệch, tôi chỉ lặng lẽ quan sát và
lắng nghe.
Qua Quan Lạn, anh bạn
nhà báo chỉ những chiếc cọc đóng thành vòng tròn rộng trên một chỗ nước nông và
hỏi đó là gì. Người lái tàu giải thích đó là cách dân chài bắt sam. Sam biển ở
vùng này rất nhiều, thường bằng chiếc đĩa to và nếu biết chế biến, sẽ là món ăn
vừa rẻ lại vừa ngon. Một đặc điểm khá kì lạ của giống này là bao giờ chúng cũng
đi có đôi, một con đực một con cái và thường dính chặt vào nhau. Người ta bắt
chúng từng đôi, bán chúng cũng từng đôi và thậm chí làm thịt chúng để ăn cũng
từng đôi, thịt con này trộn lẫn thịt con kia. Ít khi gặp riêng từng con, mà có
gặp cũng không ai bắt, vì cho đấy là điềm gở.
- Tuyệt! Tuyệt diệu! -
anh nhà báo kêu to một cách hồn nhiên. - Nếu tôi là nhà thơ, tôi sẽ viết ngay
một bản trường ca lâm li về những con sam kì diệu này. Thế nào cũng phải mua
một đôi mang về Hà Nội.
- Để treo lên tường làm
biểu tượng tình yêu hay cho cả đôi uyên ương ấy vào xoong để luộc nhắm rượu? -
Tôi hỏi đùa, làm anh chàng phần nào hơi cụt hứng.
Tàu chúng tôi cứ thế đi,
đi mãi - chầm chậm, đều đều vượt hết đảo này đến đảo khác. Tôi có cảm giác như
vịnh Hạ Long là vô cùng vô tận và chúng tôi sẽ không bao giờ thoát ra khỏi cái
bát đồ trận rối rắm nhưng đẹp mê hồn này. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những
chiếc thuyền con đang nép vào chân núi đá hoặc đứng chơ vơ giữa vịnh. Tôi ngạc
nhiên khi thấy trên thuyền có cả trẻ con, rất nhiều trẻ con.
- Mỗi thuyền là một gia
đình đấy, - ông già lái tàu bảo tôi. - Trẻ con sinh ra và lớn lên ngay trên mặt
nước, có khi hàng tháng liền không đặt chân lên bờ.
- Thế ở đất liền họ
không có nhà à? - tôi hỏi.
- Phần lớn là không.
- Họ sinh sống bằng cách
nào?
- Bằng cách dân chài vẫn
sinh sống. Đánh cá đổi gạo. Không đổi được gạo thì ăn cá trừ bữa. Không có cá
thì nhịn.
- Và trẻ con không được đi học?
Ông già không nói gì,
chắc cho câu hỏi của tôi là thừa và ngốc nghếch.
- Sao họ không làm nhà ở
đất liền, hàng ngày ra biển đánh cá rồi quay về, trong một hợp tác xã nào đấy chẳng hạn và ăn gạo
Nhà nước?
- Cái ấy thì anh phải
hỏi họ mới biết được. Đó là một điều khó hiểu, cũng như người ta không hiểu tại
sao có dân tộc miền núi thích nay đây mai đó, mỗi năm làm nhà mới mấy lần.
- Dù sao sống thế cũng
rất lãng mạn, - anh nhà báo lên tiếng.
- Vâng, nhưng không đến
mức anh tưởng đâu. - Ông già trầm ngâm
đáp. - Tháng trước có hai vợ chồng cãi nhau rồi đánh nhau, và cùng ngã xuống
nước. Chính mắt tôi nhìn thấy. Còn năm ngoái thì một đứa bé năm tuổi đêm dậy đi
đái, rơi xuống biển, thuyền cứ trôi mà bố mẹ ngủ quên không hay.
Chúng tôi không ai nói
gì thêm. Một lúc lâu sau anh nhà báo hỏi:
- Đi X. có thường gặp
tai nạn không bác?
Đó là câu hỏi không tế
nhị mà khi đi biển người ta tránh nhắc tới. Tuy nhiên ông già lái tàu vẫn vui
vẻ đáp:
- Ít thôi, nhưng cũng
có. Gần đây nhất là lần đắm tàu năm kia. Cũng của công ty chúng tôi. Cả tàu sáu
người chỉ một người sống sót. Anh ta đang ngủ kia, - ông hất hàm chỉ một người
đang nằm ngủ trên chiếc gường nhỏ ở buồng lái, mặt ngoảnh vào tường. - Một mình
giữa biển ba ngày ba đêm liền, may trời ấm, gió thuận nên mới dạt được vào
bờ...
- Ba ngày ba đêm? - anh
nhà báo thốt lên. - Kinh khủng thật... Nhưng vì sao tàu lại đắm ạ?
- Vì gần tới X. thì thời
tiết bất ngờ thay đổi, biển nổi sóng tới cấp bảy, cấp tám, mà tàu thì quá cũ.
Cũng một chiếc chín mươi mã lực như tàu này. Anh ta bơi giỏi, lại khỏe mới sống
sót. Trưởng trạm chế biến thuỷ sản ở X. đấy, vừa rồi về họp ở đất liền nay trở
lại đảo. Biển ấy mà, anh bạn trẻ ạ, không bao giờ cũng đẹp và êm ả như thế này
đâu. Rồi chốc nữa anh sẽ thấy... Tôi sợ hôm nay trời trở chứng và có thể chúng
ta phải nằm lại chờ đâu đó một vài ngày không chừng.
Quả đúng như ông nói,
vừa ra tới cửa vịnh, tàu chúng tôi đã gặp sóng lớn không dám mạo hiểm đi tiếp,
đành quay lại trú cạnh đảo Ngọc Vừng.
Đêm hôm ấy mọi người lên
đảo ngủ - ở Ngọc Vừng cũng có một trạm chế biến thủy sản. Ở lại tàu chỉ có ông
già lái tàu, trưởng trạm X., - con người đã sống sót sau ba ngày ba đêm một
mình giữa biển - và tôi. Tôi xin ở lại tàu không phải không có mục đích.
*
Trưởng trạm X. đã ngoài
bốn mươi, bé và gầy, có khuôn mặt đen, đanh lại vì gió biển. Anh ít nói, đôi
mắt bé, lại hiếm khi mở to nên dễ gây cho người ngoài cảm giác khó gần, ngài
ngại.
Ăn xong, ông già lái tàu
chui xuống khoang ngủ ngay, có lẽ vì mệt. Còn tôi và anh trưởng trạm thì ra
ngồi trên cột neo trước mũi tàu.
Đêm tháng Tư, trời nhiều
sao. Ngoài biển hình như sao to và sáng hơn ở đất liền.
Chúng tôi nói chuyện với
nhau về thời tiết, về vụ cá năm nay, về Hà Nội và về tình hình biên giới. Nói
chung câu chuyện rời rạc, phần lớn gồm những câu hỏi và những câu trả lời ngắn
gọn.
- Anh có thể kể qua,
bằng cách nào anh thoát chết lần đắm tầu năm kia được không? - Cuối cùng tôi
hỏi điều tôi quan tâm.
- Gặp may thôi, - anh
đáp. - Đúng giữa lúc sóng dữ nhất thì máy hỏng, con tàu không còn làm chủ được
mình nữa, nước ập vào và rồi chìm. Phần lớn mọi người nằm dưới khoang, còn tôi
vì ở buồng lái nên chui ra kịp. Đi biển bao giờ tôi cũng ngồi hoặc nằm ở buồng
lái. Sau một hồi vật lộn với sóng, bị trôi dạt khá xa, tình cờ tôi vớ được
chiếc phao xăm ô tô. Thế là tôi thoát. Có điều phải lênh đênh trên biển ba ngày
ba đêm như anh biết.
- Chắc anh đói và mệt
lắm nhỉ?
- Vâng, lại sợ nữa. Tôi
sợ gió đổi chiều sẽ đưa tôi ra xa bờ hơn. Cũng may lần ấy tôi nhặt được một con
cá rất to, không hiểu vì sao bị chết, trôi giữa biển. Tôi đoán có thể còn lâu
mới tới bờ nên đã chia đều ăn dần. Tôi ăn hết không chừa một tí gì, kể cả phần
ruột đắng và mặn. Đỡ đói đã đành, nhưng điều quan trọng nhất là đỡ khát. Khát
mới thực sự đáng sợ.
- Thế là lần ấy chỉ mình
anh sống sót? - tôi hỏi mặc dù ban ngày ông già lái tàu đã cho tôi biết điều
đó.
- Vâng, lúc đầu tôi
tưởng có thể người khác cũng vớ được phao hay mảnh ván như tôi, nhưng sau hóa
ra chỉ mình tôi sống sót.
- Khi tàu chìm, anh
không nhìn thấy ai xung quanh à?
- Không. Sóng to quá...
- anh đáp rồi im lặng như đắn đo điều gì, một lúc sau mới nói tiếp: - Lúc tàu
chìm thì không, nhưng khi vớ được phao tôi nhìn thấy một người đang vật lộn với
sóng cách tôi khoảng một trăm mét. Đó là ông trưởng phòng tổ chức cơ quan tôi.
Tôi chẳng hiểu lần ấy ông ta ra đảo làm gì để phải gặp tai nạn như thế. Ông ta
cũng là người bơi giỏi nhưng không có cái may gặp phao như tôi. Lúc đầu tôi
tưởng ai đó trong đám thủy thủ liền vội bơi đến cứu, nhưng khi nhận ra ông ta
thì tôi dừng lại. Suy nghĩ một lát, tôi quyết định coi như không nhìn thấy...
Tôi sửng sốt nhìn con
người đang ngồi bên tôi và nói cái câu kia một cách đơn giản, thẳng thừng tới
mức tàn nhẫn.
- Anh ngạc nhiên muốn
biết vì sao chứ gì? - anh trạm trưởng nói tiếp. - Tôi sẽ nói. Từ trước tới nay
tôi không nói điều này với ai, không phải vì sợ mà đơn giản vì không muốn.
Nhưng hôm nay không hiểu sao tôi lại muốn nói với anh. Đừng nghĩ tôi thích hoặc
tin anh. Không, xin lỗi, nói chung tôi không có cảm tình lắm với dân làng văn,
làng báo các anh. Vì sao thì các anh tự biết. Dân gian đã nói điều đó. Nhưng
thôi, việc các anh các anh làm, việc tôi, tôi làm.
Quay lại chuyện ông
trưởng phòng kia. Đúng, tôi đã không cứu ông ta, vì ông ra không đáng để tôi
phải trả giá như thế. Cái phao to và chắc thật, có thể cứu sống cả hai người,
nhưng cũng có thể vì thêm ông ta tôi sẽ chết. Xin anh đừng quên điều đó. Tạm
thời lúc này đừng ngắt lời tôi. Tôi sẽ giải thích tất cả. Ông ta, cái con người
vô tình cũng rơi vào một hoàn cảnh hiểm nghèo như tôi ấy, là một người xấu, rất
xấu, không những không giúp ích gì cho xã hội mà còn ngược lại. Cái ghế trưởng
phòng kia không phải bằng tài năng và lao động chân chính ông ta đạt được, mà
bằng thủ đoạn, bằng nịnh hót và lừa đảo. Làm việc với nhau hai mươi năm nay,
tôi lạ gì.
Anh biết đây, cuộc sống
ở đảo rất vất vả, buồn chán và tất nhiên không ai thích ra đảo nếu không bị bắt
buộc. Một số người, để được ở đất liền, đã tìm cách đút tiền cho hắn, và hắn
nhận, nhưng khôn khéo và tinh vi lắm. Ai làm gì được hắn? Phần vì hắn phụ trách
tổ chức, phần vì không có bằng chứng. Để thế chỗ những người hắn đã nhận hối
lộ, hoặc hẳn cử những người khác không ăn cánh ra dảo hoặc bắt các cô gái (phần
lớn ở đảo là các cô gái) từ lâu đến hạn được về đất liền và rất cần về đất liền
để lấy chồng, phải ở lại thêm một thời gian nữa. Bao lâu thì có trời mới biết được
- một năm, hai năm, năm năm hay có thể suốt đời không chừng. Bao giờ hắn cũng
tìm được lí lẽ để bào chữa cho việc làm sai trái của hắn. Các cô ấy đòi về à?
Hắn sẽ đem lí tưởng và nghĩa vụ của người đoàn viên ra nói. Anh suy bì người
này người nọ? Hắn sẽ giở đến tinh thần trách nhiệm, đến yêu cầu cấp bách của
công tác và nhất định thế nào hắn cũng nói rằng anh là người không thể thay thế
được, vân vân. Về mặt xảo quyệt thì có lẽ ít ai bằng hắn.
Vâng, hắn là người thế
đấy. Ai cũng biết nhưng ai cũng sợ và không muốn gây sự với hắn. Còn tôi thì
không. Tôi đã thẳng thắn đấu tranh với hắn trong một cuộc họp chi bộ. Rồi anh
biết thế nào không? Trước tổ chức Đảng, hắn đã "chân thành" nhận là
"có một vài khuyết điểm trong công tác" và hứa sẽ sửa chữa. Có điều
mấy tháng sau tôi có quyết định ra đảo phụ trách cái trạm chế biến thủy sản mà
ta sắp tới, mặc dù lúc ấy tôi đang theo học hàm thụ năm cuối trường Kinh tế. Cả
lần này hắn cũng tìm được những lí do, mới nghe có vẻ như hợp lí... Vậy thì tôi
hỏi anh, vì cớ gì tôi phải liều mạng sống của mình để cứu một con người như
thế, một người mà tôi biết sự tồn tại chỉ mang lại tai họa cho người khác, dưới
dạng này hoặc dạng nọ?
Anh đội trưởng im lặng
nhưng có lẽ không phải để chờ tôi trả lời.
- Anh không bao giờ cảm
thấy bị lương tâm cắn rứt sao?
- Hoàn toàn không. Ngược
lại, nếu cứu hắn sống lương tâm tôi mới cắn rứt.
Hồi lâu chúng tôi không
ai nói gì thêm. Cuối cùng, tôi lên tiếng:
- Có thể những điều anh
nói là đúng, nhưng dù sao về mặt nhân đạo, giữa con người với con người, dù sao
thì...
- Vâng, tôi hiểu ý anh
muốn nói gì, - anh đội trưởng vội ngắt lời tôi. - Nhưng xin anh chớ quên rằng
tôi chỉ không cứu hắn sống chứ không phải giết hắn chết. Hai cái ấy hoàn toàn
khác nhau. Vả lại tôi không cứu không phải vì tôi muốn trả thù hoặc quá lo cho
tính mạng của tôi lúc đó. Đây là một vấn đề lớn hơn nhiều. Một vấn đề có tính
nguyên tắc.
Nói rồi anh đứng dậy,
ngước lên nhìn bầu trời chi chít sao, ngáp một cái thật dài. Sau đó cả hai
chúng tôi cùng lên gường đi ngủ. Nằm trong chăn, chúng tôi nói chuyện thêm một
lúc nữa. Nhờ đó tôi biết được rằng trưởng phòng tổ chức công ty bây giờ là một
người khác, công việc tốt hơn xưa rất nhiều. Một số cô gái đã được chuyển vào
làm việc ở đất liền tuy phần lớn vẫn còn ở ngoài ấy, vì một lúc không thể tìm
được chừng ấy người thay thế. Còn anh đội trưởng đang nằm bên tôi thì năm ngoái
được tổ chức cho về đất liền để học nốt chương trình đại học hàm thụ, vả lại
cũng đã hết thời hạn biệt phái công tác, nhưng anh tình nguyện ở lại đảo thêm
một thời gian nữa.
- Lúc này mà bỏ các cô
ấy một mình ngoài kia để chuồn về thị xã thì còn mặt mũi nào nữa, - anh vừa lẩm
bẩm nói, vừa trở lưng quay mặt vào tường, và ngủ thiếp.
Còn tôi thì cứ nằm thao
thức mãi. Lơ đãng nhìn lên mảnh trời con hình vuông bàng bạc trên boong tàu,
tôi miên man suy nghĩ như muốn tìm trên đó cái lô gích, cái "vấn đề nguyên
tắc" mà anh đội trưởng vừa nói, trong việc anh ta có thể nhẫn tâm bỏ mặc
một đồng nghiệp chết đuối giữa biển nhưng đồng thời không nỡ bỏ các cô gái khỏe
mạnh ở lại trên đảo để trở về đất liền.
Sáng hôm sau biển lặng
hơn. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Vừa ra tới cửa vịnh, anh
nhà báo đã say sóng phải nằm yên một chỗ. Anh đội trưởng vẫn ngủ như hôm trước,
hai tay ôm đầu, trên chiếc gường nhỏ ở buồng lái. Ông già lái tàu suốt buổi im
lặng đứng bên tay lái để điểu khiển con tàu né tránh những đợt sóng lớn đang
chồm lên trước mũi tàu một cách giận dữ.
Còn tôi thì không hiểu
sao một ý nghĩ lạ lùng và rất buồn cười cứ ám ảnh mãi trong đầu, ý nghĩ rằng
nếu không may lần này gặp tai nạn, không biết con người nhỏ bé có nước da ngăm
đen đang ngủ kia có cứu tôi không, tôi, một đại diện của giới văn nghệ mà anh
ta "không thích lắm".
Quảng Ninh, 1984
No comments:
Post a Comment