Hai mươi tư tấm gương hiếu thảo của người xưa.
LỜI NÓI ĐẦU
Cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu
Được viết vào đời Nguyên.
Tác giả - Quách Cự Nghiệp,
Một túc nho, người hiền.
Hai mươi tư gương tốt
Về đạo hiếu xưa nay
Ông sưu tầm, chép lại,
Đưa vào cuốn sách này.
Ở nước ta, đời Nguyễn,
Dưới triều vua Gia Long,
Cử nhân Lý Văn Phức
Viết lại, rất thành công,
Thành song thất lục bát
Cả hăm tư bài này.
Được nhiều người truyền tụng
Và đọc tới ngày nay.
Tôi xin phép được chuyển
Thành thể thơ ngũ ngôn,
Nôm na và dễ hiểu,
Phù hợp với trẻ con.
Ca dao và truyện cổ
Gắn liền với tuổi thơ.
Thiếu nó, tâm hồn trẻ
Dễ thui chột, cằn khô.
Mong các bậc bố mẹ
Luôn ghi nhớ điều này.
Hãy đọc sách cho trẻ,
Đều đặn và hàng ngày.
Hiếu thảo là đức tính
Cần có ở mỗi người.
Trẻ được dạy từ nhỏ,
Sẽ hiếu thảo suốt đời.
1
NGU THUẤN
Vua tên hiệu là Thuấn,
Quốc hiệu là Đại Ngu.
Có cha là Cổ Tẩu,
Tức “mắt sáng mà mù”.
Vì cha Ngài gàn dở,
Không biết lý, biết tình,
Nên người đời gọi thế,
Lên án và coi khinh.
Mẹ Ngài bệnh, chết sớm.
Mẹ kế ác và lười.
Em cùng cha khác mẹ
Thì gian xảo hơn người.
Ba người độc ác ấy
Tìm cách hãm hại Ngài.
Nhưng vốn rất hiếu thảo,
Ngài không oán trách ai.
Vẫn một lòng tôn kính
Và cung phụng mẹ cha.
Cả với đứa em xấu,
Ngài vẫn rất ôn hòa.
Tấm gương hiếu thảo ấy
Làm cảm động đất trời.
Nên Ngài được phù hộ
Mọi lúc và mọi nơi.
Lần nọ bị bố bắt
Cày ruộng bên Lịch San,
Voi kéo đến cày giúp,
Chim nhặt cỏ từng đàn.
Lần khác, hồ Lôi Trạch
Đang gió lớn, sóng to,
Khi Ngài đến đánh cá,
Nước bỗng lặng như tờ.
Vua Nghiêu, khi hay chuyện,
Bèn truyền ngôi cho Ngài,
Còn gả hai con gái,
Xinh đẹp và lắm tài.
Mười tám năm, Ngu Thuấn
Nổi tiếng một vua hiền.
Chỉ gảy đàn và hát
Mà đất nước bình yên.
2
VĂN ĐẾ
Vua Văn Đế nhà Hán
Một vị vua anh minh,
Nổi tiếng rất hiếu thảo
Với bố mẹ của mình.
Mẹ Ngài, bà Bạc Hậu,
Ba năm ốm liệt giường.
Trong suốt ba năm ấy,
Ngài, một đấng quân vương,
Với áo bào ngũ sắc
Và vương miện trên đầu,
Lễ phép đứng bên cạnh,
Một mình, không người hầu.
Suốt đêm Ngài không ngủ,
Thay quần áo, đổ bô,
Lo thuốc thang cho mẹ,
Với nét mặt buồn lo.
Vì sợ có thuốc độc,
Trước khi mời mẹ ăn,
Ngài tự mình nếm trước,
Rồi dỗ dành ân cần.
Nhờ gương hiếu thảo ấy
Của vị vua anh minh,
Dân Hán cũng hiếu thảo
Và đất nước yên bình.
3
TĂNG TỬ
Tăng Tử người nước Lỗ,
Tự Tử Dư, tên Sâm,
Thời Xuân Thu Chiến Quốc,
Có tài và có tâm.
Ông là học trò giỏi
Của Khổng Tử, về sau
Thành tứ đại đồ đệ
Của thánh nhân Khổng Khâu.
Là người rất chí hiếu,
Ông chỉ chọn ăn rau,
Dành thịt cho cha mẹ,
Luôn kiên nhẫn đứng hầu.
Thức ăn thừa, không hết,
Cha mẹ bảo cho ai,
Ông đem cho người ấy,
Không bao giờ dám sai.
Một lần, nhà có khách
Đến thăm ông bất ngờ,
Mà ông thì đi vắng.
Làm thế nào bây giờ.
Mẹ ông muốn ông biết
Để nhanh chóng về nhà.
Bèn quay đầu lặng lẽ
Cắn vào ngón tay bà.
Dù ở đâu, bà nghĩ,
Khi mẹ cắn vào tay,
Thì người con chí hiếu
Cảm được cái đau này.
Quả đúng thế, Tăng Tử
Đang hái củi dưới khe,
Bỗng thấy lòng đau quặn
Liền vội vã quay về.
4
MẪN TỬ KHIÊN
Là học trò Khổng Tử,
Có đức và có tài.
Không may mẹ mất sớm,
Ông bố lấy vợ hai.
Bà này vốn độc ác,
Sinh được hai người con,
Cũng độc ác như mẹ.
Ông luôn bị ăn đòn.
Là một người có hiếu,
Ông luôn vâng lời cha.
Dù mẹ kế khắc nghiệt,
Ông vẫn kính trọng bà.
Lần nọ, trời giá rét,
Ông kéo chiếc xe bò
Chở cha đi công chuyện.
Trời rét, bước co ro.
Nhiều lần ông vấp ngã,
Thâm tím cả mặt mày.
Cuối cùng thì kiệt sức,
Ông cúi gục, buông tay.
Bố ông liền bước xuống,
Ôm con trai vào lòng.
Chỉ bấy giờ mới biết
Con không có áo bông.
Thì ra bà vợ kế
Bắt ông khoác bao đay.
Hai con bà thì khác,
Được mặc áo bông dày.
Ông tức giận, lập tức
Sai quay xe về nhà.
Thẳng tay đuổi bà vợ
Cùng hai con của bà.
Mẫn Tử Khiên thấy thế
Liền quỳ xuống mà rằng:
“Xin cha hãy nghĩ lại.
Trời đang đầy tuyết băng.
Cả ba người sẽ rét
Nếu bị đuổi ra đường.
Nếu họ được ở lại,
Thì là chuyện bình thường
Chỉ mình con chịu rét.
Con chịu được; đang đêm,
Xin cha hãy nghĩ lại,
Đừng đuổi mẹ và em.
Ông bố nghe, nguôi giận,
Không đuổi nữa, còn khen.
Về sau bà mẹ kế
Trở thành bà mẹ hiền.
5
DIỄM TỬ
Đời nhà Chu, Diễm Tử
Nổi tiếng thờ mẹ cha.
Nhà nghèo, thường đứt bữa.
Bà mẹ ông mù lòa
Một hôm buột miệng nói
Thèm uống sữa nai tươi.
Ông, lúc ấy còn nhỏ,
Bèn sang mượn nhà người
Bộ da nai còn mới,
Giả làm nai mói sinh,
Vào rừng tìm nai mẹ,
Vắt sữa cho mẹ mình.
Lần sau, cậu chợt thấy
Một bác thợ săn già
Dương cung định bắn cậu,
Liền vứt bỏ bộ da.
Bác thợ săn khen cậu
Ngoan, có hiếu, và rồi,
Săn con dê vừa bắn,
Bác hào phóng chia đôi.
7
LÃO LAI TỬ
Lão Lai người nước Sở,
Thời Xuân Thu; là con,
Ông đã bảy mươi tuổi
Mà bố mẹ vẫn còn.
Là người con chí hiếu,
Dù đã là ông già,
Ông vẫn rất tận tụy,
Chiều, cung phụng mẹ cha.
Ông mặc áo sặc sỡ,
Múa hát như trẻ con,
Hoặc giả vờ vấp ngã
Để bố mẹ không buồn.
Tấm gương hiếu thảo ấy
Được truyền tụng muôn đời.
Hiếu thảo là đức tính
Quí nhất ở con người.
8
ĐỔNG VĨNH
Sinh vào thời Hậu Hán,
Đồng Vĩnh, vốn nghèo hèn.
Bố chết, nhà trống rỗng,
Không gạo cũng không tiền.
Để lo bề chôn cất,
Chàng đến một nhà giàu,
Vay tiền, hứa sẽ trả
Bằng tiền dệt lụa màu.
Dệt đủ ba trăm tấm
Mà không lấy tiền công.
Sẽ bắt đầu làm việc
Ngay khi chôn cha xong.
Sau tang lễ, bất chợt,
Trên đường trở về nhà,
Bỗng có một cô gái
Xinh đẹp và nết na
Xin kết duyên chồng vợ.
Với điều kiện dệt xong
Cả ba trăm tấm lụa
Nàng mới về nhà chồng.
Cô gái xinh đẹp ấy
Đi đến nhà người giàu,
Ngồi xuống dệt, dệt hết
Ba trăm tấm lụa màu.
Rồi nhẹ nhàng, lặng lẽ,
Cô gái bay lên trời.
Nàng là một tiên nữ
Được phái xuống cõi người
Để giúp đỡ Đồng Vĩnh,
Chàng trai nặng nghĩa tình.
Không quản ngại vất vả
Lo chôn cất cha mình.
9
ĐƯỜNG THI
Đường Thi, người phụ nữ
Không chỉ giỏi thờ chồng,
Mà còn rất chí hiếu
Với bà cụ mẹ ông.
Bà cụ già, ốm yếu
Được nàng dâu thương yêu
Còn hơn cả mẹ đẻ,
Luôn chăm sóc sớm chiều.
Không ăn được cơm cứng
Vì răng đã lung lay,
Nàng tắm rửa sạch sẽ,
Cho cụ bú hàng ngay.
Mấy năm liền như thế,
Nhờ bú sữa của nàng,
Bà cụ vẫn khỏe mạnh,
Thậm chí da mịn màng.
Lúc chết, cảm ơn ấy,
Cụ khấn Phật anh linh
Cho ai cũng hiếu thảo
Như nàng dâu của mình.
Lời khấn đã công hiệu.
Nhà họ Thôi sau này
Con dâu đều hiếu thảo,
Hưởng lộc lớn, phúc dày.
11
THÁI THUẬN
Thái Thuận nhà nghèo khổ.
Từ bé mồ côi cha.
Thờ mẹ rất hiếu thảo,
Nổi tiếng khắp gần xa.
Một năm nọ, đói kém,
Lại đang buổi đao binh.
Ông vào rừng hái quả
Nuôi mẹ và nuôi mình.
Gặp một bụi dâu dại,
Những quả chín ngon lành
Ông để riêng một chỗ.
Chỗ khác để quả xanh.
Xích My, một tướng giặc,
Thấy, ngạc nhiên và rồi
Hỏi vì sao làm thế.
Sao phải chia làm đôi?
Ông đáp: “Những quả chín
Để dành cho mẹ ăn.
Những quả xanh và chát
Thì tôi ăn, nếu cần.
Tướng giặc khen có hiếu,
Tặng ông một thúng to
Loại gạo ngon và trắng,
Kèm thêm nửa đùi bò.
12
ĐINH LAN
Sớm mồ côi cha mẹ,
Đời nhà Hán, Đinh Lan
Nổi tiếng rất có hiếu
Và là đứa con ngoan.
Ông thuê người tạc tượng
Của cả mẹ và cha.
Đặt hai bức tượng gỗ
Trên bàn thờ giữa nhà.
Ngày cơm dâng hai bữa.
Tối sửa soạn gối chăn.
Hệt như ngày còn sống,
Hầu hạ rất ân cần.
Mấy chục năm như thế.
Vợ ông sinh nản lòng,
Lấy que nhọn châm mạnh
Vào tượng mẹ cha ông.
Chỗ châm ứa máu đỏ.
Hầu cơm như hàng ngày,
Ông thấy hai bức tượng
Rớm nước mắt, chau mày.
Biết thủ phạm là vợ,
Mặc dù rất yêu bà,
Ông xin lỗi bố mẹ,
Rồi đuổi vợ khỏi nhà.
13
LỤC TÍCH
Lục Tích người Đông Hán,
Lên sáu tuổi theo cha
Thăm quan lớn Viên Thuật
Ở Cửu Giang, Nhị Hà.
Trên bàn tiệc hôm ấy,
Có đĩa quýt, khi ăn
Cậu nhón lấy hai quả
Rồi cho vào túi quần.
Lúc về, cúi chào chủ,
Hai quả quít rơi ra.
Viên Thuật thấy, đùa hỏi:
“Sao lấy quít của ta?”
Cậu đáp rất thành thật:
“Mẹ cháu ốm đã lâu.
Cháu biết bà thèm quýt,
Đem về, có sao đâu.
Vả lại, phần của cháu
Cháu không ăn, hôm nay
Cháu mang về cho mẹ
Hai quả quít ngon này.
Viên Thuật nghe, cảm động,
Còn cho thêm nhiều quà.
Đích thân ra tận ngõ
Tiễn hai người về nhà.
15
HOÀNG HƯƠNG
Hoàng Hương, đời Đông Hán,
Nổi tiếng tốt là người
Rất chí hiếu - mẹ chết,
Khóc thương mấy tháng trời.
Từ đấy ông, chín tuổi,
Một mình sống với cha.
Hầu hạ cha rất mực,
Đảm đang hết việc nhà.
Mùa hè, ngày nóng bức,
Ông đứng quạt bên giường.
Mùa đông không củi sưởi,
Sợ cha lạnh, Hoàng Hương
Quấn chăn vào người trước,
Rồi nhảy múa khắp nhà.
Chờ đến khi chăn ấm
Mới đem đắp cho cha.
Quan thái thú cảm động
Bèn viết sớ tâu lên.
Vua Hán ban bốn chữ
Là “Người con hiếu hiền”.
16
VƯƠNG THÔI
Vương Thôi người nước Ngụy.
Cha làm quan, về sau
Tây Tấn diệt nước Ngụy,
Cha ông bị chém đầu.
Hàng ngày, lòng đau xót,
Ông phủ phục bên mồ,
Khóc đến mức nước mắt
Làm sống lại cỏ khô.
Vì căm ghét Tây Tấn,
Mãi mãi về sau này
Không một lần, thà chết,
Ngoảnh nhìn về phía Tây.
Vua Tây Tấn xuống chiếu
Mời ông làm quan to.
Ông dứt khoát từ chối,
Ở nhà làm thầy đồ.
17
NGÔ MÃNH
Ngô Mãnh, đời nhà Tấn,
Rất hiếu với mẹ cha.
Lên tám tuổi, nghèo đói,
Không màn, muỗi đầy nhà.
Ông cởi trần nằm ngủ,
Muỗi cắn vẫn nằm yên.
Sợ xua, muỗi bay đến
Cắn bỗ mẹ nằm bên.
18
SƯU KIỀM LÂU
Ở nước Tề, Trung Quốc,
Có chàng Sưu Kiềm Lâu
Được bổ làm tri huyện
Một huyện nhỏ vùng sâu.
Xe ngựa vừa mới đến,
Nhậm chức được mười ngày.
Ông bỗng thấy lo lắng.
Mồ hôi ướt lòng tay.
Linh tính chắc có việc
Không lành với mẹ cha,
Ông treo mũ, từ chức
Vội vã quay về nhà.
Cha ông, quả đúng thế,
Đang ốm, nằm liệt giường.
Thầy thuốc nói: Người bệnh
Phân đắng là bình thường.
Phân ngọt là bệnh nặng.
Ông liền nếm thân cha.
Thấy ngọt, rất lo lắng,
Đêm đêm ra hồi nhà
Thắp hương khấn Bắc Đẩu,
Cầu xin được chết thay,
Vừa cấu khấn vừa khóc
Liên tục mấy đêm ngày.
Một hôm mệt, ngủ thiếp,
Ông thấy có vị quan
Trao chiếc thẻ có chữ
Là “Sắc Tứ Bình An”.
Tỉnh dậy, ông cúi đọc
Bốn chữ trên thẻ vàng.
Hôm sau bố ông khỏi
Mà không cần thuốc thang.
24
HOÀNG ĐÌNH KIÊN
Đời nhà Đường, Trung Quốc,
Có ông Hoàng Đình Kiên,
Làm đến chức Thái Sử,
Nhà lắm ruộng, nhiều tiền.
Đầy tớ lại càng lắm.
Nhưng tự ông hàng ngày
Đổ bô cho bố mẹ.
Quần áo tự ông thay.
Cũng tự ông nấu nướng,
Cơm nước cho hai người.
Tự ông rửa bát đĩa.
Không kêu ca một lời.
LỜI KẾT
Đức Phật đã từng dạy,
Ghi trong nhiều bộ kinh -
Với cha mẹ, con cái
Phải có hiếu, có tình.
Đạo làm người, chữ Hiếu
Là cao quí nhất đời.
Người mà không biết hiếu
Thì không phải là người.
Hãy dâng lòng hiếu thảo
Cúng Phật và chư tăng.
Trong các quà dâng cúng
Trong các quà dâng cúng
Quả không có gì bằng.
Chúng em xin được tri ân Thầy vì bài thơ ạ!
ReplyDelete