Truyện ngắn. Thái
Bá Tân
- Bà cho tôi đoạn dây thừng. Khoảng dăm
mét.
- Ở đây nhiều loại, ông cần loại nào?
- Loại bền bền ấy, càng trơn càng tốt.
- Để làm gì?
- Để treo cổ tự tử.
Bà bán hàng, một người phốp pháp trạc năm
mươi, ngừng nhai chiếc bánh rán đang ăn giở, lặng lẽ nhìn ông khách từ đầu đến
chân. Một ông già có vẻ tử tế chứ chẳng phải điên. Rồi bới bới trong đống hàng,
bà ta giơ lên cuộn dây ni-lông màu xanh to bằng chiếc đũa:
- Ông gầy thế, chắc loại này cũng được?
- Ừ, chắc thế, nhưng tôi vẫn muốn loại to
hơn một chút.
-
Thế thì tôi không có. Ông sang bên hàng bà Lợi ở cuối phố, cạnh cây bàng ấy. -
Bà kia thản nhiên đáp, và nhai nốt miếng bánh.
- Cảm ơn bà. - Ông già nhỏ nhẹ nói rồi đi về phía được chỉ.
Ông dừng lại mấy giây trước cửa hàng bà Lợi, rồi bất chợt bỏ đi.
“Cả đến cái chết của mình người ta cũng chẳng thèm quan tâm.
Thậm chí không mảy may ngạc nhiên hay tò mò khi có người hỏi mua dây thắt cổ.”
Ông già chua xót nghĩ. Chính điều này làm ông thay đổi ý định. Ông chậm chạp
chống gậy đi về phía khu phố của mình, nơi có ô đất trống ông ưa thích và được
mọi người gọi là “Vườn công cộng”.
Cái “Vườn” ấy chỉ rộng già nửa sân bóng
đá, lọt thỏm giữa mấy tòa nhà cao tầng mới mọc lên một cách khoa trương, kiêu
ngạo nhìn xuống xung quanh bằng những con mắt cửa sổ nhôm kính sáng lóe vì ánh
mặt trời. Chỉ một lối đi lát gạch đỏ, ba bồn hoa không người chăm sóc, mấy
chiếc ghế đá và ít cây xanh. Nó hoàn toàn tách biệt khỏi sự ồn ào của các phố
cạnh, là ốc đảo yên tĩnh, dễ thương, dù nằm sát khu phố cổ chật chội luôn sôi
động. Buổi sáng là chỗ tập thể dục của những người đứng tuổi, buổi chiều, tầm
tan học, là nơi đùa nghịch của lũ trẻ. Trừ ban đêm thuộc quyền chiếm hữu của
bọn nghiện ngập và các thành phần bất hảo khác, phần thời gian còn lại trong
ngày thường chỉ lác đác vài ông già nhàn rỗi hoặc cô đơn như ông.
Nó chẳng phải công viên hoặc vườn hoa với
đúng nghĩa của từ này. Đơn giản chỉ là một khoảng trống không hiểu sao còn tồn
tại đến tận bây giờ, tuy lúc nào cũng đầy kẻ lăm le muốn chiếm. Năm ngoái, nếu
người ta không kêu mạnh thì nó đã bị biến thành chỗ xây ngôi nhà mười lăm tầng
làm văn phòng cho thuê. Tuy thế, mối đe dọa vẫn lơ lửng còn đó và không ai dám
chắc sẽ giữ được bao lâu nữa.
Ông nhắm mắt, ngả người lên thành ghế đá,
hồi lâu suy nghĩ về chuyện vừa rồi. Ánh mặt trời cuối thu ấm áp làm ông nguôi
ngoai dần, người như mềm ra một cách dễ chịu, hơi buồn ngủ, và có lúc ông đã
thiếp đi thật. Trên đời này ông chẳng còn ai, chẳng còn gì ngoài chút nắng và
khu vườn bé nhỏ này.
Ngày nào ông cũng ra đây ngồi, từ khi
uống xong tách cà phê đen ở quán cô Vui, cho đến giờ tới quán cơm bụi bà Thành
Lác phố bên. Buổi chiều, nếu không ngủ được trong căn phòng ẩm lạnh, vắng vẻ
nhưng rất gọn sạch của mình, ông diện bộ com lê cũ lạc mốt, đội mũ phớt rồi
chống gậy đi lang thang các phố. Không chủ ý đi đâu hoặc gặp ai. Mà rồi ông
cũng chẳng muốn gặp ai, dù đang cô đơn ghê gớm. Buổi tối ông đến vũ trường
“Hoàng Hôn”, nơi vợ chồng ông trước đây khiêu vũ mỗi tuần đều đặn ba lần vào
thứ tư, thứ bảy và chủ nhật. Cái tên “Hoàng Hôn” chắc để chỉ câu lạc bộ dành
cho người già, giá rẻ. Tuy nhiên, vì giá rẻ mà ngày càng có nhiều thanh niên
tìm đến chen lấn, làm các cụ ngượng ngập vì các kiểu nhảy và cách cư xử của họ.
Từ khi vợ chết, ông vẫn giữ lệ đến đây
vào những ngày đã định, nhưng không khiêu vũ, chỉ ngồi yên nhìn người khác, tận
khi đóng cửa mới về. Vũ trường này chỉ mở đến mười một giờ. Người ta coi ông
như ông già lẩn thẩn, đến mức không bắt mua vé vào cửa. Một khách quen lịch sự
và vô hại không nỡ không cho vào. Nhưng chẳng ai chú ý tới ông.
Ông đã hơn bảy mươi. Ở lứa tuổi ấy người
ta cảm thấy cô đơn và lạc lõng cũng bình thường, nhất là khi bên cạnh không còn
ai thân thích. Nhưng với ông thì không đơn giản như vậy. Có thể nói cái cảm
giác cô đơn ấy đã đeo đuổi ông gần như cả cuộc đời. Cảm giác rằng mặc dù đã rất
cố, cố hết sức để yêu mến, phục vụ người khác mà không hiểu sao người ta như cố
tình giữ khoảng cách, thậm chí xa lánh ông. Trong ông có cái gì khác người
chăng? Không. Ông ăn ở không chân thành, đúng mực chăng? Không. Người ta còn
luôn khen ông tốt, có học và lịch sự. Vậy thì vì sao? Chịu. Nếu trên đời này có
số như người ta nói, thì có lẽ cái số ông nó vậy.
*
Xuất thân từ một gia đình gia giáo và
giàu có ở Hà Nội, năm bốn lăm, ở tuổi mười tám và đang học giở trường Canh
Nông, với niềm say mê lý tưởng bồng bột của tuổi trẻ, ông từ bỏ gia đình theo
cách mạng, sống chín năm ở chiến khu, khi quay về thì cả nhà chẳng còn ai ở lại
Việt Nam. Rồi vẫn bừng bừng nhiệt huyết cách mạng trong đầu, trước đó không lâu
ông được cử phụ trách chỉ đạo cải cách ruộng đất một huyện ở tỉnh H...
Chà, cái huyện chiêm trũng ấy của tỉnh H.
cùng những năm tháng kỳ cục ấy! Ở đó, ông đã ký lệnh bắt từng làng phải tìm
bằng đủ số lượng địa chủ ông cần có, hay chính xác hơn, cấp trên ông cần có.
Ông ký giấy khiển trách, kỷ luật cán bộ nơi nào không tìm đủ con số ấy, với lý
do “chưa đủ năng lực và bản lĩnh chính trị để phát hiện hết kẻ thù giai cấp”.
Ông cũng ký giấy xác nhận ai đích thực là “kẻ thù nguy hiểm”, tức là ký vào bản
án tử hình của họ, dù về hình thức thì điều này phải do tòa án cách mạng quyết
định. Số người loại này, tức là những người bị chết vì chữ ký của ông, hình như
không ít. Ông không nhớ mà cũng chẳng muốn nhớ.
Oái oăm thay, vợ ông sau này lại chính là
con gái của một trong những người ấy, những người bị ông giết oan.
Số là khi có chỉ thị sửa sai từ trung
ương về, ông mới bàng hoàng nhận thấy mức độ nghiêm trọng những việc ông làm.
Vốn nhạy cảm và chân thành, thậm chí hơi ủy mị (là điều ông từng nhiều lần bị
phê bình như biểu hiện của tầng lớp tiểu tư sản trí thức, cũng vì nó mà người
ta không hoàn toàn tin tưởng hay cố ý giữ khoảng cách), ông cảm thấy lương tâm
cắn rứt và cuối cùng quyết định ngỏ lời lấy cô Ngần con ông Tứ, một trung nông
bị ông nâng lên thành địa chủ, cũng vì lý do chỉ tiêu trên giao. Thành thực ông
không ngờ ông Tứ sẽ bị xử bắn. Chẳng qua tòa hăng quá mà đưa ra mức án ấy.
Ngần là cô gái không xinh nhưng có nhiều
nét dễ thương, kém hơn ông bảy tuổi. Trước hai người vẫn thường nhìn thấy nhau,
nhưng cô không thể có thái độ nào khác ngoài cảm giác sợ sệt, coi ông như một
cán bộ trung ương đầy quyền lực. Có lẽ cô không biết gì về chữ ký của ông đối
với số phận cha cô. Lúc ấy gia đình đang gặp khó khăn, lại được cán bộ cấp cao
người Hà Nội ngỏ ý, nên cô đã nhận lời, thầm cho mình gặp may.
Với tổ chức, cuộc hôn nhân này được coi
là sự tiến bộ vượt bực về giác ngộ cách mạng. Ông đã từ bỏ gia đình, tự nguyện
hiến nhà nước cả mấy ngôi nhà lớn bố mẹ để lại, bây giờ còn tự nguyện hòa mình
để lấy một cô gái nông thôn mù chữ, chân đất. Tổ chức tin ông hơn, dẫu chưa
hoàn toàn và đã kết nạp ông vào Đảng.
Thế là cô Ngần và bà mẹ già ốm yếu dọn về
thủ đô sống với ông. Những năm tiếp theo diễn ra yên ả. Ông làm việc ở bộ Y tế,
được giao phụ trách một phòng chuyên môn và ở mãi cái phòng chuyên môn ấy cho
đến lúc về hưu. Thêm một bằng chứng cho
thấy người ta chưa tin, chắc do ông chưa hết mình rũ bỏ chất tiểu tư sản trong
người, rằng bố mẹ, bà con ông có thể còn sống đâu đó ở nước ngoài. Tuy nhiên
ông không lấy thế làm buồn. Sau cú sốc vụ huyện H., trong ông chất cách mạng
dần dần nhường chỗ cho chất đời thường. Ông trở thành một con người của gia
đình, lặng lẽ, yếm thế và luôn mặc cảm.
Cái hòa nhập giai cấp trong cuộc sống
thường ngày hóa ra khó khăn và vất vả hơn lý thuyết. Là trí thức Hà Nội, lại kỹ
tính và gia giáo, thời gian đầu ông thấy thật khổ sở khi phải sống chung với
hai người đàn bà thuộc giai cấp mà ông có nghĩa vụ phải yêu mến và hết lòng
phục vụ. Họ là những người tốt, bộc trực và giản dị. Nhưng chính sự bộc trực và
giản dị ấy cùng các thói quen thoải mái ở nông thôn làm ông thấy bất tiện và
khó chịu, cho mình và cho bạn bè. “Âu cũng là cái giá phải trả vì lý tưởng!”
ông chặc lưỡi, im lặng chịu đựng. Được cái bà già chỉ mấy tháng sau đã qua đời,
vì bệnh lao và vì đau buồn. Còn cô Ngần còn trẻ, có thể nói thẳng và bày vẽ
dần. Cô rất thông minh nên chẳng mấy chốc đã học hết các phép xã giao phức tạp
của chốn thành thị, thậm chí còn biết và thích khiêu vũ, không ngại ngần cùng
chồng đi khiêu vũ tập thể ở Nhà Đấu Xảo vào các tối thứ bảy, hay trong những
dịp liên hoan cơ quan, cho đến khi chớm chiến tranh, không có lệnh mà hình thức
giải trí này tự nhiên mất hẳn. Những năm gần đây, nhờ mở cửa và dù đã có tuổi,
họ vẫn tìm đến các sàn nhảy.
Cô còn được ông đích thân dạy văn hóa,
sau ba năm đã thi lấy bằng trung học bổ túc và được nhận vào làm việc cùng bộ
với ông. Sau này cô học thêm dần rồi trở thành bác sĩ, một chuyên gia tim mạch
có tiếng. Họ sống với nhau không nồng thắm nhưng hòa thuận, có hai con, anh con
đầu là lính xe tăng hy sinh ở Khe Sanh năm 1970. Cô con gái đi học ở Đông Đức
rồi ở luôn bên ấy, lấy chồng, có con và đã năm năm nay không về thăm nhà, cả
khi mẹ mất. Rốt cục ông còn lại một mình. Vật chất không thiếu, vì lương hưu
ông cao, nhu cầu lại rất ít, nhưng ông ngày càng rơi sâu thêm vào sự cô đơn và
trống trải.
*
Lúc hấp hối, mãi đến lúc hấp hối, vợ ông,
một người ít lời và kín đáo, cố gượng
dậy, nhìn thẳng vào chồng hồi lâu rồi hỏi:
“Có phải ông đã ký giấy bắt bố tôi thành
địa chủ, do vậy bị xử bắn không?”
“Vâng”, ông đáp gần như không suy nghĩ.
Như thể ông chờ đợi câu hỏi này từ lâu. “Đó là lỗi của tôi, mà cũng không phải
lỗi của tôi”. Im lặng một chốc, ông nói thêm:
“Bà tha lỗi cho tôi chứ?”
Bà ngã người xuống giường, nằm bất động
nhìn lên trần nhà, mặc cho chồng cúi mặt đứng chờ bên cạnh. Cuối cùng, bà khẽ
lắc đầu rồi tắt thở.
Hóa ra suốt gần năm mươi năm sống với
nhau, hai người vẫn luôn bị dằn vặt và thường nghĩ đến điều này, nhưng không ai
đủ sức nói thành lời.
Ông cúi xuống, quì một chân cạnh vợ và
nâng bàn tay lạnh của bà áp lên mặt mình hồi lâu.
“Xin bà và ông cụ hãy tha thứ cho tôi!
Cái thời ấy nó thế. Có thể tôi không có lỗi, nhưng hãy tha thứ cho tôi. Bà sẽ
được thanh thản. Tôi cũng vậy.”
Rồi ông đứng dậy, chậm chạp đi đến trước
bàn thờ tổ tiên, và cũng chậm chạp như thế ông thắp hương vái lạy, lầm bầm hồi
lâu. Người ông vốn đã nhỏ nay co rúm lại, trông thật tội nghiệp.
“Con cũng xin cả bố mẹ, ông bà tha lỗi
cho người con bất hiếu này”.
Tiếp đến là những ngày vật vờ, vô nghĩa,
có thật mà như không có thật. Sáng ra “vườn” ngồi, chiều lang thang khắp phố,
tối đến “Hoàng Hôn” nhìn người khác khiêu vũ. Không nói, không suy nghĩ. Không đọc sách báo, không xem truyền hình
hoặc nghe đài như những người già khác. Chỉ cảm thấy buồn, lạnh và trống trải.
*
Ông ngồi bất động, chiếc mũ phớt và chiếc
gậy trúc để bên cạnh. Chính ông cũng chẳng biết mình đang ngủ hay thức. Trên
chiếc ghế xi măng sứt mẻ nhiều chỗ ở góc đối diện là một bà điên ăn mặc rách
rưới và bẩn như mụ phù thủy ngồi huơ tay
bắt những con ruồi vô hình trước mặt và cười một mình. Hai thằng bé trốn học
đang giành nhau quả bóng nhựa. Mỗi lần túm được bóng, bà điên giữ chặt, có lúc giấu
sâu trong váy và chỉ trả lại khi hai thằng kia chịu xì ra một tờ năm trăm đồng.
Khi chưa lấy được bóng, chúng van xin tử tế lắm, lấy được rồi, chúng trở mặt
chửi bới, chế diễu. Đối với ông thì chúng coi như không thấy, không biết. Cả
khi đá bóng trúng người ông, chúng cũng không thèm xin lỗi.
Trời ngả về chiều. Hai đứa bé và bà điên
kia đã bỏ đi. Chỉ còn lại ông, một mình giữa sự trống trải lạnh lẽo...
*
Một tuần sau, “Hoàng Hôn” được nâng cấp,
đổi tên thành vũ trường Eden (Vườn Địa
Đàng) chỉ dành cho lớp trẻ và giá vào cửa tăng gấp ba. Còn ở “Vườn Công cộng” thì xuất hiện chiếc xe
tải loại lớn chở đi mấy chiếc ghế đá và chiếc xe ủi san phẳng ba bồn hoa tàn
tạ. Nghĩa là số phận của nó đã được định đoạt dứt khoát. Bên cạnh người ta dựng
tấm biển lớn vẽ hình một tòa nhà hiện đại mà chắc chắn sau này báo chí sẽ tha hồ
ca ngợi như một sự thay da đổi thịt của thành phố. Thời buổi kinh tế thị
trường, tấc đất tấc vàng, chỉ ngớ ngẩn mới giữ cái “vườn” cổ lỗ này để chiều
mấy ông bà già cũng cổ lỗ và bọn trẻ mất dạy.
Chẳng còn nơi nào để tới, ban ngày cũng
như ban đêm, một sáng nọ ông già lại đi mua dây thừng.
- Để làm gì?
Không hiểu sao lần nào người ta cũng hỏi
để làm gì. Mà ông thì có thói quen không bao giờ nói dối.
- Để treo cổ tự tử?
Người bán hàng, lần này là bà Lợi, người
từng được giới thiệu có đủ các loại dây cần thiết cho mục đích treo cổ, ngước
lên nhìn khách:
- Cho ông?
- Vâng, cho tôi.
- Đây, cả đống đây. Bác thích loại nào
thì chọn lấy.
Ông mua một đoạn ông cho là thích hợp
nhất.
Bà Lợi lấy mẩu báo gói lại, nhét vào
chiếc túi nhựa mỏng, trao cho khách. Đúng kiểu mua bán văn minh lịch sự ngày
nay.
Lần nữa bà ta nhìn khách, nói nhỏ nhẹ:
- Tôi nghĩ có lẽ bác ra cầu Chương Dương
thì hơn. À, cầu Long Biên. Chương Dương cấm người đi bộ. Nước sông Hồng đang
lớn và không lạnh lắm đâu. Lại đỡ mất tiền mua dây.
Ông cúi đầu lịch sự:
- Cám ơn. Có lẽ bà nói phải.
Rồi ông chậm chạp bước đi, lưng hơi còng
về phía trước. Đang có gió thổi mạnh. Chiếc mũ phớt cũ bay xuống đất, để lộ mái
tóc thưa bạc trắng.
*
Mãi mấy ngày sau người ta mới phát hiện
thấy ông chết, do xác chết bắt đầu bốc mùi, khiến mấy hộ xung quanh nghi ngờ,
phá cửa vào phòng.
Ông chết ngồi, mặt gục lên bàn, tay còn
cầm chiếc lọ nhỏ màu trắng trống rỗng, cạnh chiếc túi nhựa chưa mở với cuộn dây
thừng trong đó. Trên bàn thờ là một đống tàn hương, với ba bức ảnh của bố mẹ và
vợ ông đang nhìn xuống bằng cái nhìn nghiêm khắc.
No comments:
Post a Comment