Truyện
ngắn. Thái Bá Tân
1
Đang giữa đông nhưng thời
tiết những ngày này ở San Francisco rất đẹp. Biển xanh, trời xanh, nắng hoe
vàng, ấm và dễ chịu như mùa thu ở Việt Nam. Ban ngày, cả lúc sáng sớm và hoàng
hôn, khi có ít sương mù và gió lạnh từ Thái Bình Dương thổi vào, chúng tôi có
thể mặc áo sơ mi mỏng đi dạo giữa phố.
Vào buổi tối ngày thứ hai sau
khi đến thành phố này, vừa đi thăm Vườn Bách Thảo và cầu Cổng Vàng về, đang chuẩn
bị tối lại đi chơi đâu đó, thì George Evans, người bạn Mỹ cùng đi với đoàn, vào
báo có một bà già muốn gặp tôi và hiện đang chờ ở tầng một khách sạn.
- Bà già nào, và vì sao muốn
gặp tôi?
- Đúng ra bà ấy chỉ cần gặp
bất kì ai trong số các anh, - George đáp, - nhưng vì chỉ mình anh biết tiếng
Anh nên tôi gọi. Còn bà ta là ai thì tôi không biết. Chắc có chuyện gì đấy muốn
nói với các anh, những người từ Việt Nam sang. Có thể bà ấy quen ai đó trong số
bạn bè tôi và biết tôi đang giúp các anh ở đây.
Tôi miễn cưỡng thay quần áo
rồi cùng George đi xuống.
Đó là một bà già da trắng nhỏ
bé, trạc sáu mươi tuổi, có khuôn mặt phúc hậu pha chút ưu tư quý phái. Cách ăn
mặc, cư xử và giọng nói khiến tôi nghĩ bà thuộc lớp người giàu có.
Bà chìa cho tôi bàn tay mềm
và ấm, rồi nhỏ nhẹ nói:
- Tên tôi là Susan. Susan
Smith. Ông có thể gọi tôi là bà Smith.
Bà Smith xin lỗi vì sự đường
đột của mình. Bà nói bà có việc nhờ chúng tôi giúp đỡ, rằng việc này có liên
quan đến Việt Nam và rất quan trọng đối với bà.
- Nhà tôi cách đây không xa,
- bà nói thêm. - Nếu được phép, tôi sẽ rất vui mừng mời hai ông đến chơi. Chúng
ta sẽ nói chuyện ở đó. Câu chuyện hơi dài...
Tôi đưa mắt nhìn George.
George suy nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Vâng, cảm ơn bà. Rất sẵn
lòng. Đây cũng là dịp tốt để anh bạn nhà văn Việt Nam của tôi biết thêm về cuộc
sống gia đình Mỹ.
Chúng tôi lên xe. Bà Smith
ngồi sau tay lái và nhanh nhẹn cho chiếc "Lincohn" to lớn và bóng lộn
vượt qua cầu Bay Bridge đi về phía Oakland.
George ghé tai tôi:
- Chúng ta đang tới khu nhà
giàu của San Francisco đấy.
Ba mươi phút sau chúng tôi đã
ngồi trong phòng khách một biệt thự nhỏ trên sườn đồi cây cối um tùm.
Một phụ nữ còn trẻ, theo cách
ăn mặc tôi đoán là người hầu, bê ra một khay đựng hai chai rượu và mấy chiếc
cốc pha lê. Cô khéo léo rót whisky cho chúng tôi và vang trắng cho bà chủ rồi
nhún chân, lễ độ chào đi ra, hệt như các cô hầu phòng ngày xưa ở châu Âu.
Trên bàn có chiếc bát lớn,
cũng bằng pha lê, đựng đầy hoa quả, và
hộp kẹo sôcôla. Tôi đưa mắt nhìn quanh - căn phòng được bố trí giản dị
nhưng sang trọng. Trên tường treo mấy bức chân dung sơn dầu vẽ theo lối cổ,
khung to và cầu kì. Trong góc phòng là chiếc lò sưởi cũng kiểu cổ đầy than hồng
và mấy thanh củi đang cháy, dù lúc này trời không lạnh lắm.
- Tôi sống ở đây một mình, -
bà Smith tự giới thiệu. - Chồng tôi chết đã lâu. Ngôi nhà này và tất cả những
gì tôi đang có đều do bà chị góa để lại, cộng với ít cổ phần trong một công ty
bất động sản, nay là nguồn thu nhập chính của tôi. Trước tôi cũng nghèo lắm.
Lát sau bà sang phòng bên,
lấy ra một chiếc hộp nhỏ đặt trước mặt chúng tôi. Trong hộp có đôi hoa tai bằng
vàng lá đánh mỏng, trông có vẻ to nhưng thực ra rất ít vàng. Hơn thế, chiếc kim
để xuyên qua lỗ tai không phải vàng mà bằng đồng, màu bạc thếch. Tóm lại, đây
là thứ trang sức rẻ tiền của dân nghèo và chẳng mấy giá trị. Tôi và George đưa
mắt nhìn chủ nhà.
Bà Smith sửa sửa lại thế ngồi
rồi nhìn thẳng vào chúng tôi, thong thả nói:
- Tôi mạn phép mời các ông
đến là vì cái này. Đây là đôi hoa tai của một phụ nữ Việt Nam, có thể ông đây
đã nhận ra điều đó. Tôi tình cờ thấy nó trong va-li con trai tôi khi nó trở về
Mỹ từ chiến trường Việt Nam vào những năm 1970. Tôi đã phải nhiều đêm mất ngủ
vì đôi hoa tai này. Ngay lúc ấy tôi lờ mờ hình dung việc con trai tôi có thể đã
giết một phụ nữ Việt Nam nào đó để lấy nó. Thật kinh khủng. Nhưng lẽ nào thẳng
Bob, đứa con trai duy nhất, rất ngoan, rất hiền của tôi lại đang tâm làm một
việc như thế? Tôi biết trong chiến tranh chuyện gì cũng có thể xảy ra, và rằng
chiến tranh, với tất cả sự man rợ và kinh khủng của nó, rất có thể làm người ta
thay đổi tính cách. Con trai tôi có thể bắn chết ai đó phía bên kia hoặc bị
phía bên kia bắn chết. Chiến tranh là vậy, tôi biết thế và sẵn sàng chấp nhận.
Nhưng giết một phụ nữ vô tội để cướp đồ trang sức thì là chuyện khác hẳn. Đó là
tội ác, một tội ác ghê tởm. Phải chăng kẻ gây nên tội ác ấy chính là con tôi,
và tôi, với tư cách là mẹ, từ nay sẽ phải sống suốt đời bên cạnh một tên giết
người hèn hạ? Nhiều lần tôi định hỏi nó nhưng không dám. Con tôi không nói dối
bao giờ, có thể nó sẽ nói ra chính điều tôi lo sợ nhất. Tôi vờ như không phát
hiện thấy gì, chỉ lặng lẽ theo dõi. Nói chung nó không thay đổi nhiều lắm, trừ
việc mất hẳn tính hồn nhiên vốn có, trở nên ít nói và hay cáu giận một cách vô
cớ. Tôi chỉ còn biết tự an ủi rằng đôi hoa này lọt vào tay con tôi là do nó
tình cờ nhặt được hoặc ai đấy cho nó, hoặc có thể nó tìm thấy trong túi một
người lính Việt Cộng đã chết, vân vân và vân vân...
Bà Smith ngừng kể, nhấp một
ngụm rượu, những ngón tay còn thon dài như con gái luôn mân mê chiếc cốc. Tôi
và George vẫn ngồi im chờ nghe tiếp.
- Thế rồi sáu tháng sau khi
về Mỹ, con trai tôi chết trong một tai nạn ô tô khi nó, không hiểu vì lí do gì,
đang đêm phóng xe xuống Los Angeles cách đây mấy trăm cây số. Nó rơi xuống vực,
gần Santa Barbara. Cảnh sát nói không loại trừ khả năng đây là một vụ tự tử.
Thế là nó chết, để lại tôi một mình trong căn nhà rộng lớn và trống trải này,
cùng sự dằn vặt ám ảnh không nguôi suốt mấy mươi năm qua...
Bà ngừng lời và uống cạn cốc
rượu.
- Chúng tôi có thể giúp được
gì cho bà? - cuối cùng tôi lên tiếng.
Bà Smith ngước nhìn tôi, vẻ
cầu xin trong ánh mắt.
- Ông hãy giúp tôi thoát khỏi
cái này, - bà chỉ đôi hoa tai đang nằm trên bàn. - Tôi biết ông từ Việt Nam
sang, lại là nhà văn, ông có thể làm được điều gì đó.
- Điều gì?
- Nếu được, tôi nhờ ông đem
những gì tôi vừa kể viết lên báo ở nước ông. Tôi muốn trả lại đôi hoa tai này
cho chủ nhân của nó, hoặc thân nhân
người ấy. Biết đâu đọc báo, sẽ chẳng có người nhận ra.
- Việc này rất khó, thưa bà.
- Vâng, rất khó, tôi biết,
nhưng là cách duy nhất tôi có thể nghĩ ra và cũng là hi vọng cuối cùng của tôi.
Vì Chúa, ông hãy làm ơn mang về Việt Nam và giúp tôi tìm trả lại cho người chủ
đích thực của nó. Con tôi chỉ ở Việt Nam một năm. Bộ Quốc phòng cho biết trong
quãng thời gian ấy nó đóng quân ở căn cứ Đồng Dù cách Sài Gòn chỉ ba bốn chục
cây số. Nó hầu như không đi đâu xa, trừ những cuộc hành quân tới các vùng lân
cận. Vậy là thời gian và phạm vi hoạt động không lớn lắm. Anh hãy viết rõ điều
đó, miêu tả kỹ đôi hoa tai này, may ra nếu còn sống và nhận ra nó, người ta sẽ
tìm đến... Cầu Chúa sao cho mọi việc hóa ra không như tôi nghĩ, và con trai tôi
không phải là tên giết người hèn hạ. Tôi đã già, không thể tự mình làm được
việc này nên chỉ còn biết trông chờ vào sự giúp đỡ của ông. Ngoài ra tôi còn có
ý định... tôi muốn... - Bà Smith ngập ngừng, nhìn tôi với vẻ dò xét. - Như ông
thấy, có lẽ tôi không còn sống bao lâu nữa. Tôi có ý định, nếu tìm được người
chủ đôi hoa tai này, tôi sẽ giúp đỡ người ấy dưới hình thức nào đó... Như di
chúc lại một phần tài sản của mình chẳng hạn. Ông thấy thế nào?
Tôi ngồi im, không biết trả
lời bà ra sao.
- Tôi hi vọng ông không hiểu
nhầm ý định của tôi. Tôi làm điều này cả vì người ấy lẫn vì tôi. Trong trường
hợp nào đi nữa, việc con tôi lấy đôi hoa tai kia cũng là điều không tốt. Bấy lâu
nay tôi giữ nó như giữ một bí mật đau đớn. Trao được nó cho các ông, lòng tôi
mới thanh thản ít nhiều. Lần nữa tôi xin ông hãy vì Chúa, vì bà già đáng thương
này mà đừng từ chối.
Trong khi nghe bà Smith nói,
tôi mân mê, quan sát kĩ đôi hoa tai. Vừa suy nghĩ miên man, tôi vừa hình dung
những tình huống khác nhau vì sao nó lọt
được vào đây, vào biệt thự sang trọng này tại thành phố San Francisco mà theo
George là đẹp nhất nước Mỹ...
2
Tôi nhận lời giúp đỡ bà Smith
theo cách bà gợi ý, nhưng cương quyết
không đem đôi hoa tai ấy về Việt Nam. Tôi xin bà địa chỉ, số điện thoại
và hứa có tin gì sẽ báo ngay cho bà biết. Lúc ấy bà gửi nó cho tôi cũng chưa
muộn.
Trở về Hà Nội, việc đầu tiên
tôi làm là viết một bài ngắn dưới dạng nhắn tin rồi gửi cho một số tờ báo có
nhiều người đọc ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài đó tôi nói về cuộc gặp gỡ
giữa tôi và bà Smith, về lai lịch đôi hoa tai, trừ một chi tiết nhỏ là cái mấu
của nó được làm bằng đồng đỏ chứ không phải bằng vàng. Điều này sẽ giúp tôi
phân biệt được chủ nhân đích thực và những người mạo nhận. Tôi cũng nói cả việc
bà Smith muốn dành một phần tài sản của mình cho người đã mất đôi hoa tai kia,
và yêu cầu chủ nhân hoặc người nhà chủ nhân của nó liên hệ trực tiếp với tôi
theo địa chỉ ghi trong bài báo. Tất nhiên tôi không quên yêu cầu cho biết chi
tiết đặc biệt của đôi hoia tai mà tôi đã cố tình giấu. Cùng với bài báo, tôi có
gửi thư riêng cho ông tổng biên tập nhờ giúp đỡ, nên chưa đầy một tuần sau, bài
báo đã được đăng. Và tôi bắt đầu chờ
đợi.
Tôi không ngờ sẽ nhận được
hồi âm nhanh và nhiều đến thế. Trong tháng đầu tiên, tôi nhận được bốn thư. Xin
trích đây một số đoạn như sau:
Bức thư thứ nhất.
"Kính
gửi nhà văn...
Em
chính là chủ nhân đôi hoa tai ấy. Không thể khác được. Việc đó xảy ra vào cuối
năm 1969, chính xác là ngày 25 tháng 11, buổi sáng, em còn nhớ rất rõ. Lúc ấy
em mới 15 tuổi, vừa được ba má mua cho đôi hoa tai để đeo. Sáng hôm ấy em theo
ngoại xuống Sài Gòn có việc, khi đi qua căn cứ Đông Dù thì bị một thằng Mỹ da
đen to như con trâu lôi vào bụi hãm hiếp, ngay trước mặt ngoại em. Sau đó hắn
móc túi lấy hết của em tiền bạc và cả đôi hoa tai ấy. Nay ngoại em không còn
nữa, nhưng nhiều người còn sống được em kể lại có thể làm chứng với ông điều
ấy. Còn về đặc điểm khác thường của đôi hoa tai thì em không nhớ lắm, nhưng
hình như một chiếc bị móp ở giữa..."
Bức thư thứ hai.
"Ông...
thân mến!
Tôi
viết cho ông thư này không phải vì muốn lấy lại đôi hoa tai đã mất và vì số
tiền bà già kia hứa sẽ cho. Tôi nghèo thật, nhưng tôi nhổ toẹt vào tiền bà ta!
Nếu muốn, ông có thể nói thẳng với bà ta như vậy. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng
định với ông một cách chắc chắn rằng đôi hoa tai ấy đúng là của con gái tôi.
Tôi năm nay đã 70 tuổi và chưa từng một lần nói dối trong đời. Ông có thể yên
tâm về điều đó.
Trong
một trận càn vào đầu năm 1970, một thằng lính Mỹ da trắng mặt non choẹt đã bắn
chết con gái tôi ngay trước mặt tôi vì nghi nó là du kích. Lúc ấy tôi bị hắn
bắn gãy chân nằm cạnh, nếu không, chắc hắn không thoát khỏi con dao quắm của
tôi. Tôi còn nhớ rất rõ việc hắn sau đó cúi xuống xác con tôi và bình thản tháo
đôi hoa tai của nó, chắc để làm kỷ niệm cho tội ác tày trời của hắn.
Ông
nói về Mỹ hắn chết vì tai nạn ô tô? Không phải đâu. Trời giết hắn đấy. Tôi đã
luôn cầu trời khấn phật trừng trị hắn hộ tôi, và trời phật đã giúp tôi. Tôi cảm
ơn ông cho biết tin này. Bây giờ người ta hay nói đến "hòa giải",
"khép lại quá khứ" và "tha thứ cho nhau"... nhưng tôi thì
không, cương quyết không. Đến chết tôi cũng không thể quên, càng không thể tha
thứ những gì bọn Mỹ đã làm với con gái tôi và bà con, xóm giềng của tôi ở đây.
Nếu ông cũng có con gái bị chúng giết chết, chắc ông sẽ hiểu tôi hơn.
Thưa
ông, vì không có ý định lấy lại đôi hoa tai kia nên tôi sẽ không nói ông biết
đặc điểm dễ nhận thấy của nó, cũng như không cho ông biết địa chỉ của tôi. Về
số tiền bà Smith hứa tặng thì nhờ ông hỏi hộ liệu bà ta và cả nước Mỹ giàu có
của bà ta có đủ giàu để bồi thường cho cái chết đau thương của con gái tôi và
hàng triệu người Việt Nam khác như nó không?
(Ký tên)
Một người suốt đời căm thù giặc Mỹ.
Bức thư thứ ba.
Thưa
nhà văn,
Tôi
rất xúc động khi đọc bài báo của ông. Nó làm tôi nhớ lại những kỷ niệm đau
thương cũ. Trước khi hy sinh mấy ngày vào đầu năm 1970, chồng chưa cưới của
tôi, một chiến sĩ giải phóng thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 105, sư đoàn 2 Mặt trận
Miền Tây, có viết thư cho biết anh đã mua tặng tôi một đôi hoa tai bằng vàng.
Là bộ đội không có tiền, tôi chắc anh ấy chỉ có thể mua được một món quà nhỏ
không giá trị lắm. Nhưng trong số quần áo và ít đồ đạc khác người ta gửi cho
tôi sau khi anh hy sinh, tôi không tìm thấy đôi hoa tai đó. Phải chăng chính
con trai bà Smith hoặc ai đó giết chết anh, và anh ta đã lấy đôi hoa tai ấy?
Tôi không cần số tiền tặng của bà Smith, nhưng nếu quả đúng đấy là đôi hoa tai
chồng chưa cưới của tôi hứa tặng, thì tôi rất muốn có nó như một kỉ niệm của
người đã khuất...
Bức thư thứ tư.
Thưa
ông,
Tôi
là chủ một hiệu kim hoàn ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ ông báo hộ với bà Smith
rằng con trai bà ấy hoàn toàn không phải là tên giết người cướp của hèn hạ như
bà ấy vẫn lo sợ. Tôi nhớ vào cuối năm 1969 một người lính Mỹ trẻ, da trắng, tóc
vàng vào cửa hàng tôi và đã chọn mua một đôi hoa tai rất bình thường như ông
miêu tả. Cửa hàng tôi lúc ấy có nhiều đồ trang sức nước ngoài đẹp, đắt tiền
nhưng không hiểu sao anh ta lại chọn mua đôi này. Chính vì vậy mà tôi mới nhớ
lâu đến thế. Trước đó mấy ngày, một cô gái mang nó đến năn nỉ tôi mua, không
hiểu của cô ta hay đồ ăn cắp, và thú thật với ông, tôi đã mua nó với giá chỉ
bằng một nửa giá thực.
Ông
nói bà Smith hứa thưởng cho ai làm rõ lai lịch đôi hoa tai đã khiến bà ta dằn
vặt bấy lâu nay? Vậy người đó chính là tôi, không thể sai được. Tôi nhờ ông lo
hộ việc này. Là người kinh doanh quen sòng phẳng, tôi xin hứa danh dự với ông
rằng khi mọi việc xong xuôi, tôi sẽ không quên ông, ít nhất xin gửi ông một nửa số tiền tôi nhận
được. Xin ông đừng băn khoăn. Ông hoàn toàn xứng đáng với số tiền ấy.
Nóng
lòng chờ tin ông!
3
Tháng tiếp theo, tôi còn nhận
được hàng chục thư nữa. Có cả những thư được gửi từ các tỉnh đồng bằng sông
Hồng và Miền Trung. Tôi thầm ngạc nhiên về sự đa dạng của các câu chuyện người
ta kể tôi nghe trong những bức thư của họ. Tạm gác sang một bên mức độ chân
thực, chúng thật sự làm tôi xúc động và suy nghĩ nhiều về những tình huống éo
le, những mất mát, đau thương của cuộc chiến tranh vừa qua. Tôi có cảm giác như
bằng bài báo của mình, tôi đã khơi dậy nỗi đau của nhiều người, và họ viết thư
cho tôi không phải vì đôi hoa tai hay vì tiền bạc của bà Smith, mà cốt để chia
sẻ với người khác nỗi đau luôn âm ỉ đâu đó rất sâu trong lòng họ suốt bao năm
nay. Tất nhiên tôi biết cũng có người liên hệ với tôi vì động cơ vụ lợi. Điều
này dễ nhận thấy qua cách họ phịa chuyện, qua những lời ám chỉ bóng gió hoặc đề
nghị chia chác thẳng thừng như ông chủ hiệu kim hoàn trên. Thậm chí có người
còn tìm đến tận nhà riêng gặp tôi vì mục đích này.
Trong khi đó, kể từ ngày được
tôi cho biết đã viết bài đăng báo, bà Smith đều đặn mỗi tuần một lần gọi điện
từ San Fransisco hỏi xem có kết quả gì chưa, nhưng tôi quyết định tạm thời chưa
nói gì với bà. Tôi nghĩ nên chờ thêm, cụ thể chờ gì thì chính tôi cũng không
rõ.
Thời gian trôi, hết ngày này
sang ngày khác. Những bức thư mới vẫn tiếp tục gửi đến. Khi viết những dòng
này, trên bàn làm việc của tôi đã xếp dày một tập những bức thư nhỏ to đủ cỡ.
Nội dung, nét chữ, giọng kể và tình cảm những người viết chúng cũng khác nhau,
nhưng tất cả đều có một điểm chung, là cái buồn, cái đau của vết thương cũ tái
phát. Càng nhận được nhiều thư, tôi thấy như càng bị ngập sâu hơn vào mớ bòng
bong các sự kiện không rõ hình thù xảy ra trong cái quá khứ tưởng rất xa mà
cũng rất gần ấy. Quan trọng hơn cả, tôi thấy khả năng tìm ra người chủ đích
thực của đôi hoa tai kia càng trở nên xa vời hơn.
Từ Mỹ, bà Smith vẫn đều đặn
gọi điện cho tôi. Bà nóng lòng muốn biết thực sự con trai bà đã làm những gì,
hay suy rộng ra, thực sự cả nước Mỹ của bà đã làm những gì khi dính líu vào
cuộc chiến tranh cách xa biên giới mình hàng chục nghìn cây số. Tôi biết sớm
muộn cũng phải trả lời bà. Nhưng tôi biết nói gì đây? Như ông già Nam Bộ có con
gái bị bắn chết nọ, tôi không quên và có lẽ không bao giờ quên được hình ảnh
máy bay Mỹ ném bom rải thảm, làm sập nhiều nhà, giết chết nhiều người ở làng
tôi, một làng nghề nông hiền lành nhỏ bé ở Nghệ An. Tuy vậy, tôi cũng đủ tỉnh
táo để hiểu rằng cả ông già kia cùng con gái ông, cả bà Smith và con trai bà,
cũng như dân làng tôi và nhiều người khác ở Việt Nam và Mỹ, đều là nạn nhân
chính sách sai lầm của chính phủ Mỹ. Vì vậy tôi không muốn bất kỳ ai phải chịu
đau khổ thêm vì sự sai lầm ấy...
Dẫu sao, tôi vẫn phải tìm
cách trả lời bà Smith. Cách nào? Đó là điều tôi đang cân nhắc.
4
Bà
Smith kính mến,
Tôi
thông cảm và trân trọng tình cảm của bà, và thực sự rất muốn giúp bà. Theo cách
bà gợi ý, tôi đã cho đăng báo câu chuyện bà kể để làm rõ lai lịch đôi hoa tai
kia, để nếu có thể, tìm lại người chủ của nó. Tôi có nhận được một số thư phản
hồi, nhưng rất tiếc chưa đủ tính xác thực để khẳng định với bà bất kỳ điều gì.
Hơn thế, thưa bà, trong thâm tâm tôi nghĩ khó có thể lúc nào đó điều này được
làm sáng tỏ. Chúng ta có quyền hi vọng và chờ đợi, tất nhiên, nhưng trong khi
hi vọng và chờ đợi cái điều rất ít khả năng xảy ra ấy, tôi nghĩ tạm thời chúng
ta đành chấp nhận sự thật như nó đang có với tất cả những điều không rõ ràng liên
quan đến nó.
Chiến
tranh kết thúc từ lâu, thưa bà, nhưng điều này chỉ có nghĩa là không còn tiếng
súng và không còn máu đổ. Các vết thương chiến tranh, đặc biệt các vết thương
trong lòng nhiều nạn nhân của nó ở cả hai phía, vẫn tiếp tục âm ỉ nhức nhối. Lịch
sử quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc chúng ta đã sang trang. Đó là điều rất
tốt. Việt Nam đang mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Mỹ đến làm ăn. Còn tôi thì có
vinh dự được bà mời tới thăm nhà riêng của bà. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, sự
thật về cuộc chiến tranh vẫn còn đó, và không ai có thể làm gì thay đổi được
nó. Nó sẽ còn tiếp tục ám ảnh chúng ta một thời gian dài, và có muốn, chúng ta
cũng không thể nào thoát khỏi sự ám ảnh đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng là điều
không nên nếu chúng ta để quá khứ cản bước mình hướng tới tương lai, một tương
lai đầy hứa hẹn.
Thưa
bà, câu chuyện của bà đã làm sống lại trong lòng nhiều người Việt Nam những kỷ
niệm đau buồn. Như có lẽ bà đã biết, người Việt Nam vốn có lòng vị tha. Lịch sử
xưa nay nhiều lần đã chứng minh điều đó. Chúng tôi biết phân biệt rõ bạn thù.
Do vậy, trong bất kì trường hợp nào, cho dù con trai bà có được đôi hoa tai kia
một cách ngẫu nhiên - tôi thực tình rất mong như vậy, - hoặc thực sự đã làm cái
điều bà lo sợ, tôi nghĩ những người chủ của nó có thể phần nào thông cảm với
anh ta, vì họ biết suy cho cùng, anh ta cũng chỉ là một nạn nhân như họ. Vì
những lẽ trên, tôi đề nghị bà tiếp tục giữ đôi hoa tai ấy và đừng tìm cách trốn
thoát điều không thể trốn thoát được. Còn về ý định cao quý của bà muốn giúp đỡ
vật chất cho ai đó ở Việt Nam thì đó là việc riêng của bà, tôi xin phép không có
ý kiến. Tuy nhiên nếu bà muốn, tôi có thể cung cấp cho bà địa chỉ một số trại
trẻ mồ côi hoặc nạn nhân chất độc màu da cam mà quân đội nước bà đã rải xuống
Việt Nam. Họ đang rất cần được giúp đỡ, cả từ phía chính phủ và nhân dân chúng
tôi, cũng như từ phía các bạn bè quốc tế.
Xin
gửi bà lời chào trân trọng".
San
Fransisco - Hà Nội, 2.1997
No comments:
Post a Comment