Wednesday, March 11, 2015

NHÂN DANH CÔNG LÝ


Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Một sáng nọ người ta phát hiện thấy có người chết ở bờ đê sông Hồng, cách nhà nghỉ Giấc Mơ Vàng không xa. Nạn nhân là một người đàn ông trạc bốn mươi, bốn lăm tuổi, mặc com-lê màu xám và đeo cà vạt. Ông ta bị bắn chính giữa trán, từ cự li gần. Không có dấu hiệu vật lộn trước khi chết. Rõ ràng đây không phải vụ giết người cướp của thông thường, vì chiếc xe Spacy mới của nạn nhân vẫn nằm cạnh. Chiếc ví đựng khá nhiều tiền, kể cả mấy tờ trăm đô-la, chiếc đồng hồ Thụy Sĩ chính hiệu cũng còn nguyên. Hung thủ đã khôn khéo xóa hết dấu vết và chỉ để lại mảnh giấy trên xác nạn nhân. Tờ giấy đánh máy vi tính in sẵn, chứng tỏ vụ mưu sát được chuẩn bị kỹ từ trước.
"Đây là một tên tham quan rất khôn ngoan, xảo quyệt, nhờ vậy suốt nhiều năm hắn tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Nhân danh công lý, hôm nay tôi bắt hắn đền tội. Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra kỹ vụ này để khui ra đồng bọn, một việc tạm thời tôi không có thời gian làm. Cứ hỏi tay thư kí và vợ tên tham quan này sẽ biết rõ mọi chuyện. Đừng uổng công tìm bắt tôi. Tự tôi sẽ ra đầu thú khi xong việc.
Bao Công"
Nhà chức trách nhanh chóng xác định nhân thân người bị hại. Ông ta là vụ trưởng vụ kế hoạch đầu tư của một bộ quan trọng. Song song với việc truy tìm tên tội phạm kì cục tự xưng là "Bao Công" ấy, người ta cho tiến hành điều tra những việc làm vốn bị dị nghị xưa nay của ông vụ trưởng và một số người liên quan. Cũng theo gợi ý của "Bao Công", tay thư kí và bà vợ nạn nhân đã bị chất vấn nhiều chuyện. Tất nhiên họ chối bỏ tất cả. Theo chỉ thị của đích thân bộ trưởng, một đoàn thanh tra được thành lập để làm rõ vụ việc.
Trong khi bên công an chưa tìm thấy bất kì dấu vết nào của kẻ giết người kỳ cục thì ở bộ, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Lần ngược thời gian và các sự kiện, người ta phát hiện thấy ông vụ trưởng xấu số kia, một cách rất tinh vi đúng như "Bao Công" nhận xét, suốt nhiều năm liền đã ăn chặn tiền ngân sách trung ương cấp cho địa phương. Tất nhiên ông ta thông đồng với nhiều người khác. Kết quả là một loạt cán bộ có chức quyền ở bộ này đã bị bắt vì tội tham nhũng, hàng chục tỉ đồng được thu hồi. Báo chí và dư luận được một phen sôi nổi bàn tán. Nhiều người công khai bày tỏ cảm tình với "Bao Công". Tuy nhiên, công an hình sự lại nghĩ khác, và vẫn ráo riết tìm bắt hắn.
Đang khi vụ án tưởng rơi vào bế tắc thì "Bao Công" lại xuất hiện. Lần này ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo giám định y khoa thì nạn nhân bị giết từ khoảng mười hai giờ đêm đến một giờ sáng, ngay trên giường ngủ của ông ta tại tầng trệt, trong khi vợ con ở tầng trên không hay biết gì. Điều này cho thấy hung thủ đã dùng súng giảm thanh loại hiện đại nhất. Cạnh xác nạn nhân là tờ giấy do chính ông ta viết. Những ngón tay cứng đờ còn giữ chặt chiếc bút chưa đậy nắp. Tờ giấy mở đầu bằng câu: "Tôi là... phó chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ tỉnh... cùng kế toán trưởng..." Tiếp đến là danh sách một số người khác trong Hội đã thông đồng khai giảm số tiền quyên góp của nhân dân cả nước ủng hộ đồng bào tỉnh nhà trong đợt lũ lụt lịch sử năm ngoái để chia nhau số tiền là... tỉ đồng. "Bao Công" cũng không quên để lại đôi lời. Vẫn tờ giấy chuẩn bị sẵn như trước.
"Theo tôi, thằng này đáng bị tùng xẻo, nhưng vì không quen làm việc dã man ấy, tôi chỉ bắn hắn hai phát. Một vào trán. Một vào bàn tay phải bẩn thỉu quen đếm tiền ăn cướp của hắn. Hẹn gặp lại!
Bao Công".
Lần này thì người ta chẳng mất công điều tra lâu. Cứ theo tên họ những kẻ do chính ông phó chủ tịch khai mà tìm đến. Biết quanh co mãi chẳng ích gì, tất cả bọn chúng thành thật khai hết, mong được chiếu cố giảm nhẹ khi xét xử. Chúng phải ra hầu tòa với các mức án thích đáng. Tiếc không có mặt "Bao Công" hôm ấy. Cũng có thể hắn có mặt nhưng không ai biết. Hóa ra vụ ăn chặn tiền bão lụt ở Nghệ An ngày nào gây xôn xao cả nước chẳng thấm vào đâu so với vụ này, cả về số lượng tiền và người dính líu.
"Bao Công" hẹn gặp lại! Một người như hắn chắc không thất hứa. Vậy sắp tới hắn sẽ giết ai đây và ở đâu? Đó là điều quan tâm không chỉ của nhà chức trách mà còn của rất nhiều người khác.
Hắn đã không bắt chờ lâu. Trưởng đồn cửa khẩu biên giới một tỉnh phía bắc bị bắn chết rất dã man ngay trong phòng làm việc của mình vào giờ nghỉ trưa. Bắn vào họng, không phải một mà ba phát liên tiếp. Khác hai lần trước, "thông điệp" "Bao Công" để lại lần này là cả một bản tuyên án dài, cũng được in sẵn, trong đó có đoạn viết:
"... Nhân danh công lý và những người có lương tâm muốn bảo vệ nòi giống khỏi bị ma túy hủy diệt, tôi tuyên án tử hình tên... về tội lạm dụng chức quyền tiếp tay cho bọn buôn lậu đưa một khối lượng lớn ma túy vào Việt Nam. Hơn thế, hắn còn là chủ một đường dây tinh vi, hoạt động buôn bán loại hàng chết người này suốt nhiều năm nay. Trước khi thi hành bản án, tôi đã bắt hắn nuốt 200 gam heroin nguyên chất. Lưu ý nhà chức trách khi điều tra vụ này hãy tìm đến các địa kèm theo đây..."
Dưới bản "tuyên án" ấy hắn vẫn kí tên "Bao Công", kèm theo chữ "hẹn gặp lại" như lần trước. Ngoài ra, hắn còn để thêm một tờ giấy nữa với nội dung như sau:
"Đây là ba bánh heroin cùng 500 triệu đồng và 3000 đô-la tôi vừa bắt hắn giao nộp. Sáng nay, lúc mười giờ mười lăm phút, hắn đã để chiếc xe mang biển số... do tài xế... điều khiển đi qua cửa khẩu với khoảng năm hoặc sáu bánh heroin. Xin lỗi vì tôi không có thời gian kịp xác dịnh chính xác".
Tờ giấy bổ sung này cũng được viết và in bằng máy vi tính, có lẽ ngay tại hiện trường vụ án mạng. Vậy là hắn, tên "Bao Công" ấy, không phải tay vừa. Hắn có súng giảm thanh, có vi tính xách tay, hiểu biết nhiều và đặc biệt là tay sát thủ siêu hạng, một khi hắn dễ dàng đột nhập vào phòng ông trưởng đồn, giết ông ta và cũng dễ dàng như vậy thoát ra ngoài mà chẳng hề bị phát hiện.
Thế là một đường dây ma túy lớn nữa được khui ra, với ba án tử hình (không kể tên trưởng đồn đã bị hành quyết trước khi tòa tuyên án chính thức), năm án chung thân và vô số án tù từ sáu tháng đến hai mươi năm. Các phương tiện truyền thông đại chúng đua nhau đưa tin về "vụ án lịch sử" này, tất nhiên không quên kèm theo nhiều chi tiết giật gân có thật và không có thật về "kẻ sát nhân yêu công lý" kia.
Có thể nói cả nước đang sôi sục lên với hội chứng "Bao Công". Không ai bảo ai, cứ đến giờ thời sự là mọi người ngồi chờ sẵn bên máy thu hình với sự háo hức còn lớn hơn thời bộ phim "Bao Công xử án" được nhiệt liệt chào đón cách đây mấy năm. Trong khi nóng lòng chờ cơ quan chức năng bắt được "Bao Công" để xem hắn là ai, người ta chỉ còn biết ngồi đàm tiếu, đoán già đoán non và thêu dệt không ít huyền thoại về hắn. Nói chung khen nhiều hơn chê. Trong con mắt mọi người hắn là tay kì cục đáng yêu, đại khái như một hảo hán giang hồ ngày xưa.
Một lực lượng an ninh khổng lồ được huy động để bắt hắn. Thế mà hắn vẫn biệt tăm, khiến không ít người cho rằng chính nhà chức trách muốn để hắn tiếp tục tự do làm cái việc "thực thi công lý" độc đáo ấy của mình. Thực ra thì người ta đang muốn bắt hắn càng sớm càng tốt, dù biết trước sau hắn cũng ra tự thú. Hắn đã hứa và chắc sẽ giữ lời hứa "khi xong việc". Nhưng biết bao giờ hắn mới làm xong cái việc tiêu diệt bọn tham nhũng lọt lưới pháp luật ấy? Người ta hình dung hắn đã lập một danh sách (chắc phải dài lắm) những kẻ hắn sẽ giết "nhân danh công lý". Xong một đứa, hắn sẽ xóa tên đứa ấy khỏi danh sách, cứ thế cho đến tên cuối cùng. Trong thời gian ấy hắn có thể bổ sung nhiều tên khác. Tóm lại, theo cách suy diễn này thì còn lâu mới đến lúc hắn ra đầu thú.
Nạn nhân tiếp theo của "Bao Công" là giám đốc, hay đúng hơn, cựu giám đốc một công ty xây dựng ở Quảng nam, chứ không phải Lạng Sơn như một số báo đưa tin nhầm. Hắn từng một thời được báo chí nhắc đến do vụ chiếc cầu công ty hắn thi công đưa vào sử dụng chưa được một năm đã có dấu hiệu nứt đổ, khiến nhà nước phải đầu tư thêm hàng tỉ đồng gia cố. Những người có trách nhiệm trong vụ này phải ra hầu tòa, riêng hắn chỉ bị “phê bình nội bộ” rồi chuyển công tác khác, lương tuy ít nhưng chức lại cao hơn. "Bao Công" đã bắn hắn chết, xác tựa vào chân chiếc cầu do chính hắn phụ trách xây dựng. Trên ngực vẫn có tờ giấy với kiểu chữ và màu mực quen thuộc, dấu vết duy nhất kẻ giết người để lại. Sở dĩ nói duy nhất vì giống những lần trước, người ta không phát hiện thấy bất kì một cái gì khác, kể cả vỏ đạn, vết giày dép, vân tay hoặc các mẩu thuốc lá.
"Nhân danh lẽ phải và công lý, tôi tuyên bố thay đổi phán quyết sai trái của tòa án trước đây từ cảnh cáo thành tử hình. Những bằng chứng không thể chối cãi chống lại hắn mà tôi thu thập được hiện nằm trong chiếc cặp cạnh xác hắn. Theo đó, tòa có thể mở phiên xử lại và truy tố thêm tên phó giám đốc... tên kế toán trưởng... và một số tên khác, về tội ăn bớt tiền nhà nước bằng cách mua vật tư kém chất lượng dẫn đến sự cố nứt rạn cầu. Số tiền chúng tham nhũng chia nhau và đút lót để trốn tránh trách nhiệm cũng được ghi rõ trong các tài liệu nói trên.
Tôi còn nhiều việc phải làm nên tạm thời chưa thể ra đầu thú, mặc dù thực sự mong muốn điều ấy xảy ra càng sớm càng tốt.
Bao Công"
Kèm theo là một danh sách dài những người đã nhận hối lộ, trong đó có mấy vị thanh tra xây dựng, cán bộ tòa án và chính quyền sở tại. Trong miệng ông cựu giám đốc xấu số có một cục xi măng vỡ từ ụ cầu kém chất lượng. Có lẽ nạn nhân đã bị hung thủ bắt nuốt nó trước khi bị bắn chết. Cũng chính giữa trán và ở cự li rất gần.
Cả lần này công lý cũng được khôi phục. Tiếng tăm "Bao Công" càng tăng, và người ta càng quan tâm đến hắn.
Sau đó hầu như tháng nào hắn cũng ra tay, đối tượng của hắn cũng rất khác nhau rải rác khắp cả nước. Có cả các quan chức cấp cao, thậm chí rất cao, liên quan đến những dự án lớn do quốc tế tài trợ. Hai vị trong ngành ngân hàng. Một vị ở ngành dệt trong vụ nhập thiết bị lạc hậu của nước ngoài. Tuy nhiên có khi nạn nhân của hắn chỉ là một mụ đàn bà hoặc một gã đàn ông ú ở nào đó suốt đời sống nhà cấp bốn, bỗng được đề bạt vào chỗ có chức quyền ở cấp địa phương thôi, thế mà nhanh chóng "đổi đời", xây nhà lầu, sắm xe hơi và ăn chơi hơn dân sành điệu cấp thành phố.
Có một điểm chung rất nhất quán từ trước tới nay: tất cả nạn nhân của hắn đều là bọn tham nhũng cỡ bự. Nhiều người gọi hắn "Bao Công chống tham nhũng" là vì thế. Có lẽ hắn không đủ sức và thời gian để mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác không kém phần nghiêm trọng, như hình sự và tệ nạn xã hội chẳng hạn. Không phải ai hắn cũng giết. Tùy mức độ tội phạm, có đứa chỉ bị hắn hăm dọa, bắt phải tự ra khai báo với chính quyền. Không biết hắn dọa kiểu gì mà nhiều đứa đã làm đúng như hắn yêu cầu, sau đó tuyệt nhiên không đứa nào dám để lộ bất kì chi tiết nào về hắn.
Hắn thoắt ẩn thoắt hiện, nay tỉnh này mai tỉnh khác cách xa hàng nghìn cây số, cứ như có phép tàng hình. Cũng chỉ bằng cách cho là ma, người ta mới giải thích nổi vì sao hắn biết được nhiều chuyện đến thế. Biết một cách tường tận và rất chính xác. Vậy mà "con ma" hay "kẻ có phép tàng hình" ấy dường như cũng tỏ ra mệt mỏi. Bằng chứng là một lần, trong tờ giấy để lại trên xác nạn nhân, hắn đề nghị nhà nước khôi phục án tử hình dành cho những kẻ tham nhũng lớn, vì nếu không, hắn không làm xuể và sẽ chẳng bao giờ có thể tự ra đầu thú như mong muốn.
Suốt một thời gian dài, cho đến tận bây giờ và có lẽ còn kéo dài không biết bao lâu nữa, hắn là trung tâm chú ý của tất cả mọi người. Công an lo bắt hắn. Người dân lương thiện thì vui mừng ra mặt vì tự dưng có kẻ trừng trị giúp họ bọn tham nhũng xưa nay họ biết đấy, thấy rành rành ra đấy mà chẳng làm gì được. Còn bản thân những tên tham nhũng, đặc biệt loại cỡ bự, thì không nói cũng biết đang lo sợ thế nào, lo sợ và nơm nớp chờ "Bao Công" sờ gáy mình. Người ta đã nói đến việc bây giờ vị nào đang béo tốt bỗng kém ăn mất ngủ và gầy sọm hẳn đi, thì đích thực vị ấy là một tên tham nhũng chưa bị phát hiện. Cứ theo những dấu hiệu ấy mà bắt, chí ít một trăm trường hợp cũng đúng chín mươi...
Tóm lại, đâu đâu người ta cũng bàn tán về "Bao Công" và những thành tích giết người của hắn. Câu "Có tin gì mới về Bao Công không?" được thay cho lời chào hàng ngày.
Kia, có mấy ông bạn đang dừng xe, bước vào quán bia Lan Chín cạnh Nhà Hát Lớn.
- Có tin gì mới về Bao Công không? - một ông nói khi họ ngồi vào bàn, chờ mang bia tới.
- Cái thằng cha Bao Công ấy kể cũng kì đấy nhỉ? - một người đáp. - Theo các cậu, hắn là người thế nào?
- Là Bao Công chứ còn gì nữa, - người thứ ba nói. - Bao Công đời trước bây giờ hiện về giúp ta xóa sổ bọn tham quan chó chết. Tiếc là bây giờ ông không thể thi hành án theo kiểu "cẩu đầu trảm" như xưa. Chó thì phải giết theo kiểu chó chứ!
- Hắn đơn giản chỉ là tên giết người hàng loạt, - một người khác nói. - Phải bắt giữ càng sớm càng tốt. Dù bất kì lí do gì, giết người kiểu ấy là không thể chấp nhận được. Trong xã hội văn minh, mọi việc cứ phải đàng hoàng và thông qua xét xử công khai của tòa án...
- Nhưng pháp luật và tòa án làm không xuể. Đấy là còn chưa nói đến tiêu cực.
- Tớ thì tớ nghĩ nước ta bây giờ nên có càng nhiều Bao Công như thế càng tốt. Ít ra đến nay ông ta chưa giết oan người nào. Thay cho việc lùng bắt, theo tớ chính quyền phải mời ông ta hợp tác, giao cho cái chức Chủ nhiệm Uỷ ban chống tham nhũng chẳng hạn, vừa hiệu quả lại vừa khỏi làm cái chuyện "nhân danh công lý" bất hợp pháp mà cậu vừa nói...
- Thế còn việc hắn đã giết chừng ấy người thì sao?
- Thì cứ theo công tội mà xử. Cùng lắm vào tù mấy năm rồi ra làm Chủ nhiệm cái Uỷ ban kia cũng chưa muộn.
- Nói như cậu!
Cứ thế, câu chuyện xung quanh nhân vật Bao Công bí ẩn kia kéo dài mãi tưởng không bao giờ dứt. Cuối cùng, một người trong bọn họ vốn từ nãy đến giờ chỉ im lặng ngồi nghe, bỗng lên tiếng với giọng nhỏ nhẹ và đầy triết lý:
- Theo tớ, cái anh Bao Công này là nhân dân. Hay chính xác hơn, ý nguyện của nhân dân. Vì là nhân dân nên Bao Công mới biết được nhiều và chính xác như thế. Tất nhiên nhân dân không giết người theo kiểu dã man ấy. Chẳng qua đó là cách biểu hiện thái độ công phẫn của mình, đồng thời là cách nhắc nhở các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa. Cũng vì là nhân dân, Bao Công sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh. Vậy thì bọn tham nhũng hãy liệu hồn! Lưới trời lồng lộng, chạy làm sao cho thoát.
Mấy người kia ngồi im. Có thể vì họ thấy anh này nói đúng. Cũng có thể lúc ấy họ đã uống quá nhiều nên mệt mỏi không còn hứng tranh luận.

Hà Nội, 5.4.2001

No comments:

Post a Comment