Tác giả:
Sinh năm 1809, mất 1854, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, người huyện Gia Lâm, Hà
Nội, đỗ cử nhân năm 1831, được giữ chức Hành Tẩu ở bộ lễ. Đời ông nhiều sóng
gió, từng bị bắt , tống ngục, tra tấn và
đày sang Inđônêxia, Cămpuchia. Năm 1853 ông tổ chức khởi nghĩa và bị
giết chết trong chiến trận (1854). Ông còn là nhà thơ lớn, tác giả hơn 1000 bài
thơ các loại.
Tắm ở khe Bàn Thạch
Sáng tắm khe Bàn Thạch.
Nhặt sỏi chơi suốt ngày.
Cả giang sơn nhặt mãi,
Chưa đầy một vốc tay.
Xuân sớm ở An Quán
Khách kể: Ngày xưa giàu, dân đông.
Tường trắng, gác son soi bóng sông.
Nay chỉ thấy chim bay, làm tổ,
Quanh quẩn Hồ gia 1) cứ lượn vòng.
1. Mượn ý hai câu trong bài Ô Y Hạng của Lưu
Vũ Tích,
ý nói về sự san sút kinh tế.
Ông Lê Bảo Xuyên 1) họa thơ
tôi, còn biếu
thêm quả na. Xin họa lại bài thơ ấy
Quen rồi thành bạn chốn thôn quê.
Gặp nhau, thành lệ, uống say nhè.
Cây trái Giang Nam ta cứ nếm.
Chỉ sợ cụ say, quên lối về.
1. Bạn tác giả, tự Tồn Châu, người Đà Nẵng.
Suốt đêm một mình lo buồn
Không gió, không trăng, không ánh đèn.
Lo buồn, đi lại giữa hàng hiên.
Trách dế lòng người không hiểu ý,
Vô tình ri rỉ tiếng thu rên.
Cúc đã hé nụ. Có người khoe
chim hồng tước,
viết bài thơ này hỏi mượn
Thu về, quán trọ vắng, buồn thay.
Bác khoe chim quí hót rất hay,
Còn biết ngâm thơ. Xin mượn tạm
Về vui với cúc nở bên này. 1)
1. Chim hồng tước, trong nguyên bản là mai hoa
điểu, chim hoa mai. Tác giả chơi chữ, mượn chim cũng như mượn hoa mai về chơi
với hoa cúc.
Tám bài tứ tuyệt vịnh Hồ Tây 1)
Bài hai
Lòng xuân phơi phới, không kìm được.
Tây Hồ vẻ đẹp sánh Tây Thi 2):
Mày ngài rạng rỡ - làn sóng lặng.
Dây lưng - bờ cỏ uốn xanh rì.
1. Hồ Tây ở Hà Nội.
2. Tên người đàn bà nước Việt, Trung Quốc, đep
nổi tiếng thời Xuân Thu.
Tám bài tứ tuyệt vịnh Hồ Tây
Bài bảy
Cầm câu, thong thả dạo quanh co.
Không câu, chỉ muốn vợi buồn lo.
Lũ cá không tin người vô hại,
Hễ thấy, đua nhau trốn đáy hồ.
Ông Đoàn Tính cho người đến
thăm,
vội viết thơ này đáp tặng
Một bọc trà xanh, thư mấy chữ
Nơi xa gửi đến chốn lưu đầy.
Xin báo tiên sinh: Tôi vẫn khỏe,
Vẫn nhàn, mặc sức ngắm trời mây.
Ở quán trọ, dậy sớm
Nhà tranh, gà mới gáy.
Trăng lên, trời đầy sương.
Nghe tiếng xe cót két,
Biết có khách trên đường.
Thăm lại nơi đọc sách
Khóm liễu bên tường nay đã lớn.
Thư phòng không sách, cảnh tàn hoang.
Nhớ những đêm mưa, trời nổi gió,
Sáng dậy đầy hiên ngập lá vàng.
Hoa rụng
Tiếng cuốc đêm mưa thật não lòng.
Cuốc kêu làm rụng những cánh hồng.
Xuân sắc, thương hoa không giữ được,
Mệnh bạc thôi đành thua gió đông.
Ngẫu hứng thành thơ
Đêm qua hoa mai nở.
Ngoài song trăng sáng ngời.
Sáng dậy - trời tĩnh lặng,
Biết là mưa đã rơi.
Sáng sớm ra đi từ phố Nghĩa Quảng
Tiếng gà eo óc gáy đầu thôn.
Sao Hôm gác núi, mảnh trăng tròn.
Gió rừng, lá rụng, lưng lừa lạnh.
Khách dậy, lên đường rời Thạch Môn.
Tức sự ở quán trọ
Buổi sáng, xung quanh giống mọi ngày.
Khói mờ, những tưởng đang trong mây .
Ngồi lâu, quên mất mình là khách.
Hương cau nhè nhẹ, gió heo may.
Lại thêm một bài thơ tặng bạn
Gặp chỉ một đêm, đừng quá vội.
Du khách đường xa, lâu mới về.
“Quay đầu về núi” 1), tôi cùng bác.
Nơi nào có núi, ấy là quê.
1).
Người Trung Quốc có câu: “Cáo chết ba năm còn quay đầu về núi”, ý nói tình yêu quê cũ.
Dậy sớm ở núi
Nhà tranh treo vách núi.
Lối nhỏ ngập lá cây.
Trời se, nước thu biếc.
Trang lặn, đã rạng ngày.
Tạm nghỉ chân trên núi
Ngồi pha trà trên núi.
Trà thanh, người cũng nhàn.
Gió mát hây hây thổi.
Trong rừng chim hót ran.
Trồng mai
Gieo hạt mai lên núi.
Giống thanh tao, tuyệt vời.
Gặp mưa xuân, tươi tốt,
Thành bức tranh cho đời.
Đề vách quán Thanh Phong
Nỗi buồn khẽ chạm vẫn gây đau.
Trăng thanh gió mát vẫn buồn rầu.
Đèn như hạt đỗ, chăn bông lạnh.
Tình buồn quả thật nặng và sâu.
Từ đình Ái Liên, họa thơ Hòa
Phủ
Bài một
Nghìn thước tâm tình giấu thật sâu.
Đứng tựa lan can, dưới mái lầu.
Mỉm cười lặng lẽ, không ai thấy.
Nhà cạnh tiếng đàn ngân rất lâu.
Từ đình Ái Liên, họa thơ Hòa
Phủ
Bài hai
Ai sang nhà hàng xóm
Nói với người chơi đàn:
Đêm qua gió đông thổi
Mang xuân cho thế gian.
Từ đình Ái Liên, họa thơ Hòa
Phủ
Bài ba
Cửa sài luôn mở rộng.
Chủ chơi xuân chưa về.
Phu vườn báo tin tốt.
Có khách thăm vườn tre.
Từ đình Ái Liên, họa thơ Hòa
Phủ
Bài bốn
Uốn khúc sông xuân, nước lững lờ.
Cảnh vật ân cần đón khách thơ.
Thế sự thế nào, đừng gạn hỏi.
Một chiếc thuyền con, đang đứng chờ.
Mười bài tuyệt cú mùa xuân
Bài tám
Vườn xưa cỏ vẫn mọc.
Xuân lại đến bên đầm.
Chợt buồn, nhìn sông Nhị,
Lòng lại hướng về Nam.
Xóm nhỏ chiều buông
Vi vu gió nhẹ thổi.
Nửa núi ngập nắng vàng.
Đôi chim đậu cành trúc.
Đàn trâu đi về làng.
Ráng chiều núi xa
Hoàng hôn buông nhẹ, nước mênh mang.
Nhấp nhô bốn phía lũy tre làng.
Nhàn nhạt trời tây, hồng một dải.
Núi xanh vệt sáng mỏng bắc ngang.
Vườn cau sau mưa
Đêm trước sương rơi như muối kết.
Sáng dậy mưa phùn tựa lưới giăng.
Mưa hết, mây tan, trời hửng nắng.
Nửa vườn ngập nước, giống hình trăng.
Gió nhẹ thổi qua ruộng lúa
Lưng tựa chiếc bừa, bên mép sông,
Ngắm nhìn ruộng lúa sắp đâm đòng.
Nghe nói có mưa khi gió lạnh.
Nhìn trời đoán tiết - thú nhà nông.
Chim hồng buổi sáng ở bến
sông Nhị
Bốn bề lúa tốt, một màu xanh.
Tính chuyện về Nam gửi thiếp lành.
Cuối năm, quê cũ người chưa đến.
Cầu nhỏ lối về mây vấn quanh.
Tiếng chày đêm ở Đào Xuyên
Tiếng chày giã gạo đầu thôn Bắc.
Nghe nói đông thêm mấy chục nhà.
Có kẻ đang buồn, nghe tiếng giã,
Chạnh lòng, tê tái nhớ quê xa.
Uống say, ngủ ở điếm sông
Uống rượu bên cầu với gió đông.
Chùa vắng, điếm canh cũng trống không.
Mặc kệ sương rơi, ta cứ ngủ.
Say rượu, chuông kêu chẳng bận lòng.
Cô gái đi trên cầu lúc chiều
tối
Lo rét không bằng lo đói ăn.
Gạo đắt, phải cầm cả áo, khăn.
Biết có người chờ bên bậu cửa,
Lầm lũi một mình rảo bước chân.
Tiễn bạn ra ải
Giữ bạn, cầm cương, không giữ nổi.
Lạnh lẽo mây chiều trên núi cao.
Đường tới biên cương nhiều lối rẽ.
Một ngựa, một thân, đi lối nào?
Tiễn bạn
Cửa khép, ngôi nhà tranh.
Chùa nhỏ trên núi xanh.
Nhiều chỗ chưa xem hết,
Nhưng mưa, đành tiễn anh.
Nghe tiếng sáo
Sáng sớm đầu sông rộn tiếng ca.
Xế chiếu sáo trúc thổi ngân nga.
Tiếng sáo tỉ tê bên gối mỏng,
Làm khách tha phương chạnh nhớ nhà.
Qua đò sông Gianh giữa trời
mưa
Sương biển phủ mờ bãi cát nông.
Xa xa lởm chởm núi hình cong.
Theo dọc hai bờ cơn gió thổi.
Buồm như chiếc lá, cứ xoay vòng.
Đại hàn
Người nghèo sợ rét sớm.
Người giàu không thích hè.
Mặc người yêu, người ghét,
Năm mới lặng lẽ về.
Nắng mới, sau hôm lập xuân
một ngày
Xuân về xua hết rét mùa đông.
Hoa nở sáng nay đủ tía hồng.
Việc đời giá được như cây cỏ,
Sau mưa trời lại sạch, xanh trong.
Chiều tà, uống rượu say, trở
về
Uống say, nghiêng ngả, tự về nhà.
Một dải sông mờ phía xa xa.
Xuống ao khẽ hỏi bông sen đỏ:
"Liệu có đỏ bằng mặt của ta?"
Xuân sớm ở An Quán
Chuông điểm canh ba, vẳng tiếng gà.
Pháo nổ râm ran, rộn mấy nhà.
Tựa cửa đứng nhìn - đường ít khách.
Ít cả ánh đèn nơi xóm xa.
Nghỉ lại ở chùa trên núi
Sư đang thiền, tĩnh tọa.
Bên song, trăng sáng ngời.
Chim hạc từ đâu đến.
Như mưa, hoa tùng rơi.
Ngẫu hứng khi đi chơi sông
Hương
Lâu đài cung điện trải ven sông.
Trại giam, dinh đốc đối tây đông.
Suốt bốn mươi năm suy lại thịnh,
Riêng hoa sen nở, vẫn tươi hồng.
Tát nước đồng cao
Hai người thoăn thoắt chiếc gàu dây.
Bụng đói, môi thâm, mới rạng ngày.
Đê dài nhiều chỗ không còn cỏ.
Ruộng rộng dăm nơi bén mạ gầy.
Nghe mưa suốt đêm, cảm tác
Mưa phùn dai dẳng suốt đêm đông.
Leo lắt ngọn đèn, lạnh, trống không.
Kẻ ở phòng khuê, người biên ải.
Nhớ nhau, ai chẳng tái tê lòng.
Chiếc cầu gãy của Đoan Công 1)
Nơi đây - cầu gãy, sông bồi lấp
Ngày xưa nghe nói chốn kinh thành.
Biết bao triều đại từng oanh liệt
Mãi mãi vùi chôn dưới cỏ xanh.
1). Có lẽ chỉ chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613),
từng được vua Lê phong tước Đoan quận công rồi Đoan quốc công.
46. Thơ vặt làm khi ở Hạ Châu
Gác lầu sát bến, nước mênh mang.
Hoa cỏ tốt tươi, thông mấy hàng.
Cửa quan không đóng, xe vào thẳng.
Hầu xe da trắng toàn da vàng.
Đêm rằm gió lớn
Suốt đêm gió lớn, thổi ào ào.
Ngoài cửa Thuận An, sóng biển gào.
Hùng khí Chu Du chưa tắt hẳn,
Đánh tan tàu lớn bọn Hồng Mao 1).
1. Chỉ người phương Tây.
Dọc đường Ninh Bình
Sông như dải lụa đẹp trên tay.
Núi như chén ngọc đãi khách say.
Trăng gió xem ra lâu mới hết.
Chỉ sợ nhà thơ không đến đây.
Chải tóc
Sách đọc năm xe mà sống uổng.
Tóc cứ thưa đi theo tuổi đời.
Thôi chẳng so đo đời với tóc:
Rốt cục cả hai luôn rối bời.
Diễu Phật gãy tay
Ai khen Phật rắn tựa kim cương?
Nhìn kia, tay gãy, nghĩ mà thương.
Lo mình chưa nổi, lo ai nữa?
Sư thó oản ngài, lũ bất lương!
Đêm lạnh
Trời lạnh không ngủ được,
Dậy chữa thơ, chiếc đèn
Hết dầu, gọi thằng nhỏ.
Thằng nhỏ ốm, nằm rên.
Đành lấy chiếc chiếu mỏng
Đắp cho nó ngủ yên.
Qua núi Dục Thúy
Đất trời có Dục Thúy.
Muôn thuở đẹp chùa này.
Phong cảnh vốn đã tuyệt,
Lại thêm ta đến đây.
Muốn leo lên đến đỉnh
Gửi lòng vào trời mây.
Muốn mà làm không được.
Thường vẫn thế đời này.
Lên núi Hoành Sơn
Non xanh, núi biếc tận chân trời.
Cỏ cây như muốn níu chân người.
Chiến tranh sót lại, đây, bờ lũy.
Ai tài, giữ được sóng ngoài khơi?
Núi Bắc mây tan, trời đã tạnh.
Xóm Nam buổi sáng, nắng vàng tươi.
Xuống rồi mới biết leo lên mệt.
Tiếc bị cuốn theo sóng cuộc đời.
Ngày mười sáu, neo thuyền ở
bến Lữ Thuận,
họa thơ Trần Ngộ Hiên
Mưa, cánh buồm thêm nặng.
Gió, thuyền đậu bến sông.
Đường còn xa muôn dặm.
Một ngày dài ba đông.
Đời biết ai xấu tốt?
Sóng lớn giữa cuồng phong.
Thẹn mình luôn lận đận,
Thả buồn xuôi theo dòng.
Trả lời Trần Ngộ Hiên
Gặp nhau, chỉ đứng lặng.
Bác đừng trách thằng này.
Bất tài mà bị ghét.
Ốm, còn chạy suốt ngày.
Biển xa, sông càng xiết.
Trời lạnh, trăng thêm gầy.
Nhiều khi buồn, tự hỏi:
Đời đểu, tính sao đây?
Trọ ở Lạc Sơn
Đường hẻm quanh co giữa núi ngàn.
Chân đi, đi mãi, nghĩ miên man.
Khe núi lơ thơ làn khói biếc.
Con suối lách qua bậc đá tràn.
Tiễn khách, chim bay, kêu thảng thốt.
Đón người, nở muộn những chùm lan.
Còn trẻ mà thân luôn lặn lội.
Đường đời phía trước thật gian nan
Chơi phố Hội An, gặp đào hát
người Vị Thành
Tiếc gặp nhau đã muộn,
Lại đất khách thế này.
Xa quê, nghe đàn hát
Dưới trăng vàng đêm nay.
Đèn sáng, lửa lòng tắt.
Lệ khô, rượu còn đầy.
Bạn bè giờ đã ít,
Tiếc gì bài hát hay.
Nhận được thư bạn cũ ở Hà
Thành báo
chuyện gia đình, hỏi về những
bài văn thơ mới viết
Được biết Chương Sơn, nơi cố hương,
Hai con, bố mẹ vẫn bình thường.
Sáu năm lạnh lẽo nương đất khách,
Một bức thư con ấm lạ thường.
Mọi chuyện cổ kím cần phải rõ,
Dẫu buồn bèo nổi nghiệp văn chương.
Biết trước công danh luôn tráo trở,
Mong về sống ẩn với người thương.
Một mình trong đêm, viết về
nỗi lòng
Đồng hồ nhỏ lệ, khóc trong đêm.
Rượu đang còn đó, uống say mèm.
Đèn mờ soi lạnh lòng du khách.
Ghế ngắn khách ngồi giở thơ xem.
Bệnh nhiều, Lão Đỗ 1) gầy thêm mãi.
Xương Lê 2) đọc lắm, buồn, buồn thêm.
Ngồi bên cửa sổ lòng xao xuyến.
Mờ ảo sông Ngân, dải lụa mềm.
1). Tức Đỗ Phủ.
2). Tên khác của Hàn Dũ, một tác giả đời
Đường.
Đêm ngồi một mình
Nhà thị thành, chật hẹp.
Người vừa ốm vừa già.
Suốt một đời vất vả.
Thua từ lúc sinh ra.
Hết lụt lại đến hạn.
Dân đói khổ, kêu ca.
Muốn giúp đời, không được,
Thẹn mình là nho gia.
Cuối xuân, thấy cảnh, nhớ
người
Xuân qua, màu đỏ gợi thêm sầu,
Khiến lòng tê tái lúc xa nhau.
Đường đời lỡ bước, thôi đành chịu.
Trăng gió còn đây, người ở đâu?
Đứt ruột khi nhìn thông trút lá.
Nóng lòng muốn liễu nở hoa mau.
Phòng văn ngồi mãi, đầu thêm nặng.
Tin tức xem chừng vắng đã lâu.
Nghe tin Lưu Nguyệt Trì ra
Bắc,
không đến tiễn được, xin gửi
hai bài thơ này
Bài một
Nhận chiếu vua, lên ngựa,
Bác một mình đi xa.
Chắc đang thầm vui sướng
Sắp gặp lại mẹ cha.
Tôi buồn vì vắng bác,
Buồn cả vì xa nhà.
Xin nói giùm bè bạn:
“Lý Bạch vờ điên mà”.
Nghe tin Lưu Nguyệt Trì ra
Bắc,
không đến tiễn được, xin gửi
hai bài thơ này
Bài hai
Trời cho tính ngay thẳng,
Mà đời lắm long đong.
Tiếc đôi chân quá ngắn,
May giữ được tấm lòng.
Giận đời luôn tráo trở.
Nhớ nhà, đêm ngóng trông.
Nhà tôi chắc khổ lắm.
Bác ghé thăm được không?
Nỗi cảm nhớ trên đường xa
Quán rượu, cờ xanh, dương liễu xanh.
Dừng xe hít thở khí trong lành.
Bay ngược chiều nhau, bầy én nhỏ.
Trong lồng líu ríu mấy con oanh.
Đi đường đã mệt, còn mưa bụi.
Xa quê, hoa nở, ngắm không đành.
Ngẫm nghĩ chuyện xưa thêm não ruột.
Xốp nhẹ như mây, mộng chẳng thành.
Vịnh núi Tản Viên 1)
Núi thiêng truyền tụng mãi xưa nay.
Tròn trịa bốn bề tựa tán cây.
Muôn bậc vươn cao, khinh nước lụt.
Sao trời như thế dưới tầm tay.
Có vị tiên già đang ẩn dật,
Xa lánh cõi trần, giữa khói mây.
Vua Đường khiếp đảm, Cao Biền nản 2).
Trấn giữ phương Nam ngọn núi này.
1. Nằm ở huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, vì hình
núi tròn nên gọi là Tản Viên. Theo truyền thuyết thần núi Tản Viên vẫn còn ngự
trên núi.
2. Vua Đường nghe đồn Tản Viên là nơi linh
thiêng, sợ để vậy sẽ sinh ra người tài giỏi hậu họa khôn lường, bèn sai Cao
Biền, là thầy địa ly nổi tiếng thời ấy sang làm An Nam \đô hộ sứ để yểm bùa.
Cao Biền yểm không nổi, bèn cho người về tâu rằng “Thần núi Tản Viên rất thiêng,
không làm gì được”.
Người ăn mày
Ngập ngừng, dù đói rét,
Không dám xin người đời.
Chỉ một xu là sống.
Áo quần rách tả tơi.
Quan quát: “Đang vụ thuế,
Mày còn bỏ đi chơi?”
Các cháu đừng trêu nhé:
Ăn mày cũng là người!
Gặp người ngoài Bắc vào, hỏi
chuyện gia đình
Lặng lẽ nhìn nhau, giọt lệ sa.
Hỏi thăm làng xóm, chuyện ngày qua.
Được biết hai thân đều khỏe mạnh,
Lũ con sung sướng vẫn còn cha.
Gọn gàng bản thảo trong bồ sách.
Cây mai đã lớn, vẫn sau nhà.
Ai nỡ gọi hồn người chửa chết?
Nhìn về phía bắc, dặm trường xa.
Ngày tết Đoan Ngọ
Miền Bắc xa nghìn dặm.
Vào Nam đã khá lâu.
Đường về quê trắc trở.
Thời gian - chuỗi buồn rầu.
Uống rượu say, nằm ngủ
Ngay dưới dàn hoa bầu.
Ngày tết, vui thả sức.
Đọc nhiều ích gì đâu!
Cảnh chiều ở thôn quê
Bờ tre râm mát, khói vòng vo.
Tiếng người giã gạo, tiếng hò dô.
Khách đến, sách hay chia cùng đọc.
Bình thơ mới viết với ông đồ.
Hòn Chén, rừng cây xiên ánh nắng.
Sông Hương triều xuồng, bãi bồi nhô.
Qua rèm gió thổi hiu hiu mát,
Một phần nhẹ bớt nỗi buồn lo.
Tình hận
Chút danh nho nhỏ trói chân tay.
Lại thêm ly biệt mối tình này.
Thói quen chưa bỏ, thôi đành thế.
Tình duyên đã bén, tính sao đây?
Hoa đẫm hơi sương như ngấn lệ.
Ngỡ tiếng bạn kêu, chim gọi bầy.
Tình hận bao điều lòng muốn nói,
Mà im, người khác khỏi buồn lây.
Từ biệt lang trung họ Phạm 1)
Hai người ly biệt bốn năm nay,
Giờ gặp, nghẹn ngào, khó nói thay.
Bao giờ mới hết đời trôi nổi?
Ngậm ngùi, bịn rịn lúc chia tay.
Đỗ Phủ nhớ quê, buồn ứa lệ.
Thẩm Ước 2) làm quan, bệnh, yếu gầy.
Sáng mai ngoái lại nhìn quê cũ,
Nam Bắc một trời mây nối mây.
1. Tức Phạm Sĩ Ái, tên tự là Đôn Nhân, người
xã Trung Lập, huyện Đường Hào, nay là Mỹ Hào, Hải Dương, đỗ Hoàng Giáp năm
1832, làm lang trung bộ Lại.
2. Người đời Nam Triều, làm quan qua ba triều
là Tống, Tề và Lương, sau xin về ở ẩn, viện ly do sức khỏe.
Núi vọng phu
Một mình trên núi đứng bồng con.
Mỏi mắt chờ chồng, nhạt phấn son.
Biền biệt người đi, tin tức vắng,
Trời bể mênh mông, cứ héo mòn.
Vách núi mây trùm như tóc xõa.
Sương rơi lệ máu giữa hoàng hôn.
Đổi thay trời đất, tình không đổi.
Trong động, tiếng chuông cứ đổ dồn.
Lại gửi Phương Đình 1)
Mười năm cầm bút thật phí công,
"Vui sau, lo trước" vấn vương lòng. 2)
Chuyện riêng vân vũ, tan rồi hợp.
Thế sự vơi đầy giống nước sông.
Khóm cúc vườn xưa chờ thu đến.
Bụi mai gác nhỏ một mình trông.
Cái thói đa tình mà khó bỏ.
Hai chữ phù danh lỗi với ông.
1. Tức Nguyễn Văn Siêu, bạn thân của tác giả.
2. Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ
chi lạc nhi lạc - một thuyết của đạo Nho.
Nhớ buổi chia tay ở chùa Châu
Long
Mới chia tay ba bạn,
Nay đã được sáu tuần.
Toàn những người lận đận,
Buồn đau lúc còn xuân.
Mưa rơi không ngủ được.
Vó ngựa phi xa dần.
Tựa lan can đứng lặng,
Buồn nghĩ về cố nhân.
Đi thuyền tới Hưng Yên
Thuyền nhẹ lướt trăm dặm.
Nhắm thẳng hướng Đằng Châu.
Sông lớn chia trời đất,
Một vùng xanh, mỡ màu.
Sương che Hoa Dương Quán.
Khói phủ Bán Nguyệt Lầu.
Đúng là đất phồn thịnh
Được nhắc đến từ lâu.
Ngồi trong thuyền, ngắm trăng
Một mình trên thuyền nhỏ.
Trăng tỏa sáng bốn bề.
Lung linh đầu ngọn sóng,
Sương đùng đục, se se.
Tựa chèo, ngắm mây rách.
Khua mái, gạt cỏ che.
Trường An 1) xa nghìn dặm,
Đêm hay mơ về quê.
1. Tức kinh đô. Ý tác giả nói mình đang ở Huế.
Ngồi lâu một mình
Mây bay ngang nhè nhẹ.
Nhàn nhạt trăng hoàng hôn.
Sương tan, muỗi im tiếng.
Chim hót nghe bồn chồn.
Cau thưa, bóng run rẩy.
Dơi lượn một vài con.
Hứng đến, thơ lại tắc.
Rồi hứng cũng không còn.
Đêm khua, hóng mát với hai
ông
Trần Ngộ Thiên và Lê Trực Thiên
Trời xanh sà xuống ghế.
Mép rèm dính đầy sao.
Ngọn sóng xô trăng vỡ.
Buồn no gió, dương cao.
Quí nhau, cùng hóng mát,
Trò chuyện thật vui sao,
Cả đùa, cả nghiêm túc,
Canh năm đến lúc nào.
Dời đến trọ trong chùa Diên
Phúc
Trọ nhiều, thành khéo chọn,
Nên dọn đến nơi này.
Đầy ao hoa sen nở.
Thông xanh mát suốt ngày.
Hứng, ngâm thơ bên tượng.
Nghe khánh đá cũng hay.
Không hề nhắc đến Phật.
Thiếu rượu, chỉ chau mày.
Được bổ vào viện hàn lâm,
sung chức
biên tập vận học, vui mừng mà làm bài thơ
này
.
Đi rồi, giờ quay lại.
Thật đúng là vận may.
Sách dạy: giàu nhờ lộc,
Làm quan lòng phải ngay.
Theo gương bậc tiền bối
Để báo vua ân này.
Nóng lòng muốn đến viện,
Đêm mong chóng rạng ngày.
Đề ở học quán Thận Tư 1).
Mười một bài,
theo vần thơ của Phương Đình 2)
Bài một
Sương tan, mặt trời mọc.
Nhè nhẹ thổi gió xuân
Vào chỗ thầy ngồi dạy,
Tăng hứng thú bội phần.
Đến đây quên lo nghĩ,
Khách có thể dừng chân.
Gặp chủ, không ai chán.
Ta cũng đến mấy lần
1). Nơi dạy hoc của Trần Văn Vi, tự Thận Tư, bạn tác giả.
2). Tên hiệu của Nguyễn Văn Siêu, một nhà thơ
người Thanh Trì, Hà Nội.
Đề ở học quán Thận Tư. Mười
một bài,
theo vần thơ của Phương Đình
Bài hai
Thời gian trôi nhanh thật.
Hàng dâu đổ bóng dài.
Hoa đúng thời đang đẹp,
Không thưởng ngoạn là sai.
Nhìn đâu chẳng thấy việc.
Để đấy, đời còn dài.
Thấy đẹp, cứ vui đã,
Bất luận nhà của ai.
Đề ở học quán Thận Tư. Mười
một bài,
theo vần thơ của Phương Đình
Bài sáu
Vui vì gặp bè bạn.
Trong bầu rượu còn đầy.
Chủ nhân tiếp nồng hậu.
Nhà cửa đẹp, nhiều cây.
Tiền tiêu xong lại có 1).
Còn rượu, uống kỳ say.
Cứ như đang trong mộng
Những cuộc vui thế này.
1). Lý Bạch từng viết: “Trời sinh ta có tài,
ắt có dụng. Nghìn vàng tiêu hết lại có”.
Đêm, ngồi một mình
Ban đêm lo gió lạnh,
Sợ nóng bức ban ngày.
Chăn gối luôn đơn chiếc.
Sách vứt bừa đó đây.
Sương mù che thôn xóm,
Gió buồn khóc trên cây.
Khó khăn nhiều, đã khổ,
Còn lắm bệnh mới gay.
Cùng Bùi Nhị Tôn Thất Minh
Trang
giong thuyền ra cửa biển Đà Nẵng.
Chiều tối dừng thuyền đợi trăng
Trống đài báo canh một,
Dừng thuyền bên bãi nông.
Gió mang hơi biển mặn,
Mưa đã tạnh trên sông.
Uống rượu, chờ trăng sáng,
Ngắm làn mây bập bồng.
Chợt ý xuân thoáng hiện,
Khách xốn xang trong lòng.
Đêm lạnh tức sự
Người mệt mỏi, gối lạnh.
Thật buốt gió mùa đông.
Bảo đầy tớ lấy chiếu,
Nhường khách tấm chăn bông.
Khó ngủ, nghĩ công việc,
Nỗi nhớ quê trong lòng.
Không muốn nghĩ không được.
Chưa quen “viết lên không”. 1)
1). Âu Hạo đời Tống làm quan bị cách chức, bực
mình, suốt ngày viết lên không bốn chữ “đốt đốt quái sự” (chà chà, việc lạ).
Ban trưa có mưa lành, họa
theo vần thơ ông Thận Tự
Gió thổi, trời bớt nóng.
Lại có mưa lây rây.
Cành trúc long lanh nước.
Hương hoa nhè nhẹ bay.
Mưa xuân, Tam Dương khí 1)
Thấm đất trời, cỏ cây.
Vậy, đang hứng, mời bác
Ta nâng chén rượu này.
1). Theo Kinh Dịch, tam Dương khí là khi tiết
tốt tháng Giêng.
Nhớ con
Trẻ nhà ai, hai đứa
Cười nói, đi ngang qua.
Bố mẹ nào không nhớ,
Không thương con ở nhà?
Nhớ chúng đói, đòi mẹ,
Học cách chào ông bà.
Thiếu trẻ, nhà vắng hẳn
Thấy con người, nhớ ta.
Xế chiều, biết được nơi ở trọ
của anh trai,
đêm viết thư này gửi anh
Viết thư này, đẫm lệ.
Anh em người một nơi.
Bao năm phải làm khách
Nơi góc biển, chân trời.
Ngồi bên đèn, khẽ hát
Bài hát buồn cuộc đời.
Thềm vắng, trăng lặng lẽ
Cứ quẩn quanh bên người.
Lên núi Khán Sơn, có điều nhớ
nhung
Mặt trời hé mọc phía đằng đông.
Tình cờ leo núi, bước thong dong.
Tam Đảo, Tản Viên xanh bát ngát.
Hồ Tây, sông Nhị nước mênh mông.
Lên cao, đất rộng, xa nghìn dặm,
Chín gác lầu son soi bóng hồng.
Bạn bè ngày trước giờ đâu nhỉ?
Ngắm cảnh, bâng khuâng thấy chạnh lòng.
Sống nhàn
Cửa đóng vì nhàn rỗi,
Bướng và lười nhiều khi.
Khách thương bởi hay ốm.
Vợ mừng thấy ngồi lì.
Tự trồng cúc, thích ngắm.
Chuốt thơ, đọc lâm ly.
Đã biết mình tài mọn,
Vất vả mà làm gì?
Chơi ở nhà một người quen cũ,
đêm nghe tiếng đàn tranh
Đàn tranh ai gẩy, khúc vui tươi,
Như Tiểu Tần 1) xưa, thật tuyệt vời.
Một tối thương xuân, lòng ấm ức.
Tám năm ly biệt, xót xa đời.
Hạt sen luôn đắng, mình sen biết.
Cây liễu vì ai hoa cứ rơi.
Muốn đem hết nước dòng Tô Lịch
Rửa sạch bùn nhơ của kiếp người.
1). Tiểu Tần, điệu hát cổ của người Trung
Quốc.
Từ Thanh Trì, xuôi thuyền về
phía Nam
Chia tay đầm Thanh Liệt,
Áo ướt nước Nhị Hà.
Mặt trời hồng đang lặn,
Bãi bồi xanh xa xa.
Thuyền trôi trên mặt nước,
Sông xạm giữa chiều tà.
Không từng trải sóng gió,
Sao luyện chí cao xa?
Đang ốm, có người mời uống
rượu,
viết bài thơ này ngay trên bàn tiệc
Dẫu hẹn mùa xuân uống với nhau,
Xuân đến, rượu, người chẳng thấy đâu.
Đất khách soi gương - gầy yếu quá.
Hoa nở lười nhìn bởi ốm đau.
Như nghề “mổ rồng”, nghề thơ phú.
Công danh sự nghiệp thật buồn rầu.
Thơ văn là gì mà coi trọng?
Hãy uống chừng nào mặt đỏ au.
Ngày 16, neo thuyền ở bến Lữ
Thuận,
họa thơ Trần Ngộ Thiên
Thấm mưa, buồm thêm nặng.
Thuyền thả neo giữa sông.
Đường còn xa nghìn dặm.
Một ngày bằng ba đông.
Đời biết ai xấu tốt.
Tóc bạc dần như bông.
Nỗi lòng mình những muốn
Để nước cuốn theo dòng.
Sáng sớm, vào ranh giới tỉnh
Quảng Trị
Cầu chia sông Lệ Thủy.
Suối tưới đất Minh Linh.
Sương sớm ôm chân núi,
Gió thổi qua lữ đình.
Giày dính hương hoa dại,
Áo đầy sương lung linh.
Tự dưng hứng, thích thú
Hát, mình nghe một mình.
Ngẫu nhiên đêm ngủ mơ đến
thăm ông tuần phủ, nghĩ thầm có lẽ các bạn ở kinh cũng có người đang nhớ mình,
bèn gửi bài thơ này cho ông tuần phủ, đồng thời cũng gửi cả ông Phạm Đôn Nhân
Ở đời, mọi việc chẳng chiều ta.
Được chăng hay chớ, cứ trôi qua.
Đã không muốn đọc thơ Hoàng Hiển 1).
Lẽ nào ngâm mãi Ngọa Long ca? 2)
Tây ải, suốt đêm nghe trống dục.
Bắc thành, trăng sáng, sáo ngân nga.
Thân này liệu có làm nên nghiệp?
Suốt cả mùa xuân ốm, ở nhà.
1). Tên một bài thơ trong Kinh Thi chê chính
sự đời Tuyên Vương nhà Chu, làm cho lòng dân ly tán, không cứu giúp nhau.
2). Tức khúc Lương Phủ ngâm mà Ngọa Long, Gia
Cát Lượng, thích ngâm khi ở ẩn ở Nam Dương.
Đám mây trôi
Đám mây kia tất tả
Định trôi về nơi nào?
Gió từ đâu thổi đến
Làm lá rừng xôn xao?
Phép “Ngũ Lôi” 1) đâu nhỉ?
Đời đang cần mưa rào.
Ta nhìn lên, chỉ muốn
Bám mây bay lên cao.
1). Tên phép cầu mưa của người Trung Quốc xưa.
Về đến nhà
Tóc bạc lúc nào đâu có biết,
Thật mừng về lại đất quê cha.
Đây rồi điếm nhỏ tên Cây Gạo.
Hồ Ngựa đằng kia, nước sáng lòa.
Bà mẹ đón con, mừng lẫn tủi.
Hàng xóm nghe tin đến chật nhà.
Phiêu bạt lang thang, thôi thế đủ.
Từ nay xin cạch chữ “đi xa”!
=
Ngắm cảnh buổi sáng từ trong
thuyền,
viết tặng các bạn cùng đi
Một màu xanh bát ngát.
Mây đứng như xếp hàng.
Ngọn núi nhô ra biển.
Sóng lớn, nước mênh mang.
Nhìn trời, lòng man mác.
Ngắm cảnh, nhớ xóm làng.
Chốc chốc quay phía bắc,
Thấy vệt khói nằm ngang.
Nhìn trời mưa
Trời mưa như trút nước.
Nước tràn ngập khắp nơi.
Tiếng sầm sập thật sợ.
Nước sông lẫn nước trời.
Mặt trời đỏ đâu nhỉ?
Lòng dân đen rối bời.
Sắp thu rồi mà khách
Chỉ biết ngâm vịnh chơi.
Buổi sáng qua sông Hương
Cánh đồng bát ngát, núi bao quanh
Sông như vệt kiếm giữa trời xanh.
Hò khoan thuyền cá dăm ba chiếc.
Mấy chú vịt con ngủ bãi doành.
Dằng dặc đường đời, đôi mắt mỏi.
Tình quê man mác, ngựa phi nhanh.
Nhà, xe, ô lọng ta không thiết.
Thích ngủ giường tre, hưởng gió lành.
Họa bài thơ lưu biệt Doãn
Trai
của Thúc Minh, theo đúng vần
Rượu đục, đèn mờ, gió lung lay.
Ván cờ chơi giở, mưa lây rây.
Quê người cảnh đẹp, đêm không thấy.
Chủ khách bên nhau, rượu rót đầy.
Hư ảo đường đời chờ phía trước.
Phù du cõi tục vẫn quanh đây.
Ngày trẻ giang hồ nhiều vụng dại.
Nhờ ông, làm được bài thơ này.
Qua trạm An Quýnh
Sau tạnh, núi xanh giữa ráng hồng.
Nắng chiều chiếu sáng cả rừng thông.
Đất nẻ mai rùa vì mưa ít.
Gió nhiều, mây rách phía đằng đông.
Đường trạm vào Nam nghe ngựa hý.
Nhạn kêu phía Bắc, lượn trên đồng.
Ướm hỏi: Nghe đâu cầu bị gãy.
Liệu bến Hoàng Mai 1) có tắc không?
1). Tên bến trên sông Hoàng Mai, huyện Quỳnh
Lưu, Nghệ An.
Qua chùa Thiên Quang 1),
cảm thương cung điện triều Lê cũ
Đường Chu 2), chùa nhỏ, ghé bất ngờ.
Đọc hết Thử Ly 3), buồn thẩn thờ.
Cung điện ngày xưa giờ bãi trống.
Giao Đàn hoang phế, cỏ lơ thơ.
Ngẫm chuyện trăm năm mà nẫu ruột.
Chuông chiều một tiếng gõ bâng quơ.
Còn may gặp được người quen cũ -
Chùa này sư cụ vốn nhà thơ.
1). Thời Trung Hưng, chùa này ở thôn Thụ Mã,
sau đổi thành Hòa Mã, hiện nay là phố Tuệ Tĩnh, Hà Nội.
2-3). Tác giả mượn chuyện nhà Chu để nói lòng
mình. Nhà Chu trước đóng đô ở Kỳ Sơn, Tây Chu, bị giặc tán phá, phải dời về Lạc
Ấp, Đông Chu. Một đại phu qua chỗ kinh đô cũ, thấy cung điện hoang tàn, cỏ dại
mọc đầy bènlàm bài thơ Thử Ly, được ghi trong Vương Phong Kinh Thi.
Gửi ông cử nhân người Trà Lũ
Quê xa nghìn dặm trông vời vợi,
Mười năm chuyện cũ vẫn đau lòng.
Phạm tội, vụng lo đành đợi chết,
Nổi danh thơ phú cũng bằng không.
Nếu may thoát được, thân già yếu,
Xin lại về quê với ruộng đồng.
Bè bạn đến thăm rồi sẽ thấy
Ông tiên lười, ngủ giữa mây hồng.
Cảm nghĩ một mình trong đêm
Nước lụt dâng đêm trước,
Rét về, sắp hết thu.
Năm tháng làm tóc bạc.
Khách thơ buồn, âm u.
Thanh kiếm dựng bên gối.
Áo rách, đèn tù mù.
Hận mình sức còn có
Mà phải bị giam tù.
Thơ viết sau khi bị kết tội
Người mà bị tống ngục,
Coi như chẳng là người.
Dẫu biết sống - tạm bợ,
Chết mới là nghỉ ngơi,
Mong phép công nhân ái,
Vua soi xét đền trời.
Mới lần đầu gặp nạn,
Đừng để nước mắt rơi.
Vịnh chim sáo
Chim sáo cho mình giỏi,
Vẫn chịu sống trong lồng.
Bắt chước người tập nói 1),
Bị cắt lưỡi, đau không?
Lưng trâu không được cưỡi,
Không mượn tổ chim hồng 2).
Gần người, đâu còn được
Như chim hạc ngoài đồng.
1). Để chim sáo nói hay, người ta thường cắt
đầu lưỡi chúng.
2). Chim sáo thích đậu trên lưng trâu ăn sâu
bọ, và mượn tổ các loài chim khác.
=
Vịnh chiếc gông
Tự hỏi vì sao đời bất công,
Sao mình phải chịu cảnh đeo gông?
Ăn ngủ, đứng đi cùng với nó.
Đau đớn, nhưng không thẹn với lòng.
Trăm năm lưu lạc như mây gió,
Suốt đời toàn thấy bẫy cùng chông.
Muốn chẻ nó ra làm bút viết
Bài “Ngẫm sự đời” như Thiệu Ung!
1. Thiệu Ung, tự Nghiêu Phu, một đại nho đời
Tống, có làm bài “Thiên sự ngâm”, đại nói: Người ta làm việc thiện là vì việc
thiện cần làm.
Ngày 17 tháng Mười, bị bộ Lễ
tra tấn,
về nhà gượng đau viết luôn bốn bài
Bài một
Lai bị gọi lên bộ.
Thân này có khổ không!
Bị đánh, máu tung tóe.
Muốn chết quách cho xong.
Đường cát, nhìn phủ quạ 1).
Lầu Hán Khanh chạm rồng 2).
Nỗi niềm bao nhiêu chuyện
Mà phải nén trong lòng.
1). Tiếng lóng nhà tù, chỉ Viện Đô sát, tương
đương Viện kiểm sát ngày nay
2). Chỉ Quan Hán Khanh, người Đại Đô đời
Nguyên, cuối đời nhà Kim đỗ Giải Nguyên, nổi tiếng thơ hay và giàu có.
Ngày 17 tháng Mười, bị bộ Lễ
tra tấn,
về nhà gượng đau viết luôn bốn bài
Bài hai
Một mình giữa sấm chớp.
Bạn bè không dám gần.
Bị khiêng về, ngất xỉu.
Tỉnh lại, cứng tay chân.
Nửa đời sống vô vị.
Thân xác đang chết dần.
May được chú hầu cũ
Lựa lời nói ân cần.
Tức sự trong tù
Trên võng nằm im suốt cả ngày.
Trong lồng chim nhốt, chẳng còn bay.
Trăm sự năm canh đèn với bóng.
Thu về ẩm ướt, gió cùng mây.
Chỉ mong về lại nơi công sở.
Nhìn chiếc gông tre, lệ ứa đầy.
Nhà bên có bác hay thơ phú,
Thường sang hỏi chữ bác tù này.
Cảnh chiều ở thôn quê
Râm mát bờ tre, vệt khói nhòa,
Chèo đò, ai hát, vẳng xa xa.
Khách quí đến chơi, chia sách đọc.
Bài thơ mới viết cùng ngâm nga.
Sông Hương triều rút, trơ doi cát
Hòn Chén, cây xanh dưới nắng tà.
Gió nồm thổi nhẹ, bay rèm cửa,
Phần nào làm nhẹ bớt lòng ta.
Đêm trung thu, ngăm trăng
Chơi trăng ngày trẻ khắp Long Thành.
Thời gian thấm thoắt vụt trôi nhanh.
Đêm nay trăng đẹp, ai không ngắm,
Không thả hồn bay theo gió lành?
Chập chờn tiếng sáo như trong mộng,
Như xóa buồn lo việc chẳng thành.
Ngước lên thấy thẹn cùng trăng sáng.
Nỗi lòng khôn nói với trời xanh.
Buổi chiều đi chơi Sài Sơn,
mưa tạnh,
lên đỉnh đề thơ vào vách
Dân làng thích kể chuyện Phan công. 1)
Tuổi già về sống với non sông.
Chiều xế mang theo đời biến đổi.
Bổng lộc, công danh chẳng bận lòng.
Sáu lẽ 2) sự đời nhìn thấy rõ.
Ba lần 3) thôi việc, phận long đong.
Ta nay đã mệt, sinh lười biếng,
Nơi đây muốn đến dựng thư phòng.
1). Tức Phan Huy Thực, con Phan Huy Ích, ba
lần giữ chức thượng thư bộ Lễ đầu triều Nguyễn.
2). Thuật ngữ nhà Phật, ý nói tất cả mọi sự
trên đời đều tựa như mộng ảo, bèo bọt.
3). Trong đời làm quan, Phan Huy Thực ba lần
thôi việc, một lần bị bãi chức và hai lần về hưu.
Vô đề
Trăng trên thành Thăng Long
Đêm nay có sáng không?
Nhíu mày lo đời đục,
Mỏi mắt chờ sông trong 1).
Thích tĩnh nơi huyên náo.
Sau mưa đợi nắng hồng.
Khúc hát cao khó họa 2).
Bên hiên, xốn xang lòng.
1. Bài Luận về vận mênh của Ly Khang viết:
“Hoàng Hà thanh nhi, thánh nhân sinh”, tức Khi nào sông nước Hoàng Hà trong thì
thánh nhân ra đời.
2. Tống Ngọc đời Chiến Quốc nói: “Khi hát đến
khúc Dương xuân Bạch Tuyết thì cả nước chỉ có vài mươi người họa được. Khúc hát
càng cao thì người họa càng ít”. Ý nói người có tài thì đời khó biết.
VŨ TÔNG PHAN
Tác giả:
Còn có tên khác là Như Phan, Vũ Phan, sinh năm 1800, mất 1851, tự Hoán Phủ,
hiệu Hồng Châu, Đường Xuyên và Lỗ Am, người xã Đường, huyện Đường An xưa, nay
là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ
tiến sĩ năm 1826, đời vua Minh Mạng, làm quan bảy năm rồi xin về ở ẩn, dạy học
ở thôn Tự Tháp, phía tây hồ Hoàn Kiếm hiện nay. Ông còn là nhà hoạt động văn
hóa Hà Nội, cùng một số người khác lập các hội Văn Hội Thọ Xương và Hội Hướng
Thiện, nhằm chấn hưng văn hóa Hà Nội, trong đó có việc xây dựng Văn chỉ Thọ
Xương và lập đền Ngọc ơn. Tác phẩm có 87 bài thơ cả các tập Tô Khê tùy bút tập,
Lỗ Am thi tập, và Hoạn lữ nhàn vịnh.
Tỉnh mộng
Sáng chờ tin mỏi mắt.
Chiều mong nhớ mẹ cha.
Đêm gió mưa mù mịt,
Không mơ thấy quê nhà.
Dạo dưới trăng trước sân
Đợi trăng lên, thong thả
Hương trầm đốt mấy cây.
Trăng mọc, thơ thẩn dạo
Quanh khóm trúc phía tây.
Tự nhận xét về mình
Không thấp, cũng chẳng cao.
Không sang, không khiếm nhã.
Học không nhiều, đủ dùng.
Không khôn, nên vất vả.
Nhàn rỗi, ngồi tính chuyện nợ
nần
Cái số sinh ra luôn phải nợ.
Nợ tiền, chức tước, nợ văn thơ.
Có lẽ nợ tiền còn trả được.
Làm quan, nợ ấy đến bao giờ?
Hai chợ hai đầu cầu
Nấp bóng cây cao, chợ họp đông.
Chiếc cầu in ngược dưới dòng sông.
Ban mai uống rượu, nghe người hát,
Khách thơ thi hứng dậy trong lòng.
Sau mưa, nhàn hạ ngắm cảnh xa
xa
Mây tan, trời sáng, hết mù sương,
Xanh xanh rặng liễu đứng bên đường.
Nước biếc, hồ xuân vương vệt nắng.
Nửa hồ gợn sóng, nửa như gương.
Vịnh thuyền chài
Nhà là sông nước, mây là chiếu.
Lênh đênh đây đó, kế sinh nhai.
Ninh Giang bến cũ, ngày đang tắt.
Dìu dặt âm vang tiếng sáo chài.
Chèo thuyền từ chùa Quảng Bá
đến chùa Tây Hồ
Hoa thơm, chim hót, áng mây bay.
Mái chèo khua nhẹ, gió hây hây.
Thuyền lướt, men theo bờ rợp lá.
Chưa vội vào thu chỉ chốn này.
Đêm thức giấc phía đông
thành, ngẫu hứng
Trường Tín 1) cung xưa thành cửa Phật.
Thủy Quân 2) xơ xác đám lau gầy.
Nghìn năm văn vật còn đâu nữa.
Le te gà gáy, gió mưa bay.
1. Tên một ngôi chùa, nay còn dấu vết ở đầu
phố Hàng Chuối.
2. Hồ Thủy Quân thời Trần. Hồ Hoàn Kiếm ngày
nay là một phần sót lại của hồ này.
Nói với trò Tuyên
Buồn bực trong lòng, uống giải khuây.
Thơ giảng xong rồi, uống được đây.
Dẫu muốn nhưng thầy xin được miễn:
Anh uống nhiều rồi, khéo lại say!
Ý nghĩ bất chợt
Nghe khen không mừng vội.
Đừng ghét kẻ chê mình.
Yêu ghét không quan trọng.
Chỉ sợ bị người khinh.
Vịnh cây trúc trước sân
Được chuyển về đây từ núi cao.
Trúc xanh xanh biếc một bờ rào.
Hoa thơm, cỏ lạ đừng khinh nó:
Coi thường giá rét, trúc thanh tao.
Nghe chim hót trước sân
Không sợ tên đạn bắn,
Hót như hiểu lòng người.
Gió thổi, lá lay động.
Xao xuyến tiếng chim trời.
Lại đến Vân Đình ở Sơn Minh
Đình cổ um tùm dưới bóng cây.
Bốn chục năm rồi mới đến đây.
Nhớ ta có lẽ vài ba bạn.
Còn nhớ ta không, đình cổ này?
Qua thành cũ của tướng nhà
Minh
Trơ trọi thành xưa, cây cỏ mọc.
Tướng Minh nghe nói đã cho làm.
Giang sơn đâu phải trò đen đỏ.
Ý Tàu không ép được người Nam!
Đêm thức giấc ở phía Đông Thành,
ngẫu hứng
Cung xưa Trường Tín thành chùa Phật.
Hồ rộng thủy quân sậy lút bờ.
Khắp thành mưa nhỏ, gà đang gáy.
Nghìn năm văn vật chỉ trong mơ.
Thăm chùa Nhật Chiêu ở trại
Yên Lãng, hỏi chuyện xưa
Họ Lý quy thiền, tìm sự thật,
Cơ đồ tạo dựng đến hôm nay.
Minh Không, Giác Hải giờ đâu nhỉ?
Ai người kiếp trước, kiếp sau đây?
Qua gò Đống Đa
Ai xui để bị đánh tan tành.
Không ngờ “nghịch tặc” lại thành danh.
Mảnh đất Thăng Long luôn vẫn vậy,
Luôn làm khiếp sợ sứ nhà Thanh.
Chơi Hồ Tây
Xưa nay vốn đã thế.
Vẫn thế núi và sông.
Thành trì soi xuống nước.
Trời nước cứ mênh mông.
Chuông điểm, đêm trăng lạnh.
Cây rũ, sáng đầu đông.
Cảnh đẹp thì cứ ngắm,
Xua phiền muộn khỏi lòng.
Không ngủ được
Mọi người đều đã ngủ.
Bên đèn thức mình ta.
Gió lạnh xuyên chăn mỏng.
Cái rét cắn vào da.
Mưa rơi, hắt lên liếp.
Sóng biển vỗ xa xa.
Đất khách, đêm khó ngủ.
Bao giờ mới về nhà?
Hồ Tây
Bút nào tả hết cảnh Hồ Tây,
Đặc biệt ngày thu đẹp thế này?
Bãi Trâu trăng sáng, lô xô sóng.
Đồi Phượng bồng bềnh những áng mây.
Chuông chùa Trấn Vũ như hơi thoảng.
Thuyền cá làng chài tựa lá cây.
Từ đỉnh núi Nùng nhìn bốn phía -
Đấm sen chim trắng lượn lờ bay.
Nhận thư nhà
Đêm nằm khắc khoải nhớ quê xa.
Sáng, đang đi dạo, nhận thư nhà.
Rõ ràng nét chữ em trai viết,
Lời lẽ trong thư giống mẹ già.
Thôn xóm, thật may, không bị cháy.
Tiền thiếu, cuộc đời lắm xót xa.
Vui, biết trẻ ngoan khi có khách.
Bỗng thấy thương quê, lệ ứa nhòa.
Lên lầu chuông chùa Trấn Vũ
Chùa chìm trong làng, làng trong thành.
Lầu gác, chùa chiền bên trúc xanh.
Sự đời hưng phế không cần biết.
Chạnh lòng, đứng ngắm cảnh xung quanh.
Trên núi, cây khô rồi mọc lại.
Khói vương dưới nước thật yên lành.
Cảnh sắc tuyệt vời, nhìn những muốn
Suốt đời đọc sách giữa lều tranh.
Ngắm trăng trên sông Nhị Hà
Khói bếp mờ mờ dọc mép sông,
Thuyền nối kề nhau, đứng giữa dòng.
Như thể nhớ ai, cây phía Bắc,
Trăng vàng bối rối mãi đằng đông.
Lồng lộng trời cao, nhìn hút mắt.
Bâng khuâng soi nước áng mây hồng.
Trời đất xem ra đang hứng khởi.
Có người nào nghĩ giống ta không?
Trung thu không trăng, uống
rượu với ông Giám Phó
Hoành Sơn mây phủ phía xa xa.
Lúc mờ, lúc tỏ dải Ngân Hà.
Có lẽ Thăng Long trăng rất sáng.
Liệu có soi lòng lữ khách xa?
Trò chuyện trước đèn, không khách chủ.
Cùng tỉnh cùng say, ta với ta.
Dũa câu, tìm ý, thơ đang tắc.
Càn Nguyên trống dục, điểm canh ba.
Sông Nhị
Năm ngoái bãi lau còn giữa dòng.
Năm nay dịch lệch phía bờ Đông.
Xưa nay vạn vật luôn thay đổi.
Đời người cũng thế, phải long đong.
Con thuyền muôn thuở trôi theo gió.
Cây già bám rễ chắc bên sông.
Con tạo vần xuay, thôi mặc kệ.
Cốt giữ làm sao vững tấm lòng.
Buổi sáng trên sông, ra về
Mái lầu canh, trăng xế.
Sông xưa vẫn xuôi dòng.
Dưới đèn, người đứng dậy.
Gọi đò, khách sang sông
Vướng râu chiếc lá rụng.
Tiễn khách tiếng chuông đồng.
Ra về theo đường lớn
Mà sóng nước trong lòng.
Buổi sáng trong vườn xuân,
tức cảnh
Ban mai, nắng dịu thật hiền hòa.
Tỉnh giấc mộng tàn, khinh vật hoa.
Tường Bắc, tường Đông hương khói tỏa.
Cành cao, cành thấp rộn chim ca.
Con người, cánh vật hòa làm một.
Chân lý cõi đời chỉ tại ta.
Trước lò hương khói ngồi tư lự.
Học xong, trò nhỏ dậy pha trà.
Ngẫu hứng nói về mình
Dấn thân cát bụi cõi đời này.
Bệnh nghèo vẫn thế, trước và nay.
Học cổ làm quan e chẳng hợp.
Bắt chước dân quê, vụng cấy cày.
Làm thợ, ngại lòng trơ, thô ráp.
Đi buôn, mang tiếng dối người ngay.
Hóa ra kiếm sống, mình luôn vụng.
Đành nhìn con tạo cứ vần xuay.
Ngồi ở nhà ngoài, ngắm trăng
Hiên vắng, trà ngon, trăng trước sân.
Mặt nước Hồ Tây xạm tối dần.
Như muôn đấu ngọc, sao rơi xuống.
Trăng vàng một vệt, sóng lăn tăn.
Gió lay, bờ trúc đung đưa khẽ.
Sương mù mỏng nhẹ, tựa vành khăn.
Đâu đó chuông chùa đang vọng lại.
Bất giác lòng ta sạch bụi trần.
Tức sự nhân dậy sớm
Tiếng chày giã gạo vọng xa xa.
Trên giường, thằng bé học ê a.
Bụi cây chim hót chào ngày mới.
Cục tác ngoài sân, gà gọi gà.
Ngâm hết câu thơ, đầu tỉnh hẳn.
Hút xong điếu thuốc, thấy ngà ngà.
Trước khi dạy trẻ bên phòng sách,
Đủng đỉnh nhâm nhi mấy chén trà.
Thơ đề ở Phương Đình
Quanh tường, trúc xanh tốt.
Gió mát, bóng đổ dài.
Chiếu rượu toàn thơ phú.
Phòng khách rặt anh tài.
Quyết cùng vui với chủ,
Khách uống say, nằm dài.
Tiếc vụng thơ, tỉnh rượu,
Chưa làm xong một bài.
Qua đêm ở đền Ngọc Sơn
Cùng chơi hồ, trăng sáng.
Mênh mông nước và mây.
Đèn chài dọi giường khách.
Chùa núi đẫm sương dày.
Hình và bóng biến mất.
Tiếng ồn không đến đây.
Muốn hỏi chuyện ngày trước,
Chỉ nghe tiếng thu gầy.
Chiều thu, thăm đền Nam Giao
Tiêu điều lũy cổ, gió heo may.
Với ai chia sẻ nỗi niềm này?
Giữa cảnh hoàng hôn bia đổ nát.
Ngôi đền trơ trọi gió mưa bay.
Lối cũ vua đi giờ chim đậu.
Thành quách Long Biên cỏ mọc dày.
Sự ấy hỏi người, người chẳng biết.
Hỏi trời, trời chẳng nói cho hay.
Đi thuyền quay về
Hây hây gió mát thổi từ xa.
Thuyền khách lâng lâng, nắng xế tà.
Trung thu trăng sáng, hồn thơ hứng.
Ngời ngời sóng nước, lá xen hoa.
Tiếng cười, tiếng nói vang hai phía
Thuyền đi như lướt giữa Ngân Hà.
Lưu luyến, núi xanh nhìn, tiễn khách.
Lên sông, có sẵn ngựa về nhà.
Mây nhẹ trên núi Hòn Chén
Bờ Nam núi núi đứng liền kề.
Hòn Chén lưng chừng mây trắng che.
Gió sông khi thổi, khi ngừng bặt.
Mưa thu lúc tạnh, lúc dầm dề.
Một cụm lâu đài bên vách núi.
Nửa trời dày đặc bóng thuyền, xe.
Bâng khuâng tựa cửa, nhìn phong cảnh,
Cũng vợi ít nhiều nỗi nhớ quê.
Tiếng sáo chiều trên thôn bãi
bồi
Lay lắt bờ Đông vệt nắng chiều.
So với ngày xưa, cảnh khác nhiều.
Thành quách giờ đây là bến cá.
Phủ quan thành chỗ trẻ chơi diều.
Ruộng lúa người nào đang thổi sáo.
Tù và đâu đó não nề kêu.
Trên cao nhấp nháy chùm Sao Đẩu.
Mai rụng trắng phau những mái lều.
Tiếng chuông chùa sáng sớm
Giữa hồ, gò đất nhỏ.
Tiếng thiền lặng trên không.
Trăng mờ, cây xao động.
Sao nhạt, tỉnh giấc nồng.
Cá quẫy, nước gợn sóng.
Chim bay về bãi sông.
Với sư, ngoài chuông điểm,
Không có gì bận lòng.
Cảm nghĩ đầu thu
Gần bốn chục năm sống ở đời,
Hư danh, sống uổng bấy năm trời.
Mười năm làm quan mà còn vụng.
Nghỉ bệnh năm năm chưa thảnh thơi.
Gặp người, luôn sợ người thương hại.
Tiếp khách thường lo không đủ lời.
Gió buốt đêm thu, không ngủ được,
Sáng dậy ngồi im, lạnh toát người.
Họa vần Phương Đình tiễn Lê
Hy Vĩnh
đi tới trường học ở Sơn Tây
Nỗi lòng chưa nói hết,
Đã phải tiễn người thân.
Hiểu biết nhiều cũng thế,
Thua sống ẩn, thanh bần.
Giang thành nơi hội ngộ.
Tây Bắc chốn mừng xuân.
Bác ngâm thơ, thấy gió,
Tức là tôi ở gần.
No comments:
Post a Comment