Monday, February 23, 2015

PUSKIN - EVGENI ONEGIN, CHƯƠNG MỘT



  ĐÔI ĐIỀU VỀ TÁC GIẢ
      Alêcxanđrơ Xécgâyêvích Puskin (1799-1837) sinh ở Matxcơva, trong một gia đình quí tộc lâu đời. Ông được nhận một sự giáo dục gia đình toàn diện, và ngay từ nhỏ đã bắt đầu viết thơ bằng tiếng Nga và tiếng Pháp. Năm 1811 ông vào học ở một trong những trường tốt nhất thời bấy giờ và chỉ dành riêng cho con em quí tộc giàu có, là trường Lixê ở Tsarskôye Xelô, gần Pêtécbua. Sau khi tốt nghiệp trường này vào năm 1817, ông làm việc ở bộ Ngoại giao.
     Tác phẩm in đầu tiên của Puskin là bài thơ "Gửi bạn thơ" (1814). Từ 1817 đến 1819 ông viết bài tụng ca nổi tiếng "Tự do", bài "Gửi Saađaiep" và bài "Làng quê", là những mẫu mực của thơ trữ tình Nga thế kỷ thứ 19. Đề tài chủ yếu của thơ Puskin trong thời kì này là lòng yêu nước, tình yêu, tình bạn và niềm vui cuộc sống. Tháng 3 năm 1820 Puskin hoàn thành trường ca "Ruxlan và Lutmila" mà ông bắt đầu viết từ những ngày còn ở trường Lixê. Tác phẩm này đánh dấu sự kết thúc  giai đoạn thứ nhất trong sự nghiệp sáng tác của Puskin, khi ông đã nổi tiếng. Tuy nhiên, với những bài thơ yêu tự do và các bài châm biếm chế độ sâu cay được phổ biến rộng rãi qua các bản chép tay, Puskin đã phải chuốc lấy sự tức giận của chính quyền Nga hoàng, và bị đầy khỏi Pêtécbua tới Kisinhốp, một thành phố ở Mônđavi lúc ấy là một tỉnh thuộc nước Nga cũ.
     Trước khi bị đầy đi Kisinhốp, Puskin có dịp tới vùng núi Capcazơ và Crưmê. Phong cảnh phương Nam gợi nhiều cảm xúc thơ ca. Chính ở đây ông viết bài thơ buồn "Ngôi sao ban ngày đã tắt" và trường ca "Đài phun nước Bacsixarai", một trong những tác phẩm lớn của giai đoạn sáng tác lãng mạn này. Trong thời gian ở Kisinhốp (1820-1823), tinh thần cách mạng của Puskin càng tăng thêm. Ông kết bạn với các thành viên Hội phương Nam bí mật sau này trở thành những  người tham gia Phong trào Tháng Chạp. Ở đây ông viết bài thơ "Dao găm", "Con quỉ", "Bài ca về Ôlec tiên tri" và các trường ca "Người tù Capcazơ", "Những người Xưgan" và "Anh em nhà tướng cướp".
     Tháng 6 năm 1823, bạn bè Puskin lo chạy cho ông chuyển về Ôđexa, một năm sau thì được phép tới sống tại điền trang bố mẹ ở làng Mikhailốpxkôye, nơi thiên tài Puskin được bộc lộ một cách toàn diện. Ông viết "Anh nhớ mãi phút giây kì diệu ấy, "Đêm mùa đông" "Bài ca Bacchanalia", "Ngày 19 tháng 10" và một loạt các bài thơ nổi tiếng khác. Cũng ở đây ông viết bi kịch "Bôris Gôrđunốp", các vở kịch ngắn và những chương đầu tiểu thuyết thơ “Epghênhi Ônhêghin".
     Ngày 14 tháng 12 năm 1925 Phong trào Tháng Chạp nổ ra và bị đàn áp một cách không thương tiếc. Năm trong số những người cầm đầu phong trào bị treo cổ, hàng trăm người khác bị lưu đày khổ sai ở Xibêri, trong đó có một số bạn bè thân của Puskin, như Kukhenbeker, Rưlisep và Bestugiép. Phản ứng và suy nghĩ của ông về sự kiện này được phản ánh trong bài "Dạo đầu".
     Nhận thức được vai trò và ảnh hưởng của Puskin đối với các tầng lớp trí thức tiến bộ thời bấy giờ, vua Nga mới, Nicôlai I, đã cho phép Puskin trở lại Pêtécbua chỉ mấy ngày sau khi những người ThángChạp bị treo cổ. Bằng cách này ông ta muốn gây cảm tình với nhà thơ và hạ uy tín của ông đối với người đọc lâu nay vẫn mến mộ. Tuy nhiên, Puskin không bao giờ chịu từ bỏ các tư tưởng tự do của mình. Trong nhiều bài thơ viết những năm 1826 - 1827 ông đã công khai bộc lộ lòng trung thành của mình với lý tưởng Phong trào Tháng Chạp trong các bài: "Nơi hầm mỏ Xibêri cô tịch", "Ariôn", vân vân.
     Những năm 1826-1830 tác giả cho ra đời các trường ca "Pôntava", "Ngôi nhà ở Côlômna", một vài chương tiếp của "Epghênhi Ônhêghin" và rất nhiều các bài thơ trữ tình nổi tiếng khác. Mùa thu năm 1830 Puskin đến sống ở điền trang của mình tại Bônđinô, tỉnh Nizhny Nôvgôrôt để thu xếp việc tiền nong trước khi cưới Natalia Gôncharôva, một cô gái nổi tiêng xinh đẹp ở Matxcơva thời ấy. Ở đây ông làm việc rất hiệu quả. Chỉ trong vòng ba tháng ông viết xong các chương cuối "Epghênhi Ônhêghin", tất cả các vở bi kịch ngắn, tập "Truyện của ông Ivan Benkin quá cố" và một loạt các viên ngọc trữ tình như "Thơ buồn", "Những con quỉ", "Lời nguyền", v.v... Trong những năm ba mươi, Puskin hầu như chỉ viết văn xuôi: "Đubrốpxki", "Con đầm Pích", "Người con gái viên đại uý", "Lịch sử Pugasốp", "Đêm Ai Cập'... và trường ca "Kị sĩ đồng".
     Năm 1836 Puskin sáng lập tạp chí văn học "Người đương thời", sau này trở thành một trong những tạp chí nổi tiếng nhất nước Nga thế kỉ XIX. Phần cuối cuộc đời của Puskin luôn bị đầu độc bởi những lời vu cáo, những âm mưu hèn hạ của chính quyền Nga hoàng, cuối cùng ông đã phải chết một cách bi thảm vào tháng 2, 1837 trong cuộc đấu súng với Đantes, con trai nuôi của Đại sứ Phổ, và là một kẻ lưu vong trốn chạy cuộc cách mạng tư sản Pháp.
     Đối với văn học Nga, vai trò của Puskin thật to lớn. Ông là người sáng tạo nên tiếng Nga văn học và là người đặt nền móng cho nền văn học Nga cổ điển. Puskin sáng tác hầu như trong mọi thể loại, và ở thể loại nào ông cũng đạt tới đỉnh cao nhất. Một lúc ông không chỉ là nhà thơ, mà còn là nhà viết văn xuôi, nhà soạn kịch vĩ đại. Mỗi tác phẩm lớn của ông là một chương mới trong lịch sử phát triển văn học của dân tộc. Xét về nhiều phương diện, “Epghênhi Ônhêgin” được xem là tác phẩm lớn nhất và hay nhất trong toàn bộ sáng tác của ông.
     Trong cuốn sách này bạn đọc có thể thưởng thức thêm các bài thơ trữ tình, trường ca và văn xuôi của ông.



EPGHÊNHI ÔNHÊGIN
Tiểu thuyết thơ

   Lời người dịch
      Tiểu thuyết Epghênhi Ônhêgin của Puskin đối với người Nga cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với người Việt chúng ta. Tôi dịch tác phẩm này,dịch trọn bộ cả tám chương,  vào cuối những năm bảy mươi thế kỷ trước, xen kẽ với việc dịch một tác phẩm đồ sộ khác là tiểu thuyết thơ Don Juan của Bairơn. Theo tôi biết, cho đến nay nó vẫn là bản dịch thơ tiếng Việt đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, lúc đầu được trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là nơi lúc ấy tôi công tác, in rô-nê-ô, sau in ty-pô thành sách tham khảo cho sinh viên khoa Nga của trường và cả khoa văn Đại học Tổng hợp. Sau đó mấy năm nó được nhà xuất bản Trung học và Đại học chuyên nghiệp in lại.
     Bây giờ, tức là gần ba mươi năm trôi qua, đang tạm nghỉ sau một thời một thời gian dài viết văn xuôi, tôi đọc lại, sửa chữa thành dạng bản thảo tương đối hoàn chỉnh như hiện nay. Nói chung, tôi cảm thấy hài lòng và mong được ra mắt độc giả lần nữa.
     Giờ ít người đọc thơ, lại càng ít ai đọc tiểu thuyết thơ, nhưng dẫu sao tôi vẫn khuyên các bạn thử cố đọc hết tác phẩm vĩ đại này. Các bạn sẽ hiểu hơn về xã hội Nga thế kỷ mười chín, sẽ được theo dõi một câu chuyện tình lãng mạn, và đặc biệt được thưởng thức những bức tranh thiên nhiên Nga nổi tiếng qua nét vẽ của thi hào Puskin.
     Trung thành với quan điểm dịch của mình, như ở các tác phẩm khác, khi dịch Epghênhi Ônhêgin, tôi cố hết sức chuyển đạt hồn thơ, vần điệu, tiết tấu và đặc biệt giữ đúng nguyên bản khổ thơ Ônhêgin do Puskin sáng tạo. Nếu chú ý, bạn đọc sẽ nhận ra điều đó và ghi nhận sự lao động vất vả, kiên trì của người dịch.   
     Hà Nội, ngày 3 tháng năm, 2010
      Thái Bá Tân


Chương Một

        Sống cũng vội, mà yêu cũng vội!
                Bá tước Viazemsky

1
Ông bác mình vốn rất nghiêm, điều độ,
Nhất là khi ông đang ốm liệt giường,
Thì mọi người xung quanh ông đến khổ:
Phải liệu bề mà kính trọng, yêu thương.
Ông rất tốt, ai cũng khen như vậy,
Nhưng thú thật, ai mà không phát ngấy
Phải ngồi yên bên giường bệnh đêm ngày,
Không được rời một phút, phải luôn tay
Hết đưa thuốc, lại vén chăn, sửa gối
Để mua vui cho một lão ốm già
Đang bất động, nằm bên ta, hấp hối –
Chẳng khác gì bị tra tấn, và ta
Không ít lúc phải thở dài ngao ngán:
Thôi, chết đi cho tôi nhờ, ông bạn!

2
Một anh chàng đã trầm ngâm nghĩ thế
Trên cỗ xe cuốn bụi những đám tròn.
Nhờ thần Dớt, anh ta nay thừa kế
Mọi gia tài của bố mẹ, bà con…
Thôi, không muốn phải dài dòng tỉ mỉ,
Xin phép được nói qua cùng các vị,
Những ngươi xưa đã đọc Lútmila,
Về anh này, vâng, cụ thể anh ta,
Có tên gọi épghênhi, và họ –
Ônhêgin, (tôi quen biết thân tình)
Quê bên bờ sông Nêva, ở đó
Chắc có người trong bạn đọc từng sinh.
Tôi đến đấy nhiều lần, nhưng khốn nỗi,
Khí hậu lạnh, tôi không sao chịu nổi.

3
Ông bố chàng vốn công tâm, trong sạch,
Đã về hưu, nay nợ ngập lút đầu,
Nhưng một năm đúng ba lần đãi khách,
Và cuối cùng đã phá sản rất mau.
Còn con ông, Epghênhi, từ bé
Được Madame luôn trông nom thay mẹ,
Rồi thay bà, được mướn một Monsieur.
Cậu hiền lành, hay nghịch ngợm ngây thơ,
Nên me-xừ, ông L’Abbé người Pháp
Chỉ vì thương, không bắt cậu học nhiều,
Không giáo huấn, không cho bài phức tạp –
Học mà đùa, thật dễ chịu bao nhiêu!
Ông chỉ mắng khi cậu nhà nghịch quá,
Rồi dắt cậu chơi Công viên Mùa hạ.

4
Epghênhi Ônhêgin cứ thế
Lớn dần lên cho đến lúc biết buồn,
Biết mơ mộng như những chàng trai trẻ
Thì me-xừ bị tống khứ đi luôn.
Còn nhân vật chúng ta nay tự lập,
Tóc cắt đúng mốt thời trang, rất thấp,
Giống dandy từ Anh Quốc lần đầu
Lên vũ đài cuộc sống để vờn nhau.
Về tiếng Pháp, chàng nói, nghe thông thạo,
Mazurka nhảy khéo, lúc ra về
Chàng biết cách (điều này ai cũng bảo)
Cúi đầu chào rất khéo, chẳng người chê.
Thế là đủ, giới thượng lưu quyết định
Rằng chàng đẹp, thông minh và dễ tính!

5
Ta, nói chung là cái gì cũng học,
Nhưng không sâu, học chiếu lệ, gọi là,
Và ơn Chúa, ta cho ta không ngốc,
Về chính mình còn đôi lúc ba hoa.
Ônhêgin, theo nhiều người nhận xét
(Cả những người rất nghiêm, hay xét nét)
Là chàng trai học khá rộng, hiếu kỳ,
Dẫu có phần hơi cố chấp nhiều khi.
Chàng biết cách đang chuyện trò thoải mái
Hướng chuyện sao có lợi nhất cho mình.
Với dáng điệu của một nhà thông thái,
Khi vấn đề quan trọng, biết làm thinh.
Chàng còn biết làm các cô cười mỉm
Bằng cách đọc đôi bài thơ châm biếm.

6
Tiếng Latinh tuy giờ không hợp mốt,
Ônhêgin cũng võ vẽ ít nhiều,
Biết đủ để không bị chê là dốt,
Để lúc buồn đọc thơ ngắn tình yêu.
Và để nhớ, tuy nhớ sai không ít,
Một vài đoạn trường ca Ênêit,
Hay nếu cần, phân tích Juvenal,
Cuối thư tình, thêm một chữ là Vale.
Xin nói thẳng, Ônhêgin không khoái
Bới thời gian phủ bụi một lớp dày
Lên lịch sử bao thời qua vĩ đại,
Nhưng chuyện đùa và hóm hỉnh xưa nay,
Từ cái thuở Romul xa xưa nhất
Đến những ngày gần đây – chàng nhớ tất!

7
Về nghệ thuật và thơ ca có lẽ
Chàng không mê đến mức tự quên mình,
Và đã cố rất nhiều nhưng không thể
Biết đâu là anapet, dactinh.
Chàng không thích Homer, Phêôclit
Nhưng rất mê ông Adam Smith.
Ônhêgin, nhà kinh tế đại tài,
Cũng biết bàn và nhận xét như ai,
Rằng quốc gia muốn trở nên cường thịnh
Thì dân cư, xã hội phải thế nào,
Và việc nó không xem vàng là chính
Khi thừa hàng đơn giản, là vì sao.
Còn ông bố không hiểu chàng, buộc phải
Đem ruộng đất ký tên vay nặng lãi

8
Về kiến thức, Ônhêgin, mọi mặt,
Tôi không sao kể hết – quá dài dòng.
Nhưng một cái chàng tỏ ra kiệt xuất
Hơn mọi điều và am hiểu tinh thông
(Cái mà ngay đối với chàng từ nhỏ
Thay lao động và niềm vui, cái khổ,
Giết thời gian, lấp chỗ trống hàng ngày
Trong biếng lười cho mãi tới hôm nay)
Là khoa học của những gì tinh tế,
Cái Nazôn đã ca ngợi nhiều lần
(Và than ôi, bị đi đày vì thế,
Nên cuộc đời bay nhảy bị chôn chân
Mãi tận xứ Mônđôva, ở đó,
Xa nước ý, chết dần trong đau khổ).

10
Đáng ngạc nhiên là sao chàng còn trẻ
Đã biết ghen, biết làm dáng, kiêu kỳ
Bắt người khác phục, tin chàng như thế,
Biết vờ buồn, vờ khó tính nhiều khi.
Biết đúng lúc làm cao hay ngoan ngoãn,
Biết quan tâm hoặc thờ ơ, chán nản,
Biết ngồi im dáng mệt mỏi một mình,
Biết luận bàn rất sôi nổi, thông minh.
Còn trong thư, hoàn toàn không giữ ý,
Chàng biết quên cả chính bản thân chàng.
Rất độc đáo trong cách yêu, suy nghĩ,
Đôi mắt chàng khi xấu hổ, hoang mang,
Khi âu yếm, khi bất cần, dữ dội,
Khi lệ ứa vô tình, khi bối rối.

11
Chàng cũng biết luôn tỏ ra mới mẻ,
Dọa các cô bằng thất vọng giả vờ,
Biết đùa tếu, làm ngạc nhiên, khích lệ,
Nịnh các nàng còn trong trắng, ngây thơ.
Biết chọn đúng những phút giây kỳ diệu
Để chiến thắng cái ngại ngùng phái yếu
Bằng trái tim và lý trí của mình,
Rồi đợi chờ những âu yếm rất nhanh,
Rồi đòi hỏi, rồi cầu xin hạnh phúc,
Rồi lắng nghe tim đập mạnh lần đầu,
Rồi đeo đuổi tình yêu cho đến lúc
Bắt được nàng bí mật gặp hôm sau…
Để tiếp đến, nàng ngồi im, lặng lẽ
Nghe chàng giảng mấy bài về xử thế.

12
Chàng sớm biết bắt các nàng đỏng đảnh
Và kiêu căng phải đau khổ vì mình.
Còn địch thủ, vâng, một khi muốn đánh,
Chàng có thừa các mưu chước thông minh.
Biết châm chọc rất sâu cay giọng lưỡi,
Chờ đợi họ, chàng biết giăng sẵn lưới.
Nhưng dẫu sao, thưa các đức ông chồng,
Chàng vẫn là bạn quí của các ông,
Của những đấng phu quân luôn láu lỉnh
Vốn từng xem Foblas là thầy,
Của ông lão vốn đa nghi, khó tính,
Của anh chồng bị vợ cắm lâu nay
Mà không biết, vẫn nghênh ngang thỏa mãn
Về vợ con, về bữa cơm đãi bạn.

15
Không ít khi còn trên giường chưa dậy
Chàng được trao một tập thiếp rất dày.
Chuyện gì thế? Đi đâu chăng? Quả vậy,
Ba nhà mời dự lễ tối hôm nay.
Nơi dạ hội, nơi cô nhà sinh nhật.
Nơi nào đi, nơi nào không? Khó thật.
Ừ thì đi, không quan trọng nhà nào.
Suy cho cùng, chẳng thế cả hay sao?
Rồi rất lâu Ônhêgin sau đó
Lo điểm trang, đội chiếc mũ to vành,
Rồi thong thả cho xe vòng theo phố,
Rồi một mình đi dạo giữa đồng xanh
Cho đến khi chiếc đồng hồ réo gọi
Nhắc đã muộn, phải về nhà ăn tối.

16
Đêm đã xuống, chàng lên xe, lập tức
Người đánh xe quất ngựa, vội lên đường.
Chiếc cổ áo lông chồn đen chàng mặc
Băng bám đầy những giọt nhỏ như sương.
Xe phóng tới Talon vì lúc ấy
Caverin đang chờ chàng ở đấy.
Khi đến nơi, nút bật, bắn khắp nhà,
Rượu từng dòng sùi bọt trắng tuôn ra.
Rồi roast-beef còn đỏ au trước mặt,
Các món ăn theo kiểu Pháp, và rồi
Món nấm hương mà xưa chàng thích nhất,
Món gan nghiền từ Strasburg xa xôi,
Món pho-mat hiệu Limbua thái mỏng
Và món dứa cắt thành khoanh vàng óng.

17
Khi cái khát còn đang đòi uống rượu
Để xóa đi cái béo ngậy ê hề
Thì đã có tiếng chuông reo báo hiệu
Đã đến giờ xem vở mới ba-lê.
Là một người hay đi xem, khó tính,
Một anh chàng si mê không kiên định
Với các cô diễn viên trẻ, đồng thời
Được đón chào sau sân khấu, khắp nơi,
Ônhêgin phóng xe vào rạp hát,
Nơi người xem đã an tọa, sẵn sàng
Vỗ tay khen Fedre, Cleopatre,
Hay một vài điệu nhảy entrechat,
Hay gọi to Môina (cốt để
Người khác nghe và biết mình gọi thế).

18
Ôi thế giới diệu kỳ xưa, ở đấy
Fônvizin dũng cảm nhạo chê đời,
Và đấu tranh vì tự do, cũng vậy,
Kniaznhin từng nổi tiếng một vài nơi.
Cũng ở đấy nước mắt buồn nô lệ
Và những tràng vỗ tay to mạnh mẽ
Ôzerôp chia cùng Xêmiônôva.
Cũng ở đấy, Catêrin của ta
Làm sống lại ngài Coócnây cổ điển;
Cả Đidlô, biên đạo múa không tồi,
Cả Sakhôpxcôi luôn sắc bén
Cũng dựng nhiều hài kịch tốt. Còn tôi
Trong bóng mát của hậu trường, cũng vậy,
Tuổi xuân tôi để trôi qua ở đấy.

19
Các nữ thần của ta ơi, hãy nói,
Đang ở đâu? Là ai thế? Lúc này
Các em vẫn như xưa không thay đổi,
Hay các nàng xinh trẻ khác lên thay?
Ta còn được nghe hay không tiếng hát
Của các em? Với trái tim dào dạt
Còn được xem các vũ nữ nước nhà?
Hay cái nhìn buồn bã của mắt ta
Chẳng còn thấy khuôn mặt nào thân thiết
Ở nơi kia, trên sân khấu, và rồi
Ta thất vọng đưa ống nhòm, mỏi mệt
Thấy toàn người rất xa lạ. Than ôi,
Ta đến đây tìm cái vui, ấm áp
Mà ngồi nhớ, tiếc ngày xưa… và ngáp!

20
Cả rạp hát đã đầy người. Các ghế
Ở hàng trên và giữa rạp ồn ào.
Trên ban-công, trong các lô cũng thế.
Rồi cuối cùng màn được kéo lên cao.
Trên sân khấu, Iztômia kiêu hãnh
Đang đứng giữa một bầy tiên có cánh
Tai lắng nghe những nốt nhạc thần kỳ,
Nhẹ, tưởng chừng như có thể bay đi,
Nàng đứng nhón trên một chân, chân nọ
Vẽ xung quanh vừa đúng một vòng tròn
Thì bất chợt nhảy, bay như ngọn gió,
Như bông hồng từ miệng của Iôn.
Rồi nàng quay, lúc thật nhanh, lúc khẽ,
Lúc đập đập đôi bàn chân nhỏ bé.

21
Rạp vỗ tay. Ônhêgin lách ghế
Bước vào trong, như thể chỉ tình cờ
Quay ống nhòm nhìn rất nhanh về phía
Có các nàng lạ mặt đã ngồi lô.
Rồi chàng ngước nhìn ban-công, ở đấy
Các khuôn mặt cùng áo quần lộng lẫy
Chỉ làm tăng sự khó chịu, bực mình.
Chàng cúi chào các vị khách xung quanh
Để sau đó, vẻ thờ ơ, giận dỗi,
Chàng nhìn lên nơi sân khấu, và rồi
Bỗng khựng lại, vừa ngáp dài vừa nói:
“Đã đến ngày phải thay hết đi thôi!
Mình vốn chịu ba-lê lâu đến vậy,
Mà Điđlô nay làm mình phát ngấy!”

22
Khi sân khấu đang giữa chừng sôi nổi,
Thần Tình yêu và Quỉ sứ hát hò,
Khi bên cổng đám người hầu mệt mỏi
Tựa lưng ngồi trong áo mỏng co ro,
Khi khán giả đang say sưa hồi hộp
Kêu, dẫm chân và vỗ tay đôm đốp,
Khi khắp nơi đang rực rỡ ánh đèn,
Khi ngoài trời lấp ló bóng trăng lên,
Khi bầy ngựa dây xe choàng ngang cổ,
Luôn đổi chân, run rẩy khẽ cúi đầu,
Khi xà ích quây quần bên lửa đỏ
Miệng cằn nhằn trách chủ bắt chờ lâu…
Thì chàng bỏ ra ngoài, chân bước rảo,
Vì phải vội về nhà thay quần áo.

23
Tôi có thể, hay không, chưa dám chắc
Bằng văn thơ miêu tả đúng phòng chàng.
Chàng ưa mặc, cởi ra rồi lại mặc
Như những người ăn bận hợp thời trang.
Hết những gì thành Luân Đôn giàu có
Chở sang ta đổi lấy vàng, lấy gỗ,
  Lấy thức ăn, liên tiếp các con tàu
Cưỡi sóng gầm, vượt Bantich thi nhau;
Cả những gì thành Pari hoa lệ
Biết làm ra trang điểm chính cho mình,
Cho sắc đẹp, cho tình yêu, tuổi trẻ,
Cho cuộc đời dư dật, mốt văn minh –
Những cái đó trong phòng chàng ta thấy,
Một hiền triết tuổi vừa qua mười bảy!

24
Những chiếc tẩu khảm xà cừ óng ánh,
Tượng đồng đen, chiếc lọ sứ mĩ miều,
Lọ nước hoa bằng pha-lê sắc cạnh
(Cái rất cần cho cảm xúc tình yêu).
Thêm vào đó là lược, gương, pinxet,
Kéo đủ loại, thẳng cong đều có hết,
Bàn chải lông – ba mươi kiểu nếu cần,
Cho áo quần, cho răng tóc, móng chân.
Cả Ruxô (nhân đây tôi xin kể)
Không hiểu Grim sao có thể dám ngồi
Tô móng chân trước mặt ông như thế,
Ông, một nhà đại hùng biện, than ôi.
Trong trường hợp của chúng ta, trái lại,
Ông đã sai, dù rất yêu lẽ phải.

25
Có thể vẫn là người luôn tử tế
Mà vẫn chăm tô, chải móng hàng ngày.
Biết làm sao, thời của ta là thế –
Mốt là điều đầy cám dỗ xưa nay.
Là Sađaep thứ hai, chàng rất sợ
Những lời đồn nhỏ to tuy vô cớ,
Nên thời trang chàng cũng khá cầu kỳ
Và có phần hơi đỏm dáng. Nhiều khi
Chàng đã đứng bên chiếc gương ít nhất
Nhìn trước sau cũng phải đến ba giờ
Để khi bước ra phòng, xin nói thật,
Trông giống nàng Vệ Nữ đẹp, ngây thơ
Khi nàng mặc bộ áo quần nam giới
Đi dự hôi đêm hóa trang đang đợi.

26
Thế là tôi vô tình làm bạn đọc
Phải bận tâm đến mốt mới. Lúc này
Tôi còn dám trước hội đồng bác học
Tả áo quần chàng đang mặc hôm nay.
Làm việc đó tất nhiên không phải dễ.
Biết làm sao, việc của tôi là thế,
Vì tiếng Nga đang thiếu chữ, nặng nề,
Thiều các từ như frac, gilê…
Trong khi đó, tôi chân thành xin lỗi,
Vốn từ tôi còn quá ít, khó lòng
Khoe này nọ, ấy là chưa muốn nói
Đến những từ nhập các nước Tây Đông,
Dù không phải tôi không tra từ điển –
Tôi tra cả cuốn Hàn lâm Học viện!

27
Thôi, đang bận, giờ chúng ta có lẽ
Chuyện mốt kia nên gác lại sau này
Để lên xe phóng theo anh bạn trẻ
Đang vội vàng đi dự hội đêm nay.
Xe chàng chạy trước dãy nhà mờ tối
Dọc theo phố chìm trong đêm mệt mỏi.
Chiếc đèn con hai lớp sáng mập mờ
Tỏa ánh vàng như nhảy múa bâng quơ
Và vẽ nửa vòng tròn lên mặt tuyết.
Kia, gắn quanh bằng những chiếc đèn lồng,
Sáng rực rỡ một lâu dài đẹp tuyệt
Với chập chờn những cái bóng bên trong,
Qua cửa sổ thấy hình đầu di động
Của mấy bà và mấy ông đồng bóng.

28
Kia, nhân vật của chúng ta tới cửa,
Bước rất nhanh qua ông lão người hầu,
Rồi vừa chạy theo cầu thang bằng đá,
Một tay chàng vừa vuốt tóc hồi lâu.
Gian phòng lớn chật ních người lúc ấy
Đang nhảy điệu mazurka lộng lẫy.
Nhạc kêu to đến mệt mỏi, rã rời,
Cảnh ồn ào và chật chội khắp nơi.
Các sĩ quan khua đế giày khá mạnh,
Những cặp chân phái đẹp lượn thành vòng.
Và bay theo, bay theo như có cánh
Là cái nhìn say đắm của đàn ông.
Các bà vợ ghen, thì thầm, khốn nỗi,
Tiếng nhạc to làm không ai nghe nổi.

29
Tôi thời trẻ đầy ước mơ, thú thật,
Yêu phát điên những đêm hội thế này.
Đây là nơi ta tỏ tình tiện nhất,
Chuyển thư từ tiện nhất cũng là đây.
Nhưng nhân thể, các ông chồng đứng đắn,
Tôi xin nhắc là hãy nên cẩn thận!
Tôi thành tâm mong giúp đỡ các ngài,
Nên điều này xin chớ bỏ ngoài tai.
Các bà mẹ, tôi cũng khuyên để mắt
Các cô con, chớ buông lỏng phút nào.
Ống nhòm đấy, xin cứ cầm thật chặt,
Không, không thì… rồi sẽ biết ra sao.
Những điều trên tôi dám khuyên, xin nói,
Vì từ lâu tôi đã không phạm tội.

30
Cuộc đời tôi, tôi làm hư có lẽ
Bằng vui chơi rất vô bổ. Nhưng đời
Nếu đạo đức không suy tàn đến thế,
Tôi sẽ còn yêu vũ hội, trò chơi,
Yêu tuổi trẻ luôn điên cuồng, hiếu động,
Yêu cái chật, cái vô tư hào phóng,
Yêu các cô trong những bộ áo quần
May hợp thời… Và yêu những đôi chân,
Nhưng rất tiếc, khắp nước Nga vĩ đại
Không kiếm đâu được dăm cặp chân dài,
Thon và thẳng. Tôi vẫn còn nhớ mãi
Chân một nàng… Buồn, lo nghĩ tương lai,
Tôi vẫn nhớ, đêm nằm mơ vẫn thấy
Chúng đến dẫm lên tim tôi máu chảy.

31
Ôi, ở đâu, bao giờ tôi quên được,
Tôi, thằng điên, quên được cặp chân này?
Đâu, ở đâu chân bây giờ đang bước,
Dẫm nhẹ nhàng lên ngọn cỏ, lá cây?
Trong cái ấm của phương Đông mê hoặc,
Trong cái lạnh của tuyết rơi phương Bắc,
Đôi chân kia không để lại vết gì,
Thích dịu dàng trong mỗi bước chân đi,
Thích khẽ chạm vào thảm dày êm mát.
Ôi, vì chân, không biết tự bao giờ
Tôi đã quên vinh quang, không thèm khát,
Quên ngục tù, quên quê cũ, ước mơ?
Và hạnh phúc những ngày xa xưa nọ
Tan như dấu chân nàng trên bãi cỏ.

32
Ngực Đian, và Flô vầng trán
Đẹp, tất nhiên, nhưng không hiểu thế nào
Tôi thấy chân Tepsi, thưa các bạn,
Có cái gì thanh thoát, dịu dàng sao.
Bằng cái đẹp như vô hình, huyền bí,
Chân nàng gợi nhiều ước mơ, suy nghĩ,
Như báo ta nên biết trước mọi điều,
Rằng khó lường phần thưởng của tình yêu.
Quả tôi yêu, Envina thân mến,
Khi mùa xuân nàng bước nhẹ giữa đồng
Bên núi đá, khi nàng ngồi trước biển, 
Khi một mình bên lò sưởi mùa đông,
Khi nàng đi giữa bàn ăn từng dãy,
Hay khua giày trên mặt gương sàn nhảy.

33
Tôi còn nhớ biển trước giờ bão nổi,
Và thầm ghen những con sóng lúc này
Đang ào ạt dướn chồm lên dữ dội
Gặp chân nàng liền ngoan ngoãn lui ngay.
Chao, tôi muốn làm những con sóng đó
Để được hôn đôi bàn chân bé nhỏ.
Trong đời tôi trước đấy chẳng bao giờ,
Cả những ngày sôi nổi, đẹp, nên thơ,
Tôi thèm khát đến ngất ngây như vậy,
Muốn hôn môi Armit hiền từ,
Hôn hai má, hai bông hồng rực cháy,
Hôn tay nàng, từng ngón, mệt ưu tư.
Vâng, tình cảm, những ước mong mạnh mẽ
Chưa bao giờ làm tôi đau như thế.

34
Tôi còn nhớ một thời xưa, là lúc
Trong ước mơ bay bổng, một đôi lần
Tay từng giữ cái dây cương hạnh phúc
Từng được cầm, mơn trớn một đôi chân.
Và lần nữa, bóng hình xưa lại dậy,
Và lần nữa đôi chân xinh đẹp ấy
Dẫm lên tôi vốn đau khổ quá nhiều,
Lần nữa buồn, lần nữa lại tình yêu.
Nhưng thôi đủ, đàn thơ tôi bép xép
Về các cô kiêu hãnh… Đủ lắm rồi:
Họ không xứng những cảm tình cao đẹp,
Không xứng lời ca ngợi họ. Than ôi,
Lời và mắt những nàng xinh đẹp đó
Cũng giả dối như đôi chân của họ.

35
Ônhêgin thì sao? Sau buổi nhảy,
Đang lên xe, ngái ngủ, phóng về nhà.
Nghe tiếng trống, Pêtécbua đã dậy,
Thêm một ngày luôn náo nhiệt, phù hoa.
Người buôn bán đã mang hàng ra chợ,
Xe ngựa đứng chờ trong sân, trước sở.
Còn phố bên, cô gái giống mọi lần,
Tay xách bình, tuyết lạo xạo dưới chân.
Trời hửng sáng, phố ồn ào, sôi nổi.
Cửa từ lâu đã mở, củi bén lò,
Các ống khói đã bắt đầu nhả khói.
Ông bánh mì người Đức tính hay lo,
Chiếc mũ giấy trên đầu, kia vừa hát,
Vừa thong thả mở từng thanh vaxixđat.

36
Nhưng nhân vật của chúng ta quá mệt
Sau một đêm vui dạ hội, bây giờ
Trong chăn ấm đang ngủ say như chết,
Đêm và ngày lẫn lộn giống trong mơ.
Chàng nằm ngủ tận xế chiều mới dậy,
Rồi tất cả như hôm qua, từ đấy
Tận sáng mai sẽ lặp lại từ đầu:
Cũng ồn ào và đơn điệu như nhau.
Nhưng thử hỏi Ônhêgin vì thế
Hạnh phúc không, hay đau khổ, chán chường
Khi chàng có thừa tự do, tuổi trẻ
Cùng cuộc đời đầy khoái lạc, yêu thương?
Mà nói chung, chàng vui chơi thỏa thích
Giữa yến tiệc, phải chăng là vô ích?

37
Không, quá sớm trái tim chàng giá lạnh
Chỉ buồn thêm vì xã hội ồn ào.
Các cô gái luôn vui tươi, kiêu hãnh
Chẳng làm chàng phải vương vấn là bao.
Sự giả dối khiến chàng thêm thấm mệt,
Cả tình bạn, tình yêu chàng chán ghét,
Vì mấy ai không thấy chán, bao giờ
Cũng ngon lành chén bit-tết và bơ,
Uống sâm-panh, ăn pa-tê Strasburg,
Nói những câu hóm hỉnh, sáo hàng ngày
Khi, xin lỗi, đầu đang đau, đau buốt,
Nên dù chàng đang độ tuổi hăng say
Mà cuối cùng cũng chán chường tất cả -
Cả súng gươm, cả đánh nhau, đập phá…

38
Căn bệnh ấy, nghĩ từ lâu đáng lẽ
Nguyên cớ sao, ta phải biết. Đó là
Người Anh gọi spleen, hay có thể
Tiếng nước mình tạm gọi khandra.
Nghĩa là buồn,  mà mỗi ngày một nặng,
Nhưng tự tử, rất may, xin nói thẳng,
Ônhêgin không muốn bắn vào đầu,
Tuy với đời, chàng đã chán từ lâu.
Như Harold, chàng bước vào phòng khách,
Mệt, thờ ơ, luôn ảm đạm, chán chường –
Tiếng cười nói, những cái chào kiểu cách,
Rượu và bài, những ánh mắt yêu thương…
Không có gì còn làm chàng xúc động,
Chàng nhìn quanh như nhìn vào chỗ trống.

42
Hỡi các bà giới thượng lưu, trước nhất
Ônhêgin sẽ xa lánh các bà.
Người ta nói giới thượng lưu giàu thật
Nhưng hơi buồn, và điều đó không ngoa.
Kể đôi lúc cũng có bà nào đó
Nói về Sey, về Bentam này nọ,
Nhưng nói chung không nghe nổi, đau đầu,
Dù toàn điều vô hại, chuyện không đâu.
Thêm vào đó, họ quá ư trong sạch,
Quá ư nghiêm, quá giữ ý, giữ mình,
Quá cẩn thận, lại quá ư kiểu cách,
Và bao giờ cũng quá đỗi thông minh,
Nên đàn ông không dám gần, chính vậy
Mà nhìn họ đủ làm ta phát ngấy.

43
Cả các cô, những nàng xinh và trẻ,
Người đêm đêm cho xe phóng vội vàng
Qua các phố Pêtecbua hoa lệ,
Những chiếc cầu sương phủ trắng mênh mang –
Vâng, các cô, Ônhêgin cũng bỏ.
Xa tất cả mọi phù hoa cám dỗ,
Anh bạn tôi đóng chặt cửa ở nhà,
Vừa ngáp dài vừa cầm bút, anh ta
Định ngồi viết nhưng tiếc thay không dễ,
Viết không ra, không đủ ý, thiếu vần,
Nên lại chán. Ônhêgin vì thế
Không được đời cho nhập hội làng văn.
Hội những người tôi không chê, xin lỗi,
Vì chính tôi cũng là người của hội.

44
Vâng, lần nữa, lại chán chường, bực dọc,
Lại vô công, chàng quyết định lần này
(Một quyết định đáng được khen) là đọc
Để học người qua trang sách xưa nay.
Chàng lần giở một giá dài đầy sách,
Đọc và đọc, nhưng uổng công vô ích:
Cuốn thì khô, cuốn giả dối, buồn rầu,
Cuốn chỉ toàn chuyện nhảm nhí không đâu.
Nói tóm lại là cuốn nào cũng dở.
Cuốn chuyện xưa thì quá cổ, quá già.
Cuốn chuyện nay muốn tỏ ra sặc sỡ
Nhưng quá nhàm, nên nhân vật chúng ta
Bỏ rơi chúng như bỏ rơi phái đẹp.
Cửa phòng sách cuối cùng chàng cũng khép

45
Ai đã sống và tư duy không thể
Trong thâm tâm không khinh bỉ con người.
Ai còn biết ghét và yêu cũng thế,
Tháng và ngày không để trái tim nguôi.
Người nhớ lại thấy ăn năn hối lỗi,
Người kỷ niệm bắt ưu phiền trăm nỗi.
Nhưng đôi khi tất cả những điều này
Cũng góp phần làm câu chuyện thêm hay.
Còn ngôn ngữ Ônhêgin quả thật
Đã làm tôi có hơi ngượng lúc đầu,
Nhưng rồi quen, cả những gì gay nhất,
Cả những lời rất độc ác, thâm sâu,
Và cả lối chàng đùa pha châm biếm,
Cả những bài thơ vui mà nguy hiểm.

47
Không ít lúc những đêm dài mùa hạ,
Khi trên cao trời rất sáng, trong ngần
Và mặt nước dòng Nêva êm ả
Không soi hình khuôn mặt của Đian,
Chúng tôi đứng bên bờ sông, lặng lẽ
Nhớ cuốn sách cùng đọc chung thời bé,
Nhớ tình yêu ngày trước…bỗng bất ngờ
Lại thấy mình đầy cảm xúc bâng quơ.
Và cứ thế hai chúng tôi im lặng
Say với đêm kỳ ảo, mát, trong lành,
Như người tù đang mang gông lo lắng,
Được ra ngoài đi dạo giữa rừng xanh.
Trong ý nghĩ, chúng tôi bay trở lại
Với buổi đầu cuộc đời xưa êm ái.

48
Với tâm trạng đầy ưu tư, mệt mỏi,
Tựa một tay lên thành đá ven bờ,
Ônhêgin đứng trầm ngâm không nói,
(Như mọi người thường miêu tả nhà thơ).
Đêm yên tĩnh, bốn xung quanh bàng bạc,
Chỉ thỉnh thoảng tiếng vài anh lính gác
Và tiếng xe đang lọc cọc lăn dồn
Lại bay về từ phố cạnh Miliôn.
Chỉ dưới nước tiếng mái chèo khua nhẹ,
Con thuyền bơi trong ngái ngủ sương mù,
Chỉ tiếng hát và tiếng kèn khe khẽ
Phía chân trời, âu yếm tựa lời ru.
Nhưng đêm vắng, hay hơn và ý nhị
Là bài hát của Tassô người ý.

49
Ôi sóng biển Adriatic,
Ôi  Brenta, nhất định sẽ có ngày
Ta được thấy các ngươi trào mãnh liệt,
Nghe tiếng thần đang vẫy gọi lâu nay.
Tiếng gọi đó rất thiêng liêng, cần thiết
Cho cháu con Apôlông oanh liệt.
Qua đàn thơ của Anh Quốc kiêu kỳ
Ta đã từng nghe nhắc tới nhiều khi.
Ở nước Ý rất cổ xưa, hoa lệ
Sẽ có đêm thanh vắng dưới trăng vàng,
Cùng cô gái Vơnizơ tươi trẻ
Tôi để thuyền trôi theo nước mênh mang,
Rồi cùng cô, phút giây kia hoan lạc,
Học tiếng tình, tiếng thơ Pêtrac.

50
Giờ tự do của đời tôi đau khổ
Đến hay không? Không! Phải đến! Sắp rồi.
Đi ven biển, tôi mong trời trở gió,
Mong có tàu cặp bến đến tìm tôi.
Giữa sóng biển bao la kia cuộn sóng,
Nơi trăm đường đang thênh thang mở rộng,
Bao giờ tôi mới quyết định bắt đầu?
Bờ biển này buồn tẻ đã từ lâu
Tôi phải bỏ để về nơi nắng ấm,
Nơi giữa trưa sóng gợn, biển sáng lòa
Với bầu trời châu Phi tôi xanh thẳm
Để nhớ trời băng giá tận nước Nga,
Nơi tôi sống, từng yêu và đau khổ,
Trái tim tôi cũng từng chôn ở đó.

51
Ônhêgin và tôi đang sửa soạn
Cùng nhau đi du lịch suốt một vòng
Quanh thế giới, thì không may số phận
Chia hai người, nay đã mấy mùa đông.
Vì lúc ấy ông bố chàng bỗng mất,
Và lập tức một đám đông mặt sắt
Đến nhà ông đòi nợ kín trong ngoài,
Rất ồn ào, không ai chịu thua ai.
Ônhêgin vốn không ưa rắc rối,
Nên phóng tay chi trả hết nợ nần,
Đem tất cả các của chìm của nổi
Trao bọn này mà không chút phân vân.
Cũng có thể từ lâu chàng đoán biết
Rằng ông bác ốm, già nua sắp chết.

52
Quả thế thật, một thời gian sau đấy
Chàng được viên quản trị báo tin này,
Rằng ông bác sắp qua đời, vì vậy
Muốn gặp chàng, chàng phải sớm đi ngay.
Chàng đọc xong bức thư kia đau khổ
Liền cho xe phóng đi như ngọn gió,
Còn trên xe, như tôi nói phần đầu,
Ngáp và buồn, chàng mong đến cho mau.
Chàng biết trước: Sẽ phải làm tất cả -
Vì tiền thôi – khen ngợi bác hết lời,
Rồi đau đớn, rồi chau mày buồn bã
Trực bên giường… Nhưng xe trạm đến nơi
Chàng đã thấy bác chàng nằm che mặt
Trong áo quan, sắp làm mồi cho đất.

53
Tớ và chủ, mọi người luôn vội vã
Đang lăng xăng bên cạnh xác ông già.
Từ khắp nơi đủ khách quen, khách lạ,
Bạn và thù về đưa đám ông ta,
Ừ thì cốt nhân dịp này một bữa
Được ăn uống, được no nê thả cửa,
Để ăn xong, tất cả lại ra về
Với vẻ mình vừa vất vả rất ghê.
Còn nhân vật chúng ta xưa chỉ biết
Phá, ăn chơi và dạ hội suốt ngày,
Nay phải sống ở một làng tách biệt,
Làm chủ nhiều khu đất lớn, rừng cây…
Nhưng chàng thích, thế dù sao cũng được,
Vì cuộc sống quả ít nhiều khác trước.

54
Chỉ hai ngày Ônhêgin thấy lạ
Cảnh đồng xanh hoang vắng, cảnh núi đồi,
Cảnh rừng cây âm u luôn rợp lá,
Cảnh thì thầm con suối chảy. Than ôi,
Bước sang ngày thứ  ba, chàng đã nghĩ
Những cảnh trên mất hẳn phần thú vị.
Ngày tiếp theo chàng ngái ngủ, thấy buồn,
Và cuối cùng, chàng hiểu được: nông thôn
Cũng tẻ nhạt và chán chường như cũ,
Dù ở đây không phố xá, ánh đèn,
Không vũ hội, không ba-lê, thơ phú,
Mà cái buồn vẫn cứ cập kề bên,
Vẫn cứ bám theo chàng như bóng quỉ,
Như người vợ quá yêu chồng, chung thủy.

55
Tôi vốn được sinh ra cho cuộc sống
Ở thôn quê luôn yên tĩnh, hiền lành,
Nơi hoang vắng, đàn thơ thêm xúc động
Khiến trong đầu ý nghĩ lóe lên nhanh.
Far nient là điều tôi ưa thích,
Nên hay ra đứng bên hồ tĩnh mịch,
Nghỉ và chơi, tha thẩn dạo an nhàn,
Buổi sáng nào ngủ dậy cũng bình an
Hưởng cái quyền được tự do lười nhác.
Rất vô tư, tôi đọc ít, ngủ nhiều,
Không cay cú vì vinh quang, tiền bạc...
Nhưng bây giờ tôi cứ nghĩ: bao nhiêu,
Bao nhiêu tháng và năm đời đẹp nhất
Có phải chỉ vì lười, tôi để mất?

56
Tôi thích hoa, thích tình yêu, đồng cỏ,
Cảnh nông thôn lười biếng, cảnh núi đồi,
Nhưng sung sướng thấy khác nhau vẫn có
Giữa hai người - Ônhêgin và tôi.
Để ít ra không ai trong bạn đọc
Hay những kẻ chuyên vu oan cay độc
Có thể quên hay cố ý giả vờ
Không thấy điều khác hẳn của nhà thơ,
Rồi sau đó cứ nhắc đi nhắc lại
Như thể tôi trong cuốn tiểu thuyết này
Đang vẽ tôi, như Bairơn vĩ đại,
Như thực tình các thi sĩ xưa nay
Không thể viết về một ai khác lạ
Ngoài việc viết về bản thân tác giả.

57
Các nhà thơ, nhân đây xin được nói,
Đều thích yêu những cảm xúc mơ màng.
Tôi cũng thế, gặp cô nào xinh, nổi,
Là ra về lòng thấy nhớ, xốn xang,
Và ấp ủ, nâng niu hình bóng họ
Để làm mồi cho Nàng Thơ sau đó.
Thành ra tôi ca ngợi cũng khá nhiều:
Các cô nàng vùng rừng núi tôi yêu,
Rồi các nữ tù nhân xưa nô lệ
Sông Salghi bị giam giữ... Bây giờ
Nhiều người bạn thường hỏi tôi vì thế:
“Ai là người anh đã nói trong thơ?
Và trong số các cô nàng lơ lẳng,
Ai là người anh viết thơ đề tặng?

58
Ai ánh mắt dịu dàng hay rực cháy
Đã gợi nên những cảm xúc, đề tài
Giúp anh viết và viết buồn như vậy?
Trong thơ mình anh lý tưởng, khen ai?”
Ồ không ai, không ai đâu, quả thật,
Các bạn biết, tình yêu cay đắng nhất
Tôi đã qua, đã nếm thử khá nhiều.
Đúng, người nào biết kết hợp tình yêu
Với cái nóng của vần thơ - người đó
Sẽ làm thơ xúc động gấp hai lần,
Sẽ giải phóng trái tim mình đau khổ,
Cứ thi hào Pêtrac bám theo chân,
Rất có thể thành vinh quang, học vấn.
Còn tôi yêu, chỉ thành anh ngớ ngẩn.

59
Tình yêu qua là Nàng Thơ xuất hiện,
Đầu óc tôi tăm tối sáng lên dần,
Thêm lần nữa tự do, tôi tìm đến
Những âm từ và cảm xúc quen thân.
Tôi ngồi viết, tim đã thôi buồn tẻ,
Ngòi bút chảy say sưa, không còn vẽ
Bên bài thơ đang viết giở hình đầu,
Hình cặp dò những phụ nữ không đâu.
Đám tro bụi không còn mong cháy lại,
Vẫn buồn đau nhưng nước mắt khô rồi,
Và sắp tới trận cuồng phong rồ dại
Sẽ hoàn toàn tắt ngấm hẳn trong tôi.
Vâng, lúc ấy tôi bắt đầu sẽ viết
Một trường ca hăm lăm chương là ít.

60
Tôi đã nghĩ về tứ thơ, cấu trúc,
Về các tên nhân vật cuốn sách này…
Nhưng có lẽ tiểu thuyết ta đến lúc
Phải tạm dừng chương thứ nhất ở đây.
Nếu xem lại suốt từ đầu, chắc chắn
Ta sẽ thấy rất nhiều điều mâu thuẫn,
Nhưng tôi xin không chữa lại bây giờ,
Mà cứ trình quan kiểm duyệt phê thơ.
Tôi để mặc giới phê bình hết thẩy
Cứ thi nhau mà xâu xé, đạp chà.
Nào, đoạn thơ vừa viết xong, đứng dậy,
Hãy ra ngoài cùng sông nước Nêva,
Và hãy cố mang về đây tất cả -
Cả chửi khen, cả vinh quang, nhục nhã

2 comments:

  1. tác phẩm này có mấy chương thế ạ?




    ReplyDelete
    Replies
    1. Bảy chương. Mời sang blog 0912375717 nhavanthaibatan đọc tiếp.

      Delete