Monday, February 23, 2015

THƠ PHẬT - KINH HIỀN NGU - 2



15
VUA ĐẠI QUANG MINH

Người có trí lanh lợi
Thì nhận thức cũng nhanh,
Có thể biến duyên nhỏ,
Thành đại nghiệp tốt lành.

Còn những kẻ ngu dốt
Lại cộng thêm thói lười,
Thì dù gặp duyên lớn,
Cũng vô ích ở đời.

Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.

Nhiều quan dân, đệ tử
Đang chen chúc bên Ngài,
Tranh nhau dâng đồ cúng,
Không ai chịu nhường ai.

Các tỳ kheo lúc ấy,
Cả tôi, A Nan Đà,
Cũng muốn phát tâm tốt
Để được như Thích Ca.

Chúng tôi còn muốn biết
Ngài đã gặp duyên gì
Trong muôn nghìn kiếp trước
Để thành Phật từ bi.

Tôi đem ý nghĩ ấy
Thành kính bạch với Thầy.
Ngài lắng nghe, rồi kể
Một câu chuyện thế này.

Mọi người chợt im lặng.
Dường như cả núi sông
Cũng lắng nghe Ngài nói
Và ghi nhớ trong lòng.

*
Nghìn vạn kiếp về trước,
Muôn ức A Tăng Kỳ,
Cũng ở Châu Diêm Phủ,
Có ông vua từ bi.

Vua rất đỗi thông tuệ,
Tên là Đại Quang Minh.
Làm vua một nước lớn,
Ông rất yêu dân mình.

Ông có người bạn quí,
Là vua một nước gần,
Giúp đỡ nhau hào phóng
Cả vật chất, tinh thần.

Một hôm nhân săn được
Hai con voi con xinh,
Ông vua láng giềng ấy
Đem tặng vua Quang Minh.

Vua liền sai quản tượng
Huấn luyện đôi voi này.
Khi đôi voi thuần thục,
Ông quyết định chọn ngày

Đem khoe với dân chúng.
Và rồi trước đám đông
Vua cùng người quản tượng
Cưỡi voi, rất hài lòng.

Bất chợt con voi ấy,
Một con đực rất hiền,
Thế mà thấy voi cái,
Liền hứng chí, chồm lên.

Bị đuổi, voi cái chạy,
Con đực chạy theo sau.
Quản tượng cũng bất lực,
Vua thì ngã rất đau.

Chỉ một ngày sau đó
Con voi trở về nhà,
Lại hiền lành như trước,
Chỉ sầy sớt tí da.

Tuy nhiên vua tuyên bố
Không còn thích chơi voi.
Người quản tượng khốn khổ
Thì suýt bị phạt roi.

Vì nó là voi quí,
Loại hiếm có trên đời,
Lại do vua bạn tặng,
Nên ông đã hết lời

Khuyên vua hãy nghĩ lại
Mà giữ con voi này.
Vua một mực không chịu,
Bắt phải đuổi đi ngay.

Cuối cùng người quản tượng
Bèn nói với con voi:
“Vua không cần mày nữa,
Mày nên chết đi thôi.”

Rồi ông nung trong lửa
Bảy viên sắt đỏ lừ.
Ông sẽ bắt voi nuốt,
Con voi ấy hiền từ.

Con voi quì hai gối,
Nước mắt chảy ròng ròng.
Nó nhìn quanh cầu cứu.
Ai thấy cũng chạnh lòng.

Ông quản tượng quát nó,
Bắt mở miệng thật to,
Rồi bỏ từng viên sắt
Đang đỏ rực trong lò.

Con voi đành phải nuốt,
Chỉ khoảng vài phút sau
Nó nổ bụng, và chết.
Một cái chết đớn đau.

Mọi người nhìn, nhỏ lệ,
Kể cả vua Quang Minh.
Ngài gọi người quản tượng,
Bắt kể hết sự tình.

“Ngươi điều khiển được nó.
Nó tuân theo lệnh ngươi,
Tự nguyện nuốt sắt đỏ.
Một sự lạ trên đời.

Thế sao ngày hôm nọ,
Bất chợt nó chồm lên,
Sao ngươi không có thể
Bắt được nó đứng yên?”

“Tâu bệ hạ, bởi lẽ,
Là quản tượng, hạ thần
Chỉ điều khiển được xác,
Chứ không phải tinh thần.”

Vua nghe xong, tư lự,
Nhìn xác con voi con:
Thế ai điều khiển nổi
Cả thể xác, tâm hồn?”

Người quản tượng cúi lạy:
“Bẩm vua, chỉ một người.
Và đó là Đức Phật,
Người duy nhất trên đời.”

“Vì sao Phật làm được,
Phật có điều tốt gì?”
“Bẩm, một là Trí Tuệ,
Và hai là Từ Bi.

Phật làm sáu điều thiện,
Và Trí Tuệ của Ngài,
Tức sáu Ba La Mật,
Soi sáng cõi trần ai.”

Vua nghe xong, hoan hỉ,
Vào hậu cung gội đầu,
Tắm rửa rất sạch sẽ,
Một mình bước lên lầu.

Vua làm lễ, cúng khấn
Rồi phát nguyện thế này:
“Với chúng sinh, tôi hứa
Đại từ bi từ nay!”

Vua vừa dứt lời nguyện,
Bỗng chốc sáu phương trời
Khẽ rung lên chao đảo,
Vạn vật vụt sáng ngời.

*
Kể đến đây, Đức Phật,
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Vua Quang Minh ngày ấy
Là tiền thân của ta.”

Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ghi nhớ câu chuyện này,
Rồi tất cả đảnh lễ,
Cúi đầu thấp chào Thầy.

*
Vậy là ta thấy rõ,
Đức vua Đại Quang Minh
Từ một cơ duyên nhỏ
Làm nên nghiệp đại lành.

Còn những kẻ lười biếng
Mà ngu thì, tiếc thay,
Có gặp cơ duyên lớn
Cũng để tuột khỏi tay.

Nghe chuyện này của Phật,
Hãy bỏ Tham, Sân, Si,
Đặng tu hành, chứng quả
Thành đại từ, đại bi.


16
ƯU BÀ TƯ NA

Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.

Có một nước bé nhỏ
Trong vương quốc mênh mông
Của vua Ba Tư Nặc,
Dân nghèo, làm nghề nông.

Vì nghèo và ngu dốt
Luôn sống trong tối tăm,
Họ không tin theo Phật,
Nên phạm nhiều lỗi lầm.

Có môt cô gái nọ
Là Ưu Bà Tư Na,
Cũng người của nước ấy,
Môt hôm phải đi xa.

Cô sang tận Xá Vệ.
Xong việc, khi trở về,
Trọ ở nhà người bạn.
Bất ngờ cô được nghe

Các điều hay về Phật.
Cô liền theo người ta,
Đến Kỳ Hoàn Tịnh xá
Để yết kiến Thích Ca.

Thấy mặt Ngài rực sáng,
Vừa trang nghiêm vừa hiền,
Cô cúi thấp đảnh lễ,
Rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy Ngài đang bận
Giảng về Năm Điều Răn
Mà chúng ta phải tránh
Khi sống ở đời trần.

Không vi phạm Năm Giới:
Một, không được Sát Sinh.
Hai, không được Trộm Cắp,
Lấy cái không của mình.

Ba, liên quan sắc dục,
Quyết không được Dâm Tà.
Bốn, không được Nói Dối,
Nói dối là xấu xa.

Năm, không được Uống Rượu.
Rượu làm mất thông minh,
Làm tổn hại sức khỏe
Và tan nát gia đình.

Cô sụp lạy trước Phật
Khi nghe năm điều này:
“Con cảm ơn duyên phước
Được gặp Ngài hôm nay.

Con sẽ theo Ngũ Giới,
Không một phút xa rời.
Nó giúp con giác ngộ,
Sống ngay thẳng ở đời.”

Rồi cô xin Đức Phật
Trao cho cô cuốn Kinh.
Ngài cho cuốn “Pháp Cú”
Dặn mang về nhà mình

Tụng hàng ngày, sáng tối.
Cô vui mừng, hả hê.
Cúi đầu lễ ba lễ
Rồi vội vã ra về.

Thấm nhuần giáo lý Phật,
Cô tụng niệm hàng ngày,
Coi cuộc đời có thật
Như gió thổi mây bay.

Một hôm vào Tịnh xá
Để viếng thăm tỳ kheo,
Cô thấy có một vị
Ốm nặng, nằm còng queo.

Cô an ủi, rồi hỏi
Ông cần gì, người này
Nói chỉ cần ít thịt,
Ăn vào là khỏi ngay.

Về nhà cô vội vã
Sai con ở đi mua.
Tiếc không ai bán thịt
Vì lệnh cấm của vua.

Tìm mua mãi không được,
Cả khi giá gấp mười.
Cuối cùng cô cho cắt
Một miếng thịt trên người.

Con ở đem nấu chín,
Mang cho vị tỳ kheo.
Ông kia ăn, bỗng chốc
Hết cơn bệnh hiểm nghèo.

Sau khi tự xẻo thịt,
Cô Ưu Bà Tư Na
Đau đớn, nằm một chỗ,
Không đi ra khỏi nhà.

Chồng cô, vốn ghét Phật,
Tra hỏi, biết sự tình,
Bèn tìm Phật trách mắng,
Suýt nổi giận lôi đình.

Nhưng anh này sợ vợ.
Bị vợ trách, anh ta,
Thấy vợ dọa tự tử,
Đành mời Phật đến nhà.

Khi Phật và đệ tử
Đến nhà để thọ trai,
Cô đau không dậy nổi
Để đi ra tiếp Ngài.

Phật liền bảo đầy tớ
Cứ vào bê cô ra.
Thế là nằm trên cáng,
Cô trình Phật Thích Ca.

Ngài liền dùng công lực
Phóng những tia quang minh.
Vết thương đau liền lại,
Cô khỏe mạnh, yên lành.

Cô vui mừng, kính sợ,
Sụp lạy thấp trước Ngài,
Lấy nước rửa chân Phật,
Rồi mời Ngài thọ trai.

Dùng cơm xong, Đức Phật
Thuyết “Mười Hai Nhân Duyên”,
“Bố Thí” rồi “Trì Giới”,
Và cả phép định thiền.

Cô nghe xong, đoạn tuyệt
Với tức giận, lòng tham
Cùng si mê thân dục,
Chứng quả A Na Hàm.

Người chồng cô ương bướng
Bỏ được các giáo tà,
Kính trọng ngôi Tam Bảo,
Một lòng theo Thích Ca.

Nhiều người dân bản xứ
Tin theo Phật, qui y,
Trở thành các phật tử
Bác ái và từ bi.

Tôi và các đệ tử
Nghe xong chuyện Thích Ca,
Cúi chào Ngài cung kính
Rồi hoan hỉ lui ra.


17
XUẤT GIA CÔNG ĐỨC

Chính tôi được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Tại kinh thành Vương Xá
Của nước Ma Già Đà.

Lúc ấy Ngài thuyết pháp
Về xuất gia, qui y,
Rằng suốt nghìn vạn kiếp
Với chúng sinh, không gì,

Không gì quí và tốt
Bằng con người xuất gia
Để một lòng theo Phật,
Tâm và trí yên hòa.

Có một ông trưởng giả,
Tên Thi Lợi Bí Đề,
Vừa đúng một trăm tuổi,
Hôm ấy cũng đứng nghe.

Ông nghĩ, ta trăm tuổi,
Như thế đã là già,
Đang bị vợ con ghét.
Sao ta không xuất gia?

Rồi ông đến Tịnh xá
Xin gặp Đức Thế Tôn.
Ngài lúc ấy đi vắng,
Nên ông thấy rất buồn.

Tôn giả Xá Lợi Phất
Thấy ông yếu, lại già,
Từ chối không chịu nhận
Cho làm người xuất gia.

Ông buồn, ra Vườn Trúc
Khóc, than thở một mình.
Bỗng ngước lên và thấy
Chính Đức Phật hiện hình.

“Có chuyện gì phải khóc,
Hỡi Thi Lợi Bí Đề?”
“Bạch Thế Tôn,” ông đáp,
Nước mắt vẫn dầm dề.

“Bao nhiêu người hạ tiện,
Kẻ nói dối, gian tà,
Cả những tên tội phạm
Đều được phép xuất gia.

Thế mà con, trăm tuổi,
Sống lương thiện suốt đời,
Sao con không được phép
Xuất gia như mọi người?”

Phật lựa lời an ủi,
Làm ông thấy yên lòng,
Nhận ông vào Tịnh Xá,
Cho người giúp đỡ ông.

Người đó là tôn giả
Mục Kiền Liên đại tài.
Tôn giả không thích lắm,
Nhưng không dám hỏi Ngài.

Trong Tịnh Xá Vườn Trúc,
Ông Thi Lợi Bí Đề
Dù đã rất cố gắng
Vẫn thường bị cười chê.

Nhất là tỳ kheo trẻ,
Thấy ông yếu, lại già,
Làm cái gì cũng chậm,
Và họ thường kêu ca.

Cuối cùng không chịu nổi
Cảnh người khác khinh mình,
Một hôm ông quyết định
Sẽ liều mình quyên sinh.

Đúng lúc ông sắp nhảy
Từ mõm núi xuống sông,
Mục Kiền Liên nhìn thấy
Bằng thiên nhãn thần thông.

Tôn giả bắt ông lão
Bám chặt áo của mình.
Hai người trong nháy mắt
Bay vút lên trời xanh.

Rồi một nháy mắt nữa,
Mục Kiền Liên đưa ông
Tới một hòn đảo vắng
Giữa biển trời mênh mông.

Ngài chỉ cho ông thấy
Một núi xương đen sì.
“Bạch hòa thượng,” ông hỏi.
“Núi xương này là gì?”

Mục Kiền Liên liền đáp:
“Tồn tại đã nghìn đời,
Đấy là cá Ma Kiệt,
Một tiền kiếp của ngươi.

Có nhân thì có quả,
Ở hiền sẽ gặp hiền.
Ở ác sẽ gặp ác.
Vạn sự có nhân duyên.”

*
Rồi ngài kể câu chuyện
Rằng cách đây rất lâu,
Có một ông vua tốt,
Kinh và giới thuộc làu.

Ông luôn dùng chính pháp
Để xua cái tối tăm.
Yên bình, ông trị nước
Đã hơn hai mươi năm.

Một hôm, vua vui vẻ
Chơi bài với cận thần.
Vừa lúc có người nọ
Bị ghép tội sát nhân.

Quan tòa vào, cúi hỏi
Nên xử tội thế nào.
Vua mải chơi, bèn đáp:
“Cứ xử thật nặng vào.”

Xử thật nặng, theo luật,
Là phải đem chém đầu.
Khi chơi xong, vua hỏi:
“Người phạm tội ấy đâu?”

“Tâu bệ hạ, người ấy
Đã chết, theo lệnh ngài.
Ngài đã ra lệnh chém
Khi đang ngồi chơi bài.”

Vua nghe xong, hốt hoảng:
“Thế là ta giết người.
Ta sẽ bị đầy đọa
Trong bể khổ muôn đời.”

Rồi ông bỏ lên núi,
Chăm kinh kệ hàng ngày,
Cố tu nhân tích đức
Để thoát nghiệp chướng này.

Nhưng theo luật nhân quả,
Ông chết, phải suốt đời
Làm con cá Ma Kiệt
Quằn quại giữa trùng khơi.

Bị đói, bị truy bức,
Con cá ấy khổng lồ
Chịu đau đớn, và chết,
Thành một núi xương to.

*
“Ông vua tốt bụng ấy
Chính là ngươi ngày nay.
Tốt, nhưng giết người khác,
Cũng chịu nghiệp báo này.”

Mục Kiền Liên nói thế
Với pháp tử của mình.
Tiếp đến ngài giảng thuyết
Về các giới và kinh.

Bí Đề nghe chăm chú,
Nghe như uống từng lời,
Rồi chứng A La Hán,
Và được lên cõi trời.

“Giờ ngươi là La Hán,
Vậy hãy bay theo ta.
Không còn như lần trước
Phải bám áo cà-sa.

Nói đoạn, nhún một cái,
Tôn giả Mục Kiền Liên
Lao tít lên trời thẳm,
Vun vút như mũi tên.

Bí Đề, A La Hán,
Xé gió bay phía sau,
Như chim con, chim mẹ
Đang thi bay với nhau.

Một chốc họ đã đến
Vườn Trúc Ca Lan Đà.
Hai thầy trò cúi lạy
Trước Đức Phật Thích Ca.

Ngài hoan hỉ hỏi chuyện,
Rồi ngỏ lời khen ông:
“Sống đến một trăm tuổi,
Vẫn xuất gia thành công.

Vậy sao người trẻ tuổi
Không theo ông già này
Để ân đức nhiều kiếp
Ngày một đắp thêm dày?”

Các chư tăng, đệ tử,
Cả tôi, A Nan Đà,
Hoan hỉ nghe Ngài nói,
Đảnh lễ, rồi lui ra.


18
CHÚ TIỂU TUẪN TIẾT ĐỂ GIỮ GIỚI

Sau khi Phật viên tịch,
Xưa, ở nước An Đà,
Có nhà sư khổ luyện,
Tu hạnh Đại Đầu Đà.

Ngài vào nơi vắng vẻ,
Một mình, xa lánh đời,
Ăn mỗi ngày một bữa,
Chỉ manh áo trên người.

Ngài là người đức hạnh,
Có đủ tám lục thông,
Tam minh, lục phép giải,
Huyền diệu về khí công.

Ngài không đi khất thực.
Do quí ngài, xưa nay
Một người Ưu Bà Tắc
Mang cơm cúng hàng ngày.

Lần nọ, bỗng người ấy
Cùng gia đình đi xa,
Chỉ để cô con gái
Ở lại trông coi nhà.

Suốt cả ngày, cô gái
Đóng cửa, không ra ngoài.
Cô quên, hoặc chủ ý,
Không dâng cơm cho ngài.

Nhà sư lấy làm lạ,
Sai chú tiểu của mình
Đến tận nhà để lấy,
Nhân tiện hỏi binh tình.

Chú tiểu này, phải nói,
Trong trắng và thật thà.
Chú vừa được bố mẹ
Gửi gắm vị sư già.

Đến nơi, cô gái trẻ
Mời chú vào bên trong,
Nhanh chóng khóa cửa lại,
Rồi lôi chú vào phòng.

Cô buông lời tán tỉnh,
Lộ liễu và sa đà.
Chú tiểu thì hốt hoảng,
Chắp tay niệm Thích Ca.

Chú viện cả địa ngục
Để cô gái kia thôi.
Thế mà cô gái ấy
Cứ xấn xổ, và rồi,

Không còn cách nào khác,
Chú tiểu đành giả vờ
Đồng ý chiều cô gái,
Bảo ra ngoài đứng chờ.

Cô gái chờ, chờ mãi,
Không thấy chú gọi vào.
Cuối cùng phải phá cửa,
Và rồi, hãi hùng sao,

Thấy chú tiểu đã chết,
Tự đâm vào ngực mình.
Nằm sóng soài dưới đất.
Cô kêu lên thất kinh.

Ông bố về, biết chuyện,
Chỉ buồn, không ngạc nhiên,
Vì biết không thể tránh
Chuyện nghiệp chướng tiền duyên.

Theo luật, ai vô phúc
Để sư chết nhà mình,
Bị phạt một nghìn lạng,
Nếu không, sẽ tử hình.

Ông đem vàng, tự nguyện
Đến nộp vua An Đà.
Vua đến xem tại chỗ,
Không nhận vàng, rồi tha.

Chú tiểu tự tuẫn tiết,
Một tấm gương sáng ngời
Về chân tu, giữ giới.
Đáng lưu lại cho đời.

Rồi ngài cho làm lễ,
Đúng nghi thức hoàng gia,
Để hỏa thiêu chú tiểu.
Nam Mô A Di Đà.


19
NGƯỜI CON DỊ TẬT

Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.

Có một ông trưởng giả,
Vừa giàu vừa hiền tài.
Sinh năm cô con gái,
Nhưng không có con trai.

Theo luật của Xá Vệ,
Có từ bao đời nay,
Ai chỉ toàn con gái,
Ông bố chết, sau này

Thì toàn bộ tài sản
Gồm nhà cửa và tiền
Cùng đầy tớ, ruộng đất
Phải giao cho chính quyền.

Chẳng bao lâu, ông chết.
Cô con cả của ông
Gặp vua Ba Tư Nặc,
Nước mắt chảy ròng ròng:

“Bẩm vua, bố con chết,
Nhưng mẹ con mang thai.
Có thể còn hy vọng
Bà sẽ sinh con trai.”

Vua nghe, thấy có lý,
Bảo các quan cứ chờ
Chưa tịch thu tài sản.
Và rồi đúng, không ngờ,

Bà mẹ cô sinh hạ
Một cậu bé, con trai,
Có điều không có mắt,
Không lưỡi, mũi và tai.

Cô gái thấy sự lạ,
Đến hỏi Phật Thích Ca.
Ngài kể một câu chuyện,
Cho tôi, A Nan Đà.

*
Xưa, một nhà giàu nọ
Có hai người con trai.
Anh cả tên Đàn Nhã,
Thi La, em thứ hai.

Người anh vốn trung thực,
Được nhà vua tin yêu,
Cho giữ chức Bình Sự,
Một quan tòa trong triều.

Theo luật pháp thời ấy,
Vay không cần giấy tờ.
Quan tòa chứng là đủ.
Đã thế tự bao giờ.

Ông em rất giàu có,
Cho vay lấy lãi ròng.
Có ông lái buôn nọ,
Một hôm đến vay ông.

Mà vay số tiền lớn
Để làm vốn buôn xa.
Theo lệ, không văn tự,
Không ký cược ruộng nhà.

Người em dẫn con nợ
Cùng vào phủ gặp anh,
Nhờ anh làm chứng hộ,
Trước mặt đứa con mình.

Mấy tháng sau ông chết.
Người lái buôn chìm tàu,
Nên không thu được nợ.
Nỗi đau chồng nỗi đau.

Nhưng lần buôn sau đó,
Nhờ người khác cho vay,
Các tàu buôn cập bến,
Lãi rất lớn, ông này

Cứ ngơ, không trả nợ,
Rồi nói chẳng hề vay.
Hối lộ vợ Bình Sự,
Nhờ lo êm việc này.

Quan Bình Sự gặp khó.
Một bên, vợ mè nheo.
Bên kia là cháu ruột.
Quả là thế hiểm nghèo.

Đã trót nhận ba vạn,
Bà vờ cứ nài ông,
Lại còn dọa tự tử,
Cuối cùng ông mềm lòng.

Thế là ông tuyên bố
Chẳng ai nợ ai gì,
Rằng việc phức tạp lắm.
Thôi, cháu về, về đi.

Một ông quan liêm khiết
Bị bà vợ hám tiền
Bắt bẻ trái công lý
Để rồi chịu nhân duyên.

Đứa bé kia tội nghiệp
Không tai mũi, không tay
Không cả lưỡi và mắt
Là quan Bình Sự này.

*
Nghe Phật kể, tất cả
Gồm tôi, A Nan Đà,
Đồng lòng ca ngợi Phật,
Rồi cúi thấp, lui ra.


20
TRUYỆN HAI VỢ CHỒNG NGHÈO

Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.

Có hai vợ chồng nọ
Sinh con gái đầu lòng.
Một cô bé thật đẹp,
Da mịn, trắng như bông.

Lạ là cô bé ấy
Khi vừa mới ra đời
Đã thấy giải lụa trắng
Bọc chặt xung quanh người.

Thầy tướng được mời đến:
“Điềm may, đừng lo gì.”
Rồi ông cho làm lễ,
Đặt tên là Thúc Ly.

Cô Thúc Ly khôn lớn,
Cũng lớn mảnh lụa con.
Xinh đẹp, lại giàu có,
Nên nhiều người cầu hôn.

Tuy nhiên, cô một mực
Không muốn rời mẹ cha.
Cuối cùng cúi xin họ
Cho theo Phật, xuất gia.

Bố mẹ cô đồng ý,
Đưa cô đến gặp Ngài.
Phật hoan hỉ chấp nhận,
Nói: “Tỳ Kheo Thiện Lai!”

Lập tức, tóc cô rụng.
Chiếc áo mặc trên người
Biến thành cà-sa Phật,
Vừa vặn, màu còn tươi.

Lấy thế làm sự lạ,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ câu chuyện,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.

*
Trước chư tăng, Phật tử,
Ngài kể câu chuyện này:
“Vô lượng kiếp về trước,
Hàng vạn năm cách đây,

Từng có một Đức Phật,
Hiệu là Tỳ Bà Thi.
Ngài và các đệ tử,
Dạy bác ái, từ bi.

Lúc thuyết giảng đạo pháp
Hay khất thực, đâu đâu,
Mọi người tranh dâng lễ,
Cả người nghèo, người giàu.

Ngày ấy có nhà nọ,
Nghèo đến mức hai người
Chỉ có một chiếc áo
Để trưng diện với đời.

Chồng ăn xin thì vợ
Đành ở nhà nằm co.
Vợ ra ngoài, chồng phải
Chui vào đống cỏ khô.

Một hôm cô vợ gặp
Một tỳ kheo từ bi.
Ông này khuyên cô sớm
Cúng Phật Tỳ Bà Thi.

Cô vợ nghe có lý,
Bàn với chồng việc này.
Phải cúng Phật gì đó,
Mong hưởng lộc có ngày.

Khốn nỗi, họ nghèo quá.
Chẳng có gì trên đời.
Cuối cùng họ nhất trí
Cúng chiếc áo trên người.

Thế là cô vội vã
Mời sư già cùng đi
Đến nhận lễ cô cúng
Cho Phật Tỳ Bà Thi.

Có điều ông phải đứng
Chờ ngoài sân, để cô
Dùng gậy đưa chiếc áo,
Vì cô đang lõa lồ.

Ông tỳ kheo cảm động
Khi biết rõ sự tình,
Liền đem chiếc áo ấy
Về dâng Phật anh linh.

Đức Phật cúi xuống đỡ,
Nâng cao bằng hai tay
Như nâng một báu vật,
Chiếc áo người ăn mày.

*
Kể xong câu chuyện ấy,
Phật Thích Ca Mâu Ni
Nói: “Người đàn bà nọ
Là tỳ kheo Thúc Ly.

Nhờ cúng dàng chiếc áo
Duy nhất của hai người,
Mà cô được ân phước
Trong chín mốt kiếp đời.”

Chúng tôi nghe, cảm động,
Ca ngợi Phật Thích Ca,
Cúi thấp đầu đảnh lễ
Rồi cung kính lui ra.


21
BÀ LÃO BÁN CÁI NGHÈO CỦA MÌNH

Một lần, ở nước nọ,
Tôn giả Ca Chiên Chiên,
Một trong mười đệ tử
Đại đức và đại hiền,

Chợt thấy có bà lão
Đang ngồi khóc bên sông.
Trên đôi má nhăn nhúm
Nước mắt chảy ròng ròng.

“Sao bà lão lại khóc?”
Ngài dừng lại, hỏi bà.
“Bạch ngài, con già yếu,
Đi ở cho người ta.

Phải làm lụng vất vả,
Không một phút nghỉ ngơi.
Có lỗi còn bị đánh,
Ăn chỉ đủ cầm hơi.

Quần áo, như ngài thấy,
Vá chằng đụp thế này.
Vậy sao con không khóc,
Xót nỗi niềm xưa nay?”

“Thế thì bà nghèo thật.”
Ngài nói. “Không có gì
Ngoài chính sự nghèo đói.
Thì bà bán nó đi.”

“Ngài nói bán nghèo đói?
Ai mua? Bán thế nào?”
“Nếu muốn, tôi bán giúp.
Sẽ bán được, không sao.

Giàu có mà vô đạo
Sẽ tha hóa con người.
Nghèo đói làm từ thiện
Sẽ hưởng phước muôn đời.”

Bà lão nghèo khổ ấy
Trên người chẳng có gì
Ngoài chiếc bình xách nước
Của nhà chủ, đen sì.

Ngài bảo bà tắm gội
Rồi đem bình xuống sông,
Lấy nước dâng sư uống,
Hãy chọn chỗ nước trong.

Theo lời tôn giả dặn,
Tối hôm ấy bà già
Suốt đêm ngồi ngoài cổng,
Không ngủ trong chuồng gà.

Hai tay chắp trước ngực,
Vô lo, lòng tĩnh yên,
Bà chú tâm niệm Phật,
Phiêu diêu trong cõi thiền.

Đúng nửa đêm bà chết
Hồn nhè nhẹ bay cao
Lên cõi trời Đạo Lợi
Nhấp nháy những vì sao.

Từ đấy, hàng nghìn kiếp,
Đầu thai thành người giàu,
Bà là người hạnh phúc,
Thoát hết mọi buồn đau.

Vậy là bà đã bán
Cái nghèo đói của mình,
Qua bình nước dâng cúng,
Để mua sự yên bình.


22
KIM THIÊN

Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.

Có ông lái buôn nọ
Sinh được người con trai,
Da mịn và vàng óng,
Rất xinh đẹp hình hài.

Khi cậu sinh, thật lạ,
Tự nhiên đất nứt ra
Thành chiếc giếng sâu, rộng,
Nằm ngay trước vườn nhà.

Giếng mỗi bề tám thước,
Và cũng tám thước sâu.
Nước rất thơm và ngọt,
Uống vào thấy no lâu.

Hơn thế, dưới lòng giếng
Đầy những đồng tiềng vàng.
Bố cậu lấy, phân phát
Cho mọi người trong làng.

Bố mẹ đặt cho cậu
Cái tên đẹp Kim Thiên,
Rất đúng với ý nghĩa
Bỗng dưng trời cho tiền.

Cậu là người thông tuệ,
Đức hạnh và thâm sâu.
Đến tuổi, bố mẹ cậu
Cho người tìm cô dâu.

Nước bên có cô gái
Tên là Kim Quang Minh.
Nước da cũng vàng chói,
Nhu mì và rất xinh.

Thông qua các bà mối,
Họ thành vợ, thành chồng.
Quả trai tài gái sắc,
Mọi cái thật tương đồng.

Muốn con thấm nhuần Phật,
Ông bố cho mời Ngài
Cùng chư tăng phật tử
Đến nhà mình thọ trai.

Dùng cơm xong, Đức Phật
Thuyết giảng cho mọi người
Về Tám Điều Khổ Ải
Luôn bám riết kiếp người.

Là Sinh, Lão, Bệnh, Tử,
Là Nỗi Khổ Chia Ly,
Là Cầu Mong Không Được,
Là Thù Hận, Sân Si.

Nghe xong lời Phật dạy,
Hai vợ chồng Kim Thiên
Tâm trí mở mang hẳn,
Như vừa uống nước tiên.

Khi Phật về Tịnh Xá,
Họ cúi xin mẹ cha
Cho phép được thoát tục
Để qui y xuất gia.

Bố mẹ họ đồng ý,
Dẫn con đến gặp Ngài.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Tỳ Kheo Thiện Lai!”

Áo biến thành áo Phật,
Tóc họ rụng tức thì.
Kim Quang Minh được ở
Cùng các tỳ kheo ni.

Họ chuyên tâm tu luyện
Nên tiến bộ rất nhanh,
Chứng quả A La Hán,
Giỏi “Lục Thông”, “Tam Minh”.

Lấy thế làm sự lạ,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ câu chuyện,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.

Trước chư tăng, Phật tử,
Ngài kể câu chuyện này:
“Chin mươi mốt kiếp trước,
Hàng vạn năm cách đây,

Từng có một Đức Phật,
Hiệu là Tỳ Bà Thi.
Ngài và các đệ tử,
Dạy bác ái, từ bi.

Khi Đức Phật viên tịch,
Các tỳ kheo thay thầy
Đi giáo hóa dân chúng
Đều đặn ngày lại ngày.

Mọi người rất háo hức
Cúng dàng các tỳ kheo.
Một lần, ở làng nọ
Có đôi vợ chồng nghèo.

Họ cũng muốn bố thí,
Nhưng rất tiếc, trong nhà
Không có nổi bát gạo,
Không vải may cà-sa.

Họ tủi thân, ngồi khóc,
Không dám ra đường làng.
Nghĩ mãi vẫn không biết
Lấy gì đem cúng dàng.

Cuối cùng người vợ nói:
“Ta thử tìm khắp nơi.
Biết đâu ta tìm thấy
Cái gì đó của trời.”

Túp lều họ xiêu vẹo,
Toàn rác rưởi ngổn ngang
Thế mà họ tìm thấy
Một đồng tiền bằng vàng.

Đồng vàng ấy có thể
Giúp họ thoát cảnh nghèo.
Nhưng họ không do dự
Đem cúng các tỳ kheo.

Và nhờ nó, khi chết,
Linh hồn của hai người
Lên cõi trời Đạo Lợi,
Hưởng vinh hiển muôn đời.

*
Kể đến đây, Đức Phật
Nói: “Hai người nghèo này
Là Kim Thiên và vợ
Đang có mặt hôm nay.

Suốt chín mươi mốt kiếp,
Nhờ cúng đồng tiền vàng,
Họ gặp toàn ân phước,
Giờ đắc đạo dễ dàng.”

Tôi và các đệ tử
Lắng nghe Phật Thích Ca,
Trong lòng rất hoan hỉ,
Cúi đầu chào, đi ra.


23
TRÙNG TÍN

Lần ấy, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.

Có một ông phú hộ,
Nhiều ruộng đất, nhiều tiền,
Hiềm nỗi con không có,
Nên hay viếng chùa chiền.

Cầu cúng mãi, bà vợ
Sinh được cậu con trai,
Một quí tử đích thực,
Có tướng người hiền tài.

Hai ông bà mừng lắm.
Một hôm họ đi chơi.
Bên bờ sông vui vẻ
Ăn uống rồi nói cười.

Bà mẹ muốn con thích,
Cứ tung nó lên không.
Rồi nhỡ tay, bất chợt,
Đứa con rơi xuống sông.

Bà kêu lên hốt hoảng.
Mọi người nhảy xuống tìm,
Nhưng tìm mãi không thấy,
Thương đứa bé chết chìm.

Phía cuối dòng sông ấy
Có một xóm nghề chài.
Một ông nhà giàu khác
Đang cầu tự con trai.

Hôm đó ông quăng lưới,
Bắt được con cá hồng,
Về mổ cá, chợt thấy
Có đứa bé bên trong.

Đứa bé ấy chưa chết,
Thậm chí đang ngủ say.
“Bao năm cầu xin mãi,
Trời cho thằng bé này!”

Họ mừng lắm, từ đấy
Chăm nuôi như con mình.
Một đứa bé tướng tốt,
Bụ bẫm và thông minh.

Trong khi bố mẹ cậu
Cuối cùng cũng dò ra
Rằng đứa bé còn sống,
Rồi tự tìm đến nhà.

Hai gia đình tranh cãi.
Ai cũng bảo con mình.
Chuộc lớn cũng không được,
Đành nhờ vua phân minh.

Vua phán: “Cậu bé ấy
Con chung của cả hai.
Hai nhà phải chung sức
Nuôi khôn lớn, thành tài.

Đến tuổi lập gia thất,
Mỗi nhà sẽ tự mình
Cưới cho cậu một vợ.
Cháu sẽ là cháu mình.”

Họ cúi đầu vâng lệnh.
Rồi chỉ mấy năm sau
Cậu có hai bà vợ,
Đông con và rất giàu.

Một hôm, như thường lệ,
Có việc phải xa nhà,
Ngẫu nhiên cậu may mắn
Gặp Đức Phật Thích Ca.

Cậu nghe Phật thuyết pháp
Về các giới, các kinh
Mà như cây khô hạn
Được tưới nước trong lành.

Trở về, cậu lễ phép
Cúi xin cả hai nhà
Cho giã từ cõi tục
Để qui y xuất gia.

Dẫu không thật thích lắm,
Nhưng rồi hai gia đình
Cuối cùng cũng miễn cưỡng
Chiều theo ý con mình.

Họ làm lễ cúng Phật.
Cho con cùng đi theo.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”

Lập tức, tóc rụng hết,
Áo thành áo cà sa.
Và rồi tỳ kheo mới
Được Đức Phật Thích Ca

Đặt pháp hiệu Trùng Tín.
Sư chăm lo tu hành,
Đắc quả A La Hán
Dễ dàng và rất nhanh.

Lấy thế làm sự lạ,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ câu chuyện,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.

Trước chư tăng, Phật tử,
Ngài kể câu chuyện này:
“Chín mươi mốt kiếp trước,
Hàng nghìn năm cách đây,

Từng có một Đức Phật,
Hiệu là Tỳ Bà Thi.
Ngài và các đệ tử,
Dạy bác ái, từ bi.

Một lần Phật thuyết giảng
Về ân phước muôn đời
Của Bố Thí, Trì Giới
Cho đám đông nhiều người.

Trong đấy có ông lão
Vốn rất hay cúng dàng.
Lần ấy ông hào phóng
Cúng Phật một đồng vàng.

*
Kể xong, Đức Phật nói:
“Ông lão cúng vàng này
Đầu thai qua nhiều kiếp,
Là Trùng Tín ngày nay.”

Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.


24
NĂM TRĂM NGƯỜI ĂN MÀY

Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.

Ngoài tôi ra còn có
Một nghìn hai trăm người,
Các tỳ kheo, đệ tử
Nguyện theo Ngài suốt đời.

Thời ấy thường luôn có
Năm trăm người ăn mày
Cứ bám theo Đức Phật
Để kiếm ăn hàng ngày.

Đám ăn mày đông đúc
Một hôm bàn với nhau:
Ta ăn xin Phật mãi
Không phải kế dài lâu.

Chi bằng ta xin Phật
Cho làm người xuất gia,
Vừa giải thoát trước mắt,
Vừa đỡ phải lo xa.

Rồi họ quì trước Phật,
Xin được làm tỳ kheo.
Phật dạy: “Đạo ta lớn,
Không phân biệt giàu nghèo.

Không phân biệt đẳng cấp
Cao thấp hoặc sang hèn.
Ai có lòng, người ấy
Được mời vào cửa thiền.”

Nghe Phật nói như thế,
Cả bọn cảm ơn Ngài.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Tỳ Kheo Thiện Lai!”

Lập tức, quần áo họ
Biến thành áo cà-sa.
Tóc rụng hết, và họ
Thành người của Thích Ca.

Rất chăm lo tu luyện,
Năm trăm người ăn mày
Chứng quả A La Hán.
Thật lạ lùng chuyện này.

Thấy thế, nhiều hào trưởng
Và phật tử nghĩ rằng
Cho ăn mày chứng quả
Là việc không công bằng.

Cũng suy nghĩ như thế
Là Thái Tử Kỳ Đà.
Ông sửa soạn chay lễ
Mời Đức Phật đến nhà.

Ông cho người dặn trước,
Rằng ông chỉ mời Ngài
Cùng chư tăng đệ tử,
Và “không mời thêm ai”.

Đức Phật hiểu, cười mỉm,
Bảo những người ăn mày,
Giờ là các La Hán,
Phải thế này, thế này…

Hôm sau, khi Đức Phật
Đã an tọa trong phòng,
Bỗng năm trăm La Hán
Bay xuống từ trên không.

Họ oai nghi, đĩnh đạc,
Có tướng mạo thần linh.
Thái Tử mừng, chợt nghĩ:
Thật phúc đức nhà mình.

Ông quay sang hỏi Phật
Là ai các vị này.
“Là năm trăm La Hán
Trước vốn là ăn mày.”

Thái Tử lấy làm lạ
Bèn hỏi Phật vì sao
Những người này hèn kém
Giờ thành bậc thanh cao.

Thích Ca Mâu Ni Phật,
Như nhiều lần trước đây,
Đã kể một câu chuyện
Để giải thích điều này.

*
Cách đây vô lượng kiếp,
Một nước rộng bao la
Có một ngọn núi lớn
Tên là Sự Bạt Ta.

Thời đó, trên núi ấy
Có đúng hai nghìn người
Gọi là Bích Chi Phật
Đã sinh sống bao đời.

Bỗng thần linh nổi giận,
Hạn hán mười năm liền.
Đồng cháy khô, dân đói,
Đâu cũng nghe tiếng rên.

Có một ông trưởng giả,
Tên là Tán Đà Ninh.
Nhà ông giàu, nhiều thóc,
Thường giúp đỡ dân tình.

Do ở lâu trên núi,
Bị thiếu ăn nhiều ngày.
Một nghìn Bích Chi Phật
Phải đến gặp ông này.

Họ nói: “Thưa trưởng giả,
Lương thực chẳng còn gì.
Ông giúp chúng tôi chứ?
Không, chúng tôi sẽ đi.”

Ông trưởng giả liền đáp:
“Mời các vị ngồi chơi.
Xin chờ cho một chốc,
Chúng tôi sớm trả lời.”

Ông hỏi người quản lý:
“Liệu kho thóc nhà ta
Nuôi đủ nghìn cư sĩ
Ăn và ở trong nhà?”

Người kia đáp: “Dạ được.
Thóc trong kho còn nhiều,
Nuôi đủ một nghìn vị,
Ba bữa sáng, trưa, chiều.”

Ông trưởng giả quay lại:
“Các vị đã đến đây,
Thì chúng tôi thành kính
Mời ở lại nhà này.”

Hôm sau, nghìn vị khác
Lại kéo đến, thật đông.
Một nghìn bạn của họ
Đang tá túc nhà ông.

Họ nói: “Thưa trưởng giả,
Lương thực chẳng còn gì.
Ông giúp chúng tôi chứ?
Không, chúng tôi sẽ đi.”

Ông trưởng giả liền đáp:
“Mời các vị ngồi chơi.
Xin chờ cho một chốc,
Chúng tôi sớm trả lời.”

Ông lại hỏi quản lý:
“Liệu kho thóc nhà ta
Có đủ để nuôi cúng
Nghìn vị nữa trong nhà?”

Quản lý đáp: “Còn đủ.”
Thế là ông rộng lòng
Nuôi hai nghìn cư sĩ
Ăn ở tại nhà ông.

Hơn thế, ông trưởng giả
Thuê những năm trăm người
Lo cơm nước, giặt giũ
Và hầu hạ nghỉ ngơi.

Năm trăm người hầu ấy
Phải làm việc luôn tay.
Mệt quá, họ thầm rủa
Đám “đạo sĩ ăn mày”.

Vô tình hay chủ ý,
Có lần họ còn quên
Không mời các đạo sĩ
Thọ trai và ngự thiền.

May những lần như thế,
Có con chó lông vàng
Chạy đến sủa mấy tiếng,
Báo đến giờ cúng dàng.

Về sau con chó ấy
Được đầu thai làm người,
Sớm biết ngôi Tam Bảo,
Nhận ân phước suốt đời.

Một hôm, các đạo sĩ
Bảo trưởng giả thế này:
“Trời sắp có mưa lớn,
Hãy chuẩn bị cấy cày.”

Quả nhiên, trời mưa thật,
Lúa xanh mởn một màu,
Nhưng thật lạ, cây lúa
Lại cho những trái bầu.

Những trái bầu lạ ấy
To, chín dần ngoài đồng,
Khi thu hoạch đem bổ,
Thấy lúa đầy bên trong.

Ông trưởng giả mừng lắm.
Vụ ấy ông trúng to.
Ngoài số giúp dân chúng,
Thóc còn chất đầy kho.

Năm trăm người đầy tớ
Thấy sự lạ lúa - bầu,
Biết các vị linh hiển,
Bèn vội vã cúi đầu

Xin các Bích Chi Phật
Tha tội láo, dèm pha.
Các vị phát lòng thiện
Và cuối cùng đã tha.

*
Kể đến đây, Đức Phật
Bảo mọi người thế này:
“Năm trăm người đầy tớ
Phải thành người ăn mày

Trong suốt năm trăm kiếp
Vì một lời dèm pha.
Còn ông trưởng giả ấy
Là tiền thân của ta.”

Thái Tử và dân chúng
Vừa nghe Ngài thuyết xong,
Liền cung kính sụp lạy,
Rất hoan hỉ trong lòng.

Mọi người nghe, ngưỡng mộ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.


25
BỐ THÍ ĐẦU MÌNH

Chính tôi được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Khi Ngài đang lưu trú
Trong vườn cây A La.

Ngài bảo tôi: “Vạn vật
Ở đời này nhiễu nhương,
Có sinh là có tử,
Chuyện ấy rất bình thường.

Phải có tứ thần túc
Mới được một kiếp người.
Mà ta thì cũng vậy,
Tứ thần túc, một đời.

Thử hỏi con có biết,
Kể từ ngày hôm nay
Ta sống bao lâu nữa
Ở cõi vô thường này?”

Tôi đứng im, tắc tị.
Ngài bảo: “Con lui ra,
Suy ngẫm cho thật kỹ,
Rồi quay vào bảo ta.”

Tôi vừa rời Tịnh Xá
Thì có ma Ba Tuần
Đến cúi chào Đức Phật,
Nhắc Ngài nhập Niết Bàn.

“Đức Thế Tôn giáo hóa,
Tế độ thế là lâu.
Nay tuổi cao, sức yếu,
Nên để dành kiếp sau.”

Đức Phật lấy dúm đất,
Để lên lòng bàn tay:
“Số người ta giáo hóa
Chỉ bằng nhúm đất này.

Trong khi người cần cứu
Đầy rẫy khắp thế gian.
Không sao, ba tháng nữa
Ta sẽ nhập Niết Bàn.”

Quỉ vương nghe, mừng lắm,
Rồi đảnh lễ, ra về.
Lúc ấy tôi ngồi nghỉ
Dưới bóng cây bồ đề.

Bất chợt tôi thiu ngủ,
Thấy giấc mơ hãi hùng.
Có một cây to lớn,
Lá xum xuê một vùng.

Nó mang lại bóng mát
Cho người và cho đời,
Thế mà giông bão nổi,
Đánh nó gãy tơi bời.

Tôi tỉnh dậy, sợ quá,
Liền vào gặp Thích Ca,
Kể lại giấc mơ lạ.
Ngài nói: “A Nan Đà,

Đúng thế, ba tháng nữa
Ta viên tịch.” Nghe xong
Tôi sụp lạy, kinh sợ,
Rất đau đớn trong lòng.

Sau đó các đệ tử
Xúm xít thăm hỏi Ngài.
Mặt ai cũng buồn bã,
Thở vắn rồi than dài.

Tôn giả Xá Lợi Phất
Quì trước Phật nhân từ:
“Đôi mắt của thế giới
Sắp nhắm lại rồi ư?

Bạch Thế Tôn cao quí,
Con không thể nhìn Ngài
Viên tịch trước, vì vậy,
Con xin đi trước Ngài.”

Rồi tôn giả quì gối
Đi đúng một trăm vòng
Quanh chỗ Phật đang ngự,
Trên đầu gối sưng phồng.

Tôn giả đặt chân Phật
Lên đỉnh đầu của mình,
Rồi nói lời vĩnh biệt,
Trở về nơi từng sinh.

Đức vua A Xà Thế
Ở nước La Duyệt Kỳ
Quê hương ông ngày nhỏ,
Vốn đại đức, từ bi

Cùng rất nhiều phật tử
Đích thân đến viếng ông,
Sai làm lễ thiêu xác
Trước mặt cả đám đông.

Từ trên cao vòi vọi,
Đế Thích và chư thiên
Cho xe rồng xuống đón,
Chở hồn ông bay lên.

Sau đó, cả y bát
Và xá lợi của ông
Được đem đến dâng Phật.
Ai nhìn cũng đau lòng.

Chứng kiến những cảnh ấy,
Cả tôi, A Nan Đà,
Cũng than khóc, sụp lạy
Trước Đức Phật Thích Ca:

“Bẩm Thế Tôn, Tôn giả
Lên Niết Bàn, giờ đây
Ai là người nâng đỡ
Bọn chúng con từ nay?”

Phật đáp: “Xá Lợi Phất
Lên Niết Bàn, vì ông
Không muốn ta lên trước.
Ngẫm mà thật đau lòng.

Không chỉ giờ mới thế,
Mà nghìn kiếp cách đây,
Ông cũng tranh chết trước.”
Rồi Phật kể chuyện này.

*
Xưa có ông vua nọ,
Tên là Bà La Tỳ,
Tám mươi tư nghìn nước
Và hai vạn bà phi.

Vua tột cùng giàu có,
Nước tột cùng bình yên.
Một hôm vua chợt nghĩ
Trong khi đang ngồi thiền:

“Người nông dân làm ruộng,
Phải vất vả phải cấy cày
Mới có mùa thu hoạch.
Rất đơn giản điều này.

Con người không tích đức,
Không bố thí bây giờ
Thì kiếp sau ân phước
Lấy gì mà trông chờ?”

Rồi ngài liền ra lệnh
Cho mở kho của mình,
Đem tiền bạc, thóc gạo
Phát chẩn cho dân tình.

Ngài cũng bắt thủ lĩnh
Các nước nhỏ của ngài
Phải làm điều tương tự,
Không né tránh, không sai.

Ngài lớn tiếng tuyên bố
Bất kỳ ai, cần gì,
Xin ngài, nếu ngài có,
Sẽ cho ngay tức thì.

Một ông vua nước nọ,
Là Tỳ Ma Tư Na,
Thấy thế, sinh hằn học
Liền nảy ý gian tà.

Hắn rắp tâm muốn giết
Đức vua Bà La Tỳ,
Bèn treo giải rất lớn,
Hứa sẽ chẳng tiếc gì.

Cuối cùng có đạo sĩ
Tên là Lao Độ Sai,
Hứa bảy ngày nhất định
Sẽ đem nộp đầu ngài.

Hắn ung dung đi thẳng,
Đến đứng trước cổng thành:
“Tôi muốn gặp bệ hạ,
Một đức vua lòng lành.

Ngài nhiều lần đã nói
Sẵn sàng tiếp mọi người,
Tiếp và cho bố thí.
Ngài nói, chắc giữ lời.”

Tất nhiên là như thế,
Đức vua Bà La Tỳ
Cho hắn vào, còn hứa,
Bố thí chẳng tiếc gì.

Vua bất chấp điềm gở,
Bất chấp cả lời can,
Ra lệnh cho hắn gặp
Dù biết hắn người gian.

Hắn vào, mặt nhâng nháo,
Lớn tiếng xin cái đầu
Trên cổ vua lúc ấy.
Mọi người liếc nhìn nhau.

Thế mà vua đồng ý,
Hẹn hắn sau bảy ngày
Đến lấy của bố thí
Mà hắn xin hôm nay.

Vua tám tư nghìn nước,
Hai vạn bà quí phi,
Một vạn vị quan lớn
Khóc xin Bà La Tỳ.

Nhưng Ngài vẫn cương quyết
Chờ đến ngày nộp đầu.
Cả cung thành bất chợt
Chìm trong nỗi buồn đau.

Quan đại thần, Đại Nguyệt,
Định thay cho đầu ngài,
Bằng nghìn đầu thất bảo,
Đưa cho Lao Độ Sai.

Nhưng hắn không chịu nhận,
Còn bắt vua một mình
Đưa hắn ra vườn vắng
Để hắn tiện hành hình.

Quan Đại Nguyệt thấy thế,
Uất ức, hộc máu tươi,
Rồi vỡ tim mà chết
Trước vua và mọi người.

Lao Độ Sai còn láo
Bắt vua tự trói mình
Để hắn chém cho dễ.
Ngẫm thằng này cũng kinh.

Vua đồng ý, còn nói,
Chém xong, xin vui lòng
Đặt chiếc đầu bị chém
Lên tay tôi, dâng ông.

Khi hắn giơ dao chém,
Từ trên cây, Thụ Thần
Hóa phép làm hắn ngã,
Chiếc dao nằm dưới chân.

Vua ngửa mặt và nói:
“Tôi đã hiến xưa nay
Chín trăm chín mươi chín
Chiếc đầu ở cây này.

Vậy xin thần đừng cản
Lần hiến đầu cuối cùng,
Tức một nghìn đầu chẵn.”
Thụ Thần đành phải dừng.

Lao Độ Sai chồm dậy,
Chém một nhát, đầu ngài
Được nâng lên dâng hắn
Bằng tay của chính ngài.

Nghe tin ngài bị chém,
Vua Tỳ Ma Tư Na
Vui, vỡ tim mà chết,
Đáng đời vua gian tà.

Cũng vỡ tim như hắn
Là tên Lao Độ Sai,
Vì buồn không có thưởng
Cho chiếc đầu của ngài.

*
Kể đến đây, Đức Phật
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Ông vua hiến đầu ấy
Là tiền kiếp của ta.

Còn đại thần Đại Nguyệt
Tranh ta chết ngày nào
Chính là Xá Lợi Phất,
Một con người thanh cao.”

Mọi người nghe, ngưỡng mộ,
Ca ngợi thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.

No comments:

Post a Comment