Monday, February 23, 2015

THƠ PHẬT - CHÂM NGÔN -2



ĐA-LAI LẠT-MA

Đa-lai Lạt-ma nói:
“Sự thư thái trong lòng
Chỉ đến, khi ta biết
Yêu và thương cộng đồng. 

Và càng biết lo nghĩ
Tới hạnh phúc mọi người,
Hạnh phúc ta càng lớn,
Đủ cho cả cuộc đời.


CHÂN LÝ GIẢN DỊ

Bông hoa không thể nở,
Thiếu ánh sáng mặt trời.
Con người không thể sống
Thiếu trái tim yêu đời.

Một chân lý giản dị,
Cũng của Phật Thích Ca.
Hơn hai nghìn năm trước
Ngài nói để nhắc ta.

Những tưởng ta đã hiểu,
Thế mà hình như không.
Vì trái tim khép kín,
Vì thù hận trong lòng.

Vì chạy theo vật chất,
Ta để quên chính mình,
Quên lời Đức Phật dạy,
Giản dị mà chí tình.


TRUYỆN CÔ LÁI ĐÒ

Xưa có tỳ kheo nọ
Sống trên núi, ngang mây
Để chuyên tâm thiền định,   
Và luyện pháp đêm ngày.   

Có dòng sông dưới núi,
Ngài cũng thường đi qua
Khi hạ sơn hóa đạo,
Khai trí cho mọi nhà.

Xưa nay một bà lão
Vẫn chèo đò chở người.
Bà ân cần đón khách
Luôn bằng một nụ cười.

Rồi một hôm, bất chợt
Ngài xuống đò, giật mình:
Thay cho bà lão ấy -
Một cô gái rất xinh.   

Nàng xính đẹp đến mức
Một tỳ kheo như ngài
Cũng phải liếc nhìn trộm
Rồi lầm bầm: “Thiện tai!”

Cô lái đò lần ấy
Đòi mỗi người sang sông
Trả một đồng một lượt.
Cô đòi ngài hai đồng.

Ngài ngạc nhiên hỏi lại.
Cô lái đáp: “Vừa rồi
Ngồi trên đò, mấy bận
Ngài đã liếc nhìn tôi.”

Nghĩ mình quả làm vậy,
Không muốn mất thì giờ,
Ngài trả tiền, sau đó
Lòng cứ nghĩ vẩn vơ.       

Chiều hôm ấy, quay lại,
Ngài úp mặt xuống thuyền.
Nhưng lúc lên, cô gái
Đòi gấp bốn lần tiền.

Lần này ngài tức giận
Hỏi vì sao, vì sao?
Cô đáp: “Ngài quả thật
Không nhìn tôi lần nào.

Nhưng tâm ngài, thật tiếc
Lại luôn hướng về tôi,
Nên tiền đò gấp bốn
Chứ không phải gấp đôi.”

Ngài nghe và chợt nghĩ:
“Đức Phật thử thách ta.”
Rồi cô gái biến mất,
Để lại một bà già.


NGƯỜI KHÔNG BIẾT, TRỜI BIẾT

Hai bố con nhà nọ,
Cũng chỉ vì quá nghèo
Mà sang vườn hàng xóm
Trộm mấy quả dưa leo.

Người bố trèo lên hái,
Người con thì đứng canh.
Đêm đã khuya, vắng vẻ,
Im lặng bốn xung quanh.

Bỗng cậu con khẽ nói:
“Có người đang nhìn ta!”
“Ai?” ông bố hoảng sợ
Liền bỏ chạy về nhà.

“Ai? Sao bố không thấy?”
Cậu con chỉ lên trời:
“Trăng đang nhìn ta đấy.”
Ông kia nghe, nhẹ người.

Rồi bất chợt ông nghĩ,
Ăn trộm là không hay.
Người không biết, trời biết.
Mình cũng biết việc này.

Từ đấy thôi ăn trộm,
Cả khi đang đói ăn,
Ông quyết sống lương thiện,
Cam chịu cảnh thanh bần.

Phật nhắc ta lần nữa
Qua truyện này thông minh,
Rằng những người tử tế
Chỉ mình sợ chính mình.


TRUYỆN CẬU HỌC TRÒ BỊ PHẠT ĐÒN

Ngày xưa ở nước nọ
Có một cậu học trò
Được thầy cho lên phố
Thăm thú và chơi trò.   

Hôm ấy có phiên chợ
Rất đông người lại qua.
Có ai đó mất cắp,
Người ta nghi cậu ta.

Thế là cậu bị bắt,
Rồi giải lên gặp quan.
Quan tra khảo rồi thả,
Vì thấy cậu bị oan.

Về làng, cậu kể lại.
Ông thầy nghe, bất ngờ
Sai nọc cậu ra đánh.
Cả lớp nhìn, sững sờ.

“Quả trò không ăn cắp,
Nhưng ta đánh vì trò
Cư xử và nét mặt
Khiến người ta nghi ngờ.”

Đem kể câu chuyện ấy,
Phật dạy ta: Người ngay
Phải đàng hoàng, chính trực.
Thật quí bài học này.   


CÚNG CHÙA

Khi cuộc sống no đủ,
Nhiều người đến chùa chiền.
Họ thắp hương, vái lạy,
Cúng vàng mã, cúng tiền.

Nhưng công bằng mà nói,
Họ không cúng thần linh
Mà cúng sự sợ hãi
Và cúng bản thân mình.


MỖI NGƯỜI MỘT NGỌN ĐÈN

Mỗi người, dẫu không thấy,
Là riêng một ngọn đèn.
Có ngọn đang lụi tắt,
Có ngọn chợt bùng lên.

Tùy theo tâm và đức
Mà đèn sáng hay mờ.
Ánh đèn ấm hay lạnh,
Nóng bỏng hay hững hờ.

Chỉ đôi khi bất chợt
Ánh đèn từ bên trong
Vụt lóe qua đôi mắt,
Hay phơn phớt má hồng.

Chuyện đèn này có thật,
Người ta biết từ lâu.
Để đèn không lụi tắt,
Nhớ thỉnh thoảng cho dầu.


LUẬT ĐỜI VÀ NHÂN QUẢ

Theo Luật Đời, tất cả
Mọi cái có nhân duyên,
Rằng mỗi một hành động
Có phản ứng dây chuyền.

Rằng Nhân nào Quả ấy.
Đó là luật của Trời.
Anh sống sao, được vậy.
Đó là luật của Người.

Thế thì hãy sống tốt.
Hãy nói lời yêu thương.
Hãy chuyên tâm hướng thiện
Trong đời này vô thường.


CHO VÀ NHẬN

Một người mà không muốn
Đem ánh sáng của mình
Dọi trái tim người khác,
Thì dẫu tốt, thông mình,

Cũng không thể giữ lại
Ánh sáng ấy trong người.
Rốt cuộc vẫn bất hạnh,
Vì đã không giúp đời.

Theo Phật, muốn hạnh phúc
Ở cõi vô thường này,
Thì cho chứ không nhận.
Nhớ tâm niệm hàng ngày.


THA THỨ

Khả năng biết tha thứ
Không phải do lộc trời,
Mà ta tự rèn luyện
Để tha thứ cho người.

Người mà khó tha thứ
Sẽ không dễ thương yêu.
Cả trong những người tốt
Cái ác cũng có nhiều.

Trong người xấu, cái tốt
Vẫn chờ đợi âm thầm.
Vậy hãy học tha thứ,
Để cái tốt mọc mầm.


THỜI GIAN

Thích Ca Mâu Ni Phật,
Trước khi nhập Niết Bàn,
Có giảng cho đệ tử
Bài học về thời gian:

Khi con chim còn sống,
Nó ăn kiến, ăn sâu.
Nhưng kiến lại ăn nó
Khi nó chết về sau.

Thời gian và hoàn cảnh
Luôn không ngừng đổi thay.
Vậy xin đừng nhục mạ
Bất cứ ai đời này.

Quyền lực của bạn lớn,
Nhưng quyền lực thời gian
Còn lớn hơn gấp bội.
Điều ấy khỏi phải bàn.

Một triệu que diêm nhỏ
Làm từ một cành cây.
Nhưng một que diêm ấy
Thiêu cháy cả rừng dày.

Vậy nhớ hãy sống tốt,
Làm điều tốt cho đời.
Đừng cậy mình quyền lực
Mà làm xấu, hại người.


CẤU TẠO CƠ THỂ

Trong một bài giảng khác,
Phật giải thích thế này
Về cấu tạo cơ thể
Của con người hiện nay.

Phật nói: Đấng Tạo Hóa
Đặt hai mắt ở đầu,
Phía trước, để nhìn thẳng,
Không ngoái nhìn phía sau.

Hai tai được Tạo Hóa
Cho đặt ở hai bên
Để chúng ta nghe được
Cả lời chê, tiếng khen.

Cần nghe và cần thấy,
Nên hai mắt, hai tai
Nhưng miệng và chiếc lưỡi
Thì chỉ một, không hai.

Là vì Đấng Tạo Hóa
Không muốn ta nói nhiều.
Con người phải im lặng
Để nghe lời thương yêu.

Không ngẫu nhiên Ngài đặt
Bộ não của chúng ta
Vào hộp sọ rất cứng,
Để không ai lấy ra

Những kiến thức tốt đẹp
Ta học được từ người.
Để những kiến thức ấy
Ở bên ta suốt đời.

Còn trái tim nóng bỏng,
Ngài nâng bằng hai tay,
Đặt sâu trong lồng ngực,
Để từ đó, đêm ngày

Trái tim ta thổn thức,
Rất sâu tự đáy lòng,
Yêu thiên nhiên, cây cỏ,
Chúng sinh và cộng đồng.


KHÔNG CÒN LÚC NÀO ĐỂ GIÀ     

1
Đại Trí là đệ tử
Của Thiền sư Phật Quang.
Ông vừa về chùa cũ
Sau nhiều năm lang thang.

Ông hăm hở kể lại
Cho bạn và cho thầy
Những gì mình chứng kiến
Trong quãng thời gian này.

Kể xong, ông cung kính
Hỏi vị thiền sư già:
“Bạch thầy, thầy khỏe chứ
Mấy năm con vắng nhà?”

Thiền sư Phật Quang đáp:
“Ta khỏe và hài lòng.
Dạy học rồi thuyết pháp,
Chép kinh rồi khí công.

Ta vui vì bận rộn,
Bận, nên vui với đời.
Khi sống, quan trọng nhất -
Có việc để không lười.”

Mờ sáng sau, Đại Trí
Ngủ dậy đã thấy Thầy
Tụng kinh rồi quét dọn,
Rồi thuyết giảng suốt ngày...”

“Con thấy Thầy vất vả, -
Ông nói. - Thế mà sao
Bao năm Thầy vẫn thế,
Chẳng già đi chút nào.”

Thiền sư quay lại đáp:
“Con nói đúng, vì ta
Mải vui vì công việc,
Chẳng lúc nào để già.”

2
Khỏi phải bàn thêm nữa.
Chỉ nhắc lại thế này:
Bí quyết giúp ta trẻ
Là làm việc luôn tay.


Ô SÀO THIỀN SƯ VÀ
QUAN THỊ LANG BẠCH CƯ DỊ

1
Ở đời Đường, Trung Quốc
Có thiền sư Ô Sào.
Ô sào là tổ quạ,
Tít trên ngọn cây cao.

Người ta gọi ông thế
Vì bà mẹ sinh ông,
Thấy dị dạng, xấu xí,
Không muốn bế vào lòng.

Mà đặt vào tổ quạ
Trên cây đại thụ già
Ngay trước ngôi chùa cổ
Có cây cối xùm xòa.

Ông lớn lên ở đấy.
Đêm, nó là giường nằm.
Ông thấy cũng thoải mái,
Sống thế suốt nhiều năm.

Sau đi tu, đắc đạo,
Ông lại leo trên cây,
Kê chiếc ván đủ rộng
Ngồi định thiền suốt ngày.              

Có một ông quan lớn,
Cũng là một thi hào,
Đó là Bạch Cư Dị,
Đi ngang nhà Ô Sào.

Vốn không thích những kẻ
Yếm thế, trốn cuộc đời,
Thị lang Bạch Cư Dị
Nói, ngửa mặt lên trời:

“Phải chăng đất thiếu chỗ,
Mà phải leo lên cây?
Vừa nguy hiểm vừa chối.
Khéo không ngã có ngày.”

Ô Sào thiền sư đáp:
“Bẩm quan, chỗ của tôi
An toàn và chắc chắn
Hơn chỗ quan đang ngồi.”

“Kiệu tôi rộng, thoải mái, -
Bạch Cư Dị hỏi ông. -
Tôi thấy nó chắc chắn.
Sao ông bảo là không?”

“Bẩm quan, là quan lớn,
Quan chỉ dưới mấy người
Nhưng trên cả trăm họ            
Như quan biết, thói đời

Trên yêu thì dưới ghét,
Được vua thì mất dân.
Thành ra quan ở giữa
Khó lòng mà yên thân.

Chỗ của quan là thế -
Kê trên lưỡi người đời.
Hỏi làm sao chắc chắn
Bằng cây này của tôi?”

Bạch Cư Dị im lặng,
Ngồi cúi đầu nghĩ suy.
“Xin thầy cho tôi biết
Lời Phật dạy là gì?”

“Phật dạy: Không làm ác.
Chỉ được làm điều lành
Và thường xuyên thanh lọc
Ý nghĩa và lòng mình.”

“Điều ấy thì con trẻ
Lên ba đã thuộc lòng.”
“Thưa, hỏi ngài, người lớn,
Có luôn làm được không?”     

2
Ông quan nhà thơ ấy,
Giàu có và thanh cao,
Nghe nói sau dâng lễ
Làm đệ tử Ô Sào.        


ÔNG GIÀ VÀ BỨC TƯỢNG PHẬT

Xưa người ta thờ cúng
Tượng Phật, tượng đa thần
Để mong được giàu có,
Khỏe mạnh và yên thân.

Có một ông già nọ
Thờ tượng Phật Quan Âm,                                          
Đều đặn và thành kính
Suốt hàng mấy chục năm.

Thế mà ông vẫn khổ,
Chẳng bao giờ gặp may.
Một hôm ông tức giận,
Đập vỡ bức tượng này.

Và rồi, thật kinh ngạc,
Ông thấy trước mắt ông,
Vàng bạc từ tượng gỗ,
Cứ tuôn ra thành dòng.

*
Trong đời, quan trọng nhất
Là phải biết đợi chờ.
Thành công và của cải
Có thể đến bất ngờ.       


LỜI PHẬT DẠY

Những lời Đức Phật dạy
Được lưu lại rất nhiều,
Về từ bi, bác ái,
Việc thiện và tình yêu.

Xin phép được trích dẫn
Một số lời dưới đây.
Bản thân tôi học thuộc
Và tâm niệm hàng ngày.

*
Thà không làm gì cả,
Hơn làm việc xấu xa.
Việc ta làm, rốt cục,
Chính là làm cho ta.

*
Nếu xẩy ra gì đó
Với sức khỏe của anh,
Kể cả việc đau ốm,
Thì lỗi chỉ do anh.

*
Chính anh mới có thể
Thanh lọc ý nghĩ mình,
Vì không ai có thể
Làm việc này thay anh.

*
Nói hoặc làm gì đấy
Mà lòng mình không ngay,
Thì sẽ gặp tai họa.
Không giờ thì sau này.

*
Hãy nhớ trước khi chết,
Chia niềm vui của anh
Và những việc làm tốt
Với mọi người xung quanh.

*
Đừng chỉ vì ngu dốt
Mà rơi vào vô minh.
Anh, chứ chẳng ai khác,
Mới cứu được chính mình.

*
Việc anh thổi tắt nến
Nhà hàng xóm trong đêm
Không có nghĩa nhờ thế
Nến nhà anh sáng thêm.

*
Hãy nhớ, điều tốt đẹp
Chỉ xuất hiện khi ta
Biết tách mình ra khỏi
Cái ác và xấu xa.

*
Lời nguyện cầu lớn nhất
Chính là sự lặng im.
Tiếng nói quan trọng nhất
Là tiếng nói trái tim.

*
Sự thanh thản đích thực
Xuất phát tự chính mình.
Đừng tốn công vô ích
Tìm ở người xung quanh.

*
Cả khi đang tức giận,
Đừng nói lời nặng nề.
Lời nói như tiếng vọng,
Sẽ tìm chủ quay về.

*
Đừng để sự tức giận
Và kiêu hãnh trói mình.
Khi không còn bị trói,
Anh vượt lên chính mình.

*
Dù nhỏ nhoi đến mấy,
Ai cho mình cái gì,
Cũng cảm ơn người ấy.
Không được phép khinh khi.

*
Thấy đúng thì nói đúng.
Thấy sai thì nói sai.
Mình nghĩ gì nói nấy,
Không xúc xiểm, chê bai.

*
Có đọc cả núi sách
Hay nói vạn lời hay
Cũng thành vô tích sự
Nếu anh ngồi khoanh tay.

*
Dễ - thấy lỗi người khác.
Khó - thấy lỗi chính mình.
Dễ - nói lời thông thái.
Khó - thoát vòng vô minh.

*
Không lần lữa, do dự.
Việc cần làm, làm ngay.
Ai dẫm chân tại chỗ,
Chỉ làm bụi bám giày.

*
Đừng để sự cám dỗ
Ngăn không cho anh thiền.
Chuyên tâm vào tĩnh lặng,
Anh sẽ được bình yên.

*
Trong mỗi người, sự thật
Như ngọn đèn soi đường.
Hãy bám vào sự thật.
Hãy sống bằng tình thương.

*
Biết được đời là ảo
Nên những người thông minh
Không xem nó là thật,
Không tự làm khổ mình.

*
Ham muốn là xiềng xích
Luôn trói buộc chân người.
Không vứt bỏ được nó,
Anh còn khổ suốt đời.

*
Người vĩ đại thật sự
Không phải người có quyền,
Muốn giết ai thì giết,
Hoặc có một núi tiền.

Người vĩ đại thực sự
Không hề muốn giết ai.
Thậm chí con kiến nhỏ,
Thậm chí một bông nhài.

*
Của cải là ảo giác
Vẫy gọi phía chân trời.
Là giấc mơ phù phiếm,
Ngắn ngủi một đời người.

*
Giáo lý của đạo Phật
Chỉ đơn giản thế này:
Đừng bao giờ làm ác.
Làm việc tốt hàng ngày.

Cũng hàng ngày phải nhớ
Thanh lọc ý nghĩ mình.
Được thế, sớm hoặc muộn,
Bạn thoát vòng vô minh.

*
Ở đời có qui luật:
Người có lòng thương yêu,
Càng đem cho người khác,
Càng nhận lại được nhiều.

*
Một khi trái tim bạn
Là một đóa hoa tươi,
Thì lời nói của bạn
Mang mùi thơm cho đời.

*
Trăng, Mặt Trời, Sự Thật,
Là ba cái người ta
Không thể che giấu mãi.
Cũng lời Phật Thích Ca.

Bởi vì sớm hoặc muộn,
Mặt Trời ra khỏi mây.
Bởi vì sớm hoặc muộn,
Sự Thật sẽ phơi bày.

*
Về bản chất, giận dữ
Là cơn điên nhất thời.
Người không kiềm chế nó,
Nó sẽ kiềm chế người.

*
Như mùi hôi cơ thể,
Các khuyết điểm của ta,
Tự ta ta không biết,
Nhưng mùi nó bay xa.

*
Đời cũng như tiếng vọng.
Anh gặt cái đã gieo.
Anh cho gì, nhận nấy.
Cho nhiều, nhận được nhiều.

*
Khi một lời nói đúng,
Lại nói đẹp và hay,
Lời nói ấy có thể
Thay đổi cả đời này.

Đức Phật đã dạy thế.
Tức Ngài dạy chúng sinh,
Rằng ngoài việc nói đúng,
Còn phải nói có tình.

*
Với ta, cách duy nhất
Để tâm hồn thảnh thơi
Là bình thản đón nhận,
Không trách trời, oán người.

*
Sống ở đời, hãy nhớ,
Ta đem cho cái gì,
Sau sẽ nhận cái ấy.
Vậy có thì cho đi.

Ta thù hận ai đó,
Bí mật hoặc công khai,
Thì sự thù hận ấy
Quay lại ta nay mai.

Nên Phật đã nhắc nhở,
Sông ở cõi vô thường,
Ta thương yêu người khác,
Để cũng được yêu thương.

*
Ở đời, rất có thể
Có ai đó cố tình
Làm ta phải đau khổ,
Thất vọng hay bực mình.

Tuy nhiên, hãy tha thứ.
Cũng chẳng cần kêu ca.
Càng không phải cái cớ
Để mình hại người ta.

*
Đêm, trời lạnh, hãy nhớ
Chuyển lửa cho người bên.
Hãy chia sẻ cái ấm.
Đèn thắp sáng từ đèn.

*
Bóng tối không bao giờ
Có thể xua bóng tối.
Cũng thế, chỉ tình yêu
Xua hận thù, tội lỗi.

*
Sống ở đời, tất cả
Chúng ta đều giống nhau.
Ai cũng đủ cái khổ,
Cái buồn và cái đau.

Người hạnh phúc, thực chất,
Cả khi mặt sáng ngời,
Chỉ là người khéo dấu
Nỗi đau của kiếp người.

*
Hôm qua thuộc quá khứ.
Cái gọi là ngày mai
Có thể sẽ không đến.
Đừng chờ, đừng thở dài.

Ở đời, đáng sống nhất
Chính là ngày hôm nay.
Bằng Từ Bi Hỉ Xả
Hãy sống tốt hàng ngày.

*
Đời còn lắm người ác.
Ai đó làm hại mình,
Đừng trả thù, hãy đợi,
Rồi Trời Đất anh linh

Sẽ trừng phạt người ấy.
Và nếu ta gặp may
Được sống lâu, Trời Đất
Cho thấy hình phạt này.

*
Không mất gì, không thiệt,
Ngọn nến cháy lung linh
Giúp một ngọn nến khác
Cũng tỏa sáng như mình.

Tương tự, người đức độ,
Không thiệt, không mất gì,
Giúp người khác sống đẹp,
Cả cách làm, hướng đi.

*
Một người mà không muốn
Đem ánh sáng của mình
Dọi trái tim người khác,
Thì dẫu tốt, thông mình,

Cũng không thể giữ lại
Ánh sáng ấy trong người.
Rốt cuộc vẫn bất hạnh,
Vì đã không giúp đời.

*
Ngọn nến không thể cháy
Khi chưa được thắp lên.
Con người không thể sống
Khi tâm hồn tối đen.

*
Không có gì vô cớ
Tự nhiên đến rồi đi.
Mọi cái có nhân, quả.
Và cũng chẳng có gì

Riêng một mình tồn tại.
Trong vũ trụ bao la
Tất cả có quan hệ
Bền chặt và hài hòa.

*
Thêm một lời Phật dạy:
Mùi thơm của cỏ hoa,
Dù đang mùa nở rộ,
Cũng không thể bay xa.

Nhưng mùi thơm việc tốt,
Việc thiện ở trần gian,
Dù là việc rất nhỏ,
Cũng lên tận Niết Bàn.


THÍCH NHẤT HẠNH
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Nói một câu thật hay:
“Xin các bạn nhẹ bước
Đi trên trái đất này.
Như thể chân các bạn
Đang ôm hôn dịu dàng
Trái đất ta yêu quí.
Xin hãy bước nhẹ nhàng.”

HẠNH PHÚC KỀ BÊN

Chuyện này cũng phổ biến -
Rất nhiều người chúng ta
Mơ về vườn hồng đẹp
Ở đâu đó rất xa.

Trong khi, bên cửa sổ
Một bụi hồng từ lâu
Nở, kiên nhẫn chờ bạn,
Đến ngả thành màu nâu.

Lần nữa phải nhắc lại
Lời của Phật Thích Ca:
“Hạnh phúc bên cạnh bạn.
Sao cứ tìm đâu xa.”


KINH HIỀN NHÂN

Cành, cho quá nhiều quả,
Là việc không thông minh.
Quả nặng, cành sẽ gãy.
Tức mình tự giết mình.

Người, háo hức cống hiến,
Quá nhiều và quá nhanh,
Cũng sẽ sớm gãy gục.
Việc lớn sẽ không thành.

Ý này, không phải mới,
Đọc trong Kinh Hiền Nhân.
Đức Phật dạy như thế.
Vậy biết mà phòng thân.


LỜI KHUYÊN NGHÌN VÀNG

Có một đạo sĩ nọ,
Quần áo bụi bám dày,
Ngồi trước chợ, bên cạnh
Có tấm biển thế này:

“Người nào muốn hạnh phúc,
Chi một trăm lạng vàng,
Tôi cho lời khuyên nhỏ
Còn quí hơn nghìn vàng.”

Vì tò mò, lúc ấy
Một ông vua đi qua,
Dừng lại, rồi sai lính
Đưa vàng cho ông già.

Nhận vàng xong, đạo sĩ
Liền cung kính cúi đầu:
“Khi làm gì, hãy nhớ
Các hậu quả về sau.”

Một lời khuyên đơn giản
Ai cũng biết, tất nhiên.
Các quan nghe, tức giận,
Bắt ông trả lại tiền.

Còn vua thì thầm nghĩ:
“Cái giá này khá cao.
Nhưng ông ta khuyên đúng.
Ta cứ thử xem sao.”

Về cung, ngài ra lệnh
Cho khắc lời khuyên này
Lên các cửa lớn nhỏ
Và vật dụng hàng ngày.

Nhờ thế, ngài cân nhắc
Hậu quả việc của mình.
Đưa ra quyết định đúng,
Đất nước được yên bình.

Trong triều có tể tướng,
Vờ trung thành bề ngoài,
Nhưng âm mưu thoán nghịch,
Đã nghĩ kế hại ngài.

Một lần, nhân vua ốm,
Hắn sai một thầy lang
Bỏ thuốc độc vào thuốc,
Hứa cho rất nhiều vàng.

Đang định bỏ thuốc độc,
Thấy trên cốc có câu:
“Khi làm gì, hãy nhớ
Các hậu quả về sau.”

Ông thầy lang chợt tỉnh
Liền vội vã ngừng tay,
Suy nghĩ về hậu quả
Việc làm mình sau này.

Cuối cùng ông quyết định
Khai hết rất thật lòng.
Quan tể tướng bị chém.
Vua tha chết cho ông.

*
Câu chuyện này Phật kể
Để nhắc nhở chúng ta,
Trong tất cả mọi chuyện,
Phải cân nhắc lo xa.

“Khi làm gì, hãy nhớ
Các hậu quả về sau.”
Tôi khuyên bạn miễn phí.
Nghiêm túc, không đùa đâu.


CHIẾC CẶP TÓC MAY MẮN

1
Xưa ở vương quốc nọ
Có một nhà rất giàu
Sinh được bảy cô gái,
Đẹp và hiền như nhau.

Cả bảy cô, đặc biệt,
Có mái tóc rất dài,
Óng ả và đen mượt,
Ai cũng đẹp như ai.

Vì thế mà ông bố
Mua tặng cho mỗi người
Mười cặp tóc thật đẹp,
Cả mười cái giống mười.

Một sáng nọ, cô Cả
Khi trang điểm, bất ngờ
Thấy thiếu một chiếc cặp.
Cô ngồi buồn, thẫn thờ.

Rồi cô sang phòng cạnh,
Phòng cô Hai ngủ lười,
Lấy cắp một chiếc cặp
Mang về cho đủ mười.

Cả cô Hai, cũng vậy,
Mất cặp, sang cô Ba,
Cô Ba sang cô Bốn...
Rồi cứ tiếp, thế là

Khi tỉnh dậy, cô Bảy
Đếm lại cặp, ngạc nhiên
Thấy thiếu mất một chiếc,
Cô rất đỗi buồn phiền.

Đúng lúc ấy, Hoàng Tử
Dừng xe đỗ trước nhà:
“Con Linh Điểu nhặt được
Chiếc cặp này hôm qua.

Nó thật quí và đẹp.
Ta đã hỏi khắp nơi
Mà giờ vẫn chưa biết
Cô gái nào đánh rơi.

Chắc duyên trời định sẵn.
Ta quyết định hôm nay
Sẽ cưới ngay làm vợ
Chủ chiếc cặp tóc này!”

Cả sáu cô mất cặp
Chỉ biết tiếc ngẩn ngơ.
Giá mình không lấy cắp.
Biết làm sao bây giờ?

Rốt cuộc, cô thứ Bảy
Thành công chúa, thật may,
Vì không có cô Tám
Nên mới được thế này.

2
Câu chuyện trên của Phật
Dạy ta hiểu: Ở đời
Có thế nào, chịu vậy.
Đừng tham lam hơn người.        

Anh có thể khôn thật,
Nhưng thử hỏi làm sao
Khôn hơn Thần May Mắn
Đang điều khiển trên cao

                             
THIẾN SƯ VÀ CON RẮN

Xưa có thiền sư nọ,
Một sáng, khi thiền xong,
Thấy có con rắn độc
Sắp chết, trôi dưới sông.

Ông lấy một cành củi
Định vớt nó lên bờ.                              
Thế mà con rắn ấy
Đã đớp ông bất ngờ.

May nó không đớp trúng.
Thiền sư lại loay hoay
Cố vớt nó lần nữa.
Nó cắn đúng vào tay.

Vì nó là rắn độc,
Nên chỉ một lúc sau,
Bàn tay ông sưng tấy,
Tụ máu và rất đau.

Con rắn yếu, sắp chết.
Ông thì đứng, thẫn thờ
Vẫn chưa tìm được cách
Cứu nó, đưa lên bờ.

Đúng lúc ấy, có việc
Ai đó đi ngang qua,
Thấy thế liền kêu lớn:
“Ôi, thật ngốc, ông già.

Nó là con rắn độc.
Ông cứu nó làm gì?
Nó sẽ cắn ông chết.
Sao ngốc thế, thôi đi!”

Thiền sư ngoái đầu lại:
“Vì tôi đang là người.
Bản chất rắn là cắn.
Bản chất người: Cứu đời!”


PHẬT

Mỗi chúng ta, nhiều ít,
Sâu trong trái tim mình
Đều có cái tâm Phật.
Hữu hình hoặc vô hình.

Cũng có nghĩa, Phật dạy,
Rằng chúng ta ai ai,
Nếu thực sự cố gắng,
Sẽ thành Phật như Ngài.

Cuộc đời là bể khổ.
Con người Tham Sân Si.
Nhưng con người cũng có
Cái Hỉ Xả Từ Bi.

Cả Cái Ác, Cái Thiện
Tiềm ẩn trong mỗi người.
Sống vì mình là Ác.
Thiện là sống vì Đời.

Vậy hãy tưới mầm Thiện
Bằng việc thiện hàng ngày.
Nhân và Quả phụ thuộc
Việc ta làm hôm nay.

Hãy chú tâm hướng Phật,
Làm những điều tốt lành,
Để chúng ta thành Phật.
Cả tôi và cả anh.


LÀM VIỆC THIỆN

Ai muốn làm việc thiện,
Không nhận, chỉ muốn cho,
Thì trước hết phải bỏ
Tính tham và ky bo.

Ta, con người, tham lắm.
Cả tôi và cả anh.
Thích xài chùa, mọi cái
Cứ muốn vơ vào mình.

Vì đó là bản tính
Xưa nay của con người.
Đấu tranh chống lại nó
Có khi mất cả đời.

Những người làm việc thiện
Không phải vì họ giàu.
Mà tâm thiện, với họ,
Cho là một nhu cầu.

Người nói muốn bố thí,
Chỉ tiếc không có tiền,
Thì hãy tin người ấy
Không làm vì tiếc tiền.

Làm việc thiện đơn giản
Là trao ít tấm lòng,
Ít hơi ấm mình có
Cho người và cộng đồng.

Theo nguyên tắc vật lý,
Đã cho là mất đi.
Theo nguyên tắc từ thiện,
Cho nhưng chẳng mất gì.

Phật dạy: Người hạnh phúc
Là người sống, biết cho,
Chứ không đơn thuần nhận
Thành giàu rồi ky bo.

Hơn thế, làm việc thiện
Là để giúp chúng sinh.
Nhưng một phần trong đó
Cũng là giúp chính mình.

Vô duyên là những kẻ
Làm việc thiện rồi khoe.
Vô duyên hơn là kẻ
Không làm, lại còn chê.

Suy cho cùng, mọi cái
Biến mất theo dòng đời.
Duy nhất chỉ một cái
Còn lại - là tình người.


BA NỀN TẢNG CỦA ĐẠO PHẬT

Đức Phật, khi viên tịch,
Nằm giữa hai hàng cây,
Có để lại lời dạy,
Thành giáo lý ngày nay:

“Không được làm điều ác.
Chỉ được làm điều lành,
Và hàng ngày hãy nhớ
Thanh lọc ý nghĩ mình.”

Đó là ba nền tảng
Của Đạo Phật Thích Ca.
Hai điều trên đã rõ.
Khó là điều thứ ba.

Cơ thể bẩn thì tắm.
Ý nghĩ vấy bùn đen,
Ngài dạy phải gột sạch
Bằng cách ngồi định thiền.

Thiền tốt, nhưng không dễ.
Tôi nghĩ còn cách này -
Ta thanh lọc ý nghĩ
Bằng đọc sách hàng ngày.

Tất nhiên sách tử tế,
Hướng thiện và nhân văn.
Sách, như mưa ngày hạn,
Sẽ thấm sâu, thấm dần.


XÂY CHÙA MỚI

Thích thì cũng thích thật,
Khi thấy nhiều chùa chiền.
Nhưng tiếc thì cũng tiếc,
Thấy tốn quá nhiều tiền.

Đồng tiền ta còn ít.
Đôi khi ít cả lòng.
Đâu đó dân đang đói.
Đâu đó còn bất công.

Giá bớt được một chút
Số tiền dành xây chùa
Để giúp trẻ miền núi,
Giúp dân khi mất mùa.

Thành tâm dâng lễ Phật,
Tôi đứng lặng, và rồi
Chợt thấy như Đức Phật
Cũng đang nghĩ giống tôi.


TỰ NÓ GIẾT MÌNH

Phật Thích Ca từng nói:
Sư tử, chúa rừng xanh,
Không ai giết được nó,
Trừ nó tự giết mình.

Giết nó là hàng tỉ
Các vi rút không tên.
Tức là những mầm bệnh
Chính tự nó gây nên.

Mà cái mầm bệnh ấy
Bắt nguồn từ tạp ăn,
Cậy mình khỏe, làm láo,
Phải trái đều bất cần.

Cũng vậy, sẽ tự chết
Các chế độ cực quyền.
Chết vì những ung nhọt
Do tự mình gây nên.


LỜI NGƯỜI XƯA

Tâm mà còn chưa thiện,
Phong thủy cũng bằng không.
Bất hiếu với cha mẹ,
Thờ cúng chỉ mất công.

Anh em không hòa thuận,
Còn nói gì bạn bè.
Còn làm điều bất chính,
Đọc sách là trò hề.

Tài giỏi mấy cũng vứt,
Nếu chỉ sống cho mình.
Thông minh mà lười biếng
Thì thà không thông minh.

Người xưa đã nói thế.
Chỉ tiếc rằng người nay,
Vô tình hay cố ý,
Không nhớ những điều này.


BỐN NGUYÊN TẮC TÂM LINH CỦA NGƯỜI ẤN ĐỘ

Người Ấn Độ tôn trọng
Bốn nguyên tắc tâm linh.
Một, là ai bạn gặp
Cũng là bạn của mình.

Ai cũng có thể dạy
Cho bạn một đôi điều,
Trong giây phút nguy kịch,
Chìa bàn tay thương yêu.

Hai, mọi việc lớn nhỏ
Xẩy ra không ngẫu nhiên,
Vì đó là Số Phận,
Ý muốn của Bề Trên.

Không ai có thể tránh.
Cứ để nó xẩy ra.
Vì đó là trải nghiệm
Và bài học cho ta.

Ba, trong mỗi số phận,
Sự việc được bắt đầu
Đúng thời điểm của nó.
Không trước cũng không sau.

Giục nhanh cũng không được.
Níu lại chẳng ích gì.
Cái cần đến sẽ đến.
Cái cần đi sẽ đi.

Bốn, và rất quan trọng -
Cái gì qua cho qua.
Đừng để chuyện quá khứ
Làm nặng lòng chúng ta.

Khi một việc chấm dứt,
Cũng có nghĩa bắt đầu
Một việc khác mới mẻ.
Vậy sao phải buồn rầu.

Người Ấn Độ nghĩ thế
Về nguyên tắc tâm linh.
Các bạn đọc, thấy đúng,
Thì áp dụng cho mình.


CÓ ĐI CÓ LẠI

Ở đời này, tất cả
Đều bình đẳng như nhau.
Ai cũng đáng kính trọng,
Có niềm vui, nỗi đau.

Hãy nói với người khác
Những lời mà chính ta
Mong người khác sẽ nói,
Đặc biệt khi ở nhà.

Hãy cư xử theo cách
Cả tôi và cả anh
Muốn người khác cư xử
Với chính bản thân mình.

Sống ở đời thế đấy.
Có lại và có đi.
Cái ta sẽ nhận được
Tùy thuộc ta cho gì.


CỔ NHÂN DẠY

Cổ nhân xưa đã dạy,
Rằng nhiều khi có người
Đặt mình vào chỗ chết
Để tồn tại trên đời.

Ngược lại, không ít kẻ,
Vì cái Tham, Si, Sân,
Đặt mình vào chỗ sống
Để rồi chết dần dần.


THIỀN

Một người hỏi Đức Phật:
“Bạch Thế Tôn được gì
Khi thiền lâu như vậy?”
Đức Phật đáp: “Không gì.”

Một lát sau, Ngài nói:
“Nhưng sau khi ngồi thiền
Ta để mất Nỗi Sợ,
Lo Lắng và Buồn Phiền.”


NGƯỜI HÀNH KHẤT

Có một người hành khất
Đến cửa một nhà giàu,
Ngửa tay xin bố thí,
Nhẫn nhục, đứng rất lâu.

Lão chủ nhà keo kiệt
Không bố thí cái gì,
Mà còn lấy hòn đá
Ném vào ông, đuổi đi.

Người ăn mày lặng lẽ
Cất kỹ hòn đá này,
Trong lòng nuôi mối hận,
Nhất định chờ đến ngày

Sẽ dùng hòn đá ấy
Ném vào lão nhà giàu.
Ở ác thì gặp ác.
Không ai thoát được đâu.

Và rồi, như mong đợi,
Không hiểu lý do gì.
Lão nhà giàu bị bắt,
Bị gông cổ, giải đi.

Người ăn mày thấy thế,
Lấy hòn đá, vui mừng,
Định ném về phía lão,
Thế mà rồi, giữa chừng

Ông khựng lại khi thấy
Khuôn mặt lão thâm sì,
Hốc hác vì đau đớn.
Ông vứt đá, bỏ đi.

*
Ở đời, cái đẹp nhất,
Chính là lòng vị tha.
Ai đó xúc phạm bạn,
Buồn, nhưng hãy cho qua.

Không có sự thù hận,
Thì gánh nặng cuộc đời
Vốn cũng đã quá nặng
Đè lên vai con người.

Khả năng biết tha thứ
Là tột đỉnh tình thương.
Nó giúp ta sống đẹp
Thanh thản cuộc đời thường.


DANH THIẾP

Ở Nhật, đời Minh Trị,
Đại thiền sư Kei-chu,
Sư trụ trì nổi tiếng
Ngôi chùa Kô-fu-ku.

Đến thăm chùa, lần nọ
Có vị quan rất to,
Gửi trước tấm danh thiếp:
“Thống Đốc Ky-ô-tô”.

Đại thiền sư thấy thế,
Sai người đuổi đi ngay.
“Ta bận, và không muốn
Tiếp loại người thế này.”

Chú tiểu ra, xin lỗi.
Tưởng to chuyện, nhưng rồi
Ông thống đốc nhã nhặn:
“Đó là lỗi do tôi.”

Ông xóa chữ “Thống Đốc”
Trên danh thiếp thanh tao.
Chỉ chừa lại tên họ,
Bảo chú tiểu mang vào.

Nhờ thế mà lần ấy
Đại thiền sư Kei-chu
Tiếp ông rất thân mật
Ở chùa Kô-fu-ku.


KHI ĐỨC PHẬT VIÊN TỊCH

Đức Phật, khi viên tịch,
Nằm giữa hai hàng cây,
Có để lại lời dạy,
Thành giáo lý ngày nay:

“Không được làm điều ác.
Chỉ được làm điều lành,
Và hàng ngày hãy nhớ
Thanh lọc ý nghĩ mình.”

Đó là ba nền tảng
Của Đạo Phật Thích Ca.
Hai điều trên đã rõ.
Khó là điều thứ ba.

Cơ thể bẩn thì tắm.
Ý nghĩ vấy bùn đen,
Ngài dạy phải gột sạch
Bằng cách ngồi định thiền.

Thiền rất tốt, nhưng khó.
Tôi nghĩ còn cách này -
Ta thanh lọc ý nghĩ
Bằng đọc sách hàng ngày.

Tất nhiên sách tử tế,
Hướng thiện và nhân văn.
Sách, như mưa ngày hạn,
Sẽ thấm sâu, thấm dần.


ĐẠO CHÍCH DẠY CON

Con một tên đạo chích
Muốn theo cha học nghề.
Một hôm, nằn nì mãi,
Cuối cùng hắn cũng nghe.

Hắn dẫn con, đêm tối,
Đến nhà một người giàu.
Dạy đào tường, khoét ngạch,
Bày cửa trước, cửa sau.

Thằng bố lấy vàng bạc
Cho vào một chiếc bao.
Rồi mở chiếc rương lớn,
Bảo thằng con chui vào.

Xong, hắn đậy nắp lại:
“Cứ ở đây chờ ta!”
Tên đạo chích nói thế
Rồi đi thẳng về nhà.

Đến ngõ, hắn kêu lớn:
“Trộm, trộm, làng nước ơi!”
Chủ nhà nghe, bật dậy,
Đốt đuốc tìm khắp nơi.

Không tìm thấy kẻ trộm,
Mọi người lại lên giường.
Thằng bé con đạo chích
Vẫn nằm im trong rương.

Nó giận bố để nó
Phải rơi vào cảnh này.
Rồi bắt đầu nghĩ cách
Thoát ra khỏi nơi đây.

Vờ làm chuột, chít chít,
Nó cào vào chiếc rương.
Đám gia nhân ông chủ
Lại bật dậy khỏi giường.

Họ mở tung các cửa,
Đuổi ngoài rồi đuổi trong.
Lén chui ra, thằng bé
Chạy một mạch tới đồng.

Ở nhà, tên đạo chích
Thấy con trai trở về,
Liền ôm con, và nói:
“Con đã học được nghề!”

*
Câu chuyện này kinh điển
Là một dạng châm ngôn.
Như các cụ đã dạy:
“Cái khó ló cái khôn.”

Và rằng chính cuộc sống
Luôn dạy ta thành người,
Mưu sinh và thoát hiểm,
Để tồn tại ở đời.


TIỂU THƯ THỤC HIỀN

Một tiểu thư giàu có
Nổi tiếng rất thục hiền.
Không bao giờ giận dữ.
Không bao giờ ưu phiền.

Người hầu tiểu thư ấy,
Một cô gái thông minh.
Nghi ngờ, muốn thử thách
Phẩm hạnh cô chủ mình.

Và rồi, một sáng nọ.
Khác hẳn với mọi ngày,
Cô cố tình dậy muộn.
Nàng tiểu thư chau mày.

Ngày thứ hai, cũng muộn.
Nàng tiểu thư thục hiền,
Quát vang nhà, khi thấy
Bữa sáng chưa mang lên.

Ngày thứ ba - tức giận,
Nàng cầm gậy vào phòng,
Đánh cô hầu tới tấp
Như một mụ lên đồng.

*
Thì ra là như thế.
Khi sung sướng, nhiều tiền,
Được cung phụng, hầu hạ,
Nàng mới là thục hiền.

Câu chuyện này Phật kể
Để răn dạy chúng sinh -
Con người khi gặp khó
Mới bộc lộ tính tình.


ĐỪNG HÁM HỐ
Một người mà hám hố
Vơ hết lợi cho mình
Thì người ấy chắc chắn
Vơ cả hại vào mình.
Cái lợi và cái hại
Luôn đi liền với nhau.
Như khỏe mạnh, ốm yếu,
Cái nghèo và cái giàu.
Đó là luật cân xứng
Của vũ trụ, của Đời.
Được ăn, đừng ăn cả,
Cũng nên dành cho người.

BA BÀ HOÀNG HẬU

Một ông vua hùng mạnh,
Đất nước rộng và giàu,
Có ba bà hoàng hậu
Tài và sắc như nhau.

Như nhau cả đức hạnh.
Như nhau cả tình yêu.
Cả ba bà hoàng hậu
Đều được vua yêu chiều.

Những tưởng thế là đủ.
Nhưng ông vua, lạ thay,
Muốn biết ai đẹp nhất
Trong ba bà hoàng này.

Ông hỏi ngài tể tướng.
Tể tướng đáp: “Tâu vua,
Cả ba đều xinh đẹp,
Không ai hơn, ai thua.”

Vua bực mình, ra lệnh
Chém tể tướng. Hôm sau
Hỏi một ông thầy bói.
Ông này sợ mất đầu,

Bèn nhắm mắt chỉ đại
Vào một bà. Bà này
Được vua yêu hơn cả
Và chiều chuộng đêm ngày.

Hai bà kia thất sủng,
Thành ghen tị, hai bà
Bèn lập mưu đầu độc
Giết hại bà thứ ba.

Tất nhiên vua tức giận,
Đem hai bà chém đầu.
Nhưng cũng từ hôm ấy
Vua chẳng còn bà nào.

Trước, ba bà hoàng hậu
Tài sắc và thông minh.
Chỉ vì sự cố chấp,
Nay vua nằm một mình.

*
Bài học thế là rõ.
Các bác cứ theo tôi.
Việc cần biết thì biết.
Không cần biết thì thôi.

Biết chỉ thêm rách việc.
Là vì sự tò mò,
Như người Pháp thường nói,
Có thể giết chết bò.


HŨ VÀNG

Có bác nông dân nọ
Mua của người họ hàng
Một sào đất - cày ruộng
Bỗng thấy có lọ vàng.

Bác đến gặp chủ cũ
Và nói rất thực lòng:
“Tôi chỉ mua sào đất.
Vậy vàng là của ông.”

Ông kia đáp: “Nhưng bác
Mua đất, đã trả tiền.
Hũ vàng nằm dưới đất,
Nên của bác, tất nhiên.”

Cả hai người trung thực
Mãi không ai chịu ai.
Cuối cùng về nhà ngủ,
Đành chờ đến ngày mai.

Thế mà đêm, vắng lặng,
Nghĩ về hũ vàng ròng,
Tiếc của, không ngủ nổi,
Và rồi, cả hai ông

Không hẹn, cùng một lúc
Đến gặp nhau, bắt đầu
Tranh lấy hũ vàng ấy,
Không còn nhường nhịn nhau.

“Bác nói thật chí lý.
Bác chỉ mua đất thôi,
Nên cái hũ vàng ấy
Quả đúng là của tôi!”

Người nông dân đáp lại:
“Tôi mua đất, trả tiền,
Như bác nói, và nó
Là của tôi, tất nhiên!”

Hai người cứ tranh cãi
Không ai chịu nhường ai,
Đành nhờ quan phán xử,
Rồi kiện cáo kéo dài.

*
Câu chuyện này của Phật
Nhắc chúng ta: Ở đời,
Dù bản tính vốn thiện,
Nhưng có thể nhiều người

Trước cám dỗ quá lớn
Mà chợt nẩy lòng tham,
Đánh mất sự trung thực
Trong ý nghĩ, việc làm.


MỆT

Mệt, gục đầu ngủ thiếp.
Chợt thấy A Nan Đà
Đưa tôi đến, lặng lẽ
Đứng trước Phật Thích Ca.

Ngài nhìn tôi không nói,
Nhưng đầy lòng từ bi.
“Ta biết con rất cố,
Nhưng còn nhiều Sân Si.

Mà rồi, chưa đến lúc
Con được lên Cõi Trời.
Còn nhiều việc dang giở
Ở dưới ấy, Cõi Người.”

Cúi thấp đầu tạ Phật
Tôi lặng lẽ đi ra.
Lặng lẽ xuống hạ giới
Cầm tay A Nan Đà.

*
Chiếc vi tính vẫn đợi.
Hình như đã rạng ngày.
Tiếp tục gõ bàn phím.
Lạnh từng đầu ngón tay.

No comments:

Post a Comment