Tuesday, February 24, 2015

VIỆT NAM LƯỢC SỬ DIỄN CA - 4



4
LÝ THƯỜNG KIỆT (1019 – 1105)

Trong lịch sử dân tộc,
Đời nhà Lý, chín triều,
Đã làm được nhiều việc.
Vâng quả thật rất nhiều.

Bình Chiêm, mở lãnh thổ.
Đánh giặc Tống thành công.
Đạo Phật phát triển mạnh.
Dời đô về Thăng Long.

Đổi tên nước Đại Việt
Năm Một Không Năm Tư.
Vua đứng đầu nhà nước,
Công tâm và nhân từ.

Một chiếc chuông rất lớn
Đặt trước điện Long Trì.
Dân oan cứ đến gõ,
Kêu bất cứ việc gì.

Nước có hăm tư tỉnh.
Quan - tri phủ, tri châu.
Chủ yếu người hoàng tộc
Hay con cái nhà giàu.

Nhà Lý ban bộ luật
Năm Một Không Bốn Ba,
Dạng như luật Hình Sự,
Đầu tiên ở nước ta.

Quân đội gồm hai loại -
Cấm quân và địa phương.
Có cả bộ cả thủy,
Rất chặt chẽ kỷ cương.

Vũ khí gồm giáo mác,
Đao kiếm và cung tên.
Có cả máy bắn đá,
Có xưởng đóng chiến thuyền.

Về ngoại giao, nhà Lý
Hòa hoãn với Bắc Phương.
Với Chiêm Thành, Đại Việt
Giữ quan hệ bình thường.

*
Giữa thế kỷ mười một,
Nhà Tống gặp khó khăn.
Nội tình đầy mâu thuẫn,
Ngân khố luôn nợ nần.

Chúng muốn đánh Đại Việt
Để giải quyết việc nhà,
Nhưng phải chịu thất bại
Trước quân và dân ta.

Bây giờ ông sẽ kể
Về vị tướng thiên tài
Đã đánh bại quân Tống.
Các cháu biết là ai?

Đó là Lý Thường Kiệt,
Một con người tài ba,
Một anh hùng dân tộc
Trong lịch sử nước ta.

*
Ông là tướng nhà Lý,
Đồng thời một hoạn quan,
Có công đánh quân Tống,
Giữ đất nước bình an.  

Tên thật là Ngô Tuấn,
Hậu duệ Ngô Quyền xưa,
Ông quê huyện Quảng Đức,
Thuộc Gia Lâm bây giờ.       

Bố ông làm Thái úy
Đời vua Lý Thái Tông,
Được vua ban quốc tính,
Do đức và do công.      

Năm Một Không Bốn Mốt,
Nhờ khôi ngô, thông minh,
Ông được làm thái giám,
Vua cho theo bên mình.

Sau ông được thăng chức
Nội thị Sảnh đô tri
Lúc mới ba lăm tuổi,
Vinh hiển và quyền uy.

Rồi sau, tiến hơn nữa,
Dưới triều Lý Thánh Tông,
Làm Kiểm hiệu Thái bảo,      
Chức quan hàng tam công.

Năm Một Không Sáu Một,
Ở Thanh Hóa, Nghệ An
Các tộc Mường quấy rối,
Vua sai ông trấn an.

Nhờ ông biết thuyết giảng,
Có lý lại có tình,
Cả năm châu, sáu huyện
Đã quy phục triều đình.

Năm Một Không Sáu Chín,
Ông đi đánh Chiêm Thành,
Bắt được vua Chế Củ,
Mở rộng đất nước mình.

*
Khi Càn Đức, bảy tuổi,
Lên ngôi báu, triều đình
Lục đục các phe cánh,
Đất nước chẳng an bình.

Lý Thường Kiệt ủng hộ
Phe Ỷ Lan phu nhân,
Nhờ thế mà mọi chuyện
May cũng ổn định dần.

*
Tể tướng Tống, An Thạch,
Năm Một Không Bảy Năm,
Xui vua đánh Đại Việt,
Một quyết định sai lầm.

Thấy trước âm mưu giặc,      
Không đợi giặc tấn công,
Lý Thường Kiệt chủ động
Cả đường bộ, đường sông

Tiến quân vào đất giặc,
Cùng Tôn Đản tướng quân,
Vượt qua các thành ải,
Chiếm châu Liêm, châu Khâm.

Năm Một Không Bảy Sáu,
Hai cánh quân gặp nhau,
Cùng bắt đầu vây hãm,
Quyết hạ thành Ung Châu.

Đó là một thành lớn,
Ngày nay là Nam Ninh,
Tướng Tô Giám cố thủ
Cùng ba vạn tinh binh.

Tướng giặc Trương Thủ Tiết
Đem quân đến giải vây,
Bị ông chém tại trận.
Sử Tàu chép trận này.

Cuối cùng Lý Thường Kiệt
Phải dùng kế hỏa công,
Bắn các chất dễ cháy
Như bùi nhùi, nhựa thông.

Ông còn bắt dân Tống
Chồng bao cát thật cao
Để quân lính Đại Việt  
Vượt tường thành xông vào.

Thành Ung Châu thất thủ
Vào ngày thứ bốn hai.
Tướng Tô Giám tự tử,
Lửa ngùn ngụt trong, ngoài.

Sáu vạn người bị giết.
Cả Khâm Châu, Liêm Châu,
Con số là mười vạn.
Một thất bại thật đau.

Làm cỏ ba châu ấy,
Nhiều cảnh cũng đau lòng,
Lý Thường Kiệt ra lệnh
Quay trở về Thăng Long.

Ông bắt nhiều dân Tống
Cùng đi theo với mình
Rồi cho vào khai khẩn
Vùng Nghệ Tĩnh, Quảng Bình.       

*
Tháng Ba năm Bảy Sáu,
Quân Tống lại đánh ta,
Xui Chiêm Thành, Chân Lạp
Từ phía Nam đánh ra.

Nhưng rồi hai nước ấy
Sợ, không dám xuất quân.
Quân Tống gồm mười vạn,
Hai mươi vạn phu dân.

Hay tin, Lý Thường Kiệt
Liền cấp tốc đề phòng,
Lập các chốt phòng ngự
Cả đường bộ, đường sông.

Ông cho xây chiến lũy
Bên cửa ải Chi Lăng
Ngăn quân Tống tràn xuống
Từ phía Bắc Cao Bằng.

Tuyến phòng thủ đường thủy
Ông lập ở sông Cầu,
Xưa là sông Như Nguyệt,
Chỗ sông hẹp, nước sâu.

Nhờ hai phòng tuyến ấy,
Giặc Tống bị kìm chân,
Quân mười phần chết bảy,
Ý chí cũng nguội dần.

Biết giặc đang thế bí,
Ông sai sứ “nghị hòa”.
Quân Tống liền đồng ý.
Thoát được nạn can qua.      

*
Năm Một Một Không Bốn
Và Một Không Bảy Năm,
Hai lần Lý Thường Kiệt
Phải đem quân bình Nam.

Cả hai lần đều thắng,
Chưa nói đến lần đầu
Khi bắt được Chế Củ,
Đổi vua lấy ba châu.

Ông được phong Thái úy,
Bậc khai quốc công thần,
Một anh hùng dân tộc,
Sống mãi cùng nhân dân.

Tháng Sáu năm Ất Dậu,
Tức Một Một Không Năm,
Ở tuổi tám mươi bảy,
Lý Thường Kiệt từ trần.

Ông là vị thái giám
Đầu tiên ở nước ta
Có công với dân tộc,
Giúp bảo vệ sơn hà.     

Theo truyền thuyết kể lại,
Trước ba quân, bấy giờ,
Ở phòng tuyến Như Nguyệt,
Ông đã đọc bài thơ.

Bài thơ như lời hịch,
Như một bản tuyên ngôn
Về độc lập dân tộc,
Sống mãi cùng nước non.
         
*
Bài thơ tứ tuyệt ấy
Vang vọng mãi lòng người.
Bốn câu thơ ngắn gọn
Xuyên suốt đã bao đời.

Nước Nam người Nam ở.
Trời định thế từ lâu.
Đừng tìm cách xâm phạm,
Kẻo lại bị đánh đau.

Không gì đúng hơn thế.
Cũng không gì hay hơn.
Đó là lời cảnh cáo
Nhằm bảo vệ giang sơn.

Đến nay vẫn chưa biết
Ai viết bài thơ này.
Điều ấy không quan trọng.
Quan trọng là nó hay.

Nó nói đúng khí phách
Của con cháu Lạc Rồng,
Bản Tuyên ngôn Độc lập,
Lời thề với non song.

Thái úy Lý Thường Kiệt
Đã đọc vang bài thơ
Trong đền thờ Trương Hống,
Huyện Yên Phong bây giờ.

Tuyến phòng thủ Như Nguyệt
Đứng sừng sững bên sông.
Binh sĩ nghe tướng đọc
Mà thấy náo nức lòng.

Rồi vạn người như một
Tiến lên theo tiếng thơ.
Khiến quân Tống bỏ chạy,
Ô nhục tận bây giờ.

Nhà thơ không xung trận
Trong trận ấy bên sông,
Nhưng với bài tứ tuyệt
Đã góp phần lập công.

*
Lúc nãy ông nhắc đến
Hai từ lạ - “hoạn quan”.
Hoạn quan Lý Thường Kiệt.
Hay là Ngài bị oan?

Vấn đề chưa ngả ngũ,
Được tranh cãi xưa nay.
Tạm thời ông chỉ nói
Đại khái như thế này.

*
Theo sử, Lý Thường Kiệt
Vốn là một hoạn quan.
Một từ không đẹp lắm,
Khiến thiên hạ luận bàn.       

Nhiều nhà nho khinh bỉ
Khi nhắc đến tên ông,
Thậm chí có đánh giá
Sai lệch và bất công.    

Với ta, Lý Thường Kiệt
Là khai quốc công thần,
Người anh hùng dân tộc,
Sống vì nước, vì dân,

Cho nên không quan trọng
Ông là người thế nào.
Dẫu vậy, thử tìm hiểu
Vấn đề này xem sao.

*
Xưa nay trong lịch sử
Từng có nhiều hoạn quan
Làm khuynh đảo chính sự,
Tàn bạo và mưu gian.

Xưa nhất phải kể đến
Tên hoạn quan Triệu Cao,
Từng giữ chức tể tướng
Thời nhà Tần năm nào.

Khi Tần Thủy Hoàng chết,
Hắn giả di chiếu vua,
Lập con thứ Nhị Thế
Thay con trưởng Phù Tô.

Hai anh em tranh chấp,
Nên cơ đồ nước Tần
Lọt vào tay nhà Hán,
Làm ly tán lòng dân.    

Về phần mình, nhà Hán
Có họa mười hoạn quan
Thao túng cả triều chính,
Nên vận nhà Hán tàn,

Để gian thần Đổng Trác
Nắm hết mọi quyền hành,
Mở đường cho Tam Quốc
Dùng dằng thế phân tranh.

Trường hợp Lý Thường Kiệt
Của Đại Việt chúng ta,
Dẫu hoạn quan, tuy vậy,
Là hiền tài, khác xa.

Vì sao Lý Thường Kiệt
Lại trở thành hoạn quan?
Có khá nhiều giả thuyết
Được đưa ra luận bàn.

Một - sinh ra đã thế.    
Điều này rất khó tin,
Vì ông, như ta biết,
Từng có một mối tình

Với nàng Dương Hồng Hạc,
Sau là vợ Thái Tông.
Khi biết ông bị hoạn,
Nàng dứt tình với ông.

Hai - hay Lý Thường Kiệt
Tự hoạn để lấy tiền?
Lý Thái Tông, nghe nói,
Thấy mặt ông xinh, hiền,

Nên hứa nếu tự hoạn
Để trở thành hoạn quan
Theo hầu vua sớm tối,
Vua thưởng ba vạn quan.

Điều này khó có thật.
Là con một công hầu,  
Tuy bố mẹ mất sớm,
Nhưng nhà ông khá giàu.

Nên không thể có chuyện
Ông bán mình vì tiền.
Với một nhân cách lớn,
Việc ấy là đê hèn.

Lại có người còn nói
Tự hoạn để tiến thân,
Hoặc do vua trừng phạt
Vì tội dám khi quân.

Còn một số thuyết nữa,
Nhưng tất cả xem ra
Không hoàn toàn thuyết phục,
Trừ một thuyết, đó là

Khi vua tuyển thái giám,
Người ta đánh thuốc mê,
Hoạn ông ngoài ý muốn,
Một nỗi đau ê chề.

Chắc kẻ làm việc ấy
Có liên quan ít nhiều
Đến nàng Dương Hồng Hạc,
Một người ông từng yêu.

Không ngẫu nhiên sau đó,
Đúng vào lúc gian nguy,
Lý Thường Kiệt ủng hộ
Phe Ỷ Lan Nguyên phi.

Giả thuyết là giả thuyết,
Còn chưa rõ thế nào.
Dẫu ông là quan hoạn,
Việc ấy cũng chẳng sao.

Nó không thể che lấp
Tài đức và công danh.
Ông, vị tướng lỗi lạc
Phá Tống, bình Chiêm thành.

*
Thế là ông kể hết
Phần chuyện của hôm nay.
Giờ đến phần cổ tích.
Ông sẽ kể chuyện này.

Đây không phải cổ tích,
Mà truyền thuyết dân gian,
Về một người có thật,
Là Nguyên phi Ỷ Lan.


NGUYÊN PHI Ỷ LAN (1044 – 1117)       

Có một truyền thuyết đẹp,
Đúng hay không, bàn sau.
Và theo truyền thuyết ấy,
Có một nàng hái dâu.

Nàng, cô thôn nữ ấy,
Rất xinh đẹp, tất nhiên.
Nết na và chăm chỉ,
Không thể không dịu hiền.    

Một hôm, đang dưới bãi
Thì xe vua đi qua.
Ấy là vua tìm vợ,
Vì vua đã, đang già.

Khỏi nói, các cô gái
Tranh nhau đứng trước ngài.
Họ thích làm hoàng hậu
Và quyết không nhường ai.

Thế mà thôn nữ ấy,
Cô gái đang hái dâu,
Vẫn luôn tay, cứ hái,
Thậm chí không ngửng đầu.

Vừa hái dâu vừa hát,
Mà cô hát rất hay,
Đến mức vua dừng lại,
Nghe, và lòng say say.

Từ tò mò, rồi thích,
Rồi yêu cô gái nghèo,
Vua cho người cung kính
Rước kiệu cô về triều.

Rồi lấy nàng làm vợ,
Rồi gì gì, gì gì,
Cuối cùng cô gái ấy
Thành Ỷ Lan chính phi.

Ỷ Lan, vì hôm đó
Cô đứng tựa cây lan.
Vừa hồn nhiên, vừa đẹp.
Cũng có người bảo gian.

Có một nhà viết sử
Vừa viết sách về cô,
Nói bố cô lúc ấy
Làm quan ở kinh đô.

Có thể ông biết trước
Việc vua về vùng ông
Nên sai con phục sẵn,
Như phục chim vào lồng.

Nên cô mới ra bãi
Vờ chăm chú hái dâu,
Cố tình không chú ý,
Cố tình không ngửng đầu.

Vì biết có chú ý
Cũng chẳng ăn thua gì.
Vậy phải làm gì đấy
Thật lãng mạn, ly kỳ.

*
Ngoài đời, bà quả thật
Chuyên trồng dâu nuôi tằm.
Tên là Lê Thị Yến,
Quê ở huyện Gia Lâm.

Vua đã bốn mươi tuổi
Mà chưa có con trai,
Nên gặp được Thị Yến
Vừa xinh vừa có tài

Liền lấy bà làm vợ,
Xây riêng một cung to,
Nay là đình Yên Thái,
Cách không xa Bờ Hồ.

Bà sinh hai hoàng tử
Cho vua Lý Thánh Tông.
Con đầu là Càn Đức,
Sau thành Lý Nhân Tông.

Thế là vua mãn nguyện,
Được như ước, còn gì?
Nên bà được cất nhắc
Thần phi, rồi Nguyên phi.

*
Năm Một Không Sáu Chín
Vua đi đánh Chiêm Thành.
Đem mọi việc quốc sự
Giao cho bà điều hành.

Vua đánh mãi không thắng,
Đang có ý lui quân,
Thì biết tin hoàng hậu
Ở Thăng Long được dân

Và các quan kính trọng
Vì các việc triều đình
Đều được bà làm tốt.
Vua xấu hổ, giật mình.

Đàn bà mà giỏi thế,
Vậy đàn ông thì sao?
Thế là vua quyết định
Lại tung quân đánh vào.

Lần ấy vua thắng lớn,
Lấy thêm được ba châu,
Bắt vua Chiêm, Chế Củ,
Phải uốn gối, cúi đầu. 

*
Tháng Giêng năm Nhâm Tý,
Tức Một Không Bảy Hai,
Thánh Tông lâm bệnh chết,
Lý Nhân Tông lên ngai.

Càn Đức mới sáu tuổi,
Còn nhỏ, chẳng biết gì,
Nên xẩy ra cuộc chiến
Giữa hai bà Hoàng phi.

Một bên là Thái hậu
Đang thực nắm quyền hành,
Nhờ có sự ủng hộ
Của Thái sư Đạo Thành.

Còn bên kia, yếu thế,
Là Ỷ Lan Thái phi.
Làm mẹ vua còn nhỏ,
Không có quyền hành gì.       

Sau được Lý Thường Kiệt
Đứng hẳn về phe mình,
Ỷ Lan giành thế thắng.
Quên hết cả nghĩa tình,

Bà bắt con, Càn Đức,
Chôn Thái hậu họ Dương,
Bảy mươi sáu thị nữ
Cùng Thánh Tông, thật thương.

Còn Thái sư họ Lý
May không bị giết oan,
Giáng chức thành Tả gián,
Đi coi châu Nghệ An.

Vậy là một thôn nữ,
Hiền dịu và xinh tươi,
Vì quyền lực, đã giết
Bảy mươi bảy con người.

*       
Nắm toàn quyền triều chính,
Từ Ỷ Lan Thái phi,
Thành Ỷ Lan Thái Hậu.
Sắp tới bà làm gì?        

Lần thứ hai nhiếp chính
Năm Một Không Bảy Tư,
Bà lại mời ra Bắc
Lý Đạo Thành Thái sư.

Bà quên thù hận cũ,
Giao trọng trách cho ông,
Để cùng Lý Thường Kiệt
Lo gánh vác việc công.

Nhờ thế mà đất nước
Được ổn định dài lâu,
Bình Chiêm rồi phá Tống -
Việc này bà công đầu.           

Sử cũ còn ghi lại,
Năm Một Một Không Ba,
Bà lấy tiền công quĩ
Và một phần tiền bà

Để chuộc các cô gái
Bị bán cho nhà giàu,
Tìm đàn ông góa vợ
Để họ thành cô dâu.     

Vốn là người mộ Phật,
Là người tu tại gia,
Bà xây nhiều chùa, miếu,
Nhất là khi về già.

Có người nói, bởi lẽ
Lòng bà không thảnh thơi,
Hối hận vì đã giết
Bảy mươi bảy con người.      

Rất có thể như thế,
Cũng có thể là không.
Lịch sử rất sòng phẳng:
Khen khi bà có công.

Ngược lại, khi có tội,
Phải mang tiếng với đời.
Không ai có thể thoát
Luật trời và luật người.

Bảy mươi tuổi, bà chết,
Ba hầu gái chôn theo,
Những người bà yêu mến,
Tức là những người nghèo.   


5
TRẦN THỦ ĐỘ (1194 - 1264)

Xã hội ta thời Lý,
Hơn hai thế kỷ dài,
Có nhiều sự kiện lớn,
Nhiều nhân vật hiền tài.

Từ vua Lý Thái Tổ
Đến vua Lý Chiêu Hoàng,
Chín đời vua cai trị
Với nhiều trang sử vàng.

Bình Chiêm rồi đánh Tống,
Dời đô về Thăng Long,
Xây dựng Quốc Tử Giám,
Phát triển nghề thủ công.

Phật giáo rất phát triển.
Nho giáo cũng gia tăng.
Trong việc cai trị nước
Có phân cấp rõ ràng.

Năm Một Không Bảy Sáu,
Quốc Tử Giám lần đầu
Mở cửa đón vào học
Con cháu của người giàu.

Còn một năm trước đó
Khóa thi tuyển đầu tiên
Được nhà vua cho mở
Để kén chọn người hiền.

Kiến trúc và điêu khắc
Rất phát triển thời này -
Văn Miếu, Chùa Một Cột…
Tồn tại đến ngày nay.

Cũng vào thời nhà Lý
Xuất hiện một dòng thơ,
Gọi là thơ Thiền, Phật,
Rất phổ biến bấy giờ.

Làm nên dòng thơ ấy
Là các sư đời thường,
Như Vạn Hạnh, Lê Thước,
Đoàn Văn Khâm, Lý Trường,

Đỗ Pháp Thuận, Từ Lộ,
Ngô Chân Lưu, Lâm Khu,
Dương Không Lộ, Lê Thuấn,
Vạn Trì bát, Kiều Phù…

Cả vua Lý Thái Tổ
Có bài thơ rất hay,
Nói ngủ, chân đạp đất,
Đầu Ngài gác lên mây.

Đêm mỏi, không dám duỗi,
Chỉ vì sợ ngủ quên
Mà đạp đổ sông núi.
Đúng khí phách người hiền.

Tuy nhiên, từ giai đoạn
Cuối thế kỷ Mười Hai,
Nhà Lý dần suy yếu.
Suốt một thời gian dài

Vua quan lo hưởng lạc
Và bòn vét của dân.
Lại hạn hán, lụt lội,
Mất mùa, dân thiếu ăn.

Dân nghèo đã nổi dậy
Ở Nghệ An, Ninh Bình.
Thái Sư Trần Thủ Độ,
Thâu tóm hết quyền binh.

Bây giờ ông sẽ kể
Về ông Thái Sư này.
Người luôn gây tranh cãi
Khi đánh giá xưa nay.

Chính ông đã êm thấm,
Chuyển từ Lý sang Trần.
Gây dựng triều đại mới.
Dẫu mang tiếng bất nhân

*
Một nhân vật lịch sử
Gây nhiều oán, nhiều ân,
Đó là Trần Thủ Độ,
Thái sư đầu triều Trần.

Cũng ông, người thực sự
Sáng lập triều đại này,
Và bốn mươi năm chẵn
Giữ chặt nó trong tay.

Nhưng ông ác hay thiện,
Chính nghĩa hay gian tà?
Điều này chưa ngả ngũ,
Dù nhiều năm trôi qua.

Ông sinh ở Lưu Xá,
Huyện Hưng Hà, Thái Bình,
Tổ tiên làm nghề cá,
Từ Đông Triều, Yên Sinh.

Nhưng đến đời ông bố
Thì giàu sang vô cùng,
Khi Hoàng Thái tử Sảm
Lấy chị Trần Thị Dung.

Sau Hoàng Thái tử Sảm
Thành vua Lý Huệ Tông.
Nhà Lý đứng vững được
Một phần cũng nhờ ông.

Năm Một Hai Hai Bốn,
Ông được phong chức danh
“Điện tiền Chỉ huy sứ”,
Chỉ huy bảo vệ thành.

Khi Trần Tự Khánh chết,
Ông là người một mình
Nắm hết mọi quyền lực,
Và công việc triều đình.         

Triều Lý vào lúc ấy
Đang trên đường suy vong.
Vua ham chơi, tác tráng,
Dân bất ổn, nản lòng.

Mùa màng luôn thất bát.
Chân Lạp và Chiêm Thành
Thường quấy phá biên giới,
Lơ lửng họa chiến tranh.

Sáng suốt và khôn khéo,
Biết trông rộng, nhìn xa,
Ông nghĩ cần thay đổi,
Cho mình, cho nước nhà.

Năm Một Hai Hai Bốn,
Ông ép Lý Huệ Tông
Nhường ngôi cho con gái,
Cho dù muốn hay không.

Huệ Tông lên chùa sống,
Lấy pháp hiệu Huệ Quang.
Con gái vua, bảy tuổi,
Hiệu là Lý Chiêu Hoàng.

Đó là vị vua nữ
Duy nhất của nước nhà,
Nhưng cuộc đời chìm nổi,
Ngẫm mà thương cho bà.      

Tiếp đến, Trần Thủ Độ
Đưa Trần Cảnh, cháu ông,
Vào hầu bên nữ chúa,
Rồi sau trở thành chồng.

Chỉ một năm sau đó
Chiêu Hoàng tự dâng ngai
Cho cậu chồng tám tuổi,
Yên cả trong lẫn ngoài.

Vậy là cuộc đảo chính
Đã mỹ mãn thành công,
Nhà Trần kế nhà Lý,
Hoàn toàn theo ý ông.  

Phải khen ông tài giỏi,
Thay đổi cả vương triều,
Đất nước không xáo trộn,
Máu cũng chẳng đổ nhiều.

Vì vua còn rất bé,
Ông lại nắm toàn quyền,
Dẹp loạn sứ trong nước,        
Dân chúng được bình yên.

Lần kháng chiến thứ nhất
Chống xâm lược nhà Mông,
Đại Việt giành thắng lợi
Một phần nhờ có ông.

Thế giặc lớn, vua sợ,
Mới hỏi ông, thăm dò.
“Chừng nào tôi chưa chết,
Xin bệ hạ đừng lo!”

Thái sư nói câu ấy,
Làm triều đình vững lòng,     
Trên dưới dốc toàn lực,
Giúp kháng chiến thành công.

*                
Theo sử cũ chép lại,
Trần Thủ Độ là người
Rất công tâm, nghiêm khắc,
Khôn ngoan và hiểu đời.

Một lần vợ ông trách
Khi đi vào cấm cung
Bị lính cờ ngăn lại.
Ông nghe, giận vô cùng,

Liền gọi tên lính ấy,
Định chém đầu tức thì.
Thế mà ông không chém,
Còn khen, thật lạ kỳ.

“Tên lính này, ông nói,
Giữ đúng phép vua ban.
Lính làm thế là tốt,
Sao bà còn phàn nàn?”

Có lần, một công chúa
Xin ông cho người nhà
Một chức quan nho nhỏ.
Ông gật đầu, thế là

Khi người kia đến gặp,
Ông nói: “Anh là người
Được công chúa ưu ái,
Vậy nổi bật ở đời.

Thế thì ta xin phép
Chặt một ngón chân anh
Đánh dấu sự khác ấy.
Chắc anh cũng đồng tình.”

Anh kia nghe, sợ quá,
Liền ra về, tay không.
Từ đấy không hề thấy
Người nào đến nhờ ông.

Lại nữa, một lần nọ,
Có người tâu chân tình:
“Bệ hạ còn ít tuổi,
Thái sư nắm quyền hành,

E gây nên hậu họa.”
Thái Tông đưa người này
Đến gặp Trần Thủ Độ.
Ông nghe rồi khen hay,

Bảo ông ta nói đúng,
Không chém đầu để răn,
Mà còn ban lụa thưởng,
Khen là người trung thần.

*
Vậy là Trần Thủ Độ
Rõ ràng rất có công
Xây dựng vương triều mới,
Đánh thắng giặc Nguyên Mông.     

Nhưng nhiều người chỉ trích
Ông là người nhẫn tâm,
Độc ác, vô đạo đức.
Nói thế cũng không nhầm.

Để đề phòng hậu họa,
Ông không ngại giết người.
Giết tôn thất nhà Lý,
Một tội ác tày trời.

Chính ông ép Trần Liễu
Nhường vợ cho em trai.
Vua lấy chị dâu ruột,
Khi chị dâu có thai.

Ông bị chê thất đức
Khi giết Lý Huệ Tông,
Lấy hoàng hậu làm vợ,
Tức lấy chị họ ông.

Ông là người như thế.
Công và tội đan xen.
Thậm chí công và tội
Còn chưa rõ trắng đen.

*
Hôm nay thế là đủ
Lại cổ tích chứ gì?
Yên tâm, ông sẽ kể.
Một chuyện hay cực kỳ.


SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY

Ngày xưa, thời nhà Lý
Khoảng thế kỷ mười ba,
Có pháp sư tài giỏi
Sống ở thành Đại La.

Tên ông là Không Lộ,
Tương truyền người nhà trời,
Giáng trần xuống Đại Việt,
Giúp đời và giúp người.

Ngày ấy nước Đại Việt
Rất thiếu sắt và đồng
Đúc chuông, làm vũ khí,
Làm dụng cụ nhà nông.

Có bao nhiêu vàng bạc,
Đá quý và ngọc châu,
Người phương Bắc vơ vét
Đem hết về nước Tầu.

Nên một hôm, Không Lộ
Lên đường sang Yên Kinh,
Định dùng các phép thuật
Mang đồng về nước mình.

Ông đến gặp vua Tống,
Hỏi xin một ít đồng
Để đem về Đại Việt
Đúc tượng Phật Bắc tông.

“Tôi chỉ dám xin ít,
Chỉ đủ đựng túi này.”
Vua Tống thấy túi bé
Liền đồng ý cho ngay.

Rồi vua sai thái giám
Dẫn pháp sư vào kho,
Cho lấy gì cũng được -
Vàng, đồng hay sắt thô.

Miễn là chỉ được lấy
Đầy một túi, không hơn.
Pháp sư nước Đại Việt
Cúi thấp đầu cảm ơn.

Bước vào kho, Ngài thấy
Một con trâu bằng vàng,
To hơn cả trâu thật,
Nghếch mõm, đứng chặn ngang.

Vào sâu hơn tí nữa
Là một núi đồng đen
Còn quý hơn vàng bạc,
Thứ kim loại nhà thiền.

Rồi pháp sư Không Lộ
Giở phép thuật thần thông,
Mở chiếc túi nhỏ bé
Lấy hết nửa kho đồng.

Viên thái giám hoảng sợ,
Liền chạy báo nhà vua.
Vua Tống ra lệnh chém
Vì tội dám trêu đùa.

Nhà pháp sư Đại Việt
Có tài nghe tiếng người
Cách xa cả mấy dặm,
Dưới đất và trên trời.

Nên ông vội vàng rút,
Chân bước qua tường thành.
Vì đồng nhiều, nặng quá,
Nên không thể đi nhanh.

Chợt một đoàn người ngựa
Gấp rút đuổi theo ông.
Pháp sư cắm cổ chạy,
Bỗng gặp một dòng sông.

Ông lấy chiếc nón lá
Vứt xuống nước, và kìa,
Nó biến thành chiếc mảng
Đưa ông sang bên kia.

Quân nhà Tống bất lực
Đứng nhìn ông qua sông.
Còn pháp sư Không Lộ
Trở về thành Thăng Long.

Số đồng mang về được
Đúc chiếc đại hồng chung
Theo khuôn bằng đất sét,
To và đẹp vô cùng.

Cuối cùng, chuông được dóng.
Thật to và ngân vang.
Bay sang tận phương Bắc.
Vì đồng là mẹ vàng,

Nên trâu vàng nước Tống
Liền chạy về Thăng Long
Thấy thế, sư Không Lộ
Bảo ngừng đánh chuông đồng.

Ông nói nếu đánh tiếp,
Tất cả vàng nước Tàu
Sẽ sang Đại Việt hết,
Và lại sẽ đánh nhau.

Rồi chiếc chuông lập tức
Được lăn xuống sông Hồng,
Con trâu vàng thấy thế,
Liền lao theo mẹ đồng.

Nó vùng vẫy, quằn quại
Liên tục đúng ba ngày,
Thành một vùng sâu hoắm
Bây giờ là Hồ Tây.       

Sau đó sư Không Lộ
Lặng lẽ bay về trời.
Ngài trở thành ông tổ
Nghề đúc đồng nhiều nơi.

Đời sau, dân sở tại
Xây một ngôi đền thờ
Để nhớ ơn Không Lộ -
Đền Quan Thánh bây giờ.


6
CÁC VUA TRẦN

Nhà Trần thay nhà Lý
Lo củng cố quốc phòng
Và chấn hưng kinh tế,
Đặc biệt là nghề nông.

Để trao đổi hàng hóa,
Chợ mọc lên khắp nơi,
Hầu như các làng xã,
Luôn nhộn nhịp, đông người.

Nghề thủ công phát triển,
Như nghề gốm, đúc đồng,
Nghề làm giấy, rèn dũa
Các công cụ nhà nông.

Triều đình sai các lộ
Phải đào sông, đắp đê,
Khai khẩn đất hoang hóa
Ngăn nước biển bằng kè.

Biết trước họa xâm lược,
Vua bắt quân thường xuyên
Học binh pháp, luyện võ,
Sử dụng giáo, cung tên.

Thời kỳ đầu cai trị,
Các ông vua đời Trần,
Là người hiền, tài giỏi,
Lo cho nước, cho dân.

Hôm nay ông sẽ kể
Chi tiết về hai ông.
Hai ông vua tài đức -
Thánh Tông và Nhân Tông.


TRẦN THÁNH TÔNG (1240 – 1290)

Thái sư Trần Thủ Độ,
Vốn là một quyền thần,
Thu xếp sự chuyển tiếp
Từ triều Lý sang Trần.

Năm Một Hai Hai Bốn
Ông ép Lý Huệ Tông
Nhường ngôi cho con gái,
Rồi ép nàng lấy chồng.

Lấy cháu ông, Trần Cảnh.
Lý Chiêu Hoàng bấy giờ
Vừa mới lên bảy tuổi,
Trẻ con và ngây thơ.

Sau đấy ông lại ép
Nàng nhường ngôi cho chồng,
Cũng trẻ con, bảy tuổi,
Sau thành Trần Thái Tông.

Lớn lên, ông vua ấy
Là một vị vua hiền,
Người có công lãnh đạo
Cuộc chiến chống quân Nguyên.

Thái Tông và hoàng hậu
Mãi vẫn không có con.
Sợ không người nối dõi
Để ngôi báu trường tồn,

Thái sư Trần Thủ Độ
Ép vua lấy chị dâu,
Tức là vợ Trần Liễu,
Lúc ấy đang có bầu.

Rồi họ sinh Trần Hoảng,
Sau thành Trần Thánh Tông,         
Một anh hùng dân tộc,
Chiến thắng giặc Nguyên Mông.

Trần Thánh Tông trị quốc
Trong vòng hai mươi năm.
Đất nước luôn thịnh trị,
Không có giặc ngoại xâm.

Ông đặc biệt chú ý
Lo cuộc sống cho dân,
Giảm phu phen, lao dịch,
Tạo điều kiện làm ăn.

Lê Văn Hưu viết sử
Theo chiếu lệnh của ông.
Cuốn Đại Việt sử ký
Cuối cùng đã viết xong.

Bộ sử ba mươi cuốn
Từ xưa đến Chiêu Hoàng.
Tiếc bây giờ thất lạc,
Nhưng là cuốn sử vàng.

Ông mở nhiều trường học,
Đúc chuông, xây chùa chiền,
Lập xưởng đúc vũ khí,
Đóng sẵn các chiến thuyền.

Khi còn nhỏ, Thái tử
Từng theo cha Thái Tông
Nhiều lần ngự thuyền chiến
Tham gia đánh Nguyên Mông.

Ông cho phép vương thất
Cùng dân nghèo khai hoang.
Các vương hầu từ đó
Nhiều người có điền trang.

Ông đều đặn xuống chiếu
Kén chọn các hiền tài
Sung vào nơi Quán, Các,
Không phân biệt trong ngoài.

Năm Một Hai Bảy Tám
Thánh Tông nhường ngôi vàng
Cho Trần Khâm, thái tử,
Để thành Thái thượng hoàng.         

Ông lui về Cung Bắc
Rồi xuống tóc, nhập thiền,
Nghiên cứu về Phật Giáo,
Xây dựng nhiều chùa chiền.

Năm Một Hai Tám Bốn
Quân Nguyên lại tấn công.
Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn
Được phụ trách quốc phòng.

Quân Nguyên bị đánh bại
Lần thứ hai, thứ ba,
Đều có công đóng góp
Của Thánh Tông vua cha.    

Năm Một Hai Tám Chín,
Khi kết thúc chiến tranh,
Thánh Tông về ở ẩn,
Làm thơ và du hành.    


TRẦN NHÂN TÔNG (1258 – 1308)

Anh minh và nhân ái,
Đức vua Trần Nhân Tông,
Một ông vua vĩ đại,
Sống mãi cùng non sông.      

Không chỉ vua, hơn thế,
Ngài còn là Phật Hoàng,
Lập Trúc Lâm Yên Tử,
Mở một kỷ nguyên vàng.

Ngài là con trai trưởng
Đức vua Trần Thánh Tông.
Trần Khâm là tên húy,
Anh hùng chống Nguyên Mông.

Năm Một Hai Bảy Tám,
Nhận ngôi từ vua cha,
Đúng lúc giặc Mông Cổ
Lại đe dọa nước nhà.

Thế lực giặc rất lớn,
Không ít người nản lòng,
Nhưng Ngài quyết chủ chiến,
Mở Hội nghị Diên Hồng.                 

Ngài là người đoàn kết
Sức mạnh toàn quốc gia.
Lòng tự hào dân tộc
Nhờ đó mà thăng hoa.

Được Thánh Tông giúp sức,
Ngài lãnh đạo nhân dân
Đánh thắng quân xâm lược
Liên tục cả hai lần.      
                                     
Tháng Tư năm Ất Dậu,
Tức Một Hai Tám Năm,
Ngài sai Trần Nhật Duật,
Trần Quốc Toản mang quân

Đánh giặc ở Tây Kết,
Suýt bắt sống Thoát Hoan,
Rồi sau đó thắng lớn
Ở cửa Hàm Tử Quan.

Năm Một Hai Hai Tám,
Sau trận thắng Bạch Đằng,
Mở Thái Bình Diên Yến,
Ba ngày ba đêm trăng.

Quân Ai Lao lúc đó
Cũng thường quấy nước ta.
Đích thân Ngài gươm giáo
Lên đường chinh phạt xa.

Cương quyết không để mất
Một tấc đất tiền nhân.
Bằng mọi giá phải giữ.
Ngài nói thế nhiều lần. 

Để kết tình hòa hiếu,
Ngài gả con Huyền Trân,
Công chúa Ngài yêu quí,
Cho vua Chiêm Chế Mân.

Nước Đại Việt từ đó
Có thêm được mấy châu,
Đất rộng, người thưa thớt
Nhưng tài nguyên rất giàu.

Xong việc, năm Quý Tị,
Tức Một Hai Chín Ba,
Ngài nhường con ngôi báu,
Cùng gánh vác sơn hà.

Năm Một Hai Chín Chín,
Ngài xuất gia tu hành
Ở Vũ Lâm cung cấm,
Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.

Rồi Ngài đến Yên Tử,
Niệm kinh và tưới hoa,
Lập dòng thiền đất Việt,
Hiệu Trúc Lâm Đầu Đà.

Trong Trúc Lâm Tam Tổ,
Ngài là vị tổ đầu,
Pháp Loa là tổ tiếp,
Huyền Quang tổ về sau.        

Năm Một Ba Không Tám,
Tức là năm Mậu Thân,
Ở Ngọa Vân, Yên Tử
Ngài từ giã cõi trần.

Ngài từ người thành Phật
Sau tám năm xuất gia.
Chết, xá lị được giữ
Như báu vật nước nhà.

Tro Ngài được an táng
Và hậu thế tôn thờ
Trong tháp lăng Quí Đức,
Tỉnh Thái Bình bây giờ.

*
Theo sử sách kể lại,
Một lần về Thăng Long,
Ngài rất buồn khi thấy
Con mình, Trần Anh Tông,

Trình Ngài bản danh sách
Hàng trăm quan nhỏ to
Mới được vua cất nhắc,
Tưởng Ngài vui, ai ngờ,

Ngài vứt tờ giấy ấy,
Vỗ vai con, và rồi
Nói: “Nước mình bé nhỏ,
Nhiều quan, lấy ai nuôi?”

Đó là bài học lớn
Về trị nước, yên dân.
Quan nhiều là gánh nặng,
Khiến đất nước nghèo dần.

*
Ngài là vua, là Phật,
Lại còn là nhà thơ.
Ba lăm bài tuyệt tác
Còn lưu đến bây giờ.    

Đó là thơ tứ tuyệt
Và một số thơ Đường,
Về thiên nhiên, thiền Phật,
Về lẽ sống đời thường.

*
Theo sử sách kể lại,
Lên Yên Tử, dọc đường
Ngài bị ba tên cướp
Cầm giáo ra chặn đường.

Ngài ôn tồn hỏi chúng,
Mới biết nghèo, làm liều,
Rồi lấy, đem cho chúng
Suất cơm Ngài mang theo.

Khi đến một quả núi
Có hình như mâm xôi,
Định ăn thì sực nhớ
Suất cơm cho mất rồi.

Ngài đành nhờ Bảo Sái,
Người hầu luôn theo Ngài,
Xuống suối lấy nước uống
Thay cơm cho cả hai.

Về sau ở núi ấy,
Có ngôi chùa, trước sân
Ghi hai chữ “Cấm Thực”,
Tức là chùa không ăn.

*
Khi Ngài lên Yên Tử,
Một mình giữa rừng sâu,
Triều đình sợ Ngài khổ,
Cho cung nữ theo hầu.

Ngài không chịu, bảo họ
Nếu muốn, trở về quê.
Nhưng tất cả cung nữ
Nhảy xuống suối Hổ Khê       

Để tỏ lòng thương mến
Và trung thành với Ngài.
Con suối ấy sau đó
Đổi thành Giải Oan Đài.

Khi tu ở Yên Tử,
Ngài thường leo hàng ngày
Lên đỉnh núi cao nhất,
Bốn mùa chìm trong mây.

Ngài cho xây ở đấy
Chiếc am nhỏ Ngọa Vân,
Nơi Ngài thiền, đọc sách,
Hưởng cái thú thanh bần.

*
Khi Ngài sắp viên tịch,
Trời mưa gió dầm dề.
Mồng Ba, tháng Mười Một,
Bỗng gió lặng, trời se. 

Ngài liền hỏi Bảo Sái:
“Giờ này là giờ gì?”
“Bạch thầy, là giờ Tý”.
“Đã đến giờ ta đi”.

Nói xong, Ngài viên tịch,
Nằm nghiêng như Phật nằm,
Ở ngay trong am núi,
Nơi Ngài tu tám năm.

Pháp Loa, theo di chúc,
Thiêu xác Ngài, lát sau
Thấy nghìn viên xá lị
Lung linh đủ các màu. 

*
Giờ các cháu nghe nốt
Chuyện con gái của Ngài
Là Huyền Trân Công chúa
Đã lấy chồng nước ngoài.
         
          *
Mấy trăm năm về trước
Đất nước ta thân yêu
Có tên là Đại Việt,
Diện tích bé hơn nhiều.

Có một vương quốc cổ
Ở miền Trung ngày nay.
Chiêm Thành là tên gọi.
Rất hung hãn nước này.

Còn vùng đất Nam Bộ
Của chúng ta bây giờ
Lại thuộc một nước khác,
Cũng vào loại đáng ngờ.

Thời ấy vua Đại Việt
Có công chúa Huyền Trân,
Không thể nói xinh đẹp,
Mà phải nói tuyệt trần.

Nàng yêu một dũng tướng
Tên là Trần Khắc Chung.
Chàng có tài, còn trẻ,
Cũng yêu nàng vô cùng.

Nghe tiếng nàng xinh đẹp,
Vua Chiêm Thành, Chế Mân,
Liền cho người đem lễ
Dâng vua Việt, cầu thân.       

Quà cầu hôn còn có
Hai vùng đất rất to,
Trù phú, dân thưa thớt,
Là Châu Lý, Châu Ô.

Công chúa buồn, đau khổ
Khi nghe tin bố mình
Quyết định gả con gái
Cho vua nước Chiêm Thành.

Yêu Khắc Chung tha thiết,
Nhưng nàng hiểu vua cha
Làm thế là chủ ý
Vì đại sự quốc gia.

Thế là nàng gạt lệ
Chia tay cùng Khắc Chung
Để lên đường Nam tiến,
Vượt muôn núi chập chùng.

Chỉ ít năm sau đó
Vua Chế Mân qua đời.
Theo tục lệ bản xứ,
Hoàng hậu phải là người

Lên dàn thiêu chịu chết
Để hồn đi theo chồng.
Một tục lệ man rợ
Của nhiều nước phương Đông.

Đắc Chung nghe tin dữ
Đem mấy nghìn tinh binh
Đi ngày đêm không nghỉ
Tới kinh đô Chiêm Thành.    

Dẫu ở trong lòng địch,
Quân mình ít, địch đông,
Chàng cướp được công chúa,
Đưa về thành Thăng Long.

Từ đó họ hạnh phúc
Ở bên nhau trọn đời.
Gương Huyền Trân Công chúa
Sống mãi trong lòng người.

*
Như thế là ông kể
Đã quá dài hôm nay,
Nên thay cho cổ tích,
Ông có bài thơ này.

Ngắn mà rất ý nghĩa.
Một bài thơ ngụ ngôn
Về con Sói độc ác
Ăn thịt con Nai non.


LÝ DO

Xưa, có một con Sói
Uống nước suối rất ngon.
Cũng uống nước, phía dưới
Là một con Nai non.

Sói muốn bắt ăn thịt,
Chưa thấy lý do nào.
“Ê, thằng nhóc, - nó nói. -
Mày làm đục nước tao!”       

“Dạ thưa bác, - Nai nói. -
Bác uống ở phía trên,
Còn em ở phía dưới,
Em đâu dám gây phiền!”

“Không cãi! Nhưng năm ngoái
Cũng vào thời gian này,
Mày chửi tao thậm tệ.
Tao phải ăn thịt mày!”

“Em mới sáu tháng tuổi.
Lúc ấy chưa ra đời,
Vậy làm sao có thể
Chửi mắng hay hại người?”

“Thế thì bố mày chửi.
Hắn chửi tao đuôi dài.”
Rồi con Sói độc ác
Đã ăn thịt con Nai.”

*
Đối với bọn láo lếu,
Một khi muốn làm gì,
Chúng luôn tìm được cớ.
Đúng như vậy, tin đi!  


7
BA LẦN CHIẾN THẮNG GIẶC NGUYÊN MÔNG

Nước du mục Mông Cổ,
Đầu thế kỷ Mười Ba
Thành một đế quốc mạnh,
Diện tích rộng bao la.

Với quân đội hùng mạnh
Và thiện chiến, nước này
Xâm lược các nước khác
Khắp từ Đông sang Tây,

Gồm châu Âu, Tây Á,
Rồi như cơn cuồng phong,
Chúng đánh nhà Tây Hạ,
Xuống phía Nam, phía Đông.

Giặc Mông Cổ hiếu chiến.
Hễ chúng đi đến đâu
Là gieo rắc tàn phá,
Chết chóc và buồn đau.

Năm Một Hai Năm Bảy
Vua Mông Cổ liền sai
Một dũng tướng tài giỏi
Là Ngột Lương Hợp Thai

Đem ba vạn binh sĩ
Quyết tâm chiếm nước ta,
Tạo gọng kìm xâm lược
Nước Nam Tống Trung Hoa.

Để đạt mục đích ấy,
Thì việc làm đầu tiên
Là phải thắng Đại Việt
Để từ dưới đánh lên.

Tướng giặc cậy thế mạnh,
Trước khi cho xuất quân,
Sai sứ mang thư dọa
Và dụ hàng vua Trần.

Các vua Trần từ chối,
Còn nhốt sứ trong nhà.
Năm Một Hai Năm Tám,
Chúng đem quân đánh ta.     

Hơn ba vạn binh sĩ,
Từ Vân Nam tràn sang.
Chúng làm cỏ mọi thứ,
Đồng ruộng và xóm làng.

Theo sông Thao, đường thủy,
Chúng đánh xuống Việt Trì.
Đến Vĩnh Phúc, quân giặc
Bị ta cản đường đi.

Hai vua của Đại Việt
Là Thái Tông, Thánh Tông
Dẫn quân ra nghênh chiến,
Nhưng do địch quá đông,

Trận ấy ở Vĩnh Phúc,
Quân Đại Việt thua to,
Thua cả trận Phù Lỗ
Ở bên sông Cà Lồ.

Các vua Trần quyết định
Rút khỏi thành Thăng Long,
Làm “nhà không vườn trống”,
Gây khó cho quân Mông.

Nhưng mười ngày sau đó,
Hai vua Trần cùng nhau
Đánh bại quân Mông Cổ
Trong trận Đông Bộ Đầu,

Giờ thuộc đất Hà Nội,
Quận Ba Đình ngày nay.
Năm Một Hai năm Tám,
Giặc rút, hướng Bắc - Tây.   

Chỉ trong vòng nửa tháng
Cuộc chiến tranh xẩy ra
Và nhanh chóng kết thúc,
Phần thắng thuộc về ta.         

*
Hăm bảy năm sau đó,
Tức Một Hai Tám Năm
Quân Nguyên Mông lần nữa
Đánh ta từ phía Nam.

Năm mươi vạn phía Bắc,
Mười vạn phía Chiêm Thành,
Chúng đưa quân ồ ạt,
Hòng đánh nhanh, thắng nhanh.

Biết trước dã tâm giặc,
Năm Một Hai Tám Hai,
Tức là ba năm trước,
Vua và các tướng tài

Gặp nhau ở Hội nghị
Có tên là Bình Than
Để bàn mưu giữ nước,
Chống bọn giặc hung tàn.

Hai năm sau, sứ Việt
Do Trần Phủ cầm đầu
Sang, tìm kế hoãn chiến,
Nhưng chẳng đi đến đâu.

Biết không thể hòa hoãn,
Thượng hoàng Trần Thánh Tông
Bèn cho mở Hội nghị
Ở cung điện Diên Hồng.

Khách mời dự Hội nghị
Là các bậc cao niên
Gồm già làng, trưởng lão
Đến từ khắp mọi miền.

Vua mở yến chiêu đãi,
Rồi nói họa Nguyên Mông,
Xin các cụ cho biết:
Ta nên đánh hay không?

Vốn quanh năm chân đất,
Nay được vào hoàng cung,
Được vua ân cần tiếp,
Các cụ vui vô cùng.

Rồi trăm người như một,
Hô to cùng đức vua:
“Đánh! Sát thát! Sát thát!
Đánh đến khi giặc thua!”

Sau Hội nghị, các cụ
Về làng bản của mình
Khích lệ các con cháu
Cùng tham gia việc binh.

Hội nghị Diên Hồng ấy
Thể hiện được lòng dân,
Thề quyết tâm giữ nước
Cùng các vị vua Trần.

Vua Trần có thể quyết
Chủ chiến hay chủ hòa,
Nhưng tôn trọng dân chúng
Hỏi đại sự quốc gia.

Quân và dân như một,
Nhờ thế đã đồng lòng,
Ý chí cả dân tộc
Thắng được họa Nguyên Mông.

Một tấm gương trị nước
Giá trị đến ngày nay.
Muốn bảo vệ Tổ quốc,
Phải nhớ bài học này.

*
Như lần xâm lược trước,
Lần này quân Nguyên Mông
Thắng trận ở Vạn Kiếp,
Lạng Sơn và sông Hồng.

Sau khi vượt biên giới,
Chưa đầy hai mươi ngày,
Thăng Long bị chúng chiếm.
Tình thế quả rất gay.

Các vua Trần tạm rút
Về Nam Định, Ninh Bình,
Rồi sau theo đường biển,
Lên chốt vùng Quảng Ninh.

Ở phía Nam, quân giặc
Đánh ra từ Chiêm Thành,
Liên tiếp giành thắng lợi
Ở xứ Nghệ, xứ Thanh.

Đây cũng là vùng đất
Mà vua tôi nhà Trần    
Đã rút về chốt giữ,
Đợi thời và yên dân.

Cũng giống như lần trước,
Quân Nguyên gặp khó khăn,
Vì “tiêu thổ kháng chiến”,
Người và ngựa thiếu ăn.

Tinh thần binh sĩ xuống,
Chỉ huy thì nản lòng.
Từ Thanh Hóa lúc ấy
Quân Đại Việt phản công,

Liên tiếp giành thắng lợi
Ở Hàm Tử, Chương Dương.
Thành Thăng Long giải phóng,
Chặn hết các ngả đường.

Quân Nguyên Mông tháo chạy.
Bị chặn ở sông Cầu.
Cánh phía Nam bị diệt
Ở Tây Kết, Khoái Châu.       

Thế là một lần nữa,
Giặc Nguyên Mông lại thua.
Nhưng như cha ông nói:
“Đánh chết, nết không chừa”.

*
Quân Nguyên Mông đại bại,
Lo quân lương, chiến xa,
Đóng thêm nhiều tàu chiến,
Đánh Đại Việt lần ba.

Chúng chia làm ba cánh,
Từ Vân Nam, Quảng Tây
Và Quảng Đông - đường biển -
Hành quân gấp đêm ngày.

Đó là năm Tám Bảy,
Cuộc chiến cũng không lâu,
Từ tháng Chạp năm ấy
Đến tháng Tư năm sau.

Quân giặc năm mươi vạn,
Quân Trần chỉ hai mươi,
Nhưng ta hơn “địa lợi”
Và hơn cả “nhân thời”.

Lại giống hai lần trước,
Chúng chiếm được Thăng Long,
Nhưng thiếu lương, quân đói,
Binh lính lại nản lòng.

Hơn thế, vì bão biển,
Vì thuyền đi lạc đường,
Trần Khánh Dư lại đánh,
Nên mất hết quân lương.

Quân ta do thế yếu,
Về chốt ở Hải Phòng,
Thường tập kích Vạn Kiếp,
Đánh quân thủy trên sông.

Bị đói, bị chia cắt,
Giặc rút khỏi Thăng Long,
Co cụm ở Vạn Kiếp.
Quân Trần chưa tấn công,

Chúng đã chủ động rút,
Đi qua ngả Cao Bằng.
Còn toàn bộ quân thủy
Bỏ mạng trận Bạch Đằng.

Quân giặc lại thất bại,
Cả ba lần, vua Nguyên,
Thế tổ Hốt Tất Liệt,
Vẫn còn chưa chịu yên.

Hắn muốn đánh Đại Việt,
Chờ thời, chờ binh tình.
Có lần đã xuất phát,
Tướng chết mà hoãn binh

Năm Một Hai Chín Bốn,
Định xuất quân, bất ngờ
Hốt Tất Liệt ốm chết,
Mang mộng ấy xuống mồ.

Một trang sử chói lọi.
Ba lần thắng Nguyên Mông,
Một đế quốc tự mãn
Luôn thắng Tây, thắng Đông.         

Đây là thắng lợi lớn
Của binh sĩ, nhân dân,
Của đức Trần Hưng Đạo
Và của các vua Trần.  

*
Chắc các cháu đã biết
Trần Hưng Đạo Đại vương.
Một anh hùng dân tộc,
Một con người phi thường.

Ngày mai ông sẽ kể
Về vị anh hùng này.
Giờ thì như thường lệ,
Nghe cổ tích hôm nay.


SỰ TÍCH CON THẠCH SÙNG

Xưa, vợ chồng anh nọ
Có tên là Thạch Sùng,
Vừa nghèo vừa hà tiện,
Đến mức gọi điên khùng.

Họ sống trong hang đá
Để đỡ tiền làm nhà.
Cô vợ đi mót lúa,
Mót từng củ khoai hà.

Anh chồng thì đốn mạt,
Giả què để ăn mày.
Tối húi húi cân, đếm
Cái kiếm được trong ngày.    

Họ mặc toàn giẻ rách,
Ăn toàn củ với rau,
Luôn bóp mồm bóp miệng,
Để ki cóp làm giàu.

Kiểu tích mây thành bão,
Họ có khá nhiều tiền,
Dù luôn mồm rên rỉ,
Giả nghèo và giả hèn.

Một hôm có thầy bói
Mơ thấy hai con trâu
Húc nhau dưới hồ nước
Đến sứt trán, vêu đầu.

Rồi hai con trâu ấy
Nối đuôi bay lên trời.
“Đó là điềm rất xấu, -
Lão nói với mọi người. -

Sắp tới trời mưa lớn,
Nước ngập hết ruộng đồng,
Dân tình sẽ chết đói,
Vậy biết mà đề phòng.”

Tin vào lời thầy bói,
Thạch Sùng liền vội vàng
Đem tiền mua lương thực
Về chất đầy trong hang.

Và rồi trời mưa thật,
Nước ngập lụt nhiều ngày,
Lúa, hoa màu chết hết,
Ai cũng thành ăn mày.

Thạch Sùng chờ lúc ấy
Đem thóc bán cho người.
Tất nhiên giá cắt cổ,
Mua một, hắn bán mười.

Thành ra sau vụ ấy
Hắn trở nên rất giàu,
Giàu hơn cả quan huyện,
Thậm chí hơn quan châu.

Rồi hắn đốt áo rách,
Thôi không ở trong hang,
Mà xây lâu đài lớn,
Ăn diện như ông hoàng.

Bao nhiêu năm khổ sở,
Chuyên hầu hạ người ta,
Giờ ăn sung mặc sướng,
Người ở đứng đầy nhà.

Hơn thế, hắn tàn nhẫn
Đuổi vợ hắn ra đường
Để lấy nàng công chúa
Vừa trẻ vừa dễ thương.

*
Một hôm, trong buổi lễ
Mừng phong tước quận công
Mà hắn mua, không rẻ,
Quan khách đến rất đông.     

Cao hứng và tự đắc,
Hắn bèn thách mọi người
Có ai giàu bằng hắn,
Nhưng mọi người chỉ cười.

Thế mà có một vị,
Một quan to rất giàu,
Nhận lời thách của hắn.
Hai người hẹn hôm sau

Mời đích thân quan phủ
Và một số hiền tài
Làm chứng và phán quyết
Ai thực giàu hơn ai.

Luân phiên, hai người hỏi:
“Ông có cái này không?”
Nếu người kia không có,
Cuộc thi coi như xong.

Sau đó người thua cuộc
Đem hết gia tài mình
Trao cho người thắng cuộc,
Công bằng và phân minh.

Thạch Sùng tin mình thắng,
Nhưng hễ khoe cái gì,
Là ông kia đều có
Và đưa ra tức thì.

Nhưng hắn cũng giàu thật:
Nào chén ngọc, nồi đồng,
Nào bạc vàng, đá quí,
Không có gì là không.

Cuối cùng ông quan lớn
Cho người nhà bê ra
Một chiếc bát sành mẻ.
Thạch Sùng vội vào nhà

Tìm, tìm mãi không thấy
Một chiếc bát thế này.
Trước trong hang nhiều lắm,
Nhưng đập hết, tiếc thay.

Vậy là đành thua cuộc.
Từ một anh rất giàu,
Giờ trở thành tay trắng.
Ôi đau thật là đau.

Ông quan kia thắng cuộc
Đem gia tài Thạch Sùng
Phần phát cho dân chúng,
Phần góp làm của chung.

Thạch Sùng thì tiếc của,
Ngã xuống đất, chết ngay,
Biến thành con bò sát
Kêu “tiếc, tiếc” suốt ngày.

No comments:

Post a Comment