Truyện ngắn. Thái
Bá Tân
Họ đến Sa Pa lúc
trời gần tối. Mặt trời tháng Ba khuất sau núi, ánh lên một vầng sáng màu da cam
lạnh và buồn. Cả không khí cũng đượm buồn, cái buồn vắng người và vùng núi quá
ư yên tĩnh. Từ ô tô nhìn xuống, một vài ngôi nhà mới xây mái đỏ tường trắng
trông lạc lõng giữa một màu xanh thẫm sũng hơi sương.
Ngồi sau tay lái là một
người đàn ông đứng tuổi đeo kính trắng mắt dày chứng tỏ ông cận nặng, nét mặt
hiền hậu tuy khắc khổ. Vợ ông, một phụ nữ bé nhỏ còn giữ được vẻ đẹp thanh thoát
thời trẻ, ngồi phía sau, lơ đãng nhìn ra ngoài. Cả hai có vẻ giàu có, đáng
kính, thể hiện qua cách ăn mặc, điệu bộ, và cả chiếc Ford Mondeo màu đen bóng, loại ô tô Mỹ nổi tiếng mới thấy xuất hiện
ở Hà Nội.
“Tôi không hiểu ông lên
đây làm gì. Trời lạnh thế này.”
Bà nói khi hôm sau hai
người ngồi ăn sáng ở khách sạn sang nhất của thị trấn trên một ngọn đồi. Mà quả
rét thật. Bà ngồi co ro, quàng lên người chiếc khăn len to màu xanh nhạt. Như
thường lệ khi ngủ dậy, bà trang điểm chút ít, đúng kiểu người già quen ăn diện
nhưng ý tứ.
Ông lặng yên cầm chai rượu
vang rót vào hai chiếc li chân cao, một lúc sau mới đáp:
“Có lẽ bà nói đúng, nhưng
tôi không muốn đi nơi khác. Vả lại ở đây tôi có chút kỷ niệm...”
“Kỷ niệm? Sao ông không
bao giờ kể tôi nghe?”
“Tại tôi nghĩ bà không cần
biết, không muốn biết. Chuyện xưa ấy mà.”
“Hôm nay tôi thấy ông như
buồn buồn điều gì. Chắc vì cái kỷ niệm ấy?”
Ông không đáp, lại rót
rượu cho mình.
“Một thiên tình sử lãng
mạn? Một thôn nữ xinh đẹp và hoang dã?” Bà khẽ cười, pha chút châm biếm.
“Ừ, không hoàn toàn nhưng
cũng gần như thế. Một cô gái người Thái, xinh đẹp, nồng cháy và pha chút ít
hoang dã như bà nói.”
“Sao ông không lấy cô ta
làm vợ?”
“Vì tôi biết sẽ gặp bà,
lấy bà”.
“Cảm ơn. Ông kể nghiêm túc
cho tôi nghe với nào”. Khi thấy chồng cứ mân mê mãi ly rượu, bà nói thêm: “Hay
đấy, tự mình khơi chuyện rồi lại im lặng không chịu nói gì nữa.”
“Thực ra chẳng có nhiều để
nói. Vì chúng tôi quen nhau được ba tháng thì cô ấy chết. Thời gian yêu nhau
còn ít hơn”.
“Chết?” Bà định hỏi vì sao
nhưng lại thôi.
Ông cũng chẳng nói gì
thêm.
Mặt trời đã nhô lên quá
hàng cây trước khách sạn, vất vả lắm mới chui ra khỏi đám mây dày đặc. Gió se
se thổi. Xa xa phía dưới, những mảng sương mù mỏng màu trắng đục như đứng yên
một chỗ nhưng ông biết chúng đang trôi chầm chầm vì có gió. Còn ở đây thì không
có sương mù, chỉ ẩm ướt, trên lá cây lấm tấm những giọt nước nhỏ. Không khí
trong lành, thoang thoảng mùi gì đó ông không tìm được tên gọi.
“Tôi định tới đó.” Ông lại
lên tiếng khi cô hầu bàn mặc áo dài màu hồng vừa bê bát đĩa đi, chỉ chừa lại
chai rượu và hai chiếc cốc. “Bà có đi với tôi không?”
“Tới đó là tới đâu?”
“Bản Vẹo. Ngày xưa tôi
được phân về dạy học ở đó, nơi tôi đã gặp và yêu cô ấy... Cách đây chỉ mươi cây
số, nhưng đường xấu”.
“Không. Ông đi đi. Hôm nay
tôi mệt”, bà nói rồi đứng dậy bỏ lên phòng.
Đã qua cái thời có thể
ghen tuông, vả lại thực ra chẳng có gì để ghen, nhưng bà vẫn thấy ấm ức vô cớ.
Bà sống với ông ba mươi năm nay, có thể nói yên ấm, hạnh phúc. Ông là người
chồng tốt, chu đáo với vợ con, nhưng với nhạy cảm của người đàn bà tinh tế, bà
biết hình như suốt chừng ấy năm vẫn có cái gì đấy, ai đấy đứng xen giữa vợ
chồng họ. Bà nhiều lần cố đoán mà không đoán ra. Bây giờ bà biết người ấy là
ai. Dẫu không nhỏ nhen cố chấp, bà vẫn không kìm được thái độ hờn dỗi của mình.
Ông biết. Bản thân ông cũng không thực sự muốn vợ đi cùng, chỉ lờ mờ thấy như
mình có lỗi.
Quả đường xấu thật, gồ ghề
và nhão nhoét. Có lẽ hôm trước vừa có mưa. Chiếc ô tô lấm đầy bùn, và phải sau
hơn một giờ mới tới được nơi cần tới.
Ông bước ra khỏi xe, ngồi
phệt xuống phiến đá giữa đám cỏ ướt bên chiếc hồ nhỏ nước nông và trong, để lộ
lớp đáy bùn màu gạch.
*
Đó là một ngày mưa tầm tã
vào đầu tháng Chín năm 1967, khi tốt nghiệp xong Đại học Sư phạm anh được phân
về vùng này. Vì lý do sức khỏe, cụ thể mắt cận ba đi-ôp, người ta không gọi anh
nhập ngũ như nhiều bạn cùng lớp.
Ra đi từ sáng sớm với
chiếc ba lô con cóc toòng teng trên lưng, mãi gần tối mới đến được nơi cần đến,
trường cấp ba Cẩm Yên, nhưng anh chẳng thấy ai trong mấy ngôi nhà nứa tuềnh
toàng ở đấy, đành hỏi thăm nhà ông chủ tịch xã định xin ngủ qua đêm rồi sau
hẵng hay. Lại phải đội mưa dẫm bùn thêm ba cây số nữa để đến nhà ông chủ tịch.
Hóa ra ông này đã biết anh
sẽ đến và được giao nhiệm vụ tìm cho anh một nhà dân để ở trọ vì trường không
có nhà riêng cho giáo viên. “Tìm nơi nào kha khá một chút. Tay
này dân Hà Nội gốc, có thể khó tính đấy!”
Bản Vẹo của ông sống qui
tụ, người Kinh nhiều hơn người Thượng do trước đây có nông trường chè gần đấy,
nay đã giải thể. Ông người Thái, vợ ông vốn là một trong những cô gái từ dưới
xuôi lên, làm việc ở nông trường ấy. Cả buổi chiều trước đó ông đau đầu không
biết phải bố trí “anh chàng Hà Nội khó tính” này ở đâu. Trong bản nhà nào cũng
nghèo. Thêm chiếc giường không khó, chỉ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh mới phiền.
Lại thêm cái chuyện năm ngoái có anh giáo viên miền xuôi, cũng của trường Cẩm
Yên, léng phéng với một cô gái trong bản, có chửa, bị đuổi việc rồi lặn đi đâu
mất. Không khéo rồi anh chàng này cũng gây tai họa. Tuy nhiên, là người đứng
đầu địa phương, lại vốn sĩ không muốn “người ta” khinh thường xã mình, cuối
cùng ông quyết định cho anh ta sống ngay trong nhà ông, một gia đình tự ông
đánh giá có văn hóa nhất và khá nhất trong cả xã. Tạm thời thế đã rồi sau ông
sẽ dựng cho trường mấy gian nhà tranh làm chỗ ở của giáo viên.
Ngôi nhà “nhất xã” ấy có
tường xây, trát vữa một mặt phía trong, mái ngói hẳn hoi dù đôi chỗ dột, đuồn
đuỗn bốn gian nhỏ như nhà tập thể. Anh được ở gian trống cuối, nơi có chiếc cửa
sổ không cánh che bằng vải nhựa nhìn ra một bãi sắn. Xa hơn tí nữa là chiếc hồ
nhỏ bình thường nhưng với anh lại rất thơ mộng. Nhà ít người so với dân trong
vùng, ngoài ông chủ tịch xã còn có vợ ông, một người đàn bà quê Hưng Yên, hơn
bốn mươi tuổi, ít nói, có vẻ một thời xinh đẹp nhưng bây giờ gầy đét, da xám
như người bị sốt rét lâu ngày. Anh thấy hai đứa trẻ, một cậu bé khoảng mười ba
và đứa con gái thò lò mũi xanh. Nghe nói còn đứa nữa, đã lớn nhưng lúc anh đến
không có nhà.
Anh tắm giặt, thay quần áo
xong và đang ngồi uống nước, nói chuyện với ông bà chủ tịch thì có người bước
vào nhà. Bên ngoài trời vẫn mưa nặng hạt. Lúc ấy đã tối hẳn và căn nhà được
chiếu sáng bằng chiếc đèn bão to như quả dưa bở, bóng ám muội do lâu ngày không
lau. Trong góc phòng thấy treo chiếc đèn măng-xông chắc chỉ dành cho những dịp
long trọng phục vụ nhiều người.
“Cái Bình, con gái tôi
đấy,” ông chủ nhà nói. Có vợ người Kinh, mấy năm đi bộ đội, lại làm chủ tịch xã
xuống huyện hội họp thường xuyên nên ông đã bị “xuôi hóa” từ lâu, dễ nhận thấy
qua cách cư xử, nói năng và cách đặt tên cho con. “Năm nay xong lớp mười, tốt
nghiệp phổ thông còn chưa biết làm gì, đi đâu đây.” Rồi ông quay sang con gái:
“Đây là thầy Thọ mới từ Hà Nội lên. Sẽ dạy trường con đấy.”
Cô gái lúng búng “chào
thầy’’, quay sang nhìn anh, rùng mình hất mái tóc dài về phía sau rồi đi xuống
bếp.
Dưới ánh đèn dầu tù mù anh
kịp nhận thấy một khuôn mặt tuyệt đẹp, đẹp đến mức khiến anh sững sờ chốc lát.
Nó khác hẳn vẻ đẹp thường thấy ở các cô gái đẹp thủ đô. Có cái gì đó mới mẻ,
tinh khiết, bí ẩn, thậm chí hoang dã. Khuôn mặt xinh đẹp ấy đang ướt sũng nước
mưa (không hiểu sao cô đi đâu về không mũ nón gì cả), bộ quần áo mỏng dính chặt
cơ thể con gái mới lớn với những đường nết thật mềm mại và gợi cảm. Anh có cảm
giác như nhìn thấy da thịt cô qua lớp vải ướt. Có thể cái nhìn ấy làm cô xấu hổ
cúi mặt. Cũng có thể chỉ do anh tưởng tượng vì lúc đó đang ở trong một cơn sốc
thực sự, sốc trước vẻ đẹp ngỡ ngàng, bất ngờ. Đôi chân cô để trần, cũng rất
trắng và đẹp, theo đó, nước từ người chảy xuống thành vết loang lấp lánh dưới
ánh đèn.
Đêm ấy và nhiều hôm sau
anh còn bị ám ảnh mãi bởi cuộc gặp lần đầu này. Anh giật mình lo lắng khi phải
tự thú rằng hình như anh yêu cô, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên như người ta vẫn
nói. Xưa nay anh không tin vào kiểu tình yêu sét đánh như thế. Anh nghĩ có lẽ
do tính anh dễ xúc động, do bị choáng chút ít vì đi đường mệt và thời tiết, rồi
mọi việc đâu sẽ vào đấy. Nhưng anh nhầm...
Trường cấp ba Cẩm Yên chỉ
vẻn vẹn một lớp mười, hai lớp chín và ba lớp tám. Anh được phân dạy sử, kiêm
luôn cả môn địa lớp tám và chín. Thời ấy không chỉ học sinh ít mà thầy cũng
thiếu. Việc giảng dạy chẳng mấy vất vả. Chỉ buồn, cái buồn miền núi suốt ngày
chẳng có gì làm, chẳng đi đâu, chẳng biết nói chuyện với ai. Thêm vào đó, trời
hay mưa, không mưa thì sương mù dày đặc, da thịt luôn ẩm ướt như đổ mồ hôi mùa
hè. Không khí có mùi gì như mùi mốc, lắm lúc thấy buồn nôn. May anh mang theo
mấy cuốn tiểu thuyết, chủ yếu tiểu thuyết cổ điển Nga, trong đó có cuốn Tội ác và Trừng phạt của Đôtxtôiepxki, anh
đọc nhiều lần đến mức bị ám ảnh muốn tự mình phạm một tội ác nào đó. Có cả cuốn
Axia của Tuốcghênhép mà anh thấy
Bình, cô con gái ông chủ tịch xã, na ná giống một nữ nhân vật trong đó.
Anh và Bình ít gặp nhau,
ngoài một ngày hai bữa ăn trưa và tối, ít khi có ăn sáng. Buổi sáng đi học,
buổi chiều hôm nào cô cũng theo mẹ lên đồi trồng gì ngoài ấy đến tối mới về.
Trong bữa ăn, từ khi có anh, cô thường cúi mặt hoặc nhìn đi nơi khác. Nói
chuyện thì hầu như không, ngoài những câu chào hỏi bắt buộc. Chính điều này
khiến anh, có thể cả bố mẹ cô nữa, đoán hiểu cô không thờ ơ với anh. Đôi khi
anh thấy Bình nhìn trộm mình, và lần nào ngẫu nhiên gặp nhau má cô cũng đỏ
bừng. Còn anh thì bây giờ, được quan sát kỹ hơn, bình tĩnh hơn, anh càng thấy
cô xinh đẹp và đặc biệt hấp dẫn, như con thú nhỏ vừa nhút nhát, vừa có cái gì
đấy mãnh liệt vụng về che giấu bên trong.
Tất nhiên anh phải cố giữ
kín tình cảm thật của mình, làm như không để ý tới cô, chỉ thỉnh thoảng giúp
cậu em làm bài khi cần. Cậu này học dốt nhưng thích đọc sách, có thể do vậy nên
rất quí anh, vì với cậu, anh là nguồn sách vô tận. Thỉnh thoảng, theo yêu cầu
của bà mẹ, anh nói nếu Bình có gì không hiểu, anh làm giúp, nhưng lần nào cô
cũng lặng lẽ lắc đầu. Anh chẳng hiểu ý bà thế nào. Có thể vô tình, cũng có thể
lo xa, bà nghĩ tới cuộc hôn nhân tương lai giữa con gái bà và anh chàng thư
sinh Hà Nội đẹp trai, lại là ông giáo, cái nghề rất được coi trọng ở vùng này.
Suy cho cùng, điểm mặt tất cả, bà thấy ở đây chẳng ai xứng đáng hơn. Chắc bà
cũng nhận thấy tình cảm của anh đối với Bình. Còn ông bố thì không quan tâm,
hay ít ra tỏ vẻ không quan tâm. Có lẽ ông cũng không phản đối. Con ông đã mười
tám, cái tuổi nên lo chuyện chồng con. Anh cũng mới hăm hai. Ông chỉ sợ như anh
chàng năm ngoái, làm con người ta ễnh bụng rồi lặn mất tăm. Vậy là có vẻ như
mọi chuyện thuận lợi, nhưng anh vẫn chưa dám.
Một hôm đi đâu về, anh
chợt thấy Bình chạy bổ từ trong nhà ra, bối rối và xấu hổ. Hình như từ phòng
anh. Anh vội bước vào và thấy một mẩu giấy nhỏ trên bàn xé từ cuốn vở học trò.
“Tối nay em chờ anh bên hồ”.
Anh ngồi thừ trên ghế,
ngạc nhiên và mừng lo lẫn lộn.
Bữa ăn tối diễn ra như
thường lệ. Bình không một lần nhìn anh. Ăn xong, cô bảo mẹ sang nhà bạn học bài
rồi đi luôn. Vì thỉnh thoảng vẫn đi dạo vào buổi tối nên anh có thể ra đi mà
không bị ai nghi ngờ. Khốn nỗi hôm ấy cậu em cứ nằng nặc nhờ giải giúp bài toán
khó, nên khi anh rời khỏi nhà đã gần chín giờ.
Đầu tháng, trăng bàng bạc,
mỏng và ẩm ướt. Bốn bề yên ắng, chỉ buồn buồn tiếng côn trùng đâu đó vọng lại.
Anh bước nhanh qua bãi sắn về phía hồ, tim đập mạnh vì hồi hộp, thậm chí không
nghĩ tới hậu quả, không nghĩ gì ngoài việc có người đang chờ anh bên hồ.
Bình ngồi trên tảng đá lớn
trên bờ. Bên cạnh có tảng khác nhỏ hơn. Cả hai đều trơn nhẵn do mưa gió và cả
do người ngồi. Anh từng nhiều lần ngồi lên đó, vào buổi chiều chứ không phải
ban đêm thế này, và tất nhiên chỉ một mình. Cô ôm gối, đầu cúi gục, im lặng cả
khi anh lên tiếng gọi. Anh lại gần, khẽ đặt tay lên vai cô và biết cô đang khóc.
Anh ngồi xuống cạnh, hồi lâu không biết nói gì, cuối cùng nhẹ nhàng nâng đầu cô
lên và hôn vào đôi mắt ướt.
“Người ta nói con gái dân
tộc mãnh liệt lắm”, anh nghĩ. “Nhưng để chủ động hẹn thế này thì chắc Bình phải
yêu anh ghê gớm, đấu tranh ghê gớm và cũng bất chấp ghê gớm”.
“Anh yêu em! Yêu ngay từ
cái nhìn đầu tiên như trong tiểu thuyết.” Anh nói một cách giản dị rồi cười
thành tiếng, cố lấy vẻ thật tự nhiên. Hình như tiếng cười này giúp cả hai vượt
qua sự lúng túng ban đầu.
Anh vòng tay ôm cô, xoay
về phía mình. Người cô run lên như bị sốt.
“Em có yêu anh không?”
Cô khẽ gật đầu, áp mặt vào
ngực anh. Hai người im lặng hồi lâu.
“Cũng từ cái nhìn đầu
tiên?”
“Không. Phải mấy ngày sau.
Rồi em trở thành như đứa mất hồn”, cô nói, cũng thật giản dị. “Anh không nhận
thấy à?”
“Có”, anh đáp. Thực ra anh
không nhận thấy gì, lại càng không biết cô “mất hồn” vì anh.
“Còn em, em có biết anh
rất yêu em không, yêu ngay từ đầu?”
“Có. Và em chờ. Sao anh
không nói gì với em? Sao anh bắt em chờ lâu thế, cho đến lúc không chờ được
nữa...”
“Tại anh sợ. Dẫu sao cũng
mới ba tháng. Anh sợ mọi người nghĩ anh như anh chàng năm ngoái. Nhưng ngay
ngày mai anh sẽ nói chuyện với bố mẹ em...”
“Đừng. Khoan đã.” Cô ngước
nhìn lên, nghiêm túc hỏi: “Anh sẽ cưới em chứ?”
“Tất nhiên.”
“Anh thề đi.”
“Không cần thề”, anh cười.
“Anh cũng mất hồn vì em. Không phải mấy ngày sau mà ngay từ hôm đầu mới gặp.
Tất nhiên anh sẽ lấy em. Còn em?”
“Em là con gái. Không cần
hỏi”.
Hai người lại im lặng, rồi
anh nói, thật thà đến mức ngây ngô nhưng không ai để ý đến sự ngây ngô ấy:
“Vậy là chúng ta yêu nhau
và sẽ lấy nhau.”
“Vâng. Rồi anh sẽ đưa em
về Hà Nội? Em thích được sống ở Hà Nội. Ở đây buồn lắm”.
“Anh sẽ đưa em về Hà Nội.
Mà thôi, ta phải về kẻo mọi người nghi”.
Hai người đứng dậy. Chỉ
lúc này họ mới hôn nhau. Một cái hôn vụng về. Anh thấy người cô nóng rực và run
run.
“Mai ta lại ra đây nhé?”
“Ừ, mai.” Anh đáp, và hai
người lại hôn nhau.
Trăng có vẻ mờ hơn, sương
cũng nhiều hơn như muốn che họ khỏi những con mắt tò mò.
Những ngày tiếp theo đêm
nào họ cũng hẹn gặp nhau bên hồ mà không ai biết, hoặc có thể biết nhưng giả vờ
không. Tuy nhiên, bây giờ, khi nhà vắng người, họ có thể vui vẻ nói chuyện với
nhau, hôn nhau trong niềm hạnh phúc ngây ngất.
Một tối
nọ, khi hai người vừa ra tới hồ, cô bảo anh:
“Ta xuống tắm đi!”
“Ta xuống tắm đi!”
Anh chưa kịp trả lời thì cô đã nhanh nhẹn cởi hết quần áo,
ngay trước mặt anh mà không chút e thẹn, rồi một mình lội xuống nước.
“Con gái miền núi hồn
nhiên thật.”
Anh thầm nghĩ và mỉm cười
một mình, nhưng không xuống tắm, lại càng không muốn tắm truồng. Không hiểu sao
anh thấy ngượng, dù ý nghĩ được tắm truồng với người yêu dưới đêm trăng thật
hấp dẫn. Thích nhưng vẫn ngượng, vì tính anh vốn nhút nhát và hay cả thẹn.
Mười lăm phút sau, cô lên.
“Anh lau người cho em đi!”
Cô nói rồi ôm ghì lấy anh để nước thấm hết cả quần áo.
Phải nói anh hơi thoáng
chút bối rối. Tất nhiên anh hiểu cô muốn gì và anh có thể làm gì. Anh ôm chặt
cô. Người anh cũng run lên, hừng hực. Nhưng một lúc sau anh từ từ buông cô ra:
“Em mặc quần áo vào kẻo
lạnh”.
Cô ngoan ngoãn nghe theo,
rồi họ ra về trong im lặng.
Ba hôm sau anh được biết
cô đã viết đơn xung phong ra mặt trận và sắp lên đường.
“Trời! Sao em làm thế?”
Anh kêu lên, gần như hoảng hốt.
“Cả lớp viết. Người ta chỉ
chọn ba đứa. Em là lớp trưởng nên được chọn”.
“Em muốn bỏ anh mà đi thật
à?”
“Không. Em không muốn đi.
Nhưng em là lớp trưởng... Em muốn ở lại với anh.”
“Vậy sao xung phong?”
“Cả lớp xung phong...”
Cô thút thít khóc. Không
biết nói gì hơn, anh ôm cô vào lòng như sợ buông ra, cô sẽ biến đi mất.
“Hay anh và em cùng bỏ
trốn? Vào rừng chẳng hạn. Em biết một chỗ rừng rậm lắm, không ai tìm thấy đâu.”
Cuối cùng cô ngước nhìn anh, giọng nghiêm túc.
Anh thấy buồn cười với ý
nghĩ trẻ con ấy.
“Không được. Phải tìm cách
khác. Không có em, anh chết mất. Mà em cũng có thể chết. Chiến tranh không đùa
với ai đâu...”
“Em không sợ chết. Chỉ sợ
xa anh”, cô trầm ngâm một lúc rồi nói: “Mà có chết cũng chẳng sao. Em sẽ chờ
anh dưới ấy!”
“Em chỉ nói vớ vẩn. Chết
thế nào được.”
“Em nói thật mà. Nếu ra đi
và không may phải chết, em sẽ chờ anh dưới ấy. Chờ suốt đời. Em sẽ không yêu
ai, không lấy ai cả. Anh không thích em làm thế sao?”
Anh không đáp, chỉ ôm chặt
cô hơn và hôn tới tấp khắp mặt cô.
Hôm ấy là đêm cuối cùng
trăng còn sáng. Trăng đang bị mây che khuất phía đằng tây. Không hiểu sao đám
mây có màu vàng bệch và ung ủng.
Một tuần sau cô lên đường.
Được nửa tháng thì có tin cô chết khi đoàn xe chở cô và những cô gái như cô bị
trúng bom lúc đang vượt cầu Hàm Rồng.
*
“Ông nghĩ ngợi gì thế? Ăn đi kẻo nguội”. Bà nói bên bàn ăn
sáng ngày hôm sau.
“Chẳng nghĩ gì cả”, ông
thờ ơ đáp. “Hôm nay Sa Pa nhiều mây quá.”
“Sa Pa thì lúc nào chẳng
vậy.”
“Ừ, nhưng hôm nay nhiều
hơn. Bà không thấy thế sao?”
“Tôi thấy bình thường. Chỉ
có ông không bình thường. Lại chuyện nàng kia, cái nàng người Thượng xinh đẹp
và hoang dã ấy chứ gì?”
Ông lặng thinh rót đầy cốc
rượu cho mình. Không hiểu đã là cốc thứ mấy. Đúng, ông đang nghĩ về Bình, mối
tình đầu ngắn ngủi, đẹp đẽ và đau đớn. Thực ra suốt mấy mươi năm qua lúc nào
ông cũng nghĩ đến nó. Chuyện chỉ có thế. Đơn giản mà thật chua xót. Đúng như
ông nói với bà: quen nhau ba tháng, yêu nhau còn ít hơn. Thậm chí chưa có cả
“chuyện ấy”. Thế mà với ông, nó là mối tình đẹp nhất, quan trọng nhất, có lẽ
còn duy nhất. Ông cảm thấy sau khi người yêu chết, mọi chuyện trở nên vô nghĩa,
cả chuyện sau này ông lấy vợ và sống “hạnh phúc” với bà trong con mắt của nhiều
người. Đúng, có thể ông quá đa cảm, có thể quá nâng niu, thi vị hóa những kỷ
niệm cũ, nhưng quả thực ông không thể nào quên dù nhiều lần đã cố.
Hôm qua ông ngồi gần như
suốt ngày trên tảng đá nơi cô chủ động hẹn ông đến. Ông ngồi, nhớ lại lần đầu
nhìn thấy cô trong cái đêm mưa gió ấy. Khuôn mặt xinh đẹp hớp hồn của cô. Đôi
mắt to tròn. Bộ quần áo ướt mỏng dính bám sát cơ thể mảnh mai với những đường cong
tuyệt mỹ dẫu chưa phát triển hoàn toàn. Ông nhớ những cái hôn, những trò đùa
nghịch trẻ con. Nhớ lần cả hai đứa hốt hoảng giật bắn người khi đang hôn nhau
thì bất chợt ông bố về, may chưa kịp nhìn thấy. Tất nhiên nhớ cả đêm trăng cuối
cùng bên hồ, khi cô trần truồng trong vòng tay ông, sẵn sàng hiến dâng mà ông
đã ngu ngốc chối từ. Điều này đặc biệt làm ông day dứt. Chắc lúc ấy cô xấu hổ
và giận ông lắm. Ông thấy thương cho cô và cả cho mình rằng chuyện ấy đã không
xẩy ra. Mà cô thì chỉ mấy ngày sau đã chết.
“Chắc hôm qua ông vào thăm
gia đình cô ấy?” bà hỏi.
“Chẳng còn ai nữa. Hai năm
sau cái chết của con gái, ông bố người Thái chết vì ung thư. Bà vợ người Kinh
đưa hai con về quê cũ Hưng Yên. Thỉnh thoảng tôi có tới thăm, nhưng điều ấy
chẳng liên quan gì đến chuyện này”.
“Ông chưa kể tôi nghe vì
sao cô ấy chết?”
“Chưa à? Đơn giản thôi.
Xung phong ra trận. Chưa đánh đấm gì thì cả xe chở mấy chục cô gái học sinh bị
trúng bom ở Hàm Rồng. Chết hết. Đó là điều khủng khiếp nhất của chiến tranh. Bà
hài lòng chưa?”
“Ông thô lỗ quá đấy!”
“Ừ, tôi xin lỗi”.
“Mà sao ông uống nhiều
vậy? Từ nãy đến giờ tôi đếm được năm cốc rồi đấy.”
“Xin lỗi. Đây là cốc cuối
cùng”.
“Không lẽ suốt mấy chục
năm qua ông không thể nào quên được cô ấy?”
“Không.”
“Và vẫn yêu cô ấy?”
“Vẫn.”
“Tức là suốt chừng ấy năm
ông sống với tôi mà luôn nghĩ đến người đàn bà khác?”
Không chờ câu trả lời, bà
đột ngột đứng dậy bỏ lên phòng.
“Tôi xin lỗi bà. Không hẳn
như vậy. Tôi cũng yêu bà. Nhưng đó là chuyện khác. Xin lỗi!” Ông nói khi chỉ
còn lại một mình, với tay lấy chai rượu.
Buổi chiều hôm ấy họ trở
về Hà Nội. Bà ngồi sau tay lái với lý do ông chưa tỉnh hẳn rượu. Ông ngồi phía
sau, lờ đờ nhìn ra ngoài. Vẫn cảnh cũ Sa
Pa mây phủ trắng. Bất chợt ông có
cảm giác như đâu đó dưới những đám mây ẩm ướt kia có ai đang đứng chờ ông. Chờ
đã lâu. Chờ một cách mòn mỏi và đau đớn.
“Em sẽ chờ anh dưới ấy”.
Cô Bình ngày xưa của ông
đã nói như thế. Con gái miền núi kỳ lắm. Đã nói nhất định thế nào cũng làm.
Hà Nội, 23. 5. 2003
No comments:
Post a Comment