801
Đức Khổng Tử từng dạy:
“Khó là lòng thương yêu.
Trong khi đó, ngược lại,
Thù hận dễ hơn nhiều.
Tương tự, làm điều tốt
Khó, và ít người làm.
Làm điều ác, điều xấu
Dễ, và nhiều người làm.”
802
Bản thân người phụ nữ
Là cái đẹp ở đời.
Ừ, sao ta, với họ,
Nhiều khi cứ nặng lời?
Bản thân người phụ nữ
Là hạnh phúc, tình yêu.
Ừ, đàn ông thô lỗ,
Sao thế nhỉ, còn nhiều?
803
Tay anh không sạch lắm,
Đừng chạm vào người ta.
Ý nghĩ anh vấy bẩn,
Không lại gần đàn bà.
Đừng nghĩ anh phái mạnh
Mà vung tay, nặng lời.
Làm thế là anh yếu.
Thậm chí chưa là người.
804
Già, vẫn luôn cẩn thận.
Nhiều khi vẫn vêu đầu
Vì va phải quá khứ,
Làm rung sợi buồn đau.
Quạt nóng bật hết cỡ.
Chăn không một, mà hai.
Nhiều khi vẫn thấy lạnh,
Buồn, nghĩ tới tương lai.
805
Tôi xin các bạn trẻ
Khi đi giữa đường đời,
Đừng dẫm bóng tôi nhé.
Tôi đau đấy, điếng người.
Nói thật với các bạn.
Suốt đời tôi cô đơn.
Chỉ chiếc bóng là bạn
Ngoài ra không gì hơn.
806
Tôi thấy không gì đẹp
Bằng phụ nữ mang bầu.
Bầu càng to càng đẹp.
Nghiêm túc, không đùa đâu.
Vì họ mang trong bụng
Cả hành tinh chúng ta.
Cả tình yêu, sự sống,
Triết học và thơ ca.
Trong cái bầu lớn ấy
Họ mang cả nỗi đau.
Tôi đề nghị tất cả
Thấy họ, cúi thấp đầu.
806
Có điều này, cũng lạ,
Nghĩ, lại thấy buồn cười,
Rằng đồng nghiệp trong Hội
Quả thật rất ít người
Đọc thơ, văn tôi viết.
Không nhận xét một lần.
Không nói, cứ như thể
Không có Thái Bá Tân.
Buồn cười, chuyện vặt ấy
Chẳng đáng nói làm gì.
Nhưng quả thật như thế.
Tin hay không thì tùy.
807
Ừ, Năm Mới! Thì đón!
Nhưng lòng thì không vui.
Lại già thêm tuổi nữa.
Lại một mình, ngậm ngùi.
Ngậm ngùi cả việc vặt:
Vợ hứa tặng rượu ngon.
Xấu hổ không dám nhắc.
Mà Mụ thì im luôn.
Chỉ vui với ý nghĩ
Mụ Cháu đã lớn rồi,
Đủ học đàn, học chữ.
Lên đường Nam
Tiến thôi!
808
Có những phút, thật lạ,
Không đâu bỗng thấy buồn.
Dù nghĩ toàn cái đẹp,
Tức là về cháu con.
Những ý nghĩ đẹp ấy
Bỗng đè nặng lên tim.
Đến mức người muốn khuỵu,
Ngồi rất lâu, ngồi im.
Nếu đời đổ tai họa,
Xin đổ hết lên tôi.
Già rồi, tôi chịu được.
Sẵn sàng chịu gấp đôi.
Con cháu tôi quá trẻ,
Xin trời Phật hãy tha.
Xin trời Phật hãy tha.
Để tôi nhận tai họa.
Tôi quen khổ, lại già.
Sống ở đời, hẳn vậy,
Như chân lý hiển nhiên -
Cha mẹ nhận giông tố
Cho con cháu bình yên.
809
Đêm qua say, trời lạnh.
Đêm cuối cùng trong năm.
Thế mà cứ nấn ná
Mãi không dám đi nằm.
Sờ sợ cái cảm giác
Trời lạnh, lại đầy sương.
Đêm mơ, quờ quạng mãi
Không tìm thấy mép giường.
811
Hôm qua đi xứ Lạng.
Suýt nữa thì nổi khùng -
Dọc đường thấy nhiều biển
Sặc sỡ và to đùng.
Biển khoe làng Văn Hóa,
Hoặc huyện nọ, xã kia
Là Anh Hùng Lao Động.
Nhiều lắm, nhìn mà ghê.
Đang vui, tự nhiên cáu
Thương cho cái nước mình.
Vì đó là dấu hiệu
Sự xuống cấp văn minh.
812
Nằm mãi không ngủ được.
Ngồi xuống đàn dương cầm.
Nhạc Mozart đầy nắng.
Giá lạnh đêm cuối năm.
Mười ngón tay ca hát,
Mà thầm khóc trong lòng,
Khi vấp phải nốt khó,
Chợt ngậm ngùi thương ông.
Tác giả của ánh sáng,
Của hạnh phúc, tình yêu.
Chết, chôn hầm công cộng.
Chết lạnh. Vì quá nghèo.
813
Chợ Đông Kinh, xứ Lạng.
Đi ngang dọc ba lần.
Không thấy ai mặc rách
Hay phải vá áo quần.
Kể với chủ khách sạn.
Lão cười: “Bác hay ghê.
Giờ ai mặc áo rách!
Bác như ông nhà quê!”
Vẫn vui dù bị mắng.
Vui vì dân nước mình
Mặc quần áo lành lặn.
Chắc không mượn, của mình.
Điều này quan trọng lắm.
Tiếc lớp trẻ ngày nay
Vì quần áo thừa mứa
Nên không hiểu điều này.
PS
Nhớ xưa được xuất ngoại,
Đi hội nghị nhà văn.
Chiếc áo trông còn được.
Tiếc pic-kê đít quần.
Tiếng Anh nói thông thạo.
Bài phát biểu ô-kê
Chỉ luôn lo ngay ngáy
Chiếc quần bị pic-kê.
Xưa nữa, thời phong kiến,
Đến Nguyễn Du, vĩ nhân,
Trừ xà lỏn, trưng diện
Chỉ một bộ áo quần.
Còn thờ xưa, xưa nữa,
Ai cũng biết điều này:
Bố con Chử Đồng Tử
Chung chiếc khố hàng ngày.
Đủ ăn và đủ mặc -
Hạnh phúc lớn ở đời.
Trẻ con đừng sướng quá
Mà tớn lên chê cười.
814
Tôi đã vắt kiệt sức
Cho Thơ và cho Đời.
Gần như đã thấu hiểu
Buồn vui một Kiếp Người.
Cũng sắp đạt tới đích
Của cái Nghiệp Thơ Văn.
Đời ư? Sáu lăm tuổi,
Cái kết cũng rất gần.
Còn gì nữa không nhỉ?
Không nhiều, nhưng chắc còn.
Một nửa dành cho Phật.
Nửa kia cho cháu con.
Chỉ mong khi nhắm mắt,
Các bạn nghĩ về tôi:
“Ông Béo đã sống đẹp.
Thơ viết cũng không tồi.”
Thế là tôi hạnh phúc.
Trên ấy, trên Niết Bàn,
Tôi tiếp tục cầu nguyện,
Mong các bạn bình an.
815
Mệt, gục đầu ngủ thiếp.
Chợt thấy A Nan Đà
Đưa tôi đến, lặng lẽ
Đứng trước Phật Thích Ca.
Ngài nhìn tôi không nói,
Nhưng đầy lòng từ bi.
“Ta biết con rất cố,
Nhưng còn nhiều Sân Si.
Mà rồi, chưa đến lúc
Con được lên Cõi Trời.
Còn nhiều việc dang giở
Ở dưới ấy, Cõi Người.”
Cúi thấp đầu tạ Phật
Tôi lặng lẽ đi ra.
Lặng lẽ xuống hạ giới
Cầm tay A Nan Đà.
*
Chiếc vi tính vẫn đợi.
Hình như đã rạng ngày.
Tiếp tục gõ bàn phím.
Lạnh từng đầu ngón tay.
815
Có một dạng say nữa
Nên đưa vào châm ngôn.
Ngoài say tình, say rượu,
Ta có thể say buồn.
Một cái buồn vớ vẩn
Được mân mê trên tay,
Vô tình thành buồn thật,
Buồn càng lâu, càng say.
Một cách không ý thức,
Phiêu diêu trong cõi buồn,
Ta buông xuôi, mệt mỏi
Cả thể xác, tâm hồn.
Thế là say, say lịm,
Nghĩ toàn điều nặng nề.
Bỏ việc đang làm giở,
Ngồi thẫn thờ, ủ ê…
Thực sự là thế đấy.
Hãy cảnh giác với mình.
Say buồn còn nguy hiểm
Hơn say rượu, say tình.
816
Một friend nữ trót lầm lỡ, xin
lời khuyên
Mình dại thì mình chịu.
Trót ngã thì đứng lên.
Cố gượng đau, nếu được,
Đừng ủ ê, buồn phiền.
Tất cả còn phía trước.
Đường còn dài, còn lâu.
Nào đưa tay, bác đỡ.
Hãy làm lại từ đầu.
817
Vua Gia Long Nguyễn Ánh
Nói một câu rất hay
Về đạo Cơ Đốc Giáo.
Đại khái ý thế này:
Đạo Cơ Đốc rất tốt,
Rất hợp với lòng ta.
Nhưng ta không theo được,
Vì một lẽ, đó là
Theo đạo này, thật tiếc,
Chỉ một vợ một chồng.
Ta thì muốn hơn thế,
Dẫu ta nói thực lòng,
Rằng cai trị một nước
Dễ, đơn giản hơn nhiều
So với việc quản lý
Mấy bà vợ ta yêu.
818
Anh làm việc gì đó
Nếu được người ta khen.
Thích thì nghe cho biết.
Đừng tin mà tớn lên.
Cứ làm gì anh muốn.
Tuyệt đối không nghe ai.
Lượng khả năng, lượng sức.
Thong thả, đường còn dài.
Người đời rất hào phóng
Khi ban phát lời khen.
Nhưng sẽ kém hào phóng
Khi đụng đến túi tiền.
819
Ngày xưa vua Tự Đức
Cấp tiền và cấp nhà
Để ông Lê Ngô Cát
Soạn Quốc Sử Diễn Ca.
Đó là bộ sách lớn
Gần bốn nghìn câu thơ
Viết theo thể lục bát,
Nhiều người thuộc đến giờ.
Đã là con dân Việt
Thì phải biết sử mình.
Vua Tự Đức làm thế
Là ông vua thông minh.
Chẳng vua, chẳng hoàng đế,
Tôi là Thái Bá Tân,
Với tấm lòng yêu nước
Của anh phó tường dân,
Lâu nay tôi cặm cụi
Viết Quốc Sử Diễn Ca,
Nhà nước không thèm biết,
Không cho tiền, cho nhà.
Mà nào đâu có ít,
Hơn sáu trăm trang thơ,
Viết về thời dựng nước
Cho đến tận bây giờ.
Tôi đã đem bản thảo, -
Sự thật, dẫu khó tin, -
Đến hai nhà xuất bản,
Đều bị từ chối in.
Cái nước ta thế đấy,
Các bác thấy buồn không?
Được, tôi in, tôi có
Lương hưu bốn triệu đồng.
Đã có gan, có sức
Viết Quốc Sử Diễn Ca,
Tôi sẽ không ngần ngại
Chết vì sử nước nhà.
Hẳn thế, nhất định thế.
Vì Tổ Quốc thân yêu
Bao người đã, đang chết.
Tôi chẳng lăn tăn nhiều.
Vậy các bác hãy đợi
Và đọc cho cháu con.
Tôi trao hết, cho hết,
Chỉ chừa lại cái buồn.
820
Một nhà thơ, cũng lớn,
Từng vang bóng một thời,
Bị chửi vì nhỡ bút
Viết mấy câu để đời.
Tức là để tiếng nhục
Với con cháu về sau.
Mới biết nghề thơ phú
Không an toàn lắm đâu.
Vì người đời, bản chất,
Cạn nghĩ, bạc như vôi.
Anh viết nghìn bài tốt,
Trót nhỡ một bài tồi,
Thì lập tức tất cả,
Những người từng khen anh
Sẽ chồm lên sỉ vả
Như một lũ thần kinh.
Người đời luôn vẫn thế
Và sẽ thế - thì sao?
Từ lâu tôi đã biết,
Không ngạc nhiên tẹo nào.
Cứ khen chê mặc sức.
Tôi là người hơi kiêu,
Lại biết tỏng người khác,
Nên chẳng quan tâm nhiều.
821
Tặng Mai Quỳnh Giang
Người thích ăn, to béo
Là những người đáng yêu.”
Julia Child nói thế,
Làm tôi suy nghĩ nhiều.
Có lẽ bà nói đúng.
Tôi nhận thấy ở đời,
Người béo thường tốt bụng,
Xởi lởi và hay cười.
Con gái béo rất đẹp.
Cái gì cũng tròn tròn.
Mũm mĩm, như múi mít,
Thoạt nhìn đã thấy ngon.
Vậy nhé, đừng sợ béo,
Sợ bị chê ăn nhiều.
“Người thích ăn, to béo
Là những người đáng yêu.
822
Mới tròn hăm bảy tuổi,
Lê Hoàn đã được phong
Giữ chức Đại nguyên soái,
Lập được nhiều chiến công.
Còn Quang Trung Nguyễn Huệ,
Hơn hai chục xuân xanh
Đã đánh Đông dẹp Bắc,
Rồi đại phá quân Thanh.
Còn nay thì sao nhỉ,
Các chàng trai của ta?
Nhiều khi nhìn, nẫu ruột,
Ngẫm buồn cho nước nhà.
Những chàng trai khỏe mạnh,
Hiểu biết nhiều hơn xưa.
Chỉ tiếc lòng yêu nước
Chỉ ở mức vừa vừa.
823
Tiền không tốt, không xấu.
Đơn giản chỉ là tiền.
Là cái, nếu không có,
Nhiều lúc quả cũng phiền.
Trường hợp người có nó
Mà đâm hư, tiếc thay,
Thì tiền chỉ làm lộ
Bản chất của người này.
824
Tặng bác Lê Thanh Thản
Hôm nay tôi lại gặp
Bác đại gia nông dân.
Bắt tay tôi, bác nói:
“Chào bác Thái Bá Tân.
Bác khen tôi tỉ phú
Nhưng bác mới thực giàu.
Giàu hơn tôi gấp bội.
Nói thật, không đùa đâu.
Bác giàu cái chữ nghĩa,
Lại kèm theo tấm lòng.
Giàu tiền, bác thừa biết,
Rốt cục cũng thành không.
Tôi sẵn sàng đổi hết
Những gì có hôm nay
Để được thành tác giả
Tập thơ Châm Ngôn này!”
Bác nói nghiêm túc lắm,
Nhưng tôi hiểu bác đùa.
Vẫn mừng vì bác biết
Cái gì có thể mua
Và cái gì không thể.
Và rằng dẫu đại gia,
Bác còn biết giá trị
Của chữ nghĩa, thơ ca.
Lại thầm kính trọng bác.
Lại tự hào đồng hương.
Quê tôi nhờ có bác,
Thêm bệnh viện, thêm đường.
Kính trọng vì làm ruộng,
Thành đại gia siêu giàu.
Nhưng bác rất có học.
Nói thật, không đùa đâu.
825
Tôi đã viết trên dưới
Bốn nghìn bài châm ngôn.
Loại thơ ngắn, giản dị,
Cũng có chút dạy khôn.
Lần nữa xin nhắc lại,
Rằng có một số bài
Tôi lấy ý người khác
Rồi thêm bớt rông dài.
Có bài ghi tác giả,
Nếu tiện ý, tiện vần.
Nhiều bài không ghi được,
Đành để sau sửa dần.
Kê cũng nhiều đấy nhỉ,
Trên dưới hai nghìn bài.
Sau, nếu được xuất bản,
Thành tập Một, tập Hai.
Tập Một có Phụ Lục
Tứ Thư, Tam Tự Kinh.
Tập Hai có Esop,
Thơ ngụ ngôn thông minh.
Giờ phải làm việc khác.
Mà việc thì còn nhiều.
Già rồi, đang tự hỏi
Còn sống được bao nhiêu.
Châm ngôn là bài học
Từ kinh nghiệm cuộc đời.
Mong bạn đọc tham khảo,
Tu dưỡng để thành người.
Thái Bá Tân
Hà Nội, 3. 12. 2012
No comments:
Post a Comment