Tuesday, February 24, 2015

VIỆT NAM LƯỢC SỬ DIỄN CA - 5



8
TRẦN HƯNG ĐẠO (1232 - 1300) 

Tên thật là Quốc Tuấn,
Trần Hưng Đạo đại vương
Là một người đặc biệt,
Tài đức bậc phi thường.

Ông là nhà chính trị,
Nhà quân sự thiên tài,
Góp phần giữ độc lập
Cho thế hệ tương lai.

Ông là con Trần Liễu,
Cháu vua Trần Thái Tông.
Rất khôi ngô, tuấn tú,
Văn và võ tinh thông.

Ông lớn lên đúng lúc
Nước thọ địch bốn bề.
Giặc Nguyên Mông phương Bắc
Đang đêm ngày lăm le.

*
Năm Một Hai Năm Bảy
Đức vua Trần Thái Tông
Xuống chiếu giao chức vụ
Đại Tiết Chế cho ông.

Tiết chế là Tư Lệnh,
Theo cách hiểu thông thường.
Ông đem quân thủy bộ
Ra trấn giữ biên cương.        

Sau lần đầu thắng giặc
Ông được đức vua Trần
Phong Quốc công Tiết chế,
Thống lĩnh cả ba quân.

Là vị tổng tư lệnh,
Năm tám tư, mùa đông,         
Ông cho duyệt quân ngũ
Bến Hàng Than, sông Hồng.

Rồi bài “Hịch tướng sĩ”,
Một đệ nhất hùng văn,
Được ông đọc dõng dạc
Trước toàn bộ ba quân.

Chỉ một năm sau đó,
Quân Nguyên sang đánh ta.
Kể từ lần thứ nhất,
Hăm bảy năm trôi qua.

Đường bộ và đường thủy,
Hai mũi chúng tấn công.
Đường bộ từ phía Bắc,
Đường thủy từ phía đông.

Từ Nghệ An, Thanh Hóa,
Chúng còn vòng đánh ra.
Để bảo toàn lực lượng,
Cân nhắc địch và ta,

Trần Hưng Đạo quyết định
Tạm rút khỏi Thăng Long,
Làm vườn không nhà trống,
Quân và dân một lòng.

Vào tháng Năm năm ấy,
Từ căn cứ Thiên Trường,
Ông đánh trận Hàm Tử,
Rồi Tây Kết, Chương Dương...

Đội quân Nguyên hùng mạnh,
Như đám mây âm u,
Bị quân Trần quét sạch,
Xua hết bóng quân thù.

Năm Một Hai Tám Bảy
Quân Nguyên lại đánh ta,
Hai năm sau lần trước,
Giờ là lần thứ ba.

Đoàn thuyền lương quân địch
Bị diệt ở Vân Đồn.
Hay tin, Thoát Hoan sợ,
Rút chạy, vãi linh hồn.

Trần Hưng Đạo cho lính
Chốt giữ cửa Bạch Đằng.
Sau Vân Đồn, binh lính
Khí thế đang rất hăng.

Tháng Tư năm Tám Tám,
Đoàn thuyền Ô Mã Nhi
Bị Đại Việt phá sạch,
Lương thực chẳng còn gì.

Tướng Thoát Hoan nghe thế,
Liền vội vã rút về,
Chui ống đồng mà rút,
Thật nhục nhã, ê chề.  

*
Năm Một Hai Tám Chín,
Vua luận công, biểu dương,
Rồi phong Trần Hưng Đạo
Là Hưng Đạo Đại vương.

Ông lui về Vạn Kiếp
An hưởng nốt tuổi già,
Nơi ông được phong ấp,
Cách Chí Linh không xa.

Tháng Sáu năm Canh Tý,
Tức Một Ba Không Không,
Ông lâm bệnh, ốm nặng,
Đích thân Trần Anh Tông

Cùng nhiều đại quan khác
Về thăm hỏi tận nơi.
Nhưng hai tháng sau đó
Ông lặng lẽ qua đời.

Ông dặn con khi chết,
Hãy hỏa táng xác ông,
Đựng cốt trong lọ sứ,
Chôn giữa các gốc thông

Trong góc vườn An Lạc.
Chôn rồi, phủ đất lên,
Lại trồng cây như cũ,
Thật khéo và tự nhiên

Để trường hợp, nếu muốn,
Người của các đời sau 
Không thể nào đoán biết
Mộ ông chôn ở đâu.

Ông được dân cả nước
Tôn là Đức Thánh Trần,
Lập đền thờ cúng viếng,
Hương khói đều quanh năm. 


TRUYỆN VỀ TRẦN HƯNG ĐẠO 

1
Năm Một Hai Ba Bảy,
Trần Thủ Độ bỗng nhiên
Ép cha ông, Trần Liễu,
Nhường vợ là Thuận Thiên

Cho chú ông, Trần Cảnh,
Lúc ấy ngự ngai vàng.
Mà Thuận Thiên công chúa
Là chị Lý Chiêu Hoàng.

Với cái thai ba tháng,
Thuận Thiên thành vợ vua,
Dẫu vua không đồng ý,
Cứ đòi bỏ lên chùa.

Trần Liễu thì uất ức,
Dấy binh nhưng bất thành.
Thủ Độ tha không giết,
Nhờ vua xin cho anh.

Trần Liễu tìm người giỏi
Làm thầy dạy con trai,
Tức là Trần Hưng Đạo,
Mong văn võ toàn tài.  

Trước khi chết, ông dặn:
“Con hãy cố vì cha
Mà lấy cả thiên hạ,
Thế mới đẹp lòng ta.”

Tức là ý ông dặn
Con tiếm ngôi về sau.
Hưng Đạo không muốn thế,
Nhưng ghi nhớ trong đầu.

Khi đã nắm toàn bộ
Quyền lực vào tay mình,
Ông giả đò ướm hỏi
Thân tín trong triều đình.

Yết Kiêu và Dã Tượng
Nói là điều không nên.
Ông gật đầu khen ngợi,
Còn thưởng họ nhiều tiền.     

Ông hỏi cả con trưởng
Và con thứ điều này.
Người con trưởng phản đối.
Anh con thứ khen hay.

Lập tức ông rút kiếm
Định chém đầu anh ta,
Bảo là phường nghịch tặc,
Không cho nhận là cha.

Rồi lệnh: khi ông chết,
Đậy nắp quan tài xong,
Mới cho anh con thứ
Được đi vào viếng ông.

*
Theo sử cũ ghi lại
Trần Quang Khải và ông
Có mối tư thù nhỏ
Vẫn canh cánh trong lòng.

Trong cuộc chiến lần một,
Trần Thánh Tông cầm quân,
Tể tướng Trần Quang Khải
Đi hộ giá vua Trần.

Thượng hoàng thì có ý
Khi Hưng Đạo ở nhà
Phong ông chức Tể tướng
Nhân Quang Khải đi xa.

Trần Hưng Đạo vội vã
Cúi đầu xin không nghe,
Nói rằng những việc ấy
Chờ Tể tướng quay về.

Một hôm, Trần Hưng Đạo
Đi thuyền tới Thăng Long,
Trần Quang Khải nghe tiếng,
Xuống thuyền chơi với ông.

Quang Khải vốn sợ tắm,
Hai người ăn uống xong,
Hưng Đạo tự cởi áo
Rồi kỳ lưng cho ông.    

“Nhờ bác thăm thuyền chiến,
Tôi may mắn hôm nay
Được tắm cho Tể tướng.
Phải ghi nhớ ngày này!”

Trần Quang Khải cúi tạ:
“Được Quốc công kỳ lưng,   
Thật là diễm phúc lớn,
Xin mở tiệc ăn mừng.”

*
Sử cũ cũng chép việc
Con trai Hưng Đạo vương
Lấy công chúa Thiên Thụy,
Thế mà trái đạo thường,

Trần Khánh Dư, tướng giỏi,
Lại thông dâm với nàng,
Khiến vua phải xuống chiếu
Đuổi về núi Phượng Hoàng.  

Vậy mà khi Mông Cổ
Đánh Đại Việt lần ba,  
Hưng Đạo quên chuyện cũ,
Cho vị tướng tài ba

Ra trấn thủ biên giới.
Trần Khánh Dư lập công,
Góp phần làm chiến thắng,
Suốt đời kính phục ông.        

Hơn thế, Trần Hưng Đạo,
Đã chọn Trần Khánh Dư
Viết lời tựa cho cuốn
“Vạn Kiếp bí truyền thư”.

*
Năm Một Hai Tám Mốt,
Vua Nguyên sai Sài Xuân
Đi sứ sang Đại Việt.
Thằng này láo, có lần

Cứ ngồi trên lưng ngựa
Đi qua cửa Dương Minh.      
Hắn còn dùng roi cứng
Quất vào đầu vệ binh.

Tể tướng Trần Quang Khải
Đến chào hắn, vậy mà,
Bất chấp cả nghi lễ,
Hắn nằm khểnh, không ra.

Hay tin, Trần Hưng Đạo,
Mặc áo vải, cạo đầu,
Đi thẳng đến quán sứ
Xem binh tình ra sao.

Thế mà lạ, lập tức
Hắn đứng dậy, cúi mình
Lễ phép mời uống nước,
Đàm đạo khá thân tình.

Một thằng hầu của hắn
Cầm mũi tên, đứng sau,        
Chọc vào Trần Hưng Đạo
Đến chảy cả máu đầu.

Nhưng ông vẫn bình thản,
Nét mặt không đổi thay.
Lúc về, Sài Xuân tiễn,
Còn nhắc mãi chuyện này.

*
Thay cho cổ tích Việt,
Ông sẽ kể bây giờ
Một chuyện của nước Nhật,
Cảm động và bất ngờ.

Câu chuyện này ngày bé
Ông nghe từ mẹ ông.
Thật hay và ý nghĩa,
Nhưng cũng thật đau lòng.


TÌNH MẪU TỬ

Ở nước Nhật ngày trước
Có câu chuyện thế này,
Cảm động và ý nghĩa,
Lưu truyền đến hôm nay.

Hai ông bà già nọ,
Tốt bụng và rất hiền,
Sống bằng nghề đào sắn
Rồi luộc, bán lấy tiền.

Nhà của họ trong núi,
Chỉ là túp lều tranh.
Đã mấy hôm bão tuyết,
Tuyết rơi dày xung quanh.

Khuya, có ai gõ cửa.
Ai nhỉ, vào giờ này?
Ông lão đi ra mở,
Ngọn đèn mờ trên tay.  

Đó là một thiếu phụ,
Hai hố mắt rất sâu,
Mặt trắng bệch như tuyết,
Chiếc khăn đen trùm đầu.     

Cô mua hai xu sắn
Rồi vội vã bỏ đi.
Ông lão mời vào sưởi,
Nhưng không chịu nói gì.

Đêm thứ hai cũng thế,
Rồi thứ ba, thứ tư,
Đúng giờ, cô lại đến,
Và chỉ mua hai xu.      

Hai xu thì quá ít.
Sao lại mua giờ này?
Muốn hỏi mà không được,
Cái cô này thật hay.

Đêm thứ năm, cô đến,
Mua sắn rồi lại đi,
Vội vã như lén lút
Hay che dấu điều gì.

Còn ông già bán sắn,
Tò mò nhìn theo cô,
Chợt thấy tay đang giữ
Chỉ chiếc lá vàng khô.

Không phải tiền mà lá!
A, dám lừa dân nghèo!
Giận dữ, ông gọi vợ,
Rồi hai người đuổi theo.

Họ đi theo cô gái
Đến nghĩa trang, ở đây
Họ mất dấu, thật lạ,
Tuyết rơi, lúc một dày.

Xung quanh thật yên tĩnh,
Tuyết cứ rơi dập dồn.
Chợt họ nghe đâu đó
Có tiếng khóc trẻ con.

Trẻ con? Nơi nghĩa địa?
Thật khó tin điều này,
Nhưng quả có tiếng khóc,
Mà gần, chỉ đâu đây.

Ngạc nhiên và sợ hãi,
Họ liền chạy về nhà,
Vào chùa gặp sư cụ
Rồi mời sư cùng ra.

Đứng cạnh một ngôi mộ,
Sư cụ nói, chắp tay:
Tuần trước có bà chửa
Chết chôn nghĩa trang này.

Rồi ba người xúc tuyết,
Đào đất, họ giật mình
Khi quan tài được mở,
Thấy đứa bé mới sinh

Đang nằm bên cạnh mẹ.
Mẹ nó như ngủ say,
Còn nó vừa ọ ọe,
Vừa mút miếng sắn dây.

Nghĩa là bà mẹ trẻ
Cả khi phải lìa đời,
Vẫn muốn con mình sống,
Khôn lớn để thành người.

Những đồng xu bằng kẽm
Người ta nhét miệng cô,
Đem mua sắn, xu hết,
Đành mua bằng lá khô...

Vị sư già tốt bụng
Ôm đứa bé vào lòng.
Sau này nó khôn lớn
Sẽ trụ trì thay ông.

Thiêng liêng tình mẫu tử,
Thiêng liêng và xót xa.
Sư trụ trì thầm nghĩ.
Nam mô A Di Đà...


9
CÁC DANH TƯỚNG ĐỜI TRẦN

Hôm nay, như đã hứa,
Ông kể về hai người,
Hai danh tướng lỗi lạc,
Sống mãi trong lòng người.

Đó là Trần Bình Trọng,
“Thà làm quỉ nước Nam
Hơn làm vương đất Bắc”.
Quyết chết, không đầu hàng.

Người thứ hai ông kể
Là một người hiền minh -
Tể tướng Trần Quang Khải,
Sử sách mãi lưu danh.

Còn nhiều anh hùng khác
Ở triều đại nhà Trần.
Các cháu cứ đợi đấy,
Có dịp, ông kể dần.


TRẦN BÌNH TRỌNG (1259 – 1285)          

Danh tướng Trần Bình Trọng,
Trong kháng chiến lần hai    
Chống Nguyên Mông xâm lược,
Đã đem hết sức tài

Bảo vệ hai chủ tướng
Là Thái Tông, Thánh Tông,
Rồi bị giặc bắt sống,
Son sắt một tấm lòng.  

Lần ấy giặc Mông Cổ
Đem năm mươi vạn quân
Chia làm hai mũi lớn
Cùng tấn công nhà Trần.

Sau trận đầu thất bại,
Tiết chế Hưng Đạo vương
Quyết định phải tạm rút
Về căn cứ Thiên Trường.

Ông giao Trần Bình Trọng
Một nhiệm vụ nặng nề:
Phải chốt giữ Thiên Mạc
Và các khu liền kề,

Để cầm chân quân địch,
Và giúp hai vua Trần
Cùng chỉ huy kháng chiến,
Rút bí mật, an toàn.

Thoát Hoan sai tướng giỏi
Là Khoan Triệt, Lý Hồng,
Đem tinh binh truy đuổi,
Cả đường bộ, đường sông.

Chính ở bãi Thiên Mạc,
Huyện Khoái Châu, Hưng Yên,
Ông đã cầm chân giặc
Liên tục mấy ngày liền.

Do vậy, giặc mất dấu
Đường rút của vua Trần.
Ta bảo toàn lực lượng
Để phản công khi cần.

Tuy nhiên, trong trận ấy,
Thế giặc mạnh và đông,
Quân ta dần đuối sức,
Giặc bắt sống được ông.

Chúng tìm cách mua chuộc
Để ông khai việc binh.
Ông nhất quyết không chịu,
Còn giục chúng giết mình.

Trần Bình Trọng lần ấy
Để lại cho đời sau
Một câu nói nổi tiếng,
Rằng thà bị chém đầu,

Thà nước Nam làm quỉ
Còn hơn được làm vương
Ở nước giặc phương Bắc.
Một khí phách quật cường.

Biết không thể khuất phục,
Cuối cùng chúng giết ông,
Năm ông hăm sáu tuổi.
Xác quẳng xuống dòng sông.

*
Dòng dõi Trần Bình Trọng
Là từ Lê Đại Hành,
Sinh Hà Nam, nhưng gốc
Huyện Thọ Xuân, xứ Thanh.

Ông xuất thân quí tộc.
Sử chỉ nói vợ ông
Là công chúa Thụy Bảo,
Trước có một đời chồng.

Con ông thành hoàng hậu,
Mẹ vua Trần thứ năm,
Tức Minh Tông hoàng đế,
Có đức và có tầm.

Tài liệu sử cho biết
Rằng tướng Lê Phụ Trần,
Nhờ có công chống giặc,
Trần Thái Tông ban ân

Bằng cách gả Chiêu Khánh,
Tức vợ vua, cho ông,
Sau sinh Trần Bình Trọng.
Đúng là thật lòng vòng.

Dù con ai chăng nữa,
Thì ông cũng là người
Nêu tấm gương trung liệt
Về lẽ sống ở đời.


TRẦN QUANG KHẢI (1241 – 1294)

Ông là một quí tộc,
Một đại thần nhà Trần,
Làm đến chức Tể tướng,
Đánh quân Nguyên ba lần.

Trần Thái Tông là bố,
Mẹ là Lý Ngọc Oanh.
Trong nhà, ông phải gọi
Trần Thánh Tông là anh.

Một lần, khi còn nhỏ,
Ông ốm nặng, Thái Tông
Để áo bào, gươm báu
Cạnh giường bệnh của ông,

Và nói: “Hãy khỏi bệnh.
Nếu khỏi, ta sẽ trao,
Hai thứ này quí giá -
Gươm báu và áo bào.”

Lần ấy, ông khỏi bệnh,
Quả thật vua cho ông
Chiếc áo ngài đang mặc,
Còn gươm báu thì không.

Trần Quang Khải từ bé
Được phong Chiêu Minh Vương,
Lê Văn Hưu dạy dỗ,
Thông tuệ bậc khác thường.

Năm Một Hai Năm Tám,
Vua cho cưới Phụng Dương,
Em gái nuôi, sau đó
Ban ấp ở Thiên Trường.

Năm Một Hai Bảy Mốt
Ông đã là đại thần,
Chức Tướng quốc Thái úy,
Cao hơn Đức thánh Trần.

Khi quân Nguyên xâm lược,
Ông theo lệnh vua cha,
Vào Nghệ An trấn giữ
Không cho giặc đánh ra.

Rồi ông lập công lớn
Trận đánh bến Chương Dương.
Vua xếp ông cao nhất
Khi ban thưởng, tuyên dương.

Ông và Trần Hưng Đạo,
Theo sử, có bất hòa.
Điều ấy rất nghiêm trọng
Với hưng vong nước nhà.

Hưng Đạo, như ta biết,
Đã chủ động làm hiền,
Kỳ lưng cho Quang Khải,
Khi ông xuống thăm thuyền.

Sau lần ấy, hai vị
Bỏ thù riêng, cùng nhau
Gắng công lo việc nước,
Hai vị quan hàng đầu.

Trần Quang Khải nổi tiếng
Còn là một thi nhân.
Ông viết khi rỗi rãi,
Đẹp ý, đẹp cả vần.

*
Nào, bây giờ cổ tích -
Ông có một túi đầy,
Kể cả năm chưa hết,
Mà toàn cổ tích hay.

Nhân tiện ông chiêu đãi
Món dưa hấu hôm nay,
Vừa ăn, ông vừa kể
Sự tích loại quả này.


SỰ TÍCH QUẢ DƯA HẤU

Vào thời xa xưa ấy
Đất nước còn hoang sơ,
Chưa có nhiều quả ngọt,
Trái thơm như bây giờ.

Vua Hùng thứ mười bảy
Có một người con nuôi
Là An Tiêm hoàng tử,
Giỏi, thông minh hơn người.

Vua yêu chàng nhất mực,
Thường ban thưởng nhiều quà.
Thế mà chàng, thật lạ,
Không cảm ơn vua cha.

Ai cũng thích quà tặng,
Nhưng chàng thì khác người.
Chàng nói: “Quà được tặng
Là món nợ ở đời.”

Vua biết chuyện, tức giận
Bèn nói với quần thần:
“Vậy thì ta để nó
Phải tự mình kiếm ăn!”

Thế là một sáng nọ
Cả gia đình, vợ chồng
Bị lính bắt lập tức
Phải ra đi tay không.

Một thanh kiếm cùn gỉ
Phải năn nỉ nhiều lần
Mới được chúng cho phép
Mang theo để phòng thân.

Có một chiếc thuyền lớn
Đang đợi sẵn hai người.
Rồi thuyền đi ra biển,
Mênh mông nước và trời.

Gặp gió, thuyền lướt nhẹ
Đi không nghỉ một ngày
Thì đến hòn đảo nhỏ
Chỉ toàn cát với cây.

Hai người bị bỏ lại
Với năm ngày thức ăn
Ở hòn đảo hoang vắng,
Không nhà cửa, không dân.

Chàng An Tiêm và vợ
Bế con đứng nhìn theo
Bóng con thuyền bé nhỏ
Mất hút giữa nắng chiều.

Thế là họ ở lại
Trên hoang vu đảo này,
Không nhà cửa, đồ đạc,
Biết sống sao qua ngày?

Giỏi lo toan, tháo vát,
An Tiêm đưa gia đình
Vào hang núi ở tạm,
Còn chàng thì một mình

Cầm kiếm dạo quanh đảo.
Đảo toàn đá chỏng chơ,
Chỉ vài loài chim biển
Và cỏ dại lơ thơ.

Tìm mãi, chàng cũng thấy
Mọc dại, không ai trồng,
Một ít rau và trái
Ăn tạm, đỡ đói lòng.

Ngày lại ngày, từ đó
Vợ xuống biển mò ngao.
Cá nhiều, không có lưới,
Chẳng bắt được con nào.

Chàng và thằng con lớn
Làm bẫy bẫy chim rừng
Cũng có hôm bẫy được,
Đốt lửa, nướng thơm lừng.

Lúc đầu thật vất vả
Cùng muôn vàn khó khăn,
Nhưng họ vẫn không nản,
Cuộc sống khá hơn dần.

Bỗng ngày nọ, chàng thấy
Có một con chim gì
Đậu ngoài bãi, chàng đến
Nó liền vội bay đi.

Con chim lớn bỏ lại
Miếng dưa bằng bàn tay.
Vì thấy chim ăn được,
Chàng ăn miếng dưa này.

Ôi, thật mát, thật ngọt!
Chàng nhặt lấy hạt dưa
Đem vùi xuống đất ẩm.
Mấy hôm sau gặp mưa,

Hạt nẩy mầm xanh tốt,
Rồi hé nụ, đâm hoa,
Rồi cuối cùng kết trái,
Thành vườn dưa xùm xòa.

Rồi đến mùa thu hoạch.
Cả nhà bổ dưa ăn.
Dưa đỏ và ngọt lịm,
Quà tặng của thánh thần.

Ruộng dưa chàng thêm rộng.
Được chăm sóc hàng ngày,
Trái càng sai, càng lớn,
Vỏ càng mỏng, ruột dày.

Chàng thường thả xuống biển
Những trái dưa của mình,
Mong ai đấy vớt được,
Dù hy vọng mong manh.

Thế mà rồi bất chợt
Có con thuyền ghé vào.
Họ muốn biết dưa ấy
Ai trồng, và nơi nào.    

Từ đấy, đem dưa hấu
Chàng đổi lấy thức ăn
Và những đồ vật khác
Mà gia đình đang cần. 

Ngày càng nhiều người biết,
Thuyền tấp nập vào ra.
Cuộc sống thành dễ chịu,
Còn dựng được ngôi nhà.

*
Vua Hùng Vương mười bảy,
Thường hay nhớ thương chàng,
Vẫn nghĩ chàng và vợ
Đã chết ngoài đảo hoang.

Một hôm, đang ngồi nghỉ,
Có người từ phương xa
Dâng vua quả dưa lạ.
Ngài ăn, khen xuýt xoa.

Hỏi thì biết dưa ấy
Vợ chồng An Tiêm trồng,
Vua trầm tư suy nghĩ,
Rồi sai đem thuyền rồng

Và quân lính ra đảo
Đón họ về kinh đô,
Cùng những quả dưa hấu
Rất tròn và rất to.

Từ đấy, dân khắp nước
Trồng loại dưa quí này.
Nhờ An Tiêm và vợ,
Ta có nó ngày nay.

Nhờ phù sa bồi đắp
Thành đất liền, núi non,
Hòn đảo hoang ngày ấy
Nay là huyện Nga Sơn,

Có lẽ cũng vì thế
Mà dưa hấu ở đây
Thuộc vào loại ngon nhất,
Ngọt, vỏ mỏng, ruột dày.        


10
BỐN NHÂN VẬT NỔI TIẾNG ĐỜI TRẦN

Đất nước ta thời ấy,
Rất nhiều người tài, hiền,
Trong giáo dục, chính trị
Và y học cổ truyền.

Hôm nay ông sẽ kể
Chuyện ông tổ ngành y
Là Thiền sư Tuệ Tĩnh,
Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi,

Tam tổ Lý Đạo Tái,
Chu Văn An, người thầy,
Những người rất nổi tiếng
Trong giai đoạn sử này.


TUỆ TĨNH (mất năm 1330)

Tuệ Tĩnh là pháp hiệu.
Ông là một thiền sư,
Tên thật Nguyễn Bá Tĩnh,
Tài giỏi và nhân từ.

Ông được tôn ông tổ
Ngành Nam dược nước ta.
Tiếc ông bị giặc bắt,
Sớm đưa về Trung Hoa.

Ông là thầy thuốc giỏi,
Lại vừa một nhà sư,
Viết “Nam dược thần hiệu”
Và “Hồng nghĩa giác tư”.

Ông xuất thân nghèo khổ,
Gia cảnh rất bình thường,
Quê ở xã Cẩm Vũ,
Huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Khi mới lên sáu tuổi,
Bố mẹ ông qua đời,
Chùa Hải Triều, Giao Thủy,
Nuôi ông lớn thành người.

Năm tròn hăm hai tuổi,
Ông đậu Thái học sinh,
Vẫn ở chùa nghiên cứu,
Bốc thuốc giúp dân lành.

Đến năm ba mươi tuổi,
Ông về chùa Yên Trang,
Làm trụ trì ở đấy,
Nay thuộc huyện Cẩm Giàng.

Tuệ Tĩnh đỗ Hoàng giáp
Năm Một Ba Tám Năm,
Bị đem cống Trung Quốc
Khi tuổi đời năm lăm.

Ông tiếp tục bốc thuốc,
Nổi tiếng, dù ẩn cư.
Vua Minh yêu tài đức,
Phong “Đại y Thiền sư”.

Ông qua đời ở đấy,
Hàng nghìn dặm xa nhà.
Tài, không được cống hiến,
Ngẫm, chạnh lòng xót xa.

Tuệ Tĩnh đặt nền móng
Ngành y dược nước nhà,
Xây dựng thành nếp nghĩ -
Người ta dùng thuốc ta.

Nhờ ông mà cả nước,
Mỗi gia đình, đền chùa,
Có một vườn thuốc nhỏ
Cung cấp thuốc bốn mùa.

Nhiều lương y nổi tiếng
Làm tiếp việc của ông
Hoàng Đôn Hòa là một,
Dưới triều Lê Thế Tông.

Ông dùng các toa thuốc
Của Tuệ Tĩnh sư thiền
Chữa sốt rét cho lính,
Dập dịch vùng Thái Nguyên.

Có một đồ đệ khác,
Là Hải Thượng Lãn Ông,
Viết “Lĩnh Nam Bản Thảo”
Về thuốc Nam, thuốc Đông.

Ông trích nhiều toa thuốc
Của Tuệ Tĩnh Thiền sư,
Cả phần dưỡng sinh khí
Bằng hít thở từ từ.

Ở quê hương Tuệ Tĩnh,
Để ghi nhớ công ơn,
Có đền Thuốc Nam Thánh,
Và đền ở Tân Sơn.

Ông cũng được thờ cúng
Ở Thủy Nguyên, Hải Phòng,
Làm Thành hoàng một xã,
Có cả miếu thờ ông.

Đại danh y dân tộc,
Chết từ lâu, xa nhà,
Triết lý ông vẫn sống:
Người ta dùng thuốc ta!        


MẠC ĐỈNH CHI (1280 – 1346)      

Tương truyền có bà nọ,
Bị khỉ hiếp, sau này
Đẻ đứa con xấu xí,
Ngắn chân và dài tay.

Nhưng đứa bé, bù lại,
Lại thông minh cực kỳ,
Rất có tài ứng đối.
Đó là Mạc Đỉnh Chi.

Chồng bà giết con khỉ,
Chôn, rồi mối đùn to,
Biết là đất phát tướng,
Nên khi chết dặn dò

Các con cháu từ đó
Chôn xác người thân mình
Ngay trên khu đất ấy,
Sẽ có ngày hiển vinh.

Cuốn “Công dư tiệp ký”
Nói rằng vua nhà Nguyên
Thấy Chi tài mà xấu,
Chắc phải có nhân duyên,

Bèn cho thầy địa lý
Sang dò hiểu xem sao,
Và quả thầy tìm đến
Mộ con khỉ năm nào.

Có thể chuyện ấy đúng,
Cũng có thể là sai,
Nhưng người này quả thật
Là một bậc hiền tài.

Dòng họ ông sau đó
Cũng vinh hiển vô cùng.
Có vị vua nổi tiếng,
Là vua Mạc Đăng Dung.

Ông người làng Lũng Động,
Huyện Nam Sách, Hải Dương,
Tướng mạo không đẹp lắm,
Nhưng trí tuệ phi thường.

Năm một ba không bốn,
Ông đỗ đầu, tuy nhiên,
Vua phải duyệt tướng mạo,
Mới cho làm Trạng nguyên.

Thấy ông thấp và bé,
Đức vua Trần Anh Tông,
Không muốn cho đỗ Trạng,
Nhưng đọc thơ của ông,

Cuối cùng vua đồng ý,
Lại còn ban lời khen
Bài “Sen trong giếng ngọc”,
Tức là “Ngọc tỉnh liên”.

Ông được giữ thư khố,
Có tài và nhân từ,
Được triều đình yêu mến
Rồi thăng chức Thượng thư.

Hai ông tổ, đời Lý,
Làm thượng thư như ông:
Mạc Hiển Tích - bộ Lại,
Mạc Kiến Quan - bộ Công.

Ông hai lần đi sứ
Sang triều đình Bắc phương,
Áp đảo về hùng biện,
Nổi bật tài văn chương,

Đến mức Nguyên Hoàng đế
Phải công nhận tài hiền,
Lấy bút tặng bốn chữ,
Là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Nhờ thế mà uy tín
Đại Việt được nâng cao.
Sứ thần các nước khác
Gặp đâu cũng cúi chào.

Có khá nhiều giai thoại
Về tài đối của ông.
Đi sứ, nhờ tài ấy
Mà làm tốt việc công.

Văn chương là một chuyện.
Chuyện khác tốt hơn nhiều.
Đó là ông liêm khiết,
Thượng thư mà vẫn nghèo.

Nghèo đến mức, lần nọ,
Người của vua Minh Tông
Bỏ mười quan tiền cũ
Trước cửa thềm nhà ông.

Thế mà ông, sáng dậy,
Đem tiền ấy vào cung.
Vua cười: “Không ai nhận,
Khanh cứ lấy mà dùng.”

Một tấm gương sáng chói
Về liêm khiết, công minh,
Mà chúng ta, con cháu,
Phải biết để soi mình.   


HUYỀN QUANG LÝ ĐẠO TÁI (1254 – 1334)

Huyền Quang Lý Đạo Tái
Là bậc đại thiền minh,
Người Vạn Tải, Nam Sách,
Huyện Gia Bình, Bắc Ninh.   

Gia đình ông nghèo khổ,
Bị họ hàng chê cười,
Nên bố mẹ quyết chí
Làm ăn ở đất người.

Ông không được đi học,
Thường lên chùa đứng rình
Để nghe lỏm, học mót, 
Mà thuộc chữ, làu kinh.        

Lúc ông hai mươi tuổi,
Năm Một Hai Bảy Hai,
Đỗ Trạng nguyên, đầu bảng,
Nổi tiếng về văn tài.

Sau đó ông được bổ
Làm trong viện Nội hàn,
Soạn văn, tiếp sứ Bắc,
Rồi treo áo từ quan.     

Vua trọng tài, đức độ,
Gả con gái cho ông,
Nhưng ông muốn thoát tục
Nên cúi bẩm, xin không.

Ông qui y, theo Phật,
Tu ở chùa Hoa Yên
Ở vùng núi Yên Tử,
Nhanh chóng thành sư thiền.

Trước đấy, như ta biết,
Đức vua Trần Nhân Tông
Lên Yên Tử tu luyện,
Lập Trúc Lâm Thiền tông.

Năm Một Ba Không Tám
Ngài viên tịch, Pháp Loa
Nhận từ Ngài y bát
Của dòng Thiền nước nhà.

Năm Một Ba Một Bảy,
Lúc viên tịch, Pháp Loa
Truyền cho ông y bát,
Thành vị Tổ thứ ba.     

Vua Anh Tông, lần nọ, 
Đã dùng kế mỹ nhân
Để thử thách đạo hạnh
Của Huyền Quang người trần.

Tất nhiên vua thất bại,
Lòng hối hận, đức vua
Bắt mình phải vất vả
Leo lên núi, vào chùa

Xin lỗi Ngài, sau đó
Phong Ngài làm quốc sư,
Một trí tuệ sáng láng,
Một cõi tâm nhân từ.

Năm Một Ba Ba Bốn,
Ở tuổi đời tám mươi,
Ngài viên tịch, để lại
Một tấm gương cho đời.        

Huyền Quang Lý Đạo Tái
Còn là một thi nhân
Tinh tế và sâu sắc
Về cõi Phật, đời trần.

May mắn còn giữ được
Một số bài của ông
Mà khi đọc không thể
Không xao xuyến nỗi lòng.    


CHU VĂN AN (1292 – 1370)

Chu Văn An tên thật
Đơn giản chỉ Chu An,
Tên chữ là Linh Triệt.
Khi về ẩn, an nhàn

Ông lấy hiệu Tiều Ẩn -
Ông tiều thích ngủ khì,
Quê ở xã Thanh Liệt,
Nay thuộc huyện Thanh Trì.

Ông là người chính trực,
Từng đỗ Thái học sinh,
Nhưng ở nhà dạy học,
Chọn hai chữ yên bình.

Trường mở, đông người học,
Bên kia bờ sông Tô.
Ông có công truyền bá
Các tư tưởng Đạo Nho.

Không ít các trò học
Thành nổi tiếng sau này.
Phạm Sư Mạnh, Lê Quát
Vẫn cung kính thăm thầy.

Nhờ có tài, có đức,
Ông được Trần Minh Tông
Mời làm quan Tế tửu
Quốc Tử Giám, trường công.

Ông thành thầy dạy học,
Của vị vua tương lai
Là Thái tử Trần Vượng,
Dạy cả đức lẫn tài.

Sau khi Minh Tông mất,
Vua Dụ Tông lên thay,
Một ông vua hèn yếu,
Thích đàn hát suốt ngày.

Vua ham chơi như thế
Nên quan nịnh lộng quyền,
Triều chính không ổn định,
Lòng dân cũng không yên.

Ông dâng “thất trảm sớ”,
Tức sớ chém bảy người.
Vua không nghe, thất vọng,
Ông về nhà ngồi chơi.

Ông lui về ở ẩn
Ở vùng núi Phượng Hoàng,
Viết sách và dạy học
Cho lũ trẻ trong làng.

Cuộc đời ông thanh bạch,
Liêm khiết và chí công
Được xem là gương sáng
Vào thời đại của ông.

Ông còn viết nhiều sách:
Thơ gồm hai tập dày,
Chữ Nôm và chữ Hán,
Tinh tế và rất hay.

Cả Tứ “Thư thuyết ước”
Cũng là sách của ông,
Ngoài ra còn mấy cuốn
Thuốc Bắc và thuốc Đông.

Ông là một trong ít
Các học giả, hiền nho
Được thờ ở Văn Miếu
Mãi cho đến bây giờ.

Hiện còn có lăng mộ
Và ngôi đền thờ ông
Nằm lưng chừng Núi Phượng,
Người đến viếng rất đông.

*
Vậy là ta nghe hết
Chuyện về bốn nhân tài.
Có chuyện này kể nốt,
Rồi ta hẹn ngày mai.


CHUYỆN NGƯỜI HỌC TRÒ
CỦA CHU VĂN AN

Chu Văn An mở lớp
Ngay bên bờ sông Tô.
Lớp, nghe nói, không lớn,
Nhưng rất đông học trò.

Trong số học trò ấy,
Ông để ý một người,
Sáng nào cũng đến sớm,
Ghi chép kỹ từng lời.

Ông khen, hài lòng lắm,
Nhưng không biết người này,
Con nhà ai, giàu, đói
Và từ đâu đến đây.

Bèn cho người lặng lẽ
Theo anh kia về nhà,
Nhưng khi đến Đầm Đại
Thì biến mất bất ngờ.

Cái Đầm Đại ngày ấy
Nhiều sen và vân sam,
Bây giờ vẫn chưa lấp.
Đó là hồ Linh Đàm.

Mọi người lấy làm lạ,
Nhưng sáng ngày hôm sau,
Người học trò vẫn đến,
Kinh sử thuộc làu làu.

Một lần, trời hạn lớn,
Lúa ngoài đồng cháy khô.
Chu Văn An buồn bã
Nói với các học trò,

Rằng nếu ai có thể
Thì làm mưa giúp dân.
Người học trò lạ ấy
Đứng trước thầy, phân vân:

“Thưa thầy, con làm được,
Tuy trái với lệnh trời.
Nhưng con nghĩ thà chết,
Không thể không giúp người.”

Rồi người ấy thong thả
Bước ra giữa sân trường,
Sau khi đọc thần chú,
Vung mực khắp bốn phương.

Khi nghiên mực đã cạn,
Anh tung nó lên cao.
Lập tức trời nổi gió
Rồi mưa xối ào ào.

Trời mưa suốt đêm đó.
Phía Đầm Đại chớp lòa
Rồi sấm nổ liên tục.
Sáng tỉnh dậy, người ta

Thấy giữa hồ trôi nổi
Một con thuồng luồng to.
Chu Văn An vội vã
Cho gọi đám học trò

Vớt nó lên chôn cất.
Rồi dân lập miếu thờ.
Cái mộ ấy, nghe nói,
Còn tận đến bây giờ.

Theo truyền thuyết kể lại,
Chỗ rơi xuống chiếc nghiên
Sau gọi là Đầm Mực,
Vì nước nó màu đen.

Còn quản bút rơi trúng
Đất làng Tả Thanh Oai,
Nên về sau đất ấy
Sinh ra lắm hiền tài.    


11
CHIẾN THẮNG VÂN ĐỒN VÀ BẠCH ĐẰNG

Ba lần giặc Mông Cổ
Đem quân đánh nước ta.
Ba lần chúng thất bại,
Đất nước được yên hòa.

Thế đấy các cháu ạ,
Ông cha ta trước đây
Đánh ngoại xâm rất giỏi.
Phải ghi nhớ điều này.

Bây giờ, rất vắn tắt,
Ông kể hai chiến công,
Hai trận đánh lịch sử.
Cả hai đều trên sông.

Vân Đồn, trận thứ nhất,
Cắt đường giặc tiếp lương.
Bạch Đằng là trận tiếp,
Một chiến thắng phi thường.


CHIẾN THẮNG VÂN ĐỒN

Đầu Một Hai Tám Tám,
Lần xâm lược thứ ba,
Chiến thuyền giặc hùng hổ
Tiến quân vào nước ta.

Ô Mã Nhi, tướng giặc,
Bảo vệ đoàn thuyền lương
Của tướng Trương Văn Hổ,
Đi phía trước dọn đường.

Ở Vạn Ninh, Móng Cái,
Ta phục, đánh phủ đầu.
Dẫu bị tổn thất nặng,
Chúng vẫn tiến vào sâu.

Thuyền của giặc đi tiếp,
Vẫn còn chưa hoàn hồn,
Bị quân ta chặn đánh
Ở cửa khẩu Vân Đồn.

Tuy nhiên, do lực yếu,
Quân Đại Việt đã thua.
Trần Khánh Dư, là tướng,
Bị triệu về gặp vua.

Theo quân luật thời ấy,
Có thể bị mất đầu.
Ông khất mấy ngày nữa
Sẽ về chịu tội sau.

Đúng như ông dự đoán.
Sau quân đi tiên phong,
Đoàn quân lương sẽ đến,
Thuyền lớn và rất đông.

Ông cho quân mai phục,
Quyết một trận sống còn.
Thuyền của Trương Văn Hổ
Khi đến cửa Vân Đồn

Thì quân của Đại Việt
Từ nhiều phía đổ ra.
Nhanh, nhẹ và thiện chiến,
Gươm giáo vung sáng lòa.

Thuyền giặc lớn và nặng
Nên không kịp trở tay.
Bị đánh chìm phần lớn,
Xác giặc chết phơi đầy.

Nhiều thuyền cùng lương thực
Lọt vào tay quân Trần.
Tướng giặc, Trương Văn Hổ,
Phải bỏ chạy thoát thân.

Mất một đoàn thuyền lớn,
Mười bảy vạn hộc lương,
Quân giặc biết rằng chúng
Đã bị dồn cùng đường.

Nhuệ khí sa sút hẳn,
Sau thất bại nặng nề.
Tinh thần rất bạc nhược,
Chúng chỉ mong quay về.

Hay tin ta đại thắng,
Thượng hoàng Trần Thánh Tông,
Tha cho tướng phạm lỗi,
Rồi mở tiệc mừng công.

Sau đó, Ngài ra lệnh
Thả tù binh cho về
Với quân ở Vạn Kiếp
Để họ kể chúng nghe

Và gieo rắc sợ hãi,
Khiến chúng càng nản lòng.
Kết quả đúng như vậy.
Thật tài, Trần Thánh Tông.

Trận Vân Đồn lịch sử
Là chiến thắng mở màn
Trận Bạch Đằng quyết định,
Đánh bại giặc hoàn toàn.


CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG

Tháng Một, năm Tám Tám,
Ba đạo quân Thoát Hoan
Chiếm Thăng Long lúc ấy
Bị bỏ trống, hoang tàn.

Sau đó hắn tiến đánh
Các căn cứ nhà Trần.
Lính cướp bóc, đốt phá
Và tàn sát người dân.

Hắn còn cho quân lính
Làm cái việc đau lòng
Là đào bới, phỉ báng
Lăng mộ Trần Thái Tông.

Ô Mã Nhi được lệnh
Đuổi bắt hai vua Trần,
Nhưng âm mưu thất bại
Do vấp phải lòng dân.

Nhiều vị trí xung yếu
Bị quân ta tấn công.
Vì thế cô, lương cạn,
Quân giặc rất nản lòng.

Thoát Hoan quyết định rút
Đến Vạn Kiếp tập trung
Rồi tháo chạy về nước
Theo đường bộ, đường sông.

Thấy thời cơ đã đến,
Vua và tướng nhà Trần
Liền chuẩn bị truy đánh
Bằng sức mạnh toàn dân.

Vua và Trần Hưng Đạo
Phục kích, bủa lưới dăng,
Chờ diệt quân xâm lược
Trên dòng sông Bạch Đằng.

Bạch Đằng là sông lớn,
Hợp lưu của hai sông
Đá Bạc và sông Giá,
Ở Quảng Ninh, Hải Phòng.

Có chỗ rộng nghìn mét.
Chênh lệch thủy triều cao.
Thường các tàu thuyền lớn
Khó ra nhưng dễ vào.

Nắm được lợi thế ấy,
Học theo kế Ngô Quyền,
Chủ tướng Trần Hưng Đạo,
Mai phục, chờ quân Nguyên.

Ông cho đóng cọc nhọn
Ở chỗ đáy sông nông,
Nhử giặc khi nước lớn,
Nước rút, sẽ tấn công.

Tháng Tư năm Tám Tám
Đoàn thuyền Ô Mã Nhi,
Có quân bộ hộ tống,
Không cảnh giác, cứ đi.

Đến gần chỗ bãi cọc,
Thuyền chiến của nhà Trần
Giả vờ ra khiêu chiến,
Rồi vờ thua nhiều lần.

Thuyền giặc cứ rượt đuổi,
Trúng kế hiểm của ta.
Khi lọt vào bãi cọc
Thuyền quân Trần xông ra.

Hàng nghìn thuyền nhỏ nhẹ,
Hàng vạn lính can trường,
Quân Đại Việt chiến đấu
Thật dũng cảm phi thường.

Bị bất ngờ đánh úp,
Rối đội hình, quân Nguyên.
Tranh nhau chạy ra biển.
Nước rút, cọc nhô lên.

Thế là thuyền thủng đáy,
Dồn lại một đám đông.
Vỡ, đắm hơn già nửa,
Lính chết, xác đầy sông.

Còn những tên sống sót
Tìm cách chạy lên bờ,
Cũng bị bắt hoặc giết
Vì quân Trần đang chờ.

Hơn bốn vạn tướng sĩ
Và bốn trăm chiến thuyền
Đã bị ta tiêu diệt.
Thật đáng đời quân Nguyên.

Nhiều tướng giặc bị bắt -
Ô Mã Nhi đầu hàng.
Kết thúc một trận đánh,
Một trang sử huy hoàng.

Góp công vào chiến thắng
Có tướng Trương Hán Siêu,
Đỗ Hành và Nguyễn Khoái,
Nhiều người nữa, rất nhiều.

Còn cánh quân trên bộ
Do Thoát Hoan chỉ huy
Cũng không thể cứu giúp
Quân tướng Ô Mã Nhi.

Con vua Hốt Tất Liệt,
Hắn là tướng có tài,
Từng chỉ huy quân giặc
Lần xâm lược thứ hai.

Bị vây ở Vạn Kiếp,
Hắn quyết định lần này
Rút theo hướng xứ Lạng
Rồi chạy về Quảng Tây.

Chúng đến thị trấn Chũ,
Tức Bắc Giang bây giờ,
Gặp quân Trần phục kích
Phải tháo chạy bất ngờ.

Khi nhận được tin báo
Ba mươi vạn tinh binh
Quân Đại Việt đang phục
Suốt dọc đường, thất kinh,

Hắn ra lệnh đổi hướng,
Đi về phía Lộc Châu,
Nay cũng thuộc xứ Lạng,
Nhưng vẫn bị đánh đau.

Bị bắn trúng tên độc,
Tên phó tướng tử vong.
Mãi một tháng sau đó
Cuộc rút chạy mới xong.

Vậy là quân Mông Cổ
Lẫn nữa, lần thứ ba,
Đã thất bại thảm hại
Khi xâm lược nước ta.

*
Đó là những chiến thắng
Vẻ vang của cha ông
Mà chúng ta, con cháu
Phải ghi nhớ trong lòng.

Là con dân đất Việt
Thì mọi người chúng ta
Thà hy sinh tất cả
Để bảo vệ nước nhà.

Phải ghi nhớ lời dạy
Của vua Trần Nhân Tông:
“Nhất quyết không để mất
Một ngọn núi, bờ sông!”

*
Giờ đến phần cổ tích.
Các cháu muốn nghe gì?
Thôi thì để ông chọn.
Một truyện hay cực kỳ.


A-LA-ĐANH VÀ CÂY ĐÈN THẦN

Ngày xưa có cậu bé
Tên là A-la-đanh,
Mồ côi bố, nghèo khổ,
Không hề được học hành.

Có một người ngày nọ,
Từ đâu bước vào nhà,
Tự nhận mình là bác,
Ông bác của cậu ta.

Dẫu chưa bao giờ thấy,
Nhưng quả cậu, may sao,
Có ông bác như vậy,
Nên ông được đón chào.

Ngày hôm sau ông bác
Mua cho cậu áo quần,
Đưa đi chơi trong phố.
Hai người thành quen thân.

Thấy con mặc áo đẹp
Lại còn được đi chơi,
Bà mẹ nhờ ông bác
Dạy dỗ cháu thành người.

Đó là lão phù thủy,
Có việc mò đến đây,
Chứ nào phải là bác,
Lợi dụng cậu bé này.

Hắn giả vờ tử tế,
Đưa cậu đi chơi xa,
Đến một hang núi đá
Trong một cánh rừng già.

Hắn ngồi xuống, nhóm lửa,
Rắc ít bột, và rồi
Lẩm bẩm điều gì đó -
Mặt đất nứt làm đôi.

A-la-đanh sợ quá.
“Cháu đừng sợ, không sao.
Hãy lắng nghe ta nói,
Không bỏ sót lời nào.

Cháu hãy cầm bó đuốc
Lần đi sâu xuống hang,
Đến chỗ có lối rẽ
Thì bắt đầu rẽ ngang.

Cháu đi tiếp, hướng phải,
Hơi chênh chếch sang bên,
Thấy một khu vườn nhỏ.
Ở đấy có chiếc đèn.       

Cháu hãy thổi tắt nó,
Hãy rót hết dầu ra
Rồi nhanh chóng quay lại,
Đưa chiếc đèn cho ta.

Còn nữa, cháu nhất thiết
Không chạm vào cái gì!”
Hắn dặn kỹ như thế
Rồi để cậu bé đi.

Làm theo lời hắn dặn,
Cậu tìm thấy chiếc đèn,
Hái mấy trái cây lạ
Dọc con đường quay lên.

Lão phù thủy hí hửng
Đứng chờ ở cửa hang.
Thấy chiếc đèn, mừng lắm
Liền đưa tay vội vàng

Định giật lấy, nhưng cậu
Dấu sau lưng chiếc đèn:
“Bác kéo cháu lên đã
Rồi cháu mới đưa đèn!”

Hắn cố giành không được,
Cáu, lẩm bẩm điều gì.
Bỗng cửa hang đóng sập.
Thế là hắn bỏ đi.

A-la-đanh hoảng sợ,
Một mình trong bóng đen,
Cậu sờ soạng, dò dẫm,
Tình cờ chạm chiếc đèn.

Ngay lập tức xuất hiện
Một con quỉ đầy lông:
“Cần gì, hãy sai khiến.
Tôi, nô lệ của ông.”

A-la-đanh liền nói:
“Hãy đưa ta về nhà!”
Chưa định thần, đã thấy
Bên cạnh mẹ cậu ta.

Cậu liền kể cho mẹ
Chuyện về chiếc đèn thần.     
Bà mẹ sai con quỉ
Nhanh chóng dọn bàn ăn.

Trong nháy mắt, nào rượu,
Nào thức ăn ê hề.
Hai mẹ con nhà cậu
Được một bữa no nê.

Suốt mấy năm, cứ thế
Họ sống trong no say.
Muốn cái gì cũng có,
Nhà tiền bạc chất đầy.

*
Jas-min là công chúa
Xinh đẹp đến mê hồn.
A-la-đanh nhìn thấy,
Bắt mẹ đến cầu hôn.

Vua thấy lễ rất hậu,
Nhiều vật quí, bạc vàng,
Nên cuối cùng đồng ý
Gả con gái cho chàng.

Chàng cũng nhờ con quỉ
Xây một tòa lâu đài
Rất to và rất đẹp,
Loại có một không hai.

Cũng vì to và đẹp,
Tin về lâu đài này
Đến tai lão phù thủy.
Lão liền tìm đến đây

Giả làm người bán dạo,
Lão đẩy xe và rao:
“Đổi đèn cũ lấy mới!
Có ai đổi không nào?”

Vì không biết giá trị
Chiếc đèn cũ của chồng,
Jas-min đem đổi nó
Lấy chiếc mới bằng đồng.

Và rồi, có được nó,
Lão phù thủy vội vàng
Đưa về quê hương lão
Tòa lâu đài và nàng.

A-la-đanh biết chuyện,
Lên đường đi châu Phi,
Tìm thấy lão phù thủy,
Vượt rất nhiều hiểm nguy.

Ở đấy, nhờ chiếc thảm
Và con khỉ lông đen,
Chàng đã cứu được vợ
Và lấy lại chiếc đèn.

Chiếc đèn thần lập tức
Đưa chàng quay về nhà
Cùng lâu đài và vợ.
Lão phù thủy ranh ma

Đã bị chàng giết chết
Bằng thuốc độc, và rồi
Chàng và nàng công chúa
Sống hạnh phúc suốt đời.

No comments:

Post a Comment