Monday, February 23, 2015

CÁC TRUYỆN VÀ TÍCH PHẬT - 4



CHÚ TIỂU VÀ BÁT DẦU

Một hôm có chú tiểu
Phải đi mua dầu ăn.
Sư đầu bếp căn dặn,
Mà căn dặn nhiều lần,

Rằng giờ chùa tiền ít,
Phải cẩn thận làm sao
Để bát dầu quí giá
Không đổ một giọt nào.

Lúc trở về, đường núi,
Cậu chậm chạp leo lên.
Tay ôm bát trước ngực,
Không dám nhìn hai bên.

Thế mà về đến cửa,
Vẫn chưa dám ngẩng đầu,
Do căng thẳng, chú vấp,
Làm đổ nửa bát dầu.

Thế là chú bị mắng,
Khóc dưới cây bồ đề.
Sư trụ trì đi lại,
Ngồi xuống cạnh, vỗ về:

“Không sao, con đừng khóc.
Ta sai con hôm nay
Đi mua dầu lần nữa,
Nhưng phải nhớ lần này

Con bình tâm, đừng sợ,
Khi trở về, leo lên,
Mùa này núi rất đẹp,
Con cứ nhìn hai bên.”

Dẫu còn sợ, chú tiểu
Lần nữa đi mua dầu.
Được dặn, chú thoải mái,
Đi và ngẩng cao đầu.

Xung quanh hoa nở rộ,
Chim bay lượn trên cao.
Mải nhìn, chú không biết
Về đến chùa lúc nào.

Thế mà rồi, thật lạ,
Bát dầu vẫn còn nguyên,
Không hề sánh một giọt.
Trụ trì cười rất hiền.

Thiết nghĩ không cần nói
Về ý nghĩa truyện này.
Vui mới làm được việc.
Đời vẫn thế xưa nay.


BUÔNG BỎ

Có một cô gái nọ
Lên núi gặp sư thầy:
“Bạch thầy, có nhiều cái
Phải chịu đựng lâu nay,

Con rất muốn buông bỏ,
Buông một lần cho xong.
Thế mà lần lữa mãi.
Liệu có cách nào không?”

Ngài đưa cho cô gái
Một chiếc cốc, và rồi
Rót vào chiếc cốc ấy
Từ ấm nước đang sôi.

Nước nóng chẳng mấy chốc
Làm cốc nước tràn đầy.
Cô gái không chịu nổi,
Liền vội vã buông tay.

Sư già ôn tồn nói:
“Đau thì buông, sao không?
Nhưng rồi vẫn đau đớn,
Vết sẹo vẫn sưng phồng.

Vậy thì sao phải đợi
Cho đến khi quá đau?
Giờ thì chắc con biết
Phải bắt đầu từ đâu.”

*
Ở đời có những cái
Ta gắng chịu âm thầm,
Không phải không đau đớn.
Thậm chí suốt nhiều năm.

Là vì ta lần lữa
Đợi cốc nước tràn đầy.
Đau không còn chịu nổi
Mới giật mình, buông tay.


HỌC LÀM NGƯỜI

Có một người đệ tử
Của Đại sư Tinh Vân,
Suốt ngày lo đèn sách,
Học tập rất chuyên cần.

Sau mười năm vất vả,
Anh bẩm với sư thầy:
“Con đã học hết chữ
Và kiến thức đời này.

Giờ con học gì nữa?
Con không muốn nghỉ ngơi.”
Đại sư Tinh Vân đáp:
“Tiếp tục học làm người.

Học làm người là việc
Suốt đời và kéo dài.
Thứ nhất, học “nhận lỗi”
Mỗi lần thấy mình sai.

Vì việc không nhận lỗi
Đã là một sai lầm,
Một lỗi đáng xấu hổ
Day dứt nhiều tháng năm.

Thứ hai, học “nhẫn nhục”.
Mọi thành công ở đời
Liên quan đến chữ “nhẫn”.
“Nhẫn” cũng đẹp lòng người.

Thứ ba, học “nhu, nhã”.
“Nhu, nhã” giúp người ta
Vượt qua mọi thử thách,
Cuộc sống cũng yên hòa.

Con biết, răng rất cứng,
Mà cũng rụng, thâm đen.
Nhưng nhờ mềm, chiếc lưỡi
Đến chết vẫn còn nguyên.

Thứ tư, học “thấu hiểu”.
Ở đời, thiếu hiểu nhau
Sẽ dẫn đến tranh chấp,
Hiểu lầm và khổ đau.

Thứ năm, học “buông bỏ”.
Đời như chiếc túi hàng.
Đừng tham chất, thêm nặng.
Vứt bớt cho nhẹ nhàng.

Đời vốn không dài lắm.
Không nên cố chấp nhiều.
Con hãy học tha thứ,
Để yêu và được yêu.

Thứ sáu, học “xúc động”.
Để con không bao giờ
Trước cái đau người khác
Vô cảm và thờ ơ.

Thứ bảy, học “tồn tại”.
Tồn tại là giữ mình
Cho thân thể khỏe mạnh,
Đầu óc luôn anh minh.

Không thể giúp người khác
Khi ta không giúp ta.
Ta, một phần nhỏ bé
Trong vũ trụ hài hòa.”

*
Đại sư đã nói thế,
Không thừa, thiếu một lời.
Vậy tôi và các bác,
Ta cố học làm người.


CHIẾC MUỖNG

Có một thiền sư nọ
Được Diêm Vương cho người
Đưa xuống thăm Địa Ngục
Để tìm hiểu sự đời.

Ở đấy ông chứng kiến
Cảnh mọi người đánh nhau.
Mà đánh nhau ghê lắm.
Nguyên nhân có gì đâu.

Đến bữa ăn, tất cả,
Tất cả, không trừ ai,
Được phát một chiếc muỗng
Bằng gỗ cứng, rất dài.

Mọi người dùng chiếc muỗng
Múc thức ăn, tiếc sao,
Muỗng dài quá nên vướng,
Chẳng ăn được chút nào.

Và thế là địa ngục,
Hết chửi lại đánh nhau.
Vướng muỗng không ăn được.
Chỉ thế, có gì đâu.

Cũng chính thiền sư ấy
Sau được Ngọc Hoàng thương,
Phái một bầy tiên nữ
Đưa lên thăm Thiên Đường.

Ông ngạc nhiên khi thấy
Đến bữa ăn, ai ai
Cũng được phát chiếc muỗng
Bằng gỗ và rất dài.

Thế mà lạ, tất cả
Rất ý hợp tâm đầu.
Muỗng ai người ấy múc,
Nhưng mà múc cho nhau.

Thành ra không hề vướng.
Mọi người ăn, vui cười.
Vì họ biết nhường nhịn,
Biết nghĩ đến mọi người.

Thế đấy, cùng chiếc muỗng
Và bữa ăn bình thường,
Thế mà thành Địa Ngục,
Hoặc trái lại, Thiên Đường.

Không khó lắm để rút
Bài học từ chuyện này.
Các bác tự rút nhé.
Tôi xin dừng ở đây.


NHÀ SƯ VÀ CON CÁ

Có một nhà sư nọ
Nuôi con cá rất to.
Nó đẹp và khôn lắm,
Còn biết chơi nhiều trò.

Ông thích con cá ấy,
Những muốn đưa đi chơi.
Tiếc nó sống dưới nước,
Không đi, mà chỉ bơi.

Rồi ông quyết định luyện
Con cá thông minh này
Để nó sống trên cạn,
Chơi với ông hàng ngày.

Từng tý, từng tý một,
Ông bớt nước trong ao.
Cho đến một ngày nọ,
Không còn một giọt nào.

Thế mà lạ, con cá,
Do được thích nghi dần,
Không có nước vẫn sống,
Còn mọc thêm đôi chân.

Và thế là từ đó,
Ông dẫn nó đi chơi
Như một người bạn nhỏ,
Thăm thú khá nhiều nơi.

Bất chợt, một ngày nọ,
Đang đi thì mưa to.
Mưa xối xả như trút,
Đường xá ngập thành hồ.

Ông nhà sư ngoái lại,
Thấy con cá của ông,
Do quen sống trên cạn,
Chết đuối, xác sưng phồng.

PS
Châm ngôn này cũng có
Một bài học thâm sau.
Các bác tự rút nhé.
Cũng không khó lắm đâu.


ĂN MÀY XIN VÀNG

Xưa, một phú ông nọ,
Giàu vào loại cực kỳ.
Nhưng ông rất hà tiện,
Chẳng cho ai cái gì.

Thế mà một buổi sáng
Có một lão ăn mày
Đứng chìa tay trước cửa.
Đứng lặng lẽ suốt ngày.

Mà lão ăn mày ấy
Không phải xin cơm rang,
Xin tiền hay gì đấy.
Lão xin một nén vàng.

Cho cơm không chịu nhận,
Người ta đuổi không đi.
Lão ăn mày đứng thế.
Đúng là thật chây lỳ.

Suốt một năm như thế,
Còn biết làm gì đây?
Cuối cùng ông hà tiện
Lấy vàng cho lão này.

Rồi ông sai người ở
Lặng lẽ theo ông già.
Lão này đến, nằm ngủ
Gần một bãi tha ma.

Nhân khi lão đang ngủ,
Anh đầy tớ đến gần
Lấy thỏi vàng của lão,
Về trả cho chủ nhân.

Lão ăn mày sáng dậy,
Lại đến nhà phú ông,
Hỏi xin vàng như trước.
Thế có bực mình không!        

Phú ông ra, liền quát:
“Ông quá đáng vừa thôi.
Vừa cho vàng hôm trước,
Sao còn đến xin tôi?”

Lão ăn mày bình thản
Vừa đáp vừa vuốt râu:
“Vì tôi vừa nhắm mắt,
Vàng đã biến đi đâu.”

Người phú ông đêm ấy
Cứ băn khoăn, bồn chồn:
Ừ nhỉ, hễ nhắm mắt
Là vàng đã không còn.     

Rồi dần dần ông hiểu
Vàng bạc chỉ nhất thời,
Và điều quan trọng nhất
Là sống có tình người.

Ông hà tiện sau đó
Đem hết bạc và vàng
Cúng chùa, làm việc thiện,
Giúp đỡ người trong làng.

Các vị cao niên nói
Rằng ông lão ăn mày
Chính là Phật, ngài đến
Dạy ông bài học này.


ĐỂ THÀNH NGƯỜI HẠNH PHÚC

Có ông nhà giàu nọ
Đến gặp một thiền sư:
“Bạch thầy, con giàu có,
Hào phóng và nhân từ.

Con luôn làm việc thiện.
Không từ chối người nào.
Thế mà vẫn cảm thấy
Không hạnh phúc, vì sao?”

Vị thiền sư lặng lẽ
Chỉ chiếc gương trên tường:
“Bác hãy cho tôi biết
Bác thấy ai trong gương?”

“Tôi thấy tôi, hẳn thế.”
Vị sư già đưa ông
Tới một ô cửa sổ
Nhìn thẳng ra cánh đồng.

Ô cửa sổ bằng kính,
Lau sạch bụi trong ngoài.
“Giờ bác cho tôi biết,
Bác thấy gì, thấy ai?”

Ông nhà giàu liền đáp:
“Bạch thầy, trước mắt tôi
Là cánh đồng tuyệt đẹp,
Hoa rực rỡ núi đồi.”

Vị sư già giải thích:
“Cửa sổ và chiếc gương
Đều được làm bằng kính,
Loại kính mỏng bình thường.

Nhưng cửa thì trong suốt.
Còn chiếc gương thì không.
Vì gương được sơn trát
Một lớp son phía trong.

Vì thế, nhìn vào nó,
Bác sẽ chẳng thấy ai
Ngoài hình mình trong đó.
Mà thế giới bên ngoài…

Cái thế giới tuyệt đẹp
Như bác nói vừa rồi,
Với cánh đồng xanh ngát
Và hoa nở kín đồi.

Vậy, bác muốn hạnh phúc,
Thấy cái đẹp của đời,
Trước hết phải làm sạch
Cái gương ấy trong người.”


THẾ À?

Xưa, một thiền sư nọ
Tên là Ha-ku-in
Được mọi người kính trọng
Thương yêu và rất tin.

Có một cô gái trẻ
Sống ở gần nhà ngài.
Bỗng mọi người phát hiện
Không chồng mà có thai.

Bị bố mẹ gạn hỏi,
Cô gái này thản nhiên
Nói rằng bố đứa bé
Là ông sư chùa bên.

Thiền sư bị ông bố
Sỉ nhục, quát vang nhà.
Nhưng ông vẫn đọc sách,
Quay lại hỏi: “Thế à?”

Khi cô gái sinh nở,
Người ta mang cho ông
Đứa bé còn đỏ hỏn.
Ông ôm nó vào lòng.    

Mọi người ghét, khinh bỉ,
Tất nhiên do hiểu lầm.
Có kẻ còn ném đá,
Nhưng ông chẳng quan tâm.

Ông chăm sóc đứa bé
Nâng niu như cục vàng,
Hàng ngày bế xin sữa
Từ đầu đến cuối làng.

Do lương tâm cắn rứt,
Cô gái kia, cuối cùng
Thú thật: Bố đứa bé
Là một anh làm thùng.

Bố mẹ cô vội vã
Đến gặp sư tại nhà,
Tạ lỗi, xin đứa bé.
Thiền sư hỏi: “Thế à?”

Ông trao lại đứa bé,
Thấy hẫng hụt trên tay,
Nhưng rồi lại đọc sách,
Bình thản như mọi ngày.


Ý NGHĨA CỦA CHUỖI TRÀNG HẠT

Đức Phật khi tại thế
Truyền dạy mỗi tăng ni
Làm một chuỗi tràng hạt
Bằng hạt cây bồ đề.

Ngón tay lần tràng hạt
Khi hàng ngày tụng kinh
Sẽ giúp xả phiền não,
Lấy lại được an bình.

Số lượng hạt trong chuỗi
Có ý nghĩa khác nhau.
Khác nhau cả màu sắc.
Thông thường là màu nâu.

Có thể hăm mốt hạt,
Hăm bảy hay năm tư.
Hoặc một trăm linh tám,
Tùy ý các nhà sư.

Nhưng một trăm linh tám
Là con số xưa nay
Được mọi người ưa chuộng.
Với cách tính thế này.

Số một trăm linh tám
Là số cộng sáu Căn,
Sáu Trần và sáu Thức.
Rồi sau đó đem nhân

Với sáu điều phiền não
Luôn quấy rối chúng sinh,
Là Tham, Sân, Si, Mạn,
Nghi, Ác Kiến vô minh.

Chất liệu làm tràng hạt
Có thay đổi về sau,
Như ngọc trai, gỗ quí,
Vàng bạc và đồng thau.

Tràng hạt của người chết
Là vật báu gia đình,
Hay bảo vật Tam Bảo,
Nếu là bậc cao minh.


TIỀN NHIỀU, LO NHIỀU

Có một nhà sư nọ
Đêm, ngủ lại ngoài đồng
Cùng mấy người giàu có
Buôn lụa và vải bông.

Vùng ấy có nhiều cướp.
Các nhà buôn luân phiên
Canh gác, không dám ngủ
Lo giữ hàng và tiền.

Bất chợt, lúc gần sáng,
Cướp kéo đến rất đông.
Các nhà buôn bỏ chạy
Người một nơi, khắp đồng.

Cuối cùng, họ quay lại.
Tiền và vải không còn.
Chỉ thấy lão hòa thượng
Ngủ gần đấy, rất ngon.

“Thật là người dũng cảm.
Thấy bọn cướp đến gần,
Ngài đã không bỏ chạy,
Chí ít để thoát thân.”

Lão hòa thượng liền đáp:
“Các bác chạy là vì
Lo sợ mất tiền của.
Còn tôi chẳng có gì.

Mải làm giàu, các bác
Đã quên mất một điều:
Tiền ít thì lo ít.
Tiền nhiều thì lo nhiều.”


GIA TÀI THỰC SỰ CỦA CHÚNG TA

Ta, con người trần tục,
Theo bản năng sinh tồn,
Ta tham lam vơ vét
Cho mình và cháu con.

Con người là như thế.
Nhưng hỏi để làm gì?
Ăn, chắc ăn chẳng hết.
Chết không thể mang đi.

Phật dạy: Khi ta chết,
Giàu có hay đói nghèo,
Chỉ một cái duy nhất
Ta được phép mang theo.

Đó là cái Nhân Quả,
Tức cái Nghiệp của mình.
Gieo gì thì gặt ấy
Theo Luân Hồi, Vãng Sinh.

Hãy làm việc Thiện Đức,
Không làm việc Ác Tà.
Vì đó mới thực sự
Gia tài của chúng ta.


TẶNG VẦNG TRĂNG SÁNG

Một thiền sư trên núi,
Đêm, ra dạo vườn hoa.
Lúc vào thì chợt thấy
Có tên trộm trong nhà.

Chiếc am nhỏ trống vắng.
Thiền sư thấy chạnh lòng,
Thương tên trộm vất vả
Giờ phải về tay không.

Ngài bèn cởi chiếc áo
Lúc ấy mặc trên người:
“Ta tặng anh, hãy mặc.
Đêm lạnh, nhiều sương rơi.”

Tên trộm liền bỏ chạy.
Vị sư già nhìn theo:
“Ta chỉ có chừng ấy.
Tiếc vì nhà quá nghèo.

À mà khoan, ta muốn
Tăng anh vầng trăng tròn
Để soi đường xuống núi,
Soi sáng cả tâm hồn.”

*
Hôm sau, như thường lệ,
Thiền sư đi dạo về,
Thấy chiếc áo đã tặng
Ai gấp, đặt đầu hè.

“Nghĩa là vầng trăng sáng
Anh ấy giữ cho mình.
Một món quà quí giá
Giúp thoát vòng vô minh.”


CHÚ TIỂU VÀ BẦY KIẾN

Xưa có chú tiểu nọ
Theo học một thiền sư.
Vị này giỏi pháp thuật,
Thương người và nhân từ.

Một hôm, nhìn mặt chú,
Ngài giật mình, sững sờ:
Trong vòng bảy ngày nữa
Chú sẽ chết bất ngờ.

Chú tiểu rất chăm chỉ,
Được thiền sư yêu thương.
Ngài lấy lại bình tĩnh,
Nói: “Con hãy lên đường

Trở về thăm bố mẹ.
Đã lâu không về nhà.
Sau tám ngày, nhanh chóng
Hãy trở lại với ta.

Chú tiểu rất vui sướng,
Liền khăn gói ra đi.
Tám ngày sau quay lại,
Mà không hề hấn gì.

Hơn thế, còn khỏe mạnh.
Đôi má hồng thật xinh.
Vị sư già kinh ngạc,
Không tin vào mắt mình.

“Chuyện gì xẩy ra vậy?
Ta nổi tiếng xưa nay
Chưa bao giờ nhầm lẫn.
Và biết trước lần này

Chỉ trong bảy ngày nữa
Con sẽ chết, thế mà.
Hôm nay ngày thứ tám,
Con lại trở về nhà?”

“Bạch thầy, - chú tiểu đáp. -
Con không biết vì sao.
Con bình thường, khỏe mạnh,
Không đau ốm chút nào.”

Rồi thiền sư bắt chú
Kể những gì xẩy ra
Trong suốt tám ngày ấy,
Khi chú về thăm nhà.

Chú kể rất nhiều chuyện,
Kể cả chuyện dọc đường,
Khi đi qua dòng suối
Nước lũ dâng khác thường.

Chú thấy có tổ kiến
Nước cuốn trôi vật vờ.
Chú lấy một chiếc gậy
Rồi vớt chúng lên bờ…

Giờ thì thiền sư hiểu.
Ngài ôm chú, mỉm cười:
“Con sẽ sống lâu lắm,
Vì con đã cứu người.”

*
Phật Thích Ca đã dạy:
Cứu được một mạng người
Hơn xây chín tòa tháp
Chín tầng, cao ngút trời.

Cúng dường, làm việc thiện
Là tích đức cho mình.
Nhưng đức lớn hơn cả
Là cứ mạng chúng sinh.


NGƯỜI CHO PHẢI CÁM ƠN

Có một thương gia nọ
Ở thành phố Ê-đô,
Mở hầu bao, đem cúng
Một khoản tiền rất to.

Ông mang bao tiền ấy
Đưa vào một ngôi đền.
Sư trụ trì lấy giấy
Ghi đã nhận số tiền.

Ông thương gia đợi mãi,
Không thấy ngài cảm ơn.
Bèn nói: “Tôi rất tiếc
Không thể đóng góp hơn.

Một gia đình có thể
Sống trong hơn một năm
Với ba đồng vàng ấy.
Mà đây những năm trăm…”

“Thì tôi đã ghi nhận
Tất cả năm trăm đồng.
Hay ông đang chờ đợi
Tôi nói “Cảm ơn ông”?

“Vâng, dẫu sao, phải nói
Số tiền này cũng to…”
“Đúng, nhưng làm việc thiện,
Cảm ơn là người cho.”

*
Khi làm việc công đức,
Đừng so tính thiệt hơn.
Và điều quan trọng nhất:
Đừng chờ người cảm ơn.


MỘT TÁCH TRÀ

Xưa, vào thời Minh Trị,
Thiền sư Nhật, Nan-in,
Tiếp một giáo sư nọ
Đến hỏi ông về Thiền.

Mời khách, nhà sư rót
Một tách trà, lạ thay,
Ông vẫn tiếp tục rót
Khi tách trà đã đầy.

Vị giáo sư thấy vậy
Liền lên tiếng: “Bạch ngài,
Chiếc tách đã đầy nước.
Đừng rót trào ra ngoài.”

Thiền sư đặt ấm xuống:
“Tách kiến thức của ông
Cũng đầy như tách nước.
Rót nữa chỉ uổng công.

Vì nó không còn chỗ
Cho cái mới xen vào.
Vậy ta, người phục thiện,
Nên kiềm mình phần nào.”

*
Câu chuyện trên thâm thúy
Cho ta thấy điều này:
Nhiều người không ngại khó
Cất công đi tìm thầy.

Họ muốn được học hỏi
Từ những người thông minh,
Nhưng vẫn không chịu bỏ
Các định kiến của mình.


HÃY THA THỨ

Có một thiền sư trẻ
Hỏi sư phụ: “Bạch thầy,
Con khổ vì bố mẹ
Trách mắng con hàng ngày.

Vì bạn bè phản bội,
Vì anh em hững hờ.
Con muốn thoát đau khổ,
Phải làm gì bây giờ?”

Sư phụ đạp: “Đơn giản.
Hãy về nhà, tĩnh tâm,
Tha thứ hết cho họ,
Nếu họ có lỗi lầm.”

Chàng thiền sinh trẻ ấy
Quay lại mấy hôm sau:
“Con đã tha thứ hết,
Giờ thấy nhẹ cả đầu.”

“Chưa hết, - sư phụ đáp. -
Con hãy trở về nhà,
Mở lòng yêu quí họ
Bằng tình yêu vị tha.”

Tha thứ thì còn được.
Yêu, biết yêu sao đây?
Nhưng nghe lời sư phụ,
Chàng lại thử điều này.

Một tuần sau, chàng nói:
“Bạch, bây giờ thì con
Hết lòng yêu thương họ,
Thấy thanh thản tâm hồn.”

Lần nữa sư phụ nói:
“Chưa đâu, hãy về nhà,
Tĩnh tâm để nhận biết,
Lỗi không phải người ta.

Hơn nữa, hãy cầu thị,
Biết ơn những người này.
Nhờ họ, con tiến bộ
Và được như hôm nay.”


DUYÊN VÀ NỢ

Một đôi vợ chồng nọ
Nhiều năm sống với nhau,
Sướng vui cùng chia sẻ,
Rất ý hợp tâm đầu.

Thế mà rồi bà vợ
Bỗng bỏ nhà ra đi,
Lấy người đàn ông khác,
Mà không chịu nói gì.

Người chồng quá đau khổ,
Đến gặp Phật Thích Ca,
Xin Ngài lời giải thích
Và bày cách giữ bà.

Nghe kể xong, Đức Phật
Lấy ra một chiếc gương
Có hình một cô gái
Chết lõa thể bên đường.

Người đi qua, đi lại,
Không một ai nhìn cô.
Một cô gái bất hạnh,
Chết còn phải lõa lồ.

Mãi buổi chiều hôm ấy
Mới có một chàng trai
Đắp cho cô chiếc áo,
Rồi đi, lén thở dài.

Nhưng một chàng trai khác,
Giữa nhá nhem hoàng hôn,
Đến, xót thương, bật khóc,
Rồi đem cô đi chôn…

Phật nói: “Con kiếp trước
Là chàng trai đầu tiên.
Vì thở dài, đắp áo,
Nên con chỉ được DUYÊN.

Còn chàng trai đã khóc,
Chồng vợ con ngày nay,
Đang được cô trả NỢ
Khi đầu thai kiếp này.

Đời người là nháy mắt
Trong dòng chảy luân hồi.
Sống, yêu nhau là NỢ.
DUYÊN chỉ gặp mà thôi.

Có người, chồng hoặc vợ,
Đang vui cửa yên nhà,
Thế mà yêu người khác,
Phải mang tiếng trăng hoa.

Không, đó là DUYÊN, NỢ.
DUYÊN, gặp nhau, và khi
Có NỢ, trả xong NỢ,
Người ta lại ra đi.


ĐĨA HẠT TRAI

Một đạo sĩ lớn tuổi,
Tên gọi là A La.
Ngày nọ đi khất thực
Ở một thành phố xa.

Theo qui định cấp bậc,
Ông vào một nhà giàu,
Một thương gia buôn lụa,
Nổi tiếng đã từ lâu.

Ông chủ nhà lúc ấy
Đang ngồi bên bụi nhài,
Trong vườn, trước chiếc đĩa
Có mấy viên ngọc trai.

Ông là người mộ đạo,
Luôn thành tâm cúng dường.
Thấy đạo sĩ, đứng dậy
Với vẻ rất khiêm nhường.

Sau mấy lời thăm hỏi,
Chủ liền đi vào nhà
Lấy thức ăn và nước
Mời đạo sĩ A La.

Trong vườn có đôi ngỗng
Kiếm ăn bên bụi nhài.
Một con, chắc đang đói,
Lại gần đĩa hạt trai.

Nó tưởng đó là đỗ,
Những hạt đỗ trắng ngà,
Bèn mổ ăn tới tấp.
Nhanh đến mức A La

Định đuổi thì con ngỗng
Ăn hết, chẳng còn gì.
Rồi nó, con ngỗng ngốc,
Lạch bạch bước chân đi.

Khi chủ nhà quay lại,
Thấy chiếc đĩa trống không.
Chỉ một mình đạo sĩ,
Ông đâm nghi trong lòng.

Cuối cùng, không đừng được,
Bèn lên tiếng hỏi ngài,
Nhưng ngài vẫn im lặng
Về những viên ngọc trai.

Thấy khách không chịu nói,
Chủ lại càng thêm nghi.
Bèn lên tiếng sỉ vả,
Không chút nể nang gì.

Hơn thế, còn sai trói,
Lấy gậy đánh thật đau.
Đạo sĩ vẫn im lặng,
Máu lênh láng trên đầu.

Bất chợt con ngỗng nọ,
Ngu ngốc và đói ăn,
Tưởng hạt trai là đỗ,
Lại lạch bạch đến gần.

Chủ nhà đang đứng cạnh,
Sẵn chiếc gậy trong tay.
Bực mình, đánh một phát,
Trúng con ngỗng, chết ngay.

Thấy thế, đạo sĩ nói:
“Lúc nãy bên bụi nhài
Con ngỗng này ngu ngốc
Ăn hết đĩa ngọc trai.”

Còn chưa tin là thật,
Vội vã ông chủ nhà
Cho mổ ngỗng, và thấy
Đúng như lời A La.

Ông chủ nhà biết lỗi,
Xin tạ tội hồi lâu.
“Sao ngài cứ im lặng,
Không nói ngay từ đầu?”

Đạo sĩ A La đáp:
“Đức Phật dạy chúng sinh
Không được để ai chết
Vì lời nói của mình.

Nên tôi đã im lặng
Để cứu con ngỗng này.
Sẵn sàng chịu roi vọt,
Sẵn sàng cả chết thay.”


CÁI TÂM CÒN CHƯA THIỆN

Một hôm, có người nọ
Đến gặp một sư thầy:
“Bạch thầy, xin cho biết
Sao con khổ thế này?”

Sư thầy thong thả đáp:
”Là vì ở trong con
Cái tâm còn chưa thiện,
Và cái ác vẫn còn.”

Người kia liền kể lể
Các nỗi khổ của mình,
Rằng tiền ít, nhà nhỏ,
Rằng vất vả mưu sinh.

Rằng mình thì có học
Mà không được làm quan,
Trong khi bọn ngu dốt
Lại giàu có, an nhàn…”

Sư thầy nghe rồi nói:
“Thực ra con đủ ăn,
Đủ tiền và nhà ở
Cùng những thứ con cần.

Nhưng tâm con chưa thiện,
Tức còn có tâm tham,
Tham tiền tài của cải
Và việc người khác làm,

Con ghen với bè bạn
Sang trọng và nhiều tiền.
Đó là tâm đố kỵ
Của những người thấp hèn.

Con nghĩ con có học,
Còn người khác thì không.
Đó là tâm ngạo mạn
Đang thôi thúc trong lòng.

Một khi con xóa hết
Các tâm ác thấp hèn,
Con tự thấy đầy đủ,
Hạnh phúc và bình yên.”


KHÔNG DÍNH BỤI

Đời nhà Đường, Trung Quốc,
Một vị sư hiền minh
Trước khi chết, căn dặn
Các môn đệ của mình.

Sống ở chốn trần tục
Với đủ loại bụi đời,
Các con cố đừng để
Bụi bẩn dính lên người.

Thấy việc tốt, lời đẹp,
Hãy bắt chước người ta.
Còn khi gặp việc xấu,
Thì hãy lánh thật xa.

Sự nghèo đói, thực chất,
Là vốn quí ở đời.
Vậy đừng đánh đổi nó
Để giàu sang hơn người.

Cho dù trong bóng tối
Hay trong phòng, một mình,
Phải đi đứng, suy nghĩ
Đàng hoàng và công minh.

Khôn ngoan và đức độ
Trời không ban cho ai.
Mà đó là kết quả
Của tu luyện lâu dài.

Khiêm tốn là nền tảng
Mọi đức hạnh trên đời.
Hãy để người nhận thấy,
Đừng đem khoe với người.

Lời nói là châu ngọc,
Không bạ đâu cũng khoe.
Châu ngọc quí vì hiếm.
Nói phải có người nghe.

Đừng trách móc người khác.
Thay vào đó, trách mình.
Đúng hay sai, đừng cãi.
Im lặng là thông minh.

Vạn vật không mà có,
Có mà vẫn là không.
Vậy hãy sống thanh thản
Để tĩnh lặng cõi lòng.

Hãy nói chậm, đi chậm.
Thời gian luôn vẫn còn.
Điều này rất bổ ích
Cho thể xác, tâm hồn.

Mọi cái có nhân quả.
Vậy khi sống làm người,
Hãy cố gieo nhân tốt,
Dành quả ngọt cho đời.


SƯ CỤ VÀ TÊN TRỘM       

 

Một sư cụ, tối nọ,

Đang tụng kinh ê a,

Thì có một tên trộm

Cầm kiếm, lẻn vào nhà.

 

Hắn quát: “Nếu muốn sống,

Đưa hết tiền ra đây!”

“Ta đang bận, - sư nói. -

Tiền trong tủ, phía này.”       

 

Thấy ông già không sợ,

Tên trộm rất ngạc nhiên,

Nhưng cũng chỉ một chốc,

Vì hắn bận tìm tiền.

 

“Mai tôi phải nộp thuế, -

Sư cụ nói. - Xin ông

Chừa cho tôi một ít.”

Tên trộm chừa mấy đồng.

 

Tên trộm ra đến cửa,

Sư cụ bảo hắn ta:

“Không lẽ ông không định

Cảm ơn tôi, chủ nhà?”          

 

Tên trộm nghe, sợ quá,

Liền líu ríu cảm ơn.

Về nhà kể với bạn:

Được một phen hết hồn.

 

Mấy ngày sau, bị bắt,

Quan tòa xử hắn ta.

Sư cụ được mời đến

Để làm chứng trước tòa.

 

Ông nói hắn không trộm,

Mà ông cho, tất nhiên.

Khi về còn lịch sự

Cảm ơn ông cho tiền.

 

Tên trộm rất cảm động.

Từ tòa án về nhà.

Hắn hối hận, tự nguyện

Làm đồ đệ sư già.

 

Về sau hắn tu luyện

Rất chăm chỉ bên ông.

Cuối cùng thành đắc đạo.

Cả hai rất hài lòng.



PHÚC LỘC LÂU DÀI

Một bác nhà giàu nọ
Xin thiền sư Sengai
Đầu năm, cho mấy chữ
Về phúc lộc lâu dài.

Thiền sư lấy tờ giấy,
Nắn nót viết một dòng:
“Cha, con, rồi cháu chết.”
Lặng lẽ đưa cho ông.

Bác nhà giàu tức giận:
“Tôi là một người ngay,
Đến xin chữ phúc lộc.
Sao ngài viết thế này?”

Thiền sư bình thản đáp:
“Tôi chẳng dám trêu ông.
Ông hỏi xin phúc lộc,
Lại lâu dài, đúng không?

Thì đây, tôi cho chữ.
Đúng những cái ông cần.
Cha, con, rồi cháu chết.
Tuần tự và dần dần.

Phúc lộc ông ông hưởng,
Rồi đến lượt cháu con.
Lâu dài và bền vững,
Đúng qui luật càn khôn.

Được thế là hạnh phúc,
Ai cũng thấy vui lòng.
Hay ông muốn ngược lại,
Con cháu chết trước ông?


VỊ SƯ GIÀ KEO KIỆT

Ngày xưa, ở nước Nhật
Có một vị sư già
Đồng thời là họa sĩ.
Một họa sĩ tài ba.

Thật tiếc, vị sư ấy,
Dẫu là bậc đại thiền,
Bị người đời khinh bỉ
Vì cái thói thích tiền.

Vì tiền, ông đồng ý
Vẽ bất kỳ lúc nào.
Vẽ cái gì cũng được,
Miễn là trả giá cao.

Một mệnh phụ giàu có
Mở tiệc lớn, mời ông,
Rồi lớn tiếng tuyên bố
Trước thực khách rất đông:

“Con người này tài giỏi,
Nhưng tâm hồn tối đen.
Sẵn sàng bán phẩm giá
Và lương tâm vì tiền.”

Rồi bà quay sang hỏi
Vị sư họa sĩ già,
Ông có đồng ý vẽ
Trên váy lót của bà.

Mà vẽ ngay tại chỗ,
Trước mặt cả đám đông.
Để lấy nghìn lạng bạc,
Coi đó là tiền công.

Không một chút do dự,
Cầm bút, vị sư già
Vẽ bức tranh tuyệt đẹp
Trên váy lót đàn bà.

Vẽ xong, nhận đủ bạc,
Ông bị đuổi ra đường
Cùng những lời nhận xét
Khinh bỉ và xem thường.

Chủ nhà và thực khách
Không hề biết rằng ông
Đem nghìn lạng bạc ấy
Về cất kỹ trong phòng.

Cộng với số đã có,
Số tiền lớn lần này
Đủ để ông thực hiện
Một mơ ước xưa nay.

Là xây một trường học
Và bắc chiếc cầu treo
Ở vùng quê ông sống,
Giúp đỡ những người nghèo.

Xong việc, ông lên núi,
Bỏ bút vẽ phía sau.
Từ đấy không ai biết
Ông sống chết ở đâu.


NHỤC DỤC

Xưa, có nhà hiền triết
Nhỡ đường, phải xin ăn,
Vào nhà một bác nọ,
Được tiếp đãi ân cần.

Ăn xong, chủ và khách
Nói chuyện bên chén trà,
Chuyện đời, chuyện triết lý,
Cả chuyện gần, chuyện xa.

“Thưa bác, - chủ nhà hỏi. -
Cuộc đời đầy khổ đau.
Bác đi nhiều, học rộng.
Theo bác thì do đâu?”

Nhà hiền triết giải thích
Cao siêu và văn hoa,
Nhưng xem chừng khó hiểu,
Bèn bảo bác chủ nhà:

“Tất cả do nhục dục.
Nhục dục làm khổ đau.
Cuối cùng được giải thoát.
Chỉ thế, có gì đâu.”

Chủ nhà vẫn không hiểu.
Nhà hiền triết đành cười,
Ôm chầm bà vợ bác
Rồi sờ soạng khắp người.

“Thế này là nhục dục!
Bác hiểu chứ, hay không?”
Bác kia thấy, tức giận,
Bèn vác gậy đuổi ông.

Nhà hiền triết bị đánh,
Vừa kêu vừa huơ tay:
“Bây giờ thì bác thấy.
Đau khổ là thế này.”

Vẫn bị chủ nhà đánh,
Nhà hiền triết đáng thương
Phải nhảy qua cửa sổ,
May thoát được ra đường.

“Giải thoát là đây nhé.
Ông hiểu chứ, vậy là:
Nhục dục, rồi đau khổ,
Rồi cuối cùng thoát ra!”

Ông chủ nhà chợt hiểu,
Xin lỗi khách, nằn nì
Mời ở thêm, đàm đạo,
Một tháng mới cho đi.

*
Câu chuyện này được chép
Trong Kinh Phật Su Ta.
Vui đùa nhưng thâm thúy,
Nó nhắc nhở chúng ta

Rằng những điều triết lý
Không giảng được bằng lời,
Thì giảng bằng hành động,
Kể cả cách buồn cười.


KHÔNG LÀM THÌ KHÔNG ĂN

Một đại thiền sư nọ,
Dẫu tuổi đã tám mươi,
Hàng ngày vào vườn thuốc
Làm việc như mọi người.

Các môn đệ lo lắm,
Nhưng chẳng biết làm gì.
Cuối cùng họ quyết định
Lấy cuốc xẻng dấu đi.

Không tìm thấy dụng cụ,
Ngài đành phải ngồi không.
Đến bữa ăn, nhất định
Không bước ra khỏi phòng.

Ngày hôm sau cũng thế.
Rồi sang ngày thứ ba.
Các môn đệ lặng lẽ
Đặt dụng cụ trước nhà.

Ngài lại ra vườn thuốc,
Lại ăn uống, một lần
Môn đệ hỏi, ngài đáp:
“Không làm thì không ăn.”


ĐI NHANH, ĐI CHẬM

Có một chàng trai nọ,
Mới tu, rất nhiệt tình,
Một hôm, nhân lúc nghỉ,
Hỏi sư phụ của mình:

“Bạch thầy, nếu cố gắng
Tụng niệm và sách đèn,
Liệu bao lâu có thể
Con đạt tới chân thiền?”

“Mười năm”, ông già đáp.
“Còn nếu con chuyên tâm,
Cố gắng, rất cố gắng?..”
“Thế thì hai mươi năm.”

“Bạch thầy, con không hiểu.
Sao phải lâu gấp đôi,
Khi con rất cố gắng
Để chóng thiền, mà rồi…”

“Là vì, - sư phụ đáp, -
Khi đang đi trên đường,
Một mắt con hăm hở
Hướng tới đích, lẽ thường,

Chỉ một mắt còn lại
Chú ý nhìn xuống chân,
Thành ra con đi chậm.
Mà chậm gấp hai lần.


SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY

Ngày xưa, thời nhà Lý
Khoảng thế kỷ mười ba,
Có pháp sư tài giỏi
Sống ở thành Đại La.

Tên ông là Không Lộ,
Tương truyền người nhà trời,
Giáng trần xuống Đại Việt,
Giúp đời và giúp người.

Ngày ấy nước Đại Việt
Rất thiếu sắt và đồng
Đúc chuông, làm vũ khí
Và dụng cụ nhà nông.

Có bao nhiêu vàng bạc,
Đá quí và ngọc châu,
Người phương Bắc vơ vét
Đem hết về nước Tầu.

Nên một hôm, Không Lộ
Lên đường sang Yên Kinh,
Định dùng các phép thuật
Mang đồng về nước mình.

Ông đến gặp vua Tống,
Hỏi xin một ít đồng
Để đem về Đại Việt
Đúc tượng Phật Bắc Tông.

“Tôi chỉ dám xin ít,
Đựng vừa đủ túi này.”
Vua Tống thấy túi bé
Liền đồng ý cho ngay.

Vua sai quan thái giám
Dẫn pháp sư vào kho,
Cho lấy gì cũng được -
Vàng, đồng hay sắt thô.

Miễn là chỉ được lấy
Đầy một túi, không hơn.
Pháp sư nước Đại Việt
Cúi thấp đầu cảm ơn.

Bước vào kho, Ngài thấy
Một con trâu bằng vàng,
To hơn cả trâu thật,
Nghếch mõm, đứng chặn ngang.

Vào sâu hơn một tí
Là một núi đồng đen
Còn quí hơn vàng bạc,
Thứ kim loại nhà thiền.

Sau đó sư Không Lộ
Giở phép thuật thần thông,
Mở chiếc túi nhỏ bé
Lấy hết nửa kho đồng.

Viên thái giám hoảng sợ,
Liền chạy báo nhà vua.
Vua Tống ra lệnh chém
Vì tội dám trêu đùa.
                                                                        
Vị pháp sư Đại Việt
Có tài nghe tiếng người
Cách xa cả mấy dặm,
Dưới đất và trên trời.

Nên ông vội vàng rút,
Chân bước qua tường thành.
Vì đồng nhiều, nặng quá,
Nên không thể đi nhanh.

Rồi một đoàn người ngựa
Gấp rút đuổi theo ông.
Pháp sư cắm cổ chạy,
Bỗng gặp một dòng sông.

Ông lấy chiếc nón lá
Vứt xuống nước, và kìa,
Nó biến thành chiếc mảng
Đưa ông sang bên kia.

Quân nhà Tống bất lực
Đứng nhìn ông qua sông.
Còn pháp sư Không Lộ
Trở về thành Thăng Long.

Ông lấy đồng cướp được
Đúc chiếc đại hồng chung
Theo khuôn bằng đất sét,
To và đẹp vô cùng.

Và rồi chuông được dóng.
Thật to và ngân vang.
Bay sang tận phương Bắc.
Vì đồng là mẹ vàng,

Nên trâu vàng nước Tống
Liền chạy về Thăng Long
Thấy thế, sư Không Lộ
Bảo ngừng đánh chuông đồng.

Ông nói nếu đánh tiếp,
Tất cả vàng nước Tàu
Sẽ chạy sang Đại Việt,
Và lại sẽ đánh nhau.

Chiếc chuông lớn lập tức
Được lăn xuống sông Hồng,
Con trâu vàng nhìn thấy,
Cũng lao theo mẹ đồng.

Nó vùng vẫy, quằn quại
Liên tục đúng ba ngày,
Thành một vùng sâu hoắm
Bây giờ là Hồ Tây.      

Sau đó sư Không Lộ
Lặng lẽ bay về trời.
Ngài trở thành ông tổ
Nghề đúc đồng nhiều nơi.

Sau, người dân sở tại
Xây một ngôi đền thờ
Để nhớ ơn Không Lộ -
Đền Quan Thánh bây giờ.


TRUYỀN THUYẾT VỀ THIỀN SƯ KHÂU ĐÀ LA
VÀ MAN NƯƠNG PHẬT MẪU

1
Một pháp sư Ấn Độ
Đến truyền đạo nước ta
Vào thế kỷ mười một,
Tên là Khâu Đà La.

Ngài thường ở hang đá,
Đọc sách hoặc ngồi thiền,
Giảng giải về đạo Phật,
Khuyến khích xây chùa chiền.      

Năm một một sáu chín,
Ngài đến chùa Cổ Châu
Truyền đạo và hoằng pháp,
Nay gọi là Chùa Dâu.

Trong chùa có cô gái,
Xinh đẹp, tên Man Nương,
Người làng Mèn gần đó,
Lo nấu nướng, dọn giường.

Môt hôm cô nấu cháo
Cho các sư ăn đêm.
Nấu xong, do mệt quá,
Cô ngủ thiếp ngoài thềm.

Một chốc sau, trời tối,
Khâu Đà La ra ngoài,
Bước qua người cô gái.
Và rồi cô có thai.

Khi thai được bốn tháng,
Ông Tu Đĩnh, cha cô,
Báo cho thiền sư biết.
Ngài bảo ông đừng lo.

Đó là con của Phật.
Tức là con của đời.
Sau này sẽ có ích
Cho tất cả mọi người.

Sau đúng mười bốn tháng,
Cô gái ấy, Man Nương,
Sinh được đứa con gái,
Khắp nhà đầy mùi hương.     

Bảy ngày sau, vào núi,
Cô trả con cho sư.
Khâu Đà La nhận nó
Không một chút chần chừ.

Thiền sư bế đứa bé
Đi ngược theo sông Dâu,
Về phía chùa Phật Tích,
Nắng chang chang trên đầu.

Gặp cây phù dung cổ,
Cành và lá xùm xòa,
Ngài nói: “Đây, con Phật,
Ngươi giữ dùm cho ta.”

Thân cây phù dung ấy
Lập tức nứt làm đôi.
Ngài vuốt tóc đứa bé,
Đặt vào đó, và rồi

Từ từ, cây khép lại.
Thiền sư và Man Nương
Quay trở về làng cũ.
Sau, dừng lại dọc đường,

Ngài đưa chiếc xích trượng
Cho Man Nương, bảo cô
Mỗi khi có hạn lớn
Và ruộng đồng nứt khô,

Hãy cắm nó xuống đất,
Sẽ có nước chảy ra.
Man Nương nghe, kính cẩn
Mang xích trượng về nhà.

Về sau quả đúng thế.
Những năm hạn lâu ngày
Cô cắm nó xuống đất,
Nước chảy ào ra ngay.

Quan Thái thú Sĩ Nhiếp
Thấy lạ, hỏi sự tình.
Cô kể hết mọi chuyện,
Cả chuyện đứa con mình.

Sĩ Nhiếp không tin lắm,
Hỏi Đà La xem sao.
Sư làm lễ cầu vũ,
Trời đổ mưa ào ào.

2
Một hôm, người ta thấy
Có thân cây phù dung
Trôi dưới sông, to lắm.
Đến cửa chùa thì dừng.

Cây phát ra tiếng nhạc,
Lại nhấp nháy ánh đèn.
Quan Sĩ Nhiếp kinh ngạc,
Bèn cho người vớt lên.          

Thế mà bao binh lính
Không vớt nổi thân cây.
Bà Man Nương biết chuyện, 
Đến bảo nó thế này:

“Nếu con là con mẹ,
Thì hãy lên với ta.”
Bà ném chiếc dải yếm,
Nó trườn ngay lên bờ.

Thần báo mộng Sĩ Nhiếp
Phải cho người làm ngay
Bốn pho tượng Phật đẹp
Từ gỗ thân cây này.

Cả bốn bức tượng ấy
Bốn chùa đem về thờ,
Sau thành thiêng, nổi tiếng,
Còn giữ đến bây giờ.

Bà Man Nương sống thọ,
Chết năm tròn chín mươi.
Vị thiền sư người Ấn
Nghe nói bay lên trời.            

Nơi ngài truyền đạo Phật,
Gần chùa Dâu hiện nay,
Còn có chiếc giường đá
Ngài vẫn nằm hàng ngày.

Giường đá linh thiêng ấy
Có tên là Thạch Sàng.           
Được người dân thờ cúng,
Gìn giữ quí hơn vàng.            

Về sau, dân sở tại
Dựng đền và miếu thờ
Thờ Man Nương Phật Mẫu,
Thờ cả đến bây giờ.


TIỀN KIẾP CỦA VUA MINH THẦN TÔNG

Một tiến sĩ Đại Việt
Tên là Nguyễn Tự Cường,
Đầu thế kỷ mười bảy,
Làm Chánh sứ Bắc Phương.

Vua nhà Minh lúc ấy,
Hoàng đế Minh Thần Tông,
Khi xong phần nghi lễ
Hỏi sứ có biết không

Rằng ở nước Đại Việt
Có ngôi chùa Quang Minh.
Nó ở đâu? Lớn nhỏ?
Sứ bèn hỏi sự tình

Thì vua Minh liền đáp
Rằng ông là kiếp sau
Sư trụ trì chùa ấy.
Giờ muốn biết ở đâu.

“Số là ta, vua nói,
Khi mới sinh, trên vai
Đã có dòng chữ, viết
Ta là hậu kiếp ngài.

Ta là một hoàng đế,
Rất muốn biết vì sao,
Bây giờ muốn xóa nó,
Nhưng chưa biết cách nào”.

Sứ Việt đáp: “Nghe nói
Nhà Phật có nước thần,
Một loại nước công đức,
Có thể tẩy vết trần.

Vậy theo thần trộm nghĩ,
Muốn xóa dòng chữ này,
Phải lấy nước chùa ấy,
Cho người mang về đây.”

Về nước, sứ bẩm lại
Chuyện lạ với triều đình.
Triều đình ngay lập tức
Cho tìm chùa Quang Minh.

Thì ra là chùa Bóng,
Ngôi chùa cổ bên đường,
Tên chữ “Quang Minh Tự”,
Nay thuộc tỉnh Hải Dương.

Theo các thư tịch cổ,
Chùa xây vào đời Trần.
Ban đầu qui mô nhỏ,
Nhưng sau mở rộng dần.

Chùa có quang cảnh đẹp,
Có nhiều cây xùm xòa,
Có non bộ, hồ nước,
Thu hút khách gần xa.

Trụ trì ngôi chùa ấy
Là Thiền sư Huyền Chân,
Thế danh gọi là Đức,
Một người có đức, ân.

Tương truyền khi sắp tịch,
Phật báo mộng rằng ngài
Sẽ làm vua phương Bắc,
Nhờ đức độ, hiền tài.

Tỉnh dậy, gọi đệ tử,
Kể giấc mơ của ngài,
Dặn sau khi viên tịch
Hãy nhớ viết lên vai

Mấy chữ: “An Nam quốc,
Quang Minh Tự tỳ kheo”.
Các đệ tử ghi nhớ
Và chính xác làm theo.

Vậy là nhà Đại Việt
Không chỉ biết ngôi chùa,
Còn lấy nước của nó
Sang Bắc Triều dâng vua.

Minh Thần Tông hoàng đế
Thưởng ba trăm lạng vàng
Cho sứ thần Đại Việt,
Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường.

Ông đem số vàng ấy
Cúng vào chùa Quang Minh
Để lo việc tu bổ,
Bố thí cho dân tình.

Rồi ông được cất nhắc,
Nhờ tài đức, nhân từ,
Hữu Thị lang bộ Lễ,
Cuối cùng là Thượng thư.

No comments:

Post a Comment