Tuesday, February 24, 2015

THANG MÁY LÊN THIÊN ĐƯỜNG



Truyện ngắn. Thái Bá Tân
                                                         
                                                          1
Nguyễn Phúc Thẩm là nhân viên bảo vệ kho bạc nhà nước ở phố Trần Quang Khải. Một ngày đẹp trời nọ, gã bước vào thang máy một tòa nhà cao tầng ở khu đô thị mới Linh Đàm và ... Các bạn có biết chuyện gì xẩy ra không? Cái thang máy quái ác ấy đã đưa gã lên ... thiên đường! Ngạc nhiên không tin? Tất nhiên. Nhưng quả sự việc xẩy ra đúng như thế.
Chuyện thế này.
Thẩm người Yên Lãng, xứ sở của thứ thuốc lào cùng tên nổi tiếng cả nước. Một trai quê tầm thường, vẻ ngoài và trí tuệ cũng tầm thường. Tất nhiên gã cũng nghiện thuốc lào nặng như bao thanh niên khác trong làng. Đang yên ổn cày sâu cuốc bẫm ở quê, bỗng có người bà con tốt bụng xin cho gã chân bảo vệ đã nói ở Hà Nội. Vậy là gã nghiễm nhiên thành cán bộ nhà nước, làm việc ở thủ đô, nghiễm nhiên thành đối tượng đắt giá trong con mắt các cô gái làng. Đó là lý do vì sao gã lấy được cô Lụa xinh đẹp và nết na nhất vùng. Gã không đến nỗi nào, không nghiện bất kỳ thói hư nào, lại chân chất, bộc trực và hay cả nể. Đấy là chưa nói đến một ưu điểm nữa là gã nhất mực thương yêu vợ. 
Một thời gian sau, cũng chính nhờ người bà con tốt bụng kia, vợ gã được nhận vào làm chân vệ sinh một cơ quan gần đó, dù chỉ làm hợp đồng và có thể bị cho nghỉ việc bất kỳ lúc nào, nhưng thế cũng may lắm rồi. Với cả hai, đó là một sự đổi đời ghê gớm.
Họ thuê gian nhà cấp bốn ở Bãi Phúc Xá với giá ba trăm nghìn đồng một tháng. Chỉ là chỗ chui ra chui vào, nhưng cũng tốt. Người nhà quê vốn không yêu cầu nhiều, vả lại có yêu cầu cũng chẳng được. Chỉ thỉnh thoảng anh nhân viên bảo vệ ngồi thừ người, mơ một chỗ “tương xứng hơn” cho cô vợ trẻ xinh đẹp và đứa con trai ba tuổi mũm mĩm như tranh vẽ, theo cách nói của người nông thôn.
Một giấc mơ viễn vông, rất xa ngoài tầm với. Vậy mà nó thành hiện thực, lại bất ngờ và nhanh chóng.
Số là Thẩm có người em trai mấy năm trước “đi du lịch” rồi ở luôn nước ngoài, đâu đó bên Đông Âu. Chẳng hiểu làm ăn thế nào, chú em này về thăm quê, bỗng dưng quyết định mua tặng ông anh một căn hộ mới xây ở Linh Đàm, 78 mét, tức rộng gần gấp mười lần nơi vợ chồng gã đang ở. Coi như sự trả ơn hào hiệp cho việc năm nào gã hy sinh không mơ tưởng đại học để góp tiền cho anh ta xuất ngoại. Chưa hết, anh này còn bỏ tiền mua sắm những thứ cần có tương xứng với căn hộ hiện đại tiêu chuẩn quốc tế ấy và tự tay lo mọi chuyện, khi xong xuôi hết mới mời vợ chồng ông anh đến xem nhà, nhận nhà rồi ở luôn.

                                              2
Phải vất vả lắm anh nhân viên bảo vệ kho bạc mới giấu được vẻ hồi hộp. Hồi hộp vì lần đầu đi thang máy, hơn nữa, để lên căn hộ của mình tít trên tầng mười một. Dĩ nhiên đây là sự kiện trọng đại, đến mức gã xin nghỉ hẳn một ngày, diện bộ quần áo mới nhất, thậm chí còn dấp nước lên mái tóc, đứng trước gương mỉm cười hài lòng đến ba lần. 
Khoảng trống trước thang máy bóng lộn và khá rộng. Như sảnh khách sạn, gã thầm nghĩ. Khách sạn thì gã đã vào một lần năm ngoái, Hilton hẳn hoi, khi được sai đi đưa một tập tài liệu cho thủ trưởng đang họp ở đó.
Gã cố lấy vẻ tự nhiên, hơi ưỡn ngực rồi thong thả bước lại gần cánh cửa sắt sơn màu xanh nhạt xung quanh mạ kền bóng loáng.
“Bấm nút đỏ. Chờ đến khi cánh cửa tự mở mới bước vào. Tự nó sẽ đóng lại”. Thật đơn giản. “Sau đó bấm nút có con số tầng mình, tức số mười một. Chờ mở cửa rồi ra”. Tối hôm trước cậu em dặn cô Lụa như thế, gã nghe và cố nhớ, dù tỏ ra không quan tâm. “Anh chị sẽ ngạc nhiên thấy nó tuyệt đẹp thế nào,” anh ta tuyên bố. “So với nơi này thì đúng là thiên đường.”
Thiên đường! Thoáng nhìn, nơi này cũng có vẻ giống thiên đường thật.  Gã cứ ngỡ ngàng như đang đâu đó ở nước ngoài, dù thực ra gã chưa hề biết cái nước ngoài ấy là gì. Những dãy nhà mới toanh, bóng loáng hàng chục tầng, những lối đi rộng như phố lớn, những bãi cỏ xanh, ghế đá, sân chơi. Và đặc biệt là rất sạch. Gã thử nhìn hồi lâu mà không thấy tí rác nào, một mẩu giấy nhỏ cũng không. Trong nhà, bên chiếc bàn trực ở lối ra vào là những con người lịch sự mặc đồng phục bảo vệ tòa nhà và cũng là bảo vệ căn hộ cho gã. Vậy thì không thiên đường là gì?
Với cảm giác lâng lâng như thế, gã bước vào thang máy. Cảm giác của một người sắp được lên thiên đường.
Gã rụt rè bấm nút 11 rồi đứng chờ, lưng tựa vào bức tường kim loại bóng như gương. Chiếc thang máy từ từ đi lên. Không một tiếng động nhỏ. Không cả cái cảm giác đang được nâng lên. Tuy nhiên gã vẫn thấy hơi hâng hẫng, là lạ thế nào, thậm chí thoáng chút lo sợ. Nhưng rồi mọi cái trôi qua nhanh chóng, mấy giây sau gã đã bình thản soi gương qua lớp tường thép i-nôx, tay vuốt vuốt mái tóc, và lại mỉm cười. Đơn giản thôi mà. Lát nữa đến tầng mười một, nó dừng, tự mở cửa, mình bước ra. Đơn giản. Đúng là tiện lợi, hiện đại và sướng thật. Thiên đường! Chú em nói thế mà đúng.
Rồi gã nhắm mắt, hình dung chỉ ít phút nữa gã sẽ gõ cửa đi vào căn hộ mơ ước của gã. Có thể không phải gõ, vì vợ con đã mở toang chờ sẵn. Lúc ở nhà, gã bảo họ đến trước, dù chẳng bận gì, đơn giản muốn chứng tỏ mình là ông chủ, đến sau cho chững chạc. Gã sẽ làm ra vẻ thờ ơ, thậm chí hơi mỏi mệt trước những lời trầm trồ thán phục của vợ.
“Cái số mình thế mà sướng. Từ anh nông dân mắt toét thành cán bộ nhà nước, rồi rụp một cái đến ở khu nhà thế này, là điều khối anh Hà Nội gốc có mơ cũng chẳng được.”
Chiếc thang máy lặng lẽ đi lên hết tầng này đến tầng khác. Một - hai - ba- bốn - năm... Không dừng ở tầng nào, vì nhà chưa nhiều người dọn đến nên không có khách. Sợ nhỡ tầng, gã cứ dán mắt vào bảng số với những con chữ màu đỏ. Sáu - bảy - tám - chín... Gã hứng giọng, đứng thẳng người, gần như áp mặt vào cánh cửa với vẻ chờ đợi căng thẳng.
Cuối cùng, con số 11 xuất hiện. Gã hắng giọng lần nữa. Lần nữa vuốt tóc, ưỡn người chuẩn bị bước ra ngoài...
Tuy nhiên thật lạ, chiếc thang máy không dừng lại mà cứ lặng lẽ tiếp tục đi lên. Không có con số nào xuất hiện thêm vì mười một là tầng cuối cùng, thế mà nó vẫn lên, lên mãi...
Gã giật mình, lúc đầu ngơ ngác không hiểu thế nào. Lát sau thì hốt hoảng thật sự. “Quái quỉ thật. Sao lại thế này? Chọc thủng trần mà lên chắc?” Gã vã mồ hôi, mặt méo đi vì sợ và bất lực không biết làm gì để chiếc thang máy chết tiệt này dừng lại. Rồi trong cơn tuyệt vọng, gã bấm loạn xạ vào các nốt tròn trên chiếc bảng nhỏ cạnh cửa. Toàn chữ Tây người ta chưa kịp dịch ra tiếng Việt.
Vô ích. Chiếc thang máy vẫn tiếp tục đi lên. Lãnh đạm và vô tri giác. Nó phát ra tiếng đều đều, rất êm và khẽ. Ngoài ra tịnh không một âm thanh nào.
“Cứu tôi với! Cứu tôi với! - Gã đập cửa ầm ầm. - Cứu tôi với!”

                                                3
Trong khi đó, ở căn hộ 1105, cô Lụa cùng đứa con trai đang băn khoăn không hiểu sao mãi chồng chưa đến... Mà thôi, tôi để độc giả tự hình dung những gì xẩy ra với họ liên quan đến sự biến mất kỳ lạ của anh chồng. Khó đấy, nhưng nếu cố chắc cũng hình dung được phần nào. Chỉ xin nói rằng đã có than khóc, tìm kiếm, sự can thiệp của cảnh sát, sự xôn xao của báo chí và dư luận, và cuối cùng là chiếc bàn thờ cùng hai vành khăn trắng trên đầu mẹ con cô Lụa.

                                                4
Bảy năm sau.
Một hôm, lúc ấy khoảng chín giờ tối, có tiếng gõ nhẹ lên cánh cửa căn hộ 1105. Cô Lụa ra mở, nhìn trừng trừng hồi lâu rồi kêu lên một tiếng, ngất xỉu.
Một người đàn ông mặc áo ngủ chạy ra.
“Anh là ai?” người ấy hỏi.
“Tôi là Thẩm, chồng cô Lụa. Đây là nhà tôi. Còn ông?” Người khách đáp.
Ông kia đứng đực người, ấp úng đáp:
“Tôi... Tôi là chồng cô ấy... Chủ căn hộ này...Ờ ờ, hình như tôi hiểu. Nhưng thế thì kỳ lạ quá. Kỳ lạ quá... Không thể thế được. Mà thôi, mời anh vào nhà.”
Người tự xưng là Thẩm bước vào, ngơ ngác nhìn tấm ảnh mình trên bàn thờ sau mấy nén hương đang nghi ngút khói vì hôm ấy là ngày rằm. Rồi cũng ngơ ngác như thế, gã nhìn đứa bé khoảng mười tuổi học bài ở phòng bên, nghe động mới chạy sang.
Cô Lụa đã tỉnh lại, đang ngồi ôm mặt khóc trong góc phòng.
“Anh Thẩm, nhà nó đấy à?” cuối cùng cô lên tiếng.
“Ừ, Thẩm. Anh đây. Mới mấy ngày đã quên nhau rồi à?”
Cô Lụa trợn tròn mắt:
“Mấy ngày? Anh biến mất đã bảy năm nay! Mà anh biến đi đâu vậy? Anh đi đâu, làm gì trong suốt chừng ấy năm?”
Thẩm không trả lời vợ, chỉ tay vào thằng bé, hỏi:
“Thằng Tý? Mới ba tuổi đã thế này? Mà em cũng khác lắm. Già đi nhiều lắm...”
“Thì đã nói anh biến mất bảy năm. Anh chưa cho em biết anh đi đâu”.
“Đi đâu à? Chẳng đi đâu cả. Hôm chuyển nhà, anh bước vào thang máy và nó đưa anh thẳng lên ... thiên đường”.
Cô Lụa, thằng con mười tuổi và người đàn ông mặc đồ ngủ trợn tròn mắt, không tin vào tai mình. Chắc họ nghĩ gã điên. Chí ít thì bây giờ họ nghi ngờ không chắc gã là Thẩm. Đặc biệt vì vẻ ngoài béo tốt, trắng trẻo và trẻ trung, quá ư trẻ trung của gã.
Người đàn ông lên tiếng hỏi, giọng châm chọc:
“Anh bảo lên thiên đường. Cứ cho là thế. Vậy xin cho biết thiên đường thế nào, và anh đã làm gì trên ấy suốt bảy năm qua?”
“Không phải bảy năm mà chỉ bảy ngày. Tôi nhớ vợ con, và cả vì nhớ...- gã cười ngượng nghịu, - nhớ thuốc lào nữa, nên mới xin về đây...”
“Anh bay xuống? Như chim?”
“Không. Tôi đi thang máy. Chính cái thang máy đã đưa tôi lên. Thang máy của nhà này. Còn chuyện thiên đường thế nào và tôi làm gì trên ấy thì dài lắm, c chắc ông đã cần biết. Bây giờ cho tôi hỏi: Ông là ai và làm gì trong căn hộ này của tôi?” Gã cao giọng, vẻ thách thức.
Ông kia liếc nhìn cô Lụa, ngập ngừng đáp:
“Thì đã nói tôi là chồng cô Lụa. Hai năm sau khi anh chết... hay chúng tôi nghĩ anh đã chết, tôi và cô ấy lấy nhau, có hôn thú, có xác nhận của chính quyền, rồi có thêm đứa con gái đang ngủ ở phòng bên. Đúng thế không em?” lần nữa ông nhìn về phía cô Lụa.
Cô Lụa lại khóc, còn tấm tức hơn trước.
“Tôi cũng cưới cô ấy. Cũng có hôn thú và chính quyền xác nhận...” Thẩm nói. Gã vốn hiền lành, chỉ buồn chứ thực ra không oán hận gì Lụa và người chồng mới của cô. Gã đã lờ mờ hiểu rằng một ngày trên thiên đường dài bằng một năm nơi hạ giới nên mới có cảnh kỳ lạ này. Hơn nữa gã thấy mình có lỗi. Thậm chí gã còn nghĩ biết đâu chẳng hay hơn nếu vợ chồng gã cứ tiếp tục sống ở Bãi Phúc Xá, nơi không có chiếc thang máy hiện đại tự dưng đưa gã lên thiên đường.
“Trời ơi, sao tôi khốn khổ thế này. - cô Lụa rên rỉ. - Biết làm sao bây giờ?”
“Ừ, làm sao bây giờ nhỉ?” gã lơ đãng nhắc lại như cái máy.
Và trong khi không biết phải làm gì, gã đưa mắt nhìn quanh tìm chiếc điếu cày, một trong số rất ít đồ đạc được giữ lại sau khi chuyển nhà. Gã thở dài vì không thấy. Chắc nó bị vứt đi từ lâu do ông chủ mới không hút thuốc lào, thuốc lá cũng không.

                                                4
Tôi là hàng xóm cùng tầng với Thẩm, anh nhân viên bảo vệ kho bạc có câu chuyện kỳ lạ và chẳng mấy vui vẻ nói trên. Chín giờ sáng sau hôm anh ta từ thiên đường trở về, cô Lụa đến mời tôi sang nhà cô bảo có việc muốn nhờ. Lúc ấy tôi đang mặc đồ ngủ. Cô nhắc khéo nên thay quần áo. Vậy là có chuyện quan trọng.
Khi tôi bước vào thì đã thấy hai người đàn ông ăn mặc chỉnh tề đang ngồi đối diện bên chiếc bàn trà có ấm nước nghi ngút khói. Thằng Tý lởn vởn bên cạnh cùng đứa em định nghe hóng liền bị đuổi ra ngoài. Tôi và cô Lụa ngồi xuống hai đầu còn trống của chiếc bàn.
Thẩm húng hắng ho, lên tiếng:
“Bác biết đấy, việc đã thế thì cũng phải tìm cách giải quyết cho êm thấm, vì suy cho cùng không ai có lỗi trong chuyện này cả. Em và anh Kiệm đây bàn chán ra rồi, bây giờ quyết định dứt khoát, nên mời bác đến vừa để thông báo, vừa làm chứng cho, kẻo hàng xóm sinh dị nghị. Cô Lụa là người cùng quê và vợ hợp pháp của em, nhưng đồng thời là vợ của anh Kiệm, cũng hợp pháp. Cả hai đều đủ giấy tờ hẳn hoi. Chúng em không muốn làm ầm ĩ, tranh chấp nơi tòa án rách việc, nên thỏa thuận thế này: Tất cả vẫn tiếp tục sống chung một nhà, ở đây. Em, cô Lụa và thằng Tý chính thức sử dụng phòng bên phải cùng phòng khách này. Còn anh Kiệm và bé Thảo ở phòng trong. Không ngăn. Hai đứa con coi như chung. Vợ là của em, vì em cưới trước. Cô Lụa đồng ý thế, phải không em? (Cô Lụa gật đầu). Phòng khách cũng của em vì căn hộ này do chú Bích mua tặng em. Tuy nhiên, bố con anh Kiệm vẫn có quyền sử dụng thoải mái. Bếp thì coi như chung vì nhu cầu nấu ăn là rất quan trọng, không thể thiếu được. Vả lại, cái bếp chẳng đáng là bao. Còn về cô Lụa, đúng hơn là về tình cảm cô Lụa, em biết đây là chuyện tế nhị và không thể rạch ròi như chia nhà chia bếp. Cô ấy là vợ em, yêu em, em yêu cô ấy, nhưng em cũng tôn trọng tình cảm của anh Kiệm và cô ấy. Dẫu sao họ cũng đã là vợ chồng trong năm năm và có với nhau một đứa con. Nhẽ ra em còn phải cảm ơn anh Kiệm đã giúp vợ con em chừng ấy năm, nếu không, chắc sẽ gay lắm. Đúng, chuyện tình cảm tế nhị, khó nói lắm, ừ, khó thật đấy, bác hiểu em chứ?... Là ý em muốn nói ... mặc dù cô Lụa là vợ em, nhưng nếu cô ấy và anh Kiệm có tình cảm với nhau, nghĩa là thỉnh thoảng thôi, như những lúc em không có nhà hoặc đi vắng chẳng hạn, ừ, như thế thì thực tình em không có gì phản đối. Cô Lụa và anh Kiệm đây đều người tử tế, biết điều, biết giới hạn, chừng mực... Tôi nói thế có đúng không? (Cô Lụa và ông Kiệm cùng gật đầu). Vậy nên bây giờ, ba mặt một nhời em nói thế để bác biết cho, và cũng để tất cả chúng tôi liệu bề mà ứng xử”.
Thẩm dừng lời, đưa tay vuốt trán rồi uống một ngụm lớn hết sạch cả chén nước, mặt vẫn còn căng thẳng vì không quen nói dài và phức tạp.
“Có ai ý kiến gì không?” anh hỏi như đang chủ tọa một cuộc họp ở cơ quan. “Không à? Thế thì coi như nhất trí”. Rồi anh quay sang tôi: “Dân quê chúng em có gì nói vậy, chắc bác nghe thấy buồn cười, nhưng mà em nghĩ mãi rồi, đó là cách tốt nhất đấy. Tốt nhất... Bác bắn với em một phát Tiên Lãng nhé?”
Thẩm với tay lấy chiếc điếu, châm lửa rồi rít sòng sọc.
Ông Kiệm đứng dậy, mở tủ lấy chai rượu, rót ra mấy tách trà màu da lươn. Mọi người cùng uống, cả cô Lụa. Không chạm cốc, không nói gì và cùng uống một hơi cạn cốc.

                                                5
Họ sống với nhau yên ổn, ít ra đã bảy tháng nay chẳng ai nghe điều tiếng gì. Thẩm đi làm bảo vệ kho bạc ở phố Trần Quang Khải vào ban ngày. Kiệm làm ca đêm ở nhà máy cơ khí. Thế là ổn. Còn cô Lụa thì ở nhà do bị thôi việc từ lâu. Chắc buổi tối cô ở phòng Thẩm, ban ngày vào phòng trong. Vì không tò mò nên tôi không tìm hiểu họ ăn chung hay riêng. Kiệm hơn cô dăm tuổi, còn Thẩm thì bây giờ, vì cái vụ thiên đường ấy, bỗng nhiên trẻ hơn vợ. Trẻ hơn những mấy tuổi, là điều làm anh buồn hơn vui.
Quay lại chuyện lên thiên đường, dẫu tin anh, tôi vẫn bán tín bán nghi mấy lần ướm hỏi, nhưng lần nào anh cũng đánh trống lảng không nói.
“Chắc trên ấy sướng lắm nhỉ?”
“Bình thường”, anh cười. “Chỉ tiếc không có thuốc lào”.
“Và cả cô Lụa nữa?”
“Ừ, cả cô Lụa nữa”. 
Tôi đoán ít ra về mặt vật chất trên ấy không đến nỗi. Bằng chứng là lúc trở về anh có vẻ ngoài của người được ăn ngon, nhàn nhã. Hình như cái hay của thiên đường chỉ dừng lại chỗ ấy, có thể còn hơn mà tôi không biết. Tôi chỉ biết ngoài chuyện rắc rối về vợ con, anh bị chính quyền làm phiền không ít vì câu chuyện anh kể mà họ cho là chuyện phịa của một thằng điên. Cả chuyện anh và Kiệm ở chung cùng cô Lụa cũng bị vài ông chức sắc tỏ ý nghi ngờ, theo hướng có vi phạm luật hôn nhân và gia đình hay không. May được tôi cố gắng giải thích nên cuối cùng cũng ổn.
Ngoài cái lần đầu tiên đáng nhớ ấy, Thẩm không bao giờ đi thang máy nữa. Mỗi ngày hai lần anh leo bộ đúng mười một tầng. Ai không hiểu, hỏi thì anh nói leo bộ cho khỏe.
Còn tôi, chẳng hiểu vì sao, mỗi lần bước vào thang máy, không riêng thang máy nhà tôi mà nơi khác cũng vậy, tôi lại bị xâm chiếm bởi một nỗi sợ  mơ hồ và rất buồn cười. Sợ nó có thể đưa tôi lên thiên đường, hoặc tệ hơn, xuống địa ngục.
                               
                                                                      Hà Nội, 13.1.2004 

No comments:

Post a Comment