Tuesday, February 24, 2015

VIỆT NAM LƯỢC SỬ DIỄN CA - 3



14
BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG
(mất năm 791)

Đường Lâm, đất long mạch,
Gần thị xã Sơn Tây
Vốn xưa rất tươi tốt,
Nhiều gò và rừng cây.

Đất địa linh, nhân kiệt,
Sản sinh nhiều người hiền
Kể cả hai vua lớn -
Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Phùng Hưng thuộc dòng dõi
Cự tộc và lâu đời.
Phùng Hạp Khanh là bố,
Tài đức quả hơn người.

Cụ tổ Phùng Tôi Cái
Từng phục vụ trong cung
Của vua Đường Cao Tổ,
Cũng là bậc anh hùng.

Sau khi giúp Hắc Đế
Nổi dậy chống nhà Đường,
Phùng Hợp Khanh trở lại
Với cuộc sống đời thường.

Ông chăm lo công việc,
Sớm trở thành rất giàu.
Ba con trai sinh hạ.
Phùng Hưng là con đầu.

Tiếp đến là Phùng Hải.
Phùng Dĩnh - em thứ ba.
Đến năm mười tám tuổi,
Mà côi cả mẹ cha.

Phùng Hưng được nối nghiệp
Thành hào trưởng Đường Lâm.
Ông cao to, khỏe mạnh,
Chính trực và công tâm.

An Nam đô hộ phủ,
Là tên nước bấy giờ,
Do nhà Đường cai trị,
Quan thì lo vét vơ,

Dân quanh năm lao dịch,
Lại sưu thuế nặng nề,
Đâu cũng nghe lời oán,
Khốn khổ đủ trăm bề.

*
Năm Bảy Trăm Bảy Sáu,
Nhân lính ở Tống Bình,
Nay là thành Hà Nội,
Nổi loạn trong trại binh,

Phùng Hưng đã phát động
Khởi nghĩa chống nhà Đường,
Nhận được sự hưởng ứng
Của người khắp bốn phương.

Chiếm Đường Lâm nhanh, gọn,
Được Phùng Hưng dẫn đầu,
Nghĩa quân chiếm phần lớn
Vùng đất quanh Phong Châu.

Lo xây thành, đắp lũy,
Ông và hai em trai
Chốt các nơi xung yếu
Để chiến đấu lâu dài.

Quan thứ sử Trung Quốc,
Tức là Cao Chính Bình,
Nhiều lần đem quân dẹp,
Thế trận cứ lình xình,

Hết đánh lại phòng ngự,
Vừa đánh vừa nghỉ ngơi,
Không thua cũng không thắng
Suốt hai mươi năm trời.

Năm Bảy Trăm Chín Mốt,
Được Anh Hàn tiên sinh
Làm quân sư chiến lược,
Phùng Hưng đánh Tống Bình.

Ông chia quân năm đạo,
Từ năm hướng vây thành,
Vừa đánh vừa chiêu mộ
Thêm tướng và tân binh.

Cao Chính Bình cố thủ,
Nhưng thân cô, thế cô,
Cuối cùng đổ bệnh chết
Vì sợ hãi, buồn lo.

Phùng Hưng lên thay hắn
Cai trị đất An Nam.
Tiếc rằng ông chết sớm,
Nhiều việc chưa kịp làm.

Phùng An, con trai cả,
Nối ngôi, hai năm sau,
Năm bảy trăm chín mốt,
Được tướng giỏi dẫn đầu,

Quân nhà Đường kéo đến,
Quyết dành lại Tống Bình.
Phùng An biết sức yếu,
Đành phải ra nộp mình.

Giặc truy lùng gay gắt
Cả gia tộc họ Phùng,
Nên người gia tộc ấy
Phải tỏa đi các vùng.

Người anh hùng dân tộc
Phùng Hưng chống nhà Đường
Được nhân dân tôn tặng
Là Bố Cái Đại Vương.

Một đền thờ cổ kính
Ở Đường Lâm, Sơn Tây,
Thờ cúng ông từ ấy
Cho đến tận ngày nay.

*
Bây giờ ông sẽ kể
Một cổ tích nước ngoài,
Về bà mẹ nghèo khổ
Đã dạy con thành tài.

Các cháu nghe chăm chú.
Nghe, ngẫm nghĩ về mình,
Tự rút ra bài học
Để thành người thông minh.


BÀ LÀM BÁNH VÀ CON TRAI

Ngày xưa ở Hàn Quốc
Có một người đàn bà
Làm bánh đi chợ bán,
Nổi tiếng khắp gần xa.

Những chiếc bánh gạo nếp
Bà làm trông thật ngon,
Trăm chiếc đều như một,
Thật đầy đặn, thật tròn.

Không may chồng chết sớm,
Bà chỉ có trên đời
Cậu con mười lăm tuổi,
Thông minh, nhưng hơi lười.

Một hôm bà bảo cậu:
Con hãy lên kinh thành,
Trong mười năm phải học
Để thành tài, thành danh.

Con phải học khoa học,
Học lễ giáo, văn chương,
Học xong mới trở lại.
Vậy nên sớm lên đường.

Bao nhiêu tiền chắt bóp
Bà đưa cho con trai.
Anh kia liền khăn gói
Tìm thầy học thành tài.

Bà mẹ làm bánh bán,
Mong chờ con héo hon.
Nhịn ăn, nhịn cả mặc
Để có tiền nuôi con.

Năm năm sau, một tối,
Trời mưa gió dầm dề,
Bà nghe ai gõ cửa -
Thì ra anh con về.   

Chàng trai mệt và đói,
Đi bộ mười ngày ròng.
Bà mẹ nhìn, thương lắm,
Những muốn ôm vào lòng.

Nhưng bà nghiêm mặt hỏi:
“Con đã học hết chưa
Các môn khoa học ấy,
Như mẹ dặn ngày xưa?”

“Vâng, con đã học hết.”
Chàng trai đáp. Ân cần,
Bà đưa con giấy bút,
Bảo chép một bài văn.   

Nhưng bà thổi tắt nến,
Rồi ngồi xuống kề bên
Và bắt đầu làm bánh
Trong căn phòng tối đen.

Xong việc, đèn lại sáng.
Nét chữ của chàng trai,
Vì viết trong bóng tối,
Không đều, còn chỗ sai.

Trong khi những chiếc bánh
Mẹ làm, trông thật ngon.
Trăm chiếc đều như một,
Thật đầy đặn, thật tròn.   

Bà mẹ lại nghiêm mặt:
Con phải lên kinh thành,
Phải học thêm, học nữa
Để thành tài, thành danh.

Thế là ngay tối ấy,
Chưa kịp ăn uống gì,
Cùng số bánh của mẹ,
Chàng trai lại ra đi.

Lại ngày đêm tần tảo,
Lại đợi chờ héo hon,
Bà mẹ nhịn ăn uống
Để có tiền nuôi con.

Rồi năm năm sau đó
Bà thấy con trở về.
Cũng cuốc bộ như trước,
May không mưa dầm dề.

Bà lại bắt con viết
Trong căn phòng tối đen.
Nhưng lần này thì khác,
Con viết xong, thắp đèn,

Bà khóc lên sung sướng,
Ôm chầm người con trai.
Giờ nhìn chữ, bà biết
Con đã học thành tài.

Các nét chữ con viết
Thật đẹp, thật thăng hoa.
Trăm chữ đều như một,
Như nồi bánh của bà.

Về sau, người con ấy,
Nhờ mẹ dạy cách này,
Trở thành nhà bác học
Nổi tiếng đến ngày nay.


15
KHÚC THỪA DỤ (mất năm 907), KHÚC HẠO (trị vì 907 – 917), DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ (mất năm 937)

Cuối thế kỷ thứ Chín
Nhà Đường ở Trung Hoa
Đã hoàn toàn suy yếu.
Nhiều khởi nghĩa nổ ra.

Lớn, và kéo dài nhất
Là khởi nghĩa Hoàng Sào.
Vua Đường phải bỏ trốn,
Lòng dân tình xôn xao.

Lợi dụng cơ hội ấy,
Hào trưởng quận Chu Diên
Đã tập hợp dân chúng,
Cùng phất cờ đứng lên.

Ông là Khúc Thừa Dụ,
Quê Hồng Châu, Hải Dương,
Sống khoan hòa, trung thực,
Được dân chúng mến thương.

An Nam vào thời ấy
Đổi thành Tĩnh Hải Quân.
Tiết Độ Sứ người Hán
Độc ác và vô luân.

Hắn bị gọi về nước.
Độc Cô Tổn lên thay.
Rồi tên này thất sủng,
Cuối cùng phải đi đày.

Nhân thế, Khúc Thừa Dụ
Đánh chiếm thành Tống Bình,
Tự xưng Tiết Độ Sứ,
Nắm quyền vào tay mình.

Năm Chín Trăm Linh Sáu,
Vua Đường phải cho ông
Giữ chức Tiết Độ Sứ,
Dẫu ấm ức trong lòng.

Tiếc rằng năm sau đó
Khúc Thừa Dụ băng hà.
Con trai là Khúc Hạo
Được chọn lên thay cha.

Khúc Hạo liền lập tức
Giảm sưu thế cho dân,
Chấn chỉnh lại hành chính,
Bỏ lao dịch không cần.

Năm Chín Trăm Mười Bảy,
Khúc Hạo chết, tiếc thay.
Con trai, Khúc Thừa Mỹ
Nối nghiệp cha, lên thay.

*
Ở Quảng Châu lúc ấy,
Nhân nhà Đường rối ren,
Tiết Độ Sứ Lưu Ẩn
Mưu phản, lập nước riêng.

Liên kết với Nam Chiếu,
Tỉnh Vân Nam ngày nay,
Một mình ông cát cứ
Vùng đất rộng lớn này.

Tiết Độ Sứ Lưu Ẩn
Chết năm Chín Trăm Mười.
Lưu Nham lên thay thế,
Thu phục được lòng người.

Năm Chín Trăm Mười Bảy,
Lưu Nham lập nước riêng,
Đặt tên là Nam Hán,
Mưu toan chiếm láng giềng.

Thế là giặc Nam Hán,
Năm Chín Trăm Ba Mươi
Đem đại binh đánh Việt,
Kiểu lấy thịt đè người.

Khúc Thừa Mỹ thất trận,
Bị bắt, đưa về Tàu.
Nam Hán cử Lý Tiến
Sang cai trị Giao Châu.

Hay tin, Dương Đình Nghệ,
Một tướng tài, thông minh,
Đem quân từ Thanh Hóa,
Tấn công thành Tống Bình.

Quân Nam Hán lo sợ,
Cố thủ không chịu ra,
Chờ viện binh đến cứu.
Nhưng đường hiểm và xa,

Nên khi viện binh tới,
Ông đã hạ Tống Bình,
Hơn thế, còn đánh chặn,
Chém đầu tướng viện binh.

Danh tướng Dương Đình Nghệ
Vốn quê ở làng Giàng,
Nay Triệu Dương, Thanh Hóa,
Thuộc dòng họ vẻ vang.

Ông vốn là hào trưởng,
Rất giàu và thương người.
Nghe nói ông từng có
Những ba nghìn con nuôi.

Đánh xong giặc Nam Hán,
Ông tự phong cho mình
“Giao Châu Tiết Độ Sứ”
Và nắm hết quyền binh.

Noi theo gương Khúc Hạo,
Liêm khiết và tài ba,
Ông tiếp tục phát triển
Nền tự chủ nước nhà.

*
Bây giờ, như thường lệ,
Ông kể câu chuyện này,
Về tình yêu, tình bạn,
Thâm thúy và rất hay.


TRUYỆN LƯU BÌNH, DƯƠNG LỄ

Truyện Lưu Bình, Dương Lễ
Được truyền tụng từ lâu,
Truyện về hai người bạn,
Một nghèo và một giàu.

Họ chơi thân từ nhỏ.
Vì nhà giàu, Lưu Bình
Mời bạn đến cùng ở,
Thật chí đức, chí tình.

Biết phận nghèo, Dương Lễ
Rất chịu khó học hành.
Chàng đi thi, đỗ trạng,
Thành công và thành danh.

Còn Lưu Bình, thật tiếc,
Cậy giàu, thích ham chơi,
Nên thi trượt, chán nản,
Chán mình và chán đời.

Cũng vì chán, của cải
Cứ theo nhau ra đi,
Chẳng bao lâu chợt thấy
Trong nhà không còn gì.

Chàng đến gặp Dương Lễ,
Lúc này là quan to,
Dương Lễ không chịu tiếp,
Còn mời ăn cơm khô.

Giận bạn quên ân nghĩa,
Lòng ngậm ngùi, xót xa,
Chàng quyết tâm học giỏi
Mong cũng được vinh hoa.

Khi trở về quán trọ,
Còn tủi nhục trong lòng,
Chàng gặp một cô gái
Có tên là Châu Long.

Nàng dịu dàng, xinh đẹp,
Có vẻ con nhà giàu.
Hai người cảm, rồi mến,
Rồi cuối cùng yêu nhau.

Có điều, Châu Long nói,
Nàng sẽ chỉ lấy chàng
Khi chàng thi, đỗ đạt
Mang về nhà vinh quang.

Được Châu Long khích lệ
Và giúp đỡ tận tâm,
Lưu Bình chăm chỉ học
Ròng rã suốt ba năm.

Nàng lo từ sách vở
Đến quần áo, cái ăn,
Chu đáo như người vợ,
Nhưng vẫn không cho gần.

Rồi Lưu Bình thi đỗ,
Như mở cờ trong lòng,
Về nhà, rất kinh ngạc
Khi vắng nàng Châu Long.

Chàng tìm mãi không thấy,
Mà không hiểu vì sao,
Bèn đến nhà Dương Lễ,
Trách mắng chuyện năm nào.

Dương Lễ ra đón bạn,
Ân cần mời vào nhà.
Lưu Bình chưa kịp nói
Thì Châu Long bước ra.

Khi chàng được cho biết
Châu Long là thiếp yêu
Của bạn mình, Dương Lễ,
Chàng hiểu hết mọi điều.

Thì ra, để khích bạn
Nhanh chóng đạt công danh,
Dương Lễ vờ bội bạc,
Bị bạn trách cũng đành.

Nàng Châu Long xinh đẹp,
Tận tâm vì bạn chồng,
Vẫn giữ tròn danh tiết,
Giúp Lưu Bình thành công.

Từ đó hai người bạn
Lại gắn bó như xưa.
Mọi chuyện thế là rõ,
Có bàn thêm cũng thừa.

Vậy là ông kể hết
Chuyện Dương Lễ, Lưu Bình,
Ông hy vọng các cháu
Rút bài học cho mình.


16
NGÔ QUYỀN (898 - 944)

Người anh hùng dân tộc,
Tiền Ngô vương Ngô Quyền,
Trong lòng người dân Việt
Là một vị vua hiền.

Bằng chiến thắng lịch sử
Trong trận Bạch Đằng giang,
Ông đặt dấu chấm hết
Nghìn năm ách ngoại bang.

Từ đấy nền độc lập
Và tự chủ nước nhà
Được khẳng định thêm nữa
Trong hơn nghìn năm qua.

Ông con một hào trưởng
Thế lực lớn, công dày
Ở châu Đường Lâm cũ,
Nay thuộc huyện Hà Tây.

Mới lọt lòng, thầy tướng
Thấy ba chấm sau lưng,
Liền sụp lạy mà phán
Sau danh tiếng lẫy lừng.

Nước Việt ta ngày ấy
Gọi là Tĩnh Hải Quân,
Do nhà Đường cai trị,
Dân khổ sở muôn phần.

Mà triều chính lúc đó
Cũng rối ren nhiều bề.
Nhà Đường đang suy sụp,
Quan lại thì nhiêu khê.

Hào trưởng Dương Đình Nghệ
Thắng Nam Hán, dần dần
Trở thành Tiết độ sứ,
Cả vùng Tĩnh Hải Quân.

Họ Dương lắm kẻ mạnh,
Họ Ngô nhiều người hiền,
Liên kết, gả con gái
Cho chàng trai Ngô Quyền.

Rồi Ngô Quyền được cử
Cai trị đất Ái Châu,
Một vùng đất rộng lớn,
Đông dân và khá giàu.

Năm Chín Trăm Ba Bảy,
Kiều Công Tiễn đê hèn
Sát hại Dương Đình Nghệ
Rồi thâu tóm toàn quyền.

Bị nhiều người phản đối,
Tiết độ sứ họ Kiều
Sang cầu quân Nam Hán.
Lợi ít, nhục thì nhiều.

Ngô Quyền đem binh lính
Từ Châu Ái đánh ra,
Giết chết Kiều Công Tiễn,
Nhanh chóng rửa thù nhà.

Rồi ông lo chuẩn bị,
Quân và dân một lòng,
Đợi quân Hán xâm lược,
Đóng cọc các dòng sông.

Năm Chín Trăm Ba Tám,
Ở cửa sông Bạch Đằng
Thuyền của quân Nam Hán
Sa bẫy cọc đang giăng.

Phần bị cọc đâm thủng,
Phần bị thuyền Ngô Quyền
Đánh đắm hơn một nửa.
Rồi sông nước lại yên.

Tướng giặc Lưu Hoằng Tháo
Bỏ mạng nơi chiến trường.
Từ đó giặc phương Bắc
Bỏ mộng chiếm Nam phương.

Ngô Quyền xưng vương đế,
Đóng đô ở Cổ Loa,
Lập nên triều đại mới,
Làm vẻ vang nước nhà.

Trong những năm sau đó
Ông làm rất nhiều điều
Để chấn hưng kinh tế,
Được mọi người thương yêu.

Bốn sáu tuổi, ông mất,
Trị vì được sáu năm,
Rồi nhà Ngô sụp đổ
Năm Chín Trăm Sáu Lăm. 

*
Ông có một cuốn sách,
Gọi là Phật Thích Ca,
Về giáo lý Đạo Phật,
Cuộc sống người xuất gia.

Hôm nào ông tóm lược
Ba Đạo lớn trên đời.
Các cháu biết rồi đấy -
Phật, Thiên Chúa và Hồi.

Giờ thì ông muốn kể
Một truyện hay, không dài.
Truyện Đức Phật dạy bảo
La Hầu La, con Ngài.


LỜI PHẬT DẠY CON TRAI

Người con trai duy nhất
Của Đức Phật Thích Ca,
Cũng trở thành phật tử,
Tên là La Hầu La.   

Cậu ít tuổi, tinh nghịch,
Nhưng được mọi người chiều,
Nên đôi khi nói dối,
Kiểu trẻ con, đáng yêu.

Một hôm Phật bảo cậu:
“Con hãy mang ra đây
Một chậu nước thật sạch
Để ta rửa chân tay.”

Cậu mang chậu nước đến.
Đức Phật rửa chân xong,
Hỏi cậu có muốn uống
Nước trong chậu này không.

Cậu lắc đầu, từ chối,
Nói nước bẩn, và Ngài
Bảo cậu bê đi đổ
Rồi dẫn cậu ra ngoài.

“Giờ thì con đã thấy,
Nước bẩn không ai xin.
Cũng vậy, khi nói dối,
Miệng bẩn, không ai tin!”

La Hầu La chợt hiểu,
Từ đó chẳng bao giờ
Còn nói dối thêm nữa,
Dẫu đáng yêu, ngây thơ.

Một hôm, Ngài ngồi nghỉ
Dưới bóng mát hàng cây
Rồi gọi con trai đến,
Nhẹ nhàng nói thế này:

“Con hãy học ở đất
Sự nhẫn nhục, khiêm nhường.
Đất lặng lẽ chấp nhận
Cái xấu xa, tầm thường.

Bị người ta vứt bẩn,
Hay khạc nhổ, không sao,
Đất thản nhiên chịu dựng,
Không nói một lời nào.

Rồi khi vụ mùa đến,
Đất trao tặng cho đời
Những bông lúa trĩu nặng,
Những cành hoa xinh tươi.

Hơn thế, con phải học
Để làm sao trong con
Có Từ Bi Hỷ Xả
Để sống có tâm hồn.

Có Từ để đối Giận,
Vì Từ là Tình Thương
Của con với người khác
Ở đời này vô thường.

Có Bi để đối Ác,
Vì Bi là khi con
Làm vợi đau người khác,
Mà không cần đền ơn.

Có Hỷ để đối Ghét,
Vì Hỷ là thật lòng
Mừng người khác hạnh phúc,
Cầu cho họ thành công.

Có Xả để tha thứ
Những lỗi lầm của người.
Xả giúp con thanh bạch,
Sống có ích cho đời.   

Vậy Từ Bi Hỷ Xả
Là Tứ Vô Lượng Tâm.
Có được bốn cái ấy,
Con và Phật ngang tầm.

Lại nữa, con phải hiểu
Về cái luật Vô Thường,
Để xua cái Tham Dục,
Để ngự trị Tình Thương.

Vạn vật luôn thay đổi.
Có mà lại như không.
Không mà lại như có.
Hãy ghi nhớ trong lòng”.


17
NƯỚC CHĂM-PA

Nước ta, các cháu biết,
Trải qua bao đời nay
Nhờ cha ông xây dựng
Mới được như thế này.

Ở phía Nam Trung Bộ
Xưa có nước Chăm-pa,
Từng một thời hưng thịnh,
Nay thuộc về nước ta.

Cháu con dân nước ấy
Giờ tạo thành một phần
Của gia đình Đại Việt,
Sống trong tình tương thân.

Nhiều di tích văn hóa
Còn giữ đến ngày nay.
Mai sau các cháu lớn,
Sẽ đến thăm nơi này.

Ngày xưa, khi người Hán
Chiếm Giao Chỉ, Cửu Chân,
Họ cho quân đánh tiếp,
Chiếm đất của người Chăm.

Họ lập ra huyện mới
Đặt tên là Tượng Lâm,
Rồi nhập vào thành quận,
Đó là quận Nhật Nam.

Tượng Lâm là huyện lớn,
Xa nhất ở quận này
Gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi
Và Bình Định ngày nay.

Người Chăm cổ lúc ấy
Thuộc văn hóa Sa Huỳnh,
Biết dùng đồng, dùng sắt,
Sinh hoạt đã văn minh.

Dân Giao Châu, Giao Chỉ
Đầu thế kỷ thứ hai
Đã nhiều lần nổi dậy,
Khiến quân giặc chạy dài.

Dân Tượng Lâm nhân thế
Cũng nổi dậy theo ta.
Quân nhà Hán bất lực
Đối phó với quận xa.

Họ giành được độc lập.
Năm Một Trăm Chín Ba,
Đặt tên nước Lâm Ấp,
Rồi xây dựng quốc gia.

Khu Liên, vua của họ,
Có đội quân khá đông,
Đến những bốn, năm vạn,
Rất vững về quốc phòng.

Rồi Lâm Ấp đánh chiếm
Các vùng đất mỡ màng
Của người Cau bản địa,
Đến tận Nam Phan Rang.

Họ đánh lên phương Bắc,
Chiếm dãy núi Hoành Sơn
Vốn là đất nước Việt,
Bốn mùa cây xanh rờn.

Rồi họ đổi tên nước,
Lâm Ấp thành Chăm-pa,
Đóng đô ở Trà Kiệu,
Hay Sin-ha-pu-ra.

Nhà nước này cực thịnh
Thế kỷ thứ Chín, Mười.
Đến nay còn sót lại
Nhiều di tích tuyệt vời.

Đó là các đền, tháp
Ở Ninh Thuận, Quảng Nam,
Các bức tượng tuyệt đẹp
Mang đậm văn hóa Chàm.

Dân Chăm theo đạo Phật
Và đạo Bà La Môn.
Người chết được hỏa táng,
Rắc xuống sông, không chôn.

Họ có riêng chữ viết,
Từ chữ Phạn mà ra.
Văn hóa gốc Ấn Độ
Thấm đẫm nền thi ca.

Chăm-pa là đất nước
Chịu chiến tranh nặng nề.
Phía Bắc, từ Đại Việt,
Phía Nam, từ Khơ-me.

Năm Một Bốn Bảy Một,
Quân vua Lê Thánh Tông
Chiếm nửa nước phía Bắc,
Giải vua về Thăng Long.

Nửa phía Nam còn lại
Bị Chúa Nguyễn về sau
Dần dần thôn tính hết
Bằng nhiều cách khác nhau.

Vương quốc Chăm-pa cổ
Năm Một Tám Ba Hai
Chính thức ngừng tồn tại,
Sau chín thế kỷ dài.

*
Nào, lại chuyện cổ tích.
Ông biết các cháu chờ.
Có ngay, hãy bình tĩnh.
Ông kể liền bâu giờ.


CẬU BÉ VÀ CÂY TÁO

Ngày xưa có cây táo,
Lá xum xuê và dày.
Một cậu bé rất thích
Chơi với nó hàng ngày.

Cậu thường leo lên nó,
Hái quả ăn ngon lành.
Trưa mệt, cậu nằm ngủ
Dưới tán lá cây xanh.

Cậu bé yêu cây táo
Chân thành và ngây thơ.
Cây táo cũng yêu cậu,
Ngày nào nó cũng chờ.

Thời gian trôi, cậu bé
Cứ lớn dần, lớn dần,
Cậu bận học, có vẻ
Đã quên người bạn thân.

Một hôm cậu xuất hiện,
Đôi mắt thoáng buồn rầu.
Cây táo hồ hởi nói:
“Nào, ta chơi với nhau!”

Cậu bé đáp: “Xin lỗi,
Tớ đã lớn, buồn sao,
Không thể chơi với cậu
Vui vẻ như ngày nào.

Tớ muốn đồ chơi đẹp,
Mà lại không có tiền.”
Cây táo nói: “Thật tiếc,
Tớ cũng không, tất nhiên,

Nhưng cậu có thể hái   
Táo của tớ trên cây.   
Cách ấy tớ có thể
Giúp được cậu lần này.”

Cậu bé nghe, sung sướng
Hái hết táo mang đi,
Rồi không thấy quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Bỗng một hôm, cậu bé,
Giờ là người đàn ông,
Quay lại gặp cây táo,
Nhiều phiền muộn trong lòng.

Lần nữa ông xin lỗi:
“Tớ đã có gia đình,
Mà nhà thì chưa có,
Một ngôi nhà của mình.”

Cây táo đáp: “Thật tiếc,
Tớ cũng không có nhà.
Nhưng cậu có thể chặt
Cành lá tớ xùm xòa.

Hy vọng cậu đủ gỗ
Để xây nhà cho mình.
Ngôi nhà quan trọng lắm
Khi cậu có gia đình.”

Người đàn ông sung sướng
Chặt hết cành mang đi,
Không một lần quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Rất cô đơn và lạnh
Khi gió bão, mưa sa,
Nhưng cây táo hạnh phúc
Biết bạn mình có nhà.

Người đàn ông lại đến,
Mái tóc bạc trên đầu.
Cây táo thấy, vui sướng:
“Nào, ta chơi với nhau!”

“Không, tớ già, muốn nghỉ.
Bao phiền muộn trong lòng.
Tớ cần chiếc thuyền nhỏ.
Cậu giúp tớ được không?”

“Thế thì chặt thân tớ,
Để đóng một con tàu.
Cậu tha hồ chơi biển,
Sẽ không thấy buồn rầu.”

Ông già chặt cây táo,
Thuê xe đến mang đi
Rồi không hề quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Cuối cùng ông cũng đến,
Một ông lão yếu gầy.
“Tớ không còn gì nữa
Để cho cậu lần này, -

Cây nói. - Không còn táo
Để cậu thích thì ăn.”
Ông lão đáp: “Răng rụng,
Không nhai được, không cần.”

“Thân tớ không còn nữa
Để leo như ngày nào.”
“Đã qua rồi thời đó.
Ừ, cái thời vui sao.”

“Vậy thì tớ quả thật
Không còn gì để cho,
Ngoài gốc cây và rễ
Đang mục dần thành tro.”

“Bây giờ, - ông lão nói. -
Tớ quả không cần nhiều.
Chỉ một nơi để nghỉ
Và để sưởi nắng chiều.”

“Thế thì tốt, thật tốt.
Tớ giúp cậu lần này.
Để tựa và để nghỉ,
Gì tốt hơn gốc cây?”

Ông lão ngồi xuống nghỉ,
Tựa lưng ông bạn già.
Cây táo vui, muốn khóc,
Đôi mắt lệ ướt nhòa.

*
Cho các cháu yêu quí
Ông kể câu chuyện này
Các cháu là cậu bé,
Còn bố mẹ là cây.

Các cháu sinh, khôn lớn,
Rồi đi xa, bay xa,
Cuối cùng lại cần đến
Vòng tay bố mẹ già.

Từ chuyện này triết lý
Rút bài học cho mình,
Để sống bớt ích kỷ,
Có hiếu và thông minh.


18
NƯỚC PHÙ NAM, NƯỚC CHÂN LẠP

Phù Nam là nước cổ,
Từng nổi tiếng một thời
Khắp vùng Đông Nam Á,
Đất rộng và đông người.

Hơn hai nghìn năm trước,
Ở Nam Bộ ngày nay
Có một nền văn hóa
Của quốc gia cổ này.

Các nhà khảo cổ học
Gọi nó là Ốc Eo.
Di tích nó để lại
Đến nay vẫn còn nhiều.

Trên nền văn hóa ấy,
Quốc gia cổ Phù Nam
Hình thành, rất phát triển,
Thế kỷ Ba đến Năm.

Đó là một vương quốc,
Do nhà vua đứng đầu.
Dưới có nhiều nước nhỏ,
Không gọi quận hay châu.

Người dân theo đạo Phật
Và đạo Bà La Môn.
Tiếng nói hệ Nam Đảo,
Trồng lúa để sinh tồn.

Họ cũng giỏi đánh cá
Và các nghề thủ công,
Biết gao dịch, buôn bán,
Mở đường ra Biển Đông.

Đến thế kỷ thứ Bảy,
Nước Phù Nam, tiếc thay,
Bị Chân Lạp thôn tính.
Chấm hết quốc gia này.

Đến thế kỷ Mười Tám,
Một phần nước Phù Nam
Tách khỏi nước Chân Lạp,
Rồi nhập vào Việt Nam.

Phần nước Phù Nam ấy
Là Nam Bộ bây giờ.
Một vùng đất mầu mỡ,
Những dòng sông lững lờ.

*
Nhân tiện ông cũng nói,
Dẫu qua loa, đôi lời
Về đất nước Chân Lạp,
Từng hưng thịnh một thời.

Chân Lạp là vương quốc
Đầu tiên của Khơ Me.
Vốn là một nước nhỏ
Của Phù Nam xưa kia.

Đến thế kỷ thứ Sáu
Nó tách thành nước riêng,
Rồi mở mang bờ cõi,
Chiếm các nước láng giềng.

Giữa thế kỷ thứ Bảy,
Nó thôn tính Phù Nam
Thành một nước rất rộng,
Đông Bắc giáp nước Chàm.

Phía Tây là nước Thái.
Gồm Cam-pu-chi-a
Và thêm một số tỉnh
Vùng Nam Bộ nước ta.

Nhưng rất nhanh sau đó,
Đất nước họ bất an.
Đầu thế kỷ thứ Chín
Thì tan rã hoàn toàn.

Vậy là nước Chân Lạp,
Một quốc gia phương Đông
Sau gần ba thế kỷ
Phát triển rồi suy vong.

*
Hôm nay ông sẽ kể
Về sự tích trầu cau,
Một nét văn hóa đẹp
Đã tồn tại từ lâu.

Một câu chuyện cảm động
Về tình nghĩa vợ chồng,
Cả tình anh em nữa.
Hay, đẹp, nhưng đau lòng.


SỰ TÍCH TRẦU CAU

Ngày xưa ở làng nọ,
Hai anh em họ Cao
Rất giống nhau, khó biết
Người nào là người nào.   

Năm tròn mười tám tuổi,
Cha mẹ họ qua đời.
Trước thương yêu nhau lắm,
Nay yêu thương gấp mười.

Lưu Ông là đạo sĩ
Rất nổi tiếng trong làng.
Hai người đến tìm học.
Ông cũng yêu hai chàng.   

Nhà có cô con gái
Vừa đến tuổi cập kê,
Nết na và xinh đẹp,
Thêm sắc sảo nhiều bề.

Vì hai người học giỏi,
Cũng tuấn tú, khôi ngô,
Nên một người trong họ
Đã lọt vào mắt cô.

Khốn nỗi vì giống quá,
Nhiều khi cô thở dài,
Vì chính mình không thể
Phân biệt ai là ai.

Một hôm cô muốn thử,
Liền đặt bát cháo hành.
Họ nhường ai ăn trước,
Chắc chắn đó là anh.

Rồi Lưu Ông làm lễ
Cho cô và người này.
Có điều sau khi cưới,
Mọi việc khác xưa nay.

Người anh, vì có vợ,
Dường như quên mất em.
Anh kia, do tủi phận,
Thường nằm khóc trong đêm.

Người em, một ngày nọ,
Quay về từ cánh đồng.
Chị dâu ở trong bếp
Chạy ra, tưởng là chồng,

Liền ôm hôn, nũng nịu,
Vừa đúng lúc người anh
Xuất hiện ngay trước cửa.
Đúng là việc chẳng lành.

Anh ta nghĩ: Thật láo,
Thằng em tán vợ mình.   
Nên tình đã vốn nhạt,
Nay càng thêm cạn tình.

Người em thấy oan ức,
Bèn bỏ nhà ra đi.
Đi, đi mãi, đi mãi,
Tới dòng suối rầm rì.

Suối thì rộng, nước xiết,
Không thể qua, đành ngồi,
Khóc đến cạn nước mắt,
Chết, thành hòn đá vôi.

Lại nói người anh cả,
Về nhà không thấy em,
Ngày hôm sau, giấu vợ,
Lặng lẽ bỏ đi tìm.

Anh cũng đi đường ấy,
Gặp suối, không thể qua,
Bèn ngồi bên hòn đá,
Rồi khóc, lệ ướt nhòa.

Anh khóc mãi, khóc mãi, 
Chết, thành một cây cao,
Thân rất thẳng, chỉ lá,
Không có một cành nào.

Vợ ở nhà lo lắng,
Không biết chồng đi đâu.
Rồi lên đường tìm kiếm,
Cũng đi lâu, rất lâu.

Cuối cùng đến con suối,
Cô ngồi khóc não lòng,
Không biết ngay bên cạnh
Là chồng và em chồng.

Cô khóc hết nước mắt,
Người cô cứ gầy teo,
Rồi cô chết, lặng lẽ
Biến thành một dây leo.

Dây leo ấy quấn quít
Ôm quanh cây cao kia.
Bên dưới là tảng đá,
Bộ ba không chia lìa.

Khi mọi người biết chuyện,
Tỏ lòng thương xót thay.
Một lần vua kinh lý,
Có dừng lại nơi này.

Sau khi nghe hết chuyện,
Vua bèn lấy trái cây,
Nhai với lá dây cuộn,
Thấy có vị cay cay.

Vua nhổ vào tảng đá,
Thấy mặt đá sùi sôi,
Rồi ngả dần màu đỏ.
Đó là hòn đá vôi.

Cái cây cao cao ấy
Vua gọi là cây cau.
Còn lá leo quanh nó
Thì đặt tên lá trầu.

Còn tảng đá, nung chín,
Sẽ có màu trắng tinh,
Nhai với trầu, cau ấy,
Môi đỏ, trông rất xinh.

Từ đấy dân nước Việt
Có tục lệ ăn trầu
Để nhớ ba người chết
Còn gắn bó bên nhau.


Phần Hai

TỪ THẾ KỶ THỨ 10 ĐẾN THẾ KỶ 19

Ông cháu mình, như vậy
Đã có chuyến hành trình
Xuyên suốt mười thế kỷ
Từ buổi đầu bình minh

Cha ông ta dựng nước,
Đến thế kỷ thứ Mười,
Thoát khỏi vòng nô lệ,
Chúng ta được làm người.

Từ hôm nay ông kể
Về lịch sử nước nhà
Chín thế kỷ bảo vệ
Nền độc lập quốc gia.

Thế nào? Chuyến du lịch
Cũng thú vị, đúng không?
Ngược thời gian tìm hiểu
Lịch sử của cha ông.

Lịch sử, các cháu ạ,
Là môn không chỉ hay
Mà cực kỳ cần thiết
Cho các cháu ngày nay.

Khi không biết lịch sử
Là ta không biết mình.
Quên mất gốc dân tộc,
Tức là quên nghĩa tình.

Ông cha ta dựng nước,
Trả giá bằng máu xương.
Ta, những người kế tục,
Quên là trái lẽ thường.

*
Ngày xưa vua Tự Đức
Cấp tiền và cấp nhà
Để ông Lê Ngô Cát
Viết Quốc Sử Diễn Ca.

Đó là bộ sách lớn
Gần bốn nghìn câu thơ
Viết theo thể lục bát,
Nhiều người thuộc đến giờ.

Đã là con dân Việt
Thì phải biết sử mình.
Vua Tự Đức làm thế
Là ông vua thông minh.

Nay ông cũng bắt chước,
Viết Quốc Sử Diễn Ca
Bằng kiểu thơ năm chữ,
Dễ hiểu và nôm na.

Nó như sách tham khảo,
Sách sử, lại bằng thơ,
Viết về thời dựng nước
Cho đến tận bây giờ.

Nhớ nhé, sách tham khảo,
Chứ không phải giáo khoa.
Giúp bổ sung kiến thức
Về lịch sử nước nhà.

Các cháu nhớ thỉnh thoảng
Đọc lại tập thơ này.
Đọc để nhớ lịch sử
Và cả cổ tích hay.


1
BUỔI ĐẦU ĐỘC LẬP
VÀ ĐINH BỘ LĨNH (924 – 979)

Năm Chín Trăm Ba Tám
Ngô Quyền lên ngai vàng,
Chấm dứt mười thế kỷ
Đô hộ của ngoại bang.

Ông nhanh chóng bỏ chức
Tiết Độ Sứ Bắc Phương,
Thiết lập bộ máy mới
Từ dưới lên trung ương.

Một số quan, tướng giỏi
Được điều giữ các châu.
Hoan Châu - Đinh Công Trứ.
Kiều Công Hãn - Phong Châu.

Tiếc là Năm Bốn Bốn,
Ông lâm bệnh, từ trần.
Con cả, Ngô Xương Ngập,
Con thứ, Ngô Xương Văn

Còn trẻ người non dạ,
Bị Tam Kha, họ Dương,
Tiếm quyền, lên ngôi báu,
Tự xưng là Bình Vương.

Bất bình trước việc ấy,
Các phe phái dần dần
Lập nên nhiều cát cứ,
Thành mười hai sứ quân.

Được tướng lĩnh ủng hộ,
Năm Chín Trăm Năm Mươi
Ngô Xương Văn lật đổ
Dương Tam Kha, và rồi

Cho người rước anh cả
Về làm vua với mình.
Nhưng anh em lục đục,
Không yên lòng dân tình.

Mười lăm năm sau đó,
Ngô Xương Văn qua đời.
Các thế lực cát cứ
Vẫn hoành hành nhiều nơi.

Triều đình thì lục đục.
Chỉ khốn khổ người dân.
Đất nước bị chia cắt,
Loạn mười hai sứ quân.

*
Trong bối cảnh như thế,
Xuất hiện một nhân tài.
Bây giờ ông sẽ nói
Con người ấy là ai.

Đó là Đinh Bộ Lĩnh,
Sau thành Đinh Tiên Hoàng,
Người đầu tiên xưng đế
Trong lịch sử Nam Bang.

Sau nghìn năm Bắc thuộc,
Dẹp mười hai sứ quân,
Lập nước Đại Cồ Việt,
Lo vỗ về muôn dân,

Ông là người khẳng định
Chủ quyền nước Nam ta,
Mở đầu các triều đại
Phong kiến của nước nhà.

Ông chấn hưng kinh tế
Bằng cách cho đúc tiền,
Đồng Thái Bình Hưng Bảo,
Loại tiền đồng đầu tiên.

Bảy mươi triều sau đó
Theo ông đúc tiền đồng,
Giúp kinh tế phát triển,
Hàng hóa được lưu thông.     

*
Ông người làng Đại Hữu
Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
Bố là Đinh Công Trứ,
Suốt đời theo nghiệp binh.

Không may bố mất sớm,
Ông theo mẹ về quê,
Phải nương nhờ ông chú,
Cũng vất vả đủ bề.

Ngày nhỏ Đinh Bộ Lĩnh
Cùng lũ trẻ chăn trâu
Thường chơi trò chiến trận,
Phất cao cờ hoa lau.

Về sau, lũ trẻ ấy
Một số thành bạn hiền,
Theo ông dựng cơ nghiệp
Như Nguyễn Bặc, Đinh Điền.

Dẫu nhà nghèo, còn nhỏ,
Ông thường xưng là vua,
Bắt lũ trẻ phục dịch
Trong các trò chơi đùa.

Nghe người ta kể lại,
Một lần, để “khao quân”,
Ông giết bò của chú,
Rồi cả bọn cùng ăn.

“Bò đâu?” ông chú hỏi.
Ông bèn chỉ chiếc đuôi
Cắm xuống bùn, và nói:
“Bò chui xuống đất rồi!”       

*
Sau khi Ngô Quyền mất,
Đất nước suy yếu dần,
Rồi loạn, như đã nói,
Loạn mười hai sứ quân.        

Tức là loạn cát cứ,
Mỗi người chiếm một phương.
Lại mất mùa, đói kém,
Người dân khổ trăm đường.

Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh
Tự dấy quân, chiêu binh,
Sau nhập với Trần Lãm
Cát cứ ở Thái Bình.

Khi tướng Trần Lãm chết,
Ông được tôn lên thay,
Lại chiêu binh thêm nữa,
Thế lực lớn từng ngày. 

Từ Hoa Lư hiểm trở,
Ông xuất quân, lên đường,
Rồi đánh đâu thắng đó,
Tự xưng Vạn Thắng Vương.

Cuối cùng, ông lần lượt
Dẹp hết các sứ quân,
Thống nhất cả đất nước,
Hợp ý trời, lòng dân.

Ông lên ngôi Hoàng Đế,
Năm Mậu Thìn, tháng Tư,
Tức Chín Trăm Sáu Tám,
Lập đô ở Hoa Lư.

Quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Thiết lập các chế triều,
Ban sắc các hàm phẩm,
Chỉnh lý rất nhiều điều.

*
Hoàng Đế Đinh Bộ Lĩnh
Mười hai năm trên ngôi,
Chỉ thọ năm lăm tuổi
Vì chết thảm, than ôi.   

Số là do yêu quí
Con út là Hạng Lang,
Lúc ấy mới bốn tuổi,
Ngài cho kế ngai vàng.

Trong khi đó, Đinh Liễn
Là con trưởng của Ngài,
Người lập nhiều công trạng,
Lại bị gạt ra ngoài.

Vậy là xẩy ra họa,
Cái họa của bao người
Khi bỏ trưởng lập thứ,
Thêm bài học cho đời.

Đinh Liễn, lúc tức giận,
Xuống tay giết Hạng Lang,
Còn vua thì bị giết
Bởi tên quan hạng xoàng.

Tên hắn là Đỗ Thích,
Do một đêm nằm mơ
Thấy sao rơi vào miệng,
Nghĩ mình sẽ làm vua,

Hắn giết Đinh Bộ Lĩnh,
Đinh Liễn Nam Việt vương.
Một âm mưu quen thuộc,
Nhơ bẩn và tầm thường.

Tuy nhiên, hai người chết
Có thể có bàn tay
Của một số người khác.
Mà thôi, chuyện sau này.

Bây giờ, trước khi nghỉ,
Ông kể truyền thuyết này,
Cũng về Đinh Bộ Lĩnh,
Được lưu truyền lâu nay.


CON NGỰA ĐÁ

Ngày xưa, ở làng nọ
Có một người đàn bà
Tên gọi là Đàm Thị,
Sống bằng nghề nông gia.

Một hôm ra suối tắm,
Khi cởi hết áo quần,
Thấy có con rái cá
Đang lừng lững đến gần,

Bà sợ quá, ngất xỉu,
Khi tỉnh lại, thấy mình
Nằm cạnh con rái cá,
Người trần truồng, thất kinh,

Bà vội mặc quần áo,
Cuống quít chạy về nhà,
Giấu chồng, không dám kể
Câu chuyện vừa xẩy ra.

Hơn chín tháng sau đó,
Theo lẽ rất bình thường,
Bà sinh một đứa bé
Khôi ngô và dễ thương.

Mấy năm sau, chồng chết,
Bà thấy con trai mình,
Tên là Đinh Bộ Lĩnh,
Khỏe mạnh và thông minh.

Đặc biệt về bơi lội,
Cậu có thể hàng giờ
Lặn sâu, không cần thở,
Mãi không chịu lên bờ.

Còn con rái cá nọ,
Dẫu trốn sâu trong hang,
Có người bắt, làm thịt,
Đem chia cho cả làng.

Đàm Thị không ăn thịt,
Chỉ lấy một ít xương,
Đem phơi khô, hong bếp
Rồi giấu dưới gậm giường.

*
Một ông thầy địa lý,
Người Tàu, từ Nam Kinh,
Đến đây tìm long mạch
Để táng cốt cha mình.

Khi đến dòng suối nọ,
Thấy có ánh hào quang
Chiếu lên sao Thiên Mã,
Ông ta liền vội vàng

Cho tiền Đinh Bộ Lĩnh,
Bảo lặn xuống xem sao.
Lặn ở chỗ sâu nhất,
Nơi nước réo ào ào.

Chàng lặn xuống, chợt thấy
Con ngựa đá khổng lồ.
Nó nhìn chàng giận giữ,
Chiếc miệng há rất to.

Chàng sợ quá, quay lại
Nói với ông người Tàu.
Ông đưa một bó cỏ,
Bảo đem xuống thật mau.

Sau khi nghe chàng nói
Ngựa ăn cỏ, ông này
Liền kêu lên sung sướng:
“Long mạch chính là đây!

Ai táng cốt bố mẹ
Vào nơi này khác thường,
Nhờ long mạch nhất định
Sẽ được phát đế vương!”

Rồi lão đưa hài cốt
Của cha lão cho chàng,
Bảo mang cho ngựa đá,
Hứa thưởng một đồng vàng.

Chàng lặn xuống lần nữa,
Nhét xương bố lão này
Vào một ngách đá hẻm
Mà lão chẳng hề hay.

Hôm ấy về gặp mẹ,
Kể chuyện này lạ kỳ.
Chàng hỏi hài cốt bố,
Bà im, chẳng nói gì.    

Rồi bà đưa cái gói
Xương rái cá ngày nào,
Bảo đấy là xương bố,
Đem cho ngựa xem sao.

Đinh Bộ Lĩnh lập tức
Làm theo lời mẹ chàng,
Và rồi, nhờ long mạch,
Sau thành Đinh Tiên Hoàng.

*
Lại nói thầy địa lý,
Nghe tin chàng xưng vương,
Biết rằng mình bị lỡm,
Liền khăn gói lên đường.

Lão đến Đại Cồ Việt,
Xin được vào gặp vua,
Bảo tình xưa, bạn cũ.
Lão được gặp, và thưa:

“Dạ, muôn tâu hoàng thượng,
Cũng nhờ bởi phúc trời
Mà Ngài dựng nên nghiệp,
Thu phục được muôn người.

Nhưng thiết nghĩ ngựa đá
Cần thêm thanh gươm này
Để giúp Ngài trị nước
Và hưng thịnh từ nay.”

Nói đoạn, lão cung kính
Dâng chiếc gươm sáng ngời,
Hai lưỡi đều rất sắc.
Bản tính vốn tin người,

Vua nhận gươm, sai lính
Lặn xuống suối, và rồi
Đeo nó lên cổ ngựa,
Không biết rằng, than ôi,

Ngài đã mắc mưu lão,
Rơi vào thế hiểm nghèo:
Gươm cứa đứt cổ ngựa,
Long mạch cũng đứt theo.

Vậy là vua sơ ý
Giết quí nhân của mình.
Cũng nhanh chóng chấm dứt
Triều đại của nhà Đinh.


2
LÊ ĐẠI HÀNH (941 - 1005) VÀ NHÀ TIỀN LÊ

Năm Chín Trăm Bảy Chín,
Có sự kiện đau lòng -
Đinh Tiên Hoàng bị giết.
Cả Đinh Liễn, con ông.

Vì vua còn nhỏ tuổi,
Lê Hoàn, một tướng tài,
Được chọn giúp ấu chúa,
Luôn thường trực bên ngai.

Bây giờ ông sẽ kể
Về ông tổ Tiền Lê,
Người bắt quân nhà Tống
Chịu thất bại nặng nề.

Sau vua Đinh Bộ Lĩnh
Là vua Lê Đại Hành,
Một ông vua kiệt xuất
Được sử sách lưu danh.

Khởi dựng triều đại mới,
Lo chấn hưng nước nhà,
Bình Chiêm và phá Tống,
Nâng vị thế quốc gia,

Ông là vị tướng giỏi,
Công tâm khi dùng người,
Khôn ngoan trong giao tế,
Để tiếng tốt cho đời.

Theo sử sách ghi lại,
Ông xuất thân nghèo hèn.
Cha ông là Lê Mịch,
Mẹ là Đặng Thị Sen.

Trường Châu là bản quán,
Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
Cũng có người nói khác
Về quê gốc, nơi sinh.

Cha mẹ qua đời sớm,
Được chú nuôi, và ông
Lớn lên, theo Đinh Liễn,
Lập được nhiều chiến công.

Ông giúp Đinh Bộ Lĩnh
Dẹp loạn sứ, yên dân,
Được phong Đại Nguyên Soái,
Chức Thập Đạo Tướng Quân.

Lúc ấy ông còn trẻ,
Mới hăm bảy tuổi đời,
Nhưng có tài thao lược,
Biết thu dụng lòng người.

Đinh Tiên Hoàng bị giết,
Triều đình đang bất an,
Ông trở thành nhiếp chính
Cho ấu chúa Đinh Toàn.

Các đại thần nổi loạn,
Phía Nam họa Chiêm Thành,
Phía Bắc có giặc Tống,
Để mất nước sao đành?        

Nên tướng Phạm Cự Lạng,
Thái hậu Dương Vân Nga
Tôn ông lên ngôi báu
Để cứu nguy nước nhà.

Ông lên ngôi Hoàng Đế,
Xưng là Lê Đại Hành,
Đặt niên hiệu Thiên Phúc,
Hoa Lư là kinh thành.

Ông khuyến khích nông nghiệp,
Là vị vua đầu tiên
Hàng năm cho mở lễ
Gọi là lễ Tịch Điền.

Ông cho dân đào đắp
Rất nhiều kênh và sông
Để lấy nước tưới ruộng
Và tiện bề lưu thông.

*
Đầu năm Tám Chín Một
Quân Tống đánh Đại Cồ,
Chia hai đường thủy bộ,
Thanh thế đang rất to.

Đường bộ qua xứ Lạng,
Đường thủy theo Bạch Đằng,
Nơi quân ta đóng cọc
Thành thế trận đang giăng.

Ở bến sông Tây Kết,
Chúng thất bại ê chề,
Nhiều dũng tướng bị giết,
Quân bộ đành rút về.

Công đầu của đại thắng
Thuộc về Lê Đại Hành,
Một nhà quân sự lớn,
Còn lưu mãi sử xanh.

Vua đích thân ra trận,
Nhờ thao lược của ông
Mà xác quân Tống chết
Ngập núi và đầy sông.

*
Chỉ một năm sau đó
Vua cử Ngô Tử Canh
Và Từ Mục đi sứ
Sang đất nước Chiêm Thành.

Họ bị Chiêm giữ lại.
Vua tức giận, ngày đêm
Sai chuẩn bị thuyền chiến,
Tự mình đi bình Chiêm.

Trong một thời gian ngắn
Lê Đại Hành thắng to,
Chém vua Chiêm tại trận,
Thành quách đốt thành tro.

Tù binh nhiều vô kể,
Có cả sư, nữ tỳ,
Vàng bạc thu ức vạn,
Không thiếu một thứ gì.

Hăm sáu năm trị quốc,
Vua sáu lần dấy binh
Đánh quân Chiêm quấy phá,
Giữ biên giới yên bình.

*
Vua Lê Đại Hành chết,
Để lại một giang sơn
Hùng cường và thống nhất,
Nhưng thật tiếc, các con

Lại tranh nhau ngôi báu,
Lại huynh đệ tương tàn,
Khiến bỏ bê chính trị
Và dân chúng lầm than.

Rồi đời Lê chấm dứt
Bằng ông vua xấu xa
Là Ngọa Triều Long Đĩnh,
Gian ác và dâm tà.

*
Hôm nay, thay cổ tích,
Ông sẽ kể sơ qua
Về một người nổi tiếng -
Thái Hậu Dương Vân Nga.

Bà là một người đẹp,
Hoàng hậu của hai vua,
Một nhân vật lịch sử,
Về sau sống trong chùa.


THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA (952 – 1000)

Ngày xưa có cô bé
Mắc cái tật lạ kỳ,
Là đêm thường hay khóc,
Không hiểu lý do gì.

Một hôm có đạo sĩ
Đi ngang qua tình cờ,
Thấy thế liền dừng lại
Rồi đọc mấy câu thơ:

“Nào nín đi, cháu bé.
Việc gì phải khóc hoài.
Mai kia còn gánh vác
Đôi sơn hà trên vai.”

Đứa bé nghe, im bặt.
Từ ngày ấy, lạ ghê,
Ngủ yên không cần dỗ,
Và cũng thôi khóc nhè.

Sau này bé gái ấy
Rất nổi tiếng, vì bà
Là vợ hai vua lớn -
Thái Hậu Dương Vân Nga.

Bà sinh ở vùng đất
Nay thuộc tỉnh Ninh Bình,
Bố là Dương Thế Hiển,
Thuộc dòng dõi hiển vinh.

Dương là họ của bố.
Còn Vân Nga là gì?
Tên hai làng ghép lại:
Vân Long và Nga My.

Bà nổi tiếng xinh đẹp,
Loại tài sắc vẹn toàn,
Đến mức nhiều giai thoại
Loan truyền trong dân gian.

Bà là hoàng thái hậu
Hai triều vua khác nhau,
Vợ của Đinh Bộ Lĩnh
Và Lê Hoàn về sau.

Đinh Toàn, vị vua cuối
Của triều đại nhà Đinh,
Là con trai thái hậu
Với Tiên Hoàng, chồng mình.

Còn khi bà là vợ
Của vua Lê Đại Hành,
Bà sinh cô công chúa
Là Lê Thị Phất Ngân.

Sau nàng thành hoàng hậu
Vị vua Lý đầu tiên,
Tức vua Lý Thái Tổ,
Nổi tiếng một vua hiền.

Hơn thế, nàng là mẹ
Của vua Lý Thánh Tông,
Một ông vua nhân đức
Từng lập nhiều chiến công.

Ông lập nước Đại Việt,
Lấy ba châu Chiêm Thành,
Phá Tống, xây Văn Miếu
Chấn hưng việc học hành.

Khi Đinh Tiên Hoàng chết,
Thái hậu Dương Vân Nga
Biết đặt lợi ích Nước
Cao hơn lợi ích Nhà.

Vua Đinh Toàn còn nhỏ,
Mà thù trong giặc ngoài.
Bà gạt qua nghi kỵ,
Bắt con mình nhường ngai,

Để một vị tướng giỏi,
Mà sau là chồng bà,
Bình Chiêm và phá Tống,
Chấn hưng lại nước nhà.

Làm xong sứ mệnh lớn,
Cuối đời bà tu hành
Ở chùa Am Tiên Động
Phía đông Hoa Lư thành.      

Nghe người ta kể lại,
Bà và Lê Đại Hành
Ngày trẻ có duyên thắm,
Tiếc trời không cho thành.

Nên đôi uyên ương ấy
Phải chờ mãi về sau,
Khi công thành danh toại,
Mới lần nữa gặp nhau.

Âu cũng là trời định,
Nhưng cuối cùng hai người
Đã đi vào lịch sử
Như tấm gương cho đời.

Ở Ninh Bình thành phố
Hiện có hai con đường
Chạy song song thật đẹp,
Mang tên đôi uyên ương.       


3
LÝ CÔNG UẨN (974 – 1028)
VÀ ĐỜI NHÀ LÝ

Thời Đinh - Lê, ruộng đất
Thuộc sở hữu xã, làng.
Dân chia đều cày cấy,
Nộp thuế vua, quĩ làng.

Đại Cồ Việt lúc ấy
Có nhiều xưởng thủ công,
Đúc tiền, rèn vũ khí,
Làm dụng cụ nghề nông.

Ngoài ra còn nghề giấy,
Nghề dệt lụa, gốm sành.
Buôn bán đã phát triển
Nhờ tiền đồng lưu hành.

Đạo Phật được truyền bá
Chùa mọc lên nhiều nơi.
Các sư mở lớp học
Dạy chữ cho mọi người.

Nho Giáo cũng xuất hiện,
Phần lớn ở lớp trên.
Dân đã dùng chữ Hán,
Nhưng tiếng nói giữ nguyên.

Lê Tiên Hoàn Hoàng đế
Mất Một Không Không Năm.
Con là Lê Long Đĩnh,
Lên ngôi, thành “Vua Nằm”.

Sở dĩ có tên ấy
Là do ông ta lười
Thường nằm khi triều chính,
Hỗn láo và khinh người.

Bốn năm sau ông chết.
Lý Công Uẩn lên thay.
Bây giờ ông sẽ kể
Về vị vua hiền này.

          *
Một trong những vua lớn
Của nước Việt Nam ta
Là vua Lý Thái Tổ,
Vẻ vang sử nước nhà.

Ông lập nên triều Lý
Kéo dài những chín đời,
Mở đầu nước Đại Việt,
Được lòng dân, lòng trời.

Ông sửa sang việc nước,
Dùng chính sách “thân dân”,
Sưu thuế nhẹ và ít,
Còn miễn thuế nhiều lần.

Ông đề cao đạo Phật,
Xây chùa chiền, đắp đê,
Còn cho quan sang Tống
Thỉnh kinh Tam Tạng về.

Ông là người viết chiếu
Dời đô về Thăng Long,
Giúp đất nước phát triển
Theo thế của con rồng.

*
Ông người châu Cổ Pháp
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Mẹ họ Phạm, ba tuổi,
Kháu khỉnh và thông minh,

Trụ trì chùa Cổ Pháp
Nhận ông làm con nuôi,
Đưa vào chùa dạy dỗ,
Học Phật, học làm người.

Năm ông lên bảy tuổi,
Một thiền sư lừng danh
Có tên là Vạn Hạnh
Nhận làm học trò mình.

Ông được sư Vạn Hạnh
Cho vào hầu vua Lê.
Vua Lê rất yêu quí,
Luôn chăm sóc, vỗ về.

Lớn lên, ông phục vụ
Trong cung Lê Đại Hành,
Làm đến Chỉ Huy Sứ
Bảo vệ Hoa Lư thành.

Vua còn gả công chúa
Là Lê thị cho ông,
Sinh ra Lý Phật Mã,
Rất được vua hài lòng.

Khi vua Đại Hành chết,
Triều đình thật rối ren.
Tiếm ngôi, Lê Long Đĩnh
Thành ông vua yếu hèn.

Rồi Lê Long Đĩnh chết,
Ông được tôn lên thay
Nhờ tướng Đào Cam Mộc
Và Vạn Hạnh, sư thầy.

Triều Lý được thiết lập.
Cung đình lại bình yên,
Quyền lực được củng cố,
Yên vui khắp mọi miền.

Vậy là Lý Công Uẩn,
Ở tuổi ba mươi lăm,
Thành vua Lý Thái Tổ,
Trị vì mười chín năm.

Ông chấn chỉnh chế sắc,
Đặt niên hiệu Thuận Thiên,
Cất nhắc các quan lại,
Toàn xứng đáng, người hiền.

Thấy đất Hoa Lư hẹp,
Toàn núi cao, khe sâu,
Không tiện làm đô hội,
Khó phát triển dài lâu,

Ông xuống chiếu di chuyển
Kinh đô về Đại La,
Mở đầu kỷ nguyên mới
Cho lịch sử nước nhà.

Năm Thuận Thiên thứ nhất,
Một Nghìn Không Trăm Mười,      
Đến đất kinh đô mới,
Vua ngước nhìn lên trời

Liền giật mình, chợt thấy
Thấp thoáng bóng con rồng
Đang bay lên, tuyệt đẹp,
Nên đổi thành Thăng Long.

Quan hệ với nước Tống,
Ông khôn khéo nhún nhường,
Vua Tống không sinh sự,
Lại còn phong sắc vương.

Năm Thuận Thiên mười một,
Ông chinh phạt Chiêm Thành,
Giành được thắng lợi lớn,
Thanh thế cũng tăng nhanh.

Vua Chiêm và Chân Lạp
Sang triều cống hàng năm.
Việc bang giao yên trị,
Dân yên ổn làm ăn.      

Năm Một Không Hai Tám
Lý Thái Tổ băng hà,
Hưởng thọ năm lăm tuổi,
Phật Mã lên thay cha.

Ông là vị vua tốt,
Hiệu là Lý Thái Tông,
Một vị tướng tài giỏi,
Chuyên đánh Tây dẹp Đông.

Ông xây Chùa Một Cột,
Đào Kênh Lẫm, Thần Phù,
Đối xử rất nhân đạo
Với những người bị tù.

Ông cải cách pháp luật,
Theo hướng nhẹ thì tha,
Soạn Bộ luật Hình sự
Đầu tiên của nước nhà.

*
Khi Lý Thái Tông chết,
Lý Thánh Tông lên thay.
Lịch sử luôn ghi nhớ
Công lao vị vua này.

Vua thứ ba nhà Lý,
Ông là vị minh quân,
Đặt quốc hiệu Đại Việt,
Yêu nước và thương dân.

Ông cho xây Văn Miếu,
Chăm lo việc học hành,
Dám đem quân đánh Tống,
Lấy ba châu Chiêm Thành.

Ba châu ấy rất lớn,
Thuộc vùng đất bây giờ
Là Quảng Bình, Quảng Trị,
Mầu mỡ và nên thơ.

Xã hội luôn ổn định
Dưới triều Lý Thánh Tông.
Quả không phải hổ thẹn
Với hương hồn cha, ông.

*
Hôm nay là ngoại lệ.
Ông sẽ không đọc thơ,
Không kể chuyện cổ tích,
Mà có cái bất ngờ.

Các cháu đoán xem thử,
Ông sẽ kể chuyện gì.
Ông kể chuyện Kinh Thánh.
Phải nói hay cực kỳ.

Nước ta, các cháu biết
Đến gần mười phần trăm
Dân theo đạo Thiên Chúa,
Nếu ông nhớ không nhầm.

Không phân biệt tôn giáo,
Người Việt Nam chúng ta,
Luôn sống rất hòa thuận,
Như anh em một nhà.

Nào, nghe ông kể nhé.
Nghe để biết vì sao
Chúa tạo ra sự sống,
Và tạo nó thế nào.


KINH THÁNH

Kinh Thánh có hai cuốn,       
Như ta biết xưa nay -
Cựu Ước và Tân Ước,
Con chiên đọc hàng ngày.

Là Kinh Do Thái Giáo,
Cựu Ước có từ lâu,
Bao gồm rất nhiều Sách
Bắt đầu từ Khởi Đầu,

Từ Thiên Chúa sáng thế,
Đến họ tộc loài người,
Sách Ngũ Kinh, Ngôn Sứ,
Sách Giáo Huấn dạy đời...

Còn cuốn Kinh Tân Ước
Nói về Chúa Ki Tô.
Nội dung gồm bốn quyển
Được viết bởi tông đồ.

Còn có Sách Công Vụ,
Sách Thư các thánh hiền.
Cuối cùng là cuốn sách
Gọi là Sách Khải Huyền.


SÁNG TẠO THẾ GIỚI

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa
Tạo ra Đất và Trời.
Không hình hài, trống vắng,
Bóng tối trùm khắp nơi.

Thần khí của Thiên Chúa
Bay trên nước là là.
Ngài phán: Cần Ánh Sáng!
Và Ánh Sáng hiện ra.

Thấy Ánh Sáng là tốt,
Ngài phân chia, tách rời
Ánh Sáng và Bóng Tối
Cũng như Đất và Trời.

Thiên Chúa đặt tên gọi
Như ta biết ngày nay:
Đêm là khi trời tối,
Còn khi sáng là Ngày.           

Và đó là kết quả
Ngày Sáng Thế đầu tiên.
Ngày thứ hai Thiên Chúa
Tạo Bầu Trời vô biên.

Ngày thứ ba Thiên Chúa
Tạo nên lớp Đất dày,
Rồi Đại Dương và Biển,
Tất cả các Loài Cây.

Ngày thứ tư, Thiên Chúa
Tạo Mặt Trăng, Mặt Trời
Và các Ngôi Sao sáng
Để có sáng khắp nơi.

Ngày thứ năm, Thiên Chúa   
Tạo ra các loài Chim,
Cá và sinh vật biển,
Biết bay, biết lặn chìm.

Ngày thứ sáu, Thiên Chúa,
Làm việc không nghỉ ngơi,
Tạo nên các Loài Vật,
Và cuối cùng, Con Người.

Ngày thứ bảy Ngài nghỉ.
Công việc đã làm xong.
Việc Sáng Thế kết thúc,
Và Ngài rất hài lòng.   

Đó là ngày Sabath,
Ngày nghỉ của Chúa Trời,
Ngày thiêng liêng, sau đó
Là ngày nghỉ của Người.


A-ĐAM VÀ Ê-VA

A-đam, như ta biết,
Là con người đầu tiên
Được Chúa vắt từ đất
Rồi hà hơi mà nên.      

Con người này đặc biệt,
Vì Thiên Chúa thông minh
Đã tạo nên theo đúng
Hình mẫu của chính mình.

Ngài tạo khu vườn đẹp,
Gọi là Vườn Địa Đàng,
Có nhiều cây xanh tốt,
Nhiều hoa, trái chín vàng.

Chính giữa khu vườn ấy
Có một cây Trường Sinh
Và một cây Tri Thức,
Ai ăn nó, tự mình

Sẽ nhận biết Điều Tốt
Và Điều Không Tốt Lành.
Ngài cho A-đam sống
Ở vườn này tươi xanh.

Ngài dặn, ông có thể
Muốn ăn gì thì ăn,
Nhưng ăn trái Tri Thức,
Sẽ chuốc vạ vào thân.

Rồi Ngài phán: Không tốt
Khi Người Nam một mình.
Ta cho nó Người Nữ,
Dịu dàng và tươi xinh.

Ngài liền làm phép lạ,
Bắt A-đam ngủ say,
Rút chiếc xương sườn nhỏ,
Và từ khúc xương này

Ngài làm nên Người Nữ,
Đặt tên là Ê-va.
Người Nam là nam giới,
Người Nữ là đàn bà.

Và rằng thịt của thịt,    
Xương thịt của một người,
Người Nam và Người Nữ
Phải yêu nhau suốt đời.

Trong số các loài vật,
Rắn là loài xấu xa.
Nó xúc xiểm, xu nịnh,
Kẻ thù của đàn bà.       

Nó đến tìm Người Nữ,
Xúi bà ăn trái cây
Mọc trên cây Tri Thức,
Vì ăn nó, sau này

Bà sẽ thành thông thái,
Biết phân biệt cho mình
Cái Thiện và Cái Ác,
Như các đấng thần linh.        

Ê-va, dẫu còn sợ
Và chưa hết phân vân,
Nhưng do Rắn dụ dỗ,
Cuối cùng bà đã ăn.

Bà ăn trái cây cấm,
Lại còn đem mời chồng.
Ăn xong, họ xấu hổ
Khi thấy mình tồng ngồng.    

Họ vội vã bẻ lá
Thay áo, quấn quanh người.
Sau đó, Thiên Chúa gọi,
Họ không dám trả lời.

Nhưng Ngài đã đoán hiểu
A-đam và Ê-va
Đã ăn trái cây cấm,
Nên giờ không dám ra.

Người Nữ đổ cho Rắn.
Người Nam đổ cho bà.
Thiên Chúa rất tức giận,
Và trừng phạt cả ba.

Loài Rắn bị nguyền rủa,
Phải trườn, bò suốt đời,
Luôn luôn bị săn đuổi,
Kẻ thù của loài người.

Hai người bị Chúa phạt
Vì ăn trái cây này.
Họ và con cháu họ
Phải vất vả từ nay

Làm việc để kiếm sống,
Không được ở thiên đường,
Chịu mọi thứ bệnh tật
Và khó nhọc đời thường.                 

Đàn ông phải tranh đấu
Vật lộn vì miếng ăn.
Đàn bà khi sinh đẻ
Phải đau đớn, nhọc nhằn.

Hơn thế, ăn trái cấm,
Lại còn đưa cho chồng,
Đàn bà phải phụ thuộc
Và hầu hạ đàn ông.

Hai người bị Thiên Chúa
Đuổi khỏi Vườn Địa Đàng,
Xuống sống nơi hạ giới
Giữa trời nắng chang chang.


CHIẾC THUYỀN CỦA NÔ-Ê

Con cháu và chút chít
Của A-đam, Ê-va
Về sau thành hư hỏng,
Độc ác và xấu xa.

Thiên Chúa lấy làm tiếc
Đã tạo ra loài người.
Và rồi Ngài quyết định
Xóa sổ họ trên đời.

Nhưng Ngài không nỡ giết
Một người tốt mọi bề,
Luôn nghe lời Thiên Chúa,
Là ông già Nô-ê.

Ngài bảo ông chuẩn bị
Chiếc thuyền lớn, và rồi
Đưa loài vật lên đó,
Cứ mỗi loài một đôi.

Tức có đực, có cái
Để nhân giống sau này,
Vì Ngài sẽ làm lụt
Liên tục bốn mươi ngày.       

Ông Nô-ê lúc ấy
Sáu trăm tuổi có thừa,
Làm đúng điều Chúa dặn,
Rồi sau đấy trời mưa.

Mưa tầm tã không dứt,
Như nước xối ào ào,
Làm ngập hết đồng ruộng,
Cả những ngọn núi cao.

Ông Nô-ê và vợ,
Cùng ba người con trai
Và một đôi đực cái
Của tất cả các loài

Vẫn bình yên vô sự
Khi ngồi trong chiếc thuyền.
Nước dâng cao, dâng mãi,
Nhưng cũng nâng thuyền lên.

Cuối cùng thì nước rút.
Con thuyền của Nô-ê
Trên núi A-ra-rat,
Nước còn trắng bốn bề.

Lênh đênh mười một tháng
Kể từ ngày trời mưa,
Ông thả chim câu trắng
Xem nước rút hết chưa.

Con chim bay một chốc
Lại quay về với ông.
Nước còn chưa rút hết,
Còn phải chờ trong lồng.

Một tuần sau, được thả,
Nó bay đi rất nhanh,
Lúc quay về, miệng ngậm
Một cành ô-liu xanh.

Đợi thêm bảy ngày nữa,
Ngồi trên thuyền, Nô-ê
Lại thả chim câu khác,
Nhưng nó không quay về.

Nghĩa là nước đã cạn.
Ông và cả gia đình
Bước xuống đất, xúc động,
Tạ ơn Chúa lòng lành.

Các loài chim, loài thú
Lần lượt ra từng đôi,
Bắt đầu cuộc sống mới
Rồi phát triển, sinh sôi.


THÁP BA-BEN

Sau khi nước rút hết,
Nô-ê dựng bàn thờ,
Làm lễ tạ ân Chúa.
Chúa hứa từ bây giờ

Sẽ không làm lụt nữa,
Không giết chết loài người.
Nói xong, Ngài liền dựng
Chiếc cầu vồng trên trời.

Chẳng bao lâu sau đó
Các con cháu của ông
Sinh sôi trên mặt đất,
Ngày một đông, thêm đông.

Nói chung một ngôn ngữ,
Từ một gốc mà ra,
Họ tìm được vùng đất
Có tên là Shi-na.

Thấy đất này màu mỡ,
Họ dừng lại ở đây,
Định xây một tòa tháp
Cao tít tận trời mây.

Đó sẽ là biểu tượng
Sức mạnh của loài người,
Quyết tâm và đoàn kết,
Thách thức cả với trời.

Từ trên cao nhìn xuống,
Thiên Chúa không hài lòng:
Con người quá kiêu hãnh,
Cậy mình mạnh và đông.

Ngài làm phép, bắt họ
Không thể nào hiểu nhau
Do không chung ngôn ngữ,
Không ý hợp tâm đầu.

Thiên Chúa còn bắt họ
Phân tán đi khắp nơi.
Việc xây tháp bỏ dở,
Vì người không hiểu người.

No comments:

Post a Comment