Truyện ngắn. Thái
Bá Tân
Không
khí có vẻ lắng xuống, nhưng vì còn sớm nên chưa ai muốn về. Sau mấy chén rượu
thuốc bữa tiệc mừng tân gia, mấy ông bạn già vẫn còn hăng lắm. Ít khi được gặp
nhau nên họ tranh thủ nói đủ chuyện. Từ chuyện "thời xưa" họ học hành
hoặc đi lính với nhau, (cái thời mà khi nhắc lại ai cũng kèm theo hai tiếng
"khó khăn" nhưng "tốt đẹp", mặc dù các ông thừa biết cái
thời ấy cũng khối thứ chẳng hay ho gì), đến chuyện làm ăn kinh tế "thời nay"
cùng trăm nghìn loại tiêu cực của nó. Tuy nhiên nói gì thì nói, các ông vẫn
phải thừa nhận một thực tế không thể phủ nhận, là bây giờ các ông sống sướng
hơn xưa, nếu không muốn nói đổi đời. Bằng chứng là thỉnh thoảng vài năm một lần
các ông lại được gặp nhau để mừng nhà mới cho bạn.
- Các vị có tin chuyện quả báo không?
Tức là cái chuyện ân oán ở đời ấy mà? - một ông chợt hỏi, chẳng ăn nhập với
những gì họ đang nói. Ông này có cái tên nghe rất kêu - Cao Lý Tưởng, mặc dù
ông chỉ làm một nghề rất thực dụng là kinh doanh phế liệu và sống chẳng có lý
tưởng nào cao cả ngoài kiếm tiền. - Tôi hỏi thế là vì vừa mới đọc xong cuốn
sách có nói đến chuyện quả báo. Chuyện một tên tri huyện rất gian ác thường cậy
quyền thế đánh đập, tù tội dân lành. Sau cách mạng bốn lăm, hắn bị người ta
trói quặt cánh khuỷu dẫn đi khắp phố huyện làm nhục, rồi bị một người tức giận
quá đập vỡ đầu. Nhưng chính người đập vỡ đầu hắn sau này bị qui là phản động và
xử bắn. Còn người tuyên án xử bắn anh ta thì hiện đang ốm nằm một chỗ trên
giường hơn mười năm nay... Tác giả cuốn sách đó là một ông nhà văn quân đội hàm
tướng cơ đấy.
- Nhà văn mà có đến cấp tướng cơ à? -
ai đó ngạc nhiên hỏi.
- Sao lại không? Nước ta có hai ông
như thế, còn tá thì đầy.
- Tướng nhà văn chắc phải viết hay lắm
nhỉ. - Ông kia lại nói, chậc lưỡi thán phục. - Không biết những ông như Sêkhốp
và Tônxtôi thì cấp gì. Bét ra cũng phải nguyên soái. Nguyên soái nhà văn!
Không ai đáp lại vì nghĩ hoặc ông ta
đang diễu, hoặc ú ớ đến mức không biết hai nghề viết văn và làm tướng chẳng
liên quan gì đến nhau.
- Cái chuyện ân oán ấy mà, tôi thì tôi
tin, rất tin nữa là khác. - Ông chủ nhà lên tiếng. Ông là cán bộ nghỉ hưu,
trước làm chân gì đó ở ủy ban quận. Ông mới được đứa con trai bên Tiệp cho tiền
dựng lên ngôi nhà ba tầng trên diện tích chưa đầy ba mươi mét vuông ở tít trong
ngõ này. Vốn mê tín, trước khi xây ông mời thầy địa lý chọn ngày chọn hướng,
mặc dù trên mặt bằng hẹp ba bên đã xây nhà, có muốn ông cũng chẳng quay theo
hướng thầy chọn. - Các cụ chả nói "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước"
là gì. Về chuyện này, các tích tây tàu xưa nay không hiếm. Nói đâu xa, hôm nọ
tôi vào bệnh viện thấy có thằng oe con bị ngộ độc phải rửa ruột. Hóa ra do hắn
uống một lon cô-ca thó được trong nhà chùa. Bố mẹ hắn lu loa định bắt hãng nước
ngọt Mỹ bồi thường. Người của hãng và cán bộ y tế đến kiểm tra phần nước còn
lại trong hộp, chẳng phát hiện thấy gì độc hại. Thế mà hắn ngộ độc suýt chết
đấy. Các bác bảo hắn không bị thần phật bắt tội là gì? Khi xây cái nhà này, tôi
cũng bị mất trộm mấy bao xi măng. Tôi biết thằng nào trộm, - ông đưa mắt nhìn
phía ngôi nhà hàng xóm vừa mới xây xong. - Tôi tin là nhà hắn nay mai sẽ đổ vì
mấy bao xi măng đó. Không thoát được đâu! - Ông nói một cách dứt khoát và tự
tin, đến mức mấy ông bạn ngồi nghe cứ tưởng như nhà ông hàng xóm kia sắp sụp
đến nơi, nên vô tình xịch xa bức tường thêm chút ít.
- Còn tôi, tôi chẳng tin. Đơn giản chỉ
là sự ngẫu nhiên. - Một ông khác lên tiếng. Ông này trước ở cùng đơn vị bộ đội
với chủ nhà, hiện là trưởng một phòng gì đó ở sở giáo dục, và là người gần đây
nhất mời mọi người đến "rửa nhà mới" như ông nói. - Cứ theo ý ông thì
ắt con cháu lũ trộm cắp sau này sẽ bị người ta trộm cắp lại, còn bọn lừa đảo,
tham nhũng thì sẽ thành ăn mày hết. Thực tế như ông thấy, lại chẳng vậy. Có
điều chắc chắn là người làm việc thiện sẽ thấy thư thái hơn, hạnh phúc hơn, và
ngược lại. Thế thôi. Nếu có gì xẩy ra thì chỉ là do ngẫu nhiên, ngẫu nhiên hết.
Cứ thế, vô tình chia thành hai phe,
mấy ông bạn già tranh cãi hồi lâu về đề tài này, dù chẳng mấy hăng hái, vì cái
họ tranh cãi thực ra chỉ chuyện đâu đâu, đúng hay sai chẳng chết ai. Rồi một
người trong số họ quay sang một ông già từ nãy tới giờ chỉ ngồi im. Ông là chủ
một cửa hàng thuốc tư nhân, trước làm dược sĩ quân y. Ông vốn được mọi người
kính nể vì tính chín chắn và hào hiệp.
- Còn ý ông thế nào, ông Bảo?
- Tôi ấy à? - Ông cựu
dược sĩ quân y lên tiếng với giọng miễn cưỡng của người bị bắt tham gia góp
chuyện. - Tôi cũng không tin, dù từng gặp những trường hợp đáng lẽ khiến tôi
phải tin. Năm kia có một gã ăn cắp thuốc ở cửa hàng tôi, về uống không đúng
bệnh suýt chết. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ do người ta mách cho hắn không phải thứ
thuốc hắn cần. Ngẫu nhiên thôi chứ chẳng phải ác giả ác báo gì hết. Mới đây tôi
còn biết một trường hợp nữa đại loại như thế. Nếu các vị muốn, tôi sẽ kể.
Tất nhiên mọi người muốn. Ông cựu dược sĩ quân y sửa lại thế
ngồi cho thoải mái rồi bắt đầu.
*
Hắn ở khu Bách Khoa, trong căn hộ tập thể cách nhà tôi không
xa. Bố hắn chết sớm, bà mẹ về hưu non. Hắn còn đứa em gái học phổ thông. Bản
thân hắn chỉ học hết lớp mười rồi phải nghỉ để đi làm, sau này là trụ cột của
cả nhà. Hắn làm thợ nề tự do, kiêm nghề chỉ trỏ nếu có dịp. Có vẻ cũng kiếm
được, vì em hắn vẫn đi học và hắn còn dành dụm mua được chiếc xe cúp cũ. Hắn
rất ham đọc sách, sách văn học nghiêm túc chứ không phải loại kiếm hiệp rẻ
tiền. Tóm lại, so với những đứa khác cùng tuổi ở đây, hắn không đến nỗi nào.
Thế mà hắn đã vào tù một lần, mấy lần bị gọi ra đồn, và dưới con mắt chính
quyền là thành phần bất hảo. Do tuổi trẻ đua đòi, quấy phá thôi, chứ bản chất
hắn không xấu như tôi đã nói. Hắn bị tù vì bọn xấu rủ rê ăn cắp vật liệu xây
dựng công trường bên cạnh để tiêu xài nhậu nhẹt. Mà việc này xẩy ra cũng lâu
rồi. Bây giờ hắn tu chí lắm, không thấy gây gổ đánh nhau với ai. Hắn đã bước
sang tuổi hăm lăm, cái tuổi phải lo làm ăn, trước để nuôi mẹ và em, sau nữa để
còn lấy vợ. Có lẽ hắn thấm thía bài học mười tám tháng tù và đang quyết chí làm
người lương thiện.
Một tối nọ đi chơi khuya về, hắn phóng
xe nhanh trên đường Nguyễn Khát Chân mới mở, không hiểu thế nào va phải bà công
nhân vệ sinh đang gom rác trên đường. Bà kia ngã xuống đất, còn xe hắn chỉ
loạng choạng chút ít. Lúc ấy trời đang mưa, phố vắng người. Hắn đã định dừng
lại xem sao nhưng rồi phóng đi luôn. “Ngã thì dậy chứ quái gì. Đứng lại có khi
thêm rách việc”, hắn vừa đi vừa nghĩ, thực sự tin bà kia cùng lắm chỉ xây xát
chút ít.
Đêm ấy hắn cũng thoáng băn khuăn một
tí về chuyện này, nhưng sáng hôm sau thì đã hầu như quên hẳn. Và rồi các vị
biết không, chỉ hai ngày sau chính mẹ hắn bị một thằng choai choai phóng xe
đánh võng húc ngã ở đường Bạch Mai khi bà đi chợ Mơ về. Lại giữa ban ngày ban
mặt lúc phố đông người. Người ta hô hoán, có ông xe ôm còn phóng rượt theo
nhưng nó chạy mất. Bà già bị gãy chân, đưa vào bệnh viện bó bột mấy hôm rồi về
nhà, phải nằm một chỗ hàng tháng trời.
- Các vị thấy chưa! - ông Cao Lý Tưởng
kêu lên, gần như sung sướng. - Đấy, cứ bảo là không có chuỵện ân oán nữa đi.
Ông dược sĩ chờ mọi người im lặng trở
lại:
- Tùy các vị cho thế nào cũng được.
Tôi chỉ kể sự việc thôi. Phải nói thêm là thằng cha tôi đang kể đây rất thương
mẹ. Lại còn sợ nữa. Hắn chẳng bao giờ dám trái ý bà điều gì. Vì vậy dễ hiểu hắn
tức giận thế nào cái thằng choai choai đâm mẹ hắn gãy chân rồi bỏ chạy ấy. Hắn
thề sẽ tìm bằng được để trị tội. Hắn phác họa trong đầu kế hoạch thực hiện điều
này. Tôi dám chắc nếu tìm được, thế nào cũng có án mạng.
Một hôm đang
nghỉ trưa, hắn bật ti-vi đúng lúc người ta phát bài phóng sự về những nỗi cực
nhọc và nguy hiểm của công nhân vệ sinh đường phố. Hắn định chuyển sang kênh
khác thì chợt dừng lại vì thấy nói về trường hợp một bà quét rác bị ai đó đâm
xe ngã rồi bỏ chạy, bị thương nặng phải vào bệnh viện. Tôi nghĩ có người trong
số các vị đã xem chương trình này. Chỉ cách đây vài tháng thôi. Quả đúng một trường
hợp rất thương tâm. Vì làm hợp đồng nên bà ta không có bảo hiểm y tế và phải
chi trả mọi khoản thuốc men và viện phí, trong khi ông chồng thất nghiệp, lại
kèm theo ba đứa con còn nhỏ. Bài phóng sự nói rõ ngày giờ, địa điểm xảy ra tai
nạn, cả việc hiện công an đang truy tìm thủ phạm.
Hắn lặng người khi nghe tin này. Tối
đến, hắn hồi hộp chờ xem phát lại lần nữa. Sau đó, các vị biết không, hắn bắt
đầu rơi vào trạng thái ta thường gọi là lương tâm cắn rứt, hối hận hay đại loại
như vậy. Thì tôi đã nói hắn bản chất không phải người xấu mà. Hắn ngơ ngác
không biết phải làm gì. Hắn nghĩ đến chuyện ra trình công an, nhưng liền gạt
ngay ý nghĩ đáng khen đó vì sợ phải vào tù. Vả lại hắn không thể vào tù lúc
này. Cuối cùng hắn quyết định phải bằng mọi giá giấu việc hắn là thủ phạm, và
tìm cách giúp đỡ bà kia. Cách nào thì hắn chưa biết, nhưng phải giúp.
Hắn
tìm đến bệnh viện và thấy bà ta thực sự đang ở trong tình trạng rất nguy kịch.
Bà ta ngã nhẹ nhưng đầu va phải gờ đá vỉa hè, bị chấn thương sọ não đang hôn mê.
Bên cạnh là hai đứa trẻ mười và tám tuổi vừa thút thít khóc vừa gặm bánh mì.
Chiếu cố hoàn cảnh, bệnh viện tạm ứng tiền thuốc men, sẽ yêu cầu cơ quan thanh
toán sau. Một tuần trôi qua mà hắn vẫn chưa biết phải giúp nạn nhân của hắn thế
nào. Nếu có tiền, hắn sẽ tìm được cách đưa cho gia đình bà ta mà không bị phát
hiện. Khốn nỗi tiền là cái hắn không có và hiện đang rất cần, để nuôi cả nhà và
thuốc thang cho mẹ hắn. Bán xe? Không được. Hắn đang làm phụ xây tận Đức Giang,
hơn mười cây số. Mà rồi hắn biết có bán cũng chẳng được bao nhiêu. Tuần sau hắn
tới bệnh viện thì nghe nói bà kia đã chết trước đó hai ngày.
Bây giờ thì hắn hoảng hốt thực sự. Hắn
đã là một tên giết người. Giết người chứ không phải trộm cắp vặt hoặc gây gỗ
đánh nhau như trước. Hắn nghĩ tới chuyện ân oán mà ớn lạnh dọc xương sống. Hắn
sợ mẹ hắn sẽ chết. Mạng đòi mạng mà. Hắn đâm xe vào người ta, mẹ hắn bị người
ta đâm xe. Nay người ta chết thì có thể mẹ hắn cũng sẽ chết. Không. Phải làm
sao để chuyện này không xẩy ra. Hắn đã giết bà kia, không thể chính hắn lại
giết mẹ. Hắn suy nghĩ lung lắm, luôn thẫn thờ cứ như người mất hồn. Cùng một
lúc cả dằn vặt lẫn sợ hãi đang ám ảnh, thôi thúc hắn phải làm cái gì đấy.
Một
cách khôn khéo, hắn đến bệnh viện dò hỏi được địa chỉ bà quét rác nọ. Đó là một
căn nhà cấp bốn tuềnh toàng sát bờ sông Tô Lịch luôn bốc mùi thum thủm. Hắn
thận trọng đứng từ xa nhìn vào.
Nhà
không cổng, cửa lại mở toang hoang nên hắn nhận ra ngay hai đứa bé đã gặp ở
bệnh viện. Đứa nhỏ đang khóc, không hiểu vì sao. Còn đứa lớn thì lúi húi trong
bếp, khói bốc mù mịt. Bố chúng không có nhà. Thoáng nhìn, hắn biết trong nhà
không có gì đáng giá. Ngay sát chiếc giường ọp ẹp là giá thờ với tấm ảnh của
ngưòi xấu số và mấy que hương đã tắt. Hắn tự hỏi không hiểu ông chồng bà ta là
người thế nào, nhưng đoán chắc chẳng ra gì một khi không kiếm nổi việc làm nuôi
vợ con. Không khéo lại là tay cờ bạc, nghiện ngập hoặc vũ phu cũng nên. Hắn thấy
tội cho mấy đứa nhỏ. Chưa chắc chúng đã được ăn hàng ngày.
Hắn
ra ngồi trong quán nước gần đấy, lân la hỏi thêm cho rõ. Đúng như hắn đoán, mấy
đứa trẻ đang đói. Số tiền ít ỏi cơ quan cũ mẹ chúng giúp đỡ chẳng kéo dài được
bao lâu. Cũng may ông bố không phải người xấu, chẳng nghiện ngập gì, chỉ tội
hơi đần và hay đau ốm. Trước còn dựa vào vợ, nay vợ chết, đói quá phải bò đi
kiếm cái ăn bằng cách nào có trời mới biết.
Vốn
tìm đến đây chưa có mục đích cụ thể nào trong đầu, giờ hắn ngồi thần người, cảm
thấy cái tội của hắn thật lớn. Hắn không chỉ giết chết người vợ, mà còn có thể
đẩy người chồng vào con đường tội lỗi, và quan trọng nhất là bắt mấy đứa con họ
phải nhịn đói. Cuối cùng hắn đứng dây. Như người mộng du, hắn lửng thửng quay
lại ngôi nhà kia. Hắn cho tay vào túi quần. Còn đúng mười nghìn. Hắn mân mê mấy
tờ giấy bạc nhàu bẩn trong tay, rồi bất ngờ với cả chính mình, hắn chọn lúc hai
đứa bé quay mặt vào bếp, vứt tiền vào sân rồi bỏ đi. Lúc đầu hắn cố đi bình
thường để khỏi gây nghi ngờ. Rồi hắn bước nhanh, dáng sợ sệt và vội vã như một
tên ăn trộm.
Sau
đó tuần nào hắn cũng đến để lén lút ném tiền vào nhà người ta theo cách ấy.
Tháng đầu hắn đến vào ban ngày, sau sợ lộ chuyển sang ban đêm. Chỉ phóng xe đi
ngang rồi ném tiền vào. Thế thôi. Thường chỉ dăm nghìn, nhưng cũng có khi mấy
chục. Hắn đoán bố con ông kia phải ngạc nhiên lắm khi mỗi sáng dậy lại thấy
tiền ai "đánh rơi" ngoài sân nhà mình. Nhưng đang đói thế, chắc họ
chẳng ngạc nhiên lâu.
Cuối cùng cái phải đến đã đến. Không còn cách nào khác, hắn
bán chiếc xe dẫu cà tàng nhưng vô cùng cần thiết ấy của hắn, với giá ba triệu
rưỡi. Hắn chỉ dám chi một trăm nghìn mua chiếc xe đạp cũ để đi làm. Hắn để
riêng một triệu giúp gia đình người kia, còn lại hắn dành vào việc thuốc thang
cho mẹ và những thứ tối cần thiết trong nhà. Sau khi bán xe, hắn cũng tự thưởng
cho mình hai vại bia hơi và một bao Vina mà đã lâu hắn không dám mơ tới.
Một
thời gian sau mẹ hắn lành chân và đã có thể tập tễnh ra hè phố bán trà thuốc như
trước. Hơn hai triệu đồng hắn định để dành chi dùng cho gia đình không ngờ lại
hết trước số tiền hắn cất riêng cho mục đích sám hối. Nhưng tuyệt nhiên hắn
không động tay lấy một đồng nào từ đấy, vậy mà nó cũng chỉ đủ cho hắn kéo dài
được mấy tháng.
Một
hôm hắn chẳng còn tiền để vứt vào nhà kia nữa. Mà hắn thì không thể ngừng việc
này được, phần vì cảm thấy vẫn còn trách nhiệm giúp đỡ, tất nhiên không phải
suốt đời, nhưng lâu chừng nào hay chừng ấy, phần vì hắn sợ nếu thôi, có thể mẹ
hắn sẽ ốm trở lại hoặc thậm chí chết. Rủi nữa, việc làm của hắn dạo này lại hôm
có hôm không, nên hắn gần như tuyệt vọng.
"Phải
làm gì bây giờ?" Câu hỏi ấy cứ bám lấy hắn suốt mấy ngày liền mà không sao
tìm được câu trả lời. Chợt một ý định xuất hiện. Lúc đầu chỉ thoáng qua như một
sự điên rồ bị hắn xua đuổi ngay, nhưng nó cứ quay lại và mỗi lúc một rõ nét
hơn. Cuối cùng thì hắn quyết định dứt khoát: Phải ăn trộm! Không còn cách nào
khác. Ăn trộm để có tiền giúp mấy đứa trẻ kia. Đúng thế, hắn sẽ không đụng tới
một xu trong số tiền ăn trộm được vì bất kỳ mục đích nào khác, cho hắn cũng như
gia đình. Ăn trộm một vố thật lớn rồi thôi, thôi vĩnh viễn như trước đây hắn
từng thề với mình. "Ngộ nhỡ bị bắt thì sao? Thì coi như mình đi tù thay
cho việc làm bà kia chết. Sẽ không khai, nhưng tự biết như thế. Đời có ân có
oán, mình làm mình chịu. Mình chịu còn hơn để mẹ chịu!"
Hắn
nghĩ thế và bắt đầu các khâu chuẩn bị cần thiết để hành động. Hắn sẽ rất thận
trọng, quyết không để bị bắt. Và hắn đã gặp may. Chọn đúng giờ ít ai ngờ nhất -
bảy giờ tối, khi mọi người đang ăn cơm, - hắn đột nhập vào một ngôi nhà cạnh
đấy được theo dõi từ trước, cậy tủ lấy gần chục triệu đồng và một cây vàng tấm
còn nguyên giấy bọc nhựa trong suốt. Hắn lách ra khỏi nhà kia cũng nhẹ nhàng,
chẳng bị ai phát hiện như khi vào.
Một
chốc sau hắn thở dài nhẹ nhõm đạp xe đi giữa phố, thầm nhẩm tính số tiền vừa
trộm sẽ giúp được gia đình nạn nhân hắn trong bao lâu, với mức trăm rưởi, vài
trăm nghìn đồng một tháng chẳng hạn. Hắn không muốn đưa nhiều một lúc, dù làm
thế sẽ tiện hơn cho hắn, vì sợ ông bố ngù ngờ kia cậy nhiều tiền lại hoang phí,
rốt cục con vẫn không có gì ăn. "Mà dạo này sao chẳng thấy lão đi làm đâu
cả, - hắn nghĩ. - Cứ suốt ngày ở nhà chờ người ta ném tiền vào sân cho mình.
Sau lần này thì phải tự lo mà sống nhé. Không ai nuôi báo cô suốt đời được
đâu..."
Đúng
lúc hắn vừa đi vừa nghĩ như thế thì bỗng ai đó phóng xe máy ngang qua, quệt vào
xe hắn, làm hắn ngã xuống đường. Nhẹ thôi. Chỉ xây xát chút ít ở khuỷu tay và
tự hắn đứng dậy được ngay sau đó. Người kia, một thanh niên trạc tuổi hắn, vẻ
ngoài tử tế, cho xe dừng lại xem có gì nghiêm trọng không. Thấy không sao, thay
cho câu xin lỗi, anh ta văng một câu: "Lần sau nhớ đi cẩn thận, con
nhé!"
Từ
ngày mẹ bị xe đâm, hắn đã vô cùng căm thù những tay phóng ẩu. Bây giờ nghe thế,
hắn lộn ruột, vội nhảy xổ vào người kia, đấm đá túi bụi trong cơn điên khùng
không kiềm chế được. Chỉ loáng sau, những kẻ hiếu kỳ đã bu kín xung quanh. Rồi
công an đến, đưa cả hai về đồn.
Lúc
này hắn mới nhận thấy hắn đã phạm một sai lầm nghiêm trọng thế nào. Người đâm
xe được thả ngay sau vài lời cảnh cáo, còn hắn thì bị giữ lại, vì người ta thấy
có vàng và tiền trong người hắn, kẻ từng có tiền án, tiền sự...
*
Kể
đến đây, ông cựu dược sĩ quân y dừng lại, đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi nói:
-
Bây giờ thì các vị tha hồ mà kêu lên rằng đời này có báo ân báo oán nhé.
-
Tất nhiên. - Ông Cao Lý Tưởng hùng hổ
nói. - Còn ông thì không chắc, sau khi chính ông kể câu chuyện này, một câu
chuyện nghe như bịa nhưng cũng có thể xẩy ra lắm. Rồi sau đó thì sao?
-
Sau đó tôi được mời ra đồn công an.
-
Ông? - mọi người nhao nhao hỏi. - Sao lại dính ông vào chuyện này?
-
Đơn giản thôi, - người kể chuyện thong thả đáp, có vẻ như cố tình kéo dài để
mấy người kia phải sốt ruột. - Vì hắn ăn trộm nhà tôi, là điều khiến tôi ngạc
nhiên. Xưa nay hắn có vẻ quí tôi và thường qua nhà tôi mượn sách. Cũng có thể
vì thế mà hắn biết tôi cất tiền ở đâu. Nếu theo cách lập luận của các ông thì
tại sao tôi đối xử tốt với hắn mà lại bị hắn ăn trộm? Chính tôi cũng băn khuăn
điều đó, vì như đã nói, tôi vẫn luôn nghĩ hắn là người tốt, nên ở đồn công an,
tôi yêu cầu được gặp riêng với hắn một chốc. Hắn đã thành thật kể tất cả những
gì tôi vừa cho các vị biết.
-
Nghe cứ như trong tiểu thuyết ấy nhỉ ? - Ai đó xen vào.
-
Rồi tôi phịa chuyện nói với công an rằng hắn là cháu xa của tôi, rằng hắn tới
vay tiền tôi mua xe máy nhưng vợ tôi không cho nên mới nông nổi làm bậy, và
rằng bây giờ tôi bảo lãnh, xin tha cho hắn về giáo dục trong gia đình.
-
Sau rồi sao?
-
Chẳng sao cả. Tôi lấy lại cây vàng, đưa cho hắn mười triệu kia để làm nốt công
việc sám hối của hắn. Bảo cho vay, khi nào có thì trả. Tôi tin hắn sẽ trả, mà
không trả được cũng chẳng sao. Vì cái việc ấy mà hắn dám liều mình ăn trộm để
có thể bị vào tù lần nữa, thì với tôi, mười triệu đồng cũng không lớn lắm.
Để
kết thúc câu chuyện của mình và cũng là đề tài tranh luận của mấy ông bạn già,
ông cựu dược sĩ quân y nói thêm, vẻ triết lý:
-
Tóm lại, tôi không tin mà cũng chẳng phủ nhận chuyện có hay không ân oán ở đời.
Tôi chỉ nghiệm thấy rằng nếu mình sống ngay thẳng, làm được điều gì đấy tốt cho
đời thì lòng mình sẽ thanh thản. Đó là sự báo ân lớn nhất theo cái nghĩa các vị
nghĩ. Nếu muốn, hôm nào tôi giới thiệu hắn với các vị. Dạo này hắn khá lắm. Khá
lắm!
Hà
Nội, 6.3.2001
No comments:
Post a Comment