Truyện ngắn.Thái Bá Tân
Phố Diều nằm dưới chân núi Mã
Sơn, cách khoảng một cây số về phía nam là sông Kinh Hải mỗi năm chỉ có nước
mấy tháng vào mùa mưa, còn quốc lộ Hai thì đúng năm mươi cây số về phía bắc. Nó
cũng buồn tẻ, ngái ngủ và nghèo như hầu hết các thị trấn khác của vùng ấy, thời
ấy. Dấu vết văn minh duy nhất nhìn thấy được là ngôi nhà hai tầng duy nhất, mái
ngói, tường sứt loang lỗ, và một nhà thờ công giáo nhỏ kiến trúc kiểu gô-tich,
phía trước có tượng Đức Chúa với cánh tay giơ cao bị gãy ở khuỷu. Ngôi nhà thì
chẳng biết ai xây và để làm gì, lúc ấy nó bỏ không do tranh chấp gì đó, còn nhà
thờ là nơi đi lễ của cả thị trấn vì ở đây ai cũng theo đạo. Nghe nói nó được
xây đã lâu, từ thời cha truyền đạo người Pháp Moris Dubois tới đây. Bây giờ bên
trong còn có tấm biển đồng ghi tên cha.
Hôm ấy là một ngày cuối năm
1946, trời gió và lạnh. Cả thị trấn trung du bé nhỏ này suốt tuần bị chìm trong
màn sương mù ẩm ướt vì mưa phùn lất phất. Cả ngọn núi kề bên cũng biến mất, chỉ
còn lại một mảng mờ mờ đen trên nền trời xám đục. Bình thường vốn rất yên tĩnh,
bây giờ bốn xung quanh hầu như không có tiếng động nào trừ tiếng những giọt
nước lớn từ mái nhà đều đặn và thong thả nhỏ xuống chiếc chậu đồng.
Chợt có tiếng gì ì ì xa xa.
Tiếng kêu ấy mỗi lúc một to, chẳng mấy chốc thành tiếng phành phạch nghe rất rõ
trên đầu. Máy bay bà già Pháp. Nó lượn một vòng rồi bay đi. Gần đây thỉnh
thoảng nó vẫn xuất hiện, không biết để làm gì.
“Thế là lại đánh nhau rồi!”
Ông già đặt mạnh chén nước xuống chiếc sập gụ đang ngồi, không ra nói với mình,
cũng chẳng phải với người bên cạnh là con trai ông, một thanh niên ăn bận kiểu
tân thời. “Khốn khổ cái đất nước mình. Chẳng có lấy một ngày yên ổn mà làm ăn”.
“Con e đúng thế thật”, người
thanh niên nói. “Và con phải đi thôi. Như người khác. Thị trấn mình đã mấy đứa
đi. Hôm qua có ông ở tỉnh đội lại về tuyển quân. Con đăng ký rồi...” Anh im
lặng nhìn bố thăm dò rồi nói tiếp: “Giờ con xin phép bố”.
Ông già vốn là quan tri huyện cáo
chức về quê đã ba năm do không được lòng cấp trên và cũng do cả buồn chán với
thời cuộc. Hơn thế, ông còn có lý do riêng để chán cả người Pháp lẫn triều
đình. Cuộc cách mạng vừa rồi ông đón nhận chẳng hào hứng nhưng cũng không thờ
ơ. Ông chỉ im lặng quan sát. Một sự thay đổi to lớn, thay đổi ghê gớm. Mà có
thay đổi đã là tốt rồi. Chưa biết sẽ thế nào nhưng ông thích cái khái niệm nước
nhà độc lập, dân mình tự do, không còn thằng nào ngồi trên đầu nữa. Nhưng bây
giờ cái độc lập tự do ấy đang bị đe dọa.
Ông ngồi im khá lâu, mắt đăm
đăm nhìn ra ngoài, nơi mưa bụi vẫn giăng mờ mịt.
“Ừ, con muốn thì cứ đi, bố
chẳng giữ. Cái chí làm trai là gặp khi đại sự phải dám xông pha nơi hòn tên mũi
đạn”. Cuối cùng ông lên tiếng, giọng nhỏ nhẹ như thường ngày. “Có điều chuyện
con Mẫn con định thế nào?”
Mẫn là cô gái hàng xóm, người
yêu con trai ông, nhà nghèo nhưng đẹp người tốt nết, và ông đã đồng ý cho hai
đứa lấy nhau. Cô mới học hết lớp nhất, còn anh đã có bằng tú tài. Nhưng bù lại,
cô có giọng hát rất hay, và anh yêu cô chủ yếu vì giọng hát hay ấy, đặc biệt
khi cô hát bài dân ca “Dải yếm đào”.
Chuyện bắt đầu từ đợt nghỉ hè
cuối cùng, khi anh ngẫu nhiên nghe cô hát ở hội
làng Lót. Cô là thành viên chủ lực của phường hát nghiệp dư thị trấn.
Anh nghe rồi mê luôn. Suốt đời sống ở thành phố, nay bỗng nhiên anh mê dải yếm, cả dải yếm trong bài hát lẫn dải
yếm cô đang mặc, không phải màu đào mà đỏ tươi, trên nền chiếc áo nâu, váy đen
và chiếc khăn thắt lưng màu xanh sáng. Sau này về đây ở hẳn, anh còn nhiều lần
tham gia cùng phường, chủ yếu để được gần cô và cũng để mọi người biết họ yêu
nhau, đừng anh nào léng phéng tán tỉnh.
“Con nghĩ sau về rồi cưới cũng
được. Chắc chỉ vài năm thôi. Coi bộ bây giờ thằng Pháp cũng yếu lắm rồi”, anh
nói.
“Tùy con”, ông già đáp, rồi
ngả người lên đống gối dày sau lưng, mắt lim dim. Ông vẫn làm thế khi muốn chấm
dứt câu chuyện.
Bên ngoài mưa như có vẻ đã
bớt, phía Mã Sơn thậm chí còn để lộ một vúng trời sang sáng.
Đúng một tuần sau anh lên
đường, qua ngả Thái Nguyên rồi lên thẳng chiến khu, nơi anh được sung vào một
trung đoàn mới thành lập do ông Hoàng Văn Việt chỉ huy. Ông này về sau thành
anh hùng, được quân Pháp gọi là “Con hùm xám đường số Sáu”. Bản thân anh cũng
lập nhiều chiến công, trong chừng mực nào đó cũng là người nổi tiếng.
Hôm ấy anh ra đi thật nhẹ
nhàng, lâng lâng với bài “Dải yếm đào”
cô Mẫn hát tặng đêm trước, có thay lời chút ít
cho hợp tình hợp cảnh.
Dải yếm đào em tặng
anh, í í à
Em tặng anh dải yếm
đào.
Như cánh diều màu đỏ
Đang bay cao trong
gió,
Em tặng anh dải yếm
đào, í í à,
Dải yếm đào em tặng
anh...
Dải yếm ấy cùng bài hát ấy đã
theo anh suốt cả cuộc đời, Nó động viên, khích lệ anh, nâng anh lên, đến mức
nhiều khi anh thấy không phải dải yếm màu đỏ của người yêu, mà chính anh đang
bay trên cao như cánh diều giữa trời xanh bát ngát.
Vâng, hôm ấy anh ra đi trong
tâm trạng như thế, có thể nói vô tư, thanh thản, trừ một điều làm anh thoáng
buồn và suy nghĩ. Nhưng còn trẻ, lại đang háo hức vì lý tưởng, anh chẳng suy
nghĩ nhiều về nó và chỉ mấy ngày sau đã quên
hẳn.
Số là một hôm, sau khi trở về
từ cuộc hẹn người yêu dưới chân núi Mã Sơn, anh thấy bố anh đang tranh luận
chuyện gì đấy có vẻ quan trọng lắm với ông chủ tịch kháng chiến của thị trấn.
Ông này vốn trước cũng làm ở huyện phủ, dưới quyền cha anh, sau theo cách mạng.
“Tôi đề nghị các anh xem lại
việc này có thật cần thiết không”.
Đứng ngoài cửa, anh nghe rõ
từng tiếng bố anh đang nói, to hơn ngày thường.
“Cần, - ônh chủ tịch đáp dứt
khoát. - Và đây là chủ trương của trên, chỉ thực hiện chứ không tranh luận”.
“Nhưng nó phi lý và ngu ngốc!
- Ông già còn cao giọng hơn trước. - Không đâu tự dưng châm lửa đốt nhà mình,
làng xóm mình, thị trấn mình. Mà thử hỏi để làm gì?”
“”Để kẻ thù có đến đây cũng
không sống được. Tiêu thổ kháng chiến, bác không hiểu à? Cả thị trần mình sẽ ra
vùng tự do. Trước khi đi sẽ đốt hết, tuyệt đối không chừa lại cái gì. Một hạt
thóc cũng không. Một túp lều cũng không. Chủ trương trên là thế, và chúng ta sẽ
thực hiện”.
“Bao giờ?”
“Cụ thể thì tôi chưa biết,
nhưng sớm muộn sẽ làm”.
“Đã chắc gì quân Pháp về đây?
Mà có về đã chắc gì chúng cần mấy ngôi nhà ọp ẹp của thị trấn này? Chắc gì
chúng sẽ đốt mà bây giờ mình phải đốt trước?”
Ông chủ tịch kháng chiến không
đáp. Bố anh nói thêm:
“Theo cách suy luận của anh,
hay của cấp trên cũng thế, thì dễ chừng ta phải phóng lửa đốt cả Hà Nội, Hải
Phòng và Nam Định chắc? Đốt cả đất nước này, trừ một vài vùng gọi là tự do? Thế
ngộ nhỡ chúng lên được vùng tự do, ta cũng đốt luôn nó?”
Ông kia nghe chừng đuối lý:
“Tôi không biết, nhưng đó là
chủ trương của trên. Thế bác nghĩ tôi sướng lắm khi phải đốt nhà mình, nhà bác
à?”
Anh lẳng lặng bỏ ra ngoài, đi
báo cho cô Mẫn cái tin kinh khủng kia. Lúc đầu thoạt lo lắng, nhưng rồi vốn vô
tư, họ nghĩ đấy chỉ là một ý tưởng điên rồ và sẽ không bao giờ được thực hiện.
Thời đó, trong cơn bôc đồng của cách mạng, không hiếm những ý tưởng tương tự.
*
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể
từ ngày ấy. Anh thanh niên phố Diều từ lâu đã là một vị tướng, một nhà chỉ huy
quân sự được nhiều người biết đến. Ông đang sống nốt những năm tuổi già cùng vợ
con và bầy cháu đông đúc ở Sài Gòn, và suốt chừng ấy năm ông không một lần quay
lại thị trấn Diều. Vâng, không một lần. Đơn giản vì trên đời không còn cái thị
trấn ấy nữa. Nó đã bị người ta đốt trụi theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến
của Việt Minh. Không sót một ngôi nhà, không còn một hạt thóc.
Điều khủng khiếp ông và cô Mẫn
của ông nghĩ sẽ không xẩy ra ấy đã xẩy ra, hơn thế, lại rất nhanh. Một năm sau
khi rời nhà, đang tập huấn ở Tuyên Quang, ông nhận được tin phố Diều bị xóa sổ.
Trước đấy nửa năm, vào tháng Tư 1947. Ông chủ tịch ủy ban kháng chiến thị trấn
chỉ huy việc này. Chính tay ông châm lửa đốt nhà mình, châm lửa đốt nhà anh vì
không ai chịu làm điều đó khi ông cụ chủ nhà vẫn bướng bỉnh ngồi yên trên chiếc
sập gụ của mình và không chịu rời khỏi ngôi nhà. Có lẽ nó lớn và đẹp nhất trong
cả thị trấn. Năm gian nhà ngói kiểu cổ, gỗ lim vững chắc, tường gạch hai lớp,
có hiên và hai chái rất rộng. Khi lửa bốc cháy đùng đùng, lại chính ông chủ
tịch liều mạng chạy vào bế ông ra. Chẳng bị thương gì nhưng sau đó bố ông ngả
bệnh rồi chết. Cũng lao vào nhà theo ông còn có cô Mẫn, nhưng cô chưa tới được
chỗ bố chồng tương lai thì một thanh vằng rơi đúng đầu và chết. Chết cháy.
Kể từ hôm nhận được tin này,
suốt một thời gian dài ông như người mất hồn, trong ngực nóng ran như có ngọn
lửa to thiêu đốt. Rồi ông cố quên, mà thật lạ, hình như ông cũng dần dần quên
được, quên cái cảnh cả phố Diều cùng ông bố và người vợ chưa cưới của ông bị
thiêu cháy. Nghe kể lại thì lúc ấy cô mặc chiếc yếm đỏ, áo nâu, váy đen thắt lưng
xanh. Thỉnh thoảng, chỉ thỉnh thoảng
thôi, vào lúc đêm khuya, ông lại nhớ đến phố Diều, hai mắt mở to, rưng rưng
nhìn vào bóng tối. Ông hình dung rất rõ cảnh cô Mẫn cùng chiếc yếm, chiếc áo và
váy đang quằn quại cháy lụi trong ngọn lửa ấy.
*
Mãi đến năm 1955 người phố
Diều mới lục tục trở về quê. Dần dần một thị trấn mới hình thành, không hẳn
trên nền cũ mà chệch chút ít về phía đông. Nó được đặt tên là Thanh Hoa, phần
lớn gồm dân tứ xứ từ một nông trường quốc doanh gần đó, lại toàn người trẻ nên
không nhiều người biết được cái chết thảm thương của phố Diều. Suốt mấy thập kỷ
liền Thanh Hoa vẫn là thị trấn hẻo lánh, nghèo nàn và ngái ngủ, cho đến những
năm đổi mới gần đây mới phát triển, bung ra, cao lên để phô cái tự phụ kệch cỡm
của mình. Duy chỉ có một cái không thay đổi, là núi Mã Sơn. Nó vẫn sừng sững
đứng chắn ở phía tây, dửng dưng một cách nhẫn tâm trước mọi bi kịch của những
con người bé nhỏ dưới chân nó.
Vị tướng già đang ở thị trấn
Thanh Hoa. Vì mặc thường phục nên không ai biết ông là một vị tướng, lại càng
không biết chính ông quê gốc vùng này. Ông mới đến chiều qua. May thị trấn có
nhà nghỉ, những ba chiếc, nên ông có thể ở lại vài ngày. Cháu con ông ngạc
nhiên, rồi cực lực phản đối khi biết ông, đúng vào lúc sức khỏe tồi tệ nhất,
bỗng có ý định ra bắc, lại đòi đi một mình. Chúng phản đối cả khi ông nói ra Hà
Nội thăm người bạn cũ. Nhưng rồi chúng phải lắc đầu đành chịu, vì biết không
chịu cũng không được. Không ai, cả chúng lẫn vợ ông, biết về sự tồn tại, chính
xác hơn, sự tồn tại trước đây của phố Diều.
Ông chủ tịch ủy ban kháng
chiến ngày trước còn sống, nay đã là một ông già chín mươi, nặng tai và lú lẫn.
Ông sống một mình với một con mèo và một con chó. Con mèo bỏ đi suốt ngày coi
như không kể. Còn con chó thì chẳng chịu đi đâu vì nó già, mắt kém, lại thêm
thói lười nên suốt ngày nằm bên chân chủ. Đến bữa, cháu ông ở phố bên được bố
mẹ sai mang cơm cho cả hai.
Đã định không, nhưng rồi không
hiểu thế nào, ông tướng vẫn quyết định tới thăm ông lão. Chỉ tò mò ghé thăm thế
thôi chứ chẳng có ý định gì. Nhưng câu chuyện không thành. Ông lão không nhận
ra ông, cả khi được nhắc ông là ai và bố ông tên là gì.
“Cháy à? Bác nói thị trấn này
đang có cháy à? - ông cựu chủ tịch kháng chiến thều thào vì cả hai hàm răng đã
rụng, nước dãi chảy thành dòng xuống cằm. - ờ ờ, ở đây thỉnh thoảng vẫn có
cháy. người ta bây giờ bất cẩn lắm...”
Khách chán nản đứng dậy, rút
từ ba-lô ra gói kẹo sữa. Ông lão đỡ bằng cả hai tay, rồi vội vã xé ra lấy một
chiếc cho vào mồm, quên cả bóc giấy. Nước dãi, lần này có thể là nước kẹo, chảy
ra nhơn nhớt.
Buổi chiều, núi Mã Sơn ngả
sang màu xanh sẫm. Không khí miền trung du ẩm lạnh và đặc quánh như sờ được
bằng tay. Ông tướng đang ngồi trên phiến đá cao, trân trân nhìn xuống phố Diều,
nay là thị trấn Thanh Hoa. Ông ngồi như thế đã lâu, dễ phải hơn một giờ đồng
hồ. Nét mặt ông vô cảm, nhưng cả lồng ngực thì nóng rực như bị thiêu đốt. Cả
thị trấn bé nhỏ hiền lành trước mặt đang bốc lửa rừng rực. Và trong ngọn lửa
ngu ngốc, khủng khiếp ấy, ông thấy, thấy rất rõ và cụ thể cả bố ông, cả cô Mẫn
cùng từng chữ, từng âm thanh một bài hát “Dải
yếm đào” của cô lặng lẽ cháy thành những lá tro xám trắng cong queo như khi
lá cây khô bị đốt. Gặp lửa, những câu từ ấy không còn là tiếng hát, mà là lời
kêu cứu, nhưng vì chúng quá yếu ớt và bé nhỏ nên không ai nghe thấy. Cả chính
ông lúc này cũng không, vì bản thân ông cũng đang bị thiêu cháy. Bị thiêu cháy
suốt cả mấy chục năm qua. Cả ông cũng muốn kêu to, nhưng kêu với ai và kêu nỗi
gì khi chính ông là một vị tướng, một nhà lãnh đạo đại diện cho kẻ đã ra lệnh
giết chết phố Diều, cũng là giết chết bố và vợ chưa cưới của ông. Cái mặc cảm
tội lỗi ấy suốt đời bắt ông im lặng.
Trên đường từ núi đi xuống thị
trấn, ông không ngạc nhiên khi không thấy trẻ con chơi diều, cái trò chơi một
thời phổ biến đến mức nó được đặt thành tên cho cả một thị trấn.
Ngôi nhà thờ của cha Moris
Dubois cũng là đối tượng của tiêu thổ kháng chiến. Thay vào chỗ nó bây giờ là
một nhà thờ khác xây qua quít, và nếu không có chiếc chữ thập bằng xi măng trên
nóc và bức tượng chúa Giê-su phía trước thì người ta có thể nghĩ nó là một nhà
kho hợp tác xã nông nghiệp thời cái loại hợp tác này chưa bị giải tán. Tay Chúa
không giơ cao lên trời như xưa, mà khoanh trước ngực. Nét mặt Ngài buồn buồn,
thậm chí cau có. Có thể vì người làm ra Ngài không đủ sức diễn cảm. Cũng có thể
Ngài buồn và đang bực mình thật.
Từ lâu không còn là con chiên
vì ông đã từ bỏ Chúa để thành người cộng sản, vị tướng già vẫn rẽ vào ngôi nhà
thờ - nhà kho ấy, với hy vọng lòng mình phần nào thanh thản trở lại.
Nhưng ông vội bước ra ngay, vì
khi ngước lên điện thờ, ông giật mình thấy cánh tay Chúa đang giơ cao bị gãy ở
khuỷu. Và cũng đang bốc cháy.
Hà
Nội, 27. 7. 2004
No comments:
Post a Comment