Truyện
ngắn. Thái Bá Tân
Khoảng chục năm
trở lại đây, trong xã hội dần dần xuất hiện và càng ngày càng đông thêm một lớp
người có thể nói đặc biệt và khá nổi bật. Đó là những nam thanh nữ tú làm việc
cho các văn phòng đại diện và công ty nước ngoài. Họ có trình độ, giỏi ngoại
ngữ, mặc những bộ đồng phục đẹp, suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh sạch sẽ
với đủ các thiết bị hiện đại. Họ ăn lương nước ngoài, cách cư xử, sinh hoạt
cũng phảng phất chất nước ngoài với nghĩa tốt của từ này. Ra đường, người ta dễ
nhận ra họ qua chiếc điện thoại di động thời thượng, chiếc cặp da, qua kiểu ăn
mặc - nam com-lê, ca-vat, đầu chải bóng, nữ bận váy bó nhã màu, son phấn vừa
độ. Họ nói năng lịch sự, có tiền mà không đua đòi mua sắm. Tóm lại, họ là dấu
hiệu đáng mừng của đất nước thời mở cửa và hội nhập, sự khởi đầu của một thế hệ
công chức mới mà những người thiện tâm thấy họ, không thể không lấy làm mừng.
Phi Hùng là một
người như thế. Anh làm việc cho đại diện một công ty luật nổi tiếng đã ba năm
nay, vừa được tăng lương thăng chức sau khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ở Mỹ. Anh đẹp
trai, da trắng, dáng thư sinh, lại có năng lực nên nhanh chóng trở thành đối
tượng mơ ươc của nhiều cô gái. Nhưng như phần lớn những người khác cùng địa vị,
anh vẫn sống một mình trong căn hộ thuê ở một chung cư hiện đại. Thoạt nhìn ít
ai ngờ chỉ mấy năm trước anh còn là một sinh viên nông thôn nghèo. Có lẽ chút
“chất quê” còn lại trong anh là tính bẽn lẽn, thật thà một cách dễ thương và ít
từng trải. Anh là người nhạy cảm, dễ xúc động, ít giao du và ít (hay không
biết) “ăn chơi”. Một người chỉn chu, nghiêm túc, chỉ chuyên tâm vào công việc.
Tóm lại, anh không thuộc loại “sành điệu”, cái thuật ngữ dành cho những người
trẻ tuổi biết chơi và chịu chơi.
Một chiều chủ
nhật nọ, đang đi giữa đường, Phi Hùng, con người nhút nhát và rất không sành
điệu ấy đã gặp một đại diện điển hình của giới ăn chơi sành điệu Hà Thành. Đó
là Long, bạn sinh viên cùng khóa, cùng lớp và cùng chia hai ngôi nhất nhì khi
tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Quốc gia. Sau đó hai người đi theo hai ngã
và cùng thành đạt theo cách riêng của mình.
Vốn thông minh
và có đầu óc kinh doanh, Long nhanh chóng từ bỏ công việc được coi là rất triển
vọng ở một cơ quan nhà nước để thành lập công ty riêng, tay trắng và không một
đồng vốn. Thế mà làm ăn phất, lúc đầu bằng môi giới, chỉ trỏ, rồi dần dần
chuyển sang kinh doanh, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Còn bây giờ thì đường
đường là giám đốc công ty Bình Long, chuyên nhập thiết bị xây dựng hạng nặng đã
qua sử dụng từ Hàn Quốc.
Như Phi Hùng,
Long vẫn độc thân, có thể vì mải làm giàu hoặc chưa tìm được ai vừa ý. Tuy
nhiên ở tuổi chưa đầy ba mươi, anh ta có vẻ quá già dặn trong đời trường và quá
sành điệu trong hưởng thụ. Bằng chứng là lớp da bì bì do thường xuyên hấp thụ
quá nhiều bia rượu và các chất béo bổ, đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ sau những đêm
nhậu nhẹt triền miên và cả bộ ria “a la
Fur” như Hitle được tỉa tót rất cẩn thận. Gần đây bạn bè đặt thêm cho cái
tên tương xứng với vẻ ngoài ấy - Long Mỡ. Long Mỡ là tip người khác hẳn cậu thư
sinh mảnh mai Phi Hùng.
- Lâu lắm mới
gặp nhau, chúng mình phải đi chơi một trận mới được. - Long Mỡ hồ hởi nói.
- Đi chơi? Chơi
gì?
- Cậu rõ tẩm.
Trước sinh viên khổ mãi, bây giờ có điều kiện phải “sành điệu” một chút. Chơi
gì cũng chiều. Tớ bao!
- Vấn đề không
phải tiền, - Phi Hùng có vẻ lúng túng. - Nhưng quả thực tớ không hiểu lắm. Mà
rồi cũng không có nhu cầu...
- Cậu vẫn cù
lần như ngày nào. Thôi được, cậu không thích em út thì ta đi ăn nhậu, nhưng
phải là thứ đặc biệt, đúng cách ăn nhậu của dân sành điệu.
- Tớ chưa thật
hiểu...
- Thì cứ đi,
khắc hiểu. Thôi, không dài dòng nữa. Nào đi!
Phi Hùng miễn
cưỡng đi theo. Họ từng là bạn thân với nhau, lại cùng quê. “Ừ thì đi cho biết,”
anh nghĩ, mặc dù không thích nơi đông người, bia rượu và những bữa ăn kéo dài.
Lúc ấy khoảng
bảy giờ tối. Long Mỡ đưa bạn đến một phố nhỏ ở khu trung tâm, ngoằn ngoèo mãi,
cuối cùng dừng lại trước một ngôi nhà cũ kỹ khuất trong hẻm mờ tối. Thấy bạn có
ý thắc mắc, anh ta nói ngay:
- Yên tâm. Tớ
đưa cậu đến nơi cần đến. Vào khách sạn Tây mà ăn nhậu chỉ phí tiền, dù ở đó rẻ
hơn nhiều. Đây là nơi dành cho giới chọn lọc. Chọn lọc, hiểu không ông tẩm?
Phi Hùng gật
đầu dù chẳng hiểu gì, rồi lặng lẽ bước lên một cầu thang gỗ hẹp. Anh nghe loáng
thoáng có người nói với nhau bằng tiếng Tàu. Tầng hai hóa ra rất rộng, có nhiều
phòng nhỏ riêng biệt. Một ông lùn bước ra, ngưòi béo mập, đầu hói nhẵn lấp lánh
dưới ánh điện màu hồng tù mù. Ông này chào Long Mỡ bằng tiếng Việt lơ lớ với sự
niềm nở chỉ dành cho những khách quen nhiều tiền, rồi dẫn hai người vào một
phòng khá tươm tất. Giữa phòng kê chiếc bàn phủ khăn trắng hồ cứng có để sẵn đồ
uống và chiếc lẩu bằng i-nốc sáng loáng.
- Hôm nay mình
ăn gì? - Phi Hùng tò mò hỏi.
- Chốc nữa sẽ
biết. Tất nhiên phải là món đặc biệt. Món ăn của vua chúa. Mà không phải vua chúa
nào cũng được ăn và ăn được. Ở Việt Nam chỉ hai nơi có món này, là đây và Quận
Năm Sài Gòn. Bây giờ cứ tự nhiên khai vị bằng các món phụ đã. Món độc chiêu ấy
chỉ được đưa ra vào cuối bữa tiệc. Đừng sốt ruột.
Hai người bắt
đầu nhâm nhi những thứ các cô gái Tàu, hoặc giả Tàu, mặc quần rộng áo chẽn màu
đỏ, liên tục mang lên. Họ ôn lại “một thời sinh viên gian khổ” hoặc nói chuyện
làm ăn hiện nay. Thời gian cứ thế trôi qua, có lẽ đã hơn một tiếng. Phi Hùng ăn
uống rất ít. Nếu không tò mò muốn biết cái món “độc chiêu của vua chúa” kia là
gì, chắc anh đã dục bạn về từ lâu. Chiếc lẩu i-nốc chưa được sử dụng vẫn kiên
nhẫn chờ trên bàn.
Cuối cùng thì
“nó” cũng đến. Với vẻ trịnh trọng duyên dáng, hai cô gái bê vào một chiếc cũi
nhỏ, bốn xung quanh che bằng kính trong suốt. Phi Hùng ngơ ngác không hiểu. Anh
cúi xuống nhìn thì thấy trong cũi có con khỉ lông vàng đã được tắm rửa sạch sẽ.
Chiếc cũi thấp, đè chặt nó xuống không cựa quậy nổi. Nắp cũi rất phẳng, cũng
bằng i-nốc sáng loáng, chính giữa có một lỗ hổng rộng, làm chỗ cho chỏm đầu con
khỉ (đã được cạo sạch lông) nhô lên, um um như chóp quả dừa.
- Cái gì thế
này? - Phi Hùng ngạc nhiên hỏi, lờ mờ đoán ra đôi điều. Anh lấy mu bàn tay lau
mồ hôi trán. Từ trong cũi, ở cái thế không thể cựa quậy nổi ấy, chắc con khỉ
biết trước tai họa sắp đến. Nó nhìn anh bằng đôi mắt van xin tha chết. Trong
đôi mắt ấy anh đọc thấy nỗi kinh hoàng và nỗi sợ không nói nên lời. Như đứa trẻ
yếu đuối, nó chắp hai bàn tay bé xíu đầy lông, liên tiếp vái lạy. Phi Hùng quay
mặt, khẽ kêu lên:
- Thả nó ra.
Trời ơi, thả nó ra! Cái quái gì thế này?
- Con khỉ và
chiếc cũi đựng nó, cậu thấy rồi đấy, thưa cậu tẩm. - Long Mỡ nói, không dấu vẻ
tự hào đắc thắng. - Hôm nay chúng ta sẽ dùng món óc khỉ tươi. Đúng kiểu Từ Hy
thái hậu ngày xưa chiêu đãi các sứ thần nước ngoài. - Rồi hắn giơ chiếc dao
Thái Lan to bản, mỏng dính ngang tầm chém, nghiêng ngươi và...
Người viết câu
chuyện này xin phép không đi vào chi tiết những gì xẩy ra sau đó, vì một việc
làm man rợ, một sự suy đồi đạo đức như vậy của những kẻ tự xưng sành điệu, xưa
hay nay cũng vậy, chỉ đáng bị chúng ta phỉ nhổ. Chỉ cần nói thêm rằng với vẻ
thích thú, điêu luyện, hắn liệng một nhát dao, và chóp sọ con khỉ tội nghiệp
bay ra, để lộ mớ óc trắng bầy nhầy. Trong tiếng kêu ai oán của con vật, Long
Mỡ, cũng thích thú và điêu luyện không kém, thản nhiên múc từng thìa nhỏ óc
khỉ, nhúng vào chiếc lẩu đang sôi rồi cho vào miệng ăn ngon lành. Trong suốt
thời gian ấy con khỉ vẫn sống, vẫn không ngớt kêu khóc mỗi lần hắn chọc thìa
múc óc nó. Điều này càng làm hắn thích thú và ăn ngon miệng hơn. “Bổ! Đại bổ
đấy! Nào, ăn đi cậu!” - hắn bảo Phi Hùng khi anh vừa nôn mửa vừa chạy về phía
cửa, nhưng cửa đã bị chốt từ bên ngoài. Cả điều này cũng làm hắn thích thú.
“Không sao. Rồi dần sẽ quen. Lúc đầu tớ cũng vậy. Ăn chơi phải tàn bạo, đúng
không? Nào, thử một tí. Nào...” Hắn dí chiếc thìa với chút óc bầy nhầy vào sát
miệng Phi Hùng. Anh ngả người về phía sau, mặt tái nhợt, thở không ra hơi và
đang định giang tay tát vào mặt hắn thì ngã xuống sàn, bất tỉnh trong tiếng
cười khả ố của thằng bạn.
*
Khi tỉnh dậy, Phi Hùng
ngạc nhiên thấy mình đang nằm trên chiếc đi-văng trong phòng khách căn hộ của
mình, vẫn nguyên quần áo và giày dép cùng mùi tởm lợm của thức ăn nôn ọe dính
trên đó. Anh rùng mình nhớ lại những gì vừa xẩy ra. Sự sợ hãi và kinh tởm khiến
anh không thể gượng dậy tắm rửa, thay quần áo hoặc xem đồng hồ. Anh đoán chắc
đã khuya. Xung quanh yên tĩnh khác thường. Không một tiếng động nhỏ. Không
tiếng muỗi vo ve. Không cả tiếng xe đều đều quen thuộc từ xa vọng lại như mọi
ngày. Anh nằm bất động rất lâu, miên man suy nghĩ tại sao người ta, cụ thể là
thằng bạn thân của anh, ít ra một thời từng thân, có thể “sành điệu” đến mức ăn
uống theo cách ghê tởm ấy. Hơn thế, người ta còn muốn kéo anh vào. Vì sao Long,
một thằng nhà quê chất phác như anh, một sinh viên giỏi, một trí thức, một nhà
kinh doanh thành đạt, lại trở thành người như anh thấy hôm nay? Vì sao anh ta
có thể làm nổi một việc như vậy? Đó là
tội ác, là thú tính, là phi đạo đức, là...
Bất
chợt Phi Hùng nghe có tiếng động rất khẽ. Hình như tiếng bước chân rón rén. Anh
chú ý lắng nghe. Không, không có gì thêm. Xung quanh vẫn là sự im lặng tuyệt
đối. Đầu anh ong ong, đau nhức. “Chắc mình tưởng tượng thế thôi. Cửa có chốt tự
động, đóng vào là tự khóa luôn. Không người nào, con vật nào, dù nhỏ, có thể
lọt vào được.” Yên tâm phần nào, vẫn ở tư thế nằm ngửa bất động, anh trân trân
nhìn lên trần nhà tối om và lại miên man suy nghĩ. Một chốc sau, tiếng bước
chân rất nhẹ và bí ẩn kia lại xuất hiện. Hơn thế, mỗi lúc một rõ hơn, nghe gần
hơn. Hình như nó đang bước lại chỗ anh nằm. Chắc chắn như vậy, không thể nhầm
được. Tim anh đập loạn xạ, các ý nghĩ như bị tê liệt. Lấy hết can đảm, anh
ngoảnh đầu nhìn về phía cửa ra vào, nơi có núm điện công-tắc đang đỏ hồng hồng
một cách yếu ớt. Tuy nhiên, trong căn phòng tối om nó cũng đủ sáng để anh nhìn
thấy một bóng đen nhỏ, thấp tròn đang di động chậm chạp. Gặp cái nhìn của anh,
nó dừng lại và chắc cũng đang chăm chú nhìn anh.
-
Ai đấy? - anh hỏi to. Không có tiếng đáp lại. Cái bóng đen bé nhỏ vẫn đứng im.
Rồi nó bước lại gần anh, một bên vai sệ xuống. Kiểu đi cà nhắc của người thọt
hoặc đau chân. - Ai? Ai đấy? - Anh kêu
to lần nữa, rồi trong cơn hoảng sợ tột độ, anh vùng dậy, chạy bổ về phía chiếc
công-tắc đèn.
- Ôi!..
Phi Hùng ôm mặt thảng thốt
khi dưới ánh đèn sáng rực chợt nhìn thấy một con khỉ nhỏ đang đứng trước mặt
mình. Chính con khỉ ở nhà hàng người Tàu. Con khỉ bị chém mất chỏm đầu với hộp
sọ bây giờ trống rỗng, và một chân, chân phải, đã bị chặt cụt gần hết cả bàn.
Nó không hề có vẻ dữ tợn, không có ý định làm hại ai, là điều khiến anh thấy đỡ
sợ. Nó chỉ đứng yên nhìn anh, cũng cái nhìn van xin ấy như ở nhà hàng, chỉ thêm
nỗi đau, nỗi đau của con vật tội nghiệp. Chỉ van xin và nỗi đau. Không có tức
giận hoặc trả thù. Nó vái anh mấy cái rồi chìa bàn tay để ngửa trước mặt, kiên
nhẫn chờ. “Nó xin mình cái gì chăng?” anh nghĩ. Bây giờ sự sợ hãi đã biến mất,
thay vào đó là lòng thương và nỗi đau, nỗi đau của con người đang hoảng sợ và
bất lực. Đau cho con vật bé bỏng bị con người bắt làm vật hy sinh để thỏa mãn
thú chơi đê tiện của mình. “Nhưng nó xin gì? Mình có thể cho nó gì ?”
Lúng túng và một cách vô ý
thức, Phi Hùng cho hai tay vào túi áo vét. Chiếc áo mới, là phẳng phiu và chẳng
bao giờ anh để gì trong túi, thế mà lúc này chúng hơi cồm cộm. Anh ngạc nhiên
lôi cái cồm cộm ấy ra, rồi ngay lập tức vứt chúng xuống sàn nhà. Một bàn chân
khỉ còn dính máu và phần chóp hộp sọ bị dao chém sắc gọn còn nguyên vẹn. Thì ra
như thể trêu anh thế chưa đủ, thằng Long Mỡ còn lén giấu vào túi áo bạn hai thứ
này để làm anh phải khiếp sợ lần nữa.
Trong khi anh bàng hoàng đứng
đờ người thì con khỉ nhanh nhẹn nhặt chóp sọ đặt lên đầu và chắp bàn chân cụt
vào chỗ cũ. Nó nhìn anh biết ơn, lạy ba cái rồi lặng lẽ đi ra khỏi phòng, chân
không còn cà nhắc. Chỉ lúc này anh mới nhận thấy cánh cửa đã bị mở từ bao giờ.
*
Ngày hôm sau Phi Hùng được
đưa vào bệnh viện. Sau đó một tháng thì anh bị chuyển tới một nhà thương điên
của thành phố. Điên nặng, đến mức người ta phải xích hoặc có chế độ giám sát
đặc biệt. Thế mà mấy lần anh khôn khéo trốn khỏi bệnh viện.
Từ một thanh niên có học dễ
thương, một công chức đầy triển vọng được bạn bè kính nể, trước sự ngạc nhiên
của mọi người, Phi Hùng bỗng trở thành một thằng điên quần áo rách rưới bẩn
thỉu, ăn bụi nằm bờ, lang thang hết nơi này đến nơi khác, khiến ai nhìn cũng
lấy làm ái ngại, đặc biệt các đồng nghiệp và những người quen biết.
Người ta ngạc nhiên nhận thấy
thằng điên này hay la cà bãi chợ để nhặt những chiếc mỏm gáo dừa, luôn quấy rầy
các cửa hàng thịt chó, năn nỉ xin chân chó. Hai thứ này, chẳng hiểu để làm gì,
nó kiếm được khá nhiều, chất đầy chiếc bị cói luôn đeo bên hông. Ai hỏi, nó
nhất định không nói, chỉ cười, nhe hàm răng trắng hếu. Nó cười mà trông như
khóc. Tội nghiệp.
Còn Long Mỡ thì sao? Hắn có ý
thức được rằng chính hắn và cái thói sành điệu tai ác kia của hắn đã đẩy bạn
đến nước này không? Có thể có mà cũng có thể không. Tính hắn hay quên, nhất là
quên việc hắn đã làm và các hậu quả của nó. Mà rồi cũng có thể hắn lập luận sự
việc theo cách riêng của mình. Nhưng một điều có thể xác minh được. Đó là việc
hắn cũng thương thằng điên này, một thời từng là bạn thân của hắn. Cụ thể là có
lần bất chợt gặp nó, hắn đã hào phóng đãi nó một bữa cơm bụi. Muốn ăn gì thì
ăn, sướng chưa! Lúc chia tay, hắn còn dúi cho nó mấy nghìn tiền lẻ, khiến thằng
kia mừng run, vừa đi vừa cười. Một nụ cười mếu máo.
Còn Long Mỡ thì đứng nhìn
theo, buông một câu:
- Cái thằng này
hóa ra thế mà độc đáo. Sống điên. Làm thằng điên. Sành điệu ra phết!
Hắn vẫn tiếp
tục làm ăn phát đạt. Vẫn đều đặn tham dự các hội nghị tuyên dương những nhà
kinh doanh trẻ. Nghe nói hắn còn là nhà từ thiện lớn. Thỉnh thoảng hắn vẫn đến
phố người Tàu kia, có lúc dẫn thêm bạn để khai sáng cho họ đôi chút về cái
thuyết ăn chơi sành điệu của hắn. Cũng có thể hắn đã làm nhiều người khác nữa
phát điên như Phi Hùng mà chúng ta biết.
Hà
Nội, 8.7.2002
No comments:
Post a Comment