Truyện
ngắn. Thái Bá Tân
Số
chủ nhật tuần vừa rồi, ở mục "Bà con hãy cảnh giác", báo "Tiếng còi" có đăng một tin như sau:
(trích)
"Ăn
cắp ở siêu thị, còn mạo danh là Việt Kiều trí thức!
Hôm qua, tại
siêu thị Bông Hồng, một phụ nữ trẻ đẹp, ăn diện lịch sự bị bắt quả tang giấu
trong người một bánh xà phòng camay, một bàn chải đánh răng oral-B và hai thỏi
son loại hồng nhạt do Xí nghiệp mỹ phẩm Sài Gòn sản xuất. Giá trị vật ăn cắp
không lớn, nhưng điều đáng chú ý là sau khi bị nhân viên bảo vệ phát giác, thị
tự nhận là Việt Kiều ở Pháp về thăm quê, cho xem cả hộ chiếu và còn giả bắt
chước tiếng Việt lơ lớ rất khéo. Khi được hỏi đã vậy sao còn ăn cắp những thứ
chẳng mấy giá trị này, thị ấp úng không trả lời được. Nhận thấy đây là trường
hợp đáng ngờ, không loại trừ khả năng có âm mưu bôi nhọ uy tín đồng bào ta ở
nước ngoài để phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của nhà nước, người quản
lý cửa hàng đã đưa thị tới đồn công an. Tại đây, khám người thị, người ta phát
hiện thấy có nhiều ngoại tệ và những tờ ngân phiếu giá trị lớn. Những lời khai
của thị rất mâu thuẫn và phi lý, khiến nhà chức trách không thể không nghi
vấn.. Theo yêu cầu thiết tha của đương sự, và cũng để giúp nhà chức trách làm
rõ vụ việc, chúng tôi chưa cho đăng ảnh cũng như chưa nêu rõ đích danh tên tuổi
kẻ ăn cắp kỳ cục đó"
Hiện
tượng ăn cắp ở siêu thị hiện khá phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng.
Nhiệm vụ của những tờ báo như "Tiếng
còi" là phải kịp thời thổi còi báo động, góp phần ngăn chặn nó. Công
bằng mà nói, có lẽ cả tờ báo lẫn người đọc sẽ chẳng quan tâm mấy đến một vụ ăn
cắp trị giá ba bốn chục nghìn đồng ấy nếu không vì những chữ giật gân như
"Việt Kiều ăn cắp", "xinh đẹp, ăn diện lịch sự" hoặc
"trong người thị có nhiều ngoại tệ và những tờ ngân phiếu giá trị
lớn". Mà rồi chắc sự "giật gân" cùng "vụ việc" ấy cũng
bị người ta quên ngay vào sáng hôm sau như hàng trăm tin "giật gân"
khác đăng nhan nhản trên các báo hiện nay. Thế nhưng "Tiếng còi" số chủ nhật tiếp đã quay lại chuyện này với bài báo
dài có nhan đề: "Nói thêm về vụ Ăn
cắp siêu thị còn mạo danh là Việt Kiều", với giọng điệu nhã nhặn và
thiện chí hơn nhiều.
Thưa
bạn đọc, người phụ nữ ăn cắp ở siêu thị Bông Hồng mà chúng tôi đưa tin tuần
trước hóa ra đúng là Việt Kiều thật và từ Pháp mới về quê ăn Tết Tân Tỵ này. Sau
khi kiểm tra lại, nhà chức trách nhận thấy những lời bà khai không phải không
có cơ sở, mặc dù khó tin. Do vậy bà được tự do ngay mà không phải chịu bất kỳ
hình phạt nào, ngoài lời nhắc sau này không để xảy ra những trường hợp tương
tự. Hôm qua, trước khi lên đường về nước, mặc dù còn mấy ngày nữa mới Tết, bà
có đến tòa soạn trao cho bản báo chúng tôi một bức thư dài, cùng một lúc còn
gửi cho ông chủ cửa hàng siêu thị Bông Hồng và đồn công an đã xem xét vụ việc
của bà. Nhận thấy đây là bức thư đáng chú ý ở vài khía cạnh, và được sự đồng ý
của người viết, chúng tôi xin cho đăng toàn bộ để bạn đọc tham khảo.
*
Thưa
các ông,
Tôi
viết thư này để bổ sung những gì đã khai, hoàn toàn không có ý bào chữa, nếu
không muốn nói ngược lại.
Xưa
nay những người ăn cắp luôn giấu diếm thói xấu của mình. Trường hợp bị bắt quả
tang, họ cũng tìm cách chối cãi nếu chối cãi được. Việc ấy dễ hiểu. Nhưng tôi
là một ngoại lệ, vì tôi là kẻ ăn cắp đáng khinh bỉ, và vì cả việc chính tôi
đang đem chuyện mình kể với các ông. Xin đừng nghĩ tôi là con ngốc, một mụ tâm
thần hay đơn giản muốn trâng tráo tỏ ra khác người. Tôi cũng đau xót lắm, và
sau nhiều lần hoãn đi hoãn lại, hôm nay tôi quyết định sẽ nói hết tất cả. Tôi
làm thế để phần nào nhẹ bớt trong lòng, để các ông hiểu tôi và nhân tiện thử
phân tích tâm lý ăn cắp, nếu quả có một khái niệm tâm lý như thế, và cuối cùng,
qua trường hợp của tôi, hy vọng các nhà khoa học có thể rút ra được đôi điều
cho công trình nghiên cứu của họ về bệnh ăn cắp. Vâng, bệnh ăn cắp, hay đúng
hơn, bệnh ăn cắp vặt. Và tôi, xét về mọi phương diện, đúng là người đang mắc
căn bệnh quái ác ấy. Tôi nói thế không để mong giảm tội, mà thực tình vì không
thể gọi cái tính xấu ăn cắp vặt ấy của tôi bằng cái tên nào khác ngoài việc coi
nó là một căn bệnh như bao căn bệnh khác.
Vâng,
tôi là một người ăn cắp, một mụ ăn cắp chính hiệu, hay các ông có thể gọi là
một quí bà ăn cắp. Thực tình, gọi thế không phải không có cơ sở. Vốn là đứa con
hoang, tôi không biết và cũng không hề muốn biết bố mẹ đẻ của tôi là ai. Tôi
chỉ biết người ta nhặt được tôi đâu đó rồi đưa vào trại mồ côi, lúc lên bốn thì
được một cặp vợ chồng người Pháp xin về làm con nuôi. Đến nay tôi đã 35 tuổi,
sống độc thân (không dám lấy chồng vì sợ đẻ ra một lũ ăn cắp giống mẹ).
Tôi nghĩ tôi thừa hưởng gien
ăn cắp từ người mẹ đẻ, chắc một mụ đầu đường xó chợ nào đó. Có lẽ nói thế về mẹ
mình là không tốt nhưng tôi thực sự oán ghét bà ta. Thứ nhất vì bà bỏ rơi tôi,
thứ hai vì truyền cho tôi bệnh ăn cắp kia. Còn bố mẹ nuôi tôi thì thật là những
người tuyệt với. Họ chết từ lâu, để lại cho tôi một gia tài kha khá, đủ sống
suốt đời mà không phải làm lụng vất vả. Tôi được nuôi nấng, cho ăn học và dạy
dỗ tử tế theo kiểu con nhà giàu.
Như để đền bù số phận con
hoang, trời cho tôi bộ óc thông minh và vẻ ngoài ưa nhìn. Vậy là lớn lên, tự
lúc nào không biết, tôi trở thành một tiểu thư khả ái trong con mắt nhiều
người, cả Pháp lẫn Việt ở Dijon, nơi chúng tôi sinh sống. Có thể nói tôi chẳng
có tật xấu nào (trừ cái thói ăn cắp vặt mà chốc nữa tôi sẽ nói rõ), lại chăm
học nên tốt nghiệp khoa luật trường Sorbonne không mấy khó khăn. Sau đấy tôi
học thêm để lấy bằng tiến sĩ, có một số công trình nghiên cứu được đánh giá cao
trong giới chuyên môn và không phải không nổi tiếng về phương diện nào đó. Các
ông thấy chưa, hóa ra trên đời cũng có những con ăn cắp danh giá. Những quí bà
ăn cắp! Những tiến sĩ ăn cắp! Nhưng gì thì gì, ăn cắp vẫn là ăn cắp và đáng bị
khinh bỉ.
Nhưng
thử hỏi tại sao một người như tôi phải mang hai tiếng nhục nhã ấy? Thì đã nói
đây là bệnh, một căn bệnh tôi mắc hàng chục năm nay mà không thứ thuốc hay bác
sĩ nào giúp chữa khỏi. Tôi sẵn sàng đánh đổi nó để chịu mắc bệnh ung thư hay
bất kỳ một bệnh nan y đau đớn nào khác, để khỏi luôn căng thẳng đề phòng, khỏi
đấu tranh chống lại cám dỗ (thường không thành công) rồi sau đó luôn dằn vặt
đau khổ.
Theo
thuật ngữ chuyên môn, những triệu chứng đầu tiên của bệnh ăn cắp vặt xuất hiện
ở tôi ngay những ngày đầu cắp sách tới trường. Cũng có thể sớm nhưng tôi không
nhớ.
Cùng ngồi một bàn lớp một với
tôi có con bé Marie. Tôi và nó chơi thân với nhau, sống chung khu phố và được
bố mẹ hàng ngày đưa đón bằng ô tô, cùng đường, cùng lúc. Nó giúp tôi môn tiếng
Pháp, tôi giúp nó những môn khác tôi vốn giỏi hơn nhiều. Tóm lại chúng tôi là
đôi bạn tốt như những đôi bạn khác ở lứa tuổi ấy.
Một hôm nó khoe được ai đấy
tặng hộp bút màu nhân ngày sinh nhật. Một hộp bút bình thường loại rẻ tiền cho
trẻ con học vẽ. Tôi cũng có loại bút ấy, thậm chí không phải một hộp mà hai,
nên lúc đầu tôi chẳng chú ý lắm. Tuy nhiên nhìn kỹ, tôi thấy đó là hàng nước
ngoài, không hiểu của Nhật hay Trung Quốc, nắp hộp có mấy chữ nho và hình những
đứa bé ngộ nghĩnh, bụ bẫm, hai má đỏ hồng như những trái đào. Chỉ thế thôi mà
bỗng dưng tôi thấy thích và rất muốn có một hộp bút như thế, đến nỗi suốt buổi
học hôm ấy tôi không thể nghĩ về chuyện gì khác. "Mình sẽ bảo bố mẹ mua,"
tôi nghĩ rồi cố tập trung nghe cô giáo giảng bài. Tôi nhìn lên bảng vẻ chăm chú
lắm, nhưng chỉ thấy hộp bút kia đang nằm trong chiếc cặp để mở của Marie ngay
sát người tôi. Tôi bị nó ám ảnh không sao cưỡng nổi. Có cái gì đấy rất sâu
trong tiềm thức cứ quyến rũ, thúc dục tôi cho tay vào cặp của Marie. Tôi biết
ngay hôm sau bố mẹ sẽ tìm mua cho tôi một hộp bút như thế ở phố Tàu, hoặc nếu
tôi xin, chắc Marie sẽ cho không chút do dự. Chúng tôi vẫn thường cho nhau đủ
thứ lặt vặt. Vậy tại sao tôi phải ăn cắp? Đấy chính là điều tôi không hiểu và
không lý giải nổi. Sách vở và người lớn luôn dạy ăn cắp là xấu hổ. Tôi biết.
Tôi cũng biết, nếu bị phát giác, tôi có thể bị nhà trường phạt nặng, nhất là bị
bêu xấu trước các bạn.
Tôi không biết rượu và ma túy
cám dỗ thế nào đối với con nghiện, nhưng rõ ràng tôi đang bị cám dỗ. Một sự cám
dỗ ghê gớm. Tất nhiên tôi cố hết sức chống lại sự cám dỗ đó. Mấy lần tôi đã cho
tay vào cặp Marie nhưng kịp rút lại. Cuối cùng, như một con ăn cắp lõi đời thực
thụ, nhằm lúc Marie đứng dậy trả lời cô
giáo, tôi nhanh nhẹn lấy chiếc hộp của nó cho vào cặp mình.
Thật khó diễn tả chính xác
cảm giác của tôi lúc ấy. Ngoài nỗi sợ và sự xấu hổ, thật lạ lùng, tôi thấy nhẹ
nhõm, thậm chí thỏa mãn, có lẽ giống sự thỏa mãn của con nghiện khi được tiêm
chích. Tuy nhiên, sau những giây phút thỏa mãn ngắn ngủi đó, tôi bắt đầu bị
lương tâm cắn dứt. Mặt tôi đỏ bừng, người toát mồ hôi, may các bạn và cô giáo
không nhận thấy. Bây giờ, điều tôi quan tâm là làm cách nào trả lại hộp bút
khốn khổ kia. Nhưng bỗng có chuông báo hết giờ, Marie vội vã đóng cặp và cùng
cả lớp chạy ùa ra khỏi phòng học.
Vậy
là tôi thành con ăn cắp. Để bào chữa cho mình, tôi viện đủ lý do, cuối cùng vẫn
phải tự thừa nhận rằng mình đã hành động như một con ăn cắp. Tôi thực sự không
hiểu vì sao có thể xẩy ra cái điều kinh khủng đó. Dọc đường về nhà, nhận thấy
có gì khác thường, bố mẹ gạn hỏi nhưng tôi ngồi im không nói. Tối đến tôi giả
vờ kêu mệt rồi khóa trái cửa ở lỳ trong phòng. Suốt đêm hôm ấy tôi nằm khóc,
hối hận và tự xỉ vả mình.
Hôm sau đến lớp, tôi trả lại
cho Marie hộp bút, nói tôi cầm xem và bỏ nhầm vào cặp mình. Nó tin, tất nhiên,
vì làm sao có thể nghĩ tôi là kẻ ăn cắp.
Sau lần ấy, trong suốt năm
cùng học lớp một, tôi còn ăn cắp của nó mấy thứ lặt vặt khác. Lần nào tôi cũng
bị ma lực cám dỗ kia thôi thúc, cũng đấu tranh, dằn vặt và cuối cùng vẫn không
cưỡng lại nổi. Lần nào tôi cũng khôn khéo tìm được lý do trả lại mà nó không
chút nghi ngờ.
Tôi bắt đầu sợ chính bản thân
mình. Để khỏi bị cám dỗ, từ năm lớp hai, khi Marie theo bố mẹ lên sống ở Paris,
tôi xin phép cô giáo cho ngồi riêng một mình một bàn tận cuối lớp. Tôi trở nên
sống khép mình, nơm nớp lo sợ. Trong lớp, tôi luôn cố nhìn thẳng lên bảng để
khỏi phải thấy cái gì đó của người khác mà tôi có thể nảy sinh sự thèm muốn ăn
cắp. Thế mà những năm tiếp theo tôi vẫn ăn cắp nhiều lần nữa, lúc chiếc bút bi,
chiếc cặp tóc, lúc cuốn sách hoặc thậm chí chỉ chiếc tẩy bé tí. Có cái tôi trả
lại được, có cái không.
Ở nhà, tôi ăn cắp của cả bố
mẹ, toàn những thứ vớ vẩn. Kể cũng lạ, những thứ ấy tôi có thể tự do lấy dùng
hoặc hỏi xin, thế mà tôi lại ăn cắp. Vâng, đúng là ăn cắp, vì tôi chọn lúc ông
bà đi vắng hoặc không chú ý để lấy chúng. Bản thân hành động ăn cắp ấy tạo cho
tôi một cảm giác thích thú đáng kinh tởm không cắt nghĩa nổi. Tất nhiên ở nhà
mọi việc đơn giản hơn nhiều. Thường thì sau đó tôi để lại những thứ đã ăn cắp
vào chỗ cũ. Nếu không, bố mẹ cũng chỉ rầy la tôi bừa bãi, tự ý lấy cái này, cái
nọ của người khác khiến họ phải mất công tìm kiếm.
Lớn
lên, tôi lặng lẽ tìm cách lý giải hành vi ăn cắp của mình và cố hiểu nguyên
nhân của nó. Phải vất vả lắm tôi mới biết được nguồn gốc xuất thân của tôi ở sở
nhập cư, rằng tôi là đứa con hoang bị bỏ rơi khi mới lọt lòng. Bố mẹ nuôi luôn
giấu kín việc này, chỉ nói tôi là con gái gia đình một người bạn Việt Nam không
may bị tai nạn chết cả bố lẫn mẹ, và ông bà đã nhận tôi về nuôi. Họ còn bịa
chuyện như thể bố mẹ đẻ của tôi là người danh giá, có học, thậm chí giàu có.
Thật ra tôi cũng không biết mẹ đẻ tôi có phải là một con ăn cắp đầu đường xó
chợ hay không. Tôi nghĩ thế đơn giản vì không tìm ra nguyên nhân nào khác ngoài
bệnh di truyền, khiến một người như tôi có tính ăn cắp vặt hay nói cách khác,
sinh ra trên đời, tôi đã mang trong mình gien ăn cắp.
Tôi bỏ công đọc rất nhiều
sách về lĩnh vực này. Khoa học đã tìm được mối liên hệ giữa hành vi bạo lực và
tội phạm với một loại gien nào đó, và nó có thể truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác. Thực tế cuộc sống cũng chứng minh điều ấy. Tôi biết Viện nghiên cứu y
tế Mỹ ở Washington đang tiến hành nghiên cứu để gạt bỏ hoặc vô hiệu hóa loại
gien này ở con cái những người có lý lịch tội phạm. Nếu họ thành công, chắc chắn
tỉ lệ tội phạm trên thế giới sẽ giảm hẳn.
Còn gien ăn cắp thì sao? Liệu
khoa học có thể làm được gì để giúp đỡ những người như tôi không? Liệu các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật,
cắt bỏ cái gì đó, hoặc tiêm loại thuốc gì đó để tôi khỏi bị dày vò bởi sự thèm
muốn ăn cắp không?
Trong tương lai rất có thể
điều này sẽ trở thành hiện thực. Tạm thời thì tự tôi phải vật lộn với chính
mình. Tôi đang bị bệnh mà không dám cho ai biết, không thể nhờ ai giúp. Nhìn bề
ngoài ai cũng tưởng tôi hạnh phúc, trong khi thực ra tôi cảm thấy vô cùng bất
hạnh. Tôi tốt nghiệp trường luật mà không dám đi làm. Làm sao tôi có thể đứng
ra xét xử hay bào chữa cho ai đấy khi tôi là một con ăn cắp và bất cứ lúc nào
cũng có thể ăn cắp cái gì đấy của đồng nghiệp hay thân chủ? Thậm chí tôi phải
tránh chỗ đông người, không dám ở lại một mình khi đến nhà bạn chơi, dù chỉ vài
phút, vì trong vài phút ngắn ngủi ấy tôi có thể không cưỡng lại được và sẽ làm
cái điều tôi luôn lo sợ.
Trong chừng mực nào đó, có
thể nói tôi là người bản lĩnh. Tôi đã vượt qua phần lớn các thử thách. Thế mà
đến nay tôi vẫn giữ trong nhà mình vài chục chiếc thìa, dĩa, dao ăn, cũng
khoảng chừng ấy chiếc bút và nhiều thứ linh tinh khác mà tôi đã ăn cắp trong
nhiều trường họp khác nhau nhưng sau đó không hoàn trả được. Tối nào tôi cũng
lấy chúng ra đếm để nhắc mình về sự hiện diện của bản năng ăn cắp trong tôi, và
cũng để tăng thêm nghị lực đề phòng nó.
Các
cửa hàng siêu thị là nơi cám dỗ tôi nhiều hơn cả, và tôi cũng sợ không dám vào
nhất. Mọi thứ mua sắm, từ thực phẩm đến các đồ dùng sinh hoạt, tôi đều yêu cầu
người bán mang đến nhà, vì biết nếu tới cửa hàng, rất có thể tôi sẽ phạm tội.
Điều ấy đã xẩy ra mấy lần, may không bị phát giác. Thường sau đó tự tôi quay
lại nói quên chưa trả tiền. Một số người bán hàng tỏ ý nghi ngờ, nhưng thấy vẻ
bề ngoài quí phái của tôi, họ chẳng nói gì.
Một
lần ở Paris, việc này xảy ra cách đây năm năm, tại một của hàng thời trang nổi
tiếng dành cho người giàu, tôi đã bị bắt quả tang khi ăn cắp một chiếc nịt vú.
Trước đó, suốt một thời gian gian dài, nhờ cố gắng phi thường, tôi cưỡng lại
được và không hề ăn cắp một cái gì. Có thể vì thế mà tôi đã chủ quan với mình
chăng?
Lần ấy tôi mua một chiếc váy
dạ hội hiệu Versace giá 990 đô-la, một chiếc sơ-mi Piere Cardin 200 đô-la, thế
mà quỉ thần xui khiến thế nào, tôi lại ăn cắp chiếc nịt vú chưa đầy 20 đô-la mà
tôi hoàn toàn không cần đến. Tôi kín đáo giấu nó trong ngực. Vì đây là cửa hàng
dành cho giới thượng lưu, giá cao gấp ba, bốn bình thường, nên người ta không
đặt camera theo dõi, và nhân viên không được phép có bất kỳ sự nghi ngờ nào đối
với khách.
Khi tôi bước ra khỏi cửa hàng
và đang định lên ô tô về nhà thì một người đàn ông ăn mặc lịch sự đi lại, gọi
đúng tên tôi và mời tôi vào quán cà phê gần đấy "để bàn chút việc".
-
Việc gì? - tôi khó chịu hỏi.
Hắn
bảo chuyện vặt thôi, vào quán sẽ biết. Tôi không chịu.
- Chuyện về cái bà đang giấu
trong ngực ấy, - cuối cùng hắn nói nhỏ nhẹ, với sự thông cảm cố ý. Hắn còn
nghiêng mình chỉ tay về phía quán cà phê. - Không có gì nghiêm trọng đâu, xin bà
đừng lo. - Hắn trấn an tôi và mỉm cười lịch sự.
Toàn bộ con người hắn toát
lên sự nhã nhặn đểu cáng. Tôi cố đoán hiểu hắn muốn gì khi miễn cưỡng đi theo
hắn. "Hắn muốn tống tiền mình đây", tôi thầm nghĩ. Nhưng tôi nhầm.
Hắn nói hắn là một thám tử được thuê để theo dõi ở cửa hàng này. Sau một hồi
bóng gió xa xôi, hắn trâng tráo đề nghị tôi ngủ qua đêm với hắn để đổi lấy việc
hắn giữ kín vụ ăn cắp này, và bằng cách ấy "bảo vệ uy tín một quí bà, một
người nổi tiếng" như tôi.
Phản ứng đầu tiên của tôi là
muốn tát một cái thật mạnh vào cái mặt đẹp trai đểu cáng của hắn rồi đến tự thú
với ông chủ cửa hàng, muốn ra sao thì ra. Thế mà điều duy nhất tôi có thể làm
lúc ấy là ngồi lặng người, chua xót và đau đớn. Tôi muốn khóc mà không khóc
được. Từ giận dữ, nhục nhã, dần dần tôi chuyển sang lo sợ. Không lẽ điều bí mật
tôi vất vả giấu kín bao năm nay bây giờ sẽ lộ ra? Và trong mắt những người vốn
yêu mến, kính trọng tôi, tôi bỗng lộ nguyên hình là một mụ ăn cắp vặt đáng phỉ
nhổ? Tôi hình dung ngày mai các báo sẽ đăng tin giật gân này và thái độ của
người ta sẽ thế nào. Tôi co rúm người không dám nghĩ tiếp. Trong khi đó tên
thám tử đểu giả kia vẫn kiên nhẫn chờ con mồi của hắn, với vẻ lạnh lùng và
thích thú.
Đêm hôm ấy, gặp hắn xong, từ
khách sạn bước ra, tôi đã nghĩ đến cái chết. Chỉ cái chết mới giải thoát khỏi
những đau khổ, dằn vặt tôi phải âm thầm chịu đựng. Trước đấy nhiều lần tôi cũng
nghĩ tới việc tự tử, nhưng lần này thì sự nhục nhã đã đẩy quyết tâm của tôi tới
đỉnh điểm.
Tôi phóng xe ra bờ sông
Seine. Phía dưới, dòng nước đen xẫm vẫn lững lờ chảy như bao đời nay và đang
sẵn sàng đón nhận tôi như vô số người đàn bà bất hạnh khác suốt hàng trăm năm
qua. Có lẽ tôi đã ngồi rất lâu trên cầu. Không phải tôi sợ chết, mà chỉ muốn
kéo dài sự sống thêm ít phút để suy ngẫm lại lần nữa toàn bộ cuộc đời mình.
Cuối cùng, khi tôi chưa kịp
thực hiện ý định tự tử thì một nhân viên cảnh sát xuất hiện. Ông ta dùng sức
kéo tôi xa thành cầu, ấn vào ô tô và đưa tôi về nhà. Chắc thoạt nhìn, ông đã
biết tôi định làm gì. Nhiều năm trong nghề, có lẽ ông từng gặp không ít trường
hợp tương tự và biết nên cư xử thế nào. Sau đó tôi ốm liệt giường suốt một
tháng và chẳng bao giờ đặt chân vào một cửa hàng nào nữa.
Bây giờ tôi nói về chuyện xẩy
ra ở siêu thị Bông Hồng.
Dẫu chẳng còn ai thân thích
nhưng thời gian gần đây tôi hay về Việt Nam, khoảng vài năm một lần. Chẳng phải
vì nhớ quê hay yêu nước, đơn giản tôi thích đi đây đó cho đỡ buồn. Tôi vẫn
thường du lịch khắp nơi trên thế giới. Những lần trước đến Hà Nội, như ở các
thành phố khác, tôi luôn tránh không vào các cửa hàng. Vậy mà lần này tôi vào
siêu thị Bông Hồng. Có thể lần nữa vì chủ quan, mất cảnh giác với chính mình.
Tôi không cần thứ gì phải mua, chỉ tò mò muốn biết trong đấy người ta bày bán
những gì, xem có giống bên Pháp không.
Tôi dạo mấy vòng khắp siêu thị, hai tay cố ý cho vào túi áo
khoác. Và rồi, như các ông biết, chuyện ấy đã xẩy ra. Các ông tin hay không thì
tùy, nhưng quả thật lúc ấy tôi không làm chủ được bản thân mình. Có thể nói tôi
ăn cắp những thứ ấy gần như vô ý thức. Tôi chỉ sực tỉnh khi nhân viên bảo vệ
khám người và tìm thấy chúng.
Ở đồn công an ra, tôi lại
nghĩ đến cái chết. Hôm sau đọc báo, ý nghĩ tự tử càng thêm nung nấu. Tôi thuê
taxi đến cầu Chương Dương. Thực tình tôi không nghĩ ra được cách chết nào khác
ngoài việc nhảy xuống sông Hồng. Phụ nữ Paris tự tử ở sông Seine. Ở đây không
có sông Seine thì có sông Hồng. Đơn giản thế thôi.
Lúc ấy trời chưa tối hẳn và cầu luôn có nhiều người xe qua
lại. Tôi đứng một chốc, chợt nghĩ nếu bây giờ nhảy xuống sông trước con mắt của
bao nhiêu người tò mò thì thật lố bịch. Thế là tôi về khách sạn, định bụng đêm
khuya quay lại. Tuy nhiên, vào phút
chót, thay vào đó, tôi đã gọi điện đăng ký trở về Pháp bằng chuyến bay sớm
nhất. Bị bắt quả tang ăn cắp ở Việt Nam đã nhục, tôi không thể chết một cách
nhục nhã ở đây theo cách ấy. Tôi sẽ chọn cách khác, nơi khác. Tôi không thể
tiếp tục sống cuộc sống bất hạnh này nữa. Tôi muốn kêu to cầu cứu mà chẳng biết
kêu ai. Tôi đang trong cơn tuyệt vọng cùng cực.
Trước khi viết thư này, tôi vừa đọc một truyện ngắn làm tôi
rất xúc động của tác giả Hòa Vang, có tên là "Quyền không điên" trong cuốn "Truyện ngắn hay Việt Nam" tôi mua ở hiệu sách Tràng Tiền hôm
mới đến Hà Nội.
Truyện nói về một cặp vợ
chồng đáng lẽ sẽ rất hạnh phúc nếu anh chồng không bị số phận bắt sinh ra trong
một gia đình có "mả điên". Ông nội điên, bố điên, cả nhà điên, cuối
cùng anh ta cũng điên. Hạnh phúc đổ vỡ,
anh ta đã chết một cách bi thảm. Còn con anh ta, một chàng trai tuyệt vời,
muốn cưỡng lại số phận, đòi quyền không bị điên. Nhà văn nhân ái đã để anh con
không điên mà chỉ bị tàn phế, dù bà mẹ không có "mả điên" lại hóa
điên vì quá đau khổ.
Vậy thì tôi, kẻ bị số phận
nghiệt ngã bắt mang trong người gien ăn cắp, tôi cũng đòi quyền không ăn cắp.
Tuy nhiên, cuộc sống thực phũ phàng và không dễ thay đổi như tác giả các câu
chuyên hư cấu. Tôi biết tôi sẽ không bao giờ có được cái quyền chính đáng ấy.
Tôi vẫn mẫi mãi là một con ăn cắp, dù tôi là một tiến sĩ, giàu có, một
"quí bà" như người ta vẫn gọi. Chính vì có học và danh giá, tôi biết
tôi không thể tiếp tục sống với hai chữ "ăn cắp" khinh khủng đó.
Mọi người, kể cả các ông, có
ai làm được gì để cứu tôi không ?
Hà Nội, 31.1.2001
No comments:
Post a Comment