SỎI VÀ KIM CƯƠNG
Một tốp hành hương nọ
Đêm, đi tới nhà thờ,
Khi ngang qua núi đá,
Thì bỗng nghe bất ngờ
Có tiếng ai trong núi
Nói vọng ra thầm thì:
“Chú ý những viên sỏi
Rất nhiều dọc đường đi.
Không nhặt chúng, các vị
Sẽ hối hận sau này.
Nhưng rồi cũng hối hận
Nếu nhặt chúng đêm nay.”
“Vì sao lại thế nhỉ?
Cả nhặt và cả không,
Sau này đều hối tiếc.
Vậy có nên nhặt không?”
Tốp hành hương nghĩ thế.
Nhiều người bỏ đi qua.
Nhưng nhiều người cúi nhặt
Mang ít viên về nhà.
Thật không ngờ, sau đó,
Những viên sỏi bình thường,
Sau một đêm ngủ dậy,
Bỗng biến thành kim cương.
Hối hận và tiếc nhất
Tất nhiên là những người
Do dự không nhặt sỏi.
Đúng là phí của trời.
Cũng hối hận không kém
Là những người đêm qua,
Không phải không do dự,
Nhặt sỏi mang về nhà.
Hối hận vì nhặt ít.
Giá nhặt mấy túi đầy
Thì chắc chắn rằng họ
Sẽ giàu nhất đời này.
*
Tiên Tri Mu-ha-mat
Đã kể câu chuyện trên
Trong một lần thuyết giảng
Về cám dỗ đồng tiền.
Không có, ta cũng khổ.
Có rồi, chẳng sướng hơn.
Muốn có nữa, càng khổ.
Rõ ràng và giản đơn.
Cách duy nhất thoát khổ
Cho mỗi một chúng ta
Là ngày đêm tâm niệm
Và tin vào A-la.
TIÊN TRI MU-HA-MAT
NHẬN QUÀ CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN
Tiên tri Mu-ha-mat,
Ngôn sứ của A-la,
Được người dân ngưỡng mộ,
Yêu quí khắp gần xa.
Thường đầu mùa thu hoạch
Trong vùng có nhiều người
Mang tặng Ngài hoa quả
Mới hái, ngon và tươi.
Nhận những món quà ấy,
Ngài chia cho bạn mình,
Luôn cảm ơn người tặng
Bằng lời lẽ chân tình.
Một hôm, có người nọ
Chắc đến từ phương xa,
Tặng Ngài ít hoa quả
Mới hái trong vườn nhà.
Ngài cảm ơn người ấy
Rồi lấy ăn thản nhiên,
Không mời các bạn hữu
Lúc ấy đang ngồi bên.
Khi bác kia đi khỏi,
Một người bạn thân tình
Ướm hỏi sao lúc nãy
Ngài lại ăn một mình.
Ngài mỉm cười rồi đáp:
“Vì trái cây bác này
Thực ra chưa chín lắm,
Vừa chua lại vừa cay.
Ta không mời các vị,
Sợ ăn, chê không ngon,
Mà điều ấy có thể
Làm người tặng thấy buồn.”
CHỈ TÊN ĐỨC A-LA LÀ ĐỦ
Tiên Tri Mu-ha-mat
Đã kể câu chuyện này
Trong một lần thuyết giảng,
Ý nghĩa và thật hay.
Một người Hồi Giáo nọ
Cần tiền đi buôn xa,
Vay của người Do Thái
Một nghìn đồng đi-na.
Người Do Thái hỏi lại:
“Thế ai làm chứng đây?”
“Tên A-la là đủ.
Ngài làm chứng việc này!”
Ông Do Thái đồng ý.
Người Hồi giáo lên đường.
Cùng thuyền và thủy thủ
Rẽ sóng vượt đại dương.
Ông buôn xa, thắng lớn.
Lúc quay về, không may
Thuyền của ông gặp bão,
Trôi lênh đênh nhiều ngày.
Cuối cùng nó chìm hẳn.
Ông và một ít người
Bơi vào hòn đảo nhỏ
Hoang vắng giữa trùng khơi.
Điều ông lo lắng nhất
Là khoản nợ của mình.
Ông không muốn thất hứa
Để chủ nợ coi khinh.
Cuối cùng ông quyết định
Lấy một khúc gỗ già,
Viết thư, cho vào ruột
Cùng một nghìn đi-na.
Xong, ông thả xuống biển,
Cầu A-la giúp ông
Đưa cho người Do Thái,
Chắc hẳn đang chờ mong.
*
Sáng nọ, như thường lệ,
Ông Do Thái nhẩn nhơ
Dạo ven biển, chợt thấy
Một khúc gỗ trên bờ.
Chắc nó bị sóng đánh,
Mới dạt lên đêm qua.
Ông suy nghĩ một lúc
Rồi vác nó về nhà.
Khi bổ nó làm củi,
Ông chợt thấy bên trong
Có nhiều tiền, hơn thế,
Cả thư gửi cho ông.
*
Lại nói ông Hồi Giáo
Bị kẹt trên đảo xa,
Được thuyền người khác cứu,
Cuối cùng cũng về nhà.
Tìm gặp người Do Thái
Là việc làm đầu tiên.
Để cảm ơn, xin lỗi,
Và trả lại món tiền.
Mọi chuyện thế là rõ.
Cả khách, cả chủ nhà
Trò chuyện rất vui vẻ,
Cùng tạ ơn A-la.
TIÊN TRI MU-HA-MAT ĐI LẤY CỦI
Tiên Tri Mu-ha-mat
Cùng các bạn, một lần
Cưỡi ngựa qua sa mạc,
Dừng lại để nấu ăn.
Họ quyết định giết thịt
Một con cừu mang theo.
Giữa đồng không mông quạnh,
Lúc ấy đã xế chiều.
“Tôi sẽ chọc tiết nó!”
Một người liền xung phong.
“Phần tôi, đi lấy nước.”
“Tôi làm việc cạo lông!..”
Tiên Tri Mu-ha-mat
Nói với các tín đồ:
“Còn việc đi lấy củi
Hãy để tự ta lo.”
Mọi người nghe, lập tức
Can ngăn Ngài không nên.
“Tự chúng tôi làm được.
Xin Ngài cứ ngồi yên.”
“Xin cảm ơn, - Ngài nói, -
Nhưng xưa nay A-la
Không hài lòng với kẻ
Muốn mình hơn người ta.
Tức muốn được biệt đãi
Và ưu ái hơn người.
A-la dạy: Tất cả
Đều bình đẳng ở đời.”
Nói đoạn, Ngài đứng dậy
Đi tìm củi, và Ngài
Một lát sau quay lại
Với một bó trên vai.
TIÊN TRI VÀ ÔNG NHÀ GIÀU
Một ông nhà giàu
nọ
Đến tìm gặp Tiên
Tri.
Ông ta vừa ngồi
xuống,
Cũng gần như tức
thì,
Một người khác,
nghèo khổ,
Da nhăn nheo, xạm
đen,
Quần áo cũ và
rách,
Đến lặng lẽ ngồi
bên.
Ông nhà giàu vội
vã
Vén quần áo, và
rồi
Nhăn mặt, hơi khó
chịu,
Chuyển sang chỗ
khác ngồi.
Tiên Tri Mu-ha-mat
Thấy vậy, khẽ lắc
đầu.
Như vô tình, Ngài
kể
Một câu chuyện như
sau.
*
Có một ông giáo sĩ
Ngồi nghỉ dưới dàn
bầu
Thì có con chim
nhỏ
Ỉa, rơi đúng đỉnh
đầu.
Ông giáo sĩ tức
giận,
Ngước lên hỏi
A-la:
“Sao Ngài cho tồn tại
Con vật này xấu
xa?”
A-la mỉm cười đáp:
“Thế mà con vật
này,
Không kém phần khó
chịu
Cứ hỏi ta hàng
ngày,
Rằng sao ta cho
phép
Một giáo sĩ như
ngươi,
Đầu hói, hay cáu
bẳn
Được tồn tại trên
đời.”
*
Ông nhà giàu nghe
chuyện,
Cảm ơn Đức Tiên
Tri
Rồi quay về chỗ
cũ,
Lặng im, không nói
gì.
Phần Ba
TRUYỆN THƠ HỒI GIÁO
IN-SHA A-LA!
Các tín đồ Hồi Giáo
Có thói quen, đó là
Trước khi làm gì đó,
Nói: “In-sha A-la!”
“Nếu A-la muốn vậy”
Là nghĩa của câu này
Trong ngôn ngữ Ả Rập.
Được sử dụng hàng ngày.
Người nói mong, nói thế
Thánh A-la lòng lành
Sẽ phù hộ cho họ,
Và công việc chóng thành.
Có một anh chàng nọ,
Ngang tàng và vô lo,
Một hôm đi ra chợ
Để mua một con bò.
Giữa đường, gặp người bạn.
Bạn hỏi: “Anh đi đâu?”
“Ra chợ mua bò sữa.”
Anh bạn kia lắc đầu:
“Đáng lẽ anh phải nhớ
Nói: “In-sha A-la”,
Để được Thánh giúp đỡ
Mua bò tốt về nhà.”
Anh chàng kia thì nghĩ:
“Có nói cũng bằng không.
Đi chợ, tiền đầy túi,
Thì mua gì chẳng xong!”
Nhưng vừa tới cổng chợ,
Thì anh chàng vô lo
Bị kẻ gian móc túi,
Nên không mua được bò.
Về nhà, cô vợ hỏi:
“Sao không thấy bò đâu?”
“Vì tiền tôi đánh mất.
Thôi, đành để lần sau
Ta mua con bò khác,
In… In-sha A-la.
Nhất định mua con khác,
Ừ, In-sha A-la!”
Mất tiền, bị vợ mắng,
Nên anh chàng suốt ngày
Cứ lặp đi lặp lại
Câu nói cửa miệng này.
Cô vợ thì buồn bã
Vừa nói vừa lắc đầu:
“Làm gì, phải nói trước,
Chứ không phải nói sau!”
Và rồi anh chàng ấy,
Bớt ngang tàng, vô lo.
Lần sau không quên nói,
Nên đã mua được bò.
SỰ TRỪNG PHẠT CỦA ĐỨC A-LA
Câu chuyện này có thật,
Chép trong Kinh Cô-ran,
Ở chương sáu mươi tám,
Có kèm theo lời bàn.
Một người đàn ông nọ,
Có vườn cây xùm xòa.
Ông hiền lành, tốt bụng,
Rất đẹp lòng A-la.
Sau mỗi lần thu hoạch,
Ông chừa lại ít nhiều,
Những quả ngon, lành lặn,
Phân phát cho người nghèo.
Được A-la phù trợ,
Ông giàu có hơn người,
Vườn cây càng xanh tốt,
Càng sống đẹp với đời.
Tiếc là khi ông mất,
Các con trai của ông,
Không được tốt như bố,
Mộ đạo lại càng không.
Chúng nghĩ: Bố mình dại.
Tự nhiên đem trái cây
Phát không cho người khác.
Chưa ai dại thế này.
Rồi đến mùa thu hoạch,
Chúng thì thầm bàn nhau
Không cho không ai cả,
Để giàu càng thêm giàu.
Cuối cùng chúng quyết định
Đêm, sai bọn người nhà
Hái trái cây, hái hết
Rồi giấu đi thật xa.
Buổi sáng, người nghèo đói
Đến xin như mọi khi,
Chỉ thấy khu vườn trống,
Cây trái chẳng còn gì.
Đúng giờ, như đã hẹn,
Chúng cùng bọn người nhà
Ra vườn, thì chợt thấy
Một ngọn lửa chói lòa
Từ trên trời bay xuống,
Thiêu trụi cả vườn cây.
Cây và quả cháy hết,
Thành một lớp tro dày.
Bây giờ chúng mới hiểu
Đó là Thánh A-la
Giáng lửa trừng phạt chúng
Vì việc làm xấu xa.
Thánh A-la luôn dạy,
Làm người phải thương nhau.
Người giàu biết chia sẻ
Mới là người thực giàu.
BÀI HỌC CỦA NGƯỜI TÀN TẬT
Có một anh chàng nọ,
Khỏe mạnh nhưng thích lười,
Chẳng chịu làm gì cả,
Suốt ngày chỉ ham chơi.
Mà không làm thì đói.
Tất nhiên anh ta nghèo.
Tự cho mình vận rủi,
Trách số phận đủ điều.
Có ông già tốt bụng,
Một lần rủ anh ta
Đến thăm khu trại hủi
Ở cách đấy không xa.
Họ đến vừa đúng lúc
Có kẻng báo giờ ăn.
Từ khắp nơi trong trại,
Lần lượt các bệnh nhân
Kéo nhau về đông đủ.
Những con người gầy gò,
Nhếch nhác và bệnh tật,
Nét mặt đầy buồn lo.
Chợt ông già tốt bụng
Chỉ tay và hất đầu,
Về phía hai người hủi
Đang lại gần, cõng nhau.
“Cháu xem, một người liệt,
Người kia thì mù lòa.
Người mù cõng người liệt
Mới đi về đến nhà.
Người liệt có đôi mắt,
Người mù có đôi chân.
Hai người cùng chung sức
Nên có được cái ăn.
Còn cháu, cháu khỏe mạnh.
Chân và mắt còn nguyên.
Sao cháu đói được nhỉ,
Lại còn kêu không tiền?
Thánh A-la nhân đức
Cho cháu được làm người.
Hơn nữa, lại khỏe mạnh.
Sao để lãng phí đời?”
CHỌN NGƯỜI LÀM VUA
Có một ông vua nọ
Ở một nước xa xôi,
Về già, nghĩ tới việc
Chọn người để kế ngôi.
Thay việc chọn hoàng tử
Hay các tướng có tài.
Ông nghĩ ra một cách
Hoàn toàn không giống ai.
Ông tập trung tất cả
Các chàng trai nước mình.
Mỗi người được vua tặng
Một hạt giống xinh xinh.
“Đây là hạt giống quí.
Mang về trồng ở nhà.
Ngày này, một năm nữa,
Mang cây đến cho ta.
Nhớ trồng trong chậu đất,
Nhớ tưới nước hàng ngày.
Ai có cây đẹp nhất,
Sẽ làm vua nước này.
Các chàng trai hăm hở
Mang hạt giống về trồng.
Để thành vua, giàu có,
Không người nào tiếc công.
Một người trong số họ
Cũng trồng và cũng chăm,
Thế mà, thật khó hiểu,
Hạt giống không nảy mầm.
Hàng ngày chàng tưới nước,
Xấu hổ và buồn rầu,
Nhưng là người trung thực,
Đúng hẹn, một năm sau
Chàng bê chiếc chậu đất
Không cây đến gặp vua.
Đến nơi, ai nhìn thấy
Cũng chế diễu, trêu đùa.
Trong khi chờ vua đến,
Các chậu của mọi người
Hạt giống nẩy mầm tốt,
Thành cây đẹp, xanh tươi.
Vua xem cây, có vẻ
Hơi khó chịu trong lòng.
Cuối cùng ông dừng lại
Trước chiếc chậu trống không.
Rồi anh chủ của nó,
Vua tuyên bố bất ngờ
Sẽ là vị vua mới.
Mọi người nghe, sững sờ.
Ngài nói: “Những hạt giống
Ta giao cho các ngươi
Đều đã bị luộc chín.
Và chỉ có một người
Là anh này trung thực,
Duy nhất không lừa ta.
Vì thế được ta chọn
Làm vua của nước nhà.”
*
Tiên tri Mu-ha-mat
Từng dạy ta trước đây,
Rằng những người trung thực
Là người tốt xưa nay.
Trung thực trong ý nghĩ
Và việc làm đời thường
Là cách chắc chắn nhất
Để được lên thiên đường.
Người có tính giả dối,
Sẽ làm việc đáng khinh,
Chết trong lửa địa ngục
Và tra tấn cực hình.
NGƯỜI MỘ ĐẠO VÀ ÔNG CHỦ CỬA HÀNG
Có một người mộ đạo
Suốt ngày chỉ cầu kinh,
Ăn chay và giữ giới,
Rất hài lòng với mình.
Ông không làm điều ác.
Cả suy nghĩ cũng không,
Và nghĩ mộ đạo nhất
Chắc không ai, ngoài ông.
Thế mà một đêm nọ,
Ông mơ thấy một người
Hơn ông về mộ đạo,
Lại hạnh phúc nhất đời.
Đó là ông hàng xóm,
Một ông chủ cửa hàng,
Suốt ngày lo bận bịu
Bán mấy thứ làng nhàng.
Tò mò, ông mộ đạo
Đến tìm hiểu xem sao,
Thì thấy ông hàng xóm
Chẳng ngơi tay chút nào.
Lúc đưa hàng cho khách,
Lúc lẩm nhẩm đếm tiền.
Toàn những chuyện trần tục,
Cái đầu không được yên.
“Xin chào bác hàng xóm.
Bác muốn mua gì không?”
“Không, có một câu hỏi
Tôi đang muốn hỏi ông”.
Và rồi ông mộ đạo
Kể giấc mơ của mình.
Chủ cửa hàng cười đáp:
“Đó là chuyện thường tình.
Tôi sẽ giải thích rõ.
Có điều ngay bây giờ
Bác giúp tôi một việc.
Bác làm chứ, tôi chờ.”
Rồi lấy dầu, ông rót
Vào một chiếc bát sành,
Đưa cho ông mộ đạo,
Bảo chạy, chạy thật nhanh
Sang bên kia khu phố,
Bát dầu vẫn trên tay.
Không để sánh một giọt,
Rồi lại chạy về đây.
Ông mộ đạo cầm bát
Chạy sang khu phố bên.
Lúc quay về, may mắn
Bát dầu vẫn còn nguyên.
Nhưng mồ hôi ướt áo,
Ông mệt, thở bằng tai.
Vì chạy, giữ chiếc bát,
Không sánh dầu ra ngoài.
Chủ quán nói: “Tốt lắm,
Vậy xin được hỏi ông:
Lúc chạy, ông có nghĩ
Tới Đức A-la không?”
“Không, vì tôi luôn sợ
Bát dầu sánh ra ngoài.
Hỏi lấy đâu tâm trí
Mà còn nghĩ đến Ngài?”
“Thế đấy, vì lo nghĩ
Mà ông quên A-la.
Còn tôi, luôn bận bịu
Việc cửa hàng, việc nhà.
Nhưng không một giây phút
Tôi không nghĩ đến Ngài.
Giờ thì ông tự biết
Ai mộ đạo hơn ai.”
CẬU BÉ MÙ
Xưa có một cậu bé
Mù mắt, phải xin ăn.
Suốt ngày ngồi góc chợ,
Chiếc mũ rách dưới chân.
Bên cạnh có tấm biển:
“Từ bé cháu bị mù.
Xin các bác thương hại,
Cho một vài đồng xu.
Hôm ấy chợ đông khách,
Tấp nập người vào ra,
Nhưng ít ai móc túi
Giúp cậu bé mù lòa.
Một người đàn ông nọ
Đã cho cậu mấy đồng.
Nhưng ông cầm tấm biển,
Quay mặt ngoài vào trong.
Ông viết lên mặt trái
Mấy chữ rồi bỏ đi.
Cậu bé biết điều ấy,
Nhưng im, không nói gì.
Một lúc sau, thật lạ,
Số người cho cậu tiền
Bỗng tăng lên nhanh chóng,
Không thể không ngạc nhiên.
Người đàn ông quay lại.
Thế mà giữa đám đông,
Cậu bé tinh, nhận biết,
Bèn lên tiếng hỏi ông:
“Cảm ơn bác giúp đỡ.
Bác đã viết những gì
Trên tấm biển của cháu?
Bác cho cháu biết đi.”
“Bác cũng viết như cháu,
Rằng cháu mù, có điều
Viết khác hơn một chút,
Nên hiểu khác ít nhiều.
Bác viết: “Trời đang đẹp.
Tiếc là cháu mù lòa,
Không thấy cái đẹp ấy.
Cái đẹp của A-la.’
Mọi người đọc, cảm nhận
Hạnh phúc của chính mình,
Rồi từ đấy, thương cảm,
Sống có nghĩa, có tình.”
*
Thánh A-la ban tặng
Cho ta mắt và tai,
Cùng trái tim thương cảm,
Và ai cũng như ai.
Có điều, người nhận biết.
Người, rất tiếc, lại không,
Quên không tạ ơn Thánh
Để ăn ở có lòng.
NGÔI NHÀ CUỐI CÙNG CỦA NGƯỜI THỢ MỘC
Có người thợ mộc nọ,
Giỏi nghề và thông minh,
Già, xin chủ nghỉ việc,
Về nghỉ với gia đình.
Chủ ông lấy làm tiếc,
Nhưng cũng phải bằng lòng.
Có điều, trước khi nghỉ,
Ông chủ đã nhờ ông
Dựng một ngôi nhà nữa,
Là ngôi nhà cuối cùng.
Coi như một kỷ niệm
Những năm tháng làm chung.
Người thợ mộc đồng ý.
Nhưng mong chóng về nhà,
Lại là ngôi nhà cuối,
Nên ông chẳng mặn mà.
Ông không thật chú ý
Vào công việc mình làm.
Các vật liệu ông chọn
Cũng là loại tạp nham.
Và rồi ngôi nhà ấy,
Cuối cùng cũng dựng xong.
Ông chủ trao chìa khóa
Và giấy tờ cho ông.
“Bác là người thợ giỏi,
Từng xây nhiều ngôi nhà.
Ngôi nhà này xinh đẹp
Tôi tặng bác làm quà!”
Ngạc nhiên và xấu hổ,
Bấy giờ người thợ già
Mới chợt tỉnh, sực nhớ
Lời dạy của A-la:
“Ngôi nhà ta sẽ ở
Phải chính tự ta xây
Bằng việc làm trung thực
Và ân nghĩa hàng ngày.”
ĐỘI QUÂN NGHÌN VOI
Câu chuyện này được chép
Trong Kinh Thánh Cô-ran.
Một câu chuyện có thật.
Điều ấy khỏi phải bàn.
Tiên tri Mu-ham-mat
Lúc ấy mới ra đời
(Cầu mong Ngài an lạc
Vĩnh viễn ở trên trời.)
Vua Ye-men hùng mạnh,
Tên là Ab-ra-ha,
Muốn xây nhà thờ lớn
Ở thủ đô Sa-na.
Nhà thờ ấy vĩ đại,
Phải tuyệt đẹp nhất đời.
Hơn nhà thờ Ka-bat
Ở Mêc-ca tuyệt vời.
Vua hy vọng nhờ vậy
Khách hành hương gần xa
Sẽ đến viếng thăm nó,
Thay cho thành Mêc-ca.
Hơn thế, người buôn bán
Cũng sẽ kéo về đây,
Mua sản vật nội địa,
Làm giàu cho xứ này.
Sau nhiều năm vất vả,
Nhà thờ được xây xong.
To lớn và đẹp nhất
Khắp hai miền Tây, Đông.
Một hôm, có người nọ
Từ đất thánh Mêc-ca,
Thuộc bộ tộc Qua-rit,
Tới thủ đô Sa-na.
Ông này rất phẫn nộ
Khi thấy khu nhà thờ.
Vâng, phẫn nộ đến mức
Tụt quần rồi bất ngờ
Ỉa và đái lên nó.
Còn bôi bẩn lên tường.
Đó là sự báng bổ
Trắng trợn và dị thường.
Khi vụ việc được báo
Vua Ab-ra-ha hay,
Thì ông người Qua-rit
Đã cao chạy xa bay.
Vua tức giận, quyết định
Dấy đại binh lên đường
Phá nhà thờ Ka-bat,
Mêc-ca, đất hành hương.
Đại quân đi rầm rập,
Cùng một nghìn tượng binh.
Phá sạch hết mọi cái
Trên đường đi của mình.
Hàng vạn người bị giết,
Cả ngươi trẻ, người già.
Đoàn quân cứ thẳng tiến
Về hướng thành Mêc-ca.
Gần đến nơi, bất chợt,
Có hàng triệu con chim
Từ trên trời lao xuống,
Chiếc mỏ nhọn như kim.
Chúng cắm vào da thịt
Của một nghìn con voi
Và cả của binh lính.
Vết thương tấy, mọc dòi.
Cả đại quân hùng mạnh
Của vua Ab-ra-ha
Bị tiêu diệt toàn bộ
Trước cửa thành Mêc-ca.
Đức A-la linh hiển
Đã làm phép, ra oai
Cứu nhà thờ Ka-bat,
Nơi linh thiêng thờ Ngài.
NGƯỜI HÀNH KHẤT Ở THÀNH ĐA-KA
Có một người hành khất
Xưa, ở thành Đa-ka,
Thủ đô Băng-la-đet,
Một thành phố phồn hoa.
Hàng ngày ông nhẫn nhục
Ngồi trước cổng nhà thờ,
Bên chiếc mũ cói rách
Và rồi lặng lẽ chờ.
Có hôm ông xin được,
Cũng nhiều hôm về không.
Nhưng ông thường chăm chú
Nghe giảng kinh bên trong.
Bên trong nhà thờ lớn
Luôn có người giảng kinh,
Về điều hay, lẽ phải
Và thế thái, nhân tình.
Một hôm ông nghe giảng
Về các cách kiếm tiền.
Hợp pháp và phi pháp,
Đáng chê và đáng khen.
Sau hôm nghe giảng ấy,
Thật lạ, ông già này,
Ai cho, nhiều hay ít,
Cũng không chịu nhận ngay.
Mà cứ hỏi bằng được
Tiền bố thí đâu ra.
Hợp pháp hay phi pháp.
Đúng là thật phiền hà.
Mọi người rất khó chịu.
Ai cũng nói một câu:
“Là tiền ăn cắp đấy.
Có lấy không?” Lắc đầu.
Một tên cướp biết chuyện,
Cho ông mấy đồng vàng,
Nhưng ông không chịu nhận,
Vì nó “không rõ ràng”.
Không nhận thì chết đói.
Ăn mày còn làm cao!
Và rồi ông chết thật.
Không khó hiểu vì sao.
Chỉ khi ông già chết,
Mọi người mới nhận ra,
Ông là người thực sự
Làm theo lời A-la.
Ngài dạy: “Phải sạch sẽ
Từ cơ thể, tay chân
Đến việc làm, ý nghĩ
Và trong cái mình ăn.”
Ông ăn mày chết đói
Cuối cùng được mọi người
Chôn cất rất trọng thể,
Như tấm gương cho đời.
NGƯỜI MỘ ĐẠO VÀ QUỈ XA-TĂNG
Có một người mộ đạo
Suốt ngày ngồi ở nhà
Đọc sách kinh, tế lễ
Và câu nguyện A-la.
Một hôm, ông nghe nói
Ở làng nọ, gần đây,
Người ta đang làm lễ
Thờ cúng một cái cây.
Ông thấy bị xúc phạm,
Cầm rìu ra khỏi nhà,
Quyết đốn hạ cây ấy,
Nhân danh Đức A-la.
Dọc đường, người mộ đạo
Chợt gặp quỉ Xa-tăng,
Vốn là thần cây ấy.
Nó chặn ông, mà rằng:
“Ông thờ ai, cứ việc.
Chuyện cái cây, can gì?
Mỗi người một tín ngưỡng.
Thôi ông về nhà đi!”
Nhưng ông kia không chịu.
Rồi hai người đánh nhau.
Quỉ Xa-tăng đuối sức,
Xin tha chết hồi lâu.
Nó nói: “Như ông biết,
A-la không bắt ông
Phải đốn hạ cây ấy.
Sao cứ phải bận lòng?
Nếu ông tha không giết
Và hứa không chặt cây,
Từ nay tôi sẽ tặng
Ba đồng vàng một ngày.
Mỗi sáng ông tỉnh dậy,
Lật gối là thấy vàng.
Tha hồ làm việc thiện
Và giúp đỡ họ hàng.”
Ông kia nghe, thấy được,
Bắt hắn thề, rồi tha.
Không còn thấy khó chịu
Khi vác ríu về nhà.
Sáng hôm sau tỉnh dậy,
Ông thấy vàng, ba đồng.
Hôm tiếp theo cũng thế.
Ngày thứ ba thì không.
Ông tức giận, lần nữa
Vác rìu đi chặt cây.
Rồi lại gặp con quỉ,
Rồi đánh nhau, lần này
Ông nhanh chóng thất bại.
Bị quỉ đè lên người.
Ông nói: “Sao thế nhỉ?
Lần trước ta thắng ngươi…”
Con quỉ đáp: “Lần trước
Ngươi thực lòng, A-la
Đã ban cho sức mạnh,
Nên ngươi đã thắng ta.
Còn lần này Ngài thấy
Ngươi lóa mắt vì vàng,
Ngài thất vọng, không giúp,
Nên ta thắng dễ dàng.”
NHÀ VUA VÀ ÔNG LÃO NGHÈO
Có một ông vua nọ
Lên xe đi một vòng
Khắp đất nước rộng lớn.
Người chào đón rất đông.
Biết trước vua đang đến,
Hàng chục nghìn thần dân
Chen chúc nhau nhòm ngó,
Ai cũng cố lại gần.
Thế mà ở thành nọ,
Có một ông lão nghèo,
Vua đến cũng mặc kệ,
Thậm chí không nhìn theo.
Thấy lạ, vua bèn hỏi:
“Ta là vua, tới đây.
Sao không như người khác,
Ngươi dửng dưng thế này?”
“Là vì, tâu hoàng thượng,
Từ rất lâu, trước Ngài,
Từng có ông vua tới,
Và con, cũng như ai,
Rất hăm hở chào đón.
Mấy hôm sau vua này
Đột tử, được chôn cất,
Ngẫu nhiên cùng một ngày
Với một gã hành khất.
Được mấy năm, và rồi
Lụt lớn, cả hai mộ
Đều bị nước cuốn trôi.
Xương của hai người ấy
Lẫn vào nhau, thưa Ngài.
Con không phân biệt nổi
Xương nào là của ai.
Thưa Ngài, tên hành khất
Và ông vua rất giàu,
Khi chết, nằm dưới mộ,
Thực tình chẳng khác nhau.
Nên xin Ngài tha tội,
Con đang bận làm ăn,
Đón Ngài mà bỏ việc,
Con nghĩ không thực cần.”
GÃ KEO KIỆT VÀ THẦN CHẾT
Một gã keo kiệt nọ
Cứ ky cóp dần dần
Bằng cho vay nặng lãi,
Nhịn tiêu và nhịn ăn.
Cuối cùng gã có được
Ba nghìn đồng đi-na,
Một số tiền rất lớn,
Cùng nhiều đất, nhiều nhà.
Một hôm, gã chợt muốn
Sống đúng nghĩa làm người,
Tức là sống thoải mái
Trong đúng một năm trời.
Rồi sau sẽ quyết định
Nên sống tiếp thế nào.
Chịu khổ thế là đủ.
Sướng một chút không sao.
Một quyết định dũng cảm,
Rất đúng, rất đáng khen.
Thế nhưng tối hôm ấy
Thần Chết đứng kề bên.
Gã keo kiệt hoảng hốt,
Bèn quì xuống van nài:
“Xin hãy cho tôi sống.
Tôi sẽ trao cho Ngài
Một phần ba tài sản
Để sống thêm ba ngày.
Thần Chết không đồng ý.
“Vậy thì xin thế này:
Hai ngày thôi cũng được.
Tôi còn ít việc nhà.
Xin được trao Thần Chết
Đúng hai nghìn đi-na.”
Thần Chết vẫn không chịu.
“Vậy cho tôi thời gian
Đủ viết bản di chúc
Cho con cháu, người thân.”
Thần Chết đã đồng ý.
Và anh keo kiệt này
Có mấy lời nhắn nhủ
Rất ý nghĩa sau đây:
“Tiền bạc là rất quí,
Còn quí hơn gấp mười,
Là ta phải biết sống
Đúng với nghĩa làm người.
Đừng lãng phí cuộc sống.
Tiền kiếm được phải tiêu.
Sống như A-la dạy,
Với tấm lòng thương yêu.”
CHUYỆN VỀ CA SĨ GIA-DAN
Lần nọ ibn Ma-sut
Ở thành phố Qua-pha,
Gặp một nhóm người xấu
Đang ăn tiệc tùng, hát ca.
Trong bọn người xấu ấy
Ông thấy có một người,
Bề ngoài trông giản dị,
Nhưng giọng hát tuyệt vời.
Ông thốt lên kinh ngạc:
“Giọng hát ấm, nồng nàn.
Giá người ta dùng nó
Để đọc kinh Cô-ran!”
Ông bỏ đi, luyến tiếc.
Người có giọng hát hay,
Tên Gia-dan, bèn hỏi:
“Ai vừa đi ngang đây
Và đã nói gì vậy?”
Người ta đáp: “Là Ngài
Ab-du-la Ma-sut,
Một con người toàn tài.
Tiên tri Mu-ha-mat
Là bạn thân của ông.
Ông ấy nói anh bạn
Có giọng hát ấm nồng.
Và rằng giọng hát ấy
Nếu hát Kinh Cô-ran
Sẽ rất tuyệt, rất hợp.”
Nghe nói thế, Gia-dan
Đứng lặng vì xúc động,
Rồi bỏ dở cuộc chơi,
Đi theo ibn Ma-sut,
Nguyện trung thành suốt đời.
Từ đấy ông nổi tiếng
Đọc Cô-ran rất hay,
Nghiên cứu về Hồi Giáo,
Thành học giả sau này.
ĐẠI GIÁO CHỦ U-MA
Tối nọ, như thường lệ,
Đại giáo chủ U-ma
Đi dạo quanh vùng đất
Ngoại ô Mê-đi-na.
Bất chợt Ngài dừng lại,
Bảo nô lệ của mình:
“Ta thấy ngoài sa mạc
Có ánh đèn lung linh.
Có thể ai cần giúp
Giữa sa mạc mênh mông.
Ta hãy đi ra đó,
Xem giúp được gì không.”
Đến nơi, Ngài chợt thấy
Trong lều vải xác xơ
Một người đàn bà trẻ
Và mấy đứa con thơ.
Ngài lại gần rồi hỏi:
“Sao chúng khóc thế này?”
“Vì nhà tôi hết bánh.
Chúng đói mấy hôm nay.
Tôi phải nấu nước lã
Giả làm cháo, mà rồi
Chúng không tin, vẫn khóc.
Thật khốn khổ con tôi.
Khi đến ngày phán xét,
Đại Giáo Chủ Ô-ma
Sẽ nhận được lời trách
Từ Đức Thánh A-la.
Vì ông, Đại Giáo Chủ,
Cũng là vua lâu nay,
Mà đang tâm nỡ để
Con tôi đói thế này!”
Bà đã nói như thế,
Không biết Ngài là ai.
Ngài không giận, lặng lẽ
Cúi đầu nghe, rồi Ngài
Hỏi: “Làm sao Giáo Chủ
Biết con bà đói ăn?”
“Đã là Đại Giáo Chủ,
Thì phải biết người dân.
Tự mình không biết được
Thì sai người của mình
Đi khắp nơi để biết
Về thế thái nhân tình.”
U-ma, Đại Giáo Chủ,
Vội vã quay về nhà,
Chất một bao tải lớn
Gồm bột, trái chà và
Cùng dầu mỡ, quần áo
Và ít tiền, rồi Ngài
Nâng cái bao lớn ấy,
Tự mình vác lên vai.
At-lam, người nô lệ,
Thấy thế, sợ hết hồn:
“Không, thưa Ngài, không thể!
Đó là việc của con!”
“Gánh nặng này nặng lắm.
Để ta gánh, At-lam.
Việc của ta, hẳn thế,
Vậy thì để ta làm.
Mai sau, Ngày Phán Xét,
Chắc chắn Đức A-la
Sẽ hỏi và chất vấn
Việc làm này của ta.”
Tối hôm ấy lũ trẻ
Ăn no, lại vui chơi.
Đại Giáo Chủ nhìn chúng,
Chảy nước mắt, mỉm cười.
Người mẹ trẻ sung sướng,
Nói: “In-sha A-la,
Ông xứng đáng thay thế
Đại Giáo Chủ U-ma!”
(In-sha A-la. Tiếng Ả Rập: “Nếu
Đức A-la muốn thế”. Câu nói thường ngày của người Hồi Giáo.)
CẬU BÉ VÀ CON CHÓ
Theo kể lại, ngày nọ,
Ap-đu-la Gia-pha,
Có việc, đi đâu đó,
Ngang một cánh rừng già.
Đến một khu vườn quả,
Ngài nhìn thấy một người,
Một cậu bé nô lệ,
Đang chang nắng giữa trời.
Mồ hôi cậu nhễ nhại,
Làm việc không ngơi tay.
Rồi có người mang tới
Suất ăn cho cả ngày.
Cũng vừa đúng lúc ấy
Một con chó trụi lông
Chạy lại, nghếch mõm đợi,
Nước dãi chảy thành dòng.
Cậu lấy một chiếc bánh
Nhỏ bằng hai ngón tay,
Không ăn, mà cúi xuống
Đưa cho con chó này.
Khi ăn xong chiếc bánh,
Con chó vẫn không đi.
Nó ngước lên nhìn cậu
Với ánh mắt nằn nì.
Cậu cho nó chiếc nữa,
Tức là chiếc thứ hai.
Ăn xong, con chó đói
Nước dãi vẫn chảy dài.
Cậu do dự một chốc,
Rồi cho chiếc thứ ba.
Gia-pha nhìn thấy hết,
Dù đang đứng từ xa.
Ngài lại gần rồi hỏi:
“Suất của cậu hôm nay
Có bao nhiêu chiếc bánh
Để ăn dần cả ngày?”
“Tất cả có ba chiếc.”
Cậu trả lời Gia-pha.
“Sao cậu đem cho hết
Con chó ấy, cả ba?”
“Vì cháu thấy nó đói.
Nó là con chó hoang.
Chắc từ xa mới tới,
Không phải chó trong làng.
Vì thế cháu không thể
Không cho nó ăn no…”
“Nhưng cháu sẽ nhịn đói.”
“Cháu quen rồi, đừng lo.”
“Cậu bé này thật tốt, -
Ap-đu-la Gia-pha
Thầm nghĩ. - Và cao thượng
Hơn tất cả chúng ta!”
Rồi Ngài gặp ông chủ,
Mua lại cậu bé này.
Cho ít tiền làm vốn,
Mua tặng cả vườn cây.
Abdulah ibn Jafar là con trai
Jafar ibn Abu Talib và là cháu của Ali, con rể của Tiên Tri Muhammad.
CHIẾC BÁT BẰNG GỖ
Có một ông già nọ,
Gầy yếu, bạc trắng đầu.
Cuối đời dọn đến ở
Cùng con trai, con dâu.
Vì già, tay run rẩy,
Mắt gần như mù lòa,
Nên ăn cơm, ông cụ
Cứ làm đổ ra nhà.
Thêm tội đánh rơi bát,
Làm vỡ cốc, vỡ bình.
Vợ chồng con xấu hổ,
Khó chịu với cha mình.
Cuối cùng, không nhịn được,
Họ dọn riêng cho ông
Một chiếc bàn ăn nhỏ
Ở tít trong góc phòng.
Trên chiếc bàn ăn ấy
Bát đĩa và thìa canh
Đều được làm bằng gỗ,
Rơi, vẫn còn nguyên lành.
Thế là, tội ông cụ,
Ăn, rơi vãi đầy người.
Con trai và cô vợ
Không thèm hỏi một lời.
Nhà có đứa con nhỏ
Năm tuổi, mũi thò lò.
Muốn ăn cùng ông nội
Nhưng bố mẹ không cho.
Một hôm, anh bố thấy
Con mình đang nghịch dao,
Đẽo gọt cái gì đấy.
Hỏi làm gì, vì sao?
“Con đang làm chiếc bát
Bằng gỗ từ cây này.
Để sau già, bố mẹ,
Ăn như ông hôm nay.”
Anh bố nghe, đứng lặng,
Đau đớn và thẹn thùng.
Tối đến, mời ông cụ
Ngồi cùng bàn ăn chung.
*
Thánh A-la vĩ đại
Vẫn luôn dạy chúng ta:
Con cái phải kính trọng,
Thương yêu bố mẹ già.
Ở đời, thành già lão,
Lẩn thẩn là bình thường.
Bố mẹ càng già yếu,
Lại càng phải yêu thương.
CHUYỆN BUỒN VỀ NGƯỜI GIÀU CÓ
Một người đàn ông nọ
Ở nước At-đa-ha
Nổi tiếng rất giàu có,
Tuyên bố lúc về già:
“Bao nhiêu năm tích góp,
Đến nay ta là người
Không chỉ đông con cháu,
Mà còn giàu nhất đời.
Ta giàu đến mức đủ
Nuôi cháu con, nô tỳ
Một trăm năm trước mắt,
Mà không phải làm gì!”
Đúng là ông giàu thật -
Một kho đầy ắp vàng,
Thêm hai kho châu báu.
Nhiều nhà cửa dọc ngang.
Thế mà lúc ông chết,
Lũ con, thật xấu xa,
Lo tranh nhau của cải,
Không đứa nào chôn cha.
Mấy ngày sau xác rữa,
Mùi thối bay khắp nơi.
Hàng xóm lấy chiếu rách,
Bịt mũi, đắp lên người.
Lũ con cháu bất hiếu
Vẫn không chịu chôn ông.
Vì của cải nhiều quá
Chia mãi vẫn chưa xong.
Cuối cùng, không chịu nổi,
Người ta dùng dây thừng
Cột chân ông để kéo,
Đưa xác chết vào rừng.
Xác ông già lúc ấy
Đã thối rữa, trơ xương,
Nên bị kéo, đứt gãy,
Rồi rơi rớt dọc đường.
*
Cái con người thực sự
Cần tích góp cho mình
Không phải là tiền bạc,
Mà cuộc sống tâm linh.
Tức là lo tích góp
Nhân và đức hàng ngày,
Như A-la đã dạy.
Xin nhớ bài học này.
VUA MÁC-MÚT VÀ ANH ĐẦY TỚ
Câu chuyện này có thật
Ở Áp-ga-ni-stan,
Qua suốt nhiều thế hệ
Lưu truyền trong dân gian.
Vua Sun-tan Mac-mut
Có người đầy tớ yêu
Tên là A-y-at,
Được vua rất yêu chiều.
Vì anh, dẫu đầy tớ,
Nhưng là người thông minh,
Trung thành và tận tụy
Với ông chủ của mình.
Quan trong triều thấy thế,
Tỏ ý ghen anh này.
Dè bỉu, bảo anh ngốc,
Hám lợi và thơ ngây.
Vua Mac-mút bênh vực
Anh đầy tớ của mình.
Muốn để mọi người biết
Ai ngốc, ai thông minh.
Ngài cho ra thông báo,
Được đem dán khắp nơi,
Rằng muốn đem của cải
Phân phát cho mọi người.
Rằng ngày ấy, giờ ấy,
Vua mời quan và dân
Vào cung, cứ thỏa thích
Lấy những cái mình cần.
Ai thích gì, đơn giản
Chạm bàn tay của mình
Vào cái họ muốn có,
Thì nó là của mình.
Đúng ngày giờ, háo hức
Mọi người kéo vào cung.
Rồi xẩy ra cái việc
Tranh cướp rất hãi hùng.
Kẻ chạm vào bức tượng,
Tủ quần áo, cái giường,
Người chạm vào bàn ghế,
Chiếc thảm hay cái gương…
Anh hầu A-y-at
Cùng vua đứng bên ngai.
Bất chợt, anh âu yếm
Đặt tay lên đầu Ngài.
Chàng nói to: “Dừng lại!
Ta đã chạm vào vua.
Vậy, theo như luật định,
Bây giờ ta là vua.
Tức ta là ông chủ,
Toàn quyền ở nơi này.
Hãy nghe ta chăm chú.
Ta ra lệnh dừng ngay!
Ai về nhà người ấy.
Cái gì nằm ở đâu
Hãy đặt đúng chỗ cũ.
Không, sẽ bị chém đầu!”
Đến bây giờ tất cả
Mới nhận ra một điều:
Anh hầu thông minh nhất,
Và lặng lẽ nghe theo.
*
Tham lam và ngu dốt,
Luôn có rất nhiều người
Ham giàu, cố vơ vét
Hết mọi cái trên đời.
Trong khi ta nên cố
Làm đẹp lòng A-la.
Có Ngài là ta có
Mọi cái trong đời ta.
CHIẾC HỒ ĐẦY SỮA
Có một ông vua nọ
Bắt thần dân của ngài
Đào một chiếc hồ lớn
Vừa rộng lại vừa dài.
Xong, ngài liền ban lệnh
Ngay đêm ấy, mỗi người
Chuẩn bị một cốc sữa,
Loại sữa ngon và tươi.
Rồi đem cốc sữa ấy
Đổ vào hồ mới đào,
Để hồ đầy sữa ngọt
Và sóng sữa dâng trào.
Lệnh vua, như ta biết,
Phải làm đúng, làm ngay.
Thế mà có một gã
Lại nghĩ bụng thế này:
“Ta đem cốc nước lã
Thay cốc sữa, không sao.
Đông người, trời lại tối,
Ai biết đâu vào đâu!”
Nói là làm, đêm ấy
Hỉ hả anh chàng này,
Yên tâm cốc nước nhỏ
Lẫn trong hồ sữa đầy.
Sáng hôm sau tỉnh dậy,
Vua và toàn gia đình
Ra xem hồ, đứng lặng,
Không tin vào mắt mình.
Thay cho hồ sữa ngọt,
Trước mặt ngài, buồn sao,
Chỉ là hồ nước lã.
Không một giọt sữa nào.
Hóa ra đêm hôm ấy,
Tất cả dân nước ngài
Nghĩ như anh chàng nọ,
Đúng, không trừ một ai.
*
Câu chuyện này triết lý
Của thế giới Đạo Hồi
Cho ta một bài học
Thấm thía về người đời.
SA-ĐI DỰ TIỆC CƯỚI
Sa-đi, nhà thơ lớn,
Nổi tiếng khắp Tây Đông,
Tác giả hai bộ sách
Là Vườn Quả, Vườn Hồng.
Giống các nhà thơ khác,
Suốt đời ông rất nghèo.
Sống thanh đạm, giản dị,
Quần áo cũng không nhiều.
Có ông nhà giàu nọ
Cưới vợ cho con trai,
Mời nhà thơ đến dự,
Chủ yếu cho nó oai.
Quan khách đến nhiều lắm,
Mà toàn những người giàu.
Mặc áo quần sặc sỡ,
Lộng lẫy đủ các màu.
Nhà thơ đến, giản dị
Trong bộ áo sờn lông,
Và dù rất vĩ đại,
Không ai quan tâm ông.
Chủ nhà không đon đả.
Thậm chí bọn gia nhân
Cũng không thèm chú ý,
Để ông đứng ngoài sân.
Trong khi những người khác,
Do ăn mặc hơn người,
Được đón tiếp nồng hậu,
Đầu cúi, miệng luôn cười.
Sa-đi, nhà thơ lớn,
Nổi tiếng khắp Tây Đông,
Người viết hai kiệt tác
Vườn Quả và Vườn Hồng,
Thế mà bị khinh rẻ,
Tẽn tò đứng ngoài sân.
Chỉ vì áo ông mặc
Giản dị, kiểu bình dân.
Cuối cùng, ông quay gót,
Tới cửa hàng phố bên,
Nơi cho thuê quần áo,
Cả loại rất đắt tiền.
Rồi nhà thơ vĩ đại
Một lát sau quay vào,
Diện bộ áo lộng lẫy,
Ai cũng cúi thấp chào.
Ai cũng mời đon đả,
Đặc biệt là chủ nhân,
Lắm lời và khúm núm,
Mời ngồi xuống bàn ăn.
Với nét mặt khinh bỉ,
Nhà thơ chỉ làm thinh.
Thỉnh thoảng gắp cá thịt
Cho tay áo của mình:
“Mày gắng ăn đi nhé.
Đừng khách khí, ăn đi.
Quần áo mới quan trọng.
Còn người chẳng là gì.”
Mọi người nhìn, kinh ngạc:
“Sao ngài làm thế này?”
“Không phải tôi, bộ áo
Là khách mời hôm nay!”
Ông nói rồi đựng dậy,
Rũ tay áo, đi về.
Để lại chủ và khách
Sự xấu hổ ê chề.
ĐÁ VÀ CÁT
Xưa, đôi bạn thân nọ
Có công chuyện, một lần
Phải đi qua sa mạc,
Cát thiêu đốt dưới chân.
Hơn thế, thức ăn hết,
Nước cũng cạn từ lâu,
Nên đâm ra cáu kỉnh,
Và cuối cùng cãi nhau.
Một anh, không kìm nổi,
Tát vào má bạn mình.
Không hề đánh trả bạn,
Người bị tát làm thinh.
Sau đó, anh cúi xuống,
Viết trên cát bằng tay:
“Người bạn thân thiết nhất
Đã tát tôi hôm nay.”
Rồi hai người đi tiếp,
Cuối cùng gặp dòng sông.
Đang tắm, người bị tát
Bỗng chìm nghỉm giữa dòng.
Người tát bạn vội vã
Nhảy xuống, vớt anh lên.
Anh vội lấy tảng đá,
Dùng búa, khắc lên trên
Một dòng chữ nguệch ngoạc,
Nhưng rất rõ, thế này:
“Người bạn thân thiết nhất
Đã cứu tôi hôm nay.”
“Sao cậu viết lên cát
Khi bị tát, bây giờ
Cậu lại khắc lên đá
Việc được cứu lên bờ?”
Người bạn anh hỏi thế.
Và anh đáp: “Là vì
Việc xấu, viết lên cát
Để gió thổi bay đi.
Còn việc tốt, ngược lại,
Nhất là việc cứu người,
Thì phải khắc lên đá
Để nhớ mãi suốt đời.”
GIÀU, NGHÈO
Có một giáo sĩ nọ,
Là A-bu Đac-đa,
Uyên thâm và thông thái,
Nổi tiếng khắp gần xa.
Một hôm, đang thuyết giảng
Thì vợ ông chạy vào,
Kêu nhà đã hết bột,
Tiền chẳng còn đồng nào.
Ông vờ không nghe thấy,
Vẫn giảng tiếp bình thường,
Về hạnh phúc, đau khổ,
Địa ngục và thiên đường.
Ông nói: “Ta, tất cả
Phải tiêu tiền, phải ăn.
Nhưng người giàu luôn có
Hơn mức họ đang cần.
Nên phần dư thừa ấy
Chỉ để ngắm hàng ngày.
Không cần, và vô bổ.
Luôn vẫn thế xưa nay.
Còn người nghèo, ta biết,
Cũng phải tiêu, phải ăn.
Khổ, những ít ai chết,
Thường đủ cái mình cần.
Và dẫu cũng vô bổ,
Họ được ngắm hàng ngày
Cái dư thừa người khác.
Không ai cấm việc này.
Vậy là chúng ta thấy,
Khi ta giàu hay nghèo,
Rốt cục đều thế cả.
Sự khác nhau không nhiều.
Hơn thế, sau khi chết,
Xuống địa ngục, người giàu
Phải chứng minh trước quỉ
Sự thừa ấy do đâu.
Còn người nghèo có khổ
Chút ít trong đời thường,
Nhưng bù lại, khi chết
Thảnh thơi lên thiên đường.
*
Bà vợ của giáo sĩ
Vô tình nghe, nghe xong,
Bà ra về, từ đấy
Thôi không mè nheo chồng.
HAI CON SÓI TRONG TA
Một giáo sĩ Hồi Giáo
Nổi tiếng rất thông minh,
Một hôm, lúc nhàn rỗi,
Nói với cậu cháu mình:
“Cháu không nên tức giận,
Cả khi gặp bất công.
Tức giận cũng vô ích,
Chỉ thêm bực trong lòng.
Sự giận dữ, cháu ạ,
Khiến người ta thành mù.
Tự mình ngậm thuốc độc,
Hy vọng giết kẻ thù.
Ngày xưa, lúc còn bé,
Hệt như cháu hôm nay,
Ông cũng thường tức giận,
Nên rất hiểu điều này.
Ông biết, hai con sói
Luôn thường trực trong ông.
Một lúc hai con sói,
Đúng thế, cháu tin không?
Một con, dù hung dữ,
Nhưng thường chỉ nằm yên.
Không làm hại ai cả.
Hung dữ mà rất hiền.
Nó lặng lẽ chuẩn bị
Sức lực để có ngày
Cần thiết, sẽ quyết chiến
Vì lẽ phải, điều ngay.
Nhưng hoàn toàn ngược lại
Là con sói thứ hai.
Hung dữ và hiếu chiến,
Không phân biệt đúng sai.
Là vì nó tức giận
Và hằn học với đời.
Tức giận nên mù quáng,
Sẵn sàng cắn chết người.
Thế đấy, hai con sói
Luôn thường trực trong ông.
Khó dung hòa được chúng.
Ông nói thế, hiểu không?
Mà hai con sói ấy
Gầm ghè, không chịu nhau.
Con nào cũng muốn thắng,
Cố ngoi lên hàng đầu…”
“Thưa ông, vậy rốt cục,
Cho cháu hỏi được không:
Thường thì con nào thắng,
Hai con sói trong ông?”
Mỉm cười, ông giáo sĩ:
Xoa đầu cháu, ân cần:
“Là con ông nuôi dưỡng
Và thường xuyên cho ăn!”
BÁNH HÔM QUA ĐẮT HƠN BÁNH HÔM NAY
Câu chuyện này có thật:
Một giáo sĩ Đạo Hồi
Khi đi qua làng nọ,
Dừng lại nghỉ, và rồi
Ông ngạc nhiên khi thấy
Quán bánh mì trong làng
Có xếp hai dãy bánh,
Với bảng giá rõ ràng:
“Bánh hôm nay, mỗi chiếc
Một phần tư đi-na.
Đắt gấp đôi giá ấy
Là bánh làm hôm qua.”
Ông hỏi ông chủ quán:
“Sao lạ lùng thế này,
Rằng bánh làm hôm trước
Đắt gấp đôi hôm nay?”
“Là vì, thưa giáo sĩ, -
Ông chủ quán trả lời. -
Dân làng này sùng đạo,
Nên xưa nay mọi người
Chỉ thích mua bánh cũ,
Bánh được làm hôm qua.
Vì chí ít bánh ấy
Gần với Đức A-la,
Gần với Mu-ha-mat,
Dù chỉ hơn một ngày.
Họ yêu Ngài thế đấy.
Luôn thế đấy xưa nay.”
CHA CON
Có một anh chàng nọ
Bố mẹ gửi đi xa,
Học xong và đỗ đạt,
Rồi trở về thăm nhà.
Một hôm, anh cùng bố,
Nghễnh ngãng, chân lại què,
Cùng ra ngồi trước ngõ,
Chiêm ngưỡng cảnh đồng quê.
Bỗng có một con quạ
Bay đến, đậu trên cây.
“Con chim gì ấy nhỉ,
Vừa mới bay đến đây?”
Anh con đáp: “Thưa bố.
Đó là con quạ đen.
Chắc từ xa bay đến.”
Ông già nghe, lặng yên.
Nhưng ít phút sau đó
Ông lại hỏi con trai:
“Con chim gì ấy nhỉ?”
Anh con lén thở dài:
“Con quạ đen, thưa bố.
Chỉ con quạ mà thôi.
Vừa lúc nãy bố hỏi,
Con đã trả lời rồi.”
Tưởng như thế là rõ,
Vậy mà rồi ông già
Ngồi im được một chốc,
Lại hỏi lần thứ ba.
Rồi thêm hai lần nữa,
Tổng cộng là năm lần
Về con chim gì đó
Đậu đâu đấy rất gần.
Không giữ được bình tĩnh,
Anh con trai thông minh,
Được học hành, đỗ đạt,
Cáu gắt với cha mình.
Ông bố anh lặng lẽ
Chống gậy đi vào nhà.
Và tay cầm cuốn sổ,
Một lát sau đi ra.
Đó là cuốn nhật ký
Sờn cả trong lẫn ngoài.
Ông viết đã lâu lắm,
Về mình và con trai.
Anh con ngồi lặng lẽ
Đọc, rồi mắt lệ nhòa
Khi đến đoạn thời bé
Anh đã hỏi người cha,
Cũng về chuyện con quạ.
Mà những hăm lăm lần.
Cha anh không cáu gắt,
Mà trả lời ân cần.
*
Bài học là thế đấy.
Ta cậy giỏi, thông minh,
Nhiều khi không chịu hiểu
Tình yêu bố mẹ mình.
HAI ÔNG GIÀ
Câu chuyện này cảm động,
Các bạn đã đọc chưa?
Không sao, nếu đã đọc,
Đọc lại cũng không thừa.
Tôi đọc nó trong tập
“Truyện Hồi Giáo ngày nay”.
Một câu chuyện cảm động,
Đại khái ý thế này.
*
Có hai ông già nọ,
Ốm, nằm chung một phòng
Trong bệnh viện thành phố,
Đất chật và người đông.
Một người bị bệnh nặng,
Nằm bất động trên giường.
Người kia thỉnh thoảng dậy,
Trầm ngâm ngồi tựa tường.
Bên cạnh là ô cửa
Duy nhất trong cả phòng.
Bên ngoài trời xám xịt,
Vì đang là mùa đông.
Những lúc không mệt lắm,
Họ kể chuyện gia đình,
Chuyện cháu con, thế sự,
Chuyện buồn vui đời mình.
Bất chợt bệnh phát triển,
Người phải nằm liệt giường
Nghĩ chắc mình sắp chết,
Luôn thở dài chán chường.
Người ngồi bên cửa sổ
Thì từ đấy hàng ngày
Miêu tả để bạn biết
Cảnh đẹp thành phố này.
Rằng bên ngoài cửa sổ
Đang mùa xuân, công viên
Đàn thiên nga bơi lội
Trên mặt hồ bình yên.
Rằng lũ trẻ bắt bướm,
Hái hoa trên cỏ xanh;
Rằng cuộc sống thật đẹp,
Hạnh phúc và yên bình,
Có hôm ông còn kể
Rằng ngoài phố bây giờ
Có diễu binh to lắm,
Phố đầy hoa và cờ.
Bạn ông, dẫu tai điếc,
Mắt gần như mù lòa,
Vẫn hình dung thấy phố
Ngập một màu cờ hoa.
Cứ thế, nghe bạn kể,
Người ốm nằm liệt giường
Thấy khao khát muốn sống,
Thôi không còn chán chường.
*
Một hôm, cô y tá
Thấy bệnh nhân của cô
Gục đầu bên cửa sổ,
Chết lịm từ bao giờ.
Một tháng sau, bệnh giảm,
Người phải nằm liệt giường
Xin phép được ngồi dậy,
Tựa lưng vào mép tường.
Ông hồi hộp chờ đời
Giây phút nhìn ra xa
Để được thấy hồ nước
Và thành phố đầy hoa.
Nhưng rồi ông thất vọng:
Ngoài cửa sổ, trước ông
Là một bức tường trống,
Cả rêu bám cũng không.
Ông đã hiểu, bất chợt,
Hai mắt lệ ướt nhòa.
Trân trân nhìn phía trước,
Xót thương người bạn già.
No comments:
Post a Comment