Monday, February 23, 2015

CÁC TRUYỆN VÀ TÍCH PHẬT - 2



SÁU PHÁP BA LA MẬT

Ba La Mật, tiếng Phạn
Là Pu-ra-mi-ta,
Gồm có sáu pháp chính
Của những người xuất gia.

Ba La Mật có nghĩa
Là vượt qua sông Mê.
Một quá trình tu dưỡng
Giúp phát tâm Bồ Đề.

Đây là Bồ Tát đạo,
Trước, giải thoát cho mình,
Còn gọi là tự độ,
Sau, cứu giúp chúng sinh.

Sáu pháp Ba La Mật:
Một, Bố Thí giúp người.
Hai, Trì Giới, giữ luật.
Ba, Kiên Nhẫn ở đời.

Bốn, Rèn Luyện Tinh Tấn.
Năm, Thiền Định hàng ngày.
Sáu, chăm lo Trí Tuệ
Để bát Tuệ luôn đầy.

1
BỐ THÍ

Bố thí có ba loại.
Tài thí là loại đầu,
Tức bố thí tiền bạc.
Pháp thí là loại sau.

Pháp thí đem chân lý
Của Phật đến cho người.
Dạy Từ Bi Hỷ Xả
Để sống tốt ở đời.

Vô úy là bố thí
Niềm vui và lời khuyên,
Để người khác an lạc,
Thoát khỏi nỗi buồn phiền.

Bố thí có ba bậc,
Tùy đức độ từng người,
Là Hạ, Trung và Thượng.
Tất cả nhằm giúp đời.

Hạ, bố thí cơm nước,
Quần áo cũ, dầu đèn.
Trung, bố thí nhà cửa,
Vàng bạc và thuốc men.

Thượng, bố thí cao nhất,
Của các bậc thánh linh,
Sẵn sàng đem bố thí
Đầu, mắt, chân tay mình.

Xét theo luật nhân quả,
Bố thí nghĩa là cho,
Nhưng cũng nghĩa là nhận
Cái ngày xưa mình cho.

Người nhận của bố thí
Là người có phước lành,
Giờ khó khăn, nhận lại
Cái đức xưa của mình.

Tương tự, người bố thí
Đang tu đức này nay
Bằng cách giúp người khác,
Để được giúp sau này.

2
TRÌ GIỚI

Để Thân, Khẩu và Ý
Tránh được điều không hay,
Không làm điều bất thiện,
Phải trì giới hàng ngày.

Tức là luôn tâm niệm
Để ghi nhớ trong lòng,
Không phạm năm điều cấm,
Trong ý nghĩ cũng không.

Một, được không nói dối.
Hai, không được sát sinh.
Ba, không được trộm cắp,
Lấy cái không của mình.

Bốn, không được uống rượu.
Năm, không được tà dâm.
Giữ được năm giới ấy,
Sẽ thanh thản cõi tâm.

Trì giới phải tự nguyện,
Không để khoe với đời.
Liên tục và kiên nhẫn,
Không một phút buông lơi.

3
NHẪN NHỤC

Nhẫn nhục là đức tính
Cần thiết cho con người
Để được sống thanh thản
Và thành đạt trong đời.

Nhẫn nhục có ba cấp.
Thân nhẫn là cấp đầu.
Nhẫn nhục chịu mưa gió,
Đói khát và buồn đau.

Khẩu nhẫn là cấp tiếp.
Nhẫn nhục nén trong lòng,
Không nói lời than trách,
Cả khi chịu bất công.

Quan trọng và cao nhất
Là Ý nhẫn, là khi
Tâm ý không thù hận,
Không để bụng điều gì.

Khi đạt được Ý nhẫn,
Lòng an lạc, yên bình.
Tham Sân Si tự biến,
Thoát được vòng vô minh.

4
TINH TẤN

Theo nghĩa thông dụng nhất,
Tinh tấn là chuyên cần,
Quyết tâm và cố gắng
Để vượt mọi khó khăn

Đời thường đầy cám dỗ,
Vất vả đủ trăm điều.
Người tu hành còn khổ
Và vất vả hơn nhiều.

Vì thế phải tinh tấn,
Luôn nhắc nhở chính mình,
Để vượt qua cám dỗ,
Thoát khỏi vòng vô minh.

Muốn đắc quả, giác ngộ,
Thì với người tu hành,
Phải một lòng tu pháp,
Không để ý xung quanh.

Chính nhờ sự tinh tấn,
Thái tử Tất Đạt Đa
Vượt được nhiều khổ ải
Để thành Phật Thích Ca.

Kiên nhẫn và tinh tấn
Giúp ta thắng cái lười,
Đạt được đích mình muốn,
Tránh thói xấu cuộc đời.

 5
THIỀN ĐỊNH

Thiền định trong tiếng Phạn
Gọi là Dhyana,
Tức tư duy, tĩnh tại,
Là quá trình khi ta

Chuyên tâm ngồi một chỗ,
Trong tư thế tọa thiền,
Suy ngẫm về tâm thức,
Thân và trí tĩnh yên.

Sau sáu năm khổ hạnh,
Thái tử Tất Đạt Đa,
Nhờ chuyển sang thiền định,
Mới thành Phật Thích Ca.

Thiền định là một cách
Ta tìm lại chính mình,
Thanh lọc các ý nghĩ,
Đạt cái thiền, cái minh.

Như tụng kinh, niệm Phật,
Hoặc thanh tịnh ăn chay,
Thiền, phải thiền liên tục,
Kiên nhẫn và hàng ngày.

6
TRÍ TUỆ

Theo Phật học, Trí tuệ
Có hai loại như sau.
Một là Căn bản trí,
Trí tuệ gốc ban đầu.

Căn bản trí là trí
Có sẵn trong mỗi người,
Được thiên nhiên ban phú
Ngay từ lúc chào đời.

Tuy nhiên, cái trí ấy
Có thể bị lãng quên
Nếu không chịu rèn luyện,
Sống vô minh, thấp hèn.

Vì vậy phải cần đến
Cấp Trí tuệ thứ hai,
Gọi là Hậu đắc trí,
Giúp ta thành hiền tài.

Trí này chỉ có được
Qua quá trình dài lâu
Thiền định và trì giới,
Đọc sách và nguyện cầu.

Một khi có được nó,
Ta thoát vòng vô minh,
Phân biệt rõ sai đúng,
Cứu người và cứu mình.

Việc rèn luyện trí tuệ
Để sống tốt, thành người
Đòi hỏi phải kiên nhẫn,
Và kéo dài suốt đời.


TIỀN KIẾP CỦA PHẬT THÍCH CA

Ngày xưa ở Ấn Độ
Có một vị vua già.
Tên ngài là A Dục,
Con là Câu Nà La.

Câu Nà La có nghĩa
Mắt chim câu hiền lành,
Vì thái tử nước ấy
Rất hiền và thông minh.

Vua là ông vua tốt.
Thái tử được dân yêu
Vì chàng rất khiêm tốn,
Trung thực, hiểu biết nhiếu.

Không may hoàng hậu chết,
Vua cưới thêm một người,
Đẹp thì rất xinh đẹp,
Nhưng độc ác, hợm đời.

Mụ rất ham quyền lực,
Không ngần ngại điều gì,
Thích thao túng mọi chuyện.
Tên mụ là Xích Di.

Bỗng nhiên vua lâm bệnh,
Các thầy thuốc bó tay,
Thế mà mụ tài giỏi
Cứu được vua lần này.

Suốt đời mụ mong ước
Con mụ nối ngôi cha,
Nên dễ hiểu, mụ ghét
Thái tử Câu Nà La.

Nhân chữa vua khỏi bệnh,
Mụ xin được một ngày
Vua cho giữ quốc ấn.
Vua chiều mụ điều này.

Quốc ấn của vương quốc
Là vật bất ly thân,
Nó dùng để đóng dấu
Các lệnh truyền, công văn.

Mụ xúi dân làm loạn
Ở một thành phía Tây,
Khuyên vua cho thái tử
Đến cai trị nơi này.

Thế là chàng phải đến
Một nơi đầy hiểm nguy,
Bất chấp lời can gián
Của vợ, Ma Đa Vì.

Chàng vừa đi hôm trước
Thì hôm sau, lạ thay,
Có lệnh vua mật gửi
Các quan ở thành này.

Lệnh niêm phong, khẩn cấp,
Có quốc ấn triều đình,
Bắt móc mắt thái tử
Rồi bẩm báo về kinh.

Các quan thấy lệnh lạ
Chưa dám vội thi hành,
Mà đem trình thái tử.
Chàng đọc nó, giật mình,

Rồi đau buồn, chàng nói:
“Đây đúng lệnh vua cha,
Lại có thêm con dấu,
Vậy cứ móc mắt ta!”

Nhưng quả không ai nỡ.
Cuối cùng, một người say,
Sau khi được ban thưởng,
Đang tâm làm việc này.

Chàng còn bảo dân chúng
Nhất thiết không giúp chàng,
Vì lệnh cấm điều đó.
Dân thương khóc, bàng hoàng.

Thế là chàng thái tử
Ngồi giữa nắng một mình.
Con ngựa quí chàng cưỡi
Lặng lẽ chạy về kinh.

Vợ chàng nhìn thấy nó
Biết có chuyện không hay,
Liền báo vua A Dục,
Vua phái người đi ngay.

Thế là rõ mọi chuyện.   
Vua cho gọi Xích Di,
Lệnh phải đem xẻo thịt,
Xẻo hết, chẳng chừa gì.

Bỗng nhiên chàng thái tử
Lại bênh mụ, xin tha.
Chàng nói người lương thiện,
Chân tu và thật thà

Có thể bị trừng phạt
Vì tiền kiếp của mình.
Rồi chàng kể câu chuyện
Về cái ác, vô minh.   

*
Ngày xưa, đã lâu lắm,
Một thợ săn vui mừng
Vì một lúc bắt được
Năm mươi con dê rừng.

Nhưng nếu giết tất cả,
Không mang hết thịt về
Nên quyết định móc mắt
Cả năm mươi con dê.

Vì bị mù nên chúng
Luôn quanh quẩn rất gần,
Chỉ chờ anh ta đến
Bắt từng con ăn dần.

“Tâu phụ hoàng, người ấy,
Móc mắt không ghê tay,
Chính là con kiếp trước,
Nên mới nông nỗi này.

Việc con bị móc mắt
Không hẳn tội Xích Di,
Vậy mong ngài suy xét
Mà tha chết cho dì.

Nếu những gì con kể
Mà ngài vẫn chưa tin
Và dùng dằng chưa quyết,
Thì xin mời ngài nhìn.”

Nói đoạn, chàng vái lạy,
Rồi ngồi xuống, uy nghi:
“Nếu lời tôi nói đúng,
Mắt sáng lại tức thì!”

Lập tức mắt thái tử
Trở lại sáng như xưa.
Xích Du bị đầy ải,
Chàng được nối ngôi vua.

Câu chuyện này có thật.
Thái tử Câu Nà La
Chính là người tiền kiếp   
Của Đức Phật Thích Ca.


NHỮNG THÍ DỤ THÂM SÂU

Đức Phật, như ta biết,
Khi giảng đạo cho người,
Đưa ra nhiều thí dụ
Thâm sâu và dạy đời.

Đó là những câu chuyện
Sinh động và thông minh
Giúp người nghe chiêm nghiệm,
Rút bài học cho mình.

Ngài nói, sẽ vô ích
Nếu ta muốn giúp đời
Mà tự mình không muốn
Tu dưỡng để thành người.

Chẳng khác gì đêm tối
Đèn của ta hết dầu
Mà ta muốn chiếu sáng
Giúp người khác qua cầu.

Nấu canh ăn cũng vậy,
Canh không bao giờ sôi
Khi bếp không có lửa,
Khuấy mãi cũng thế thôi.

Những ai trong cuộc sống
Tìm cái vui nhất thời
Ngài ví như con trẻ
Còn nhỏ tuổi, ham chơi.

Chúng thích liếm mật ngọt
Trên lưỡi dao - điều này
Sẽ làm chúng sớm muộn
Cũng đứt môi, đứt tay.

Cuộc đời là bể khổ,
Ngài dạy thế nhiều lần.
Khổ vì Lão, Bệnh, Tử,
Khổ vì Tham, Si, Sân.

Cuộc đời là đêm tối,
Bốn xung quanh màu đen.
Chỉ ít giây sung sướng
Khi tia chớp lóe lên.   

*
Ngài bảo các đệ tử:
“Hãy nhìn kìa, bầy sâu
Đang ăn quả táo thối.
Mà cắn xé, tranh nhau.

Chúng tưởng chúng hạnh phúc
Ăn thứ nhơ bẩn này.
Ta, người thường, thấy chúng
Là loài đáng thương thay.

Còn những người giác ngộ
Thì thấy người vô minh
Như sâu ăn táo thối,
Rất hài lòng với mình.”

*
Để răn người keo kiệt
Và tham lam trên đời,
Ngài kể một câu chuyện
Rằng xưa có một người

Bỗng nhiên bị mất hết
Cả nhà cửa, ruộng đồng,
Rồi vợ con cũng chết,
Cuối cùng trơ tay không.

Hơn thế, do khinh xuất
Ông bị giam suốt đời.
Vậy mà lạ, trong ngục,
Ông thấy mình thảnh thơi,

Thậm chí còn hạnh phúc
Vì thấy được tự do.
Không còn gì để mất,
Nên không gì để lo.

Thế đấy, Đức Phật dạy,
Chính vì lo làm giàu
Và vì lo giữ của
Mà con người khổ đau.

*
Một người hỏi Đức Phật:
Để đạt được chân thiền,
Vì sao cứ nhất thiết
Phải ngồi lâu, ngồi yên?

Ngài sai lấy chậu nước
Nhúng tay, quấy một vòng,
Ôn tồn hỏi người ấy:
“Con có thấy gì không?”

“Bạch, không, chỉ thấy nước.”
Chờ nước lặng. Vỗ vai,
Ngài nói: “Con nhìn lại.”
“Bạch thầy, con thấy Ngài!”

“Giờ chắc con đã hiểu
Để đạt được chân thiền,
Vì sao phải im lặng
Ngồi lâu và ngồi yên.”

*
Ngài nói, mưa chỉ một,
Và chia đều cho nhau:
Bãi cỏ và vườn thuốc,
Ruộng lúa và nương dâu.

Nhưng các cây hút ẩm
Lại rất khác, thế là
Có loài thì lụi chết,
Có loài lại ra hoa.

Có loài biết cách hút
Tinh túy của đất trời
Để thành cây thuốc quí
Giúp chữa bệnh cho người.

Cũng vậy, giáo lý Phật
Không phân biệt nghèo giàu,
Dòng dõi và đẳng cấp.
Ai cũng hưởng như nhau.

Thế mà có người ngộ,
Có người vẫn vô minh,
Có người không thoát khổ,
Có người giải phóng mình.

Có người đi theo đạo
Để hành đạo giúp đời.
Cũng có người theo nó
Để phá đạo, hại người.


LỜI PHẬT DẠY CON TRAI

Người con trai duy nhất
Của Đức Phật Thích Ca,
Cũng trở thành phật tử,
Tên là La Hầu La.   

Cậu ít tuổi, ngỗ nghịch,
Nhưng được mọi người chiều,
Nên đôi khi nói dối,
Kiểu trẻ con, đáng yêu.

Một hôm Phật bảo cậu:
“Con hãy mang ra đây
Một chậu nước thật sạch
Để ta rửa chân tay.”

Cậu mang chậu nước đến.
Đức Phật rửa chân xong,
Hỏi cậu có muốn uống
Nước trong chậu này không.

Cậu lắc đầu, từ chối,
Nói nước bẩn, và Ngài
Bảo cậu bê đi đổ
Rồi dẫn cậu ra ngoài:

“Giờ thì con đã thấy,
Nước bẩn không ai xin.
Cũng vậy, khi nói dối,
Miệng bẩn, không ai tin.”

La Hầu La chợt hiểu,
Từ đó chẳng bao giờ
Còn nói dối thêm nữa,
Dẫu đáng yêu, ngây thơ.

*
Một hôm, Ngài ngồi nghỉ
Dưới bóng mát hàng cây,
Rồi gọi con trai đến,
Nhẹ nhàng nói thế này:

“Con hãy học ở đất
Sự nhẫn nhục, khiêm nhường.
Đất lặng lẽ chấp nhận
Cái xấu xa, tầm thường.

Bị người ta vứt bẩn,
Hay khạc nhổ, không sao,
Đất thản nhiên chịu dựng,
Không nói một lời nào.

Và khi vụ mùa đến,
Đất trao tặng cho đời
Những bông lúa trĩu nặng,
Những cành hoa xinh tươi.

Hơn thế, con phải học
Để làm sao trong con
Có Từ Bi Hỷ Xả
Để sống có tâm hồn.

Có Từ để đối Giận,
Vì Từ là Tình Thương
Của con với người khác
Ở đời này vô thường.

Có Bi để đối Ác,
Vì Bi là khi con
Làm vợi đau người khác,
Mà không cần đền ơn.

Có Hỷ để đối Ghét,
Vì Hỷ là thật lòng
Mừng người khác hạnh phúc,
Cầu cho họ thành công.

Có Xả để tha thứ
Những lỗi lầm của người.
Xả giúp con thanh bạch,
Sống có ích cho đời.   

Vậy Từ Bi Hỷ Xả
Là Tứ Vô Lượng Tâm.
Có được bốn cái ấy,
Con và Phật ngang tầm.

Lại nữa, con phải hiểu
Bản chất luật Vô Thường,
Để xua cái Tham Dục,
Để ngự trị Tình Thương.

Vạn vật luôn thay đổi.
Có mà lại như không.
Không mà lại như có.
Hãy ghi nhớ trong lòng”.


TỲ KHEO U-TY-A

Xưa, ở thành Xá Vệ,
Có chàng U-ty-a,
Con một nhà giàu có,
Xin phép Phật xuất gia.

Được Đức Phật đồng ý,
Chàng trở thành tỳ kheo,
Đến sống trong tịnh xá
Cùng các nhà sư nghèo.

Chàng là người mộ đạo,
Tu luyện rất chuyên cần.
Chỉ có một điều nhỏ
Khiến chàng thấy khó khăn.

Là ngoài đời phải giữ
Chỉ năm giới mà thôi.
Với tỳ kheo, số giới
Là hai trăm năm mươi.

Chừng ấy điều cấm đoán
Làm chàng mụ cả đầu,
Không tài nào nhớ nổi,
Nên một thời gian sau

Chàng đem tâm tư ấy
Đến gặp Phật Thích Ca,
Xin phép được hoàn tục,
Quay về sống ở nhà.

“Hai trăm năm mươi giới -
Phật đáp, - con kêu nhiều.
Ta giảm xuống còn một,
Con vẫn làm tỳ kheo?”

U-ty-a đồng ý,
Xin phép lại quy y,
Háo hức mong được biết
Điều giới ấy là gì.

“Chỉ một giới duy nhất
Con phải nhớ từ nay.
Nhớ và luôn thực hiện,
Cả đêm cũng như ngày.

Đó là khi con nghĩ
Hay định làm điều gì.
Cả điều lớn, điều nhỏ,
Mọi lúc và mọi khi,

Con phải luôn tự hỏi:
Điều ấy tốt hay không?
Tốt thì làm, ngược lại,
Xấu thì dứt khoát không.”

                   Chỉ một giới, đơn giản.
Dễ nhớ, dễ thực hành:
Quyết không làm việc xấu.
Chỉ làm việc tốt lành.

Nhờ giữ được giới ấy,
Tỳ kheo U-ty-la
Chứng quả A La Hán,
Được theo hầu Thích Ca.

*
Câu chuyện này có thật,
Được chép trong Sách Kinh.
Từ đó ta có thể
Rút bài học cho mình.

Rằng năm giới Đạo Phật
Ngăn cái Tham Sân Si,
Rốt cục đều qui tụ
Ở nghĩ gì, làm gì.

Tóm lại: Không làm ác,
Chỉ làm điều tốt lành
Và hàng ngày thanh lọc
Các ý nghĩ của mình.


CHIẾC ĐÈN CỦA BÀ GIÀ HÀNH KHẤT

Có ông vua giàu có
Mời Đức Phật giảng kinh,
Cúng nghìn chiếc đèn lớn
Bày tỏ tấm lòng mình.

Cùng lúc, một bà lão
Sống bằng nghề ăn mày,
Cũng nghe Ngài giảng đạo,
Nghe xong, bà lão này

Với hai xu trong túi,
Mua chỉ được ít dầu,
Rót vào chiếc đèn nhỏ,
Dâng Ngài, cúi thấp đầu.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Vua thấy, lạ lùng sao,
Nghìn chiếc đèn vua tặng
Tắt hết từ lúc nào.

Còn chiếc đèn bé tí
Của bà lão ăn mày
Vẫn tiếp tục tỏa sáng.
Vua hỏi: “Sao thế này?”

Phật đáp: “Không quan trọng
Đèn nhỏ hay đèn to,
Dầu nhiều hay dầu ít,
Mà tấm lòng người cho.

Đèn sáng nhờ ánh sáng
Xuất phát từ tấm lòng.
Bố thí mà vô cảm
Thì cũng chỉ bằng không.”


TRUYỆN SƯ CỤ VÀ ĐỒ ĐỆ CỦA MÌNH

Xưa, có một sư cụ
Cùng đồ đệ của mình
Đi trên con đường vắng,
Mới được nửa hành trình.

Trời nắng như đổ lửa.
Chẳng ai nói với ai.
Đồ đệ sau sư cụ,
Chiếc túi nặng trên vai.

Thấy nông dân cày ruộng,
Giun dế bị xới tung,
Chim sẻ sà xuống bắt,
Anh đau xót vô cùng.

“Kiếm ăn thật vất vả.
Thật bèo bọt kiếp người.
Ta sẽ tu thành phật
Để cứu giúp cõi đời.”

Ngay lập tức sư cụ
Bảo đưa túi cho ngài,
Mời anh ta đi trước,
Rồi khoác túi lên vai.

Anh đồ đệ không hiểu,
Nhưng buộc phải nghe lời.
Thế là anh đi trước,
Nhẹ nhàng và thảnh thơi.

Đường xa, trời vẫn nắng,
Nông dân vẫn làm đồng,
Mồ hôi chảy nhễ nhại,
Chim vẫn bay trên không.

Anh đồ đệ thấm mệt,
Nghĩ: “Quả thật đời này
Có quá nhiều đau khổ,
Muốn cứu, cứu sao đây?

Hay có lẽ tốt nhất,
Chỉ lo cứu lấy mình.
Làm sao ta có thể
Cứu đồng loại, chúng sinh?”

Sư cụ là La Hán,
Đọc được ý nghĩ người.
Ngài trả lại chiếc túi,
Lại đi trước, thảnh thơi.

Cứ thế, họ thay đổi,
Lúc người trước, người sau.
Cả hai đi lặng lẽ,
Nắng vẫn gắt trên đầu.

Cuối cùng người đồ đệ
Đánh bạo hỏi vì sao.
Sư cụ thong thả đáp:
“Hễ bất cứ lúc nào

Con nghĩ đến cứu độ
Cho toàn thể chúng sinh,
Con trở thành Bồ Tát,
Đi trước là hợp tình.

Nhưng lúc con ích kỷ
Muốn mình con thoát đau,
Con là người trần tục,
Nên phải đành đi sau.”


SÂN KHẤU CUỘC ĐỜI

Đức Phật Tổ thường nói
Rằng chúng ta, con người,
Thực sự là bầy rối
Trên sân khấu cuộc đời.

Rằng chúng ta phải diễn
Rất nhiều vai khác nhau,
Dù muốn hay không muốn,
Toàn những vai buồn đau.

Cái đau của mất mát,
Mất tiền bạc, mất nhà.
Đau cả vì bệnh tật,
Để cuối cùng chúng ta,

Không một ai ngoại lệ,
Đều phải chui xuống mồ,
Đến lúc ấy có lẽ
Mới thoát khỏi buồn lo.

Vậy muốn tránh điều đó,
Ta phải làm thế nào?
Đức Phật nói: Đơn giản
Ta phải sống làm sao

Để không phải đóng kịch.
Cái sân khấu cuộc đời
Ta phải cố rời bỏ,
Sống đúng nghĩa làm người.

Nghĩa là ta quay lại
Với Sự Thật, Thiên Nhiên,
Với tư duy thông tuệ,
Cuối cùng là Sống Thiền.

Các trường phái đạo Phật
Phát triển lời khuyên này
Thành giáo lý chủ yếu
Cả mấy nghìn năm nay.


TRUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ TỤNG KINH

Xưa, có một bà nọ,
Một hôm gặp sư thầy,
Nói: “Tôi không giác ngộ,
Dù tụng kinh hàng ngày.”

Sư thầy đáp: “Bà biết,
Tụng kinh chẳng khó gì.
Cái khó là phải tụng
Đều đặn và kiên trì.

Bà kia liền thú nhận,
Nói bận việc gia đình
Nên đôi lúc bắt buộc
Phải tạm ngừng tụng kinh.

Nhưng từ nay, bà hứa
Đều đặn tụng hàng ngày,
Quyết không để phân tán,
Theo lời dạy của thầy.

Một năm sau, bà đến:
“Bạch sư thầy, vì sao
Con làm như thầy dặn,
Mà chẳng ngộ chút nào?”

“Là vì, - sư thầy đáp, -
Bà thực sự tụng kinh,
Kiên nhẫn và đều đặn,
Nhưng ý nghĩ của mình

Vẫn còn bay đâu đó.
Vừa tụng kinh, trong đầu
Bà vừa lo đủ chuyện.
Thế thì quả còn lâu...”

Người đàn bà chợt hiểu,   
Liền vội vã về ngay.
Bà không chỉ tụng niệm
Rất kiên nhẫn hàng ngày,

Mà chuyên tâm, chuyên ý
Vào lời niệm của mình,
Hoàn toàn không phân tán
Bởi những điều xung quanh.

Mấy năm sau, lần nữa
Bà đến gặp sư thầy,
Cúi thật thấp và nói:
“Hôm nay con đến đây

Để cảm ơn, từ biệt.
Nhờ thầy dạy mà con
Đã tu thành chính quả
Cả thể xác, tâm hồn.

Con tin con chắc chắn
Sẽ được lên Niết Bàn.
Tạm thời trên mặt đất
Thoát bể khổ trần gian.”   


TRUYỆN ÔNG BỐ GIÀU VÀ ANH CON NGHÈO

Ngày xưa có ông bố
Và anh con chia tay
Mỗi người đi một ngả,
Hẹn gặp nhau sau này.

Đúng mười năm sau đó
Ông bố thành rất giàu.
Anh con thì nghèo rớt,
Ăn bữa cháo, bữa rau.

Anh quá nghèo, xấu hổ,
Không đến gặp cha mình
Theo như lời đã hẹn.
Nghĩ mà thấy thương tình.

Tại cái số nó thế
Chứ anh không ham chơi,
Cần cù, không nghiện ngập,
Thế mà nghèo suốt đời.

Một hôm, vì đói quá
Anh ngửa tay xin ăn,
Lại xin đúng nhà bố,
May chỉ gặp gia nhân.

Đứng từ xa, ông bố
Đã nhận ra con mình.
Thấy thế, ông thương lắm,
Nhưng bấm bụng làm thinh.

Rồi ông cho người nói
Rằng có việc đang cần,
Nếu chịu khó làm việc,
Anh sẽ được nuôi ăn.

Anh con liền đồng ý,
Được đưa tới một nơi
Ở rất xa nơi ấy
Làm việc mấy năm trời.

Anh làm việc chăm chỉ,
Làm vất vả, không tiền
Chỉ được ăn no đủ,
Không một lời than phiền.

Bỗng một hôm ông chủ,
Cho gọi anh vào nhà.
Lần đầu tiên gặp mặt
Giữa anh con và cha.

Lúc ấy đang có mặt
Đông đủ đại gia đình.
Ông chỉ anh và nói
Đây là con trai mình.

Ông kể chuyện ngày trước
Hai cha con xa nhau,
Rồi anh con nghèo đói,
Còn ông thì rất giàu.

Và rằng ông thử thách   
Con mình mấy năm qua.
Anh đã vượt được nó,
Và nay ông tuổi già,

Đã làm sẵn di chúc
Để lại cho con trai
Hết những gì ông có,
Tức toàn bộ gia tài.

Anh con trai sung sướng,
Chỉ còn biết đứng ngây.
Khi kể xong câu chuyện,
Đức Phật nói thế này:

“Kỳ thực, núi của ấy
Do anh ta làm ra.
Có điều chuyển cho bố
Để giữ cho anh ta.

Ta làm việc, có thể
Thành quả chưa có ngay.
Một khi làm việc tốt,
Nó sẽ đến sau này.”


HOA SEN MỌC TỪ BÙN

Thời ấy, ở Xá Vệ
Có một người bình dân,
Thuộc vào hàng hạ đẳng,
Chuyên làm nghề gánh phân.

Như thường lệ, ngày nọ
Đức Phật đi vào thành
Để thuyết giáo Đạo Pháp.
Buổi sáng, nắng vàng chanh.

Không phân biệt giai cấp,
Không phân biệt nghèo giàu,
Ngài đi qua các phố,
Cả những đường hẻm sâu.

Người gánh phân nghèo ấy,
Có tên là Ni Đề,
Như mọi ngày, lúc đó
Đang đi gánh phân thuê.

Anh chàng nhìn thấy Phật,
Đứng thẫn thờ hồi lâu,
Chiêm ngưỡng khuôn mặt đẹp,
Vành hào quang trên đầu.   

Tự nhiên anh chàng muốn
Được đến đứng thật gần,
Nhưng rụt rè, không dám,
Mặc cảm nghề gánh phân.

Hiểu được ý nghĩ ấy,
Phật bước về phía anh.
Anh hốt hoảng bỏ chạy,
E sợ điều không lành.

Đức Phật cười, liền hỏi:
“Vì sao con sợ ta?”
“Con nghèo hèn, - anh đáp -
Đẳng cấp Chiên Đà La.

Con chỉ được tiếp xúc
Với những người như con,
Và hết lòng phục dịch
Đẳng cấp Bà La Môn.”

Nghe thế, Phật giảng giải
Về giáo lý của Ngài,
Về bình đẳng, bác ái,
Rằng ai cũng như ai.

Ni Đề nghe, sung sướng.
Sung sướng nhất là khi
Được mời làm đệ tử
Của Đức Phật từ bi.

Sau đó anh theo Phật
Xuống tắm rửa dưới sông,
Rồi quay về tịnh xá,
Khi Ni Đề tắm xong.

Vậy là Phật đã nhận
Một người gánh phân nghèo,
Rồi được Ngài thâu nạp,
Cho trở thành tỳ kheo.

Do chuyên tâm tu luyện
Vị tỳ kheo mới này
Chứng quả A La Hán,
Trí dày, đức cũng dày.

*
Lại nói vua Xá Vệ,
Tức Ba Tư Nặc vương,
Bấy lâu nay khó hiểu
Sao nhiều người bình thường

Mà được Phật thâu nạp,
Như thằng Ni Đề này.
Đó là tiền lệ xấu,
Gây nhiều điều không hay.

Vua bèn đến tịnh xá,
Xin Phật đuổi Ni Đề,
Từ nay không còn nhận
Bọn nghèo hèn, nhà quê.

Khi đến nơi Phật ở,
Vua thấy một tỳ kheo,
Ngồi trên tảng đá lớn,
Mặc quần áo người nghèo.

Vua nhờ tỳ kheo ấy
Vào bẩm báo với Ngài.
Người kia chui vào đá
Mà không thấy ra ngoài.

Lát sau lại xuất hiện,
Cũng từ đá ngoi lên,
Báo Đức Phật đang đợi.
Vua rất đỗi ngạc nhiên.

Khi hầu chuyện Đức Phật,
Vua thành thật hỏi Ngài
Tỳ kheo chui xuyên đá
Đang ngồi kia là ai?

“Là Ni Đề La Hán,
Vốn là một thần dân
Của kinh thành Xá Vệ,
Chuyên làm nghề gánh phân.”

Ngài nói, dẫu nghèo khổ
Và đẳng cấp thấp hèn,
Nhưng cần cù, thông tuệ,
Đã tự mình vươn lên.

Rằng Ni Đề học đạo
Và khổ luyện lâu nay,
Chứng quả A La Hán
Nên mới có tài này.

Vua lặng im, suy nghĩ.
Phật ôn tồn nói thêm:
“Trong bùn có sen trắng,
Ngài có muốn cầm xem?”

Giờ thì vua đã hiểu
Cái thâm ý của Ngài,
Rằng cả người hèn mọn
Cũng không hề thua ai.

Rằng ở đời quan trọng
Là có tài, thông minh,
Chứ không phải đẳng cấp
Hay xuất thân của mình.

Vậy là vua Xá Vệ
Từ chỗ ghét thành yêu,
Tỳ kheo tài giỏi ấy,
Vốn anh gánh phân nghèo.

Gơn thê, vua xin Phật
Cho La Hán Ni Đề
Hôm sau vào thành nội
Giảng pháp cho vua nghe.


TRUYỆN HAI ĐẠO SĨ VÀ CÔ GÁI XINH ĐẸP

Có hai đạo sĩ nọ   
Đang cùng đi trên đường,
Bỗng gặp một cô gái
Xinh đẹp và dễ thương.

Cô gái ấy xinh đẹp
Ngồi bên dòng suối sâu,
Muốn sang bên kia suối
Mà tiếc chẳng có cầu.

Có việc, cần đi gấp,
Biết làm sao bây giờ?
Lội thì sợ ướt váy,
Nên cô đành cứ chờ.

Hay chuyện, hai đạo sĩ
Dừng lại, dáng phân vân,
Rồi một người trong họ
Dùng hai cánh tay trần

Bế cô vượt qua suối.
Rồi hai người lại đi.
Một người đã phạm giới,
Nhưng không ai nói gì.   

Tối đến anh bạn trách
Sao dám bế đàn bà.
Người kia thản nhiên đáp,
Vô tư và thật thà:   

“Ừ thì tôi phạm giới,
Chỉ một chốc mà thôi.
Vả lại tôi làm thế
Là chỉ để giúp người.

Còn anh, anh không giúp,
Nhưng lại bế cô ta
Từ bờ con suối ấy
Đến tận đây, tận nhà.

Câu chuyện này của Phật
Dạy ta hiểu: Đôi khi
Người thực sự phạm giới
Là người không làm gì.


AI LÀ NGƯỜI TA YÊU NHẤT ?

Một hôm, Ba Tư Nặc,
Vua Xá Vệ thanh cao,
Hỏi hoàng hậu Mạt Lợi:
“Nàng yêu nhất người nào?”

“Thiếp yêu nhất bệ hạ.
Đó là điều tất nhiên.
Nhưng nếu ngài cho phép,
Thiếp xin được nói thêm,

Rằng người thiếp yêu nhất,
Yêu hơn hết trên đời
Là chính bản thân thiếp,
Mọi lúc và mọi nơi.

Vua nghe xong, im lặng.
Rồi Mạt Lợi hỏi ngài:
“Vậy người ngài yêu nhất,
Xin được hỏi là ai?”

“Là nàng!” Vua liền đáp.
“Thế ngài sẽ làm gì
Nếu thiếp không chung thủy?
Sẽ chém đầu? Tru di?”

Bị dồn ép nhiều quá,
Vua gật đầu và cười.   
“Vậy là vua nỡ giết
Người ngài yêu nhất đời.

Giờ thì ngài tự biết
Thực ra ngài yêu ai.
Đó cũng là sự thật
Thiếp chẳng dám giấu ngài.”   

Như ta biết, Mã Lợi
Là con một nô tỳ,
Và chính nàng dẫn đến
Cái chết thành Ca Tỳ.

Thông minh và trung thực
Nàng trả lời giúp ta
Cái câu thường được hỏi
Ngoài đời và trong nhà.

Chính Đức Phật từng dạy,
Thực ra ta yêu mình -
Điều ấy chẳng gì xấu -
Hơn yêu mọi chúng sinh.

Có điều ta ngại nói,
Hay ta tự dối lòng.
Và đó là sự thật,
Dù ta thích hay không.


CON DAO TRONG LÒNG

Cũng ở thành Xá Vệ,
Nước Ấn Độ ngày nay,
Đức Phật thường khất thực
Hết nhà nọ, nhà này.

Có một người độc ác
Cầm dao định đâm Ngài.
Lập tức một lớp kính
Bao bọc xung quanh Ngài.

Anh ta đâm chém mãi
Mà không trúng nhát nào.
Cuối cùng anh ta nói:
“Mở cửa cho ta vào!”

Phật đáp: “Được, trướt hết,
Bỏ dao xuống nền nhà.”
Anh ta bỏ, rồi nói:
“Sao tường vẫn ngăn ta?”

“Vì con dao anh bỏ
Là con dao trong tay.
Còn có con dao khác
Trong tim anh lúc này.”

Giờ thì anh kia biết
Đang nói chuyện với ai.
Liền cúi đầu tạ tội
Trước Đức Phật, và Ngài

Bước ra từ tường kính,
Vành hào quang sáng lòa.
Ngài thành tâm giáo huấn
Giúp người này cải tà.


TRUYỆN ĐẠO SĨ VÀ THẦN HỘ MỆNH

Ngày xưa, một đạo sĩ
Sống ngay trên bờ sông.
Mùa nước lũ sắp tới
Có thể cuốn nhà ông.

Có nhiều người đến nhắc
Phải di dời thật nhanh.
Ông nói thần báo mộng,
Hứa bảo vệ cho mình.

Người ta lại tới nhắc
Khi nước đã dâng to,
Nói ông gặp nguy hiểm,
Nhưng ông không hề lo.

Cuối cùng nước lũ đến,
Cuốn nhà ông xuống sông.
Còn đạo sĩ, thật tiếc,
Bị chết đuối giữa dòng.

Sau khi chết, ông gặp
Thần hộ mệnh, và rồi
Trách thần hứa bảo vệ,
Thế mà ông chết trôi.

Thần đáp thần đã giúp
Bằng cách cử nhiều người
Đến nhắc ông nguy hiểm,
Nhưng ông chẳng di dời.

*
Đức Phật cho ta thấy
Một chân lý, đó là
Ngài chỉ con đường sáng,
Không làm hộ cho ta.

Và rằng giáo lý Phật
Chia đều cho chúng sinh.
Còn hiểu và thực hiện
Là tùy thuộc ở mình.


TRUYỆN ĐỨC PHẬT VÀ
NHÀ SƯ BỊ SẮC DỤC QUẤY PHIỀN

Có một nhà sư nọ
Chăm kinh kệ và thiền.
Hiềm một nỗi, đôi lúc
Bị sắc dục quấy phiền.

Ông đến gặp Đức Phật:
“Bạch Thế Tôn, xin ngài
Giúp con diệt sắc dục,
Tránh nỗi khổ trần ai.

Các cô gái xinh đẹp
Cám dỗ con nhiều lần,
Làm phân tán tâm tưởng,
Làm khó chịu xác thân.”

Đức Phật nghe, lặng lẽ
Đưa chiếc bút: “Từ nay
Con hãy vẽ lên mặt
Những kẻ cám dỗ này.”

Hôm sau nhà sư thấy
Một cô gái đi ngang,
Cô gái đẹp, hấp dẫn,
Lòng không khỏi xốn xang.

Chưa kịp vẽ lên mặt
Cô gái ấy đa tình,
Thì cô đã đi mất,
Để sư buồn một mình.

Lát sau vào tắm rửa,
Sư soi gương, ngạc nhiên
Thấy trên trán có mực,
Một dấu bằng đồng tiền.

Qua truyện này của Phật
Ta hiểu rõ ý Ngài:
Sự quấy nhiễu thực chất
Không phải từ bên ngoài.

Chính người “bị quấy nhiễu”
Đã tự quấy nhiễu mình.
Vậy trách mình trước đã
Rồi trách người quấy tình!


TRUYỆN THÁI TỬ BỊ ONG ĐỐT

Ông quan đại thần nọ
Được giao dạy con vua,
Tức là dạy thái tử,
Một cậu bé thích đùa.

Cậu nhằm ông trêu chọc,
Việc ấy ông cho qua.
Nhưng cậu hay cáu giận
Đã làm ông lo xa.

Vì sớm muộn, thái tử
Cũng nối ngôi cha mình.
Nếu vua hay tức giận,
Vua không còn thông minh.

Đó sẽ là tai họa
Cho đất nước sau này.
Nên ông quyết tìm cách
Trừ mầm họa hôm nay.

Một hôm ông dẫn cậu
Tới một bụi cây hồng.
Có con ong ở đấy
Đốt tay cậu sưng phồng.

Cậu bé òa lên khóc,
Dọa sẽ mách vua cha.
Ông nói: “Cậu mách hộ
Cả cái này cho ta!”

Rồi ông chỉ xuống đất,
Một cảnh tương hãi hùng:
Con ong vừa đốt cậu,
Chết, gan ruột xổ tung.

“Cậu nhìn đi, - ông nói. -
Bị trêu chọc, con ong
Do vì quá tức giận,
Đốt tay cậu sưng phồng.

Kết quả thì cậu thấy,
Chính nó tự giết mình,
Vì không thể kiềm chế
Mà mất trí thông minh!”

Thái tử ngay tối đó
Mách vua cha điều này.
Vua không những không phạt,
Mà còn thưởng ông thầy.

Về sau cậu bé ấy
Thành một đấng minh quân,
Thông minh, luôn điềm tĩnh
Và rất được lòng dân.

*
Phật Thích Ca vẫn dạy
Mọi bất hạnh bắt đầu
Bằng một cơn cuồng giận
Để hối hận về sau;

Rằng đời người đau khổ
Chủ yếu vì Tham, Sân.
Kiềm được hai cái ấy,
Mọi cái sẽ tốt dần.


TRUYỆN CÔNG CHÚA NHẬT QUANG

Đức vua nước Xá Vệ,
Là Ba Tư Nặc Vương,
Có một nàng công chúa
Đẹp, thông minh khác thường.

Với bố mẹ, hiếu thảo.
Với dân chúng, có tình.
Cô rất được yêu mến
Trong đất nước của mình.   

Dễ hiểu Ba Tư Nặc
Yêu quí nàng vô cùng.
Một hôm, ngài trò chuyện
Với con ngài trong cung.

“Phụ thân và hoàng hậu
Yêu con nhất đời này.
Nhờ ân đức cha mẹ,
Con được như hôm nay.”

Nàng cúi đầu cảm tạ
Công cha mẹ dưỡng sinh,
Nhưng nói được như thế
Cũng nhờ số phận mình.

Nghe vậy, Ba Tư Nặc
Có ý không hài lòng,
Rồi bất ngờ quyết định
Gả con gái của ông

Cho một anh hành khất.
Chả là ngài muốn con
Phải thấm thía cái khổ
Để khiêm nhường, biết ơn.

Vậy là anh hành khất
Thành chồng nàng Nhật Quang.
Anh nói xưa bố mẹ
Cũng lắm bạc nhiều vàng.

Sau khi bố mẹ chết,
Do không chịu làm ăn,
Lại ham chơi, hoang phí,
Anh rơi vào cảnh bần.

Anh bán hết nhà cửa,
Rồi lại tiêu hết tiền
Nên phải đi hành khất,
Chịu đói rét triền miên.

Tuy vậy, anh vẫn có
Cả một khu điền trang,
Do không ai thuê mướn
Nên hiện còn bỏ hoang.

Hai vợ chồng về đấy -
Cách Xá Vệ khá xa -
Cả hai chặt cây cối,
Cố dựng một nếp nhà.

Trong khi đang cuốc đất
Thì hai người bỗng nhiên
Tìm thấy cùng một lúc
Những ba hòm đầy tiền.

Thành ra họ nhanh chóng
Gây dựng lại cơ đồ.
Nhật Quang, dẫu công chúa,
Rất giỏi làm, giỏi lo.

Chỉ mấy năm sau đó
Họ trở nên rất giàu.
Nàng và anh hành khất
Hạnh phúc sống bên nhau.

Lại nói Ba Tư Nặc,
Từ ngày đuổi con đi,
Thực lòng rất hối hận,
Lại không biết tin gì.

Vua bèn cho quân lính
Đi tìm kiếm khắp nơi,
Cuối cùng vua tìm thấy
Vui, không nói nên lời.

Nhưng vua không hiểu nổi
Sao có thể thế này.
Bèn đến hỏi Đức Phật.
Đức Phật nói: “Nghe đây.”

Rồi Ngài kể câu chuyện,
Xưa có đôi vợ chồng.
Người vợ rất mộ đạo,
Hết lòng vì việc công.

Bà đem của bố thí
Cho người nghèo, người già.
Chuyên tâm làm việc thiện,
Đến mức suýt bán nhà.

Còn ông chồng, ngược lại,
Tiếc của vì rất keo.
Ông đau đến quặn ruột
Khi vợ tiếp người nghèo.

Do qui y Tam Bảo,
Nên vợ ông dần dần
Thuyết phục chồng giác ngộ,
Cam chịu cảnh thanh bần...”

Phật ôn tồn nói tiếp:
“Tiền kiếp của Nhật Quang
Là người đàn bà ấy,
Người có tấm lòng vàng.

Nhờ kiếp trước đức độ
Nên con ngài ngày nay
Được xinh đẹp, phú quí.
Không khó hiểu điều này.

Còn ông chồng keo kiệt
Nay là rể của ngài.
Vì keo nên phải chịu
Một chút khổ trần ai.”

Đức vua Ba Tư Nặc
Nghe, xúc động vô cùng,
Liền sai xe lập tức
Đưa hai người về cung.

Nàng Nhật Quang công chúa
Lại sống cạnh người thân.
Còn anh chàng hành khất
Được phong làm đại thần.


TRUYỆN ÔNG VUA VÀ
HAI VỊ TƯỚNG THÙ GHÉT NHAU

Thời ấy ở Ấn Độ
Có một vị vua già
Nổi tiếng giỏi cai trị
Và bảo vệ nước nhà.

Bí quyết rất đơn giản:
Có hai tướng hàng đầu,
Ông luôn làm cho họ
Phải ghen ghét, thù nhau.

Ông giỏi khích bác họ,
Lúc vui, lúc phiền lòng,
Giỏi cả việc bắt họ
Luôn trung thành với ông.

Thường thì một công việc
Ông giao cho cả hai,
Chủ ý để hai tướng
Tranh lập công, tranh tài.

Họ ghét nhau cay đắng,
Ghét đến mức sẵn sàng
Người này giết người nọ,
Dù mất cả núi vàng.

Một lần, trong chiến trận,
Một tướng cứu được vua,
Đúng lúc bị vây hãm
Và quân mình sắp thua.

Để đền ơn, vua nói:
“Ta ban thưởng cho ngươi
Bất cứ gì ngươi muốn,
Bất cứ gì trên đời.

Có điều, - vua nói tiếp,
Ông vua già thông minh,
Biết chắc chắn vị tướng
Muốn giết đối thủ mình, -   

Có điều, ngươi phải nhớ:
Ông tướng kia, bạn ngươi,
Cũng sẽ được ta thưởng,
Ta quí trọng hai người.

Và nếu ngươi được một,
Ông kia sẽ gấp hai.
Nào, muốn gì, hãy nói,
Hai vị tướng có tài!”

Vị tướng lập công trạng
Chắp hai tay, và rồi,
Không do dự, liền nói:
“Hãy móc một mắt tôi!”

Trong các buổi thuyết pháp
Đức Phật dạy chúng ta
Phải kiềm chế cơn giận,
Nhiều khi đến mù lòa.

Và rằng sự giận dữ
Che lấp sự thông minh,
Chỉ mang lại tai họa
Cho người và cho mình.


TÔI MUỐN HẠNH PHÚC

Một người hỏi Đức Phật:
“Bạch Như Lai từ bi,
Tôi muốn có hạnh phúc.
Vậy thì phải làm gì?”

Đức Phật đáp: “Trước hết
Anh phải bỏ chữ “Tôi”.
Tiếp đến bỏ chữ “Muốn”.
Chỉ hai chữ đó thôi.

Vì “Tôi” là ích kỷ.
“Muốn” là mong, là tham.
Bỏ nó, anh hạnh phúc,
Trong ý nghĩ, việc làm.”


TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC

Ông là người giàu có,
Thích bố thí, cúng dường,
Không chỉ các tăng lữ,
Mà cả người bình thường.

Lần nọ, đến Vương Xá,
Được diện kiến Thích Ca,
Nghe lời Ngài giảng pháp,
Rồi xúc động sâu xa,

Lập tức ông phát nguyện,
Không nề hà điều gì,
Xây một Tịnh Xá lớn
Cho Phật và tăng ni.

Ông trở về Xá Vệ,
Cho người đi khắp vùng
Tìm khu đất thích hợp.
Sau nhiều ngày, cuối cùng

Ông chọn được một chỗ
Rất đẹp và không xa.
Đó là khu vườn lớn
Của Thái Tử Kỳ Đà.

Một khu vườn rất rộng,
Bốn mùa cây lá xanh.
Mát mẻ và thanh tịnh,
Cảnh vật đẹp như tranh.

Tuy nhiên, vì nó đẹp
Mà Thái Tử Kỳ Đà,
Nhất định không chịu bán,
Dù giá đắt gấp ba.

Cuối cùng thấy bất tiện,
Không muốn mất lòng ông,
Thái Tử đòi cái giá,
Mà thực chất nói “Không!”

“Thôi được, thì tôi bán,
Nếu ông thực sự giàu
Rải vàng khắp vườn ấy.
Không bớt đồng nào đâu!”

Trưởng giả Cấp Cô Độc
Liền cho trăm người nhà
Chở vàng đến, rải kín
Vườn Thái Tử Kỳ Đà.

Ngay hôm sau, lập tức
Ông thuê một nghìn người
Ngày đêm xây Tịnh Xá,
Rộng và đẹp tuyệt vời.

Xong, ông làm lễ lớn
Mời Đức Phật Thích Ca
Dọn đến ở, và gọi
Là Tịnh Xá Kỳ Đà.

Có điều, sau lần ấy,
Nhà ông chẳng còn gì.
Không đủ để ăn mặc
Và cúng dường tăng ni.

Một lần, nhà hết gạo,
Trong túi tiền cũng không.
Ông đem khúc gỗ quí
Bán, kiếm được bốn đồng.

Vợ ông cầm đi chợ,
Mua bốn lon gạo ngon.
Lấy một lon, sung sướng
Nấu cơm cho chồng con.

Cơm chín thì bất chợt
Bà ngước mắt nhìn ra -
Tôn giả Xá Lợi Phất
Cầm bát đứng trước nhà.

Không một chút do dự,
Bà dâng cơm cho ngài.
Rồi quay vào, hý húi
Nấu lon gạo thứ hai.

Nấu xong, bà chợt thấy
Tôn giả Mục Kiền Liên
Cùng hai vị sư khác
Cầm bát, đứng kề bên.

Lần nữa, bà hoan hỉ
Đem nồi cơm của bà
Cúng chư tăng phật tử.
Còn nồi cơm thứ ba

Bà cúng cho Ca Diếp.
Vậy là nhà chỉ còn
Duy nhất một lon gạo
Để dành cho chồng con.

Nấu xong lon gạo ấy,
Định đi mời cả nhà,
Chợt ngước nhìn, bà thấy
Chính Đức Phật Thích Ca.

Ngạc nhiên và xúc động,
Bà dâng cơm mời Ngài.
Không nghĩ chuyện phải nhịn
Hôm nay và ngày mai.

Cảm động trước tâm thiện
Và công đức hai người,
Đức Phật liền chúc phúc
Cho an lạc suốt đời.

Một lát sau, đầy tớ
Và gia nhân vội vàng
Vào thưa: Có phép lạ!
Thóc gạo và bạc vàng

Bỗng từ đâu đổ đến,
Chất đống tận trần nhà.
Trưởng giả Cấp Cô Độc
Biết là Phật Thich Ca,

Bèn lập đàn thật lớn
Cúng Phật và tăng ni.
Rồi mời Ngài giảng pháp
Về Hỉ Xả Từ Bi.


BẢY CÁCH BỐ THÍ CỦA NGƯỜI NGHÈO

Một người nọ hỏi Phật:
“Vì sao con luôn nghèo?”
Ngài đáp: “Vì đơn giản,
Con chưa bố thí nhiều.”

“Bạch Ngài, con thực sự
Không có gì để cho,
Đúng thế, không gì cả,
Ngoài đói khổ, buồn lo.”

“Ta tin lời con nói.
Nhưng có bảy cái này
Con có thể bố thí,
Mà bố thí hàng ngày.

                   Thứ nhất là Nhan Thí,
Tức bố thí nụ cười.
Thứ hai là Ngôn Thí,
Là nói đẹp với người.

Thứ ba là Tâm Thí,
Tức bố thí tấm lòng.
Thứ tư là Nhãn Thí,
Tức cái nhìn cảm thông.

Thứ năm là Thân Thí,
Bố thí việc ân tình.
Thứ sáu là Tọa Thí,
Nhường chỗ ngồi của mình.

Thứ bảy là Phòng Thí,
Dạng bố thí cuối cùng,
Khi con cho người khác
Tình Yêu và Bao Dung.”

 

TAM TẠNG KINH

Bốn chín năm hành Đạo,
Đức Phật Tổ anh minh
Để lại cho trần thế
Tất cả năm bộ Kinh.

Đó là lời thuyết pháp
Và lời dạy của Ngài
Cho chúng sinh đệ tử
Trong một thời gian dài.

Sau khi Phật nhập diệt
Một thời gian khá lâu,
Người ta biên soạn lại
Thành năm bộ như sau:

Một, bộ kinh thứ nhất -
Kinh Hoa Nghiêm, Kinh này
Là Kinh cao siêu nhất,
Giảng trong hăm mốt ngày.

Ngài giúp các Bồ Tát
Đã chứng phép Vô Thường
Thành Đẳng Giác, Diệu Giác
Đầy tình yêu, tình thương.

Hai, bộ Kinh cơ bản,
Gọi là Kinh A Hàm,
Giúp chúng sinh tu tập,
Cả lời nói, việc làm.

Mười hai năm liên tục
Ngài nói về Kinh này.
Nhiều thí dụ minh họa,
Thiết thực và rất hay.

Ba là Kinh Phương Đẳng.
Về tự giác ngộ mình,
Để mình thành sáng láng,
Giác ngộ cho chúng sinh.

Kinh này được Ngài giảng
Trong suốt tám năm trời,
Giúp đệ tử thoát tục,
Cứu mình và cứu người.

Bốn là Kinh Bát Nhã.
Ngài giảng hăm hai năm,
Về Chân Không, Vũ Trụ,
Ánh Sáng và Tối Tăm,

Thật Tướng và Vô Tướng
Của các Pháp tu hành.
Kinh này sau phát triển
Thành Bát Nhã Tâm Kinh.

Năm, và là Kinh cuối -
                   Pháp Hoa và Niết Bàn.
Trong tám năm ngài giảng,
Thuyết minh và luận bàn.

Trong Kinh này Ngài nói
Về lý do, nguyên nhân
Ngài, sau nghìn vạn kiếp,
Xuất hiện ở đời trần.

Rồi trước khi nhập diệt,
Các đệ tử của Ngài
Được Ngài chúc, thọ ký
Thành Phật trong tương lai.

*
Toàn bộ Kinh của Phật
Sau được các Tăng Già
Tập hợp thành Tam Tạng,
Tức Kinh Pi-ta-ka.

Một - gọi là Kinh Tạng,
Tức là giáo lý Kinh,
Bao gồm các bài giảng
Khai ngộ cho chúng sinh.

Hai - gọi là Luật Tạng,
Về lịch sử Tăng Già
Và về các giới luật
Dành cho người xuất gia.

Ba - gọi là Luận Tạng,
Bàn các vấn đề chung
Cao siêu và triết lý
Trong vũ trụ vô cùng.

No comments:

Post a Comment