Monday, February 23, 2015

THƠ PHẬT - CÁC TRUYỆN VÀ TÍCH PHẬT




NHỮNG LỜI VÀNG PHẬT DẠY

*
Không được làm điều ác.
Luôn làm những điều lành.
Giữ tâm ý trong sạch,
Sẽ an lạc, yên bình.

*
Hãy gấp làm việc lành,
Ngăn tâm làm việc ác.
Người chưa làm việc lành,
Tức cái tâm còn ác.

*
Ý quan trọng hơn Pháp.
Nếu ý thiện và lành,
Hành động tự sẽ thiện,
Như bóng không rời hình.

*
Người trí không dao động,
Như tảng đá bên khe,
Vẫn bình yên, tự tại,
Bất chấp lời khen chê.

*
Không Huệ, sẽ không Thiền.
Không Thiền, không có Huệ.
Ai có Thiền, có Huệ,
Người ấy gần Niết Bàn.

*
Pháp Thí thắng mọi Thí.
Pháp Vị thắng mọi Vị.
Ái Diệt thắng Khổ Đau.
Pháp Hỷ thắng mọi Hỷ.

*
Ai thắng được Ái Dục
Sẽ  thoát khỏi buồn phiền,
Như giọt sương buổi sang
Chóng khô trên lá sen.

*
Không thể lấy Thù Hận
Diệt Thù Hận. Ở đời
Cái chiến thắng Thù Hận
Không gì, ngoài Tình Người.

*
Ai mặc áo cà-sa
Mà Tâm còn vương vấn,
Lòng còn đang thù hận,
Thì phí áo cà-sa.

*
Không đúng mà tưởng đúng.
Không sai mà tưởng sai.
Nghĩa là tu chưa đúng,
Nghĩa là đường còn dài.

*
Ngôi nhà, mái chưa chắc,
Nước mưa sẽ thấm vào.
Tu mà tâm chưa tịnh,
Tham dục sẽ thấm vào.

*
Người sống không phóng dật,
Không buông thả, ăn chơi,
Là người xây đê vững
Ngăn nước lụt cuộc đời.

*
Cái Tâm mà không thiện
Là tự làm hại mình.
Ý nghĩ mà vẩn đục,
Dễ rơi vào Vô Minh.

*
Đừng cười chê người khác
Việc đáng làm không làm.
Hãy trách mình có lúc
Việc đáng làm không làm.

*
Hương hoa thơm không thể
Bay ngược gió. Tuy nhiên,
Lời nói hay, việc thiện
Lan tỏa khắp mọi miền.

*
Hương một rừng hoa đẹp
Không bằng lời nói hay
Của một người đức hạnh
Rách rưới như ăn mày.

*
Nghe và theo Chính Pháp,
Lòng người sẽ tịnh yên,
Như nước hồ sâu thẳm,
Không gợn một bóng đen.

*
Vì chưa chịu vứt bỏ
Tham Sân Si nặng nề,
Ở đời rất ít kẻ
Vượt qua được Sông Mê.

*
Bỏ đam mê sở hữu
Để thư thái trong lòng,
Người trí tự tẩy uế,
Bắt đầu từ bên trong.

*
Ai lòng trong như suối,
Như đất, không hận thù,
Vững vàng như trụ đá,
Người ấy là chân tu.

*
Cái Tâm mà an tịnh,
Lời an, Nghiệp cũng an.
Thấu hiểu được Chính Pháp,
Bận mấy cũng thấy nhàn.

*
Người chân tu lưu trú
Không cố định nơi nào.
Tự do và tự tại
Như đàn ngỗng trên cao.

*
Để giữ được đầu óc
Luôn tỉnh táo, an bình,
Mọi người có trách nhiệm
Chăm lo sức khỏe mình

*
Cả hàng nghìn lời giảng
Rối rắm và dài dòng,
Không bằng một câu ngắn
Làm người nghe ấm lòng.

*
Nơi chiến trường ác liệt
Có thắng nghìn tinh binh,
Không đáng khen, không khó
Bằng chiến thắng chính mình.

*
Không được lửa đốt cháy,
Ngọn nến không lung linh.
Con người không thể sống
Thiếu cuộc sống tâm linh.

*
Không tìm thấy chân lý -
Hai nguyên nhân như sau:
Một là bỏ dang giở.
Hai là không bắt đầu.

*
Người nào biết kiềm chế
Các suy nghĩ của mình,
Người ấy sẽ đắc đạo,
Thoát khỏi vòng Vô Minh.

*
Không ai cứu được ta
Ngoài chính bản thân ta.
Cũng không ai, dẫu muốn,
Sống và chết hộ ta.

*
Chỉ những người ngu ngốc
Mới tìm cớ để lười.
Người thông minh thực sự
Luôn bận rộn suốt đời.

*
Ghen tị là ngu ngốc,
Chỉ gây khổ cho mình.
Ai có tính ghen tị,
Đầu óc không yên bình.

*
Hãy cân nhắc thật kỹ
Những lời sắp nói ra.
Vì người nghe có thể
Buồn vì lời của ta.

*
Nghìn ngọn nến thắp sáng
Từ một ngọn. Ở đời,
Hạnh phúc sẽ vô tận,
Nếu chia cho mọi người.

*
Không có gì đáng sợ
Bằng thói quen nghi ngờ.
Nghi ngờ, lo thất bại
Làm chết yểu ước mơ.

*
Nghi ngờ khiến bạn tốt
Trở thành thù hận nhau.
Nó là con dao sắc
Làm trái tim nhói đau.

*
Anh thương yêu người khác
Mà không thương yêu mình,
Thế là chưa đầy đủ,
Chưa hợp lý, hợp tình.

*
Ba điều quan trọng nhất:
Một - có nghĩa, có tình.
Hai là biết buông bỏ.
Ba là sống hết mình.

*
Cho dù anh có nói
Cả một nghìn lời hay.
Không kèm theo hành động,
Vô bổ nghìn lời này.

*
Bám theo cái gì đó
Không ngừng nghỉ đêm ngày,
Cuối cùng cũng phải bỏ.
Đơn giản vì mỏi tay.

*
Phải nghi ngờ tất cả,
Nhưng không nghi ngờ mình.
Chỉ tin sau khi có
Các bằng chứng chứng minh.

*
An lạc là bậc trí,
Không hận giữa hận thù.
Giữa những người thù hận,
Biết sống không hận thù.

*
Bông hoa đẹp đến mấy,
Không hương cũng vứt đi.
Người nói hay đến mấy,
Không làm cũng vứt đi.

*
Ngu bình thường, nếu biết
Rằng mình là người ngu.
Ngu mà tưởng mình giỏi
Thì đúng là đại ngu.

*
Không có kẻ hơn mình,
Không có kẻ ngang mình
Để học hỏi, kết bạn,
Thì thà sống một mình.

*
Như con ong hút mật
Hút mật, không phá hoa,
Các tỳ kheo khất thực
Không làm phiền chủ nhà.

*
Không phải là điều dữ
Kết thân với người lành.
Không phải là sự dốt
Học hỏi người thông minh.

*
Người ham danh, ngu dốt
Thích ngồi ở chỗ cao.
Người thực sự tài đức
Ngồi bất cứ chỗ nào.

*
Người tốt làm việc thiện
Chỉ được người tốt yêu.
Người ác thì ghen tị
Và tìm cách đặt điều.

*
Nông dân lo cày ruộng.
Thợ gốm lo vắt bình.
Người trí lo tu tập.
Trẻ nhỏ lo học hành.

*
Biết xa lìa ngũ dục,
Bỏ cái Tham Sân Si,
Lòng ta sẽ đầy ắp
Cái Hỷ Xả Từ Bi.

*
Người chưa theo Chính Pháp,
Cái Tham còn nặng nề,
Thì làm sao có thể
Vượt qua được Sông Mê?

*
Bỏ gia đình chật hẹp,
Thoát cám dỗ ma tà,
Người trí luôn chọn cách
Tu hành và xuất gia.

*
Giàu có hay nghèo đói,
Khi trở thành tỳ kheo,
Mọi người đều bình đẳng,
Không giàu, cũng không nghèo.

*
Chỉ các vị La Hán
Bỏ hết Tham Si Sân,
Được Chính Nghiệp giải thoát
Khỏi Nhân Quả, Kiếp Luân.

*
Người chân tu đích thực
Thích sông núi, đất trời.
Ngược lại, người phàm tục
Thích những chỗ đông người.

*
Tụng cả ngàn câu kệ
Dẫu chân thành, say mê,
Không bằng một câu nói
Làm ấm lòng người nghe.

*
Chiến thắng mình rất khó.
Để chiến thắng chính mình,
Phải kiềm chế tham dục
Đang luôn cám dỗ mình.

*
Suốt năm làm công đức
Cũng không bằng một lần
Bước ra cửa, lặng lẽ
Dâng cơm mời sư ăn.

*
Có sống đến trăm tuổi,
Phá giới, không tu thiền,
Không bằng sống một phút
Trì giới và tu thiền.

*
Có sống đến trăm tuổi
Mà trong vòng Vô Minh,
Không bằng sống một phút
Thoát được vòng Vô Minh.

*
Nếu đã nhỡ làm Ác,
Không được làm Ác thêm.
Thay vào đó, sám hối.
Sám hối suốt ngày đêm.

*
Phải luôn nhớ làm Lành.
Bao giờ cũng làm Lành.
Vì chế ngự làm Ác
Chính là nhờ làm Lành.

*
Chớ coi thường điều Ác,
Dù nhỏ nhặt hàng ngày.
Giọt nước rơi, dù nhỏ,
Cuối cùng bình cũng đầy.

*
Gieo Ác thì gặt Ác.
Gieo Lành thì gặt Lành.
Không người nào có thể
Thoát được Nghiệp của mình.

*
Không ai thoát cái chết.
Cũng không ai xưa nay
Thoát được cái Nghiệp Ác
Mình đã làm trước đây.

*
Không phải là ích kỷ
Việc mình biết thương mình.
Thân mình chưa lo nổi,
Còn giúp gì chúng sinh?

*
Ai cũng sợ cái chết
Và sợ bị đánh đau.
Tự suy mình thì biết.
Vậy đừng làm hại nhau.

*
Trước những lời độc ác
Anh im lặng, thì anh
Đã tước hết vũ khí
Của người muốn hại mình.

*
Người nói lời độc ác
Mà người khác không nghe.
Thì lời độc ác ấy
Rốt cục chỉ mình nghe.

*
Còn trẻ mà bất lực
Không lo được cho mình,
Thì về già, sức yếu
Làm được gì cho mình?

*
Người mà biết hổ thẹn
Rồi lặng lẽ tu mình,
Tức là tới đắc đạo
Đã đi nửa hành trình.

*
Người mà đã ngu dốt,
Không học hành, chân tu,
Thì chỉ như trâu ngựa,
Lớn xác mà vẫn ngu.

*
Giảng đạo cho người khác,
Mà trước hết chính mình
Chưa thành người đắc đạo,
Thì là điều đáng khinh.

*
Suy cho cùng, sướng khổ
Đều hoàn toàn do ta.
An lạc hay lo lắng
Đều hoàn toàn do ta.

*
Không nên vì người khác
Mà quên bản thân mình.
Người biết lo cho mình
Mới giúp được người khác.

*
Cuộc đời này bèo bọt
Như đám mây trên trời.
Ai hiểu được điều ấy
Mới an lạc, thảnh thơi.

*
Hãy luôn giữ Năm Giới.
Xua cái buồn khỏi rầu.
Luôn ăn uống chừng mực.
Hàng ngày thiền thật lâu.

*
Người ta hay làm Ác
Vì có lợi cho mình.
Người ta ít làm Lành,
Vì không lợi cho mình.

*
Thắng, sẽ bị thù oán.
Sẽ đau buồn nếu thua.
An lạc và hạnh phúc
Khi không màng thắng thua.

*
Hỷ Ái gây đau khổ,
Biệt ly và buồn lo.
Bỏ hết được Hỷ Ái,
Ta thoát được buồn lo.

*
Không kiêu căng, giận dữ,
Không ràng buộc điều gì.
Thoát được Tham Sân Si,
Tức là đã thành Phật.

*
Tức giận với người khác
Là chuốc vạ vào mình.
Tha lỗi cho người khác
Tức là tha cho mình.

*
Lấy Thật thắng Giả Dối.
Lấy Thiện thắng Gian Tà.
Lấy Không Giận thắng Giận.
Lấy Cúng Dường thắng Ma.

*
Kiềm chế không tức giận.
Chỉ nói lời tốt lành.
Luôn chăm lo đạo pháp,
Tâm trí sẽ tốt lành.

*
Không lửa nào dữ dội
Bằng lửa dục ái tình.
Không đêm nào đen tối
Bằng đêm tối Vô Minh.

*
Người thực sự tài giỏi
Trước hết phải là người
Tự mình thắng Sân Hận,
Rồi mới cứu giúp Đời.

*
Mang bát đi khất thực
Chưa hẳn là tỳ kheo.
Chuyên tu hành thanh tịnh
Mới đích thực tỳ kheo.

*
Người tử tế phải tránh
Những kẻ xấu đáng chê.
Phải dọn sạch cỏ dại
Trước khi trồng Bồ Đề.

*
Đã là người tâm thiện,
Không phạm tội sát sinh,
Không nói dối, uống rượu
Để mình tự hại mình.

*
Có lỗi thì nhận lỗi.
Không có thì bảo không.
Tự khắc sẽ thanh thản,
Không vấn vương trong lòng.

*
Hãy nên làm một mình.
Hãy nên đi một mình.
Hãy một mình tu luyện
Để đắc đạo một mình.


MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT

Kẻ thù nguy hiểm nhất    
Của mình là chính mình.    
Sai lầm to lớn nhất
Là tự đánh mất mình.   

Cái ngu dốt lớn nhất
Là dối lừa, ba hoa.
Tội lỗi to lớn nhất -
Bất hiếu với mẹ cha.

Lễ dâng tặng lớn nhất
Là khoan dung với người.
Niềm an ủi lớn nhất
Là bố thí cho đời.

Sự khâm phục lớn nhất -
Ngã, đứng dậy rồi đi.
Điều đáng thương hại nhất
Là khi anh tự ti.

Tài sản đáng giá nhất -
Sức khỏe và thông minh.
Món nợ khó trả nhất -
Chưa ăn ở có tình.

Điều đáng lên án nhất
Là tự cao, khinh đời.
Cái buồn đáng buồn nhất
Là ghen tị với người.

Sai lầm to lớn nhất
Là thất vọng, ê chề.
Còn khiếm khuyết lớn nhất
Là ngu dốt, u mê.   


TAM  BẢO VÀ NGŨ GIỚI

Phật dạy, muốn theo Phật,
Phải làm lễ quy y
Tức quy y Tam Bảo,
Nương tựa cửa Từ Bi.

Thứ nhất là Phật Bảo:
Yêu tin Phật thực lòng.
Phật là đức cứu độ,
Với tình yêu mênh mông.

Nó là Tuệ Cụ Túc,
Tức có được Niềm Tin
Vào con đường đã chọn
Để Nghe, Ngẫm và Nhìn.

Thứ hai là Pháp Bảo,
Tức Giáo Lý của Ngài,
Theo đó, phải diệt dục
Để thoát khổ trần ai.

Nó là Tín Cụ Túc,
Niềm Tin để mọi người
Chăm chân tu, hành đạo
Cứu mình và cứu đời.

Thứ ba là Tăng Bảo.
Tăng là các nhà sư
Giúp ta đến với Phật
Khoan dung và nhân từ.

Nó là Thí Cụ Túc:
Các nhà sư giúp ta,
Ta phải nuôi nấng họ.
Mối quan hệ hài hòa.

Ba Cụ Túc đã nói
Cùng Cụ Túc thứ tư
Thành Tứ Bất Hoại Tín
Của Đạo Phật nhân từ.

Đó là Giới Cụ Túc,
Tức là Năm Điều Răn
Mà chúng ta phải tránh
Khi sống ở đời trần.

Không vi phạm Năm Giới:
Một, không được Sát Sinh.
Hai, không được Trộm Cắp,
Lấy cái không của mình.

Ba, liên quan sắc dục,
Quyết không được Dâm Tà.
Bốn, không được Nói Dối,
Nói dối là xấu xa.

Năm, không được Uống Rượu.
Rượu làm mất thông minh,
Làm tổn hại sức khỏe
Và tan nát gia đình.

Giữ được Năm Giới ấy,
Ta sẽ sống thảnh thơi,
Yên tâm với hậu kiếp,
Không phạm tội ở đời.

Cuộc sống là giấc ngủ,
Mọi cái đều đổi thay.
Chỉ Tam Bảo, Ngũ Giới
Bất biến ở đời này.


BỐ THÍ VÀ CÚNG DƯỜNG

Sống, phải làm việc thiện,
Mà không mong đợi gì.
Việc thiện giúp tâm sáng,
Hỷ Xả và Từ Bi.

Bi là giúp người khác
Thoát nỗi khổ cuộc đời.
Từ - đem niềm vui đến
Cho tất cả mọi người.

Làm việc thiện, chủ yếu
Là bố thí, cúng dường.
Không toan tính, vụ lợi,
Trọn vẹn tình yêu thương.

Bố thí là gieo thiện,
Gieo mầm đức, sau này
Người gieo hái quả phước
Từ việc làm hôm nay.

Bố thí không nhất thiết
Giá trị lớn, hoặc nhiều,
Để cúng dường Tam Bảo,
Và giúp đỡ người nghèo.

Phật dạy, giúp kẻ khó
Trong cuộc sống đời thường
Là việc làm kính Phật,
Cũng một dạng cúng dường.

Bố thí phổ biến nhất
Là cho tiền, thức ăn,
Tức tài thí, vật thí,
Đáng quí và rất cần.

Nhưng quan trọng hơn cả
Là Pháp Thí, tức là
Giúp người khác cùng hiểu
Và theo Phật Thích Ca.

Vì người biết theo Phật
Là người sống có tâm,
Xa lánh những điều ác,
Giúp hạt thiện nảy mầm.

Pháp Thí là phổ biến
Giáo lý Phật Thích Ca
Bằng viết hoặc in sách,
Phân phát cho mọi nhà.

Giúp một người hiểu biết,
Thì về sau người này
Sẽ giúp nhiều người khác
Hiểu cái đúng, cái hay.

Cứ thế, chân lý Phật,
Bác ái và từ bi,
Sẽ dần dần lan tỏa,
Chiến thắng Tham Sân Si.

Cuối cùng - Vô Úy Thí
Là đem lại tình thương,
Niềm vui, sự tĩnh tại
Trong cuộc sống đời thường.

Thí chủ sẽ tìm cách,
Bằng lời dạy, lời khuyên,
Giúp người khác nghị lực,
Niềm tin và bình yên.

Tóm lại, như Phật dạy,
Làm bố thí giúp đời
Là việc làm đẹp nhất
Suốt trong cả kiếp người.

Giá trị của bố thí
Không ở ít hay nhiều,
Mà ở lòng thí chủ,
Ở tình thương, tình yêu.

Đức Phật cũng từng dạy:
Cứu được một mạng người
Hơn xây bảy chùa lớn,
Dù cao đẹp nhất đời.


VÃNG SANH

Đôi khi rất đơn giản,
Ta nghĩ sống làm người,
Chết là coi như hết.
Ngắn ngủi một cuộc đời.

Vì thế ta sống vội,
Chỉ biết ngày hôm nay,
Không lo, không chuẩn bị
Cho thế giới sau này.

Không sợ luật Nhân Quả,
Không biết vòng Luân Hồi,
Ta buông xuôi, sống thả,
Kiểu bèo dạt mây trôi.

Không một lần tự hỏi,
Không vương vấn trong đầu:
Chúng ta từ đâu đến,
Và chết sẽ về đâu?

*
Sau sáu năm khổ hạnh,
Thái tử Tất Đạt Đa
Ngồi lặng lẽ thiền định
Dưới cây bồ đề già.

Sang ngày thứ bốn chín,
Mồng Tám tháng Mười Hai,
Ngài chứng đạo Vô Thượng,
Trở thành Phật, và Ngài

Nay hoàn toàn giác ngộ,
Tường tận hết Lục Thông,
Biết được Sinh và Tử,
Luật Luân Hồi quay vòng.

Ngài nói rằng người chết,
Trong bốn mươi chín ngày,
Sẽ vãng sanh trở lại
Trong sáu cõi dưới đây:

Một, người tu Thập Thiện,
Nhiều công đức với đời,
Khi chết, được siêu thoát,
Vãng sanh lên Cõi Trời.

Hai, người giữ Ngũ Giới,
Chuyên tâm làm việc lành,
Khi lâm chung sẽ được
Vào Cõi Người vãng sanh.

Những người tu Thập Thiện,
Siêu thoát lên Cõi Trời,
Khi hưởng hết phước báo,
Lại quay về Cõi Người.

Ba, người có công đức,
Nhưng còn Tham Si Sân,
Ngạo mạn và ích kỷ,
Sẽ vào cõi Quỉ Thần.

Cõi này còn được gọi
Là cõi A Tu La.
Nửa tốt và nửa xấu
Như hầu hết chúng ta.

Ba Cõi còn lại khác:
Tùy tội lỗi của mình,
Mà khi chết buộc phải
Đầu thai thành Súc Sinh,

Hoặc Ngạ Quỉ, quỉ đói,
Hay đày đọa suốt đời
Dưới chín tầng Địa Ngục
Tăm tối, không mặt trời.

Phật nói: Số người chết
May mắn được đầu thai
Thành người, ít như đất
Dắt ở móng tay Ngài.

Tức là số còn lại
Khổ nhiều kiếp, nhiều đời,
Cho đến khi hết nợ
Mới lại được làm người.

Các chúng sinh khi sống
Phải sống thiện hàng ngày
Để tránh ba Cõi Dữ
Của các kiếp sau này.

Luân Hồi và Nhân Quả
Là Luật của đất trời.
Không ai thoát được nó,
Cả vật và cả người.


NGHIỆP

Nhân Quả trong tiếng Phạn
Được gọi là Karma,
Thường hay dịch là Nghiệp,
Phiên âm thành Yêt Ma.

Nghiệp dẫn tới Quả Báo,
Liên tiếp mãi không thôi,
Tạo thành Luật Nhân Quả,
Trong vòng lớn Luân Hồi.

Hồi là quay trở lại.
Luân nghĩa là bánh xe.
Bánh xe quay, thực chất,
Quay đi lại quay về.

Con người sinh, rồi chết.
Chết rồi lại được sinh.
Con người mới là Quả
Của Nhân cũ của mình.

Ai đó, theo Phật dạy,
Được sinh ở đời này,
Tức là đã từng sống
Nghìn vạn kiếp trước đây.

Người sinh ra, hình tướng
Đẹp hay xấu khác nhau.
Cũng khác nhau sướng khổ,
Phải nghèo hay được giàu.

Đó là Nghiệp, Nhân Quả.
Mọi cái có nhân duyên.
Ở ác thì gặp ác,
Ở hiền sẽ gặp hiền.

Muốn biết Nhân ngày trước,
Hãy nhìn Quả hôm nay.
Nhìn việc làm hiện tại
Để biết Số sau này.

Muốn giàu, phải bố thí,
Làm những điều tốt lành.
Kiếp sau muốn sống thọ,
Kiếp này không sát sinh.

Muốn mặt mày tươi đẹp,
Phải vào chùa dâng hoa.
Muốn tinh thần thoải mái,
Không nóng giận, dâm tà.

Tất cả đều do Nghiệp.
Mà Nghiệp gồm ba phần,
Mỗi phần có hai loại.
Nghiệp gồm Ý, Khẩu, Thân.

Ý Nghiệp quan trọng nhất.
Nó chi phối mọi điều.
Thiện Ý là trí tuệ,
Từ bi và thương yêu.

Ác Ý là nghĩ xấu,
Nghĩ chuyện Tham Sân Si.
Nóng giận và ghen ghét,
Chẳng coi ai ra gì.

Khẩu Nghiệp là lời nói.
Ác Khẩu là điêu toa,
Nói dối, gây hiềm khích,
Hoặc khai man trước tòa.

Thiện Khẩu là nói thật,
Nói điều hay, điều lành,
Giảng kinh hay thuyết pháp,
Sâu xa và chân thành.

Thân Nghiệp và Khẩu Nghiệp
Dễ nhận thấy ở người.
Cái Ác và cái Thiện
Trong việc làm và lời.

Thân Ác là làm ác,
Như trộm cắp, sát sinh,
Đánh đập người, súc vật,
Phá chùa, phá đền đình.

Thân Thiện thì ngược lại,
Bố thí và cúng dường,
Giúp đỡ người nghèo khổ,
Sống bằng tình yêu thương.

*
Vậy là ta đã biết,
Mọi cái có nhân duyên.
Ở ác thì gặp ác,
Ở hiền sẽ gặp hiền.

Nhưng nhiều người sống thiện
Vẫn gặp ác, vì sao?
Còn lắm kẻ sống ác
Vẫn sướng, là thế nào?

Là vì hạt giống Thiện
Và giống Ác ở đời,
Như mọi hạt giống khác,
Phải chờ mưa, chờ thời.

Nghiệp và Luật Nhân Quả
Như Lưới Trời bủa vây.
Không người nào có thể
Thoát được Lưới Trời này.


A DI ĐÀ PHẬT

Tên Phật, theo tiếng Phạn,
Là A-mi-tab-ha,
Tức Vô Lượng Ánh Sáng,
Tức Phật A Di Đà.

Đức A Di Đà Phật
Là vị Phật đầu tiên
Trong vô số Đức Phật
Được tôn làm người hiền.

Ngài được thờ nhiều nhất
Trong Ma-hay-a-na,
Tức Đại Thừa, nhánh Phật
Thịnh hành ở nước ta.

Theo truyền thuyết kể lại,
Vô lượng kiếp trước đây
Có vị vua hùng mạnh
Bất chợt trong một ngày

Được Đức Phật thuyết giáo,
Ngài từ ngôi, qui y,
Sau thành Phật, biểu tượng
Của Trí Tuệ, Từ Bi.

Ngài bèn lấy Phật hiệu
Là Phật A Di Đà,
Pháp danh là Pháp Tạng,
Đức độ và tài ba.

Thích Ca Mâu Ni Phật
Nói Ngài ở Tây Phương,
Hay Tây Phương Cực Lạc,
Kiểu một dạng thiên đường.

Cực lạc là sướng nhất,
Phong cảnh đẹp tuyệt vời.
Ai muốn gì có ấy,
Nhưng chẳng ai ham chơi.

Thay vào đó, tất cả
Nghe Phật A Di Đà
Thuyết pháp để thành Phật,
Sống giữa cõi chói lòa.

Nhiều phật tử tâm niệm
Khi chết được vãng sanh
Vào cõi trời của Phật,
Cực lạc và yên lành.

Trong lịch sử Đạo Phật,
Phép niệm A-di-đà
Là một mốc quan trọng
Ở rất nhiều quốc gia.

Đây là cách tu mới -
Qua niệm Phật đời thường,
Phật tử mong được đến
Cõi Cực Lạc Tây Phương.

Để tới đấy, đơn giản,
Lúc lâm chung, người ta
Nhớ mười lần tụng niệm
“Nam mô A-di-đà.”

Tưởng dễ, nhưng rất khó,
Vì sắp chết, con người
Thường đau đớn, lú lẫn
Và quên hết sự đời.

Do vậy lúc còn sống
Các phật tử hàng ngày
Niệm càng nhiều càng tốt
Câu niệm quen thuộc này.

*
Ở các chùa hiện tại,
Ngoài tượng Phật Thích Ca,
Ta còn thấy cả tượng
Đức Phật A-di-đà.

Tượng Ngài thường sơn đỏ,
Tượng trưng mặt trời hồng
Ở Tây Phương Cực lạc
Soi sáng mọi tấm lòng.

Tay Ngài cầm bát pháp,
Có khi một bông sen,
Đưa xuống, như nâng đỡ
Các phật tử cùng lên.

Đặc điểm nổi bật nhất
Của tượng A-di-đà,
Là tóc hình xoắn ốc,
Khác tóc Phật Thích Ca.

Dưới chân tượng túc trực
Một đôi công rất hiền,
Và công là biểu tượng
Giữ cuộc sống bình yên.

Ai cũng muốn khi chết
Được hưởng lạc, yên hòa.
Vậy hãy nhớ niệm Phật.
Nam mô A-di-đà.


NIỆM PHẬT

1
Có người đàn bà nọ,
Hiền thục và thông minh,
Nhờ nghe Phật giảng pháp,
Nên hiểu đời, hiểu mình.

Bà hiểu về địa ngục,
Về nhân quả, hàng ngày
Rất chăm lo niệm Phật
Để siêu thoát sau này.

Bà còn khuyên hàng xóm
Và người thân của bà
Lúc nào cũng phải nhớ
Niệm Phật A Di Đà.

Thế mà bà bất lực
Không thuyết phục được chồng.
Mà bà thì lo sợ
Địa ngục đang chờ ông.

Một hôm bà nghĩ kế,
Nói với ông thế này:
“Bây giờ nhiều trộm cướp.
Tôi ở nhà suốt ngày.

Nhà lắm người qua lại,
Chẳng biết ai là ai.
Ta lấy chiếc chuông nhỏ
Đem treo ở cổng ngoài.

Cứ phòng trước cho chắc.
Mỗi lần ông về nhà,
Hãy rung chuông và nói:
Nam mô A Di Đà.

Tôi nghe, ra mở cửa
Vì biết đó là ông.
Chỉ đơn giản như vậy.”
Và thế là ông chồng,

Dẫu không theo đạo Phật,
Nhưng mỗi lần về nhà
Đều rung chuông và nói:
Nam mô A Di Đà.

Vì không tin chính pháp,
Nên khi chết, tiếc thay,
Ông phải xuống địa ngục,
Bị tra tấn hàng ngày.

Cả một bầy quỉ dữ
Ném ông vào vạc dầu,
Rồi vớt ra tùng xẻo,
Cưa chân và chặt đầu.

Đau quá, ông kêu thét.
Rồi buột miệng nói ra
Cái câu ông thường nói:
Nam mô A Di Đà.

Đột nhiên vạc dầu tắt.
Cả địa ngục tối đen
Bỗng bất ngờ rực sáng.
Bốn bề thật tĩnh yên.

Có sứ giả mang đến
Lệnh của chính Diêm Vương
Cho ông được trở lại
Với cõi người bình thường.

“Tên này dẫu tội lỗi,
Nhưng công đức đủ dày
Vì đã niệm danh Phật.
Ta tha tội đọa đày.”

2
Lúc Đức Phật chứng quả
Phép Vô Thượng Bồ Đề,
Ngài bắt đầu giảng pháp.
Rất nhiều người đến nghe.

Trong số những người ấy,
Một số vị sau này
Chứng quả A La Hán,
Luôn đi gió về mây.

Họ thoát vòng nhân quả,
Thoát khổ đau, và rồi
Thoát cả vòng sinh tử
Cùng các kiếp luân hồi.

Một vị trong số đó
Đã phát nguyện, ra tay
Cứu những người tội lỗi,
Cả kiếp trước, kiếp này.

Ông giúp họ giải thoát
Bằng tài đức của mình,
Chết, khỏi làm ngạ quỷ
Hay chịu kiếp súc sinh.

Trong số bạn thời nhỏ,
Ông có một người quen,
Một hoàng tử cao quí
Nhưng độc ác và hèn.

Hoàng tử này bất hiếu,
Lập mưu giết vua cha
Để leo lên ngôi báu,
Sống thác loạn, xa hoa.

  một A La Hán,
Ông biết trước người này
Sẽ chết, xuống địa ngục
Chỉ sau đúng bảy ngày.

Ông đến báo điều ấy.
Tên vua nghe, thất kinh,
Quỳ lạy ông, bạn cũ,
Xin ra tay cứu mình.

Ông nói: “Đã quá muộn.
Chỉ còn lại bảy ngày.
Có muốn tạo công đức,
Cũng rất khó điều này.

Chỉ còn lại một cách,
Là sửa lễ, dâng hoa
Và luôn miệng niệm Phật:
Nam mô A Di Đà!”

Tên vua ác bất hiếu
Đã nhất nhất nghe lời.
Nhờ thế được giải thoái
Và tái sinh làm người.

3
Ngày xưa ở Ấn Độ
Có một vị thiền sư,
Giỏi pháp và đức độ,
Hòa nhã và nhân từ.

Ông giảng giáo lý Phật,
Giác ngộ rất nhiều người.
Nhờ thế họ sống tốt
Và có ích cho đời.

Thế mà ông không thể
Giác ngộ được cha mình,
Một ông già bướng bỉnh,
Sống trong vòng vô minh.

Ông nói: “Để tĩnh tại
Và siêu thoát sau này,
Bố phải đọc Kinh Phật
Và niệm Phật hàng ngày.”

Ông già đáp: “Vẽ chuyện,
Làm những việc không cần.
Đọc Kinh và niệm Phật
Thì lấy gì mà ăn.”

Thuyết phục mãi không được,
Thiền sư rất buồn phiền.
Cuối cùng nghĩ được kế
Với ông bố tham tiền.

“Một ông nhà giàu nọ
Nói với con điều này.
Vì ông ấy rất bận,
Không niệm Phật hàng ngày.

Nên bỏ tiền nhờ bố
Hãy niệm Phật giúp ông.
Cứ mỗi lần niệm Phật,
Bố được trả một đồng.

Bao nhiêu lần tùy ý.
Niệm càng nhiều càng hay.
Bố nhớ đếm cẩn thận
Rồi nhận tiền cuối ngày.”

Ông bố già bướng bỉnh
Liền đồng ý, tất nhiên.
Và luôn miệng niệm Phật
Để có được nhiều tiền.

Vừa niệm, ông vừa nghĩ:
“Đúng là bọn nhà giàu.
Có tiền, tiêu hoang phí
Vào những việc không đâu.”

Ngày thứ hai, thật lạ.
Ông thấy hết buồn phiền.
Vẫn luôn miệng niệm Phật
Mà không nghĩ đến tiền.

Tối thứ ba, giận dữ,
Ông bảo con trai mình:
“Cất tiền! Tự ta muốn
Niệm Phật và cầu kinh!”

Từ đấy ông chăm chỉ
Niệm Phật A Di Đà,
Cả khi đi công chuyện,
Cả khi ngồi ở nhà.

Vì việc tụng niệm Phật
Làm ông bớt buồn phiền,
Lòng thảnh thơi, tĩnh lặng
Và ít nghĩ đến tiền.

4
Niệm Phật là công việc
Rất cần thiết hàng ngày.
Giúp không làm việc ác,
Không đi chệch đường ngay.

Niệm Phật mở tri tuệ,
Làm tĩnh lặng cõi lòng.
Được siêu thoát, cứu độ
Nhờ ân đức tổ tông.

Niệm Phật để con cháu
Và gia đình bình yên.
Không đau ốm, bệnh tật,
Tránh được mọi ưu phiền.

Niệm Phật giải ân oán
Và nghiệp chướng trước đây.
Để sống thiền, tĩnh tại,
Phải niệm Phật hàng ngày.


DIÊM VƯƠNG VÀ ĐỊA NGỤC

Diêm Vương trong tiếng Phạn
Là Ya-ma-ra-ja.
Khi dịch sang tiếng Hán,
Thành Diêm Ma La Già.

Nguyên gốc là như thế,
Nhưng sau, trong đời thường,
Người ta thích gọi tắt -
Diêm La Vương, Diêm Vương.

Trong giáo lý Đạo Phật,
Do Đức và do Tâm,
Ngài được giao trọng trách
Quản lý cả Cõi Âm.

Diêm Vương, theo truyền thuyết,
Là vua Vệ Xá Li,
Một người cũng từng mắc
Cái thói Tham Sân Si.

Trong một trận đánh lớn,
Quân ông thua, và ông
Trước khi chết chỉ có
Duy nhất một ước mong,

Là cai quản Địa Ngục.
Chư Phật rủ lòng thương
Cho ông được toại nguyện,
Trở thành Diêm La Vương.

Ông, cùng chín vị tướng
Và chín mươi nghìn quân,
Phải rũ sạch tội cũ
Bằng cách ngày ba lần

Bị bắt há to miệng
Để nuốt đồng đun sôi.
Họ phải chịu đau đớn
Đến sạch tội mới thôi.

Chín vị tướng tài giỏi
Sau thành người đứng đầu
Chín tầng của Địa Ngục.
Còn binh sĩ về sau

Trở thành lính cai ngục
Dữ dằn và vô tâm.
Một đội quân đông đúc
Thường trực dưới cõi âm.

Diêm Vương, khi đến hẹn,
Thông báo với mọi người
Giờ chết và cái giá
Họ phải trả cho Đời.

Ngài là người chính trực,
Xét xử rất công minh.
Thiện Ác, Công và Tội
Rất có lý, có tình.

Ngài có bà em gái
Tên gọi là Ya-mi,
Được giao việc cai quản
Các tội nhân nữ nhi.

*
Địa Ngục, trong tiếng Phạn
Gọi là Na-ra-ka.
Tiếng Hán là Nại Lạc,
Hoặc Na Lạc, Na La.

Người đời, sau khi chết,
Tùy theo tội của mình
Bị đưa xuống Địa Ngục
Để Diêm Vương anh minh

Xét xử theo tội lỗi,
Sẽ đày đến tầng nào
Trong chín tầng Địa Ngục,
Từ tầng thấp lên cao.

Cả chín tầng Địa Ngục
Đều khủng khiếp, ngoài ra
Có mười sáu ngục phụ,
Sâu và rộng bao la.

Trong đó kinh khủng nhất
Là ngục gọi A Tỳ,
Nơi đầy đọa những kẻ
Phạm tội ác cực kỳ.

1
Tầng đầu địa ngục

Ở tầng đầu địa ngục,
Sau khi xét, những người
Có công ngang bằng tội
Được chuyển đến tầng mười.

Tức là tầng, ở đó
Sau một thời gian dài
Tu niệm Phật, và họ
Được chuyển kiếp đầu thai.

Tuy là tầng nhẹ nhất,
Tội nhân ở tầng này
Chịu cực hình tra tấn,
La hét suốt đêm ngày.

Người rượu chè, cờ bạc,
Làm người thân đau lòng
Phải leo những chiếc cột
Được nung đỏ, bằng đồng.

Người giết mổ động vật
Để xiên nướng trước đây,
Giờ phải nằm giường lửa
Trên chông nhọn và dày.

Tội được coi nặng nhất
Là tội tự giết mình,
Không phụng dưỡng bố mẹ
Và chăm sóc gia đình.

Tiếp đến là các tội
Bất hiếu, buôn bán gian,
Tà dâm và nói dối,
Lười biếng, thích an nhàn…

2
Tầng thứ hai

Người phạm tội, khi chết
Bị bắt xuống tầng này
Càng bị đánh, tra tấn,
Đầy đọa suốt đêm ngày.

Mà sự đầy đọa ấy
Lặng lẽ dưới cõi âm,
Cứ kéo dài liên tục,
Một trăm hay nghìn năm.

Sống, lấy que sắt nhọn
Xiên động vật, chúng sinh.
Chết, bị giáo nung đỏ
Đâm xuyên qua người mình.

Đâm đến nát cơ thể,
Chết, sống lại, và rồi
Lại bị giáo đâm tiếp,
Cứ thế mãi không thôi.

Sống, ai dùng dao kiếm,
Khiêu khích gây chiến tranh,
Cậy mạnh, hiếp kẻ yếu,
Làm khốn khổ dân lành,

Thì chết, xuống địa ngục,
Một thanh kiếm khổng lồ
Sẽ thái mỏng người họ
Thành từng miếng nhỏ to.

Ai sống mà ác khẩu,
Sẽ bị một lưỡi câu
Nung đỏ, móc vào lưỡi,
Rồi kéo, như kéo trâu.

Ai khi sống dẫm đạp
Những con vật nhỏ nhoi,
Thì chết sẽ bị đánh
Bằng gậy và bằng roi.

Ai ăn thịt có máu
Hoặc phạm tội sát sinh,
Người ấy bị thái nhỏ
Sau khi chịu nhục hình.

Ai ăn uống phung phí,
Để một hạt cơm rơi,
Mà không chịu cúi nhặt,
Phải ăn một bát dòi.

Loại dòi cứng như đá,
Trong nước tiểu, trong phân
Luôn bốc mùi hôi thối.
Mỗi ngày ăn mười lần.

Người ăn nói hỗn láo,
Làm bố mẹ buồn đau,
Sẽ bị thiêu trong lửa
Và nhúng vào vạc dầu.

3
Tầng thứ ba

Ở tầng này Địa Ngục
Tất cả các tội nhân
Bị tra tấn, đày đọa
Rùng rợn hơn nhiều lần.

Ai làm quan, tham nhũng
Và chôm chỉa của đời,
Bị dơi và quạ đói
Hút hết máu trong người.

Làm quan không liêm khiết,
Cướp miếng ăn của dân,
Kẻ đào trộm mồ mả,
Kẻ phá hoại hôn nhân,

Đều chung một hình phạt
Là một sợi xích to
Móc vào đầu, bắt kéo
Những tảng đá khổng lồ.

Ai bắt cóc phụ nữ
Hoặc giở trò hiếp dâm,
Sẽ bị treo trên lửa
Thiêu sống một nghìn năm.

Cướp tài sản người khác
Bằng giấy giả, khai man,
Sẽ bị móc hai mắt
Và moi hết ruột gan.

Phụ nữ mà dâm loạn,
Lẳng lơ với chồng người
Sẽ bị rút gân cốt,
Giã trong cối suốt đời.

4
Tầng thứ tư

Ở tầng này chủ yếu
Giam giữ các tội nhân
Đã phạm các trọng tội
Khi còn ở dương trần.

Nếu may, được siêu thoát,
Lần nữa lại đầu thai,
Họ vẫn bị bệnh tật
Và xấu xí hình hài.

Kẻ làm, buôn bạc giả,
Kẻ phỉ báng thánh thần
Sẽ phải chịu tùng xẻo,
Bắt đầu từ tay chân.

Kẻ lột da loài vật
Hoặc làm nghề sát sinh,
Bị bắt cầm dao sắc
Để tự lột da mình.

Kẻ cố tình ngược đãi
Con riêng của vợ, chồng,
Sẽ bị nghiền nát vụn
Dưới bánh xe lửa hồng.

Để tranh dành tài sản
Mà anh em kiện nhau,
Sẽ bị xẻo tai mũi
Và lột hết da đầu.

Người đố kỵ, ác khẩu,
Đặt điều vu người ngay,
Sẽ bị dòi ăn lưỡi,
Từng tí một hàng ngày.

Người khi sống lười biếng,
Không dạy dỗ con mình,
Còn vũ phu với vợ,
Hỗn với bố mẹ mình,

Khi chết xuống địa ngục,
Bị ném xuống tầng này,
Bị nướng trên chảo lửa,
Ngâm vào vạc dầu đầy.

5
Tầng thứ năm

Kẻ bội bạc, thất nghĩa,
Chuyên lấy oán báo ân,
Đầu nghĩ điều thất đức
Mà giọng lưỡi ân cần,

Hàng ngày phải chịu cảnh
Bầy quỉ đói tranh nhau
Móc lục phủ, ngũ tạng,
Luộc chín trong vạc dầu.

Kẻ vì tiền, làm giả
Thuốc chữa bệnh cho người,
Bị bắt nuốt dao kéo
Và gươm nhọn suốt đời.

Kẻ đang tâm ăn thịt
Và uống máu chó mèo,
Sẽ bị ăn, xâu xé
Bởi một bầy chó mèo.

6
Tầng thứ sáu

Bị nghiền trong cối đá
Nếu mắc tội ngoại tình.
Những người nhiều thê thiếp,
Suốt đời phải nuốt đinh.

Những ai đã có vợ
Còn tán tỉnh vợ người,
Thì thận và hòn dái
Làm mồi cho lũ dơi.

Ai săn bắn động vật
Hay làm vỡ trứng chim,
Sẽ bị các loài thú
Đến móc mắt, moi tim.

Người đang tâm đánh trẻ,
Bị lột hết da đầu,
Sau đó, đúng một tháng
Bị luộc trong vạc dầu.

Chồng mà nỡ đánh vợ,
Thì cả ngày lẫn đêm
Bị một bầy quỉ cái
Đánh bằng roi da mềm.


7
Tầng thứ bảy

Ai xúi dục người khác
Kiện cáo để kiếm tiền,
Sẽ bị cắt cụt lưỡi
Làm mồi cho kền kền.

Con dâu mà độc ác,
Làm hại bố mẹ chồng,
Sẽ bị lột quần áo,
Bắt nằm trên bàn chông.

Con trai mà nghe vợ,
Hỗn với bố mẹ mình,
Suốt đời bị tùng xẻo
Và chịu các nhục hình.

Bất hiếu là trọng tội,
Loại lớn nhất trên đời.
Thậm chí cả quỉ dữ
Không xem họ là người.

Họ sẽ bị đày đọa
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Và bị kinh tởm nhất
Ở tầng địa ngục này.

8
Tầng thứ tám

Tội nhân bị đầy xuống
Tầng thứ tám thì thôi,
Coi như không lối thoát.
Sẽ ở đây suốt đời.

Còn nếu được hóa kiếp,
Sau nghìn năm cực hình,
Sẽ biến thành ngạ quỉ,
May lắm, thành súc sinh.

Những người thích dùng lửa
Đốt tổ kiến, tổ ong
Hay hun chuột, hun cáo,
Giết sinh vật ngoài đồng,

Thì sẽ bị nướng chín
Trong một chiếc lò hầm,
Lật trên rồi lật dưới,
Trong suốt một nghìn năm.

Ở tầng tám Địa Ngục
Nhiều hình phạt rợn người
Chờ những kẻ phạm tội
Khi còn sống ở đời:

Quỳ Bàn Chông sắc nhọn
Dành cho kẻ gian tà,
Tham nhũng và hối lộ,
Chuyên ăn hiếp đàn bà.

Người bị Cắt, Cưa, Xẻ
Là hình phạt cho ai
Trộm cắp, chơi bạc bịp,
Và phụ nữ phá thai.

Bị Rắn Lửa đày đọa
Dành cho tội ki bo,
Không cúng tiền, bố thí,
Chỉ nhận mà không cho.

Uống Nước Đồng Sôi Đỏ,
Mà phải uống suốt đời,
Là hình phạt cho kẻ
Chuyên ác khẩu hại người.

9
Tầng thứ chín

Tầng thứ chín Địa Ngục,
Còn gọi là A Tỳ,
Là tầng có hình phạt
Ghê rợn và cực kỳ.

Đây là tầng sâu nhất,
Rộng lớn, nhiều tầng ngầm,
Xung quanh rừng rực lửa,
Nơi đày đọa nghìn năm

Những kẻ phạm trọng tội,
Như tội giết mẹ cha,
Mưu mô làm người khác
Phải tan cửa nát nhà.

Tội lừa thầy, phản bạn,
Cấu kết với ngoại bang,
Rước voi dày mả tổ,
Giết bà con xóm làng.

Tội đầu cơ lương thực
Khi hạn hán, mất mùa.
Tội không giúp người đói,
Còn bày trò trêu đùa.

Tội làm nhân chứng giả,
Dám đặt điều khai man.
Tội quan ăn của đút
Rồi thiên vị, xử oan.

Tội a dua, nịnh hót,
Để chiều lòng bề trên,
Tìm mọi cách hãm hại
Người hơn mình, tài hiền…

Hình phạt thì ghê gớm,
Đến không nói nên lời.
Tội nhân phải gào thét
Và đau đớn suốt đời.

Họ bị rắn, bọ cạp
Gặm từng tí hàng ngày,
Người bị ép thành bột,
Bị tháo khớp chân tay.

Bị một hòn núi lớn
Giã liên tục vào đầu.
Bị cởi trần hứng chịu
Những trận mưa kim khâu…

*
Tầng thứ mười: Qua cầu Nại Hà, ăn cháo đầu thai

Qua chín tầng Địa Ngục,
Bị đầy đọa, tội nhân
Gột sạch hết tội lỗi,
Đầu thai lên dương trần.

Từ Địa Ngục, ma quỉ
Đưa họ lên tầng mười,
Nơi họ được xem xét
Tùy tội và tùy người.

Người phước nhiều ác ít
Sẽ đi qua Cầu Vàng.
Theo công tội, lần lượt,
Cầu Bạc, cầu Ván Ngang.

Cầu cuối cùng đợi họ
Gọi là Cầu Nại Hà,
Mà ai đầu thai tiếp
Cũng phải bước chân qua.

Khi vượt qua cầu ấy,
Đích thân Chuyển Luân Vương
Tay cầm gậy, thong thả
Đi trước để dẫn đường.

Sau đó, mỗi người húp
Một bát cháo Mạnh Bà
Để quên các kiếp trước
Và tội lỗi vừa qua.

Ít người được thoát tội,
Lại đầu thai thành người.
Phần lớn thành ngạ quỉ
Và súc sinh suốt đời.

No comments:

Post a Comment