Tuesday, February 24, 2015

VIỆT NAM LƯỢC SỬ DIỄN CA - 6



12
HỒ QUÍ LY (1336 – 1407)

Sau chiến tranh, nông nghiệp
Được khôi phục rất nhanh
Nhờ một loạt chính sách
Được các vua ban hành.

Nghề thủ công, buôn bán
Cũng có bước tiến dài.
Vân Đồn thành cảng chính
Buôn bán với nước ngoài.

Dù không bằng thời Lý,
Đạo Phật vẫn thịnh hành.
Nho Giáo rất phát triển.
Trường lớp cũng tăng nhanh.

Chữ Hán dùng phổ biến,
Đặc biệt trong thơ văn.
Tính tự hào dân tộc
Rất cao thời nhà Trần.

Chữ Nôm đã xuất hiện
Cũng vào giai đoạn này.
Nhiều tác phẩm văn học
Còn lưu đến ngày nay.

Ngoài trường Quốc Tử Giám,
Các tỉnh, lộ sông Hồng
Đã bắt đầu xây dựng
Trường công hoặc bán công.

Còn ở các làng xã,
Trường tư cũng mọc lên,
Không kể các lớp học
Có trước ở chùa chiền.

Các kỳ thi đều đặn
Tổ chức theo định kỳ.
Người nghèo mà học giỏi
Đều được phép vào thi.

Thi đậu, tùy năng lực,
Được phân bổ làm quan.
Người thầy nổi tiếng nhất
Là thầy Chu Văn An.

Cuốn Đại Việt Sử Ký
Gồm ba mươi tập dày,
Do Lê Văn Hưu soạn,
Cũng ở thời kỳ này.

Về công trình kiến trúc
Có Hoàng Thành Thăng Long
Với nhiều cung điện lớn
Có ngói men đầu rồng.

Về chùa chiền thời ấy,
Nam Định có Phổ Minh.
Tháp Bình Sơn - Vĩnh Phúc,
Nhiều chùa ở Ninh Bình.

*
Như mọi triều đại khác,
Theo một dạng chu kỳ,
Các vua Trần về cuối,
Hết thời thịnh, đến suy.

Phần lớn hèn, bạc nhược,
Khác với đầu đời Trần,
Vua suốt ngày yến tiệc,
Không còn lo cho dân.

Giữa thế kỷ Mười Bốn
Những chín lần vỡ đê,
Mười năm có nạn đói,
Dân cơ cực đủ bề.

Một loạt cuộc khởi nghĩa
Đã nổi dậy khắp nơi,
Được nông dân hưởng ứng,
Hàng nghìn, hàng vạn người.

Như khởi nghĩa Ngô Bệ
Ở Yên Phụ, Hải Dương.
Nguyễn Kỵ ở Thanh Hóa,
Nguyễn Bổ ở Bắc Giang.

Phạm Sư Ôn, Hà Nội,
Nguyễn Nhữ Cái, Sơn Tây,
Làm nhà Trần đã yếu,
Lại càng thêm lung lay.

*
Cuối thế kỷ mười bốn
Các vương triều nhà Trần
Đã trở nên ruỗng mục,
Thối nát, mất lòng dân.

Có Khu Mật Đại Sứ
Tên là Hồ Quí Ly,
Nắm hết mọi quyền lực,
Chẳng coi vua ra gì.

Cái phải đến đã đến,
Năm Một Nghìn Bốn Trăm,
Ông phế Trần Thiếu Đế,
Rồi lên ngôi âm thầm.

Như vua Lý Nam Đế,
Tổ tiên ông một thời
Người Triết Giang, Trung Quốc,
Sang ta đã nhiều đời.

Hồ Quí Ly quê gốc
Ở Quỳnh Lưu, Nghệ An,
Sau chuyển ra Thanh Hóa,
Rồi vào triều làm quan.

Ông có hai cô ruột
Là hoàng hậu, ân nhân.
Sau hai con của họ
Cũng trở thành vua Trần.

Khi lên ngôi, tên nước
Ông đổi thành Đại Ngu,
Dời đô vào Thanh Hóa,
Huyện Vĩnh Lộc bây giờ.       

Sau một năm tại vị,
Ông nhường lại ngai vàng
Cho con trai trị quốc
Để làm Thái thượng hàng.

Theo các tài liệu sử,
Ông là người nhẫn tâm,
Để lo trừ hậu họa,
Chỉ trong vòng một năm,

Tổng cộng ông đã giết
Ba trăm bảy mươi người,
Chủ yếu người hoàng tộc.
Một tội ác để đời.

Dẫu mưu mô, ác độc,
Nhưng vua Hồ Quí Ly
Có rất nhiều cải cách
Mà sử sách còn ghi.

Những cải cách tiến bộ,
Tầm nhìn rộng và xa,
Nếu đem thực hiện hết
Sẽ chấn hưng nước nhà.

Về lĩnh vực hành chính,
Ông đặt nhiều chức quan
Để giám sát các lộ,      
Phòng ngừa những việc gian.

Ông thêm chức Liêm phóng
Ở châu, lộ xa gần,
Để báo triều đình biết
Thực tình của người dân.

Về lĩnh vực kinh tế,
Ông cải cách hạn điền.
Giới hạn số ruộng đất
Của tầng lớp có quyền.

Trừ vương hầu, gia tộc,
Ông qui định mỗi nhà
Có không quá mười mẫu,
Cả ruộng gần, ruộng xa.

Về số lượng người ở,
Cũng không được quá nhiều.
Tùy gia sản, thứ bậc
Mà được nuôi bao nhiêu.

Ông phát hành tiền giấy,
Nhằm đẩy mạnh công thương,
Thay đổi chế độ thuế,
Quy định cách đo lường.

Rồi mở thêm trường học,
Bắt sĩ tử đi thi
Phải thi môn toán pháp,
Mới được lên kinh kỳ.

Ông đặc biệt coi trọng
Chữ Nôm của nước nhà,
Sai dịch ra chữ ấy
Các sách cổ Trung Hoa.

Lại còn mở kho thóc
Giá rẻ cho người nghèo.
Chăm lo việc thủy lợi,
Đào sông, đắp đê điều.

Ông đặt sở Quản Tế,
Sở y tế bây giờ,
Rồi cất quan coi sóc
Không chểnh mảng, thờ ơ.

“Quản Tế Thư” được lập,
Kiểu bệnh viện tế bần,
Chữa bệnh bằng châm cứu
Và thuốc Nam cho dân.

Là tài năng kiệt xuất,
Với nghị lực phi thường,
Ông đeo đuổi cải cách,
Tiếc đứt gánh giữa đường.

Hồ Quí Ly biết trước
Dã tâm của nhà Minh,
Nên chuyên tâm chấn chỉnh
Việc công và việc binh.

Ông cải cách quân đội,
Xây thành, lo quốc phòng,
Lập hộ tịch bắt lính,
Đóng cọc các cửa sông.        

Ông là người tài giỏi,
Nhưng chỉ là quan văn,
Rất tiếc đã thất bại,
Vì không được lòng dân.

Năm Một Bốn Không Sáu,
Lấy cớ giúp nhà Trần,
Nhà Minh sang xâm lược,
Điều hai mươi vạn quân.

Tướng giặc là Trương Phụ,
Chia nhiều mũi tấn công.
Thế yếu, quân Việt rút
Sang phía Nam sông Hồng.

Thành Thăng Long thất thủ
Trong vòng mấy tháng sau.
Vua rút về Thanh Hóa
Định tính kế dài lâu.

Bị quân địch truy đuổi,
Ông chạy vào Kỳ La,
Bây giờ thuộc Hà Tĩnh,
Rồi cha con ông ta

Bị quân Minh bắt sống
Đưa về nộp Bắc Kinh,
Dọc đường bị sát hại.
Không rõ lắm sự tình.

Cũng có tài liệu nói
Chúng đưa về Quảng Tây,
Bắt lao dịch ở đấy
Rồi chết mòn sau này.

Vậy là triều Hồ mất,
Chỉ tồn tại bảy năm
Nhưng cũng kịp làm được
Một số việc cần làm.

Nước Đại Việt lần nữa
Rơi vào ách ngoại bang,
Phải chờ đến Lê Lợi
Mới độc lập huy hoàng.

*
Hôm nay, thay cổ tích,
Ông sẽ kể chuyện này,
Một chuyện sử có thật,
Được lưu truyền lâu nay.


NGƯỜI VIỆT NAM XÂY
TỬ CẤM THÀNH Ở BẮC KINH

Không phải ai cũng biết
Một người Việt chúng ta
Xây Cố Cung hoa lệ
Cho vua chúa Trung Hoa.

Hơn thế, người Việt ấy
Vốn là một hoạn quan,
Sử sách ít nhắc đến.
Người đó là Nguyễn An.

Là kiến trúc sư trưởng
Xây khu Tử Cấm Thành,
Một nhà đại trị thủy,
Thế mà chẳng lưu danh.

Mãi các nhà sử học
Mới biết ông gần đây.
Hình như sử Trung Quốc
Cố tình quên chuyện này.

Nguyễn An là thợ giỏi,
Quê ở vùng Hà Đông,
Một làng nghề nào đó,
Làng mộc hoặc làng đồng.

Khi mới mười sáu tuổi,
Ông đã theo người thân
Vào xây hoặc tu sửa
Các cung vua nhà Trần.

Năm một bốn không bảy,
Khi diệt xong nhà Hồ,
Quân Minh mang về nước
Nhiều trai Việt khôi ngô.

Sau đó họ bị thiến
Để trở thành hoạn quan.
Trong số những người ấy
Có chàng trai Nguyễn An.

Thấy ông giỏi tính toán,
Có biệt tài xây nhà,
Lại liêm khiết hiếm thấy,
Nên vua nước Trung Hoa,

Lúc ấy là Thành Tổ,
Đặc biệt rất tin dùng.
Vua giao ông phụ trách
Việc xây khu Cố Cung.

Nguyễn An, còn rất trẻ,
Mới ba mươi tuổi đời,
Được toàn quyền sai khiến
Khoảng mười tám vạn người.

Kể từ khâu thiết kế,
Lo vật liệu, thi công,
Đến hoàn thiện mỹ thuật,
Việc gì cũng do ông.

Phải là người nhân cách
Và tài năng cực kỳ
Mới làm nổi điều ấy,
Tránh được lời thị phi.

Một công trình tốn kém
Suốt hàng chục năm ròng,
Khó khăn và vất vả,
Cuối cùng cũng làm xong.

Nguyễn An được vua thưởng
Năm mươi lạng vàng nguyên,
Thêm một trăm lạng bạc
Và một vạn quan tiền.

Chưa kể tám tấn thóc
Và bài vị, sắc phong...
Tất cả để ghi nhận
Công và tài của ông.

Có một con sông lớn
Tên là sông Hoàng Hà,
Thường xuyên gây lũ lụt.
Ngẫm mà lòng xót xa.

Vua nhà Minh lần nữa
Phải nhờ ông ra tay,
Đem tài năng xuất chúng
Trị thủy con sông này.

Đích thân ông gia cố
Các công trình thủy nông.
Phu phen hàng chục vạn
Răm rắp nghe lời ông.

Sau đó ông lại “trị”
Con sông dữ Tắc Dương,
Sông Trạch Chư, Trương Thụ,
Nơi ông chết dọc đường.        

Nguyễn An là gương sáng
Về làm việc hết mình,
Về tài năng, đức độ,
Liêm khiết và công minh.

Trên đường đến xây dựng
Đê đập ở Sơn Đông,
Ông chết, có trăn trối
Đừng xây lăng cho ông,

Mà dùng số tiền ấy
Cho dân chúng trong vùng,
Người không may gặp lụt,
Rơi vào cảnh khốn cùng.

Nhân tiện xin nhắc đến
Những người như Nguyễn An,
Các chàng trai Đại Việt
Bị biến thành hoạn quan.

Phạm Hoằng, một thợ giỏi,
Vua Anh Tông nhà Minh
Sai xây Vĩnh An Tự
Tây Nam thành Bắc Kinh.

Đó là một chùa lớn,
Vua hài lòng, gọi ông
Là “Bồng Lai Cát Sĩ”,
Cho khắc tên ghi công.

Thêm một người khác nữa,
Có tên là Vương Cần.  
Ông tài giỏi đến mức,
Nghe kể lại, một lần

Người ta bỗng phát hiện,
Rằng ông là hoạn quan
Mà vẫn còn “cái ấy”,
Tội chém, không phải bàn.

Thế mà vua tha chết,
Cho ra sống ngoài đời.
Còn tặng mấy cung nữ,
Rồi có con - mười người!

Tuy nhiên, người giỏi nhất
Lại là Hồ Nguyên Trừng,
Một thiên tài quân sự,
Danh tiếng rất lẫy lừng.

Ông này, như ta biết,
Là con Hồ Quí Ly,
Bị bắt sang Trung Quốc,
Có số phận li kỳ.

Lịch sử đã ghi lại
Rất chính xác, rằng ông,
Lần đầu trên thế giới
Chế tạo súng thần công.

Nhờ loại vũ khí đó
Mà nhà Minh nhiều lần
Đánh bại quân phương Bắc,
Xem ông như vị thần.

Về sau, ông, người Việt,
Làm Thượng thư bộ Công
Của thiên triều Đại Hán.
Kể cũng đáng hả lòng. 


13
THÀNH NHÀ HỒ        

Hôm nay ông sẽ kể
Câu chuyện Thành Nhà Hồ.
Cũng có khi sử sách
Gọi là Thành Tây Đô.

Đó là bức tường lớn,
Ghép bằng đá mà thành.
Mỗi viên hơn mười tấn,
Có hào nước bao quanh.

Thành có bốn cửa chính,
Là Nam Bắc Đông Tây,
Cổng chính cao mười mét
Bằng đá, cong và dày.

Bốn cạnh đều vuông góc,
Mỗi cạnh nghìn mét dài.
Cao khoảng ba, bốn mét,
Gia cố đất bên ngoài.

Bên trong là cung điện
Và dinh thự vua quan,
Bị thời gian hủy hoại
Nay là bãi hoang tàn.

Rất may còn sót lại
Đôi rồng đá rất to,
Chạm trổ thật tinh tế
Trước chính điện nhà Hồ.

*
Thành Tây Đô xây dựng
Vào cuối đời nhà Trần,
Năm Một Ba Chín Bảy,
Bằng sức của người dân.

Người khởi xướng xây nó
Chính là Hồ Quí Ly,
Lúc ấy nắm quyền lực,
Chẳng coi vua ra gì.

Chỉ ba năm sau đó,
Tức Một Bốn Không Không,
Ông tiếm ngôi, xuống chiếu
Dời đô về quê ông.

Tức là về Thanh Hóa,
Bắt đầu đời nhà Hồ.
Thành mới xây được gọi
Bằng tên mới, Tây Đô.

Thành ở huyện Vĩnh Lộc
Thôn Tây Giai, Xuân Giai,
Xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến,
Đất của người hiền tài.

Theo sử sách ghi lại,
Thành được xây rất nhanh.
Chỉ trong vòng ba tháng,
Mọi cái đã hoàn thành.

Đàn Nam Giao, cung điện,
Tuyến phòng vệ bên ngoài
Được xây tiếp, hoàn thiện
Năm Một Bốn Không Hai.

Là công trình kiến trúc
Tồn tại đến ngày nay,
Bằng đá, rất độc đáo,
Thành nhà Hồ gần đây

Được UNESCO chọn
Và xếp hạng, tôn vinh
Là Di sản Thế giới,
Vẻ vang cho nước mình.

Ông nghĩ sẽ rất tuyệt,
Có tiền thuê ô tô,
Ta làm chuyến du lịch
Tới thăm Thành Nhà Hồ.

Các cháu đồng ý chứ?
Nhất định sẽ có ngày.
Bây giờ, như thường lệ,
Nghe ông kể chuyện này.

Lần nữa, chuyện về Phật,
Giản dị mà thâm sâu.
Rồi các cháu sẽ thấy.
Câu chuyện ấy như sau.


TÌM PHẬT

Xưa có anh chàng nọ
Nghe nói Phật là người
Ba mươi hai tướng tốt
Và vẻ đẹp - tám mươi.

Và rằng ai gặp Phật
Sẽ may mắn lâu dài.
Anh ta xin phép mẹ
Lên đường đi tìm Ngài.

Suốt ba năm ròng rã,
Chịu mưa nắng dãi dầu,
Anh ta tìm khắp chốn
Mà không thấy Phật đâu.

Người băm hai tướng tốt
Và vẻ đẹp - tám mươi
Quả tìm mãi không thấy,
Dù tìm ba năm trời.

Cuối cùng anh ta gặp
Một vị sư rất già,
Đem sự tình kể hết.
Vị sư nói: “Thích Ca

Hiện đang còn tại thế.
Ngài có mặt khắp nơi,
Nhưng ẩn thân, dưới dạng
Bình thường như mọi người.

Do vậy phải nhìn kỹ,
Phải kiên nhẫn lâu dài,
Và thiện tâm, cầu thị
Mới hy vọng gặp Ngài. 

Tuy vậy, ta có cách
Giúp con gặp Thích Ca:
Bây giờ con quay lại,
Theo đường cũ về nhà.

Hãy chú ý quan sát,
Để ý thấy chân ai
Vô tình đi lộn dép,
Thì người đó là Ngài.

Anh chàng kia hăm hở
Quay về nhà, dọc đường
Buồn vì thấy tất cả
Đi đúng dép, bình thường.

Đến làng mình, bà mẹ,
Nghe nói con trai về,
Vội vã chạy ra đón,
Nước mắt chảy dầm dề.

Anh chàng không hề biết
Rằng hàng ngày mẹ già
Luôn tụng kinh, niệm Phật
Mong anh sớm về nhà.

Bà nghe tin, vui quá,
Vui và vội, quáng quàng
Xỏ đôi dép, xỏ lộn,
Ra đón con đầu làng.   

Anh con đã sụp lạy,
Gặp được Phật Thích Ca
Khi bất ngờ nhìn thấy
Đôi dép dưới chân bà.


14
LÊ LỢI (1385 – 1433)

Năm Một Bốn Không Sáu,
Lấy cớ giúp vua Trần,
Quân nhà Minh xâm lược
Đem hai mươi vạn quân,

Dân phu hàng chục vạn,
Do Trương Phụ cầm đầu,
Hùng hổ đánh Đại Việt,
Và nhanh chóng tiến sâu.

Nhà Hồ thế lực yếu,
Lại không có tướng tài,
Nên liên tiếp thất bại,
Bị giặc đuổi dài dài.

Đầu Một Bốn Không Bảy,
Mất Thăng Long, vua Hồ
Rút quân về quyết định
Cố thủ thành Tây Đô.

Vào tháng Tư năm ấy,
Thế và lực đã suy,
Quân Minh kéo vào đánh,
Lần nữa, Hồ Quí Ly

Rút chạy vào Hà Tĩnh.
Và chỉ hai tháng sau
Ông bị giặc Minh bắt
Rồi đưa về nước Tàu.

Nhà Minh ngay lập tức
Xóa quốc hiệu nước ta,
Đổi thành quận Giao Chỉ,
Một phần nước Trung Hoa.

Chúng đặt nhiều thuế mới
Tăng lao dịch, lao công.
Nhân dân sống khổ cực
Luôn oán trách trong lòng.

Cuối cùng dân nổi dậy
Khởi nghĩa ở nhiều nơi:
Đồ Sơn có Phạm Ngọc,
Phú Thọ - Trần Văn Thôi.

Quảng Ninh có Lê Ngã,
Phạm Chấn ở Đông Triều.
Trần Nguyên Khang xứ Thái,
Ngoài ra còn rất nhiều.

*
Năm Một Bốn Không Bảy,
Trần Ngỗi, con vua Trần,
Được tôn thành hoàng đế,
Làm nức lòng người dân.

Đầu năm sau, Trần Ngỗi
Kéo quân vào Nghệ An,
Nhận được sự giúp đỡ
Của một số cựu quan.

Đó là tướng Đặng Tất
Và tướng Nguyễn Cảnh Chân,
Trước là người thân tín
Của các triều vua Trần.

Đặng Tất ở xứ Huế.
Nguyễn Cảnh Chân phía trong.
Vào cuối năm Không Tám,
Cùng Trần Ngỗi tấn công

Và đã đánh tan tác
Bốn vạn quân nhà Minh
Ở Bô Rô, Nam Định,
Thanh thế lên rất nhanh.

Nhiều người đến tụ nghĩa,
Quyết khôi phục nhà Trần.
Tuy nhiên, sau chiến thắng,
Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân

Đã bị Trần Ngỗi giết,
Do tin lời dèm pha.
Cuộc khởi nghĩa lụi tắt.
Thật tiếc cho nước nhà.

*
Chẳng bao lâu sau đó,
Con Đặng Tất, Cảnh Chân,
Là Đặng Dung, Cảnh Dị,
Bỏ vào xứ Nghệ An.

Họ tôn Trần Quí Khoáng,
Làm vua mới nhà Trần,
Lại dấy binh khởi nghĩa,
Thu phục được lòng dân.

Nghĩa quân đã làm chủ
Một vùng đất kéo dài
Từ Thanh Hóa đến Huế,
Cũng đất người hiền tài.

Năm Một Bốn Một Một,
Giặc tiến đánh xứ Thanh.
Nghĩa quân phải tạm rút
Vào Huế, tuyển thêm binh.

Rồi hai năm sau đó,
Năm Một Bốn Một Ba,
Giặc cho quân đánh Huế,
Thế lực yếu, quân ta

Đã dần dần tan rã.
Nhiều người rời nghĩa binh.
Vua, Đặng Dung, Cảnh Dị
Rơi vào tay quân Minh.

*
Thế là ông kể hết
Về tình hình nước ta
Dưới ách đô hô mới
Của phong kiến Trung Hoa.

Nhưng năm năm sau đó
Tình hình mới khá hơn
Khi xuất hiện Lê Lợi
Cùng khởi nghĩa Lam Sơn.

Bây giờ ông sẽ kể
Về người con xứ Thanh
Đã có công đánh đuổi
Giặc xâm lược nhà Minh.

Sau đó, ông sẽ kể
Theo thứ tự, dần dần
Diễn biến cuộc khởi nghĩa
Và chuyện các trung thần.

          *
Giặc nhà Minh phương Bắc
Diệt xong Hồ Quý Ly,
Quyết xóa văn minh Việt,
Không để lại chút gì.

Chúng đốt hết sách vở,
Hoặc chở về Yên Kinh.
Hoạn đàn ông Đại Việt,
Làm điêu đứng dân tình.

Chúng bắt, đưa về nước
Những người giỏi, người tài.
Tịch thu các thư tịch,
Các bia đá, tượng đài.

Lòng muôn dân ta thán,
Đâu cũng thấy bất bình.
Đúng lúc ấy xuất hiện
Vị anh hùng cứu tinh.

Người ấy là Lê Lợi,
Một chúa trại Lam Sơn.
Ông dấy binh khởi nghĩa,
Rửa mối nhục căm hờn.

Năm Một Bốn Một Sáu,
Cùng mười tám hiền tài,
Ông thề quyết đánh giặc
Trong hội thề Lũng Nhai.

Nhiều anh hùng, hào kiệt
Giúp ông dựng cơ đồ:
Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn,
Đinh Lễ, Lê Đa Bồ...

Năm Một Bốn Một Tám,
Ông phong vương cho mình,
Hịch kêu gọi dân chúng
Chống lại ách nhà Minh.

Nghĩa quân ông lãnh đạo
Tạm thất bại ban đầu,
Nhưng giành nhiều thắng lợi
Trong giai đoạn về sau.

Năm Một Bốn Hai Bảy
Cuộc kháng chiến thành công,
Khôi phục nền độc lập,
Vua và dân nức lòng.

Trong năm năm trị nước,
Ông làm được nhiều điều:
Lấy đất người giàu có
Đem chia cho người nghèo.

Soạn lại luật hình sự
Theo mô hình nhà Đường.
Lo chấn hưng văn hóa
Bằng cách xây thêm trường.

Các cơ cấu hành chính
Và bộ máy công quyền
Cũng được điều chỉnh lại
Theo hướng trọng người hiền.

Là anh hùng dân tộc,
Nhà quân sự đại tài,
Cuối đời, vua Lê Lợi
Cũng có nhiều điểm sai.

Ông thay ngôi thái tử,
Quá tin lời người thân,
Mà đang tâm bức hại
Cả những bậc trung thần.

Nguyễn Trãi bị tù tội,
Trần Nguyên Hãn quyên sinh.
Đó không phải là việc
Của đấng vua anh minh.

Năm năm trên ngôi báu,
Năm Một Bốn Ba Ba,
Hưởng thọ bốn tám tuổi
Vua Lê Lợi băng hà.


TRUYỀN THUYẾT VỀ LÊ LỢI

Xung quanh vua Lê Lợi
Và cuộc khởi nghĩa này
Có khá nhiều truyền thuyết
Được lưu truyền xưa nay.

Truyện kể rằng Lê Lợi,
Khi chưa dựng sơn hà,
Có bạn tên là Thận,
Như anh em một nhà.

Thận làm nghề chài lưới,
Một hôm đi ra sông,
Thấy đáy nước phát sáng,
Rất nghi hoặc trong lòng.

Ông quăng lưới bắt cá,
Mãi không thấy cá đâu,
Chỉ vớt được thanh sắt
Dài một thước, sỉn màu.

Định vứt đi, nhưng tiếc,
Ông đem nó về nhà,
Vứt vào trong góc tối,
Đêm phát sáng chói lòa.

Một hôm Lê Lợi đến,
Thấy lạ, hỏi sự tình.
Rồi xin thanh sắt ấy
Đem nó về nhà mình.

Ông cho người rửa sạch,
Đánh bóng lớp gỉ đen,
Thấy trên đó chữ “Lợi”
Và hai chữ “Thuận Thiên”.

Hôm sau, bước ra cửa,
Thấy vỏ gươm bằng vàng,
Ông sụp lạy xuống đất
Rất cung kính, mà rằng:

“Nếu đây là gươm báu
Trời ban cho Lợi này,
Thì hãy làm phép lạ,
Cho nhập làm một ngay!”     

Ông giơ thanh sắt nhỏ
Trước mặt mình, bất ngờ
Thanh sắt thành gươm sáng
Cho vào vỏ rất vừa.

Đêm hôm ấy bất chợt
Mưa gió to rất lâu.
Sáng dậy, vợ Lê Lợi
Khi đi ra vườn rau

Thấy bốn vết chân lớn,
Rất rộng và rất dài
Bà gọi chồng, muốn hỏi
Dấu chân này của ai.

Rồi hai người lại thấy
Chiếc ấn ngọc đắt tiền,
Trên mặt có chữ “Lợi”
Và hai chữ “Thuận Thiên”.

Về sau, lên ngôi báu,
Vua dùng hai chữ này
Làm niên hiệu Đại Việt.
“Thuận ý trời” là đây.

Lê Lợi liền vội vã
Đem nó giấu trong nhà,
Mừng được trời giao ấn,
Lo đại sự quốc gia.

Theo truyền thuyết, Lê Lợi
Luôn mang gươm theo mình,
Dùng nó chém đầu địch,
Đuổi hết giặc nhà Minh.

Khi công thành danh toại,
Vua Lê Lợi một lần
Đi thuyền rồng du ngoạn
Trên mặt hồ Thủy Quân.

Bỗng Rùa Vàng xuất hiện,
Đòi gươm báu, và hồ
Đổi tên thành Hoàn Kiếm,
Ngay trong lòng thủ đô.

*
Truyền thuyết cũng kể lại,
Lê Lợi thời kỳ đầu,
Một lần bị giặc đuổi,
Phải chạy vào rừng sâu.

Ở đấy ông bất chợt
Thấy có một xác người,
Một cô gái, trên cỏ,
Khuôn mặt vẫn còn tươi.

Ông dùng gươm đào huyệt,
Đắp cho nàng nấm mồ,
Khấn, mong nàng phù hộ
Giúp ông dựng cơ đồ.

Khi quân Minh đuổi đến,
Ông trốn vào hốc cây.
Bầy chó cứ sục sạo
Rất lâu bên cây này.

Giặc sinh nghi, dùng kiếm
Đâm xuyên cây, trúng người.
Lê Lợi phải lấy áo
Lau kiếm sạch máu tươi.

Rồi chúng lấy lửa đốt.
Và từ thân cây già
Bất chợt một con cáo
Lông màu trắng chạy ra.

Bầy chó ùa theo đuổi.
Giặc bỏ đi vội vàng.
Lê Lợi may thoát chết,
Sụp lạy trước mộ nàng.

Nàng đã hóa thành cáo,
Chạy trước mặt đám đông,
Để thu hút bầy chó
Và giải cứu cho ông.

Về sau ông lập miếu
Thờ nàng như thờ thần,
Còn truy tặng danh hiệu
Là Hồ Ly Phu Nhân.

Nơi Lê Lợi thoát chết
Bây giờ là cánh đồng,
Có tên là Đồng Chó
Bên cạnh một dòng sông.

Ngày nay con sông ấy
Được gọi là sông Chu,
Nằm không xa Bái Thượng,
Nơi thường nhiều sương mù.

*
Khi hay tin Lê Lợi
Đang chiêu quân đánh Tàu,
Trần Nguyên Hãn cải dạng
Thành một anh bán dầu        

Vào Đông Đô tìm cách
Gặp Nguyễn Trãi tiên sinh,
Người đang bị giam lõng,
Kiểm soát bởi quân Minh.

Rồi sau khi bàn luận,
Hai người trốn khỏi thành,
Lặn lội tìm minh chúa
Trong núi rừng xứ Thanh.

Được Nguyễn Trãi hiến kế
Với kế hoạch “Bình Ngô”,
Lê Lợi mời hai vị
Tham gia dựng cơ đồ.

Nguyễn Trãi sai lấy mật
Viết lên nhiều lá cây
Mọc bên sông gần đấy
Tám chữ nho thế này:

Lê Lợi là hoàng đế
Chữ “Lê Lợi vi quân”,
Bầy tôi là Nguyễn Trãi,
Chữ “Nguyễn Trãi vi thần”.

Tất nhiên kiến thấy mật
Liền bu đến rất đông.
Chúng ăn, đục xuyên lá,
Lá rơi xuống dòng sông.

Những chiếc lá có chữ
Nước cuốn đi khắp nơi,
Dân chúng nhặt lên đọc,
Nghĩ đó là ý trời.

Nhờ những chiếc lá ấy,
Người tìm đến đông dần,
Cùng tham gia khởi nghĩa,
Vì “Lê Lợi vi quân”.

*
Lại nữa, một lần nọ,
Giặc đuổi gấp phía sau,
Lê Lợi thấy hai cụ
Đang tát nước ruộng sâu,

Liền nhảy ào xuống ruộng,
Cởi áo, để ngực trần,
Giả làm người mò cá
Như con nhà nông dân.

Giặc kéo đến liền hỏi:
Thấy ai chạy qua không?
Hai cụ đáp: Không biết.
Chúng tôi mải làm đồng.

Thấy Lê Lợi có vẻ
Muốn nghe chuyện, bà già
Quát: Mày lo mò cá
Rồi còn sớm về nhà!

Giặc nghe thế, tưởng thật,
Liền bỏ đi, hai người
Mời về nhà nghỉ tạm,
Lúc ấy đã tối trời.

Trước bữa cơm giản dị,
Hai cụ lạy rồi thưa:
“Chúng tôi, lúc nguy khốn,
Có thất lễ với vua...”

Lê Lợi lạy rất thấp,
Cảm ơn hai cụ già.
Lúc thành vương, quay lại,
Vất vả tìm đến nhà

Thì hai cụ đã chết.
Để ghi nhớ ân sâu,
Ông cho lập miếu cúng,
Còn thụy phong tước hầu.

*
Chắc các cháu đã mệt.
Vậy ông có bài thơ
Đọc cho vui, đợi đấy.
Ông đọc ngay bây giờ.

Bài thơ này rất nhộn
Của một ông người Nga,
Về một người đãng trí
Đi chơi Matxcơva.


MỘT NGƯỜI ĐÃNG TRÍ

Có một người đãng trí
Sống ở phố Họa Mi.
Ông ta đãng trí lắm,
Tin hay không thì tùy.

Một sáng nọ, tỉnh dậy
Ông ta định mặc quần
Thì lại quên, đem áo
Cứ xỏ mãi vào chân.

Cũng vì quên, đôi lúc
Ông ta đội lên đầu
Một chiếc xoong thay mũ
Mà không hề thấy đau.

Bành-tô thì mặc trái
Chân luôn đi lệch giày...
Ông ta, có thể nói,
Đãng trí nhất đời này.

Một hôm ông đãng trí
Lên xe điện ra ga,
Vào nhà ăn mua vé -
Không phải một, mà ba.

Rồi ông ra đường đợi
Định đi Matxcơva,
Thấy một chiếc toa trống
Đứng một mình trên ga.

Ông ta xách hành lý
Leo lên toa, ngồi chờ,
Chờ tàu đi, chờ mãi
Rồi ngủ từ bao giờ.

Nửa ngày sau, ông tỉnh,
Nhìn ra ngoài, ngạc nhiên
Thấy lại chính ga cũ
Cảnh và người thân quen.

Ông nghĩ: Thật kỳ lạ,
Mình đi Matxcơva,
Làm xong bao nhiêu việc
Rồi lại trở vè nhà.

Ấy thế mà như thể
Mình ngủ một giấc say
Như chẳng đi đâu cả,
Như vẫn luôn ở đây.

Con người kia đãng trí
Sống ở phố Họa Mi,
Đãng trí như vậy đấy,
Tin hay không thì tùy.


16
KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Vốn là một hào kiệt
Của vùng đất Lam Sơn,
Lê Lợi thấy giặc ác
Mà nung nấu căm hờn.

Ông quyết định khởi nghĩa,
Chiêu mộ người hiền tài.
Nhiều người đã hưởng ứng
Trong Hội thề Lũng Nhai.

Một Hội thề lịch sử,
Sống mãi với non sông.
Tất cả thề giết giặc,
Trên và dưới một lòng.

*
Năm Một Bốn Một Sáu,
Một buổi sáng ban mai,
Lê Lợi và các tướng
Mở Hội Thề Lũng Nhai.

Cùng mười tám vị khác
Chung chí hướng như mình,
Lê Lợi tế trời đất,
Thề chống lại giặc Minh.

Thề có trời chứng dám,
Mười chín người khác nhau,
Nay qui tụ làm một,
Đặt vận nước lên đầu.

Mười chín vị hào kiệt,
Từ gần và từ xa,
Thề thương yêu, đoàn kết
Như anh em một nhà.

Rằng chúng tôi, Lê Lợi,
Cùng Nguyễn Trãi, Lê Ninh,
Đinh Lễ, Lê Nhân Chú,
Trịnh Khả, Lê Văn Ninh...

Thề một lòng giết giặc,
Thề cứu giúp dân lành.
Ai có lòng dạ khác
Sẽ chết bởi thần linh.

Hội thề ấy lịch sử
Đã thu hút nhều người
Về Lam Sơn tụ nghĩa,
Quyết hành đạo thay trời.

Nó cũng là cơ sở,
Bước quan trọng ban đầu
Để Lam Sơn khởi nghĩa
Khoảng gần hai năm sau.

*
Lúc đầu, cuộc khởi nghĩa
Gặp rất nhiều khó khăn.
Phải ba lần lên núi,
Thiếu vũ khí, đói ăn.

Năm Một Bốn Một Tám
Giặc bao vây nghĩa quân
Lê Lai phải liều chết
Để Lê Lợi thoát thân.

*
Theo Đại Việt thông sử,
Quan Nội hầu Lê Lai
Là người tính cương trực,
Có chí và có tài.

Năm Một Bốn Một Tám,
Vua phất ngọn cờ đào,
Bị thua ở Mường Một,
Phải chạy về Trịnh Cao.

Đó là nơi hẻo lánh,
Nhiều thú dữ, ít dân.
Giặc bao vây tứ phía,
Tình thế hiểm nguy dần.

Nghĩa quân thì lính ít,
Lương thực thiếu bất ngờ.
Ở lại sẽ chết hết.
Làm thế nào bây giờ?

Đó là điều day dứt,
Làm phiền lòng Lê Lai,
Khiến bồi hồi nhớ lại
Ngày Hội thề Lũng Nhai.

Cuối cùng ông đề nghị
Đức vua cởi áo bào
Để ông mặc, ra trận,
Mở đường huyết xem sao.

Và rồi, đóng giả chúa,
Cưỡi voi phủ lụa vàng,
Ông cùng năm trăm lính,
Xông vào giặc, thét vang:

“Ta là vua Lê Lợi,
Quyết chiến cùng chúng mày!
Đứa nào không muốn sống,
Hãy nhanh chóng ra đây!”

Rồi tả xung, hữu đột,
Ông chém giết hồi lâu,
Cho đến khi đuối sức,
Bị giặc bắt, chém đầu.

Trong khi đó, Lê Lợi
Và binh tướng của ông
Thoát vây, sau lãnh đạo
Cuộc khởi nghĩa thành công.

Cảm vì lòng trung nghĩa,
Vua Lê Lợi cho người
Tìm xác ông chôn cất,
Lập miếu thờ suốt đời.

*
Để củng cố lực lượng,
Năm Một Bốn Hai Ba
Lê Lợi cho người gặp
Đề nghị giặc tạm hòa.

Quân Minh đã chấp nhận.
Ông quay lại Lam Sơn,
Tuyển binh, tích lương thực,
Vẫn nung nấu căm hờn.

Nhưng quân Minh trở mặt
Tháng Mười Hai năm sau.
Và một giai đoạn mới
Của khởi nghĩa bắt đầu.

*
Nghe theo lời Nguyễn Chích,
Lê Lợi và các quan
Năm hăm bốn, quyết định
Đem quân đánh Nghệ An.

Vào tháng Mười năm ấy,
Ông chiếm đồn Đa Căng.
Ở Trà Lân, xứ Nghệ,
Quân giặc phải ra hàng.

Nhân đà thắng, Lê Lợi
Đánh, mở rộng địa bàn.
Sau chưa đầy một tháng
Giải phóng toàn Nghệ An.

Rồi tháng Tám năm tiếp,
Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân
Đem một đội quân mạnh
Nhằm phía Nam, tiến dần.

Quân khởi nghĩa nhanh chóng
Đánh tan quân nhà Minh,
Thế chẻ tre, giải phóng
Thuận Hóa và Tân Bình.

Vậy là trong mười tháng
Lê Lợi cùng nghĩa quân
Làm chủ từ Thanh Hóa
Đến tận đèo Hải Vân.

*
Tháng Chín năm Hai Sáu,
Đang thừa thắng, quân ta
Quyết định sẽ Bắc Tiến,
Theo ba mũi đánh ra.

Một mũi chiếm Tây Bắc
Ngăn viện binh Trung Hoa.
Mũi thứ hai giải phóng
Vùng đất sông Nhị Hà.

Mũi này sẽ ngăn giặc
Rút về từ Nghệ An.
Mũi thứ ba, mũi chính,
Tiến thẳng ra Đông Quan.

Được nhân dân ủng hộ.
Cả ba mũi thành công.
Giặc Minh bị cô lập,
Chốt trong thành Thăng Long.

*
Năm Một Bốn Hai Sáu,
Vương Thông, tướng nhà Minh,
Sang Đông Quan tiếp viện
Cùng năm vạn chiến binh.

Hắn quyết đánh Cao Bộ,
Thuộc Chương Mỹ ngày nay.
Các tướng của Lê Lợi
Biết trước âm mưu này,

Nên đã sớm ra lệnh
Lên kế hoạch phục binh
Ở Tốt Động, Chúc Động,
Lặng lẽ chờ quân Minh.

Cuối cùng, khi chúng đến
Nghĩa quân liền xông ra,
Phá tan đội hình giặc,
Gươm và giáo sáng lòa.

Quân Đại Việt thắng lớn,
Bắt mười nghìn quân Minh.
Giết tại trận Trần Hiệp,
Là thượng thư bộ Hình.

Các tướng khác bị giết
Có Lý Đằng, Lý Lương.
Vương Thông may chạy thoát,
Phải liều chết mở đường.

*
Tháng Mười, năm Hai Bảy,
Hai tướng giỏi nhà Minh,
Từ biên giới tràn xuống
Cùng mười vạn viện binh.

Một đạo do tướng giỏi
Là Liễu Thăng cầm đầu
Tiến theo đường xứ Lạng,
Quyết đánh mau, thắng mau.

Đạo khác, tướng Mộc Thạnh,
Từ Vân Nam kéo sang,
Cũng hùng hổ không kém,
Tiến theo đường Hà Giang.

Bộ chỉ huy Lê Lợi
Quyết chặn chân Liễu Thăng.
Tìm cách tiêu diệt chúng,
Không cho xuống đồng bằng.

Tướng nghĩa quân, Trần Lựu,
Được lệnh dụ Liễu Thăng
Đưa vào ổ phục kích
Của ta ở Chi Lăng.

Kết quả, trong trận ấy
Liễu Thăng bị chém đầu.
Tướng Lưu Nhân, Lê Sát
Bắt sống vạn lính Tàu.

Sau khi Liễu Thăng chết,
Tướng Lương Minh lên thay.
Rồi hắn cũng bị giết
Khi chưa kịp ra tay.

Quân ta giỏi phục kích,
Diệt ba vạn quân Minh.
Lý Khánh phải tự tử,
Hắn - thượng thư bộ Binh.

Số lính giặc còn lại
Co cụm ở Xương Giang.
Ta đánh từ nhiều hướng.
Rốt cục, chúng đầu hàng.

Tướng Thôi Tụ, Hoàng Phúc
Cũng đầu hàng quân ta.
Hay tin, tướng Mộc Thạnh
Sợ, rút về Trung Hoa.

*
Sau thất bại của tướng
Mộc Thạnh và Liễu Thăng,
Vua Minh phải tuyên bố
Bãi binh - tức đầu hàng.

Theo tinh thần dân tộc:
Quyết chiến nhưng thân hòa.
Thắng giặc vẫn trải chiếu
Cho chúng rút về nhà,

Năm Một Bốn Hai Bảy,
Lê Lợi và Vương Thông
Cùng nhất trí gặp mặt
Ở Đông Quan, sông Hồng.

Cuộc gặp ấy được gọi
Là Hội thề Đông Quan,
Tức là một thỏa thuận
Để giặc rút an toàn

Trong thời gian năm tháng,
Không cướp bóc của dân,
Không tiến hành chiến sự
Dọc đường chúng rút quân.

Về phần mình, Đại Việt,
Để cho chúng được yên,
Cung cấp đủ lương thực,
Xe ngựa và tàu thuyền.

Các tướng giặc kéo đến
Đứng trước dinh Bồ Đề,
Lạy tạ tướng Đại Việt
Rồi lủi thủi ra về.

Hội thề - Hiệp định ấy
Cho phép mười nghìn quân
Của giặc Minh sót lại
Rút về nước dần dần.

Một trang sử chói lọi.
Một “Hội thề” vinh quang.
Ta, cháu con, phải nhớ,
Để sống cho đàng hoàng.

*
Bây giờ lại cổ tích.
Mà cổ tích hôm nay
Ông cam đoan bổ ích,
Thâm thúy và rất hay.

Một truyện rất nổi tiếng
Về khái niệm giàu nghèo.
Cũng có bài học đấy.
Thậm chí còn rất nhiều.


GIÀU, NGHÈO

Xưa, một ông già nọ
Chợt thấy có chàng trai
Ngồi một mình, buồn bã,
Chốc chốc cứ thở dài.

“Sao cháu buồn như vậy,
Trục trặc chuyện tình yêu?”
“Không, cháu đã rất cố
Mà suốt đời vẫn nghèo.”

“Hình như cháu nhầm đấy.
Cháu cũng là người giàu.”
“Ông đừng trêu cháu nữa.
Cháu có đồng nào đâu.”

“Thôi được, nếu cháu muốn,
Ta thỏa thuận thế này:
Cháu cho ta chặt đứt
Cứ mỗi một ngón tay

Ta sẽ đưa cho cháu
Đúng ba lạng vàng ròng.
Hoặc cả bàn tay cháu -
Ba mươi lạng, được không?”

Chàng trai nghe trố mắt:
“Chặt bàn tay? Không đâu!”
“Hay để ta móc mắt,
Một trăm lạng, thừa giàu?

Thế đấy, cháu không muốn.
Cháu là một chàng trai,
Mọi cái đang trước mặt,
Trông dễ coi, có tài.

Liệu cháu có đồng ý
Thành người già như ta
Để đổi lấy nghìn lạng?
Cháu không muốn thật à?

Giờ thì cháu đã biết
Cháu giàu có thế nào.
Chuyện tuổi trẻ túng thiếu
Là bình thường, không sao.”

Chàng trai nghe, chợt hiểu
Mình cũng là người giàu.
Giàu thời gian, tuổi trẻ,
Giàu cả cái trong đầu.

Chàng cúi chào rất thấp,
Cảm ơn ông già này,
Rồi đi, miệng huýt sáo,
Còn vung vẩy đôi tay.

*
Thế đấy, các cháu ạ,
Cái khái niệm nghèo giàu
Chỉ mang tính so sánh,
Không quan trọng lắm đâu.

Các cháu sáng ngủ dậy,
Thấy khỏe mạnh bình thường,
Thức ăn đầy tủ lạnh,
Được ườn èo trên giường,

Tức là đã hạnh phúc
Hơn cả một tỉ người.
Không ít trong số họ
Phải qua đêm ngoài trời.

Đấy là chưa nói việc
Không bị kết án tù
Như hàng triệu người khác
Trong xà lim tù mù.

Các cháu khó tưởng tượng
Mình thuộc tám phần trăm
Người giàu nhất thế giới
Dù chỉ ăn rồi nằm.

Lý do thật đơn giản -
Các cháu đến ngân hàng
Mở tài khoản tiết kiệm,
Với số dư làng nhàng.

Lại nữa, vì biết đọc,
Đọc bài này, rồi cười,
Tức các cháu hạnh phúc
Hơn hai tỉ con người

Không biết đọc, biết viết
Đang sống trên đời này.
Thế đấy các cháu ạ.
Một câu chuyện rất hay.


17
LÊ THÁNH TÔNG (1442 – 1497)

Sau khi giành độc lập,
Đánh đuổi giặc nhà Minh,
Lê Lợi lo xây dựng
Bộ máy nhà nước mình.

Vua nắm mọi quyền lực,
Việc hành chính, việc quân.
Giúp việc vua luôn có
Các quan lớn đại thần.

Triều đình có sáu bộ,
Là bộ Lại, bộ Binh,
Rồi Công, bộ Lễ,
Bộ Hộ và bộ Hình.

Nước chia làm năm Đạo.
Dưới đạo là Phủ, Châu.
Rồi tiếp đến làng, xã.
Mỗi triều có khác nhau.

Quân đội được tổ chức
Kiểu “ngụ binh ư nông”.
Tức thời chiến đánh giặc.
Thời bình về làm đồng.

Lê Thánh Tông cho soạn
Trọn vẹn bộ Luật Hình,
Còn gọi Luật Hồng Đức,
Rõ ràng và nghiêm minh.

Kinh tế được phát triển,
Hài hòa Nông, Công, Thương.
Khai phá đất ven biển.
Nạo vét sông, mở đường.

Lê Lợi cho xây lại
Quốc Tử Giám, trường công,
Cũng là trường đại học
Đầu tiên ở Thăng Long.

Ở các Đạo và Lộ
Có trường riêng của mình.
Ai cũng có quyền học
Và ghi tên thí sinh.

Nhưng có hai đối tượng
Không được học làm quan.
Đó là bọn tội phạm
Và những người hát, đàn.

Là vì vào thời ấy,
Chính quyền quan niệm sai,
Gọi những người đàn hát
Là “xướng ca vô loài”.

Nội dung được giảng dạy -
Sách Đạo Nho giáo điều.
Phật Giáo và Đạo Giáo
Bị hạn chế rất nhiều.

Kỳ thi ở Đạo, Lộ
Được gọi là thi Hương.
Người đậu, thành Hương Cống,
Cũng là bậc khác thường.

Cao hơn là thi Hội,
Tổ chức ở Kinh Thành.
Ai đậu kỳ thi ấy
Được tham dự thi Đình.

Thi Đình chọn tiến sĩ,
Với ba ngôi hàng đầu
Là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn
Và Thám Hoa xếp sau.

Những người đậu tiến sĩ
Được nhà vua tặng quà,
Ban áo mũ, tước phẩm,
Vinh quy thăm mẹ cha.

Thời Lê sơ tổ chức
Hăm sáu khoa thi Đình,
Chọn gần nghìn tiến sĩ
Trong vô vàn thí sinh.

Mà thi thời ấy khác,
Khác hẳn thi bây giờ.
Mỗi người một lều chõng,
Và chỉ thi văn, thơ…

Đây là giai đoạn hiếm
Phát triển của non sông,
Đặc biệt dưới triều đại
Của vua Lê Thánh Tông.

Bây giờ ông sẽ kể
Câu chuyện ông vua này.
Một vua hiền, tài giỏi
Loại hiếm có xưa nay.

*
Lê Thánh Tông hoàng đế,
Tên thật Lê Tư Thành,
Một nhà văn hóa lớn,
Một ông vua anh minh.

Ngài đã đưa dân tộc
Lên một kỷ nguyên vàng
Của thời đại phong kiến,
Một trang sử vẻ vang.

Ngài tiến hành cải cách
Nhiều lĩnh vực, nhiều ngành,
Còn mở mang bờ cõi,
Chiếm kinh đô Chiêm Thành.

Mẹ Ngài suýt bị hại
Vì chỉ là tiệp dư,
Nếu không có Nguyễn Trãi
Và Thị Lộ nhân từ.

Hai mẹ con được họ
Đưa đến chùa Huy Văn,
Nay Đống Đa, Hà Nội,
Lánh nạn, sống thanh bần.

Ngẫu nhiên do phe cánh,
Mà Ngài được lên ngôi,
Niên hiệu là Quang Thuận,
Năm Một Bốn Sáu mươi.

Vua liền cho xét lại
Vụ án Lệ Chi Viên.
Minh oan cho Thị Lộ,
Phục danh người đức hiền.

Ngài phục danh, lập miếu
Thờ Nguyễn Trãi ân nhân.
Con cái Trần Nguyên Hãn
Và các vị công thần

Trước từng theo Lê Lợi,
Bị kẻ xấu giết oan,
Giờ được cấp ruộng đất
Và mời ra làm quan.

Những ai trước đổi họ
Thành họ Lê, bây giờ
Có thể dùng họ cũ
Mà không bị nghi ngờ.

Ngài cho sắp xếp lại
Các chức quan trong triều.
Ai đến sáu lăm tuổi
Đều thôi chức, về hưu. 

Lệ cha truyền con nối
Các chức tước xưa nay
Cũng bị Ngài hủy bỏ.
Nhiều người ghét việc này.

Quan phải là người giỏi.
Mở thi chọn nhân tài.
Giỏi mới làm được việc -
Đó là lệnh của Ngài.

Vua đặc biệt chú trọng
Làm ruộng và chăn tằm,
Bắt khai hoang, thêm vụ,
Để có ăn quanh năm.

Ngài còn ra chỉ dụ
Tổ chức lễ hạ điền,
Tức xuống ruộng cày cấy.
Quan phải làm đầu tiên.

Ở mỗi đạo, tức tỉnh,
Vua lập nhà Tế Sinh
Nuôi người già đơn độc,
Cấp thuốc lúc bệnh tình.

Ở nơi nào có dịch,
Quan phải đến tận nơi
Bốc thuốc và châm cứu
Cho từng nhà, từng người.

Thời ấy dân mộ Phật,
Thường có lệ quyên tiền
Xây thêm chùa, vua nói
Đó là điều không nên.

Rằng mộ Phật là tốt,
Nhưng nên mộ trong lòng,
Để tiền làm việc khác,
Nhất là những việc công.

Ngài còn cấm người sống
Khi tổ chức ma chay
Không bày trò đàn sáo
Và ăn uống suốt ngày.

Ngài nói, đã nhận lễ
Thì phải cho rước dâu,
Không bắt người ta đợi
Đến ba bốn năm sau.

Để cư xử đúng mực,
Ngài đặt hăm bốn điều,
Các quan phải giảng giải,
Làm trước để dân theo.

Vua bắt mười hai đạo
Vẽ bản đồ đạo nhà,
Có ghi rõ sông núi,
Thành bản đồ quốc gia.

Ngài đích thân xuống chiếu
Yêu cầu Ngô Sĩ Liên
Viết Đại Việt Sử Ký
Mười lăm quyển, nhiều thiên.

Năm quyển thời Bắc Thuộc.
Mười quyển từ Ngô Quyền
Đến vua Lê Thái Tổ,
Viết theo dạng biên niên.

Vua rất trọng giáo dục,
Khuyến khích học Ngũ Kinh,
Thường đứng làm chủ khảo
Trong các kỳ thi Đình.

Ngài lập lệ danh xướng,
Đọc tên các ông Nghè.
Ai đậu thì ở lại,
Ai trượt phải ra về.

Các ông Nghè, Tiến sĩ
Được Ngài mời vào cung,
Ban áo mũ, dự tiệc,
Thật vinh dự vô cùng.

Rồi vinh qui, mũ lọng,
Họ trở về quê nhà,
Cảm ơn thầy dạy dỗ,
Bái tổ tiên, mẹ cha.

Lê Thánh Tông cổ xúy
Việc thi cử, học hành.
Rất nhiều người đỗ đạt
Rồi thành công, thành danh.

Ông là người khởi xướng
Việc dựng bia ghi tên
Các tiến sĩ Văn Miếu,
Để khích lệ người hiền.

Vua cho xây thư viện
Ở khu Thái Học đường,
Ngay phía sau Văn Miếu,
Vốn xưa là ngôi trường.

Ngài còn xây ký túc
Cho người xa tới đây.
Việc ăn ở và học
Ở ngay trong khu này.

Lê Thánh Tông hoàng đế
Còn là một nhà thơ.
Hơn thế, nhà thơ lớn,
Được yêu đến bây giờ.

Thơ Ngài đẹp, ý nhị,
Uyên thâm mà trữ tình,
Như bức tranh thủy mặc,
Ý và lời lung linh.         

Cùng hăm bảy vị khác,
Ngài lập Hội Tao Đàn
Gồm nhị thập bát tú,
Câu lạc bộ thơ quan.

Vua tôi thường xướng họa.
Quan có Thân Nhân Trung,
Đỗ Nhuận và Thái Thuận...
Thật tao nhã vô cùng.           

Rất ham mê văn học,
Nhưng không quên việc binh,
Vua nhắc phải luyện võ
Ngay cả trong thời bình.

Ngài mở hội thi võ,
Cứ ba năm một lần.
Ai trượt bị giáng chức,
Ai đỗ được thăng quan.

Nhờ thế mà tướng sĩ
Rất ham mê tập tành,
Vừa khỏe, vừa đắc dụng
Khi đất nước chiến tranh.

Gây sự với Đại Việt,
Năm một bốn bảy không,
Cùng mười vạn quân thủy,
Vua Chiêm Thành tấn công.

Hắn còn lén sai sứ
Sang cầu cứu nhà Minh.
Cùng hai mươi vạn lính,
Ngài quyết đánh Chiêm Thành.

Tháng Ba năm bảy mốt
Ngài chiếm được Đồ Bàn.
Kinh đô Chiêm thất thủ,
Lính chết hàng chục ngàn.

Ngài nhập vào Đại Việt
Cả miền Bắc nước Chiêm,
Mãi đến tận vùng đất
Nay là tỉnh Phú Yên.

Năm một bốn bảy chín,
Lại có loạn Ai Lao.
Ngài sai Lê Thọ Vực
Năm hướng đánh sang Lào.

Quân Đại Việt đại thắng.
Ai Lao và Chiêm Thành
Đều chấp nhận cống nạp.
Đất nước được hòa bình.

Một đóng góp quan trọng
Của vua Lê Thánh Tông
Là Bộ luật Hồng Đức,
Biên soạn rất dày công.

So với các luật trước,
Luật này tốt hơn nhiều,
Gồm mười ba chương lớn
Và hơn bảy trăm điều.

Nền tảng của bộ luật
Là tư tưởng Đạo Nho,
Luôn lấy dân làm gốc
Để xây dựng cơ đồ.

Một, giữ nghiêm phép nước.
Hai, chống giặc ngoại xâm.
Ba, chấn hưng nông nghiệp.
Bốn, lo công, thương, lâm.

Năm, bài trừ tham nhũng.
Sáu, bảo vệ thuần phong.
Bảy, bênh vực phụ nữ.
Tám, xét xử khoan hồng.      

Ngài nói: “Luật bình đẳng
Với tất cả mọi người,
Với dân chúng cả nước,
Cả ta và các ngươi”.

Có lần Ngài cách chức
Một đô đốc, quan to,
Chỉ vì con người ấy
Có hành vi côn đồ.

Năm một bốn chín bảy
Lê Thánh Tông qua đời,
Hưởng thọ năm lăm tuổi,
Sự nghiệp vẫn sáng ngời.

Là anh hùng dân tộc,
Là một vị anh quân,
Một nhà chiến lược lớn
Với tâm hồn thi nhân,

Vua chấn hưng văn hóa,
Mở mang đất nước mình.
Trong nhị thập bát tú,
Là vì sao lung linh.

*
Các cháu chờ cổ tích?
Ồ, có ngay, có ngay.
Cổ tích nước ngoài nhé?
Tất nhiên là rất hay.

Nhưng hơi dài một chút.
Dài thì dài, hề gì.
Chuyện cổ tích nước Pháp,
Hấp dẫn và ly kỳ.


NGƯỜI ĐẸP VÀ QUÁI VẬT

Ngày xưa ở nước Pháp
Có một lái buôn giàu.
Ông có ba con gái
Tuổi sàn sàn như nhau.

Cô út rất xinh đẹp,
Đẹp đến mức mọi người
Gọi cô là Người Đẹp
Ngay khi mới lên mười.

Khác với hai cô chị
Vốn ích kỷ, đành hanh,
Cô là người tốt bụng,
Trung thực và chân thành.

Một lần, do gặp bão,
Các tàu buôn của ông
Bị chìm hết, rốt cục,
Ông trở thành tay không.

Dọn đến ngôi nhà nhỏ
Ở vùng quê thanh bình,
Họ buộc phải lao động
Để tự nuôi sống mình.

Mấy năm sau, bất chợt
Một trong số con tàu,
Nghe nói vừa cập cảng.
Ông vợi bớt buồn rầu.

Trước khi lên thành phố
Lo việc này, ông ta
Hỏi các cô con gái
Muốn mua gì làm quà.

Hai cô lớn nhanh nhảu
Đòi quần áo, nhẫn, vòng.
Còn Người Đẹp khiêm tốn,
Chỉ xin một bông hồng.

Đến nơi, ông thất vọng:
Người ta giữ tàu này
Để thế nợ, do vậy
Ông quay về trắng tay.

Dọc đường ông bị lạc,
Sâu trong rừng, tối đen,
Cuối cùng ông đến được
Một nơi có ánh đèn.

Lại gần hơn thì thấy
Đó là một lâu đài
Rất cổ và lộng lẫy,
Bên trong không có ai.

Thấy thức ăn, đồ uống
Được dọn sẵn, đang chờ,
Ông ăn rồi đi ngủ,
Dẫu vẫn còn nghi ngờ.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Chợt thấy một vườn hồng,
Nhớ lời Người Đẹp dặn,
Ông liền hái một bông.

Một Quái Vật gớm ghiếc
Xuất hiện ngay tức thì.
Trông nó thật đáng sợ,
Mặt lông lá, đen xì.

Nó bảo nó là chủ
Tòa lâu đài cổ này.
Nó cho ông ăn ngủ,
Thế mà rồi giờ đây

Ông trả ơn bằng cách
Hái hoa trong vườn hồng.
Giờ cái giá phải trả
Lại chính là mạng ông.

Ông lái buôn hoảng sợ,
Kể chuyện con xin hoa.
Quái Vật nghe, cho phép
Ông mang nó về nhà

Với điều kiện Người Đẹp
Phải tự mình đến đây
Để thay cha, hoặc giả
Ông trở lại nơi này.

Nếu con gái ông đến
Là do cô muốn đi.
Không ai được ép buộc,
Ép buộc chẳng ích gì.

Ông lái buôn đồng ý,
Rồi lên ngựa quay về.
Đến nhà, ông thành thật
Kể mọi chuyện con nghe.

Cô con út, Người Đẹp,
Nằng nặc xin thay ông.
Cuối cùng ông chấp nhận,
Dẫu đau đớn trong lòng.

Ông chấp nhận bởi lẽ
Đêm hôm trước ông mơ
Thấy bà tiên báo trước
Điều tốt đẹp đang chờ.

*
Quái Vật tiếp Người Đẹp
Rất lịch sự, đàng hoàng,
Thậm chí còn nói nó
Là nô lệ của nàng;

Rằng nàng là bà chủ
Của cả lâu đài này.
Thức ăn luôn dọn sẵn,
Tủ quần áo chất đầy.

Nó cầu xin Người Đẹp
Hãy lấy nó làm chồng,
Nhưng đêm nào cũng vậy,
Nàng lắc đầu, nói không.

Sau mỗi lần từ chối,
Đêm nàng mơ thấy nàng
Bị một hoàng tử trách
Sao không chịu lấy chàng.

Nàng không nghĩ Quái Vật
Chính là hoàng tử này,
Mà nghĩ có thể nó
Đang giữ chàng đâu đây.

Nàng lặng lẽ tìm kiếm
Khắp nơi trong lâu đài.
Nàng thấy nhiều cái lạ,
Nhưng không tìm thấy ai.

Suốt mấy tháng, cứ vậy,
Nàng sống trong giàu sang
Với rất nhiều đầy tớ
Chờ được hầu hạ nàng.

Nàng muốn gì cũng có,
Có vườn hồng, bầu trời,
Có sách để nàng đọc,
Có đàn để nàng chơi.

Bỗng một hôm Người Đẹp
Tư lự buồn, nhớ nhà.
Nàng xin, và Quái Vật
Cho nàng về thăm cha.

Nhưng nàng phải quay lại
Chính xác sau một tuần.
Rồi nó đưa Người Đẹp
Chiếc nhẫn và gương thần.

Chiếc gương cho nàng biết
Mọi chuyện ở lâu đài.
Còn sờ vào chiếc nhẫn,
Rồi xoay vòng, một, hai,

Lập tức chiếc nhẫn ấy
Đưa nàng về rất nhanh
Với Quái Vật tốt bụng,
Nhẹ nhàng và yên lành.

*
Lại nói bố Người Đẹp
Từ khu rừng về làng,
Được Quái Vật gửi tặng
Một hòm lớn bạc vàng.

Nhớ số vàng bạc ấy,
Hai cô lớn lấy chồng.
Họ tưởng họ hạnh phúc
Nhưng rốt cục lại không.

Anh chồng cô chị cả
Đẹp trai và thông minh,
Nhưng lười biếng, ích kỷ
Chỉ biết chăm lo mình.

Anh chồng của cô thứ
Là một người tài hoa,
Nhưng chỉ mê cờ bạc,
Và lười biếng việc nhà.

Nên khi thấy Người Đẹp
Quay về như nàng tiên,
Người đeo đầy trang sức,
Quần áo loại đắt tiên,

Hai ả rất ghen tỵ,
Liền tìm cách hại nàng,
Để cho bõ ghen ghét,
Để chiếm lấy bạc vàng.

Khi biết được Người Đẹp
Phải về sau một tuần,
Chúng giả vờ quyến luyến
Rồi giở chuyện tình thân

Cứ đòi nàng ở lại,
Dù chỉ thêm một ngày.
Người Đẹp đành đồng ý.
Do dễ tin, thơ ngây

Nàng không biết các chị
Muốn Quái Vật giết mình     
Vì nhỡ hẹn quay lại.
Một mưu kế thông minh.

Bất chợt nàng chợt tỉnh,
Liền lấy chiếc gương thần,
Nhìn thì thấy Quái Vật
Đang thoi thóp ngoài sân.

Nàng liền xoay chiếc nhẫn,
Một loáng đến lâu đài,
Thấy Quái Vật gần chết,
Đang rên rỉ, thở dài.

Thấy Người Đẹp, nó nói,
Yếu ớt và dịu dàng:
“Nàng không giữ lời hứa,
Mà tôi thì yêu nàng...”

Người Đẹp ôm nó khóc,
Mắt đẫm lệ, long lanh:
“Đừng chết! Không, đừng chết!
Tôi cũng yêu, yêu anh!

Trước chỉ là tình bạn,
Nhưng bây giờ thì không.
Tôi cần anh để sống.
Tôi lấy anh làm chồng!”

Nàng nói xong, đúng lúc
Giọt nước mắt của nàng
Rơi lên người Quái Vật,
Một tiếng nổ âm vang

Rồi tiếng trống, tiếng nhạc,
Những chùm lớn pháo hoa,
Rơi như mưa xuống đất,
Cả không gian chói lòa.

Người Đẹp bỗng ngơ ngác:
Quái Vật đâu, ở đâu?
Nàng hoảng sợ, lại khóc,       
Pháo vẫn nổ trên đầu.

“Thưa Người Đẹp, Quái Vật
Đang quì đây, dưới chân
Một cô gái nhân hậu
Và xinh đẹp tuyệt trần.”

Nàng nhìn xuống, chợt thấy
Một hoàng tử bên nàng,
Ăn mặc thật lộng lẫy,
Dáng điệu thật cao sang.

Hoàng Tử nói, ngày trước
Một phù thủy, tiếc thay,
Biến chàng thành quái vật,
Bắt phải sống nơi này.

Và chỉ khi ai đó,
Yêu thương chàng suốt đời
Thì lời nguyền mới hết,
Và chàng lại thành người.

Bỗng từ trời bay xuống
Một bà tiên mảnh mai.
Hoàng Tử và Người Đẹp
Theo bà vào lâu đài.

“Con vượt qua thử thách
Rất đáng khen, và rồi
Con sẽ thành hoàng hậu,
Ta nghĩ cũng không tồi.

Còn đây, - bà nói tiếp. -
Đây là hai chị con.
Chúng độc ác, ích kỷ,
Không trái tim, tâm hồn.

Vì vậy ta bắt chúng
Thành tượng đồng, đứng đây
Để nhìn con hạnh phúc,
Để ghen tức hàng ngày.”

Rồi và vung chiếc gậy,
Lập tức, tòa lâu đài
Bỗng biến thành cung điện,
Có lính gác trong ngoài.

Tiếp đến là lễ cưới,
Như trong một giấc mơ.
Hai người sống hạnh phúc
Mãi đến tận bây giờ.

No comments:

Post a Comment