Tuesday, August 11, 2015

TRUYỆN THƠ NGỤ NGÔN



LỜI TÁC GIẢ

Ezôp là nô lệ,
Người gù, bé, da ngăm,
Thời Hy Lạp cổ đại,
Cách đây ba nghìn năm.

Chính ông là tác giả
Hàng trăm truyện ngụ ngôn
Nổi tiếng khắp thế giới,
Giờ vẫn được lưu tồn.

Nhờ thế ông được gọi
Ông tổ loại thơ này,
Tác giả của hầu hết
Truyện ngụ ngôn ngày nay.

Trường hợp tôi cũng vậy,
Tôi lấy ý của ông,
Rồi phổ thơ, thêm bớt,
Cuối bài bình mấy dòng.

Hy vọng các bạn trẻ
Đọc tập ngụ ngôn này,
Học được điều bổ ích,
Giúp ứng xử hàng ngày.


1. LỪA KHOÁC DA SƯ TỬ

Có một chú lừa nọ,
Một hôm đi đâu về
Thấy bộ da sư tử
Người ta phơi trên đê.

Chú khoác bộ da ấy,
Rồi cứ thế về làng.
Mọi người tưởng sư tử,
Liền bỏ chạy vội vàng.

Chú kêu lên thích thú
Bằng tiếng lừa - be be!
Ông chủ nhận ra chú,
Liền đủng đỉnh dắt về.

Chú còn bị mấy gậy
Về tội làm dân làng,
Tưởng chú là sư tử,
Bị một phen kinh hoàng.       

*
Áo quần đẹp có thể
Che cái dốt phần nào.
Nhưng lời nói ngu ngốc
Thì đành chịu, buồn sao.


2. RÙA VÀ THỎ

Một chú Thỏ khoác lác
Chú chạy nhanh nhất đời,
Rồi lên tiếng thách thức
Cả loài vật lẫn người.

Không ai nhận lời thách.
Cuối cùng một chú Rùa
Đồng ý thi với Thỏ.
Ai cũng nghĩ Rùa thua.

Trước đông đảo quan khách,
Cuộc thi chạy bắt đầu.
Thỏ cậy nhanh, đủng đỉnh,
Và dềnh dàng khá lâu.

Chú chủ quan, còn nghĩ:
Rùa chạy chậm rì rì.
Ta ngủ một giấc đã,
Tỉnh dậy rồi hẵng thi.

Còn Rùa, biết mình chậm,
Nên cứ chạy đều đều.
Chạy một mạch không nghỉ
Trong những tiếng hò reo.

Khi tỉnh dậy, chú Thỏ
Dụi mắt, đã thấy Rùa
Sắp về đích, chú chạy,
Nhưng cuối cùng vẫn thua.

*
Bài học thế là rõ:
Đừng chủ quan hơn người.
Ai cần cù làm việc,
Sẽ thành công trong đời.


3. CHÚ DƠI THÔNG MINH

Có chú Dơi bé nhỏ
Đang bay lượn trên cây,
Không may rơi xuống đất.
Một chú Sóc tóm ngay.

Dơi liền xin tha mạng.
Sóc lắc đầu lặng im,
Cuối cùng nói: “Không được!
Ta ghét các loài chim.”

“Thì tôi là loài chuột,
Không phải chim, thật mà.
Chim có lông,” Dơi nói.
Sóc nhìn kỹ, rồi tha.     

Lần khác, chú lại ngã,
Cũng vì mới tập bay.
Có một chú Sóc khác
Đang ở gần, tóm ngay.

Dơi lại xin tha chết.
Sóc cương quyết nói không.
“Xưa nay ta ghét chuột,
Nhất là loại chuột đồng.”

“Tôi cũng ghét loài chuột.
Tôi là chim, thật mà.
Tôi có cánh,” Dơi nói.
Sóc thấy đúng, rồi tha.

*
Phải khen chú Dơi ấy,
Một chú Dơi thông minh.
Biết tùy thời, tùy cảnh
Mà cứu được chính mình.


4. CÁO VÀ NHÍM

Đang đứng trên hòn đá.
Hòn đá trượt, Cáo rơi
Ngã sóng soài dưới vực,
Thâm tím hết khắp người.

Cáo đau, nằm, bất động.
Muỗi bu lại từng bầy,
Tha hồ hút no máu.
Cáo cam chịu cảnh này.

Nhím từ đâu đi đến,
Thấy thế, bèn động lòng:
“Tôi giúp đuổi muỗi nhé?”
Cáo lắc đầu: “Không, không!

Chúng đã hút no máu.
Đừng đuổi chúng bay đi.
Con khác đói, sẽ đến,
Hỏi máu tôi còn gì!”

*
Lại thêm một bài học
Rất bổ ích, không sai:
Khổ một lần đã đủ,
Đừng chuốc khổ lần hai!


5. CÁO VÀ BÁO

Một hôm, Cáo và Báo
Cãi nhau ai đẹp hơn.
Báo nói: “Trên lưng tớ
Nhiều đốm đẹp hình tròn.”

Cáo đáp: “Lưng cậu đẹp
Những đốm sáng nhiều màu.
Tớ mới thực sự đẹp,
Có đốm sáng trong đầu.”

*
Chẳng gì đáng khoe mẽ
Cái đẹp trên lưng mình.
Cái đẹp đáng quí nhất,
Ấy là sự thông minh!


6. SƯ TỬ, LỪA VÀ CÁO

Sư Tử, Lừa và Cáo
Đi săn chung với nhau,
Bắt được một chú Thỏ,
Nguyên cả chân lẫn đầu.

Rồi chú Lừa chân thật
Được yêu cầu chia mồi.
Chú chia rất đều đặn
Thành ba phần, than ôi,

Sư Tử gầm lên quát:
“Sao, mày chia thế à?
Thật ngu và thật láo.
Mày dám xem thường ta!”    

Sư Tử liền ăn thịt
Chú Lừa đáng thương này,
Rồi nó bảo con Cáo:
“Đến lượt mày, chia ngay!”

Cáo cầm dao, lấm lét
Chia mồi thành hai phần.
Một phần rất, rất lớn,
Phần kia chỉ mẩu chân.”

“Dạ thưa bác Sư Tử, -
Cáo nói. - Bác phần nhiều.
Con phận hèn, bé nhỏ
Chẳng cần ăn bao nhiêu.”

Sư Tử hài lòng nói:
“Thằng này ngoan. Hỏi mày,
Do đâu mà biết được
Cách chia thông minh này?”

“Dạ thưa, bác vừa dạy
Qua cái chết con Lừa.
Nó ngu nên mới chết.
Thật đáng đời! Sướng chưa?”

*
Khôn ngoan là ai biết
Rút bài học cho mình.
Nhưng con Cáo đang nói
Vừa gian, vừa thông minh.


7. CHÂU CHẤU VÀ KIẾN

Có một chú Châu Chấu
Vui, bay nhảy giữa đồng.
Trong khi một chú Kiến
Lo tích trữ mùa đông.

“Nào, cùng chơi với tớ. -
Châu Chấu nói. - Lại đây.”
Kiến đáp: “Đông sắp đến,
Nên tớ bận suốt ngày.

Mùa đông lạnh, cậu biết,
Không thể kiếm thức ăn,
Nên giờ phải tích trữ
Để có cái ăn dần.”

Châu Chấu cười, tiếp tục
Bay nhảy giữa cánh đồng,
Vui đến mức không nghĩ
Cái đói, lạnh mùa đông.

Rồi tuyết rơi, băng giá.
Châu Chấu đói, co ro
Đến xin ăn chú Kiến,
May chú Kiến cũng cho,

Nhưng kèm theo lời dạy
Là phải biết lo xa.
Mùa hè sau nên nhớ
Tích thức ăn trong nhà.


8. MÈO VÀ SƯ TỬ

Có chị Mèo mắn đẻ
Một hôm nói thế này
Với một con Sư Tử:
“Cái nhà bác thật hay.

Người thì to và đẹp,
Cũng không thiếu thức ăn,
Thế mà đẻ chỉ một.
Tôi thì gấp năm lần!”

Sư Tử đáp: “Thưa chị,
Không quen đẻ sòn sòn,
Nhưng tôi mà đã đẻ
Là đẻ sư tử con.”

*
“Quí hồ tinh”, các cụ
Dạy “bất quí hồ đa”.
Câu chuyện này cũng vậy.
Từ đó mà suy ra.


9. NGƯỜI VÀ SƯ TỬ

Xưa có anh chàng nọ
Cùng Sư Tử khoe tài.
Suốt ngày cứ tranh cãi,
Ai khỏe mạnh hơn ai.

Chợt thấy trên vách đá
Có vẽ hình một người
Đang bóp cổ Sư Tử,
Anh chàng kia liền cười:

“Người đang giết Sư Tử.
Cậu xem bức tranh này.
Từ ngàn xưa đã vậy,
Còn nói gì ngày nay.”

“Nếu tớ mà biết vẽ, -
Sư Tử đáp. - Đừng lo,
Tất nhiên tớ sẽ vẽ
Người bị Sư Tử vồ.”

*
Nhiều anh thích khoác lác,
Trong khi người thông minh
Hoặc là im không nói,
Hoặc nói đúng sức mình.


10. SƯ TỬ HỎI VỢ

Một con Sư Tử nọ,
Không đến nỗi ngu đần,
Bỗng đem lòng yêu quí
Con một bác nông dân.

Nó đem lễ đến hỏi.
Ông nông dân rất buồn.
Sợ, không dám từ chối,
Nhưng lại rất thương con.

Cuối cùng ông bảo nó:
“Tôi đồng ý, có điều
Răng, vuốt ông sắc quá,
Con gái tôi không yêu.

Vậy xin cắt bỏ chúng,
Rồi mời ông đến đây
Cưới con tôi làm vợ.
Ta thỏa thuận điều này.”

Vì quá yêu, Sư Tử,
Lại đem lễ cầu hôn
Khi cả răng lẫn vuốt
Bị cưa nhẵn, không còn.

Ông nông dân và vợ,
Cùng cả nàng hôn thê,
Cầm gậy đánh túi bụi.
Nó lúp cúp quay về.

*
Ở người, cái quí nhất
Là đầu óc thông minh.
Sư Tử - răng và vuốt,
Cái lợi thế của mình.

Một khi để mất nó,
Coi như chẳng còn gì.
Sư Tử không móng vuốt
Là con Mèo ngu si.


11. SƯ TỬ CHIA PHẦN

Một lần nọ, Sư Tử
Đi săn với Đười Ươi.
Sư Tử có móng vuốt,
Đười Ươi khôn như người.

Họ săn được con Cáo,
Sư Tử đem chia ba.
“Ta đi săn, do vậy,
Một phần là của ta.      

Phần thứ hai, cũng thế,
Cũng của ta phần này,
Vì ta là chúa tể
Của muôn loài ở đây.

Ta muốn nói ngươi biết,
Cái phần này thứ ba.
Ai mà động đến nó
Là sẽ phiền với ta!”

*
Vâng, kẻ có sức mạnh
Luôn đòi phần hơn người
Đơn giản vì chúng mạnh,
Ích kỷ và khinh đời.


12. THÂN QUÁ HÓA NHỜN

Khi lần đầu nhìn thấy
Hình dáng con lạc đà,
Mọi người rất sợ hãi,
Ai cũng trốn thật xa.

Thế mà ở lâu mãi,
Mọi người cũng thấy quen,
Không có gì đáng sợ,
Mà thực ra rất hiền.    

Rồi người ta khinh nó,
Bắt phải làm trò chơi
Cho bầy nhóc của họ
Được thỏa thích trêu cười.

*
Một bài học đáng quí,
Rằng thân quá hóa nhờn.
Thực tình chỉ có vậy,
Không kém, cũng không hơn.         


13. TRIẾT LÝ CỦA ÔNG HÓI

Ông Hói đội tóc giả
Đang cưỡi ngựa đi đâu,
Thì bỗng có gió thổi,
Tóc bay, lộ hói đầu.

Mọi người nhìn thấy thế,
Liền ồ lên trêu cười.
Ông Hói dừng ngựa nói:
“Thật rỗi hơi, các người.

Tôi già, rụng hết tóc
Có đáng cười gì đâu.
Đáng cười, người có tóc
Không giữ được trên đầu

Mà phải đem cắt bán
Để tôi đội hàng ngày.
Cuộc đời là thế đấy,
Vậy nên cười ai đây?”

*
Triết lý của Ông Hói
Vô lý và đáng thương.
Hói thì đội tóc giả.
Bán tóc cũng bình thường.    


14. RÙA VÀ VỊT

Rùa nói: “Hai bạn Vịt,
Các bạn bay trên trời.
Cho tôi bay một chuyến,
Tôi cũng muốn đi chơi.

Người ta nói thế giới
Rất rộng và rất hay.
Thế mà tôi quanh quẩn
Suốt đời trong ao này.”

Tốt bụng, Vịt đồng ý,
Lấy một cành cây đen,
Bảo Rùa ngậm ở giữa,
Rồi cả ba bay lên.

“Có điều, cậu cẩn thận,
Không được nói một lời.
Cậu mở miệng là chết.”
Rùa cảm ơn Vịt Trời.

Thế giới đúng đẹp thật.
Nào bãi cỏ, dòng sông,
Nào trời xanh, mây trắng.
Chú Rùa rất hài lòng.

Chú nhớ lời Vịt dặn,
Không nói một lời nào,
Cho đến khi phía dưới
Có người nhìn lên cao.

Thấy sự lạ, họ nói:
“Ồ, con Rùa biết bay.
Hay nó bị bắt cóc?
Tội nghiệp con Rùa này!”

“Ta mà bị bắt cóc?”
Chú Rùa nghĩ. “Láo ghê!
Tự ta nghĩ ra đấy”
Chú nhìn xuống, nói: “Ê!...”

Thật tiếc không ai biết
Chú Rùa định nói gì.
May mà chú rơi xuống
Một ruộng lúa xanh rì.

*
Rùa sinh ra để lặn.
Vịt sinh ra để bay.
Làm ngược là tai họa.
Nên nhớ bài học này.


15. HAI CON DÊ QUA CẦU

Có một con Dê Trắng
Và một con Dê Đen
Đi qua chiếc cầu nhỏ,
Hai con từ hai bên.

Chẳng may, cầu thì hẹp,
Sông phía dưới lại sâu.
Ai cũng tranh đi trước,
Quyết không chịu nhường nhau.

Dê Trắng nói: “Anh bạn,
Anh phải nhường tôi đi.”
Dê Đen đáp: “Ngược lại.
Nhường ư? Anh nói gì?”

Cả hai con cứ bước,
Không ai chịu nhường ai,
Rồi húc nhau ghê gớm,
Rồi rơi xuống cả hai.

Từng có chú Dê Trắng
Và Dê Đen, buồn sao,
Nay ở khúc sông ấy
Không có chú Dê nào.

*
Dê hay Người cũng vậy,
Đi đường phải nhường nhau.
Nếu có chậm một chút,
Cũng chẳng chết ai đâu.        


16. NGƯỜI NÔNG DÂN
VÀ BẢY NGƯỜI CON TRAI

Một bác nông dân nọ
Có bảy người con trai.
Bảy đứa luôn cãi cọ,
Không ai chịu thua ai.

Ông bố cố chịu đựng
Một thời gian, và rồi
Ông đưa một bó đũa,
Bảo chúng bẻ làm đôi.

Anh thứ nhất bất lực,
Rồi thứ hai, thứ ba
Không bẻ được bó đũa.
Tóm lại là không ai.

Ông nông dân sau đó
Chia đũa cho từng người,
Mỗi người chỉ một chiếc,
Bảo: “Bẻ đi.” Chúng cười.

“Giờ thì các con thấy,
Vì sao con một nhà
Đừng bao giờ cãi cọ
Mà nên sống thuận hòa.

Nếu không, như bó đũa,
Các con tách từng người
Thì rất dễ gãy gục,
Dễ thất bại trong đời.

*
Bài học này quá rõ.
Nói thêm sẽ là thừa.
Quan trọng là phải nhớ
Mình đã làm thế chưa.


17. CHÚ ẾCH DƯỚI GIẾNG

Có một chú Ếch nọ,
Không ai hiểu do đâu,
Tự nhiên rơi xuống giếng,
Mà giếng lại rất sâu.

Rất may giếng có nước
Nên chú vẫn nguyên lành.
Chỉ buồn không lên được,
Mà cần phải lên nhanh.

Chú kêu to: “Cứu! Cứu!
Có ai cứu tôi không?”
Chờ mãi chẳng ai đến,
Vì giếng ở ngoài đồng.

Ngẫu nhiên một chị Cáo
Có việc đi ngang qua.
Nghe tiếng kêu, nhìn xuống,
Cáo nói: “Ếch đấy à?

Sao em rơi xuống đấy?
Có sứt trán, vêu đầu?
Rơi bao giờ? Tội nghiệp.
Nhớ cẩn thận lần sau...”

“Em không sao, xin chị
Khỏi phải nói dài dòng.
Em muốn ra khỏi giếng.
Chị có giúp em không?”

*
Có một điều chắc chắn:
Dù có nói cả ngày,
Cáo chẳng giúp được Ếch
Thoát ra khỏi giếng này.

Khi thấy người bị nạn,
Không cần phải nhiều lời,
Mà phải cố giúp đỡ,
Giúp nhanh và kịp thời.


18. QUẠ VÀ CÁO

Quạ ngậm miếng thịt béo
Ngồi rất cao trên cây,
Đang định ăn thì Cáo
Bỗng từ đâu lại đây.

Cáo là loài gian xảo,
Lại tham ăn, ôi chao,
Nó rất muốn miếng thịt.
Tiếc quạ ngồi trên cao.

Biết loài Quạ thích nịnh,
Cáo bèn nói dịu dàng:
“Chào chị Quạ xinh đẹp,
Mắt tinh như Đại Bàng.

Lâu nay chị khỏe chứ?”
Quạ không đáp, nghiêng mình,
Một dấu hiệu cho thấy
Quạ nghĩ mình rất xinh.        

“Trong các màu, có lẽ
Đẹp nhất là màu đen,
Đen như lông của chị,
Chắc các loài phát ghen.”

Quạ vẫn không chịu nói,
Chỉ lần nữa nghiêng đầu.
“Một loài chim quí tộc
Như chị, không nhiều đâu.

Chắc chị hát hay lắm.
Tôi hy vọng có ngày
Sẽ được nghe chị hát,
Những bài hát thật hay...”

Không kìm nổi, Quạ hát.
Chưa kịp hát bài gì,
Cáo đã nhặt miếng thịt
Rồi cong đuôi, bỏ đi.

*
Thích nghe lời phỉnh nịnh,
Sớm hoặc muộn có lần
Bị người ta lừa đảo.
Mà không chỉ miếng ăn.


19. CHÚ GÀ VÀ VIÊN KIM CƯƠNG

Có chú Gà bới rác,
Kiếm ăn như bình thường,
Thế mà rồi bất chợt
Nhặt được viên kim cương.

Chú nghĩ: “Mình thật rủi,
Tìm hạt thóc để ăn,
Thay vào đó, tìm thấy
Viên đá này không cần.”

*
Kim cương có thể quí
Với tất cả chúng ta.
Nhưng hạt thóc chắc chắn
Còn quí hơn với Gà.

Nhiều người sắm đồ đạc
Cốt chỉ để phô trương,
Chẳng khác Gà cần thóc,
Mà lại cho kim cương.


20. CÔ DÂU MÈO

Các vị thần lần nọ
Tranh cãi nhau nhiệt tình:
Liệu sinh vật có thể
Thay đổi bản chất mình.

Thần Dớt nói: “Có thể.”
Thần Vệ Nữ: “Không đâu.”
Dớt bắt con Mèo Cái,
Cho biến thành cô dâu.

Cô dâu Mèo lịch sự
Trong tiệc cưới của mình.
Ăn mặc đẹp, duyên dáng,
Nụ cười cũng rất xinh.

“Thấy chưa, - Thần Dớt nói. -
Mèo cư xử dịu dàng!”
Vệ Nữ bắt con chuột,
Để ngay trước mặt nàng.

Và rồi kia, thật lạ:
Cô dâu đẹp mỹ miều
Bỗng chồm lên bắt chuột,
Lại còn kêu meo meo!

*
Vậy là Vệ Nữ thắng.    
Một thực tế đau lòng:
Bề ngoài có thể đổi,
Nhưng bản chất thì không.    


21. KHÔNG THUỘC PHE NÀO

Trong rừng rậm ngày ấy
Có một mối bất hòa
Giữa loài chim và thú.
Chiến tranh sắp xẩy ra.

Dơi, một loài đặc biệt,
Là thú nhưng biết bay.
Theo chim hay theo thú?
Do dự mãi điều này.

Đoàn quân chim tập trận.
Họ mời Dơi tham gia.
“Xin lỗi, tôi là thú.”
Dơi nói, rồi lui ra.

Thủ lĩnh các loài thú
Đến mời Dơi mấy lần.
“Tôi là chim,” Dơi nói,
“Nên không thể đầu quân.

Thật may, cùng nhân nhượng,
Hai bên không đánh nhau.    
Dơi tìm chim nhập bọn,
Nhưng bầy chim lắc đầu.

Nó tìm đến loài thú,
Loài thú xua đi ngay
Bây giờ thì nó hiểu
Vì sao lại thế này.

*
Không bao giờ có bạn
Những người không theo ai,
Nửa bên này, bên nọ,
Nửa chân trong, chân ngoài.

Họ, những người ba phải,
Luôn nghĩ mình thông minh,
Đứng lấp lửng ở giữa,
Mong kiếm lợi cho mình.      


22. CHÓ NHÀ VÀ CHÓ RỪNG

Chó Rừng, một ngày nọ,
Bỗng gặp con Chó Nhà,
Đúng lúc nó đang đói,
Đói đến mức mắt hoa.

“Đời tôi thật khốn khổ,
Lúc nào cũng đói ăn.”
“Tôi có thể giúp bác, -
Chó Nhà nói, - nếu cần.”

Nó khuyên anh bạn đói
Học nó, thành chó nhà.
Nhàn nhã, ăn no đủ,
Chỉ xua mấy con gà.

Chó Rừng liền đồng ý,
Theo Chó Nhà về làng.
Dọc đường nó nhìn thấy
Trên cổ bạn màu vàng

Có một vết lằn nhỏ,
Trụi mất một ít lông.
Chó Nhà liền giải thích
Đó là vết chiếc vòng

Mà ban đêm ông chủ
Xích nó lại ngoài hiên.
Lúc đầu hơi khó chịu,
Nhưng dần dần cũng quen.   

Chó Rừng nghe, liền nói:
“Thế thì thôi, chào ông.
Tôi quay về chỗ cũ,
Vì không thích chiếc vòng.

*
Xưa nay cái quí nhất
Là làm người tự do.
Có thể đói, vất vả,        
Hơn nô lệ ăn no. 


23. CON ẾCH MUỐN TO BẰNG CON BÒ

Có một chú Ếch nhỏ
Nói với bố của mình:
“Bố ơi, con vừa thấy
Một quái vật rất kinh.

Nó lớn như ngọn núi,
Hai chiếc sừng rất to...
Ếch bố nói: “Bình tĩnh,
Đó chỉ là con Bò.

Mà Bò thì hiền lắm.
Chỉ to xác thôi mà.
To xác cũng không khó.
Nếu muốn thì cả ta

Cũng có thể lớn vậy,
Vâng, to lớn như Bò.”
Rồi Ếch Bố phùng má
Lấy hơi thổi thật to,

To, to nữa, to mãi...
“To nữa lên, bố ơi!”
Ếch Bố nghe, càng thổi,
Thổi, thổi nữa, và rồi

Con Ếch ngu ngốc ấy
Nổ đánh bùm thật to.
Thế là hết con Ếch
Muốn to bằng con Bò.

*
Chúa sinh ra vạn vật
Kích thước không như nhau,
Nhưng Chúa cho tất cả
Mỗi con một cái đầu.

Không háo danh, khoe mẽ,
Làm tốt chức phận mình,
Không bắt chước ngu ngốc
Mới là người thông minh.      


24. CON SƯ TỬ GIÀ YẾU

Chúa sơn lâm, Sư Tử,
Yếu, sắp chết vì già.
Nó nằm yên một chỗ,
Mặc mọi người đi qua.

Từng là một chúa tể,
Hùng mạnh và oai phong,
Giờ tất cả khinh nó,
Đúng là thật đau lòng.

Khi biết chắc Sư Tử
Nằm bất động, bầy Lừa
Quay đít, đá vào nó
Để trả mối thù xưa.

Rồi Thỏ, rồi Chó Sói,
Rồi Trâu, Bò, Tinh Tinh
Liền kéo nhau đến đánh
Theo cách riêng của mình.

Trước khi chết, Sư Tử
Chảy nước mắt, than thân:
“Chết thế này thật nhục.
Tức là chết hai lần.”

*
Chỉ những kẻ hèn nhát
Mới nỡ đánh một người
Già yếu, nằm chờ chết.
Một tội ác ở đời. 
         

25. NGỖNG ĐẺ TRỨNG VÀNG

Một hôm ra chuồng Ngỗng,
Người nông dân ngỡ ngàng
Thấy có quả trứng lạ,
Một quả trứng bằng vàng.

Ông ta đem giấu bặt,
Hồi hộp chờ hôm sau.
Lại thấy quả trứng nữa,
Lớn như thế, vàng au.

Cứ vậy, ngày một quả,
Một quả trứng bằng vàng,
Nên ông thành giàu có
Rất nhanh và dễ dàng.

Nhưng càng giàu, khốn nỗi,
Ông càng tham, và rồi
Muốn lấy vàng một lúc,
Ông mổ Ngỗng làm đôi.        

Tưởng thấy cả nghìn quả,
Nhưng lại chẳng thấy gì.
Ông nông dân tiếc của,
Khóc và rồi ngất đi.

*
Thêm một bài học nữa
Cho những người tham lam.
Các cụ nói rất đúng,
Ở đời, tham thì thâm.   


26. CON CÁO VÀ CHÙM NHO

Một con Cáo đang khát,
Bỗng thấy một chùm nho.
Một chùm nho vừa chín,
Quả rất mọng và to.

Nó nhảy lên, định hái.
Mà nho lại quá cao.
Rồi thử mấy lần nữa,
Tiếc là chẳng lần nào

Với được chùm nho ấy,
Cuối cùng đành bỏ đi.
Vừa đi, nó vừa nghĩ:
“Nho còn xanh, ngon gì!”

*
Có nhiều anh hèn thật
Không muốn nhận mình hèn.
Không ít người nghèo khổ
Cứ tỏ vẻ khinh tiền.

Làm được thì nói được,
Không được thì nói không.
Vừa được tiếng chân thật,
Vừa không tự dối lòng.


27. NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ HAI BÀ VỢ

Một ông có hai vợ,
Một trẻ và một già.
Cả hai bà vợ ấy
Đều rất yêu ông ta.

Cả hai bà, khỏi nói,
Cứ thi nhau chiều chồng.
Ai cũng muốn phần thắng,
Ai cũng muốn gần ông.

Rồi tóc ông điểm bạc.
Bà vợ trẻ ông ta
Lấy làm buồn, vì sợ
Cảnh vợ trẻ chồng già.

Bà vợ già, ngược lại,
Thì rất vui trong lòng,
Nghĩ chồng già, tóc bạc,
Nhiều cơ hội gần ông.

Từ đó, bà vợ trẻ
Đêm nằm nhổ tóc sâu
Cho ông chồng luống tuổi.
Ông thích lắm, dù đau.

Bà vợ già buổi sáng
Đè ông nhổ tóc đen.
Ông đau, kêu oai oái,
Nhưng cũng phải ngồi yên.

Chẳng bao lâu, thật tội,
Nhìn mà thương ông ta.
Tóc bị nhổ sạch trụi,
Thành không trẻ, không già.

*
Cuộc đời thường thế đấy,
Sướng khổ đi liền nhau.
Có vợ già, vợ trẻ,
Có tóc rồi trọc đầu.     


28. HAI ÔNG CHÁU VÀ CON LA

Hai ông cháu nhà nọ,
Một hôm đi chợ xa.
Cùng đi chợ với họ
Còn có một con La.

Con La cứ túc tắc
Đi sau lưng hai người.
Được một quãng, bất chợt
Có ai đó trêu cười:

“Có La sao không cưỡi?
Ông cháu này thật kỳ.”
Ông già đặt thằng cháu
Lên lưng La rồi đi.       

Lát sau, có người nói:
“Hãy nhìn kia, ông già
Phải đi bộ, thằng bé
Lại được ngồi lưng La!”

Ông lão bảo cháu xuống,
Bắt con vật chở mình.
Thằng bé đi lẽo đẽo,
Trông nó thật tội tình.

“Thật không biết xấu hổ.
Mình cưỡi La, sướng chưa?
Trong khi cháu đi bộ
Giữa nắng gắt ban trưa!”

Ông lão cho thằng bé
Cùng ngồi trên lưng La.
Lại có người lên tiếng:
“Tội nghiệp con La già!”

Ông lão bèn đứng lại,
Không biết phải làm gì.
Cuối cùng bê con vật
Lên cổ mình rồi đi.

*
Ừ, tội nghiệp ông lão,
Tội nghiệp con La già,
Tội nghiệp cả thằng bé
Một hôm đi chợ xa.

Vì nếu ông lão ấy
Đường mình mình cứ đi,
Ai nói gì mặc kệ,
Chắc không có chuyện gì.


29. NGƯỜI ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ NHỎ

Có một người đánh cá
Phải vất vả suốt ngày,
Cuối cùng chỉ bắt được
Con Cá bằng ngón tay.

Con Cá lên tiếng nói:
“Bác tha cho tôi đi.
Bác xem, tôi bé tí,
Ăn chẳng bõ bèn gì.

Ít tháng nữa tôi lớn,
Vừa béo lại vừa tròn.
Tôi quay lại, bác bắt,
Bấy giờ ăn mới ngon.”

Người đánh cá bèn đáp:
“Giờ ta bắt được mày.
Nhỏ nhưng đã bắt được,
Còn hơn lớn sau này.”

*
Thì người ta vẫn nói:
Một con Vịt trong lồng
Hơn cả trăm con Vịt
Bay tự do trên không.  


30. ÔNG GIÀ VÀ THẦN CHẾT

Xưa có ông già nọ,
Rất già yếu, thế mà
Phải hàng ngày hái củi
Ở tít trong rừng xa.
         
Một hôm, hái xong củi,
Đang định cõng mang về,
Nhưng bó củi quá nặng,
Lưng thì đau và tê,

Ông lão kêu tuyệt vọng:
“Thật khốn khổ thân tôi!
Chỉ mong sao Thần Chết
Đến bắt đi cho rồi!”

Lập tức, Thần Chết đến.
Đó là một bộ xương,
Một tay cầm lưỡi hái,
Đáng sợ và dị thường.

Ông lão run lập cập.
“Ngươi vừa mới gọi ta?”
“Vâng, ta muốn Thần Chết
Mang bó củi về nhà!”

*
Thế mới biết, có lúc
Không phải mong ước nào
Cũng muốn thành hiện thực.
Cuộc sống lạ kỳ sao.    


31. MÈO VÀ CÁO

Cáo gặp Mèo ngày nọ,
Một buổi chiều mùa thu.
Cáo khoe có nghìn cách
Để trốn thoát kẻ thù.

Còn Mèo thì khiêm tốn
Nói rằng mình xưa nay
Chỉ có mỗi một cách
Là leo trốn trên cây.

Vừa nói xong, xuất hiện
Cả một bầy chó săn.
Mèo leo lên cây trốn,
Không một chút phân vân.

Còn Cáo thì bối rối,
Không biết dùng cách nào
Trong nghìn cách đang có,
Nên cuối cùng, buồn sao,

Cáo bị thợ săn bắt.
Ngồi trên cây, chú Mèo
Nhìn Cáo nhốt trong cũi
Bèn nhẹ nhàng nói theo:

“Lắm cách thì khó chọn.
Nhiều thầy thì rầy ma.
Thà một cách chắc chắn
Và an toàn như ta!”     


32. LŨ ẾCH THÍCH CÓ VUA

Lũ Ếch sống yên ổn
Bao năm trong đầm lầy,
Thế mà một ngày nọ
Có ý tưởng thế này:

“Ta là một vương quốc,
Vậy cần một Quốc Vương
Để cai trị loài Ếch,
Một dân tộc phi thường.”

Chúng lên xin Thượng Đế
Ban cho một ông vua.
Ngài nghĩ: Đúng loài Ếch
Vừa ngu, vừa thích đùa.

Ngài ném xuống khúc gỗ
Rất to, có màu đen,
Để làm vua xứ Ếch,
Một ông vua rất hiền.

Vua này không thu thuế,
Để cho dân tự do
Được cấy cày, buôn bán.
Vua chỉ thích ngủ khò.

Thế mà lạ, dân Ếch
Không hài lòng với ông,
Lại xin ông vua mới,
Vĩ đại và oai phong.

Lần này Thượng Đế giận,
Bèn cho một lão Cò
Xuống làm vua xứ Ếch.
Và thay cho ngủ khò,

Lão chăm chỉ bắt Ếch,
Tức là bắt dân mình
Cho vào bụng chén sạch.
Một ông vua thông minh.

Một thời gian sau đó,
Vương quốc Ếch, buồn thay,
Đã hoàn toàn chui tọt
Vào bụng ông vua này.

*
Không còn gì để nói.
Đang được sống yên bình,
Thế mà ngốc, muốn có
Ai đấy cai trị mình.

Ngốc nữa: Được vua tốt
Lại không muốn, để rồi
Vớ phải ông vua ác,
Mất hết cả giống nòi.


33. CHÓ SĂN VÀ THỎ

Có một con Chó Săn
Đuổi bắt một con Thỏ.
Đuổi rất lâu, cuối cùng
Nó dừng lại, đành bỏ.

Chú Dê nói: “Xưa nay
Bác nổi tiếng nhanh, khỏe,    
Thế mà sao vừa rồi
Lại đành thua như thế?”

Chó Săn đáp: “Vì tôi,
Tôi đuổi con Thỏ ấy
Chỉ kiếm một bữa ăn.
Còn nó thì phải chạy,

Chạy thật nhanh, nếu không
Sẽ bị tôi xé xác,
Và đó là động cơ,
Nó không thể làm khác.”

*
Hành vi của con người
Tùy thuộc hai yếu tố:
Nỗi sợ và lòng tham.
Ở đây là nỗi sợ.

Qui luật ấy xưa nay
Là bất di, đúng đắn.
Các phong trào thi đua
Chỉ là trò vớ vẩn!


34. ÔNG GIÀ VÀ VỊ THẦN BẰNG GỖ

Xưa người ta thờ cúng
Các biểu tượng đa thần
Để mong được giàu có,
Khỏe mạnh và yên thân.

Có một ông già nọ
Thờ tượng gỗ hình người.     
Đều đặn và thành kính
Suốt hàng chục năm trời.

Thế mà ông vẫn khổ,
Chẳng bao giờ gặp may.
Một hôm ông tức giận,
Đập vỡ bức tượng này.

Và rồi, thật kinh ngạc,
Ông thấy trước mắt ông,
Vàng bạc từ tượng gỗ,
Cứ chảy ra thành dòng.

*
Trong đời, quan trọng nhất
Là phải biết đợi chờ.
Thành công và của cải
Có thể đến bất ngờ.     


35. LÝ DO

Xưa, có một con Sói
Uống nước suối rất ngon.
Cũng uống nước, phía dưới
Là một con Nai non.

Sói muốn bắt ăn thịt,
Chưa thấy lý do nào.
“Ê, thằng nhóc, - nó nói. -
Mày làm đục nước tao!”       

“Dạ thưa bác, - Nai nói. -
Bác uống ở phía trên,
Còn em ở phía dưới,
Em đâu dám gây phiền!”

 “Không cãi! Nhưng năm ngoái
Cũng vào thời gian này,
Mày chửi tao thậm tệ.
Tao phải ăn thịt mày!”

“Em mới sáu tháng tuổi.
Lúc ấy chưa ra đời,
Vậy làm sao có thể
Chửi mắng hay hại người?”

“Thế thì bố mày chửi.
Hắn chửi tao đuôi dài.”
Rồi con Sói độc ác
Đã ăn thịt con Nai.”

*
Đối với bọn láo lếu,
Một khi muốn làm gì,
Chúng luôn tìm được cớ.
Đúng thế đấy, tin đi!     


36. NGƯỜI ĐỐN CỦI VÀ CON RẮN

Một người đốn củi nọ
Trên đường đi về nhà,
Thấy con rắn chết cóng
Trên mặt tuyết sáng lòa.

Ông mang về sưởi ấm,
Nó tỉnh lại dần dần,
Còn lót rơm cho ngủ
Và lấy sữa cho ăn.

Thế mà con rắn ấy
Suýt nữa cắn chết người,
Khi thằng con ông chủ,
Định ngồi xuống cùng chơi.

Thấy thế, ông đốn cúi
Cầm chiếc rìu, và rồi
Vung tay chém một nhát.
Con rắn đứt làm đôi.

*
Đối với bọn độc ác,
Đừng mong chờ trả ơn.
Đơn giản vì bọn chúng
Bản chất là vô ơn.


37. CẬU BÉ CHĂN CỪU

Có cậu bé nhà nọ
Chăn cừu ở cuối thôn,
Muốn làm cái gì đó
Cho vui, cho đỡ buồn.

Rồi cậu kêu: “Chó Sói!
Chó Sói đến!” Dân làng
Nghe tiếng kêu hốt hoảng,
Liền kéo đến vội vàng.

Người đem theo gậy gộc,
Có người đem chó săn.
Thì ra cậu đùa nghịch,
Họ ra về, cằn nhằn.

Cậu bé thì thích lắm
Vì đỡ ngồi một mình.
Cậu lặp lại trò ấy
Mà cậu nghĩ thông minh.

Một hôm, Chó Sói đến,
Chó Sói thật trong đời,
Chứ không phải tưởng tượng.
Cậu kêu cứu mọi người.

Cậu kêu to, khản giọng,
Kêu rất lâu, thế mà
Không ai đến giúp cậu.
Sói bắt Cừu cậu ta.

*
Với kẻ hay nói dối
Thì sau đó, thực tình,
Có nói đúng sự thật
Cũng chẳng ai tin mình.


38. HAI MẸ CON NHÀ CUA ĐỎ

Hai mẹ con Cua Đỏ
Một hôm ra khỏi hang
Để hít thở không khí,
Đi trên cát mịn màng.

Nhìn con, Cua mẹ nói:
“Dáng con đi xấu ghê.
Lắc bên này, bên nọ,
Nói chung là vụng về.

Phải làm sao duyên dáng,
Phải đi đứng nhẹ nhàng.
Và điều quan trọng nhất,
Con không được đi ngang!”

Cua con đáp: “Thưa mẹ,
Trời định sẵn thế rồi.
Là Cua, phải đứng thế,
Phải đi thế mà thôi.

Con cũng muốn duyên dáng,
Muốn đi đứng nhẹ nhàng.
Hay mẹ cứ làm thử,
Bày cách không đi ngang?”

*
Các bà mẹ nên nhớ:
Khi dạy con làm gì,
Phải tự mình làm trước,
Nhất là dạy con đi.

Là Cua thì nhất thiết
Phải đi theo kiểu Cua.
Còn định đi kiểu khác
Thì coi như chào thua.

Con Cua có tám cẳng,
Cọng thêm với hai càng.
Nên suốt ngày chẳng trách
Nó cứ phải đi ngang.


39. HAI ANH BẠN VÀ CON GẤU

Có hai anh bạn nọ
Đang đi chơi trong rừng
Bất chợt có con Gấu
Nhảy ra từ sau lưng.

Một anh sợ, bỏ chạy,
Trốn sau một gốc cây.
Anh kia giả vờ chết,
Nằm trên thảm lá dày.

Gấu không ăn xác chết,
Nó ngửi ngửi anh ta,
Ngửi cả tai, cả cổ,
Rồi bỏ vào rừng già.

Anh bạn kia bỏ trốn,
Bước ra từ gốc cây,
Hỏi: “Vừa rồi con Gấu
Nó nói gì với mày?”

“Nó nói: Trong cuộc sống
Đừng bao giờ tin người
Bỏ anh trong hoạn nạn.”
Một bài học nhớ đời.


40. NGỰA VÀ LỪA

Một hôm, Lừa và Ngựa
Cùng đi chung một đường.
Lừa thì phải chở nặng,
Ngựa chỉ có yên cương.

Lừa nói: “Số cậu sướng,
Ăn diện, chẳng làm gì.
Tớ thì luôn vất vả,
Còn bị đánh nhiều khi.

Giá mà tớ có thể
Được làm Ngựa vài ngày.     
Các cậu trông thật đẹp,
Mà tớ thì thế này.”

Con Ngựa xinh đẹp ấy
Ngày hôm sau bị thương
Trong một trận đánh lớn,
Nằm chờ chết bên đường.     

Lừa nhìn thấy liền nói:
“Tớ đã nhầm, Ngựa ơi,
Tớ không muốn làm Ngựa,
Mà làm Lừa suốt đời.”

*
Thà làm anh khiêm tốn,
Vất vả chút không sao,
Hơn làm người nổi bật,
Chết bất cứ lúc nào.              


41. CON THỎ CÓ NHIỀU BẠN

Một con Thỏ xinh đẹp
Khoe: tất cả các loài
Ai cũng yêu mến nó,
Đúng, không trừ một ai.        

Mà quả đúng thế thật,
Thỏ được mọi người yêu.
Ai cũng nhận là bạn,
Còn tìm cách nuông chiều.

Một hôm bỗng xuất hiện
Cả một bầy Chó Săn.
Thỏ muốn trốn lũ Chó,
Bèn đến nhờ Ngựa Vằn.

“Chị chạy nhanh và khỏe,
Hãy đưa em khỏi đây!”
“Rất tiếc chị đang bận.
Khối gì dịp sau này.”

Thỏ nhờ nhiều người khác,
Như Hươu, Gấu, Trâu, Bò...
Ai cũng tìm cách chối
Với trăm ngàn lý do.

Mà Chó Săn đông lắm,
Đến bất cứ lúc nào.
Thỏ phải đành tự trốn,
Cuối cùng thoát, may sao.

*
Sự thật này nên biết:
Ai cũng là bạn mình,
Thì điều ấy có nghĩa
Không ai là bạn mình.  


42. CÔ GÁI BÁN SỮA

Có một cô gái nọ
Đội vò sữa trên đầu
Đem ra chợ quê bán,
Và rồi một lúc sau

Cô bắt đầu nhẩm tính
Cô sẽ mua cái gì
Bằng tiền sữa bán được.
Vừa nhẩm tính, vừa đi.

“Mình mua đôi gà mái.
Chúng đẻ trứng hàng ngày,
Bán trứng, lấy tiền đó
Đến nhà lão thợ may

May chiếc áo thật đẹp,
Thêm chiếc mũ màu hồng.
Mình sẽ mặc đi chợ,
Ai cũng ngước mắt trông.

Bọn con trai thấy thế,
Đến bắt chuyện rất nhiều.
Cô hàng xóm ghen ghét
Vì mình được họ yêu.

Ai ghen ghét cứ việc,
Không liên quan gì đây.
Mình còn nhìn khiêu khích
Và hất đầu thế này...”

Cô hất đầu, lập tức
Bình sữa rơi, chán ghê.
Sữa đổ ra lênh láng,
Cô đành phải quay về.

*
Khi trứng còn chưa nở,
Đừng vội đếm gà con.
Như ngựa chưa về trại,
Chưa biết mất hay còn.


43. NGỰA VÀ HƯƠU VÀ NGƯỜI THỢ SĂN

Ngày xưa, chỉ mình Ngựa
Chiếm cả đồng cỏ xanh.
Rồi bỗng Hươu xuất hiện,
Nên có cảnh tranh dành.

Muốn đuổi Hươu, không được,
Ngựa đến nhờ Thợ Săn.
Ông kia đáp: “Tốt lắm,
Tôi làm điều anh cần.

Nhưng anh phải chịu khó
Cho tôi ngồi lên lưng,
Ngậm cái này vào miệng,
Đeo thêm đoạn dây thừng.”

Sau khi Ngựa đồng ý,
Thợ Săn thắng yên cương,
Bắt đeo cả hàm thiếc,
Toàn những thứ lạ thường.

Thợ Săn giữ lời hứa,
Đuổi con Hươu đi xa,
Nhưng từ đó con Ngựa
Phải phục vụ ông ta.

*
Anh lợi dụng người khác
Để đạt mục đích mình
Thì rất dễ người khác
Sẽ lợi dụng chính anh. 


44. ĐẠI BÀNG VÀ MŨI TÊN

Có con Đại Bàng nọ
Đang bay lượn giữa trời,
Bỗng bị tên bắn trúng,
Rồi từ từ, nó rơi.

Nhìn vết thương, bất chợt
Nó lặng người, bàng hoàng:
Mũi tên bắn trúng nó
Làm bằng lông đại bàng!

*
Câu chuyện này cho thấy:
Đôi khi, dẫu vô tình,
Chính ta đưa vũ khí
Cho kẻ thù giết mình.


45. CÒ VÀ CÁO

Ngày xưa, Cò và Cáo
Chơi với nhau khá thân.
Vì hai người là bạn,
Nên thăm nhau nhiều lần.

Một hôm, Cò được Cáo
Mời ăn cháo Cua Đồng.
Cháo được rót ra đĩa,
Một chiếc đĩa rất nông.

Cáo ăn rất ngon miệng,
Chén một mình thật no.
“Có vẻ bác không thích?
Xin lỗi nhé, bác Cò.”

Hôm sau Cò mời Cáo
Đến nhà ăn cháo Trai.
Cháo rót vào chiếc lọ
Rất nhỏ và rất dài.

Giờ thì đến lượt Cáo
Nhìn Cò ăn thật ngon.
“Mời bác ăn, bác Cáo,
Trong lọ cháo đang còn!”

*
Khi anh xỏ người khác,
Thì người khác, tất nhiên,
Cũng có quyền xỏ lại.
Bài học này đừng quên.


46. CÁO, GÀ TRỐNG VÀ CHÓ

Lần nọ có con Cáo
Đêm, lẻn vào chuồng Gà,
Thấy có chú Gà Trống,
Ngồi cao trên thanh xà.

“Chào Gà Trống, - Cáo nói. -
Anh biết chưa tin này,
Tin rằng vua Sư Tử
Quyết định từ hôm nay

Tất cả các loài vật
Phải chung sống với nhau
Trong hòa bình, thân ái,
Không ai làm ai đau.”

“Thế thì thật vui quá.
Bác Chó đang đến đây, -
Gà nói. - Tôi tin bác
Sẽ rất thích tin này.

À mà kia, anh Cáo,
Sao anh vội bỏ đi?
Đã có lệnh Sư Tử,
Thì anh còn sợ gì?”

“Tôi e rằng bác Chó
Chưa được nghe lệnh này.
Mà tôi cũng đang bận.
Chào anh, tôi đi đây.”

*
Con Cáo gian, hẳn thế,
Nhưng mà nó thông minh,
Gặp thế bí, vẫn biết
Tự chống đỡ cho mình.


47. NGƯỜI NÔ LỆ VÀ CON SƯ TỬ ÂN NGHĨA     

Một người nô lệ nọ
Bỏ trốn vào rừng sâu
Bỗng gặp con Sư Tử
Nằm một chỗ vì đau.

Nó dẫm chiếc đinh nhọn,
Chân chảy máu, sưng phồng.
Người nô lệ giúp nó
Nhổ chiếc đinh, và ông

Được con sư tử ấy
Đưa về hang sống chung,
Nuôi ông bằng những thứ
Nó kiếm được trong rừng.

Rồi Người và Sư Tử
Bị vua bắt, tiếc thay.
Ông vua độc ác ấy
Đã quyết định thế này:

Người nô lệ bỏ trốn
Bị đưa ra đấu trường
Để Sư Tử ăn thịt
Mà không chút xót thương.

Cuối cùng, ngày ấy đến,
Trước đông đảo mọi người,
Sư Tử đói lao tới
Đinh ăn sống nuốt tươi.

Nhưng rồi nó chững lại
Khi nhận ra bạn mình.
Liếm tay người nô lệ,
Nó phủ phục hiền lành.

Vua thấy lạ, cho hỏi.
Ông kể hết, thế là
Cả đấu trường vang dậy
Tiếng người hô: Tha! Tha!

Vua tha người nô lệ.
Sư Tử thả về rừng.
Một cảnh tượng cảm động,
Nhiều người khóc rưng rưng.

*
Biết đền ơn, đáp nghĩa
Là đặc tính của người
Có tâm hồn cao đẹp,
Đáng làm gương cho đời.      


48. DÊ VÀ CÁO

Xưa, có một con Cáo
Rơi xuống chiếc giếng sâu.
Một chú Dê lúc đó
Đi ngang qua trên đầu.

“Cậu làm gì dưới ấy?”
Dê hỏi, vẻ tò mò.
“Có thể cậu chưa biết,
Trời sắp đại hạn to.

Nên tớ thấy giếng nước
Cứ nhảy xuống đề phòng.
Mà hạn lâu lắm đấy,
Cậu có muốn xuống không?”

Dê nghĩ Cáo nói đúng,
Liền nhảy xuống, rất nhanh,
Cáo leo lên người nó
Rồi tót lên bờ thành.”

“Cậu cứ ngồi yên nhé.
Lát nữa trời có mưa.
Ngu thì cho cậu chết.
Bài học này nhớ chưa?”

*
Một bài học đáng nhớ:
Đừng nghe lời ai khuyên
Khi bản thân người đó
Đang gặp chuyện ưu phiền.


49. CHÓ SÓI VÀ CÒ

Có một con Chó Sói
Nhai mồi như bình thường,
Thấy cổ họng vương vướng.
Thì ra móc mẩu xương.

Mẩu xương cắm sâu lắm,
Làm cổ họng rất đau.
Hết khạc rồi lại nhổ,
Lại ngửa cổ, nghiêng đầu.

Chó Sói hứa: Ai giúp
Lấy được mẩu xương này
Nó sẽ thưởng rất hậu.
Nhưng mọi người bó tay.       

Cuối cùng Cò đồng ý.
Sói há miệng, thế là
Cò dùng mỏ ngậm chặt
Rồi rút mẩu xương ra.

“Giờ thì như đã hứa,
Ông thưởng cái gì đây?”
“Anh còn bắt tôi thưởng?
Rõ cái anh Cò này.

Chui đầu và miệng Sói
Mà vẫn sống nguyên lành.
Đó không phải phần thưởng
Tôi đã dành cho anh?”

*
Ở đời, như ta biết,
Đối với bọn gian tham,
Không được tin lời chúng,
Phải nhìn việc chúng làm.     


50. SƯ TỬ VÀ BỐN CON BÒ

Có một con Sư Tử
Muốn đi vào ruộng ngô,
Vốn là nơi sinh sống
Một nhóm bốn con Bò.

Mỗi lần Sư Tử đến,
Bò chụm đuôi với nhau,
Cùng giơ sừng đón chặn
Và húc nó rất đau.

Rồi bốn con Bò ấy
Không hiểu sao bất đồng,
Mỗi con đi một ngả
Khi Sư Tử tấn công.

Vì do không đoàn kết,
Lần lượt bốn con Bò
Bị Sư Tử ăn thịt,
Còn mất cả ruộng ngô.

*
Câu chuyện này cho thấy
Một bài học đau lòng:
Chia rẽ là thất bại.
Đoàn kết sẽ thành công.                 


51. HỘI ĐỒNG CHUỘT

Một ngày nọ, bầy Chuột
Cùng nhau họp Hội Đồng
Để tìm cách chống lại
Con Mèo Cái xù lông.

Mọi người trong khi họp
Đề xuất nhiều ý hay.
Cuối cùng chú Chuột Nhắt
Có đề nghị thế này:

“Loài Mèo, đáng sợ nhất
Là yếu tố bất ngờ.
Không ai biết nó đến,
Nó đang đi, hay chờ.

Ta lấy chiếc chuông nhỏ
Treo lên cổ con Mèo,
Dù nó bước rón rén,
Chiếc chuông kia cũng kêu.

Vậy là ta biết trước,
Mọi lúc và mọi nơi,
Thế thì Mèo chịu chết...”
Mọi người kêu: Tuyệt vời!

Nhưng Chuột Cống khẽ hỏi:
“Ai sẽ làm việc này,
Cái việc treo chuông đó?”
Hội Đồng Chuột ngồi ngây.

*
Như người Anh vẫn nói:
Easy said than done!
Kế hoạch phi thực tế
Là kế hoạch không cần.

Đừng bao giờ đề xuất
Các ý tưởng, dù hay,
Nhưng không thể thực hiện.
Hãy nhớ bài học này.


52. BA LỜI KHUYÊN CỦA CON CHIM HỌA MI

Một bác nông dân nọ,
Tình cờ một đêm hè
Nghe chim Họa Mi hót,
Nghe và rồi say mê.

Hôm sau ông rình bắt
Chú chim Họa Mi này:
“Vậy là mi phải hót
Cho ta nghe hàng ngày!”

Thế mà nó không hót.
Rồi nó nói: “Thưa ông,
Họa Mi không thể hót
Khi bị nhốt trong lồng.

Mà thịt tôi thì ít,
Ăn chẳng bõ bèn gì,
Vậy tốt nhất, có lẽ
Ông thả tôi bay đi.

Tôi sẽ cho ông biết
Ba lời khuyên thật hay.
Ông sẽ được hạnh phúc
Nhờ ba lời khuyên này.”

Ông kia nghe, thấy phải,
Tha cho chim Họa Mi.
Nó lượn thêm vòng nữa,
Rồi nói khi bay đi:

“Đúng là ông thật ngốc
Thả tôi ra khỏi lồng.
Tôi không chỉ biết hót,
Mà còn biết lừa ông.

Tôi đẻ trứng vàng bạc,
Còn châu ngọc là phân.
Ông ngốc nên không biết
Rằng tôi là chim thần.

Ba lời khuyên đã hứa -
Thứ nhất: Hãy quên đi
Lời người đang bị nhốt,
Cho dù hắn hứa gì.

Thứ hai - Hãy cố giữ
Cái đã có trong tay.
Thứ ba - Đừng buồn tiếc
Một khi chim đã bay.”

*
Ba lời khuyên chí lý.
Còn làm theo hay không
Thì lại là chuyện khác.
Nhưng nên nhớ trong lòng.


53. ANH LÍNH THỔI KÈN

Trong một trận đánh nọ
Có anh lính thổi kèn
Bị đối phương bắt được,
Khi bị trúng mũi tên.

Như những tù binh khác
Anh sẽ bị chém đầu.
Anh van vỉ tha chết
Bằng những lời như sau:

“Tôi không hề chiến đấu,
Không gươm kiếm, cung tên.
Tôi vô hại, đơn giản
Chỉ là anh thổi kèn!”

“Thế thì càng đáng giết
Vì chính anh thổi kèn
Để khích lệ binh lính,
Cổ vũ họ xông lên.”

*
Câu chuyện chỉ có thế,
Nhưng bài học thật sâu:
Dù không phải dao kiếm,
Đánh bằng lời cũng đau!


54. CHÓ VÀ CON NGAO

Ngày xưa có chú Chó
Rất thích ăn trứng Gà.
Lần nọ trên bờ biển,
Thấy con Ngao màu ngà.

Vì tưởng đó là trứng,
Nó há miệng rất to
Và rồi cố nuốt chửng,
Coi như được bữa no.

Một chốc sau, Chó thấy
Bụng sôi lên cồn cào.
Vừa sôi, vừa đau quặn.
Đúng là vì con Ngao.

Nó ôm bụng, thầm nghĩ:
“Thế cũng đáng đời ta.
Cái gì tròn và trắng
Cũng tưởng là trứng Gà.”

*
Trong cuộc sống cũng vậy,
Khi ta nhận xét ai,
Cần phải xem bản chất,
Không vội tin bề ngoài.


55. NGƯỜI NÔNG DÂN VÀ CON CÒ

Người nông dân chăng lưới
Trên cánh đồng mới gieo.     
Bắt được mấy chú Vạc
Cùng con Cò cao kều.

Nó bay xuống thửa ruộng,
Lưới dính vào hai chân,
Giờ sắp bị ăn thịt,
Van xin người nông dân.

“Tôi là Cò, thưa bác,
Xin bác thả tôi ra.
Tôi không giống loài Vạc,
Một lũ thật xấu xa.

Tôi không ăn hạt giống,
Lông tôi trắng như bông,
Xưa nay tôi nổi tiếng
Là bạn của nhà nông.”

“Có thể ngươi nói đúng.
Ngươi không phá ruộng ta,
Nhưng viêc đi với Vạc,
Đủ để ta không tha!”

*
Xưa nay người tử tế
Không chơi với người gian.
Nay bị bắt cùng họ,
Sao anh còn phàn nàn?


56. NGƯỜI ĐỐT THAN VÀ NGƯỜI QUÉT VÔI

Một người đốt than nọ
Sống bằng nghề đốt than
Công việc làm ăn tốt,
Chẳng gì đáng phàn nàn.

Một hôm, anh ta nói
Với người bạn quét vôi:
“Tôi mời anh dọn đến
Ở cùng nhà với tôi.

Ta sẽ là bạn tốt,
Cùng làm ăn với nhau.”
Anh kia lắc đầu đáp:
“Tôi e không được đâu.

Tôi chuyên quét vôi trắng,
Anh lại hay bôi đen.
Ta là bạn quí thật,
Nhưng sống chung, không nên.”

*
Ở đời, để kiếm sống,
Mỗi người có một nghề,
Đều cần thiết, quan trọng,
Không khen cũng không chê.

Nhưng, lửa tránh xa nước.
Than không được gần vôi.
Chuyện Sinh Nghề Tử Nghiệp
Các cụ đã nói rồi.


57. CHÚ CHÓ VÀ ANH ĐẦU BẾP

Một chú Chó ngày nọ
Được anh bạn Chó mời
Đến nhà mình dự tiệc,
Một bữa tiệc của Người.

Chú Chó đến, vào bếp,
Không tin nổi mắt mình:
Người ta nấu trăm món
Cho bữa tiệc linh đình.

Cậu đứng nhìn, rỏ dãi,
Đang hình dung tối nay
Chú và anh bạn Chó
Được nếm những thứ này.

Bỗng một anh đầu bếp
Túm lấy cậu, trời ơi,
Ném mạnh qua cửa sổ,
Một cú đau điếng người.

Tối đến mới tỉnh lại.
Mọi người hỏi: “Thế nào?
Ăn tiệc ngon miệng chứ?”
Chú vặn người: “Ồi dào.

Tớ uống say ghê quá,
Nên ăn gì, uống gì
Quả thật là không nhớ.
Cũng không cần, quên đi!

Thậm chí tớ không nhớ
Ra đây bằng cách nào.
Nhưng bữa tiệc thật tuyệt,
Đúng, thật tuyệt vời sao.”

*
Ở đời, nhiều anh sĩ,
Tuy chẳng để làm gì.
Không ai bắt cũng sĩ,
Thành lố bịch nhiều khi.

Được mời đi dự tiệc
Mà bị đá ra ngoài,
Thì tốt hơn, im lặng
Và đừng kể với ai.


58. NGƯỜI BẪY CHIM VÀ CON GÀ GÔ

Một người bẫy chim nọ
Bắt được con Gà Gô.
Con Gà này đặc biệt,
Vừa béo lại vừa to.

Trước khi bị làm thịt,
Nó cầu xin được tha.
Bù lại, hứa sẽ giúp
Bẫy thêm được nhiều Gà.

“Tôi sẽ đi tìm kiếm,
Dụ Gà Gô đến đây,
Nơi anh đang đặt bẫy,
Tha hồ bắt hàng ngày.”

 “À, mày như thế đấy.
Giờ thì ta vặt lông
Rồi quay lên, đánh chén,
Không chút vấn vương lòng.”

*
Tìm cách hại đồng loại
Chỉ là kẻ gian tà.
Hại người để mình sống
Còn gian tà gấp ba.     


59. CÁO VÀ BỤI DÂY LEO

Một ngày nọ, chú Cáo
Ven dốc núi đang trèo,
Thì trượt chân, và chú
Liền bám bụi Dây Leo.

Bụi Dây Leo rất yếu,
Tuy xanh tốt bề ngoài,
Nên dây đứt, và Cáo
Tụt ngã, nằm sóng soài.

“Bác Dây Leo thật tệ,
Không chịu đỡ dùm tôi.”
Dây Leo đáp: “Xin lỗi,
Chú nhờ nhầm người rồi.

Bao đời nay tôi sống
Bằng cách bám nhờ người.
Nay chú nhờ tôi giữ,
Thì làm sao không rơi?”

*
Khi nhờ người, phải chọn
Người có tóc, có râu.
Chứ ích gì cái việc
Bám tóc thằng trọc đầu.

Người ta đã ăn bám,
Mình còn ăn bám theo,
Nếu có may, không chết,
Thì chắc chắn cũng nghèo.   


60. QUẠ VÀ CỪU

Một con Quạ dai dẳng
Bám lưng con Cừu già.
Cừu mấy bận xin nó,
Nó nhất quyết không tha.

“Mày mà bám lưng Cáo,
Nó đập mày chết tươi!”
“Tất nhiên là như thế,”
Con Quạ đáp, và cười.

“Tôi thông minh, rất biết
Sự đời như thế nào.
Trêu kẻ mạnh, tôi chết.
Trêu kẻ yếu, không sao.        

Nên đời tôi, thưa bác,
Mới sung sướng thế này,
Sống dai, mà sống tốt
Cho đến tận ngày nay.”

*
Người ta thường bắt nạt
Những kẻ yếu, thơ ngây.
Không có chuyện ngược lại.
Ai cũng biết điều này.

Bắt nạt người đã xấu.
Xấu hơn gấp nhiều lần
Là khoe cái xấu ấy
Với người và nạn nhân.


61. NAI CON VÀ NAI MẸ

Nai con hỏi Nai mẹ:
“Sao mẹ sợ Chó Săn,
Khi người mẹ to lớn     
Và khỏe gấp hai lần?”

“Có thể mẹ to lớn
Gấp đôi hay gấp ba. -
Nai mẹ đáp. - Thấy Chó,
Mẹ phải trốn thật xa.

Vì trời sinh ra mẹ
Là để sống hiền lành,
Để cùng con gặm cỏ,
Không có vuốt và nanh.

Trong khi lũ Chó ấy
Là một lũ giết người.   
Làm sao mẹ không sợ,
Dù to lớn gấp đôi.”

*
Người hiền và kẻ ác
Không thể sống dung hòa.
Thời nào người lương thiện
Cũng thua kẻ gian tà.


62. CHÓ NẰM TRÊN CỎ

Có một con chó nọ
Trưa thường vào chuồng Bò,
Nằm ngay trong máng cỏ,
Đánh một giấc ra trò.

Muốn ngủ thì cứ ngủ.
Vấn đề là thế này:
Chó nằm trên đống cỏ
Dành cho Bò hàng ngày.

Bò đến ăn, nó sủa.
Tự nó, nó không ăn.
Con Chó nằm trên cỏ,
Không cho ai lại gần.

*
Gần ba nghìn năm trước
Êzôp kể chuyện này.
Thế mà nó vẫn đúng
Cho đến tận ngày nay.

Cái mình không ăn được
Thì hãy nhường cho người.
Đừng “Chó nằm trên cỏ”,
Một thành ngữ tuyệt vời.       


63. GÃ KEO KIỆT VÀ HŨ VÀNG 

Có gã keo kiệt nọ
Chôn một hũ vàng đầy
Trong góc vườn nhà gã,
Rồi ra ngắm hàng ngày.

Lũ trộm rình, biết được,
Liền ăn cắp hũ vàng.
Gã keo kiệt vật vã,
Kêu khóc gọi dân làng.

Gã nói gã giữ nó
Suốt ba chục năm nay,
Không tiêu một xu nhỏ,
Chỉ nhìn ngắm hàng ngày.

Một người nghe, liền bảo:
“Có vàng mà không tiêu
Thì coi như không có.
Sự khác nhau không nhiều.

Ông hãy lấy ít sỏi
Cho vào hũ thật đầy
Như hũ vàng trước đấy,
Rồi đến ngắm hàng ngày.

Hũ vàng hay hũ sỏi
Hoàn toàn không khác nhau
Khi anh không cần nó.
Vậy xin chớ buồn rầu.  


64. SƯ TỬ GIẢ VỜ ỐM

Chúa sơn lâm Sư Tử
Cảm thấy mình yếu, già,
Không đi săn được nữa,
Bèn nghĩ kế ranh ma.

Nó chui vào hang đá,
Tìm một chỗ rồi nằm,
Thông báo mình ốm nặng,
Mọi người phải đến thăm.

Nhiều người bị ăn thịt
Khi thăm nó trong hang.
Đến lượt Cáo thăm nó,
Nó lên giọng dịu dàng:

“Hôm nay tôi đau quá.
Chị Cáo lại gần đây,
Ngồi với tôi một chốc.
Cáo đáp lại thế này:

“Tôi đứng đây cũng được,
Vì không dám lại gần.
Nhiều người đến thăm bác
Còn để lại dấu chân.

Nhưng có điều, thật lạ,
Toàn những dấu chân vào,
Dấu chân ra không có.
Xin được hỏi vì sao?”

Sư Tử biết lộ tẩy,
Định vồ Cáo, tiếc thay,
Yếu quá, không đứng nổi.
Cáo thoát khỏi hang này.

Từ đấy các loài vật
Không còn đến nộp mình
Cho Sư Tử ăn thịt,
Cũng hợp lý, hợp tình.

*
Thấy người khác biến mất,
Phải tìm hiểu nguyên nhân,
Để không tự nộp xác
Cho chúa Sơn Lâm ăn.


65. CON KHỈ THAM LAM

Rừng nọ, một con khỉ
Vào nhà bác nông dân,
Cho tay vào chiếc lọ
Để tìm kiếm thức ăn.

Chiếc lọ này cổ bé,
Bên trong đựng chà là.
Khỉ tham, lấy nhiều quá,
Không rút được tay ra.

Mà lọ thì rất nặng,
Không thể nào mang đi.
Tay không rút ra được,
Không biết phải làm gì.

Vậy, suốt đêm nó đứng
Chờ người đến bắt mình.
Khó ai có thể nói
Con Khỉ này thông minh.

Vì giá như lúc ấy
Nó bỏ nắm chà là
Thì bàn tay lại nhỏ,
Và dễ dàng rút ra.

*
Thì xưa nay vẫn thế,
Tham thường đi với ngu.
Nhiều người vì tham quá,
Có mắt cũng như mù.


66. NHÀ CHIÊM TINH RƠI XUỐNG GIẾNG

Có nhà chiêm tinh nọ,
Một đêm trời đầy sao,
Vừa đi vừa tính toán,
Mắt ngước lên trời cao.

Bỗng ông rơi xuống hố,
Hố lại hẹp và sâu.        
Thành ra ông đau lắm,
Và kêu cứu rất lâu

Một người kia đi lại,
Sau khi biết sự tình,
Cứu ông lên, và nói:
“Tôi khuyên nhà chiêm tinh,

Trước khi nhìn vũ trụ
Và các vì sao xa,
Phải cúi nhìn xuống đất,
Kẻo ngã, lại phiền hà.  


67. VỊ THẦN VÔ ĐỊCH        

1
Một lần nọ, thần Dớt,
Buồn, chẳng biết làm gì,
Nên mở hội đấu vật
Để các thần dự thi.

Nhân tiện cũng để biết
Trong vương quốc của ngài
Ai là người mạnh nhất,
Ai tài và bất tài.

Và rồi hội đấu ấy
Được bắt đầu, mọi người
Quăng, vật nhau kịch liệt,
Rung chuyển cả đất trời.

Cuối cùng chỉ còn lại
Một vị thần khổng lồ,
Cao sừng sững như núi,
Cuồn cuộn các bắp cơ.

Thần Dớt đang chuẩn bị
Ban thưởng cho ông ta,
Thì có người nhận đấu.
Đó là một bà già.

Bà mảnh mai, yếu ớt,
Tóc bạc phơ, da nhăn.
Vị thần khổng lồ nọ
Cười mỉa rồi lại gần

Dùng cánh tay vạm vỡ
Định nhấc bổng bà lên.
Thế mà bà, thật lạ,
Vẫn bình thản đứng yên.       

Rồi bà, vẫn bình thản,
Đặt tay lên vai ông.
Một bàn tay nhỏ bé,
Nhẹ tưởng như hư không,

Thế mà nặng, rất nặng,
Khiến ông kia khuỵu dần
Và cuối cùng gục ngã
Trước con mắt các thần.       

2
Bà già bé nhỏ ấy
Là nữ thần Thời Gian.
Thời gian là vô địch,
Điều đó khỏi phải bàn.

Thời gian là thần dược
Chữa bách bệnh trên đời.
Nó cũng là cái chết
Cho cả thần, cả người.

Thời gian là quy luật,
Vĩnh cửu và khách quan.
Ta là ai, phụ thuộc
Vào cách dùng thời gian.