1
Ai cũng biết (trừ ngu đần không kể)
Một tục hay rất nổi tiếng, đó là
Ở những nước đạo Giatô có lệ
Suốt mấy tuần trước Chay lễ Thứ ba
Toàn dân chúng, cả anh già, anh trẻ.
Cả sang hèn, cao thấp khắp gần xa
Đều thả sức uống, ăn chơi, giải trí.
Nghĩa là đủ các trò vui thú vị.
2
Khi màn đêm (mà càng đen càng tốt)
Vừa mới buông, là lúc các ông chồng
Cảm thấy chán, còn thanh niên bồng
bột
Thì vui mừng, và các vị biết không,
Đúng lúc ấy cái vui vừa bị nhốt
Suốt cả ngày giờ được phép chơi rông
Cùng tiếng hát, tiếng hò reo, tiếng
nhạc,
Tiếng ghi ta và trăm ngàn tiếng khác.
3
Kia, mặt nạ (muốn kiểu gì cũng có)
Và nhố nhăng đủ các loại áo quần
Cho người Ý, người Hinđu, người Thổ,
Cho thằng hề, cho bá tước, hoàng
thân…
Trong ngày hội hóa trang vui vẻ đó
Cứ tha hồ chọn cái mặc, cái ăn,
Nhưng chọn áo các cha là không được
Đừng trêu tức Nhà thờ, xin báo trước!
4
Ngoài những áo của nhà thờ bị cấm,
Từ áo vua cho đến áo thằng hề,
Anh cứ mặc như những ngày nắng ấm
Người ta thường mặc dạo ở Ragfair.
Ở nước Ý, phố kiểu này cũng lắm,
Tuy có điều tên rất đẹp, dễ nghe.
Ở nước Anh, Piazza, xin lỗi
Chỉ Covent Garden là đáng gọi.
5
Carnival, hội hoá trang vui vẻ,
Nghĩa là không được ăn thịt, để rồi
Trong suốt cả mấy tuần chay buồn tẻ
Ta chỉ toàn ăn cá nhạt mà thôi.
Nhưng trước chay sao người ta vui
thế?
Đó là điều không ai hiểu - theo tôi
Cũng chẳng khác khi chia tay ai đó
Ta tranh thủ uống nhiều cho thật bõ.
6
Phải vĩnh biệt với những gì có thịt,
Thử nghĩ xem, trong suốt bốn mươi ngày,
Để chén cá, mà cá ươn không ít
Nên những người ưa bít-tết, gà quay
Dễ văng ra một đôi từ xám xịt
Mà tôi thề trong thơ phú xưa nay
Ta ít thấy - Vâng thì không lịch sự,
Nhưng người Anh thường dùng khi giận
dữ.
7
Tôi mạn phép khuyên ai sang nước Ý
Trước khi đi nên sai bọn người nhà
Mua và gói thật nhiều và thật kỹ
(Còn nếu tàu đã vượt sóng đi xa,
Thì phải bắt gửi theo cho các vị)
Các loại hàng như sữa, thịt, sôcôla,
Chứ nếu không thì tuần chay, lạy
Chúa,
Làm các vị khô gầy như chiếc đũa.
8
Đây là nói về những người danh giá
Coi thành Rôm là gốc đạo của mình,
Vì ở Rôm phải thành người La Mã,
Như vẫn thường nghe nói vậy; còn anh
Theo đạo khác, người nước ngoài, -
tất cả
Những điều này không bắt buộc, và anh
Cứ chén thịt, chén cho ma nó bắt!
Tôi nặng lời, nhưng đó là sự thật.
9
Trong tất cả những miền quê thành phố
Tổ chức to các vũ hội thế này
Nổi tiếng nhất là thành Venice cổ
Với các trò múa hát rất mê say.
Các loại kịch, các trò chơi lớn nhỏ,
Thật khó lòng đem kể hết ra đây.
Khi tôi viết những dòng này sự thật,
Thành Venice còn ở đà đang phất.
10
Còn phụ nữ thành phố này phải nói
Vẫn xinh tươi, mắt đen láy, dịu hiền,
Giống các thần Hy Lạp xưa (xin lỗi
Cái bây giờ được sao chép như điên);
Giống Vệ Nữ, những cô nàng sáng chói
Tạo bằng màu và bút vẽ Titien.
Còn thoáng nhìn các cô bên cửa sổ,
Ta sẽ tưởng là Giorgione vẽ họ.
15
Vâng, họ giống tranh Giorgione, quả
thế,
Cả ngày xưa và ngay cả bây giờ,
Nhất là khi từ ban công - bởi lẽ
Khoảng cách làm người và cảnh nên
thơ.
Như trong kịch Goldoni, họ hé
Nhìn ra ngoài qua những tấm rèm thưa.
Vâng, người đẹp nhiều, rất nhiều, chỉ
tiếc,
Họ quá điệu, nên đôi khi hỏng việc.
16
Đẹp cũng chẳng hay gì đâu, đợi đấy,
Liếc nhìn nhau như thể muốn điều gì,
Rồi thở dài, rồi bức thư nồng cháy
Được cánh thần Mercuries mang đi.
Rồi anh chị lén tìm nhau sau đấy
Bố hoặc chồng bắt được, cũng là khi
Mối
tình kia
được trả về đúng chỗ,
Là cả hai vỡ tim hay vỡ sọ.
17
Đesđêmôna trắng trong và chung thuỷ
Thế mà ôi, phải chết bởi tay chồng.
Xưa là thế khắp mọi miền nước Ý
Những chuyện này vẫn thường gặp. Đàn
ông
Nay đã khác, không ai, thưa các vị,
Ghen vợ mình mà bóp cổ. Ồ không,
Vì ít ra người ta lo cô vợ
Có Cavalier Servente giúp đỡ.
18
Giờ đàn ông vẫn còn ghen, tuy vậy
Không như xưa, mà lịch sự hơn nhiều,
Không như chàng Ôtenlô nóng nảy
Ngay trên giường ngày cưới, giết
người yêu.
Giờ đàn ông trong những trường hợp ấy
Cũng chẳng buồn hay đau xót bao
nhiêu,
Vì một khi vợ không may này nọ,
Thì li dị hay sống cùng ai đó.
19
Bạn đã thấy gônđôla chưa nhỉ?
Nếu là chưa, nghe tôi tả thế này:
Đó là loại thuyền con mà người Ý
Vẫn thích dùng: dài, nhẹ lướt như
bay;
Mũi uốn cong, chạm đủ hình kỳ dị
Hai người chèo mà được gọi ở đây
Là gonđôlier… Vâng, tóm lại
Gọi là thuyền chở quan tài mới phải.
20
Suốt đêm ngày chúng ngược xuôi lùng
sục
Dọc các kênh, lúc vội vã đi vòng
Quanh hòn đảo Rialto, có lúc
Lại lượn lờ bên rạp hát rất đông.
Các chủ thuyền chở khách đi nhẫn
nhục,
Dáng buồn rầu (nhưng vui sướng bên
trong,
Như chúng ta đôi lần sau tang lễ
Đeo băng tang mà trong lòng vui vẻ)…
21
Nhưng thôi đủ, bắt đầu câu chuyện
chính.
Cách đây hơn ba, bốn chục năm trời,
Khi ngày hội hóa trang lên tới đỉnh
Với đủ trò nghiêm túc, tếu, lả lơi,
Có một bà cao sang và khả kính
Đã lên đường đi xem hội, đi chơi.
Tôi không biết tên bà, xin nói trước,
Nhưng tạm gọi là Laura cũng được.
22
Tôi rất tiếc, Laura không còn trẻ,
Nhưng tất nhiên chưa thuộc loại người
già,
Chưa vào tuổi, gọi bằng tên văn vẻ
Lứa
tuổi đời nhất định,
cái mà ta
Không thể biết là bao nhiêu, bởi lẽ
Không bà nào chịu hé miệng nói ra.
Cách gọi ấy nghe vô duyên, hài hước,
Nhưng các bà lại cần, thôi cũng được.
23
Laura còn đang kỳ nở rộ.
Đến thời gian cũng không hại được bà,
Mà trái lại, hình như còn ủng hộ,
Nên bây giờ trông vẫn cứ như hoa.
Cũng vì thế mà bà ta luôn cố
Không cau mày để tránh bị nhăn da.
Bà luôn cười, những cái cười ngây
ngất,
Làm đàn ông phải khối anh chóng mặt.
24
Bà có chồng, và thế là rất tốt,
Vì xưa nay đạo Cơ Đốc bao giờ
Cũng nương nhẹ những bà nào dại dột
Đã có chồng nhưng mắc tội lẳng lơ.
Còn trái lại, gái tân mà bồng bột
Nhỡ chuyện gì là họ chẳng làm ngơ.
Nên các cô, đề phòng, xin nói thật
Cứ tranh thủ lấy chồng là tốt nhất.
25
Chồng của bà là lái buôn có hạng,
Thường lênh đênh trên biển, lúc về
nhà
Bị nhốt giữ bốn mươi ngày trên cảng
Để chính quyền khám bệnh lậu. Laura
Những lúc ấy cứ hàng ngày, mỗi sáng
Lại lên lầu hé cửa sổ nhìn ra.
Giusepê là tên ông, tuy thế
Thường được gọi là Beppô cho dễ.
26
Ông tốt bụng, có thân hình khỏe mạnh,
Da ngăm ngăm do sóng gió dạn dày,
Giống một người Tây Ban Nha kiêu
hãnh,
Và là người đi biển giỏi xưa nay.
Còn bà vợ, tuy ít nhiều đỏng đảnh
Và bề ngoài hơi lơi lả gần đây,
Nhưng có lẽ bà là người nghiêm túc
Và chắc chắn không dễ dàng đánh gục.
27
Nhưng lần này, đã mấy năm biền biệt
Không hiểu sao ông đi mãi không về.
Người thì nói do đắm tàu, ông chết.
Có kẻ đồn ông mắc nợ rất ghê
Nên bỏ trốn. Lại có anh quả quyết
Rằng cuối cùng ông sẽ trở về quê.
Họ cuợc nhau, tự tin và hăng hái -
Thường là thế - cho đến khi thất bại.
28
Theo kể lại, hai vợ chồng trước đó
Đã chia tay rất cảm động, buồn rầu
Như thấy trước là lần này chính họ
Chẳng bao giờ còn được ở bên nhau.
(Tình cảm ấy lâm li và vô bổ
Một vài lần tôi chứng kiến đã lâu).
Theo kể lại thì Beppô hôm ấy
Đã quỳ gối ôm vợ mình, run rẩy.
29
Laura chờ khá lâu, và cũng khóc,
Suýt bỏ cơm mấy bữa sáng và rồi
Bà bỗng thấy cuộc đời bà đơn độc
Đến một mình không dám ngủ, chao ôi,
Đêm bà nằm mơ thấy ma, trằn trọc,
Thấy trộm rình, thấy bị chém làm đôi.
Và bà nghĩ rằng bà, ôi có lẽ
Cần một ông phó chồng làm bảo vệ.
30
Bà quyết định (bao lời khuyên phải
trái
Bà không nghe bất cứ một lời nào)
Rằng từ nay tới khi chồng trở lại
Để thấy bà còn chung thủy ra sao,
Bà sẽ chọn làm nhân tình, nhân ngãi
Một con người làm dư luận xôn xao -
Ông bá tước lông bông, giàu, đôn hậu
Mà phụ nữ vừa yêu vừa nói xấu.
31
Vâng, bá tước, một con người tinh tế
Thích đăng-xinh, yêu nhạc, biết chơi
đàn,
Nói tiếng Pháp trơn tru và có thể
Tán, bông đùa bằng thứ tiếng Tôscan,
Là thứ tiếng khó vô cùng. Hơn thế
Ông rất sành về sân khấu, nhảy Vanx.
Ông mà kêu seccatura thì sau đấy
Không còn ai thấy hay, và đứng dậy.
32
Ông mà kêu bravo là tất cả
Cùng vỗ tay. Còn các vị phê bình
Phải im lặng. Ai chơi đàn cẩu thả
Bị ông nhìn đến hoảng hốt, thất kinh.
Đến prima donna kiêu, cao giá
Nghe ông xì, dù nổi tiếng là xinh
Cũng phải ngất; còn những anh bè thấp
Chỉ mong ông làm mồi cho cá mập.
33
Ông là Mạnh Thường Quân cho thi sĩ.
Bản thân ông cũng ngẫu hứng suốt
ngày.
Ông làm thơ, nói có duyên, tế nhị,
Và là người nhảy rất đẹp, hát hay
(Về khoản ấy thì theo tôi, nước Ý
Đã có phần thua nước Pháp gần đây).
Ông, tóm lại là ngôi sao rực rỡ,
Nhất là đối với gia nhân, đầy tớ.
34
Ông đã yêu thì thường không thay đổi.
Và với ông, phụ nữ chiếm hàng đầu.
Tuy phụ nữ gây khá nhiều rắc rối,
Không bao giờ ông làm họ buồn đau.
Ông rất giỏi gây cảm tình, nghe nói
Yêu người nào là yêu chặt, yêu lâu,
Nhất là khi người ông yêu phụ bạc
(Đúng theo mốt của ngày xưa chất
phác).
35
Ông là thế - dù đoan trang, thông
thái,
Khó mà ai không cảm thấy xiêu lòng.
Hết hy vọng là Beppô trở lại.
Ông chết rồi, còn nếu sống sao ông
Thư không gửi cho bà dăm ba cái?
Mấy năm trời thật phí sức chờ mong.
Chồng mà chẳng viết thư thì - Vĩnh
biệt!
Ông ta chết, hay ít ra phải chết.
36
Thêm vào đó, ở Anpơ có tục
(Tất nhiên đây là tội lớn) đàn bà
Được phép có hai đàn ông một lúc.
Ai lần đầu nêu gương ấy? Người ta
Còn có cả Cavalier Serventes
Mà không hề ai lên án, kêu ca.
Tôi thì nghĩ cái việc này phức tạp
Là hợp pháp lấy chồng không hợp pháp.
37
Cicisbeo là từ xưa vẫn gọi
Nhưng giờ nghe hơi trắng trợn. Từ này
Được nhập sang Tây Ban Nha và đổi
Thành cortejo và lan rộng ngày nay
Từ sông Po đến Tajo, xin lỗi,
Nó hoành hành thật ghê gớm. Rất may
Mà Thượng đế kịp ngăn không cho nó
Sang Anh quốc, không thì rồi đến khổ.
38
Còn riêng tôi, tôi yêu và kính trọng
Các cô xinh tươi trẻ, lại chưa chồng,
Nhưng yêu hơn là các bà biết sống,
Biết chuyện trò tête - à - tête. Đàn ông
Thường thích họ. Nhận xét này là đúng
Với mọi người, mọi dân tộc Tây, Đông.
Vì phụ nữ có chồng ưa giản dị,
Trong quan hệ, đó là điều rất quý.
39
Vâng, cô gái vừa lớn lên xinh đẹp,
Như bông hoa, như cô bé thích đùa.
Nhưng trò chuyên cùng chúng ta, khép
nép,
Luôn ngượng ngùng, mặt cứ đỏ như cua.
Và nhỡ có chuyện gì là một phép
Chạy vù về báo mẹ, giọng chanh chua.
Mà người cô, như trẻ con, uốn éo,
Nghe thoang thoảng có mùi bơ và kẹo.
40
Nhưng các vị cavalier là ai thế?
Giới thượng lưu đã định nghĩa thế
này:
Là một anh thuộc hàng siêu nô lệ,
Là một phần trang phục, là cánh tay
Của một bà đã có chồng, hơn thế,
Bà muốn gì là lập tức làm ngay,
Như gọi đò, gọi xe hay cúi nhặt
Lúc cái quạt, chiếc khăn hay bit tất.
41
Còn nước Ý cùng bao nhiêu tội lỗi
Với riêng tôi, tôi yêu mến nhất đời.
Vâng, nước Ý của những ngày nắng
chói,
Của những vườn nho mọc kín khắp nơi
(Không phải bám trên bức tường trơ
trọi
Mà sai cành… Đến mức giống đồ chơi,
Giống trong kịch, đến phần ba-lê nhảy
Có vẽ cảnh một vườn nhỏ vào đấy).
42
Tôi rất thích giữa hoàng hôn ráng đỏ
Chiều mùa thu phi ngựa, phóng qua hồ,
Quên áo khoác đang để rơi đâu đó
(Vì bất ngờ trời có thể mưa to).
Tôi cũng thích những cỗ xe đồ sộ
Lăn nặng nề trên đường vắng quanh co
Trên chất cao những chùm nho chín
mọng.
(Mà ở Anh chở phân hay trống rỗng).
44
Là con đẻ tiếng La-tinh, tiếng Ý
Tôi yêu sao, ôi tiếng nói diệu kỳ,
Êm và ngọt như cái hôn tế nhị,
Mỗi câu từ như có nắng mê ly,
Chứ không như tiếng Anh, thưa các vị,
Thứ tiếng khàn còn hoang dã - nhiều
khi
Ta thì nói mà nghe như huýt gió,
Lúc khùng khục, lúc vẹo mồm, lúc nhổ.
45
Tôi rất yêu (mong Chúa trời tha tội)
Vâng, rất yêu những cô gái nước này.
Da rám nắng, đôi mắt to sôi nổi
Như phát nghìn tia sáng bắt ta say.
Còn các bà, tôi cũng yêu, phải nói,
Cái nhìn buồn nhưng mãnh liệt ngất
ngây.
Tim trên môi, tâm hồn trong đôi mắt.
Họ mềm, ấm như biển xanh, trời đất.
47
Tôi đã nói ở Calais ngày nọ:
“Hỡi nước Anh, ta vẫn mến yêu người
Dù người xấu, gây cho ta đau khổ”.
Đêm tôi ngồi thích tán chuyện, vui
chơi,
Thích chính phủ (nhưng khác nay đang
có)
Thích luận bàn về báo chí, nghỉ ngơi,
Thích pháp luật (phải công minh),
quốc hội,
Thích tranh cãi (không quá ư sôi
nổi).
48
Tôi thích thuế (khi thuế không nhiều quá),
Thích thịt quay, vâng bất cứ loại
nào,
Thích than đun khi giá than được hạ,
Lúc ngồi buồn uống rượu cũng không
sao,
Thích những tháng trời không mưa,
buồn bã
(Một năm trời hai tháng, chẳng là
bao)
Thích cả vua, nhà thờ cùng chức
dịch...
Nói tóm lại, cái gì tôi cũng thích.
50
Nhưng Laura đâu rồi? Xin thú thật
Bản thân tôi cũng chán cảnh lạc đề,
Và biết nó là điều nguy hại nhất
Cho cả người kể chuyện lẫn người
nghe.
Người đọc chuyện không muốn mình bị
bắt
Nghe một tràng những tâm sự lê thê.
Thấy vào đấy, họ yêu cầu ngắn, rõ.
Với nhà thơ, đấy là điều rất khó.
51
Nếu thơ tôi được viết nhanh và thoát,
Thì tất nhiên khi đọc thích hơn
nhiều.
Nếu may mắn tôi được lên Parnass,
Dám chắc rằng tôi được mọi người yêu.
Và lúc ấy tôi sẽ in một loạt
Chuyện ly kỳ, loại đẫm máu, cao siêu
Như các truyện phương Đông, pha chút
ít
Chất
tình cảm của
phương Tây xám xịt.
52
Thế mà tiếc, trời không cho tài giỏi,
Tôi là anh thơ phú loại khù khờ,
Lúc cầm bút, hễ bí từ đã vội
Chúi đầu vào từ điển kiếm vần thơ
Nhưng không thấy, nên nhiều câu rất
chối,
Giới phê bình lại không muốn làm ngơ.
Tôi suýt chuyển sang văn xuôi hôm nọ,
Nhưng người đọc lại đòi thơ mới khổ.
53
Tôi kể tiếp: Laura và bá tước
Bén tình duyên đã được sáu năm ròng.
(Khoảng thời gian không dễ gì có
được)
Cả hai người rất hòa thuận, nếu không
Thì cũng chỉ do ghen mây, ghen nước,
Mà khoản này thì Kim Cổ, Tây Đông
Ai cũng mắc, mắc bệnh ghen phiền
toái,
Từ thằng dân đến ông vua vĩ đại.
54
Họ hạnh phúc, tất nhiên trong khuôn
khổ
Của tình yêu không hợp pháp phiền hà.
Mà dư luận cũng không chê điều đó
Nên cuộc tình cứ kết nhụy, đâm hoa.
Chỉ một anh hay ghen thầm, mắng họ:
“Mong chúng mày bị quỷ bắt, ma tha!”
Thế mà quỷ chẳng bắt cho, bởi lẽ
Muốn để họ làm gương cho lớp trẻ.
56
Vâng, vũ hội hoá trang…- tôi đã nhắc
Cách đây hơn mấy chục khổ - và rồi
Laura mặc, thay ra rồi lại mặc
Suốt ba giờ, quanh quẩn trước gương
soi.
Không đáng lạ, đến ta, tôi dám chắc,
Trường hợp này thì cũng thế mà thôi.
Chỉ khác nhau là ta vui một tối,
Bà thì có sáu tuần cho vũ hội.
57
Trang điểm xong, bà Laura lộng lẫy,
Xinh, rất xinh, ai cũng phải ngỡ
ngàng
Như thiên thần trong bức tranh nào
đấy,
Như ngoài bìa sách quảng cáo thời
trang
Người ta vẽ một vài cô gái nhảy
Với đủ màu diêm dúa - cuốn cẩm nang
Mà các bà, sợ áo quần dây bẩn,
Lấy giấy bạc bọc trong ngoài cẩn
thận.
58
Họ cùng tới Ridotto, là chỗ
Người ta ăn, người ta nhảy, vui cười.
Nhưng theo tôi thì nên xem chỗ đó
Là trá hình vũ hội, chốn ăn chơi.
Nó cũng giống Vauxball (tuy bé nhỏ
Và không hề hư hỏng bởi mưa rơi).
Còn công chúng thì nhố nhăng, ngậu
xị,
Rất không đáng cho chúng ta để ý.
59
Tôi dùng từ nhố nhăng là bởi lẽ
Trừ chúng ta: tôi, các vị, bạn bè
Nói tóm lại, những công dân tử tế,
Còn lại là đúng một lũ ba que
Được tập hợp từ bốn phương. Hơn thế
Chúng sỗ sàng dám thách thức, cười
chê
Một số người giàu sang quen được gọi
Là
thượng lưu
(cái từ này rất chối).
60
Ở nước Anh cũng thế thôi, ít nhất
Là từ khi có dandies ra đời.
Nhưng ngày nay lớp người này đã mất,
Nhường chỗ mình cho lớp khác ăn chơi.
Ôi, các mốt trôi qua nhanh chóng
thật.
Chẳng có gì là bền vững - khắp nơi
Đâu cũng thế - cuộc đời này đang chết
Vì tình yêu, chiến tranh và giá rét.
64
Vâng họ tới Ridotto, là chỗ
Tôi ngày mai cũng định tới vài ngày.
Tôi muốn trút cơn buồn lo ở đó.
Tôi là người khá ủ dột gần đây.
Và nhân thể nhìn cô này cô nọ,
Đoán và tìm những khuôn mặt hay hay
Dưới mặt nạ, mong sao trong phút chốc
Trốn được khỏi cái buồn và cô độc.
65
Kia, Laura, giữa đám người vui vẻ
Mắt long lanh, môi luôn nở nụ cười.
Với bà kia, bà chỉ chào lặng lẽ.
Với bà này, bà nói chuyện rất tươi.
Rồi bà khát, bà kêu, và nghe thế,
Ông người tình bá tước chạy khắp nơi
Tìm mua nước. Bà nhìn quanh thấy bạn
Ai ăn mặc cũng làm bà phát chán.
66
Người thứ nhất thì bôi son quá tởm.
Người thứ hai đeo tóc giả như hề.
Người thứ ba - mũ trông mà phát gớm.
Còn người này ăn mặc đúng nhà quê.
Người thứ năm lụa nhung nhưng đồ rởm,
Lại màu vàng; người thứ sáu thật ghê!
Người thứ bảy… Mà thôi, sao kể hết -
Đông như quỷ bên Banquo khi chết.
67
Khi bà bận ngắm người ta như vậy,
Cánh đàn ông cũng đứng ngắm, khen bà.
Nhưng bà lảng, vờ như không nghe
thấy,
Tự nhắc mình không để lộ, Laura,
Như tất cả giới của bà lúc ấy,
Nghĩ bấy giờ, về thị hiếu, người ta
(Tức đàn ông) đã quá hư, dám chắc
Không thấy đẹp những cái gì bà mặc.
68
Bản thân tôi không bao giờ hiểu nổi
Rằng vì sao phụ nữ điệu thế này.
Nhưng mà thôi, tốt hơn đừng nên nói,
Nó vẫn thường gây bê bối xưa nay.
Nếu mà tôi mũ quan tòa được đội,
Cùng áo dài và con dấu trên tay,
Thì tôi nói, đến ông Romily nọ
Phải trích đọc lời của tôi sau đó.
69
Được chú ý, được tán dương, khích lệ
Laura luôn cười nói, và bà
Không thể hiểu sao giới bà thấy thế
Lại bực mình, lại ghen ghét, kêu ca.
Còn đàn ông thì chen nhau cốt để
Được gần bà, được nói. Chỉ từ xa
Có một người đứng riêng trong chỗ
vắng,
Như thôi miên, đang nhìn bà, im lặng.
70
Thì ra đó là một anh người Thổ.
Laura cũng thinh thích ban đầu,
Vì người Thổ đáng yêu, tuy vợ họ
Sống với chồng phải chịu lắm buồn
đau.
Người ta kể: vợ trong nhà như chó,
Được mua về như miếng thịt, mớ rau.
Và một ông bốn bà theo luật nước,
Còn tình nhân thì bao nhiêu cũng
được.
71
Họ bị nhốt, bị canh phòng nghiêm
ngặt,
Tránh đàn ông. Ai vi phạm điều này
Sẽ bị giết, dù lỗi lầm nhỏ nhất.
Thật không bù cho phụ nữ phương Tây.
Chồng ít nói, trong cảnh tù chán
ngắt,
Họ làm gì? Họ phải sống sao đây?
Hoặc là không làm gì, hay cùng lắm
Là ăn, nói, thay áo quần và tắm.
72
Họ mù chữ, nên không hề tranh cãi
Về văn chương, không viết lách, phê
bình,
Không bị chết vì bài thơ tai hại,
Cũng không cần cuốn tạp chí đầy
tranh.
Họ bị cấm ra đường, nhưng bù lại,
Không bao giờ có bít tất màu xanh
Không cả ngài Sotherby luôn gào thét:
“Đây là bản trường ca tôi viết!”
77
May phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ không có
Một vài anh như các vị vừa rồi,
Chứ nếu không thì tôi tin đời họ
Sẽ ngập đầy đủ các chuyện lôi thôi.
Hay chúng ta cứ gửi sang nước Thổ
Một vài cha truyền đạo viết văn xuôi
Để họ dạy tiếng Anh thay truyền đạo?
(Ai gieo gió đã chắc gì gặt bão).
78
Họ không có môn siêu hình buồn tẻ;
Không cả môn hóa học để thuyết trình
Về dầu lửa; không ngụ ngôn, truyện
kể,
Với những lời ngu ngốc lẫn thông minh
Để răn dạy cuộc đời nơi hạ thế.
Họ không cần cả thư viện, phòng
tranh,
Và ban đêm không đếm sao trên gác,
Và, lạy chúa, không bà nào uyên bác.
79
Sao lạy chúa? chắc có người sẽ hỏi.
Vâng, tất nhiên không vô cớ. Bây giờ
Xin các bạn yên tâm, tôi sẽ nói
Lúc cuối đời, nhưng không phải bằng
thơ.
Tôi nhiễm thói ưa bông lông, xin lỗi,
Mà bệnh tình, các bạn biết, có cơ
Ngày một nặng. Tôi thích cười hơn
khóc,
Nhưng cười xong thường buồn, thưa bạn
đọc.
81
Tay người Thổ nhìn mồi không nhấp
nháy,
Như một anh đạo Cơ đốc chính dòng,
Như muốn nói: “Tôi đang nhìn bà đấy.
Tôi thích bà, bà có thích tôi không?”
Ai không gục trước cái nhìn như vậy?
Nhưng lần này thì chỉ tổ mất công,
Vì Laura chính chuyên (đừng có bỡn)
Ngay cả trước cái nhìn kia táo tợn.
82
Trong khi ấy, phương Đông trời hé
rạng.
Tôi cũng xin mạn phép nhắc đôi lời,
Là các bà đừng mải vui quá đáng
Trong những lần vũ hội, lúc ăn chơi,
Mà phải nhớ trước khi trời chưa sáng
Lo về nhà để nằm thở lấy hơi,
Chứ một khi nến và đèn đã tắt
Thì mất luôn cái hồng hào trên mặt.
85
Laura đủ khôn ngoan và tinh tế
Để hiểu ngay đã đến lúc về nhà
Sau bảy tiếng ôi, quá ư vui vẻ
Giữa đám người luôn ồn ĩ. Bà ta
Chào từ biệt, rồi đưa tay nâng nhẹ
Chiếc khăn choàng ông bá tước chìa
ra.
Rồi cả hai ra về, nhưng phải đợi
Suốt nửa giờ mà đò không thấy tới.
86
Vì lái đò ở đây không khác mấy
Dân đánh xe Anh quốc - chẳng lúc nào
Ta thấy họ khi cần. Và cũng vậy
Đò đông người, luôn chen lấn, lao
nhao.
Đông tới mức là tốt hơn, lúc ấy
Đừng dại gì mà chen tới. Ôi chao,
Lại còn nghe đủ cả trăm lời, xin lỗi,
Không bút giấy, không tai nào chịu
nổi.
87
Nhưng cuối cùng Laura và bá tước
Dắt tay nhau xuống được một con
thuyền.
Vừa trò chuyện, vừa xuôi theo dòng
nước,
Họ nói về các điệu nhảy triền miên,
Các kiểu áo, các scandal hài hước…
Nhưng kia thuyền đã cập bến, ngạc
nhiên,
Bà Laura chưa đặt chân lên đất
Đã lại thấy anh Thổ kia trước mặt.
88
“Thưa xinnho, ông tình nhân vội nói,
Việc bỗng nhiên ông xuất hiện thế này
Đã bắt tôi một đôi điều muốn hỏi:
Ông cần gì? Và chờ đợi ai đây?
Hay có lẽ ông nhầm chăng, xin lỗi?
Nếu ông nhầm thì phải bước đi ngay.
Ông hiểu chứ?” Và anh chàng người Thổ
Đã đáp lại: “Tôi nhầm ư? Đâu có!
89
Tôi là chồng của bà kia, quả thật”.
Laura nghe liền vội vã ôm đầu.
Khi phụ nữ nước Anh hay bị ngất
Thì các bà nước Ý chẳng sao đâu.
Họ chỉ khẽ kêu tên trời, tên đất
Rồi dần dần bình tĩnh lại lúc sau,
Mà không cần mở dây lưng, hô hấp,
Hay té nước như ta thường vẫn gặp.
90
Laura nói… Biết nói gì được nhỉ?
Nên bà im. Nhưng bá tước lúc này
Đã kịp tỉnh, và đưa ra một ý:
“Tôi cho rằng ta nên tránh xa đây,
Xa đám đông, đừng gây nên ồn ĩ,
Đừng biến mình thành thằng ngốc,
thằng say.
Vì lúc ấy, cái niềm vui duy nhất
Của người khác, là cười ta vào mặt”.
91
Rồi họ vào một quán cà phê nhỏ.
Vâng cà phê, một thứ nước như trà,
Cần cho người châu Âu và người Thổ,
Nhưng có điều họ pha chế khác ta.
“Ôi Beppô! Ông đấy ư? Rõ khổ.
Sao râu dài như thế?” Laura,
Bình tĩnh lại và kêu lên khe khẽ:
“Ông đi đâu mà biệt tăm như thế?
92
Ông - người Thổ? Thật ư? Xin được
hỏi:
Ở bên kia ông mấy vợ? Và rồi
Họ bốc ăn bằng tay ư? Thật tội!
Chiếc khăn này ông định tặng cho tôi?
Chao, đẹp quá! Tôi nghe người ta nói
Họ không ăn thịt lợn… Lúc xa xôi,
Ông đã sống… Sao ông vàng như vậy?
Ông có bị đau gan không đấy?
93
Bộ râu kia dài và trông xấu xí
Ông nhìn xem, không đẹp một tí nào.
À mà quên, hay tại vì ông nghĩ
Để cho cằm không bị lạnh hay sao?
Tôi vẫn trẻ và còn xinh đấy nhỉ?
Còn áo quần ông mặc, nhố nhăng sao.
Cứ như thế, không đi đâu được cả.
Tóc ông ngắn, mà bạc nhiều ghê quá”.
94
Còn Beppô nói gì, tôi chẳng rõ.
Chỉ biết qua: ông bị lạc vào rừng
Xưa có thành T’roa, và ở đó
Ông trở thành một nô lệ. Nói chung
Ông chịu đói và chịu nhiều đau khổ
Cho tới ngày một toán cướp rất đông
Bỗng ập đến, ông đi theo, từ đấy
Cũng cướp bóc và nổi danh nhờ vậy.
95
Ông thành giàu nhưng càng giàu, thật
lạ,
Ông càng mong sớm được trở về nhà,
Như anh chàng Cruxô hoang dã,
Ông thấy mình đơn độc chốn quê xa.
Rồi cuối cùng, vượt gió to sóng cả,
Ông thuê tàu một gã Tây Ban Nha
Để đi đến Corfu - ngoài chủ,
Cùng thuốc lá và sáu thằng thủy thủ.
96
Thế là ông nhảy xuống tàu, liều chết
Mang đi theo một bọc lớn tiền vàng.
Ông kiếm đâu chỉ có trời mới biết,
Tuy ông thề rằng trời đã cưu mang
Và giúp ông. Nhưng không sao. Từ
biệt,
Tàu lên đường, trên sóng nước mênh
mang
Đi trót lọt, trừ một chi tiết nhỏ:
Ba ngày dừng ở Cape Bon vì gió.
97
Đến Corfu, ông đổi tàu, đóng giả
Thành lái buôn như người Thổ (buôn
gì,
Tôi không nhớ, vì ông buôn nhiều quá)
Giữ nguyên lành những của quý mang
đi.
Ông còn sống thì theo tôi cũng lạ
Vì trên tàu cướp vẫn giết nhiều khi.
Và cuối cùng ông về quê, lấy lại
Vợ, rồi nhà, rồi niềm tin, lẽ phải.
90
Lấy lại vợ, lần thứ hai rửa tội
(Phải lễ to) ông thay áo đạo Hồi,
Mượn bá tước bộ áo quần mặc vội
Trong vài ngày. Người ta kể với tôi:
Bàn bè đến thăm ông như xem hội
(Vì nghe đồn sẽ được chén) và - ôi,
Nghe ông kể những ngày ông lưu lạc.
Còn tin được hay không là chuyện
khác.
99
Nghe nói lại, ông thành người hạnh
phúc,
Gì ông thua ngày trẻ, lúc về già
Ông giành được, tuy vợ chồng lục đục.
Ông và ngài bá tước đại tài hoa
Thành bạn tốt. Nhưng mà thôi, đến lúc
Ta phải dừng câu chuyện của chúng ta.
Chắc các bạn đã quá ư mệt mỏi
Nhưng không lẽ tôi là người có lỗi?
No comments:
Post a Comment