Monday, April 20, 2015

TỲ BÀ HÀNH

1.
Tư mã Bạch Cư Dị,
Một thi hào đời Đường,
Lần nọ, có công chuyện,
Đi qua bến Tầm Dương.


Đêm, gió thu lành lạnh,
Cây phong ngủ mơ màng.
Dưới trăng, lau xào xạc,
Dòng sông buồn mênh mang.


Chủ khách giờ ly biệt,
Nâng chén, lòng không say.
Đứng trên thuyền, tư lự,
Buồn cái buồn chia tay.


Bỗng nghe trên mặt nước,
Vang vọng tiếng tỳ bà.
Chủ không buồn quay lại,
Khách không muốn đi xa.


Tiếng đàn sao réo rắt,
Lúc đùng đục, lúc trong,
Lúc chậm, lúc dồn dập,
Nghe như xé cõi lòng.


Rồi tiếng đàn chợt tắt,
Người chơi đàn ngừng tay.
Lặng người, Bạch Cư Dị,
Muốn gặp con người này.


Gọi năm lần, bảy lượt,
Người chơi đàn mới ra.
Đó là một thiếu phụ,
Tay ôm chiếc tỳ bà.


Buồn buồn, hơi bẽn lẽn,
Khép vạt áo, nàng ngồi,
Lên dây đàn nhè nhè,
Ngừng một giây, và rồi


Hơi ngẩng đầu chút ít,
Hơi nhiu nhíu đôi mày,
Bằng một động tác múa,
Nàng khẽ chạm vào dây.


Cả không gian chìm lắng
Trong tiếng nhạc êm đềm.
Lúc như dông, như bão,
Lúc mưa phùn ban đêm.


Như châu rơi mâm ngọc,
Như long lanh giọt sương,
Lục Yêu là bài trước,
Sau đến bài Nghê Thường.


Tiếng nhỏ to xen kẽ,
Rào rào rồi tỉ tê,
Nghe có tiếng oanh hót,
Tiếng nước chảy dưới khe,


Tiếng gươm đao loảng xoảng,
Tiếng ngựa hý chiến trường,
Tiếng phòng the lụa xé,
Tiếng thầm thì yêu thương...


Chợt đàn dừng, bài hết.
Bạch Cư Dị ôm đầu,
Choáng váng vì bản nhạc,
Âm vang lâu, rất lâu.


Bốn xung quanh im lặng,
Mọi người ngồi bần thần.
Bên ngoài, sông bàng bạc,
Ánh trăng thu trắng ngần.


Người chơi đàn lặng lẽ
Cài que đàn vào dây.
Sửa vạt áo, đứng dậy,
Khẽ cúi chào, chắp tay:


2.
“Là gái kinh kỳ gốc,
Thiếp đến tuổi mười ba
Đã thông thạo các ngón
Trong nghề chơi tỳ bà.


Thường được xếp thứ nhất
Trong ban hát giáo phường.
Đàn hay, nhiều kẻ phục,
Nhan sắc, lắm người thương.


Hát xong, luôn được thưởng
Cơ man nào là quà.
Dân chơi Ngũ Lăng đến,
Nghe, tặng nhiều lụa là.


Gõ nhịp, cành trâm gãy,
Rượu đổ, áo quần hoen.
Đời dễ dàng, vui vẻ,
Nhiều khi cũng có tiền.


Rồi bỗng dì thiếp chết,
Em đi lính quan san.
Tháng năm trôi, lặng lẽ
Nhan sắc thiếp phai tàn.


Về già, thiếp làm vợ
Một người lái buôn xa.
Chồng thiếp lo kiếm lợi,
Chẳng mấy lúc ở nhà.


Cả tháng nay chồng thiếp
Buôn chè ở Phù Lương,
Để mình thiếp vò võ
Bến sông này mù sương.


Lúc nãy buồn, ứa lệ,
Mới chồn tay, cầm đàn,
Thương một thời son trẻ,
Một thời nay đã tàn...”


3
Thi hào Bạch Cư Dị,
Trầm tư, im lặng ngồi.
Bùi ngùi lúc nghe nhạc,
Giờ bùi ngùi gấp đôi.


Một kỹ nữ bạc mệnh,
Cay đắng kiếp má hồng.
Như đời ông trôi nổi,
Đầy vất vả, long đong.


Xứ Tầm Dương lạnh lẽo,
Ông bị bệnh, nằm dài.
Chỉ tiếng quyên rỉ máu,
Tiếng vượn hót bi ai.


Đất Bồn Thành ẩm thấp,
Phải uống rượu một mình.
Không bạn, không tiếng nhạc,
Trăng kém phần lung linh.


Thế mà giờ bất chợt,
Được nghe nàng chơi đàn,
Những tiếng lòng ai oán
Của một kiếp hồng nhan.


Thi hào Bạch Cư Dị,
Quan tư mã Giang Châu,
Giật mình thấy vạt áo
Đẫm những giọt lệ sầu...

BÁ NHA, TỬ KỲ

Lần nọ, đi sứ Sở,
Rong ruổi những dặm đường,
Đêm Trung Thu, gió mát,
Dừng ở bến Hán Dương,


Bá Nha đem đàn gảy.
Đang lúc bổng lúc trầm,
Bất ngờ dây đàn đứt.
Ông buông đàn, trầm ngâm.


“Ở nơi này hoang vắng,
Giữa rừng núi bạt ngàn.
Có ai nghe và hiểu
Mà làm đứt dây đàn?”


Ông liền cho binh lính
Lục lọi tìm ven sông.
Một chàng trai sau đó
Được dẫn về trước ông.


Chàng trai xin tạ tội
Vì nghe trộm tiếng đàn.
Chàng là người đốn củi
Sống trong cảnh nghèo hàn.


Bá Nha nghe, thấy lạ
Rằng chàng trai nông thôn
Mà cũng biết nghe nhạc,
Xao xuyến tận tâm hồn.


Ông hỏi chàng, để thử:
“Ta chơi gì vừa rồi?”
“Bẩm, chơi bài Khổng Tử
Thương tiếc thầy Nhan Hồi.”


Quả thật đúng như thế.
Ông thích thú gật đầu.
Mời xuống thuyền ăn uống
Và đàm đạo hồi lâu.


Giữa tiệc rượu, bất chợt
Bá Nha lại cầm đàn
Chơi một bài mạnh mẽ,
Ngùn ngụt chí quan san.


Chàng tiều phu tán thưởng:
“Không có gì hay hơn!
Ý ngài cao vòi vọi.
‘Nga nga chỉ cao sơn’”


Bá Nha lại chơi tiếp
Bản nhạc khác, lần này
Tiếng đàn như nước chảy,
Như gió thổi, mây bay.


“Tuyệt hay, bẩm quan lớn.
Ý ngài thật mênh mang.
‘Dương chí tại lưu thủy’.
Như nước chảy dịu dàng.”


Bá Nha lấy làm phục,
Bèn hỏi chàng tên gì.
Chàng tiều phu cúi tạ:
“Bẩm, là Chung Tử Kỳ.”


Hai người lại trò chuyện,
Cởi mở và tâm tình.
Ông mời chàng khăn gói
Cùng theo ông về kinh.


Chàng lắc đầu từ chối
Vì còn có mẹ già.
Cầm tay bịn rịn mãi,
Giờ lên đường, Bá Nha


Hẹn sang năm nhất định
Ông sẽ quay lại đây
Đón cả chàng và mẹ,
Ngày này, bến sông này.


Giữ lời và đúng hẹn,
Bá Nha đến Hán Dương.
Nhưng bến sông vắng vẻ.
Linh cảm chuyện bất thường,


Ông hỏi thì được biết
Tử Kỳ, theo mệnh trời,
Bị bệnh nặng đã chết,
Và trước khi qua đời,


Chàng xin được chôn cất
Nơi chàng được nghe ông
Chơi “Cao Sơn”, “Lưu Thủy”,
Đêm thu ấy, bến sông.


Bên ngôi mộ còn mới,
Bá Nha ngồi, cúi đầu
Rồi đàn, mỗi tiếng nhạc
Đẫm một giọt lệ sầu.


Ông bày đồ tế lễ,
Rất trang trọng, tế xong,
Đập đàn vào vách đá
Rồi vứt hết xuống sông.


Chơi đàn cần tri kỷ.
Nay tri kỷ không còn.
Vậy thì không chơi nữa.
Ông thề cùng núi non.


PS
“Cao Sơn” và “Lưu Thủy”
Hai bản nhạc bất ngờ
Bá Nha đàn đêm ấy
Vẫn còn đến bây giờ.


Đời nhà Thanh, Duy Phái
Cùng với Đường Duy Minh
Ghi thành nốt lên giấy,
Phổ biến trong dân tình.


Ngày bé, đi chợ huyện,
Tôi nghe, gần nửa ngày,
Một ông lão hát xẩm
Kéo nhị hai bài này.


Và dẫu còn con nít,
Hình như tôi cũng nghe
Tiếng gió thổi trên núi
Và nước chảy dưới khe.

Saturday, April 18, 2015

ĐÀN ÔNG

Đàn ông, về cơ bản,
Na ná như củ hành.
Trong là gì chẳng biết,
Ngoài nửa trắng, nửa xanh.

Bị đối xử không đẹp,
Nhiều phụ nữ đau lòng,
Cứ tò mò muốn biết
Họ có gì bên trong.

Và rồi họ quyết định
Bóc lớp củ hành này.
Hết lớp này, lớp khác,
Bóc bằng đầu, bằng tay.

Bóc, và chảy nước mắt,
Cuối cùng thấy nhân hành,
Như trái tim chồng họ,
Vẫn nửa trắng, nửa xanh.

*
Cái còm trên chua xót
Tôi vừa đọc trên Phây.
Hy vọng các bác nữ
Thấm thía bài học này.

Ở đời, không nhiều lắm
Người xanh vỏ đỏ lòng.
Vô âm và ích kỷ
Là bản chất đàn ông.

CHỒNG LÀ GÌ?


Trong mắt các bà vợ,
Chồng đơn giản là chồng.
Có cả tốt lẫn xấu,
Có khi ngoan, khi không.


Nhưng nghiêm túc mà xét,
Chồng là gì? Gần đây
Người ta đã đúc kết
Mấy định nghĩa thế này.


Theo quan điểm triết học:
Bạn hỏi “Chồng là gì?”
Chồng là dạng vật chất
Không bao giờ mất đi.


Nó cũng không thay đổi.
Chồng đang của một người
Rồi thành của người khác,
Cứ như thể đồ chơi.


Theo quan điểm vật lý,
Chồng, bằng thịt bằng xương,
Nhưng vẫn chịu tác động
Luật hấp dẫn bình thường.


Như vạn vật lớn nhỏ,
Như mặt trời, trăng, sao,
Chồng, khi gần thì đẩy.
Khi xa thì hút vào.


Theo quan điểm y tế,
Thì chồng chẳng là gì.
Chỉ một dạng vi-rút
Nhờn thuốc và nan y.


Theo quan điểm nông học,
Chồng - giống lúa đáng yêu.
Gieo ruộng mình thì ít,
Ruộng hàng xóm thì nhiều.


Theo quan điểm tài chính,
Đặc biệt ngành ngân hàng,
Chồng là con nợ xấu,
Nhiều khi không đàng hoàng.


Vay, toàn xin vay nóng.
Không thế chấp khoản vay.
Không khả năng thanh toán.
Mà lại vay hàng ngày.

PHỤ NỮ, MUỐN HẠNH PHÚC

Phụ nữ muốn hạnh phúc,
Thì nên nhớ hàng ngày,
Nhớ và làm theo nhé,
Những điều nhỏ dưới đây.

1
Nhắn tin cho ai đấy,
Mãi không thấy trả lời,
Thì đừng nhắn thêm nữa,
Mà tự mình đến nơi,

Mặt đối mặt, hỏi thẳng.
Yêu thì yêu lâu dài.
Không yêu thì cứ nói,
Rồi vui vẻ good-bye.

2
Nếu có ai bất chợt
Làm bạn thấy đau lòng,
Hãy tìm một góc kín
Khóc thật to, khóc xong,

Hãy lắc đầu đứng dậy,
Như không gì xẩy ra.
Khó, nhưng có thể thắng
Thói ủy mị đàn bà.

3
Nếu một hôm tỉnh dậy,
Không thấy ai bên mình.
Đừng hốt hoảng, đừng sợ.
Hãy là người thông minh

Biết lấp chỗ trống ấy
Bằng nghe nhạc, lên Phây…
Sống một mình thực sự
Cũng có nhiều cái hay.

4
Nếu ai đó không tốt,
Muốn ngăn bạn đi lên,
Đừng hỏi, chỉ đơn giản
Lặng lẽ né sang bên.

5
Nếu bạn yêu ai đó
Thầm kín và chân tình.
Đừng vì ngại xấu hổ
Mà giấu kín lòng mình.

Điều ấy cần dũng cảm,
Có thể làm bạn đau.
Nhưng đau chỉ một chốc,
Chứ không phải dài lâu.

6
Cuộc đời luôn vẫn vậy,
Có lúc vui, lúc buồn.
Buồn vì bạn cho phép
Ai đó làm bạn buồn.

7
Tình yêu có duyên số.
Đừng vì sợ cô đơn
Mà lấy đại ai đó.
Sau còn đau khổ hơn.

8
Khi trong lòng bực dọc,
Tức giận muốn phát điên,
Hãy đánh một giấc ngủ.
Ngủ là phương thuốc tiên.

10
Đừng bao giờ tự hỏi
Người ấy yêu mình không?
Nếu yêu, chính người ấy
Sẽ tự mình trải lòng.

11
Sự đời, các cụ nói,
Như bèo dạt mây trôi.
Thì để nó trôi, dạt.
Rồi mọi việc tốt thôi.

Đừng quan trọng thái quá
Cả với ai, với gì.
Cái phải đến sẽ đến.
Cái phải đi sẽ đi.

13
Bạn có ngốc một chút,
Cũng đừng tự trách mình.
Ở đời, ai có thể
Lúc nào cũng thông minh?

14
Tất nhiên cần suy nghĩ.
Nhưng bạn suy nghĩ mười,
Cũng chỉ nên nói một.
Mà cũng còn tùy người.

15
Không nói xấu người khác.
Điều ấy là hiển nhiên.
Nhưng như thế chưa đủ.
Đừng tiết kiệm lời khen.

15
Nói nhiều rất nguy hiểm.
Hãy học lắng nghe người
Hãy nghe nhiều, nói ít
Và đừng quên mỉm cười.

16
Khi quyết định thay đổi,
Thì lẳng lặng mà thay.
Thành công - khi người khác
Thấy sự thay đổi này.

17
Tốt hơn đừng che giấu
Tình cảm thật của mình.
Sớm muộn rồi cũng lộ,
Vì người đời rất tinh.

18
Thật cần mới góp ý,
Mà cũng chỉ với người
Quen thân và tử tế.
Không thì chỉ phí lời.

19
Cuộc đời đầy qui ước.
Nhưng ít ra đôi lần,
Dẫu chỉ để cho biết,
Hãy thử sống bất cần.

*
Xin nhắc lại: Phụ nữ
Muốn hạnh phúc, hàng ngày
Phải nhớ và tâm niệm
Làm những điều nhỏ này.

Friday, April 10, 2015

TRUYỆN MA BỒ TÙNG LINH

XẢO NƯƠNG

1
Phụ nữ ai cũng khổ,
Âu cũng chuyện bình thường,
Nhưng có lẽ khổ nhất
Ấy là nàng Xảo Nương.


Theo Liêu Trai Chí Dị,
Nàng sinh ở Quảng Đông,
Nết na và xinh đẹp,
Đến tuổi, được gả chồng.


Một anh chồng tử tế,
Béo tốt, da hồng hào,
Nhưng cái cần có nhất
Lại không có, buồn sao.


Nên nàng khổ là đúng.
Tôi mời các cô, bà
Hình dung cái khổ ấy -
Cứ suy mình mà ra.


Đêm tân hôn, khỏi nói,
Xảo Nương nằm thở dài.
Nàng thấy mình bị lỡm,
Chẳng biết nói cùng ai.


Không thể đòi li dị
Chỉ vì chồng “khác người”.
Mà thời ấy nghiêm ngặt
Chuyện lăng nhăng, chơi bời.


Nên nàng buồn... mà chết.
Một dạng chết vì tình,
Tự nhiên và hợp lý.
Phải khen Bồ Tùng Linh.


Nhân tiện đây, phải nói
Rằng thời đại chúng ta
Quả là rất tiến bộ,
Không chỉ chuyện ra tòa,


Mà cả chuyện sống thử
Của các cháu phổ thông,
Chuyện khoe hàng trên báo,
Chuyện “nhà nghỉ văn phòng.”


Chuyện thay đổi giới tính,
Chuyện vá cái gì gì.
Chuyện “đến mùa trả thóc,
Giờ thích thì yêu đi!”


Tóm lại là mọi chuyện
Liên quan đến ăn, nằm
Nhà nước đều cho phép.
Nhà nước ta muôn năm!


Tôi chỉ tiếc một việc
Là ngày xưa Xảo Nương
Chồng không có cái ấy
Mà chết sầu thảm thương.


Thế mà giờ đọc báo
Thỉnh thoảng thấy có bà
Cắt của chồng cái ấy
Rồi ném cho kiến tha.


Đúng là thật phí phạm.
Một hành động côn đồ.
Chắc, như các cụ nói,
Do sướng quá hóa rồ.


Tôi thì tôi... Xin lỗi,
Hình như lại lạc đề.
Già rồi đâm lẩm cẩm,
Thích nói dài, chán ghê.


Tôi dừng ở đâu nhỉ?
À, nhớ rồi, cô nàng
Chết vì chồng, tội nghiệp,
Không có cái nghìn vàng.


Chết thành ma, hẳn thế.
Nhưng thành ma, Xảo Nương
Vẫn còn thích “chuyện ấy”.
Ngẫm kỹ, cũng bình thường.


Nên đội mồ, nàng dậy,
Đêm mưa phùn, lang thang
Mong tìm bắt ai đấy.
Cuối cùng được một chàng.


Bằng bùa yêu, ma thuật,
Nàng đưa anh chàng này
Lên giường mình cùng ngủ.
Trời vẫn mưa lây rây.


Bốn xung quanh yên tĩnh.
Đầy hy vọng, nàng chờ.
Nàng, một cô gái đẹp,
Ai có thể thờ ơ?


Thế mà chàng, thật láo, -
Theo lời Bồ Tùng Linh,
Con thân hào họ Phố,
Đẹp trai và thông minh. -


Lại nằm yên bất động,
Cả khi nàng mời chào,
Cả khi nàng trắng trợn
Hết ve vuốt lại cào.


Thấy mình bị xúc phạm,
Cuối cùng nàng cho tay
Sờ đúng vào chỗ kín,
Nhưng liền rút ra ngay.


Nàng bật dậy rồi khóc,
Khóc không thể nào im.
Mà không khóc sao được
Khi cái nàng cần tìm


Lại bé và rất ngắn,
Mềm nhũn như con tằm.
Đúng là nàng khổ thật,
Khổ cả dưới cõi âm.


May nàng tha không giết
Chàng đẹp trai, thông minh,
Vì biết anh chàng ấy
Đau khổ chẳng kém mình.


Giờ thì chúng ta biết
Rằng với thằng đàn ông
Giỏi, đẹp trai cũng vứt
Nếu không biết làm chồng.


Mà rồi xin phép hỏi:
Vị nào từng được ma
Đưa lên giường chưa nhỉ?
Có thì cứ nói ra.


Điều ấy, nếu có thật,
Chưa hẳn xấu, đúng không?
Miễn là đừng bất lực,
Làm mất mặt đàn ông.


Tôi thì chưa may mắn
Rơi vào cảnh thế này.
Nếu có rơi, chắc hẳn
Không như anh chàng này.


2
Sau cú thất bại đúp,
Nàng Xảo Nương đa tình
Nghe nói không tìm bắt
Người đẹp trai, thông minh.


Nàng thích người cục mịch,
Loại beo béo, to to.
Bồ Tùng Linh nói thế.
Tự nhiên tôi đâm lo.


Mà ma thì không chết,
Nên sống lâu, rất lâu.
Cũng nghe người ta nói,
Nàng chán đàn ông Tàu,


Và hiện giờ có mặt
Đâu đó ở nước ta,
Tìm người chung chăn gối,
Không phân biệt trẻ già.


Hơn thế, nàng trâng tráo
Chui vào phòng đàn ông,
Chứ không như ngày trước
Lang thang tìm giữa đồng.


3
Đêm qua, xin thú thật,
Lúc ấy khoảng một giờ,
Tôi đang thiu thiu ngủ,
Bỗng có ai bất ngờ


Hé nhẹ cửa, rón rén
Rồi nhảy tót lên giường.
Tôi mở mắt, kinh sợ:
Đúng là nàng Xảo Nương.


Nàng mặc chiếc áo đỏ,
Đầu có chiếc nơ xanh.
Mặt bôi phấn rất trắng,
Thơm như ngọn gió lành.


Tất nhiên nàng xinh đẹp.
Chỉ tiếc hình như gầy,
Chân và tay dài ngoẵng
Như hoa hậu ngày nay.


Tôi thích các nàng béo,
Nhưng là nhà ngoại giao,
Không muốn nàng thất vọng,
Nên vờ ngủ xem sao.


Phải thừa nhận tôi sợ,
Sợ, nhưng vẫn cứ chờ
Sẽ được nàng âu yếm,
Sẽ được nàng... bất ngờ


Tôi nhận một cú đá
Rất đau vào mạng hông.
Thì ra là Mụ Vợ:
“Ông béo dịch vào trong!”


Được, muốn dịch thì dịch.
Tôi úp mặt vào tường,
Tin chắc chắn Mụ Vợ
Đã đuổi nàng Xảo Nương.


Thế là nàng biến mất.
Nên khóc hay nên cười?
Tôi xin thề chuyện thật,
Kể ra cốt mọi người


Biết để rồi cảnh giác:
Xảo Nương đang ở đây,
Có thể vào phòng bạn
Đêm mai, hoặc đêm nay.


Đi đường hãy để ý
Cô nào người nhàng nhàng,
Nơ xanh, áo màu đỏ
Thì đích thị là nàng.


Đêm, ngộ nhỡ nàng đến,
Phải bình tĩnh, ít ra
Cũng đừng để vợ biết
Kẻo tan cửa, nát nhà.



KỸ NỮ THỤY VÂN

Thụy Vân là kỹ nữ
Nổi tiếng đất Hàng Châu,
Giỏi nghề, người lại đẹp,
Dưới trướng Sái chủ lầu.


Năm nàng mười bốn tuổi,
Mụ Sái, vốn tham tiền,
Bắt nàng ra tiếp khách.
Đòi giá cao, tất nhiên.


Cụ thể, muốn nhìn mặt,
Khách phải trả trăm đồng.
Muốn cùng nàng trò chuyện -
Phải năm trăm, chơi không?


Còn nếu muốn hơn thế,
Tức là “chuyện ấy” mà,
Thì khách chơi chắc chắn
Không ít anh bán nhà.


Thế mới biết giờ rẻ,
Đơn giản và tự nhiên.
Ngắm hoa hậu miễn phí,
Giao lưu không mất tiền.


Còn “chuyện ấy”, nghe nói,
Chỉ nghe nói mà thôi,
Không đến nỗi quá đắt,
Dịch vụ cũng không tồi.


Ấy là nói loại xịn,
Chân dài và có eo,
Chứ bình dân nhà nghỉ,
Nghe nói cũng rất bèo.


Tôi dùng chữ “nghe nói”
Là cốt để người ta
Không nghĩ tôi hư hỏng,
Thích chơi bời, trăng hoa.


Tôi là anh nghiêm túc
Suốt từ đầu đến chân,
Đến từng các kẽ tóc,
Dẫu, thú thật, nhiều lần


Xem thoát y ở Mỹ,
Thăm cả thằng Playboy.
Chỉ xem cho nó biết,
Rồi lại về, thế thôi.


Nhân tiện, hỏi các vị:
Chân dài thì xinh gì?
Quê tôi, người dài ngoẵng
Coi như ế tức thì.


Xưa tôi lấy Mụ Vợ
Vì nàng xinh, dễ thương,
Không gầy mà mũm mĩm,
Đặc biệt, chân bình thường.


“Chân dài, - Byron nói, -
Chỉ thêm vướng mà thôi!”
Cứ tư duy kiểu ấy,
Lấy đà điểu cho rồi...


Ấy, lại quên, nào tiếp:
Vậy là nàng Thụy Vân
Cao giá, đúng không nhỉ?
Nhưng khối anh muốn gần.


Có thư sinh họ Hạ,
Rất tiếc nhà không giàu,
Dù thông minh, uyên bác,
Ngưỡng mộ nàng từ lâu.


Cuối cùng, không đừng được,
Chàng cũng vay đủ tiền
Đến gặp nàng, trò chuyện,
Rồi hai người bén duyên.


Chàng yêu nàng mê mệt,
Thế mà khi nàng mời
Cùng lên giường vui vẻ
Chàng cúi đầu ngậm ngùi.


Thật nhảm nhí cái thuyết
Lều tranh, trái tim vàng.
Không có tiền thì nghỉ,
Đừng tơ tưởng đến nàng.


2
Ngày nọ, trong số khách
Có một gã tú tài,
Đến nộp tiền, vào gặp,
Nói dăm câu rông dài.


Rồi bất ngờ, gã ấy
Dí ngón tay của mình
Lên trán nàng trắng mịn,
Thành một chấm vô hình.


Xong, phủi quần đứng dậy,
Gã nói: “Tiếc, tiếc thay!”
Cả khi ra đến cửa
Còn nhắc lại câu này.


Vết chấm tưởng vô hại,
Thế mà cứ đen dần,
Hơn thế, còn lan rộng
Trên trán nàng Thụy Vân.


Nàng lấy nước cố rửa,
Càng rửa càng lớn thêm.
Một tháng sau, thật tiếc
Mặt từ trắng thành đen.


Thế là nàng mất khách,
Và mụ Sái chủ lầu
Cho lột hết trang sức,
Biến nàng thành con hầu.


Thật tội cho người đẹp,
Mới cao giá ngày nào,
Thế mà giờ có gặp
Cũng chẳng ai thèm chào.


Chàng thư sinh họ Hạ,
Hay tin, đến tìm nàng.
Nàng xấu hổ lẩn trốn,
Không dám nhìn mặt chàng.


Chàng còn yêu nàng lắm,
Vả lại, nghĩ thương tình,
Nên bán hết ruộng đất
Chuộc nàng về nhà mình.


Một hành động cao thượng.
Mặt đen tí, can gì.
Tôi có một ông bạn
Còn lấy vợ Châu Phi.


Ông này buồn cười lắm,
Từ khi lấy vợ đen
Ghét phụ nữ da trắng,
Vợ làm gì cũng khen.


Nên vấn đề ở chỗ
Có yêu nhau hay không.
Hình thức không quan trọng,
Quan trọng ở cái lòng.


Bạn có tin không nhỉ,
Chuyện nhân quả xưa nay.
Tôi thì tin sái cổ,
Xin được kể chuyện này:


Có ông li dị vợ
Vì vợ sinh, phát phì,
Lấy một cô gầy đét,
Tin hay không thì tùy.


Rồi cô gầy đét ấy,
Gầy nên xấu như ma,
Sinh con xong, phát tướng,
To và béo gấp ba.


Bạn nghĩ lại li dị?
Ồ không, không, lần này
Ông ta đành cam phận
Cảnh vợ béo chồng gầy.


Tôi thì tôi cứ nghĩ,
Vợ phải đâu cũng tròn
Mới “đậm đà bản sắc...”
Cả trước khi có con.


Mụ Vợ tôi khôn lắm.
Sợ chồng chê, nên nàng
Suốt ngày lo tẩm bổ,
Trông ngon và mỡ màng.


Hiềm một nỗi, đôi lúc
Muốn bế vợ trên tay,
Giật mình buồn, sực nhớ
Rằng vợ không còn gầy.


Lại nói chàng họ Hạ,
Ở hiền nên gặp lành:
Cái mặt đen của vợ
Cứ trắng dần rất nhanh.


Không thuốc, không kỳ cọ,
Tự nhiên lại trắng hồng.
Xinh hơn không, chưa nói,
Nhưng hài lòng ông chồng.


Hài lòng nhất là việc
Từ nay chàng đương nhiên
Gặp, trò chuyện với vợ
Mà không phải mất tiền.


Trước - trăm đồng nhìn mặt.
Năm trăm đồng chuyện trò.
“Chuyện ấy” thì, xin lỗi...
Giờ chàng được tha hồ.


Tiếc rằng không ít vị
Được ngắm vợ cả ngày
Không lấy thế làm sướng,
Còn nặng mặt, chau mày.

Lần nữa xin nhắc lại:
Vợ của mình, phải yêu.
Bài học của câu chuyện
Chỉ thế thôi, không nhiều.



NHAN THỊ

1
Cứ công bằng mà nói,
Truyện của Bồ Tùng Linh
Không hẳn toàn quái dị,
Chết chóc và ma tình.


Có nhiều truyện ông viết,
Chính xác hơn - sưu tầm,
Bình thường và giản dị,
Không ma, không cõi âm.


Câu chuyện tôi sắp kể
Thuộc thế sự, gia đình...
Nhưng ông là ai nhỉ,
Cái ông Bồ Tùng Linh?


Ông sinh vào tháng Sáu
Năm một sáu bốn không,
Lúc chết, bảy lăm tuổi,
Người thuộc tỉnh Sơn Đông.


Ông gốc gác Mông Cổ,
Sự nghiệp lắm gian nan.
Mười tám tuổi thi đỗ,
Bảy mốt tuổi làm quan.


Ông quan già nghèo ấy
Đã để lại cho đời
Một kho truyện đồ sộ
Về ma và về người.


Cuốn Liêu Trai Chí Dị
Gồm mười sáu tập dày,
Bốn trăm bốn tám truyện,
Rất nổi tiếng xưa nay.


Ông còn viết tiểu thuyết,
Thơ có hơn nghìn bài,
Nhưng có giá trị nhất
Vẫn là bộ Liêu Trai.


Ông viết truyện ma quái
Đọc mà nổi da gà.
Phải khen ông giỏi phịa,
Không thể nào dứt ra.


Vậy là ở dưới ấy
Cũng hệt như trên này,
Không chuyện gì không có,
Cả ma gian, ma ngay.


Cuộc sống ma phức tạp
Chẳng thua kém con người.
Người và ma đan quyện,
Lạ kỳ và buồn cười.


Khi đọc, tôi để ý
Thấy ông Bồ Tùng Linh
Thích viết chuyện ma nữ
Tìm người sống làm tình.


Chắc không phải vô cớ.
Mà nghe đồn ông ta,
Tác giả truyện ma quái,
Không hề tin có ma.


Bạn có tin không nhỉ,
Hay ít nhất có lần
Từng gặp ma, thậm chí
Đã cùng ma ái ân?


Mà thôi, chuyện tế nhị,
Ta để sau, bây giờ
Xin bắt đầu câu chuyện
Chắc có bạn đang chờ.

2
Xưa có một chàng nọ,
Nhà nghèo, lại hơi đần,
Nhưng bù lại, đẹp mã,
Thích nói chuyện thơ văn.


Các cô nhìn, lác mắt.
Gã lại khéo tỏ tình,
Nên cuối cùng vớ được
Một nàng rất thông minh.


Lấy nhau xong, nàng ấy
Mới biết chồng là ai,
Đành quyết tâm dạy dỗ
Để mau chóng thành tài.


Nàng kèm cặp kinh lắm,
Bắt chàng, nghĩ mà thương,
Phải viết đúng, viết đẹp,
Đêm mới được chung giường.


Bản tính chàng lười biếng,
Thế mà cái cách này,
Chỉ cách này thôi nhé,
Giúp tiến bộ từng ngày.


Thật tiếc, dù tiến bộ,
Nhưng đi thi lần nào
Chàng cũng ở cuối bảng,
Uổng công vợ, buồn sao.


Cuối cùng nàng phát bẳn,
Bảo chồng lo việc nhà
Đê vợ đi thi hộ,
Dẫu thân phận đàn bà.

Nàng cải thành nam giới

Rồi lên đường đi thi.
Thi, trúng luôn giải nhất,
Làm xáo động kinh kỳ.

Nàng được bổ quan huyện,

Rồi quan phủ, nhiều cô
Muốn nâng khăn sửa túi,
Nàng nhất định không cho.

Sợ triều đình trị tội

Đóng giả thành đàn ông,
Sáng sáng làm quan lớn,
Tối về ngủ với chồng.

Anh chồng thì thật sướng,

Khác hẳn với người ta.
Vợ làm quan vất vả,
Anh nằm khểnh ở nhà.

Bao nhiêu lộc anh hưởng,

Chẳng việc gì đến tay,
Đều đặn nhận hối lộ,
Ngủ với gái hàng ngày.

Cứ thế kéo dài mãi

Cho đến lúc quan bà,
Ấy, quan ông, xin lỗi
Về hưu vì tuổi già.


Lúc ấy quan chính thức
Bỏ quần áo đàn ông
Lần nữa lại thành vợ
Sống hạnh phúc với chồng.


3
Câu chuyện chỉ có thế.
Chẳng có con ma nào.
Ma tình cũng chẳng có.
Nhưng ngẫm kỹ, dù sao


Đó cũng là chuyện lạ,
Có thể nói hoang đường,
Hay thậm chí chí dị,
Vì mấy ai, người thường,


Được vợ đi thi hộ,
Hộ cả việc làm quan,
Tối đến ôm quan ngủ,
Sống cuộc sống an nhàn.


Thành ra ông tác giả,
Tức là Bồ Tùng Linh,
Cứ tưởng viết đơn giản,
Mà ngẫm, thấy cũng kinh!



GIỮ CHỒNG

1
Câu chuyện này ngắn gọn,
Cũng của Bồ Tùng Linh,
Không hề có ma quái,
Nhưng đọc vẫn thấy kinh.


Chuyện nói về nghệ thuật
Làm sao giữ được chồng
Cái thời xa xưa ấy
Khi mấy bà một ông.


Vốn dĩ hòa vi quí,
Muốn được sống bình yên,
Tôi là một chiến sĩ
Trên mặt trận nữ quyền.


Vì rất yêu phụ nữ,
Dẫu cũng một anh chồng,
Tôi thực sự muốn họ
Biết xỏ mũi đàn ông.


Vì thế, tuy buồn ngủ,
Vợ từ lâu đang chờ,
Tôi vẫn thức, chép lại
Câu chuyện này bằng thơ.


2
Xưa, chàng Hồng Đại Nghiệp,
Người gốc ở Yên Kinh,
Có vợ là Chu Thị
Đảm đang và rất xinh.

Họ sống thật hạnh phúc,
Như chim cu bên nhau
Cho đến ngày Đại Nghiệp
Lấy vợ lẽ - cô hầu.


Cô này tên Bảo Đới,
Nhan sắc loại bình thường,
Thế mà thật khó hiểu,
Lại được chồng yêu thương.


Thành ra bà vợ cả,
Tốt từ đầu đến chân,
Chiều chuộng chồng hết mực
Mà vẫn bị xa dần.


Trong khi ông hàng xóm
Cũng hai bà trong nhà,
Vợ cả luôn vui vẻ,
Chẳng bao giờ kêu ca.


Hơn thế, cô vợ bé
Trẻ trung và xinh tươi
Không được chồng yêu quí
Như vợ cả bốn mươi.


Chắc bà ta phải có
Cái bí quyết giữ chồng
Để tuổi già, kém sắc
Vẫn thu hút đàn ông.


Thế là nàng Chu Thị
Sang thỉnh giáo bà này.
Bà có tên Hằng Thị,
Kinh nghiệm và dạn dày.


Thế là than với khóc,
Chuyện phụ nữ với nhau,
Là chia sẻ kinh nghiệm
Là lời khuyên như sau:

“Một - Em cứ kệ nó,
Cho nó ngủ suốt ngày
Với cái con bé ấy,
Rồi nó sẽ chán ngay.

Phàm ở đời là thế,
Cứ cái gì quá thừa
Là trước sau cũng ngấy.
Về làm thế, nhớ chưa?”


Lập tức nàng Chu Thị,
Thay tiếng bấc, tiếng chì,
Luôn miệng dục Bảo Đới:
Lên giường với anh đi!


“Hai - Hằng Thị lại dặn, -
Em về nhà từ nay
Vờ ăn mặc nhếch nhác,
Vờ làm lụng suốt ngày,


Để cho hắn xót vợ.
Em - vợ cả cơ mà.
Hắn sẽ bắt con bé
Thay em làm việc nhà!”


Mọi việc đúng như vậy.
Khoảng chừng một tháng sau:
“Hôm nay em và chị
Đi chơi chùa với nhau.


Nhớ ăn mặc thật đẹp,
Son phấn cũng chẳng sao.
Tối hắn sẽ mò đến,
Đóng cửa, đừng cho vào!”


Phải công nhận Hằng Thị
Nhà tư vấn đại tài.
Anh chồng tội nghiệp ấy
Ba đêm phải đứng ngoài.


Đêm thứ tư, may quá,
Anh ta được vào phòng,
Quên hết cả vợ bé,
Ân ái thật mặn nồng.


Và rồi sau, thành lệ,
Hàng ngày cứ bảy giờ
Là vào phòng vợ cả
(Kẻo đóng cửa) và chờ.


3
Qua truyện này, ta thấy
Rằng cuộc chiến giành chồng
Vô, vô cùng ác liệt
Dù thầm lặng, đúng không?


May thời ta, dân chủ,
Chỉ mỗi ông một bà
(Ấy là nói chính thức),
Nên gia đình thuận hòa.


Hy vọng các bà vợ,
Các ông chồng ngày nay
Rút ra được bài học
Trong cái cuộc chiến này.


Nhân tiện, xin được nói
Tôi là “người gia đình”,
(Family man), đúng thế,
Nhưng cứ nghĩ: Thực tình


Nếu pháp luật cho phép
Được lấy thêm mấy bà,
Thì tôi xin lấy trước,
Cam kết sống thuận hòa.


Hơn thế, tôi sòng phẳng,
Không để ai mất lòng.
Sưu thuế nộp đầy đủ,
Khỏi phải tranh giành chồng.


Tôi đề nghị Quốc Hội
Cái việc ấy nên bàn.
Năm ngoái, để tìm hiểu,
Tôi sang tận Iran.


Ở đấy, theo Hồi luật,
Đàn ông, thật khó tin,
Được phép lấy bốn vợ,
Thê thiếp đúng một nghìn.


Nhưng rồi tôi thất vọng
Thấy nước này đàn ông
Bỏ phí quyền của họ,
Vẫn một vợ một chồng.


Một bác tài cho biết
Rằng ở nước ông ta
Chỉ bốn người dũng cảm
Cưới nhiều hơn một bà.


Thật thế ư? Có thể
Ở Iran, đàn ông,
Đẹp trai thì đẹp thật,
Nhưng yếu khoản làm chồng.


“Bốn vợ ư? - ông nói. -
Bốn vợ để làm gì?
Tôi chỉ muốn nửa vợ!”
Tin hay không thì tùy.


Cái ý tưởng “nửa vợ”
Nghe cũng thấy hay hay:
Đỡ sưu cao thuế nặng,
Lại chỉ gặp cách ngày.


Thế là tôi cụt hứng
Bỏ ý định lưu vong
Sang Iran sinh sống
Để có quyền làm chồng


Của bốn bà chính thức
Cùng một nghìn thiếp tỳ.
Thậm chí muốn nửa vợ -
Lại tin không thì tùy.


PS.
Câu chuyện này hư cấu
Của Facebook mà thôi,
Không phản ánh quan điểm
Và lập trường của tôi.


Tôi rào trước như vậy
Để tránh vợ hiểu lầm.
Mụ Vợ tôi, thú thật,
Rất kinh và rất thâm.


Cuối cùng, xin được chúc
Các bà giữ được chồng.
Giới mày râu cố gắng
Giữ được chất đàn ông.



TÌNH GIÀ

Ở Tế Dương, thôn Chúc,
Xưa có một ông già,
Bỗng dưng lâm bệnh chết,
Ở cái tuổi sáu ba.


Mọi người đang tất bật
Lo lễ tang cho ông.
Ông thì nằm thanh thản
Trong quan tài giữa phòng.


Bỗng nhiên ông bật dậy
Rồi ra khỏi quan tài.
Cháu con nhìn, vui sướng,
Cũng có anh thở dài.


Ông bảo vợ: “Tôi chết,
Bỗng nhiên thấy thương bà,
Nên chưa xuống âm phủ,
Mà lại quay về nhà.


Trước ta thề chung thủy
Đến răng long, bạc đầu.
Không lẽ nay đơn độc
Ta chết không có nhau.


Vì thế tôi quay lại,
Rủ bà cùng đi luôn.
Có bà, tôi thêm bạn,
Mà bà cũng đỡ buồn.”


Mọi người nghe, liền nghĩ
Ông mê sảng linh tinh,
Nhưng ông nghiêm mặt nói
Với bà vợ của mình:


“Giờ bà hãy nằm xuống.
Nằm thế này, bên tôi.
Duỗi hay tay thoải mái,
Rồi ta đi có đôi.”


Bà già hơi sờ sợ,
Cứ tưởng ông đùa chơi,
Vả, muốn chối cũng khó,
Nên bà nằm thẳng người.


Và thế là hai cụ
Trước mặt đám cả đám đông
Nằm bên nhau như thể
Đang ngủ say trong phòng.


Mặt các cụ thanh thản,
Lại còn nắm tay nhau.
Họ ngủ thật, mắt nhắm,
Ngủ say và khá lâu.


Khi người nhà gọi dậy,
Thì hai người, than ôi,
Toàn thân đã lạnh toát,
Xem, thì đã chết rồi.



CHUYỆN SƯ CỤ Ở TRƯỜNG THANH

Ngày xưa có sư cụ,
Khỏe mạnh, đang ngồi thiền,
Bỗng gục xuống, viên tịch,
Tuổi ngoài tám mươi niên.


Sau đó, hồn sư cụ
Bay đến tỉnh Hà Nam,
Trong khi các đồ đệ
Làm những việc cần làm.


Tại Hà Nam lúc ấy
Con trai một thân hào
Cùng gia nhân săn bắn
Ở một vùng núi cao.


Thả chim ưng săn thỏ,
Chàng phóng ngựa như bay.
Bỗng con ngựa vấp ngã,
Chàng ngã theo, chết ngay.


Hồn sư cụ lập tức
Liền nhập vào xác chàng.
Một lúc sau chàng tỉnh,
Ngạc nhiên và ngỡ ngàng.


Vậy là giờ sư cụ
Đội lốt một chàng trai.
Về đến nhà, lập tức
Thê thiếp đến ôm ngài.


Toàn những nàng diêm dúa,
Toàn xanh mắt, đỏ môi.
Sư cụ sợ, suýt ngất,
Miệng niệm Phật liên hồi.


Người ta nghĩ công tử
Bị sốc mà hóa điên,
Chắc mấy ngày sẽ khỏi,
Nên cũng để chàng yên.


Ngài dứt khoát từ chối
Các món ăn ngon lành,
Đòi ăn cơm gạo hẩm,
Với muối hoặc bát canh.


Ngài cũng không hiểu nổi
Sao người ta hàng ngày
Tìm đến xin ý kiến
Hết cái nọ, cái này.


Đáng sợ nhất là chuyện
Đêm đêm rất nhiều cô
Tìm đến đòi “chuyện ấy”.
Ngài cương quyết không cho.


Một hôm, ngài ra lệnh
Thắng xe đi Trường Thanh.
Sau mấy ngày vất vả,
Ngài tìm được chùa mình.


Nghe có công tử đến,
Sư cung kính chào mời.
Được hỏi về sư cụ,
Họ đáp đã chết rồi.


Ngài xin ra xem mộ,
Thấy mô đất sè sè,
Cô đơn và lạnh lẽo,
Cỏ chưa bám, vàng hoe.


Ba tháng sau, quay lại,
Sư trong chùa thất kinh
Khi nghe công tử nói
Chàng là thầy của mình.


Ngài kể hết mọi chuyện,
Rất nhiều chuyện trước đây,
Dẫu ngạc nhiên, bối rối,
Nhưng cũng phải tin thầy.


Thế là chàng công tử
Tuổi chưa đầy ba mươi,
Thành trụ trì tám chục,
Lại uyên tâm hơn người.


Vợ chàng cứ đều đặn
Gửi thức ăn, áo quần,
Có hôm còn bóng gió
Muốn ở lại “được gần”.


Nghĩ mà tội cho “cụ”:
Vợ xin, lại dịu hiền,
Thế mà hễ thấy bóng
Là “cụ” lại ngồi thiền.



NGƯỜI BÁN LÊ

1
Ở ngoài chợ ngày nọ,
Có một ông nhà quê
Kiếm được tiền kha khá
Chỉ nhờ vào xe lê.


Lê ông ngon, đúng thế,
Nhưng đắt hơn người ta.
Người khác chỉ đòi một,
Ông thì tham, đòi ba.


Ừ cái chuyện buôn bán,
Đòi bao nhiêu mặc lòng.
Tiếc, có một đạo sĩ
Đứng cạnh, hỏi xin ông


Chỉ một quả nho nhỏ,
Có dập thối, không sao,
Ôn nông dân tiếc của
Không chịu cho quả nào.


Thấy thế, một người khách,
Mua một quả lê to
Rồi đưa cho đạo sĩ,
Mà không chút so đo.


“Cảm ơn”, đạo sĩ nói,
“Tôi cũng có cái này
Để chiêu đãi các vị.
Vậy xin mời lại đây.”


Nói đoạn, lấy chiếc xẻng
Ông đang vác trên vai,
Đào một chiếc hố nhỏ,
Bẻ quả lê làm hai.


Bỏ hạt lê xuống hố,
Lấp đất xong, và rồi
Mọi người cười khi thấy
Ông tưới bằng nước sôi.


Thế mà ngay lập tức
Một chồi non e dè
Nhú lên, to lên mãi
Cuối cùng thành cây lê.


Cây lê ấy sai quả.
Thật to ngon, thật tươi.
Đạo sĩ chúng xuống,
Phân phát cho mọi người.


Ông nhà quê bủn xỉn
Thấy thế cũng chen vào
Xin được một quả lớn,
Nhồm nhoàm ăn, ngon sao.


Chẳng mấy chốc lê hết.
Ông đạo sĩ chặt cây,
Xếp lại thành bó củi,
Vác lên vai đi ngay.


Người bán lê bắt chợt
Ngoái lại nhìn - ôi chao:
Cả xe lê đầy ắp
Giờ không còn quả nào!


Giờ ông ta mới hiểu
Ông đạo sĩ thật ra
Đã lấy lê ông bán
Phân phát cho người ta.


Muốn đuổi theo chẳng được.
Ông kia đã mất hơi.
Ông nhà quê tiếc của,
Chỉ còn biết kêu trời.


2
Cần cù và tốt thật,
Nhưng mấy bác nhà quê,
Về khoản tham, bủn xỉn
Cũng vào loại rất ghê.


Câu chuyện này, thí dụ,
Là bài học rất hay
Cho những người như thế.
Tham để rồi trắng tay.


Họ tưởng mình khôn lắm,
Kiểu khôn người nông dân,
Chỉ tư lợi cái nhỏ,
Chỉ nhìn thấy miếng ăn.

Nên cuối cùng họ thiệt,
Chỉ còn biết kêu trời.
Trời xa, nghe đâu thấu,
Và họ thành trò cười.

Nhận xét này, chính xác
Là của Bồ Tùng Linh.
Tôi chỉ việc chép lại.
Một nhận xét thông minh.

Thường kể xong mọt truyện,
Ông viết thêm vài lời,
Ngắn gọn và thâm thúy,
Gọi là để “bình chơi”.

Sunday, April 5, 2015

NHÂN DANH CÔNG LÝ




Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Một sáng nọ người ta phát hiện thấy có người chết ở bờ đê sông Hồng, cách nhà nghỉ Giấc Mơ Vàng không xa. Nạn nhân là một người đàn ông trạc bốn mươi, bốn lăm tuổi, mặc com-lê màu xám và đeo cà vạt. Ông ta bị bắn chính giữa trán, từ cự li gần. Không có dấu hiệu vật lộn trước khi chết. Rõ ràng đây không phải vụ giết người cướp của thông thường, vì chiếc xe Spacy mới của nạn nhân vẫn nằm cạnh. Chiếc ví đựng khá nhiều tiền, kể cả mấy tờ trăm đô-la, chiếc đồng hồ Thụy Sĩ chính hiệu cũng còn nguyên. Hung thủ đã khôn khéo xóa hết dấu vết và chỉ để lại mảnh giấy trên xác nạn nhân. Tờ giấy đánh máy vi tính in sẵn, chứng tỏ vụ mưu sát được chuẩn bị kỹ từ trước.
"Đây là một tên tham quan rất khôn ngoan, xảo quyệt, nhờ vậy suốt nhiều năm hắn tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Nhân danh công lý, hôm nay tôi bắt hắn đền tội. Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra kỹ vụ này để khui ra đồng bọn, một việc tạm thời tôi không có thời gian làm. Cứ hỏi tay thư kí và vợ tên tham quan này sẽ biết rõ mọi chuyện. Đừng uổng công tìm bắt tôi. Tự tôi sẽ ra đầu thú khi xong việc.
Bao Công"
Nhà chức trách nhanh chóng xác định nhân thân người bị hại. Ông ta là vụ trưởng vụ kế hoạch đầu tư của một bộ quan trọng. Song song với việc truy tìm tên tội phạm kì cục tự xưng là "Bao Công" ấy, người ta cho tiến hành điều tra những việc làm vốn bị dị nghị xưa nay của ông vụ trưởng và một số người liên quan. Cũng theo gợi ý của "Bao Công", tay thư kí và bà vợ nạn nhân đã bị chất vấn nhiều chuyện. Tất nhiên họ chối bỏ tất cả. Theo chỉ thị của đích thân bộ trưởng, một đoàn thanh tra được thành lập để làm rõ vụ việc.
Trong khi bên công an chưa tìm thấy bất kì dấu vết nào của kẻ giết người kỳ cục thì ở bộ, mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Lần ngược thời gian và các sự kiện, người ta phát hiện thấy ông vụ trưởng xấu số kia, một cách rất tinh vi đúng như "Bao Công" nhận xét, suốt nhiều năm liền đã ăn chặn tiền ngân sách trung ương cấp cho địa phương. Tất nhiên ông ta thông đồng với nhiều người khác. Kết quả là một loạt cán bộ có chức quyền ở bộ này đã bị bắt vì tội tham nhũng, hàng chục tỉ đồng được thu hồi. Báo chí và dư luận được một phen sôi nổi bàn tán. Nhiều người công khai bày tỏ cảm tình với "Bao Công". Tuy nhiên, công an hình sự lại nghĩ khác, và vẫn ráo riết tìm bắt hắn.
Đang khi vụ án tưởng rơi vào bế tắc thì "Bao Công" lại xuất hiện. Lần này ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo giám định y khoa thì nạn nhân bị giết từ khoảng mười hai giờ đêm đến một giờ sáng, ngay trên giường ngủ của ông ta tại tầng trệt, trong khi vợ con ở tầng trên không hay biết gì. Điều này cho thấy hung thủ đã dùng súng giảm thanh loại hiện đại nhất. Cạnh xác nạn nhân là tờ giấy do chính ông ta viết. Những ngón tay cứng đờ còn giữ chặt chiếc bút chưa đậy nắp. Tờ giấy mở đầu bằng câu: "Tôi là... phó chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ tỉnh... cùng kế toán trưởng..." Tiếp đến là danh sách một số người khác trong Hội đã thông đồng khai giảm số tiền quyên góp của nhân dân cả nước ủng hộ đồng bào tỉnh nhà trong đợt lũ lụt lịch sử năm ngoái để chia nhau số tiền là... tỉ đồng. "Bao Công" cũng không quên để lại đôi lời. Vẫn tờ giấy chuẩn bị sẵn như trước.
"Theo tôi, thằng này đáng bị tùng xẻo, nhưng vì không quen làm việc dã man ấy, tôi chỉ bắn hắn hai phát. Một vào trán. Một vào bàn tay phải bẩn thỉu quen đếm tiền ăn cướp của hắn. Hẹn gặp lại!
Bao Công".
Lần này thì người ta chẳng mất công điều tra lâu. Cứ theo tên họ những kẻ do chính ông phó chủ tịch khai mà tìm đến. Biết quanh co mãi chẳng ích gì, tất cả bọn chúng thành thật khai hết, mong được chiếu cố giảm nhẹ khi xét xử. Chúng phải ra hầu tòa với các mức án thích đáng. Tiếc không có mặt "Bao Công" hôm ấy. Cũng có thể hắn có mặt nhưng không ai biết. Hóa ra vụ ăn chặn tiền bão lụt ở Nghệ An ngày nào gây xôn xao cả nước chẳng thấm vào đâu so với vụ này, cả về số lượng tiền và người dính líu.
"Bao Công" hẹn gặp lại! Một người như hắn chắc không thất hứa. Vậy sắp tới hắn sẽ giết ai đây và ở đâu? Đó là điều quan tâm không chỉ của nhà chức trách mà còn của rất nhiều người khác.
Hắn đã không bắt chờ lâu. Trưởng đồn cửa khẩu biên giới một tỉnh phía bắc bị bắn chết rất dã man ngay trong phòng làm việc của mình vào giờ nghỉ trưa. Bắn vào họng, không phải một mà ba phát liên tiếp. Khác hai lần trước, "thông điệp" "Bao Công" để lại lần này là cả một bản tuyên án dài, cũng được in sẵn, trong đó có đoạn viết:
"... Nhân danh công lý và những người có lương tâm muốn bảo vệ nòi giống khỏi bị ma túy hủy diệt, tôi tuyên án tử hình tên... về tội lạm dụng chức quyền tiếp tay cho bọn buôn lậu đưa một khối lượng lớn ma túy vào Việt Nam. Hơn thế, hắn còn là chủ một đường dây tinh vi, hoạt động buôn bán loại hàng chết người này suốt nhiều năm nay. Trước khi thi hành bản án, tôi đã bắt hắn nuốt 200 gam heroin nguyên chất. Lưu ý nhà chức trách khi điều tra vụ này hãy tìm đến các địa kèm theo đây..."
Dưới bản "tuyên án" ấy hắn vẫn kí tên "Bao Công", kèm theo chữ "hẹn gặp lại" như lần trước. Ngoài ra, hắn còn để thêm một tờ giấy nữa với nội dung như sau:
"Đây là ba bánh heroin cùng 500 triệu đồng và 3000 đô-la tôi vừa bắt hắn giao nộp. Sáng nay, lúc mười giờ mười lăm phút, hắn đã để chiếc xe mang biển số... do tài xế... điều khiển đi qua cửa khẩu với khoảng năm hoặc sáu bánh heroin. Xin lỗi vì tôi không có thời gian kịp xác dịnh chính xác".
Tờ giấy bổ sung này cũng được viết và in bằng máy vi tính, có lẽ ngay tại hiện trường vụ án mạng. Vậy là hắn, tên "Bao Công" ấy, không phải tay vừa. Hắn có súng giảm thanh, có vi tính xách tay, hiểu biết nhiều và đặc biệt là tay sát thủ siêu hạng, một khi hắn dễ dàng đột nhập vào phòng ông trưởng đồn, giết ông ta và cũng dễ dàng như vậy thoát ra ngoài mà chẳng hề bị phát hiện.
Thế là một đường dây ma túy lớn nữa được khui ra, với ba án tử hình (không kể tên trưởng đồn đã bị hành quyết trước khi tòa tuyên án chính thức), năm án chung thân và vô số án tù từ sáu tháng đến hai mươi năm. Các phương tiện truyền thông đại chúng đua nhau đưa tin về "vụ án lịch sử" này, tất nhiên không quên kèm theo nhiều chi tiết giật gân có thật và không có thật về "kẻ sát nhân yêu công lý" kia.
Có thể nói cả nước đang sôi sục lên với hội chứng "Bao Công". Không ai bảo ai, cứ đến giờ thời sự là mọi người ngồi chờ sẵn bên máy thu hình với sự háo hức còn lớn hơn thời bộ phim "Bao Công xử án" được nhiệt liệt chào đón cách đây mấy năm. Trong khi nóng lòng chờ cơ quan chức năng bắt được "Bao Công" để xem hắn là ai, người ta chỉ còn biết ngồi đàm tiếu, đoán già đoán non và thêu dệt không ít huyền thoại về hắn. Nói chung khen nhiều hơn chê. Trong con mắt mọi người hắn là tay kì cục đáng yêu, đại khái như một hảo hán giang hồ ngày xưa.
Một lực lượng an ninh khổng lồ được huy động để bắt hắn. Thế mà hắn vẫn biệt tăm, khiến không ít người cho rằng chính nhà chức trách muốn để hắn tiếp tục tự do làm cái việc "thực thi công lý" độc đáo ấy của mình. Thực ra thì người ta đang muốn bắt hắn càng sớm càng tốt, dù biết trước sau hắn cũng ra tự thú. Hắn đã hứa và chắc sẽ giữ lời hứa "khi xong việc". Nhưng biết bao giờ hắn mới làm xong cái việc tiêu diệt bọn tham nhũng lọt lưới pháp luật ấy? Người ta hình dung hắn đã lập một danh sách (chắc phải dài lắm) những kẻ hắn sẽ giết "nhân danh công lý". Xong một đứa, hắn sẽ xóa tên đứa ấy khỏi danh sách, cứ thế cho đến tên cuối cùng. Trong thời gian ấy hắn có thể bổ sung nhiều tên khác. Tóm lại, theo cách suy diễn này thì còn lâu mới đến lúc hắn ra đầu thú.
Nạn nhân tiếp theo của "Bao Công" là giám đốc, hay đúng hơn, cựu giám đốc một công ty xây dựng ở Quảng nam, chứ không phải Lạng Sơn như một số báo đưa tin nhầm. Hắn từng một thời được báo chí nhắc đến do vụ chiếc cầu công ty hắn thi công đưa vào sử dụng chưa được một năm đã có dấu hiệu nứt đổ, khiến nhà nước phải đầu tư thêm hàng tỉ đồng gia cố. Những người có trách nhiệm trong vụ này phải ra hầu tòa, riêng hắn chỉ bị “phê bình nội bộ” rồi chuyển công tác khác, lương tuy ít nhưng chức lại cao hơn. "Bao Công" đã bắn hắn chết, xác tựa vào chân chiếc cầu do chính hắn phụ trách xây dựng. Trên ngực vẫn có tờ giấy với kiểu chữ và màu mực quen thuộc, dấu vết duy nhất kẻ giết người để lại. Sở dĩ nói duy nhất vì giống những lần trước, người ta không phát hiện thấy bất kì một cái gì khác, kể cả vỏ đạn, vết giày dép, vân tay hoặc các mẩu thuốc lá.
"Nhân danh lẽ phải và công lý, tôi tuyên bố thay đổi phán quyết sai trái của tòa án trước đây từ cảnh cáo thành tử hình. Những bằng chứng không thể chối cãi chống lại hắn mà tôi thu thập được hiện nằm trong chiếc cặp cạnh xác hắn. Theo đó, tòa có thể mở phiên xử lại và truy tố thêm tên phó giám đốc... tên kế toán trưởng... và một số tên khác, về tội ăn bớt tiền nhà nước bằng cách mua vật tư kém chất lượng dẫn đến sự cố nứt rạn cầu. Số tiền chúng tham nhũng chia nhau và đút lót để trốn tránh trách nhiệm cũng được ghi rõ trong các tài liệu nói trên.
Tôi còn nhiều việc phải làm nên tạm thời chưa thể ra đầu thú, mặc dù thực sự mong muốn điều ấy xảy ra càng sớm càng tốt.
Bao Công"
Kèm theo là một danh sách dài những người đã nhận hối lộ, trong đó có mấy vị thanh tra xây dựng, cán bộ tòa án và chính quyền sở tại. Trong miệng ông cựu giám đốc xấu số có một cục xi măng vỡ từ ụ cầu kém chất lượng. Có lẽ nạn nhân đã bị hung thủ bắt nuốt nó trước khi bị bắn chết. Cũng chính giữa trán và ở cự li rất gần.
Cả lần này công lý cũng được khôi phục. Tiếng tăm "Bao Công" càng tăng, và người ta càng quan tâm đến hắn.
Sau đó hầu như tháng nào hắn cũng ra tay, đối tượng của hắn cũng rất khác nhau rải rác khắp cả nước. Có cả các quan chức cấp cao, thậm chí rất cao, liên quan đến những dự án lớn do quốc tế tài trợ. Hai vị trong ngành ngân hàng. Một vị ở ngành dệt trong vụ nhập thiết bị lạc hậu của nước ngoài. Tuy nhiên có khi nạn nhân của hắn chỉ là một mụ đàn bà hoặc một gã đàn ông ú ở nào đó suốt đời sống nhà cấp bốn, bỗng được đề bạt vào chỗ có chức quyền ở cấp địa phương thôi, thế mà nhanh chóng "đổi đời", xây nhà lầu, sắm xe hơi và ăn chơi hơn dân sành điệu cấp thành phố.
Có một điểm chung rất nhất quán từ trước tới nay: tất cả nạn nhân của hắn đều là bọn tham nhũng cỡ bự. Nhiều người gọi hắn "Bao Công chống tham nhũng" là vì thế. Có lẽ hắn không đủ sức và thời gian để mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác không kém phần nghiêm trọng, như hình sự và tệ nạn xã hội chẳng hạn. Không phải ai hắn cũng giết. Tùy mức độ tội phạm, có đứa chỉ bị hắn hăm dọa, bắt phải tự ra khai báo với chính quyền. Không biết hắn dọa kiểu gì mà nhiều đứa đã làm đúng như hắn yêu cầu, sau đó tuyệt nhiên không đứa nào dám để lộ bất kì chi tiết nào về hắn.
Hắn thoắt ẩn thoắt hiện, nay tỉnh này mai tỉnh khác cách xa hàng nghìn cây số, cứ như có phép tàng hình. Cũng chỉ bằng cách cho là ma, người ta mới giải thích nổi vì sao hắn biết được nhiều chuyện đến thế. Biết một cách tường tận và rất chính xác. Vậy mà "con ma" hay "kẻ có phép tàng hình" ấy dường như cũng tỏ ra mệt mỏi. Bằng chứng là một lần, trong tờ giấy để lại trên xác nạn nhân, hắn đề nghị nhà nước khôi phục án tử hình dành cho những kẻ tham nhũng lớn, vì nếu không, hắn không làm xuể và sẽ chẳng bao giờ có thể tự ra đầu thú như mong muốn.
Suốt một thời gian dài, cho đến tận bây giờ và có lẽ còn kéo dài không biết bao lâu nữa, hắn là trung tâm chú ý của tất cả mọi người. Công an lo bắt hắn. Người dân lương thiện thì vui mừng ra mặt vì tự dưng có kẻ trừng trị giúp họ bọn tham nhũng xưa nay họ biết đấy, thấy rành rành ra đấy mà chẳng làm gì được. Còn bản thân những tên tham nhũng, đặc biệt loại cỡ bự, thì không nói cũng biết đang lo sợ thế nào, lo sợ và nơm nớp chờ "Bao Công" sờ gáy mình. Người ta đã nói đến việc bây giờ vị nào đang béo tốt bỗng kém ăn mất ngủ và gầy sọm hẳn đi, thì đích thực vị ấy là một tên tham nhũng chưa bị phát hiện. Cứ theo những dấu hiệu ấy mà bắt, chí ít một trăm trường hợp cũng đúng chín mươi...
Tóm lại, đâu đâu người ta cũng bàn tán về "Bao Công" và những thành tích giết người của hắn. Câu "Có tin gì mới về Bao Công không?" được thay cho lời chào hàng ngày.
Kia, có mấy ông bạn đang dừng xe, bước vào quán bia Lan Chín cạnh Nhà Hát Lớn.
- Có tin gì mới về Bao Công không? - một ông nói khi họ ngồi vào bàn, chờ mang bia tới.
- Cái thằng cha Bao Công ấy kể cũng kì đấy nhỉ? - một người đáp. - Theo các cậu, hắn là người thế nào?
- Là Bao Công chứ còn gì nữa, - người thứ ba nói. - Bao Công đời trước bây giờ hiện về giúp ta xóa sổ bọn tham quan chó chết. Tiếc là bây giờ ông không thể thi hành án theo kiểu "cẩu đầu trảm" như xưa. Chó thì phải giết theo kiểu chó chứ!
- Hắn đơn giản chỉ là tên giết người hàng loạt, - một người khác nói. - Phải bắt giữ càng sớm càng tốt. Dù bất kì lí do gì, giết người kiểu ấy là không thể chấp nhận được. Trong xã hội văn minh, mọi việc cứ phải đàng hoàng và thông qua xét xử công khai của tòa án...
- Nhưng pháp luật và tòa án làm không xuể. Đấy là còn chưa nói đến tiêu cực.
- Tớ thì tớ nghĩ nước ta bây giờ nên có càng nhiều Bao Công như thế càng tốt. Ít ra đến nay ông ta chưa giết oan người nào. Thay cho việc lùng bắt, theo tớ chính quyền phải mời ông ta hợp tác, giao cho cái chức Chủ nhiệm Uỷ ban chống tham nhũng chẳng hạn, vừa hiệu quả lại vừa khỏi làm cái chuyện "nhân danh công lý" bất hợp pháp mà cậu vừa nói...
- Thế còn việc hắn đã giết chừng ấy người thì sao?
- Thì cứ theo công tội mà xử. Cùng lắm vào tù mấy năm rồi ra làm Chủ nhiệm cái Uỷ ban kia cũng chưa muộn.
- Nói như cậu!
Cứ thế, câu chuyện xung quanh nhân vật Bao Công bí ẩn kia kéo dài mãi tưởng không bao giờ dứt. Cuối cùng, một người trong bọn họ vốn từ nãy đến giờ chỉ im lặng ngồi nghe, bỗng lên tiếng với giọng nhỏ nhẹ và đầy triết lý:
- Theo tớ, cái anh Bao Công này là nhân dân. Hay chính xác hơn, ý nguyện của nhân dân. Vì là nhân dân nên Bao Công mới biết được nhiều và chính xác như thế. Tất nhiên nhân dân không giết người theo kiểu dã man ấy. Chẳng qua đó là cách biểu hiện thái độ công phẫn của mình, đồng thời là cách nhắc nhở các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa. Cũng vì là nhân dân, Bao Công sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh. Vậy thì bọn tham nhũng hãy liệu hồn! Lưới trời lồng lộng, chạy làm sao cho thoát.
Mấy người kia ngồi im. Có thể vì họ thấy anh này nói đúng. Cũng có thể lúc ấy họ đã uống quá nhiều nên mệt mỏi không còn hứng tranh luận.

Hà Nội, 5.4.2001

NHÀI



Truyện ngắn. Thái Bá Tân
         
Lần ra Hà Nội công tác gần đây, ông N., người bạn cũ từng cung cấp tư liệu giúp tôi viết truyện ngắn “Cái chết của con voi chột” hai mươi năm về trước, đã kể tôi nghe một câu chuyện kỳ lạ, cũng xẩy ra ở cái nông trường S.V ấy. Nếu có điều gì phi lý, cho rằng không thể tin được, thì các bạn cứ trách ông chứ không phải tôi, người đơn thuần chỉ thuật lại một cách trung thực.                     
                                                *     
Ở thị trấn miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An, cách đây khoảng chục năm có người họ Bùi, tên Kiên. Không ai biết nhân thân, quê quán hắn ở đâu, chỉ thấy một hôm có mấy người lạ xuất hiện, đẵn cây dựng ngôi nhà nhỏ bên rìa thị trấn. Rồi mấy người kia đi, để mình hắn ở lại. Có lẽ họ là dân đào vàng thất bại không muốn trở về quê. Thị trấn phát triển, khu hắn ở dần dần thành xóm mới và hắn nghiễm nhiên thành láng giềng của mấy gia đình khá giả có nhà mái bằng một, hai hoặc thậm chí ba tầng, nhà nào cũng có rào sắt bao quanh sơn màu xanh tươi, hơi chối đối với người thành thị xịn, nhưng đó là mốt của dân ở đây. 
Hắn hiền lành, chỉ tội hơi đần độn, không biết học hành được bao nhiêu nhưng cách cư xử, ăn nói thì không đến nỗi. Mà hắn cũng rất ít nói. Chỉ cười, thấy ai cũng cười, kiểu cười bộc lộ rõ chất thiểu năng trí tuệ của hắn.
Sống ở thị trấn, theo nghĩa nào đó là dân thành thị, nhưng hắn kiếm ăn hệt như người miền núi, hàng ngày vào rừng đào măng mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo và các thứ lặt vặt khác. Vì tốt bụng, hắn hay đem măng biếu không hàng xóm, giúp họ nhiều việc như cuốc mảnh vườn, sơn lại bờ rào. Tất nhiên không ai trả tiền công mà có trả hắn cũng không lấy. Thành ra mọi người thích, có thể nói thương hắn. Thương anh Kiên Hiền. Tội nghiệp anh Kiên Khù Khờ, hơn ba mươi tuổi rồi mà chẳng cô nào chịu lấy.
Thậm chí cả mụ Xinh nhà kề bên cũng thích hắn. Tên là Xinh nhưng mụ chẳng xinh chút nào, bốn mươi tuổi, to béo, mặt bóng nhẫy, nhìn kỹ thấy có những nốt đậu mùa to còn sót lại. Mụ đanh đá, độc ác, lại có tính lẳng lơ. Chồng mụ lái xe đường dài, có khi hàng tháng chẳng về. Thấy anh hàng xóm cao to trắng trẻo, dẫu ngốc nhưng đúng là người mụ cần, nhiều hôm mụ vờ gọi hắn sang nhờ này nọ rồi trắng trợn gợi ý. Có thể vì không muốn, vì sợ hoặc vì ngốc không hiểu, hắn chẳng chịu làm gì, khiến mụ tức lắm, một lần đốp luôn vào mặt: “Đàn ông mà ngu thế!” Đáp lại, hắn chỉ cười, nụ cười ngớ ngẩn thường ngày.
Lần nọ, chẳng hiểu thế nào cái thằng ngốc hiền lành ấy nhặt được đâu đó một cây nhài người ta vứt ngoài đường, đem về trồng trước ngôi nhà tuềnh toàng của mình. Cây hoa còn rễ nhưng đã héo, người khôn ngoan chắc chẳng trồng vì biết nó không sống nổi. Thế mà nó sống lại rất nhanh và chẳng bao lâu sau đã thành một bụi nhài xanh tốt nở nhiều hoa, tỏa hương thơm nồng, đến mức mụ Xinh chõ miệng sang, buông hai tiếng: Điếc mũi! Tuy nhiên, hắn lại thích cái mùi găn gắt dễ chịu ấy. Đêm đêm hắn xách ghế ra ngồi ngoài sân bên bụi nhài, thỉnh thoảng nhíu mũi hít thật sâu, có khi còn hái một bông mân mê trên tay, mặc cho mụ hàng xóm lườm nguýt hoặc cười duyên tình tứ. Đây là sự lạ, vì xưa nay hắn không thuộc loại người lãng mạn, lại càng xa với những thứ vớ vẩn như hương, hoa. Chẳng hiểu trong cái đầu chậm chạp và tăm tối ấy của hắn đã xuất hiện những ý nghĩ gì.
Một đêm, đang mơ mơ màng màng trên giường sau khi ngồi hàng giờ liền ngửi hương hoa ngoài sân, hắn bỗng nghe có tiếng cửa mở rồi tiếng chân ai đó đang bước vào rất khẽ. Lúc đầu tưởng ngái ngủ nghe nhầm, nhưng sau mở mắt, hắn ngạc nhiên thấy đúng có người vào nhà hắn thật mà lại phụ nữ. Một cô gái mặc đồ trắng dáng mảnh khảnh và hình như xinh. Nhờ ánh trăng chiếu chếch qua vách nhà thưa, hắn thấy đúng như vậy. Rõ ràng không phải mụ Xinh như lúc đầu thoạt tưởng. Hắn lấy làm lạ. Ai nhỉ? Sao lại vào đây và giờ này? Đầu óc chậm chạp của hắn bắt đầu ngọ nguậy. Có thể cũng vì chậm chạp và ngớ ngẩn nên hắn không thấy sợ như người bình thường trong những trường hợp tương tự. Chỉ tò mò. Người kia, đúng là một cô gái và cũng xinh, bước lại gần rồi nhẹ nhàng ngồi xuống mép chiếc giường nơi hắn, kể cũng lạ, vẫn nằm yên. Chắc lúc ấy hắn vẫn nghĩ đây chỉ là giấc mơ, một giấc mơ đẹp và hắn không muốn ngồi dậy để thất vọng quay lại với cảnh suốt đời một mình thui thủi.
- Cô là ai? - cuối cùng hắn lên tiếng hỏi.
- Em là Nhài, - cô gái nhỏ nhẹ đáp.
Hắn thích cái tên ấy, thích cả mùi hương hoa nhài tỏa ra từ người cô, hệt như mùi bụi hoa ngoài sân.
- Anh đã cứu sống em. Bây giờ em đến ở với anh, nếu anh không đuổi em đi. - Cô gái nói tiếp, âu yếm nhìn hắn.
Hắn không đáp vì chẳng biết nói gì. Cái khả năng nói vốn kém cỏi bây giờ hầu như tê liệt hoàn toàn. Hắn biết cả đời hắn chưa bao giờ cứu sống ai, nhất là cô gái xa lạ này. Nhưng hắn đã không đuổi khi cô ngả người nằm xuống cạnh. Dẫu ngốc, hắn cũng biết phải làm gì tiếp, ít ra đây không phải mụ Xinh xấu xí và đanh đá. Có thể cả lúc ấy hắn vẫn nghĩ mình đang mơ, mơ được chiếm đoạt một người đàn bà đẹp, lại có đúng cái mùi hắn thích. Người này đã tự nguyện đến với hắn.
Sáng hôm sau tỉnh dậy hắn mới thực sự ngạc nhiên khi thấy người đàn bà trong mơ ấy đang lúi húi làm gì trong bếp nhà hắn. Lát sau cô bê ra một đĩa sắn luộc và chiếc ấm chè xanh. Hắn ngỡ ngàng nhìn, cô chỉ cười e lệ. Lần đầu tiên trong đời có người đàn bà lo bữa sáng cho hắn.
- Nhài? - Cuối cùng hắn lên tiếng.
- Vâng, em là Nhài. Vợ anh.
Hắn lại càng ngạc nhiên hơn. Hắn đã có vợ? Cô gái xinh đẹp này là vợ hắn?
- Vợ?
- Vâng, em sẽ là vợ anh. - cô gái đáp. - Mà em đã là vợ anh. Anh không thích sao?
- Thích. - Hắn chỉ nói được từng tiếng một, vẫn chưa hoàn toàn tin những điều đang xẩy ra.
Hắn trố mắt nhìn cô gái tên Nhài, “vợ” hắn. Và nhíu mũi ngửi. Có mùi hoa nhài. Như mùi đêm qua, như ở ngoài sân. “Vợ” hắn vẫn mặc bộ đồ trắng, rất trắng và mịn. Xinh. Có điều nhợt nhạt, hình như hơi gầy. Hắn có cảm giác nhìn xuyên qua được người cô, cứ tưởng chỉ cần một cơn gió mạnh, thậm chí chỉ cần hắn chạm vào người hay nói to là cô có thể vụt bay đi mất. Mà hắn thì không muốn cô bay đi nên không hỏi thêm điều gì nữa, chỉ ngồi đực ra, vốn đã ngớ ngẩn trông lại càng ngớ ngẩn hơn.
Vậy là hắn đã có vợ. Vợ ra vợ chứ không như mụ Xinh, hay cả cô Hường con dâu ông chủ tịch thị trấn đối diện nhà hắn. Con trai ông cưới vợ tháng trước. To lắm, đông lắm, có cả ô tô. Còn cô dâu thì mọi người khen rất xinh và được tặng thật nhiều quà. Thế mà cô gái xinh đẹp đám cưới có ô tô ấy chẳng bằng Nhài. Đấy là chưa nói người cô kia không có mùi thơm như vợ hắn. Không nước hoa mà vẫn thơm. Hắn nghĩ thế và lấy làm thích lắm.
Người ta nói đàn ông lấy vợ sẽ khôn ra, tu chí hơn. Điều này quả đúng với trường hợp của hắn. Dẫu ngốc, hắn vẫn biết trong việc hắn có vợ có điều gì đấy không bình thường. Lại thêm việc không ăn hỏi, cưới xin, hình như còn chuyện giấy tờ, đăng ký gì nữa với thị trấn nữa. Thế thì không ổn. Hắn quyết định vợ hắn sẽ không bước chân khỏi nhà, ít ra một thời gian. Cô Nhài đồng ý ngay. Dường như cô cũng ngại bị người khác nhìn thấy. Lần đầu tiên, hắn ý thức được trách nhiệm của người chồng và chủ gia đình. Có cái gì đấy âm ấm xuất hiện trong lòng hắn. Đầu óc hẳn cũng sáng dần ra. Bây giờ hắn ở trong rừng lâu hơn để kiếm thêm măng. Hắn không đem măng cho người khác như trước. Đi đâu hắn cũng lo lỏm về sớm vì biết có người đang chờ.
Cứ thế họ sống hạnh phúc với nhau. Rất nhanh chóng, hắn học được cách xưng hô anh em âu yếm với vợ. Ngôi nhà được tu sửa đôi chút với mái tranh mới và các vách được trát lại, vì hắn sợ có ai tò mò nhìn vào. Thậm chí khoảnh đất sau nhà bỏ hoang lâu nay cũng được cuốc xới trồng lèo tèo mấy luống rau cải. Tiếc rằng hắn vụng nên chúng cứ chết lụi dần. Tóm lại hắn, cái anh chàng Bùi Kiên đần độn ấy, đã thành người gần như bình thường. Một điều đáng mừng cho hắn và cho mọi người...
Một buổi sáng, thấy hắn vác dao vào rừng, mụ Xinh đứng sau hàng rào nhà mụ, nói chõ sang:
- Anh Kiên cũng ghê đấy nhỉ. Biết đưa gái vào nhà.
Môi mụ cong cớn, hằn học. Từ lâu mụ đã thất vọng bỏ ý định mồi chài hắn.
- Bà nói thế nghĩa là gì?
- Ngốc mà cũng khéo giả vờ. Tôi thừa biết anh chị hú hí với nhau bao lâu nay. Tưởng không có “cái ấy”, hóa ra...
- Vợ tôi đấy.
- Vợ? Ghê chưa! Thế cưới xin bao giờ?
- Không phải việc của bà, - hắn giận dữ nói rồi bỏ đi.
Mụ nói với theo:
- Tôi sẽ mách chính quyền để người ta gô cổ nó lại đưa vào trại cải tạo gái mại dâm.
Hôm sau có người của thị trấn tìm đến nhà hắn thật, nhưng họ chỉ hỏi qua đôi điều rồi bỏ đi, bảo nên sơm sớm tổ chức lễ cưới cho hợp lẽ. Cũng từ hôm ấy, cô Nhài bước ra khỏi nhà, cuốc xới, dọn dẹp, có hôm còn đi chợ. Vẻ đẹp, sự ẻo lả, nước da và bộ quần áo luôn màu trắng khiến cô nổi bật hẳn ở nơi quê mùa heo hút này. Khối người ghen thầm, bảo anh Kiên Hiền mèo mù vớ cá rán. Nhưng nói chung mọi người mừng cho hắn. Cái thằng ấy hiền, trời lại bắt tội đần độn, biết đâu lấy vợ chẳng khôn ra? Mà hắn hình như đã bắt đầu khôn ra rồi đấy. Còn con bé kia, từ chỗ lầm lỡ nay biết hoàn lương cũng tốt chứ sao...
Chỉ tiếc mụ Xinh không có được cách nghĩ bao dung đó. Mụ hằn học ra mặt, cứ lồng lên như con chó dại, hết kêu chính quyền nhu nhược lại hăng hái đi khắp nơi nói xấu nhà hàng xóm. Mụ tìm cách bắt chuyện, khiêu khích cô Nhài nhưng cô chỉ im, cười bẽn lẽn. “Làm đĩ còn tỏ ra chính chuyên!”   Một lần thấy mụ gọi vợ là đĩ, hắn trợn mắt, chạy đến dí chiếc dao to bản vào cổ mụ, khiến từ đấy mụ không dám gọi thế nữa. Nhưng mụ vẫn căm lắm, vẫn tức lộn ruột khi mỗi buổi sáng thấy cô hàng xóm xinh đẹp hái một bông nhài cắm lên mái tóc. Dơ! Mụ căm cả việc vợ chồng thằng đần kia cũng có lọ hoa để trên chiếc chõng tre như bao nhà tử tế khác. Dơ!
Một tối nọ đang ngủ, hắn chợt thức dậy và thấy Nhài đang quằn quại bên cạnh. Hắn vội vã bật đèn. Cô ôm bụng, co gập người rên lên đau đớn. Hắn hoảng hốt hỏi có chuyện gì nhưng cô không nói được, mặt trắng nhợt. Hắn bế vợ lên tay, chẳng biết phải làm gì. Người cô nhẹ tênh, mỗi lúc một lả dần. Cuối cùng cô đem hết sức ngước lên nhìn hắn, định nói gì nhưng không được. Chỉ đôi mắt mở to nhìn hắn, đau đớn, biết ơn, âu yếm và luyến tiếc lẫn lộn. Cô khóc. Những giọt nước mắt to rơi lên đôi tay sần sùi của hắn. Rồi cô ngừng co giật, teo dần, teo dần cho đến khi trong tay hắn chỉ còn lại một bông hoa nhài lớn đã héo và mấy viên ngọc màu trắng lẫn vài viên màu hồng.

                                                *                                                   
“Lúc ấy trời vừa rạng sáng. Hắn ngơ ngác cầm bông hoa héo bước ra sân và thấy cả bụi nhài đã bị chặt ngang gốc, còn ri rỉ máu”. - Ông N. kể tiếp.
“Mụ Xinh đã làm điều đó?” tôi vội hỏi.
“Vâng. Chính con mụ độc ác đó. Trưa hôm ấy, khi biết chắc điều này, hắn lẳng lặng cầm dao sang nhà mụ, chẳng nói chẳng rằng, chém một nhát đứt ngang cái cổ to bè của mụ. Chiếc đầu bị chém bay tận góc nhà”.
Cả hai chúng tôi cùng im lặng. Cuối cùng ông N. lên tiếng, giọng xa vời:
          “Thế là Kiên Hiền thành Kiên Điên. Bông hoa làm anh ta khôn ra, hạnh phúc hơn. Vậy mà con người nỡ cướp đi cái hạnh phúc nhỏ bé ấy rồi đưa anh ta trở lại không chỉ thành đần độn mà còn thành điên. Tội nghiệp. Sao người ta có thể ác với nhau như thế được nhỉ?

                                                                    Hà Nội, 23 tháng Chín, 2002

NHỮNG CÔ GÁI ÁO TRẮNG



Truyện ngắn. Thái Bá Tân

1
N.V. ngày 20 tháng 11 năm 197...
Rét! Rét quá! Ba đứa một giường ôm nhau, mình nằm giữa, hai chăn trùm kín đầu và chân mà mãi không sao ngủ được. Có lẽ do trong hang ẩm và nước nhỉ bám đầy tường đá mới rét thế. Đêm nay ra bến phà gió mạnh, không biết còn rét đến đâu.
Không ngủ được, nằm suy nghĩ vẩn vơ mãi cũng chán, đành dậy viết nhật ký. Xưa nay mình ít viết nhật ký, lại viết dở nên rất ngại, cả viết thư cũng thế. Nhưng lúc này... Biết làm gì cho hết thời gian lúc này?
Điều đầu tiên mình muốn viết là - nhớ nhà. Nhớ và thương mẹ quá. Mẹ bây giờ đang làm gì nhỉ? Chắc buồn và giận mình lắm. Hãy tha lỗi cho con mẹ nhé, vì con bỏ mẹ ở nhà một mình, già yếu không ai giúp đỡ. Hôm được tin con ghi tên đi thanh niên xung phong, mẹ không nói gì, còn cố gượng cười để con yên tâm nhưng con biết trong lòng mẹ rất buồn và có thể còn trách con không hỏi ý kiến mẹ trước. Mẹ ơi, con hiểu lòng mẹ. Bản thân con, con cũng chẳng dễ gì khi phải xa mẹ, xa ngôi nhà tranh bé nhỏ thân yêu của ta. Nhưng việc con ra đi là cần. Rất cần mẹ ạ. Con tin mẹ hiểu điều đó...
Có nên cho mẹ biết sự thật về điều kiện sống và làm việc ở đây không nhỉ?  Không! Chỉ làm mẹ thêm lo nghĩ. Vả lại, chắc gì mình ở lâu một chỗ? Mới tuần trước còn làm đường ở Trường Sơn, bây giờ đã ở đây, cao điểm phà sông L, cách biển chưa đầy hai chục cây số. Không hiểu nay mai còn đi những đâu nữa.
Nhớ cái Hòa và bọn bạn cùng đơn vị. Không được đi với mình lần này, chắc nó buồn lắm. Hai đứa cùng làng, cùng đi một ngày, cùng ở với nhau chừng ấy thời gian, thế mà... Biết làm thế nào được. Cả đội xung phong, người ta chỉ lấy năm. Năm người để dẫn đường cho ô tô qua sông ở bến phà này, thay cho cả tổ, cũng nữ và đều là thanh niên xung phong, vừa hy sinh ba ngày trước đó. Những người được chọn là Vân, Yến, Lộc, mình và Út. Mỗi đứa một tính, một kiểu người nhưng đều rất trẻ và chưa chồng, chưa cả người yêu, trừ cái Yến, già nhất, hai mươi hai tuổi, nghe nói đã có "chàng" nào đấy. Cũng nghe nói thôi chứ chưa bao giờ thấy cô nàng nhận thư hoặc nói gì về anh ấy. Nó kín lắm. Lại nghiêm khắc nữa. Tổ trưởng mà. Từ nãy đến giờ đã hai lần nhắc mình ngủ, đêm còn đi làm. Cả cái Út nữa (nó cũng là em út của tổ), nó đã mấy lần cấu mình, bắt nằm xuống để ôm nó cho ấm. Cứ như con nít...
21 tháng 11.
Ngày cũng như đêm, không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Thỉnh thoảng còn pháo từ biển câu lên.
Tổ mình ở phía Bắc bến phà. Cả năm đứa đứng rải trên một đoạn đường dài, từ mặt nước tính lùi lại, mỗi đứa cách nhau hai trăm mét. Tổ trưởng Yến phân công Út đứng trên cùng vì nó nhỏ nhất, lại mới ra chiến trường. Tiếp đến là Vân rồi Lộc. Chặng cuối cùng phải hai người, là mình và Yến.
Đây là một trong những trọng điểm ác liệt nhất của mạch máu giao thông Bắc Nam. Cách sông còn những mấy cây số mà mặt đường đã bị bom và rốc-két địch cày tung, ô tô không thể tự đi một mình nếu không có người xi-nhan. Nhiệm vụ bọn mình là đi trước, dẫn xe men theo những miệng hố bom mới lấp sơ sài, tránh chỗ đánh dấu có dấu bom nổ chậm, cho tới tận mép nước. Ở đấy sẽ có người xếp xe lên phà. Vì đêm không được đốt đèn, bọn mình đứa nào cũng phải mặc áo trắng để từ ca-bin, lái xe thấy mà đi theo. Những lúc có máy bay - ấy là nói khi chúng thả pháo sáng hoặc lao xuống bắn phá, chứ bay ngang hay vần lượn thì kệ - ai ở trên có thể chạy lánh xa khu vực bến phà, còn người phía dưới thì ở nguyên tại chỗ, trú trong các hầm cá nhân được đào sẵn bên cạnh. Có lúc chúng bắn mặc chúng, phà cứ chạy, ô tô cứ đi, tất nhiên con người cứ tiếp tục làm việc. Càng sáng. Càng không phải dò dẫm như trước.
Ban ngày bến phà thật yên tĩnh, nhưng chỉ là cái yên tĩnh tương đối của chiến tranh. Không tiếng phà, không tiếng ô tô, không có gì ngoài một dải đất nham nhở màu sắc lẫn lộn, lổng chổng những xác xe bị lật hoặc bị bắn cháy chưa kịp thu dọn. Bên cạnh, giấu hết mọi sự khốc liệt của chiến tranh vào lòng, con sông vẫn không ngừng chảy, bình thản và hiền từ như nghìn năm nay. Thật khó tin rằng chỉ chốc nữa, khi mặt trời vừa lặn, là hàng đoàn ô tô, hàng đoàn người sẽ từ đâu đó chui ra. Cả bến phà sẽ bừng tỉnh dậy để bắt đầu một "ngày" mới, một cuộc chiến đấu mới...
25 tháng 11.
Hôm nay cả hai phà cùng trúng bom một lúc. Gần mười chiếc xe  được dẫn xuống tận sông phải đứng trơ trọi dưới ánh sáng chói rực của đèn dù, dưới làn bom và rốc-két máy bay địch.
Phòng không ta bắn rất dữ.
Tổn thất...
Mình có sợ chết không? Biết nói thế nào được nhỉ? Có. Sợ, nhất là những lúc thế này, khi suốt ngày nằm dài trong hang yên tĩnh và có quá nhiều thời gian để suy nghĩ. Ừ, có lẽ nói sợ cũng chưa thật đúng. Mình chỉ tiếc. Bây giờ mà phải chết thì tiếc lắm. Lại thương nữa. Thương mẹ ở nhà. Thương bọn bạn phải buồn, phải gánh thêm một phần việc.
Không hiểu sau khi chết thế nào nhỉ? Không lẽ mình sẽ chẳng còn biết gì nữa? Chẳng biết cả việc một ngày nào đó chiến tranh kết thúc, mọi người sẽ tìm gặp lại nhau, sẽ đi học, làm việc, hay chỉ đơn giản sẽ được sống hòa bình? Ôi, hòa bình!... Chết chắc phải đau lắm. Hẳn thế. Không đau sao được khi cơ thể bị xé ra từng mảnh? Người khác nghĩ thế nào về cái chết? Cái Lộc và cái Vân, cái Út hay cái Yến chẳng hạn? Chúng có sợ như mình không? Chắc có, nhưng chúng không bao giờ để lộ điều ấy ra ngoài. Chúng vẫn lặng lẽ làm việc, các tốp thanh niên xung phong chữa đường cũng thế. Anh em lái xe, lái phà cũng thế. Mình cũng thế.
27 tháng 11.
Đọc mấy trang vừa rồi, thấy buồn cười. Toàn chuyện vẩn vơ không đâu. Lúc nãy tò mò, mình hỏi Ùt:
- Này Út, em có sợ chết không?
Út tư lự một lúc, rồi thay cho câu trả lời, nó hỏi lại:
- Em hỏi chị, chị phải nói thật nhé, chị Liên. Đã bao giờ có người con trai nào hôn chị chưa?
- Chưa... Sao em hỏi thế?
- Em cũng chưa. Con gái chết mà chưa được hôn kể cũng thế nào ấy, chị nhỉ? - nó nói, giọng mơ màng và hơi buồn, rồi lại rúc vào chăn, ôm mình đến nghẹt thở. Con bé rõ đến lạ.
1 tháng 12.
Cả bọn được một phen hú vía. Chiều qua một thằng "Con Ma" bất chợt phóng liền mấy quả tên lửa vào đúng cửa hang. May không ai việc gì. Lý do là trước đó mấy đứa tắm xong, bao nhiêu đồ lót, đồ vệ sinh phơi tuốt cả một dây ngoài nắng. Tuy biết làm thế có thể nguy hiểm, nhưng kệ. Cứ trêu thằng Mỹ, xem hắn tồi đến mức nào. Và thằng Mỹ đã cho biết hắn tồi đến mức nào. "Cứ thấy xu-chiêng đàn bà là mò đến!" một đứa châm chọc.
Sau đó họp tổ, cái Yến cấm từ nay không được ai phơi bất cứ cái gì trắng ngoài cửa hang, thậm chí cả khăn mù- xoa. Nhưng ác thay trong hang luôn ẩm ướt, không có gió nên phơi bao lâu vẫn không khô. Mặc vào người thật khó chịu.
5 tháng 12.
Nhớ nhà quá!
Thèm bữa canh rau mồng tơi. Hay rau ngót, rau bầu cũng được. Ở đây không chợ, không vườn, cái cần và khó kiếm hơn cả là rau xanh vì miền Trung đất cát, quanh năm nắng nóng chẳng tìm đâu ra những thứ ấy. Khắp nơi đất bị cày tung, có hôm đi suốt buổi chỉ nhặt được nhúm rau má già hoặc rau sam chua loét. Da cứ sùi lên như bị hủi...
6 tháng 12.
Cái Lộc có thư. Nét chữ trên phong bì nắn nót, lại không ghi tên người gửi. Cả bọn đoán thư người yêu nên hồi lâu bắt nó phải khai thật hết mọi chuyện mới cho nhận. Cái Lộc nói ngay là chẳng có gì để khai, bảo cứ bóc tại chỗ, đọc to mọi người cùng nghe. Thì ra đó là thư một người bà con xa ở Hà Nội, nội dung khô khan và chỉ những lời thăm hỏi bình thường. Không hiểu sao nghe xong, đứa nào cũng có vẻ như bị hẫng và hơi buồn, vì cứ tưởng và muốn đó là một bức thư loại khác, thư tình với những lời âu yếm dè dặt và kín đáo, dù những lời ấy không dành cho mình.
Lát sau nằm trong chăn, lại cái Út cấu vào tay:
- Chị Liên này, chị có người yêu chưa?
- Chị cũng không biết. Có lẽ chưa.
- Sao lại có lẽ? Có hay không thì chị phải biết chứ?
- Chuyện không đơn giản như thế... Mà thôi, Út ngủ đi.
Nhưng cái Út không chịu thôi. Tính nó thế, muốn biết cái gì là phải hỏi bằng được.
- Anh ấy là ai? ở đâu?
Mình buộc phải trả lời nó:
- Xa lắm. Anh ấy đang học ở nước ngoài. Nhưng từ ngày xa nhau, chị chưa bao giờ nhận được thư anh ấy. Còn chị thì không biết địa chỉ, mà có biết cũng không gửi. Chị và anh ấy cùng làng.
- Thế anh ấy có yêu chị không ?
- Chị không biết. Chắc anh ấy quên chị rồi.
- Còn chị?
- Đừng hỏi nữa. Ngủ đi. Mà rồi giữa anh ấy và chị chưa có gì đặc biệt. Chỉ thế thôi.
Cái Út nằm im một lúc rồi bỗng nói, giọng hờn dỗi:
- Em là em chúa ghét những anh đi nước ngoài. Cứ tưởng mình ghê lắm, mặt vênh lên nhìn người khác bằng nửa con mắt...
- Ấy, em đừng nói thế. Không phải ai cũng như em nghĩ đâu.
Cái Út không nói gì thêm, nhưng chắc còn lâu nó mới ngủ được. Nó trong trắng, vô tư quá. Hôm nọ nó nói gì nhỉ? Ừ, "con gái chết mà chưa được hôn kể cũng thế nào ấy..." Ngộ thật.

2
- Cái này mãi gần hai năm sau khi nó hy sinh tôi mới nhận được. - Bà Nghĩa vừa nói, vừa hất đầu chỉ cuốn nhật ký tôi đang đọc dở. - Cùng ít quần áo và tư trang của nó. Tôi nhờ thằng lớn nhà Cả Chung bên cạnh đọc cho nghe. Tội nghiệp con bé. Tôi chỉ có mình nó, nhiều khi nghĩ mà đứt ruột. Cậu xem, tôi già yếu thế này, vậy mà trời bắt phải sống lâu hơn con, sống để nghe những lời kia của nó...
Rồi bà thở dài, cúi xuống sàng nốt mẻ gạo mới giã.
Nhà bà Nghĩa và nhà tôi chỉ cách nhau mấy con ngõ. Chồng chết sớm, bà chưa quá năm mươi mà trông như cụ già.
Năm nay tôi dành trọn cả mười ngày phép về thăm quê. Theo lời khuyên của mẹ tôi, tôi đi một vòng gọi là "thăm xã giao" các nhà trong xóm, một việc những lần trước phần vì bận, phần vì ngài ngại, tôi vẫn chưa làm được. Tôi đến nhà bà Nghĩa và bà đã cho xem cuốn nhật ký của Liên, con gái bà, để lại.
Bà Nghĩa có đoán ra tôi là "anh ấy" mà Liên đã nhắc trong nhật ký không? Có thể lắm. Vì vậy bà cho tôi xem để trách khéo việc tôi để con gái bà đau khổ chăng? Cũng có thể bà không biết gì. Xưa nay bà là người tốt bụng, chất phác, không quen suy xét sâu sắc kiểu ấy. Vả lại, trong xóm tôi không là người duy nhất đi học nước ngoài những năm chiến tranh.
Còn tôi, tôi và Liên thì thế nào?
Không ngờ Liên tình cảm và sâu sắc đến thế. Bây giờ nghĩ lại, tôi  thấy lúc đó quả tôi là một cậu bé ngờ nghệch, vô tư đến tàn nhẫn. Chúng tôi là bạn thân, học cùng trường, tôi hơn một lớp. Trường xa, chúng tôi cùng đi cùng về mà nào có bao giờ nói chuyện với nhau, hoặc giả có nói, cũng chỉ toàn chuyện bông đùa, trêu chọc như phần lớn những đứa khác vào tuổi ấy. Tất nhiên tôi không thể không nhận thấy Liên là một cô bé (trong ký ức tôi, bao giờ Liên cũng là cô bé) tốt, lại xinh. Nhưng lúc ấy về tâm, sinh lý tôi chưa phát triển đến tình cảm yêu đương, và tất nhiên không biết có thể Liên đã chú ý, hay thậm chí còn thầm yêu tôi.
Đêm trước hôm tôi đi, cùng một số bạn gái khác, Liên đến chia tay, uống nước chè xanh, ăn kẹo lạc và hát những bài ca cách mạng. Suốt buổi Liên im lặng. Rồi tình cờ hai đứa ngồi cạnh nhau. Cũng im lặng. Có thể lúc ấy tôi lờ mờ đoán được tình cảm của Liên với tôi, nhưng Liên không dám nói. Còn tôi, không hiểu tôi có nói điều gì không để Liên hiểu theo cách mình và hy vọng, dù không đâu, mong manh, nhưng vẫn cứ là hy vọng?
Tôi xa nhà bảy năm. Có thể nói suốt thời gian ấy tôi quên hẳn Liên, không hỏi thăm hoặc viết cho Liên một bức thư nào. Khi Liên hy sinh, tôi được bố mẹ báo cho biết. Tôi buồn và thương Liên, hẳn thế, nhưng vẫn là cái buồn thương chung chung như khi nghe tin ai đấy trong làng từ chiến trường  không trở lại. Có lẽ tôi sẽ còn tiếp tục nghĩ như thế về Liên, nếu hôm nay vô tình không được đọc cuốn nhật ký này.
Bà Nghĩa đã bỏ ra sân thái rau cho lợn. Tôi ngồi lại một mình bên chiếc bàn học của Liên ngày nào, xúc động lật tiếp những trang chữ li ti đã ngả màu cùng năm tháng...

 3
10 tháng 12.
Mỗi đứa được phát hai mét vải trắng. pô-pơ-lin pha ni-lông hẳn hỏi, để may áo thay những chiếc đã ố màu, lái xe kêu họ cứ lẫn với màu trắng của đất.
Cả hang sôi nổi hẳn lên. Đi làm về, vừa chợp mắt một chốc đã vùng dậy, đứa nào cũng hý hoáy may may cắt cắt.
Bỗng cái Vân ngừng tay, ngồi thừ một lúc rồi nói:
- Kể cũng buồn cười thật đấy, chúng màỵ ạ. Bọn mình thì tỉ mẩn may móc từng mũi nhỏ, nhỡ một tý đã xuýt xoa như may áo cưới không bằng, lại còn kiểu này, kiểu nọ nữa. Nhưng thử hỏi để làm gì? Ban ngày không dám mặc, mà cũng chẳng biết mặc cho ai, còn đêm, đêm thì thế nào chẳng được. Tớ ấy à, tớ thì muốn cứ để cả tấm mà khoác. Càng rõ. Càng khỏe. Còn hơn phải vất vả thế này để làm duyên... làm duyên với những chiếc ô-tô mù!
Mắt cái Vân ươn ướt như muốn khóc. Nó nói là nói thế thôi, chứ cả tổ, nó vẫn là đứa ưa diện nhất, kỹ tính nhất trong chuyện ăn mặc, chắc chắn lần này áo của nó cũng được may cẩn thận và đẹp nhất.
- Cánh lái xe là chúa tếu đấy nhé. - Một chốc sau Lộc lên tiếng, có lẽ để xua đi sự im lặng bất tiện. - Một hôm có chàng bảo mình thế này, chúng mày nghe có được không? "Này, đồng chí áo trắng ơi, đồng chí có xinh không đấy?". "Không đến mức khó coi như anh tưởng đâu", mình đáp. “Vì sao anh hỏi thế?". "Là vì cái xe của tôi ấy mà, không hiểu sao từ khi gặp cô, nó không chịu nghe theo tay lái của tôi nữa. Cô đi, nó đi, cô đứng, nó đứng. Tự nó quyết định. Còn tôi, tôi chỉ ngồi khoanh tay mà nghĩ rằng chắc cô phải xinh lắm nên mới thôi miên được nó như vậy. Tôi lo chốc nữa nó sẽ tự theo về lán của cô mất. Tôi không có lỗi đâu nhé. À mà lán các cô ở đâu nhỉ?” Mình cũng không vừa, mình nói: "Nhà em ở kia, ở phía cái hang kia kìa. Hôm nào từ chiến trường quay ra, cứ để cái xe khó bảo của anh rẽ vào, chồng em sẽ cho nó một trận!..."
- Giỏi lắm! Rồi anh chàng đáp sao? - một đứa hỏi.
- Anh chàng im, nhưng chắc hiểu mình đùa. Anh ta thấy màu trắng áo mình. Còn mình thì chẳng thấy gì. Chỉ nghe giọng nói. Ấy thế mà buồn cười lắm, chúng mày ạ. Xe đi rồi mà không hiểu sao mình cứ thấy bâng khuâng thế nào ấy... - Cái Lộc ngồi im một lúc rồi đột ngột hỏi: - Chúng mày có nghĩ  một ngày nào đó anh ta sẽ vào đây không?
12 tháng 12.
Ngày đầu tiên cả năm đứa diện áo mới đi làm. Mỗi đứa mỗi kiểu, vuốt, gấp cẩn thận rồi đặt dưới lưng nằm suốt đêm cho thật phẳng, thành nếp hẳn hoi như được là kỹ. Ngay từ chiều, đứa nào cũng mặc áo mới, soi gương ngắm nghía, rồi cởi ra, rồi lại mặc vào, đổi áo, ướm thử áo nhau mãi. Khi không còn việc gì nữa để làm, cả bọn cứ mặc áo mới ngồi chờ đêm xuống để ra khỏi hang, bồn chồn và sung sương như chờ cái gì đấy thật hệ trọng.
Không biết hôm nay các chàng lái xe có nhận thấy sự kiện mới lạ này không ?
15 tháng 12.
Mấy ngày nay thằng Mỹ hoạt động đặc biệt ác liệt. Nó quyết phá. Ta quyết giữ. Máy bay bay suốt đêm. Pháo từ biển câu vào không còn theo giờ như trước. Nhưng dòng xe không vì thế mà bị dừng lại. Bến phà phải đổi chỗ nhiều lần. Kể ra, gọi là chỗ vượt sông thì đúng hơn. Nhiều chỗ vượt sông như thế. Có cả chỗ để nghi binh. Thiếu người, tổ phải chia ra làm việc ở ba nơi.
Nhớ nhà quá. Nhớ mẹ quá.
Anh ấy có lúc nào nghĩ về mình không nhỉ?
16 tháng 12.
Út hy sinh! Ba giờ sáng hôm nay. Nó làm một chỗ với Vân. Một thằng lao xuống phóng rốc-két, như hàng trăm thằng trước đấy từng lao xuống phóng rốc-két. Tiếng nổ bình thường, trận đánh phá cũng bình thường, nghĩa là tất cả giống hệt mọi ngày, thế mà sau đó Út không còn nữa. Một mảnh đạn cắm đúng tim nó. Một mảnh khác cắt đứt phần trên vú trái. Một tiếng sau khi nó chết, mình mới biết. Biết mà chẳng đến được vì còn phải làm việc. Khi gặp Út thì trời đã sáng. Yến đã lau sạch máu và bụi bẩn trên người nó. Một đứa nào đó trong tổ cởi chiếc áo trắng mới còn nguyên lành của mình mặc cho út. Khuôn mặt Út thật thanh thản. Đôi mắt vuốt mãi không chịu nhắm như đang mơ màng nhìn một điểm nào đó trước mặt. Nó chỉ ngạc nhiên, hơi buồn vì phải chết sớm và vô lý như vậy. Một bên miệng của nó hơi nhếch, thơ ngây, bẽn lẽn như hôm nào nó hỏi: "Con gái chết mà chưa được hôn, kể cũng buồn, chị Liên nhỉ?".
Mình cúi xuống, lặng lẽ hôn lên đôi môi của Út.
17 tháng 12.
Hôm nay đi làm về, thương Út, cả bốn đứa ngồi ôm nhau khóc.
20 tháng 12.
Vẫn ác liệt như trước. Xe vẫn thông.
24 tháng 12.
Thế là đã ở bến phà N.V. này hơn một tháng. Một tháng cộng với hai năm nay đây mai đó theo các con đường của khu Bốn khói lửa. Chỉ mấy ngày nữa là năm mới. Năm mới... mọi người sẽ già thêm một tuổi. Mình cũng thế.
Liệu mình phải già thêm bao nhiêu tuổi nữa trước khi chiến tranh kết thúc? Còn Út thì vĩnh viễn ở lại với cái tuổi mà bây giờ nó có, chiến tranh hay không chiến tranh cũng thế. Vĩnh viễn yên nghỉ với cảm giác thanh thản của người đã cống hiến cho người khác cái quý nhất mình có. Đúng, thanh thản, nếu không kể nỗi sợ rất con gái kia mà nó vẫn cảm thấy đâu đó sâu trong lòng cho tới khi xuống mộ. Tội nghiệp con bé...
27 tháng 12.
Xe vào nhiều quá, có lẽ sắp đánh lớn. Ban ngày ít được ngủ hơn vì thường đi chữa đường giúp các đội thanh niên xung phong.
Hàng ngày bốn đứa vẫn mặc áo từ chiều, những chiếc áo được may đẹp, gấp vuốt phẳng phiu, ngắm nghía, sửa sang cho nhau để tối đến, như cái Lộc một lần chua xót nói, “làm duyên với những chiếc xe mù”. Kể cũng buồn cười, biết người khác không thấy mặt mình và mình không thấy người khác, chỉ những cuộc gặp gỡ thoáng qua mấy phút, lại trong hoàn cảnh ác liệt như hiện nay, thế mà cả tổ trước khi đi đứa nào cũng chăm chút vẻ ngoài như sắp làm dâu không bằng. Một bản năng rất con gái, có lẽ cũng chỉ con gái mới hiểu nổi. Chao, ước gì hoà bình! Ước gì được mặc những chiếc áo trắng này tự do đi lại giữa ban ngày...
28 tháng 12.
Hôm nay Yến hy sinh!...
Còn lại ba người: Vân, Lộc và mình. Mình được cử làm tổ trưởng.
Yến ơi, thương mày quá. Mày là đứa duy nhất có người yêu chờ đợi, thế mà mày hy sinh... Mày quá kín đáo, mày chẳng cho chúng tao biết người yêu của mày là ai, ở đâu, để chúng tao báo cho anh ấy biết mày là người thế nào.
31 tháng 12.
Hầu như đêm nào cũng có xe đổ và người chết. Mỗi lần ra phà, đâu đó sâu trong tim, một ý nghĩ nhỏ thôi, nhanh thôi nhưng sắc như mũi dao lại nhói lên - ý nghĩ rằng hôm nay sẽ đến lượt ai đây? - mình, cái Vân, cái Lộc, hay thậm chí cả ba?
Trước khi bước ra khỏi hang, ba đứa nhìn nhau im lặng, nhưng rất hiểu...
Xe vẫn thông...

                                               
4
Nhật ký của Liên ghi đến đây thì dừng. Bất giác tôi ngước lên nhìn tấm bằng liệt sĩ lồng kính treo trang trọng trên tường. Thì ra Liên hy sinh đúng vào ngày 31 tháng 12 năm 197..., ngày cuối cùng ghi trong nhật ký. Cũng là ngày cuối cùng trong năm. Tôi nhẩm tính - Liên đã không gắng sống thêm được mấy giờ nữa để bước sang năm thứ hai mươi đẹp đẽ của đời mình.
Từ trên tường, qua lớp kính phủ nhẹ một màng bụi mỏng, một cô bé tóc tết đuôi sam, khuôn mặt còn trẻ con với đôi mắt thơ ngây mở to đang nhìn tôi. Đó là Liên. Chắc đây là bức ảnh duy nhất của con gái bà Nghĩa còn giữ được, chụp vào dịp Liên tốt nghiệp lớp mười. Tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy; không dám nhìn cả vào đôi môi đang hé mở, đôi môi chưa một lần trong đời được biết cảm giác của cái hôn âu yếm.
Tôi lặng lẽ trả lại cuốn nhật ký cho bà Nghĩa, lơ đãng trao đổi thêm ít câu rồi ra về.
Sáng hôm sau, trước sự ngạc nhiên của mọi người, tôi thu gói đồ đạc lên đường, nhưng không phải đi Hà Nội mà ngược lại, vào Vinh mua vé ô-tô đi Quảng Bình, tới bến phà N.V. mà Liên nói đến trong nhật ký.

5
Ở trụ sở ủy ban xã S. nơi có bến phà N.V. ngày nọ, sau khi nghe tôi tự giới thiệu và nói rõ mục đích chuyến đi của mình, người ta chỉ cho tôi đến gặp ông Nam, phó chủ tịch xã.
Ông Nam là người vui tính và cởi mở. Ông nhìn qua một lượt suốt người tôi và hỏi:
- Anh là bà con cô Liên à? - Nhưng không chờ tôi trả lời, ông nói luôn: - Chính tôi là người tìm thấy và đọc cuốn nhật ký đó. Tội nghiệp các cô gái. Hồi ấy tôi là trung đội trưởng dân quân xã. Tôi được lệnh điều các cô dân quân của tôi dẫn xe ở đoạn trên, còn ba cô thanh xung phong thì làm ngay sát bến phà. Vào cái đêm cuối năm đáng nhớ ấy, hình như độ mười giờ thì phải, bất ngờ một chiếc "Thần Sấm" từ đâu lao đến ném một loạt bom, không lượn vòng nào, cũng chẳng thèm bắn pháo sáng, thế mà trúng phà, trúng luôn cả ba cô gái. Anh xem có đau không ... - Ông Nam dừng lại, ngồi im một chốc như cố nhớ điều gì, rồi nói tiếp, giọng trầm hẳn xuống: - Thậm chí đêm ấy, bận việc thông xe, chúng tôi chẳng kịp nhặt hết các mẩu xác bị bom chặt đứt vung vãi khắp nơi. Mãi chiều hôm sau mới tìm được hết, xác định cái gì là của ai rồi làm lễ chôn cất. Sau này, chiến tranh kết thúc, khi người ta định đưa các cô - cả năm cô - vào nghĩa trang liệt sĩ xã, tôi đem chuyện nhật ký cô Liên ra kể và đề nghị xây riêng mộ cho các cô ở cạnh bến phà cũ. Ý kiến của tôi được chấp nhận. Bây giờ ta ra đấy chứ?
Nói rồi, ông phó chủ tịch xã hăm hở đi trước, tắt qua một cánh đồng lúa vừa trổ bông thoang thoảng hương thơm, về phía dòng sông L. đang trải rộng, trắng lóa dưới ánh mặt trời tháng Tư. Tôi lặng lẽ bước theo với cảm giác hồi hộp như sắp được chứng kiến một cái gì đấy linh thiêng và trọng đại.
Trên đỉnh một ngọn đồi xanh vươn sâu tận mép sông, người ta xây mộ năm cô gái thanh niên xung phong thành năm cánh của một bông hoa, đầu chụm vào nhau. Một bông hoa màu trắng, vì mộ được quét vôi trắng. Các bia đứng kề sát nhau, tạo thành một hình tròn có trồng những bông hồng và cúc lẫn lộn, tức là làm nhị của bông hoa xi măng trắng vĩ đại. Trên những tấm bia ấy tôi đọc thấy tên cô Yến tổ trưởng nghiêm khắc; tên cô Vân ưa diện; tên cô Lộc mơ hồ chờ đợi một chàng lái xe mà cô chỉ mới trò chuyện một lần nhưng không thấy mặt; tên cô Út bé nhất tổ chỉ sợ duy nhất một điều là chết mà chưa được hôn. Và tất nhiên tôi thấy cả tên của Liên, cô hàng xóm, cô bạn cùng trường của tôi, người con gái đưa tôi vượt hàng trăm cây số đến đây, và quan trọng hơn là đã giúp tôi tự nhìn nhận lại mình, tự đánh giá nghiêm khắc những gì tôi đã, đang và sẽ làm trong đời.
- Nghĩ mà thương các cô gái, - vừa bật lửa châm hương, ông Nam vừa khe khẽ nói. - Đang  tuổi ăn diện mà đến cái áo trắng cũng không được mặc ban ngày. Còn bây giờ thì...- ông ngập ngừng chốc lát rồi quay sang bảo tôi: - Những ngôi mộ này, anh ạ, cứ đều đặn nửa năm một lần tôi cho quét vôi mới. Cũng có người kêu lãng phí, nhưng tôi thì tôi cứ cương quyết...
Ông Nam còn nói thêm điều gì nữa nhưng tôi không nghe rõ, vì lúc ấy tôi đã bỏ đi xa, tìm nhặt những bông hoa bướm, hoa mua mọc nhiều quanh đấy. Một chốc sau, tôi quay lại với một bó lớn trong tay. Tôi chia đều thành năm phần, nhẹ nhàng đặt lên năm cánh trắng của bông hoa xi măng. Rồi vô tình như hẹn trước, cả tôi và ông Nam cùng cúi đầu đứng lặng mấy giây.
- Liên ơi, hãy tha lỗi cho tôi Liên nhé!

6
Sáng hôm sau, tôi lên đường ra Hà Nội. Từ ô tô, tôi thò đầu qua cửa sổ, ngoái nhìn mãi những ngôi mộ màu trắng được xếp thành hình một bông hoa trên ngọn đồi xanh, trông xa như chiếc nơ trên đầu một cô gái. Suốt  đường đi, những ý nghĩ đượm buồn cứ quanh quẩn trong đầu tôi, ý nghĩ rằng ngày xưa đã từng một thời có nhiều cô gái chỉ thèm được một lần mặc áo trắng tự do đi giữa ban ngày, thế mà các cô chỉ được mặc vào ban đêm để làm nhiệm vụ, để "làm duyên với những chiếc xe mù". Và rồi các cô hy sinh, lặng lẽ mang theo xuống đất cùng tuổi trẻ là cái ước mơ tưởng vô cùng đơn giản ấy, cũng như các cô đã lặng lẽ lập chiến công, lặng lẽ yêu và lặng lẽ ra đi để một ngày nọ, như trong câu chuyện cổ tích, lặng lẽ biến thành những cánh hoa màu trắng, cái màu trắng phải đổi bằng màu của máu...

Đà Lạt tháng 4, 1982.
Hà Nội, tháng 2, 1984.