Truyện ngắn.
Thái Bá Tân
1
Ngày
xưa có ông vua tên là Đế Thích, lên ngôi chưa được bao lâu thì bỗng có giặc
ngoại xâm kéo đến. Thế yếu, vua phải đem cả hoàng tộc xuống biển rồi từ đó lên
thuyền chạy vào phía Nam. Đi một mạch ba ngày ba đêm không nghỉ, đến vùng biển
xứ Nghệ thì gặp bão, thuyền chìm, chỉ ba người thoát chết nhờ may mắn được sóng
đánh dạt vào một hòn đảo. Đó là hoàng hậu và hai công chúa còn nhỏ.
Hòn đảo ấy gần đất liền, nhưng vì nhỏ và toàn đá nên không
có người, trừ một nhà sư trẻ đêm ngày tụng kinh niệm Phật mong đắc đạo. Được
nhà sư giúp đỡ, chăm sóc, ba người phụ nữ nhanh chóng bình phục. Trong khi đó,
không hiểu sao nhà sư bỗng trở nên bần thần và hay suy nghĩ vẩn vơ. Sống tách
biệt lâu ngày, lần đầu tiên được gặp những người phụ nữ đẹp, lại trong hoàn
cảnh họ bất lực và ở một nơi hẻo lánh như thế, dần dần dù không muốn, trong đầu
nhà sư đã nẩy ra những ý nghĩ mờ ám. Và rồi một hôm, khi hai công chúa đã ngủ,
ông lẻn đến với hoàng hậu, định giở trò chim chuột. Dù biết ơn và kính trọng
nhà sư, hoàng hậu một mực từ chối. Cuối cùng, khi thấy nhà sư rút dao dọa giết,
bà toan đập đầu vào đá tự tử để giữ tròn trinh tiết. Thấy thế, nhà sư hoảng sợ.
Khi cơn bột phát tình cảm lắng xuống, ông rất đỗi xấu hổ và hối hận.
-
Ôi, nhục nhã thay! Cùng một lúc ta đã phạm ba tội lớn. - Nhà sư ngửa mặt lên
trời kêu to. - Là sư, ta không lo tu thân đắc đạo mà để quỉ dữ xác thịt cám dỗ,
đó là tội thứ nhất. Tội thứ hai là cưỡng ép một người đàn bà bị nạn đang được
mình che chở. Cuối cùng là có ý định giết người!... - Rồi sẵn con dao trong tay,
ông tự đâm vào cổ mình và chết.
Hoàng
hậu cũng hối hận không kém. Bà cho rằng đáng lẽ phải trả ơn, chính bà đã giết
chết ân nhân mình. Bà ôm xác nhà sư than khóc hồi lâu rồi cũng cầm dao tự tử
theo. Sáng hôm sau hai công chúa tỉnh dậy đoán hiểu hết mọi chuyện. Vô cùng đau
xót, họ nắm tay nhau cùng nhảy xuống biển.
Về
sau, để nêu gương tuẫn tiết của hoàng hậu, người ta lập một ngôi đền ở làng
Kình, nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trên mỏm một núi đá nhìn thẳng
ra hòn đảo nhỏ nơi xảy ra tấn bi kịch. Trong đền có cả tượng nhà sư cùng hoàng
hậu và hai công chúa.
2
Đó
là câu chuyện về sự tích đền Kình mà ngày bé bà ngoại thường kể tôi nghe. Sau
này lớn lên, đọc trong "Truyện cổ dân gian Việt Nam" của Nguyễn Đổng
Chi, tôi cũng thấy có chuyện ấy, chỉ khác ở câu chữ và cách diễn đạt. Rất có
thể chính bà tôi đã kể cho nhà văn nghe khi ông đến đây thu thập tài liệu.
Bà
tôi làm nghề buôn bán, nổi tiếng là người có bản lĩnh và táo tợn. Nghe nói có
thời bà từng là chủ của mấy chiếc thuyền lớn chuyên chở cá và nước mắm từ làng
Kình vào tận Hà Tĩnh bán, khi ra chở đầy cau khô và mít, bưởi... Ông ngoại tôi
chết sớm, việc buôn bán trở nên thua lỗ, tính tình bà cũng thay đổi theo, dần
dần trở thành người nghiệt ngã và đặc biệt rất mê tín.
Ngoài
mẹ tôi, bà còn có một người con nữa là cậu tôi. Đó là một người cao lớn, đẹp
trai, tốt bụng và vui tính nhưng nghị lực yếu đuối và là "thứ bỏ đi"
như bà tôi vẫn nói. Quen được nuông chiều từ nhỏ, lớn lên quả đúng cậu tôi là
người thế thật - dễ thích, dễ chán, chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn làm xong việc
gì, thêm vào đó lại sớm nhiễm thói rượu chè, cờ bạc. Chưa đầy bốn mươi, cậu tôi
đã kịp thay đổi bốn đời vợ. Một hôm, khi đánh bạc đâu đó về khuya, chờ mãi không
thấy đò, lại đang say rượu, thế mà cậu tôi dám liều lĩnh bơi qua sông Hoàng Mai
giữa mùa nước lớn và tất nhiên đã chết đuối, hai ngày sau xác mới nổi lên, bị
sóng đánh dạt lên bậc đá sát chân đền Kình.
Tuy
bốn đời vợ nhưng cậu tôi chẳng để lại cho bà đứa cháu nào. Thế là vô tình tôi
trở thành người được bà yêu và quan tâm nhất. Chẳng hiểu vì sao bà chọn tôi
trong khi tôi còn một đàn em cả trai lẫn gái, không ít đưa thông minh và ngoan
hơn. Có lẽ đó là một trong những đặc điểm không lý giải nổi của người già. Có
điều, tôi chẳng lấy thế làm thích. Tôi miễn cưỡng tiếp nhận sự chiều chuộng của
bà - đó là những chiếc vòng bạc đủ cỡ mà tôi phải đeo vào cổ, vào tay dù là con
trai; những bộ quần áo kỳ cục tự bà may và đương nhiên tôi phải mặc để bạn bè
tha hồ chế giễu.
Nhà
tôi ở Diễn Châu, cách làng Kình những năm mươi cây số, thế mà hè nào tôi cũng
phải ra ở với bà ít nhất một tuần hoặc nửa tháng. Còn vào ngày rằm tháng giêng
hàng năm thì bất luận thế nào cũng phải ở bên bà. Vào ngày ấy, bà đánh thức tôi
dậy rất sớm, tắm rửa sạch sẽ rồi mặc cho bộ quần áo đẹp nhất. Xong, hai bà cháu
cùng ra đền Kình. Bà dẫn tôi đi khắp một lượt trong đền, vừa đi vừa kể lại câu
chuyện nhà sư và hoàng hậu, không quên kèm theo những lời răn đe rùng rợn.
-
Cháu có sợ chết không? - bà hỏi khi đứng trước tượng ông sư.
-
Có ạ, - tôi rụt rè đáp.
-
Thế thì hãy nhớ lấy gương ông này!
Rồi
bà kể một thôi thật dài về những điều khủng khiếp mà con người đáng thương kia
phải gánh chịu khi bị đầy xuống địa ngục. Chẳng hiểu vì sao tôi còn nhỏ mà bà
phải răn đe những chuyện như thế. Cứ theo bà thì mọi tội lỗi và tai họa trên
đời đều từ cái thú xác thịt mà ra. Bà ghê tởm và tìm cách xa lánh nó như xa
lánh quỉ dữ. Tất nhiên bà cũng bắt đứa cháu yêu của mình có thái độ tương tự.
Mãi sau này tôi mới hiểu bà tôi phải nghĩ ra tất cả những điều ấy để giữ mình
trong suốt cuộc đời góa chồng kéo dài của bà.
Tiếp
đến là phần phóng chim lấy phước. Bà trịnh trọng thắp hương, quì trước tượng
hoàng hậu, hồi lâu lầm rầm cầu khấn gì đó. Còn tôi thì lặng lẽ quì bên cạnh.
Xong, bà ra giữa sân đền, trao cho tôi chiếc lồng có nhốt những con chim bồ câu
- bao giờ cũng màu trắng, vì sao tôi không biết, mà bà đã mua ngoài chợ từ ngày
hôm trước. Tự tay tôi phải mở lồng, bắt ra từng con rồi tung lên trời, bao
nhiêu con phụ thuộc vào số tuổi của tôi năm ấy.
Trong
khi tôi thong thả thực hiện cái lễ nghi mang tính tôn giáo và đầy huyền bí đó,
trông mặt bà thật long trọng, nghiêm khắc và căng thẳng. Bà hồi lâu nhìn theo
từng con chim được thả bay lên cao cho đến lúc mất hút trong không trung, thầm
hy vọng sẽ có ngày chúng mang lại điều tốt lành cho ân nhân mình.
Lần
thả chim sớm nhất còn nhớ được có lẽ khi tôi lên ba hoặc bốn và đang được bế
trên tay mẹ. Tiếp đến, việc này đều đặn lặp đi lặp lại hàng năm, cùng ngày,
cùng địa điểm và cùng những thủ tục bất di bất dịch. Khác chăng chỉ ở số lượng chim thả, nghĩa là mỗi năm thêm
một con cho phù hợp với tuổi.
Bà
tôi là người tuy tốt nhưng nghiệt ngã như đã nói, không những tôi mà cả mẹ tôi
cũng sợ. Vì vậy dù bận bịu việc đồng ruộng, dù xa xôi và nhiều khi chỉ đơn giản
không muốn, mẹ tôi vẫn phải đem tôi về quê ngoại. Những năm gặp lụt tàu không
chạy được, chúng tôi phải xin ô tô tải đi nhờ hoặc cuốc bộ cả năm mươi cây số,
nhẩy từng bước một trên những thanh tà vẹt bị mặt trời đốt nóng hừng hực. Người
nhỏ, chân ngắn, tôi thường tập tễnh đi
sau. Mệt quá, chốc chốc tôi ngồi phệt xuống đường ray, thút thít khóc. Những
lúc ấy, hoặc mẹ tôi phải ngồi xuống cùng nghỉ, giở cơm nắm ra cho ăn, hoặc cõng
tôi đi tiếp, vừa đi vừa dài dòng giải thích rằng chúng tôi phải vất vả như thế
không phải không có lý do, rằng tương lai và hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào
bà, vào đền Kình và những con chim được phóng thích.
Ngày
nhỏ nhiều lần tôi nghe bà nói với mẹ về tôi, như thể sau này tôi sẽ "cháu
con đông đúc", "công thành danh toại", và "làm rạng rỡ cho
cả dòng họ"... Cũng vì thế mà bà đã không tiếc công sức, tiền của chăm lo
cho tôi sớm đạt được điều ấy. Là người cực đoan, bà rất tin vào suy nghĩ của
mình. Còn mẹ tôi thì rõ ràng có ý nghi ngờ. Mà nghi ngờ cũng có lý, vì nói chung
tôi là đứa trẻ bình thường, học không dốt nhưng lười, chỉ thích duy nhất môt
việc là đọc sách.
3
Dễ
đến mười năm nay tôi mới có dịp trở lại quê ngoại Quỳnh Lưu. Bà tôi chết cuối
năm 1968, trong một trận pháo Mỹ bắn từ biển vào. Bà con thân thích chẳng còn
ai, trừ một ông già năm nay gần tám mươi tuổi mà mẹ tôi nói tôi phải gọi là
cậu. Dĩ nhiên, một trong những việc tôi quan tâm đầu tiên là đền Kình.
-
Người ta phá đi rồi, - ông cậu tám mươi
tuổi đáp cộc lốc.
-
Nhưng vì sao ạ? - tôi vội hỏi, ngạc nhiên và lo lắng.
-
Ôi dào, ai mà biết được các ông ấy. Mấy ông lên xã họp hành cái phát động gì đó
vài buổi, thế là về bắt dân dỡ phá ngôi đền, nói để xây nhà văn hóa. Mà rồi ba
năm nay có thấy cái nhà ấy đâu.
-
Thế dân không phản đối à?
Cậu
tôi thở dài:
-
Dân thì biết gì mà phản với chẳng đối. Vả lại, họ bảo phá đền để chống cái
phong kiến, cái lạc hậu thì còn nói vào đâu được nữa.
-
Cả mấy cây si cũng bị chặt à? - tôi hỏi.
-
Thì anh cứ ra xem, khắc biết.
Ở
Diễn Châu, cách làng tôi chừng hai cây số về phía Nam có đền thờ An Dương
Vương. Ngày bé chúng tôi thường thả trâu dưới chân núi Mộ Dạ rồi leo lên chơi
trốn tìm trong đền. Về sự tích ngôi đền này, không cần nghe ai chúng tôi cũng
biết vì sách giáo khoa phổ thông có nhắc tới. Nhiều lần chúng tôi chụm đầu cùng
nhìn xuống đáy chiếc giếng giữa sân đền, cố tìm giọt máu của Mỵ Châu mà tương
truyền còn có trong đấy; hoặc vòng ra phía sau đền để đoán tìm nơi An Dương
Vương nhảy xuống biển tự tử. Biển bây giờ đã lùi xa hàng cây số xuống phía
đông.
Trong
suốt nhiều năm dài tuổi thơ và cả bây giờ, tôi vẫn thầm tự hào quê tôi có được
một lúc cả hai ngôi đền nổi tiếng, đến mức được viết thành sách và trong nước
ai ai cũng biết. Thế mà nay một trong hai ngôi đền ấy, ngôi đền làng Kình, đã
không còn nữa.
Tôi
thơ thẩn bước đi giữa lổn nhổn gạch vỡ và những túm cỏ dại mọc rải rác ở nơi
xưa là sân đền, lòng bâng khuâng mãi nỗi buồn khó tả. Tôi lan man suy nghĩ về
một thời xa xưa huyền bí, về những con người bất hạnh làm nên sự tích ngôi đền
và những con người thực dụng thô thiển sau này đã xóa bỏ nó một cách không
thương tiếc. Tất nhiên tôi cũng nghĩ về bà tôi, một người mà trong tiềm thức
của tôi bao giờ cũng là cái gì đấy không thể tách rời khỏi tuổi thơ và mảnh đất
tôi sinh trưởng. Cũng như quê tôi, con người ấy bắt rễ sâu vào quá khứ, khắc
khổ, vất vả nhưng hiền lành, và điều quan trọng nhất là suốt đời chỉ cầu mong
điều tốt cho tôi. Với tôi, bà luôn là người ít nói và khó hiểu. Mãi gần đây,
nhân có đợt phát động mua công trái, vô tình tôi được biết thời kháng chiến
chống Pháp có lần bà nổi tiếng là người mua công trái nhiều nhất huyện, nổi
tiếng về cả việc chính bà tự nguyện cho bộ đội cả hai con thuyền còn lại của
mình để làm phương tiện vận tải.
Giá
bây giờ sống lại, bà tôi sẽ nghĩ gì?
Lần
cuối cùng gặp bà, tôi đã mười bẩy tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông và sắp đi học
xa. Lần ấy, dù không là rằm tháng giêng, bà cũng dẫn tôi ra đền Kình và tôi lại
thả mười bảy con chim lên trời, với đúng cái thủ tục không thay đổi những năm
trước đó. Kể ra từ khi học cấp ba, do đã lớn và hay xấu hổ, bà có châm trước ít
nhiều phần nghi lễ, thí dụ tôi có thể không phải quì lạy, hoặc tránh không ra
đền vào lúc đông người. Phần mình, gặp lúc đói kém, bà đã chịu thay những con
chim bồ câu đắt tiền bằng chim sẻ hoặc chim gáy, nhưng nói chung những trường
hợp như thế không nhiều.
Một
lần, bà giao việc ra chợ mua chim cho cậu tôi. Đang cần tiền uống rượu, cậu tôi
đến một nhà trong xóm mượn tạm mấy con bồ câu mang về. Sáng hôm sau, từ đền
Kình chúng lại quay về với chủ cũ. Không hiểu thế nào chuyện lộ, bà đã thẳng
tay đuổi cậu tôi ra khỏi nhà, còn tôi thì suýt bị gọi ra Quỳnh Lưu để làm lại
lần nữa cái thủ tục buồn chán ấy.
Về
ước mong "cháu con đông đúc", chắc hẳn bà tôi sẽ thất vọng ghê gớm,
vì mãi tới nay tôi vẫn chưa vợ, dù đã ở cái tuổi ngày xưa bà có cháu đầu lòng
là tôi. Có thể bà sẽ hối hận vì quá răn đe tôi bằng tấm gương của ông sư kia
chăng? Còn chuyện "công thành danh toại" hay thậm chí "làm rạng
rỡ cả dòng họ" – chắc tôi cũng chẳng làm bà vui hơn bao nhiêu, tuy đã được
in mấy cuốn sách và thỉnh thoảng xuất hiện trên báo này, báo nọ. Nhiều khi,
nghĩ về những hy sinh mà bà chịu đựng và những hy vọng bà đặt vào tôi, tôi cứ
áy náy như mình là người mắc nợ lâu ngày chưa trả.
4
Sáng
hôm sau, rời làng Kình, tôi ra chợ Mụ mua một đôi bồ câu - tiếc không có màu trắng - nhét vào chiếc cặp da to
mà tôi vẫn xách đi công tác thay va-li, rồi lặng lẽ đi về phía mỏm núi đá nơi
trước đó từng có một ngôi đền nổi tiếng.
Buổi
sáng, trời thật đẹp. Biển lặng, gió nhẹ nhưng sóng vẫn vỗ mạnh vào những tảng
đá lớn nằm ngay sát chân. Tôi đứng lặng một phút, thầm cầu mong vong linh bà
tôi được yên nghỉ nơi chín suối. Như cậu bé rụt rè ngày nào, tôi mở cặp, nhẹ
nhàng giữ đôi chim trong lòng tay, giơ chúng lên cao và từ từ nới mở các ngón.
Được tự do, đôi chim ngơ ngác mở to mắt nhìn quanh mấy giấy mới đập cánh bay
đi...
Một
cái gì đấy tê tê, êm dịu chạy qua tim. Tôi chợt hiểu: cùng đôi chim ấy, tuổi
thơ vừa tuột khỏi tay tôi bay đi. Bay đi vĩnh viễn.
Trên
không, đôi chim biến mất từ lúc nào. Chỉ còn lại những chiếc lông tơ nhẹ màu
trắng đang nghiêng ngả lượn thành vòng trong gió.
Quảng Bá, 11.5.1985.
No comments:
Post a Comment