Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Antôn Sêkhốp, nhà văn
Nga thế kỷ mười chín nổi tiếng về sở trường truyện ngắn, có lần nói với bạn bè
một ý đại khái thế này, rằng nếu nhà văn thực sự có tài thì từ bất kì cái gì,
thậm chí từ cái tầm thường, nhỏ nhặt nhất cũng có thể viết thành một truyện
ngắn. Và để chứng minh cho quan điểm ấy của mình, ông đã viết truyện Cái đinh. Xuất phát điểm đơn giản chỉ là
chiếc đinh gỉ trên tường, ngẫu nhiên các bạn nhìn thấy khi đứng dậy chia tay
sau bữa ăn, rồi nửa đùa nửa thật họ yêu cầu ông thử viết về nó. Thế mà thành
một truyện hay.
Hôm nọ, tình cờ tôi
đem chuyện này kể với vợ. Bà ấy luôn là người đầu tiên đọc những gì tôi viết,
đôi lúc có vài nhận xét xác đáng mà dẫu bảo thủ, tôi vẫn phải thừa nhận và lặng
lẽ làm theo.
“Sao
ông không thử làm như Sêkhốp?” - bà ấy thản nhiên nói.
“Tôi không phải
Sêkhốp. Ông ấy là thiên tài. Vả lại, nghề của tôi như bà biết, không phải viết
mà dịch”, - tôi nói với sự khiêm tốn chân thành. Mấy chục năm nay tôi chỉ dịch,
dịch thơ, một nghề tôi cho không kém vinh quang so với sáng tác. Thỉnh thoảng
lúc chán tôi mới viết truyện, rỗi thì viết chứ chẳng tham vọng gì nhiều.
“Đành thế, nhưng cứ
thử, xem ông có là người “thực sự có tài” hay không”.
Máu tự ái tôi nổi lên:
“Thử thì thử! Thế bà
muốn tôi viết về cái gì?”
Vợ tôi đưa mắt nhìn
quanh. Phòng làm việc của tôi luôn ngổn ngang đủ loại sách báo; chiếc giường
một vừa để nghỉ và ngủ; chiếc ghế xoay vắt đầy quần áo mặc dở; trên bàn có
chiếc vi tính cùng chồng đĩa nhạc; tường treo mấy bức tranh sơn dầu loại rẻ
tiền và chiếc đàn vi-ô-lông kỷ niệm một thời sinh viên đam mê mà bây giờ, dẫu
đã thuộc người già, lại to béo, thỉnh thoảng tôi vẫn đem ra cò cử bất chấp sự
phản đối của hàng xóm và gia đình. Tôi thầm mong vợ chọn chiếc đàn hoặc chiếc
vi tính, biểu tượng của tình cảm và công nghệ hiện đại ít nhiều còn có thể phịa
ra cái để viết. Nhưng không, cuối cùng bà ấy nhìn tôi, nói như ra lệnh:
“Ông hãy viết về cái
gãi lưng đang cầm trên tay ấy!”
“Sao, viết về cái
này?” tôi thốt lên, ngừng gãi, chìa ra trước mặt chiếc gãi lưng bằng nhựa màu
hồng rẻ tiền mua ở Thượng Hải năm ngoái khi hai bố con tôi tới đó theo một tour
du lịch trọn gói. Một đầu nó có hình bàn tay năm ngón, ngón út bị con cún láo
lếu gặm gãy, đầu kia là quả bóng cao su sơn đỏ đã sờn rách đôi chỗ, có lò xo
dùng để đấm lưng. Một sản phẩm chẳng mấy nghệ thuật nhưng rất tiện lợi và tôi
vẫn thường cần đến.
“Đúng,
ông hãy thử viết về nó. Chiếc đinh của Sêkhốp còn nhỏ nhặt, tầm thường hơn
nhiều. Ít ra nó cũng cho biết tài năng ông đến đâu”.
Tôi lại chạm tự ái.
“Được. Vậy ngày mai
vào giờ này mời bà xuống đọc. Biết đâu tôi chẳng thông minh hơn bà tưởng.”
Còn lại một mình, tôi
thẫn thờ hồi lâu ngồi nhìn chiếc gãi lưng khốn khổ mà từ đó tôi phải tìm đủ cảm
xúc và trí tưởng tượng để viết thành một truyện ngắn với đúng nghĩa của nó. Ơn
Chúa, cái truyện ấy cuối cùng cũng viết xong, chậm nửa ngày. Tôi không đặt tên Chiếc gãi lưng, mà là Bàn tay ngà ngọc, vừa hợp nội dung, vừa
đỡ phần dung tục.
*
Dù còn trẻ, nhà ngoại
giao M. từ lâu đã say mê thú chơi đồ cổ, đặc biệt những thứ liên quan đến Trung
Quốc. Chơi với đúng nghĩa của nó, không bao giờ đo giá trị bằng tiền. Và cũng
rất sành. Chuyến công tác Bắc Kinh lần này là dịp hiếm, vì anh phụ trách một Vụ
châu Âu ở Bộ nên ít có điều kiện sang đây. Ngày nghỉ đầu tiên anh nhờ một đồng
nghiệp lâu năm ở sứ quán dẫn đi lùng sục các cửa hàng nhỏ, phố nhỏ mà thường
chỉ người bản địa mới biết và cũng là nơi có nhiều cơ may tìm được thứ gì đó
độc đáo mà không quá đắt. Những thứ ấy thật ra có nhiều, rất thích, rất đáng
mua nhưng vì ít tiền, cuối cùng đắn đo mãi, anh quyết định mua một cái mà chắc
chẳng mấy ai muốn mua. Chính ông chủ cửa hàng (một người Hoa bé loắt choắt, mặt
nhọn và nhăn nhúm) cũng không nghĩ anh sẽ mua nó, nhất là với cái giá rất cao
lão đòi và không chịu bớt một xu. Vâng, nó đắt thật, nhưng đáng giá đồng tiền,
và anh gật đầu. Dân chơi đồ cổ thường vẫn vậy, đã thích cái gì thì không thể
nào dứt ra được.
Đó là chiếc gãi lưng
hình bàn tay một cô gái, được làm bằng ngà hay thứ gỗ trắng cứng mịn nào đó,
lâu ngày đã ngả màu nhưng chưa sứt gãy và cũng chưa có vết xước sâu nào. Nó khá
to và nặng so với những thứ cùng loại ngày nay, dễ phải bằng cánh tay thật của
một đứa bé. Anh hỏi thuộc đời nào, ông già chủ quán chỉ đáp: “Lâu rồi. Lâu lắm
rồi. Chính xác đời nào lão chẳng biết, nhưng nó có từ lâu, lâu lắm rồi. Anh
tinh lắm, tinh lắm!”
Quá bận với các bản
báo cáo và họp hành, về nước đến một tuần M. mới có dịp lấy ra xem. Người chơi
đồ cổ đích thực ngắm nghía đồ chơi của mình không như người bình thường. Họ cần
có hứng, có thời gian thích hợp. Lúc ấy đã gần mười hai giờ đêm. Anh tắt vi
tính, thận trọng mở va-li lấy nó ra. Thoạt đầu anh hơi thất vọng, chắc một phần
vì số tiền lớn phải chi cho nó. Đẹp, có thể rất quý nhưng cũng chỉ là cái gãi
lưng hình cánh tay phụ nữ, thứ đồ dùng không hiểu sao người phương Tây ít ai sử
dụng vì một mặc cảm mơ hồ nào đó. Chắc họ thích những bàn tay bằng xương bằng
thịt ấm áp và dịu dàng hơn.
Anh cầm nó trên tay,
ngắm nghía từ mọi góc độ, thầm nghĩ đúng nó là đồ cổ thật, chắc thuộc một gia đình
quyền quý nào đó cách đây vài trăm năm, khó có thể lâu hơn. Các ngón tay búp
măng thon dài, móng được cắt nhọn và cũng rất dài, sơn màu hồng nhạt. Chỗ khuỷu
tay có đường chạm thành nếp ngấn sống động. Cao hơn một chút là mặt cắt ngang
rất phẳng và nhẵn, cứ như bị lưỡi kiếm sắc chặt một nhát đứt đôi. Phần trên
khuỷu tay hơi gập, vừa đủ dài để làm tay cầm. Anh cho như thế là tàn nhẫn từ
phía người nghĩ ra kiểu dáng này cho nó.
M. ngồi yên, mân mê
cánh tay ngà rất lâu, mỗi lúc càng thấy thích. Mấy lần định cất lại vào va-li
mà không hiểu sao cứ chần chừ mãi. Nhiều khi có cảm giác như đang nâng niu một
bàn tay thật, thậm chí thấy mềm, âm ấm. Cuối cùng anh nằm xuống giường, chặn
màn, để nó bên cạnh và tắt đèn.
Nhà anh ít người. Cả
hai cô con gái đang học phổ thông bên Mỹ, nơi anh mới kết thúc nhiệm kì công
tác nên các con ở lại học nốt chương trình. Gia đình anh xưa nay có thói quen
mỗi người ngủ một phòng. Bây giờ thì mỗi người một tầng. Vợ anh ở tầng hai, anh
ngủ luôn ở phòng làm việc tầng một, còn bà giúp việc thì trong phòng bếp rộng
gần ba chục mét.
Đang thiu thiu ngủ
bỗng ngứa lưng, M. cầm luôn cánh tay ngà gãi nhẹ. Thật dễ chịu. Gãi đúng chỗ
ngứa, lần nào cũng đúng, sắc và gọn. Bất chợt anh giật thót người khi có cảm
giác bàn tay ngà kia xoãi ngón xoa xoa vào chỗ ngứa. Xoa hai lần. Anh hốt hoảng
dùng tay kia kiểm tra lại. Vẫn là cánh tay ngà đồ cổ như trước, cứng và vô tri
giác. Thở dài nhẹ nhõm, anh cho mình vừa nằm mê, rồi quay người ngủ tiếp, cánh
tay ngà để cạnh, gần như chạm mặt.
Một lúc sau, có thể
một giờ hoặc lâu hơn, anh lại lơ mơ cảm thấy có bàn tay ai đang dịu dàng mơn
trớn má mình. Vì nghĩ lại mơ, anh nằm yên tận hưởng cảm giác dễ chịu ấy. Nhưng
sự mơn trớn lần này có vẻ mỗi lúc một thật hơn và cũng âu yếm hơn. Anh tỉnh ngủ
hẳn, những ngón tay phụ nữ thon dài kia còn dính trên má. Anh sờ tay, giật mình
vì thấy có người nằm cạnh, ấm và mềm. Vợ à? Cô ấy có bao giờ tự xuống thế này
đâu? Anh khéo léo luồn tay về phía chiếc công tắc đèn ngủ.
“Ôi, cô là ai thế
này?” anh ngồi bật dậy, khẽ thốt lên sau mấy giây lặng đi vì ngạc nhiên và sợ
hãi. Đó là một cô gái xinh đẹp, rất khác thường cả về dáng người, cách ăn mặc,
kiểu đầu tóc và cả cách son phấn. Phải cố lắm anh mới không kêu to, hai mắt
nhìn trân trân không chớp. Anh lùi lại cho đến khi chạm lưng vào tường, trống
ngực đập thình thịch.
“Thiếp là Tiểu Ái, nữ
sĩ của Thái Tử Đan nước Yên”, cô gái thỏ thẻ đáp, chỉ thoáng chút ngượng ngùng
kiểu con gái đài các chứ không hề bối rối.
“Tiểu Ái nào? Thái Tử
Đan nước Yên nào? Tôi không hiểu”.
“Chàng thích đồ cổ Trung Hoa mà dường như
không am tường lắm về lịch sử nước này. Vâng, thiếp là Tiểu Ái, nữ sĩ và cũng
là tì thiếp yêu của Thái Tử Đan nước Yên cách đây hơn hai nghìn năm. Vì muốn
diệt Doanh Chính, tức Tần Thủy Hoàng, để trừ hậu họa, Thái Tử phải nhờ đến Kinh
Kha, một thích khách nổi tiếng nước Ngụy. Những ngày trước lúc lên đường, ngài
tìm mọi cách chiều lòng Kinh Kha: nào vàng bạc châu báu, tiệc tùng, nào đàn hát
suốt ngày với vô số cung tần mĩ nữ hầu hạ. Vậy mà Kinh Kha có vẻ không mấy mặn
mà với việc người ta yêu cầu làm. Một tối nọ, khi xem thiếp đàn, ông ta buột
miệng khen đôi tay thiếp đẹp. Thế là sáng hôm sau Thái Tử chặt tay thiếp, cho
vào chiếc hộp phủ lụa đỏ đem đến. Bây giờ chàng nhớ rồi chứ?”
Tiểu Ái nói, khẽ cúi
đầu e lệ đúng cung cách phụ nữ cái thời xa xưa ấy. M. vẫn nhìn nàng không chớp
mắt. Nàng thật xinh đẹp, dịu dàng. Tuy nhiên, anh vẫn thấy có cái gì đấy đáng
ngờ, hơi ranh ma trong ánh mắt cô gái bí ẩn này.
“Vâng, - anh đáp. - Tôi có biết tích ấy,
dù không dám tin là thật. Có phải sau đấy Kinh Kha vì thương cảm đã đem chôn
cất tử tế đôi tay của cô không?”
“Không. Nhiều người
nghĩ vậy nhưng thực ra không phải thế. Ông ấy quả rất thích đôi tay đẹp của
thiếp, nên cho mời thầy thuốc đến ướp khô, từ đó luôn giữ chúng bên mình. Sau
này Kinh Kha bị Tần Thủy Hoàng giết chết, đôi tay thiếp thất lạc, qua hết người
này đến người khác. Một tay thiếp bị người Anh thiêu cháy cùng Di Hòa Viên của
Từ Hy Thái Hậu cách đây không lâu, còn tay nữa thì hiện đang ở đây với chàng.
Vì thế mà thiếp có mặt hôm nay. Chàng không thích thiếp chăng? - Nói đoạn, Tiểu
Ái choàng tay ôm cổ M. Một ma lực nào đó khiến người anh mềm nhũn, ngoan ngoãn
tuân theo ý nàng. - Từ nay thiếp sẽ ở bên chàng, chiều chuộng chàng như xưa
từng chiều chuộng Thái Tử Đan nước Yên...”
Rồi tự nhiên đèn tắt, không ai bật mà
tắt. M. thấy mình từ từ rơi vào khoái lạc đê mê, có thật mà không có thật.
Từ đêm ấy họ sống với
nhau như vợ chồng. Vâng, chỉ ban đêm, khi M. tắt đèn lên giường, còn ban ngày
Tiểu Ái vẫn chỉ là cánh tay bằng ngà vô tri giác được anh đặt bên cạnh để gãi
lưng khi ngứa, vì anh thích cảm giác được bàn tay ngà ngọc của nàng gãi. Ngoài
ra mọi chuyện vẫn bình thường. Đêm nào cũng mất ngủ vì hoan lạc nhưng anh chẳng
vì thế mà xanh xao gầy yếu. Không hề có biểu hiện thay đổi nào dù nhỏ trong
cách anh làm việc ở cơ quan hoặc cư xử với vợ ở nhà. Anh nhanh chóng thích nghi
với cuộc sống mới hai mặt, hơn thế còn lấy làm thích. Tiểu Ái quả là người đàn
bà đam mê và biết chiều chuộng. Đôi lúc anh cũng thoáng lo sợ khi nghĩ mình
đang dan díu với ma, một việc chẳng hay ho gì. Còn nàng, anh nhận thấy, dường
như không có ý làm hại anh. Nàng vẫn yêu kiều, lễ phép và càng ngày càng tỏ ra
gắn bó, cứ như muốn thế chỗ vợ anh vậy. Nhưng vì sao nàng phải làm thế? Nàng
thực sự cần gì ở anh? Mà rồi làm sao có thể xảy ra được cái chuyện kì quặc này
giữa một kỹ nữ thời Tần Thủy Hoàng và anh, một công chức ngoại giao bình thường
của thế kỷ hai mươi mốt? Và quan trọng hơn, tất cả những việc này sẽ đưa anh
đến đâu? Hạnh phúc gia đình anh sẽ ra sao? Là người duy lí và tỉnh táo, M. tự
đặt cho mình những câu hỏi không dễ trả lời ấy. Lờ mờ cảm thấy nguy hiểm đang
đến gần, anh muốn chủ động làm cái gì đó, mà phải làm ngay khi chưa muộn. Tuy
nhiên, sức quyến rũ của Tiểu Ái quá lớn khiến anh cứ khất lần cái việc cần làm
ấy hết ngày này sang ngày khác, cho đến một hôm...
Một hôm vợ anh bước
vào phòng làm việc của chồng, một điều ít khi xảy ra. Chị là giám đốc một doanh
nghiệp làm ăn phát đạt, xa lạ với văn chương và đồ cổ, những thứ chị cho là vớ
vẩn, mặc dù chưa bao giờ kêu ca hoặc ngăn cản chồng. Chị là người vợ tốt, quán
xuyến và thương yêu chồng con. Sự có mặt của vợ làm M. bối rối, như thể anh bị
bắt quả tang ngoại tình và đang giấu người tình ngay trong căn phòng này. Rỗi
việc, vợ anh ghé vào hỏi vài câu vu vơ chứ chẳng có mục đích cụ thể nào.
“Cái gì thế này?” chị
hỏi, mắt to mò nhìn cánh tay ngà trên đầu giường.
“Thì em thấy đấy, -
anh đáp, cười gượng gạo. - Cái gãi lưng ấy mà. Anh mua ở Bắc Kinh vừa rồi.
Người Tàu nghĩ ra lắm thứ độc đáo thật. Nó cổ lắm đấy, có từ thời...” anh chợt
ngừng vì lỡ miệng sợ đi quá xa.
Chị vợ lặng lẽ cầm nó
lên tay, ngắm nghía một lúc rồi thử đưa lên má gãi gãi. Bất chợt chị kêu thét
lên:
“Trời ơi, cái của nợ
này nó cấu em! Anh xem này!”
Một vết xước màu đỏ
khoảng vài phân bên khóe mắt trái chị.
“Nhảm nhí! Nó bằng gỗ
chứ đâu phải người mà cào cấu được.” anh nói, cố giấu vẻ ngạc nhiên lo sợ.
“Nhưng móng nó sắc, đáng lẽ em nên cẩn thận”.
Vợ anh vứt cánh tay
xuống giường, ôm mặt bước ra khỏi phòng.
M. nhìn, thấy nó xấu
hơn ngày thường, vẻ như đang cau có một cách độc ác. Tối hôm ấy anh hỏi Tiểu Ái
vì sao làm vậy, nàng im lặng mãi mới nói: “Thiếp nhỡ thôi chứ chẳng cố tình”.
M. để ý sau mỗi lần
anh lên ngủ với vợ theo “nghĩa vụ”, Tiểu Ái luôn tỏ ra khó chịu, mặc dù không
nói gì. Anh biết nàng ghen. Thật kì cục. Hơn thế, hôm nào M. để Tiểu Ái nằm một
mình, vợ anh cũng kêu khó chịu trong người. Dạo này cô ấy trông xanh xao, mỏi
mệt. Cả điều này cũng kì cục nốt, vì bản thân anh chẳng sao, mặc dù kể từ ngày
có Tiểu Ái hầu như anh không ngủ. Anh thực sự lo lắng cho vợ.
“Em chớ có làm gì hại
vợ anh đấy nhé!” một hôm anh bảo nàng. Nàng lặng lẽ gật đầu nhưng anh vẫn nhận
thấy những tia nhìn đáng sợ trong ánh mắt.
Dẫu thích cuộc sống
hai mặt hiện tại, M. không thể tiếp tục thờ ơ với tính mạng vợ và hạnh phúc gia
đình mình. “Cái việc gì đó” cần làm bây giờ trở nên rõ nét và thôi thúc hơn.
Tóm lại, anh đang lặng lẽ tìm cách thoát khỏi Tiểu Ái thế nào cho êm thấm nhất.
Các truyện của Nguyễn Dữ và Bồ Tùng Linh đã dạy anh điều này. Đừng dại mà đùa
với ma!
Một tối nọ, vừa ngồi xuống trước máy vi
tính, M. thấy H., một đồng nghiệp trẻ ở Bộ xồng xộc bước vào, nói có tài liệu
nhờ anh dịch gấp kịp họp ngày mai. H. là người hãnh tiến, thích bay bổng, lãng
mạn, có khả năng nhưng cư xử dở nên không được mọi người thích, kể cả anh. Cũng
vì tính lãng mạn bay bổng ấy, có người gọi là hâm, mãi đến giờ anh ta vẫn chưa
vợ, dù đã ba mươi lăm tuổi. Đối tượng nào cũng bị anh ta chê không tinh tế hoặc
quá tầm thường.
Xong việc, H. còn nấn
ná ở lại, đảo mắt qua giá sách, nhìn một lượt khắp phòng rồi cầm chiếc gãi lưng
đồ cổ lên tay, khen lấy khen để và hỏi một thôi về nó. M. khó chịu trước sự
suồng sã của con người luôn chê người khác thiếu tinh tế này. Bất ngờ một ý
tưởng vụt lóe trong đầu: “Hắn thích thì sao không cho luôn đi! Hắn đang sống
một mình, có thể Tiểu Ái sẽ là người hợp với hắn”.
“Nếu cậu muốn, mình tặng cậu đấy. Coi như
quà đi Trung Quốc vừa rồi”, anh nói.
“Anh giễu em? Cái này
là đồ cổ, chắc phải quý và đắt lắm?”
“Không, bình thường
thôi. Cậu không thích à?”
H. nhìn anh ngờ vực.
Khi thấy anh nghiêm túc, liền gật đầu cảm ơn rối rít và vội về ngay như sợ bị
đòi lại.
Còn lại một mình, M.
thẫn thờ hồi lâu. Vậy là anh đã thoát được Tiểu Ái, không phải không nhớ tiếc
những giây phút hạnh phúc bên nàng. Trong nhà bây giờ chỉ còn lại một người đàn
bà là vợ anh, chắc sẽ nhanh chóng khỏe mạnh bình thường như trước. Anh mừng
trút được cảm giác có lỗi với vợ, nhưng cũng thầm lo sẽ bị Tiểu Ái làm hại về
tội chia tay nàng cách ấy. Ma là chúa hay trả thù...
Tuy nhiên, anh đã lo một cách vô ích. Một
tuần, một tháng rồi mấy tháng trôi qua chẳng có chuyện gì không hay xảy ra với
anh. Còn H. thì béo tốt hẳn lên, yêu đời, yêu người hơn, vẻ hạnh phúc ngời ngời
trên mặt. Anh ta bây giờ không muốn nghe ai nói chuyện manh mối cho mình nữa,
mấy lần còn hùng hồn tuyên bố sẽ sống độc thân suốt đời. Hình như anh ta cố
tình tránh mặt M.
“Không sao, - anh
nghĩ. - Thế là mọi việc đều ổn. Một win-win
deal”. Thuật ngữ ngoại giao chỉ một
vụ dàn xếp hai bên cùng có lợi.
*
Tôi hồi hộp theo dõi
từng biểu hiện nhỏ trên mặt vợ khi bà ấy đọc truyện ngắn này. Chả gì thì chỉ ít
phút nữa bà ấy sẽ cho biết tôi là thiên tài hay bất tài. Đọc xong, bà ấy hồi
lâu nhìn tôi, nhất là cái gãi lưng hàng chợ ngẫu nhiên tôi đang cầm trên tay,
vẻ như nghi kị điều gì. Cuối cùng, với mặt thản nhiên như lúc chưa cầm tập bản
thảo, vợ tôi chỉ nói một câu ngắn gọn: “Bàn
tay ngà ngọc không ổn! Phải đổi thành Tiểu
Ái!”
Rồi bà thản nhiên bỏ
ra ngoài, để lại mình tôi với cảm giác mù mờ không hiểu mình thuộc loại nhà văn
nào.
PS.
Xin được thêm mấy
dòng: Mặc dù không thích, tôi vẫn đổi tên truyện ngắn này thành Tiểu Ái theo
yêu cầu của vợ. Suy cho cùng việc này không quan trọng. Cái quan trọng và đang
làm tôi băn khoăn không ít, là ngay hôm sau, bất ngờ tôi phát hiện thấy chiếc
gãi lưng bằng nhựa vô hại của tôi bỗng biến đâu mất. Nhà chỉ có vợ chồng tôi và
bà già giúp việc hay làm vỡ bát đĩa nhưng chưa tắt mắt cái gì bao giờ. Thế mà
tự nhiên mất. Lạ thật!
Không lẽ vợ tôi nghi
có Tiểu Ái trong nhà?
No comments:
Post a Comment