Monday, February 23, 2015

TRUYỆN THƠ CỔ TÍCH VIỆT NAM - PHẦN MỘT





THÂN GỬI CÁC CHÁU

Đây là tập cổ tích
Đọc khi còn bé thơ,
Bây giờ ông kể lại,
Mà lại kể bằng thơ.

Ngày bé ông thích lắm
Đọc những truyện thế này,
Đơn giản và dễ hiểu,
Quan trọng là rất hay.

Một thế giới kỳ ảo,
Lung linh đủ sắc màu,
Có thần tiên, quỷ dữ,
Có người nghèo, người giàu.

Nó giúp ta phân biệt
Cái cao thượng, cái hèn,
Cái thiện và cái ác,
Kẻ ngu và người hiền.

Ông còn kể nhiều tích
Trong vốn cổ nước nhà,
Như Lưu Bình, Dương Lễ
Hay Tống Tân, Cúc Hoa.

Ngoài ra, ở cuối sách
Có Kiều, Lục Vân Tiên,
Hai tác phẩm thơ lớn
Của hai bậc người hiền.

Các cháu là người Việt,
Không thể không đọc Kiều.
Vậy nhớ đọc đi nhé.
Ông yêu các cháu nhiều.

Ông Tân Béo

Hà Nội, 26. 7. 2012

______________


TRUYỆN THÁNH GIÓNG

Đời Hùng Vương thứ sáu,
Có hai ông bà già
Sinh sống ở làng Gióng,
Rất cần cù, thật thà.

Bà lão, sáu hai tuổi,
Một hôm đi chăn bò,
Thấy có vết chân lạ
Vừa sâu lại vừa to.

Bà ướm chân mình thử,
Quá rộng và quá dài.
Không ngờ về, sau đó
Bà thấy mình có thai.

Bà sinh một cậu bé
Đúng mười hai tháng sau,
Mặt khôi ngô, sáng sủa,
Nhưng ông bà buồn rầu

Vì khi lên ba tuổi,
Nó vẫn chưa biết đi.
Đặt đâu nó nằm đó,
Nói cũng chẳng biết gì.

Chợt giặc Ân phương Bắc
Tràn xuống chiếm nước ta.
Một hiểm họa to lớn
Cho mọi người, mọi nhà.

Vua liền cho sứ giả
Tìm nhân tài khắp nơi.
Nghe tin này, bất chợt
Đứa bé nói thành lời:

“Mẹ ra gặp sứ giả,
Mời họ vào nhà mình.”
Sứ giả vào, cậu nói:
“Hãy về xin triều đình

Đúc một con ngựa sắt,
Một bộ giáp thật dày
Cùng một chiếc roi lớn,
Cho người mang đến đây.      

Ta sẽ đánh tan giặc.”
Sứ giả nghe, ngạc nhiên,
Về tâu vua, lập tức
Vua liền sai thợ rèn

Rèn ngày đêm không nghỉ
Làm những thứ cậu cần.
Ngạc nhiên hơn, từ đấy
Cậu bé cứ đòi ăn.

Cậu lớn nhanh như thổi,
Ăn liền rồi đói liền,
Áo chưa mặc đã chật,  
Hàng xóm phải góp tiền.

Thế nước đang nguy cấp,
Giặc kéo đến ngút trời.
Áo giáp sắt mang đến,
Cậu bé mặc vào người.

Cậu vươn vai đứng dậy,
Thành tráng sĩ cao to,
Dáng oai phong lẫm liệt,
Như một người khổng lồ.

Chàng nhảy lên lưng ngựa.
Vỗ mạnh vào hai hông.
Ngựa sắt chồm lên hý,
Miệng phun ra lửa hồng.                 


Chàng lao vào quân giặc.
Xác giặc chết khắp nơi.
Chúng hoảng hốt bỏ chạy,
Người dẫm lên xác người.

Khi roi sắt bị gãy,
Chàng nhổ bụi tre làng,
Đuổi giặc tận núi Sóc,
Lên đến đỉnh, và chàng

Vẫn ngồi trên lưng ngựa,
Từ từ bay lên trời,
Để lại lòng thương mến
Trong trái tim mọi người.

Đất nước hết bóng giặc,
Cuộc sống lại bình thường.
Vua, ghi công, phong tặng
Là Phù Đổng Thiên Vương.  

Hàng năm người làng Gióng
Mở hội lớn thờ Ngài
Vào tháng Tư âm lịch,
Khách đứng chật trong ngoài.

Vùng này, như ta biết,
Có rất nhiều hồ ao.
Đó là vết chân ngựa
Của Thánh Gióng ngày nào.

Ở đây có làng Cháy.
Số là xưa ngựa chàng
Phun lửa làm nó cháy,
Sau lại là tên làng.

Dân gian thờ Thánh Gióng,
Là một trong bốn thần,
Bốn vị thánh bất tử
Sống mãi cùng nhân dân.


TRUYỆN LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ

1
Ngày xưa ở vùng đất
Tên gọi là Lĩnh Nam,
Có một vị tù trưởng,
Sức khỏe rất siêu phàm.

Người ấy còn có hiệu,
Gọi là Kinh Dương Vương.
Có tài đi dưới nước
Như trên cạn bình thường.

Một lần nhân rỗi việc
Đi chơi hồ Động Đình,
Ngài gặp nàng Long Nữ,
Con gái vua Thủy Tinh.

Hai người thành chồng vợ,
Sinh được cậu con trai,
Tất nhiên là tuấn tú,
Thông minh và có tài.

Sùng Lãm, tên ngày nhỏ,
Sau thành Lạc Long Quân,
Ngài tài giỏi như bố,
Phương phi như vị thần.

Vùng Lĩnh Nam thời ấy
Còn núi rừng hoang vu.
Để hiểu biết dân chúng,
Ngài thường hay chu du.

Một lần đến vùng biển
Ngài gặp con Ngư Tinh.
Đó là con cá lớn,
Vây nhọn khắp thân mình.

Nó dài năm mươi trượng,
Nhảy cao đến lưng trời,
Đuôi như cánh buồm lớn,
Lật thuyền, ăn thịt người.

Lạc Long Quân quyết định
Phải giết nó giúp dân.
Ngài đóng chiếc thuyền lớn,
Cho thuyền tiến lại gần.

Ngài giơ khối sắt đỏ
Nhử trước mặt Ngư Tinh.
Tưởng miếng mồi, rồi đớp,
Nuốt luôn vào bụng mình.

Bị lửa đốt cháy họng
Nó nhảy lên, sáng lòa.
Ngài vung kiếm chém mạnh,
Chặt thân nó làm ba.    

Phần đầu thành con chó.
Nó liền sủa gâu gâu.
Ngài chém, vứt lên núi,
Nay là núi Cẩu Đầu.

Phần giữa trôi ra đảo,
Tạo thành đảo Cẩu Thân.
Đuôi thành Bạch Long Vĩ,
Hết đời con cá thần.

2
Trừ xong nạn cá dữ,
Ngài đến đất Long Biên.
Ở đấy có con cáo,
Sống trong hang tối đen.

Nó hơn nghìn năm tuổi,
Tu lâu ngày thành tinh,
Thường bắt con gái đẹp
Đưa về hang của mình.

Mọi người rất lo sợ,
Tìm nơi khác làm ăn.
Ngài thề sẽ giết nó
Để cứu giúp người dân.

Ngài tìm đến hang cáo
Ở phía tây Long Biên.
Thấy có người, đang đói,
Con cáo nhảy ra liền.

Ngài đánh nhau với nó
Suốt ba đêm, ba ngày,
Hóa phép gọi mưa gió,
Đất trời mù mịt mây.

Cuối cùng nó kiệt sức,
Bị ngài chém làm đôi,
Hiện hình là con cáo
Có những chín chiếc đuôi.

Sau đó, nước sông Cái
Được ngài dâng lên to,
Xoáy thành đầm Xác Cáo,
Nay gọi là Tây Hồ.

Dân xung quanh thấy vậy,
Bèn quay lại nơi này,
Lập làng Hồ trù phú,
Tồn tại đến ngày nay.

3
Ngài đi lên mạn ngược
Tới vùng đất Phong Châu.
Có một cây đại thụ
Mọc tít trong rừng sâu.

Nó cao hàng nghìn trượng,
Cành lá rất xum xuê,
Che cả một vùng rộng,
Dây leo mọc bốn bề.

Về sau cây này chết,
Hồn hóa thành Mộc Tinh.
Nó hung ác, quỷ quyệt,
Luôn thay dạng, đổi hình.

Chuyên bắt người ăn thịt,
Nó là nỗi kinh hoàng
Của người dân sở tại.
Họ phải bỏ xóm làng.

Thương dân tình khốn khổ,
Lần nữa ngài ra tay.
Ngài tìm mãi mới thấy
Chỗ ở yêu tinh này.

Ngài giao chiến với nó
Đúng một trăm ngày đêm,
Làm đất sụt từng mảng,
Làm đá cứng thành mềm.

Cuối cùng, nó kiệt sức
Ngã xuống khe núi sâu,
Miệng phun toàn khí độc,
Rồi bị ngài chém đầu.

Thấy người dân đói khổ,
Ăn củ mài, lá bương,
Lấy vỏ cây làm khố,
Nằm ổ cỏ thay giường,

Ngài dạy họ trồng lúa,
Thổi cơm bằng ống tre,
Làm nhà sàn để ở,
Đội nón mũ ngày hè.

Ngài còn dạy họ sống
Từng cặp theo vợ chồng,
Có gia đình con cái,
Dạy cả làm chiêng đồng.

Nhân dân ghi công ấy
Dựng cho ngài ngôi nhà
Rất cao trên đỉnh núi,
Có đủ hết lợn gà.

Nhưng ngài ít ở đấy,
Mà về với Thủy Tề.
Ngài dặn: “Cần giúp đỡ,
Gọi ta, ta sẽ về.”

4
Lúc ấy vua phương Bắc
Là Đế Lai, ông này
Thấy Lĩnh Nam đất tốt,
Cho quân tràn xuống đây.

Đi theo ông còn có
Con gái là Âu Cơ
Cùng rất nhiều thị nữ,
Như bầy tiên trong mơ.

Ông cho xây thành lũy,
Có ý ở lâu dài
Bắt dân phải phục dịch
Khổ cực, chẳng chừa ai.

Hướng phía Đông, dân gọi:
“Bố Lạc Long Quân đâu,
Chúng con đang gặp nạn,
Về giúp chúng con mau!”

Lập tức, ngài xuất hiện.
Biến thành một chàng trai.
Cùng hàng trăm đầy tớ,
Ngài đến chỗ Đế Lai.

Ngài không thấy ông ấy,
Chỉ thấy nàng Âu Cơ,
Một cô gái tuyệt đẹp,
Đẹp nhất thời bấy giờ.

Thấy ngài rất tuấn tú,
Con gái vua Đế Lai,
Liền đem lòng yêu mến
Và xin được theo ngài.

Lạc Long Quân lập tức
Đưa nàng về nhà mình.
Ngôi nhà trên núi Tản,
Nơi bốn mùa tươi xanh.

Vua Đế Lai quay lại,
Không thấy con gái đâu,
Liền cho lính lùng sục,
Khắp nơi và rất lâu.

Lạc Long Quân sai khiến
Dã thú chặn bốn bề.
Thấy nhiều lính bị giết,
Đế Lai rút quân về.

5
Một thời gian sau đó
Nàng Âu Cơ có thai,
Đẻ ra trăm quả trứng,
Thành trăm người con trai.

Khi chui ra khỏi trứng,
Họ lớn nhanh từng ngày,
Những chàng trai xinh đẹp,
Thông minh và có tài.

Suốt mười năm hạnh phúc
Ngài sống bên Âu Cơ
Cùng trăm người con ấy,
Nhưng mỗi ngày, mỗi giờ

Nỗi nhớ về biển cả
Vẫn canh cánh bên lòng.
Một hôm, từ biệt vợ,
Ngài hóa thành con rồng

Rồi bay lên, mất hút
Nơi sóng biển màu xanh,
Tiếc không mang theo được
Vợ và con trai mình.

Họ ở lại trên núi,
Ngày lại ngày chờ mong.
Cuối cùng, quay hướng biển,
Nàng Âu Cơ gọi chồng:

“Thiếp và con buồn khổ,
Hỡi chàng Lạc Long Quân.
Hãy quay về với thiếp,
Để vợ chồng được gần.”

Ngài về ngay lập tức.
Nàng Âu Cơ trách chồng:
“Thiếp vốn sinh trên núi,
Giữa rừng cây mênh mông,

Thiếp và chàng đã có
Những một trăm người con,
Sao chàng nỡ để thiếp
Sống một mình, đau buồn?”

“Ta giống rồng, - ngài nói. -
Còn nàng là giống tiên.
Khó bên nhau mãi mãi,
Nơi biển, nơi đất liền.

Vậy ta đi hai ngả,
Chia đôi con, vui mừng,
Năm mươi con xuống biển,
Năm mươi con lên rừng.

Có việc, cần hợp sức,
Ta sẽ báo cho nhau.”
Rồi hai người từ biệt,
Quyến luyến giọt lệ sầu.         

Trăm con trai của họ
Từ đó thành tổ tiên
Của giống người Bách Việt,
Vừa cần cù vừa hiền.

Người con trưởng ở lại
Đất Phong Châu mỡ màng,
Rồi sinh con đẻ cái,
Lập nên nước Văn Lang.

Nước có mười lăm bộ,
Có lạc tướng, lạc hầu,
Các vua Hùng kế tục
Cai trị đất Phong Châu.

Lạc Long Quân mở cõi
Lĩnh Nam, đất thiêng này.     
Giúp dân trừ quái vật,
Dạy săn bắn, cấy cày.

Dựng nước và giữ nước,
Mười tám đời vua Hùng,
Lập thuần phong mỹ tục,
Danh giá cả một vùng.

Do truyền thuyết Âu Lạc
Mà dân Việt mọi miền
Nhận mình là con cháu
Của hai bậc Rồng Tiên.


SỰ TÍCH BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY

Đời Hùng Vương thứ sáu,
Khi giặc Ân không còn,
Vua có ý thoái vị,
Muốn nhường ngôi cho con.

Vua gọi các hoàng tử,
Nhân năm mới, đầu xuân:
“Các con tìm lễ vật
Cùng nước uống, thức ăn

Làm sao thật ý nghĩa
Để thờ cúng đất trời,
Cúng thần linh, tiên tổ,
Đẹp dáng, đẹp lòng người.

Cuộc thi này đặc biệt,
Phần thắng thuộc về ai
Ta sẽ cho người ấy
Được thừa kế vương ngai.”

Các hoàng tử háo hức
Lên đường đi gần xa,
Tìm của ngon vật lạ,
Mong nối ngôi vua cha.

Con trai thứ mười tám,
Có tên là Lang Liêu,    
Vốn hiền hậu, hiếu thảo,
Đáng khen đủ mọi điều.

Mẹ không may chết sớm,
Việc thờ cúng tổ tiên
Chàng còn chưa được dạy,
Nên lo lắng, buồn phiên.

Một đêm, thần báo mộng:
“Suy cho cùng, ở đời
Không gì quý bằng gạo.
Gạo nuôi sống con người.

Vậy con lấy gạo nếp
Làm bánh vuông, bánh tròn.
Vuông tượng trưng cho đất.
Tròn là bầu trời con.

Trong bánh có nhân thịt,
Ngoài gói bằng lá xanh,
Để ghi sâu ơn nặng
Công cha mẹ sinh thành.”

Chàng Lang Liêu tỉnh dậy
Nhớ lời thần, rất mừng,
Làm bánh vuông, luộc chín,
Đặt tên là bánh chưng.

Chàng đồ xôi, giã mịn,
Rồi ngồi vắt bằng tay
Những bánh tròn bọc lá,
Gọi đó là bánh dầy.

Đúng hẹn, các hoàng tử
Mang đến trình vua cha
Nhiều món ăn ngon lạ
Của các miền gần xa.

Còn Lang Liêu, khiêm tốn,
Dâng bánh chưng, bánh dầy.
Chàng nói rõ ý nghĩa
Của các loại bánh này.

Vua đích thân nếm thử
Thấy rất ngon, và rồi
Chàng là người được chọn
Để vua cha truyền ngôi.

Từ đó, Tết Nguyên Đán
Người dân khắp mọi miền
Làm hai loại bánh ấy
Cúng đất trời, tổ tiên.


MỴ CHÂU, TRỌNG THỦY

1
Xưa, ở nước Âu Lạc,
Vua là An Dương Vương
Muốn xây thành giữ nước.
Một việc rất bình thường.

Thành ấy hình xoắn ốc
Ở kinh đô Cổ Loa,
Phải cao và phải rộng,
Cấu trúc phải hài hòa.

Vua và dân xây mãi,
Thế mà không hiểu sao
Cứ ngày xây, đêm đổ,
Chẳng ai hiểu thế nào.

Vua lập đàn cầu tế,
Thần Kim Qui giúp ngài
Xây xong thành lũy ấy,
Vững chắc cả trong ngoài.

Xong, Kim Qui còn lấy
Một chiếc móng của mình
Đưa cho vua và nói
Nó sẽ giúp giữ thành.   

“Dùng nó làm lẫy nỏ,
Sẽ là chiếc nỏ thần,
Bắn trăm phát trăm trúng,
Một lúc giết nghìn quân.”

Vua liền sai Cao Lỗ,
Một người thợ thông minh,
Làm cho vua nỏ ấy,
Rồi luôn giữ bên mình.

Đó là chiếc nỏ đẹp
Và rất cứng, muốn giương,
Phải là tay lực sĩ
Có sức mạnh phi thường.                

Nước Nam Hải phía Bắc,
Đánh Âu Lạc nhiều lần
Nhưng luôn chịu thất bại
Vì gặp phải nỏ thần.

Nên ông vua nước ấy,
Có tên là Triệu Đà,
Bèn toan tính kế khác -
Cho con sang giảng hòa.       

Đó là chàng Trọng Thủy,
Đúng một đấng mày râu,
Cha bắt sang Âu Lạc
Để cầu hôn Mỵ Châu.

Mỵ Châu là con gái
Của vua An Dương Vương,
Một công chúa trong trắng,
Lại xinh đẹp khác thường.

Vì thơ ngây, trong trắng,
Và cả tin, nên nàng
Đem lòng yêu Trọng Thủy,
Không biết mưu cha chàng.

Về phần mình, Trọng Thủy
Cũng yêu nàng thiết tha,
Tình yêu cũng trong trắng,
Bất chấp ý đồ cha.

Thấy Mỵ Châu, Trọng Thủy
Yêu thương nhau thực lòng,
An Dương Vương đồng ý
Cho họ thành vợ chồng.

Một đêm trăng tuyệt đẹp,
Hai người ngồi trước thềm.
Nước dưới hồ lấp lánh
Nghìn vạn ánh sao đêm.        

Rồi như thể nhân tiện,
Trọng Thủy hỏi vợ mình
Bí quyết nước Âu Lạc
Giữ vững được Loa Thành.

Nghĩ đã là chồng vợ,
Không giấu giếm điều gì
Mỵ Châu liền kể chuyện
Chiếc nỏ thần Kim Qui.

Hơn thế, nàng lấy trộm
Chiếc nỏ từ phòng cha,
Hướng dẫn cách sử dụng,
Tỉ mỉ và thật thà.

Ngày hôm sau Trọng Thủy
Xin phép được lên đường
Quay trở về Nam Hải
Để dự lễ Trùng Dương.

Trước khi đi, lưu luyến,
Chàng nói với Mỵ Châu:
“Sự đời khó biết trước,
Lần này ta xa nhau,      

Nhỡ can qua, ly biệt,
Khó biết đâu mà tìm.”
Mỵ Châu nói: “Nhà thiếp
Có chiếc áo lông chim.

Nếu không may loạn lạc,
Phải chịu cảnh tha hương,
Thiếp nhổ lông chiếc áo
Rồi bỏ lại dọc đường.

Theo đó mà tìm thiếp
Một khi chàng quay về.
Nói đoạn, nàng liền khóc,
Nước mắt chảy dầm dề.

Lại nói chàng Trọng Thủy
Về nước gặp Triệu Đà,
Kể hết về chiếc nỏ
Rồi đưa cho vua cha

Chiếc lẫy thần, chiếc móng
Của thần Rùa Kim Qui.
Chàng đã lấy trộm được
Mà không ai biết gì.

Mấy tháng sau, Nam Hải
Với chiếc lẫy trong tay,
Cho quân đánh Âu Lạc,
Chắc thắng lợi lần này.          

Được tin giặc lại đến
Vua Việt, An Dương Vương,
Cậy nỏ thần vô địch,
Vẫn bình tâm như thường.

Nhưng khi đem nỏ bắn
Thì thấy mất lẫy thần,
Thành Cổ Loa thất thủ,
Vua phải trốn, thoát thân.

Chỉ một mình một ngựa,
Người ngựa phóng như bay,
Sau lưng là con gái,
Liên tục suốt mấy ngày.                  

Nàng Mỵ Châu lấy áo,
Nhổ lông rắc dọc đường.
Cuối cùng đến dãy núi,
Đêm vừa buông, mù sương.

Ngọn núi ấy gần biển,
Phía trước không đường đi.
Sau lưng giặc đang đuổi.
Vua không biết làm gì.

Ngài xuống ngựa, cầu khấn
Thần Kim Qui giúp mình.
Khấn xong, trời nổi gió
Và mặt biển rùng mình.

Thần Kim Qui xuất hiện:
“Giặc đang ngồi phía sau!”
Vua Âu Lạc chợt hiểu,
Liền chém con đứt đầu.

Rồi ngài ôm con khóc,
Leo lên tảng đá cao,
Nhảy xuống biển tự tử.
Biển nổi sóng dâng trào.

Nhớ lời vợ, Trọng Thủy
Liền lên đường đi tìm.
Chàng cứ đi, đi mãi,
Lần theo vết lông chim.

Khi đến núi Mộ Dạ,
Chàng tìm thấy Mỵ Châu,
Người vợ chàng yêu quí,
Chết, mà không có đầu.

Chàng ôm vợ than khóc,
Day dứt và chân thành.
Rồi vội vàng lên ngựa
Đem vợ về kinh thành.

Chàng làm lễ mai táng
Theo nghi thức vương gia,
Rồi gieo đầu xuống giếng
Chết trong thành Cổ Loa.

Chiếc giếng ấy, được biết,
Đã trải qua nhiều đời.
Nghe nói lấy nước giếng
Rửa ngọc, ngọc sáng ngời.

2
Một chuyện tình thật đẹp,
Chân thành và trắng trong.
Mỵ Châu và Trọng Thủy
Đã yêu nhau thật lòng.

Hai người không có lỗi
Với những gì xảy ra.
Người có lỗi duy nhất
Là ông vua Triệu Đà.

Vì mưu toan chính trị,
Ông giết con trai mình,
Giết luôn cả hạnh phúc
Trong trắng một mối tình.

Nàng Mỵ Châu tội nghiệp
Và cả An Dương Vương
Đều chết vì mắc bẫy
Một mưu mô tầm thường.

Âu chỉ còn biết tiếc
Xót thương cho ba người.
Âu cũng là bài học
Về cảnh giác ở đời.

Ngọn núi ấy, Mộ Dạ,
Nơi đức vua quyên sinh,
Cách chưa đầy cây số
Là làng tôi, Xuân Tình.

Ngày nhỏ cùng lũ trẻ
Đi chăn trâu hàng ngày,
Tôi leo trèo, nghịch ngợm
Quanh khu đền thờ này.       

Đền thờ trên mõm núi,
Giữa rừng thông xanh rì.
Tất nhiên có Giếng Ngọc,
Có cả thần Kim Qui.

Giờ đầu hai thứ tóc,
Nhưng mỗi lần về quê,
Tôi vẫn leo lên viếng,
Dẫu khó nhọc, nặng nề.

Còn người thợ Cao Lỗ
Sau cũng chạy về đây
Mang theo nghề rèn đúc
Cho người dân nơi này.

Giờ ngài được thờ cúng
Như thành hoàng Nho Lâm,
Người đã mang cơm áo
Cho làng nhiều, nhiều năm.

Thắp hương vái các vị,
Tự nhiên thấy buồn rầu,
Như chạm vào quá khứ,
Một quá khứ buồn đau.


TRUYỆN SƠN TINH, THỦY TINH

Vua Hùng thứ mười tám,
Có con là Mỵ Nương,
Một công chúa xinh đẹp
Thông minh và dễ thương.

Nàng được cha yêu quí,
Cũng vừa tuần cập kê,
Vua muốn chọn phò mã,
Phải nổi bật nhiều bề.

Bỗng một hôm có báo
Hai chàng trai từ xa
Đến cầu hôn công chúa,
Xin được gặp vua cha.

Cả hai đều tuấn tú
Và khôi ngô lạ thường,
Rất đáng làm phò mã,
Chồng công chúa Mỵ Nương.

Một chàng từ vùng núi,
Phía Tam Đảo, Ba Vì.
Hô một tiếng - núi mọc.
Tiếng nữa - lúa xanh rì.

Chàng kia từ phía biển,
Không kém phần giỏi giang,
Biết hô phong hoán vũ,
Lấy nước tưới mùa màng.

Sơn Tinh là chàng trước,
Thủy Tinh là chàng sau.
Cả hai người lịch sự
Và tài giỏi như nhau.

Vua Hùng rất bối rối,
Không biết chọn người nào.
Hỏi quan, quan cũng chịu.
Giờ biết tính làm sao?

Cuối cùng, vua bèn nói:
“Ta vừa ý cả hai.
Khốn nỗi, con chỉ một,
Và không biết chọn ai.

Vậy ngày mai hãy đến,
Mang nhiều lễ và quà.
Ai mang lễ đến trước
Sẽ là chồng con ta.

Lễ - trăm ván cơm nếp
Trăm cặp bánh chưng dày,
Mười con gà chín cựa,
Chín con ngựa biết bay.”

Sáng hôm sau, rất sớm,
Sơn Tinh đến dâng quà,
Được đón dâu về núi,
Rất đẹp lòng vua cha.

Còn Thủy Tinh khi đến,
Với lễ vật khác thường,
Nhưng quá muộn, tức giận,
Chàng quyết giành Mỵ Nương.

Chàng hô mưa, gọi gió,
Cây cối đổ rào rào,
Nước sông dâng cuồn cuộn,
Ngập ruộng đồng, hồ ao.

Sơn Tinh không nao núng.
Chàng bốc đá chặn dòng,
Nâng núi cao lên mãi,
Rồi dốc suối, nghiêng sông.   

Họ đánh nhau ròng rã
Mấy tháng dài lê thê,
Cuối cùng, Thủy Tinh yếu,
Đành phải rút quân về.

Oán mỗi lúc một nặng,
Thù càng ngày càng sâu,
Từ đó, họ thành lệ
Năm nào cũng đánh nhau.

Thế là mưa, là bão,
Gây thiệt hại mùa màng.
Chỉ người dân là khổ.
Có biết chăng, hai chàng?


SỰ TÍCH ÔNG CÔNG, ÔNG TÁO

1
Xưa có vợ chồng nọ,
Rất hợp ý, hợp lòng.
Thị Nhi là tên vợ,
Trọng Cao là tên chồng.

Sống với nhau hòa thuận,
Hiềm nỗi không có con.
Nhà cửa luôn vắng vẻ,
Vợ và chồng đều buồn.

Cũng vì lý do ấy
Đôi lúc họ cãi nhau,
Gia đình cứ lục đục
Vì những chuyện không đâu.

Một lần, do quá chén,
Trọng Cao đánh Thị Nhi.
Nàng giận chồng, uất ức,
Rồi bỏ nhà ra đi.

Nơi quê người đất khách,
Nàng gặp người đàn ông,
Tên Phạm Lang, sau đó
Hai người thành vợ chồng.

Còn Trọng Cao hối hận,
Bán hết cửa hết nhà,
Quyết tâm đi tìm vợ,
Không quản ngại đường xa.

Chàng tìm mãi không thấy,
Mà tiền thì hết dần,
Cuối cùng cực chẳng đã,
Đành ngửa tay xin ăn.

Lần nọ, sắp chết đói,
Chàng gõ cửa một nhà,
Đứng lặng người khi thấy
Nàng Thị Nhi đi ra.

Rồi mừng mừng, tủi,
Ôm nhau khóc hồi lâu.
Họ nói về chuyện cũ,
Chuyện từ ngày xa nhau.

Bỗng Phạm Lang, chồng thị,
Quay về bất thình lình,
Thấy thế liền ngờ vực
Hai người có tư tình.

Chàng lớn tiếng trách mắng,
Không cho vợ giãi bày.
Nàng nhảy vào bếp lửa
Để chứng tỏ lòng ngay.

Phạm Lang thấy, hốt hoảng,
Liền nhảy vào cứu nàng.
Hai người bị chết cháy
Trong ngọn lửa màu vàng.

Thấy mình gây nên tội,
Lòng day dứt, Trọng Cao
Không nỡ nhìn họ chết,
Cũng liều mình nhảy vào.

Cả ba người khi chết
Tay còn nắm tay nhau.
Rồi họ hóa thành đá,
Thành ba ông đầu rau.

2
Một chồng chỉ một vợ,
Chuyện bình thường mỗi nhà.
Nhưng nhà Táo thì khác -
Giờ hai ông một bà.

Ngọc Hoàng thương xót họ,
Những con người có tình,
Phong họ thành Vua Bếp,
Còn cho lên Thiên Đình.

Họ trở thành các Táo.
Phạm Lang là Thổ Công,
Trọng Cao là Thổ Địa,
Vậy là đủ hai ông.

Còn một bà của họ
Là vợ chung, Thị Phi,
Vì giỏi chuyện cơm nước,
Được phong làm Thổ Kỳ.

Từ đấy dân nước Việt
Thờ Táo Công khắp nơi.
Ngày hăm ba tháng Chạp
Các Táo bay lên trời.

Người ta mua cá chép
Để họ cưỡi bay lên.
Đủ áo quần, mũ dép,
Rồi lộ phí vàng, tiền.

Chả là họ phải báo
Cho Ngọc Hoàng mọi điều
Nơi trần gian hạ thế.
Một phong tục đáng yêu.

               
SỰ TÍCH TRẦU CAU

Ngày xưa ở làng nọ,
Hai anh em họ Cao
Rất giống nhau, khó biết
Người nào là người nào.        

Năm tròn mười tám tuổi,
Cha mẹ họ qua đời.
Trước thương yêu nhau lắm,
Nay yêu thương gấp mười.

Lưu Ông là đạo sĩ
Rất nổi tiếng trong làng.
Hai người đến tìm học.
Ông cũng yêu hai chàng.       

Nhà có cô con gái
Vừa đến tuổi cập kê,
Nết na và xinh đẹp,
Thêm sắc sảo nhiều bề.

Vì hai người học giỏi,
Cũng tuấn tú, khôi ngô,
Nên một người trong họ
Đã lọt vào mắt cô.

Khốn nỗi, vì giống quá,
Nhiều khi cô thở dài,
Vì chính mình không thể
Phân biệt ai là ai.

Một hôm cô muốn thử,
Liền đặt bát cháo hành.
Họ nhường ai ăn trước,
Chắc chắn đó là anh.

Rồi Lưu Ông làm lễ
Cho cô và người này.
Có điều sau khi cưới,
Mọi việc khác xưa nay.

Người anh, vì có vợ,
Dường như quên mất em.
Anh kia, do tủi phận,
Thường nằm khóc trong đêm.

Người em, một ngày nọ,
Quay về từ cánh đồng.
Chị dâu ở trong bếp
Chạy ra, tưởng là chồng,

Liền ôm hôn, nũng nịu,
Vừa đúng lúc người anh
Xuất hiện ngay trước cửa.
Đúng là việc chẳng lành.

Anh ta nghĩ: Thật láo,
Em suồng sã vợ mình.
Nên tình đã vốn nhạt,
Nay càng thêm cạn tình.

Người em thấy oan ức,
Bèn bỏ nhà ra đi.
Đi, đi mãi, đi mãi,
Tới dòng suối rầm rì.

Suối thì rộng, nước xiết,
Không thể qua, đành ngồi,
Khóc đến cạn nước mắt,
Chết, thành hòn đá vôi.

Lại nói người anh cả,
Về nhà không thấy em,
Ngày hôm sau, giấu vợ,
Lặng lẽ bỏ đi tìm.

Anh cũng đi đường ấy,
Gặp suối, không thể qua,
Bèn ngồi bên hòn đá,
Rồi khóc, lệ ướt nhòa.

Anh khóc mãi, khóc mãi, 
Chết, thành một cây cao,
Thân rất thẳng, nhưng lá
Không có một cành nào.

Vợ ở nhà lo lắng,
Không biết chồng đi đâu,
Bèn lên đường tìm kiếm,
Đi rất lâu, rất lâu.

Cuối cùng đến con suối,
Cô ngồi khóc não lòng,
Không biết ngay bên cạnh
Là chồng và em chồng.

Cô khóc hết nước mắt,
Người cô cứ gầy teo,
Rồi cô chết, lặng lẽ
Biến thành một dây leo.

Dây leo ấy quấn quít
Ôm quanh cây cao kia.
Bên dưới là tảng đá,
Bộ ba không chia lìa.

Khi mọi người biết chuyện,
Tỏ lòng thương xót thay.
Một lần vua kinh lý,
Dừng kiệu ở nơi này.

Sau khi nghe hết chuyện,
Vua bèn lấy trái cây,
Nhai với lá dây cuộn,
Thấy có vị cay cay.

Vua nhổ vào tảng đá,
Thấy mặt đá sùi sôi,
Rồi ngả dần màu đỏ.
Đó là hòn đá vôi.               

Cái cây cao cao ấy
Vua gọi là cây cau.
Dây lá leo quanh nó
Thì đặt tên lá trầu.

Còn tảng đá, nung chín,
Sẽ có màu trắng tinh,
Nhai với trầu, cau ấy,
Môi đỏ, trông rất xinh.

Từ đấy dân nước Việt
Có tục lệ ăn trầu
Để nhớ ba người ấy
Mãi gắn bó bên nhau.


TRUYỆN TRƯƠNG CHI, MỴ NƯƠNG

Nghe bà tôi kể lại,        
Thì chuyện là thế này:
Xưa có anh chài lưới,
Xấu người nhưng hát hay.

Thậm chí người cực xấu,
Mà giọng thì mê ly.
Thế mới lạ, người ấy
Có tên là Trương Chi.
Suốt ngày, vừa đánh cá,
Chàng vừa hát một mình.
Giọng du dương, trầm bổng,
Chan chứa biết bao tình.

Tiếng hát chàng day dứt
Như ai oán điều gì,
Nghe mà thương, thương lắm,
Thương cho chàng Trương Chi.

Có một nàng xinh đẹp,
Tên cũng đẹp - Mỵ Nương,
Con một người giàu có,
Nhưng cũng loại thường thường.

Hàng ngày ngồi hóng mát
Dưới mái lầu bên sông,
Nàng nghe Trương Chi hát,
Mà xao xuyến trong lòng.      

Cứ thế nàng nghe mãi,
Rồi thành quen, thành yêu,
Yêu cái con người ấy,
Xao xuyến vạt nắng chiều.
Sau đó, bà tôi kể,
Nàng ốm, nằm liệt giường
Vì Trương Chi ngừng hát.
Tội nghiệp nàng Mỵ Nương.

Vốn sẵn tiền, ông bố
Cho mời nhiều thầy lang,
Thế mà không chữa được
Cái bệnh ấy của nàng.

Cuối cùng, ông bố biết
Chuyện anh chài trên sông,
Chuyện cô con gái rượu
Nghe anh hát, phải lòng.

Ông mời Trương Chi đến
Chữa bệnh cho Mỵ Nương,
Thấy chàng, ông thất vọng,
Vì chàng xấu dị thường.

Ông bắt chàng đứng hát
Rất xa từ ngoài thềm,
Vì sợ con gái thấy
Bệnh tình sẽ tăng thêm.

Vừa mới nghe chàng hát,
Bệnh Mỵ Nương khỏi liền.
Như thể không hề bệnh,
Như vừa uống thuốc tiên.

Và rồi nàng nằng nặc,
Bắt cha dẫn chàng vào.
Thấy chàng, nàng suýt ngất
Vì chàng xấu, xấu sao!

Nàng Mỵ Nương thất vọng,
Liền đuổi chàng đi ngay.
Chỉ vì xấu, nàng thấy
Tiếng hát không còn hay.

Kể đến đây, tôi nhớ,
Bà tôi trách Mỵ Nương:
Người đẹp thì có đẹp,
Nhưng tâm, cũng bình thường.

Chàng Trương Chi tội nghiệp,
Lại đem lòng yêu nàng,
Và chàng hát, cứ hát
Giữa dòng sông mênh mang.

Cuối cùng, vì đau khổ,
Vì yêu và thất tình,
Một đêm mưa, trời tối,
Chàng trẫm mình, quyên sinh.

Xác chàng chìm xuống nước,
Nhưng từ đó nổi lên
Một hình cầu trong suốt,
Lung linh như ánh đèn.

Bố Mỵ Nương nhặt được,
Cho mời thợ kim hoàn 
Đẽo gọt thành chiếc chén
Đặt nhẹ nó lên bàn.

Khi rót trà vào chén,
Mỵ Nương bỗng giật mình:
Dưới đáy chén nàng thấy
Hình Trương Chi lung linh.

Nhớ chuyện xưa, nàng khóc,
Ôm chiếc chén, và rồi
Một giọt lệ rơi xuống,
Chiếc chén vỡ làm đôi.

Nghe có vẻ cảm dộng,
Nhưng tôi chẳng thương nàng.
Bà tôi xưa cũng vậy.
Ôi, con người đa mang.


TRUYỆN THẠCH SANH
1
Ngày xưa, ở làng nọ
Có người tên Thạch Sanh,
Một chàng trai khỏe mạnh
Dũng cảm và hiền lành.

Hai bố mẹ chết sớm,
Chàng sống dưới gốc đa
Trong túp lều bé nhỏ,
Bên rìa khu rừng già.

Gia tài chàng chỉ có
Một chiếc khố che thân
Và chiếc rìu đốn củi
Để hàng ngày kiếm ăn.

Năm lên mười ba tuổi,
Ngọc Hoàng sai người trời
Dạy chàng mọi phép thuật
Và món võ trên đời.

Gần nơi chàng đang sống,
Chỉ cách một cánh đồng,
Có anh chàng bán rượu
Tên gọi là Lý Thông.

Hắn là người độc ác,
Một hôm nhân đi ngang,
Thấy Thạch Sanh khỏe mạnh,
Xin kết nghĩa với chàng.

Vốn cả tin, chân thật,
Chàng Thạch Sanh tài ba
Theo Lý Thông về sống
Như anh em một nhà.

2
Trong rừng có con rắn 
Thành tinh từ bao giờ, 
Gây rất nhiều tai họa,
Vua phải lập miếu thờ.

Hàng năm nó bắt nộp
Một mạng người mới xong.
Không may vào năm ấy
Người đó là Lý Thông.

Hai mẹ con họ Lý
Bèn đánh tráo Thạch Sanh,
Bảo Lý Thông bận việc,
Nhờ lên miếu thay anh.

Chàng giết chết thần rắn,
Rồi mang đầu về nhà.
Lý Thông nhìn cả sợ,
Nhưng nảy ý gian tà.

Hắn bảo con rắn ấy
Là của vua, rắn thần,
Nay không may giết chết,
Sẽ khó bề yên thân

Hắn khuyên chàng bỏ trốn
Thật sâu trong rừng dày.
Còn mọi chuyện để đấy
Hắn liệu bề lo thay.

Rồi hắn mang đầu rắn 
Tới gặp vua, và ngài
Cho hắn làm tể tướng
Cùng bổng lộc, tiền tài.

3
Quỳnh Nga, công chúa út,
Vừa đến tuổi lấy chồng.
Vua cho kén phò mã,
Mãi không ai vừa lòng.

Một hôm nàng đi dạo
Cùng mấy cô nữ tì,
Có con chim cực lớn
Sà xuống, bắt nàng đi.

Đó là Đại Bàng Cụ,
Tu lâu ngày thành tinh.
Hắn bắt nàng công chúa
Về hang làm vợ mình.

Chàng Thạch Sanh lúc ấy
Đứng trong rừng, nhìn lên,
Thấy người bị chim bắt
Liền vội lấy cung tên,

Bắn một phát trúng cánh,
Nhưng con chim ngoái đầu,
Rút tên vứt xuống đất,
Để máu nhỏ đằng sau.

Lần theo vết máu ấy
Chàng đi theo đại bàng,
Đi, đi mãi, đi mãi
Cuối cùng đến cái hang.

Hang nằm giữa núi đá,
Được cây che bốn bề.
Thạch Sanh liền đánh dấu
Rồi lên đường quay về.

Khi hay tin công chúa
Bị chim bắt, đau lòng,
Vua cho người lập tức
Mời tể tướng Lý Thông.

Vua sai quan tể tướng
Phải tìm nàng về ngay,
Hứa cho làm phò mã
Và nhường ngôi sau này.

Vừa mừng vừa lo sợ,
Trong mười ngày, Lý Thông
Cho mở hội hát xướng
Để thu hút đám đông.

Hắn sai quân lén lút
Nghe xem có người nào
Biết tin về công chúa,
Ở đâu và ra sao. 

Khoảng đến ngày thứ chín,
Thạch Sanh cũng tìm về.
Lý Thông gặp, mừng rỡ,
Tâm sự hết mọi bề.

Chàng thật thà kể hết
Chuyện thấy chim đại bàng,
Rồi bắn chim chảy máu,
Rồi theo về tận hang.
Lý Thông liền vội vã
Nhờ Thạch Sanh đi đầu
Tới hang cứu công chúa,       
Hang rất hẹp và sâu.    

Thạch Sanh không ngần ngại
Một mình chui xuống hang.
Chàng tìm thấy công chúa,
Và giết chết đại bàng.  

Khi cứu được công chúa,
Ra khỏi hang, tức thì
Lý Thông cho lấy đá
Lấp hang rồi bỏ đi.

Bị kẹt ở phía dưới,
Thạch Sanh tìm đường lên,
Chợt thấy có chiếc cũi
Giam một chàng thanh niên. 

Đó là chàng Thái tử
Con Thủy Tề, lâu nay
Bị Đại bằng bắt giữ
Giam cầm ở nơi này.

Thạch Sanh lấy nỏ bạc
Cùng mũi tên bằng vàng
Bắn vỡ tan chiếc cũi
Và giải phóng cho chàng.      

Rồi chàng theo Thái Tử
Xuống thủy cung, vua cha
Đón tiếp chàng nồng hậu,
Còn tặng rất nhiều quà.

Chàng từ chối vàng bạc,
Chỉ nhận một chiếc đàn
Rồi nói lời từ biệt,
Quay trở lại trần gian.

Từ đấy chàng lại sống
Thảnh thơi trong túp lều
Bên gốc cây đa cổ,
Đốn củi sáng lại chiều.

4
Lại nói hồn thần rắn
Và hồn chim đại bàng
Gặp nhau, liền lén lút
Tìm cách hãm hại chàng.

Chúng lấy trộm vàng bạc
Ném vào lều Thạch Sanh,
Thế là chàng bị bắt
Vì chứng cớ rành rành.

Kể từ ngày được cứu,
Không ai hiểu vì sao
Nàng công chúa xinh đẹp
Không nói một lời nào.

Vua đau buồn, ra lệnh
Lập đàn cầu ngày đêm,
Cho mời thầy chữa trị,
Nhưng bệnh càng nặng thêm.

Thạch Sanh ngồi trong ngục
Cảm thấy buồn, và chàng
Bèn đem đàn ra gảy,
Những tiếng đàn tính tang.

Đây là chiếc đàn ngọc
Quà của vua Thủy Tề,
Chàng vừa bắt đầu gảy,
Tiếng đàn liền tỉ tê

Kể hết mọi tội ác
Của tể tướng Lý Thông.
Nó còn trách công chúa
Bằng những tiếng não lòng.   

Quỳnh Nga nghe, lập tức,
Vẻ buồn bã tiêu tan.
Và nàng lại cười nói,
Cho gọi người đánh đàn.

Trước vua và công chúa,
Thạch Sanh kể về mình,
Việc chàng chém thần rắn,
Giết đại bàng - yêu tinh.

Cả việc cứu công chúa,
Bị bỏ lại dưới hang
Và cả chiếc đàn ngọc
Vua Thủy Tề tặng chàng.

Vua hạ lệnh tống ngục
Hai mẹ con Lý Thông,
Cho Thạch Sanh được quyết
Tha hoặc giết mặc lòng.

Thạch Sanh tha không giết.
Nhưng trên đường về nhà
Chúng bị sét đánh chết -
Người tha, trời không tha.     

5
Tiếp đến là lễ cưới
Giữa chàng và Quỳnh Nga,
Vua cho mở đại tiệc,
Vui mọi nơi, mọi nhà.

Nghe tin này, thái tử
Mười tám nước chư hầu
Liền kéo quân đến đánh
Vì trước đó không lâu

Họ bị vua từ chối
Không gả con cho mình,
Nay lại gả công chúa
Cho một kẻ vô danh.

Trên thành cao, điềm tĩnh,
Thạch Sanh ngồi gẩy đàn.
Tiếng đàn nghe khoan nhặt,
Như gió thổi, mây  tan.

Đàn tỉ tê, thỏ thẻ
Về nỗi nhớ quê nhà,
Về vợ con, đồng ruộng,
Về nỗi khổ can qua.

Binh lính mười tám nước,
Nghe mà buồn tái tê
Không còn muốn chiến đấu
Nhất loạt đòi quay về.

Binh lính mười tám nước
Được chàng đãi no say
Bằng niêu cơm bé nhỏ
Ăn mãi vẫn còn đầy.

Vua hoan hỉ làm lễ
Nhường ngôi báu cho chàng.
Thạch Sanh cho giảm thuế,
Hòa hoãn với lân bang.

Chàng tha cho tội phạm,
Khuyến khích công, thương, nông. 
Mọi người sống no đủ,
Ai cũng thấy hài lòng.


TRUYỆN TẤM CÁM

1
Xưa có một cô bé,
Đẹp và rất có duyên.
Tên của cô là Tấm,
Một cái tên thật hiền.

Không may mẹ chết sớm,
Bố cô, lại không may,
Lấy thêm bà vợ nữa.
Đời cô khổ từ đây.

Rồi bố cô cũng chết,
Để lại cô trên đời
Với một bà mẹ ghẻ
Độc ác và khác người.

Bà này có cô Cám,
Là con riêng của bà.
Cũng trạc tuổi như Tấm,
Nhưng lười và chua ngoa.

Cảnh con chồng dì ghẻ
Đời nào cũng giống nhau.
Tấm thì luôn vất vả,
Làm việc nhà, chăn trâu.

Cám thì được chiều chuộng,
Chẳng động tay việc gì.
Chỉ biết ăn rồi uống,
Đi chơi rồi ngủ khì.

Một hôm, dì ghẻ bảo:
Cả hai đứa ra ao,
Cố bắt thật nhiều cá
Đem về đây cho tao.

Vốn chăm chỉ, cô Tấm,
Cứ mò bắt luôn tay.
Cuối buổi nhìn, cô thấy
Giỏ cá đã sắp đầy.

Trong khi đó cô Cám,
Vì lười, vì vụng về,
Nên chiếc giỏ rống rỗng,
Lại sắp đến lúc về,

Nên nhân lúc cô Tấm
Gội đầu bên ao đình.
Cô Cám lấy hết cá
Đổ sang giỏ của mình.

Quay lại, thấy mất cá
Cô Tấm không dám về
Vì sợ mẹ kế đánh,
Khóc, nước mắt dầm dề.

Bỗng có một ông Bụt   
Râu trắng, mặt đỏ hồng:
“Cháu nhìn xem trong giỏ
Còn con cá nào không?”

Cô đáp: “Còn con bống.”
Ông Bụt cười, ân cần:
“Cháu thả nó xuống giếng,
Nhớ hàng ngày cho ăn.”        

Nghe lời Bụt, từ đấy
Đứng bên giếng hàng ngày,
Cho cá ăn, cô Tấm
Gọi cá lên thế này:

“Bống bống bang bang, bống,
Lên mà ăn cơm vàng.
Đừng ăn cơm người khác,
Bang bang, bống bống, bang!”

Hai mẹ con cô Cám
Nhìn thấy thế sinh nghi,
Nên rình xem cô Tấm
Đang nói gì, làm gì.

Một hôm bà mẹ kế
Sai cô Tấm đi xa.
Rồi mụ bắt con bống,
Ăn, quẳng xương cho gà.       

Về, gọi bống không thấy,
Tấm lại khóc, tức thì
Ông Bụt kia tốt bụng
Hiện lên, hỏi chuyện gì.

Nghe Tấm nói, ông Bụt
Bảo: “Cháu lấy ít xương
Còn sót lại của bống,
Đem chôn ở chân giường”.

2
Năm ấy vua mở hội,
Loan báo khắp đông tây.
Hai mẹ con nhà Cám
Chuẩn bị suốt mấy ngày.

Như các cô gái khác,
Cô Tấm cũng muốn đi.
Tiếc là cô nghèo đói,
Quần áo chẳng có gì.

Hơn thế, bà mẹ kế
Trộn đầy cả một nong
Thóc và gạo lẫn lộn,
Bảo cô phải nhặt xong.

Cô Tấm ôm mặt khóc.
Ông Bụt hiện ra ngay.
Ông gọi bầy chim sẻ
Đến giúp cô việc này.

Chỉ một loáng, thóc, gạo
Được tách thành hai bên.
“Giờ thì lọ xương cá,
Cháu hãy đào lấy lên.”

Cô làm theo lời Bụt.
Trong chiếc lọ - lạ thay,
Có đủ quần áo đẹp,
Còn thêm một đôi giày.

Lại có cả con ngựa,
Bé xíu, thật dễ thương.
Lập tức nó to lớn,
Đủ hàm thiếc, yên cương.

Cô Tấm liền tắm rửa,
Thay quần áo, đi giày.
Tất cả đều vừa khít,
Lên ngựa, phóng như bay.

Khi đi ngang vũng nước,
Một chiếc giày của cô
Bị rơi, không kịp nhặt.
Rồi cô tới kinh đô.        

Xe của vua lúc ấy
Đi qua vũng nước này.
Con voi không chịu bước
Thúc mấy cũng đứng ngây.

Vua thấy lạ, sai lính
Xuống tìm hiểu sự tình.
Cuối cùng chúng tìm thấy
Một chiếc giày thật xinh.

Thật xinh và thật bé.
Vua nhìn nó, băn khoăn:
“Ai nhỉ? Ai đi nó
Chắc phải đẹp tuyệt trần.”

Rồi vua cho thông báo:
“Ai đi vừa giày này
Sẽ trở thành hoàng hậu.
Mời mọi người thử ngay!”

Vậy là chen nhau thử.
Ôi, các bà, các cô.
Ai cũng háo hức thử,
Nhưng chân họ quá to.

Cả mẹ con cô Cám
Cũng nhất quyết không thua.
Tiếc là họ thử mãi
Mà không thành vợ vua.

Đến lượt cô Tấm thử,
Thật nhẹ nhàng, lạ chưa -
Cả vua quan trố mắt -
Chân cô đi rất vừa.

Vua sai đoàn thị nữ
Rước cô Tấm vào cung,
Tấn phong làm hoàng hậu,
Hạnh phúc đến tột cùng.

3
Sống trong cung sung sướng,
Nhưng đến ngày giỗ cha,
Là người con có hiếu,
Cô xin về thăm nhà.

Mẹ ghẻ và cô Cám
Thấy Tấm giờ cao sang,
Thì vô cùng khó chịu,
Thầm ghen ghét với nàng.

Mụ mẹ bảo con gái:
“Đừng lo, từ hôm nay
Con sẽ là hoàng hậu,    
Thay cho con ranh này!”

Mụ mẹ kế ngon ngọt,
Bảo cô Tấm: “Bố con
Xưa thích ăn trầu lắm,
Nay nhà cau không còn,

Vậy giờ con chịu khó
Leo lên cây cau cong,
Hái một buồng cúng bố
Cho bố con vui lòng.

Vì thương cha, cô Tấm
Vội leo lên hái cau.
Mụ dì ghẻ chặt gốc,
Cô ngã, chết, dập đầu. 

Mụ thay áo cho Cám
Rồi đưa lên kinh thành,
Nói cô chị chết đuối,
Giờ em thay chị mình.

Vua nghe, không vui lắm,
Cũng thấy hơi lạ lùng,
Nhưng vốn yêu thương Tấm,
Nên cho Cám vào cung.

Lại nói cô Tấm chết,
Hóa thành chim vàng anh.
Vua đâu, nó bay đấy,
Líu ríu khắp cung thành.

Một hôm, thấy cô Cám
Phơi áo vua bên ao,
Nó nói: “Phơi cẩn thận,
Kẻo rách áo chồng tao.”

Vua nghe, liền bảo nó:
“Này, vàng anh, vàng anh,
Hãy chui vào ống áo,
Nếu em là vợ anh.”

Con chim chui vào áo.
Từ đó vua ngày đêm
Chỉ vui chơi với nó,
Không đoái hoài cô em.

Cô em, tức cô Cám,
Rất tức giận, thế là
Bắt vàng anh làm thịt,
Lông thì vứt sau nhà.

Chỗ lông chim bị vứt,
Liền mọc một cây xoan,
Che cho vua nghỉ mát,
Đọc sách lúc thư nhàn. 

Cô Cám liền cho chặt,
Đốt cả cây lẫn cành,
Rồi đem tro của nó
Ra đổ ngoài cổng thành.        

Chỗ ấy mọc cây thị,
Lớn rất nhanh hàng ngày,
Đến mùa đậu một quả,
Chỉ một quả trên cây.

Có bà lão bán nước,
Nhân có việc đi ngang,
Liền giơ bị và nói
Với quả thị chín vàng:

“Thị ơi, hãy rụng xuống,
Rụng xuống bị của bà.
Bà không ăn, chỉ ngửi,
Rồi bà đem về nhà.”

Quả nhiên thị rụng xuống.
Bà đem cất, hàng ngày
Lấy ra ngửi và ngắm,
Rồi mân mê trên tay.

Một hôm bà đi vắng
Lúc quay về, bất ngờ
Thấy nhà cửa sạch sẽ,
Cơm nấu sẵn đang chờ.

Ai thế nhỉ, thật lạ?
Bà tự thầm hỏi mình.
Những ngày tiếp cũng thế,
Rồi bà quyết định rình.

Thì ra một cô gái
Từ quả thị chui ra.
Cô đảm đang lo liệu
Hết mọi việc trong nhà.

Đó chính là cô Tấm.
Bà ôm chặt, không buông.
Từ đây hai bà cháu
Sống chung nhà, chung buồng.

Bà ngồi quán bán nước,
Cô Tấm lo têm trầu.
Trầu cô têm thật đẹp,
Miếng nào cũng đều nhau.

Một hôm, vua đi dạo,
Mà lòng buồn, buồn sao.
Khi đi ngang quán nước,
Vua khát, liền ghé vào.

Khi ăn trầu, uống nước,
Vua ngạc nhiên hỏi bà:
“Ai têm trầu đẹp thế?”
Bà dẫn Tấm đi ra.

Thế là vua gặp lại
Người vợ cũ của mình.
Ngài rơm rớm nước mắt
Nghe vợ kể sự tình.

Vua nghe xong, tức giận
Truyền quân lính ra đi
Bắt mẹ con cô Cám
Để trị tội tức thì.

Vốn là người nhân hậu,
Lại xét tình người nhà,
Cô Tấm xin nương nhẹ,
Nên cuối cùng vua tha.

Thế là chúng thoát chết,
Bị đuổi đi, dọc đường
Chúng bị hổ ăn thịt,
Mà không ai xót thương.


BÀ CHÚA LIỄU HẠNH

1
Xưa, vào năm Thiên Hựu,
Đời vua Lê Thánh Tông,
Có một người phụ nữ,
Vợ của Lê Thái Công.

Bà ở làng Vân Cát,
Huyện Vụ Bản ngày nay,
Có thai, thai đã lớn,
Sinh nở cũng gần ngày.

Thế mà ốm ngặt nghẽo,
Chạy chữa chẳng ích gì.
Hai vợ chồng buồn lắm,         
Thành bán tín, bán nghi.        

Một hôm có đạo sĩ
Tự nhiên đến nhà chơi.
Rồi niệm chú, làm phép,
Đưa Thái Công lên trời.

Chủ nhà được mời dự
Một bữa tiệc thiên đình
Do Ngọc Hoàng khoản đãi,
Nhiều tiên nữ rất xinh.

Bỗng một nàng sơ ý     
Làm chén ngọc vỡ tan,
Ngọc Hoàng giận, ra lệnh
Đầy nàng xuống trần gian.

Ông chủ nhà tỉnh dậy,
Thấy đang ở nhà mình,
Đúng lúc vợ sinh hạ
Một cô bé rất xinh.

Hai vợ chồng sung sướng
Đặt tên là Giáng Tiên.
Nàng lớn lên, xinh đẹp,
Thông minh và dịu hiền.

Nàng rất giỏi đàn sáo,
Và am hiểu văn chương,
Lại nết na, hiếu thảo,
Mọi cái đều tinh tường.

Đúng năm mười sáu tuổi
Nàng lấy chàng Đào Lang,
Con vị quan trí sĩ,
Cùng quê và cùng làng.

Sống với nhau hạnh phúc
Mới chỉ được ba năm
Thì bỗng nhiên nàng chết,
Đúng tháng Ba, ngày rằm.

2
Nàng bay lên thượng giới,
Nhưng Ngọc Hoàng, tiếc thay,
Lại bắt xuống hạ giới
Vì chưa hết hạn đày.

Lần này cùng bay xuống
Nàng có thêm bạn đường
Là hai nàng tiên nữ -
Quế Nương và Thị Nương.

Và rồi nàng, y lệnh,
Đến một nơi, bây giờ
Thuộc Phố Cát, Thanh Hóa, 
Có cảnh đẹp nên thơ.

Nàng du ngoạn đây đó,
Chuyên làm điều tốt lành.
Giúp những người đói khổ,
Giúp đồng ruộng tươi xanh.

Biết ơn, dân sở tại
Bèn cho lập đền thờ
Thờ Công Chúa Liễu Hạnh,
Vẫn còn đến bây giờ.

Danh tiếng nàng từ đấy
Cứ lan dần, lan dần.
Rồi triều đình phong tặng
Làm “Thượng Đẳng Phúc Thần.”

Khi còn ở hạ giới,
Nàng ngao du nhiều nơi,
Nhất là ở xứ Lạng,
Trò chuyện với nhiều người.

Tương truyền nàng từng gặp
Danh sĩ Phùng Khắc Khoan,
Rồi cùng ông đàm đạo
Văn thơ và chơi đàn.

3
Nghe người ta kể lại,
Vào cuối đời Hậu Lê
Có ông quan già lão
Khi nghỉ trưa bên hè,

Đã tận mắt nhìn thấy
Công chúa bay lên trời
Cùng hai nghìn tiên nữ,
Mây ngũ sắc sáng ngời.

Nghĩa là nàng hết hạn,
Nay trở lại thiên đình.
Trong tiếng nhạc rộn rã
Đang tấu, đưa tiễn mình.

Nàng ra đi, tuy thế,
Lòng vẫn ở với đời,
Trong tín ngưỡng văn hóa,
Trong cả trái tim người

Nhiều nơi lập đền, miếu.
Nhớ ơn nàng, nhân dân
Gọi nàng là Bà Chúa,
Một “Thượng Đẳng Phúc Thần.”   

No comments:

Post a Comment