Ở Huế, ngoài
những chiếc xe lam chạy dầu ma-dút nhả khói mù mịt và kêu tành tạch từng tràng
dài như súng máy, phương tiện đi lại chủ yếu trong thành phố là xích lô và xe
đạp thồ.
Xe đạp thồ
mới xuất hiện mấy năm trước đó, thoạt trông dễ làm người ta mất cảm tình, nhưng
rồi nhìn mãi cũng quen. Vả lại, cái chính là sử dụng nó thuận tiện và rẻ. Chỉ
cần bước ra phố, giơ tay là lập tức có ngay mấy chiếc xe đói việc cùng đạp đến
một lúc. Anh chọn một chiếc trong số đó, thỏa thuận giá cả - một, ba hoặc năm
đồng tùy đi xa hay gần - ngồi lên poóc-ba-ga phía sau, thường được lót bằng
miếng mút bọc vải nhựa khách ngồi cho êm và cũng để phân biệt với những chiếc
xe đạp bình thường, nghĩa là không chở người lấy tiền, thế là người kia sẽ chở
anh đi. Nếu anh là khách từ xa đến, anh ta sẽ kiêm luôn vai người hướng dẫn
tham quan thành phố. Anh hỏi bất kì điều gì, kể cả việc riêng tư, anh ta đều
sẵn sàng trả lời, tất nhiên trong thâm tâm hi vọng anh trả thêm ít tiền cho
dịch vụ đó.
Lần ấy, hai
ngày sau khi đến Huế, làm xong những việc cần làm, tôi muốn đi thăm các lăng mộ
nổi tiếng của Cố Đô, trước hết là Lăng Khải Định. Và tôi đã chọn cái phương
tiện giao thông tuy thô sơ nhưng thuận tiện và rẻ tiền này.
Thông thường
những người nghỉ ở khách sạn "Sông Hương" như tôi, đi tham quan bằng
xe con, ô tô buýt, hay bét ra cũng bằng xích lô. Cho nên thấy tôi từ khách sạn
bước ra, lại ăn mặc nghiêm chỉnh, đeo máy ảnh, người đạp xe thồ bị tôi ra hiệu
dừng lại có vẻ ngạc nhiên khi được thuê chở ra lăng Khải Định, cách đấy cả chục
cây số, chờ xem xong lại đưa về khách sạn.
Tuy nhiên,
hai phút sau chúng tôi đã lên đường. Anh ta ngồi đạp phía trước, tôi ngồi sau,
hai chân buông thõng hai bên, giống hệt một tay chơi "bản địa".
Anh bạn
đường của tôi ít nói, mặt ảm đạm như đang có điều gì khó chịu. Sau vài câu hỏi
thăm mang tính xã giao, anh ta không nói gì thêm. Trả lời các câu hỏi của tôi,
anh ta hoặc ậm ự tiếng một, hoặc lờ như không nghe thấy. Điều này làm tôi - một
người tò mò - ít nhiều thất vọng. Tôi bắt đầu hối hận về cái quyết định lãng
mạn của mình, vì tôi đã có thể đi nhờ xe buýt của một đoàn nghỉ cùng khách sạn.
Hôm ấy trời
đẹp, cảnh nên thơ, chỉ tiếc đường lắm dốc và nhiều lúc tôi phải xuống ủn xe
từng đoạn khá dài. Anh kia - còn trẻ nhưng gầy yếu, da đen, ngực lép như người
ho lao - nhìn tôi với vẻ biết ơn nhưng vẫn im lặng một cách bướng bỉnh. Cứ thế
chúng tôi đi tiếp.
- Anh có lên
xem không? - tôi hỏi khi hai chúng tôi đến nơi, dựng xe, bước vào một quán giải
khát.
- Không.
- Tôi để anh
chờ ở đây à?
- Không sao,
- anh kia đáp. - Ông cứ xem bao lâu tùy thích. Tôi đợi.
Mặc dù còn
trẻ, có khi còn ít tuổi hơn, không hiểu sao tôi được gọi bằng ông. Anh ta muốn
bộc lộ thái độ bằng cách ấy chăng?
So với các
lăng khác, lăng Khải Định được nhiều người nói đến và hay tới tham quan hơn cả.
Cũng có lí do của nó. Toàn bộ khu lăng được xây trên một ngọn đồi từ chân lên
đỉnh phải hơn một trăm bậc đá lớn. Đây cũng là lăng duy nhất xác định được chỗ
chôn người chết - tức là ngay dưới ngai vàng đỡ bức tượng ngồi toàn thân bằng
đồng mạ vàng của Khải Định. Phòng mộ trang trí lộng lẫy, với những nét chạm trổ
và những hình ghép sứ hết sức tỉ mẩn. Nghe nói phải nhiều người, nhiều năm mới
làm nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo này. Cũng nghe nói không ít người phải chết
vì nó.
Vào phòng
mộ, khách phải bỏ giày dép ở ngoài, đi nhẹ, nói khẽ và nhất thiết phải nghe một
bà già người bé nhỏ ngồi cạnh cửa nhắc nhở những điều cần thiết về nội qui tham
quan, hoặc mời mua bưu ảnh, thuốc lá, nước ngọt - những thứ bà ta luôn để sẵn
trên chiếc bàn con bên cạnh. Nếu anh đi một mình và cần người hướng dẫn, bà ta
sẽ làm điều đó, hăng hái trả lời một cách đầy đủ, tỉ mỉ tất cả các câu anh hỏi.
Tất nhiên sau đó anh sẽ phải trả tiền công.
Khi tôi xem
xong quay xuống, anh đạp xe thồ vẫn ngồi chỗ cũ, tay chống cằm tì lên góc bàn,
hai mắt lim dim - chắc đang ngủ gật. Thấy tôi, anh ta chẳng tỏ ra mừng, tuy
phải chờ khá lâu.
Mặt trời đã
ngả sang phía Tây, nhưng trời vẫn nóng và ngột ngạt. Anh ta đứng dậy, búng búng
vào đôi lốp xe.
- Ngồi nghỉ
đã, - tôi nói. - Chốc nữa mát hẵng về. Anh không vội chứ?
Anh ta lắc
đầu và lại miễn cưỡng ngồi xuống. Tôi gọi hai đĩa bánh và hai cốc nước ngọt.
- Anh là dân
ở đây, chắc xem lăng này nhiều lần rồi nhỉ?
- Hai lần,
khi còn bé tí.
- Sao ít
thế?
- Tôi không
thích.
Hai chúng
tôi lại ngồi im. Lát sau, anh ta chợt hỏi:
- Hôm nay
cái bà bán bưu ảnh có hướng dẫn ông xem không?
- Không.
- Cũng không
kể ông nghe ai xây và bao nhiều người đã chết khi xây cái lăng này?
- Không, -
tôi ngạc nhiên nhìn anh ta. - Sao anh hỏi thế?
- Chẳng sao
cả. - Anh ta đáp, không lầm lì như trước nhưng đôi mắt lộ vẻ giận dữ độc ác.
Tôi đoán anh ta đang có điều muốn nói ra cho nhẹ người. Tôi kiên nhẫn chờ.
- Tiếc là
ông không được nghe bà ta kể, kể một cách say sưa và thích thú, về cái chết thê
thảm của ông nội bà ta... Và cũng là ông nội của tôi nữa.
- Ra bà ta
là bà con với anh?
- Chị gái
tôi.
- Ông nội
anh là một trong những người xây lăng này?..
- Vâng.
- Và xây
xong cũng bị Khải Định giết chết?
- Đúng thế.
Tôi không
hỏi gì thêm, chỉ im lặng ngồi uống nước. Tôi từng tiếp xúc với nhiều loại
người, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nên biết gần như chắc chắn rằng trong
những trường hợp thế này, người nói chuyện sẽ chẳng bao giờ chịu rời anh, nếu
chưa kể hết những gì anh ta vừa bắt đầu.
Đúng thế,
một lúc sau người bạn đường của tôi lên tiếng, vẻ trầm ngâm như tự nói với mình
nhiều hơn là với tôi:
- Cũng vì cái lăng này mà chị em tôi giận nhau, thậm chí
còn từ nhau. Chị tôi là một người tốt, rất tốt, chứ không phải loại vứt đi như
tôi. Không chồng, không con, suốt đời chị ở vậy nuôi em, rồi em lớn - giúp đỡ
các cháu. Thế mà ông biết không, chị tôi lại làm cái công việc... - anh ta dừng
lại tìm từ, - cái công việc khốn nạn ấy. Tức là tự nguyện đêm ngày hầu hạ chính
thằng đã giết ông nội mình. Quét nhà cho nó, lau chân, phủi bụi cho nó. Mỉa mai
thay, lại còn say sưa kể người khác nghe việc nó đã giết ông nội mình thế nào.
Tôi khuyên ngăn, tôi cấm, chị tôi không nghe, tới nay vẫn tiếp tục làm cái việc
như ông thấy. Thật xấu hổ và nhục nhã!...
Tôi vẫn ngồi
im, tò mò lắng nghe.
- Ông xem,
thế thì hỏi còn chịu sao nổi? Tôi cứ lộn cả ruột khi nghĩ đến cảnh chị tôi xun
xoe trước nó, ho không dám ho, nói không dám nói. Nhiều lúc tôi những muốn leo
lên, giá có súng, lia cho nó, tức là cái tượng bằng vàng hay mạ vàng gì đó của
nó, vài băng vào mặt. Tôi là người dốt nát, không hiểu gì, nhưng cũng biết rằng
lúc làm vua, hắn là thằng bán nước và gây không ít tội ác cho nhân dân. Thế mà
tại sao bây giờ người ta đua nhau đến đây chiêm ngưỡng hắn? Phải leo đúng một
trăm bậc mới được nhìn hắn. Phải nhìn lên, phải nín thở. Phải để dép ngoài cửa.
Phải có giờ, có ngày. Có đúng là bất công không? Đúng, bất công! Một sự bất
công được đặt lên ngai vàng! Tôi thật không sao hiểu nổi. Trước kia, thời thằng
Mỹ, thằng ngụy là một nhẽ, còn bây giờ các ông - Việt cộng, Cách mạng, - sao
các ông chịu thế? Lại nghe nói thế giới định bỏ hàng chục triệu bạc để tô vẽ
thêm cho nó nữa. Đấy, ông nói tôi nghe đi, vì sao, vì sao lại thế?
- Vì ông nhầm lẫn giữa vua Khải Định và
tượng vua Khải Định. - Tôi đáp. - Cái
người ta đến đây xem không phải một con người cụ thể nào đó cùng những việc làm
xấu tốt của ông ta, mà là một tác phẩm nghệ thuật do nhân dân tạo ra...
- Ha, ha,
ha! Tác phẩm nghệ thuật! - Anh ta cười to ngắt lời tôi. - Vâng, nhưng lẽ nào
ông không hiểu rằng chính nhờ cái tác
phẩm nghệ thuật ấy của ông mà nó sống được qua các chế độ, sống cho tới
ngày nay và sẽ còn sống nữa? Thế mới là vua. Thế mới là Khải Định. Hắn biết
đánh vào chỗ yếu của người khác. Hắn là con mọt biết bám vào bàn thờ tổ tiên
người khác mà sống. Mấy ai dễ vứt bỏ tổ tiên mình chỉ vì một con mọt? Nên con
mọt ấy cứ đàng hoàng sống. Mà thử hỏi sống ở đâu, sống thế nào? Ha, ha!... -
anh ta cười to như một người điên, rồi ngừng một giây, nói tiếp: - Ông không để
ý thấy mặt thằng Khải Định đang vênh lên à? Vì nó biết không những nó được an
toàn, cung phụng chu đáo, mà nó còn là ân nhân, hay đúng hơn là nguồn sống của
nhiều người khác, như chị tôi chẳng hạn...
- Và cả
những người đạp xe thồ chở khách tham quan nữa, - tôi châm chọc.
- Vâng, cả
tôi nữa, - anh ta cụt hứng, cúi đầu thở dài. - Nhưng tôi thì nói làm gì. Tôi là
một người vứt đi. Tôi là con số không, con số không cả với năm miệng ăn trong
nhà. Tôi ghét chị tôi như thế, nhưng tôi đã làm ngơ để vợ tôi đều đặn nhận tiền
giúp đỡ của người tôi ghét... Vâng, tôi là thằng vứt đi. Tôi không bao giờ xem
mình ngang hàng với chị tôi, với các ông. Các ông phải khác, phải khác cơ...
Ông nói cho tôi hiểu đi!
Anh ta nhìn
chằm chặm vào mắt tôi, mặt mếu máo như muốn khóc. Tôi lấy làm tiếc đã đánh vào
chỗ yếu của anh ta. Tôi trả tiền rồi đứng dậy, không muốn kéo dài thêm câu
chuyện.
Chúng tôi
lại lên xe và không ai nói thêm câu nào nữa. Đường trở lại thành phố khó đi
hơn, nắng gắt, nhiều dốc ngược. Lần này hầu như chúng tôi đổi chỗ hẳn cho nhau.
Tôi ngồi trước còng lưng đạp xe, còn anh ta, con người vứt đi ấy, ngồi phía
sau, thỉnh thoảng nhảy xuống ủn xe cho tôi.
Huế - Hà Nội, 1982
No comments:
Post a Comment