Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Nó là thằng bé ăn mày
tội nghiệp, hơn thế, lại mù. Chiếc quần bẩn khó xác định màu rách bươm cả hai
ống cho thấy không chỉ người mà lũ chó cũng chẳng thích nó. Hai ống tay áo đen
bóng vì luôn được dùng làm khăn lau mũi. Đầu nó đội chiếc mũ cói méo mó hơi hất
về phía sau, để lộ khuôn mặt đói ăn gầy đét, xạm nắng, và nhất là hai hố mắt
trắng dã càng làm tăng thêm vẻ thảm hại đáng sợ. Có thể nó chủ ý phô ra thế để
người ta thương hại mà cho chút gì chăng? Vì mù, nó phải chống gậy, chiếc gậy
trúc già bằng ngón tay cái, trơn nhẵn và cũng gầy đanh như nó. Sau khi thận
trọng gõ hai lần xuống đất, nó mới đi một bước. Nó lặng lẽ đi giữa trời nắng
chang chang, chiếc bị, cũng bằng cói, đeo sát nách và hình như còn lép kẹp hơn
bụng nó.
Không ai biết nó từ
đâu tới. Thứ nhất vì đây là lần đầu tiên nó xuất hiện ở làng Thượng. Thứ hai,
đơn giản vì những loại như nó không đáng được người ta quan tâm. Mà rồi lúc ấy
đang giữa trưa nắng gắt chẳng có ai gần đấy ngoài một thằng bé khác trạc tuổi
nó, cũng nhếch nhác không kém, nhưng vì không ăn mày nên to khỏe hơn và cũng
lành lặn hơn. Thằng này đang chổng đít cố búng viên bi thủy tinh vào một lỗ nhỏ
trước mặt dưới bóng cây đa cụt đầu làng. Nó đang cáu vì búng mãi không vào đúng
lỗ. Đã thế, viên bi bị búng mạnh quá lăn đi đâu mất. Nó thất vọng định đứng dậy
bỏ về nhà ăn trưa thì bất chợt nhìn thấy thằng ăn mày khốn khổ. Nó thấy có cái
gì đấy vừa buồn cười vừa khó chịu ở vẻ ngoài và cách dò đường hai cộc một bước
của thằng kia. Đôi mắt trắng dã làm nó, vốn bực mình vì mất viên bi, càng thêm
khó chịu. Cứ như viên bi của nó đã bay vào nằm gọn trong hố mắt thằng kia. Một
ý nghĩ chợt lóe lên. Nhẹ và rón rén như con mèo săn chuột, nó bước lại gần
thằng ăn mày, bất chợt giật lấy chiếc gậy trúc rồi chạy nhanh về phía gốc đa.
Thằng bé ăn mày kêu
“ới ới”, hai cánh tay khẳng khiu bất lực huơ huơ phía trước. “Ai đó trả lại
chiếc gậy cho tôi đi! Trả lại đi, đừng đùa thế! Trả lại đi!...” Giọng nó yếu
lắm, chắc vì đói. Chờ mãi không thấy ai trả lại gậy, nó đành dò dẫm đi tiếp,
điệu bộ trông thật buồn cười, cứ như nó đang lấy thăng bằng đi trên dây thép
trong rạp xiếc. Bây giờ thay cho gõ gậy, nó thận trọng uớm thử chân hai lần
trước mỗi bước đi. Bằng cách ấy nó có thể không vấp ngã, nhưng khốn nỗi điều
quan trọng đối với nó là hướng đi chứ không phải đi như thế nào. Mà hướng nó
đang đi tới hiện giờ là chiếc giếng thơi sâu rộng đầy nước của làng Thượng.
Ngồi dưới gốc đa,
thằng chơi bi thích thú quan sát điều này.
Ở các làng khác, giếng
nước ăn luôn có bờ gạch bao quanh, là điều dễ hiểu, thế mà bao đời nay giếng
làng Thượng không hề có cái bờ gạch bao quanh ấy, lại sát đường đi nên nhiều
lần trẻ con và cả trâu bò rơi xuống đó, nhưng luôn vào lúc đông người nên được
vớt lên kịp. Khốn khổ thằng bé ăn mày. Nó cũng bị sẩy chân ngã xuống giếng và
đã chết, vì bờ giếng lát gạch trơn chẳng có gì để bấu víu, vì nó quá yếu do đói
ăn, vì xung quanh không có ai để vớt nó lên. Còn thằng bé chơi bi lếu láo kia
thì thấy vậy liền hoảng sợ bỏ chạy về nhà...
Chuyện này xảy ra đã
mấy chục năm nay, nhưng dân làng Thượng vẫn nhớ. Mà không chỉ có nhớ.
Phải ba ngày sau xác
thằng bé mới nổi lên. Người ta chôn nó ở nghĩa địa Đồng Chùa như chôn nhiều
người vô gia cư chết đói trước đấy. Khác chăng, mộ của nó nhỏ hơn một chút vì
nó là con nít. Có điều đáng ngạc nhiên là không hiểu sao cái mộ bé nhỏ ấy của
nó cứ mỗi ngày một lớn thêm, đến mức lấn át cả mộ cụ tổ họ Phạm thế lực nhất
trong làng. Thường người ta vui với những trường hợp như thế. Phát mả đồng
nghĩa với phát tài, phát lộc, nhưng đây lại là mả một thằng bé ăn mày, vậy thì
phát gì? Phát nghề ăn mày à? Các vị chức sắc trong làng không giấu nổi vẻ lo
lắng mơ hồ về một tai hoạ nào đó đang treo lơ lửng trên đầu. Cuối cùng cái tai
họa ấy đã đến.
Sau nhiều năm liền mất
mùa vì thiên tai, nhiều người làng Thượng xách bị đi ăn xin xứ người. Lúc đầu
người ta không chú ý mấy đến hiện tượng này vì xưa nay ăn mày chẳng hiếm. Nhưng
khi số lượng gia tăng một cách đáng lo ngại, người ta bắt đầu nghĩ đến cái mả
ăn mày phát kia. Sao các làng lân cận đói ăn chẳng kém mà chẳng mấy người làm
cái nghề nhục nhã ấy? Vậy chắc đây là đòn báo oán của thằng bé nọ. Để giảm bớt
tai hoạ, người ta xây mộ xi măng cho nó, bây giờ đã được gọi là “Ông”. Mấy năm
sau xây miếu hẳn hoi, có bàn thờ và được hương khói cẩn thận đúng dịp, đúng quy
cách. Dần dần, khi người ta thấy nghề ăn xin cũng không đến nỗi nào cả về thu
nhập lẫn quan niệm xã hội (người làng Thượng bỏ nhà đi ăn xin có giấy chứng
nhận đàng hoàng của xã, kèm theo chiếc dấu tròn đỏ chói). Tự lúc nào không
biết, thằng bé ăn mày tội nghiệp nghiễm nhiên trở thành thành hoàng của làng
Thượng, thay chỗ một vị tướng lừng danh thời Lê Mạc. Dần dần trong dân gian,
tên làng cũng được gọi khác - Làng ăn Mày!
*
“Chính tôi là thằng bé
chơi bi láo lếu ấy đấy, ông ạ”, ông M. thở dài nói.
Ông là hàng xóm của tôi.
Hàng xóm với nghĩa nhà cạnh nhau chứ giữa nghề viết lách của tôi và nghề buôn
sắt vụn phát đạt của ông chẳng có gì liên quan. Ông quý tôi vì tôi nhiều chữ.
Tôi chơi với ông vì ông nhiều tiền mà không hợm mình, và cả vì ông đồng ý để
chúng tôi luân phiên nhau trả tiền bia ở quán Gió Mới bên cầu Long Biên. Xưa
nay ông nổi tiếng hảo tâm, một nhà từ thiện đích thực. Có lẽ ông đã cúng tới
hàng chục, nếu không muốn nói hàng trăm triệu đồng cho mục đích cao cả ấy, mà
đối tượng bao giờ cũng là những đứa trẻ mù. Trường Nguyễn Đình Chiểu coi ông
như ân nhân. Một số trường khiếm thị ở các địa phương khác cũng vậy.
“Tất nhiên lúc ấy tôi
chẳng dám cho ai biết tôi đã làm thằng bé ăn mày phải chết, - ông nói tiếp sau
khi uống một hơi hết sạch vại bia. - Tôi hối hận và sợ lắm. May mà tháng sau bố
tôi, một cán bộ cỡ ở Tổng cục Thống kê, đưa cả nhà lên sống hẳn ở Hà Nội. Từ
bấy đến nay tôi chẳng một lần dám trở lại làng Thượng. Vì sao thì ông biết. Tuy
vậy, tôi biết hết mọi chuyện xảy ra ở làng. Tôi hỏi thật nhé: Ông có mê tín
không?”
“Không”, tôi đáp.
“Ông có tin vào báo
ân, báo oán không?”
“Tôi không tin. Sao
ông hỏi vậy? Ông tin à?”
Ông
M. trầm ngâm một chốc rồi nói, vẻ bần thần:
“Cả có mà cả không, nhưng
tôi cứ thấy nó thế nào ấy, nhất là thời gian gần đây. Có lẽ tôi già rồi đâm lẩn
thẩn. Nói ông đừng cười, đêm nào nằm ngủ tôi cũng nghe tiếng gõ chiếc gậy trúc
của thằng bé kia và tiếng kêu yếu ớt “Ai đó trả lại gậy cho tôi, đừng đùa”.
Tình hình có vẻ như ngày càng tồi tệ. Tôi chẳng biết phải tính sao đây. Ông
khuyên tôi làm gì bây giờ?”
Tôi ngồi im vì chẳng
biết trả lời thế nào.
“Hay ông đi khám bác
sĩ thần kinh, - cuối cùng tôi lên tiếng. - Thời này khối người căng thẳng như
ông. Tôi cũng chẳng hơn gì. Còn chuyện thằng bé thì chỉ do ông hay nghĩ đến nó
mà tưởng tượng ra thôi”, tôi an ủi, mặc dù tự biết ở đây có cái gì đó nghiêm
trọng và đáng sợ hơn nhiều.
Mấy hôm sau, trước lời
năn nỉ của ông M. và cũng vì tò mò, tôi nhận lời cùng đi với ông về làng
Thượng, làng ăn Mày.
Ông M. thắp hương, lầm
rầm khấn vái hồi lâu trước bàn thờ thành hoàng làng mình. Trước đấy tôi cũng
thắp một nén, gọi là tưởng nhớ vong linh thằng bé xấu số. Tôi tế nhị bỏ ra
ngoài để ông được tự nhiên sám hối, hi vọng sẽ thanh thản hơn đôi chút. Với đức
tính nhân từ vốn có và những việc làm từ thiện xưa nay, ông xứng đáng được
hưởng một tuổi già thanh thản.
Tối hôm ấy chúng tôi
ngủ lại nhà một người bà con xa của ông M.. Nhà ngói hẳn hoi, có tivi, có đài,
anh con trai chủ nhà còn có cả xe máy, xe Nhật chứ chẳng phải Tàu. Từ lâu dân
làng Thượng không còn xách bị đi ăn xin nhưng người ta vẫn thành kính thờ cúng
“ông tổ ăn mày” của làng. Ngôi mộ của “ông” đã phát càng phát thêm, nay gần
giống một cái gò nhỏ, trẻ con không dám cho trâu bò dẫm lên.
Nửa đêm, tôi đang ngủ
say sau một ngày đi đường vất vả thì bị ông M. túm tay áo giật mạnh. Ông hoảng
hốt thì thầm:
“Ông nhìn kìa. Ngài
đấy!”
“Ngài nào?” tôi ngạc
nhiên hỏi vì chẳng thấy gì.
“Thần hoàng làng
Thượng! Đứa bé ăn mày...”
Ông M. không nói hết
câu, liền sụp xuống đất, vái lạy liên hồi:
“Con xin ngài tha tội.
Dạ, con xin ngài tha tội. Con trót dại... Con chỉ đùa... Lúc ấy con còn nhỏ...
Con xin ngài tha tội! Con xin ngài...”
“Ông làm sao thế? -
tôi định đỡ ông dậy nhưng ông không chịu. - Tôi có thấy gì đâu. Ông vái lạy ai
đấy?”
Quả tôi không thấy gì
thật, nhưng ông M. vẫn tiếp tục cầu khẩn van xin. Dẫu chẳng tin ma quỷ và không
thuộc loại nhát gan, tôi vẫn thấy ớn lạnh khắp người.
Lát sau ông M. im lặng
ngồi rũ xuống sàn nhà, thở hổn hển:
“Ngài
đi rồi. Đi mà chẳng nói gì cả. Nghĩa là ngài không tha thứ cho tôi. Trời ơi,
tôi phải làm gì bây giờ?...”
Lúc này tôi mới lọ mọ
lại gần chiếc công tắc điện để bật đèn. Ông M. mặt cắt không còn hột máu. Ông
ngồi yên trong tư thế ấy rất lâu, cuối cùng, như để xác minh về sự hiện diện có
thật của “ngài”, ông quay sang tôi, chìa ra một viên bi thủy tinh bóng loáng
dưới ánh đèn.
“Ngài để lại đấy!”
*
Sau
đó có việc, tôi đi công tác xa ba tháng, lúc về thì được tin ông M. đã chết.
Người ta kể rằng ông hóa điên, đi đâu cũng ngửa tay xin ăn như thằng ăn mày. Bị
con cháu nhốt trong nhà và cả ở bệnh viện tâm thần, gặp ai ông cũng xin. Có
người cho hòn đá, ông rối rít cảm ơn, xúc động đến rơi nước mắt.
Một hôm, ông khôn khéo
trốn khỏi bệnh viện. Đến tối thì có người thấy ông nằm chết trong chiếc ao nhỏ
cạnh Cầu Chui Gia Lâm. Vì ao hầu như không có nước, chỉ toàn bùn, nên ông không
chìm. Ấy thế mà ông chết. Một điều lạ nữa là lúc chết ông đeo chiếc bị cói sát
nách, tay giữ chặt chiếc gậy trúc già trơn bóng, những thứ trước đấy chưa ai
nhìn thấy bao giờ.
“Một người nhân đức
nhường ấy mà phải chết thế thì thật tội nghiệp”, ông trưởng dân phố nơi ông M.
sống bùi ngùi nói khi người ta liệm ông vào quan tài.
Hà Nội, 26. 4. 2002
No comments:
Post a Comment